ElyNgày cuối tuần thường có sự đình chỉ lưu thông ở một số tuyến xe điện ngầm để sửa chữa kỹ thuật, lần này tuyến Jubilee bị đình chỉ nên tôi phải chọn tuyến khác. Đi xe lửa, xe bus có thể rẻ bằng một phần năm đi taxi cho nên đành phải chịu khó vậy. Dùng tuyến DLR để đến trạm Bank. Từ trạm này lấy tuyến Northern để tới Moorgate, rồi từ Moorgate mới bắt tuyến Circle để tới King 's Cross. Hồi trước thì Northern cũng ghé KC nhưng độ này nó đang nâng cấp ở trạm này cho nên nó đóng không cho xài trạm KC thuộc tuyến Northern, cho nên mới phải nhờ tới tuyến Circle. Không biết chừng nào thì tất cả các trạm của hệ xe đường ngầm của Luân Đôn và Paris mới thiết trí thang cuốn hay thang máy cho bà con đỡ nhọc nhằn lên lên xuống xuống. Nếu mà xách thêm va ly nữa thì đau đớn cái thân già biết mấy. Có phải đó cũng là lý do khiến cho người già ngán ngẫm chuyện đi đó đi đây?
Giá vé đi Ely là 24.50 bảng Anh một chuyến khứ hồi. Sân ga số 6. Chuyến 8:45 và tới nơi sẽ là 9:40. Ly cà phê mua vội từ tiệm Nero Express làm ấm bao tử người lữ thứ (!). Hãng xe lửa là First Capital Connect. Do chỉ ngừng lại ở hai trạm là Cambridge và Waterbeach cho nên mới nhanh như vậy.
Khi tới nơi khách sẽ đi bộ chừng hơn nửa dặm thì tới trung tâm thị tứ của thị trấn. Rẽ đại vào một ngõ có vẻ như dẫn ngay tới khu thánh đường thật rộng với ngôi nhà thờ lớn trong tầm mắt. Đi vào mùa đông nên cây cối trơ cành trụi lá. Đất hai bên đường ẩm ướt như vừa qua các cơn mưa dầm. Mùa đông ở Anh thì lạnh lùng ướt át, cho nên không lạ gì những nhà có của thường đi đến các xứ nắng để trốn lạnh. Có khi họ bỏ đi định cư luôn ở ngọai quốc. Riêng Tây Ban Nha đã có tới nửa triệu người Anh sang đó ở. Bên Pháp thì con số chắc lớn hơn nhiều. Theo dõi chương trình mua nhà ở xứ nắng tôi thấy có vẻ như Pháp hấp dẫn hơn Tây Ban Nha vì cây cối thịnh mậu hơn, màu mỡ hơn. Spain khô khốc, nhất là càng về phía Nam. Úc cũng hấp dẫn dân Anh nhưng nó lại xa quá. Được cái là ngôn ngữ và văn hóa tương đồng. Người Anh có vẻ có thớ khi tới định cư tại các xứ từng là thuộc địa của nó. Mới đây chính phủ Anh lên tiếng xin lỗi chừng nửa triệu người dân đã bị ép buộc phải di tản qua Úc sau thế chiến thứ hai (hình như đa số là trẻ con). Anh với Úc, nơi nào đất lành hơn, đáng sống hơn, thật cũng là một câu hỏi khó trả lời....
Tôi tò mò dừng lại nhìn một bảng đồng cắm ở bên bờ và đọc thấy đại khái cây liễu và lươn (willow and eels) đã tương tác tạo nên diện mạo của xứ Fenland và là nguồn lợi tức của dân Fen. Lươn từng được dùng làm tiền đóng thuế cho tu viện, và tu viện dùng chúng để đổi lấy đá từ các tu sĩ ở Peterborough, và đá này dùng để xây nên ngôi thánh đường vĩ đại này. Trúm để bắt lươn trong sông Ouse được làm từ thân cây liễu.
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân có uốn đem chài lươn Ouse!
Thánh đường được dựng từ năm 673 do St Etheldreda, một công chúa Saxon từ East Anglia. Trải qua bao nhiêu biến thiên, khi bị tàn phá, khi được tái dựng, mở rộng thành tu viện dòng Biển Đức. Nhà thờ trở thành Cathedral vào năm 1109, nơi cư ngụ của giám mục (bishop). Vua Henry đệ bát đóng cửa vào năm 1539 nhưng nay nhà thờ vẫn còn đó. Giáng Sinh vừa qua Nữ Hoàng Elizabeth II đã dự thánh lễ tại đây (vào mùa Noel bà và hoàng gia về nghỉ ở cung điện Sandringham trong vùng).
Tôi đi một vòng thánh đường chánh trước khi vào trong thăm viếng. Ngôi thánh đường lớn quá, theo tôi có thể lớn hơn cả Notre Dame de Paris. Tới nhà thờ nào tôi cũng chiếu máy ảnh chụp các hình nhân mặt mũi bặm trợn trên các cạnh nhà thờ. Các hình nhân ấy tôi vẫn chưa rõ nguyên do? Có thể giống như các ông Ác thường ngự ở các cổng chùa để bảo vệ chốn tôn nghiêm chống lại loài ác đạo chăng? Nhưng sự mô tả các hình nhân này của một tác giả Pháp nổi danh đã dắt dẫn du khách mỗi lần lên nóc nhà thờ Đức Bà Paris vẫn thu hút họ.
Khu vực nhà thờ cũng khá vắng vẻ. Mùa đông mà.
Phí vào viếng thăm có nhiều loại, như theo thời giá hiện nay thì giá cả như sau:
Admission Charges as from 1 January 2010
Admission including guided tour * -£ 6
Admission + Octagon Tower ** - 10
Admission + West Tower ** - 10
Combined Ticket Admission, Ground Floor Tour *
+ Stained Glass Museum - 8.70
Octagon Tower or West Tower Sunday Rate as
no admission is charged - 6
Stained Glass Museum only - 3.5
The Total Experience Admission, Ground Floor Tour *,
Stained Glass Museum, Octagon or West Tower Tour **
+ Tea/Coffee in the Refectory - 12.70
Bối rối quá, tôi đành chọn cái tour đi xem duới đất và thăm bảo tàng kính cửa sổ. Sau này thì tôi lại tiếc là tại sao không đi xem tháp bát giác.
Nguời hướng dẫn là một ông có vẻ mặt nghiêm nghị, khắc khổ. Chắc ông bực mình tôi lắm vì tánh tôi ít chịu đứng nghe, cứ đi loanh quanh chụp hình. Đọc tờ giới thiệu thì cái cảm tưởng của tôi không lầm. Đây là thánh đường có nhiều cơ ngơi tu tập nhất Âu châu trung cổ vẫn còn được sử dụng (Ely has the largest collection in Europe of Medieval monastic buildings that are still in domestic use)
Trong quyển Britain's Most Amazing Places loại sách Reader's Digest, thánh đường Ely có một đặc điểm đuợc nằm trong danh sách 1000 thứ đẹp, lạ hoặc hấp dẫn nhất nuớc Anh. Đó là tháp bát giác Octagon của nhà thờ. Nguyên vào năm 1322 ngôi tháp cũ ở giữa bị sập đổ. Tu sĩ Alan of Walsingham cho xây một cổng trời hình bát giác thay thế. Và đây là một kỳ quan xây dựng thời trung cổ. Đường kính tháp là 22 mét, nặng 400 tấn. Sau đó nguời thợ mộc cả đã mất 14 năm để hoàn thành cái cổng trời (lantern) nặng 200 tấn, bằng gỗ.
Đứng ở duới nguớc cổ nhìn lên tôi tưởng như vậy là đã đuợc rồi, cái cần xem là bảo tàng kính cửa vì đứng ở đâu cũng không thấy đuợc góc cạnh nào của bảo tàng. Tôi nghĩ theo kiểu cơm gạo như vậy, chán mớ đời chưa!
Các chi tiết kiến trúc trong thánh đường thật là tinh xảo, tuyệt mỹ. Ai nấy tấm tắc khen ngợi. Công, của và thời giờ đổ vào đây thật là quá nhiều. Từ lúc mới dựng là ngôi nhà thờ Saxon năm 673, qua lúc thành tu viện Norman mất cả trăm năm xây dựng (1081 - 1189), đền Thánh Mẫu thêm vào năm 1321 - 1349. Chiều dài của thánh đường là 164 mét. Gian giữa giáo đường (nave) cao 26 mét.
Nhà thờ bên trong có các tác phẩm điêu khắc tân thời như The Way of Life của Jonathan Clarke: một cây thánh giá có con đường hình zigzag dẫn tới tượng trưng con đường đến với Chúa từ nơi tăm tối.
Cung thờ ngang (transept) có tượng Chúa và bà Mary Magdalene của David Wynne, mô tả cảnh bà Magdalene nhìn thấy Chúa vào buổi sáng Phục Sinh.
Gian thờ Thánh Mẫu (The Lady Chapel) được ghi chú là lớn nhất ở Anh quốc, tức là trong các nhà thờ thường có một gian thờ Đức Mẹ thì gian ở đây là lớn nhất trong các gian cùng loại của các nhà thờ ở Anh quốc. Trong gian này ta nhìn thấy sự tàn phá dữ dội duới thời vua Henry đệ bát vào năm 1541. Kiếng cửa bị đập vỡ và nay đuợc thay bằng kiếng thường, không có hình ảnh đẹp đẽ gì cả, đồ thờ bị tịch thu, các tượng trên tường trên vách đều bị mất đầu hay dập xoá dung nhan. Nhưng bất ngờ là tôi thấy trên bàn thờ lại có có một bức tượng tân thời, cũng của David Wynne. Bức này ghi rõ trong tờ giới thiệu là tượng là Đức Mẹ Mary (hello chị Huệ) trong một nhân dáng rất độc đáo. Trái với các tượng truyền thống Đức Mẹ thường gầy guộc trầm tư, còn tượng Đức Bà Mary ở đây có nhân dáng mập mạp, hai tay giơ lên trời. Duới bệ có hàng chữ trong phúc âm thánh Luke: "Behold the handmaid of the Lord". Trong một bài trên tôi có thắc mắc là tại sao nhà thờ Anh giáo lại đuợc tôn trí tượng bà Mary, mẹ chúa Jesus. Đây là một bằng chứng nữa là lúc này các nhà thờ Anh giáo đã cởi mở hơn chăng?
Đang đứng ngắm thì chợt thấy có một đoàn phụ nữ trong bộ áo đỏ rực rỡ và đang tập hát.
Hèn gì mà nãy giờ tôi cứ nghe trong nhà thờ vang dội tiếng thánh ca. Và khi vào đây tôi mới thấy ca đoàn đang tập hát. Không bỏ lỡ cơ hội tôi giơ máy lên chụp một pô hình.
Khi đó tôi vừa hỏi ông hướng dẫn là thế nào là sự khác nhau giữ cathedral và basilic. Vừa quay sang chụp ảnh, khi quay lại thì ông ta cằn nhằn tôi: You đâu có nghe câu trả lời đâu, lại thấy you quay đi chỗ khác rồi. Nói xong, ông bươn bả kéo cả nhóm đi ra ngoài, mặt khó đăm đăm làm cho tôi thật sượng sùng hết chỗ nói.
Nói chung, điều làm tôi khá bâng khuâng là bàn thờ nơi cử hành thánh lễ tôi thấy quá đơn sơ, hầu như không có gì. Và dường như toàn bộ nhà thờ thấy có gì đó trống trải, ít trang trí. Với chi phí hơn 1 triệu anh kim để duy trì sinh hoạt của nhà thờ mỗi năm, sự lấy vé vô cửa tham quan là lý do để du khách góp phần vào. Vì với tình trạng tín đồ giảm sút của giáo hội nói chung ở Âu châu theo như báo chí đăng tải, nỗ lực duy trì nhà thờ quả là một khó khăn cho các vị cai quản.
Tôi lên thang lầu để xem bảo tàng kính (stained glass). Đây là một gian phòng khá rộng và chưng các tấm kính cùng ghi chú về lịch sử phát triển của ngành nghệ thuật này . Thật không biết phải dịch sang tiếng Việt ra sao loại kính này. Và môn này cũng là một đặc sắc của nghệ thuật Âu châu.
Sở dĩ tôi nói tiếc thay vì tôi chọn đi lên coi Octagon là vì chưng bày này nguời ta có thể thưởng ngoạn nó dễ dàng ở Victoria and Albert Museum ở London. Thậm chí cuốn phim tài liệu chiếu cách làm kính cũng mượn từ viện bảo tàng này. Trong khi Octagon là độc nhất vô nhị không thể thấy ở đâu khác. Nhưng lỡ rồi. Cơ thể tôi mà ở mải miết trong công việc nào lâu lâu là nó khó tiếp thu nổi nữa, và tôi đang muốn biết phố xá có gì lạ.
Ngoài đường thì tôi thấy cũng như nhiều thị trấn khác, có mới có cũ. Đi lần xuống mé bờ sông thì thấy có quán trà nổi tiếng, treo bảng Britain's Top Tea Room 2007. Thì ra ở Anh còn có trò thi thố quán trà nữa. Quán mang tên Peacock's Tea Room. Bên ngòai nhìn bình thường nhưng vào trong thì thấy cách bài trí thanh nhã, ấm cúng vô cùng. Cái menu dài mấy trang lớn có đủ các lọai trà. Trời ơi, sao mà người ta vẽ duyên thế này. Với tôi, trà sen, trà lài, trà xanh, trà móc câu, trà đá là thấy khó chọn rồi, mà ở đây lại quá trời quá đất thế này. Có người bảo là chính người Ấn độ học uống trà là từ Anh. Ai đi Ấn đều biết là dân ở đó uống trà sữa rất phổ thông. Họ đã học món này trong thời bị Anh thuộc địa. Giống như VN ta học uống cà phê,ăn bánh mỳ, bơ, sữa từ dân Pháp vậy.
Con sông kế bên, chắc là con sông Ouse nói trên chứ gì nữa, lặng lờ với vài cây liễu nghiêng mình soi bóng. Dưới sông có vài chiếc ghe đang đậu. Có cây cầu bắc qua sông, nhưng lại cấm không cho người lạ băng qua, bên kia là khu dành riêng.
Sông Ouse
Ghe trên sông ở Anh thấy bít bùng và dài thích hợp cho các con sông hẹp của Anh. Người ta có thể mướn ghe đi du ngoạn trên sông, có lẽ có người cũng lấy ghe làm nhà ở chăng? Nhìn ghe tôi nhớ thuyền Thiên Nga trong truyện Vô Gia Đình. Bà mẹ người Anh của Remy đã mua chiếc thuyền để làm phương tiện dưỡng bệnh cho con trai út. Và chiếc Thiên Nga đã đi trên các con sông ở miền Nam nước Pháp. Tôi bồi hồi nhớ lại mơ ước của mình ngày xưa... Sách truyện đã "đầu độc" tâm trí tôi, làm cho tôi mơ mộng hết món này đến trò nọ.
Trở lại khu thị tứ, lúc này đã hoàng hôn, nắng dát vàng trên ngôi thánh đường diễm lệ.
Gần đó là ngôi nhà cũ của Oliver Cromwell, người được tôn là Lord Protector of Commonwealth. Ông và gia đình đã cư ngụ tại đây trong 10 năm từ 1636 tới 1646. Tượng ông có thấy tại Nghị Viện Anh ở Westminster, London.
Bức hình trên đây tôi đã chụp theo một tờ báo tình cờ nhặt được. Đi lùi ra xa để cho cụm hoa thêm vào, bức hình xinh hơn là cứ chụp ngôi nhà trơ trọi.