Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<2324252627>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
Huệ
#481 Posted : Sunday, November 30, 2008 11:03:52 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Thành kính chia buồn cùng Ngô Đồng và gia đình. Roseheart

ngodong
#482 Posted : Saturday, December 13, 2008 11:45:58 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Vọng Đông

Màu nắng thu long lanh trên nhành lá đỏ vàng, buổi chiều đầy màu sắc an nhiên. Bao điều xẩy ra, lo lắng nhiều hơn hớn hở vui mừng, thất nghiệp tăng cao, bảng bán nhà treo khắp nơi, lung lay theo cơn gió. Bao cái chết bất ngờ không định trước, tuần qua ở San Mateo người mẹ trẻ Việt Nam bị bắn chết sau khi chuyền hai con nhỏ qua cửa sổ cho cảnh sát, hôm nay ở San Diego chiếc máy bay trực thăng rơi vào khu dân cư, lấy đi mạng sống của bốn người trong một gia đình Đại Hàn, người chồng nghẹn ngào nhắc đến mẹ vợ, vợ và hai con của ông buổi sáng còn ríu rít điểm tâm. Thời gian này khó tìm được tin tức vui vẻ trên báo chí, truyền thanh, truyền hình.

Con đường đi làm về nhà, chỉ một đoạn ngắn, vầng trăng vắt vẻo tỏa sáng lẻ loi, đối chọi với ngàn ngọn đèn trang trí hai bên đường. Tấm bảng quảng cáo của hệ thống Mervyn’s đầy màu sắc, nhưng khiến góc ngã tư đượm buồn vì họ đã khai phá sản, nhịp độ xe chạy dường như lờ đờ theo.
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” thì ngược lại
“Cảnh buồn người biết vui sao bây giờ!”

Tôi có bao nhiêu niềm vui cất dấu trong lòng, mà cảnh thế thời thế cũng làm tôi khựng lại, vườn tôi lá đã phủ đầy sân cỏ, những cây ớt hôm nào tươi roi rói nay lá cũng đang ủ rũ lạnh co.
Niềm vui của tôi đơn giản, nên tôi có nhiều lắm, mùi thơm ngai ngái của bụi thông làm giậu trước nhà, những viên gạch hình lục giác lát trước sân, tiếng đồng hồ gõ thanh thản êm đềm, những bông hoa không lộng lẫy nhưng màu sắc reo vui bên khung cửa sổ, ngay cả các bụi hồng không còn hoa cũng làm tôi vui khi nghĩ đến giấc ngủ vùi, để rồi ươm nụ mùa xuân.
Tôi không dám gọi bạn tôi, người bạn góa bụa vì tôi không biết phải nói gì, phải làm gì cho bạn. Tôi ngần ngại không dám cho ý kiến, về vấn đề lủng củng trong gia đình của người bạn khác. Qua một thời gian, đối diện với những khúc mắc rất bình thường của đời sống, nhà cửa con cái, gia đình cha mẹ già yếu, cơ thể bệnh hoạn, tôi trầm tĩnh hẳn lại không ôm đồm một lúc nhiều việc nữa. Theo thời gian điều gì trắc trở, cũng có cách để sắp xếp lại, nếu lòng mình thật sự muốn thế.

Trên hết là sự may mắn, tôi luôn tin điều này, nếu không may mắn tôi không được như hôm nay. Nhớ đến những đoạn đường đời đã qua, nhìn đoạn đường mình đi hôm nay, không tự hào, không kiêu hãnh, không tủi hổ, không thèm muốn, không so đo tính toán, không sợ hãi chi nữa. Làm người Việt Nam, được bình an là điều ai cũng mong muốn, có một mái nhà thuận vợ thuận chồng, con cái không hư hỏng là một nguồn hạnh phúc không bút mực nào tả hết được rồi.

Đêm nay, tôi ngồi viết cho riêng tôi và chia sẻ cho bạn ánh long lanh của trăng, nét lung linh của đèn, tiếng xạc xào của lá, hơi lạnh của gió đang lùa vào khe hở, cánh cửa tôi cố tình để hé. Đọc câu hỏi: “bỏ lại quê hương , anh đã tìm thấy gì ở bến bờ tự do?” Tôi thật thanh thản, nếu cách đây vài năm tôi sẽ hăng hái trả lời, nào là tự do, nào là độc lập, nào là hạnh phúc, nào là nhân quyền, những cặp chữ đi đôi với nhau, được ra rả lập đi lập lại một thời gian dài, tôi được nghe, được thấy hầu như mỗi phút, mỗi giây, mỗi góc đường, phố chợ.

Người con gái da vàng, đẹp đẽ đã là hoa hậu một lần nào đó, người chồng là triệu phú, sẽ lấy được bằng cử nhân cuối tháng 12 này, trong buổi dạ tiệc halloween cuối tháng 11, tự do nào khiến cô trao lầm tín hiệu gì đó, với một người ngoại quốc, để hàng xóm nói trên đài truyền hình về một chiếc xe lạ, đi lên đi xuống vài lần trong con phố nhỏ, khu nhà đắt tiền của vợ chồng cô, rồi tiếp theo là cảnh sát bao vây khu nhà, hai cháu bé thoát được ra ngoài, cô và hung thủ cùng chết. Độc lập nào giải thích được câu: “Chưa chồng đi tắt về ngang – có chồng cứ thẳng một đàng mà đi!” cho buổi tối đi chơi khuya một mình, chồng con ở nhà chờ đợi? Hạnh phúc có thật không khi còn tìm kiếm điều gì đó không thật, để trở thành một thảm kịch mà khán giả tò mò, tự tìm lời giải đáp qua các thông tin ít ỏi từ truyền hình truyền thanh.

Một nơi không biết đến chiến tranh, nếu không có vụ khủng bố hai tòa nhà cao đặc biệt tại thành phố New-York, thì người dân chỉ biết nhìn – xem trên phim ảnh nỗi đau đớn của người khác sống trong chiến tranh, chiếc phi cơ rơi ngay thành phố, hình ảnh người phi công (thực tập?) thoát nạn, ngồi trên sân cỏ chân duỗi dài, sự dằn vặt nào anh phải gánh chịu sau này, khi biết tai nạn anh dính líu vào đã lấy đi nguồn hạnh phúc của gia đình người khác! Dù ông Yoon đã nói không trách gì anh. Số mạng là câu trả lời đơn giản trong trường hợp này, cũng là câu trả lời chung cho câu hỏi: “Bỏ lại quê hương , anh đã tìm thấy gì ở bến bờ tự do?”

Hạnh phúc – tự do – độc lập bay bay như đám lá vàng trong cơn gió cuối thu, mùa đông đang đến. Năm tôi mười sáu tuổi, sống ở thành phố Sài Gòn đã mơ mộng, được nằm trên thảm lá vàng khi nhìn tờ lịch đầy màu sắc lá. Năm nay hơn bốn mươi năm sau, sống ở thành phố Milpitas – USA, tôi không dám nằm trên thảm lá vàng, biết phải giải thích thế nào đây?
PC
#483 Posted : Sunday, December 14, 2008 3:27:00 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong
Tôi không dám gọi bạn tôi, người bạn góa bụa vì tôi không biết phải nói gì, phải làm gì cho bạn.

Gọi đi chị ơi, người ta đang buồn vì có cảm giác bị bỏ rơi, đang trách chị đấy! Wink
ngodong
#484 Posted : Sunday, December 14, 2008 11:22:55 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Có bao giờ chị cả thấy mình có "tội" khi mình may mắn hơn người khác không?
N Đ bị dày vò hoài, bấm số điện thoại rồi lại thôi. Nếu ở gần chạy đến ôm vào lòng, không gần xa mình đi không đến, nghe mà không biết làm sao.

N Đ theo dõi bạn, biết điều này điều nọ v.v. mong sẽ có hướng thoát - sẽ nói chuyện trước khi bạn đi chơi.

Binh Nguyen
#485 Posted : Sunday, December 14, 2008 11:39:29 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong

Có bao giờ chị cả thấy mình có "tội" khi mình may mắn hơn người khác không?
N Đ bị dày vò hoài, bấm số điện thoại rồi lại thôi.




Để tránh trường hợp đó xảy ra, chị gọi nhưng đừng nói gì về mình, mà hãy lắng nghe bạn chị nói. HỏI thăm chị ấy những chuyện loanh quanh của chị ấy, đừng đả động đến nỗi đau của chị ấy. Nếu chị ấy nói thì lắng nghe, đừng đem chuyện của mình ra kể. Em cũng bị như chị rồi, cũng tùy người chị ạ. Nhiều khi em nói hay vậy đó, đến lúc làm lại không hay...

BN.
PC
#486 Posted : Tuesday, December 16, 2008 3:14:28 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong

Có bao giờ chị cả thấy mình có "tội" khi mình may mắn hơn người khác không?


PC không thấy có sự may mắn hay xui xẻo cho cuộc đời của ai hết. Tất cả đều là nhân quả, còn sinh lão bệnh tử là chuyện vô thường, ai rồi cũng phải có ngày đối diện với nó.

Nói thế chớ nếu mình bối rối không biết làm gì thì đừng làm gì hết, hình như chị Huệ có lần khuyên như vậy. Chị có thăm hỏi thì cho tui nhắn lời hỏi thăm nha. Shy
ngodong
#487 Posted : Friday, December 19, 2008 10:02:03 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Nỗi Buồn của “Tuổi Đôi Mươi”


Năm hai mươi tuổi của bạn có gì vui? Năm hai mươi tuổi của cô con gái út nhà tôi, có một điều không vui, điều ấy đến từ tôi.
Hai mươi mốt tuổi, là tuổi thành niên, có quyền được vào các hộp đêm (night club), được vào các sòng bài (casino) và có quyền uống rượu. Do đó, để đón mừng sinh nhật thứ hai mươi mốt, anh chàng sinh viên đại học có tiếng tăm của tiểu bang California, UC Davis, mời bạn gái dự tiệc sinh nhật của mình tại Las Vegas cách trường hơn 500 dặm, hơn mười tiếng lái xe.
Ngày tôi hai mươi tuổi, tôi lo sợ chuyện ông Tơ bà Nguyệt theo lời đồn đãi “đàn bà con gái bị xếp hàng ngang, đối diện với hàng ngang bộ đội, tiến thẳng nên vợ nên chồng, tạo dựng gia đình xã hội chủ nghĩa”, cùng lúc với chuyện đàn ông bị bắt đi tù cải tạo, tìm đường vượt biển rồi chuyện phải kiếm cách sống còn, trong tình trạng gia đình “có nợ máu với nhân dân” nên chẳng có gì vui để bị mất. Trước đó, mười bảy mười tám tuổi, khi đi ra khỏi nhà phải trình thưa cho gia đình biết đi đâu. Đi học có thời khóa biểu rõ ràng, sau khi tan học phải về nhà, cà kê bên gánh chè hay xe bò bía khoảng nửa tiếng thì không sao, hơn một tiếng sẽ bị cấm cửa không cho đi chơi cuối tuần, chưa tính chuyện bị cúp tiền quà vặt. Đến chơi nhà bạn, gia đình cũng phải biết nhà bạn nào, tên tuổi địa chỉ, cha mẹ “nó” là ai và điều dứt khoát không thể nào là con trai. Bạn gái rõ ràng, chỉ vì mái tóc cắt ngắn ngổ ngáo, dùng xe đạp đòn giông, cũng bị cấm không cho đi chơi chung với “nó” sợ nổi loạn một ngày nào đó, như cô tác giả “Một chút mặt trời trong ly nước lạnh” . Thời mới lớn của tôi như thế, mà phải đối diện với chuyện con gái hai mươi tuổi, thông báo đi dự sinh nhật của anh chàng “boy friend” hai mươi mốt, tại thành phố Las Vegas thì giống như chuyện trời xập ngang mày.
Nỗi khó khăn của bà mẹ Việt Nam sống xa quê hương, nửa xưa nửa nay, nửa tân nửa cổ như tôi hẳn là nhiều lắm, có con gái là muốn con gìn giữ “tấm ngàn vàng” giống như mình, cho đến ngày xuất giá theo chồng, cho đến ngày thắp nến hương lạy bàn thờ tổ tiên, vu quy sang nhà khác, để lại hương đào ngây thơ trong căn phòng nhỏ, khóc thút thít khi tấm khăn che mặt được mở lên, uống ly rượu hợp cẩn động phòng, để sáng nhị hỉ về nhà thì thầm vào tai mẹ “con bị đau chút thôi.” Cô út của tôi mà đọc được những dòng tôi viết thế này, hẳn cháu sẽ cười vang nhà vì “Mom, you’re so weird, it’s ancient history.”

Tôi nhớ sau khi nghe con nói: “Con đi Las Vegas dự sinh nhật Victor, không đi lễ Giáng Sinh với ba má được.” Tôi ngạc nhiên hết sức, vì nghĩ như mọi năm vào mùa nghỉ đông, cả nhà sẽ lái xe từ San Jose về Orange County dự lễ Giáng Sinh cùng gia đình của tôi, cho “huề” với ngày lễ “Tạ Ơn” cùng gia đình bên chồng. Mắt tôi mở to hết cỡ để nhìn con, cái con bé mới hôm nào như cái kẹo, níu mẹ ở lại trong lớp mẫu giáo với mình không cho mẹ về, mà nay biết đòi đi Las Vegas chơi! Để lấy lại bình tĩnh sau cú xốc bất ngờ, tôi tiến đến cái tủ lạnh kiểu bây giờ, có gắn máy lọc nước, nhìn chòng chọc vào cánh tủ, cùng lúc hứng nước uống, sau khi uống xong hai ly nước, tôi chậm rãi quay lại, nhìn con dịu dàng và trả lời nghiêm nghị: “Con không được đi Las Vegas một mình, nếu muốn đi phải đi cùng với ba má.”
Anh của tôi, ngồi im giả tảng đang xem truyền hình, không biết hai mẹ con đang đối đầu trong cuộc chiến bảo vệ “ngàn vàng” nhưng tôi biết anh còn lo hơn tôi nhiều, vì ông bố nào không biết hết các mánh khóe – các ngông cuồng của những anh con trai mới lớn, nhất là có thêm địa lợi của nơi được mang danh “thiên đường bóng đêm” bao huyễn hoặc.
“Con cọp cái” (tên đặc biệt được đặt cho cô út của tôi, sau khi bao nhiêu người nói như thật: “Con gái tuổi dần khổ lắm!” khiến anh của tôi bực mình, dậy con gái trả lời: “tên con là con cọp cái” khi có ai hỏi “con tên gì?” khi cháu vừa biết nói) đã gầm lên: “Why?” sau khi nghe tôi hạ lệnh cấm.
Tôi nhẹ nhàng trả lời:
- Má không muốn.
- Why?
Nhẹ nhàng hơn nữa
- Má yêu con, lo cho con.
Vẫn gầm gừ
- Why? I want to go, lot of fun, ở nhà làm gì? This’s my winter break.
Anh tôi lên tiếng dứt khóat
- Không được đi, là không được đi, ở nhà.
Đến lúc ấy, “con cọp cái” đi vào phòng riêng đóng cửa lại, hai vợ chồng nhìn nhau, biết sẽ phải đối phó với sự giận dữ của tuổi đôi mươi.
Sau đó tôi cẩn thận dấu chùm khóa xe, dù biết cô út sẽ không đi chơi vì có lệnh cấm, con tôi ngoan hiền lắm, nếu không, cô đã âm thầm đi chơi đâu cần thông báo như thế, nhất là hai mẹ con tôi rất thân, chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Tôi nhớ hôm con về nhà ăn cơm Việt Nam, và mang thức ăn dự trữ cho hai tuần kế tiếp, đang bận rộn làm cơm, con đứng sau lưng, ôm vòng bụng mẹ, nói khẽ vào tai: “Con có bạn trai, “he” tên là Victor!”
Những ngày nghỉ đông của “tuổi đôi mươi” không vui, vì nghĩ đến các bạn đang vui vẻ hưởng tự do vui chơi ở Las Vegas không có sự góp mặt của mình, tôi hỏi chuyện khi con nằm dài trên ghế sofa chán nản:
- Con giận má hả?
- No!
Nghịch tóc con, tôi nói tiếp
- Las Vegas đẹp nhưng có nhiều chuyện không tốt xảy ra lắm, mình đi hoài rồi, chán thấy mồ.
- Má không tin con hả?
- Má tin con chứ!
- Sao không cho con đi chơi? Không tin bạn con? Victor là người tốt.
- Má tin bạn con, nhưng không tin vào nơi trốn con đến chơi. Nơi ấy có nhiều bất trắc.
- Con biết lo cho con mà, con đã sống một mình không có má hai năm rồi.
- Nhưng con sống trong trường học, chung quanh con là những thầy cô giáo, bạn học, những bất trắc có thể xẩy ra cho con rất ít. Las Vegas là nơi khách thập phương đến để hưởng lạc thú, uống rượu say sưa, đánh bài thâu đêm suốt sáng, các hộp đêm loạn cuồng, bất trắc xẩy ra cho con rất cao, bạn bè của con không thể bảo vệ cho con lỡ chẳng may . . .
Con ngắt lời
- You’re worry to much! Mom.
Tôi biết mình không nên lải nhải nhiều, khiến con thêm chán nản bực bội, cứ để “con cọp cái” buồn bực một chút, gầm gừ một chút, phần tôi cứ thản nhiên ngắm nghía “tuổi hai mươi” bằng cái nhìn thông cảm từ trong góc bếp, kho cá cho ăn, nấu cà bung cho thưởng thức, lùng cho ra cần nước om cà, cùng lúc hỏi han muốn mang theo món gì để nấu sẵn cho vào tủ đá, đến ngày lên trường cho vào thùng đá mang theo.

Câu chuyện trôi vào quên lãng, cho đến đêm qua “tuổi hai mươi” của hai năm trước kể lại:
- Má nhớ Victor không?
- Nhớ chứ! Hồi đó nó rủ con đi Las Vegas đúng không?
- Đúng rồi, he dumped me khi con trở lại trường học vài tháng sau đó. He dated another girl, exactly what did you told me before.
Tôi chợt nhớ ra, tôi đã nửa đùa nửa thật bảo con lúc ấy:
- Không nhận lời mời như vậy, cũng là cách để thử anh chàng bạn trai ấy xem sao, nếu hắn tốt thật sẽ quý và tôn trọng con hơn, nếu hắn ích kỷ chỉ nghĩ cho hắn, cần có một cô bạn gái mang theo đi chơi mọi nơi, mọi lúc một cách dễ dàng thì hắn sẽ nghỉ chơi với con.
“Con cọp cái” bé bỏng của tôi đã giữ kín nỗi buồn “tuổi hai mươi” đúng hai năm, đến bây giờ mới tự thú cho tôi biết, cũng trong mùa lễ đông, khi hai mẹ con quyết định “cho ba ngủ một mình” sau ngày con nhận giấy báo tin được chấp thuận vào học mùa xuân năm 2009, từ một ngôi trường khác cách xa nhà đến hơn 2.400 dặm, ngôi trường này là ngôi trường con thích nhất, trong các trường con đã nộp đơn xin học, sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh hóa tại UC Davis.
Không lâu nữa con lại xa nhà, xoa lưng cho con ngủ như ngày xưa con còn bé, câu con nói: “Cám ơn mom đã bảo vệ con” là món quà quý giá nhất trong mùa Giáng Sinh năm nay của tôi, bà mẹ quê mùa lúc nào cũng kể cho con nghe những chuyện “ancient history.”
xv05
#488 Posted : Monday, December 22, 2008 6:21:21 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Áo mặc sao qua khỏi đầu
há chị Ngô Đồng Rose
ngodong
#489 Posted : Monday, January 5, 2009 12:03:26 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
“Đây mùa Đông thứ mấy kỷ niệm mình cách xa
Em từ nơi xứ lạ nhớ Noel năm nào
Xưa nửa đêm đi lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu còn nhớ gì không anh?

Từ ngày xa lìa nhau lòng em vẫn yêu tình em vẫn sâu
Vẫn ôm theo mộng ước trải khắp đường đi hẹn với ngày về
Từ mùa Đông gần đây lòng anh đã thay tình anh đã phai
Tiếng chuông ngân ngày nào giờ đã nghẹn ngào hồn em xót đau.

Đêm mùa Đông băng giá ngoài trời đầy tuyết sa
Em ngồi trong quán trọ nhớ thương anh vô bờ
Thôi còn đâu thánh lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu giờ cũng thành thương đau!”

Bài nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng được sáng tác khoảng sau năm 1975 chăng, mà nhạc sầu nức nở, kẻ ở người đi tan tác mối tình đầu . Nhạc Giáng Sinh của phương tây rộn rã tiếng chuông nhà thờ ngân, tiếng leng keng của lục lạc trên cổ các con hươu kéo xe tuyết, tiếng nhẹ nhàng của khánh âm nhạc cao vút đưa lòng người bay bổng thoát hẳn ưu phiền. Nhạc Giáng Sinh của Việt Nam ngoài các nhạc khúc được hát trong nhà thờ là đỡ buồn một chút, còn phần đông là chia cách nhớ nhung – thuở chinh chiến chia cách kiểu chinh chiến, thuở vượt biên chia cách bởi vượt biên, đến bây giờ còn chia cách nhiều hơn nữa khi ý thức hệ thay đổi, mở bung mở hết chẳng có gì để gìn giữ.

Khoảng năm 1971, thuở ấy đi lễ nửa đêm rất háo hức, vì nhà thờ trang trí ngôi sao rất đẹp, các hang đá làm bằng bao xi măng có đặt các tượng thánh trang nghiêm, trong xóm nhỏ nhà nào có đạo đều treo một ngôi sao trước cửa, có bánh khúc cây, có cháo gà để sau khi dự lễ về, sẽ quây quần bên nhau hát thánh ca. Tuổi đôi tám, gia đình có thể dễ dãi cho ghé nhà bạn dự tiệc réveillon, gia đình giàu có thuở ấy đã có nhẩy đầm tại gia, tuổi trẻ theo thời hippy đã biết nhạc trẻ, biết phản kháng chiến tranh bằng dấu hiệu hòa bình, đã có Nguyễn Tất Nhiên lo sợ đi lính
. . . người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc . . . .
Các cô học trò nghêu ngao Bình Ca của Phạm Duy:
Này em đã đến giờ mẹ đưa em đi chợ,
Từ sáng mãi đến trưa còn lưa .
Rồi khi đưa nhau về gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ - trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ!”
Ngẫm nghĩ những điều trong quá khứ, nghe đi nghe lại bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng để mang máng nghĩ đến cuộc tình tan của người đã đi tị nạn, kẻ còn ở lại ngóng chờ, lâu ngày chày tháng xứ lạnh tuyết cóng, chàng hay nàng cũng đành đổi thay, một mình mãi làm sao sống nổi.
Hôm nay, còn đúng hai mươi bốn tiếng nữa thôi sẽ là đêm Giáng Sinh, tuổi trẻ của thuở so sánh anh hippy trẻ giống Thiên Chúa trên thánh giá đã không còn trẻ, để có thể ngồi xe suốt đêm đến nơi giăng đèn lấp lánh hơn sao, không thể quên hết bao người đang gặp cảnh khó nghèo để phung phí vô lý cho những món quà, người nhận không biết sẽ dùng để làm gì .

Ý nghĩa của đêm Giáng Sinh, là hạnh phúc trong khó nghèo, nhưng càng ngày nhân loại càng quên đi điều ấy, tình cảm gia đình đang mỏng manh hơn. Sự tin tưởng màu nhiệm Giáng Sinh ngày bị phai mờ, tín ngưỡng không lôi kéo được những người vừa bị mất việc làm ra khỏi nỗi lo lắng mất nhà, nhiều tiếng than thở trách hờn Thượng Đế bất công được nghe loáng thoáng. Những kỷ niệm mùa đông trong lòng các ông bà cụ, đã một thời than thở nào là:

- Mối tình đầu trót bọt bèo
vì người ta đã chạy theo bạc tiền.
Âm thầm ôm mối tình điên.
Cầm bằng Chúa định nhân duyên bẽ bàng.
Hay:
- Kỷ niệm đầu ai hứa dài lâu, rồi một chiều áo trắng thay mầu, em qua cầu xác pháo bay theo, lời nguyện mình Chúa có nghe không , sao bây giờ mình hoài xa vắng, bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu . . . .Tiếng thánh ca buồn vang trong đêm vắng, nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn – đêm thánh vô cùng buốt giá hồn tôi.

Dù trời Sài Gòn đêm Giáng Sinh, chen nhau đi lễ nóng đổ mồ hôi có lẽ đã phôi phai, nên lo lắng nhìn thanh niên thiếu nữ sóng đôi, với ánh nhìn thay vì thông cảm, lại thành soi mói nghiêm trang. Tình yêu có khác theo thời đại sống hay không nhỉ? Từ lúc nam nữ không được nhìn nhau, không được nắm tay, không được tự nhiên âu yếm dù đã thành niên, đến nay chỉ cần lên bậc trung học đã được phép tự do quen nhau, tự do đi chơi, tự do âu yếm ngoài công cộng, thì tình yêu mặn ngọt ra sao các cụ ắt hẳn đành chịu, không sao giải thích được.
Có nhiều khi tự do nhiều quá, nên sau khi thành gia thất chẳng còn gì để thèm thuồng nữa, mà sinh nhàm chán hay chăng?

Dùng mối tình tầm thường trai gái, trong ngày vọng tình yêu của Thượng Đế dành cho con người: “Yêu là chết đi là biết hy sinh cho người mình yêu!” quả là không xứng đáng, nhưng từ một điểm bắt đầu đến một chấm kết thúc cần sự bền vững, các thanh niên thiếu nữ bây giờ khó khăn lắm mới tìm được một nửa của mình, bao giằng co so sánh, bao tính toán so đo, ngay cả đã tìm xong đã kết hợp nên vợ nên chồng, vẫn dễ gẫy đổ vì vài vấn đề rất đơn giản, nhưng không sao chịu đựng được. Thà nghèo khó, người vợ bị chi phối hoàn toàn bởi đồng lương ba cọc ba đồng của chồng không sao, bây giờ xã hội mới vợ đi làm lương cao hơn hay ngang ngửa cùng chồng, thì chẳng có lý do gì mà chịu đựng cho mệt.
Thôi thì chỉ còn “cho kỷ niệm mùa đông” đâu phải cứ yêu ai là sẽ được suốt đời bên họ, thà là kỷ niệm mà có lúc còn nhớ lại cũng đủ vui.
linhvang
#490 Posted : Monday, January 5, 2009 2:36:51 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong


Thôi thì chỉ còn “cho kỷ niệm mùa đông” đâu phải cứ yêu ai là sẽ được suốt đời bên họ, thà là kỷ niệm mà có lúc còn nhớ lại cũng đủ vui.


Nói an ủi kiểu em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé của Hồ Dzếnh! LV nghĩ vui gì mà vui. Big Smile
PC
#491 Posted : Tuesday, January 6, 2009 6:05:32 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Có một bà nọ ở Đức đã đề nghị là từ nay xã hội nên đặt ra thời hiệu của một tờ hôn thú là 7 năm. Đó là thời gian mà một đôi lứa sống bên nhau đã khá đủ. Sau đó nếu thấy thích thì họ renew, còn không thì đương nhiên coi như đường ai nấy buớc, không cần ly dị cho nó mắc công rắc rối giấy tờ. Chớ chán ngấy nhau mà cứ phải ở bên nhau thì thật là một cực hình.



ngodong
#492 Posted : Friday, January 9, 2009 12:44:37 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
LV và chị PC nói đúng ghê á - vậy thì phụ nữ mình nên làm sao?
ngodong
#493 Posted : Saturday, January 24, 2009 11:59:53 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Hoa Xuân

Hôm nay thứ sáu, hai mươi tám Tết, nếu chúc Tết thì sớm quá, mà không chúc đợi đến tuần sau e là trễ quá, nỗi khổ của người Việt Nam còn vấn vương Chúa Xuân ngày cũ, trên đất nước không thèm chào đón “Chúa Xuân” của Việt-Nam mình.
Người ta, dĩ nhiên người chủ nhà, có thể là Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Thụy Điển, Hòa Lan v.v đón năm mới qua con số 1 – 1 , tháng một ngày một và rồi ngay sau đó là đi làm – đi làm và đi làm, không như Việt Nam mình, đón Xuân từ một tháng trước Xuân, đón Xuân rộn ràng ngay khi Xuân đến và đón Xuân tà tà sang qua tháng sau.
Nhung nhớ những dễ dàng, những thoải mái, những sung túc, cùng lúc nhớ những khó nghèo, nhớ những u hoài của mùa Xuân xưa cũ, là chứng bệnh khó trị của thế hệ đầu bỏ quê hương xứ sở đi lưu vong. Mang nặng trong lòng bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu hoài bảo, nhỏ nhoi có, to lớn có, thật dụng có, viển vông cũng không thiếu, làm hành trang chất chứa trên lưng.
Tết ngày ấy có hoa mai năm cánh vàng như nắng, loại hoa thích mặt trời mê độ ẩm, nẩy lộc ươm chồi dễ dàng, dù thân đã bị cắt lìa khỏi rễ, dòng nhựa cuồn cuộn trong thân, cũng nung đủ cho nụ bung nở thêm hoa mới. Tết ngày này, đi tìm nhánh mai vàng xưa không thấy, mai không nở làm sao tin thật có Xuân về?


Loại hoa Mai của phương tây cũng rực rỡ vàng, cũng e ấp Xuân - Hoa được đặt theo tên của ông William Forsyth, nguyên là Quản đốc Vườn Thượng Uyển Kensington và St. James tại London, (cám ơn chị Phượng Các về hình ảnh và nguồn gốc tên hoa) đã một thời được người Việt tị nạn cắt nhánh đem vào nhà chưng cho đỡ nhớ, những nhánh thẳng nâu, không góc cạnh mạnh bạo như cội Mai vàng, hoa có bốn cánh nhọn, không tròn trịa đẹp như hoa Mai Việt. Chỉ tìm tòi đọc về Mai thôi đã ra bao nhiêu điều đáng để biết, từ vườn Thượng Uyển Anh Quốc giống hoa forsythia này biến thành hoa Cánh Liền phiên âm dịch ra từ gốc Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi là Liên Kiều 连翘, hoặc Hoàng Kì Đan 黄奇丹, người Hương Cảng thì gọi là Nhất Xuyến Kim 一串金 (tạm dịch là chuỗi vàng, hay một chuỗi vàng). Đây còn là một vị thuốc Đông y, thấy trong sách Thần Nông bản thảo kinh 神农本草经, chưa hết đâu, cả một toa thuốc dài được phổ biến để chữa đủ thứ các chứng bệnh, đọc xong hoa cả mắt không nhớ được bao nhiêu, có nhớ cũng không dám ghi xuống, sợ có người đọc xong, ra vườn nhà thấy hoa nở nhiều quá, hái xuống làm thuốc uống chữa bịnh không thèm đi bác sĩ, người “bầy trò” phải chịu trách nhiệm thì khổ.


Sau này, theo nỗi nhớ niềm thương “nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?” người Việt chuyền tay nhau các hạt mai tứ quý, họ Ochna trong gia tộc Ochnaceae gồm có sơ sơ 600 loại, trong đó có cả Mai Vàng yêu dấu trong lòng người tị nạn.
Mai Tứ Quý, hay còn gọi là mai đỏ, có lẽ vì nó cho hoa không kể đến mùa, nhất là có đủ bốn màu trên cây: xanh lá, vành hoa, trái đỏ, hạt đen, tiếng Mỹ gọi là Mickey Mouse plant, có nơi ghi là Bird eyes bush, loại này không uốn tỉa nó mọc thành bụi thật, vì hạt rụng xuống lên cây con nhanh lắm. Nhờ có cộng đồng Việt Nam, Trung Hoa, nên các nhà bán cây cảnh của Mỹ bắt đầu gầy cây con đem bán, cùng những loại lá được gọi là cây tiền - money plant, cây phúc - happy plant vân vân.


Hoa Mai vàng Việt Nam cây càng già càng đẹp vì có dáng khúc khuỷu, được chăm sóc kỹ cho phân bón nhiều hoa sẽ nở từng chùm rực rỡ. Không biết câu chuyện thời Pháp thuộc, một vị bác sĩ thực dân, cũng là một người chuyên khảo cứu về thảo mộc trong dịp đi từ Nam ra triều đình Huế để ký hiệp ước 1884-1885 nhường sáu tỉnh miền Nam cho Pháp đã tìm ra giống hoa rừng này mà tên của hoa Mai vàng được gọi là Ochna Harmandii chăng?
Tiệm bán cây kiểng nổi tiếng Phương Nam lúc trước tọa lạc ngay cửa chính của Century Mall có bán các loại Mai Hồng, Mai Đỏ, Mai Cam, Mai Trắng, Mai Đào ôi chao ơi, người ta vì yêu Mai ngày cũ, mà thấy hoa chi có nét đẹp giống hoa xưa, là chụp ngay cho nó cái tên Mai, thật ra hai cô này chẳng có họ hàng dây mơ rễ má gì hết á, cô này gai nhọn đâm đau thấu trời, có tên là Quince – họ nhà chaenomeles, có khỏang hai mươi mầu khác nhau.
Được sống ở thủ đô tị nạn California, nhất là Little Saigon – Orange County thì không gì bằng, xoài, cóc, ổi, na, mãng cầu, rau gì ở quê nhà có bên đây cũng phải có, từ lá cách, lá giang, đến lá cẩm, lá gai, cây ăn trái nhà nhà đua nhau trồng, anh có một cây, tôi cũng phải có một cây, nỗi nhớ niềm thương ai cũng giống nhau, nên đến bây giờ cây sinh trái nhiều quá, không biết đem biếu cho ai, hồng giòn, hồng mềm, táo tàu, lê, mận. Ngang cổng thấy có khóm tre, cây hồng, cây táo tàu cứ việc bấm chuông, tha hồ tìm ra bạn hàng xóm nói chung ngôn ngữ.


Câu: “ Phú quý sinh lễ nghĩa” khiến các bà xôn xao sắm Tết, dù đếm đi đếm lại, cả chú Vện cô Meo cũng chỉ có bốn, tính cả trong hồ có vài chú cá vàng đi chăng nữa cũng chẳng thể nào có đủ hai mâm, thế mà các chợ Việt Nam đông không thể tưởng, kinh tế có lùng bùng suy thoái, nhà băng có bị đóng cửa vì vỡ nợ cũng chẳng thể nào ngăn được niềm nao nức đón Xuân, không thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, thì cũng phải có đủ lễ bộ, mâm ngũ quả, lục quả: mãng cầu – dừa – xoài – đu đủ – sung – thơm không có chùm sung thì thay bằng chùm nho, muốn thêm màu sắc thì thêm táo, vào chợ chỉ việc chọn lựa cho vào xe đẩy, phải tính cho kỹ không mua bí, không mua chuối, kỵ mua mắm, nhớ mua đường, muối, sao thì sao cũng phải nồi thịt kho tàu, trứng luộc xong phải chiên sơ cho ngon, dừa tươi chất đầy, tội gì phải dùng nước dừa trong lon kia chứ, khổ qua dồn chả cá quết cho thật dai, nồi miến gà nấm hương, nồi bong bóng cá kèm vài lạng vi, chưa hết phải nhớ mua hoa tươi, dù quanh nhà đã đầy cây đầy lá, hoa lan đang ươm nụ chưa kịp nở, thôi kệ chạy ra tiệm mua thêm gìo lan mới cũng đâu tốn thêm bao nhiêu, miễn có Tết tươm tất cúng ông Nhà ông Cửa, mời tổ tiên ông bà về ăn Tết.


Năm nay bông cúc đại đóa có loại mới pha hai màu, giá đắt hơn hoa vàng, mà các bà các chị cũng dành nhau bồng hai ba chậu. Nghe tiếng chép miệng: Thôi kệ, có tổng thống mới thế nào kinh tế cũng lên.
Buồn một nỗi, nấu nướng dọn dẹp xong, mệt nhoài lại quay sang than thở ỉ ôi, chồng lại nhắc: “Năm trước em bảo không ăn Tết nữa rồi mà!” Gọi điện thoại phàn nàn với con ở xa, con lại bảo: “Me nấu chi cho nhiều, nhà còn có hai người!”

Vui một nỗi, mùi hương trầm, nụ hoa nở, ngây ngây cảm giác Xuân xưa, tiếng pháo chuột nổ reo vui, hình ảnh cha mẹ anh em quây quần bên mâm cỗ. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, nhựa sống trong thân cũng phải bừng nở với Xuân.

Thân ái gởi đến tất cả các bạn đọc gần xa, một năm Kỷ Sửu khang an – hạnh phúc - vạn sự như ý.
ngodong
#494 Posted : Saturday, February 7, 2009 12:46:51 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Tình Xuân


(Chuyện tình của tui chưa kể hết, nhưng chắc một điều là năm nào tui cũng nấu nồi khổ qua hết ráo, coi coi năm nay có bớt khổ không nghen, tui nói rồi, hễ có là khổ, mà không có cũng không sướng đâu à nghen.)

Ừa ! để tui kể tiếp chiện tình của tui, cho chị đỡ buồn chiện kinh tế suy thoái trầm trọng, dù đã có nguyên thủ quốc gia mới, dù đã mở kho bạc tuôn ra mấy trăm tỷ mỹ kim mà bị mấy cha nội giám đốc nhà băng, mang tiền “cứu nguy” tự thưởng cho mấy giả, để Tổng Thống Obama chửi “thứ đồ tham lam, ích kỷ.” Phải mà ngoại tui còn sống heng, bả rủa là “đồ hà bá thiên binh, sống không nhân nghĩa, chết thành con đuông.”

Đó chị coi ngày tui dìa nhà chồng, tui chưa hề có mảnh tình nào dzắt vai làm màu đặng ca ư ử “đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo.” Tui tin ba tui có đức thiệt, bị dì ổng tôn thờ mình ên má tui, không biết trăng cũng không biết lê, chỉ biết má tui là đèn soi cho ổng, là lựu cho ổng bốc lủm từng hột mùa hè. Ai hò ai ca “Trách ai tham đó bỏ đăng, thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn” thì ca thì hò, chớ ổng ha ổng nói tui nghe dzầy nè: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ mất ráo trọi, nên Tía tôn thờ má bay đặng nằm giường lèo suốt kiếp.”

Ngược lại Má tui mê Tía tui có dây, hễ ổng hở ra muốn gì thèm chi má tui lo cho ổng hết ráo, mê gà đá, má tui mua con gà đá, mê chơi cá chọi má tui đào cho ổng một đìa, mê bạn nhậu má tui gầy độ cho tía tui làm chủ xị, nghe thấy sợ chớ tía tui lần quần trong khu nhà tươm tất, mái hiên xanh ngợp bóng dừa, lùm tre. Có hai ba con gà đá ổng lo chăm cho tốt mã, lâu lâu cho nó đá dí con gà của ông Tư Lủng hàng xóm, gọi cái đìa cá đá cho ngon, chớ nó bự cỡ cái ang chớ mấy, ba con cá lia thia phùng mang thấy thương, có con màu cam đỏ thiệt ngộ, còn nhậu heng má tui mua hai xị đế nếp bên bà Tám Cò, má tui nói rượu cất gia truyền đời này qua đời khác uống ngậm mà nghe. Hồi nhỏ tui mang chân đi mua rượu chớ ai, mùi thơm từ cái bong bóng bò đựng rượu chiết qua cái xị đong đặng bán, tui ngửi còn nghiền mà. Tới hồi có chồng tui mới biết bà già tui nhốt tía tui trong lâu đài của bả, có khe hở nào đặng ổng biết trăng biết lê mà thèm.

Quớ trời, thì tui cũng có chồng chớ sao, cần chi có tình mảnh mảnh vắt vai mới tìm ra chồng, cũng nhờ cái đám trái khổ qua mà tui kiếm ra ổng đặng thờ. Chị đừng bắt bẻ tui, từ hồi cụi cụi bẻ gãy sừng trâu tui đã hứa dí lòng mình, tự ên tui đi tìm chồng cho tui, không cho Ngoại – Tía – Má tui dính dô bày binh bố trận đặng tôn thờ giả, ai lập miễu thờ tá lả bùng binh chi thờ, tui nguyền trong dạ thờ người đờn ông tui yêu tui quí, tui chung chạ chiếu mền, ngủ chung một giường, ăn chung một mâm, ở chung một nhà, giặt đồ chung chậu, chị hỗng nhớ câu ru: chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu dzợ chồng quen hơi ha.

Thì tui kể rồi đó, Ngoại tui chỉ tui đủ chiện mần khéo, cái hồi ổng lơn tơn dô tiệm may của cô Ba tui, đặt cô ba tui may ba cái lon lá chi đó dô bộ đồ lính của ổng, cô Ba tui mắc xẹt ra chợ, nên ổng gặp tui. Mèn ơi! Giọng bắc của ổng ngộ thiệt ngộ nghen chị, tui hả họng dòm ổng chết trân sượng ngắt khi nghe ổng hỏi:

- Không dám chào cô, cô cho tôi hỏi được không?

Ổng dzừa nói dzừa bỏ cái nón xuống nữa chớ, thiệt nghen, người miền nam mình, nói là nói có ai xin phép dị chớ, tui lúng búng trong họng, rồi hỗng biết sao tay tui kiếm cái chéo áo mân mê kiếm thêm can đảm, cùng lúc heng tui hết dám dòm ổng, mắt t tui dòm xuống cục gạch bông, má tui nó hừng hực, sau này ổng biểu khó kiếm đặng màu phấn nào đẹp bằng màu má tui bữa đó đó nha chị .

- Dzà, ông hỏi đi?

- Tôi muốn may hai cái lon này lên hai bên cổ áo, giá bao nhiêu, bao giờ thì xong, thưa cô?

Tui nghe mà lùng bùng lỗ tai, chưa từng ai dùng chữ “thưa” dí tui nghen chị, trong nhà tui nghe tới chữ thưa là có chiện lớn đa, cỡ đám rộn ràng lắm lận, ít khi nào dùng trong cuộc nói chuyện tay đôi như tui dí ổng lúc đó, mà cô Ba tui mới biết tính bao nhiêu tiền, còn bao giờ tui nghiệm ra chắc ổng hỏi bao lâu xong, tui cũng đế biết luôn, hên sao cô Ba tui dìa tới, khi không tui u chạy dzô trong nhà, không nói một lời từ biệt. Chút híu sau dượng Ba tui đi mần dìa, cái rồi tui nghe lao xao ngoài ngoải, cái rồi giọng cô Ba tui kiêu: “Lụa ơi! Châm trà đãi khách nghen Lụa!” Tui châm bình trà bưng ra, chị biết sao hôn, ổng ngồi chình ình trên cái ghế salon bàn khách, phía trong tấm màn che phân đôi với tiệm may mặt tiền nhà. Tui còn chưng hửng, dượng Ba tui giới thiệu: “Anh đây là đàn em của dượng, ảnh tên là Hùng, lâu ngày không gặp, dè đâu gặp ngay nhà, thiệt là duyên chiến hữu.”

Duyên chi tui hông biết, mà sau đó ổng được dượng tui mời lợi nhà ăn uống điều chi, khúc đó ổng đang trị vết thương chiến trường, được tăng cấp lên hai bông mai, gia đình ổng ở đâu mút trên Đà Lạt, nên dượng tui coi ổng như người trong nhà.

Tui nhớ bữa cơm tui nấu canh khổ qua cá thác lác, ổng ăn miếng đầu bỏ đũa nuốt trọng, ăn miếng thứ hai ổng nhai chậm chậm ngồi nghe, đến miếng thứ ba ổng hỏi: “Cô Lụa ơi, trái này phải là trái mướp đắng không cô? Ăn thì đắng mà nuốt xong rồi lại có vị ngọt?”

Lần này tui quen rồi nên bớt mắc cở, nói lại: “Trái khổ qua chớ đâu phải mướp đắng!” Cô Ba tui cười rân: “Con nhỏ khờ hết biết, người bắc gọi trái khổ qua là quả mướp đắng đó con.” Tui ngỏn nghẻn cúi mặt lùa ba hột cơm dấu cặp má đỏ hường. Tới hồi ăn tráng miệng miếng bánh bò nướng, ổng khen tui nấu ăn ngon, chưa bao giờ Me của ổng nấu cho ổng ăn mấy món lạ như dị, rồi ổng hỏi tui nấu sao, kể ổng nghe đặng ổng dìa tả cho Me ổng nghe, thiệt dí chị heng, tui gọi Má, ổng gọi Me, mà hồi ổng nhắc tới Me của ổng nheng chị nó ngọt thôi là ngọt, hổng như tui nói tới Má là tui xài chữ bả ngon ơ, ổng gọi Me rồi thêm chữ “bà cụ” nữa chớ, y như đọc trong sách ra dị đó, tui tình thiệt tả liền:

- Nấu khổ qua dễ ẹc hà chú, đầu tiên heng, ra chợ mua khổ qua, sợ đắng thì biểu “bà cụ” lựa trái nào cái gai thiệt bự nó, trái nào gai nhỏ rí là nó đắng trời thần luôn nghen chú. Hễ nấu cúng là hầm nguyên trái, giữ nguyên cái cọng cho đẹp. Ngoại tui bả chỉ dì nè, phơi cho trái nó héo chút, rạch móc ráo ruột ra, sau đó dồn nhân dô trong. Khéo là chỗ này, nhồi sao cho đủ không thiếu đầu đuôi, nấu sao cho nước sôi trào ngập trái, đặng giữ màu xanh ngọc, mà hỗng được sôi bùng làm nhưn bên trong lòi phèo. Phần nhưn phải đi chợ cho sớm, mở hàng bà bán cá thác lác, không trả giá à nghen, đặng bả lựa mấy con mập u nạo thịt cho dai, mang dìa cho cá dô tô quết dữ nó, vừa quết vừa nhiểu mỡ dô, chung với nước mắm ngon, quết tới hồi dích lên miếng cá mịn màng bóng lưỡng, chú biểu “bả” ý quên “bà cụ” cho hành lá dí tiêu đâm dô, rồi đó thành nồi khổ qua hầm cá thác lác rồi đó.

Ổng ngồi nghe tui tả còn lấy giấy viết ra, ghi xuống nữa chớ, rồi ổng hỏi sao miếng canh ổng húp nó ngọt lừ mờ, tui hết hồn nghĩ thầm, thằng cha này có máu ăn uống thứ thiệt, húp miếng canh mà biết tui có nấu xương heo làm ngọt nước lèo, tui tính dấu chút nghề, mà không qua mặt được ổng, tui đành kể thêm dô luôn, không phải một món này thôi nghen, ổng còn đòi tui kể nhiều món lắm lận, cho tới hồi ổng biểu: “Cô Lụa à, đừng gọi tui là chú nữa được hônnnnn!” câu này ổng giả giọng nam lơ lớ nghe tức cười mà tui không dám. Tới khúc này, chiện tui dí ổng đã qua chục bận tả món ăn, ‘cho “Me tôi nấu”’ nên tui quen ổng hung rồi, đâu ngại ngùng chi nữa, tui nói lại liền: “Chú là bạn của dượng tui, tui phải gọi dị mới đúng chớ!” Ổng tấn tới mục tiêu luôn: “Xưng hô trong gia tộc khác cách xưng hô với người không cùng máu mủ. Cô Lụa à, để tôi xin với anh Ba cho tôi gọi anh ấy là Dượng được không Lụa!”

Cha má ơi! Tui tưởng tui ngon nghen chị, tui tưởng tui thuộc loại cây gõ cây trắc cứng còng, ai dè trước mặt ổng tui thành nhánh tầm gởi, nhánh tơ hồng mềm xèo mềm lả, tui bắt đầu rung, giác quan thứ sáu thứ chín thứ mười gì tui không biết, mà tay chưn tui nó lính quýnh, mèn ơi cặp mắt ổng dòm tui lom lom muốn hút toàn bộ linh hồn tui dô trỏng, Tía ơi ! rồi rồi đức của tía cho con gái Tía, bước cái một lên quan rồi Tía ơi, tui ngu gì thì ngu chớ, lời tỏ tình miền bắc tui hiểu liền, chị coi câu ông bà nói trúng thầy chạy không chị, “tình yêu của người đờn ông phát xuất từ cái bao tử” ai cần hỏi tình yêu là gì, chớ tui là tui rành hơn sáu câu luôn, yêu là ăn chớ chi, không ăn ngon lấy chi yêu.

Từ chén canh khổ qua tui đường đường bước lên chức bà trung úy cái một, chị mà thấy bà Ngoại tui bận áo dài đỏ búi tó dầu dừa, đeo cho tui đôi bông mù u trước bàn thờ có cặp đèn cầy đỏ gắn con phụng con rồng là chị khóc mùi luôn đó, bả làm tui khóc ngon lành, tui khóc thiệt nghen chị, hỗng có khóc làm màu “trinh nữ khấp vu quy” đâu nghen, khóc đây tui khóc dì tui sợ hỗng biết đi làm vợ nó ra làm sao, có bị người ta ăn hiếp không, nhứt là dòm má chồng tui lạ hoắc, mai mốt sống chung tui nấu cho bả ăn có vừa miệng hông, chưa tính chiện tối động phòng tui phải làm gì nữa chớ, hồi má tui phụ tui mặc đồ đội bông, bả dặn hầm bà lằng, làm tui vừa thương má tui vừa khớp hung thêm. Cô Ba tui hiểu tâm lý bạn gái nên cổ chọc cho tui cười đỡ sợ. Bữa khuya nhóm họ cổ biểu: “Con Lụa có tướng mông chề, mai mốt nó mê chồng hết cản.” mèn ơi đám chị em họ chưa chồng của tui cười rân muốn bể gian bếp, tui tính nói: “Chồng tui, tui mê có chi mà mấy chị cười !” mà tui kềm lại được, cô dâu phải hiền dịu chút đỉnh, chứ đâu như ngày thường được phải hông chị.

Hồi bước ra cửa theo chồng, cô Ba tui còn ráng bỏ nhỏ vô tai tui: “Đèn của bay cháy nổi bông, mai mốt bay lấn chồng dữ à nghen.” Nghe dị tui cũng đỡ hồi hộp.

Từ ngày lấy chồng bắc kỳ đến giờ mấy chục năm rồi nghen chị, tui lây ổng biết nhiêu mà nói, từ con Lụa quê trờ quê trật, tui biết làm đẹp lý le cho ổng đẹp mày đẹp mặt, tui biết ăn nói dạ thưa, tui bớt kêu Tía – Má là ổng bả, nhưng ngược lại chồng tui ổng biểu: “Chữ tiếng đâu có làm giảm sự tôn kính thật sự trong lòng, chau chuốt quá thành đầu môi chót lưỡi cũng đâu có hay hả em .”

Chị biết sao hông, cho tới giờ phút này tui cũng còn thờ ổng nghen chị, mà y hình ổng cũng có thờ tui nữa đó, tại tui biết nấu khổ qua hầm dồn cá thác lác, thác lác y không thêm thịt heo, không kèm bún tàu, không chấp không vá, mộc mạc quê mùa dấu cái duyên nước lèo xương heo, điểm hành ngò lóng lánh, chưa kể tui tận dụng ruột trái khổ qua bầm luôn hột xào khô, trộn vô tàu hũ bằm chiên hườm nêm nếm muối xì dầu đường, ăn chay ngày rằm tạ ơn ông tơ bà nguyệt, chị nhớ phi đầu xả cho thiệt thơm ngheo.

Tình nghĩa vợ chồng đắng như khổ qua, chịu được nó nuốt vô lục phủ ngũ tạng thành ngọt ngào bổ dưỡng, chữa dứt bao nhiêu bịnh tật nghen chị . Chị đừng hỏi tới, tui hỗng dám thài lay đâu, mấy ông bác sĩ kiện tui sao.

Tui tặng chồng tui bài thơ tui Tình Xuân phơi phới nè, khoe cho chị biết khi có tình yêu con Lụa cũng biết mần thơ nữa đó



Ông ơi mùa Xuân len lén tới
Con chim chèo bẻo nó gọi rân trời
Mấy cái nụ mai coi chừng muốn nở
Tui dặn dò: “khoan nở đợi giao thừa.”

Hôm qua tui ra vườn hái trái
Đám bưởi dây vừa kịp chín trên cây
Giàn trầu xanh lá vừa tầm đặng hái
Buồng cau măng trái căng mọng hây hây.

Ông có nghe hương hoa vạn thọ
Rủ đám bướm vàng bay lượn quanh co
Rồi thêm bày chim sẻ ù ríu rít
Bẹ dừa oằn con chim én rúc vô

Ông thấy không vàng rơi cành quít
Lá xanh um không che hết mỹ miều
Trái bóng lưỡng hẹn hò tan vị ngọt
Tui bẻ mấy chùm đặng đón ông bà

Ông có rảnh ra vườn chặt lá
Lựa tàu lá nào liền lặn à nha
Tui sẽ gói hai chục đòn bánh tét
Mang chia cùng làng xóm đón Xuân sang

Ừa còn chiện tui dí ông hai đứa
Cũng y nguyên như Xuân thuở năm xưa
Đến Xuân này như men nồng rượu thắm
Ông lại gần đây cho tui tựa mái đầu.



Ấu Tím (Xuân 2009)
Khánh Linh
#495 Posted : Tuesday, February 24, 2009 7:16:11 AM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Gửi tặng chị Ngô Đồng hình em bé để mỗi ngày chị sẽ nghĩ đến niềm vui lớn sắp tới vào tháng 6:







ngodong
#496 Posted : Wednesday, February 25, 2009 12:21:50 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Úi hình dễ thương quá chị ơi - Cám ơn chị nhiều thật nhiều, gởi cho con gái xem cháu thích lắm.
ngodong
#497 Posted : Sunday, March 1, 2009 12:30:53 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)



Ngoài khung cửa, anh đào đã nở hồng, loại hoa anh đào đơn giống hoa đào dại ngày nào còn ở Đà Lạt, chỉ đụng nhẹ thôi hoa tả tơi bay. Hồ nước đầy cánh hoa li ti trôi nổi, đôi vịt trời đã trở lại, tiếng kêu quang quác. John hỏi:

- Cô lập gia đình lâu chưa?
- Hơn ba mươi năm.
Hai mắt của John tròn xoe:
- Oh’ Gosh! Sống với một người hơn ba mươi năm! Không chán sao!
- Chán! Nghĩa là sao John?
- Tôi không tưởng tượng ra nổi một đời sống, mỗi ngày trong ba mươi năm, phải đối mặt với cùng một người, phải chịu đựng mọi khác biệt của người ấy, kinh khủng quá.
- Thế John có gia đình chưa?
- Chưa.
Câu chuyện chỉ có thế, John phải há miệng ra để nha sĩ trám cái răng sâu.

Ừ! Mới hôm nào nói chuyện vãn cùng bạn, nghe kể về một triết gia, ông li dị liên tục, ngay cả giết đi người bạn tình của mình, vì chán ngán đến nỗi nổi điên. Có thể ông là triết gia nên dễ nổi điên, nhân loại mà chán ngán biến thành điên rồ, có lẽ trái đất nổi loạn mất.

Nói đến đời sống hôn nhân, nhắc đến gia đình, là nói đến một câu chuyện dài từ quá khứ mù mờ, hiện tại nhùng nhằng và tương lai không ai đoán trước được. Hôm cận Tết, trong đám email nhận được, là công thức nấu món ăn ngày 30 Tết, không phải nhận một lần, mà nhiều lần từ các nhóm email khác nhau, ngay cả từ người thân thuộc.

1. Lấy 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng,giận hờn , ghen tị, hờn oán...rồi để cho ráo nước.
2. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hay 31 phần.
3. Trộn đều với : - vừa đủ tin yêu - kiên nhẫn - can đảm - cố gắng - hy vọng - và trung thành.
4. Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin và hài hước.
5. Ðem ngâm một lát trong dung dịch "những điều tâm niệm của mình."
6. Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào "nồi yêu thương" và nấu với lửa "Vui mừng."
7. Ðem ra ăn với "nụ cười" trong chén "bao dung" và gắp ngon lành “một năm mới đầy yêu thương và hạnh phúc.”

Tác giả của công thức này, đúng là kỳ tài khi soạn ra được bảng giáo điều tổng hợp từ trăm ngàn lời hay ý đẹp, khuyên nhân loại đã lỡ bước vào vòng chồng vợ, lỡ đeo vào ngón áp út chiếc nhẫn cưới, lỡ ký tên vào bản án chung thân nên nhân nhượng nhau chút chút cho ngày Tết chén bát hòa thuận, không bị ném vào tường. Dĩ nhiên các giáo điều, các lời hay ý đẹp thường dành riêng cho các trường hợp đang cần sự trợ giúp, các trường hợp không được xem là “lỡ dại” thì không cần giáo điều và lời hay ý đẹp, vẫn có thể tồn tại được.

Mỗi phút, mỗi giây đã có bao xung khắc, thì thời gian của một năm, quả là dài thật, nếu không có cách để giải thích, không hiểu rõ ngọn ngành, chất chứa mãi trong lòng, thì thế nào cũng có ngày rối tung cả lên, như đống hộp bằng nhựa của hãng ziplock – hãng glad – hãng rubbermaid nằm trong tủ, hộp đằng hộp, nắp đằng nắp.
Những câu nói không chủ ý, trở thành câu gây hấn vì người nghe nghĩ ra như thế, những thương yêu lo lắng từ người này thành khó chịu bực bội cho người khác, rồi sự suy luận khác nhau sâu sắc giữa nam và nữ, sự củng cố quyền lực trong gia đình giữa vợ và chồng cũng là những trận chiến không tên len vào khiến đời sống vợ chồng thành khốn khổ.
Câu nói “Con giun bị xéo quá cũng oằn – tôi chịu đựng đã hết sức nay phải bỏ anh (em)” được nghe từ những cặp đã hết tình, mòn nghĩa, nên “bậu gieo tiếng ác cho rồi bậu đi!” kể cũng đúng, sự chịu đựng có hạn, cuộc đời không dài, nếu đã chẳng còn gì thà buông mà còn lại chút trân trọng, hơn là che mắt thế gian, hơn là dối gạt thượng đế “sự gì Ngài đã kết hợp – lòai người không được phân ly” mà thành giết chết đời nhau không gươm không dao.

Nhiều gia đình, định ra một ngày để dọn dẹp, vợ chồng con cái hì hục quét lau, giặt giụa, vứt hết các hộp đựng không còn nắp, vứt hết các hộp đã bị dính đầy màu thức ăn sau bao lần hâm microwave quá nóng, cả các hộp bị ám mùi mắm, mùi cá, mùi dưa, mà quên thu xếp dọn dẹp các xung khắc đã xảy ra trong gia đình, những chuyện rất thường rất nhỏ.

- Chồng không hiểu được tại sao nhờ vợ xin bác sĩ toa thuốc giảm đau cho mình không xong việc!
- Vợ không hiểu được tại sao mình đã làm hết sức trong một ngày công việc của sở bận rộn, thân thể của mình cũng đang đau, để khi về nhà nhận được câu trách móc, hơn là lời cảm ơn!
- Chồng không hiểu được tại sao mình làm gì cũng không vừa lòng vợ!
- Vợ không hiểu được tại sao tất cả mọi việc trong ngoài đều chờ đến tay mình!

Ngồi xuống nói chuyện với nhau như ngày còn hẹn hò, nói chuyện với nhau như ngày chưa biết đối tượng khi ngủ có thói quen ngáy to, là điều huyễn hoặc. Nhưng nói chuyện bình thường lịch sự như tiếp xúc với đồng nghiệp cùng làm việc mỗi ngày, là điều có thể làm được để có thể hiểu được tại sao, để có thể vá ngay lỗ rò rỉ ân tình, không chất chứa nghi ngại, không để chữ li dị lởn vởn trong đầu.

Đời sống luôn cần thu xếp lại, luôn cần tha thứ, luôn cần tin yêu thông cảm, cọ sát lẫn nhau để ăn khớp cùng nhau, đồng thời phải chấp nhận sự bào mòn theo thời gian, để chấp nhận nhau dễ dàng hơn. Cũng may đời người chỉ có trăm năm.

Muốn nói cho John biết sống chung hơn ba mươi năm, một trong hai phải biết nhịn mà không thấy nhục thì cuộc sống chung mới không bị chán, bị nhàm. Tìm trong tự điển Việt Mỹ, hai chữ nhịn nhục không thấy, làm sao chơi với chữ cùng John?

Nghe tiếng vịt trời gọi nhau bây giờ, tháng sáu lại có một bầy vịt con để ngắm. Suy ngẫm đủ điều, kết luận lại là “ Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! – Life is beautiful – Vita è bella, La.”
Huệ
#498 Posted : Sunday, March 1, 2009 2:24:07 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

quote:
Gởi bởi ngodong
Muốn nói cho John biết sống chung hơn ba mươi năm, một trong hai phải biết nhịn mà không thấy nhục thì cuộc sống chung mới không bị chán, bị nhàm. Tìm trong tự điển Việt Mỹ, hai chữ nhịn nhục không thấy, làm sao chơi với chữ cùng John?
Ngô Đồng, chị thấy tự điển Mỹ có chữ swallow để dịch chữ "nhịn", không chắc có hàm ý "nhục" hay không. Chữ "nhục" ở đây ý nghĩa cũng...tùy người đối diện lắm, nhưng đối với truyền thống luân lý của Mỹ thì nếu nhục nghĩa là không honorable là không chơi à nhen. Trong quan hệ vợ chồng của người Mỹ, không biết họ được khuyến khích sự nhịn nhục thế nào, nhưng rõ ràng là họ khuyến khích sự tương nhượng, compromise. Rose

xv05
#499 Posted : Sunday, March 1, 2009 7:19:56 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Chị Huệ, chị Ngô Đồng, cho em hỏi nha!
Khuyên các cặp vợ chồng nhịn nhục trong các cuộc hôn nhân của người mình, chắc có nghĩa là nhịn nhục với gia đình hai bên nhiều hơn là giữa hai người với nhau? Chồng nhịn nhục với gia đình vợ, vợ nhịn nhục với gia đình chồng, và ngay cả vợ hay chồng phải nhịn với gia đình của chính bên phía mình nữa?
ngodong
#500 Posted : Sunday, March 1, 2009 8:13:35 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
biết nhịn mà không thấy nhục

Em chẻ hai chữ nhịn nhục để ví von - tiếng Anh em chịu thua không biết nghịch như vậy, nói một chữ hai ý.

Nếu dùng nuốt chọng không mắc nghẹn, thì cũng không phải hi hi hi.

Em đan xong đôi vớ dễ thương vô cùng lá la.
Users browsing this topic
Guest (8)
47 Pages«<2324252627>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.