Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Paris, Về Lại Giữa Mùa Thu Nay
"Nhớ Người Đi, Thương Người Ở Lại", đó là tựa đề, hay nội dung của một bài nhạc, một bài thơ hay một bài phóng sự nào đó...mà tôi chắc chắn là sẽ có mặt trên nhiều báo chí điện tử ngày mai, hay ngày tới... ở rất nhiều nơi xa, gần với Paris. Nhưng hẳn sẽ còn lại như một kỷ niệm đẹp khó quên suốt nửa cuối mùa Thu nay, nơi tâm trí từng người trong số khoảng trên dưới hai trăm người có mặt tại cuộc họp mặt chiều hôm nay, do báo Nhân Ái và hội văn nghệ sỹ vùng Paris tổ chức đặc biệt .
Nhớ một người đi, nhạc sỹ Xuân Lôi! Xuân Lôi ra đi đã một năm, Như vừa một mùa của năm-tháng vội vã vẫn đến-đi, trong vòng tuần hoàn của thời gian vĩnh cửu (?). Hay như đã qua một mùa của lá vẫn tơi tả bay bay, trong cơn gió thoáng mạnh khắc Thu vời, cũng đều đặn tới-lui nơi mắt Đời trần-thế mãi không phai nhạt sắc màu lạ kỳ là quyến rũ những hồn thơ-nhạc mải lênh đênh (?!) Và cũng trọn một lần đóng-mở những khuông nhạc không kém phần "huyền thoại" của Xuân Lôi, một thời và mãi mãi không quên, trong lòng rất rất nhiều người Việt Nam chúng ta, dẫu đang nơi quê hương mình còn nhiều đớn đau, khắc khoải, hay đang bươn chải và trăn trở nơi xứ người hôm nay. Lần đầu tiên tôi được nghe khá đầy đủ những chi tiết nổi bật về cuộc đời Xuân Lôi, nghệ thuật và tâm tưởng. Điều làm tôi cảm mến, kính phục nhạc sỹ hơn cả, đó là tâm hồn đời nghệ sỹ và tấm lòng của ông ( qua phần giới thiệu của nhà văn Hồ Trường An và nhà thơ Đỗ Bình ) Nghệ thuật cũng phần nhiều về quê hương, với những mượt mà hương đồng, gió nội...Những hiền hòa sông nước mênh mang...Trong nắng chiều bay lượn khắp không gian...Lẫn trong nhiều âm hưởng ca dao, dân ca thật đẹp và có vui-buồn hòa trộn vào nhau thật ý nhị, sâu xa....Lần đầu tiên tôi nghe trọn nhiều ca khúc : "Nhạt Nắng", "Chồng Em Lính Mới", "Tiếng Đàn", "Chiều Bâng Khuâng"...Qua những giọng ca quen thuộc với người Việt tại vùng Paris: Bích Chiêu, Văn Tấn Phước, Tuyết Dung, Lệ Thanh ( lần đầu tiên tôi biết mặt, tuy nghe tiếng hát Lệ Thanh đã nhiều lắm ), Trần Anh Kiệt, Thu Hồng, Giao Phương...( cũng là lần đầu tiên tôi biết các ca sỹ này ). Nhạc sỹ Võ Thu Chánh Tâm ngồi cạnh tôi thỉnh thoảng lại đệm theo "version" của anh khi nghe một bài hát rất quen thuộc nào đó của Xuân Lôi ( tôi không nhớ tên bài hát ) "người từ phương Bắc vô phương Nam, ghé qua nhà Tâm...Tâm thương liền...!" với giọng hát hơi hướng nhạc techno, nhưng trong trẻo, vô tư, hồn nhiên, xong hơi hài hước của anh thật buồn cười và không thể không cảm mến. Quả tình Xuân Lôi rất tài hoa!! Hơn nữa, qua người bạn thơ-nhạc rất quý-trọng của tôi (!!), tôi đã từng được biết Xuân Lôi còn là nhạc công, ông biết xử dụng nhiều loại nhạc cụ rất điêu luyện. Tôi tiếc là chưa từng được nghe chính Xuân Lôi biểu diễn lần nào, nhưng thật may mắn cho tôi là qua chính nhạc sỹ Xuân Giao, con trai của Xuân Lôi, mà tôi đã được chứng kiến bởi thính giác không kém phần nhạy cảm với "âm thanh" của mình: thật vậy, Xuân Lôi rất nhiều tài năng, tài hoa được gởi lại ở một tài hoa khác, nối dõi dòng họ-tên tài hoa - Xuân Lôi + Xuân Giao!! (( Chính là nhờ qua mười nhạc phẩm của nhạc sỹ Cát Tưởng đã được Xuân Giao thực hiện phần hòa âm - Tuyển Tập Nhạc "Vòm Trời Nào Cho Em"- Cát Tưởng, Paris- 2005 )). Và hôm nay, trong ngày tưởng niệm một năm Xuân Lôi qua đời, ban nhạc có Xuân Giao tham dự phần khá quan trọng ( synthétiseur, kèn saxophone ) - mà tôi đã khẳng định những tài hoa này luôn sống mãi. Tôi đã chụp hình hầu hết các ca sỹ trình bày các bản nhạc tên-tuổi của Xuân Lôi và có một photo cố ý ghi lại hình ảnh của Xuân Giao đang say sưa bên đàn để làm món quà bất ngờ cho ít nhất hai người (??). Tấm lòng Xuân Lôi rộng lắm, với người và cũng với quê hương. Tôi nghe một câu chuyện thật cảm động, khi anh Đỗ Bình kể lại. Đó là chuyện lần kia nhóm văn sỹ tổ chức văn nghệ ở một nhà người bạn yêu mến thơ-nhạc, chủ nhà có việc phải đi đâu vắng mặt và giao nhà cho ban văn nghệ. Hôm đó trời trở lạnh bất ngờ. Ban văn nghệ được chủ nhà dành cho xử dụng căn nhà phía ngoài sân. Đỗ Bình hơi lo lắng cho sức khỏe của bác Xuân Lôi và mọi người tham dự và anh nghĩ có thể chuyển vào nhà phía trong ( nếu tôi không nhầm thì có nghĩa ban văn nghệ đã từng tổ chức ở nhà phía trong rồi ?). Nhưng nhạc sỹ Xuân Lôi nói ngay: người ta tốt với mình đến thế này, cho mượn chỗ để mình sinh hoạt văn nghệ, thế là tốt lắm rồi và vui vẻ ca nhạc đi chớ, lo lắng làm gì chuyện nhà ngoài hơi lạnh với nhà trong sẽ nóng hơn (?) Rồi suốt buổi đó nhạc sỹ Xuân Lôi đã đàn nhạc rất vui, vô tư lắm. Võ Thu Chánh Tâm và tôi nghe vậy nói với nhau: đó mới là người nghệ sỹ thứ thiệt, sống bằng tâm-hồn vô biên, và tấm lòng thật chân thành, giản dị, chẳng câu nệ những nhỏ nhặt ở đời về những vấn đề vật chất nặng nề kia? Xuân Lôi là người nghệ sỹ rất hòa đồng với quần chúng, nhạc sỹ sống giữa bạn bè thân, sơ đều rất chân tình và rộng mở. Vào những năm cuối đời, ông thường tham gia văn nghệ trong một số nhóm bạn kể cả thuộc giới văn nghệ sỹ hay đời thường và ở đâu tôi nghe nói Xuân Lôi rất giản dị, vui vẻ, sôi nổi. Khi Nhạc sỹ qua đời có nhiều người thường quen tham gia các nhóm sinh hoạt văn nghệ trước đây có Xuân Lôi, đã cảm thấy buồn bã và đã thôi không lai vãng tới các buổi văn nghệ vắng Xuân Lôi. Với quê hương, nhạc sỹ Xuân Lôi là người luôn trăn trở và hoài vọng về một tương lai sáng láng cho ngày mai. Nhạc sỹ vẫn không hề ngơi nghỉ cho công cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ thực sự của Việt Nam suốt từ khi rời khỏi quê nhà, cho tới ngày nhắm mắt. Phải, có những con người dù có rời khỏi cõi sống hiện thực này thật, nhưng rõ ràng đó chỉ là sự ra đi của thân xác, như cát bụi lại trở về cát bụi. Nhưng chắc chắn tâm hồn, tấm lòng của họ sẽ vẫn còn ở lại với cõi trần: ít, nhiều hay xa, gần...Điều đó tùy thuộc vào nơi tâm hồn và tấm lòng của những người đang con sống và những con người sẽ nối tiếp ngày mai? Tùy thuộc những mối liên quan giữa con người với con người khi ta con đang sống: qua sự Cho và Nhận, mà đang đối xử, hành xử, đang đối thoại, hay độc thoại...Mà chữ Tình Người được coi trọng và nâng gượng!? Hơn nữa, với người nghệ sỹ, như Xuân Lôi chẳng hạn, cuộc đời của nhạc sỹ sẽ còn được nối tiếp và trân trọng nhờ những giá trị nghệ thuật của ông, mà nơi tinh thần và tâm hồn của tất cả những người đã, đang và sẽ được nghe, cảm, thương mến các sáng tác của Xuân Lôi - họ sẽ ghi nhận và làm sự-sống này được kéo dài, dưới hình thức khác. Và hẳn vẫn không ngoài nơi tấm lòng và tâm hồn của con người với con người và con người với nghệ thuật. Tôi nghiêng mình kính trọng và cảm mến nhạc sỹ Xuân Lôi với tấm lòng con người và với tâm hồn người nghệ sỹ. Tôi cũng đồng cảm với nỗi đau dân tộc hôm nay của Xuân Lôi đang gởi lại phần của mình, nơi tất cả những con người không thờ ơ với vận nước non, sông núi Việt Nam . Thương Người Ở Lại, đó là Nguyễn Thụy Long, Đoàn Yên Linh, hai nhà văn. Tôi chỉ được biết các anh với một vài chi tiết tóm tắt, qua chương trình giới thiệu về lần sinh hoạt văn nghệ sỹ lần này. Biết những đọa đày, gian khó và kiềm chế mà các anh đã, đang và sẽ còn phải chịu đựng bên quê nhà. Điều này đã không còn là chuyện lạ lùng cho tất cả chúng ta. Nhưng cũng là một người cầm bút như các anh, tôi hiểu và cảm thấu được đầy đủ những nỗi khốn khổ của các anh. Như con người còn giữ được đôi cánh tự do về tâm hồn mà Thượng Đế ban tặng trong kiếp này, để vẫy vùng nơi ý tưởng và trí tưởng của mình qua văn thơ nghệ thuật...Ấy mà khổ thay lại bị chế độ độc tài và đảng trị của Việt Nam hiện thời tìm mọi cách nhốt các anh vào tù ngục hữu hình và vô hình. Tôi chỉ biết cảm thông chia sẻ những gì tôi còn có thể chia sẻ cùng các anh trong công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ thực sự của quê hương mình. Mong cho đất nước mình ngày mai sẽ có một tương lai tươi sáng, mọi người dân được ấm no và hạnh phúc trong thanh bình đúng nghĩa nhất. Phần hai này của chương trình văn nghệ, một số ca khúc đã có tiếng của nhạc sỹ Trịnh Hưng, nhạc sỹ Lê Mộng Nguyên và nhạc sỹ Đan Trường làm chủ trì sân khấu và lòng bạn hữu. Nhạc sỹ Trịnh Hưng vẫn với mũ phớt trên đầu, không thay đổi mấy về nụ cười nét mặt, giọng nói ( Tôi mới nói chuyện qua điện thoại với anh cách đây chừng hai tuần lễ ). Anh là người nghệ sỹ đàn anh mà tôi cảm thấy dễ gần hơn cả, anh nói chuyện rất cởi mở, chân tình và bình dị. Tôi có lẽ là một trong những người được nghe anh kể cho nghe nhiều chuyện đời nghệ sỹ của anh, nhiều chuyện cười bể bụng, mà cũng không ít chuyện làm rơi nước mắt. Nghe chuyện anh, tôi hay nói đùa "ngàn lẻ một - Trịnh Hưng", anh chỉ cười hiền lành. Nhạc sỹ Lê Mộng Nguyên, mà khi nhìn lại nhạc sỹ tôi không khỏi nhớ đến câu nói của cô em bé nhỏ Đan Thanh: "mode tóc bạch kim" ( khi gặp Đan Thanh lần kia mà nhắc đến chuyện tóc bạc của chúng tôi ). Nhưng nhạc sỹ lúc nào cũng có sẵn trên gương mặt nụ cười, mà tôi luôn ngạc nhiên, cũng cảm mến và đặt tên nụ cười ấy là "hào sảng và nghệ-sỹ" cho riêng anh. Có lẽ bởi vậy, mà nhạc sỹ mãi trẻ trung và vui vẻ giữa bất kể cuộc họp mặt văn nghệ nào ( như tôi đã từng có mặt trước giờ, tuy chỉ mới có đúng bốn lần ) Rất tiếc tôi không có thời gian để ngồi lại tham dự trọn vẹn phần hai này. Nhưng qua người bạn thân là "công tử Bến Tre" và cũng là "Vệ Sỹ Vô Danh" Võ Hùng Anh, tôi hỏi được các chi tiết tôi muốn biết khá tỉ mỉ. Vì Võ Hùng Anh luôn là người đến sớm mà về trễ nhất của mọi cuộc họp mặt. Anh và tôi cùng đồng ý vế ý nghĩ "chia sẻ trọn vẹn". Bởi có những niềm vui hay hạnh phúc bất ngờ ở một giây phút nào đó mà mình hoàn toàn không thể định biết trước? Đã đến để vui văn nghệ thì phải xem và nghe từ đầu chí cuối, thậm chí nếu cùng được tham gia khuân chuyển máy móc kỹ thuật cùng ban nhạc, thì anh cho là một hãnh diện, không hề phàn nàn. Đi đến nơi nào mà có "bóng vía" của người bạn này là tôi an tâm nhất, chả phải lo lắng gì cả! Tôi biết tất cả cùng kết thúc rất tốt đẹp! Thật mừng, vui! Về Lại Niềm Thương-Nhớ Lâu lắm rồi, đã hơn hai năm, tôi mới lại xuất hiện giữa làng văn nghệ sỹ Paris, dù vẫn chỉ như một người đàn em còn bỡ ngỡ nhiều trước mắt của lớp người đàn anh đi trước về thời gian, và các sáng tác. Tôi không khỏi hồi hộp, bởi tôi biết ở đó tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ lại những người bạn lớn tuổi rất quý mến của tôi. Quả tình, ngạc nhiên đầu tiên của tôi đó là Thúy Hằng ngồi bàn tiếp tân, ghi danh sách...Kế tiếp là anh Huỳnh Tâm, người tôi quen khá sớm khi tôi đến với thơ-văn, do một tình cờ, tôi có trao đổi với anh đôi lần qua email về chuyện Thơ. Sau này cũng do tình cờ biết anh chính là Huỳnh Tâm của Nhân Ái, nơi nhạc sỹ Cát Tưởng, người mà tôi ái mộ tài âm nhạc và thơ ca, được giúp đỡ để thực hiện tác phẩm đầu tay của mình. Tôi cũng cảm động khi anh là người đã nhận diện tôi, trước khi tôi phải đi hỏi mọi người xem ai là anh Huỳnh Tâm? Bất ngờ hơn cả với tôi khi còn đang bơ vơ quanh bàn tiếp tân, vì thấy ai cũng bận rộn...Kìa, có ai đang chụp hình bàn tiếp tân ngay cạnh tôi đó? Tôi phát hiện ra "một nửa" đồng tác giả Bình Huyên, người thầy kính mến của tôi thuở mới bước vào đời thơ-văn. Thật là mừng rỡ khôn xiết! Tôi chạy lại chào thầy rồi như thường lệ, tôi hỏi ngay: "chị Huyên đâu anh?". Làm gì có chuyện anh Bình đi đâu mà không có chị Huyên kế cận? Cặp "tài tử thơ-văn" này đã nổi tiếng trong làng văn nghệ sỹ Paris và nhiều nơi khác, kể cả nhiều nơi khắp các Châu lục, nơi nào có văn nghệ sỹ và báo chí Việt Nam hải ngoại, với tên bút hiệu không như thường lệ đơn lẻ hay nối gạch nào đó, mà là "đồng tác giả Bình Huyên" ( mọi thời gian và mọi nơi chốn?). Anh Bình nói với tôi, chị Huyên đang ngồi bàn số 8, nhưng anh lại đưa tay chỉ cho tôi về phía khác của nhà hàng China Town . Đấy chính là nguyên do dẫn tôi đến một chuyện tức cười kế liền sau đó. Khi đã "vất vả" điều trần với ban tổ chức mà có bàn cho đủ bốn người cùng nhóm với tôi ( thầy Võ Thu Tịnh, bà Hồ Phi Long ( một người bạn của nhạc sỹ Xuân Lôi ), nhạc sỹ Võ Thu Chánh Tâm ). Tôi vội vã đứng lên đi tìm chị Huyên. Tôi chạy ra gian ngoài của nhà hàng, bàn số 8? Rõ ràng trước mắt tôi đó thôi, nhưng trong số năm người đang ngồi ung dung ăn uống kia, tôi không thể nào tìm ra "một nửa" khác của "thầy" tôi. Tôi ngẫm nghĩ: chả lẽ chị Huyên thay đổi đến thế ư, nên không có ai đang trước mắt tôi kia có thể là chị Huyên cả? Ờ thì hai năm cũng nhiều đấy, nhưng đáng gì so với thời gian luôn vút đi như gió thổi, mưa bay...!! Đành hỏi người chạy-bàn đi qua để xác định lại bàn số 8 ( tỉ dụ là bàn số 6 hay 9, thì còn bảo tôi loạn thị ??). Người chạy-bàn chỉ tôi xong rồi nhìn tôi có lẽ quá thắc mắc (??) nhưng ngay sau vài tích tắc ( hẳn suy tính trong đầu rất nhanh, qua nét mặt ngu ngơ của tôi hay gì đó ?) mà anh này nói ngay: bàn cô tìm hẳn là trong kia, nơi tổ chức gì đó? Tôi lật đật quay vào, lại anh Huỳnh Tâm chạm mặt tôi, tôi mừng quá, vội than van: bàn số 8 nơi đâu anh Tâm? Anh chỉ cho tôi hướng bàn số 8! Chúa ơi! ngay kế bàn tôi ngồi đó thôi. Tôi len chân giữa các bàn, chạy ào đến để tìm cho ra chị Huyên, lạ chưa chị ngồi ngay kế tôi nữa chứ, nghĩa là ngay sau lưng tôi, phía tay mặt!! Tôi ở trước mặt chị, khẽ cúi xuống và hỏi nhỏ: chị Huyên nhớ ai đây không? Học trò của chị, Hoài Phương nè!! Chị hơi sững người rồi kêu lên: Hoài Phương phải không? Oh!! Mừng quá!! Trời ơi lâu quá rồi? Mà nếu gặp, không nhìn kỹ chắc chắn là chị không thể nhận ra Hoài Phương đâu, em khác quá !! Vừa lúc đó anh Bình vô, anh nói nhỏ nhẹ : có lẽ tại Hoài Phương để tóc dài hơn ngày xưa, nên đã khác lạ đi. Chị Huyên nói ngay với tôi : từ bây giờ gọi anh-chị đi nha, đừng "thầy", "cô" gì nữa, cho thân mật! Tôi cứ ngồi một lát lại chạy sang ghé cạnh chị Huyên để tâm sự thơ-văn, bài vở và đôi dòng nho nhỏ về cuộc-đời. Anh Huyên, như rất quen thuộc mỗi khi tôi thấy anh trong các cuộc văn nghệ, hội họp: anh ghi chép liên tục vào xấp giấy nhỏ và chụp hình nhiều lắm. Gặp được anh chị là điều tôi mong nhiều hơn cả kể từ sau lần cuối cùng, dưng không đứt đoạn, ngay cả qua trao đổi email. Nhưng sâu thẳm ý nghĩ của tôi, tôi biết không bao giờ tôi làm mất lòng tin và nhiều hi vọng tốt lành nơi anh chị về rất nhiều khía cạnh Đời, Đạo và Nghệ Thuật. Hơn ai hết, anh-chị Bình Huyên và tôi đều hiểu và cảm thông với nhau về nghiệp thơ-văn của mình. Còn một người nữa tôi phải tìm gặp, nếu không niềm vui của tôi hôm nay kém trọn vẹn đâu đó...!? Tôi nhìn mà chẳng thấy gì cả. Đành hỏi thăm thêm lần nữa. Ah! Kia rồi!! Tôi lại len lỏi qua dàn quay phim để ngay giữa lối đi giữa hai hàng bàn ăn, chật chội...Ai đây chị Cầm? Oh! Hoài Phương!! Chị Minh Cầm vẫn tươi như đóa hoa rất thơ của xứ Huế. Nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt quá hồn hậu, dễ thương...như muôn thuở không đổi thay, dù thời gian có đến đi vội vã, chị vẫn trẻ, đẹp kiểu riêng của chị. Không riêng gì Hoài Phương quá lãng mạn với thơ-thơ mà đã kéo chị vào hồn của rất nhiều bài thơ nghe khá là tình-tự một thời không ngơi nghỉ, mà đến cả bầu trời một nửa non, nửa già dễ "chết" vì nét dịu hiền của chị. Được cái anh Liên luôn cười rất to ( con trai út tôi, nó đặt tên bác Liên "người có tiếng cười của một trăm người khác") và rất vui giữa đám bè bạn lớn tuổi hay nhỏ tuổi của chị Cầm, anh chẳng cần phải ghen ghét hay dữ dằn để "canh" chị. Tôi khi nào cũng vui như hội nếu ở gần chị Cầm, nhưng đảm bảo người làm tôi sinh ra thơ tặng chị hay tặng anh-chị nhiều ngày ấy chính là những câu nói hay câu chuyện rất hóm hỉnh hay dễ thương lắm của anh Liên đó mới là lạ kia! Hình như vẫn theo một cách quá quen thuộc, nơi nào cũng thấy bộ ba Huế bên nhau: Minh Cầm, Đình Liên và Lê Mộng Nguyên! Thế nên tôi sau khi chụp riêng với chị Cầm ba photos, thì tôi chụp luôn hai kiểu liền ba trái tim Huế kia. Phải nói đó là hai tấm hình tôi ưng nhất với con mắt nghệ thuật và tình bạn, như tôi ghi chú dưới photos gởi lại tặng nhạc sỹ Lê Mộng Nguyên. Thế mà khi anh gởi thư lại cám ơn thì anh lại thêm vào: hình rất đẹp, nhất là lúc thi sĩ Hoài Phương chụp cùng ca sĩ Minh Cầm!! Thiệt tình tôi chỉ biết cười thật khốn khổ !! Xong điều làm tôi hài lòng và mãn nguyện hơn cả cho lần văn nghệ này, đó là khi tôi thấy "thầy" Võ Thu Tịnh sau khi đi chào một số bạn bè, người quen của thầy trở về chỗ ngồi cạnh tôi, thầy rưng rưng và bảo: bác rất cám ơn con đã "cho" bác cơ hội gặp lại mọi người, sau hơn một năm bác vắng mặt ( chỉ khi tôi mời thầy mới chịu đồng ý đi hôm nay ). Thầy bảo : bác thấy buồn vì là mừng gặp lại bạn bè! Chỉ có riêng một mình tôi hiểu thầy muốn nói gì trong cảm nghĩ của mình. Tôi kính trọng và thương mến thầy về mọi khía cạnh của cuộc đời: tình người, nghĩa đạo và ý thơ-văn. Trên đường trở về nhà, nhìn lên bầu trời đã sắp tối mà còn giăng đầy những ráng mây tìm hồng rất nên thơ! Tôi chợt nghĩ đến việc ghi lại một vài điều gì còn đầy ắp trong tôi cho lần gặp gỡ này, để được thêm vấn vương mãi trong chuỗi ngày kế tiếp!?
25-11-2007 Việt Hoài Phương Hoàng Thy Mai Thảo
|