Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 116 Points: 0
|
quote: Gởi bởi ductriqueanh
YOSEMITE: PHIÊU DU CÙNG THIÊN NHIÊN
Đức Trí Quế Anh
Chúng tôi khởi hành khoảng 12 giờ đêm hướng về Yosemite, lâm viên quốc gia nằm ở miền trung tiểu bang California thuộc vùng Sierra Nevada. Đường đi Yosemite khoảng 6 tiếng lái xe từ Little Saigon vào giấc khuya. Từ quốc lộ 5 hướng lên phía bắc, chuyển sang xa lộ 99, sau đó sang xa lộ 41 đi về hướng đông, đi mãi, vượt qua những đồng cỏ rộng thênh thang, vượt qua những triền cát nắng gió, vượt qua những rặng lá phong, đi sâu vào giữa những hàng thông cao vút. Đường vắng, tiếng hát Enya nghe cũng xa vắng lạ. Đêm cô đọng, đậm đặc. Càng lên cao, không khí càng loãng, càng trong khiến tinh thần lâng lâng thanh thản.
Có bốn lối vào Yosemite. Cổng hướng nam nằm trên xa lộ 41 từ Fresno đi lên. Hai cổng hướng tây, một trên xa lộ 140 từ Merced và một trên xa lộ 120 từ Modesto. Cổng hướng đông cũng nằm trên xa lộ 120 từ Lee Vining. Vì độ cao của khu vực hướng đông Yosemite (Tioga Pass), lối vào từ Le Vining sẽ đóng khi bắt đầu có bão tuyết kể từ tháng 11 cho đến tháng 6. Hai lối vào hướng đông mở quanh năm nhưng từ khoảng tháng 11 đến tháng 4 nếu có tuyết, các bánh xe cần được bọc lưới. Lối vào phía nam, do đó, trở nên thông dụng. Vào những mùa cao điểm (peak season) phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể vào được bên trong khuôn viên của Yosemite.
Đoạn đường cuối trước khi vào trung tâm Yosemite lên dốc uốn lượn những khúc quanh gấp, mỗi chiều đủ một luồng xe. Không có trạm xăng, quán ăn, hay tiệm tạp hóa. Lâu lắm mới thấy một căn nhà nhỏ nằm chơ vơ bên đường, ánh đèn leo lét, còn thì rặt một loại cây lá kim ngọn cao tít che mất trời. Không có đèn điện, chỉ một hàng đèn dạ quang sống tạm bợ nương nhờ ánh sáng của đèn xe, vụt lóe rồi lịm vào bóng tối là những ngọn địa đăng duy nhất dẫn lối du khách đến Yosemite vào đêm.
Hàng năm, lượng khách đổ về Yosemite lên đến hàng triệu người từ khắp thế giới. Họ thuộc nhiều thành phần: du khách, lữ khách, dân đi rừng, dân leo núi, dân trượt tuyết, khảo cứu viên, sinh viên, sử gia, nhiếp ảnh gia, thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thiền sinh, tu sinh... Đến Yosemite người ta chừng như thấy mình lạc vào một thế giới khác tách biệt hẳn với thế giới hỗn độn của loài người. Ở đây, con người nhỏ bé còn thiên nhiên thì choáng ngợp bao trùm. Không khí trong mát tinh khiết khiến ngay cả lý trí loài người cũng khó có thể bị vẩn đục.
Khi đã đến Yosemite, người ta thường lưu lại nhiều ngày hoặc trở lại nhiều lần mà vẫn không thấy nhàm chán. Thậm chí, nếu đến Yosemite hàng năm vào nhiều mùa khác nhau trong nhiều năm liền có thể vẫn chưa thăm được hết các thắng cảnh tại đây. Phong cảnh, địa hình, và khí hậu Yosemite không chỉ thay đổi theo mùa mà còn thay đổi từng giờ, theo từng bóng nắng, từng cơn gió. Ngoài các khách sạn sạng trọng, khách có thể ở tại các nhà trọ, cabin, hoặc cắm lều ở đất trại. Với lượng người đổ về Yosemite quanh năm, thông thường phải sắp xếp trước từ vài tháng đến một năm mới có thể giữ được chỗ ưng ý tại khách sạn, nhà trọ, cabin, và đất trại.
Có một cách khác, cách mà chúng tôi chọn, không cần phải giữ chỗ trước mà vẫn được đắm mê trong thú yêu thiên nhiên, tự do đạt tới những đỉnh trời hoang sơ ngất mùi hương nguyên trinh của núi rừng. Theo cách chúng tôi chọn, backpacking, tạm gọi là đi núi đường dài, chỉ cần báo với trạm kiểm lâm nơi sẽ đến và thời gian lưu lại trên núi, phần còn lại là những ngày thử thách nan định, giáp mặt với thiên nhiên, đối chọi với chính mình. Tuy lượng backpackers chỉ là thiểu số so với du khách tại Yosemite, nhưng nếu đã là dân backpacker thì không thể không đến Yosemite, hơn nữa có thể phải đến nhiều lần, chinh phục nhiều con đường mòn khác nhau. Trên những đường mòn quanh co theo dốc núi như những con thổ xà, người Á Đông vẫn còn thưa thớt lắm, lại càng ít hơn những bóng dáng mảnh mai của phụ nữ Đông phương, đặc biệt là Việt Nam. Giữa các sắc dân Á Châu thì có lẽ người Đại Hàn yêu chuộng hiking hơn cả, và có lẽ người Việt Nam ít hứng thú nhất với môn thể theo tưởng như vô bổ này. Nhiều người đã hỏi chúng tôi: "Lên tới đỉnh thì được cái gì?" hay "Đi bộ 1 vòng Mile Square Park là được rồi, sao phải leo núi chi cho khổ?". Nhiều "cô gái thành thị" (city girls) khi được chúng tôi rủ đi "ngủ đêm trong rừng" tỏ ra rất thích thú, nhưng đã bỏ ngay ý định ấy khi biết đựơc các cô phải tự "cõng" hành tranh cho chính mình, đi bộ ít là 3 tiếng đường núi, và thưa, sẽ không có nước nóng để tắm gội, không có gương để trang điểm, không có điện để sấy tóc... Nhà vệ sinh? Phải tự "xây" lấy bằng cách đào một hố sâu chừng vài feet cách xa nguồn nước. Thế nên có lẽ, không thể tìm câu trả lời chính xác tại sao có những người lại đam mê thú đi rừng - khi không cùng một tầng số phiêu lưu, đồng cảm phải chăng là điều khó thực hiện?
Yosemite thu hút rất đông backpackers và cả day hikers. Cái khác nhau giữa backpacker và day hiker - những người đi bộ đường núi nhưng không ngủ lại đêm trong rừng - chính là sự thử thách này. Không những họ phải sống trong rừng nhiều ngày, mà họ còn phải mang tất cả hành trang cần thiết theo bên mình: túi đeo vai loại đi rừng, túi ngủ, lều, ít quần áo, đèn pin, la bàn, bản đồ đường núi, dao găm, dây thừng, lò nấu, ga, mồi lửa, xoong, xẻng, bao rác, bình lọc nước, lương khô v.v.. Nhưng điều quan trọng nhất đối với backpackers không phải là sự khổ nhọc thân xác mà là sự thử thách bản thân vì mục đích của họ là chinh phục những đỉnh núi cao bằng đường mòn với sức lực của chính mình. Bù lại cơn mệt tưởng như bất trị và đường đi nguy hiểm mù mịt tưởng như bất định là kinh nghiệm sống trong khung cảnh gần như hoang dã hoàn toàn và một khoảng không gian mênh mông rộng mở tưởng chừng như đang đứng trên chót cao của tạo vật. Có đôi lúc dừng chân trên triền núi chênh vênh gió gào bên vùng thác đổ, chữ "backpacking" vẽ lăn quăn trong bụi nước hình hài một con ốc sên lưng đeo nặng lẽ sống miệt mài từng vệt di tìm về nguyên khởi của hạnh phúc.
Những backpacker sống trong rừng từ hai ngày một đêm đến cả tháng. Họ có thể chinh phục một chóp núi, một đỉnh thác, hay có thể cả một dãy núi. Cho những địa điểm gần, chỉ cần đi bộ khoảng 3 tới 7 tiếng là đến nơi, nhưng cũng có những địa điểm nằm sâu trong rừng phải cần vài ngày, mỗi ngày đi bộ khoảng 7, 8 tiếng mới đến đích. Đường mòn lên núi tại Yosemite chằng chịt như những đường chỉ tay, có những đoạn trên đỉnh núi hoàn toàn không có đường mòn, nên vẫn có thể bị lạc nếu không chuẩn bị kỹ. Thường phải cần một bản đồ riêng của đường mòn mang theo bên người, và phải tính chính xác đoạn đường cần đi cho mỗi tiếng đồng hồ để tránh khỏi phải dừng lại ở những đoạn rất nguy hiểm khi trời sụp tối, hoặc phải đi trong đêm ở những đoạn đường không có chỗ dừng chân. Ở rừng, tình đồng đội tuy vẫn rất cần thiết nhưng trách nhiệm cá nhân cũng không kém quan trọng; một người yếu sức có thể làm chậm sự di chuyển của toàn nhóm dẫn đến những tình huống nguy hiểm không cần thiết. Những người đi bộ đường núi phải tự biết lo cho bản thân. Những cá thể họp chung thành nhóm thường là những người cân bằng về sức lực. Nếu tự biết mình có thể lực kém hơn đồng đội, đừng ngại khi bị tuột lại phía sau, luôn luôn mang đủ nước, thức ăn, đèn pin, và hệ thống liên lạc nếu có.
Những đường mòn trên núi dẫn con người vào vùng hoang dã tự nhiên (wilderness). Ở đó, không có nhà trọ với chăn ấm và lò sưởi, không có phòng vệ sinh với vòi nước nóng, không có quán ăn với truyền hình và nước giải khát, không có lò gạch để chụm lửa, không có điện, và không có cả nhân viên kiểm lâm gần bên. Trên đỉnh núi bốn bề chỉ có thông, núi đá, thác nước, tiếng chim gọi khan xa xăm, và tiếng sột soạt lẩn quất trong bụi rậm, rất gần. Tất cả mọi thứ cần dùng trừ nước đều phải được vác lên, và vác trở xuống kể cả rác. Nếu không muốn mang rác trở xuống chân núi, có thể đào hố sâu vài feet để chôn. Chỗ chôn rác cần phải xa nguồn nước. Khi cắm lều cũng phải cách mé nước ít nhất 100 feet để tránh các loài thú dữ cũng đi tìm nước uống. Nước suối phải lọc trước khi uống. Nếu đã từng một lần uống nước suối thiên nhiên sẽ không ai có thể quên được chất dịu ngọt mát lịm tan ở đầu lưỡi khiến sinh khí trong con người như trỗi dậy, tràn trề.
Trên đỉnh núi, chiều đến khoan thai và rực rỡ, nhưng khi trời sụp tối, màn đêm của chốn hoang sơn dường như đậm đặc hơn, sao trời chi chít và ngời sáng hơn, nhưng những con mắt rừng rú đang rình rập cũng nhiều hơn. Yosemite nổi tiếng nhiều gấu. Tuy loài gấu đen thuông thường có kích thước nhỏ hơn gấu nâu, gấu đen của Yosemite lại có kích thước khá lớn gần bằng với gấu nâu. Gấu tại Yosemite khá quen với thức ăn của người. Chúng có thể làm hư hại xe và vật dụng, cũng có thể trở nên khá hung hãn. Không nên để thức ăn và các đồ dùng có mùi thơn trong xe hay trong lều lúc trời tối. Vào ban đêm trên đỉnh núi, người là những vị khách chẳng đặng đừng của gấu. Túi đeo vai và tất cả vật dụng mang theo phải để cách xa lều để nếu gấu có đánh hơi thấy mùi lạ sẽ không đến lều. Nên để miệng túi ở để nếu gấu có đến "lục lọi" sẽ không cào hỏng túi hoặc vác nguyên cả túi đi. Cũng không nên thoa các loại kem có mùi thơn lên da, cũng không nên dùng dầu gội đầu, keo xịt tóc có mùi thơm. Dân backpacker được khuyên nên thuê hộp tránh gấu (bear box) để đựng thức ăn. Hộp tránh gấu hình trụ, khá nặng, nếu gấu có tha đi cũng chỉ được một quãng ngắn. Nếu không có bear box, ban đêm phải treo tất cả thức ăn lên một cành cây cao. Việc gấu đến gần nơi có cắm lều xảy ra khá thường xuyên tại Yosemite. Nên chuẩn bị đá, đèn pin, và còi ở trong lều để có thể gây ra tiếng động khiến gấu giật mình bỏ chạy. Không nên ném đá thẳng vào gấu sẽ làm cho chúng nổi giận mà chỉ ném để "cảnh cáo" mà thôi.
Mục tiêu của chúng tôi lần này là chinh phục ngọn thác Yosemite. Trên đường lên đỉnh thác, chúng tôi gặp những người đi núi ở mọi lứa tuổi, nam lẫn nữ, và có cả những người khuyết tật. Tất cả, chung một mục đích chinh phục thiên nhiên và chinh phục chính bản thân mình. Họ, lạc quan và trong sáng, như những dòng thác đổ không đứt đoạn. Nói riêng về Yosemite. Trước khi trở thành lâm viên quốc gia lâu đời đứng hàng thứ ba Hoa Kỳ, Yosemite là nơi sinh sống của các bộ lạc da đỏ; họ có thể đã ở vùng này khoảng từ 7,000 đến 10,000 năm trước. Đa số tên các địa danh tại Yosemite đều có gốc từ tiếng của thổ dân da đỏ. Các bộ lạc da đỏ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn khai phá và thám hiểm vùng đất thiên nhiên có một không hai này. Để bảo tồn những kiệt tác thiên nhiên hiếm có của Yosemite và nền văn hóa lâu đời của các bộ lạc da đỏ, một phần quan trọng trong lịch sử tiểu bang California, vào năm 1890 hai ông Robert Underwood Johnson và John Muir đã dốc toàn nỗ lực vận động để Yosemite được quốc hội Hoa Kỳ công nhận là lâm viên quốc gia. Và hai ông đã thành công.
Nếu con người có mặt tại Yosemite trong vòng vài ngàn năm, lịch sử của địa thế Yosemite đã kéo dài cả triệu năm. Khởi đầu, vùng này chỉ có các đồi dốc thoai thoải và một mạng sông ngòi chằng chịt với nhánh chính là sông Merced hiện nay. Hàng triệu năm trước, khi vùng Sierra Nevada của California (bao gồm cả khu vực hiện nay là Yosemite) được hình thành do sự biến động của bề mặt quả đất, chủ yếu là động đất, các đồi dốc thoai thoải trở thành các vách núi sừng sững và các mỏm đá hoa cương (granite) hình thù đặc biệt. Phía tây sông Merced bị trũng xuống, lâu ngày trở thành thung lũng (Yosemite Valley). Một số vùng khác trở thành thảo nguyên như Tuolumne Meadows. Các nhánh sông nhỏ chằng chịt trước kia nay đổ xuống vách đá thành các thác nước và hồ nổi tiếng của Yosemite. Phía bắc của Yosemite từ sông Tuolumne trở lên là canyon (Grand Canyon of the Toulumne) hoàn toàn hoang dã không có điểm dừng chân nào cho khách du lịch. Sự biến chuyển bề mặt trái đất hàng triệu năm trước cũng tạo nên nhiều độ cao khác biệt cho các vùng trong phạm vi Yosemite, khởi từ độ cao 2,000 feet (El Portal) đến hơn 13,000 feet (Mt. Lyell) so với mặt nước biển. Với diện tích 1,169 square miles (tương đương diệc tích của tiểu bang Rhode Island) mà trong đó 1,101 square miles (94.45% tổng diện tích) là vùng thiên nhiên hoang dã (wilderness), Yosemite có phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng dễ in sâu vào tâm não con người dù chỉ một thoáng ghé thăm.
Rừng lá kim thiên nhiên của Yosemite có hơn 30 giống cây mộc. Bốn loại chính là thông (ponderosa pine), sồi gỗ đen (black oak), tùng gỗ thơm (incense-cedar), và cù tùng khổng lồ (Sequoiadendron giganteum hay Giant Sequoias). Chỉ có ba vùng trong Yosemite có cây sequoia là Mariposa Grove, Tuolumne Grove, và Merced Grove. Giant sequoia là loài cây lớn nhất thế giới. Các cây sequoia tại Yosemite có đường kính lên đến gần 35 feet, tương đương với các cây sequoia tìm thấy tại Sequoia National Park (nơi có nhiều cây sequoia nhất). Nếu được bảo quản kỹ, tuổi thọ của sequoia vào khoảng 1,000 đến 3,000 năm. Rễ của cây sequoia xòe rộng nhưng không ăn sâu, nên người đến thăm sequoia được khuyên không nên giẫm lên rễ của sequoia. Có những cây lớn cần được bảo quản kỹ, người ta đã rào một khoảng lớn xung quanh cây với những bàng cấm vượt rào. Ngoài ra, Yosemite cũng có khoảng 1,400 loại cây thảo (plant), chủ yếu là hoa dại (wildflower). 40% được tìm thấy tại vùng thung lũng Yosemite và thảo nguyên Tuolumne. Với độ cao và khí hậu đa dạng, hoa dại Yosemite được coi là đẹp nhất trong vùng Sierra Nevada, đặc biệt là vào mùa xuân và hạ. Những loài hoa chưa có tên nở òa rực lóa một vùng hoang sơn. Trên vách núi lì sững trân mình với nắng là những chùm hoa tựa những cụm lửa nhỏ bừng lên chắp thêm hy vọng cho bước chân của những kẻ đi chinh phục thiên nhiên.
Yosemite cũng là nơi nương náu của 80 loài động vật có vú, gần 250 loài chim chóc và 35 loài động vật lưỡng cư và cá. Thường gặp nhất tại Yosemite là gấu đen, nai, cáo, mèo rừng, đại bàng lông vàng (golden eagle), và chim giẻ cùi lông xanh (Steller's jay). Ban đêm có thể nghe thấy tiếng gọi của chó sói (nhưng không đặc trưng bằng ở vùng Yellow Stones). Mặt khác, khoảng 10 loại thú hiếm bao gồm Great Grey Owl, Peregrine Falcon, và Bighorn Sheep cũng đang sinh sống tự do tại Yosemite trong các chương trình bảo vệ thú vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Yosemite được xem là nơi có nhiều vòm đá hoa cương lộ thiên nhất trên thế giới, đặc biệt các vòm đá này thuộc loại nguyên khối (monolith) chỉ gồm một tảng lớn đứng riêng biệt từ khi hình thành đến nay. Trong số các vòm đá nguyên khối, Half Dome gần như được xem là biểu tượng của Yosemite. Vòm đá đặc biệt nhất của Yosemite này có hình dạng nửa vòng cung nằm ở phía đông của thung lũng Yosemite. Tính từ lòng thung lũng, Half Dome cao khoảng 4,700 feet (8842 ft từ mặt nước biển). Half Dome là thử thách lớn nhất tại Yosemite cho các backpacker, thứ nhất vì đoạn đường 17 miles lượt đi lẫn về, phải mất hai ngày mới đến chân của mặt sau Half Dome, hoặc phải khởi sự từ lúc mặt trời chưa lên nếu muốn chinh phục Half Dome trong một ngày, kế đến là 300 feet cuối của của cuộc mạo hiểm, muốn lên tới đỉnh Half Dome, các hiker phải leo trên một chiếc thang dã chiến đóng bằng những thanh gỗ khá thưa nhau với hai tay bám bằng dây cáp. Thang này được dựng lên và gỡ xuống mỗi năm bởi đội kiểm lâm. Do vậy, đường lên Half Dome chỉ mở từ tháng 5 đến tháng 10. Với tuổi thọ 87 triệu năm, Half Dome là mỏm đá thuộc dạng kim loại phóng xạ (plutonic rock) trẻ nhất vùng thung lũng Yosemite. Có thể do cấu tạo của đá mà vào lúc mặt trời lặn, ánh hoàng hôn hắt lên Half Dome rực sáng một màu vô cùng đặc biệt, huyễn hoặc.
Mỏm El Capitan nằm về hướng bắc của thung lũng Yosemite là mỏm đá có một không hai khác tại Yosemite, tuy có chiều cao gần 4,000 feet tính từ chân lên đỉnh nhưng với bề mặt rộng lớn, El Capitan là tảng đá hoa cương nguyên khối lớn nhất được biết đến trên thế giới. Hàng năm từ mùa xuân đến mùa thu, rất đông các tay leo núi đá (rock climber) toàn cầu đã đến Yosemite để thử thách khả năng của mình trên vách đá gần như thẳng đứng của El Capitan. Vào mùa đông, những người muốn chinh phục El Capitan sẽ phải đối diện với nguy cơ gặp bão tuyết có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài El Capitan và Half Dome, Yosemite còn một số vòm và đỉnh cao nổi tiếng khác như North Dome, Basket Dome, Sentinel Dome, Lembert Dome, Wawona Dome, Glacier Point, Liberty Cap, Clouds Rest, Unicorn Peak, Cathedral Peak, v.v..
Bên cạnh các vòm đá hoa cương nguyên khối, Yosemite còn nổi tiếng với các thác nước và hồ. Từ mùa xuân kéo dài sang hè, số lượng thác nước lớn nhỏ tại Yosemite có thể lên đến hàng trăm, nhưng từ cuối thu trở đi, tất cả các thác đều cạn khô. Thác nổi tiếng nhất phải nói đến là Yosemite Falls gồm Uper Fall (1,430 ft) và Lower Fall (320 ft) nối liền bởi một tầng giữa (675 ft). Với chiều cao tổng cộng 2,425 ft, Yosemite là thác cao nhất bắc Mỹ và đứng thứ năm toàn thế giới. Yosemite còn một số thác cao trên 1,000 ft khác như thác Sentinel (2,000 ft), Ribon (1,612 ft), Silver Strand (1,170 ft) và Horsetail (1,000 ft). Bridalveil Fall tuy chỉ cao 620 ft nhưng nằm ở vị trí rất dễ thấy từ Yosemite Valleỵ Người da đỏ gọi khu vực có thác này là "Pohono", tạm dịch là "tâm hồn gió lộng"; thác Bridalveil thường được gió thổi phồng và bay sang một bên trông xa như voan đội đầu của cô dâu. Waterwheel Fall mang hình dáng khác biệt nhất tại Yosemite; thác rơi xuống một hõm sâu trong đá và tung ra ngoài tạo thành hình thù của xoáy nước. Trên đoạn đường 16 miles đến thác Waterwheel còn có các thác nhỏ hơn như Tuolumme, Glen Aulin, LeConte, và California. Vernal (317 ft) và Nevada (594 ft) là hai thác khá gần nhau nằm trên Mist Trail thu hút nhiều du khách chỉ kém Yosemite Falls bởi phong cảnh mờ ảo trong làn bụi nước khi leo lên đỉnh thác bằng những bậc đá hoa cương ngay sát bên cạnh dải thác đổ. Đường lên đỉnh thác Vernal tương đối dễ nên rất thông dụng và thường là thử thách đầu tiên cho những "người núi" mới đến Yosemite lần đầu. Ngòai ra, đường lên thác Illiloutte (370 ft) cũng có phong cảnh đẹp như tranh vẽ không thể nào bỏ qua nếu đã đến thăm Yosemite.
Cũng như thác nước, hồ có phong cảnh đẹp tại Yosemite khá nhiều. Mirror Lake gần Yosemite Valley được nhắc đến nhiều nhất. Vào mùa xuân và đầu mùa hè, quang cảnh quanh hồ phản chiếu trên mặt nước lắng đọng như đang tự ngắm mình trong gương. Vào mùa đông, mặt nước đóng băng cũng là một chiếc gương lớn cho những hàng cây phủ tuyết xung quanh. Cũng như đa phần các hồ tại vùng núi, vào cuối mùa hè, Mirror Lake cạn nước chỉ còn trơ lại các đụn cát cho đến khi tuyết xuống. Những hồ có phong cảnh đẹp tại Yosemite như Catheral Lake, Young Lakes, Gaylor Lakes, Tenaya Lake, May Lake, Ten Lakes, Grand Lakes v.v.. đều nằm gần Toulumne Meadows (8575 ft) và Tioga Pass (9,945 ft) ở phía đông của Yosemite, là những vùng cao nhất tại Yosemite có thể lái xe đến được.
Mặc dù nằm ngoài biên giới phía đông của Yosemite, Mono Lake cũng là một nơi hấp dẫn khá đông du khách đến thăm Yosemite. Đây là một trong những hồ lâu đời nhất bắc Mỹ (khoảng hơn 700,000 năm). Hồ có nồng độ muối và chất kiềm rất cao tạo thành những cột và vòng xoắn chất vôi xung quanh bờ gọi là "Tufa Tower" khiến cho khu vực này trông như khung cảnh của một hành tinh xa lạ. Mono Lake rộng 600 square miles là nơi dừng chân của các loài chim di trú như mòng biển trong giai đoạn tránh cái lạnh của miền bắc. Những người đã bơi tại Mono lake cho biết vì nồng độ muốn quá cao, cơ thể của bạn gần như nổi trên mặt hồ một cách tự nhiên.
Chỉ cần đến Yosemite một lần cũng đủ làm cho ta thức tỉnh khỏi cơn ám ảnh vật chất của xã hội loài người. Đứng trước vẻ đẹp sững sờ hiếm có của Yosemite, con người không khỏi nhận ra sự hữu hạn và vai trò bé nhỏ của mình trong bức tranh kiệt tác của tạo hoá. Đến với Yosemite, con người chợt thấy mình thèm khát được sống, được chứng tỏ chính mình với thiên nhiên bằng những bước chân miên man trên vùng đất của sự sinh tồn tự nhiên.
Chị ! Bài viết hay quá ! nguyện ước mong được một ngày... mây vô tâm hay là ta vô tâm ! chim thong dong hay là ta tự tại... ....Vân vô tâm dĩ xuất tụ , điểu quyện phi nhi tri hoàn Cảnh ế ế dĩ tương nhập , phủ cô tùng nhi bàn hoàn . Qui khứ lai hề ! Thỉnh tức giao dĩ tuyệt du ! Mây vô tâm mà bay ra khỏi núi Chim bay mỏi mà biết đường về Cảnh âm u , trời sắp lặn Vỗ cây tùng lẻ loi mà xẩn vẩn… ( không nở dứt ).... Về đi thôi , Xin đoạn tuyệt giao du ! Qui Khứ Lai Từ - Đào Tiềm . Cám ơn chị 
|