Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

23 Pages«<20212223>
CHUYỆN VIẾT CỦA TÔI
Binh Nguyen
#421 Posted : Wednesday, July 21, 2010 2:10:50 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
NỬA MẢNH KHĂN

Tiếng chuông điện thoại reo, Truyền uể oải không muốn đứng dậy nghe. Kệ, ông bà già đã đi vắng, chắc là điện thoại của ổng bả thôi, khỏi cần nghe làm gì, cứ coi như không có ai ở nhà. Cuối tuần cha mẹ Truyền thường đi tới những sòng bài để giải trí, anh chị em Truyền đã lớn và đã ra riêng hết, chỉ còn mình Truyền là chưa lập gia đình, nên còn ở với cha mẹ, nhưng Truyền cũng đang có bạn gái, Truyền cũng tính dọn ra khỏi nơi này sớm, không muốn mang tiếng là em bé của cha mẹ nữa, dầu gì Truyền cũng đã 34 tuổi rồi còn gì? Truyền nằm ngửa nhìn lên trần nhà, không biết có nên nói cho Thủy Tiên, bạn gái của Truyền biết về căn bệnh mà Truyền đang mắc phải, căn bệnh mà cho đến bây giờ khoa học vượt bực vẫn chưa chữa trị được, căn bệnh ung thư! Giấu Thủy Tiên thì không nỡ, mà cho nàng biết thì Truyền lại thấy tội thân mình, chắc chắn nàng sẽ từ chối, không còn muốn lấy chàng nữa. Thủy Tiên còn rất trẻ, nàng mới 23 tuổi, lại đẹp rực rỡ như một đóa hoa hồng, mắt to, môi trái tim, trông còn đẹp hơn cả những cô hoa hậu mà Truyền thường thấy trên ti-vi nữa. Thủy Tiên chưa biết gì về căn bệnh của Truyền, nàng vẫn vô tư đi chơi với chàng và luôn thúc giục kêu Truyền làm đám cưới. Truyền vẫn còn do dự, dù cha mẹ chàng và người ngoài vẫn bảo "lấy vợ phải lấy liền tay" nhưng người ngoài không biết gì về căn bệnh của chàng chứ người người nhà thì biết chàng chỉ còn sống được vài năm nữa, căn bệnh ung thư vẫn như bản án tử hình, có thể đến bất cứ lúc nào, nếu Truyền phải giấu Thủy Tiên điều này thì đối với nàng thật là tàn nhẫn quá! Có tiếng gọi cửa, đến nước này thì Truyền có không muốn trả lời cũng không được nữa, phải ra coi xem ai. Chàng chạy vội vào buồng tắm rửa mặt, xúc miệng qua loa rồi ra mở cửa, đứng trước cửa là Thủy Tiên đang cười thật tươi như ánh bình minh vào buổi sớm. Ngực Truyền chợt đau. Ông trời thật bất công, chàng còn trẻ như thế này đã phải mang bệnh nan y, Thủy Tiên trẻ đẹp thế kia lại phải gắn liền đời nàng với một người bệnh hoạn. Có lẽ Truyền nên giấu nàng thì hơn, vì biết hay không biết gì nàng cũng đều đau khổ! Thôi thì chàng nên im lặng để nàng được vui trọn vẹn. Giọng Thủy Tiên liến thoắng:

- Làm gì mà em gọi phôn hoài không được vậy? Tính tới rủ anh đi chơi nè, trời đẹp quá mà ở trong nhà làm gì?

- Ai chở em tới đây vậy?

- Anh hai, ảnh đi công chuyện, nên em đi quá giang.

Không còn thì giờ để suy nghĩ nữa. Kệ, cứ yêu vội, sống cuồng đi, chuyện gì tính sau, chàng chẳng còn được bao nhiêu ngày để hưởng thụ thì âu sầu để làm gì? Truyền dắt Thủy Tiên vào nhà, bảo đợi chàng để chàng đánh răng, rửa mặt, thay quần áo rồi hai người cùng đi. Đằng nào thì cha mẹ Truyền cũng không có ở nhà, sẽ chẳng có ai lo cơm nước cho chàng, thì chàng với Thủy Tiên cứ ra ngoài nhà hàng ăn cho khỏe mà còn vui nữa. Truyền và Thủy Tiên ra khỏi cửa, nắng vừa lên cao, chàng cảm thấy yêu đời hơn và tạm quên đi nỗi ưu tư của mình. Hai người vào nhà hàng, ăn uống vui vẻ, hạnh phúc dường như ở chung quanh.

Ăn xong, Truyền rủ Thủy Tiên đi dạo và nói chàng có chuyện quan trọng muốn nói với nàng. Hai đứa nắm tay nhau dạo trên bờ sông, người đi qua, kẻ đi lại, ai cũng liếc nhìn cặp tình nhân đẹp đôi, vừa lứa, không ai biết gì về nỗi ưu tư ở trong lòng Truyền cả. Truyền chợt ôm chặt bờ vai của Thủy Tiên, nàng cười khúc khích, Truyền nhỏ giọng:

- Chúng mình lấy nhau nghe?

Thủy Tiên chợt im lặng đến vài giây, ngỡ ngàng nhìn Truyền vì không ngờ chàng nói với nàng điều đó vào lúc này, cái điều mà từ lâu nàng muốn nhắc nhở, còn Truyền thì cứ làm lơ. Thủy Tiên ngồi xuống một chiếc ghế dài bên bờ sông, Truyền cũng ngồi xuống theo, hai người cùng im lặng lâu lắm, cuối cùng Thủy Tiên phá tan bầu không khí im lặng:

- Tại sao?

- Tại sao sao?

- Em nói với anh bao nhiêu lần chuyện này mà anh cũng không tính tới, bây giờ tự nhiên anh lại hỏi em. Anh nghĩ em có còn nhỏ quá không? Anh nghĩ em lấy anh được chưa? Em có còn con nít quá không? Em mới học xong, chưa kiếm được việc làm gì hết, anh có chịu nuôi em không?

- Anh sẽ nuôi em nhưng anh có một điều kiện.

- Anh mà dám ra điều kiện với em à? Có lộn không vậy cha? Ba má em còn nói em phải thách cao hơn nữa kìa. Ba má nói em phải đòi anh đặt lễ hỏi trước mười ngàn. Anh không có mười ngàn đồng thì đừng hòng lấy được em đi.

Nói rồi Thủy Tiên cười khúc khích và giấu mặt vào trong vai Truyền. Truyền ôm bờ vai nàng và bóp vào vai nàng nhè nhẹ, cảm thấy thương nàng hơn bao giờ hết. Có lẽ nàng còn trẻ quá thật, không biết chàng có nên nói ra cái điều chàng tính nói hay không? Truyền sợ khi chàng nói ra sự thật, Thủy Tiên sẽ không còn đồng ý lấy chàng nữa. Truyền nói tránh:

- Nếu có chuyện gì xảy ra cho anh, em có còn thương anh không?

- Anh hôm nay sao vậy? Chuyện gì là chuyện gì? Sao em lại không thương anh nữa? Bộ anh có chuyện gì giấu em hả? Nói!

Thủy Tiên ra lệnh cho Truyền, nàng vẫn tỏ uy quyền với chàng như vậy, chàng tỏ ra lưỡng lự nhưng rồi cuối cùng cũng nói:

- Nếu anh có bệnh gì mà không còn sống với em được nữa, em có ở vậy không hay là sẽ đi lấy chồng khác?

- Anh Truyền, anh làm em sợ. Bệnh gì là bệnh gì? Anh bị bệnh gì hả?

Truyền muốn nói hai chữ "ung thư" nhưng nghĩ sao lại thôi, không nói nữa. Thủy Tiên nhìn Truyền chờ đợi. Trong ánh mắt thơ ngây của nàng, chắc nàng chưa bao giờ phải đối diện với những việc như vậy. Sẽ chẳng bao giờ nàng hiểu được Truyền đang nghĩ cái gì. Cuối cùng Truyền đành nói khác đi:

- Là anh thí dụ vậy thôi. Anh muốn thử lòng em xem em thương anh không và thương bao nhiêu? - Rồi chàng nói lảng đi - Đám cưới em muốn mặc áo màu gì?

Thủy Tiên quên ngay:

- Thì sa-rê màu trắng chứ còn màu gì nữa? Em tính sa-rê trắng mình làm lễ ở nhà thờ và ra công viên chụp hình, còn áo đầm hồng lúc mình đãi ở nhà hàng, làm lễ ở nhà, anh nghĩ em có nên mặc áo dài Việt Nam không hay là mặc sa-rê luôn cho đẹp?

- Em mặc cái gì cũng đẹp. Da em trắng màu nào cũng hợp với em hết, tùy em đi.

Truyền hôn lên môi Thủy Tiên, mặt Thủy Tiên đỏ hồng lên vì hạnh phúc. Tim Truyền nhói đau!


***

Đám cưới được cử hành ở nhà thờ St. Joseph, cái nhà thờ lớn nhất thành phố nơi Truyền ở. Cô dâu xinh tươi trong chiếc soirée trắng hở vai với chiếc đuôi dài hơn hai thuớc phủ trên mặt đất. Truyền cũng trong bộ tuxedo màu trắng. Thủy Tiên mang thêm đôi găng tay trắng lên đến tận khuỷu tay với những dây ren hình trái tim kết lại, hai chiếc găng này đi cùng bộ với chiếc áo hở vai. Chiếc nhẫn cưới và chiếc nhẫn đính hôn nằm ngoài găng tay, nên mỗi lần nóng quá, cần phải cởi găng tay ra cho đỡ nóng thì Thủy Tiên phải cởi hai chiếc nhẫn ra trước. Sau cùng, thấy quá bất tiện, Thủy Tiên để yên nhẫn cưới trơn phía trong găng tay, còn chiếc nhẫn đính hôn 3 carat nàng cố ý để ngoài, thứ nhất để khỏi vướng chiếc găng tay, thứ nhì để nàng khoe với mọi người hạt kim cương to Truyền đã cho nàng thể hiện tình yêu của chàng đối với nàng.

Căn nhà cho đôi tân lang và tân giai nhân đã được mua chóng vánh hai tuần trước đó, để hai người có chỗ kê giường làm nơi động phòng hoa chúc. Căn nhà chúng cư được bán với giá khá rẻ so với giá thị trường, lại sạch sẽ, thoáng mát nên Truyền mua ngay không thắc mắc gì về lịch sử của căn nhà. Mà thắc mắc làm gì đằng nào thì chàng cũng sẽ chẳng được ở đó suốt đời suốt kiếp, đằng nào thì chàng cũng đã mang bệnh rồi, đằng nào thì chàng cũng đã quyết định giấu Thủy Tiên về căn bệnh của chàng. Căn nhà hai phòng ngủ nằm ở tầng thứ 13, có cửa sổ nhìn ra ngoài bờ sông thơ mộng, mới nhìn là Thủy Tiên thích ngay, nên Truyền không trả giá nhiều mà chính người dẫn Truyền và Thủy Tiên đi mua nhà cũng nói rằng nhà đăng bán với giá thấp hơn giá thị trường nên khuyên hai người không cần phải trả giá nhiều thêm nữa. Căn nhà trước kia của một người đàn bà độc thân, nhưng cũng không hẳn là độc thân vì người đàn ông của bà chỉ là chưa chính thức lấy bà thôi. Hai người không tính làm đám cưới vì đã lớn tuổi, chỉ tính mua căn nhà rồi dọn vô ở chung với nhau thôi, nhưng ông bạn của bà chưa kịp dọn vào thì bà đã ra đi vĩnh viễn vì bị đột quỵ bất ngờ. Ông bạn của bà không dám ở căn nhà đó nữa nên đăng bảng bán liền với giá thật rẻ để có thể bán được trong thời gian ngắn nhất. Hai tháng sau ngày Truyền và Thủy Tiên dọn vào căn nhà, một người hàng xóm mới kể cho Truyền nghe. Truyền không dám cho Thủy Tiên biết, vì sợ nàng sẽ sợ.

Truyền vẫn đi làm. Thủy Tiên ở nhà thường lên mạng coi phim Tàu, phim Hàn Quốc, đến nỗi nồi cơm cũng không biết nấu, chứ đừng nói đến các món ăn, nên chiều về Truyền thường rủ Thủy Tiên đi ăn tiệm, ăn còn dư đem về thì để ngày hôm sau ăn tiếp. Buổi trưa thì Truyền thường ăn qua loa ở những hàng quán ở chung quanh chỗ làm, Thủy Tiên ở nhà thì thường nấu món mì gói ăn cho qua bữa. Cứ thế mà hai vợ chồng cũng đã ở với nhau một năm. Một ngày nọ Truyền đề nghị với Thủy Tiên:

- Hay là em qua nhà chị ba học nấu ăn đi. Chị ba nấu ăn ngon lắm. Chỉ còn làm đồ ăn bỏ mối cho các chợ đó. Em qua học xong về nấu cho anh ăn, mình khỏi cần ăn tiệm nữa.

Thủy Tiên phản đối ngay:

- Thôi đi, thôi đi, em ghét nấu ăn nhứt. Anh biết vậy trước khi lấy em mà. Anh bắt em nấu ăn thà anh bắt em đi làm còn sướng hơn. Anh đã hứa không bắt em đi làm mà?

Nói rồi nàng ôm tay, giụi đầu vào vai Truyền, chàng không còn nói sao được nữa. Truyền hậm hực với nàng nhưng cũng hậm hực với chính bản thân của chàng. Lát sau, Truyền lại nói:

- Hay là mình có con đi.

Thủy Tiên giẫy nẩy:

- Ý, điều đó lại càng chưa được. Chị Hằng nói em, tụi mình nên giữ đừng có con ít nhứt là hai năm đầu. Để hưởng thụ hai năm "son" cho đã đã, rồi mình có con sau cũng được. Mình đã ở được một năm rồi, cho em thêm một năm nữa thôi. Với lại... - Thủy Tiên ngừng vài giây rồi tiếp - Đẻ con ra, anh sẽ thương con, không còn thương em nữa, em hổng chịu đâu.

Truyền buồn bã. Với căn bệnh của chàng không biết có còn đợi được một năm nữa không? Chắc là chàng phải nói rõ cho Thủy Tiên biết về căn bệnh của chàng. Những lần đi đến bác sĩ, Truyền đều giấu Thủy Tiên đi đến đó một mình. Nhưng Thủy Tiên cũng bắt đầu nghi ngờ và đòi coi hồ sơ bệnh lý của chàng. Một tháng sau ngày nói chuyện sinh con, Truyền đưa giấy tờ cho Thủy Tiên coi, nàng sững sờ một lúc xong bật khóc nức nở, vừa khóc vừa nói:

- Trời ơi, vậy mà anh giấu em. Sao anh không nói trước khi mình làm đám cưới? Anh nói đi, nếu như anh chết rồi, em phải làm sao? Anh phải cho em biết trước chứ. Anh đối xử với em như vậy có công bằng không? Vậy mà anh còn đòi có con với em nữa. Đẻ con ra rồi, em làm sao một mình lo nổi cho nó? Anh tàn nhẫn quá đi...
(Còn tiếp)

Nói đến đó, Thủy Tiên nấc lên và không nói tiếp được nữa. Tim Truyền đau hơn. Tất cả cũng tại chàng, chàng đã không đủ can đảm để nói cho nàng biết trước vì sợ nàng sẽ từ chối. Lẽ ra, chàng nên bỏ đi thật xa để chờ chết còn hơn gắn liền đời nàng với chàng. Thủy Tiên chạy vào phòng ngủ, nằm úp mặt lên giường khóc ngất. Khóc đã một hồi, nàng mệt mỏi ngủ thiếp đi. Truyền vẫn ngồi bất động nơi phòng khách, căn phòng lạnh tanh, không khí u ám, nặng nề. Truyền ngồi yên suy nghĩ và hối hận, không biết làm cách nào để an ủi Thủy Tiên, phải chi chàng trình bày với Thủy Tiên trước rồi tùy nàng quyết định thì bây giờ chàng đã không phải ân hận. Đến 10 giờ đêm, trời mùa hè đã sụp tối, vẫn chưa thấy Thủy Tiên ra, Truyền buồn bã đứng lên, vào bếp, nấu hai gói mì gói, định bụng đem vào cho Thủy Tiên ăn rồi lựa lời xin lỗi nàng. Truyền đem hai tô mì vào phòng, Thủy Tiên đã ngồi dậy và nín khóc, nhìn thấy Truyền với hai tô mì trên tay, mắt nàng có vẻ dịu lại như hối hận. Dẫu gì nàng cũng đã yêu chàng, tình yêu đầu đời nhiều kỷ niệm. Nếu trước khi đám cưới, chàng có nói ra điều đó, có thể nàng cũng vẫn chấp nhận, vì người ta khó có thể phản bội người yêu chỉ vì người yêu bị bệnh. Như vậy thì tàn nhẫn quá!

- Em dậy ăn tí mì đi, cho đỡ đói. Nhịn từ trưa đến giờ rồi còn gì? Dù gì đi nữa thì anh cũng còn sống đây mà. Anh còn sống thì em vẫn còn đầy đủ, sung sướng, em muốn gì anh cũng chìu em hết. Đừng khóc nữa, anh ân hận lắm. Anh xin lỗi em.

Không biết vì câu nói của Truyền, vì sự thật đã được phơi bày rõ ràng, không thể thay đổi được nữa, hay vì cơn đói thật sự mà Thủy Tiên nhận thấy tô mì Truyền nấu hôm nay thật ngon. Hai người theo đuổi hai ý nghĩ riêng. Truyền cảm thấy đỡ lo khi Thủy Tiên đã nín khóc. Thủy Tiên vẫn suy nghĩ là nàng nên làm gì bây giờ?

Bây giờ thì bản án tử hình đang được thực hành với Truyền. Thủy Tiên nhất định không có con với chàng, viện cớ chàng đi rồi sẽ không có ai lo cho nó hết. Điều đó trong thâm tâm Thủy Tiên thật ra chỉ là một phần, nàng còn lo nhiều thứ khác nữa như có bầu dáng nàng sẽ xấu đi, đi đẻ nghe nói là rất đau, sinh con rồi thì lại phải lo cho nó đủ thứ, làm sao mà nàng còn có thể đi chơi tự do được? Thủy Tiên lạnh nhạt với Truyền mà chàng thì không thể trách cứ nàng được, chính chàng đã bị bệnh rồi còn gắn nàng chung vào bản án với chàng nên đành chịu. Bếp núc càng lạnh hơn. Truyền đặt luôn nhà hàng giao đồ ăn tới cho chàng mỗi ngày. Lâu lâu chị ba chàng lại đem đồ ăn qua cho em trai, cũng có ý trách Thủy Tiên nhưng Truyền gạt đi, bảo vì Thủy Tiên còn trẻ, và lỗi là vì chàng đã giấu nàng. Cha mẹ Truyền kêu chàng về ở với ông bà nhưng Truyền từ chối vì cảm thấy ông bà đã già rồi lại có những thú vui riêng của tuổi già, nên chàng không nỡ ngăn cản. Càng những năm về sau, Truyền càng kiệt quệ, những điều trị đã làm tóc chàng rụng hết. Truyền nghỉ làm, ở nhà để tránh gặp bất cứ ai. Thủy Tiên về bên nhà nàng thường xuyên hơn. Nàng tránh đi lại với bạn bè, họ hàng, vì sợ mọi người hỏi thăm đến Truyền, nàng cảm thấy xấu hổ khi phải trả lời những câu hỏi đó và nhất là không muốn nhìn thấy những ánh mắt thương hại nàng. Truyền sống với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, Thủy Tiên sống với nỗi đau tinh thần, không lối thoát.

Một sáng mùa đông Truyền đã vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh của Truyền ở bệnh viện khác xa một trời một vực với hình ảnh đám cưới của chàng bảy năm trước đó với Thủy Tiên. Thủy Tiên cũng chẳng khá gì hơn, mới ba mươi tuổi đầu đã thành góa phụ, nàng khóc ngất bên xác chồng, không biết tương lai nàng sẽ ra sao, vẻ thất thần, ngơ ngác của nàng khiến người ngoài ai cũng thấy thương tâm. Mẹ Thủy Tiên dìu nàng đi và an ủi nàng rất nhiều nhưng Thủy Tiên dường như chẳng nghe và nhớ gì cả.

Đám ma Truyền cũng được tổ chức ở nhà thờ St. Joseph. Truyền nằm đó, lặng yên và bình thản, không có vẻ gì khổ đau nữa. Cha mẹ Truyền và Thủy Tiên cùng cha mẹ nàng ngồi ở hàng ghế đầu để chờ cha làm lễ. Tất cả mọi người trong những bộ y phục màu đen, hình ảnh quen thuộc của những đám ma người Tây phương. Lác đác có những mảnh khăn tang trắng của những đứa cháu của Truyền gọi chàng là chú hay cậu. Cha mẹ Truyền lấy một vành khăn, cắt ra làm hai, một nửa để lên đầu quan tài, còn nửa mảnh còn lại đưa Thủy Tiên và bảo nàng đeo lên đầu. Thủy Tiên ngơ ngác, tại sao chỉ có nửa mảnh khăn tang? Tại sao nàng không thể để tang chồng trong tim thôi? Tại sao nàng phải làm những hình thức này để người ngoài trông thấy làm gì? Nỗi đau khổ của nàng chưa đủ hay sao còn bắt nàng làm những chuyện hình thức này nữa? Thủy Tiên ngần ngừ cầm nửa mảnh khăn cha mẹ Truyền đưa nàng, song nàng vắt nó lên đàng sau ghế ngồi, chứ không đeo lên đầu như cha mẹ Truyền bảo. Nàng chẳng tiếc gì nửa mảnh khăn tang, nhưng nàng cũng như Truyền không tin gì cả. Nửa mảnh khăn này có nói lên được điều gì đâu? Nó còn có thể làm cho nàng trông thê lương hơn nếu không nói là xấu đi, cũng có thể nó sẽ tiếp tục đem đến điều xui mà nàng không muốn nhận lãnh nữa. Bà Trình, mẹ Truyền, nhăn mặt khi nhìn thấy Thủy Tiên vắt nửa mảnh khăn tang lên ghế, cái con bé thiệt là tệ, nó là vợ, đeo tang chồng là đúng rồi, tại sao lại không biết nghe lời, tại sao lại nó chống lại lệnh của bà trước mặt bao nhiêu người khác như vầy, trước mặt bao nhiêu người khác lại là chỗ trang nghiêm làm bà không tiện chỉ giáo? Lúc quan tài được khiêng đi, Thủy Tiên khóc ngất và xỉu luôn, bà Trình lấy vội nửa mảnh khăn nhét vào xách tay của Thủy Tiên, định bụng ra đến ngoài nghĩa trang sẽ bảo nhỏ nàng đeo lên cho đúng mọi thủ tục và như vậy mới giữ được thể diện cho Truyền. Ra tới ngoài nghĩa trang, Thủy Tiên vẫn khóc vùi, lúc tỉnh, lúc mê, bà Trình cũng quá bận rộn và đau xót nên không còn để ý đến chuyện nửa mảnh khăn đó nữa.

(Còn tiếp)

Thủy Tiên cũng quên béng nửa mảnh khăn đó cho đến năm tháng sau, khi nàng dọn dẹp đồ đạc để chuyển về ở với cha mẹ, vì căn nhà của Truyền và nàng đã được đem bán cho người khác. Sau đám tang của Truyền, Thủy Tiên sợ, không dám ở nhà một mình nên thường sang nhà cha mẹ ở chung phòng lại với người em gái. Căn nhà không ai ở mà Thủy Tiên thì được toàn quyền quyết định nên nàng đăng bảng bán. Chẳng biết có ai đồn đãi gì không mà đến bốn tháng sau ngày đăng bảng mới có người trả giá. Cái xách tay nàng dùng trong hôm đám ma Truyền là cái nàng ít dùng tới, nên khi xong việc về nhà nàng bỏ vào kẹt tủ và không nhớ gì đến nó nữa. Lúc dọn đống xách tay trong tủ, khoảng mưới lăm cái, để coi cái nào đáng giữ, cái nào đáng bỏ, dọn nhà cho được nhẹ nhàng, nàng mới nhìn thấy lại cái xách tay với nửa mảnh khăn trong đó. Câu hỏi lại trở lại, tại sao chỉ có nửa mảnh khăn tang? Thủy Tiên liền gọi điện thoại cho cha mẹ Truyền để hỏi về chuyện đó và tính hỏi luôn là ông bà có tính đem quần áo của Truyền về không, hay là nàng sẽ đem cho hết cho tiệm bán quần áo cũ? Điện thoại không có ai trả lời, nàng đoán ông bà lại đi chơi ở sòng bài đâu đó rồi. Nàng quyết định đem hết quần áo của Truyền cho tiệm quần áo cũ, đoán chừng cha mẹ Truyền cũng không muốn giữ quần áo của người chết làm gì.

Thắc mắc về nửa mảnh khăn tang chỉ được giải đáp khi Thủy Tiên đi chợ Á Châu và gặp chị ba của Truyền đang bỏ mối hàng ở đó. Đang hỏi thăm chuyện này, chuyện kia thì Thủy Tiên chợt nhớ đến nửa mảnh khăn tang nên hỏi ngay:

- Chị có biết tại sao hôm đó ba má chỉ đưa em có nửa mảnh khăn tang không?

- Chị không biết rõ, nhưng nửa kia chị thấy ba má để lên đầu quan tài, chị đoán là tại Truyền bất hiếu, chết trước ba má, nên nó phải để tang cho ba má. Vì mai mốt ba má qua đời nó không thể để tang cho ba má nữa. Còn em, hôm đó chị không thấy em đeo tang, sao vậy?

Thủy Tiên bối rối:

- Em, em... Hôm đó em có nhớ cái gì đâu?

Có tiếng điện thoại di động reo lên, tiếng nhạc thê lương của một bản nhạc buồn, Thủy Tiên nói xin lỗi rồi mở điện thoại ra nghe, vừa nghe vừa vội vã bước đi. Chị của Truyền nhìn theo thở dài:

- Tiếc gì nửa mảnh khăn tang? Nó sẽ đẹp biết bao nếu nó chịu đeo tang Truyền ngày hôm đó!

Đêm đó, trong phòng riêng, căn phòng mà Thủy Tiên vừa giành lại với người em, Thủy Tiên mở cái xách tay còn mới toanh có để nửa mảnh khăn ra, nhìn thật lâu. Nửa mảnh khăn này, nàng nên giữ hay nên bỏ?

***

Thế là Truyền đã ra đi được một năm. Mọi người cũng đã nguôi ngoai và dường như đã quên đi sự hiện hữu trước kia của chàng. Ông bà Trình vẫn thường lui tới sòng bài để tìm vui, tìm quên, lâu lâu cũng có nhớ tới đứa con bất hạnh. Chị ba của Truyền vẫn bỏ mối đồ ăn ở các chợ nhưng có vẻ ít hơn vì kinh tế thế giới xuống trầm trọng, số người thất nghiệp tăng lên, nên số người tiêu thụ hàng ăn giảm xuống. Các anh chị em của Truyền, có người thất nghiệp, có kẻ vẫn đi làm nhưng ai cũng than vãn là cuộc sống có vẻ khó khăn, nên không còn ai nghĩ hay nhớ đến việc làm giỗ cho Truyền nữa. Chỉ có một người anh của Truyền, là Trọng, thỉnh thoảng vẫn lấy cái đồng hồ của Truyền tặng chàng lần cuối khi vợ chồng chàng thăm Truyền ở nhà Truyền, ra ngắm và chợt nhớ đến người em xấu số. Biết tình cảm của chồng đối với người em, hôm đó vợ Trọng đã nấu một bữa cơm nho nhỏ rồi mời ông bà Trình qua ăn, coi như thay mặt ông bà để làm giỗ cho Truyền. Bà Trình từ chối, bảo bàn thờ Truyền để ở nhà ông bà, thì phải ăn ở nhà ông bà mới phải. Rồi bà đề nghị:

- Thôi ra ngoài ăn đi, chẳng cần nấu nướng làm gì cho mệt. Lúc thằng Truyền còn sống nó cũng ra ngoài ăn thôi. Đúng ra con vợ nó phải làm mới phải. Con bé thiệt là tệ! Cả năm nay chẳng thấy mặt nó đâu. Hôm đám thằng Truyền nó cũng chẳng đeo tang.

Bà Trình vẫn ấm ức chuyện Thủy Tiên không chịu đeo tang Truyền. Sau khi lấy căn nhà của con trai bà, nó cũng đem bán đi rồi cũng chẳng cho ông bà được đồng nào. Bà đã coi như chẳng có đứa con dâu này, nên tự động để một cái bàn thờ nhỏ có hình Truyền trên đó ở nhà bà. Người Việt Nam công giáo sau này cũng đã được thắp nhang cho người đã khuất, nhưng bà Trình không tin điều đó nên bà cũng chưa bao giờ thắp nhang cho Truyền. Đêm đó bà Trình thắp hai ngọn đèn cầy trắng hai bên hình Truyền và lặng lẽ nhìn, nó nhìn đẹp vậy mà sao ra đi sớm thế?

***

BN. (Còn tiếp)
Binh Nguyen
#422 Posted : Tuesday, August 10, 2010 12:09:20 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)

NỬA MẢNH KHĂN (Tiếp theo)

Thủy Tiên vẫn ở nhà cha mẹ nàng. Với số tiền bán được căn nhà nàng ăn xài thỏa thuê, sung sướng một thời gian dài. Nàng không dám mua căn nhà khác để ở theo lời khuyên của một số bạn bè và người thân vì nàng sợ sống một mình. Nàng sợ sự cô đơn, quạnh quẽ. Nàng sợ nàng sẽ nhớ hình ảnh Truyền, nhớ những ngày hai người sống bên nhau. Thủy Tiên có ý kiếm người hùn để mua nhà chung nhưng bạn bè nàng ai cũng đã có nơi có chỗ. Hơn 30 tuổi, Thủy Tiên khó bắt đầu lại từ đầu. Người ta nói "gái 30 tuổi đã toan về già", nàng đã trên 30 lại đã trải qua một đời chồng, lại là góa chồng nên ít nhiều người đời cũng gán cho nàng hai chữ "sát phu" mặc dù Truyền ra đi là tại bệnh. Hai chữ tàn ác này như một định mệnh gắn vào với nàng vì nàng muốn trở lại sống như trước kia cũng không làm sao được mà muốn sống cuộc sống khác cũng không xong. Đi với bất cứ người đàn ông Việt Nam nào thì có kẻ gièm pha là chưa mãn tang chồng đã vội theo trai. Đi với người ngoại quốc, họ không thắc mắc gì về quá khứ của nàng nhưng sao nàng không cảm thấy rung động như xưa và thật sự nàng cũng chưa có ý định kết hôn lần nữa cũng như với người khác chủng tộc. Nàng còn trẻ, còn đẹp, lại không vướng bận con cái gì, lo gì mà không kiếm được tấm chồng? Thêm nữa, nàng có tiền, lo gì không mua được một tình yêu chân thật? Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng sao nàng vẫn cảm thấy lo cho tương lai sắp tới?

Sau ba năm để tang chồng trong tim, không bàn thờ, không nhang khói, không cả một ngọn nến, Thủy Tiên tự cho nàng cái quyền đi kiếm bạn trai mới. Thủy Tiên nửa muốn trở lại trường đi học, nửa muốn đi xin việc làm nhưng cả hai việc này với nàng đều quá khó. Ba mươi ba tuổi, đầu óc nàng dễ quên hơn xưa, không tập trung vào việc gì được nữa. Lại nữa, 10 năm trời sau khi thôi học, nàng không đụng vào bất cứ các loại sách vở nào, đến báo chí nàng cũng lười đọc, chỉ thích coi những sách thời trang, có nhiều hình để đi mua sắm thôi. Sau khi Truyền mất, nàng cũng có đi xin việc làm nhưng chỉ là làm tạm, chỗ này ba bữa, chỗ kia nửa tháng, rồi thấy chán, lại thôi. Đi lại với bạn bè thì cũng chỉ gặp tụi nó vào cuối tuần, vì đứa nào cũng phải đi làm. Đứa nào không đi làm thì cũng bận rộn vợ chồng, con cái, người nào cũng có một gia đình riêng, không ai để ý đến Thủy Tiên nữa. Nàng thấy buồn, nàng than thân, trách phận, cũng có lúc nàng thấy hận Truyền, hận gia đình Truyền, vì chàng mà nàng đã mất đi 10 năm vô nghĩa. Gặp lại những người bạn trai cũ đã theo nàng ngày xưa thì bây giờ họ cũng đã có gia đình. Vả lại, khi họ đã lớn tuổi hơn, họ biết tự trọng hơn, cho dù vợ họ xấu hơn Thủy Tiên, họ cũng không thể bỏ vợ theo Thủy tiên được. Dẫu gì họ cũng biết Truyền, họ đều đã dự đám cưới của Truyền và Thủy Tiên, họ đâu thể lấy vợ bạn như vậy được. Tới những chỗ phòng trà, nhẩy đầm thì Thủy Tiên chỉ có thể quen được những tay làm ăn phi pháp, lợi dụng bề ngoài của nàng để đi ăn, đi chơi và tiền bạc của nàng để hùn vốn làm ăn. Họ không trân quý nàng như Truyền ngày xưa, nàng cảm thấy chán nản thật sự và nhiều khi cảm thấy trống vắng, cũng có lúc nàng ước gì nàng có một đứa con. Tất cả đã muộn màng, bây giờ nàng ân hận đã không có con với Truyền, nàng muốn có một đứa con với Truyền cũng không được nữa vì Truyền đã ra đi vĩnh viễn. Nàng muốn có một tình duyên mới và nhất định kỳ này nàng sẽ có con ngay vì nàng cũng sắp 34 tuổi rồi còn gì. Mẹ nàng bảo không có gì phải vội vàng, cứ từ từ cũng được, để kiếm được một người chồng mạnh khỏe, đàng hoàng rồi sinh con mới mạnh khỏe được. Còn cha nàng lại bảo bà cũng để cho nó lấy chồng để nó còn sinh con nữa chứ, già quá làm sao sinh đẻ được nữa? Vả lại nó đã quá ba mươi rồi còn gì, ai lấy được cho đã là phước. Thủy Tiên nghe cha nói tự nhiên nàng chợt thấy lo, chẳng lẽ nàng đã già thật rồi chăng? Nàng chưa đến 34 tuổi, nàng còn trẻ quá mà!

Em nàng bắt đầu kiếm người về giới thiệu cho nàng. Cũng cùng cha mẹ sinh ra, mà số phận đứa này lại khác đứa kia. Em nàng sau khi nhường căn phòng cho chị mình ở một mình, nó đi lấy chồng ngay mấy tháng sau đó và đã sinh được hai đứa con xinh xắn và mạnh khỏe. Nhiều khi nàng thấy ganh tị với hạnh phúc của em mình, nó chẳng thua mình bao nhiêu tuổi đời mà sao nó may mắn thế? Nó đã dọn ra ở riêng với chồng, sinh con ngay sau đám cưới một năm và năm trước, năm sau là đẻ luôn đứa thứ hai. Những người nó giới thiệu cho nàng hoặc là còn trẻ quá, hoặc là không hợp tính nàng, không có già dặn, không biết lo đi làm như Truyền ngày xưa, nên Thủy Tiên còn dè dặt chưa muốn tính tới. Trong những người em nàng giới thiệu, có Tuấn là trông được nhất, bảnh bao, thư sinh, Thủy Tiên cũng đã thử hẹn hò ra ngoài với Tuấn mấy lần, nhưng với quá khứ của nàng, gia đình Tuấn vẫn còn lấn cấn. Có lẽ nàng nên có một đứa con với Tuấn, cứ gài gia đình chàng vào cái thế đã rồi thì gia đình không thể từ chối nàng được nữa. Cho dù quá khứ của nàng thế nào thì con Tuấn vẫn là cháu họ, họ không thể bỏ cháu và cho dù Tuấn có bỏ nàng thì nàng cũng có một đứa con để hủ hỉ, lo lắng cho nó, không mất đi đâu hết. Nghĩ vậy nên Thủy Tiên lên kế hoạch để có con với Tuấn.

(Còn tiếp)

Thủy Tiên đi bác sĩ, hỏi bác sĩ cái điều mà nàng lo sợ trước kia là ung thư có thể di truyền hoặc đứa con sinh ra có thể bệnh tật hay yếu đuối chăng? Bác sĩ bảo nàng điều đó không nhất định là như vậy, ung thư không có di truyền nhưng cơ hội đứa con bị bệnh hay yếu đuối có thể có chứ không phải không, nhưng cũng có nhiều cơ hội là nó sẽ hoàn toàn khỏe mạnh, không bị gì hết vì nó còn tùy thuộc vào nàng nữa. Bây giờ Thủy Tiên đã mất cơ hội để thử điều đó vì Truyền đã không còn nữa, bệnh tật hay di truyền gì thì chàng cũng đã đem xuống suối vàng. Sự ích kỷ, sợ hãi của nàng trước kia đã hành hạ Truyền một thời gian dài thì bây giờ lại trở về hành hạ chính nàng. Nàng thấy mình thật hạ cấp khi phải tính đến kế hoạch gài Tuấn có con với nàng trong khi trước kia thì nàng từ chối có con với Truyền mà trước kia thì nàng lại có thể đường đường chính chính có con mà không sợ gì hết. Nhiều lúc nghĩ đi rồi nghĩ lại, Thủy Tiên nghĩ hay thôi nàng không nên có con nữa, cứ để mặc cuộc đời trôi đến đâu thì trôi, nàng cứ lấy chồng đi cái đã rồi có con cũng chưa muộn. Tuấn cũng đã 38, không biết vì quá kén chọn hay quá khó khăn mà cũng chưa lập gia đình. Chính vì chàng là thanh niên độc thân, chưa lập gia đình bao giờ nên gia đình Tuấn mới không thể chấp nhận cho chàng đi lấy một người vợ đã qua một đời chồng lại đã qua 30 tuổi. Đàn ông cỡ chàng vẫn còn quá trẻ đế lấy được cô gái hai mươi mấy. Tuấn lại đẹp trai, lịch thiệp, có tệ lắm thì vẫn có thể đi về Việt Nam lấy được mấy cô trẻ, đẹp, chưa chồng, mắc gì phải vướng vào cuộc tình éo le với Thủy Tiên để đánh cuộc với số phận? Tuấn cũng như Thủy Tiên đã đi qua cái thời bồng bột, yêu thương của tuổi trẻ nên bước vào cuộc tình nào bây giờ cũng đều tính toán, so đo. Tuấn còn lo sợ Thủy Tiên vẫn mang trong tim hình bóng của Truyền, chàng là kẻ đến sau dễ gì hưởng được tình yêu của Thủy Tiên trọn vẹn? Thủy Tiên thì thắc mắc Tuấn đã gần 40 mà chưa có vợ chắc phải có điểm gì đó xấu mà con gái chê chăng?

Hai người đi lại với nhau hơn cả năm trời, mẹ Thủy Tiên đau lòng cho con cũng muốn nàng yên thân, yên chỗ, còn cha nàng thì xót xa nhớ lại thời trai trẻ của ông đã chơi qua đường với vài người con gái rồi bỏ họ nên ông lo sợ có thể con ông nhận được quả báo việc làm của ông chăng? Cha Thủy Tiên giữ im lặng, nỗi đau của con ông không nên khơi ra thêm vì vợ ông có thể giận dữ mà sinh bệnh làm con ông đau lòng hơn. Ông nhất quyết giữ câu "sống để dạ, chết mang theo" chứ nhất định không thể kể cho ai nghe được, số phận của Thủy Tiên đành để thượng đế quyết định vậy. Ông thấy thằng Tuấn cũng được, đằng nào thì Truyền cũng đã mất hơn ba năm rồi, con Thủy Tiên đã có thể bước thêm bước nữa. Chỉ có điều gia đình thằng Tuấn có vẻ khó khăn hơn gia đình thằng Truyền, qua vài cuộc nói chyện với Tuấn ông nghĩ như vậy. Vài lần ông cũng đã nói gần nói xa với Tuấn là hãy tội nghiệp cho con Thủy Tiên mà lấy nó liền đi đừng nên kéo dài ra thêm vì nó cũng không còn trẻ nữa. Nhưng cái khúc mắc vẫn là Truyền, cha của Thủy Tiên không làm sao hơn được. Hôm đó đi ăn tối, Thủy Tiên lấy hết can đảm nói với Tuấn:

- Anh có tính làm đám cưới với em không? Mình đã đi lại với nhau hơn một năm rồi còn gì?

Nàng nghe vỡ vụn trong từng lời nói của mình, không ngây thơ, ngang tàng như ngày xưa nàng nói chuyện với Truyền nữa. Có phải vì nàng đã lớn tuổi nên chín chắn, già dặn hơn hay tại vì đời nàng đã gặp quá nhiều đắng cay nên nàng trở nên dè dặt, thận trọng? Tuấn cười buồn:

- Anh cũng nghĩ mình nên lấy nhau, cho dù ba mẹ anh có bằng lòng hay không cũng mặc. Anh nói nhiều rồi nhưng ba mẹ anh không nghe, em nghĩ mình có vượt qua nổi cuộc sống chỉ có tụi mình mà không có gia đình, họ hàng không? Em có còn dính líu gì với gia đình Truyền không? Họ có ý kiến gì khi em bước đi bước nữa không? Em có còn thương nhớ Truyền không? Em có yêu anh thật sự không hay chỉ lấy anh để điền vào chỗ trống của Truyền?

Thủy Tiên bật khóc, nàng đứng lên, lặng lẽ bỏ về, không thể trả lời cho Tuấn được vì chính nàng cũng đã từng hỏi nàng những câu hỏi đó mà không có câu trả lời. Tuấn chạy theo xin lỗi, chàng cảm thấy chàng thật ác, chàng hối hận ngay nhưng đó chính là sự thật cho dù chàng nói ra hay không nói thì Thủy Tiên cũng đã biết, không thể giấu hoài được. Hôm đó, Tuấn đưa Thủy Tiên về và sau đó cả tuần lễ không ai liên lạc với ai, cả hai người đều tự biết họ cần có thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Hai tháng sau một đám cưới được diễn ra đơn giản, họ hàng đàng gái nhiều hơn, cô dâu chỉ mặc bộ váy đầm đơn giản như những bộ quần áo của những cô làm việc văn phòng, chỉ có khác là một vài bông hoa giắt trên đầu và vài bông hoa gài trên ngực áo, đôi mắt nàng thật buồn không còn tươi vui, hạnh phúc như mười một năm về trước. Cha mẹ Tuấn bằng mặt không bằng lòng nhưng ông bà cũng không nỡ cản trở nhiều hơn, vì ở xứ này, thời này, người ta nói "con đặt đâu cha mẹ ngồi đó"! Tuấn đã quá lớn rồi, nó có thể định đoạt cuộc đời của nó, ông bà không nên xen vào nhiều quá. Cha mẹ Thủy Tiên chúc phúc cho con gái hy vọng lần hôn nhân này nó sẽ gặp may mắn hơn.

(Còn tiếp)

Khi người ta bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, thứ ba, người ta thường so sánh nó với cuộc hôn nhân thứ nhất và Thủy Tiên cũng không ngoại lệ. Nằm bên Tuấn, Thủy Tiên vẫn nhớ đến khuôn mặt của Truyền, nhất là khuôn mặt đau khổ của Truyền lúc đang bị bệnh. Thủy Tiên vẫn cảm thấy không thoải mái, hình như lúc nào cũng đang lo sợ một điều gì. Tuấn khác Truyền, chàng là người thụ động trong chuyện gối chăn, lúc nào cũng có vẻ hờ hững như bất cần. Thủy Tiên muốn chỉ dẫn cho Tuấn chuyện đó nhưng chính tâm trạng nàng cũng hoang mang nên ngại ngần không dám. Hai người đối xử với nhau không mặn nồng như Truyền đối với Thủy Tiên trước kia, giữa hai người hầu như lúc nào cũng có một khoảng cách. Thủy Tiên nhiều khi muốn quên, muốn gạt bỏ Truyền ra khỏi ý tưởng của mình nhưng không làm được. Nàng thất vọng, khổ đau, mới 35 tuổi đầu mà cơ thể đã suy yếu, bạc nhược. Số phận thật tàn nhẫn đối với nàng, lấy Tuấn rồi tưởng có thể quên, có thể hạnh phúc, có thể làm lại từ đầu, nhưng không, nàng vẫn miên man trong cái vòng luẩn quẩn!

Tuấn ăn xài cặn kẽ hơn Truyền, chàng thường bảo Thủy Tiên nên nấu nướng ở nhà ăn cho đỡ tốn kém. Thủy Tiên không nấu được, Tuấn đích thân xuống bếp chỉ dẫn cho nàng nhưng nấu ăn cũng là một năng khiếu tự nhiên, không phải ai cũng có và Thủy Tiên thì không có năng khiếu đó. Nàng không thích thú với việc nấu ăn, không kiên nhẫn, không tập trung, nên cuối cùng Tuấn phải chịu thua nàng, chàng nấu luôn cho được việc. Thôi thì, thay vì nấu cho một mình chàng ăn, nấu thêm một phần cho Thủy Tiên cũng không phải chuyện lớn, có thể vì vậy mà chàng cứ tiếc cuộc sống độc thân cho đến bây giờ chăng? Nhìn Tuấn nấu ăn, Thủy Tiên nhớ lại thời huy hoàng với Truyền, chiều nào cũng đi ăn tiệm, đến lúc Truyền bị bệnh thì lại đặt cơm đem tới nhà, nàng không phải làm gì hết. Bây giờ mọi thứ đã đảo lộn, Thủy Tiên chợt thấy tủi thân và nhớ Truyền nhiều hơn nhưng tất cả đã xa rồi. Nếu trở lại thời huy hoàng đó, nhất định nàng sẽ đối xử với Truyền tốt hơn, không ăn hiếp Truyền nữa và có thể sẽ có một đứa con với chàng. Lúc đó nàng đã nghĩ ngợi quá nhiều, nào là lo nàng còn trẻ quá một mình không lo cho con được, nào là lo bệnh của Truyền sẽ lây sang con, và điều quan trọng nhất là nếu Truyền đi rồi nàng còn lại một mình mà có thêm một đứa con thì sẽ khó bước thêm bước nữa. Miệng đời, miệng người thật tàn ác, nàng xoay hướng nào cũng bị người đời chê cười, làm thế nào thì thiên hạ cũng đều gièm pha được và hành động thế nào thì cũng đều bị người ta lên án. Cứ suy nghĩ lung tung như thế nên Thủy Tiên không thể nào tập trung nấu ăn cho ngon được, Tuấn phải chịu thua và nấu lấy một mình.

Mới đầu Tuấn và Thủy Tiên ở chung nhà với cha mẹ Tuấn nhưng sau hai người thấy bất tiện nên thuê nhà ra ở riêng. Căn chúng cư hai người thuê không rộng và đẹp bằng căn chúng cư Truyền mua trước kia nhưng hai người được hoàn toàn tự do, cha mẹ, anh em không dòm ngó. Phần vì Thủy Tiên không muốn Tuấn chỉ dùng tiền của nàng để bỏ xuống mua nhà, cho dù số tiền đó không còn bao nhiêu nhưng nó cũng là của riêng nàng. Nếu muốn mua nhà thì hai phía phải hùn tiền vào bằng nhau, bàn bạc hỏi ý kỹ lưỡng rồi mới nên mua. Ngày xưa, Truyền quyết định những chuyện đó hết nên Thủy Tiên chẳng có một chút kinh nghiệm gì. Tuấn cũng để dành được một số tiền nho nhỏ nhưng thấy Thủy Tiên so đo, tính toán với chàng quá nên chàng đâm ngại mới quyết định chỉ chung tiền đi thuê nhà. Cứ ở với nhau một thời gian xem có hợp không cái đã rồi đến lúc đó mua nhà cũng chưa muộn. Căn chúng cư nhỏ bé, ẩm thấp, cũ kỹ nằm ngay tầng hai, không thơ mộng, thoáng mát như căn nhà cũ của Truyền với Thủy Tiên nhưng vì hai người nhất định ra ở riêng để có sự tự do nên Thủy Tiên đành chịu không dám than van. Tuy khó khăn, không thoải mái về tinh thần lẫn thể xác như vậy nhưng cuối cùng năm tháng sau khi ra riêng, Thủy Tiên cũng mang thai. Điều này làm cho chàng lẫn nàng đều mừng rỡ, Tuấn mừng vì chàng đã sắp 40, có con cũng là vừa, Thủy Tiên thì mừng là vì kể từ bây giờ nàng không còn sợ cô đơn nữa.

(Còn tiếp)

Chín tháng mười ngày của Thủy Tiên cũng giống như của đa số người khác. Nghĩa là cũng ba tháng đầu ói đến mật xanh, mật vàng, sáu tháng sau thì nặng nề, mỏi mệt. Lắm lúc khó chịu quá, Thủy Tiên ân hận là mình đã muốn mang thai với Tuấn, cô đơn đâu chưa biết, bây giờ phải chịu đựng cực hình, như bị tra tấn vậy. Quần áo thì cái nào cũng không vừa, Thủy Tiên phải đi mua một mớ mới, mà mặc vào người vẫn thấy mình không đẹp tí nào. Nhìn thấy Tuấn vẫn phây phây, lắm lúc Thủy Tiên đâm ra bực mình với Tuấn, nàng mè nheo, nhõng nhẽo, bắt Tuấn đi mua cái này, cái kia về cho nàng ăn, muốn có con thì phải cùng chia sẻ chớ? Em của Thủy Tiên tới thăm chị một lần, bảo chắc chị sẽ sinh con gái vì mang bầu con gái nó hành dữ lắm như kinh nghiệm của nàng vậy. Rồi nàng nói luôn em cầu chị đẻ con trai vì gia đình anh Tuấn gốc người Hoa mê con trai thôi, đẻ con gái là đời chị tàn một nửa, họ có thể không dòm đâu! Tuấn nghe được nhăn mặt:

- Cô đừng nói trước mất hên, muốn biết con trai hay con gái đời này đâu có gì khó?

Lúc siêu âm, Tuấn và Thủy Tiên chỉ muốn biết con gái hay con trai, chứ không màng gì đến sức khoẻ của cái bào thai trong bụng, cả hai chỉ muốn biết giới tính để còn đi sắm đồ cho nó. Nhưng bác sĩ không cho biết giới tính của đứa nhỏ mà chỉ khuyên Thủy Tiên nên ăn uống, bồi dưỡng nghỉ ngơi nhiều hơn chứ không nên làm việc mạnh vì nhịp đập của bào thai nghe chừng rất yếu! Đã vậy Thủy Tiên đã 35 tuổi, mang thai rất có nhiều cơ hội có thể bị chứng Down Syndrome, ông khuyên nàng nên thử nước ối để biết nhưng Thủy Tiên từ chối không thử vì dù có thế nào nàng cũng sẽ giữ nó. Lúc bào thai được bốn tháng, nghe bạn bè xúi bảo vào một hãng phụ tùng xe hơi làm việc bắt đầu được mười lăm đồng một giờ, nàng mê quá nên dù mệt cũng vào làm thử. Mới vào làm được một tuần lễ thì ông chủ bắt nghỉ vì thấy nàng mang thai và quá yếu, ông sợ có điều gì xảy ra cho Thủy Tiên ở hãng ông thì ông phải chịu trách nhiệm. Bản thân Thủy Tiên cũng thấy mình rất yếu, cho dù ông chủ không kêu nghỉ thì nàng cũng sẽ xin nghỉ, vì vừa thai hành vừa công việc hành nàng kham không nổi. Nhưng nghỉ thì nàng cũng tiếc, lâu lắm rồi nàng chẳng đi làm, không có tiền để mua sắm cũng bực mình, tiền để dành thì xài mãi cũng hết, còn Tuấn thì xem chừng quá hà tiện với nàng, lúc nàng bảo nàng đi làm, Tuấn cũng đồng ý ngay không lo lắng gì đến sức khỏe của nàng làm Thủy Tiên cũng tủi thân và tự nhiên nhớ đến Truyền. Nếu nàng mang thai cho Truyền chắc chàng cưng Thủy Tiên nhiều hơn vì chưa mang thai mà chàng đã cưng nàng như trứng mỏng rồi còn gì? Dạo này Thủy Tiên hay mơ thấy Truyền, cái hình ảnh ốm yếu của chàng lúc ở trong bệnh viện cứ hiện ra trong mơ ám ảnh nàng. Nhiều đêm, Thủy Tiên thức dậy mồ hôi nàng vã ra như tắm, nhìn qua Tuấn, thấy chàng vẫn ngủ say, Thủy Tiên đâm ra bực mình lại càng tủi thân hơn. Không biết có điềm gì không mà nàng mơ thấy Truyền hoài, Thủy Tiên đâm ra bực với chính bản thân nàng, có phải Truyền ghen mà trở về hành hạ nàng không?

Chưa đến ngày lâm bồn, Thủy Tiên đã đau bụng và phải tới nhà thương sớm hơn hai tuần lễ. Khi đứa bé ra đời, bác sĩ phải vỗ mấy cái nó mới khóc, tiếng khóc yếu ớt như tiếng mèo kêu, yếu ớt như chính bản thân nó vì nó chỉ cân nặng hai ký lô. Thủy Tiên nghe bác sĩ tuyên bố là con gái, nàng thất vọng bật khóc còn Tuấn thì thất vọng quay mặt đi. Nó đã là con gái lại không mang nét đẹp nào của mẹ nó, nhỏ xíu, đỏ hỏn lại xem chừng rất yếu, không biết nó có sống nổi không? Cha mẹ của Tuấn nghe báo tin là con gái cũng chẳng tới thăm, làm Thủy Tiên vừa bực mình, vừa giận. Được, ông bà đối xử với tôi như vậy thì cũng đừng trách tôi sao ghét ông bà, tôi sẽ ráng nuôi đứa nhỏ này lớn mạnh và nó sẽ rửa hận cho mẹ nó. Đứa bé được bỏ vào lồng kiếng để nuôi thêm hai tuần cho cứng cáp, Thủy Tiên không phải cho con bú và nàng cũng không tính cho con bú sữa mẹ vì sợ sẽ làm người nàng xấu đi. Vả lại, ở vào thời đại văn minh này, người ta đã có thể bào chế những loại sữa thay thế cho sữa mẹ còn bổ hơn cả sữa mẹ nữa, cho nó bú sữa mẹ làm gì chỉ làm cho nàng xấu đi?

Một tháng sau Thủy Tiên được đem con về nhà và bắt đầu một cuộc hành trình mới với những đêm dài bất tận. Tiếng khóc của con bé làm cả Tuấn và nàng không sao ngủ được, nhiều hôm bực mình quá Tuấn ra ngoài phòng khách ngủ để mặc Thủy Tiên muốn làm sao đó thì làm. Chẳng biết nó khó chịu cái gì mà sao nó khóc mãi, nhất là vào ban đêm, làm nhiều lúc Thủy Tiên muốn quăng nó vào góc nhà để mặc nó khóc một mình. Lúc mang bầu nàng chỉ mong đẻ nó ra để lấy lại thân hình cũ có thể ra ngoài đi chơi với bạn bè nhưng cái kiểu này chắc còn phải lo cho nó nhiều chưa đi đâu được. Nàng gọi bác sĩ hỏi phải làm sao với nó, bác sĩ chỉ khuyên nàng phải nên kiên nhẫn với con nít, ai cũng vậy chứ chẳng riêng gì nàng. Thủy Tiên chê bác sĩ dở, nói như vậy ai nói chẳng được, nàng đòi đi bác sĩ khác. Tuấn còn khốn đốn hơn, chàng phải đi làm, về nhà lại phải nấu cơm cho hai vợ chồng, còn phải rửa bình, pha sữa cho con, tắm rửa cho nó vì mẹ Thủy Tiên dặn không nên để nàng tiếp xúc với nước nhiều không tốt, lỗ chân lông sẽ to ra làm nàng dễ cảm lạnh sau này. Tuấn và Thủy Tiên có đề nghị mẹ Thủy Tiên tới trông chừng cháu ngoại tháng đầu nhưng bà bảo bà còn phải đi làm, không thể nào giúp được, cho dù trả tiền bà cũng không giúp được nữa là làm công không. Với lại Thủy Tiên đang không đi làm, ở nhà trông con là phải rồi, chỉ có người mẹ coi con là tốt nhất, ngày xưa bà cũng vậy thôi, có sao đâu? Rồi tất cả cũng qua, chỉ cần ráng vài năm là khỏe! Vì thế ông bà ngoại chỉ tới thăm cháu thỉnh thoảng vào cuối tuần với những lời khuyên giảng chứ không giúp đỡ.

Ông bà nội còn tệ hơn, mãi đến hai tháng sau mới đến thăm cháu nội, và vẫn luôn miệng nói phải chi nó là con trai, vì Thủy Tiên đã lớn tuổi rồi sợ nàng không đẻ được nữa. Thủy Tiên nói:

- Thôi con chẳng dám đẻ nữa đâu, đẻ mới một đứa mà đã chịu không nổi rồi làm sao dám đẻ đứa nữa? Con nhỏ này làm gì mà ban đêm nó cứ khóc hoài cứ như bị ma ám vậy, cho tiền con cũng không dám đẻ nữa.

Mẹ Tuấn la:

- Con nhỏ này ăn nói bậy bạ! Đừng có nhắc chuyện đó trong nhà, cữ đó nghe không?

Thủy Tiên nhún vai tỏ vẻ không tin, bà mẹ Tuấn càng nhìn càng bực mình, bà đã không thích đứa con dâu này, bây giờ nó đẻ con gái, lại còn có thái độ chống đối bà nữa. Sau khi ông bà nội ra về, Thủy Tiên nói với Tuấn:

- Con mình đâu phải cháu đích tôn đâu mà sao ba má cứ muốn nó là con trai? Con gái thì đã sao? Mình còn dễ mua quần áo cho nó nữa, con trai mình không biết mua cái gì cho nó.

- Sao em không lo nó ăn cái gì mà cứ lo cái mặc? Nó còn nhỏ xíu à, mặc cái gì mà không được?

- Anh lo ăn, em lo mặc, mỗi đứa phải làm một công việc chớ?

Nhưng cái ăn hay cái mặc không đáng lo bằng cái bệnh, đứa bé èo uột, yếu đuối, cứ phải đi bác sĩ hoài, bác sĩ bảo tim của nó phát triển không bình thường, chắc là cần phải mổ và nó còn bị thêm hội chứng Down Syndrome nữa. Thủy Tiên không ngờ sao nàng lại xui xẻo đến vậy, sao ông trời lại đày đọa nàng quá? Con nàng còn nhỏ xíu mà, chắc là bác sĩ nói không đúng đâu, nàng không muốn tin những lời bác sĩ nói. Bạn bè tới thăm, có người nào lỡ lời bảo con bé nhìn hình như không được bình thường lắm, là Thủy Tiên giận, không nhìn mặt người đó nữa. Con của nàng nó sẽ phát triển bình thường, khó khăn lắm nàng mới có được nó mà sao ông trời lại nỡ đối xử với nàng như vậy? Cuộc đời này đúng là không công bằng, nàng muốn la lên thật to nhưng chỉ bật khóc được nho nhỏ, lẽ ra nàng không nên đẻ nó ra thì tốt hơn, bây giờ thì quá trễ rồi. Phải chi nàng có con sớm hơn thì chắc nó đã không bị như vậy. Đúng là Truyền đã trở về để trừng phạt nàng mà. Đúng là có bóng ma của Truyền đã ám con bé. Thủy tiên chợt rùng mình ớn lạnh, chẳng biết Truyền còn đeo đuổi nàng đến bao giờ? Tuấn thấy con bị bệnh cũng buồn, chàng đã bắt đầu thấy thương con sau mấy tháng trời săn sóc cho nó, cho dù nó bệnh nó cũng là con của chàng, chàng khuyên Thủy Tiên hãy ráng nuôi con, đừng suy nghĩ nhiều, khoa học bây giờ tiến bộ lắm, biết đâu người ta sẽ chữa trị được cho nó. Hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau về đứa con, có hôm Thủy Tiên giận quá thay quần áo đi ra ngoài chơi đến khuya mới về để mặc Tuấn muốn làm gì con bé thì làm. Nàng đã quá mệt mỏi, quá xui xẻo rồi, nàng không còn nghị lực để tranh đấu nữa. Bây giờ con bé có chết đói nàng cũng mặc kệ, nàng không còn thích thú như lúc mới mang bầu nó nữa.

Sáu tháng, Thủy Tiên bắt đầu phải cho con bé ăn nhưng những món đồ ăn trong hũ đồ ăn cho con nít nấu sẵn nó thường nhè ra, không chịu ăn. Có hôm đút hoài mà nó không ăn, bực mình quá, Thủy Tiên tát vào mặt nó một cái làm con bé khóc thét lên sợ hãi và lại càng nhè ra, không ăn nữa. Có người bảo Thủy Tiên nên nấu cháo rồi xay ra cho nó ăn thì may ra nó sẽ thích nhưng Thủy Tiên không có hứng thú trong việc nấu ăn lại rất làm biếng vào bếp nên nàng chừa việc đó chờ Tuấn làm. Tuấn đi làm về mệt, phải nấu cơm cho hai vợ chồng ăn đã khó khăn nên không còn thì giờ để nấu cháo cho con bé nữa. Vì thế con bé càng ốm, càng lúc cơ thể càng suy nhược, đến nỗi các bác sĩ bắt đầu thấy lo lắng, sợ rằng đứa bé sẽ không qua nổi lần giải phẫu thứ nhất, chứ chưa nói đến lần thứ hai, thứ ba như họ đã hoạch định. Tuy rất khó khăn nhưng các bác sĩ vẫn phải báo cho Tuấn và Thủy Tiên biết là đứa bé khó mà sống qua được hai tuổi vì nó có quá nhiều chứng bệnh lại thêm cơ thể quá yếu. Tuy thế, họ vẫn hy vọng sau khi mổ xong thì nó sẽ đỡ hơn và có thể sống được lâu hơn nhưng cơ hội đó rất ít nên Tuấn và Thủy Tiên cũng nên chuẩn bị tinh thần. Thủy Tiên bắt đầu lo lắng và cảm thấy buồn chán cho số phận của mình. Nàng trách trời, trách đất và hối hận là đã đẻ con bé ra. Cha mẹ Tuấn thì bắt đầu ân hận là đã mong nó là con trai, bây giờ thì có mong con gái cũng không được, chỉ còn biết tùy vào ông trời. Thủy Tiên thấy lạ khi ông bà đối xử với nàng tử tế hơn nhưng nàng vẫn ghét họ và vẫn cho là họ giả dối. Hy vọng nuôi lớn con bé để rửa hận cho nàng bây giờ đã tan thành mây khói, việc đó làm nàng thấy ghét họ hơn. Cha mẹ Thủy Tiên thì an ủi Thủy Tiên rằng nàng còn trẻ, không có đứa này thì có đứa khác, không cần phải lo lắng quá đáng sẽ hại đến sức khỏe của nàng.

Con bé đã không qua nổi cuộc giải phẫu thứ nhất như các bác sĩ dự đoán. Khi được bác sĩ báo tin buồn, Thủy Tiên ngất xỉu ngay tại chỗ, làm người ta phải quay ra trợ cứu nàng. Các bác sĩ cảm thương cho đứa bé xấu số thì ít mà lại cảm thương cho cha mẹ nó nhiều hơn, vì người ra đi không còn cảm giác đau đớn gì, có đau đớn chăng là chỉ có ở những người ở lại, nhất là những bậc cha mẹ. Tất cả xảy ra nhanh như một giấc mơ, Thủy Tiên không còn biết gì nữa hết. Trong cơn mê sảng nàng nhìn thấy Truyền đang bế con nàng chạy đi và bóng chàng cứ mờ dần, mờ dần, cho đến khi nàng hét lên và giật mình tỉnh dậy. Thủy Tiên cũng chẳng còn nhớ gì, nàng bước đi như người mộng du, ai dìu nàng đi đâu thì nàng đi đó, kêu nàng làm cái gì thì nàng làm cái đó. Khi đặt mảnh khăn tang lên chiếc quan tài bé nhỏ, Thủy Tiên chợt nhìn trừng trừng, thất thần, đây có phải là nửa mảnh khăn mà nàng đã để lại sau đám ma Truyền hay là ai đã xé một miếng khác để để lên đầu quan tài con bé chứng tỏ là nó đã bất hiếu bỏ đi trước cha mẹ nó? Sao ông trời lại đối xử tàn nhẫn với nàng như vậy? Tại sao tất cả những xui xẻo lại đổ hết vô đầu nàng? Nàng chẳng còn biết trách ai chỉ còn biết trách ông trời, trách cho số phận và chợt nàng muốn chết ngay đi để có thể quên hết thực tại, không phải đối diện với nó nữa.

Cuối cùng thì nửa mảnh khăn tang cũng có người đeo lên cho dù chỉ là hình thức trên những mảnh gỗ vô tri, vô giác. Cách đó hơn bốn năm lẽ ra nó là mảnh khăn tang nguyên vẹn nhưng vì ông bà Trình quá đau xót và bận rộn cho đứa con trai mới mất nên không nhớ gì đến việc đeo tang cho Truyền trong đám tang. Đến ngày phải đưa Truyền ra nghĩa trang có người hỏi ông bà sao chẳng thấy ai đeo tang hết vậy, ông bà mới chợt nhớ ra và vội vàng cho người đi mua vải trắng về làm khăn tang. Vải mua về rồi, người ta lại bảo phải đếm đúng số người đeo tang rồi mới cắt chứ không được làm dư ra, xui! Đến khi đưa mảnh khăn cuối cùng cho Thủy Tiên để nàng đeo vào thì mọi người lại bảo phải đeo cả một cái vào quan tài của Truyền vì Truyền đã bất hiếu ra đi trước cha mẹ. Chỉ còn một mảnh khăn tang, không còn thì giờ mà cũng chẳng thể dư hay thiếu nên ông bà Trình quyết định cắt dọc mảnh cuối cùng ra làm hai, một nửa để lên quan tài còn nửa kia đưa cho Thủy Tiên.

Thủy Tiên như người mộng du. Mới 37 tuổi mà nàng trông già như 47 tuổi. Nàng không màng chưng diện đi ra ngoài nữa mà cứ ở trong nhà lục lọi những cái xách tay cũ để tìm nửa mảnh khăn tang mà nàng đã để lại sau đám tang của Truyền. Nàng đã không thể tìm ra nó vì chính nàng đã lấy nó đưa cho người ta để người ta để lên đầu quan tài con nàng. Số phận quá nghiệt ngã đối với nàng, nàng quở trách ông trời, than phiền số phận. Thủy Tiên mất hết niềm tin, mất hết nghị lực và cứ nửa mê, nửa tỉnh như vậy trong một thời gian dài. Tuấn nhiều lúc ôm nàng, chảy nước mắt, chính chàng là đàn ông mà nhiều khi cũng muốn gục ngã, huống gì nàng? Cha mẹ chàng, cha mẹ nàng, kể cả người quen, họ hàng ai cũng đã hết lời để an ủi hai vợ chồng nên chỉ còn biết im lặng.

Bình Nguyên
Tháng 8, 2010.


ngodong
#423 Posted : Tuesday, August 31, 2010 12:27:33 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Số phận chỉ mỉm cười với người biết đứng lên nó phải không Bình Nguyên.
Binh Nguyen
#424 Posted : Friday, September 24, 2010 11:46:39 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
CHUYỆN BÁT CANH RAU MUỐNG

Bữa cơm tối thường là thời gian duy nhất để chúng tôi ngồi bên nhau và kể chuyện trong ngày. Hôm nay tôi nấu món rau muống luộc và món thịt kho, ai muốn chấm nước thịt kho thì chấm, ai muốn chấm nước mắm thì chấm. Món này là món dễ nhất trong các món, chỉ cần nấu nồi nước sôi, bỏ rau vào với một tí muối thế là xong. Nhưng chính vì nó dễ mà nó lại trở thành khó cho bất cứ ai không biết làm sao để cho rau giữ được màu xanh và người ta chỉ hơn nhau ở cái kỹ thuật này thôi. Muốn cho rau được xanh, tôi thường bỏ nước nhiều để đủ chỗ để ấn rau xuống dưới mặt nước và cố gắng dùng đũa ấn thật nhanh và đều tay để không có cọng rau nào nổi lên trên mặt nước được. Những cọng nào nổi lên trên thường sẽ bị đỏ trông không ngon. Nước vừa sôi trở lại hay cọng rau vừa đổi màu là gắp rau ra ngay và bỏ vào trong một cái rổ cho ráo nước. Nước chảy qua rổ nên đổ ngay, đừng giữ phía dưới rổ quá lâu có thể làm rau muống hấp hơi lại sẽ bị đỏ. Sau đó, đổ rau ra dĩa ăn ngay là tốt nhất, nếu không ăn ngay được thì nên bịt lại bằng bao ny lông để giữ màu xanh của rau vì nếu rau lộ ra ngoài không khí quá lâu rất dễ bị đỏ.

Bây giờ nói đến món nước mắm để chấm rau muống luộc. Nước mắm này nên là nước mắm ngon, để nguyên chất, vắt vào một tí chanh, giã vào một tí tỏi, và... vậy thôi, không cần thêm gì nữa cả. Tỏi ăn sống như vầy có tác dụng trị cảm rất cao, nên ăn rau muống luộc chấm nước mắm tỏi nhiều cũng là một cách để đánh cảm. Tuy nhiên, chủ đề chính của câu chuyện hôm nay không phải là dĩa rau muống, cũng không phải là bát nước mắm hay bát nước thịt kho, mà là câu chuyện của bát canh rau muống. Tôi phải nên vào đề ngay để không quý vị lại bảo tôi cứ vòng vo tam quốc mãi. Sau khi rau được vớt ra hết, tôi bỏ vào một quả cà chua để nguyên, không cắt ra, pha vào đó một tí bột me hay nước me dầm, một tí đường và một tí tỏi bằm. Đừng hỏi tôi tại sao lại là tỏi? Cũng đừng hỏi tỏi này có phải để đánh cảm không? Xin thưa, có thể có mà cũng có thể không, vì khi nãy tôi có nói tỏi sống đánh cảm mới tốt cơ mà? Tỏi này bị ninh nhừ với quả cà chua từ lúc nó còn nguyên đến lúc nó nứt hết vỏ ra, thì tỏi nào mà còn sống được nữa? Trước kia lúc còn ở nhà, hôm nào thấy rau muống luộc bố tôi cũng hỏi nước rau muống luộc đâu rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xảy ra ở làng ông ngày đó.

Có một cặp vợ chồng ở trong làng, người vợ đẻ đứa con đầu lòng, mẹ ruột cô vợ bèn bảo bà vú thay mặt bà qua nhà cô vợ để chăm sóc, giúp đỡ cô con gái trong lúc cô ở cữ. Tối hôm đó, bà vú nấu món rau muống và dọn ra cho chồng cô chủ ăn nhưng không dọn ra bát canh rau muống. Cậu chủ hỏi bà canh rau muống đâu, bà bảo bà lỡ tay đổ nó đi rồi vì nghĩ không có ai dùng nó nữa. Cậu chủ bỗng nhiên nổi giận và tát bà vú một cái. Sau đó bà vú vẫn bình thường vào phòng cô chủ để tiếp tục săn sóc cô. Nhìn thấy bà buồn, cô hỏi đã xảy ra chuyện gì, bà vú buồn bã kể lại cho cô nghe. Ai ngờ nghe xong, cô chủ uất ức quá, nổi máu hậu sản lên và chết luôn. Mẹ ruột cô giận con rể, giận luôn cháu ngoại, bà cấm cửa không cho cháu ngoại đến nhà nữa. Bà bảo cha nó ác đức như thế thì nó cũng sẽ chẳng tốt lành gì và thế là hai gia đình trở thành kẻ thù, không qua lại với nhau nữa.

Nghe chuyện xong, con tôi sững sờ, nó bảo nó không ngờ câu chuyện lại kết thúc bi thảm như vậy. Tôi đoán hay vì ngày xưa người ta đói nghèo nên quá coi trọng miếng ăn chăng? Bố tôi nói hai gia đình đó đều không nghèo vì có nuôi kẻ ăn người ở trong nhà làm sao mà nghèo được, chỉ là ông chồng đó ác thật, người ta đã đổ rồi thì thôi, có sao đâu mà phải đánh người ta? Cho dù người đó là người ở cũng không nên đánh người ta như vậy, huống gì đó là bà vú đã nuôi vợ mình từ ngày còn bé, có thể cô ấy còn thương hơn cả mẹ ruột của cô ấy nữa. Bà vú đi nuôi cô chủ là thay mặt mẹ ruột cô để đi nuôi cô, đánh bà thì có khác nào đánh bà mẹ vợ? Người bình thường nghe chuyện còn thấy bực mình huống gì là người đàn bà mới đẻ. Những bà đẻ thường rất dễ xúc động. Họ dễ lên máu hậu sản bất ngờ cho dù chỉ là một chuyện nhỏ nhặt, trong khi chuyện bát canh rau muống này lại là chuyện chẳng nhỏ nhặt tí nào.

Nói như thế, để thấy bát canh rau muống quan trọng đến cỡ nào. Chỉ có một bát canh rau muống thôi mà có thể nói lên nhân cách của bao nhiêu người trong đó.

Bình Nguyên
Tháng 9, 2010.
Binh Nguyen
#425 Posted : Saturday, October 16, 2010 12:10:53 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
NÀNG DÂU ỐI A

Khi Tuấn Khanh ngỏ lời ly dị với Thùy Hương, nàng thấy đất trời như sụp đổ. Đi hát chưa được hai năm, nàng đã phải rời bỏ sân khấu để ở nhà chăm sóc cho hai đứa con nhỏ, cũng là lúc sự nghiệp của Tuấn Khanh lên vi vút. Ngoài ca hát, chàng còn được mời đóng kịch, đóng quảng cáo, rồi đóng phim vì Tuấn Khanh có ngoại hình khá điển trai nên dễ dàng nổi tiếng như vậy. Lịch trình đi trình diễn của chàng lúc nào cũng dầy đặc trong khi lịch trình của Thùy Hương càng lúc càng rời rạc, rời rạc rồi dứt hẳn. Lúc đầu, Thùy Hương cũng không buồn lắm vì nàng tự biết giọng hát của nàng cũng không có gì là đặc sắc, nàng chỉ được khuôn mặt tự nhiên, nhí nhảnh, trẻ trung, tươi mát nên được một trung tâm ca nhạc lăng xê lên trong một khoảng thời gian. Trong lúc đi hát, nàng và Tuấn Khanh quen nhau, hát cặp với nhau, rồi yêu nhau, rồi lấy nhau như bao nhiêu cặp trai gái bình thường khác. Ngay sau khi đám cưới, Thùy Hương mang thai, đứa thứ nhất rồi đứa thứ hai, nên thân hình nàng không còn tươi mát, trẻ trung như ngày xưa nữa. Mới đầu Tuấn Khanh còn an ủi nàng, bảo chỉ cần chàng đi hát thôi cũng đủ nuôi cả gia đình rồi, Thùy Hương không cần phải lo đi hát nữa. Chàng nói nàng chỉ cần ở nhà chăm sóc cho con, chàng sẽ đi làm để chu cấp cho nàng và con đầy đủ. Thế nhưng, lịch trình trình diễn của Tuấn Khanh càng ngày càng đặc kín, tiếng tăm càng ngày càng lừng lẫy, đi đến đâu cũng có bao nhiêu cô gái chạy theo, Tuấn Khanh có muốn chung thủy với Thùy Hương cũng không thể chung thủy được nữa. Huống gì, Thùy Hương đã có hai con, nhan sắc đã xuống, thời gian đã tàn phá vẻ trẻ trung của nàng và vì bận bịu với con cái, nàng không còn thời gian o bế mình như trước kia nữa. Điều đó đã làm Tuấn Khanh thấy chán và vì thế chàng đã ngoại tình.

Trong một lần về Việt Nam ca hát, Tuấn Khanh đã bị một cô gái, con cán bộ nhà giàu mồi chài, trả tiền cho mọi chi phí cho những lần trình diễn của chàng, trả tiền để lăng xê chàng lên, ngược lại chàng phải bảo lãnh nàng ra nước ngoài. Thế là, Tuấn Khanh về lại Mỹ đòi ly dị với Thùy Hương, đã không hứa thì thôi, người quân tử là người phải giữ lời hứa, Tuấn Khanh nói với Thùy Hương như vậy và bảo làm gì đi nữa chàng vẫn yêu nàng, thương con. Nước mắt rơi, Thùy Hương vật vã, gia đình Tuấn Khanh cũng bênh Thùy Hương, chửi rủa Tuấn Khanh và cả cô bồ mới của chàng. Sau nhiều lần cãi vã, sau nhiều lần khuyên can của các cố vấn tâm lý cũng như của gia đình và bạn bè, Thùy Hương đồng ý ký giấy ly dị. Nhà cửa chia đôi, tài sản chia đôi, Thùy Hương và hai con được quyền ở trong căn nhà lớn nhưng lòng nàng vẫn quặn đau, tâm trạng nàng vẫn u uất. Những ngày tháng dài lê thê bắt đầu, những đêm khuya lẻ loi, lặng lẽ kéo dài, tiếng cười đùa của hai đứa trẻ ban ngày cũng vắng đi, Thùy Hương để mặc cho nước mắt rơi, oán hận kẻ phản bội, căm thù tình địch chưa thấy mặt của mình, mọi người nói xấu sau lưng nàng rằng chính những tâm trạng đó đã làm nàng xấu đi.

Nắng đã nhạt, mưa đã phai, tình cảm của những cặp tình nhân cũng nhạt đi, không còn bồng bột nhưng buổi ban đầu mới quen nhau nữa. Sau một thời gian dài, Thùy Hương chợt cảm thấy con người của Tuấn Khanh không đáng cho nàng đau khổ như vậy, nên nàng quyết định đứng dậy, tự thay đổi mình, tự đổi thành con người khác để làm lại cuộc đời. Hai đứa con trở thành niềm vui của nàng. Nàng chở con đi học, đi tham gia những sinh hoạt trong cộng đồng và rồi nàng dẫn con đến chùa cho nó tham gia gia đình Phật tử, còn nàng thì ra sức làm những việc thiện nguyện trong chùa, thứ nhất để tìm quên, thứ hai là để học hỏi thêm tính vị tha, thương người của những người chung quanh. Thùy Hương cảm thấy nàng trầm tĩnh hẳn đi, ít giận hờn nóng giận với con như lúc vừa mới xảy ra chuyện ly dị. Được nghe và thấy cảnh khổ của những người khác, nàng cảm thấy nàng hãy còn may mắn hơn rất nhiều và dần dần quên những oán hận trong lòng nàng, và rồi Thùy Hương gặp Tân, chàng thường đưa mẹ đến chùa nên hai người gặp nhau.

Cùng sinh hoạt trong gia đình Phật tử, cùng nhau học những khóa tu ở chùa, bạn bè bình thường gặp nhau hoài cũng mến, huống gì Thùy Hương đang cô đơn lại cũng có chút cảm tình với Tân ngay ở lần đầu gặp gỡ. Tân có giọng hát trầm, buồn, sau một thời gian hát chung với các bạn bè khác trong gia đình Phật tử, chàng và nàng lại nhanh chóng trở thành cặp song ca nổi tiếng của chùa. Hai đứa con của Thùy Hương thiếu tình thương của cha, được chú Tân săn sóc, cưng chiều nên càng ngày càng mến chú Tân. Thùy Hương thì như một con chim đã đậu phải cành mềm nên lúc nào cũng e dè, sợ sệt, không biết nên tính tới trong chuyện tình cảm mới này như thế nào. Trong khi đó Tân là trai tân mới lớn, chưa lần nào trải qua chuyện tình cảm với bất cứ ai, lần này có cảm tình với Thùy Hương, cái cảm giác chàng chưa bao giờ có nên chàng chỉ muốn làm đám cưới với Thùy Hương ngay, để chàng được chính thức bảo bọc nàng và hai đứa nhỏ tội nghiệp. Thùy Hương lo lắng trước kia Tuấn Khanh đã nhờ giọng hát nên trở thành nổi tiếng và đã phụ nàng, biết đâu lần này với Tân cũng vậy? Có lẽ nàng nên thủ phận người đàn bà đã có gia đình một lần mà đừng dính líu với Tân nữa, cứ thẳng thắn từ chối tình cảm của chàng thế là xong. Tân thì vẫn kiên trì, mỗi lần đi làm về, chàng thường ghé lại nhà Thùy Hương chơi, nói chuyện và giúp đỡ nàng những việc của đàn ông mà Thùy Hương không làm được. Mẹ Tân, bà Hằng, bắt đầu thắc mắc về cậu con trai một, nó đi đâu mà dạo này thấy ít về nhà ăn cơm? Bà hỏi thì Tân không nói nhưng những người đi chùa khác ai cũng biết và báo cho bà hay. Bà bắt đầu đi ra đi vô, chửi chó, mắng mèo mỗi khi nhìn thấy Tân nói chuyện trên điện thoại với Thùy Hương. Có lần bà nói thẳng:

- Mày hết người cặp rồi hay sao mà đi với con đó? Nó đã qua một đời chồng lại có hai đứa con, lại còn già hơn mày. Mày không xấu lại chẳng ế ỏng gì thì tại sao lại đi với con đó? Cỡ mày đi về Việt Nam, tụi con gái nó sắp hàng cả cây số cho mày lựa, dại gì lại đi đâm đầu vào cái con đó cho phiền vậy hả? Rồi làm sao tao dám gặp ai? Mày làm mẹ mất thể diện quá mà!

Tân kể lại câu nói của mẹ mình cho Thùy Hương nghe, nàng thấy buồn và đau khổ hơn, điều nàng lo sợ đã tới, ai mà đồng ý trai mới lớn đi lấy gái hai con đã đổ vỡ một lần? Tuy vậy, Tân vẫn gọi thường xuyên cho nàng, nàng cũng muốn làm khó, làm dễ chàng vì câu nói tàn nhẫn của mẹ chàng nhưng nàng đúng là ở cái thế mở miệng không được nên đành phải lặng im. Thùy Hương khuyên Tân nên quên nàng đi, hãy tìm những người trẻ hơn nàng mà làm bạn nhưng chính vì Thùy Hương nói như vậy lại làm cho Tân thương nàng hơn, tình yêu không phân biệt ở hoàn cảnh hay tuổi tác được. Chàng tin rằng nếu nói lý lẽ mẹ chàng sẽ nghe, nhất là bà là người đi chùa, hy vọng bà sẽ thương và thông cảm với Thùy Hương.

Bà Hằng không thể thông cảm với Thùy Hương được. Cha Tân đã bỏ bà đi lấy người khác ba mươi năm trước, bà vẫn ở vậy nuôi được Tân, tại sao bây giờ Thùy Hương lại không làm được? Bà cảm thấy coi thường nàng, tại sao cứ phải lấy chồng mới sống được và bộ nàng không thấy Tân là trai mới lớn nên chưa có nhiều kinh nghiệm trên tình trường sao? Nó có thể bồng bột nhất thời để cảm thấy thương nàng, nhưng mười năm, hay hai mươi năm nữa nó sẽ thấy là cái tình yêu lúc này là ấu trĩ vì tình yêu trai gái không thể sống mãi được, nó có thể thay đổi theo thời gian. Nói nặng rồi nói nhẹ, Tân vẫn không nghe, bà Hằng kiếm cách làm áp lực với chàng. Mỗi lần Tân đi làm về, bà thường gọi điện thoại tay của chàng để nhờ chàng đi chỗ này, chỗ kia để mua cái này cái kia cho bà nhiều khi chẳng có gì là gấp gáp hay quan trọng. Cuối tuần đi đến chùa, nhìn thấy mặt Hương là bà làm lơ như không quen biết nếu không nói là còn tỏ vẻ khó chịu và bà còn gán ghép hết cô này đến cô kia cho Tân. Thùy Hương cảm thấy buồn cười, ngay cả gán ghép chàng với những người con gái khác nàng cũng đã làm rồi nhưng Tân cũng đâu có nghe đâu mà cứ nhất định là đòi thương nàng. Tình yêu là thứ không giải thích được, yêu là yêu thế thôi. Ngay cả nàng cũng vậy, nàng muốn quên Tân đi, tập trung lo cho hai con, nhưng tình cảm nàng dành cho Tân đối với nàng thật mới lạ, không như trước kia đối với chồng cũ nên nàng đành xuôi theo số phận, đến đâu thì đến thôi.

(Còn tiếp)

Nhà chỉ có hai mẹ con mà Tân thì lại thường qua nhà Hương nên chỉ còn bà Hằng ở nhà một mình. Bà cảm thấy buồn, cô đơn và bà đổ lỗi tất cả là tại Thùy Hương. Bà hẹn Vân Trúc, con gái của bà Ánh cùng mẹ nàng tới nhà bà chơi, cốt ý để giới thiệu cho Tân làm quen với Trúc mà quên Hương đi. Bà Hằng dặn Tân thứ bảy ở nhà để gặp một người bạn của bà tới chơi nhưng đến lúc Vân Trúc và bà Ánh tới nhà bà Hằng thì vẫn chẳng thấy tăm hơi Tân đâu. Bà Hằng giận dữ ra mặt, gọi điện thoại cho chàng thì chàng bảo chàng phải đi làm đột xuất vì hãng gọi bất thình lình, chàng không thể từ chối được và chàng nghĩ bạn mẹ chàng tới chơi với mẹ chàng thì sự có mặt của chàng ở nhà hay không cũng không quan trọng lắm. Bà Hằng tức lộn ruột, nó biết bà muốn giới thiệu nó với Vân Trúc nên tìm cách thoái thác để tránh mặt. Con gái người ta xinh đẹp là thế, dễ thương là thế, lại trẻ trung, hiếu thảo như vậy, mà nó không thương lại đi thương một người đã một lần có chồng, đã có con, thì có tức không kia chứ?

Vân Trúc như luồng gió mát ùa vào nhà bà Hằng, nàng chào hỏi bà và ngồi kế bên mẹ trò chuyện với bà Hằng. Khi bà Hằng chuẩn bị nấu nướng, bà Ánh cũng phụ một tay thì Vân Trúc cũng mau mắn đứng lên giúp hai bà. Nàng nhanh nhẹn và thuần thục như đã tới nhà bà Hằng nhiều lần rồi, bà Hằng cười vui vẻ và nói với nàng:

- Trời, bác thấy thích con quá! Phải chi con làm con dâu của bác thì tốt biết mấy. Con vừa hiền vừa dễ thương vậy mà thằng con bác nó không theo lại đi theo cái con nhỏ kia. Thiệt bực mình hết sức! Con biết thằng Tân bây giờ nó đang theo ai không?

- Ai vậy bác?

- Ý trời! Trong chùa người ta đồn hà rầm là thằng Tân nó đang theo con Hương, bộ con hông nghe thấy sao?

- A, cháu có nghe, nhưng cháu tưởng người ta chỉ ghép đôi chơi cho vui thôi chứ?

- Thiệt đó con ơi! Bác thấy thằng Tân gọi cho con Hương hoài à.

Vân Trúc thật thà:

- Thì cũng tốt thôi, chứ có sao đâu bác? Anh Tân chưa vợ, chị Hương đã ly dị chồng, con nghĩ họ lấy nhau cũng đâu có sao?

Bà Ánh sợ bà Hằng mích lòng xen vào:

- Con hông hiểu gì hết. Con Hương có hai đứa con rồi, còn thằng Tân là trai tân, ai lại đi lấy gái đã qua một đời chồng? Lại còn hai đứa con của nó nữa, người ta "ăn ốc" mà bắt mình "đổ vỏ" coi sao được?

Trúc ngớ ra:

- Cái gì mà "ăn ốc", cái gì mà "đổ vỏ" trong đây nữa vậy má?

Bà Hằng cười lớn:

- Con bé này ngây thơ thiệt! Bộ con không biết câu "người ăn ốc, người đổ vỏ" sao? Nghĩa là thằng chồng cũ của con Hương là người "ăn ốc", nó sung sướng cho đã, đẻ được hai đứa con, nếu thằng Tân lấy con Hương bây giờ thì phải lo cho hai đứa con nó luôn, tức là nó phải làm cái chuyện đi "đổ vỏ ốc" cho thằng kia, vì không phải con nó mà nó phải lo.

Vân Trúc vẫn còn không hiểu lắm nhưng nàng cũng bỏ qua không hỏi thêm nữa vì nàng coi điều đó không quan trọng. Nàng lớn lên ở đây, hấp thụ phong tục Tây phương nhiều nên nàng không màng lắm chuyện ly dị hay lấy vợ lấy chồng khác. Cha Trúc mất lúc nàng còn nhỏ, khi lớn lên thấy mẹ mình buồn, nàng cũng khuyên bà Ánh nên bước thêm bước nữa chứ không nên ở một mình như vậy. Kể ra, bà Ánh cũng muốn bước thêm bước nữa nhưng mới đầu thì thấy tội nghiệp Vân Trúc, sau đó thì lại không kiếm được người nào giống ba Vân Trúc, nên cuối cùng bà cũng lỡ thì, lỡ thời, bà thôi không còn nghĩ đến chuyện đó nữa. Gặp bà Hằng cũng có hoàn cảnh giống mình nên hai bà dễ dàng kết thân với nhau ngay và còn muốn hai đứa con lấy nhau để hai bà có thể trở thành suôi gia với nhau cho thân hơn. Vân Trúc thương mẹ cô đơn, nên bà kêu nàng chở đi đâu là nàng chở đi đó chứ thật tình nàng cũng có quen với nhiều bạn bè khác để đi chơi không cần phải đi với mẹ như vậy. Cứ nghĩ đến mẹ, nàng lại thấy tội nghiệp nên lại cố gắng chở bà đi tới chùa sinh hoạt và cũng đồng ý chở bà đến nhà bà Hằng chơi để hai bà có thể nói chuyện vui vẻ mà quên đi hoàn cảnh cô quạnh. Nàng cũng gặp Tân ở chùa mấy lần nhưng cũng chỉ chào hỏi nhau như những Phật tử khác chứ không có tình ý gì đặc biệt. Thật sự nàng cũng không để ý lắm đến Tân vì có lẽ chàng không giống như người trong mộng của nàng nên nàng không có cảm tình gì đặc biệt. Cái chuyện đồn đãi, ghép đôi chính bản thân nàng cũng đã bị nên nàng không tin lắm là tất cả sẽ biến thành sự thật.

Bà Hằng, bà Ánh cùng Vân Trúc bày ra ăn uống trò chuyện vui vẻ mãi đến chiều mà Tân cũng chưa về. Cuối cùng bà Ánh kêu Trúc chở bà về vì trời cũng đã tối rồi, bà phải về để ngày mai còn lên chùa nữa. Tiễn bà Ánh và Vân Trúc ra cửa xong, bà Hằng quay vào gọi cho Tân ngay nhưng điện thoại tay của Tân đã tắt không liên lạc được. Thằng con của bà thật là quá hỗn hào, nó hứa với bà sẽ ở nhà gặp bạn bà và con gái bạn bà thế mà cuối cùng nó lại không về làm bà thật mất mặt. Tân không muốn mẹ làm phiền mình nên đã tắt điện thoại, vì chàng đang đi chơi xa với Hương và một số bạn bè của chàng. Trong đám đi picnic ngày hôm nay, Hương là người lớn tuổi nhất nhưng lại vui nhộn và có duyên nhất, nên ngay cả những bạn bè của Tân cũng thích nàng. Bạn bè của Tân là những bạn học cũ, có những cặp mới lấy nhau, cũng có cặp đã có một hay hai đứa con và một số vẫn còn độc thân như Tân. Lâu lâu họ họp lại tổ chức ăn uống hay đi picnic chỗ này chỗ kia, thứ nhất là để tìm vui, thứ hai cũng là để được sự giới thiệu của bạn bè, nới rộng sự quen biết để hòng kiếm người vừa ý với mình. Hôm nay là ngày Tân đem Thùy Hương và hai đứa bé tới giới thiệu với bạn bè nhưng không tiện nói với mẹ mình nên chàng đành phải nói dối với bà. Bạn bè Tân ai cũng thích Thùy Hương vì Thùy Hương đẹp, có duyên lại hay pha trò nên mới lần đầu gặp mặt ai cũng có cảm tình ngay. Thùy Hương không ngờ rằng trong cùng một ngày, có bao nhiêu người thích nàng thì ít nhất cũng có một người ghét nàng, đó chính là mẹ của Tân.

Bà Hằng dọn dẹp thui thủi một mình rồi cố gắng đi nghỉ sớm để lấy sức ngày mai lên chùa nhưng bà không tài nào ngủ được vì cơn giận và tức Tân vẫn còn ứ đọng trong lòng bà. Cứ càng nghĩ tới khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp của Vân Trúc bà lại càng giận mình vô phước có thằng con bất hiếu như Tân. Tại sao mắt nó không sáng để để ý đến một cô gái thanh tân như vậy mà lại đi thích một con nhỏ đã già khằng lại còn đã có con rồi? Bà suy nghĩ không biết phải làm sao để ngăn trở chuyện Tân đi với Thùy Hương và làm sao để Tân thích Vân Trúc chứ không thích Thùy Hương nữa. Bà tin rằng chỉ cần Tân đi với Vân Trúc vài lần thì nó sẽ thấy Vân Trúc đáng yêu hơn Thùy Hương rất nhiều. Nhưng làm sao để chúng nó đi với nhau đây?

(Còn tiếp)

Tân về tới nhà thì cũng đã gần 12 giờ đêm, chàng đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi ngủ thì bà Hằng mở cửa phòng bước ra và đòi nói chuyện với chàng. Tân cau mặt, lại chuyện hồi chiều, sao mẹ chàng không hiểu được chuyện tình yêu gì hết, yêu ai là tại hợp với người đó thôi chứ đâu thể nào chỉ nhìn vào nhan sắc và hoàn cảnh của người ta rồi mới yêu? Bà Hằng ngồi ra ghế ở phòng bếp, khi Tân đã ngồi xuống đối diện với bà thì bà bắt đầu nói:

- Mẹ nói ra điều gì cũng là đều để nghĩ tốt cho con thôi. Cứ tưởng tượng năm, mười năm nữa, lúc nó già thấy rõ, con sẽ thấy rất xấu hổ khi đi với nó, lúc đó con có muốn hối hận cũng đã muộn, muốn đi lấy người khác cũng rất khó, lại còn mang tiếng là phụ rẫy người ta. Nói để cho con suy nghĩ lại trước khi quyết định điều gì, chớ con bồng bột quyết định theo tình cảm hiện tại, con sẽ hối hận sau này. Cha mày ngày xưa cũng đối xử với mẹ như vậy đó. Ổng đòi ông bà nội mày lấy mẹ cho bằng được, mặc dù mẹ hơn ổng đến năm tuổi lựng. Mà tao hồi đó là chưa có chồng, còn là gái tơ đó nghen, vậy mà, mày chỉ mới ba tuổi là ổng đã tằng tịu đi với người khác và chê mẹ già. Ổng đi với con nhỏ thua ổng đến mười tuổi, chắc chỉ đáng tuổi chị mày, nghĩ có tức không kia chớ? Tao từ ổng luôn và cũng không cho mày nhìn nhận cha nữa là vì vậy. Bây giờ mày lại đi theo vết xe đổ đó, mày sẽ hối hận đó con ơi. Ý là ngày xưa tao còn son, chứ con Hương bây giờ lại còn hai đứa con riêng nữa mà cái tuổi của nó bây giờ cũng là già hơn tao ngày xưa.

Bà Hằng nói một hơi, Tân cũng chạnh lòng. Chàng cảm thấy tội nghiệp mẹ mình, bà ở vậy thui thủi một mình nuôi chàng ăn học nên người, bây giờ mà chàng không nghe lời bà thì cũng quá tàn nhẫn, nên chàng không nỡ. Tân yên lặng một hồi lâu xong mới buông thõng một câu:

- Để con suy nghĩ lại, mẹ không cần phải lo lắng nữa. Tụi con mới quen nhau thôi mà, đâu đã có gì đâu mà mẹ lo. Con cũng đã 33 tuổi rồi còn gì, con biết suy nghĩ mà, mẹ đừng lo!

Nòi rồi chàng đứng lên, coi như câu chuyện đến đây có thể dừng lại. Bà Hằng nói thêm một câu:

- Mày thương mẹ thì nên nghe lời mẹ. Chuyện yêu đương mẹ cũng từng xảy ra rồi nên mẹ biết. Không lấy người này, lấy người khác thì cũng vậy thôi, mẹ thấy con Trúc nó dễ thương, lại biết thương mẹ nó, những người như vậy mai mốt biết chiều chồng, thương con. Mày nghe lời mẹ đi, mẹ trải đời nhiều nên biết nhiều hơn mày. Cha mày ngày xưa cũng không nghe lời cha mẹ rồi cuối cùng ổng cũng đổi ý đó thấy không?

Tân vào phòng ngồi lặng yên hồi lâu. Chàng càng thấy nhớ Thùy Hương, thấy thương Thùy Hương đã rơi vào tình cảnh giống mẹ chàng ngày xưa lại còn một nách hai con thơ nữa. Đêm đó, cả bà Hằng lẫn Tân đều không ngủ được ngay. Tân không biết làm thế nào để vẹn toàn cả hai bên, vừa có thể làm vui lòng mẹ mà vẫn vừa chung thủy với tình yêu của mình. Chàng thật sự muốn xây dựng gia đình với Hương, không muốn Hương sống tình trạng mẹ độc thân giống mẹ chàng. Tuy nhiên, nghĩ đi rồi nghĩ lại, có thể nào điều mẹ chàng nói có thể là đúng chăng, rằng chàng có thể sẽ đổi ý sau này? Chàng nghĩ đến Vân Trúc, con bà Ánh, mà chàng đã gặp ở chùa mấy lần, cô bé có khuôn mặt khá đẹp nhưng cô nàng có vẻ lý sự, đanh đá chứ không điềm đạm, biết điều như Thùy Hương. Đã thế, trong chùa, chàng thường hát cặp với Thùy Hương , nàng có giọng ca rất khá, nếu được rèn luyện kỹ chắc chắn sẽ biến thành một viên ngọc sáng. Hương lại có vẻ thích và chiều chuộng chàng, trong khi chàng và Vân Trúc chẳng có một tí cảm nhận gì đặc biệt, mà chỉ đối xử với nhau như đối xử với những Phật tử khác ở chùa. Chắc chắn là chàng sẽ chẳng bao giờ đi với Vân Trúc rồi nhưng làm sao để thuyết phục mẹ chàng cho chàng lấy Thùy Hương đây? Thùy Hương không xấu, cũng không già hơn Tân là mấy, nên cho dù mười hay hai mươi năm nữa cũng chẳng là điều đáng lo. Mà dẫu nàng có già hơn thì đã có sao? Người ta yêu nhau ở tâm hồn chứ đâu phải ở hình thức bên ngoài đâu chứ? Nghĩ vậy nên Tân quyết định vẫn giữ vững ý định của mình là sẽ lấy Thùy Hương làm vợ và bảo bọc luôn hai đứa con nàng và chàng sẽ yêu chúng như chính con của chàng vậy. Sau khi quyết định như vậy, Tân cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm hơn nên chìm vào giấc ngủ dễ dàng.

Ở phòng bên kia, bà Hằng cũng quá mệt mỏi nên đi ngủ nhưng lại cứ suy nghĩ nhiều nên giấc ngủ vẫn chập chờn. Bà nghĩ nếu nói mãi mà con bà không nghe thì bà sẽ làm áp lực với nó, bà sẽ dọa chết cho nó sợ. Bà biết Tân rất thương bà, chỉ cần bà dọa như vậy thì Tân sẽ sợ và sẽ nghe lời bà. Chỉ cần nó đồng ý lấy Vân Trúc nó sẽ thấy Vân Trúc rất đáng yêu và rất vừa lứa với nó. Vả lại, Vân Trúc còn trẻ mới sinh con được, Thùy Hương đã trên bốn mươi lại đã có hai con, chưa chắc nó còn có thể hoặc muốn sinh con cho Tân nữa. Bà quên nói điều này hồi nãy với Tân, chứ nếu bà nói chắc có lẽ đã dễ thuyết phục Tân hơn. Bà Hằng cứ suy nghĩ miên man như vậy rồi cũng chập chờn, chập chờn chìm vào giấc ngủ.

Hôm đó, sau khi đi chơi với nhóm bạn của Tân về, Thùy Hương thấy ống nước ở trong nhà bị bể nên lo lắng đến cùng cực. May nhờ có Tân ở đó, chàng vội vàng gọi ngay cho một công ty sửa ống nước, người ta tới sửa cho nàng ngay. Nàng cảm ơn Tân rối rít rồi mừng quá nàng ôm và hôn Tân luôn ngay trước mặt hai con mình. Hai người hôn nhau, Hương ước gì nàng sẽ được hạnh phúc như thế này mãi mãi, chỉ cần có Tân và hai con bên cạnh, nàng sẽ không còn phải lo lắng gì nữa hết. Qua những gì Tân kể cho nàng nghe thì bà mẹ của Tân là trở ngại lớn nhất cho cả hai người. Cha mẹ nàng không có ý kiến gì. Tuấn Khanh đã không đối xử tốt với nàng thì nàng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng nàng. Ông bà cũng muốn hai đứa con Hương có cha, chỉ mong người chồng sau này của Hương là người đứng đắn, biết lo cho gia đình là tốt rồi, họ không muốn bảo thủ với ý nghĩ "gái chính chuyên chỉ có một chồng"! Như vậy thì không công bằng cho Thùy Hương tí nào trong khi nó còn quá trẻ.

(Còn tiếp)

Tân đòi dọn ra ngoài ở một mình, bà Hằng giận dữ, nhà chỉ có một mẹ, một con mà nó nỡ đối xử với bà như vây, chẳng qua cũng tại con Hương mà. Bà bèn giả bộ bệnh để Tân cảm thấy thương tâm mà không dọn ra ngoài nữa. Tân thấy mẹ mình khóc lóc, bệnh tật lại cảm thấy không đành, dầu gì bà cũng đã hy sinh cả cuộc đời cho chàng và vì đi chùa nghe giảng nhiều lần, ít nhiều chàng cũng cảm thấy dễ thương người, huống gì người đó lại là mẹ chàng.

Hôm sau lên chùa, vì mất ngủ ngày hôm trước bà Hằng cảm thấy mệt mỏi nên không tập trung được. Quay nhìn xuống thì thấy Tân vẫn ngồi kế bên Thùy Hương với dáng vẻ như đang nghiêm chỉnh tụng kinh theo tiếng tụng kinh của thầy trụ trì, nhưng bà biết chúng chỉ muốn ngồi gần bên nhau chứ không phải đang tập trung thực sự. Như vậy những gì bà nói với nó hôm qua nó để ngoài tai tất cả, tức quá mà! Đến giờ ăn, bà Hằng kêu Tân ra ngồi ăn chung với bà và bà Ánh cùng Vân Trúc nhưng Tân nhăn mặt, không bằng lòng. Vân Trúc thấy ngượng nên nói đỡ:

- Hết chỗ rồi bác, để cho ảnh chạy bàn phục vụ mình, càng tốt chứ sao?

Thùy Hương lăng xăng lấy cơm, lấy bánh cho người này, người kia vì nàng nằm trong ban ẩm thực ngày hôm nay. Nàng đem tới chỗ bà Hằng cũng mời bà như mời những người lớn tuổi khác nhưng bà Hằng quay ngoắt đi, không thèm lấy cái bánh trong khay, cũng không thèm trả lời, thái độ tỏ vẻ khinh miệt thấy rõ. Thùy Hương sượng trân, quay qua mời người kế bên, bà Ánh từ chối không ăn và cũng ngại ngùng giùm cho Thùy Hương khi thấy thái độ của bà Hằng như vậy. Tân đi tới trách bà Hằng:

- Tại sao mẹ lại làm như vậy?

Bà Hằng mỉa mai:

- Mày mê gái, quên mất mẹ mày luôn rồi. Những gì mẹ nói với mày hôm qua, mày chẳng coi ra gì phải không?

Thùy Hương bỏ chiếc khay xuống bàn, chạy vào phòng vệ sinh để không ai nhìn thấy những giọt nước mắt đang sẳp sửa chảy xuống mặt nàng. Nàng cảm thấy tủi thân, xấu hổ, nếu có thể trốn luôn được chỗ này chắc nàng cũng trốn đi luôn để khỏi mất mặt với mọi người như vậy.

Những tuần sau đó, Hương tránh đi chùa để khỏi gặp mặt mẹ Tân, tránh ánh mắt mỉa mai như thù hằn của bà, tránh luôn cả Tân, mặc dù chàng đã nhiều lần xin lỗi. Nàng cố gắng tập trung lo cho hai đứa con để tìm quên nhưng những khi đêm về, khi con đã say ngủ nàng khóc lặng lẽ, xót xa cho thân phận mình, có lẽ chuyện của nàng và Tân sẽ chẳng đi tới đâu. Thôi thì để mặc cho số phận, nàng đã quá mệt mỏi rồi, nàng không muốn tranh đấu nữa. Tân cãi nhau với bà Hằng một trận và tuyên bố chàng sẽ làm đám cưới với Thùy Hương sớm hơn dự định mặc kệ bà Hằng có đồng ý hay không. Bà Hằng tức quá hét lên:

- Mày đối xử với mẹ mày như vậy, mày sẽ bị quả báo!

Tân bỏ đi, mấy ngày sau cũng không ăn cơm ở nhà, chàng ăn bậy bạ đại tại chỗ làm và ghé vào nhà Hương hầu như mỗi ngày để mong nàng tha lỗi nhưng Thùy Hương vẫn từ chối nói chuyện với chàng và thật tình nàng cũng không biết phải nói chuyện làm sao với chàng nữa khi mẹ chàng đối xử với nàng như vậy. Tân bày tỏ ý định hai người hãy làm đám cưới ngay, không cần mẹ cha, họ hàng chi hết nhưng Thùy Hương từ chối không nghe, nàng không thể làm như vậy được vì nàng còn có gia đình, còn có hai đứa con, còn có bạn bè, đâu thể cứ nói lấy là lấy, không xếp đặt gì hết. Nàng năn nỉ Tân hãy để cho nàng yên một thời gian, hãy để cho nàng suy nghĩ, đừng quấy rầy nàng ít nhất là một tháng để nàng định thần lại cái đã rồi sẽ tính.

Một tháng rồi hai tháng trôi qua, Thùy Hương vẫn chưa có câu trả lời, nàng hỏi ý bạn bè, gia đình, ai cũng khuyên nàng phải nên nói chuyện với mẹ Tân trước, nhưng mẹ Tân thì không muốn nói chuyện với nàng nên nàng không nói được? Thùy Hương đành phải trì hoãn câu trả lời với Tân, điều đó lại càng làm cho Tân đau khổ và giận mẹ. Chàng nói với Thùy Hương là chàng muốn dọn vào ở chung với nàng, ăn ở với nhau thôi chứ không cần phải cưới hỏi gì nữa hết, để đến khi nào bà Hằng hồi tâm, chuyển ý thì lúc đó có làm đám cưới cũng chưa muộn. Thùy Hương không biết phải làm sao, hỏi ý cha mẹ nàng thì ông bà dễ dãi bảo tùy ý nàng vì nàng đã lớn rồi, đã ra riêng rồi và vì ở xứ này người ta không còn câu nệ chuyện ăn ở trước như ngày xưa nữa nên nàng cảm thấy làm thế nào hợp lý thì cứ việc làm. Ngay như ngày xưa nàng và Tuấn Khanh làm đám cưới rình rang là thế rồi cũng ăn ở với nhau có được bao nhiêu năm đâu?

Đám cưới không diễn ra, Tân chỉ chọn một ngày đẹp trời, rảnh rang dọn một số đồ đạc tới nhà Thùy Hương ở. Mấy ngày đầu, bà Hằng gọi điện thoại, chàng còn về thăm mẹ một tí rồi đi, sau đó chàng ở luôn bên nhà Thùy Hương, bà Hằng phàn nàn gì chàng cũng không nghe nữa. Còn ở nhà một mình, bà Hằng cũng làm biếng nấu ăn, nên cứ nấu mì gói để ăn là chính, không đặt nặng vấn đề ăn uống nữa. Bà tới chùa nhiều hơn vì muốn Tân chở bà đi và đồng thời để theo dõi Tân luôn, nhưng chính là để nói xấu Thùy Hương chứ không phải để làm lễ. Nhiều người nghe chuyện mẹ con bà cũng ái ngại, có người khuyên bà nên dễ dãi đi, đừng khó khăn với thanh niên thời nay nữa thì bà sẽ cảm thấy dễ thở hơn, nếu không là sẽ mất luôn con. Nhưng bà Hằng không nghe, bà tiếc cái công bà đã không bước thêm bước nữa để nuôi dưỡng nó bao nhiêu năm nay, và tức cái chuyện Tân coi thường lời nói của bà, cứ dọn tới ở với Thùy Hương và chẳng còn ngó ngàng gì tới bà hết. Cứ càng tức, càng giận Tân, bà Hằng càng ốm đi thấy rõ và cuối cùng căn bệnh giả bộ của bà đã trở thành căn bệnh thật, bà nằm liệt giường luôn, không muốn trở dậy nữa.

Do cứ nằm vật, nằm vờ, không buồn nhúc nhích, đi lại, bà Hằng cảm thấy toàn thân mệt mỏi, người cứ lừ đừ, đầu nhức như búa bổ, bà càng không muốn động tay, động chân, cứ nằm lì ở trong phòng, kệ, bà có chết luôn đi cũng được, thằng Tân sẽ sống trong ân hận cả đời nó và nó với Thùy Hương sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc được, và đó sẽ là cách trả thù tốt nhất, nghĩ vậy bà Hằng cảm thấy thoải mái hơn nên ngủ thiếp đi. Tân mở cửa bước vào nhà, không thấy bóng bà Hằng đâu, đèn đóm thì tối om, Tân nhủ thầm hay là mẹ đi đâu? Chàng gõ cửa phòng bà nhè nhẹ:

- Mẹ có ở trong đó không?

Nghe động, bà Hằng giật mình thức giấc nhưng không lên tiếng nổi, Tân mở cửa bước vội vào, thấy bà Hằng xuống sắc hẳn chàng cũng thấy tội nghiệp, có lẽ chàng không nên quá cứng rắn với bà như vậy nhưng để có tình yêu với Thùy Hương chàng đành phải làm lơ, đành phải cứng rắn với bà để mong bà sẽ chuyển ý mà chấp nhận Thùy Hương làm con dâu. Mặc dù bà Hằng bảo không có gì nhưng Tân nhất quyết bắt bà phải đi bác sĩ. Nhìn mẹ chàng cảm thấy không an tâm, hình như bà hằng có bệnh gì thật chứ không phải giả bộ như những lần trước đâu.

(Còn tiếp)

Bác sĩ khám phá ra bà Hằng bị tế bào ung thư trong buồng trứng, nhưng ông an ủi Tân một câu là chuyện này thường xảy ra cho những người không từng sinh đẻ, nên Tân không cần phải lo lắng lắm. Tân ngạc nhiên vì bà Hằng đã từng đẻ Tân tại sao lại nói là không sinh đẻ được? Đưa thắc mắc này ra ông bảo ông cứ nghĩ Tân là con nuôi chứ không phải con ruột và ông khuyên Tân không nên nói chuyện đó với bà Hằng vào lúc này, có thể sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bà. Tự nhiên Tân thấy mình như người mộng du, cha là ai chàng không biết, bây giờ đến mẹ là người thân thuộc nhất lại không phải là mẹ của chàng. Tân trở về nhà thường xuyên hơn sau khi biết ra chuyện đó và nói gần nói xa nhiều lần để dò hỏi sự thật về chàng nhưng bà Hằng dường như không quan tâm, bà xuống tinh thần rõ rệt, gần như kiệt quệ. Vì căn bệnh của bà mà tự nhiên Tân trở về với bà, bà có thể loại Thùy Hương ra khỏi vòng chiến một cách nhẹ nhàng nhưng vấn đề của Tân thì bà không biết có nên nói hay không? Cứ càng suy nghĩ bệnh của bà càng nặng hơn, Tân khuyên giải bà nhiều nhưng bà chẳng muốn nghe. Tuy vậy, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, bà Hằng tự dưng thấy cuộc đời thật phù du, vô lý khi phải tranh giành Tân với Thùy Hương như vậy, bà thấy có chút hối hận, hình như bà đã quá đáng với Tân, cuộc đời của nó thì nên để nó định đoạt, làm sao người khác có thể định đoạt được, như bà chẳng hạn có định đoạt được gì cho chính bà đâu, tại sao lại định đoạt giùm cho nó?

Tân kể chuyện bà Hằng cho Thùy Hương nghe và rủ nàng tới thăm bà. Thùy Hương không muốn đi vì sợ bà sẽ còn nói những lời khó nghe hơn nữa nhưng Tân vẫn tha thiết yêu cầu. Mãi đến khi bà Hằng đi làm giải phẫu ở bệnh viện, Thùy Hương mới dắt con theo Tân vào thăm bà. Hai đứa nhỏ được mẹ giới thiệu đây là mẹ của chú Tân, con có thể chào như chào bà nội, hai đứa bé ngoan ngoãn làm theo:

- Cháu chào bà nội.

Giọng nói tiếng Việt ngọng nghịu của hai đứa trẻ làm bà Hằng xúc động. A, vậy là bà cũng được làm bà nội rồi đây, mắt bà rướm lệ. Tất cả những gì bà đã nói với Thùy Hương trước kia làm bà cảm thấy xấu hổ. Ở trong bệnh viện, bà chẳng nói chuyện được với ai vì người ta chỉ nói với nhau bằng tiếng Mỹ nên thấy Thùy Hương bà mừng lắm, ít nhất cũng có người cho bà thổ lộ tâm sự bằng tiếng Việt. Thấy bà Hằng không khắt khe với mình nữa, Thùy Hương mừng lắm, hai bác cháu nói chuyện với nhau thật lâu. Tân ngồi kế bên nhìn hai người, cảm thấy hả hê, thế nào cũng sẽ đến lúc bà Hằng phải nói ra một sự thật nào đó về chàng. Nhìn bà Hằng nói chuyện với Thùy Hương, Tân thấy bà cảm động thấy rõ. Cái nhìn của Bà với Thùy Hương bắt đầu khác đi, và khi nghe Thùy Hương tâm sự với bà về chuyện tình cảm trước kia của nàng, bà Hằng tỏ thái độ tội nghiệp nàng, ghét cả người chồng trước kia của nàng, bà chợt nghĩ Thùy Hương có khác gì bà khi xưa đâu?

Sau cuộc giải phẫu, bà Hằng phải tiếp tục làm xạ trị, tóc bà bắt đầu rụng dần đi, chỉ còn lưa thưa vài sợi, bà ngại ngùng không dám đi đâu và suốt ngày đội một cái mũ len để che mái đầu. Tân nhìn mẹ ái ngại, hình thức bên ngoài rất quan trọng với bà Hằng, bị như vầy chẳng khác nào đang bị tra tấn. Chàng về nhà thường xuyên hơn và có cả Thùy Hương đi cùng để chăm non, giúp đỡ bà. Tự nhiên Thùy Hương trở thành nàng dâu bất đắc dĩ, dù không có cưới hỏi nhưng nàng vẫn vui vì ít nhất bây giờ bà Hằng đã có thiện cảm với nàng. Vừa đi làm, vừa chăm sóc cho con, vừa chăm sóc cho bà mẹ chồng hờ, Thùy Hương vẫn tươi vui nhờ có được tình yêu của Tân. Sao cũng được miễn là Tân vẫn chung thủy với nàng! Nàng khuyên lơn bà Hằng nên ăn uống điều độ, đừng bỏ lơ các bữa ăn vì bác sĩ nói sau thời gian xạ trị, tóc sẽ mọc ra lại, bà không phải lo lắng. Nàng khuyên bà không nên buồn Tân mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bà vì chính nàng cũng thông cảm với bà là tình cảnh của nàng hoàn toàn không xứng đáng với Tân đúng như bà nói, nhưng tình yêu là cái gì mà người đời vẫn không giải thích được và bà cũng nên thông cảm với Tân. Nếu không có bị bệnh thập tử nhất sinh như lần này chắc bà Hằng vẫn chưa thể nào thông cảm và hiểu được những gì Thùy Hương nói. Bà Hằng cảm thấy hối hận nhất là những lần Thùy Hương nấu đồ ăn đem đến cho bà và ép bà ăn. Bị bệnh lần này, bà nghĩ có thể ông trời đã trừng phạt bà cho việc bà làm ba mươi ba năm trước, có lẽ cũng đã đến lúc bà nên nói rõ với Tân về nguồn gốc của chàng.

(Còn tiếp)

Tân chở mẹ về nhà, ngồi trên xe, bà Hằng trầm ngâm chẳng nói gì. Đã cả tháng rồi, bà chẳng dám nhìn vào gương. Cô thiếu nữ tên Hằng của 38 năm trước đã không còn nữa mà thay vào đó là người đàn bà đứng tuổi với cái đầu với vài cọng tóc lơ thơ chỉ chực chờ rụng ra luôn. Bà Hằng sợ hình ảnh trong gương sẽ làm cho bà khóc, ngày xưa bà kiêu kỳ bao nhiêu mà bây giờ chỉ một lần đổ bệnh, tất cả niềm kiêu hãnh của bà đã tiêu tan đi hết. Ngày đó, cô thiếu nữ tên Hằng dằn vặt với cha mẹ đủ thứ để buộc ông bà phải cho mình lấy Tạo làm chồng vì nàng chỉ yêu có một mình chàng. Cuộc đời lính tráng của Tạo cứ rày đây, mai đó, cha mẹ của Hằng sợ con của ông bà sẽ khổ nhưng cả Tạo và Hằng đều nhất định theo tiếng nói của con tim và nhất định đòi làm đám cưới. Đám cưới được tổ chức đơn giản, sau đám cưới Hằng ở bên nhà chồng còn Tạo trở về đơn vị và câu chuyện của nàng dâu từ đó mới bắt đầu. Chồng vắng nhà, Hằng vẫn phải phục vụ cha mẹ chồng, các cô em chồng như người ở. Nhiều lúc, nàng muốn trở về với cha mẹ ruột nhưng cha mẹ nàng quá nghèo, gả được một đứa con đi là bớt được một miệng ăn, lại còn danh tiếng của gia đình nên ông bà nhất định cự tuyệt, không cho con gái trở về nhà. Hai cô em của Tạo thì chanh chua, suốt ngày chỉ muốn chỉ trích, bới móc chuyện của...
linhvang
#426 Posted : Saturday, October 16, 2010 5:25:19 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Sẽ gặp nhiều gây cấn đây vì là con trai một của người ta mà! Ai lại cho trai tân lấy gái nạ dòng như vậy chớ. Big Smile
Binh Nguyen
#427 Posted : Monday, October 18, 2010 10:24:14 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
quote:
Gởi bởi linhvang

Sẽ gặp nhiều gây cấn đây vì là con trai một của người ta mà! Ai lại cho trai tân lấy gái nạ dòng như vậy chớ. Big Smile



Sắp đến hồi gay cấn, nên Bình ngừng để lấy hơi, chuẩn bị đi một hơi luôn.

BN.
mua
#428 Posted : Friday, October 22, 2010 11:25:05 AM(UTC)
mua

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 35
Points: 0

uhmmm...hấp dẫnApprove,vậy theo chị linhVang câu chuyện của Bình nên đi như thế nào cho logic và đoạn kết có hậu đây
Tonka
#429 Posted : Tuesday, November 30, 2010 4:19:13 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Bà Hằng này lắm chuyện thật. Big Smile
Huệ
#430 Posted : Saturday, January 8, 2011 4:34:04 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

quote:
Gởi bởi Binh Nguyen

NÀNG DÂU ỐI A
Sau cuộc giải phẫu, bà Hằng phải tiếp tục làm xạ trị, tóc bà bắt đầu rụng dần đi, chỉ còn lưa thưa vài sợi, bà ngại ngùng không dám đi đâu và suốt ngày đội một cái mũ len để che mái đầu. Tân nhìn mẹ ái ngại, hình thức bên ngoài rất quan trọng với bà Hằng, bị như vầy chẳng khác nào đang bị tra tấn. Chàng về nhà thường xuyên hơn và có cả Thùy Hương đi cùng để chăm non, giúp đỡ bà. Tự nhiên Thùy Hương trở thành nàng dâu bất đắc dĩ, dù không có cưới hỏi nhưng nàng vẫn vui vì ít nhất bây giờ bà Hằng đã có thiện cảm với nàng. Vừa đi làm, vừa chăm sóc cho con, vừa chăm sóc cho bà mẹ chồng hờ, Thùy Hương vẫn tươi vui nhờ có được tình yêu của Tân. Sao cũng được miễn là Tân vẫn chung thủy với nàng! Nàng khuyên lơn bà Hằng nên ăn uống điều độ, đừng bỏ lơ các bữa ăn vì bác sĩ nói sau thời gian xạ trị, tóc sẽ mọc ra lại, bà không phải lo lắng. Nàng khuyên bà không nên buồn Tân mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bà vì chính nàng cũng thông cảm với bà là tình cảnh của nàng hoàn toàn không xứng đáng với Tân đúng như bà nói, nhưng tình yêu là cái gì mà người đời vẫn không giải thích được và bà cũng nên thông cảm với Tân. Nếu không có bị bệnh thập tử nhất sinh như lần này chắc bà Hằng vẫn chưa thể nào thông cảm và hiểu được những gì Thùy Hương nói. Bà Hằng cảm thấy hối hận nhất là những lần Thùy Hương nấu đồ ăn đem đến cho bà và ép bà ăn. Bị bệnh lần này, bà nghĩ có thể ông trời đã trừng phạt bà cho việc bà làm ba mươi ba năm trước, có lẽ cũng đã đến lúc bà nên nói rõ với Tân về nguồn gốc của chàng.

(Còn tiếp)

BN.

Khổng biết tác giả Bình Nguyên này bi nhiêu tuổi mà tâm lý giỏi quá trời! heart
Binh Nguyen
#431 Posted : Saturday, May 7, 2011 11:30:24 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
quote:
Gởi bởi Huệ
Khổng biết tác giả Bình Nguyên này bi nhiêu tuổi mà tâm lý giỏi quá trời! heart



Em còn nhỏ híu à chị, mới có... hai tám à...à...à... Shy Big Smile
Hôm rồi, theo các cháu thiếu nhi trong ban quân nhạc hát trong dịp kỷ niệm ngày quốc hận, a... "áo em trắng quá nhìn... không ra" nên mấy người dưới sân khấu hỏi nhau ai như vợ thằng... Đậu, ý quên, vợ thằng H vậy ta? Khi được xác nhận đúng là vợ H, mấy chị chọc quê "Trời đất bả mà thiếu nhi cái nỗi gì, có là... bà ngoại thiếu nhi thì có!?" Shocked
Mèn, vậy mà là giọng ca chính trong ban nhạc đó nghen chị, tại bị... tụi con nít tiếng Việt nó hông rành chị ơi, phải có giọng ca chính "oanh vàng" cỡ giọng BN chống lưng cho tụi nó thì mới... yên tâm được?! Mà kể ra muốn hóa trang cũng dễ thôi, nhuộm tóc nâu nâu, vàng vàng nè, thả tóc thề nè, lại mặc áo dài trắng nhìn cứ y như là nữ sinh từ dzũ . Lại nữa, mình đứng trên sân khấu xa lắc, ai phải mua vé VIP mới nhìn thấy rõ được mình, thì làm sao người ta phân biệt được thiếu nhi hay "bà ngoại" thiếu nhi được chớ??? Phải không nè? Big Smile
Tính viết tiếp, kết thúc câu chuyện luôn mà chưa biết kết thúc ra làm sao nên em lại lăng nhăng lít nhít viết trả lời chị Huệ đây. Em còn nhỏ híu à chị nhưng tại em có khiếu về tâm lý đó thôi, hi hi...

BN.
Binh Nguyen
#432 Posted : Tuesday, May 24, 2011 10:51:18 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG

Sự xuất hiện của Hạo làm tim Thu Hồng rộn rã. Anh có nụ cười tươi, nước da hơi rám nắng, chứ không đen sạm như những chàng trai ở quê mà Hồng thường gặp trước kia, vì dẫu gì Hạo cũng là dân thành phố. Hồng biết mình không đẹp lắm nhưng mặn mòi có duyên. Nàng thích hát ca, đùa giỡn với bạn bè, dù mới chuyển vào trong thành phố có mấy tháng mà nàng đã có khá nhiều bạn vì những buổi văn nghệ ở phường, Hồng đều tham gia. Hạo thì ở đây đã lâu, đã trốn vượt biên mấy lần nhưng không thoát nên đành ở lại nhà, mặc kệ cho số phận trôi đến đâu thì đến. Mới đầu, chàng trốn chỗ này, chỗ kia để khỏi phải đi nghĩa vụ, nhưng rồi cuối cùng chàng cũng trở về nhà vì cha mẹ Hạo đã có tiền nước ngoài do anh Hạo gởi về, cha mẹ chàng đã lấy tiền lo lót công an để chàng khỏi đi nghĩa vụ. Dạo này, Hạo chỉ đi tham gia những công tác văn nghệ ở phường là đàn ca, hát hò vì Hạo biết đánh đàn guitar và hát cũng không tệ lắm! Anh của Hạo đã đi thoát ra nước ngoài hơn một năm và đã bắt đầu gởi tiền về nên gia đinh đã bắt đầu có của ăn, của để, cho dù vẫn phải tằn tiện nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với hồi sau 30 tháng 4. Hàng xóm thấy Hạo và Hồng cặp đôi, họ bảo Hồng "chuột sa hũ nếp", nhưng Hồng không nghĩ gì cả, gia đình Hạo có giàu có hay không, Hồng không cần biết, chỉ biết rằng gặp Hạo, Hồng thấy vui, hai đứa cặp kè đi chơi đó đây, Hồng thấy thích, vậy thôi.

Trai gái đi lại với nhau, Hồng mang thai là điều thường gặp. Lúc thấy Hồng ói mửa, mẹ Hồng chỉ hỏi con đã lên giường với ai, bảo nó mau làm đám cưới với mày đi, để không mang tiếng chửa hoang thì khổ. Hồng gặp Hạo báo tin cho anh biết, Hạo chấp nhận, không thắc mắc hay làm ầm ĩ gì cả, vì chàng biết chuyện gì phải đến, đã đến. Hạo về nhà hỏi mẹ cho tiền để làm đám cưới với Hồng, cho hai đứa nên vợ, nên chồng, hợp thức hóa đứa con trong bụng Hồng, dẫu gì cũng là cháu nội của cha mẹ chàng. Mấy cô em và chị Hạo khinh bỉ Hồng ra mặt, có người còn nghi ngờ, dễ dãi như vậy chẳng biết có phải là con của Hạo không? Mời bà Thứ, cô ruột của Hạo đi dự đám cưới, bà từ chối không đi, còn lạnh lùng phán:

- Tao không đi dự đám cưới của những đứa "ăn cơm trước kẻng"!

Rồi bà còn thòng thêm một câu:

- Thời buổi khó khăn, đến ăn còn không có, ở đó còn lo đám hỏi với đám cưới. Nhà mày lại sắp sửa thêm hai miệng ăn, ráng mà lo đi con ạ.

Bà Thứ mặc nhiên coi đó không phải là chuyện của bà. Anh bà nghèo, không biết dạy con thì ráng chịu, đám cưới đừng hòng bà giúp đỡ, vì bà còn phải để dành tiền cho đám con bà, bố chúng nó ở nước ngoài chỉ gởi tiền về nhỏ giọt, tiền bà để dành sợ còn không đủ để lo cho đám con bà, còn đâu để lo đến cháu?

Đám cưới diễn ra sơ sài, cô dâu mệt mỏi không trang điểm nhiều, chiếc áo dài truyền thống tương đối rẻ hơn cái đầm trắng kiểu Tây mà Hồng từng mơ ước, nhưng Hồng không màng vì nàng đang thời gian đầu của thai nghén, rất mệt mỏi, chẳng muốn làm gì cả, chỉ muốn nằm nghỉ mệt thôi. Áo quần gì cũng được, không quan trọng lắm, chỉ cần một cái lễ nho nhỏ để hợp thức hóa cuộc sống vợ chồng với Hạo và có con với chàng, thế thôi. Chuyện gì xảy ra nếu như Hạo truất ngựa truy phong như mẹ nàng nói, và không chịu lấy nàng? Chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi là Hồng đã đủ bằng lòng với số phận.

Mẹ Hạo chạy mượn tiền khắp nơi để lo đám cưới cho con vì cho dù có tiền nước ngoài gởi về cũng chỉ đủ ăn cho cái gia đình bẩy anh em nhà Hạo, mỗi khi có chuyển biến gì thì vẫn bắt buộc phải đi mượn. Người ta bảo "con dại cái mang" thật chẳng sai tí nào, con bà đã làm cho người ta có bầu thì bổn phận làm mẹ bà phải có trách nhiệm với đứa bé vô tội đó. Ngày xưa ở ngoài Bắc người ta còn cạo đầu bôi vôi những người chửa hoang, đứa bé này là cháu của bà, bà không thể nào để người ta đàm tiếu làm nhục mẹ nó được. Bà nghĩ, cứ mượn tiền trước lo đám cưới cho tụi nó trước đi đã rồi chuyện gì thì sẽ tính sau. Lúc miền Nam mới đổi đời, gia đình còn đói khổ hơn như vầy nữa, thì cỡ này nào đã ăn nhằm gì?

Đám cưới có cha mẹ hai bên, cũng làm lễ, cũng rước dâu. Đám rước dâu chỉ cần đi bộ hai con đường là đến vì xóm nhà Hồng cũng gần xóm nhà Hạo. Hồng xấu hổ với bà con, hàng xóm nhưng vẫn gắng cười với mọi người, chỉ cần qua khỏi cái lễ cưới này thì mặc ai muốn nói gì thì nói, Hồng cũng đã trở thành vợ Hạo. Hàng xóm tới coi thật đông, không để chỉ thỏa mãn lòng hiếu kỳ coi cô dâu chú rể ăn mặc như thế nào mà còn để chờ dịp cười cô dâu coi cô ta xấu hổ đến mức nào. Hồng mệt mỏi và chán nản chỉ mong thời gian qua mau để nàng được về nhà nằm nghỉ. Kêu lạy, nàng lạy, biểu dâng trà, nàng dâng trà, cứ làm theo như cái máy, không buồn suy nghĩ điều gì nữa cả. Khi được tiền mừng của bà con, họ hàng Hồng chợt nghĩ nhanh, để đám cưới xong, vợ chồng nàng sẽ dùng số tiền này để làm vốn buôn bán.

Cuối cùng thì đám cưới cũng xong, khi mọi người đang còn ăn uống ở trong nhà và ngoài sân thì cô dâu trốn vô buồng nằm ngủ vì nàng đã chịu hết nổi. Còn Hạo nghĩ đã lỡ bỏ tiền tổ chức đám cưới để mời mọi người tới ăn uống rồi thì Hạo cũng nên ăn uống cho nhiệt tình để cùng vui với bạn bè và gia đình, họ hàng, mấy khi được ăn uống vui vẻ như vậy? Biết sự vắng mặt của Hồng nhưng Hạo cũng thông cảm vì biết Hồng đã mệt lắm rồi. Tối hôm đó, mạnh Hồng, Hồng ngủ, mạnh Hạo, Hạo ngủ vì Hạo uống cũng khá nhiều nên cũng khá mệt. Cả nhà cũng tế nhị để căn phòng nhỏ duy nhất ở trong nhà cho hai vợ chồng làm nơi động phòng hoa chúc, còn mọi người tự động tìm mỗi người một góc để ngủ vì tiếp khách cả ngày, ai cũng đã thấy mệt mỏi.

Sáng hôm sau, mọi người trở về với công việc bình thường của mình. Mẹ Hạo dậy sớm nấu cơm và đồ ăn để ra trước nhà bán cho dân lao động ăn sớm trước khi đi làm. Sau khi đi học tập về, cha Hạo không làm gì được đành phải ở nhà giúp vợ buôn bán vặt vãnh. Vợ ông bán cơm còn ông lo tủ thuốc lá kế bên và thêm vài lọ kẹo, hộp bánh ở trên để bán cho lũ trẻ con trong xóm, cũng tạm đủ để lo cho lũ con thơ dại. Các em Hạo đã dậy sớm và đã đi học hết, cha mẹ Hạo bảo có nghèo đói cỡ nào cũng phải ráng đi học được ngày nào hay ngày ấy, ở thời nào đi chăng nữa thì cái vốn kiến thức vẫn là điều quan trọng. Tuy nhiên, hai người chị lớn của Hạo đã phải nghỉ học từ ngay sau khi người miền Bắc tràn vào, chỉ vì cha đã bị bắt đi học tập, mẹ một mình bươn chải không đủ lo hết cho lũ con nên bắt buộc phải để cho hai đứa con gái lớn nghỉ học để ở nhà giúp mẹ và các em. Dù sao thì cũng phải có người hy sinh, chớ không thể để cho mấy đứa nhỏ thất học được. Anh của Hạo trước kia học hành rất giỏi nhưng chỉ vì là con Ngụy nên không được đi học, lại thêm gia đình đang từ khá giả lọt xuống thấp nhất, con cái lại đông nên cả nhà như bị hụt hẫng, anh cũng không thể đi học yên tâm được nên vừa ráng đi học, vừa kiêm thêm một công việc bán bánh cam để có tiền đi học tiếp nhưng anh vẫn cố ý kiếm đường để thoát khỏi cảnh đói nghèo đó và cuối cùng thì đã lọt ra tới nước ngoài, gởi tiền về giúp đỡ bố mẹ. Hạo không có chí như anh mình lại không thích đi học nên cũng đã nghỉ học và đi làm phụ thợ hồ nên cũng có tiền xài chút đỉnh cho riêng mình. Dạo này không có việc làm thì Hạo cũng ở nhà phụ với cha mẹ và các chị, chắc rồi Hồng cũng sẽ làm những việc này giúp Hạo. Hạo lay Hồng dậy:

- Dậy, dậy đi em, ra phụ mẹ bày bán đồ kìa.

- Để bữa khác được không? Hôm nay em còn mệt quá à.

Hoa, chị hai của Hạo đang nói với mẹ Hạo ở bên ngoài:

- Mẹ coi con dâu mẹ giờ này cũng chưa dậy. Đàn bà, con gái gì mà ngủ đến giờ này cũng chưa chịu dậy? Đã vậy ngày đầu tiên về làm dâu mà không biết điều gì hết. Cái kiểu này chắc mình phải hầu thêm một đứa nữa quá. Cái thằng khùng, không biết nó nghĩ gì mà còn bày đặt lấy vợ vào lúc này nữa?

Bà Huân, mẹ Hạo, xuỵt nhỏ:

- Mày nói khe khẽ chứ nó nghe hết bây giờ. Nó đang có bầu thông cảm cho nó một tí đi con.
(Còn tiếp)

Hai mẹ con lại lúi húi lấy cơm cho khách nên im lặng không nói nữa. Hồng nằm trong phòng nghe hết, tự nhiên tủi thân ứa nước mắt. Mới ngày đầu làm dâu mà đã buồn như vầy sao? Hồng nghĩ bà mẹ chồng nói câu đó là nói mỉa mai, chứ chắc chắn bà chẳng phải thương hại gì nàng. Tiền khách cho đám cưới ngày hôm qua, nàng thấy bà thâu hết và cất vô tủ. Hồng thấy bất mãn nhưng chưa biết phải lên tiếng làm sao, nói với Hạo thì thế nào cũng có chuyện lớn, nhưng rõ ràng tiền quà tặng cho hai vợ chồng nàng thì bà phải giao cho vợ chồng nàng chứ, hay ít nhất phải đưa cho Hạo mới phải. Tuy nghĩ thế nhưng mới ngày đầu làm dâu lại bị thai hành nên Hồng chưa dám lên tiếng cũng như chưa có sức để lên tiếng, để vài ngày nữa nàng sẽ đề cập đến chuyện đó cũng chưa muộn. Muốn dậy đi đánh răng nhưng Hồng ngại, mấy ngày trước nghe mùi kem đánh răng là Hồng ói thốc, ói tháo, nhưng nếu bây giờ mà nằm đây, không đánh răng thì lại còn bị nói ra nói vào là làm biếng, không chịu giúp mẹ và chị chồng, còn phiền hơn nữa. Hồng cố bò dậy, ra rửa mặt sơ sơ, súc miệng bằng nước lạnh, chứ không dám đánh rồi vào nhà hỏi bà Huân có cần nàng giúp đỡ gì không. Tuy hỏi thế nhưng trong lòng nàng vẫn mong bà trả lời là không vì ngay cả mùi thức ăn cũng làm nàng dợn người muốn ói. Thấy Hồng, bà Huân lên tiếng:

- Sao dậy sớm thế con, có mệt thì cứ ngủ tiếp đi? Mẹ bán hàng không tiện nghỉ nhiều, sẽ mất khách hết nên mẹ vẫn phải mở tiệm ngày hôm nay.

Hoa nhìn mẹ hơi mỉm cười, Hồng chợt rùng mình thấy mẹ chồng, chị chồng mình sao mà giả dối, không ai chịu thông cảm cho nàng hết. Nàng đang mang thai con ai đây, cũng là cháu của họ đó mà, sao họ lại khó khăn với mẹ của nó? Hồng giả bộ vồn vã:

- Con muốn coi coi con có gúp gì được cho mẹ không? Sao mẹ không gọi con dậy sớm, hôm qua mệt quá nên dậy không nổi. Mẹ muốn con làm gì thì mẹ cứ nói, con sẽ giúp mẹ.

Hoa nguýt:

- Gớm, cô lo cho thân cô còn không xong, ở đó mà lo giúp ai khác? Trước giờ không có cô, gia đình vẫn sống vui vẻ như thường, đâu cần cô giúp gì đâu?

Ông Huân nãy giờ không nói gì bây giờ mới lên tiếng:

- Con Hoa, mày nói cái gì thế? Nó mới về nhà này, phải chỉ bảo cho nó biết, sao lại nói như vậy? Thêm một người thì thêm một tay, giúp đỡ được cho những người khác thì cũng đỡ lắm chứ?

Hoa im lặng, không nói nữa, Hồng nhìn ông Huân như thầm cám ơn. Ít nhất còn ông bố chồng thông cảm cho nàng. Hồng lặng lẽ đem chồng chén bát trên bàn vào rửa, nuốt nước mắt vào lòng, đã có người nào đó đã nói với nàng "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" bây giờ nàng mới hiểu tại sao.

Những ngày sau, Hồng vẫn không thấy bà Huân đả động gì đến tiền cưới mà Hạo và nàng đã nhận được. Hồng hỏi Hạo, chàng khoát tay nói chắc mẹ đã dùng để trang trải nợ nần, với lại vợ chồng chàng đang ăn bám bố mẹ thì cũng đâu cần số tiền đó để làm gì. Hồng phản đối Hạo và khuyên chồng hai đứa nên dùng số tiền đó mở một quá nho nhỏ buôn bán, làm ăn. Hạo khuyên để Hồng đẻ xong rồi hãy tính đến chuyện đó cũng chưa muộn, vì ra riêng bây giờ thì kiếm đâu ra chỗ ở và còn bao nhiêu thứ để lo, số tiền đó làm sao mà đủ? Thế là suốt mấy tháng trời, Hồng không làm gì được, cứ ói mửa, ăn uống thì khó chịu, lại hết chị đến em chồng dè bỉu, xỏ xiên, nhiều lúc Hồng chỉ muốn bỏ nhà chồng về nhà mình cho rồi, nhưng mẹ nàng không cho, còn bảo đi lấy chồng thì phải ráng nhịn, ai cũng vậy chứ chẳng phải một mình nàng. Còn Hạo thì cũng khó khăn, chỉ trừ giờ cơm là có ở nhà, còn thì đi ra ngoài suốt kêu để kiếm việc làm, chàng cũng muốn làm một cái gì đó nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, không dễ kiếm được việc làm, mà về nhà thì Hồng cứ cằn nhằn làm chàng cũng nản.

(còn tiếp)

Cứ thế mấy tháng trời trôi qua, cũng đến ngày Hồng lâm bồn, đứa con trai được sinh ra, cả nhà chỉ có ông Huân là vui nhất vì nó là đứa cháu nội đầu tiên của ông lại là cháu nội trai. Bà Huân không buồn, cũng chẳng vui, thêm một miệng ăn, thêm một gánh nặng, bà lại thêm một mối để lo. Các cô em chồng, chị chồng vì tội nghiệp mẹ mình mà cũng đâm ra ghét người chị dâu, hay em dâu, cảm thấy cô ta vô dụng, đã làm oằn thêm gánh cho cha mẹ của mình. Hồng cảm thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên, mẹ nàng dặn trong thời gian ở cữ, không được tắm, không được đụng tới nước, nhưng ở trong gia đình chồng mà không đụng tới nước, cừ nằm đó đợi đến giờ ăn để ăn, ăn xong sợ đụng tới nước cũng không dám rửa chén, rồi nhờ chồng hay người này người kia tắm cho con mình thì làm sao mà người nhà trong gia đình chồng chịu được? Các cô chị em chồng nói gần, nói xa: "Nhắm mình không tự lo cho con mình được thì đừng có đẻ." Hồng nghe vậy, ráng trở dậy làm việc mà vừa làm, vừa khóc. Chỉ có ông Huân không biết những cô con gái của mình nặng lời với con dâu, nên vẫn kêu con hoặc chính bản thân ông đem cơm lên phòng cho con dâu ăn để nó có sữa cho con nó. Mỗi lần ngồi ăn chén cơm do tự tay bố chồng đem lên cho mình, Hồng đợi ông quay đi là ứa nước mắt, vừa ăn, vừa khóc, vừa nhủ thầm, đến khi nào nàng có thể kiếm ra tiền, người nàng báo đáp đầu tiên sẽ là ông bố chồng.

Đứa bé được một tháng, Hạo kiếm được việc làm ở những công trình xây dựng, người ta cất nhà cửa lên rất nhiều nhất là khi những Việt kiều ở nước ngoài đổ tiền về mua nhà hay xây nhà cho người thân, tạo thành cơn sốt nhà cửa ở Việt Nam. Hồng cũng nhận được công việc may quần áo đầu tiên do những người này trở về Việt Nam để mua sắm. Nàng sắm một cái máy may để may quần áo cho khách, rồi làm thêm công việc mua bán trao đổi hàng hóa cho những người Việt Nam muốn xài đồ ngoại quốc và ngược lại. Nghề dạy nghề, càng lúc Hồng càng may khá hơn, rồi có một lần cô Bảy của Hồng từ Úc về đem theo một số mỹ phẩm nhờ Hồng bán. Hồng chỉ quen với những người trong xóm nghèo nên chỉ có thể gạ bán cho những người nghèo nhưng họ thì làm sao mà có tiền để mua các loại mỹ phẩm ngoại quốc được? Cô Bảy bày cho Hồng bán cho người ta và bảo người ta chỉ cần trả góp một số tiền nhỏ mỗi tháng cộng với tiền lời cho đến khi đủ vốn đủ lời thì ngừng. Chương trình trả góp thường thấy ở nước ngoài nhưng thường là cho những đồ vật lớn như giường, tủ, bàn, ghế, ti-vi, tủ lạnh... và cái thường xuyên thấy nhất là cái nhà, vì ở nước ngoài ít ai có một số tiền khổng lồ để trả bứt được nợ cái nhà một lần một như là ở Việt Nam vậy. Thấy có lời, Hồng bèn thử làm và rồi trở thành nổi tiếng trong vùng và cũng kiếm được tiền kha khá. Như lời ước nguyện, Hồng biếu bố chồng số tiền nàng may vá lần đầu tiên có được, mới đầu ông Huân từ chối nhưng sau đó Hồng nói dữ quá, ông cũng cầm lấy để con dâu ông vui lòng. Mấy cô em chồng thì đổi hẳn thái độ tuy vẫn nói xấu sau lưng Hồng là buôn bán kiểu trả góp là kiểu làm thất đức vì ăn lời trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người nghèo, nhưng trước mặt Hồng thì không dám ngang nhiên xiên xỏ nữa vì dầu sao cũng có lúc cần Hồng may cho cái quần, cái áo, đỡ được bao nhiêu là tiền!

Say mê công việc làm mới, say mê kiếm tiền, Hồng ít gần gũi với Hạo hơn và cảm thấy mình có thể sống tự lập được rồi và nàng cũng không sợ ai dèm pha tới chuyện có bầu trước khi đám cưới của nàng nữa. Đường sự nghiệp của Hạo cũng lên vùn vụt, chàng mượn tiền của người anh ở nước ngoài, cộng thêm tiền của vợ kiếm được, Hạo mở công ty xây dựng của riêng mình, dưới tay cũng có được trên dưới một chục thợ và nghiễm nhiên cả hai vợ chồng đã trở thành ông bà chủ, ra đường lắm người kính nể! Hai vợ chồng dọn ra ở riêng, người vui sướng nhất là Hồng vì từ nay nàng không bị dòm ngó, dèm pha bởi chị chồng hay em chồng nữa. Rồi lần lượt những người chị em gái của Hạo cũng đi lấy chồng, cũng sinh con, đẻ cái như vợ chồng Hạo cũng gặp bao nhiêu khó khăn như Hồng, lúc đó họ mới thông cảm với Hồng hơn nhưng những gì họ đối xử với Hồng trước kia đã trở thành một dấu ấn khắc sâu trong lòng Hồng, nên nàng không thể nào quên được. Được ra ở riêng, Hồng đã có thể tự do ăn nói mà không sợ ai dèm pha, chỉ trích nữa, nàng trở nên chanh chua với Hạo hơn và hễ có dịp là Hồng kể lại cho Hạo nghe những điều mà chị em chàng đã nói với nàng trước đây bằng những lời lẽ hằn học, cay cú.

Nàng bắt đầu mướn con ở, cho nó dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu cơm rửa chén cho nàng, còn nàng thì chưng diện chỉ để đứng coi một cửa tiệm buôn bán. Hàng hóa nước ngoài về càng nhiều, Hồng càng có nhiều việc làm, nàng cũng tất bật đưa đón thằng bé đi học và cảm thấy xa chồng lúc nào không hay vì nàng đã có thể tự lập một mình mình và lúc nào cũng bận rộn công việc để kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt, nàng không còn sợ những lời ong tiếng ve của những người chị em chồng nữa, nhất định nàng phải kiếm thật nhiều tiền để gia đình chồng không ai có thể khi dễ nàng. Thời thế ở Việt Nam thay đổi đến chóng mặt, chỉ trong vòng mấy năm, Hạo đã nghiễm nhiên trở thành một "đại gia", cách gọi mới của người dân về những người đàn ông lắm của, nhiều tiền, đi đến đâu nói chuyện làm ăn là có rượu bia, gái gú đến đó. Dù không phải là cán bộ, cán biếc gì nhưng cứ có nhiều tiền, ăn xài thoải mái, phóng túng thì thiên hạ xếp họ vào hai chữ "đại gia" cho gọn! Những cô gái trẻ con nhà nghèo, bươn chải ra đời để kiếm miếng ăn, việc làm không phải là ít, và chắc chắn cũng không thiếu những cô gái đã dùng nhan sắc và sự trẻ trung của mình để mồi chài những "đại gia" này hòng có đường tiến thân và có nơi nương tựa. Mỹ Lan là một trong số đó và người nàng nhắm tới chính là Hạo, một thương gia đẹp trai biết làm ăn có người thân ở nước ngoài, không phải loại cán bộ giở giọng ra là thấy quê mùa và thấy ghét, lúc nào cũng khoác lác vì có nhiều tiền. Cho dù Hạo đã có gia đình nhưng nét hào hoa phong nhã của chàng vẫn có thể làm nhiều cô gái ưa thích và Mỹ Lan đang cố gắng để chinh phục được chàng, bất chấp chuyện chàng đã có gia đình. Mỹ Lan nghĩ Hạo lấy Hồng chỉ vì đứa con trong bụng Hồng, chứ không phải vì yêu đương gì, nghĩ vậy nên nàng thấy nàng có nhiều lý do để có thể lấy được Hạo và với sắc đẹp cũng như sự trẻ trung của nàng chắc chắn nàng sẽ ăn đứt Hồng.

Hồng vẫn say mê kiếm tiền, vẫn làm dịch vụ buôn bán trả góp, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu là làm ăn thất đức sẽ lãnh hậu quả không tốt. Làm ăn đàng hoàng, giúp đỡ những người nghèo tại sao lại là làm ăn thất đức? Hồng không hiểu được và cũng không biết rằng có người đang manh nha cướp mất hạnh phúc của nàng. Nàng tin rằng nàng và Hạo yêu nhau, lấy nhau vì tình chứ không phải vì tiền, bây giờ tiền bạc đầy đủ, gia đình êm ấm chỉ có những người điên mới từ bỏ để đi tìm một gia đình khác và Hồng đã tin tưởng chồng mình như vậy. Đứa con dần lớn lên, Hồng có thể làm những gì mình muốn, không phải sáng đón, chiều đưa con đi học nữa. Đã có lúc Hạo bảo Hồng sinh thêm con cho vui cửa, vui nhà nhưng nghĩ đến thời gian ở cữ bị mọi người trong gia đình chồng ganh ghét, dèm pha, Hồng không muốn sinh con nữa và tình yêu hình như cũng không còn nồng nhiệt như xưa nữa, cho nên cho dù cũng có lúc Hồng buông lỏng, thai cũng không đậu, và nàng hoàn toàn chấp nhận với số phận như vậy, số con người ta định sẵn ở ông trời, có cố cũng không có được như mình muốn. Vả lại, Hồng còn bận trông coi tiệm, thỉnh thoảng còn phải phụ giúp chồng trông coi bọn người làm, không còn thì giờ để trông coi con nhỏ nữa và cứ mỗi năm qua, số tuổi càng lúc càng lớn, có con nhỏ quá làm sao trông cho được, chưa nói đến chuyện số tuổi càng cao cơ hội sinh con không bình thường càng nhiều.

Mỹ Lan từ quê vào Sài Gòn, mướn được một chỗ nho nhỏ, tiền thuê là bảy trăm ngàn một tháng. Buổi sáng, nàng đi làm tiếp thị, buổi chiều nàng chạy bàn cho một tiệm nhậu, đòi hỏi phải hơi trang điểm một tí vì tiệm nhậu này thường tiếp những người làm ăn lớn, toàn là những đại gia. Mới đầu chưa quen, Mỹ Lan uống rượu tiếp khách không được nhiều nhưng càng lúc tửu lượng nàng càng cao, nàng có thể uống rượu mạnh dạn hơn và những hôm rảnh rỗi ở nhà, nàng lại hay bày món này, món kia ăn và gọi bạn bè tới, nhậu tiếp! Thế rồi, buổi tối hôm đó, sau khi nhậu nhẹt say sưa, mọi người nghiêng ngả ra về, Hạo đi không nổi nên đã ngủ lại ở nhà Mỹ Lan, và chẳng hiểu vì thiếu tình trong một thời gian dài hay vì quá say mà không làm chủ được mình, Hạo đã ngã vào vòng tay êm ái của Mỹ Lan, hai người ôm nhau ngủ vùi cho đến mãi trưa hôm sau. Thức dậy, Hạo bối rối, Hồng mà biết chuyện này chắc là chuyện lớn, chàng im lặng suy nghĩ một hồi rồi tự nhủ, nếu có trách thì trách chính Hồng vì nàng cứ mải lo làm ăn, không ngó ngàng gì đến chàng nữa, chàng vẫn có những đòi hỏi về sinh lý, mỡ để ngay trước miệng mèo làm sao có thể làm ngơ được? Mỹ Lan thản nhiên như chẳng có gì, nàng đã tiếp cận đàn ông nhiều, chuyện này không chóng thì chầy cũng sẽ xảy ra, trao thân cho người đàn ông mà mình thích thì có gì phải ân hận? Hạo hỏi:

- Em có giận anh không? Anh là người nằm với em đầu tiên đó hả?

Mỹ Lan lắc rồi gật, nàng ôm lấy Hạo từ đằng trước và thầm thì:

- Không sao, không sao cả. Em yêu anh. Em rất sung sướng được ở với anh. Mà anh có yêu em không?

- Anh cũng yêu em chứ nhưng em nên nhớ anh đã có gia đình, anh còn phải có bao nhiêu trách nhiệm phải lo. Anh yêu em cũng không lấy em được đâu, trừ khi anh ly dị vợ.

Mỹ Lan im lặng, đó là điều nàng mong muốn nhưng nàng không dại gì mà nói ra, hãy để Hạo tự lo lấy chuyện đó, còn nàng chỉ cần lòng thương hại lúc này, làm một bước đi quá mạnh có thể làm Hạo nghi ngờ và giấc mơ của nàng sẽ tan vỡ. Nàng lẳng lặng đi mua bữa ăn sáng bên tiệm đầu ngõ và gọi cà phê cho chàng, hai người ăn uống trong yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Hạo đang nghĩ cách làm thế nào để giấu Hồng chuyện này, xong rồi chàng nghĩ mà hơi đâu chàng phải lo xa vì ở cái xứ sở Việt Nam này, đàn ông năm thê, bảy thiếp là chuyện thường, có gì đâu mà chàng phải lo? Mỹ Lan thì nghĩ, chỉ cần chăm sóc Hạo chu đáo, chiều chuộng chàng hết mực thì Hạo sẽ thuộc về nàng, cái chuyện nàng lấy chàng chỉ là sớm hay muộn thôi, lấy trước lấy sau gì cũng là lấy, có gì đâu mà phải sợ?

(Còn tiếp)

Một tháng sau, Mỹ Lan báo cho Hạo biết là nàng đã có thai, Hạo ngồi yên thật lâu, không biết làm sao để giấu Hồng đây, cái số chàng sao mà khổ, toàn là có con không tính toán trước, rồi làm sao ăn nói với bà Huân nữa đây. Mỹ Lan buồn bã:

- Bộ anh không muốn có nó sao? Sao anh không nói gì hết vậy?

Hạo chống chế:

- Đâu có, đâu có! Anh đang suy nghĩ làm sao để nói chuyện với bả đây?

Mỹ Lan cười thầm trong bụng, cho dù Hạo lấy hay không lấy nàng, nàng cũng sẽ giữ đứa nhỏ này, nếu mai sau nàng có không lấy chồng chăng nữa, thì nàng vẫn có một đứa con để hủ hỉ. Là nói vậy thôi, chứ nàng biết Hạo là người trọng nghĩa, chàng sẽ không nỡ bỏ rơi nàng đâu, cứ nhìn chàng chung thủy với Hồng thì biết và gia đình chàng là gia đình đàng hoàng, con cháu của họ, nhất định họ sẽ phải nhìn nhận. Thế là, Hạo giấu hết tất cả mọi người, vẫn hàng tháng chu cấp cho Mỹ Lan để nàng có thể yên tâm sinh đẻ dễ dàng. Mỹ Lan thấy vậy lại càng nhõng nhẽo để được cưng chiều hơn mà Hạo được nhân tình nhõng nhẽo lại càng thấy mình có năng lực hơn, chàng say mê trong trạng thái hai vợ, lắm lúc nghĩ đến Hồng chàng cũng ăn năn, nhưng rồi lại nhủ, ôi, trong cái xã hội này bao nhiêu người như chàng mà, đâu có sao đâu?

Người ta nói "Cây kim lâu ngày trong túi cũng lòi ra", cái bụng chửa của Mỹ Lan càng lúc càng lớn chứ đâu có nhỏ xíu như cây kim đâu mà giấu được? Cho nên, cuối cùng tin Hạo có vợ nhỏ cũng đã đến tai Hồng, mà lại do chính miệng đứa con trai của Hồng và Hạo báo cho mẹ nó biết. Mới nghe tin, Hồng bật khóc, không tin cả đứa con trai mình nhưng cuối cùng với những chứng cớ rành rành nàng không thể không tin được. Căn nhà rộng lớn của hai vợ chồng bắt đầu dậy sóng, tiếng cãi nhau, đập phá, khóc lóc xảy ra mỗi ngày, thằng con bênh mẹ, nó đứng về phía mẹ và bảo mẹ nó nên ly dị, nó sẽ ở với mẹ, tài sản chia ba, mẹ nó một phần, cha nó một phần, còn phần còn lại là của nó, thì cái người vợ sau của cha nó sẽ không có phần nào để lấy cả. Hồng nghe lời con và cả mẹ nàng, nàng đưa đơn ly dị, cho dù Hạo đã xin lỗi và bảo nàng là chàng không muốn ly dị, để chia tài sản ra làm gì. Nhưng vì nỗi uất ức, công trình bao nhiêu năm nàng đã gây dựng nên, mà Hạo lại dám phản bội nàng, nên nàng nhất định phải ly dị, gạt bỏ hết đi nàng sẽ thấy đỡ tức hơn và con nàng luôn ủng hộ nàng, nàng không thể đem tài sản của nàng cũng có công trong đó để đem dâng cho con người khác được. Có chồng hay chẳng có chồng bây giờ nàng cũng chẳng cần, nàng không còn những ham muốn như hồi còn trẻ nữa, mà tài chánh, công việc của nàng hiện giờ cũng khá vững vàng, nàng có thể tự lập cánh sinh một mình nàng mà không sợ gièm pha, khinh rẻ nữa. À, còn cái con vợ nhỏ đó của Hạo, nó sẽ được hưởng cái sự vinh nhục để được làm dâu trong gia đình Hạo như thế nào, nhất là lại có đứa con ngoài giá thú như vậy, đợi coi nó phải làm sao. Hồng đắc chí coi sự ly dị của mình sẽ là một sự trả thù hữu hiệu nhất! Hạo năn nỉ thế nào Hồng cũng mặc, nàng nhất định đưa đơn ly dị.

(Còn tiếp)

BN.
Binh Nguyen
#433 Posted : Tuesday, November 22, 2011 5:03:53 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Có nhiều lúc tôi muốn viết Truyện Thật Ngắn nhưng chưa bao giờ làm được. Hôm nay, thử nhé!

ĐÔI TAY VÀNG

Anh sửa tiệm cho vợ chồng anh chị bạn, tự nhiên số lượng khách tăng lên đáng kể. Anh chị bạn khen anh có "đôi tay vàng", anh thích chí cười bảo vợ: "Em nghe chưa, người ta nói anh có đôi tay vàng kìa." Chị cười cười bảo anh: "Em không có đôi tay vàng nhưng em có một thân thể khỏe mạnh, một đầu óc nhanh nhẹn để lo được những bữa ăn cho anh và các con, để cho anh làm được công việc của anh tốt, để cho con học tập đạt kết quả cao. Vậy một thân thể khỏe mạnh, một tinh thần phấn chấn có bằng chán vạn đôi tay vàng của anh không?" Anh ngưng cười, im lặng ngẫm nghĩ: "Kể ra vợ ta cũng có lý đấy nhỉ?"

BN.
Binh Nguyen
#434 Posted : Sunday, March 11, 2012 1:32:00 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
CHUYỆN THẾ SỰ

Lâu lắm rồi tôi không có chuyện gì để viết, chuyện viết của tôi vì thế cũng không hoạt động. Tôi viết được chỗ này một tí, chỗ kia một tí, không kể là chuyện viết, những ý nghĩ của mình cũng vì thế không được trải bày ra. Hôm nay, rảnh một tí tôi lại viết, viết chuyện... thiên hạ sự,... thời sự,... cộng đồng sự,... những chuyện không viết sẽ... không ai viết, và tôi sợ qua một thời gian chuyện sẽ... chìm vào quên lãng, vì thế nên tôi viết!

Một nhạc sĩ trong nước có tấm lòng yêu nước làm ra những bài hát yêu nước bị bắt đi tù, đã đánh động lòng yêu nước của một nhạc sĩ hải ngoại, thế là anh làm một cuộc vận động chưa từng thấy trong lịch sử cộng đồng người Việt ở đây, là thỉnh nguyện chữ ký cho nhân quyền ở Việt Nam, số người ký tên đã lên đến hơn 130,000 người, vượt xa con số tổng thống Mỹ yêu cầu là 25,000 thì ông sẽ tiếp phái đoàn người Việt Nam tị nạn. Chỉ có một chuyện đó thôi, mà lắm kẻ yêu cũng không ít người ganh ghét, họ xâu xé vào... bàn loạn!

Kẻ yêu thì bảo, những nhạc sĩ này đã làm nên lịch sử, anh đánh động bao nhiêu lòng yêu nước của người Việt Nam, anh nhạc sĩ trong nước dám làm, anh nhạc sĩ hải ngoại dám làm, và lần đầu tiên nhiều người ngồi lại với nhau để tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, tranh đấu cho một nhạc sĩ có thể nói là chưa có tên tuổi! Một số người cho là anh thất bại, khi tổng thống Mỹ không ra tiếp, và rồi ì xèo bàn luận trên các diễn đàn, bảo là phải làm thế này, phải làm thế nọ, rồi... chửi, bạ ai cũng... chửi. Một cô bạn trẻ nói tôi hãy lên một diễn đàn nghe thiên hạ bàn luận trong đó, tôi nói với cô, tôi không rảnh để nghe thiên hạ bàn luận, và tôi bảo đảm với cô rằng những người chửi to, nói lớn nhất trong các diễn đàn hoặc các báo, các cơ quan truyền thông, là những người không bao giờ tham gia cái gì hết, không bao giờ làm cái gì hết, họ chỉ thích ngồi coi thiên hạ làm, rồi vạch lá ra tìm sâu để... chửi cho sướng cái miệng! Tôi không rảnh để nghe những người đó nói, lại càng không rảnh để nghe họ bàn loạn!

Bản thân tôi thấy tội nghiệp cho những người tham gia rồi không được như ý, họ thất vọng ra mặt. Những người dám dấn thân này là những người đáng khâm phục, nhưng tôi thấy họ còn lý tưởng quá. Tổng thống không ra tiếp thì đã sao? Đất nước của họ còn bao nhiêu chuyện để lo, chuyện của đất nước mình tại sao họ phải nặng lòng? Anh nhạc sĩ này đâu phải là người duy nhất đang bị bắt trong nước, còn bao nhiêu người tranh đấu khác cũng đang bị tù tội vậy, và cũng đâu phải mới đây đâu, tại sao lại phải trả lời liền trong thời gian một đôi ba ngày đó? Anh nhạc sĩ hải ngoại là một nhạc sĩ, anh không phải một chính trị gia, cũng không đại diện cho bất cứ một hội đoàn, đoàn thể nào, tại sao lại bắt anh phải làm được điều này, điều kia, tại sao những người chỉ trích anh đó không giỏi ra làm đi, sao cứ đợi người ta làm rồi ngồi đó mà chỉ trích, mà tìm bọ? Có làm mới thấy bao nhiêu khó khăn, người không gặp khó khăn là người không làm gì cả và thường là rất rảnh để ngồi... chửi, hay ý kiến, hay bàn luận. Tôi thật sự không thích những người có nhiều ý kiến đó.

Hãy nên nhìn vào mặt tích cực, đó là anh đã kêu gọi được một số lượng người đáng kể để tâm đến nhân quyền ở trong nước. Đừng nên làm kỳ đà cản mũi, đâm mũi dùi vào hết người này, đến người khác, thật tình không biết là để được cái gì? Người ta làm được cái gì, mình giúp được cái gì thì giúp, không giúp được cái gì thì nên giữ im lặng, đừng có bàn loạn cào cào lên, thứ nhất làm nhụt chí những người có tinh thần, thứ nhì làm chính bản thân mình cũng... không giống ai cả! Chuyện thế sự là thế, nhân tình thế thái là thế, kẻ ưa, người ghét lúc nào cũng có nhiều, đừng nên để tâm đến những con sâu làm rầu nồi canh yêu nước!

Bình Nguyên
Tháng 3, 2012.
Tonka
#435 Posted : Sunday, March 11, 2012 2:02:09 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Thế nào cũng có chuyện để nói.
Binh Nguyen
#436 Posted : Saturday, August 4, 2012 5:42:09 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
VIẾT VỀ MẸ

Tôi được giải nhì trong cuộc thi viết về Mẹ, kết quả thật quá tốt, tôi cũng không ngờ, vì lúc gởi bài dự thi, tôi cũng chỉ tính dự thi cho vui thôi, vì thích viết chứ không phải vì tiền. Viết truyện tôi thường viết chuyện có thật, những nhân vật có thật đâu đó trong cuộc đời và những câu đối thoại dứt khoát phải là những câu nói có thật, người Nam nói kiểu khác, người Bắc nói kiểu khác và nhất định phải là một câu nói bình thường ở ngoài đời, chứ không phải một câu văn bóng bẩy, không phải là những lời lẽ trau chuốt, hay là những câu nói giả tạo do trí tưởng tượng ra, rằng con phải nói chuyện với mẹ lễ phép như thế này, mẹ phải nói chuyện ngọt ngào với con như thế nọ! Những câu nói bóng bẩy đó ít có trong đời thật và khi nghe được trong đời thật thì cũng là lúc nhân vật đó đang đóng kịch, đang giả tạo, đang cố làm ra vẻ mình cần phải làm gương để những người nghe được, đọc được bắt chước làm theo. Tôi không tin những điều đó vì những điều đó ít có thật trong cuộc đời phàm tục này. Một câu nói dịu dàng của người con nhiều khi viết ra nghe có vẻ vô lễ như: "Bà ăn cơm chưa để tui đi bới cho bà ăn, lóng rày sao bà lộn xộn quá, ăn cơm cứ bỏ thừa hoài!" Đằng sau câu nói hình như có một chút gì xót xa mặc dù không cần đổi "bà" thành "má", "tui" thành "con", không cần phải lễ phép với người mẹ già cứ việc "mắng" bà "lộn xộn" mà sao khi đọc vẫn thấy cả trời xót xa!

Hôm nay, một độc giả kéo tôi lại chỉ để được hỏi chính tác giả về bài viết đó. Cô ta khen tôi viết những câu đối thoại rất thật, cô ta còn bảo tôi, chị có thể viết truyện dài nhiều tập như nhà văn NNN được rồi. Tôi nghe mà mát cả ruột, điều đó thì tôi biết, chỉ vì tôi chưa có thời gian thôi chứ không phải là tôi không viết truyện dài được. Cô bạn của cô ta thì bảo, chỉ cần chị chuyển công việc làm nails của nhân vật chính trong truyện "Mẹ chồng, mẹ ruột và mẹ ghẻ" thành việc làm trong nhà hàng thì chính là chị viết truyện về em đó. Tôi cười, vậy sao, cô hãy ngồi xuống đây kể chuyện của cô cho tôi nghe đi rồi tôi sẽ viết thành một truyện khác, biết đâu chừng còn hay hơn! Vậy là tôi thành công rồi, viết chuyện của người này mà ra giống y chang chuyện của người khác, lời văn, câu nói họ nghe y chang như của họ, chính là điều mà tôi muốn diễn tải, chính là những mảnh đời trong cuộc đời này. Những câu chuyện thật!

Một chị bạn của tôi, hôm tôi kêu chị lên bình chọn cho truyện của tôi, chị hỏi tôi truyện tôi là truyện nào để chị "vote", tôi bảo chị cứ đọc hết đi thì chị sẽ biết truyện nào là truyện của em liền hà, và có thấy hay thì hãy "vote". Tôi muốn có sự công bằng, chị phải so sánh bài của tôi với bài của người khác, thấy xứng đáng thì hãy bình chọn, còn nếu thấy dở, chị có quyền "vote" cho người khác. Chị lên mạng đọc xong được mấy truyện trên đó thì tôi không biết, nhưng chị "vote" cho tôi, còn gọi điện thoại cho tôi bảo, chị thích cách viết của Bình, một chuyện đơn giản nhưng rất lạ, không bình thường như những câu chuyện người ta thường viết về mẹ khác. Người ta thường tôn vinh tình mẫu tử khi viết về mẹ, tình phụ tử khi viết về cha và thường là những chuyện dĩ vãng, khi người mẹ, người cha không còn trên cõi đời này nữa, họ thấy tiếc nuối vì đã mất những thứ tình thiêng liêng đó. Xong chị hỏi tôi, nhưng hình như em có lấy râu ông này cắm cằm bà kia thì phải. Tôi cười, dĩ nhiên rồi, em viết "truyện ngắn" mà, em phải có hư cấu ở trong đó chứ, và chắc chắn em phải có một chút "sáng tác" ở trong đó để cho nó thành một truyện ngắn, chuyện thật mà không thật!

Người độc giả kéo tôi lại để được hỏi chính tác giả về câu chuyện tôi viết, ngoài chuyện khen tôi viết như thật, cô còn thắc mắc phần cuối của câu chuyện, hỏi tôi nhân vật chính sẽ làm gì sau đó? Sao chị lại cho "giọt nước mắt trào ra" rồi thôi, không viết tiếp nữa? Tôi cười, "wow, cô nhớ từng lời văn của tôi, như vậy trí nhớ của cô rất tốt, nhưng mà cô hiểu chưa đúng lắm cái ý của tôi, nó là giọt nước đã tràn ra chứ không phải nước mắt đâu, nhưng kể ra đó cũng là chủ ý của tôi, người đọc cho nó là giọt nước mắt cũng được nhưng ý của tôi thì có đến hai nghĩa lựng!" Cô có vẻ không vui với câu nói của tôi vì rõ ràng câu văn của tôi phải là cái ý như vậy, nó rõ ràng như hai với hai là bốn, cô đã đọc rất nhiều truyện làm sao mà hiểu sai được? Tôi nói cô không sai chỉ là chưa hiều hết ý của tác giả thôi.

Còn cái thắc mắc của cô về quyết định của nhân vật chính trong truyện, tôi bảo, tôi ngừng câu chuyện ở đó thôi, tùy độc giả muốn nghĩ sao thì nghĩ, chứ tôi không nói phần cuối. Giống như truyện Con Nga (trong Tuyển Tập Phụ Nữ Việt 2007), ai cũng hỏi con của Con Nga sẽ như thế nào, tôi đều trả lời là tôi chỉ viết truyện "Con Nga" chứ chưa viết truyện "Hậu con Nga", và truyện "Con Nga" đến đó đã hết, thành ra muốn coi truyện "Hậu con Nga" thì phải đợi đến lúc nào tôi viết được truyện đó thì độc giả mới biết được chuyện đó như thế nào! Truyện "Mẹ chồng, mẹ ruột và mẹ ghẻ" đã được chấm dứt ở đó vì chuyện của các bà mẹ tôi muốn nói cũng đã xong rồi, còn người mẹ nào khác thì từ từ rồi tôi sẽ viết nữa, nếu như lại có lúc nào đó cần viết về Mẹ.

Bình Nguyên
Tháng 8, 2012.
Binh Nguyen
#437 Posted : Friday, August 10, 2012 8:44:02 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
HEART BROKEN

Trong nhóm những cô gái đó có ba cô là dân Mississauga, cái thành phố nhỏ hỉền hoà tôi đang ở. Các cô chỉ được huy chương đồng trong cuộc tranh tài bóng đá nữ ở thế vận hội 2012, nhưng với dân cư Mississauga, người ta vẫn gọi các cô là "Các Cô Gái Vàng". Không "Vàng" sao được, khi các cô đã vượt từ hạng 16 trong thế vận hội lần trước lên đến hạng 3 trong thế vận hội lần này? Tranh tài với đội Mỹ trong vòng bán kết, các cô luôn dẫn đầu một trái, sau đó thì bị đội Mỹ gỡ lại toàn là những trái bị phạt vì đội Mỹ tấn công các cô dữ quá nhưng rốt cuộc chỉ ăn toàn trái phạt chứ không phải là trái tự lừa mà đá vào. Tim tôi cũng thót lên mấy lần, nhiều lần cũng chắc mẩm là Canada sẽ thắng, nhưng cứ mỗi lần Mỹ gỡ lại thì tim tôi lại thót lại rồi lại tự an ủi, Canada vào được tới vòng này là khá lắm rồi, dầu gì Mỹ cũng đã là đương kim vô địch mấy lần rồi, muốn thắng được cũng khó! Cuối cùng thì Mỹ cũng thắng ở hiệp phụ trội vì hai đội hoà sau hai hiệp chính thức, các cô Canada nằm vật ra sân cỏ buồn bã vì đã thua, sau này khi được phỏng vấn các cô bảo là trái tim của các cô bị vỡ, "heart broken" là chính xác cái từ các cô đã nói. Chà, trái tim mà dễ vỡ như vậy thì làm sao mà sống? Trái tim của các cô không được quyền vỡ, các cô phải có trái tim lành lặn và mạnh mẽ nữa để còn phải đương đầu với đội Pháp để tranh lấy cái huy chương đồng. Thắng thua là chuyện thường tình, đó là tinh thần thể thao, không cứ thua mà "vỡ tim" được, thua thì phải cố gắng hơn để mà thắng. Mà lỡ như có không thắng thì cũng thôi, đâu có sao đâu? Tại sao lại phải "heart broken"?

Lẽ ra các cô phải được huy chương vàng hay bạc nếu như các cô thắng đội Mỹ. Các cô cho là trọng tài thiên vị khi cho Mỹ đá quả phạt đền để cuối cùng Mỹ gỡ hoà ba đều ở gần cuối trận đấu. Ai biết được đúng sai? Ở trên sân cỏ người ta vẫn thường nói "trọng tài là cha mẹ" mà, ông ta bắt phạt thì phải chịu phạt thôi, có bị thiên vị thì cũng ráng mà chịu! Thế là các cô cảm thấy "heart broken"! Cứ tường các cô sẽ không thể đá tiếp nữa vì thất vọng. Nhưng không, các cô vẫn phải đứng dậy, vẫn bắt tay với đội chiến thắng, chúc mừng họ, rồi trở về tập dợt lại để đá tiếp trận cuối, cứ thế mà đi, tim vỡ thế nào được mà vỡ? Các cô đã được huy chương đồng nhưng với tôi, các cô xứng đáng được huy chương vàng, các cô không vì trái tim vỡ mà bỏ cuộc, còn cái chuyện thiên vị trong các cuộc thi cũng là chuyện bình thường ở huyện, không thể vì những chuyện bình thường đó mà vỡ tim được.

Bình Nguyên
Tháng 8, 2012.
Binh Nguyen
#438 Posted : Friday, October 5, 2012 9:41:18 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Đây là truyện được giải nhì của tôi. Giải cũng trao rồi, diễn đàn cũng như báo Viettimes cũng đăng rồi, có lẽ tôi đã có thể đăng lại đây cho những ai chưa được đọc.

MẸ CHỒNG, MẸ RUỘT VÀ MẸ GHẺ


- Mày muốn ăn thì nấu lấy mà ăn, mày lớn lắm rồi còn gì, tự lo lắng nấu nướng là được rồi, còn mẹ mẹ gì nữa? Ổng là chồng tao thật, nhưng không phải là cha mày, tại sao mày bắt ổng phải nuôi luôn mày, còn phải nấu cơm cho mày ăn nữa? Mà bây giờ, ổng biểu mày đi mua rượu cho ổng thì mày không mua, cái mặt còn chụ ụ một đống, còn gân cổ lên cãi nữa, thì làm sao tao chịu cho nổi? Tao đang ở cữ, không nấu nướng gì được mới nhờ tới mày, đã không chịu nấu còn ngang bướng nữa. Tao với mày đang ăn nhờ vào ổng, ổng kêu làm gì thì cứ làm đi, còn cãi cái gì nữa mà cãi? Mà tại sao lại phải cãi? Cái thứ con hư đốn, hỗn láo, hở là cãi, hở là cãi, thật là mất dạy! Mày có giỏi thì về bên bà nội mày mà ở, đừng ăn bám vào ổng với tao nữa. Bảo ba mày ở bên Mỹ gởi tiền về cho mà xài, đừng có ở đây ăn bám tụi tao rồi mở miệng là cãi lại như vậy. Tụi tao không dư cơm để nuôi những đứa hỗn láo như mày.

Yến quẹt nước mắt, lẳng lặng vào bếp, bắt nồi cơm lên nấu cho người mẹ đang ở cữ đứa em cùng mẹ khác cha với Yến, mới sinh được vài tuần. Em bé còn nhỏ, tự nhiên mẹ phải thương em hơn, Yến bị gạt ra khỏi vòng tay mẹ là lẽ thường tình, cho dù là em ruột cùng cha cùng mẹ với Yến cũng vậy. Yến cảm thấy ganh tị với đứa em cùng mẹ khác cha này, không phải vì mẹ thương em hơn mà tại vì ít ra nó còn được sống cùng với cả cha lẫn mẹ, trong khi Yến chỉ có mỗi mình mẹ để thương yêu, vì cha Yến đã bỏ mẹ Yến đi vượt biên từ khi Yến chưa tròn một tuổi. Đến khi Yến hơi hiểu biết một chút, thì Yến thấy mẹ đi lại với ông Hải, Yến có hỏi, thì mẹ nói:

- Ba mày đã bỏ mẹ con mình rồi. Mẹ còn trẻ, mẹ phải tự lo đời mẹ chứ, không thể đợi ba mày hoài được? Mà chưa chắc ba mày sẽ trở về vì tao lấy ba mày cũng vì tại có chửa mày, ổng phải nhận trách nhiệm, chứ đâu có thương yêu gì đâu? Tao nghĩ chắc bây giờ ổng cũng lấy người khác rồi, tao cũng phải tự lo đời tao chứ, đâu thể ở một mình mãi được? Bây giờ ba mày đang ở bên Mỹ, mày cứ ráng qua nịnh bợ bà nội mày thì may ra ổng suy nghĩ lại và đem mày qua bển.

Mới đầu mẹ còn lén lén, lút lút vì sợ bà nội biết là mẹ đã có người khác, thì sẽ không cho tiền mẹ để nuôi Yến nữa, nhưng đến lúc cái bụng của mẹ to ra, biết là không thể dấu được nữa, mẹ qua điều đình với bà nội đem Yến về nuôi và thế là Yến đành phải về sống với ông bà nội và các cô chú. Yến khóc lóc, chán chường, không thích như vậy, có năn nỉ nhưng mẹ nhất quyết không chịu, Yến thấy chán và bỏ học luôn từ đó. Hôm biết Yến trốn học, cô Tâm, cô kế ba Yến mắng:

- Cái đồ làm biếng, ba mày gởi tiền về là để cho mày đóng tiền đi học, thế mà mày lại trốn học đi chơi. Nếu vậy, để tao nói ba mày đừng gởi tiền về cho mày nữa, có được đồng nào là lại đem về cho mẹ mày đi nuôi trai, nhục ơi là nhục!

Những câu nói tàn nhẫn của cô Tâm như những lưỡi dao cứa vào lòng Yến. Ba Yến cho Yến đâu có được bao nhiêu, mỗi lần về thăm mẹ, Yến lại phải đút lót để mua chuộc tình yêu của mẹ. Vì thế, bà nội cho được đồng nào thì Yến để dành để có đem về cho mẹ. Đến lúc mẹ đi đẻ em bé, Yến xin phép bà nội cho Yến về ở với mẹ trong thời gian mẹ Yến ở cữ, để lo lắng, đỡ đần cho mẹ, nhưng thật ra là tại Yến muốn được ở gần mẹ như bất cứ người con nào trên thế gian này. Những người cô của Yến lúc nào cũng nghiêm khắc với Yến, chỉ có mẹ cho dù có la mắng Yến nhưng vẫn dễ dãi hơn các cô rất nhiều, nên Yến vẫn thích ở với mẹ hơn ở với các cô.

Chẳng biết mẹ yêu ông Hải được bao nhiêu nhưng Yến vẫn thấy mẹ triền miên trong nỗi khổ vì ông Hải rượu chè suốt ngày, mỗi lần rượu vào thì ông lại gây sự, la mắng mẹ, bảo nuôi Yến tốn cơm. Rồi ông lại đụng nia, đá thúng, bắt Yến đi mua rượu tiếp để ông uống, rồi lại tiếp tục say, lại cãi nhau với mẹ, mẹ Yến lại la Yến, cứ thế, Yến thấy chán, lại bỏ về bên nội, và cứ thế năm tháng cũng dần trôi. Thế là Yến đã bỏ học được mấy năm, chắc là phải đi kiếm một cái nghề gì đó để làm ra tiền, chứ không thể ở với bà, hay với mẹ nữa. Yến muốn tự lập, ra riêng, tự lo lấy đời mình, không phải sống nhờ vào mẹ hay bà nội. Phải chi ba Yến bảo lãnh Yến qua Mỹ để Yến khỏi phải sống nhờ vào mẹ và dượng ghẻ nữa thì đỡ biết mấy. Ông Hải luôn nhìn Yến thiếu thiện cảm, và cô của Yến cũng bảo Yến phải tránh xa ông ấy ra, vì ông ta là người không đứng đắn, có thể hại Yến chăng? Yến mơ được qua Mỹ. Yến viết thư cho ba, hỏi ba có bảo lãnh Yến qua đó không? Thư đi, nhưng không thấy thư về, bà nội bảo ba đang chuẩn bị lấy vợ, chắc không có thì giờ để trả lời thư Yến. Hôm nghe bà nội nói, Yến khóc nhiều lắm, thôi thế là từ đây giấc mơ đi Mỹ đã sụp đổ, Yến sẽ phải sống hoài trong tủi nhục với mẹ và dượng ghẻ cùng người em khác cha với mình. Yến đâu còn chỗ nào nữa để quay về? Ba Yến lấy vợ thì có nghĩa là Yến có mẹ ghẻ, câu ca dao dân gian người ta vẫn từng nói là:

"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng?"

Chắc chắn bà ta sẽ không thương Yến, mẹ ruột mà còn đối xử với Yến như thế, thì mẹ ghẻ lại càng không coi Yến ra gì, chẳng thế mà người ta dùng chữ "ghẻ" để nói đến những người mẹ ghẻ giống như những cái mụt ghẻ ghê gớm mà người đời thường tránh xa đó sao? Yến buồn lắm, sao Yến lại sinh ra trong hoàn cảnh này, mẹ lấy chồng, cha lấy vợ, bỏ mình Yến bơ vơ, không nơi nương tựa, chẳng người nào thương yêu, ngó ngàng gì đến Yến cả. Nhiều khi Yến có ý định tự tử hay bỏ đi thật xa, nhưng Yến biết đi đâu bây giờ? Yến như con chim én lạc loài, không có mùa xuân, không nơi nương tựa, Yến đâm ra ghét mẹ, hận cha, tại sao lại sinh Yến ra ở cõi đời này?

Mãi đến khi qua được bên Mỹ, Yến vẫn chưa dám tin đó là sự thật. Ba và mẹ ghẻ đã đứng ra bảo lãnh cho Yến, giấy tờ nhanh chóng, trôi chảy chỉ trong vòng một năm, hạnh phúc đến không ngờ! Hôm tiễn chân Yến ở phi trường, bà nội ôm Yến và nói:

- Con ráng qua ăn ở đàng hoàng với mẹ Tâm, nhờ mẹ Tâm mà con mới qua được bên đó. Ráng sống làm sao cho phải, rồi nhớ thỉnh thoảng viết thư về cho nội.

Nói được đến đó thôi rồi bà nội khóc, Yến cũng bất giác khóc theo, Yến gật đầu hứa đại với bà vì cảm động hơn là vì hiểu được bà đang nói cái gì, vì Yến có biết mẹ ghẻ ra sao đâu mà hứa? Vợ sau của ba Yến cũng tên Tâm, nên bà nội bảo Yến gọi là mẹ Tâm để phân biệt với cô Tâm, nhưng cô Tâm thì phản đối, bảo mẹ là mẹ thôi, chứ tại sao lại gọi tên mẹ ra, nghe vô lễ quá. Nhưng dù gì chăng nữa, thì mẹ Tâm cũng không phải là mẹ đẻ ra Yến, bảo Yến gọi là mẹ, Yến nghe không thuận tai chút nào, nên Yến thường tránh gọi.

Mẹ Tâm cũng nghiêm khắc giống như cô Tâm, hỏi sao Yến bỏ học sớm thế, Yến không biết trả lời sao nên đành im lặng. Thấy Yến im lặng, bà tự trả lời luôn:

- Chắc tại không có ai giúp đỡ con chứ gì? Ba mày thì ở bên này, mẹ mày thì chắc chắn không coi trọng việc học của mày rồi, nên mới sinh ra cớ sự đó. Con có biết kiến thức giúp con người ta nhiều lắm không? Con phải đi học, người ta phải đi học thì mới khá được. Thí dụ muốn làm thợ may thôi, con cũng phải biết mấy con số thì mới tính toán, đo đạc được, muốn bán cơm thì cũng phải biết mấy con số để tính tiền người ta chớ, chứ nếu không làm sao mà lấy tiền người ta được?

Im một lúc, bà lại nói tiếp:

- Kể ra cũng khó cho mày. Con nít đứa nào mà chẳng ham chơi? Ba mày không có ở đó, mẹ mày lại không kềm cặp mày thì làm sao mày đi học được. Thua sút bạn bè thì lại xấu hổ, không muốn đi học nữa, gia đình không ấm êm cũng thấy chán, kể ra tội lỗi là ở cả ba mày, lẫn mẹ mày, ai đời sinh con người ta ra rồi chẳng ai lo lắng gì cho đời sống tinh thần của nó hết.

Rồi hình như cảm thấy mình vô lý, bà nói tiếp:

- Thôi, dầu gì cũng đã trễ quá rồi. Con đã bị mất căn bản trầm trọng, mẹ nghĩ mày nên học lấy một cái nghề, người ta nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", bây giờ cái nghề thịnh hành nhất hiện nay là nghề nails, con đi học, rồi đi làm đi, tiền học để mẹ trả cho.

Thế là Yến đi học nails, cái nghề thịnh hành nhất trong cộng đồng người Việt ở đây mà người ta không đòi bằng cấp gì hết. Yến cảm động khi mẹ Tâm xuất ra mấy trăm riêng của bà để cho Yến đi học. May mà Yến có khiếu nên học rất nhanh để không uổng tiền của bà. Ngoài giờ đi học nails, học tiếng Anh, Yến phụ giúp mẹ Tâm nấu cơm, coi chừng mấy em cùng cha khác mẹ với Yến để ba mẹ đi làm. Tự nhiên Yến thấy thương mẹ Tâm hơn mẹ ruột của mình, bà thương Yến như thương mấy em, dù bà nghiêm khắc nhưng với các em cùng cha khác mẹ với Yến bà cũng nghiêm khắc như vậy, chứ không có con ghét, con thương. Cho nên, Yến cảm thấy đỡ tủi thân mỗi khi bị bà la, vì Yến thấy mấy em do bà đẻ ra cũng bị la y chang như vậy. Nhiều khi Yến nghĩ phải chi mẹ ghẻ là mẹ ruột Yến thì tốt biết mấy, thì Yến đã không phải thất học như bây giờ, phải đi học nghề nails để kiếm sống. Yến cảm thấy buồn, thương cho mình, có phải tại Yến sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu? Yến mơ ước có một ngày tự lập, mở một tiệm nails cho riêng mình, không phải sống bám vào ba hay mẹ ghẻ nữa, và Yến còn phải có nhiều tiền để gởi về lo cho mẹ ruột nữa.

Chủ tiệm nơi Yến làm có người con trai cũng hay thường xuyên tới phụ mẹ khuân vác đồ đạc cung cấp cho tiệm, nên Yến có gặp mặt mấy lần rồi quen nhau. Yến đã đi chơi với Phong vài lần nhưng dĩ nhiên là không dám nói cho mẹ Tâm hoặc ba biết vì sợ hai người sẽ cho là Yến còn quá trẻ sẽ ngăn cản. Thế nhưng, một ngày kia, mẹ Tâm gọi Yến ra và bảo:

- Con đang đi lại với con bà Lan phải không? Mẹ nghĩ con phải cẩn thận, người ta nói "lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống", gia đình đó hình như không được tốt cho lắm, nghe đồn bả bỏ ổng đi với người khác đó, mày đừng dính vào coi chừng mang tiếng. Chuyện của mày, thật ra mẹ cũng không nên xía vào, nhưng hôn nhân là chuyện quan trọng cả đời, con đừng vội vàng quyết định rồi mai này hối hận cũng không kịp. Con còn trẻ, đời còn dài lắm, hãy suy nghĩ chín chắn rồi hãy quyết định, đừng để rơi vào tình trạng giống như mẹ của con, rồi người thiệt thòi nhất là những đứa con như con đó, thấy không?

Mẹ Tâm còn nói nhiều lắm nhưng Yến đang yêu, thấy Phong biết chiều chuộng, thông cảm với mình thì thấy thích rồi, đâu muốn nghĩ sâu xa thêm chi cho mệt? Phong lại rất nghe lời Yến, lại là người lớn lên ở cái xứ sở này, Phong sẽ dẫn dắt Yến hội nhập vào xã hội này dễ dàng hơn. Phong lại là con trai của bà chủ Yến, dựa vào Phong là gián tiếp dựa vào bà chủ này, công việc của Yến sẽ vững chắc và biết đâu sau này bà sẽ sang hết cơ sở làm nails này lại cho Yến? Nếu được lên làm chủ một cơ sở thương mại mà không phải bỏ một đồng bạc vốn nào hết thì thật là quá tốt! Mặt khác, thật ra Yến cũng chẳng quen ai ở cái xứ sở mới mẻ này, thấy Phong hiền lành, dễ thương hay giúp đỡ Yến lúc Yến mới vào làm nên từ cảm mến đến tình yêu đâu có bao xa? Vả lại, tình yêu là thứ người ta không giải thích được, thích là thích, yêu là yêu, thế thôi, suy nghĩ nhiều làm gì? Mẹ Tâm chắc già rồi, nên hay lo xa quá, cứ như mẹ lấy ba, cũng là đời thứ hai của ba rồi, đâu có gì đáng tự hào? Thì chỉ vì yêu mới lấy, cứ yêu người nào thì lấy người đó thôi, suy nghĩ đến gia đình, họ hàng của họ làm gì? Tại sao còn cần phải “xem tông, xem giống” nữa? Yến thấy vô lý hết sức.

Sau một năm đi lại với nhau, Yến quyết định ra riêng, dọn vào ở chung với gia đình Phong, thuê lại một căn phòng nhỏ để tiện việc đi lại cho Phong khỏi đưa đón. Hôm báo cho ba mẹ biết quyết định của mình, ba không nói gì, nhưng mẹ Tâm thì có ý kiến:

- Mẹ nghĩ con nên làm đám hỏi với thằng Phong trước đi rồi hãy dọn vào ở với nó. Trai gái ở gần nhau, lửa gần rơm dễ bén lắm, đề phòng vẫn hơn. Có một cái lễ ra mắt thì coi như chính thức rồi, có chuyện gì xảy ra mẹ cũng đỡ lo, con đỡ phải mang tiếng.

Yến chưa kịp hiểu mẹ nói cái gì, thì nghe ba lên tiếng:

- Thời buổi bây giờ đâu phải "lửa gần rơm" đâu bà, "lửa gần xăng" mới chết chứ!

À, thì ra hai ông bà đang lo sợ là Yến sẽ thất thân với bạn trai trước khi làm đám cưới, nên mẹ Tâm muốn Yến làm đính hôn trước cho chắc ăn. Vẫn là mẹ Tâm là người lo lắng cho Yến, thật tình Yến không biết nên buồn hay nên vui? Hôm Yến báo về cho mẹ bên Việt Nam hay, mẹ chỉ hỏi:

- Thằng đó có tiền không, có bảo đảm mày lấy nó, nó sẽ lo lắng cho mày không, rồi nó cho mày gởi tiền về cho mẹ không?

Mẹ suốt ngày chỉ tiền với tiền, không cần biết con mình suy nghĩ như thế nào cả, Yến buồn lắm, nghe mẹ Tâm nói vậy, Yến lại cảm thấy tủi thân, mẹ ruột lại không lo cho mình bằng mẹ kế, Yến như đứa con lạc loài vậy.

Thế là hai đứa làm đám hỏi, một cái lễ đơn giản, chỉ có gia đình hai bên, và chỉ là một bữa ăn ở nhà hàng, không bạn bè, không phô trương gì hết, và sau đó thì Yến dọn vào mướn một căn phòng trong nhà của Phong. Bà Lan bây giờ đã coi Yến như người trong nhà, bà vận dụng tối đa khả năng làm việc của Yến, kêu Yến làm thêm giờ lia chia nhưng tiền công thì chẳng chia thêm, còn bảo Yến lấy được Phong là cái phước lớn nhất của Yến, cứ làm như Phong, con bà, được dạm bằng ngọc hay vàng không bằng. Yến bất mãn nhưng tính Yến vẫn thế, nghĩ gì là để trong lòng, ít nói ra. Cũng có lúc, Yến thấy việc mình dọn ra khỏi nhà ba là một lỗi lầm lớn, nhưng bây giờ thì còn mặt mũi nào để quay lại nữa, chẳng lẽ lại báo cáo con là người thất bại, thế thì quê lắm, chắc chắn là Yến sẽ không làm như vậy. Ở đó được sáu tháng, Yến chịu không nổi nữa, bèn đòi dọn ra, Phong bàn với Yến hai đứa làm đám cưới rồi hãy ra riêng vậy, nhìn tới nhìn lui cũng chỉ có mình Phong là hiểu Yến nên Yến đồng ý. Về hỏi ý mẹ Tâm, bà phán:

- Ừ, tụi bay cũng liệu mà làm đám cưới đi, người ta nói "lấy vợ phải lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha"!

Ai gièm pha đâu, Yến không cần biết, chỉ muốn thoát khỏi những gia đình mà Yến đã ở qua như một người thừa thãi, không cảm thấy mình là một thành viên bao giờ. Yến muốn làm chủ một gia đình của riêng mình, Yến muốn thoát ly, muốn có tiền của riêng mình để gởi về cho mẹ. Vẫn là mẹ, là người đã sinh Yến ra ở cõi đời này, là người mà Yến phải mãi mãi nhớ về, phải lo cho, phải trả hiếu, vì dù sao ba cũng đã yên ấm với mẹ Tâm, chỉ có mẹ Yến là có chồng mà cũng như không, nhất là người chồng lúc nào cũng rượu chè. Yến thấy thương mẹ, tội nghiệp mẹ!

Ba và mẹ Tâm đứng ra làm đám cưới cho Phong và Yến, ở ngoài nhìn vào không ai biết mẹ Tâm là mẹ ghẻ, chỉ khen ba mẹ trẻ quá mà đã có con để gả đi lấy chồng rồi. Ba chồng của Yến hôm đó cũng xuất hiện nhưng ông đi với bà khác chứ không phải bà Lan, còn bà Lan thì đi với ông chồng sau, trẻ hơn bà đến vài tuổi. Hai ông bà chỉ dự đám cưới như những người khách, lên hát karaoke và đùa giỡn, quậy phá, như những khách mời, Yến cảm thấy bực, tự nhiên đâm ra ghét gia đình Phong hết sức! Nhưng Yến chỉ nghĩ vậy thôi chứ không nói ra, chỉ cần Phong tốt với Yến là được rồi, còn cha mẹ Phong có như thế nào thì để tự Phong lo liệu lấy vậy.

Cuộc sống vợ chồng không đơn giản như Yến nghĩ. Phong không chí thú làm ăn như Yến tưởng, dễ bỏ việc làm, ngại khó, không có công việc nào ổn định, cứ hai ba bữa làm chỗ này, nửa tháng lại đổi chỗ khác. Bà Lan kêu ra phụ giúp tiệm nails thì lại chê đó không phải là nghề của đàn ông, con trai nên không làm, chỉ lâu lâu ra phụ mẹ khuân vác. Kêu đi làm hãng, thì lại kêu là giờ giấc khắc nghiệt, không ngủ đủ nên không có sức để đi làm. Làm công việc nặng thì lại than, công việc nặng quá không làm nổi. Công việc nhẹ thì chủ nói Phong không có kinh nghiệm nên không mướn. Thật ra, vì bà Lan đã kêu Phong đi làm từ năm 17 tuổi để kiếm tiền giúp đỡ bà, nên Phong đã bỏ học, rồi đi làm bậy bạ cái này, cái kia từ lâu, nên không có một nghề chuyên môn nào. Lúc quen Phong, Phong có nói với Yến là Phong đi làm chỗ này, chỗ nọ, Yến cũng tin như vậy, nhưng bây giờ ở chung với nhau, Yến mới biết là Phong chỉ đi chơi ở đâu đó, chứ không phải đi làm, suốt ngày tụm năm, tụm ba với bạn bè để chơi đùa, nhậu nhẹt. Yến bắt đầu thấy chán, thì ra đây là cái lý do mẹ Tâm bảo Yến hãy suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định lấy chồng nhưng bây giờ thì đã lỡ rồi, đâu còn thay đổi gì được nữa? Bà Lan giúp cho Yến và Phong mua nhà ở riêng với một điều kiện là đi làm bao nhiêu ngày tháng đó để bù lại số tiền bà cho mượn. Mới đầu Yến thấy cũng được, nhưng mua cái nhà rồi, còn phải lo trả tiền hàng tháng, điện nước, thuế má đủ thứ, không có tiền hằng tháng thì làm sao mà kham được?

Lương chỉ có một đầu, hai vợ chồng Phong và Yến không kham nổi căn nhà, hai đứa bắt đầu lục đục chỉ vì chuyện tiền bạc. Yến bảo Phong nên đi làm để lo lắng đỡ giùm Yến nhưng Phong vẫn không có thiện chí đi kiếm việc làm và đúng ra là vì không có chuyên môn gì, cứ vẫn theo thói quen là cần gì thì cứ về xin tiền mẹ. Nhiều khi Yến ân hận, Phong như một đứa trẻ chưa lớn, chỉ biết ăn bám vào mẹ, không biết tự lập, lo liệu lấy bản thân, thì làm sao lo cho vợ được? Mấy tháng nay, Phong cứ qua bên bà Lan thường xuyên để xin cố vấn của bà làm cách nào để giữ được căn nhà. Phong về nói với Yến:

- Mẹ nói mình khoan hãy làm giấy hôn thú, mỗi đứa về Việt Nam làm đám cưới giả cũng được vài chục ngàn, rồi lấy tiền qua đây làm vốn, mở cơ sở làm ăn riêng, lúc đó lo gì mà không có tiền mua nhà? Còn bây giờ, mình cứ bán căn nhà này đi, về ở với mẹ, đỡ được đồng nào hay đồng ấy.

Yến ngỡ ngàng, cứ tưởng mình nghe lộn. Hả? Sao mẹ chồng lại bảo con dâu bỏ con trai mình để đi làm đám cưới với người khác? Luân thường đạo lý đi đâu hết trơn rồi hở trời? Cái thiên đàng xứ Mỹ này có cái gì mà người ta cứ đổ xô vào nó để gạt bỏ hết luân thường đạo lý như vậy?

Yến thấy chán cùng cực, ừ thì vì mẹ chồng tham tiền đã đành, tại sao Phong là chồng của Yến lại có thể mở miệng để nói điều này với Yến được? Như vậy Phong đâu có yêu thương gì Yến đâu? Tại sao lại sẵn sàng nhường vợ mình cho người khác, cho dù là chỉ trên danh nghĩa, chỉ vì mấy chục ngàn? Cuộc hôn nhân của Yến hoàn toàn là cuộc hôn nhân thất bại, yêu thương gì mà sẵn sàng chực chờ để bán vợ mình đi như vậy? Hèn gì, mà trước khi làm đám cưới Yến có nói đến chuyện làm giấy hôn thú, Phong cứ gạt đi và bảo ăn thua là hai đứa thương yêu nhau, chứ tờ giấy hôn thú đâu có nghĩa lý gì. Sau một vài câu hỏi, Yến khám phá ra Phong đang làm hôn thú giả với một cô ở Việt Nam, Phong đính chính đó chỉ là làm giả để lấy tiền, chứ Phong chỉ yêu có mình Yến. Cô ta là người ở Việt Nam, Phong có gặp lần nào đâu mà bảo thương với yêu? Tất cả chỉ vì tiền, Phong phải cố gắng đóng kịch cho giống vợ chồng thật vậy thôi để đem người đó qua, khi nào có tiền rồi thì phủi tay, mạnh ai nấy đi. Yến chán nản thật sự! Tình cha mẹ, tình vợ chồng, con người, xã hội đã đảo điên tất cả, không còn có tình cảm thật sự gì nữa hết. Mọi người đến với nhau bằng tiền bạc, bằng lọc lừa, không còn coi trọng tình nghĩa gì nữa. Tiếng Phong vẫn đều đều bên tai Yến, nửa như năn nỉ, nửa như lạnh lùng:

- Mẹ nói có một người bạn mẹ muốn đem con trai qua đây, ảnh có hơi lớn tuổi rồi và có hai đứa con, có một lần ly dị vợ nhưng vẫn còn xứng với em lắm, không sao đâu. Họ hứa trả trước ba chục ngàn, chi phí họ lo hết, khi con họ qua tới đây thì đưa cho em ba chục ngàn sau. Em thấy có được không? Mấy chục ngàn đầu mình có thể dùng để "down" xuống một căn nhà, chỉ nội năm sau con họ qua tới, có được phần cuối là mình ly dị, lúc đó mình có dư một số tiền để có được căn nhà khang trang rồi.

Yến chợt cảm thấy muốn ói, không biết hồi nãy Yến đã ăn nhằm cái gì mà sao lại thấy khó chịu thế này? Yến không nghe phần cuối của câu Phong nói mà chạy vội vào phòng tắm, ói thốc ra. Yến thấy mình như con chim én lạc loài, vừa ói, vừa khóc, sao Yến lại khổ quá thế này, sao không có chỗ nào cho Yến dừng chân một chỗ?

Mẹ ơi, mẹ Tâm ơi, con biết phải làm sao đây? Chừng nào thì cuộc sống của con mới được ổn định, được sống trong một gia đình một vợ, một chồng, không có lọc lừa, hay rổ rá cạp lại? Đêm đó, Yến bần thần, khó chịu, nên khi Phong hỏi Yến nghĩ sao, Yến mệt mỏi quá quát lên:

- Em mệt mỏi lắm, chán lắm rồi, không biết nên nghĩ cái gì nữa, anh để em yên một tí có được không?

Phong thấy Yến giận tiu nghỉu đi ra để cho Yến nằm nghỉ, không hỏi tới nữa. Hôm sau, Yến đi bác sĩ, bác sĩ khám bảo Yến đã có thai và chúc mừng cho Yến. Yến hụt hẫng, sao điều mình không ngờ nhất lại tới, mà lại xảy ra vào lúc này, khi mà tình yêu đã bắt đầu rạn nứt, nghĩa vợ chồng thì hình như chưa có? Tại sao Yến lại có thai vào lúc này, khi Yến bắt đầu thấy chán những cuộc hôn nhân vội vàng, lọc lừa và tính toán? Yến cầu mong đứa bé Yến đang mang trong bụng là con trai để nó không phải khổ như Yến hiện tại. Nhưng có thật là con trai như Phong với người mẹ như vậy không cảm thấy khổ tâm? Hay là Phong cũng đang mang những nỗi ưu tư và khổ sở như Yến bây giờ? Hay là thôi, cứ tiến hành hôn nhân với một người xa lạ để lấy tiền gởi về cho mẹ bên Việt Nam? Hay là cứ làm cuộc hôn nhân này để lấy tiền mua một căn nhà khác như Phong mong muốn? Đang miên man suy nghĩ thì có tiếng điện thoại reo, Yến lười biếng bốc lên, bên kia đầu giây là mẹ Yến:

- Con Yến đó hả? Sao mấy hôm nay không thấy con gọi về cho mẹ? Hôm qua, mẹ thằng Phong có gọi về cho mẹ hỏi mẹ tính chuyện đám cưới của con với người nào đó bên đây, trả sáu chục ngàn. Bả có vẻ chắc ăn chuyện này lắm, con tính thử xem họ có trả thêm được ngàn nào hay không, rồi lấy tiền đó làm một chuyến về thăm mẹ. Lâu quá không gặp mày, mẹ cũng nhớ, bây giờ tự nhiên có người tới đem tiền cho mình xài, dại gì không xài? Cứ làm đi con rồi kiếm một mớ để làm vốn...

Mẹ còn nói nhiều nữa, nhưng Yến không nghe thấy gì hết, giọt nước đã tràn ra...

Bình Nguyên
Tháng 4, 2012.


Bình Nguyên
Binh Nguyen
#439 Posted : Tuesday, October 23, 2012 7:39:09 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
OAN

Ở đời có lắm nỗi oan mà người bị oan không biết tỏ cùng ai. Thời nay, cứ tưởng không còn có cảnh "Oan Thị Kính" nữa, thế mà cũng có! Thì ở Việt Nam chứ đâu, một ni cô ở chùa nọ, đem một đứa trẻ ai đó bỏ trước cổng chùa, vào trong chùa nuôi, thế là làng xóm, láng giềng, cả những xóm khác ở chung quanh gièm pha, dị nghị, bàn tán với nhau rằng đó là con ruột của cô đẻ ra, rồi người ta phán rằng cô không có đủ tư cách ở trong chùa, và người ta muốn cô phải dọn ra khỏi chùa ngay lập tức. Oan lắm chứ chẳng phải chơi, cô phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đi lấy mẫu DNA hay ADN của cô và đứa bé để chứng tỏ cô và nó chẳng có huyết thống gì hết. Rõ ràng người mẹ nào đó đã nhẫn tâm bỏ con mình trước cổng chùa, để kêu gọi lòng nhân từ của ni cô, đã đưa ni cô vào cảnh dở khóc, dở cười, đưa cô vào cảnh oan trái y như chuyện Thị Kính ngày xưa, chỉ khác là cô đã không phải giả trai để đi tu như Thị Kính ngày xưa mà thôi. Tôi thấy tội nghiệp cho ni cô đó, đúng là làm ơn mà mắc oán! Chẳng lẽ bỏ đứa nhỏ trước cổng chùa để mặc cho nó chết đói, chết khát, chết lạnh hay kiến cắn chết? Đem một con chó vào nuôi thì rồi người ta cũng đem lòng thương con chó đó, chứ đừng nói con người, ni cô có tỏ ra thương đứa bé như con ruột của cô, nghĩ cũng là lẽ thường tình! Nhưng người đời miệng lưỡi thường không xương, họ muốn nói sao thì nói. Tôi nghĩ cho dù đó là con ruột của cô đẻ ra chăng nữa thì đã sao đâu, chẳng lẽ cô lại nỡ bỏ con ruột của cô? Cô là ni cô ở trong chùa, không đem nó vào trong chùa nuôi thì đem đi đâu? Lòng nhân từ của con người đi đâu hết cả rồi hay người ta muốn đuổi cô ra khỏi chùa vì muốn cướp chùa? À, có thể lắm chứ, lòng người khó đoán! Thế gian ác độc cũng chẳng lạ lùng gì nhất là ở cái chỗ nghèo nàn như Việt Nam vậy!

Tôi cũng có nỗi oan, oan ơi ông địa, đi đến đâu là được người ta khen một câu nào đó, để che dấu sự ngượng nghịu, tôi cũng khoe thêm một tí về mình, thế là có kẻ phán ngay là tôi kiêu ngạo, hay khoe khoang, lúc nào cũng muốn hơn người mới thôi. Thì một người bạn cũ của tôi chứ ai, bạn tôi cho rằng tôi lúc nào cũng ra vẻ là mình giỏi, mình hay, có vẻ hoà đồng nhưng thật ra lúc nào cũng có ý hại bạn, đè bạn xuống, để mình nổi lên. Tôi hay viết văn (biết rồi khổ lắm, nói mãi!!!), bạn tôi nói tôi viết để lấy tiếng, rằng tôi hám danh, đó là tính xấu! Rồi nó tiếp tục xài xể tôi, tôi thấy oan, oan lắm, nhưng không dám trả lời lại, vì nếu tôi trả lời lại biết đâu lại xảy ra chuyện lớn, vả lại nếu tôi trả lời lại, hoá ra tôi đồng ý những gì nó nói là đúng sao? Khi lái xe, thấy chỗ nào đang có đụng chạm, hoặc kẹt, nếu có thể tôi tìm cách đi đường khác, nhủ thầm tránh cái chỗ thị phi đó ra! Thì xử sự ở đời cũng vậy, nếu bạn xài xể mình, có thái độ vô lễ hoặc vô duyên với mình, nếu mình trả lời lại, ăn thua đủ, thì vô tình mình cũng thành con người vô duyên, vô lễ y chang như bạn vậy? À, nhưng khi mình bỏ đi, thì thường là tôi bị nói xấu thêm rằng, con người hách dịch, kiêu ngạo, chua ngoa, đã bảo ở đời cái lưỡi không xương, miệng họ, họ nói, làm sao mình cản được? Tôi thấy tôi bị oan, tôi không có ý như bạn nói, nhưng bạn tôi cứ gán, cứ lên án tôi như vậy thì tôi cũng đành phải chịu thôi, chứ biết phải làm sao? Thấy không, oan mà nói cũng bị nói, mà không nói cũng bị nói, thì tại sao tôi không nói về nỗi oan của tôi chứ?

Còn nữa nha, tôi viết phóng sự, hay truyện ngắn, cũng cùng một câu viết đó, mà có người lại hiểu theo ý khác không phải ý của tôi, và cũng lên tiếng bắt bẻ tôi thế này, thế nọ, tôi thấy tôi cũng bị oan, nhưng không biết nói sao, đành lại phải cười trừ, im lặng, không dám cãi. Nhưng trong thâm tâm thì tôi thiệt tình ưng cãi lắm, cãi rằng, có giỏi thì cứ viết ra mà đọc, đọc của người ta làm gì, xong rồi cứ chê đủ thứ, lại còn bẻ ngoặt ý nghĩ, tâm tư của người ta nữa, thiệt là oan ơi ông địa! Mad

BN.
Binh Nguyen
#440 Posted : Monday, February 18, 2013 8:19:57 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
XUÂN QUÝ TỴ 2013

Mùng 28, tính đi làm, đi học xong, là về thăm quê ngoại cách đây chỉ khoảng 500 cây số. Mèn ơi, mới bảnh mắt ra, là ông trời chơi cho một trận tuyết mờ mịt đất trời, các trường học đóng cửa hết, từ Đại đến Tiểu, gọi mấy đứa nhỏ dậy rồi mới biết tin là trường học đóng cửa, con bé lớn cằn nhằn sao mẹ gọi con dậy làm gì, con đợi 4 năm nay rồi, hôm nay mới được một ngày trường học đóng cửa đó! Mèn, thế mà đã ở ngôi nhà này đã được 4 năm rồi ư? Thời gian đúng là nhanh thật!

Thời gian như cánh chim bay!

Cũng là bốn năm nay rồi, vùng Đông Bắc này mới bị một trận tuyết đã đời đến thế! Tuyết trắng ngập đường, ngập sá, "Trắng đất trời, trắng cả lòng người, trắng niềm vui, trắng luôn nỗi nhớ", cái câu thơ viết năm nào lại vang lên, nhìn đất trời mà không muốn đi đâu một tí nào cả. Nhưng vì đã hẹn với một người từ mấy tuần trước là phải đi giúp họ. Không bõ công đi giúp họ đê lấy một số tiền nhỏ mà phải chạy trong thời tiết như vậy nhưng lời hứa là chữ tín, cho dù không có tiền thì vẫn phải đi để giữ lời hứa, bèn ra cào tuyết, lặn lội lái xe đi. Chạy thật chậm vẫn bị lầy tuyết hai lần, phải de tới, de lui một chục lần mới qua được mấy đống tuyết, đặc biệt là những khi quẹo. Vẫn tới được cuộc hẹn an toàn nhưng tới trễ, thôi thì được chút nào hay chút đó miễn là mình đã giữ lời hứa, may mà người khách cũng thông cảm, không trách móc chuyện đến trễ.

Đến lúc ra về, tuyết vẫn bay mù mịt, những chỗ không có xe chạy, đống tuyết đã tích tụ lên tới nửa thước. Cần phải đi tặng quà tết cho hai người bạn, vì những món nợ ân tình, vì cần phải ngoại giao, hoà hảo, lại lặn lội chạy luôn đến nhà họ để đưa quà. Lúc vào không sao, lúc ra, cái xe lầy trong đống tuyết, không làm sao chạy đi được, vì bánh xe đã bị chôn trong đống tuyết, chạy tới không được mà chạy lui cũng không xong, lẩm bẩm quà thì chẳng đáng bao nhiêu nhưng ngày đi tặng quà như vầy thì thật đáng giá! Phải gọi mấy đứa nhỏ trong nhà người quen giúp mình xúc đống tuyết dưới mấy cái bánh xe ra, cả người hàng xóm gần đó đang xúc tuyết cũng chạy tới giúp, cuối cùng xe cũng chạy ra được, hú hồn, ai cũng bảo ra đường ngày hôm nay làm gì, rõ khổ! Cũng cầy cục chạy về đến nhà, đã về đến đầu ngõ, tưởng thoát, ai dè, ngay cái cua quẹo vào ngõ, xe lại không vượt qua nổi cái đống tuyết. Chẳng lẽ, đã đến đây rồi còn chịu thua nó sao, nhìn tới, nhìn lui, thấy mấy đứa nhỏ, đang rủ nhau đi chơi tuyết đâu đó với những dụng cụ như là để chơi hockey, chúng xúm lại hỏi: "You có cần chúng tôi giúp không?" Mèn ơi, đang đúng lúc này, cho dù có gặp "kẻ thù" đi chăng nữa thì vẫn kêu gọi giúp đỡ như thường, chứ đừng có nói mấy đứa nhỏ dễ thương như "thiên thần" như vậy! Sau cái gật đầu của mình, chúng xúm lại, đứa thì lấy cái cây gạt cái tuyết dưới cái bánh xe, đứa thì nhìn để bảo mình điều khiển cái xe như thế nào cho cái xe thoát ra được. Chạy ra được khỏi cái cua quẹo, cám ơn chúng nó rối rít, chúng nó cười nói không có gì rồi đi tiếp.

Tưởng là thoát, vì mình đã tới nhà rồi, làm sao mà còn lầy tuyết được nữa, nhưng không, tới ngay cái cua quẹo cuối cùng để vào nhà, là cái ngõ rất nhỏ, ít xe chạy vào, và ... cả xóm đang đổ ra đường để xúc tuyết, mình lại ... lầy thêm một lần nữa!!! Mad Mà lại mắc kẹt phía trái đường vì tính đi phía trái đường, đang có lằn bánh xe chắc sẽ dễ chạy vào hơn! Ông hàng xóm đầu ngõ đang xúc tuyết trước sân nhà ông, nhìn mình lắc đầu: "Mày không có cách nào chạy ra được, sao mày không đậu đỡ qua phía bên phải đường đi?" Nhìn đống tuyết chưa được cào bên phải đường mà ngán ngẩm, bảo ông: "Ông nghĩ xem, cái phía bên đây ít tuyết hơn mà tôi còn không vượt qua nổi, làm sao mà tôi bẻ lái qua cái đống cao hơn đó được?" De tới, de lui không xong, nhìn đống tuyết cảm thấy bất lực, chán nản, tính gọi anh xã ra để cào tuyết đem xe vào, thì lại không thấy xe anh ở sân đậu, tức quá, lẩm bẩm, đã bảo không có chuyện gì quan trọng thì đừng đi đâu cứ ở nhả đi, thế mà cũng ráng đi ra ngoài đường, đến lúc người ta cần nhất thì lại không thấy mặt mũi đâu cả, tức thiệt! Cả xóm ra cào tuyết nhưng con mình thì chẳng thấy tăm hơi đâu, bực ơi là bực! Thế nhưng vẫn cười với hai bé gái hàng xóm, đang lúp xúp cầm đồ cào tuyết chạy lại hỏi: "Cô có muốn chúng tôi giúp không?" Thiệt cái tình, không biết nên khóc hay nên cười, hôm nay 28 tết, mình lại chịu ơn của nhiều người, đành cười với mấy đứa "thiên thần" lần nữa, bảo: "Chắc không sao đâu, để tôi vô lấy cái cây cào tuyết ra cào đống tuyết dưới xe vậy, rồi tôi sẽ lái đi." Ông hàng xóm lắc đầu, "mày không cách nào làm được đâu, đừng giỡn chơi!" Hỏi ông, "cho tôi để nhờ xe tôi vào sân nhà ông được không, ông có đi đâu bây giờ không? Tôi để đỡ một tí thôi rồi tôi sẽ cào hớt con đường đi để lấy xe về!" Ông nói: "Mày cứ để đó, tao chẳng đi đâu, nhớ khoá xe của mày lại, muốn để đến bao lâu cũng được, mày không cào nổi hết tuyết trên con đường đâu, đừng giỡn chơi!" Tôi vừa đói, vừa mệt, chỉ chờ có thế, tôi de tới de lui mấy lần rồi cũng chạy xe được vào sân nhà ông, vì ông vừa mới cào xong cái sân rất sạch sẽ! Tôi đóng cửa, khoá xe, cám ơn ông một lần nữa rồi lội tuyết vào nhà mình. Đúng là phải bật lên một câu tiếng Mỹ "What's a day!"

Sợ quá, không dám tính cái chuyện đi về thăm quê ngoại trong điều kiện như vậy, chúng tôi chần chừ chờ đến tối để xem tuyết có đỡ đi không rồi hẵng đi. Bạn bè gọi tới khuyên không nên đi, vì đường xấu lắm! Đợi đến tối thấy mòi đi không được, tôi chần chừ mãi, rồi cũng đành phải gọi cho bố tôi nói: "Chắc tụi con đi không được, trời xấu quá, bố ạ!" Bố tôi bảo: "Ừ thôi, không đi cũng không sao!" Giọng ông buồn buồn, vẻ nói vậy mà không phải vậy, làm lòng tôi băn khoăn! Cả năm trời mới về thăm bố mẹ được một lần mà ông trời còn thử thách, đưa ra bao khó khăn như thử lòng người. Sáng hôm sau thấy trời quang đãng, sạch sẽ, tôi lại đổi kế hoạch, nhất định đi về thăm quê ngoại, anh nhà tôi muốn cản nhưng nhìn vẻ mặt của tôi, anh lại đồng ý đi. Mới chạy được một lát, anh bảo sao xe rung quá, chắc là phải đem cho thợ coi, nếu có cần sửa thì sửa, nếu nặng nề quá, thì thôi khỏi đi. Tôi thất vọng, đúng là ông trời thử thách chúng tôi, nhưng an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi đành phải chạy vào tiệm chuyên về bánh xe, cũng phải chạy vòng vòng rất lâu mới kiếm được vì đang chạy ngang chỗ không quen thuộc. Vào tới nơi, ông thợ sửa xe vừa nghe nhà tôi nói xong là nói ngay: "Mày đi rửa sạch sẽ hết mấy cái bánh xe của mày đi, tao nghi là tuyết nó đóng cục ở dưới đó, xe tao cũng bị hoài mà. Cứ mỗi lần có tuyết là bị. Mày rửa sạch rồi, chạy nữa mà vẫn bị như vậy thì lúc đó hãy quay lại đây, tao coi cho." Được lời từ ông chuyên viên, anh nhà tôi như cởi tấm lòng, vì trườc đó anh cũng đã nghi ngờ điều đó rồi, chúng tôi lại lái xe đi. Về tới Ottawa, đúng là chỉ kịp đem bánh chưng đi biếu họ hàng, rồi vế nhà ăn uống, tán dóc một tí rồi đi ngủ, để lấy sức ngày hôm sau chạy về. Ai cũng bảo chúng tôi đi đâu cũng như đi ăn cướp, nhưng mà đành vậy chứ biết sao? Đúng là một cái tết đáng nhớ!

Bình Nguyên
Tháng 2, 2013.
Users browsing this topic
Guest (5)
23 Pages«<20212223>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.