Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
NÀNG DÂU ỐI A
Khi Tuấn Khanh ngỏ lời ly dị với Thùy Hương, nàng thấy đất trời như sụp đổ. Đi hát chưa được hai năm, nàng đã phải rời bỏ sân khấu để ở nhà chăm sóc cho hai đứa con nhỏ, cũng là lúc sự nghiệp của Tuấn Khanh lên vi vút. Ngoài ca hát, chàng còn được mời đóng kịch, đóng quảng cáo, rồi đóng phim vì Tuấn Khanh có ngoại hình khá điển trai nên dễ dàng nổi tiếng như vậy. Lịch trình đi trình diễn của chàng lúc nào cũng dầy đặc trong khi lịch trình của Thùy Hương càng lúc càng rời rạc, rời rạc rồi dứt hẳn. Lúc đầu, Thùy Hương cũng không buồn lắm vì nàng tự biết giọng hát của nàng cũng không có gì là đặc sắc, nàng chỉ được khuôn mặt tự nhiên, nhí nhảnh, trẻ trung, tươi mát nên được một trung tâm ca nhạc lăng xê lên trong một khoảng thời gian. Trong lúc đi hát, nàng và Tuấn Khanh quen nhau, hát cặp với nhau, rồi yêu nhau, rồi lấy nhau như bao nhiêu cặp trai gái bình thường khác. Ngay sau khi đám cưới, Thùy Hương mang thai, đứa thứ nhất rồi đứa thứ hai, nên thân hình nàng không còn tươi mát, trẻ trung như ngày xưa nữa. Mới đầu Tuấn Khanh còn an ủi nàng, bảo chỉ cần chàng đi hát thôi cũng đủ nuôi cả gia đình rồi, Thùy Hương không cần phải lo đi hát nữa. Chàng nói nàng chỉ cần ở nhà chăm sóc cho con, chàng sẽ đi làm để chu cấp cho nàng và con đầy đủ. Thế nhưng, lịch trình trình diễn của Tuấn Khanh càng ngày càng đặc kín, tiếng tăm càng ngày càng lừng lẫy, đi đến đâu cũng có bao nhiêu cô gái chạy theo, Tuấn Khanh có muốn chung thủy với Thùy Hương cũng không thể chung thủy được nữa. Huống gì, Thùy Hương đã có hai con, nhan sắc đã xuống, thời gian đã tàn phá vẻ trẻ trung của nàng và vì bận bịu với con cái, nàng không còn thời gian o bế mình như trước kia nữa. Điều đó đã làm Tuấn Khanh thấy chán và vì thế chàng đã ngoại tình.
Trong một lần về Việt Nam ca hát, Tuấn Khanh đã bị một cô gái, con cán bộ nhà giàu mồi chài, trả tiền cho mọi chi phí cho những lần trình diễn của chàng, trả tiền để lăng xê chàng lên, ngược lại chàng phải bảo lãnh nàng ra nước ngoài. Thế là, Tuấn Khanh về lại Mỹ đòi ly dị với Thùy Hương, đã không hứa thì thôi, người quân tử là người phải giữ lời hứa, Tuấn Khanh nói với Thùy Hương như vậy và bảo làm gì đi nữa chàng vẫn yêu nàng, thương con. Nước mắt rơi, Thùy Hương vật vã, gia đình Tuấn Khanh cũng bênh Thùy Hương, chửi rủa Tuấn Khanh và cả cô bồ mới của chàng. Sau nhiều lần cãi vã, sau nhiều lần khuyên can của các cố vấn tâm lý cũng như của gia đình và bạn bè, Thùy Hương đồng ý ký giấy ly dị. Nhà cửa chia đôi, tài sản chia đôi, Thùy Hương và hai con được quyền ở trong căn nhà lớn nhưng lòng nàng vẫn quặn đau, tâm trạng nàng vẫn u uất. Những ngày tháng dài lê thê bắt đầu, những đêm khuya lẻ loi, lặng lẽ kéo dài, tiếng cười đùa của hai đứa trẻ ban ngày cũng vắng đi, Thùy Hương để mặc cho nước mắt rơi, oán hận kẻ phản bội, căm thù tình địch chưa thấy mặt của mình, mọi người nói xấu sau lưng nàng rằng chính những tâm trạng đó đã làm nàng xấu đi.
Nắng đã nhạt, mưa đã phai, tình cảm của những cặp tình nhân cũng nhạt đi, không còn bồng bột nhưng buổi ban đầu mới quen nhau nữa. Sau một thời gian dài, Thùy Hương chợt cảm thấy con người của Tuấn Khanh không đáng cho nàng đau khổ như vậy, nên nàng quyết định đứng dậy, tự thay đổi mình, tự đổi thành con người khác để làm lại cuộc đời. Hai đứa con trở thành niềm vui của nàng. Nàng chở con đi học, đi tham gia những sinh hoạt trong cộng đồng và rồi nàng dẫn con đến chùa cho nó tham gia gia đình Phật tử, còn nàng thì ra sức làm những việc thiện nguyện trong chùa, thứ nhất để tìm quên, thứ hai là để học hỏi thêm tính vị tha, thương người của những người chung quanh. Thùy Hương cảm thấy nàng trầm tĩnh hẳn đi, ít giận hờn nóng giận với con như lúc vừa mới xảy ra chuyện ly dị. Được nghe và thấy cảnh khổ của những người khác, nàng cảm thấy nàng hãy còn may mắn hơn rất nhiều và dần dần quên những oán hận trong lòng nàng, và rồi Thùy Hương gặp Tân, chàng thường đưa mẹ đến chùa nên hai người gặp nhau.
Cùng sinh hoạt trong gia đình Phật tử, cùng nhau học những khóa tu ở chùa, bạn bè bình thường gặp nhau hoài cũng mến, huống gì Thùy Hương đang cô đơn lại cũng có chút cảm tình với Tân ngay ở lần đầu gặp gỡ. Tân có giọng hát trầm, buồn, sau một thời gian hát chung với các bạn bè khác trong gia đình Phật tử, chàng và nàng lại nhanh chóng trở thành cặp song ca nổi tiếng của chùa. Hai đứa con của Thùy Hương thiếu tình thương của cha, được chú Tân săn sóc, cưng chiều nên càng ngày càng mến chú Tân. Thùy Hương thì như một con chim đã đậu phải cành mềm nên lúc nào cũng e dè, sợ sệt, không biết nên tính tới trong chuyện tình cảm mới này như thế nào. Trong khi đó Tân là trai tân mới lớn, chưa lần nào trải qua chuyện tình cảm với bất cứ ai, lần này có cảm tình với Thùy Hương, cái cảm giác chàng chưa bao giờ có nên chàng chỉ muốn làm đám cưới với Thùy Hương ngay, để chàng được chính thức bảo bọc nàng và hai đứa nhỏ tội nghiệp. Thùy Hương lo lắng trước kia Tuấn Khanh đã nhờ giọng hát nên trở thành nổi tiếng và đã phụ nàng, biết đâu lần này với Tân cũng vậy? Có lẽ nàng nên thủ phận người đàn bà đã có gia đình một lần mà đừng dính líu với Tân nữa, cứ thẳng thắn từ chối tình cảm của chàng thế là xong. Tân thì vẫn kiên trì, mỗi lần đi làm về, chàng thường ghé lại nhà Thùy Hương chơi, nói chuyện và giúp đỡ nàng những việc của đàn ông mà Thùy Hương không làm được. Mẹ Tân, bà Hằng, bắt đầu thắc mắc về cậu con trai một, nó đi đâu mà dạo này thấy ít về nhà ăn cơm? Bà hỏi thì Tân không nói nhưng những người đi chùa khác ai cũng biết và báo cho bà hay. Bà bắt đầu đi ra đi vô, chửi chó, mắng mèo mỗi khi nhìn thấy Tân nói chuyện trên điện thoại với Thùy Hương. Có lần bà nói thẳng:
- Mày hết người cặp rồi hay sao mà đi với con đó? Nó đã qua một đời chồng lại có hai đứa con, lại còn già hơn mày. Mày không xấu lại chẳng ế ỏng gì thì tại sao lại đi với con đó? Cỡ mày đi về Việt Nam, tụi con gái nó sắp hàng cả cây số cho mày lựa, dại gì lại đi đâm đầu vào cái con đó cho phiền vậy hả? Rồi làm sao tao dám gặp ai? Mày làm mẹ mất thể diện quá mà!
Tân kể lại câu nói của mẹ mình cho Thùy Hương nghe, nàng thấy buồn và đau khổ hơn, điều nàng lo sợ đã tới, ai mà đồng ý trai mới lớn đi lấy gái hai con đã đổ vỡ một lần? Tuy vậy, Tân vẫn gọi thường xuyên cho nàng, nàng cũng muốn làm khó, làm dễ chàng vì câu nói tàn nhẫn của mẹ chàng nhưng nàng đúng là ở cái thế mở miệng không được nên đành phải lặng im. Thùy Hương khuyên Tân nên quên nàng đi, hãy tìm những người trẻ hơn nàng mà làm bạn nhưng chính vì Thùy Hương nói như vậy lại làm cho Tân thương nàng hơn, tình yêu không phân biệt ở hoàn cảnh hay tuổi tác được. Chàng tin rằng nếu nói lý lẽ mẹ chàng sẽ nghe, nhất là bà là người đi chùa, hy vọng bà sẽ thương và thông cảm với Thùy Hương.
Bà Hằng không thể thông cảm với Thùy Hương được. Cha Tân đã bỏ bà đi lấy người khác ba mươi năm trước, bà vẫn ở vậy nuôi được Tân, tại sao bây giờ Thùy Hương lại không làm được? Bà cảm thấy coi thường nàng, tại sao cứ phải lấy chồng mới sống được và bộ nàng không thấy Tân là trai mới lớn nên chưa có nhiều kinh nghiệm trên tình trường sao? Nó có thể bồng bột nhất thời để cảm thấy thương nàng, nhưng mười năm, hay hai mươi năm nữa nó sẽ thấy là cái tình yêu lúc này là ấu trĩ vì tình yêu trai gái không thể sống mãi được, nó có thể thay đổi theo thời gian. Nói nặng rồi nói nhẹ, Tân vẫn không nghe, bà Hằng kiếm cách làm áp lực với chàng. Mỗi lần Tân đi làm về, bà thường gọi điện thoại tay của chàng để nhờ chàng đi chỗ này, chỗ kia để mua cái này cái kia cho bà nhiều khi chẳng có gì là gấp gáp hay quan trọng. Cuối tuần đi đến chùa, nhìn thấy mặt Hương là bà làm lơ như không quen biết nếu không nói là còn tỏ vẻ khó chịu và bà còn gán ghép hết cô này đến cô kia cho Tân. Thùy Hương cảm thấy buồn cười, ngay cả gán ghép chàng với những người con gái khác nàng cũng đã làm rồi nhưng Tân cũng đâu có nghe đâu mà cứ nhất định là đòi thương nàng. Tình yêu là thứ không giải thích được, yêu là yêu thế thôi. Ngay cả nàng cũng vậy, nàng muốn quên Tân đi, tập trung lo cho hai con, nhưng tình cảm nàng dành cho Tân đối với nàng thật mới lạ, không như trước kia đối với chồng cũ nên nàng đành xuôi theo số phận, đến đâu thì đến thôi. (Còn tiếp)
Nhà chỉ có hai mẹ con mà Tân thì lại thường qua nhà Hương nên chỉ còn bà Hằng ở nhà một mình. Bà cảm thấy buồn, cô đơn và bà đổ lỗi tất cả là tại Thùy Hương. Bà hẹn Vân Trúc, con gái của bà Ánh cùng mẹ nàng tới nhà bà chơi, cốt ý để giới thiệu cho Tân làm quen với Trúc mà quên Hương đi. Bà Hằng dặn Tân thứ bảy ở nhà để gặp một người bạn của bà tới chơi nhưng đến lúc Vân Trúc và bà Ánh tới nhà bà Hằng thì vẫn chẳng thấy tăm hơi Tân đâu. Bà Hằng giận dữ ra mặt, gọi điện thoại cho chàng thì chàng bảo chàng phải đi làm đột xuất vì hãng gọi bất thình lình, chàng không thể từ chối được và chàng nghĩ bạn mẹ chàng tới chơi với mẹ chàng thì sự có mặt của chàng ở nhà hay không cũng không quan trọng lắm. Bà Hằng tức lộn ruột, nó biết bà muốn giới thiệu nó với Vân Trúc nên tìm cách thoái thác để tránh mặt. Con gái người ta xinh đẹp là thế, dễ thương là thế, lại trẻ trung, hiếu thảo như vậy, mà nó không thương lại đi thương một người đã một lần có chồng, đã có con, thì có tức không kia chứ?
Vân Trúc như luồng gió mát ùa vào nhà bà Hằng, nàng chào hỏi bà và ngồi kế bên mẹ trò chuyện với bà Hằng. Khi bà Hằng chuẩn bị nấu nướng, bà Ánh cũng phụ một tay thì Vân Trúc cũng mau mắn đứng lên giúp hai bà. Nàng nhanh nhẹn và thuần thục như đã tới nhà bà Hằng nhiều lần rồi, bà Hằng cười vui vẻ và nói với nàng:
- Trời, bác thấy thích con quá! Phải chi con làm con dâu của bác thì tốt biết mấy. Con vừa hiền vừa dễ thương vậy mà thằng con bác nó không theo lại đi theo cái con nhỏ kia. Thiệt bực mình hết sức! Con biết thằng Tân bây giờ nó đang theo ai không?
- Ai vậy bác?
- Ý trời! Trong chùa người ta đồn hà rầm là thằng Tân nó đang theo con Hương, bộ con hông nghe thấy sao?
- A, cháu có nghe, nhưng cháu tưởng người ta chỉ ghép đôi chơi cho vui thôi chứ?
- Thiệt đó con ơi! Bác thấy thằng Tân gọi cho con Hương hoài à.
Vân Trúc thật thà:
- Thì cũng tốt thôi, chứ có sao đâu bác? Anh Tân chưa vợ, chị Hương đã ly dị chồng, con nghĩ họ lấy nhau cũng đâu có sao?
Bà Ánh sợ bà Hằng mích lòng xen vào:
- Con hông hiểu gì hết. Con Hương có hai đứa con rồi, còn thằng Tân là trai tân, ai lại đi lấy gái đã qua một đời chồng? Lại còn hai đứa con của nó nữa, người ta "ăn ốc" mà bắt mình "đổ vỏ" coi sao được?
Trúc ngớ ra:
- Cái gì mà "ăn ốc", cái gì mà "đổ vỏ" trong đây nữa vậy má?
Bà Hằng cười lớn:
- Con bé này ngây thơ thiệt! Bộ con không biết câu "người ăn ốc, người đổ vỏ" sao? Nghĩa là thằng chồng cũ của con Hương là người "ăn ốc", nó sung sướng cho đã, đẻ được hai đứa con, nếu thằng Tân lấy con Hương bây giờ thì phải lo cho hai đứa con nó luôn, tức là nó phải làm cái chuyện đi "đổ vỏ ốc" cho thằng kia, vì không phải con nó mà nó phải lo.
Vân Trúc vẫn còn không hiểu lắm nhưng nàng cũng bỏ qua không hỏi thêm nữa vì nàng coi điều đó không quan trọng. Nàng lớn lên ở đây, hấp thụ phong tục Tây phương nhiều nên nàng không màng lắm chuyện ly dị hay lấy vợ lấy chồng khác. Cha Trúc mất lúc nàng còn nhỏ, khi lớn lên thấy mẹ mình buồn, nàng cũng khuyên bà Ánh nên bước thêm bước nữa chứ không nên ở một mình như vậy. Kể ra, bà Ánh cũng muốn bước thêm bước nữa nhưng mới đầu thì thấy tội nghiệp Vân Trúc, sau đó thì lại không kiếm được người nào giống ba Vân Trúc, nên cuối cùng bà cũng lỡ thì, lỡ thời, bà thôi không còn nghĩ đến chuyện đó nữa. Gặp bà Hằng cũng có hoàn cảnh giống mình nên hai bà dễ dàng kết thân với nhau ngay và còn muốn hai đứa con lấy nhau để hai bà có thể trở thành suôi gia với nhau cho thân hơn. Vân Trúc thương mẹ cô đơn, nên bà kêu nàng chở đi đâu là nàng chở đi đó chứ thật tình nàng cũng có quen với nhiều bạn bè khác để đi chơi không cần phải đi với mẹ như vậy. Cứ nghĩ đến mẹ, nàng lại thấy tội nghiệp nên lại cố gắng chở bà đi tới chùa sinh hoạt và cũng đồng ý chở bà đến nhà bà Hằng chơi để hai bà có thể nói chuyện vui vẻ mà quên đi hoàn cảnh cô quạnh. Nàng cũng gặp Tân ở chùa mấy lần nhưng cũng chỉ chào hỏi nhau như những Phật tử khác chứ không có tình ý gì đặc biệt. Thật sự nàng cũng không để ý lắm đến Tân vì có lẽ chàng không giống như người trong mộng của nàng nên nàng không có cảm tình gì đặc biệt. Cái chuyện đồn đãi, ghép đôi chính bản thân nàng cũng đã bị nên nàng không tin lắm là tất cả sẽ biến thành sự thật.
Bà Hằng, bà Ánh cùng Vân Trúc bày ra ăn uống trò chuyện vui vẻ mãi đến chiều mà Tân cũng chưa về. Cuối cùng bà Ánh kêu Trúc chở bà về vì trời cũng đã tối rồi, bà phải về để ngày mai còn lên chùa nữa. Tiễn bà Ánh và Vân Trúc ra cửa xong, bà Hằng quay vào gọi cho Tân ngay nhưng điện thoại tay của Tân đã tắt không liên lạc được. Thằng con của bà thật là quá hỗn hào, nó hứa với bà sẽ ở nhà gặp bạn bà và con gái bạn bà thế mà cuối cùng nó lại không về làm bà thật mất mặt. Tân không muốn mẹ làm phiền mình nên đã tắt điện thoại, vì chàng đang đi chơi xa với Hương và một số bạn bè của chàng. Trong đám đi picnic ngày hôm nay, Hương là người lớn tuổi nhất nhưng lại vui nhộn và có duyên nhất, nên ngay cả những bạn bè của Tân cũng thích nàng. Bạn bè của Tân là những bạn học cũ, có những cặp mới lấy nhau, cũng có cặp đã có một hay hai đứa con và một số vẫn còn độc thân như Tân. Lâu lâu họ họp lại tổ chức ăn uống hay đi picnic chỗ này chỗ kia, thứ nhất là để tìm vui, thứ hai cũng là để được sự giới thiệu của bạn bè, nới rộng sự quen biết để hòng kiếm người vừa ý với mình. Hôm nay là ngày Tân đem Thùy Hương và hai đứa bé tới giới thiệu với bạn bè nhưng không tiện nói với mẹ mình nên chàng đành phải nói dối với bà. Bạn bè Tân ai cũng thích Thùy Hương vì Thùy Hương đẹp, có duyên lại hay pha trò nên mới lần đầu gặp mặt ai cũng có cảm tình ngay. Thùy Hương không ngờ rằng trong cùng một ngày, có bao nhiêu người thích nàng thì ít nhất cũng có một người ghét nàng, đó chính là mẹ của Tân.
Bà Hằng dọn dẹp thui thủi một mình rồi cố gắng đi nghỉ sớm để lấy sức ngày mai lên chùa nhưng bà không tài nào ngủ được vì cơn giận và tức Tân vẫn còn ứ đọng trong lòng bà. Cứ càng nghĩ tới khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp của Vân Trúc bà lại càng giận mình vô phước có thằng con bất hiếu như Tân. Tại sao mắt nó không sáng để để ý đến một cô gái thanh tân như vậy mà lại đi thích một con nhỏ đã già khằng lại còn đã có con rồi? Bà suy nghĩ không biết phải làm sao để ngăn trở chuyện Tân đi với Thùy Hương và làm sao để Tân thích Vân Trúc chứ không thích Thùy Hương nữa. Bà tin rằng chỉ cần Tân đi với Vân Trúc vài lần thì nó sẽ thấy Vân Trúc đáng yêu hơn Thùy Hương rất nhiều. Nhưng làm sao để chúng nó đi với nhau đây?
(Còn tiếp)
Tân về tới nhà thì cũng đã gần 12 giờ đêm, chàng đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi ngủ thì bà Hằng mở cửa phòng bước ra và đòi nói chuyện với chàng. Tân cau mặt, lại chuyện hồi chiều, sao mẹ chàng không hiểu được chuyện tình yêu gì hết, yêu ai là tại hợp với người đó thôi chứ đâu thể nào chỉ nhìn vào nhan sắc và hoàn cảnh của người ta rồi mới yêu? Bà Hằng ngồi ra ghế ở phòng bếp, khi Tân đã ngồi xuống đối diện với bà thì bà bắt đầu nói:
- Mẹ nói ra điều gì cũng là đều để nghĩ tốt cho con thôi. Cứ tưởng tượng năm, mười năm nữa, lúc nó già thấy rõ, con sẽ thấy rất xấu hổ khi đi với nó, lúc đó con có muốn hối hận cũng đã muộn, muốn đi lấy người khác cũng rất khó, lại còn mang tiếng là phụ rẫy người ta. Nói để cho con suy nghĩ lại trước khi quyết định điều gì, chớ con bồng bột quyết định theo tình cảm hiện tại, con sẽ hối hận sau này. Cha mày ngày xưa cũng đối xử với mẹ như vậy đó. Ổng đòi ông bà nội mày lấy mẹ cho bằng được, mặc dù mẹ hơn ổng đến năm tuổi lựng. Mà tao hồi đó là chưa có chồng, còn là gái tơ đó nghen, vậy mà, mày chỉ mới ba tuổi là ổng đã tằng tịu đi với người khác và chê mẹ già. Ổng đi với con nhỏ thua ổng đến mười tuổi, chắc chỉ đáng tuổi chị mày, nghĩ có tức không kia chớ? Tao từ ổng luôn và cũng không cho mày nhìn nhận cha nữa là vì vậy. Bây giờ mày lại đi theo vết xe đổ đó, mày sẽ hối hận đó con ơi. Ý là ngày xưa tao còn son, chứ con Hương bây giờ lại còn hai đứa con riêng nữa mà cái tuổi của nó bây giờ cũng là già hơn tao ngày xưa.
Bà Hằng nói một hơi, Tân cũng chạnh lòng. Chàng cảm thấy tội nghiệp mẹ mình, bà ở vậy thui thủi một mình nuôi chàng ăn học nên người, bây giờ mà chàng không nghe lời bà thì cũng quá tàn nhẫn, nên chàng không nỡ. Tân yên lặng một hồi lâu xong mới buông thõng một câu:
- Để con suy nghĩ lại, mẹ không cần phải lo lắng nữa. Tụi con mới quen nhau thôi mà, đâu đã có gì đâu mà mẹ lo. Con cũng đã 33 tuổi rồi còn gì, con biết suy nghĩ mà, mẹ đừng lo!
Nòi rồi chàng đứng lên, coi như câu chuyện đến đây có thể dừng lại. Bà Hằng nói thêm một câu:
- Mày thương mẹ thì nên nghe lời mẹ. Chuyện yêu đương mẹ cũng từng xảy ra rồi nên mẹ biết. Không lấy người này, lấy người khác thì cũng vậy thôi, mẹ thấy con Trúc nó dễ thương, lại biết thương mẹ nó, những người như vậy mai mốt biết chiều chồng, thương con. Mày nghe lời mẹ đi, mẹ trải đời nhiều nên biết nhiều hơn mày. Cha mày ngày xưa cũng không nghe lời cha mẹ rồi cuối cùng ổng cũng đổi ý đó thấy không?
Tân vào phòng ngồi lặng yên hồi lâu. Chàng càng thấy nhớ Thùy Hương, thấy thương Thùy Hương đã rơi vào tình cảnh giống mẹ chàng ngày xưa lại còn một nách hai con thơ nữa. Đêm đó, cả bà Hằng lẫn Tân đều không ngủ được ngay. Tân không biết làm thế nào để vẹn toàn cả hai bên, vừa có thể làm vui lòng mẹ mà vẫn vừa chung thủy với tình yêu của mình. Chàng thật sự muốn xây dựng gia đình với Hương, không muốn Hương sống tình trạng mẹ độc thân giống mẹ chàng. Tuy nhiên, nghĩ đi rồi nghĩ lại, có thể nào điều mẹ chàng nói có thể là đúng chăng, rằng chàng có thể sẽ đổi ý sau này? Chàng nghĩ đến Vân Trúc, con bà Ánh, mà chàng đã gặp ở chùa mấy lần, cô bé có khuôn mặt khá đẹp nhưng cô nàng có vẻ lý sự, đanh đá chứ không điềm đạm, biết điều như Thùy Hương. Đã thế, trong chùa, chàng thường hát cặp với Thùy Hương , nàng có giọng ca rất khá, nếu được rèn luyện kỹ chắc chắn sẽ biến thành một viên ngọc sáng. Hương lại có vẻ thích và chiều chuộng chàng, trong khi chàng và Vân Trúc chẳng có một tí cảm nhận gì đặc biệt, mà chỉ đối xử với nhau như đối xử với những Phật tử khác ở chùa. Chắc chắn là chàng sẽ chẳng bao giờ đi với Vân Trúc rồi nhưng làm sao để thuyết phục mẹ chàng cho chàng lấy Thùy Hương đây? Thùy Hương không xấu, cũng không già hơn Tân là mấy, nên cho dù mười hay hai mươi năm nữa cũng chẳng là điều đáng lo. Mà dẫu nàng có già hơn thì đã có sao? Người ta yêu nhau ở tâm hồn chứ đâu phải ở hình thức bên ngoài đâu chứ? Nghĩ vậy nên Tân quyết định vẫn giữ vững ý định của mình là sẽ lấy Thùy Hương làm vợ và bảo bọc luôn hai đứa con nàng và chàng sẽ yêu chúng như chính con của chàng vậy. Sau khi quyết định như vậy, Tân cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm hơn nên chìm vào giấc ngủ dễ dàng.
Ở phòng bên kia, bà Hằng cũng quá mệt mỏi nên đi ngủ nhưng lại cứ suy nghĩ nhiều nên giấc ngủ vẫn chập chờn. Bà nghĩ nếu nói mãi mà con bà không nghe thì bà sẽ làm áp lực với nó, bà sẽ dọa chết cho nó sợ. Bà biết Tân rất thương bà, chỉ cần bà dọa như vậy thì Tân sẽ sợ và sẽ nghe lời bà. Chỉ cần nó đồng ý lấy Vân Trúc nó sẽ thấy Vân Trúc rất đáng yêu và rất vừa lứa với nó. Vả lại, Vân Trúc còn trẻ mới sinh con được, Thùy Hương đã trên bốn mươi lại đã có hai con, chưa chắc nó còn có thể hoặc muốn sinh con cho Tân nữa. Bà quên nói điều này hồi nãy với Tân, chứ nếu bà nói chắc có lẽ đã dễ thuyết phục Tân hơn. Bà Hằng cứ suy nghĩ miên man như vậy rồi cũng chập chờn, chập chờn chìm vào giấc ngủ.
Hôm đó, sau khi đi chơi với nhóm bạn của Tân về, Thùy Hương thấy ống nước ở trong nhà bị bể nên lo lắng đến cùng cực. May nhờ có Tân ở đó, chàng vội vàng gọi ngay cho một công ty sửa ống nước, người ta tới sửa cho nàng ngay. Nàng cảm ơn Tân rối rít rồi mừng quá nàng ôm và hôn Tân luôn ngay trước mặt hai con mình. Hai người hôn nhau, Hương ước gì nàng sẽ được hạnh phúc như thế này mãi mãi, chỉ cần có Tân và hai con bên cạnh, nàng sẽ không còn phải lo lắng gì nữa hết. Qua những gì Tân kể cho nàng nghe thì bà mẹ của Tân là trở ngại lớn nhất cho cả hai người. Cha mẹ nàng không có ý kiến gì. Tuấn Khanh đã không đối xử tốt với nàng thì nàng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng nàng. Ông bà cũng muốn hai đứa con Hương có cha, chỉ mong người chồng sau này của Hương là người đứng đắn, biết lo cho gia đình là tốt rồi, họ không muốn bảo thủ với ý nghĩ "gái chính chuyên chỉ có một chồng"! Như vậy thì không công bằng cho Thùy Hương tí nào trong khi nó còn quá trẻ.
(Còn tiếp)
Tân đòi dọn ra ngoài ở một mình, bà Hằng giận dữ, nhà chỉ có một mẹ, một con mà nó nỡ đối xử với bà như vây, chẳng qua cũng tại con Hương mà. Bà bèn giả bộ bệnh để Tân cảm thấy thương tâm mà không dọn ra ngoài nữa. Tân thấy mẹ mình khóc lóc, bệnh tật lại cảm thấy không đành, dầu gì bà cũng đã hy sinh cả cuộc đời cho chàng và vì đi chùa nghe giảng nhiều lần, ít nhiều chàng cũng cảm thấy dễ thương người, huống gì người đó lại là mẹ chàng.
Hôm sau lên chùa, vì mất ngủ ngày hôm trước bà Hằng cảm thấy mệt mỏi nên không tập trung được. Quay nhìn xuống thì thấy Tân vẫn ngồi kế bên Thùy Hương với dáng vẻ như đang nghiêm chỉnh tụng kinh theo tiếng tụng kinh của thầy trụ trì, nhưng bà biết chúng chỉ muốn ngồi gần bên nhau chứ không phải đang tập trung thực sự. Như vậy những gì bà nói với nó hôm qua nó để ngoài tai tất cả, tức quá mà! Đến giờ ăn, bà Hằng kêu Tân ra ngồi ăn chung với bà và bà Ánh cùng Vân Trúc nhưng Tân nhăn mặt, không bằng lòng. Vân Trúc thấy ngượng nên nói đỡ:
- Hết chỗ rồi bác, để cho ảnh chạy bàn phục vụ mình, càng tốt chứ sao?
Thùy Hương lăng xăng lấy cơm, lấy bánh cho người này, người kia vì nàng nằm trong ban ẩm thực ngày hôm nay. Nàng đem tới chỗ bà Hằng cũng mời bà như mời những người lớn tuổi khác nhưng bà Hằng quay ngoắt đi, không thèm lấy cái bánh trong khay, cũng không thèm trả lời, thái độ tỏ vẻ khinh miệt thấy rõ. Thùy Hương sượng trân, quay qua mời người kế bên, bà Ánh từ chối không ăn và cũng ngại ngùng giùm cho Thùy Hương khi thấy thái độ của bà Hằng như vậy. Tân đi tới trách bà Hằng:
- Tại sao mẹ lại làm như vậy?
Bà Hằng mỉa mai:
- Mày mê gái, quên mất mẹ mày luôn rồi. Những gì mẹ nói với mày hôm qua, mày chẳng coi ra gì phải không?
Thùy Hương bỏ chiếc khay xuống bàn, chạy vào phòng vệ sinh để không ai nhìn thấy những giọt nước mắt đang sẳp sửa chảy xuống mặt nàng. Nàng cảm thấy tủi thân, xấu hổ, nếu có thể trốn luôn được chỗ này chắc nàng cũng trốn đi luôn để khỏi mất mặt với mọi người như vậy.
Những tuần sau đó, Hương tránh đi chùa để khỏi gặp mặt mẹ Tân, tránh ánh mắt mỉa mai như thù hằn của bà, tránh luôn cả Tân, mặc dù chàng đã nhiều lần xin lỗi. Nàng cố gắng tập trung lo cho hai đứa con để tìm quên nhưng những khi đêm về, khi con đã say ngủ nàng khóc lặng lẽ, xót xa cho thân phận mình, có lẽ chuyện của nàng và Tân sẽ chẳng đi tới đâu. Thôi thì để mặc cho số phận, nàng đã quá mệt mỏi rồi, nàng không muốn tranh đấu nữa. Tân cãi nhau với bà Hằng một trận và tuyên bố chàng sẽ làm đám cưới với Thùy Hương sớm hơn dự định mặc kệ bà Hằng có đồng ý hay không. Bà Hằng tức quá hét lên:
- Mày đối xử với mẹ mày như vậy, mày sẽ bị quả báo!
Tân bỏ đi, mấy ngày sau cũng không ăn cơm ở nhà, chàng ăn bậy bạ đại tại chỗ làm và ghé vào nhà Hương hầu như mỗi ngày để mong nàng tha lỗi nhưng Thùy Hương vẫn từ chối nói chuyện với chàng và thật tình nàng cũng không biết phải nói chuyện làm sao với chàng nữa khi mẹ chàng đối xử với nàng như vậy. Tân bày tỏ ý định hai người hãy làm đám cưới ngay, không cần mẹ cha, họ hàng chi hết nhưng Thùy Hương từ chối không nghe, nàng không thể làm như vậy được vì nàng còn có gia đình, còn có hai đứa con, còn có bạn bè, đâu thể cứ nói lấy là lấy, không xếp đặt gì hết. Nàng năn nỉ Tân hãy để cho nàng yên một thời gian, hãy để cho nàng suy nghĩ, đừng quấy rầy nàng ít nhất là một tháng để nàng định thần lại cái đã rồi sẽ tính.
Một tháng rồi hai tháng trôi qua, Thùy Hương vẫn chưa có câu trả lời, nàng hỏi ý bạn bè, gia đình, ai cũng khuyên nàng phải nên nói chuyện với mẹ Tân trước, nhưng mẹ Tân thì không muốn nói chuyện với nàng nên nàng không nói được? Thùy Hương đành phải trì hoãn câu trả lời với Tân, điều đó lại càng làm cho Tân đau khổ và giận mẹ. Chàng nói với Thùy Hương là chàng muốn dọn vào ở chung với nàng, ăn ở với nhau thôi chứ không cần phải cưới hỏi gì nữa hết, để đến khi nào bà Hằng hồi tâm, chuyển ý thì lúc đó có làm đám cưới cũng chưa muộn. Thùy Hương không biết phải làm sao, hỏi ý cha mẹ nàng thì ông bà dễ dãi bảo tùy ý nàng vì nàng đã lớn rồi, đã ra riêng rồi và vì ở xứ này người ta không còn câu nệ chuyện ăn ở trước như ngày xưa nữa nên nàng cảm thấy làm thế nào hợp lý thì cứ việc làm. Ngay như ngày xưa nàng và Tuấn Khanh làm đám cưới rình rang là thế rồi cũng ăn ở với nhau có được bao nhiêu năm đâu?
Đám cưới không diễn ra, Tân chỉ chọn một ngày đẹp trời, rảnh rang dọn một số đồ đạc tới nhà Thùy Hương ở. Mấy ngày đầu, bà Hằng gọi điện thoại, chàng còn về thăm mẹ một tí rồi đi, sau đó chàng ở luôn bên nhà Thùy Hương, bà Hằng phàn nàn gì chàng cũng không nghe nữa. Còn ở nhà một mình, bà Hằng cũng làm biếng nấu ăn, nên cứ nấu mì gói để ăn là chính, không đặt nặng vấn đề ăn uống nữa. Bà tới chùa nhiều hơn vì muốn Tân chở bà đi và đồng thời để theo dõi Tân luôn, nhưng chính là để nói xấu Thùy Hương chứ không phải để làm lễ. Nhiều người nghe chuyện mẹ con bà cũng ái ngại, có người khuyên bà nên dễ dãi đi, đừng khó khăn với thanh niên thời nay nữa thì bà sẽ cảm thấy dễ thở hơn, nếu không là sẽ mất luôn con. Nhưng bà Hằng không nghe, bà tiếc cái công bà đã không bước thêm bước nữa để nuôi dưỡng nó bao nhiêu năm nay, và tức cái chuyện Tân coi thường lời nói của bà, cứ dọn tới ở với Thùy Hương và chẳng còn ngó ngàng gì tới bà hết. Cứ càng tức, càng giận Tân, bà Hằng càng ốm đi thấy rõ và cuối cùng căn bệnh giả bộ của bà đã trở thành căn bệnh thật, bà nằm liệt giường luôn, không muốn trở dậy nữa.
Do cứ nằm vật, nằm vờ, không buồn nhúc nhích, đi lại, bà Hằng cảm thấy toàn thân mệt mỏi, người cứ lừ đừ, đầu nhức như búa bổ, bà càng không muốn động tay, động chân, cứ nằm lì ở trong phòng, kệ, bà có chết luôn đi cũng được, thằng Tân sẽ sống trong ân hận cả đời nó và nó với Thùy Hương sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc được, và đó sẽ là cách trả thù tốt nhất, nghĩ vậy bà Hằng cảm thấy thoải mái hơn nên ngủ thiếp đi. Tân mở cửa bước vào nhà, không thấy bóng bà Hằng đâu, đèn đóm thì tối om, Tân nhủ thầm hay là mẹ đi đâu? Chàng gõ cửa phòng bà nhè nhẹ:
- Mẹ có ở trong đó không?
Nghe động, bà Hằng giật mình thức giấc nhưng không lên tiếng nổi, Tân mở cửa bước vội vào, thấy bà Hằng xuống sắc hẳn chàng cũng thấy tội nghiệp, có lẽ chàng không nên quá cứng rắn với bà như vậy nhưng để có tình yêu với Thùy Hương chàng đành phải làm lơ, đành phải cứng rắn với bà để mong bà sẽ chuyển ý mà chấp nhận Thùy Hương làm con dâu. Mặc dù bà Hằng bảo không có gì nhưng Tân nhất quyết bắt bà phải đi bác sĩ. Nhìn mẹ chàng cảm thấy không an tâm, hình như bà hằng có bệnh gì thật chứ không phải giả bộ như những lần trước đâu.
(Còn tiếp)
Bác sĩ khám phá ra bà Hằng bị tế bào ung thư trong buồng trứng, nhưng ông an ủi Tân một câu là chuyện này thường xảy ra cho những người không từng sinh đẻ, nên Tân không cần phải lo lắng lắm. Tân ngạc nhiên vì bà Hằng đã từng đẻ Tân tại sao lại nói là không sinh đẻ được? Đưa thắc mắc này ra ông bảo ông cứ nghĩ Tân là con nuôi chứ không phải con ruột và ông khuyên Tân không nên nói chuyện đó với bà Hằng vào lúc này, có thể sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bà. Tự nhiên Tân thấy mình như người mộng du, cha là ai chàng không biết, bây giờ đến mẹ là người thân thuộc nhất lại không phải là mẹ của chàng. Tân trở về nhà thường xuyên hơn sau khi biết ra chuyện đó và nói gần nói xa nhiều lần để dò hỏi sự thật về chàng nhưng bà Hằng dường như không quan tâm, bà xuống tinh thần rõ rệt, gần như kiệt quệ. Vì căn bệnh của bà mà tự nhiên Tân trở về với bà, bà có thể loại Thùy Hương ra khỏi vòng chiến một cách nhẹ nhàng nhưng vấn đề của Tân thì bà không biết có nên nói hay không? Cứ càng suy nghĩ bệnh của bà càng nặng hơn, Tân khuyên giải bà nhiều nhưng bà chẳng muốn nghe. Tuy vậy, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, bà Hằng tự dưng thấy cuộc đời thật phù du, vô lý khi phải tranh giành Tân với Thùy Hương như vậy, bà thấy có chút hối hận, hình như bà đã quá đáng với Tân, cuộc đời của nó thì nên để nó định đoạt, làm sao người khác có thể định đoạt được, như bà chẳng hạn có định đoạt được gì cho chính bà đâu, tại sao lại định đoạt giùm cho nó?
Tân kể chuyện bà Hằng cho Thùy Hương nghe và rủ nàng tới thăm bà. Thùy Hương không muốn đi vì sợ bà sẽ còn nói những lời khó nghe hơn nữa nhưng Tân vẫn tha thiết yêu cầu. Mãi đến khi bà Hằng đi làm giải phẫu ở bệnh viện, Thùy Hương mới dắt con theo Tân vào thăm bà. Hai đứa nhỏ được mẹ giới thiệu đây là mẹ của chú Tân, con có thể chào như chào bà nội, hai đứa bé ngoan ngoãn làm theo:
- Cháu chào bà nội.
Giọng nói tiếng Việt ngọng nghịu của hai đứa trẻ làm bà Hằng xúc động. A, vậy là bà cũng được làm bà nội rồi đây, mắt bà rướm lệ. Tất cả những gì bà đã nói với Thùy Hương trước kia làm bà cảm thấy xấu hổ. Ở trong bệnh viện, bà chẳng nói chuyện được với ai vì người ta chỉ nói với nhau bằng tiếng Mỹ nên thấy Thùy Hương bà mừng lắm, ít nhất cũng có người cho bà thổ lộ tâm sự bằng tiếng Việt. Thấy bà Hằng không khắt khe với mình nữa, Thùy Hương mừng lắm, hai bác cháu nói chuyện với nhau thật lâu. Tân ngồi kế bên nhìn hai người, cảm thấy hả hê, thế nào cũng sẽ đến lúc bà Hằng phải nói ra một sự thật nào đó về chàng. Nhìn bà Hằng nói chuyện với Thùy Hương, Tân thấy bà cảm động thấy rõ. Cái nhìn của Bà với Thùy Hương bắt đầu khác đi, và khi nghe Thùy Hương tâm sự với bà về chuyện tình cảm trước kia của nàng, bà Hằng tỏ thái độ tội nghiệp nàng, ghét cả người chồng trước kia của nàng, bà chợt nghĩ Thùy Hương có khác gì bà khi xưa đâu?
Sau cuộc giải phẫu, bà Hằng phải tiếp tục làm xạ trị, tóc bà bắt đầu rụng dần đi, chỉ còn lưa thưa vài sợi, bà ngại ngùng không dám đi đâu và suốt ngày đội một cái mũ len để che mái đầu. Tân nhìn mẹ ái ngại, hình thức bên ngoài rất quan trọng với bà Hằng, bị như vầy chẳng khác nào đang bị tra tấn. Chàng về nhà thường xuyên hơn và có cả Thùy Hương đi cùng để chăm non, giúp đỡ bà. Tự nhiên Thùy Hương trở thành nàng dâu bất đắc dĩ, dù không có cưới hỏi nhưng nàng vẫn vui vì ít nhất bây giờ bà Hằng đã có thiện cảm với nàng. Vừa đi làm, vừa chăm sóc cho con, vừa chăm sóc cho bà mẹ chồng hờ, Thùy Hương vẫn tươi vui nhờ có được tình yêu của Tân. Sao cũng được miễn là Tân vẫn chung thủy với nàng! Nàng khuyên lơn bà Hằng nên ăn uống điều độ, đừng bỏ lơ các bữa ăn vì bác sĩ nói sau thời gian xạ trị, tóc sẽ mọc ra lại, bà không phải lo lắng. Nàng khuyên bà không nên buồn Tân mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bà vì chính nàng cũng thông cảm với bà là tình cảnh của nàng hoàn toàn không xứng đáng với Tân đúng như bà nói, nhưng tình yêu là cái gì mà người đời vẫn không giải thích được và bà cũng nên thông cảm với Tân. Nếu không có bị bệnh thập tử nhất sinh như lần này chắc bà Hằng vẫn chưa thể nào thông cảm và hiểu được những gì Thùy Hương nói. Bà Hằng cảm thấy hối hận nhất là những lần Thùy Hương nấu đồ ăn đem đến cho bà và ép bà ăn. Bị bệnh lần này, bà nghĩ có thể ông trời đã trừng phạt bà cho việc bà làm ba mươi ba năm trước, có lẽ cũng đã đến lúc bà nên nói rõ với Tân về nguồn gốc của chàng.
(Còn tiếp)
Tân chở mẹ về nhà, ngồi trên xe, bà Hằng trầm ngâm chẳng nói gì. Đã cả tháng rồi, bà chẳng dám nhìn vào gương. Cô thiếu nữ tên Hằng của 38 năm trước đã không còn nữa mà thay vào đó là người đàn bà đứng tuổi với cái đầu với vài cọng tóc lơ thơ chỉ chực chờ rụng ra luôn. Bà Hằng sợ hình ảnh trong gương sẽ làm cho bà khóc, ngày xưa bà kiêu kỳ bao nhiêu mà bây giờ chỉ một lần đổ bệnh, tất cả niềm kiêu hãnh của bà đã tiêu tan đi hết. Ngày đó, cô thiếu nữ tên Hằng dằn vặt với cha mẹ đủ thứ để buộc ông bà phải cho mình lấy Tạo làm chồng vì nàng chỉ yêu có một mình chàng. Cuộc đời lính tráng của Tạo cứ rày đây, mai đó, cha mẹ của Hằng sợ con của ông bà sẽ khổ nhưng cả Tạo và Hằng đều nhất định theo tiếng nói của con tim và nhất định đòi làm đám cưới. Đám cưới được tổ chức đơn giản, sau đám cưới Hằng ở bên nhà chồng còn Tạo trở về đơn vị và câu chuyện của nàng dâu từ đó mới bắt đầu. Chồng vắng nhà, Hằng vẫn phải phục vụ cha mẹ chồng, các cô em chồng như người ở. Nhiều lúc, nàng muốn trở về với cha mẹ ruột nhưng cha mẹ nàng quá nghèo, gả được một đứa con đi là bớt được một miệng ăn, lại còn danh tiếng của gia đình nên ông bà nhất định cự tuyệt, không cho con gái trở về nhà. Hai cô em của Tạo thì chanh chua, suốt ngày chỉ muốn chỉ trích, bới móc chuyện của...
|