Khu phế tích có rải rác nhiều kiến trúc xây bằng gạch, có cái đã đổ nát hoang tàn, có cái vẫn còn trơ trơ với tuế nguyệt. Nhiều nơi các cục gạch đá ngổn ngang chất đống. Ngôi nào có thể chữa được thì thấy đang được chữa bằng các giàn giáo dựng lên bao quanh chúng với các công nhân đang làm việc. Vì mải lo chụp hình nên tôi lỡ đi nhiều điều giảng giải của hướng dẫn viên. Khi bước vào bên trong một ngôi giống giống như tháp Chàm nhưng rộng rãi thoáng đãng hơn vì có nóc trống thì anh ta có chỉ các vách tường của ngôi đó trên vách có rất nhiều lỗ nhỏ cỡ ngón chân cái và cho biết trước kia các lỗ này đều gắn đá quý. Nhưng sau bị moi đi hết. Làm sao mà còn nổi trước các biến động của lịch sử? Cứ mỗi lần một triều đại thay đổi là kho tàng của quý bị cướp bóc giành giật, mộ phần bị đào xới để tìm của. Angkor vốn là đế đô của một triều đại lẫy lừng của dân tộc Khmer và lãnh thổ bao trùm một vùng rộng lớn ở Đông Nam Á.
Bên trong các ngôi đền (hay mộ?) thấy có nhiều tượng thần hay Phật lỏng chỏng đó đây. Nhiều tượng được dân chúng khóac khăn vàng và có nơi có một hai bà ngồi gần đó để bát hương, nhang đèn hoa trái cúng dường. Du khách có tới thắp nhang và lễ Phật thì bà sẽ cột một dây sắc đỏ vào cổ tay, có lẽ để lấy khuớc lấy hên. Tôi thấy các sư Nam tông cũng hay làm điều này cho các Phật tử.
Sau đó nhóm đi trở ra để tới thăm ngôi điện chính của Angkor Wat, nơi có ba tòa tháp là biểu tượng cho Campuchia, được làm quốc huy của xứ Chùa Tháp, trên quốc kỳ của Campuchia có hình ba tòa tháp này. Trên đường trở ra thấy có một nhóm nhạc sĩ đang ngồi chơi các nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Khmer, với bảng ghi 4 thứ tiếng, tiếng Việt là Hội Người Tai Bom Mìn, (có lẽ Tải chăng), tiếng Anh là Victims of Landmines, hai tiếng kia là tiếng Campuchia, và tiếng Tàu. Giá mỗi CD là 10 đô la. Ở Mỹ tôi cũng thấy có nhiều nhạc sĩ ngồi ngòai đường tấu nhạc và bán CD, giá cũng 10 đô la một dĩa. Nhưng ở đây ai có mua thì cũng là trợ giúp cho hội vậy.
Dọc đường cũng thấy có gift shop bán đồ lưu niệm. Tất cả các sinh họat bán buôn trong khu vực chắn chắn là dưới sự quản lý của ban quản trị khu phế tích. Địa điểm du lịch này là niềm hãnh diện của nước Campuchia.
Đường đi tới Angkor Wat dọc theo bờ hào lớn quanh thành. Hào có bề ngang rộng như con sông, mặt nước phẳng phản chiếu rừng cây chung quanh. Phong cảnh êm nhã, thanh tao.
Qua khỏi dãy tường cũ kỹ bao quanh, du khách đi tiếp con đường đất dẫn vào thành. Được xây vào thế kỷ 12, phế tích đã được ngủ quên trong rừng cây rậm rạp suốt mấy trăm năm và chỉ được khám phá lại bởi một du khách Pháp tên Henry Mouhot vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên người ta ghi nhận là một tu sĩ Bồ Đào Nha đã phát giác ra ngôi đền này vào năm 1586 (tài liệu tham khảo trong Wikipedia).
Tới nơi, tôi đứng ngắm bề mặt của ngôi đền. Ngôi đền được xây để thờ thần của đạo Hindu, nhưng sau chuyển sang thờ Phật khi dân tộc Khmer chuyển sang đạo Phật. Tôi không đủ sở học để mô tả kiến trúc cũng như văn hóa Khmer. Chỉ chiêm ngưỡng là chính.
Du khách đông đảo. Tôi mừng cho đất nước Campuchia có được nguồn thu nhập qua kỹ nghệ du lịch. Tôi luôn luôn vui mừng cho bất cứ nơi nào có thắng cảnh, di tích để du khách năm châu tới viếng. Đến thăm bất cứ nơi nào cũng khiến cho tình nhân lọai nảy nở. Vô tri bất mộ. Không biết thì khó mà thương mến được. Và một đất nước mà ta tới thăm rồi thì khó mà ghét hay thù hằn được nữa. Càng thăm viếng bao nhiêu vùng đất nước người, tình nhân lọai trong tôi càng đậm đà gắn bó.
Khu đền chính được bao quanh bởi các bậc thang dốc đứng. Như có nói trên, các bậc thang này khởi thủy xây rất dốc và các nấc rất hẹp. Không ai có thể đi được trên đó. Họ phải bò mới lên hay xuống được. Nghe đâu có một bà đầm Pháp một lần leo lên đó bị tuột tay té xuống bể đầu. Khi đưa tới bệnh viện thì bà không qua khỏi. Sau đó chồng bà có viết một lá thư lên chính quyền sở tại, xin được tặng tiền xây một tay vịn bằng sắt để giúp an toàn cho kẻ đi sau. Trời đất ơi, một giải pháp giản dị như vậy mà sao người ta không nghĩ ra, để gây khó khăn cho người tới thăm và làm uổng mạng một con người. Chính quyền chấp thuận và tay vịn còn đó.
Tuy nhiên ở một nơi rộng hơn thì người ta xây hẳn một cầu thang cặp vào đó. Nếu không thì chắc rất nhiều người thà ở lại bên dưới chớ không muốn lạng quạng giỡn mặt với tử thần. Nhìn cầu thang thì không có gì đáng sợ, vậy mà có cô nọ chừng hai chục tuổi bảo tôi là không dám lên đâu. Tôi do cái nghiệp lanh chanh còn nặng, lại xúi cô ta : So sánh cô và tôi mà xem, cô trẻ trung như vậy mà hổng lẽ thua tôi sao. Chèn ơi, rủi cô ta bị vertigo mà té xuống thì có phải mình mắc cái khẩu nghiệp hay không.
Leo được vào bên trong rồi thì thấy đó là một khu đền có hình vuông. Bốn cạnh ở trên giống như hành lang bao quanh các hồ cạn ở giữa và các ngôi đền. Các hồ cạn này có lẽ trước kia chứa nước vì còn thấy các bậc thang dẫn xuống. Du khách đi giáp các hành lang là trở lại chỗ cũ. Dọc theo các tường thành hành lang là các tượng Phật, tượng thần còn lại. Nhiều tượng bị chặt đứt đầu. Người các đạo khác khi tàn phá các tượng của tôn giáo không phải đạo mình thì thường hay chặt đứt đầu. Hoặc có khi bọn trộm cắp cũng chặt đầu tượng để đem bán cho các tay khảo cổ Tây phương hay các người sưu tầm cổ ngoạn. Khi thăm các viện bảo tàng về Đông phương ở các nước Tây phương, tôi thường thấy các đầu các vị thần Phật chính là do lẽ ấy.