Cái link PC cho không có phim Notre Dame de Paris mà Huệ muốn PC ơi. Phim này do Pháp và Đông Đức hợp tác thì đúng hơn, có lẽ không có ngoài thị trường DVD Mỹ. Cảm ơn PC.
Nói tiếp chuyện phim ảnh. Sau năm 1975, những người rời Việt Nam sớm có cái may mắn khác, những người ở lại cũng có những may mắn khác, không chờ mà đến. Huệ có dịp được xem những phim do những nước như Nga, Tiệp Khắc, Đông Đức, Lỗ Ma Ni, Ba Lan, Hung Gia Lợi sản xuất. Dễ dầu gì mà xem được những phim này, phải không? Nhiều phim cũng hay lắm, nhiều phim rất xuất sắc. Ban đầu, Huệ cũng ngại không muốn xem vì những tựa phim nghe rất chói tai, vì dịch thẳng cái đùng, thô quê, mộc mạc, chẳng hạn như Thử Một Lần Thấy Được, Anh Nói Em Nghe Nhé, Người Nông Dân Nổi Giận, Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống, Chó Bim Trắng Tai Đen, Ngôi Sao Hạnh Phúc Tuyệt Vời...
Huệ bắt đầu tò mò, đi xem phim Ngôi Sao Hạnh Phúc Tuyệt Vời ở rạp. Phim này do Nga sản xuất. Chuyện phim kể về ba hoàn cảnh của ba người tử tội may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thân. Khi vào phim, màn ảnh mở rộng với cảnh trời xuân tươi đẹp, bãi cỏ non xanh tận chân trời, chim chóc líu lo, ríu rít trên cành. Màn ảnh từ từ dẫn đến ba cái giàn giảo mà quan quân triều đình đang sửa soạn để treo cổ ba người bị kết án tử hình vì đã âm mưu chống lại Nga Hoàng (dĩ nhiên những người chống Nga Hoàng là những người anh hùng mà nước Nga xã hội chủ nghĩa quý trọng). Ba người này gồm có một sĩ quan, một nhà quý tộc và một quan của triều đình, Cả ba đều còn trẻ, tuổi thanh xuân lẽ ra tươi đẹp như khung trời trước mặt. Ba người được dẫn ra, đặt trên giàn giảo, rồi được trùm kín đầu, trước khi được tròng dây thòng lọng vào cổ. Không hiểu làm sao, khi cái giàn dưới chân họ được rút đi, cả ba thân hình tử tội bắt đầu treo lủng lẳng trong không gian thì cả ba cái thòng lọng đứt ngay cái phựt. Ba người tử tội rơi phịch xuống và cả ba đều còn hơi thở. Theo luật triều đình Nga, tội tử hình không xử tử hai lần, những người này xem như được tự nhiên giảm án. Ba người liền bị đầy đi Tây Bá Lợi Á (Siberia), thay cho án tử hình là án khổ sai chung thân.
Đó là đoạn dẫn chuyện. Tiếp đến là chuyện ba người vợ trẻ đi tìm chồng và đi xin giảm án cho chồng. Bây giờ thì Huệ không nhớ những chi tiết nữa. Huệ chỉ nhớ Siberia xa thật là xa, cách biệt phần còn lại của nước Nga thăm thẳm. Siberia không phải rừng thiêng nước độc, nhưng lạnh lẽo, băng giá quanh năm, có lẽ chỉ nên dùng làm nơi lưu đày để cách ly người tù với thế giới bên ngoài một cách hữu hiệu nhất. Siberia, một nơi không còn hy vọng, một nơi không ai có thể thông tin, liên lạc, một nơi tài nguyên trốn dưới đất. Huệ cũng không nhớ người vợ nào đã vận động ai, những cảnh van nài, tranh luận, Huệ quên mất hết. Huệ chỉ nhớ vợ của vị Bá Tước cuối cùng cũng lặn lội tìm đến được chân tường gỗ của trại lưu đày. Trại nằm chơ vơ trên tuyết trắng ngút ngàn, bao quanh là bức tường gỗ cao như Vạn Lý Trường Thành, lạnh trơ, thách thức. Người vợ van nài những người gác cổng để được gặp những viên chức, sĩ quan quản trại. Những người này khuyên nàng nên trở về, không nên tìm gặp làm chi những người sống như đã chết, mà những người này khi đã vào đây thì chẳng còn ai phân biệt để biết họ là ai và biết đâu mà tìm. Họ đâu rồi? Không thấy một bóng người nào cả! Nhưng người thiếu phụ nhất định không bỏ cuộc. Nàng vẫn nhất định xin được tự mình đi tìm. Người ta đưa nàng đến một cửa xuồng lòng hầm mỏ và cho nàng một ngọn đuốc. Hãy đi, chúc bà may mắn, ở dưới đó chỉ có những người tù khổ sai chung thân đã mất tên.
Nước mắt Huệ đã ướt tràn ngực áo, nhưng hẵng nán ngồi xem cho tới đâu, biết đâu gặp được phảng phất bóng hình chàng. Người vợ trẻ cầm ngọn đuốc mò mẫm bước vào hầm mỏ, đi tìm, đi tìm. Nàng giơ ngọn đuốc lên cao, nàng soi ngọn đuốc xuống thấp. Ngõ này, ngách kia, theo tiếng búa đập trong mỏ, nàng cứ thế bước về. Xa xa có một đám người rồi kia. Nàng bước tới, rọi ánh đuốc vào đám người tả tơi, rách rưới, râu tóc và mặt mũi không còn phân biệt, có lẽ chỉ còn những đôi mắt. Không phải. Nàng lắc đầu, nuốt nước mắt vào trong. Đám người ngơ ngác, hoang mang, không hiểu vị phu nhân nào đến viếng thăm họ. Những nhát búa ngừng lại, ngỡ ngàng. Những đôi mắt trông theo. không lời nào tả nổi. Thế rồi nàng đến chỗ cuối cùng của hầm mỏ. Nàng giơ ngọn đuốc lên, soi rọi, lo lắng, sợ sệt, nhưng vẫn không ngả lòng. Người này? Những hình hài này còn gọi là người chăng? Không phải. Người này? Chao ôi là xa lạ! Không phải. Người này? Người nào cũng giống người nào, những người tiền sử. Cũng không phải! Nàng chỉ muốn khóc òa.
Nhưng có một đôi mắt từ xa đã sững sờ. Khoảng cách thu ngắn dần, thu ngắn. Đôi mắt nửa tin, đôi mắt nửa ngờ, chôn trong đôi mắt của nàng, trong ánh lửa lung linh, lúc tỏ lúc mở. Hai đôi mắt chạm vào nhau. Nàng nhìn trân. Nàng muốn chạy lại, nhưng hình như không phải. Ánh mắt thật thân quen, thật ấm áp, thật hạnh phúc, nhưng hình như không phải. Có thể nào chăng...Ngôi sao hạnh phúc tuyệt vời...
Huệ chạy ra khỏi rạp và không bao giờ dám trở lại xem đoạn cuối của cuốn phim.
(mai kể tiếp phim khác)