Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Đã Năm Mới Chưa?
Hỏi mãi lòng mình, đã thật sự đón chào Tết Tây chưa hay vẫn còn chờ đón Tết Ta! Hỏi vậy thôi trả lời khó quá, vừa nghỉ lễ gần hai tuần suốt từ trước Giáng Sinh thứ tư 22 tháng 12-2010 đến thứ hai 3 tháng 1-2011 vẫn còn là ngày lễ, vẫn còn được nghỉ. Hết Giáng Sinh – Tết Tây sẽ phải chờ đến cuối tháng hai mới có lễ nữa, chỉ là lễ ngắn ngắn thôi. Tết Ta năm nay vào ngày thứ năm vẫn đi làm như thường, chẳng nhẽ xin nghỉ bệnh, người mình kiêng sợ dông cả năm, nhất là bây giờ có việc làm là một điều hạnh phúc.
Chuyến bay chiều thứ tư từ San Jose xuống Los Angeles, bị dời ba tiếng vì phi trường Las Vegas bị chìm trong cơn bão, máy bay không lên xuống được, có ngồi chờ tại sân bay mới thấy thời gian chờ đợi dài dằng dặc dù có ti vi để xem, có ghế êm để ngồi, có người yêu bên cạnh, bao nhiêu người cùng bị chờ đợi giống mình. Giọng nói vang vang của nhân viên hàng không thông báo tin tức về chiếc máy bay gặp trở ngại bị kẹt tại Las Vegas mỗi mười phút, khi thì xin lỗi, khi thì nói vài câu đùa cho vui: “Các bạn sốt ruột một chúng tôi sốt ruột mười, phi công và các tiếp viên trên chiếc 1409 gởi lời xin lỗi, các bạn có thể đứng lên đi vòng quanh trong khi họ cùng hành khách từ Las Vegas, đang bị ngồi cứng trong lòng chiếc máy bay nghe mưa rú gió gào, nhất là có nhiều người đã để lại toàn bộ số tiền thưởng cuối năm của họ!” Chiếc cell phone reng liên tục báo giờ cất cánh thay đổi, chiếc cell phone này tôi chỉ dùng khi đi chơi xa nhà, ngày thường cô nàng nằm im trong chiếc hộp ít khi nào được mở máy, bạn bè tôi dặn dò nhau: “Đừng bao giờ gọi số cell phone của nó, gọi số nhà ấy, nó nhà quê lắm nghe cell phone reng chẳng biết bấm nút nào để nghe, để lại lời nhắn cũng chẳng biết đường nào mà mở!” Những lời nhắn nhủ ấy hoàn toàn đúng sự thật, , tôi không dùng phone thường từ ngày biết dùng điện thư email, nhất là vì chiếc điện thoại con con ấy quá bé để đọc số mà bấm, quá nhỏ để mọi người chung quanh có thể thấy tôi đang nói chuyện trên điện thoại, họ lại nghĩ tôi là một Bùi Giáng thích nói một mình thì sao? Lý do tôi không thích nói vào chiếc cell phone tí ti ấy.
Sự đợi chờ cũng có phần thưởng trong ấy, thay vì lo lắng bực bội tôi ngắm nghía phi trường Norman Y. Mineta San Jose International Airport của tôi! Tại sao lại không nhỉ phi trường này tôi đóng tiền để tu bổ, đóng thuế mỗi lần ghé, và yêu nó quá chừng đã bao lần đón đưa bè bạn người thân, lần đầu đến San Jose cũng tại nơi này, cảm giác nhẹ nhàng thoải mái hơn khi chạm chân xuống phi trường Sea-Tac rộng lớn. Trạm B vừa hoàn thành tháng 6 năm 2010 vừa qua. Nhớ lại lúc phi trường đang sửa chữa, mỗi lần đến trạm C phải đi vòng vèo, dùng cửa nhỏ ra phi đạo, leo lên chiếc cầu thang gặp ngày mưa chán làm sao. Nhìn ngắm chung quanh vào mùa lễ cuối năm, những cô cậu sinh viên trở về nhà nghỉ Đông, người chồng trở về nhà sau khi xong buổi họp, tay cầm gói quà xinh xắn, đôi vợ chồng trẻ mang con về thăm ông bà, các cháu chơi đùa bò lăn bò càng dưới thảm thật thoải mái, các cháu dưới một tuổi cũng cười tươi đùa với người chung quanh, vài con chó đẹp thích thú với khung cảnh lúc lắc đôi tai, tôi cứ chờ xem khi nào các cô các cậu cất tiếng khóc, lạ lùng ghê các cháu chẳng khó chịu khóc lóc chi hết. Tôi lại nhớ đến những lần đợi chờ ở ga xe lửa Hòa Hưng, bến xe Xa Cảng miền Đông miền Tây, con nít khóc như ri, người lớn phờ phạc thẫn thờ, cửa phòng bán vé thích thì mở, thảng hoặc bán vài vé cho có, ai muốn có vé để lên xe thì đi vòng cửa sau trả giá gấp đôi. Cách đây vài năm tại Phi trường Tân Sơn Nhất – phi trường Nội Bài những thay đổi đẹp mắt, tân tiến nhưng hành khách ngồi chờ vẫn bị điều gì đó khiến khuôn mặt phong thái không thoải mái, vẫn vội vã chen lấn, vẫn phập phồng thấp thỏm đến cả em bé, con nít cũng bị căng thẳng la khóc dẫy đạp, không chịu ngồi im, lại thêm tiếng cha mẹ quát mắng ồn ào cả một góc phòng. Ai cũng cho là việc bình thường thế thôi! Ngay bây giờ phương tiện di chuyển hàng không tại Việt Nam cũng còn là một niềm mơ ước với bao triệu con người, mong được một lần biết cảm giác “đi máy bay” thế nào trước khi nhắm mắt.
Cuối cùng thì cũng phải đến nơi định đến, phi trường Burbank – Bob Hope, một phi trường hòan toàn không có một cầu nối nào từ máy bay ra phòng đợi, họ chỉ dùng phương tiện cổ điển là chiếc cầu thang di chuyển được, nối vào cửa máy bay cho hành khách lên xuống, lý do có lẽ là vì thung lũng San Fernando quá đẹp, dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm. Cách trang trí mỹ thuật, những hình vẽ trên tường, những tấm tranh của các cháu học tiểu học được gắn dài hai bên hàng rào bước vào khu kiểm soát an ninh, phi trường này còn nhỏ bé hơn phi trường San Jose của tôi nữa, cũ kỹ hơn nữa, nhưng thoang thoáng tiếng nhạc nhẹ nhàng, nhìn người chung quanh ăn mặc trang sức theo kiểu Hollywood, các ông bà cụ đẹp theo cách xưa, mỗi lần ghé là một lần tôi gặp gỡ nhìn ngắm một nhóm người khác nhau, khi thì anh chàng có bộ râu quai nón đỏm đáng đặc biệt, khi thì cô gái chân dài áo ngắn kéo theo chiếc túi có lẽ đựng đầy quần áo để trình diễn một show nào đó trên sân khấu, bao nhiêu kiểu túi xách và các loại trang sức lạ mắt tôi chưa thấy bao giờ.
Nghỉ lễ lần này tôi có hai cháu ngoại để vui cùng các em các cháu, ngày Chúa Giáng Sinh chúng tôi đi dự lễ, khung cảnh nhà thờ nguy nga, các cây thông được trang trí đẹp đẽ, ngoài sân có ba vua có lạc đà, có hang đá trên sân khấu để sau lễ chính các cha đánh nhạc cho ca đoàn hát. Nhà thờ có phòng kính riêng cho các cháu nhỏ theo cha mẹ dự lễ, con chiên không bị những tiếng khóc làm chia lòng chia trí, các cháu dưới một tuổi có bạn cùng chơi quanh phòng, khi chán ngồi yên trên ghế. Nhìn các cô cậu đã lên năm lên sáu ra vẻ ta đây đã lớn, cau mặt nhìn em bé 18 tháng tuột khỏi ghế ngồi, mới biết các cháu bé học lẫn nhau nhanh hơn bị cha mẹ uốn nắn, thằng bé 18 tháng tuổi hiểu gì từ cái cau mặt ấy mà chịu ngồi im suốt buổi lễ, dù lâu lâu vẫn quay qua ngoảnh lại, vẫn quẫy đạp đôi chân.
Lễ Giáng Sinh – đêm Giao Thừa tại đây là những dịp để gia đình quây quần, cùng nhau đi đến những nơi vui chơi – chụp hình – ăn uống – mở quà. Các cháu đã qua tuổi teen nhìn gói quà thờ ơ, có lẽ trong gia đình Việt Nam các gói quà chỉ tượng trưng chăng hay các cháu đã lớn không cần những món quà “bị” dự đoán sai ý thích từ cha mẹ ông bà. Các cháu bé vẫn còn vui với chiếc xe đạp nhựa lái quanh có kèn kêu bíp bíp, những món quà này hầu hết xuất phát từ China.
Suy nghĩ chút chút thì anh chàng khổng lồ China này quả đáng được khen thưởng chút đỉnh, về việc "nhái" "ăn cắp" làm ra những sản phẩm giả kém chất lượng đến độ gần giống như thât. Nhờ có anh chàng khổng lồ China này mà người người nhà nhà có đầy đủ mọi thứ đồ lề, cách đây vài chục năm chỉ thấy xuất hiện trong các ngôi nhà của các "đại gia", ngay cả các dụng cụ đo máu, đo nhịp tim, đo mức đường trong máu ngày trước chỉ có trong phòng mạch bác sĩ, nay thì các cụ ai cũng có một cái để tự khám cho chính mình. Các trang phục, túi xách tay của các thương hiệu dành riêng cho các người sang cả cũng đã được China "nhái" y chang, khiến chiếc ví vài ngàn trong mall biến thành vài chục, ai cũng mua được. Anh chàng thợ cắt tóc nói một câu mà tôi cứ tủm tỉm cười hoài: "Bên Tàu người ta kiếm ra thuốc kéo thẳng tóc mấy chục năm rồi, Mỹ nó "ngu" tới giờ này còn chưa làm được!"
Ngày đầu năm bao nhiêu người mua vé máy bay, lái xe đường dài đến Pasadena xem diễn hành hoa hồng, xem Rose Bowl, nếu không đến được tận nơi, thì đầu năm xem tường thuật trên màn hình, cùng cà phê hương ngát, bánh ngọt kẹp thơm, lò sưởi ga biết bật tiếng kêu tí tách, chiếc lò sưởi giả này cũng "made in China".
Rất nhiều người ao ước một lần bị kẹt xe thoát khỏi xa lộ 134 Ventura, thoát khỏi xa lộ 110 Pasadena vào hè phố đại lộ Colorado, dựng lều nằm lê la đón năm mới ngắm xe hoa mà chưa thực hiện được, vì ngại mưa ngại lạnh, thế mà gia đình tôi hơn hai mươi người gồm cháu chắt bạn bè thân hữu đã bốn lần trải qua đêm giao thừa và xem diễn hành. Lý do rất đơn giản vì nhà của bạn tôi nằm ngay trên đại lộ này, đối diện văn phòng hãng xe Acura. Chúng tôi lên Pasadena vào ngày cuối năm họp mặt ăn uống, gần giao thừa kéo ra trước nhà hòa vào dòng người chào đón năm mới, những chiếc xe hơi được trang trí thật vui nhộn, mắt kính vương niệm bằng giấy. Dịp này là dịp các cháu đang học đại học được gặp nhau kết bạn, trò chơi là hướng dẫn xe vào bãi đậu xe sau tiệm để thu tiền, tùy theo giờ theo đêm theo ngày , bán bông giấy và những chai xịt foam tạo hoa – các cháu chỉ cần vài giờ làm việc cho đỡ chán, trong khi chờ đợi năm mới là có đủ tiền dẫn nhau đi ăn uống trong đêm sau giao thừa, các cháu nhơ nhỡ 15 – 16 cũng có việc để vui là chia cắt các gói bông giấy, muốn có bao nhiêu tiền thì lấy bấy nhiêu bao để bán, giá 1 đồng đến 3 đồng tùy cỡ lớn nhỏ. Bao nhiêu người nhộn nhịp suốt đêm không ngủ, đi bộ đến hai tụ điểm các xe hoa đậu để chuẩn bị xuất phát diễn hành, thành phố vang tiếng hát, người người thân thiện cùng nhau, ngay lúc kim đồng hồ đụng nhau tại số 12 người người ôm hôn nhau thắm thiết, còi xe reo inh ỏi pháo bông bắn lên trời – đặc biệt nhất là vào năm 2000 đoàn xe mô tô của cảnh sát túa ra đường vừa làm việc vừa diễu qua các phố, những chiếc xe được trang điểm rất đẹp. Sau giao thừa các cháu lo xếp ghế ra trước nhà, để sáng mai ngồi xem diễn hành.
Mỗi năm mỗi khác, từng chiếc xe mang một thông điệp riêng, năm 2002 lần đầu tiên xe hoa của người Việt Nam nhập đoàn với thông điệp "Thank you America and the World.", mặc dù không lộng lẫy như các xe nhà giàu khác giá hơn vài trăm ngàn đô la đến gần một triệu, chiếc xe của cộng đồng Việt Nam khiêm nhường với gía 120.000 mà Madalina Lai, người đề xướng, đã mất tám năm vận động xin sự hỗ trợ của đồng hương trước từng cửa chợ tại Orange County và tất cả mọi tiểu bang xa gần có người Việt Nam tị nạn, để ngày chiếc xe hoa bé bỏng hình chiếc thuyền nan, nạm màu vàng hoa cúc, màu đỏ hoa cẩm chướng hoa hồng, cùng ngũ cốc lăn trên 6 dặm đường, được nhìn ngắm bởi 350 triệu đôi mắt của toàn thế giới qua màn ảnh truyền hình, và nghe tiếng xướng ngôn viên giới thiệu về đất nước Việt Nam, về thuyền nhân về những người tị nạn tha phương vẫn trân trọng nâng niu màu cờ vàng ba sọc đỏ. Tiếng cổ võ của vài trăm ngàn người hai bên đường “You are welcome!” khi đoàn xe đi ngang, là người Việt Nam nỗi ngậm ngùi, niềm tự hào dâng tràn thành lệ, đổ dài trên má. Năm nay diễn hành Hoa Hồng – Rose Parade lần thứ 122 được xem là lạnh nhất, số người đổ về xem hội vẫn đông như mọi năm. Kinh nghiệm đi xem diễn hành Hoa Hồng là đi sớm nếu có nhà bạn bè để ở trọ, đi trễ khoảng nửa tiếng sau khi diễn hành bắt đầu, đến đoạn đường gần cuối Colorado bắt đầu Sierra Madre tha hồ có chỗ để ghé vào xem, mang theo ghế xếp chăn đắp, bình trà nóng, bánh ngọt trái cây khô, như một buổi cắm trại ngoài trời, sang ngày mùng 2 các xe hoa đậu ngay trong công viên cho mọi người đến ngắm, nhất là mua các bó lan tuyệt đẹp tháo ra từ các xe hoa. Phải ngắm thật gần mới thấy rõ từng họa tiết được trang điểm hoàn toàn bằng ngũ cốc, rau trái hoa thật – mùi thơm tỏa ngát thành phố trong các ngày này.
Vài tuần nữa thôi, tết Âm Lịch sẽ đến, hội Tết Việt Nam đơn sơ, công ăn việc làm khiến Tết Việt Nam trở thành ngày lễ riêng trong từng gia đình, nhớ đến nhau chỉ biết dùng điện thoại, một điều khiến các hội Tết ngày càng vắng người tham dự có lẽ vì một thành phố có hai – ba – bốn nơi cùng tổ chức một lúc, biết chia người thế nào để tham dự hết cho đủ tình vẹn nghĩa cùng Xuân. Ước mong mười hai tháng trong năm 2011, trải dài trước mặt niềm hy vọng an hòa đến mọi nơi chốn, ngày mở đầu của năm đã bắt đầu bằng bốn con số 1-1-11.
Ấu Tím Ngày 3 tháng 1 năm 2011
|