BA TÔI
Ba tôi dáng người cao cao, khoẻ mạnh, gương mặt hiền từ, phúc hậu, đôi mắt to, hơi sâu hai mí, mắt mầu nâu, mũi cao, tiếng nói rổn rảng, mạnh như vị tổng tư lịnh ra uy, vì thế mẹ tôi thuờng phàn nàn "sao mà to tiếng thế" Ba tôi cười bảo rằng: "Người ta làm việc giữa bao nhiêu là người mà không nói lớn thì ai mà nghe cho đặng" rồi quay sang Má "xin lỗi mình". Hồi nhỏ tôi thấy chuyện nầy bình thường, bởi vì nghe câu nầy hơi quen tai, nhưng khi trưởng thành, lớn lên có gia đình rồi, thì mới cảm được tình cảm của Ba tôi dành cho Má thật đậm đà thương yêu và chân tình. Đối với các con, Ba tôi cũng thường "xin lỗi các con" khi thấy các con không vui. Ba tôi có lối thương các con cũng rất là lạ.
Chúng tôi được gửi đi học bán trú ở trường mấy Bà Sơ, trường kỷ luật rất nghiêm. Nhớ có lần chị tôi không làm bài kịp để nộp sợ bị ăn đòn, ngồi khóc thút thít. Ba thấy vậy hỏi chuyện gì? chị tôi đưa ra miếng vải thêu, có vẽ hình bông hoa trên đó đang thêu dỡ dang, Ba tôi cười nói "tưởng gì chớ, chuyện dễ ợt, để Ba thêu giùm cho". Thế rồi chị tôi đặt hết niềm tin, đưa cho Ba, còn chị tôi thì làm bài tập khác. Ba tôi hì hụi xem ra khá thành thạo. Vài giờ sau thấy Ba hớn hở ra mặt, cầm miếng vải đã thêu xong, đưa cho chị tôi có vẻ tự hào, vì đã làm xong việc giúp con gái mình. Chúng tôi chạy lại nhìn xem, tác phẩm mà Ba đã hoàn thành. Ối! Miếng vải màu trắng khi nãy, bây giờ đã đổi thành màu chì đen thui, nhưng mà nét thêu thì cũng không mấy tệ. Ba bảo: "Được rồi mai đem nộp đi, có gì Ba chịu trách nhiệm" Thôi thì chị tôi đã lỡ "Phóng lao, thì phải theo lao" chớ biết làm sao! Kỳ đó chị bị hai trứng vịt ngon lành. Thật bài học nhớ đời.
Ba tôi tánh tình vui vẻ, hoạt bát, luôn luôn niềm nở với tất cả mọi người, gặp người Hoa, Ba nói tiếng Hoa, gặp Tây, ông nói tiếng Pháp. Sự giao tiếp của Ba khá rộng rãi, khi đi vòng quanh xóm, trên đường đi, thấy Ba luôn chào hỏi và bắt tay những người quen biết, thậm chí, trên đường có khi xe chạy ngang qua trạm lính gác ngoài đường phố, Ba cũng đưa tay lên trán, chào theo kiểu nhà bình, điều nầy làm cho Má tôi và các con phê bình không ít. Má thường phàn nàn “sao gặp ai ông cũng chào hết vậy!" Ba cười nói rằng: ”mình chào xã giao, người lịch sự mà”
Ba giúp Má thật nhiều, trong việc nhà, mỗi khi đi làm về, vì Má bị bệnh yếu tim, sức khoẻ không mấy tốt, khi mệt thường hay bị ngất xỉu, nên ở nhà, ai cũng dè dặt, không dám làm điều gì trái ý. Lúc chúng tôi còn nhỏ, Ba vẫn thường tắm cho các con, thầu luôn việc giặt giũ, ủi đồ. Tuy ở nhà cũng có người giúp, nhưng tánh Ba, ít chịu ngồi không một chỗ. Người có nhiều nghề và khéo tay, ngay cả những công việc về may vá, làm điện, làm mộc, đều làm được hết.
Má thường kể rằng: “Khi sanh chị tôi, Má bị bệnh, nên Ba phải giúp Má nhiều việc như: Giặt tã, ủi đồ, có lần giặt đồ làm sao không biết, khi ủi phải cái tã còn dính chút ...vàng vàng, vừa ủi vừa khen thơm quá…”
Hồi nhỏ mấy anh chị em tôi ưa nghịch ngợm, sau nhà có cái hồ nuôi cá khá lớn, (rộng gấp hai lần hồ bơi) chung quanh hồ, có trồng mấy cây dừa, ổi, và cây chùm ruột…v…v.. cũng khá nên thơ.
Mấy anh chị em tôi ưa thích bơi lội những ngày hè nóng, nên sau mấy bữa ăn trưa, vào cuối tuần, thường tìm cớ liệng chén, bát xuống hồ, để được cớ tắm hồ, viện lý do là: Vớt mấy cái chén, bát lên, (tôi không nhớ ai, là người đã bày ra ý kiến nầy!) Nhưng không bao giờ vớt lên được, vì hồ cũng khá sâu. Một hôm Má tôi tình cờ biết được, cả bọn bị một trận đòn nên thân, Ba tôi bèn nghĩ ra cách, làm mấy cái chén bằng trái dừa khô, Ba lột vỏ rất kỹ, cạo sạch lớp xơ bên ngoài, đánh bóng, rồi sơn màu lên thật đẹp, phát cho mỗi đứa một cái, để làm chén ăn cơm. “Ba đặt tên là, chén muỗng dừa” Hễ khi liệng xuống hồ, mấy cái chén bằng vỏ dừa nhẹ, nổi lênh bênh trên mặt nước, thế nên tha hồ mà vớt, đây cũng là trò vui chơi mà Ba bày ra, nên không còn bị Má rầy la và đánh đòn nữa.
Chúng tôi luôn bị Má đánh đòn, chớ Ba thì không hề đánh đứa nào, mỗi lần hễ có đứa làm lỗi, Má lôi hết mấy con ra, kể tội từng đứa một, rồi đánh một lượt, còn Ba luôn làm kỳ đà cản mũi Má, không cho đánh. Có lúc Má giận quá, cầm roi lên, là Ba đưa lưng ra đỡ liền. Ba chính là Bồ Tát hộ mạng cho mấy đưá tôi. Tuy Má bề ngoài nghiêm khắc, nhưng với Má, cũng có cách thương con theo lề lối khác.
Tôi luôn nhớ câu Ba thường bảo: “Dạy con bằng lời, chứ không dạy bằng roi”. Nhờ thế nên các con tôi bây giờ, không có đứa nào bị đòn như chúng tôi hồi còn nhỏ.
Có lần Má tôi bị bệnh tim khá nặng, tê tay, chân và nhức đầu đến nỗi không cựa mình được, nằm mê man trên giường, gần suốt một tuần, làm cả nhà lo sợ, Ba thì quanh quẩn không rời, nhắc các con phải luôn ở bên cạnh, lo cho Má, bọn tôi vừa buồn và lo không kém, đưá thì bóp tay, đưá thì xoa chân, thay phiên chăm sóc Má. Ba pha nước ấm với trái Bồ kết (trái đen, có mùi rất dễ chiụ, làm mọc và mịn tóc) đem tới tận giường gội đầu cho Má. Lúc ấy tôi cũng còn nhỏ, nhưng cũng cảm được cái tình Ba dành cho Má. Cũng may bệnh Má qua khỏi, có lẽ nhờ tình yêu thương, chăm sóc của Ba, nên Má mau bình phục trở laị.
Những ngày rằm tháng tám Trung thu, là ngày tôi thích nhất trong năm, vì được Ba xếp lồng đèn cho chơi, Ba dạy các con làm lồng đèn, tôi ưa đòi cho được cái lồng đèn to nhất. Năm đó tôi còn nhớ mãi không quên, Ba xếp cho riêng tôi một cái lồng đèn trái bí thật to, đẹp lắm, khiến cho các anh chị cành nanh, Ba bảo: “Vì Út nhỏ nhất nên được lồng đèn to nhất” nên mấy anh chị không ai nói gì nữa!. Ba phải mất cả mấy ngày, mới làm xong, nếp xếp của giấy cứng, mà phải dùng tay ấn mạnh, nếp xếp, rồi uốn cong, thành hình bán nguyệt, xong rồi dán lại, nên cũng khá công phu và đau tay lắm. Bây giờ nhớ đến, thấy Ba thương mình quá cỡ.
Nhớ hồi nhỏ tôi kén ăn, Ba ưa đi theo cố ép, bắt ăn cơm, cầm chén cơm đi theo hoài, Ba làm chén cơm thật ngon, cá kho tộ, lấy hết xương cá ra, rồi trộn chung với cơm chan thêm chút nước cá, ăn rất ngon. Lúc nầy tôi cũng độ sáu, bảy tuổi, chứ đâu còn nhỏ nhít gì nữa.!!!
Có một hôm, sau giờ ăn trưa, giờ nầy ai nấy cũng đi nghỉ trưa, tôi lén trốn ra cạnh bờ hồ, có cái lu vú (cái lu thật lớn, miệng lu rộng, có thể chứa được chừng vài đứa nhỏ, thường dùng để chứa nước mưa) cao đến ngực tôi, lúc đó tôi khoảng bảy tuổi, anh tôi nuôi mấy con cá bảy màu, vài con cá chép và mấy con cá vàng, có cái bụng mập bự, bóng to, mà cái đuôi phùng ra thiệt đẹp, nó bơi khá chậm chạp, và có mấy cọng rong xanh xanh thích lắm. Thường anh chỉ cho nhìn thôi, không được động đậy gì nó cả. Thừa lúc ai nấy cũng đi ngủ, tôi men ra đó xem và đưa tay vào để đùa nghịch với mấy con cá, cá sợ, lặn thật sâu dưới đáy lu, tôi đưa tay vói theo để bắt, càng vói theo thì cá càng lặn sâu thêm nữa, vì thấp bé, nên hụt chân, chúi đầu, lọt luôn vào trong lu, chổng chân lên trời, đang lúc dãy dụa, chân đập vào hàng rào kẽm, mà Ba đã cẩn thật rào quanh hồ, sợ bọn tôi, hoặc con nít hàng xóm qua chơi, té xuống dưới hồ, không ai hay. Thường vào giờ nầy Ba đi nghỉ trưa, nhưng hôm nay, Ba không ngủ, mà lại ngồi đọc báo ở phòng cạnh bên, nên khi nghe tiếng động, bởi chân tôi đập vào hàng rào, nghe lạ Ba liền chạy ra xem, thì mèn ơi...thấy tôi đang trồng chuối trong lu, Ba liền lôi tôi ra và xóc nước, chậm một chút nữa là …”giờ nầy không có em rồi” Bởi thế Ba thường nói: “Út nhà mình, Ba sanh nó tới hai lần”. Mà thật vậy! một phen làm cả nhà hết hồn.
Mỗi độ trăng tròn Ba ưa dẫn tôi lên trên sân thượng ngắm trăng ăn bánh ngọt và uống trà với Ba. Hai cha con cùng hát bài thằng Cuội, cây đa và mấy bài nhạc Pháp của thiếu nhi, rồi nghe Ba kể chuyện đời xưa. Đôi lúc Ba cũng tâm sự niềm vui và nỗi buồn. Ba kể chuyện hồi Ba còn nhỏ, nghe cũng khá thú vị. Có một câu chuyện về cuộc đời Ba, mà tôi còn nhớ hoài. “Hồi nhỏ lúc Ba mới lên Ba tuổi, thì mồ côi cha. (Ông Nội làm ông Cả ở trong làng, hiền lành, giúp người, sau khi mất đi, không biết sao, của cải bị chiếm đoạt). Bà Nội vì bận việc làm ăn nên phải gửi con cho Bà Thiếm và ông Chú. Gia đình nầy sống nghề bán thuốc Nam, thuốc Bắc gì đó. Mỗi ngày Ba phải phụ giúp làm việc, bỏ rễ cây làm thuốc vào cối đâm cho nhuyễn thành bột, còn nhỏ mà làm những việc khá nặng nhọc. Nhưng nhờ vậy mà cái gì Ba cũng biết và không sợ cưc nhọc, khốn khổ. Mỗi ngày đi học thật xa, đến mười mấy cây số. Có hôm Chú Thiếm biểu đi thâu tiền nợ. Hôm đó gặp nhằm ngày giông bão, có cơn trốt lớn, (gió xoáy thật mạnh) hút Ba bay lên không và may quá khi té xuống đất, chỉ bị trầy sơ sơ ngoài da, không hề chi, Ba bảo lúc đó sợ ghê lắm. (nghĩ thầm chắc chết, nhưng hình như có một phép lạ nào đó, nên Ba đã thoát nạn). Nhờ được luyện rèn trong kham khổ, nên khi lớn lên Ba có ý chí phấn đấu, tự lập và có cuộc sống tốt.
Chuyện thứ hai Ba thuật lại, trong sở làm, chẳng may xãy ra tai nạn suýt nổ chết người, Ba thấy được nhào vô kéo người ra và báo cho họ chạy ra kịp thời, nên khỏi bị mất mạng. Và ba còn dạy nhiều điều hay lẽ thật, sống phải biết giúp đỡ những người chung quanh, khi họ gặp hoạn nạn, đi đường thấy ai cần giúp thì mình giúp liền v…v…
Ba tôi cũng thích trồng hoa, quả, có năm hoa Quỳnh nở rộ, khoảng mấy chục cái bông, Ba vui mừng, chuẩn bị đèn đuốc, để chụp ảnh và quay phim và dĩ nhiên là cả nhà quây quần cùng nhau thuởng hoa. Nhìn ngắm hoa Quỳnh từ từ hé nở, Những ngày gia đình cùng vui bên nhau, thấy Ba thật hạnh phúc.
Riêng hai tháng hè, cả nhà đi nghỉ hè ở Vũng Tàu, lúc nầy Ba lại trở thành ông thợ chài lưới rành nghề, sáng nào cũng xách lưới xuống biển thật sớm, để giăng lưới bắt cá vớí mấy anh. Còn mấy cô con gái thì đi nhặt mấy con ốc biển thiệt đẹp, đi cạy mấy con hào bám trong đá về chiên với trứng gà, cho buổi ăn sáng và phụ Ba đem cá về, cho Má kho một nồi cá Đối với mía lau. Thế rồi cả nhà có một nồi cá kho, với hương vị thật đậm đà, thơm ngon, vừa béo, vừa bùi, ăn với cơm hoặc kẹp chung với bánh mì, thì ngon tuyệt, tài nấu nướng của Má, khỏi phải chê và đâu được. Bây giờ nghĩ đến mà còn thèm.
Hằng ngày, Ba dẫn bọn tôi đi tắm biển và dạy bơi, Ba bế tôi bơi ra xa, chỉ cho cách bơi đứng, (mình như đứng trong nước, chân không chạm đất, chỉ dùng chân, tay đập nhẹ, người mình được đẩy lên) tôi thích cách bơi nầy, không dùng nhiều sức, thân mình vẫn nôỉ , lại ít mệt. Ba lại chỉ th êm cách mằm và thả nổi trên mặt nước, cách nầy Ba nói: "nếu mình không còn sức bơi nữa, thì cứ thả nổi như vậy, thì sẽ có người đến vớt".
Tánh Ba ưa lo lắng cho con cái, bằng nhiều lối khác nhau, đôi lúc cũng làm cho bọn tôi cảm thấy bị gò bó và hơi khó chịu. Chẵng hạn như: Khi có đứa nào sắp sửa đi đâu, Ba dặn dò đủ thứ, đi coi chừng xe cộ cẩn thận nhe con, “coi chừng xe đụng” Má bảo: “Tụi nó chưa đi mà ông đã trù ẻo rồi” Nào là để ý người ta giựt xe, người nào đến gần mình, coi chừng họ giựt bóp nghe con. Rồi thì dạy vài thế võ để các con tự vệ, kéo thời gian dài lê thê… Nào là đi coi chừng đừng dẫm lên cỏ, rắn cắn chết nghe con.. Hồi đó nghe Ba noí vậy làm mình cảm thâý không vui tí nào, chưa đi đã bị Ba hù…thấy sợ rồi, làm cụt hứng, đôi lúc không muốn đi nữa. sau nầy khi lập gia đình có con rồi, nghĩ và nhắc lại Ba hồi đó, mấy anh, chị, em cùng nhau cười. Giờ hiểu ra tất cả, đều do bởi tình thương yêu, chăm sóc, lo lắng, mà Ba đã dành cho các con cưng của Ba mà thôi.
Đến lúc chúng tôi trưởng thành, Ba vẫn theo sau nhắc nhở, lo lắng mọi thứ. Các cô con gái luôn được cưng chìu. Ba bảo: “Mai mốt các con gả chồng, hể đứa nào ăn hiếp mấy con, nói Ba biết, Ba sẽ ăn thua đủ với tụi nó” Ba vừa nói, vừa xăn tay áo lên, điệu bộ như là sắp sửa chuẫn bị đánh thiệt tình vậy đó.
Thời gian cũng qua mau, chị tôi gả chồng nơi xa, mỗi lần về nhà Ba Mẹ là cả nhà nhộn nhịp, quây quấn vui vẻ, đến khi chị có đứa con đầu tiên, mỗi lần về nhà, Ba giành ẵm bồng cháu, luôn tay, không chịu rời, đến khi chị có đứa thứ hai. Tình hình đất nước đôỉ thay, chồng chị phải đi học tập xa, nên chị về ở tạm nhà, lúc đó chị buồn sanh bệnh cũng khá nặng, cháu nhỏ thì mới sinh, Ba tôi cũng thay phiên trông chừng giữ cháu, ngay cả lúc ngủ ban đêm, canh chừng cho cháu uống sữa, Má thì lo cho chị. Ba cưng chìu các cháu, còn hơn chúng tôi hồi còn nhỏ nữa, nên mấy cháu đeo Ông Ngoại không chiụ rời. Chiều nào cũng lấy xe chở các cháu đi daọ phố. Tôi thì không được may mắn như chị. Đến khi tôi lập gia đình, thì không còn cơ hội được ở gần và gặp Ba Má nữa.
Những này thơ ấu qua nhanh. Hạnh phúc nào bằng, khi mình còn sống trong vòng tay thương yêu Cha Mẹ. Bây giờ mỗi khi hồi tưởng lại, hình ảnh Ba tôi như hiện rõ, đậm nét, in sâu từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười thương yêu, trìu mến của Ba ngày nào. Lúc còn trẻ con, đến lúc trưởng thành chúng tôi luôn nhận tràn đầy hạnh phúc, bởi tình thương yêu, đùm bọc, che chở, dạy bảo nâng niu trong vòng tay Ba Má kính yêu. Tôi nghĩ rằng chúng tôi may mắn có được hai đấng sanh thành như Bồ Tát, là Thiên thần hộ mạng, nuôi duỡng và hướng dẫn chúng tôi nên người. Tiếp nối sau nầy các cháu ra đời. Lúc trở thành Ông Bà ngoại, Ông Bà Nội sự thương yêu vẫn còn tiếp viễn, lại càng sâu đậm và tràn đầy thêm hơn.