Chào các bạn,
Lâu quá SL đi ta bà lo chuyện thiên hạ cho vui với tuổi không còn trẻ nữa.
Hôm nay mống hai Tết Canh Dần, SL về lại nhà mở cửa lại mừng Xuân đón Tết. SL xin chúc tất cả quý bạn trong gia đình PNV súc khoẻ dồi dào, ăn nói rào rào, làm ăn phát tài, sáng tác dài dài cho vui cửa vui nhà PNV nhé.
Xin mời bạn đọc bài tâm tình của SL trướcTết nha, rồi đọc bài sinh hoạt Tết Cộng đồng ở Portland, Oregon cho vui nha.
Đón Tết Mừng Xuân
Chào quý bạn,
Đây là bài thứ mười tám của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo
Thời gian thắm thoát thoi đưa. Chỉ còn 3 tuần nữa là chúng ta sẽ đón mừng Xuân Canh Dần 2010. Thế là tôi đã sống xa quê hương hơn 20 năm rồi. Mỗi lần Xuân về Tết đến là tôi lại nhớ đến những ngày xuân cũ và buồn ngẩn ngơ khi đón Tết ở xứ người.
Xuân xứ người trong mưa rơi gió lạnh
Người người còn bận bịu việc mưu sinh
Kẻ cô đơn bên gác trọ một mình
Nhấp chén rượu đón Xuân về lặng lẽ
Ôi! Nhớ quá Xuân năm nào tuổi trẻ
Theo Mẹ Cha con đi lễ Giao Thừa
Dẫu lạ quen ai cũng hỏi chào thưa:
“Chúc Năm Mới Bình An, Nhiều Phước Lộc
(Nhớ Những Ngày Xuân Cũ *SL)
Tôi nhớ đến hình ảnh người cha già của tôi cẩn thận lau dọn bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên, đèn hương sáng chói. Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu được mâm ngũ quả và bình hoa đẹp mà khi má tôi còn sanh tiền, bà đã chăm chút lo lắng cho ba tôi hài lòng. Thế nào trong mâm ngũ quả của má tôi cũng phải có những trái cây cần thiết như cầu, dừa, đu đủ, xoài và quả sung hoặc trái thơm được trình bày đẹp mắt trong một cái đĩa tròn lớn. Mâm ngũ quả được đặt trên một cái “kỷ”màu nâu được chạm trổ công phu, đặt ở phía bên trái của bàn thờ. Bình hoa cúc vàng loại lớn được đặt phía bên mặt trên bàn thờ theo nguyên tắc “đông bình tây quả”. Má tôi cũng không quên chưng thêm một cặp dưa hấu loại thượng hạng có dán chữ Phúc màu đỏ trên quả dưa. Nhìn vào bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi ngày Tết mọi người biết rằng ba má tôi là người nệ cổ như thế nào rồi, bạn nhỉ?
Năm nay Cộng đồng Việt Nam Oregon tổ chức Hội Chợ Tết Canh Dần vào ngày Thứ bảy 06 tháng 2 tại địa điểm Luxe Autohaus (410 NE 17 Ave, Portland, OR 97231- góc đường NE 17 và NE Sandy Blvd) từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
Chương trình hấp dẫn với nhiều tiết mục hướng về phong tục Việt Nam như ông đồ ngồi viết câu đối, thi vẽ tranh Cọp, thi trình bày mâm ngũ quả, trình diễn quốc phục thiếu nhi , tuyên duơng học sinh xuất sắc, thi hoa hậu áo dài, thi hoa hậu phu nhân, chương trình loto, văn nghệ và dạ vũ v..v…
Nhân nói về mâm ngũ quả, người viết xin được chia sẻ cùng với các bạn một ít tài liệu nho nhỏ như sau:
Mâm ngũ quả ngày Tết
… “Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bồng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Mâm ngũ quả có 5 loại. Tại sao lại 5? Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của phương Ðông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là “ngũ hành”: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ.
Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả“ (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng : Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.
Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng,các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như:chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo...
Mỗi quả mang một ý nghĩa:
Chuối - phật thủ: như bàn tay che chở.
Bưởi - dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
Hồng - quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Ở vùng Thủ Dầu Một, ngày Tết hầu như nhà nào cũng có mâm lễ: Long - Lân - Quy - Phụng. Kết từ hoa quả - tứ linh hoàn toàn mang tính hình tượng như hoa quả kết thành “vật thực”, thể hiện lòng thành của con cháu tưởng nhớ gia tiên, cảm tạ ơn trời, ơn đất.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu. Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các bà thường quan niệm sơ đẳng là “cầu - sung - vừa - đủ - xài”.
(Nguồn:
http://vietbao.vn/Doi-so...nh/Mam-ngu-qua-ngay-Tet)Hội Người Việt Cao Niên Oregon phụ trách màn ông đồ viết câu đối Tết dưới cội hoa đào. Một số các hội viên sẽ mang những cành đào được cắt từ vườn nhà đến bán để tạo không khí Tết. Số tiền bán hoa đào sẽ tặng cho ban tổ chức Hội Tết để bày tỏ cảm tình của HNVCNOR với việc làm công ích phục vụ đồng hương Việt Nam của ban chấp hành CĐVNOR. Tiền bạc có thể chẳng đáng là bao nhưng tình cảm yêu quê hương, phong tục truyền thống hay đẹp của văn hoá Việt được những người cao niên truyền trao lại cho thế hệ trẻ nơi xứ người mới là đáng quý, phải không Bạn?
Nhân nhắc đến ông đồ và hoa đào trong ngày Xuân, chắc chắn chúng ta không thể nào quên được bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên:
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người quạ
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng baỵ
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầụ
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi baỵ
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
Xin mời quý bạn đến gặp các ông đồ của Hội Người Việt Cao Niên Oregon trong Hội Chợ Tết Canh Dần ngày thứ bảy 6 tháng 2 năm 2010 sắp đến nhé.
Màu hồng của hoa đào khiến cho chúng ta nhớ đến má hồng của giai nhân và Thôi Hộ ngày xưa đã nổi danh trong thi đàn Trung Quốc qua giai thoại dưới đây:
Sakura - Nhân Diện Ðào Hoa Tương Ánh Hồng
Chàng Thôi Hộ ngày xưa đã để lại một bài thơ trứ danh trong nền văn học Trung quốc với vài câu thơ so sánh má hồng của giai nhân và sắc thắm của hoa đào. Truyền thuyết nói rằng khi chàng trở lại đề bài thơ nơi chốn cũ thì nàng con gái kia đã vì tương tư chàng mà khổ đau sầu muộn sắp sửa lìa bỏ trần gian, may thay, vì nhớ thương nàng, chàng trở lại lần nữa kịp lúc nàng đang cơn hấp hối, mãnh lực tình yêu đã khiến nàng hồi sinh và đôi bên kết duyên chồng vợ.
Ðề Tích Sở Kiến Xứ
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ.
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ 618-907)
Tạm dịch
Thơ đề chốn năm xưa gặp gỡ
Năm xưa cửa ấy ngày này,
Má đào hoa thắm thơ ngây thẹn thùa.
Biết tìm đâu bóng người xưa,
Hoa đào năm cũ cợt đùa gió đông.
(Hạt Cát dịch)
(Nguồn: trích bài viết Sakura- Nhân diện đào hoa tương ánh hồng của Hạt Cát- Forum Phụ Nữ Việt)
Miền Bắc Việt Nam đón Xuân với hoa đào hồng tươi. Miền Nam Việt Nam đón Xuân với hoa mai rực rỡ. Mỗi hoa có một vẻ đep riêng của nó nhưng thấy hoa đào, hoa mai nở là biết Xuân đã về rồi.
Hoa mai cũng góp mặt trong thiền truyện qua bài thơ Nhất Chi Mai của Mãn Giác Thiền sư.
Ngài Mãn Giác Thiền Sư đắc đạo vào thời vua Lý Nhân Tôn thế kỷ thứ 11 đã thấy được những cảnh vật trong vũ trụ, tất cả đều dio những huyển tượng không có gi vĩnh cửu. Giống như hoa của mùa Xuân, mùa Xuân hết trăm hoa đều héo rụng, mùa Xuân đến trăm hoa lại đua nở. Đời người cũng như vậy, những lúc tuổi trẻ, công việc hằng ngày từng giây từng phút đi qua trước mắt, mình không để ý, cái già nó đến lúc nào trên đầu mình
mà không hay. Tuy nhiên, đừng tưởng Xuân qua rồi tất cả các hoa đều phải rụng hết mà giữa lúc trời Đông giá lạnh, giữa những cây cối trơ trọi đó, vẫn có một cành mai nở rộ. Ngài Mãn Giác đã thấy được sự Vô Thường, và Ngài vượt ra ngoài cuộc sinh hóa của vũ trụ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc tận Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mãn Giác Thiền Sư
Nghĩa là:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến nơi
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai.
( Nguồn: Mùa Xuân và Thiền Sư- Nhất Quán -Tập san Dược Sư số 4)
Năm nay là năm Canh Dần, năm con Cọp. Thấy con cọp thì ai cũng sợ, cũng tìm cách tránh né để khỏi bị cọp ăn thịt. Người viết xin tạm mượn mẫu chuyện “Bị Cọp Rượt dưới đây để làm kết luận cho bài viết hôm nay và để quý bạn cười vui vui một chút nhé. Xin mời quý bạn thưởng thức.
Bị Cọp Rượt
Một người đi đường bị cọp rượt chạy gần trối chết.
Chạy cùng đường, anh ta bèn nhảy đại xuống một cái hố sâu. May sao lại với được một sợi dây leo và đeo lủng lẳng giữa không không.
Nhìn lên miệng hố lại thấy một con hổ đói khác đang há miệng chờ mồi. Dòm ở đầu sợi dây kia: hai con chuột một đen một trắng đang gậm mòn đầu dây. Nhìn trước mặt: một trái dâu rừng chín mọng.
Anh ta bèn một tay nắm sợi dây, một tay vói hái trái dâu ăn ngon lành. Dâu ngọt lịm làm sao!
Lời bàn:
Trước những đe dọa đang bao quanh đe doạ mạng sống của anh ta nào có cái tai hoạ nào do mình tạo ra đâu?
Cọp đang đứng mé hồ chực vồ, làm sao ngăn chặn được?
Hai con chuột một đen một trắng tượng trưng cho thời gian âm dương nhật nguyệt gậm lần chuỗi ngày còn sống của chúng ta cũng không sao ngăn chận được.
Như vậy chỉ chăm chăm lo nghĩ, nơm nớp sợ sệt những gì ngoài ý muốn và quyền hạn của ta, thì đáng thương hại không biết dường nào. Sao không biết thụ hưởng một phần hạnh phúc nho nhỏ mà cuộc đời đã đưa đến cho ta, vì chính những hạnh phúc nho nhỏ đó giúp cho ta yêu đời ngay trong những phút tuyệt vọng nhất của đời người
(Nguồn: Cái Cười Của Thánh Nhân- Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Nguồn: ORTB số 18 ngày 1-29-10)