Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
CỦI TRE DỄ NẤU
(tiếp theo)
Sau tuần trăng mật, Kiên phải về lại Canada trước để trở lại nhiệm sở vì đã hết phép. Cha mẹ chàng vẫn ở lại Việt Nam chơi thêm để thăm gia đình, họ hàng. Tiễn Kiên ở phi trường, không khí kẻ đi người ở làm Trang bật khóc, nàng bắt đầu nhớ Kiên, cho dù trong thâm tâm nàng vẫn chẳng thấy yêu Kiên. Cố gắng thêm một thời gian nữa, Trang sẽ được đi nước ngoài, tương lai nàng sẽ sáng sủa hơn, cha và em nàng sẽ đỡ vất vả hơn. "Một liều ba bẩy cũng liều, cầm như con trẻ chơi diều đứt dây." Cánh diều Ngọc Trang sẽ bay về đâu nào ai biết? Trang ôm Kiên và lần đầu tiên hôn lên má chàng qua làn nước mắt, hình như môi nàng hơi mặn. Kiên ôm Trang rồi quày quả quay đi như cố giấu cảm xúc của mình.
Năm tháng sau đến phiên Trang ra phi trường đi nước ngoài. Trang lại khóc một lần nữa. Kỳ này, Trang khóc vì nhớ cha, nhớ em, chưa xa mà đã nhớ! Từ ngày mẹ bỏ gia đình ra đi, Trang thay mặt mẹ lo cho cha, cho em, bây giờ nàng lại bỏ đi, ai sẽ lo cho họ đây? Bầu trời rộng lớn, máy bay êm ả lướt đi, Trang mệt mỏi, cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn, nàng thiếp đi lúc nào không biết. Kiên và gia đình hai người chị ra đón Trang ở phi trường. Sau màn giới thiệu, chào hỏi, Kiên và Trang ôm nhau thật lâu. Trang vẫn chưa biết mình sẽ ở với Kiên bao lâu nhưng nàng cứ đóng trọn vai trò người vợ vào lúc này cái đã. Chị của Kiên tíu tít dặn dò đủ điều nhưng Trang chẳng nhớ gì cả.
Kiên là một người gương mẫu, cẩn thận, anh làm chủ một căn nhà nhỏ ở Canada toàn bằng sức lực của mình, mọi người nhìn anh như một người thành công trong xã hội. Anh không thể kiếm được người vợ nào ở đây cũng vì khuôn mặt anh quá xấu. Kể ra, cũng có vài mối tình, nhưng họ chỉ coi anh như bạn mà không thể tiến xa hơn, Kiên thường buồn bã với nỗi cô đơn của mình và mặc kệ để cuộc đời trôi tới đâu thì tới. Trang đã từng lo lắng cho cha và hai đứa em trai nên nàng thích ứng với sự gọn gàng, ngăn nắp của Kiên dễ dàng, không chút chi khó khăn. Trang tự nhủ thầm nàng phải cố gắng thật nhiều để trả ơn, đến một lúc nào mà nàng có buông Kiên ra thì Kiên cũng không thể trách nàng được. Kiên nhìn Trang thông cảm, chàng tận tình hướng dẫn nàng đi học tiếng Anh, hội nhập vào cuộc sống mới, làm quen với gia đình và bạn bè của chàng, kể cả những cô bạn cũ. Trang thấy mọi người có vẻ rất thân thiện với Kiên, chỉ có điều thỉnh thoảng có người nhìn nàng như thương hại cho sắc đẹp của nàng. Để có thể bỏ được Kiên, Trang cần phải sắp đặt kế hoạch đàng hoàng, để sau này khỏi phải phụ thuộc vào chàng. Thứ nhất Trang uống thuốc ngừa thai, để tránh có con với Kiên, có thể tạo ra sợi dây vô hình trói chặt nàng với Kiên lại. Với điều này, thật ra cũng không cần thiết lắm vì Kiên có vẻ xa cách nàng, chàng cố gắng đối xử với nàng như em gái, không dám đòi hỏi gì. Thứ hai, Trang xin Kiên cho nàng đi học lái xe, và học làm móng tay, cái nghề đang thịnh hành ở Bắc Mỹ, để sau này dễ bề cho nàng đi kiếm việc làm. Tất cả mọi thứ Kiên đài thọ hết, không nặng nhẹ một lời, thỉnh thoảng còn cho nàng ít tiền để nàng gởi về Việt Nam cho cha và em nàng. Trang nghĩ chỉ cần sau hai năm là nàng có thể tự lập được, lúc đó nàng sẽ rời xa chàng, ra ở riêng. Đến lúc đó nàng sẽ kiếm được người đàn ông nào vừa ý, lập lại cuộc đời cũng chưa muộn.
Dường như Kiên cũng nhận thấy điều đó nên càng tránh xa nàng. Chàng cố gắng đối xử với nàng như em gái. Kiên nghĩ số phận của chàng đã vậy thì có tranh đấu cũng chẳng thay đổi được gì, thôi thì để mặc cho số phận. Hai người sống chung nhà mà như hai người xa lạ. Sáng sáng Kiên đi làm, rồi khi về thì coi phim, đọc sách, nghe nhạc, chàng lạnh lùng để che dấu mặc cảm xấu xí của mình. Nếu Trang mải đi học hay đi chơi đâu đó, không nấu cơm, chàng lẳng lặng làm mấy món ăn đơn giản và cũng để phần cho nàng, không trách cứ điều gì. Chính cách cư xử của Kiên làm Trang áy náy và càng mang mặc cảm tội lỗi. Thấy Kiên xa cách mình, Trang lại cảm thấy tủi thân, cô đơn, chính nàng cũng không hiểu được nàng. Chẳng lẽ nàng có chút tiếc nuối cho mối tình này? Dầu sao nàng cũng đã ăn ở với chàng, cũng là vợ chàng, nhưng sao nàng không thể yêu chàng được? Trái tim nàng không rung động, đi bên cạnh chàng nàng không cảm thấy tự hào, không cảm thấy được chở che. Đã vậy, Kiên chẳng có tí nào lãng mạn như những chàng trai mà nàng thấy trong phim bộ. Trang thất vọng! Dạo này, nàng nghĩ nhiều đến Tuấn, chàng thanh niên mà nàng đã quen ở chỗ học nghề làm móng tay. Tuấn cao ráo, đẹp trai, trắng trẻo, nói chuyện với Trang vui vẻ, hợp ý trong nhiều lãnh vực mà lại rất ga-lăng, lãng mạn! Cái chính là bạn bè chung quanh hay khen hai người thật xứng đôi, nên hay ghép đôi họ với nhau. Trang sung sướng lặng người, có lúc quên đi tình cảnh hiện tại của mình, quên đi người chồng xấu xí.
Kiên ghen! Phải, chàng đã ghen. Ai mà không ghen khi vợ mình đi với người khác, đẹp trai hơn mình nhiều? Người này, người kia gọi điện thoại tới, nói gần, nói xa với Kiên nhưng chàng chỉ để ngoài tai, gặm nhấm mặc cảm xấu xí của mình. Phải chi chàng cao ráo một tí, trắng trẻo một tí, và nhất là phải chi chàng không có nụ cười bị méo xệch vì cái môi sứt, thì chàng mới có tư cách để ghen với nàng. Càng buồn, càng chán nản, Kiên lại càng xa lánh Trang, chàng ngầm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra là nàng sẽ bỏ chàng đi trong một tương lai rất gần.
Trang nhớ cha, nhớ em, những lần gọi điện thoại về không đủ làm nàng nguôi đi nỗi nhớ. Trang quyết định về thăm gia đình và rủ Tuấn cùng đi nhưng Tuấn bảo chàng không có đủ tài chánh để mua vé và chàng đã hẹn về để lấy người con gái khác. Tuấn không nói ra nhưng Trang đoán là Tuấn làm vì tiền, tự nhiên nàng thấy khinh khi Tuấn. Trang tự nhiên cảm thấy cuộc phiên lưu của mình nên kết thúc là vừa. Đã hai năm rồi, nàng nghĩ nàng cũng đã đủ lông đủ cánh để tự lập.
Không rủ được Tuấn, Trang rủ Kiên về Việt Nam thăm quê hương, Kiên nhận lời ngay và còn đòi trả hết mọi chi phí cho Trang. Chàng giữ chức vụ quan trọng trong công ty, có tiền, nếu lâu lâu có đi nghỉ mát vài tuần cũng không phải là chuyện lớn. Chi phí cho hai cái vé máy bay để vợ đi cùng cũng không phải là chuyện lạ đời và cũng chẳng đáng là bao! Đột nhiên, Trang cảm thấy thương Kiên, lỡ không kiếm được người nào khá hơn, cho dù nàng có ở đời, ở kiếp với chàng kể ra cũng không tệ lắm! Nàng cũng không cần phải sống với miệng lưỡi của người đời làm gì. Mà có khi nếu nàng bỏ chàng bây giờ miệng lưỡi của người đời còn độc địa hơn, có thể là: "Ôi đồ cái thứ mèo mả gà đồng, bỏ chồng theo trai." Hay "Đồ cái thứ vô ơn bạc nghĩa, người ta làm phước đem mình qua đây rồi lại bỏ người ta", vân vân và vân vân. Nghĩ được điều này, Trang cảm thấy mình trưởng thành hẳn lên và tâm tư thật nhẹ nhàng, Trang mới hai mươi tuổi!
Về thăm lại cha và em, Trang cảm thấy hạnh phúc. Căn nhà của cha Trang đã khá hơn, không còn dơ dáy, xập xệ như trước, cũng là do Kiên cho tiền giúp đỡ. Hai em Trang cũng đã lớn, tự nấu nướng, lo lắng trong ngoài phụ giúp cha. Cha Trang cũng đã đổi qua nghề sửa xe, tuy không giàu có lắm nhưng cũng đủ lo cho hai đứa con nhỏ ăn học. Hai đứa em Trang rất vui khi anh Kiên về thăm, chúng đi theo Kiên như hình với bóng. Trang chợt cảm thấy thật hạnh phúc. Có lẽ nàng nên bỏ ý định rời xa Kiên, cứ sống với hạnh phúc này của mình cho đến cuối đời cũng đâu có sao?
Những con đường Sài Gòn tấp nập xe cộ làm Trang cảm thấy choáng ngợp vì nàng chỉ quen với những vùng nghèo nàn, hẻo lánh. Ở đây, chẳng ai biết Trang, Trang cũng chẳng biết ai, nên Kiên dẫn Trang đi thăm hết chỗ này đến chỗ khác, đi gặp hết người này đến người kia, những họ hàng mà lâu lắm rồi Kiên không có dịp gặp, hoặc không có cơ hội gặp. Trang vẫn ước phải chi Kiên đẹp trai hơn một tí thì nàng là người hoàn toàn hạnh phúc, giống như cô bé lọ lem trong câu chuyện thần thoại vậy, một bước, bước lên tiên. Kiên biết ý, chàng cố gắng trau chuốt hơn để Trang đỡ thấy cách xa chàng nhiều về sắc diện khi đi bên chàng. Trang cố gắng coi Kiên là chàng hoàng tử ẩn mình trong vỏ một con cóc xấu xí, và vì kiếp trước nàng có nợ với chàng nên đành phải lấy chàng kiếp này dưới hình thù xấu xí. Đang lan man suy nghĩ như vậy thì xe tắc-xi ngừng lại vì đằng trước có tai nạn. Thấy mọi người bu quanh một người đang nằm dưới đất mà chẳng có động tịnh gì như gọi xe cứu thương hay vực nạn nhân dậy, Kiên hối hả mở cửa xe bước ra, Trang la lên: - Anh Kiên đi đâu đó? - Để anh ra coi xem có giúp được gì không, sao mọi người không làm gì hết vậy? Sao không người nào gọi xe cứu thương? Sao người nào cũng bu lại như vậy không sợ nạn nhân ngộp thở sao?
Kiên bước ra, Trang vội vã ra theo, chàng vừa đi vừa gạt đám đông vừa nói: - Xin mọi người tránh ra để cho nạn nhân thở chút. Có ai gọi xe cứu thương chưa? Có sẵn xe tắc-xi đây, có cần chúng tôi chở đến bệnh viện không?
Lời nói của Kiên thật là có sức mạnh phi thường, làm tất cả mọi người dạt ra, nhường chỗ cho chàng bước vào, Trang theo ngay sau nhìn thấy một người đàn bà đang nằm rũ rượi trên đất, không biết còn sống hay đã chết, máu me tùm lum, Trang chóng mặt muốn xỉu luôn, người đàn bà này quen lắm, y hệt như hình ảnh cách đây mười hai năm khi cha nàng đánh mẹ nàng một trận thừa chết, thiếu sống khi ông phát giác ra việc ngoại tình của bà, người bà cũng máu me y như vậy. Quá khứ như hiện về, và dưới cái nắng gay gắt của trời Sài Gòn, Trang thấy đất trời chung quanh mình chao đảo!
Tỉnh dậy, Trang thấy mình đang nằm trên giường của bệnh viện, Kiên đang lo lắng nhìn nàng. Nhìn thấy Kiên, Trang chỉ thốt được một tiếng "Mẹ", rồi lại chìm vào trong giấc mộng lạ thường. Nàng thấy nàng bỏ Kiên, đi với Tuấn, rồi nàng trở về bị Kiên đánh một trận phủ đầu, nước máu, nước mũi ộc ra tùm lum, khắp người nàng đầy máu vì những vết đánh đập, Trang vùng dậy hét lớn: - Mẹ, mẹ ơi cứu con với. Mồ hôi Trang vã ra như tắm, Kiên lay gọi nàng: - Trang ơi, Trang ơi. Anh đây mà, tỉnh đi em. Bác sĩ chích cho Trang một mũi thuốc an thần, nàng chìm vào giấc ngủ. Kiên đi gọi điện thoại cho cha và em nàng, đồng thời chàng cũng ghé thăm người đàn bà nạn nhân mà chàng đã cứu. Bà ta vẫn nằm mê man, không có người thân nào bên cạnh, chính chàng đã đồng ý trả tiền giường bệnh cho Trang và cả cho bà, bệnh viện mới chịu cho hai người vào chữa trị. Kiên cũng bất bình, nhưng cứu người là chính, chàng không có thì giờ để phàn nàn về hệ thống bệnh viện ở Việt Nam nữa. Kiên lo lắng cho Trang nhiều hơn, hình như nàng say nắng, hay vì nguyên do nào mà tự nhiên nàng hoảng hốt đến vậy? Kiên thấy ân hận, vì nếu chàng không bước ra để cứu người đàn bà nạn nhân kia thì chắc chắn Trang đã chẳng có việc gì. Chàng ân cần lấy khăn ướt lau lên vầng trán toát đầy mồ hôi của nàng, bác sĩ bảo không sao, nàng chỉ hoảng hốt một tí thôi, không có mệnh hệ gì, sau vài tiếng nghỉ ngơi sẽ khỏe. Kiên cảm thấy yên tâm.
Thấy Trang mở mắt, Kiên mừng rỡ: - Em khỏe chưa? Trời ơi, làm anh hết hồn. Anh sợ đến điếng người luôn, chỉ vì hành động của anh mà lại làm cho em bị họa lây, anh thiệt ân hận lắm. Cười một cái cho anh coi coi, chứng tỏ là em đã tỉnh rồi.
Trang cười gượng gạo: - Xin lỗi anh. Nhưng em muốn hỏi cái bà hồi nãy đâu rồi anh? Bà ấy giống mẹ em quá. - Hả?
Kiên ngạc nhiên. Trang đều đều kể lại câu chuyện của nàng, đã hơn hai năm lấy nhau, đây là lần đầu tiên Trang kể Kiên nghe chuyện gia đình mình.
- Năm đó, em mới tám tuổi. Cha chạy xích-lô, mẹ ở nhà buôn bán bậy bạ qua ngày và lo cho tụi em. Có một ngày, cha em ở ngoài về và lôi theo mẹ em xềnh xệch ở dưới đất, quần áo rách tơi tả. Sau đó, ông lấy củi thẳng tay đập lên người mẹ em, máu phun tùm lum. Không ai dám can vào, vì ai nhảy vào can, ông đánh luôn, bà nội nhìn cha dữ quá, cũng không dám can, sợ cha sẽ giết luôn mẹ. Mẹ nằm bất tỉnh y như cái bà hồi nãy, tụi em khóc quá trời, nhưng cha chẳng thèm nghe. Ngày hôm sau, mẹ bỏ nhà ra đi, em chẳng bao giờ gặp mẹ nữa cho nên hôm đám cưới của mình chỉ có dì thế mẹ. Sau này, nghe nói cha có đi tìm, nhưng không biết mẹ đã đi đâu.
Cha và hai đứa em của Trang cũng vừa tới. Cha nàng ngồi thừ ra, không nói câu gì nhưng cũng có vẻ ân hận lắm. Ông theo Kiên qua phòng người đàn bà nạn nhân. Tuy bà có thay đổi nhưng nét mặt mới nhìn vẫn có thể nhận ra ngay. Ông quay đi, không biết nói thế nào. Cũng đã hơn mười năm rồi, giận dữ cũng đã nguội, con cái cũng đã lớn, ghen tuông chỉ tổ cho chúng nó cười. Hân thù cũng đã nguôi ngoai và ông cũng không biết có nên hận thù không. Vợ ông lúc bỏ đi có để lại một số tiền, tiền bà theo trai để đem về cho ông có tiền mua xe máy thay thế cho chiếc xích-lô cũ kỹ của ông. Trước khi ông nhìn thấy số tiền và đọc lá thư, ông thề sẽ đánh vợ ông cho đến chết mới thôi. Vợ ông không chết nhưng bỏ đi, trốn khỏi thành phố nơi ông ở. Khuất mặt, ông coi như bà đã chết để chịu cảnh gà trống nuôi con bao nhiêu năm nay. Cũng có lúc ông ân hận đã đánh vợ quá đáng, nhưng nghĩ đến chuyện bà nằm bên người khác, người ông lại run lên. Kiên nhìn ông, ông nhè nhẹ gật đầu: - Chính là bà ấy. Con có biết tên bà ta không? - Thưa cha, tên bà ấy là Trần Trương Thảo Diệu, lúc người ta khám nghiêm và xét trong túi bà kiếm thấy chứng minh nhân dân. - Đúng là tên má con Trang - Rồi ông chép miệng - Đi đâu mà đem theo chứng minh nhân dân vậy không biết. Có biết bà ta ở đâu không? - Dạ không, bà bị thương nặng quá, chưa nói được câu nào cả, may mà con bỏ tiền ra trước để người ta chữa trị cho bà cùng lúc với vợ con. Nếu không bà ta khó sống.
Trang gục mặt trên người đàn bà đã xác định là mẹ nàng và khóc. Nàng khóc thương cho mẹ, thương cho mình, bà là tấm gương sáng nhất cho sự phản bội, Trang nghĩ đến chuyện nàng tính phản bội Kiên mà rùng mình sợ hãi. Nếu Kiên cũng dữ như cha nàng, chắc chắn chàng sẽ không buông tha nàng. Tự nhiên Trang thấy thương Kiên hơn bao giờ hết, chắc chắn chàng không phải là người như vậy. Chàng hiền lành, vị tha, thương người như vậy nỡ lòng nào lại có thể đánh nàng. Trang không tin Kiên có thể đánh nàng và có lẽ nàng sẽ ở với chàng luôn, không bỏ chàng nữa, Số trời đã định sẵn cho Kiên kiếm ra mẹ nàng, Trang tự nhiên thấy vui trong lòng, nhưng vui xong lại lo cho mẹ nàng, không biết bà có bị sao không?
Thấy Trang khóc, cha nàng thấy hối hận. Dầu gì mấy đứa con ông vẫn cần một bà mẹ, ông nỡ lòng nào đánh bà mạnh tay đến vậy. Thử hỏi nếu lần đó bà qua không nổi, có phải là con ông mồ côi rồi không? Nhưng dầu sao cũng phải đợi bà ta tỉnh lại xem sự thể thế nào, biết đâu chừng bà đã có một gia đình khác, đâu cần đến gia đình này nữa? Ba tuần sau, với sự săn sóc của vợ chồng Trang và của cha và em nàng, bà Thảo Diệu đã tỉnh dậy và bắt đầu nói chuyện được chút ít.
Giọng mẹ Trang đều đều nhẹ như hơi thở, nói chung chung, không biết là đang kể cho Trang hay cho ông Thanh nghe:
- Sau ngày ông đánh tôi, tôi vừa đau, vừa xấu hổ, cứ tưởng mình phải chết lúc đó rồi. Nghĩ đến việc làm của mình, tôi cảm thấy vừa ngu vừa giận. Tôi đi với thằng chả để đem tiền về cho ông. Thấy ông nghèo túng quá, tôi không chịu được, vậy mà ông nỡ lòng nào lại đánh tôi mạnh tay đến vậy? Nếu không có mẹ ngày hôm đó, có lẽ tôi đã chết, không còn sống đến bây giờ để gặp ông đâu. Tôi hận ông đánh tôi như vậy, tôi hận mình làm chuyện dại dột, tôi hận luôn cái thằng cha đã dụ dỗ tôi, nên tôi bỏ đi cho ông vừa lòng, mà tôi cũng đỡ mặc cảm. Tôi chỉ có tội với mấy đứa con tôi, mấy đứa con của tôi còn nhỏ quá mà tôi nỡ bỏ chúng đi...
Tiếng khóc nức nở của Trang và hai em nàng khiến bà Diệu cũng khóc theo và không kể tiếp được nữa. Ông Thanh ngồi gục đầu xuống, lấy tay quệt nước mắt, nếu phải làm lại từ đầu, ông sẽ không làm như vậy nữa.
- Ông không biết chứ mỗi năm tôi đều về thăm chúng nó một lần, chỉ dám đứng xa xa nhìn, không dám lại gần. Chỉ mấy năm sau này, ông dọn nhà đi chỗ khác, tôi chẳng biết kiếm ông và tụi nó ở đâu, nên vô tận Sài Gòn để tìm. Ai dè, số trời đã dun ruổi cho tôi gặp ông và con ở đây. Tôi đau lắm nhưng cái đau này vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với mười mấy năm về trước. Bây giờ tôi sống ở Cần Thơ, còn ông và tụi nó ở đâu? Bà Thảo ôm Trang vào lòng, rồi quay qua ôm cả hai thằng con trai:
- Má nhớ các con, nhớ lắm! Mấy đứa lớn quá rồi, má không nhận ra nữa. Các con có giận má không? Các con có tha lỗi cho má không?
Nói rồi bà lại khóc, cả Trang và hai em nàng ôm chặt mẹ, không nói được lời nào. Bà Thảo Diệu quay nhìn Kiên, người thanh niên xấu xí bên cạnh con gái mình. Bà đoán đó là bạn trai của con Trang, bà nhủ thầm con này kiếm người chẳng xứng với nó tí nào, sao lại có thể quen với cái người xấu như thế lại già nữa? Thấy mẹ nhìn Kiên, Trang cầm tay Kiên nói với mẹ nàng:
- Giới thiệu với má đây là anh Kiên, chồng con. Tụi con đã lấy nhau được hai năm và ở Canada. Lần này tụi con về thăm cha và em. Chính anh Kiên là người đã cứu má đó. Lúc đó, tụi con đang ngồi trong xe tắc-xi, thấy tai nạn đằng trước, ảnh chạy ra rồi kêu xe chở má đi nhà thương mặc dù lúc đó ảnh không biết má là ai, chỉ thấy người bị nạn thì giúp vậy thôi. Tiền phòng gì của má cũng là ảnh trả hết. Lúc gặp má, con tự nhiên bị xỉu, ảnh phải chở cả má lẫn con đi nhà thương đó. Nhà thương này dành cho người nước ngoài nên họ phục vụ chu đáo lắm!
Bà Thảo Diệu nhìn Kiên cảm động. Nó xấu mà cái tâm nó tốt quá! Nhờ nó mà bà được đoàn tụ với gia đình. Chứ phải như người ta cứ bỏ mặc đi qua luôn thì làm sao bà gặp được cái duyên này? Bà bước tới ôm Kiên vào lòng và nói:
- Con rể, con rể tốt!
Hai tuần sau nữa, bà Thảo Diệu về lại nhà ông Thanh. Hai ông bà ngồi nói chuyện gì với nhau lâu lắm, không cho con ruột hay con rể nghe. Ông bà đồng ý ở lại với nhau, ông đồng ý tha thứ cho bà hết, bà đồng ý ở lại với một điều kiện ông không được bao giờ đánh bà. Dì Xuyến cũng gọi điện thoại về chúc mừng, nhà rộn lên tiếng cười vui vẻ. Lâu lắm rồi, Trang mới có một niềm vui trọn vẹn như vậy, tất cả đều là nhờ anh Kiên xấu xí của nàng. Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, vợ chồng Kiên Trang phải về lại Canada, vì Kiên phải trở lại đi làm. Cuộc đi chơi lần này của hai vợ chồng thật là ý nghĩa, Trang không còn cảm thấy Kiên xấu xí nữa, vì chàng đã làm tất cả cho nàng. Cả nhà tổ chức một bữa tiệc vừa để tiễn chân Kiên, Trang vừa để mừng sự sum họp của ông bà Thanh, Diệu với con cái. Bạn bè của Kiên và Trang cũng tới chúc mừng. Người bạn cũ của Trang, là Yến cũng có tới. Thấy Kiên nói chuyện với Yến vui vẻ, tự nhiên Trang thấy ghen. Lựa lúc chỉ có hai đứa trong bếp, Trang kéo Yến ra một góc nói nhỏ:
- Anh Kiên là chồng tao, mày đừng có lạng quạng nghe chưa?
Bình Nguyên Viết cho xuân Canh Dần 2010.
|