Hôm nọ đến nay, đọc trên báo, người ta đăng truyện "Bỏ Vợ" của ông Hồ Biểu Chánh, thấy ghét mấy tay bỏ vợ, nên viết truyện này. Hôm nay, họ đăng thêm truyện khác của ông, "Bỏ Chồng", hì hì, không biết nên bắt chước ông viết cái gì nữa đây, hoặc ghét mấy ả nào để mà viết đây?
Duy có điều, ông HBC là văn sĩ miền Nam, (nghe đồn là thầy của chị Hai Bánh Ít), nhưng ông viết hỏi ngã rất rõ ràng, ngay cả trong mấy câu đối thoại cũng vậy. Thí dụ,
sẽ xảy ra, là "sẽ" không là "sẻ", nhưng những chữ rất Nam Kỳ thì ông viết y chang, thí dụ, "tức nhiên" chứ không phải "tất nhiên". Chợt nghĩ đến chuyện bắt lỗi chính tả cho một bài văn hay một truyện ngắn, làm thế nào để sửa cái sai mà không sửa cái tính cách của tác giả đó? Và có những chữ tác giả đó dùng, nhiều khi người đọc không hiểu, nếu không ở trong miền đó, chẳng lẽ lại đi đổi hết cho mọi người cùng hiểu, đến đứa con nít cũng phải hiểu?
Láng cháng thế nào, tôi lại nói về chuyện sửa chính tả, thiệt là bậy bạ!
Nhưng nếu không nói, cứ ấm ức trong bụng, bụng đau...!
Làm thế nào để viết một truyện ngắn? Trước hết, phải có chủ đề cái đã, không có chủ đề, bạn mới chỉ viết một đoản văn, ý nghĩ lan man, chưa thể gọi là một truyện ngắn. Khi đã có chủ đề rồi, thì cứ đặt bút xuống viết, hay lên máy gõ, cứ để lời văn mình luôn tuồng, đừng cắt đứt, đừng gò bó, đừng trau chuốt. Đừng khó khăn lo đi đặt cái tựa đề trước, thường thường việc này nên để sau cùng, vì mình còn có thể đổi ý nhiều lần nữa. Tốt nhất là cứ như cụ HBC, Bỏ Vợ, thì cứ nói Bỏ Vợ, Bỏ Chồng thì cứ nói "Bỏ Chồng", không cần cắc cớ như BN "Giàu đổi bạn,
Sáng đổi Vợ", chi cho mệt.
Cái chính không phải là cái tựa đề, mà là cái nội dung bên trong câu chuyện đó. Bạn có khi nào đọc cái tựa đề thật hay, thật hào nhoáng, mà bên trong chán như cơm nếp nát chưa? Nói tóm lại, lo viết cho hết ý của mình cái đã, đừng ngắc ngứ ở cái tựa đề, rồi "tịt ngòi" luôn, thì khốn!
Viết thì viết luôn, dùng những chữ mình thường nghe, thường nói, thường dùng, đừng bao giờ đi giở từ điển, hay bắt chước người nào đó, để xem chữ đó dùng như thế nào? Bạn giở cuốn từ điển ra, ý của bạn có thể chạy mất đấy! Chớ dại! Cứ viết, viết hết luôn một lúc thì tốt. Sau đó, bắt đầu đọc lại, coi có cái gì vô lý, những gì thừa thãi, luộm thuộm, thì xin bạn làm ơn can đảm cắt bỏ đi, bởi vì bạn đang viết truyện
ngắn chớ không phải truyện
dài, không phải tào lao thiên địa, hết chuyện trên trời, đến chuyện dưới đất, chuyện đầu xóm đến cuối đình.
Và lúc này là lúc bạn có thể giở từ điển, so sánh xem người ta đã dùng như thế nào, cách dùng của mình có hợp lý hay không, nghe khác người nhưng mà có hay không? Đây là thời gian bạn trau chuốt cho truyện ngắn của bạn. Dĩ nhiên cũng đừng ngắn quá, nếu chỉ có những thông tin, không có những lời diễn tả "vô tội vạ", thì đó chỉ là bản tin tức khô khan, chứ không phải là một truyện ngắn nữa.
Bạn nên tránh cái màn "đầu voi đuôi chuột", cứ tràng giang đại hải thật dài, rồi cuối cùng kết thúc một cách mà thiên hạ hay nói là "lãng xẹt"! Chẳng biết mình muốn nói cái gì? Dĩ nhiên, cũng có lúc tác giả thích để cho mọi người suy nghĩ, nghĩa là kết thúc sao cũng được, cái sự kết thúc này phải làm cho thật khéo!
Việc cuối cùng trước khi gởi đi cho mạng lưới, hay cho bạn của bạn, hay để in sách, hay để đọc cho đỡ buồn lúc rảnh, thì cũng nên đọc lại từng chữ cái "truyện ngắn" của mình, coi có còn không vừa lòng với chữ nào hay không, hay với chi tiết nào hay không? Hỏi ngã sai, nghi ngờ cách phát âm, dấu đánh máy, thì nên đi hỏi người nào biết, và sửa lại. Và đã không hỏi thì thôi, khi đã hỏi, thì nên lắng nghe ý kiến của họ.
Đọc tới, đọc lui, vừa lòng với chính mình, vì nếu bạn chưa vừa lòng, thì người khác cũng không vừa lòng đâu bạn ạ. Họ còn khó khăn hơn mình nữa. Bây giờ, thì truyện ngắn của bạn mới hoàn thành, bạn có thể gởi đi được rồi đấy.
BN.