Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi
Bài 2
Tuần vừa qua, trong câu chuyện gia đình chúng tôi nói về sự mong manh ngắn ngủi của đời sống và nỗi cô đơn của những người cao tuổi. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được bao nhiêu tin buồn dồn dập: Một người thân quen 85 tuổi bị đứt mạch máu não và bị bán thân bất toại. Một người bà con ở Dallas 60 tuổi qua đời. Ngày hôm sau ông hàng xóm sát cạnh nhà chúng tôi qua đời, thiếu một ngày là được 87 tuổi. Hai ngày sau đó, một người bà con khác ở New York mới 48 tuổi qua đời vì bệnh ung thư. Tất cả những tin tức đó đưa đến dồn dập khiến chúng tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về sự mong manh của đời sống.
Thật đúng như lời Thánh Kinh dạy: "Sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay" (Gia-cơ 4:14). "Đời loài người như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng. Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa" (Thi thiên 103:15-160).
Thánh Kinh cũng dạy: "Đi đến nhà tang chế hơn là đi đến nhà yến tiệc, vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người, và người sống để vào lòng" (Truyền Đạo 7:2). Mỗi lần đi dự đám tang hoặc khi đứng trước cái chết của người thân yêu chúng ta nhìn thấy cuối cùng của cuộc đời con người, điều đó như tiếng chuông thức tỉnh, giúp ta thấy rõ tích cách tạm bợ phù du của cuộc đời và những tư tưởng đó sẽ giúp chúng ta chỉnh đốn đời sống hoặc thay đổi cách cư xử của mình với người chung quanh.
Ông hàng xóm của chúng tôi không có con cháu gì cả nên đám tang của ông chỉ có khoảng 20 người tham dự! Suốt cả cuộc đời ông cụ và bà vợ sống trong cô đơn, trong nhà lúc nào cũng chỉ có hai người đi ra đi vào. Khi khoẻ mạnh cũng như lúc đau ốm chỉ có hai vợ chồng nương dựa vào nhau, không con không cháu, không người thân chăm sóc. Các cụ của chúng ta hầu hết đều có con cháu nên ít người gặp cảnh quá đơn chiếc như thế. Tuy nhiên có người dù có con cháu nhưng vẫn sống trong cô đơn một mình. Lý do là vì con cháu ở xa hoặc đã quên ông bà cha mẹ, cũng có trường hợp vì con cái quá bận rộn với đời sống hằng ngày không có thì giờ cho cha mẹ.
Tuổi già là tuổi cô đơn, dễ buồn dễ tủi thân, nhưng không phải vì thế mà con cái phải dành thật nhiều thì giờ với các cụ hoặc phải biếu các cụ quà cáp, đưa đi nơi này nơi kia thường xuyên thì các cụ mới vui. Các cụ không đòi hỏi nhiều nơi con cháu về thì giờ hay tiền bạc, điều các cụ cần nhất là sự thông cảm của con cháu. Có người rất hiếu thảo với cha mẹ, đi đâu cũng mua quà về, sắm cho món này món kia, mua cho cha mẹ những quần áo giày dép đắt tiền, món ngon vật lạ không thiếu thứ gì nhưng các cụ vẫn không vui. Lý do là vì vật chất dư thừa nhưng trong cách đối xử thiếu thương yêu và thông cảm. Vật chất không xóa đi được nỗi cô đơn, lo lắng, buồn chán chất chứa trong lòng. Trái lại những lời nói ngọt ngào, thái độ yêu thương thông cảm, những chăm sóc tế nhị sẽ giúp các cụ được an ủi và thấy lòng nhẹ nhàng vui thỏa.
Thường thường khi chúng ta không ở trong cùng một hoàn cảnh, không mang cùng một tâm trạng với người nào, chúng ta rất khó thông cảm với người đó. Tương tự như thế, những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh, có biết bao nhiêu việc phải lo phải làm, lúc nào cũng bận rộn với nếp sống nhộn nhịp hằng ngày thường khó thông cảm với các cụ là những người già yếu, đau ốm, suốt ngày quanh quẩn trong nhà không biết đi đâu làm gì cho hết thì giờ. Đó là một trong những lý do khiến giữa các cụ cao tuổi và con cái có một khoảng cách lớn lao. Vì thiếu thông cảm, đôi bên dễ phiền giận nhau, rồi đâm ra bực bội gắt gỏng với nhau, dần dần đi đến chỗ tránh nhau hoặc không nói chuyện với nhau nữa.
Có những gia đình niềm vui đoàn tụ với ông bà cha mẹ chưa được bao nhiêu thì đã phải đối diện với những giận hờn, trách móc. Con cái thì hối tiếc sao bảo lãnh cha mẹ sang đây cho thêm phiền, mất thì giờ chăm sóc, tốn kém tiền bạc mà các cụ vẫn không vui. Cha mẹ thì ân hận sao không ở lại bên nhà cho khỏi làm gánh nặng cho con, khỏi phải nghe những tiếng nặng nhẹ, khỏi phải thui thủi một mình suốt ngày trong ngôi nhà không phải là nhà của mình. Một số các cụ nghĩ rằng mình không thể thay đổi hoàn cảnh được nên tiếp tục chấp nhận sống với con nhưng kể như mình là người mù người câm, người điếc để khỏi thấy khỏi nghe những điều chướng tai gai mắt.
Thưa quý vị, thật ra tất cả những điều không vui đó đều có thể xóa bỏ đi hết nếu chúng ta nghĩ cho nhau và thông cảm với nhau. Các cụ thông cảm với con cháu và con cháu thông cảm với các cụ. Niềm thông cảm đó sẽ đem các thế hệ trong gia đình lại gần với nhau, hòa hợp với nhau và gắn bó với nhau hơn. Lời Chúa trong Kinh Thánh cho chúng ta nguyên tắc sau đây trong cách cư xử với mọi người: "Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:4). Lời dạy này hàm ý rằng chúng ta đừng chỉ nghĩ cho mình nhưng phải nghĩ đến người khác nữa.
Trong phạm vi câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin chia xẻ về những điều chúng ta là con cháu có thể làm và nên làm để tuổi già của ông bà cha mẹ được vui thỏa.
1. Biết ơn Chúa và cảm tạ Chúa cho chúng ta được sống gần cha mẹ
Trong khi bao nhiêu người khác sống trong cô đơn, không bà con thân thuộc, Chúa cho chúng ta được sống gần bên ông bà, cha mẹ, đó là một ơn phước, chúng ta phải biết ơn Chúa. Hơn nữa, trong khi người khác mồ côi cha mẹ từ nhỏ hoặc bây giờ cha mẹ đã mất hoặc ở xa không được gần gũi cha mẹ để báo hiếu, chúng ta có cơ hội ở gần để đền đáp phần nào công ơn cha mẹ, đó cũng là một ơn phước Chúa ban. Nếu nghĩ được sống gần cha mẹ là một ơn phước, một đặc ân, tự nhiên cách chúng ta suy nghĩ về các cụ sẽ thay đổi.
2. Thông cảm với các cụ trong nỗi cô đơn của tuổi già
Buổi sáng chúng ta phải dậy sớm đi làm trong thời tiết lạnh ]ẽo, mưa gió, phải lái xe trên freeway nguy hiểm, thấy cha mẹ được ở nhà nằm trong chăn êm nệm ấm, giờ giấc thong thả, tâm trí thảnh thơi không có gì phải lo lắng, v.v... Chúng ta dễ nghĩ rằng các cụ sung sướng thoải mái hơn mình nên phải vui vẻ yêu đời. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Mỗi buổi sáng con cháu trong nhà dậy sớm chuẩn bị để bắt đầu một ngày mới, người đi làm kẻ đi học. Phải đi đến chỗ kia, phải gặp người nọ, và thường thường là đi luôn đến chiều tối mới về. Tuy chúng ta vất vả, bận rộn nhưng mà vui vì đời sống có ý nghĩa.
Trong khi con cháu bận rộn như thế thì các cụ ở nhà không biết làm gì cho hết thì giờ. Nhìn vào lịch, ngoài những ngày phải đi bác sĩ, các cụ không cần phải đi đâu, không cần gặp ai để bàn tính công việc gì, không có công tác gì để làm, cũng không có mục tiêu gì để hướng đến. Điện thoại gọi đến thường là để tìm ai chứ không phải tìm các cụ, thư từ sách báo giấy tờ gởi đến cũng là cho con cháu chứ chẳng mấy khi có gì cho các cụ. Trong xã hội bên Việt Nam, các cụ cao tuổi đã thấy mình bị loại bỏ ra khỏi nhịp sống, ở đây mặc cảm đó càng lớn hơn vì đời sống quá văn minh, máy móc các cụ thấy mình không thích ứng được. Thêm vào đó sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, cách sống, cách làm việc, v.v... càng khiến các cụ thấy lạc lõng, cô đơn.
Điều mà là con cháu chúng ta cần nhớ để thông cảm với ông bà cha mẹ là các cụ ở nhà thấy như thong thả thoải mái nhưng thật ra rất buồn chán. Các cụ buồn vì thấy không ai cần đến mình nữa. Có nhiều việc các cụ muốn làm để giúp con cháu nhưng không làm được, vì sức khoẻ không có, trí nhớ suy kém, hoặc vì phải sử dụng những máy móc các cụ không quen dùng. Thấy con cháu quá bận rộn vất vả mà mình không làm được gì để chia xẻ bớt gánh nặng cũng là điều có thể khiến các cụ thêm buồn, vì thấy mình như là người vô dụng.
Một điều khác mà chúng ta phải để ý mới có thể thông cảm với các cụ được, đó là chúng ta còn trẻ tuổi khoẻ mạnh nên không có những nỗi buồn nỗi lo của người cao tuổi. Chúng ta làm việc nhiều nên tối về ăn ngon, ngủ yên, còn các cụ sức khoẻ suy sụp, không có việc gì làm cho khuây khỏa, ăn không ngon ngủ không yên, từ đó người lúc nào cũng mệt mỏi đau nhức khó chịu. Có lẽ chúng ta cần tưởng tượng chính mình trong một thân thể suy yếu như thế mới có thể thông cảm với các cụ.
Tóm lại điều đầu tiên chúng ta có thể làm để tỏ lòng hiếu kính cha mẹ đã cao tuổi là xem việc được sống gần cha mẹ là một đặc ân, là ơn phước của Chúa. Thứ hai nữa chúng ta cần nghĩ đến những suy nghĩ của cha mẹ để dễ thông cảm với các cụ hơn. Trong bài kỳ tới chúng tôi sẽ chia xẻ những điều thiết thực chúng ta có thể làm để tỏ lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành www.tinlanh.org