Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Chương trình gia đình
Tonka
#1 Posted : Friday, May 27, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Khi con đến tuổi trưởng thành
Bài số 1


Một thiếu nữ nọ lập gia đình được ba năm, tâm sự với người bạn như sau: Khi em đi lấy chồng, mẹ em buồn lắm. Bà dặn em là, dù vui với hạnh phúc mới, con đừng bao giờ quên mẹ ở nhà rất cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến con. Vì lời dặn đó, người con gái lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, sợ mẹ thương nhớ rồi bị bệnh, vì thế nàng tìm cách giữ liên lạc với mẹ thường xuyên. Mỗi ngày, sau bữa cơm tối với chồng, người con gái gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và hai người em khoảng vài tiếng đồng hồ, kể cho mẹ nghe những việc xảy ra trong ngày và hỏi thăm từng người trong gia đình. Ngày nào cũng vậy, cơm tối xong là người con gái bỏ ra một hai tiếng đồng hồ nói điện thoại với gia đình. Người chồng trẻ lúc đầu thông cảm nên kiên nhẫn chấp nhận. Nhưng việc này cứ tiếp tục mỗi ngày. Khi người chồng than phiền thì gia đình vợ bảo là anh ích kỷ và bỏ ngoài tai lời than phiền đó. Người vợ vẫn tiếp tục gọi điện thoại cho cha mẹ mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ sau bữa cơm tối. Người chồng trẻ biết không thể thay đổi vợ nên khi thấy vợ cầm điện thoại lên là anh ra khỏi nhà để chạy bộ trong khu xóm.

Sau một thời gian, thấy mình chạy giỏi nên anh tham dự các cuộc chạy đua cuối tuần, do thành phố tổ chức. Một ngày nọ trong một lần chạy đua anh gặp một thiếu nữ xinh đẹp cũng thích chạy như anh và hai người cùng chạy với nhau thường xuyên. Trong khi đó vợ anh vẫn tiếp tục nói chuyện với cha mẹ mỗi ngày, không quan tâm đến sự bất bình của chồng. Sau ba năm chờ đợi, cuối cùng người chồng trả vợ lại cho bà mẹ và cưới người cùng chạy đua với anh lâu nay. Người con gái trong câu chuyện này chưa sẵn sàng để lập gia đình, vì chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời. Cha mẹ cô cũng không muốn con lìa cha mẹ nên đã khiến gia đình con bị đổ vỡ.

Những ai đã lập gia đình và có con cái không thể nào quên được niềm vui khi được bế đứa con đầu lòng trên tay. Con cái là cơ nghiệp và là ơn phước Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Cùng với ơn phước đó là trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ cho con nên người. Với tình thương bao la, không cha mẹ nào quản ngại khó khăn, lao khổ trong việc nuôi con. Trái lại, chúng ta sẵn sàng hy sinh để cho con điều tốt nhất. Rồi thời gian trôi qua, thấm thoát các con chúng ta đều lớn và bắt đầu tự lập, bắt đầu có đời sống riêng. Người ta thường nói, khi con "đủ lông đủ cánh", chúng sẽ bay khỏi tổ, con gái cũng như con trai. Đây là một thay đổi lớn mà là cha mẹ, chúng ta phải đối diện. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần, chấp nhận thay đổi, để đời sống không bị xáo trộn và khó khăn.

Thật ra, cha mẹ nào cũng muốn con nên người và biết tự lo tự lập. Tuy nhiên, khi con từ giã gia đình, dù là vì lý do gì - đi học xa, đi làm xa hay lập gia đình và ra riêng - cha mẹ cũng thấy buồn vì cảm thấy như đã mất con. Có lẽ một số quý vị hiện đang trải qua kinh nghiệm này. Thương con, chúng ta mong cho con lớn khôn, nên người, nhưng cũng buồn khi thấy con không còn ở gần bên cạnh, chúng ta, nhất là không còn cần đến chúng ta nữa. Đây là cái buồn thông thường, tự nhiên, vì con cái sống với cha mẹ từ nhỏ đến lớn, bao nhiêu là thương yêu và kỷ niệm, bây giờ tách ra khỏi gia đình, làm sao cha mẹ không cảm thấy mất mát và không buồn được. Nhưng có nhiều cha mẹ buồn quá nhiều, đến nỗi không muốn con bước ra tự lập, có người còn gây khó khăn cho đời sống con. Chẳng hạn như có người thương con gái quá đến nỗi khi con đi lấy chồng thì than khóc, trách móc, rồi đâm ra ghét người con rể. Những bà mẹ chồng đối xử cay nghiệt với con dâu cũng chỉ vì không chấp nhận sự kiện đứa con trai mà mình nuôi dưỡng bao nhiêu năm bây giờ yêu một người đàn bà khác và đành lòng từ giã mẹ để gây dựng hạnh phúc với người đó. Đây cũng là lý do vì sao khi con lớn và sắp lìa gia đình để tự lập, cha mẹ thường hay than thân trách phận, hoặc phàn nàn trách móc con. Trong những dịp cưới hỏi thường có chuyện không vui giữa gia đình đôi bên cũng vì những tâm lý phức tạp lúc đó của cha mẹ.

Chúng ta thường nghe câu "con nhỏ lo chuyện nhỏ, con lớn lo chuyện lớn", cha mẹ nói câu này như một lời than nhưng thật ra than với sự thỏa vui trong lòng vì còn được lo cho con, và con còn cần đến mình. Khi con từ giã cha mẹ để tự lập, cha mẹ cảm thấy mất mát, vì con không còn cần đến mình nữa. Có những phụ huynh nhất quyết chống lại sự tự lập của con bằng cách viện cớ này cớ khác để buộc con khi lập gia đình vẫn ở chung với cha mẹ và mọi việc vẫn do cha mẹ quyết định. Có người thì cho con dọn ra riêng nhưng luôn luôn tìm cách xen vào gia đình của con.

Thánh Kinh ghi rằng, khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Theo tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa, khi lập gia đình, người đàn ông phải lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời, xây dựng gia đình mới và làm chủ gia đình mới của mình. Có những trường hợp vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó đôi vợ chồng mới sống chung với cha mẹ, nhưng gia đình mới vẫn phải được xem là một đơn vị riêng biệt thì mới tránh được những điều không hay sau này. Đức Chúa Trời không bao giờ sai lầm trong lời dạy của Ngài và nguyên tắc của Ngài không bao giờ thay đổi. Điều đáng tiếc là có nhiều bậc cha mẹ không khuyến khích hoặc không bằng lòng cho con bước ra khỏi sự ràng buộc của mình nên gia đình mới của con gặp nhiều khó khăn. Khi một bạn trẻ lập gia đình, người đó phải tách ra khỏi những ràng buộc về kinh tế, tình cảm của gia đình cũ thì mới có thể hiệp nhất với người phối ngẫu. Dĩ nhiên là người con khi có gia đình riêng vẫn yêu thương và hiếu kính cha mẹ. Khi cha mẹ cần vẫn có mặt, giúp đỡ nhưng không sống dưới quyền của cha mẹ hay dưới sự bảo bọc của cha mẹ nữa.

Có nhiều lý do khiến cha mẹ không muốn con tự lập khi đã lớn khôn.

1. Cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời con

Châm Ngôn 22:6 dạy như sau: "Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó." Chữ quan trọng trong câu này là "con đường nó phải theo." Cha mẹ phải dạy cho con cái con đường chúng phải theo. Đây là con đường Chúa định cho con cái chứ không phải là con đường cha mẹ mong muốn. Đó là con đường theo ý Chúa vàø con đường trưởng thành, tự lập. Cha mẹ cần dạy dỗ, hướng dẫn thế nào để khi đến tuổi trưởng thành con sẽ khôn ngoan, tự lo tự lập chứ không phải lúc nào cũng níu áo mẹ, việc gì cũng phải chạy về hỏi cha. Cha mẹ cần hướng dẫn con cái trong đường lối Chúa để khi lớn khôn, con cái không lìa bỏ con đường tốt đẹp đó. Cha mẹ có trách nhiệm dạy con khi còn nhỏ những gì con cần học, để lúc khôn lớn, là lúc không còn có cha mẹ ở bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn, con cái vẫn có thể tự lo được.

Nhiều bậc cha mẹ vì vô tình, không hướng dẫn con trong con đường chúng phải theo nhưng hướng dẫn theo con đường cha mẹ mong muốn. Cũng có người xem cuộc đời con như là tiếp nối cuộc đời của mình, vì thế cố gắng giúp con làm những điều mà chính cha mẹ đã không làm được, hoặc giúp đạt được những mơ ước mà cha mẹ đã không đạt tới. Bao nhiêu ước mơ, hy vọng đều đổ dồn hết cho con. Con thành công kể như là mình đã thành công. Chẳng hạn như cha không học bác sĩ được, muốn con học bác sĩ để làm trọn điều ước mơ củamình. Mẹ mơ làm cô giáo nhưng không được, bây giờ muốn con theo con đường đó để nguyện vọng của mình được thỏa mãn. Những người làm như thế là xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con. Vì thế khi con tách rời cha mẹ để có cuộc sống riêng, cha mẹ sẽ vô cùng đau đớn. Những người đặt hy vọng và niềm vui của mình nơi con cái và xây dựng đời sống mình chung với đời sống con sẽ không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập.

Để tránh khó khăn này, chúng ta đừng để con tùy thuộc cha mẹ trong tất cả mọi việc nhưng nên tập cho con tự lo tự làm, bắt đầu từ những việc nhỏ khi còn nhỏ, dần dần càng lớn thì tự lo những việc lớn hơn. Chúng ta cũng cần hướng dẫn để con tự quyết định những việc liên quan đến cá nhân chúng. Văn hóa Tây phương cho con quá nhiều tự do nên con dễ hư hỏng, văn hóa Đông phương thì nắm giữ con quá chặt nên con trở thành phản loạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Bác sĩ James Dobson, nhà tâm lý học danh tiếng đã nói: "Nuôi con cũng như thả diều, phải biết lúc nào mở thêm dây cho diều bay cao. Nếu tháo dây quá nhiều, quá sớm, diều sẽ rơi xuống đất; Ngược lại, đến lúc diều phải bay cao mà chúng ta giữ dây quá chặt, diều sẽ bứt đứt dây và bay đi mất."

Theo lời Kinh Thánh dạy, tất cả những gì chúng ta có trên đời này là do Đức Chúa Trời ban cho. Dù là tài sản, vật chất hay con cái, ngay cả sự sống của chúng ta cũng là của Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý. Trong vai trò quản lý, chúng ta chăm sóc, dạy dỗ con và dâng đời sống con cho Chúa sử dụng. Chúng ta không nắm quyền sở hữu con hoặc sử dụng con theo ý mình. Khi nuôi con, chúng ta cần nhớ rằng, con cái rồi đây sẽ có đời sống riêng. Con cái chỉ cần cha mẹ và sống bên cha mẹ khi còn nhỏ dại để được cha mẹ nuôi nấng, dưỡng dục. Nếu tâm niệm như thế khi con còn nhỏ, chúng ta sẽ không buồn khi con lớn khôn, từ giã gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng. Trong văn hoá Á đông, nhiều người chấp nhận việc con gái lìa gia đình nhưng không chấp nhận con trai lìa gia đình. Có người ngày nay vẫn nghĩ rằng con gái là con của người ta, nuôi lớn rồi gả cho nhà chồng chứ cha mẹ không được nhờ, vì thế không trông mong gì nơi con gái. Đối với con trai thì ngược lại, cha mẹ kể đó là con của mình vì thế nắm giữ, không muốn buông con ra. Đây là quan niệm không công bình. Chúng ta cần yêu thương con trai con gái như nhau và sẵn sàng cho con tự lập khi con đến tuổi trưởng thành.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#2 Posted : Saturday, May 28, 2005 2:43:18 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Khi con đến tuổi trưởng thành
Bài số 2


Một thiếu nữ nọ lập gia đình được ba năm, tâm sự với người bạn như sau: Khi em đi lấy chồng, mẹ em buồn lắm. Bà dặn em là, dù vui với hạnh phúc mới, con đừng bao giờ quên mẹ ở nhà rất cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến con. Vì lời dặn đó, người con gái lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, sợ mẹ thương nhớ rồi bị bệnh, vì thế nàng tìm cách giữ liên lạc với mẹ thường xuyên. Mỗi ngày, sau bữa cơm tối với chồng, người con gái gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và hai người em khoảng vài tiếng đồng hồ, kể cho mẹ nghe những việc xảy ra trong ngày và hỏi thăm từng người trong gia đình. Ngày nào cũng vậy, cơm tối xong là người con gái bỏ ra một hai tiếng đồng hồ nói điện thoại với gia đình. Người chồng trẻ lúc đầu thông cảm nên kiên nhẫn chấp nhận. Nhưng việc này cứ xảy ra thường xuyên.

Buổi tối nào có việc đi đâu thì thôi, còn nếu ở nhà, cô vợ trẻ lại gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và các em, không dành một thì giờ nào trò chuyện với chồng. Khi người chồng than phiền thì gia đình vợ bảo là anh ích kỷ và bỏ ngoài tai lời than phiền đó. Người vợ vẫn tiếp tục gọi điện thoại cho cha mẹ thường xuyên sau bữa cơm tối. Người chồng trẻ biết không thể thay đổi vợ nên khi thấy vợ cầm điện thoại lên là anh ra khỏi nhà để chạy bộ trong khu xóm. Sau một thời gian, thấy mình chạy giỏi nên anh tham dự các cuộc chạy đua cuối tuần, do thành phố tổ chức. Một ngày nọ, trong một lần chạy đua anh gặp một thiếu nữ xinh đẹp cũng thích chạy như anh và hai người cùng chạy với nhau thường xuyên. Trong khi đó vợ anh vẫn tiếp tục nói chuyện với cha mẹ mỗi buổi tối, không quan tâm đến sự bất bình của chồng. Sau ba năm chờ đợi, sự việc vẫn không thay đổi nên cuối cùng người chồng trả vợ lại cho bà mẹ và cưới người cùng chạy đua với anh lâu nay. Câu chuyện này mới nghe thấy như là chuyện không có thật, nhưng là chuyện có thật, do chính người trong cuộc kể lại. Người con gái trong câu chuyện này chưa sẵn sàng để lập gia đình, vì chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời. Cha mẹ cô cũng chưa sẵn sàng cho con lìa cha mẹ để có cuộc sống riêng nên đã khiến gia đình con bị đổ vỡ.

Kính thưa quý thính giả, cha mẹ nào khi nuôi con cũng mong con mau lớn. Khi cho con đi học, ta mong con học giỏi, mỗi năm mỗi lên lớp. Rồi chúng ta hãnh diện khi con đỗ đạt thành tài và có một chỗ đứng trong xã hội. Tuy nhiên, khi con phải từ giã gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng, chúng ta cảm thấy buồn vì thấy như mình đã mất đi một cái gì quý giá. Cha mẹ nào cũng thương con và muốn được ở gần bên con mãi mãi, nhưng chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống con người lại khác. Chúa muốn con cái ở dưới sự bảo bọc của cha mẹ khi còn nhỏ, nhưng lúc khôn lớn phải lìa cha mẹ để gây dựng đời sống riêng.

Việc con cái lìa cha mẹ để tự lập là điều cha mẹ đã biết trước và cũng mong muốn nữa, nhưng khi ngày ấy đến, chúng ta vẫn cảm thấy đau buồn và mất mát. Đây là một tình cảm bình thường, dễ hiểu, vì sự phân ly nào cũng để lại đau buồn. Nhưng có một số phụ huynh quá đau buồn khi con lìa gia đình đến nỗi gây khó khăn cho con và mang lại thiệt hại cho chính mình. Có người nhất quyết ngăn cấm con tách ra khỏi gia đình, dù con đã trưởng thành và đã có gia đình riêng. Sở dĩ có tình trạng đó là có những lý do sau:

1. Cha mẹ xây dựng đời sống mình chung với đời sống con, xem cuộc đời con như là tiếp nối của cuộc đời mình.

2. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con vì tình yêu giữa vợ chồng không mấy tốt đẹp.

3. Cha mẹ yêu thương con cách ích kỷ và muốn tiếp tục nắm giữ đời sống con.

4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con là nhỏ và như là sở hữu của mình.

5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều hoặc muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.

Trong bài kỳ trước chúng tôi đã trình bày lý do thứ nhất, đó là: Cha mẹ xây dựng đời sống mình trên đời sống con và xem cuộc đời của con là tiếp nối của đời sống mình.

Nhiều người cố gắng nuôi con ăn học để con đạt được những ước mơ mà chính mình đã không đạt được. Họ dùng cuộc đời con để sửa lại những lầm lỗi hay thất bại trong cuộc đời của mình, lấy thành công của con làm niềm vui và hạnh phúc. Do đó khi con tách ra khỏi ra gia đình, họ thấy như một phần đời sống của mình đã chết.

Lý do II. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con cái trong khi đó quan hệ vợ chồng lại không mấy tốt đẹp.

Lý do thứ hai khiến một số quý vị phụ huynh khó chấp nhận việc con tách rời khỏi cha mẹ để có đời sống riêng là vì cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con. Đây là điều thường xảy ra trong những gia đình thiếu hạnh phúc. Trong những gia đình này, cha mẹ, nhất là người mẹ, có khuynh hướng dồn hết tình thương cho con, vì thế tình cha con hay mẹ con trở nên đậm đà, gần gũi hơn tình vợ chồng. Nếu người cha hay người mẹ thương con nhiều hơn là thương vợ thương chồng vàø tìm hạnh phúc nơi con cái thay vì tìm hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, khi con đến tuổi trưởng thành, cha mẹ sẽ không muốn con lìa xa gia đình. Vì nếu con đi, hạnh phúc và niềm vui của cha mẹ cũng mất. Có những gia đình vợ chồng không thuận hòa và không muốn sống chung với nhau nữa nhưng vì con nên phải tiếp tục chung sống. Trong trường hợp này, đứa con là yếu tố ràng buộc cha mẹ, giữ cho cha mẹ không bỏ nhau, là cái đệm hoặc cái gạch nối giữa cha mẹ, vì thế khi con đến tuổi từ giã gia đình, cha mẹ khó chấp nhận điều đó. Thiếu sự hiện diện của con, cha mẹ không thể đối diện nhau, cũng không còn lý do để sống chung với nhau nữa.

Xem tình cha con hay tình mẹ con quan trọng hơn tình vợ chồng là điều không đúng với Lời Chúa dạy. Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Khi nhắc lại câu này, Chúa Giê-xu cũng nói: "Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!" (Ma-thi-ơ 19:6). Kinh Thánh dạy rất nhiều về các mối liên hệ trong đời sống con người, nhưng chỉ có liên hệ vợ chồng được mô tả là "hiệp làm một" (Ê-phê-sô 5:31) và "ràng buộc suốt đời" (I Cô-rinh-tô 7:39).

Những lời dạy trên cho thấy Chúa muốn quan hệ vợ chồng là quan hệ sâu đậm và gần gũi nhất. Nếu chúng ta để cho bất cứ người nào, dù là con cái, chen vào giữa tình yêu giữa vợ chồng thì đời sống gia đình sẽ gặp khó khăn. Chương trình của Chúa là, con cái chúng ta lớn lên sẽ hiệp làm một với vợ hoặc chồng của chúng. Vì thế, cha mẹ cần chuẩn bị khi con còn sống trong gia đình, đừng xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con, cũng không nên yêu thương và gắn bó với con nhiều hơn là yêu thương và gắn bó với vợ, chồng của mình. Tình phụ tử và tình mẫu tử cao đẹp và lớn lao nhưng không giống như tình vợ chồng mà cũng không thể thay thế tình yêu vợ chồng.

Đối với những người góa bụa hoặc hôn nhân đổ vỡ, phải hy sinh cả đời nuôi con, lúc con từ giã gia đình để tự lập thường là lúc đau buồn hơn hết. Hoàn cảnh những phụ huynh này thật là đáng thương. Vì thiếu tình yêu vợ chồng, các bậc cha mẹ này dồn hết tình thương cho con. Con cái là lẽ sống và niềm vui, cũng là đối tượng tình yêu của cha mẹ. Trong trường hợp này, người cha hay người mẹ đó phải thương con với tình thương không vị kỷ, phải hy sinh, nghĩ đến phúc lợi của con mới đủ can đảm cho con tự lập. Con cái trong những gia đình này cũng cần phải thông cảm với hoàn cảnh của cha hoặc mẹ, và tìm một giải pháp dung hòa để không vô tình gây thêm đau buồn cho cha mẹ.

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời không định rằng con cái là yếu tố chính mang lại hạnh phúc cho hôn nhân. Con cái cũng không phải là mối dây ràng buộc vợ chồng với nhau. Theo lời Thánh Kinh dạy, vợ chồng phải ràng buộc với nhau bằng tình yêu. Yếu tố đem lại hạnh phúc cho hôn nhân là, vợ chồng yêu thương nhau bằng tình yêu chân thật và bền vững như tình yêu Chúa dành cho chúng ta và cả hai vợ chồng đều kính sợ Chúa mà vâng phục nhau. Nói một cách khác, yếu tố ràng buộc vợ chồng phải là tình yêu đôi bên dành cho nhau chứ không phải là con cái hay bổn phận đối với con cái.

Minh Nguyên

Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#3 Posted : Saturday, May 28, 2005 2:44:43 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Khi con đến tuổi trưởng thành
Bài số 3


Có một đôi bạn trẻ nọ yêu nhau bốn năm mới dám nghĩ đến chuyện cưới hỏi. Lý do là vì người con trai đang sống chung với mẹ và bà mẹ rất là gần với con. Dù con đã sắp được ba mươi tuổi, đã ra đời đi làm mấy năm nay, bà mẹ vẫn xem con như đứa con nhỏ và vẫn kiểm soát mọi việc trong cuộc sống con. Bà không những biết con làm công việc gì, mà cũng biết công việc đó như thế nào, mỗi tháng con lãnh được bao nhiêu. Không những thế, mỗi khi đi đâu chàng thanh niên này vẫn phải xin phép mẹ, phải cho mẹ biết là đi đâu, với ai, mấy giờ về. Không những kiểm soát thì giờ mà tiền bạc của cậu con trai bà mẹ cũng kiểm soát hết. Con đi làm về phải đưa tờ giấy lương cho bà. Dù không biết làm sổ sách hay trả các chi phí hằng tháng nhưng bà biết tất cả những chi phí của gia đình và chi phí riêng của con. Bà biết con có bao nhiêu tiền, cất giữ ở trương mục nào, nhà băng nào. Bà mẹ này quen chăm sóc mọi việc cho con khi còn nhỏ nên dù bây giờ con đã lớn, đã có thể tự lo, bà vẫn tiếp tục nắm giữ và kiểm soát tất cả. Lúc nào bà cũng xem con như là thằng bé con của bà ngày trước. Khi biết con có bạn gái, bà buồn lắm, vì bà không muốn một người nào xen vào giữa bà và đứa con trai yêu quý. Nhưng bà biết con đã lớn, cần phải có gia đình, hơn nữa bà cũng mong có cháu bồng nên dần dần bà chấp nhận người bạn gái của con. Người con gái đó hiền lành dễ thương nên sau một thời gian cũng đã lấy được cảm tình của bà.

Tuy nhiên nan đề của đôi bạn trẻ này là lúc nào bà mẹ cũng muốn tham dự vào những sinh hoạt của hai người. Khi người con gái đến nhà chơi, bà mẹ ra tiếp chuyện. Khi hai người đi ăn với nhau phải mời bà, nếu không thì bà không vui. Cuối cùng, khi hai người quyết định tiến tới hôn nhân và chọn ngày làm đám cưới, bà mẹ rất vui nhưng bà muốn để bà tính toan lo lắng mọi chi tiết, dĩ nhiên là theo ý bà. Nhưng khó khăn lớn nhất mà đôi bạn trẻ phải đương đầu hiện nay là, bà mẹ muốn cùng đi trong chuyến tàu du hành mà hai người đã chọn cho tuần trăng mật của họ.

Thưa quý thính giả, đây là một trường hợp điển hình của những bậc phụ huynh không cho con lìa cha mẹ để có cuộc sống riêng. Trường hợp này hơi đặc biệt nhưng trong một số gia đình, các bậc cha mẹ cũng thường tìm cách nắm giữ con, không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập. Có người cho con tự lập nhưng cứ hay xen vào những vấn đề riêng tư của gia đình con. Như chúng tôi chia xẻ trong một Câu Chuyện Gia Đình gần đây, có nhiều lý do khiến cha mẹ không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập. Chẳng hạn như :

1. Vì cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời con, xem con như là tiếp nối của đời sống mình.

2. Cha mẹ có mối quan hệ quá sâu đậm với con vì hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc.

3. Cha mẹ yêu thương con cách ích kỷ và muốn tiếp tục kiểm soát đời sống con.

4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con còn nhỏ vàø nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của mình.

5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.



Có những đôi vợ chồng khi chưa có con cái thì chăm sóc nhau rất là chu đáo, nhưng khi có con rồi, dành hết thì giờ cho con và quên đi người phối ngẫu. Những bà mẹ trẻ khi có đứa con đầu lòng thường hay vấp phải điều này. Trong một số gia đình, con cái là đối tượng của tình yêu và là mối quan tâm chính của hai vợ chồng. Điều này thường xảy ra trong những gia đình mà vợ chồng có những nan đề to lớn, không giải quyết được. Trong trường hợp này, người chồng thường tìm vui thỏa nơi công việc hay bạn bè, còn người vợ dồn hết thì giờ và tình thương cho con, vì con là niềm vui của mình. Xem con quan trọng và gần gũi hơn người phối ngẫu là điều rất nguy hiểm. Nó dễ khiến vợ chồng không gắn bó với nhau và khi con lớn, khó chấp nhận việc con xa lìa cha mẹ để tự lập. Đức Chúa Trời không định rằng quan hệ cha mẹ và con cái là quan hệ mật thiết nhất và cha mẹ phải dành hết thì giờ, tâm trí để lo cho con. Theo Lời Chúa dạy, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ quan trọng nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống con người, thứ đến mới là quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rồi đến quan hệ với những người khác. Vợ chồng cần xây dựng cho tình yêu của mình cho bền chặt rồi cả hai cùng lo cho con cái. Nếu vợ chồng quý nhau, cần nhau và gắn bó với nhau thì khi con cái từ giã gia đình để tự lập, chúng ta cũng buồn nhưng chỉ buồn ít và sẵn sàng chấp nhận, thông cảm với con chứ không buồn đến nỗi gây khó khăn cho con. Có một điều lạ là, nếu cha mẹ không cầm giữ nhưng cho con ra đi cách vui vẻ, thoải mái, các con sẽ trở về thăm thường xuyên, có khi còn muốn ở gần bên cha mẹ nữa. Ngược lại, nếu cha mẹ ngăn cản, buồn giận và gây khó khăn cho con, các con sẽ muốn lìa gia đình sớm, tìm cách đi xa và không dám sống gần bên cha mẹ.

Quý vị đang xây dựng hạnh phúc trên tình yêu vợ chồng hay tình yêu dành cho con cái? Thật tội nghiệp cho những đứa con cha mẹ dùng để giữ cho gia đình khỏi tan vỡ. Khi biết điều đó, con cái hoặc sẽ lo lắng, không dám lìa cha mẹ để gây dựng cuộc sống riêng hoặc sẽ tìm cách thoát ly gia đình trước khi đến tuổi trưởng thành.



Lý do III: Cha mẹ thương con bằng tình thương ích kỷ và muốn cầm quyền trên đời sống con

Có những cha mẹ khi con muốn đi học xa hoặc dọn ra riêng thì buồn giận và buộc con phải thay đổi dự tính đó. Những bậc phụ huynh này thương con và lo lắng cho con rất nhiều. Khi con còn nhỏ thì lo miếng cơm manh áo, lo việc học hành. Khi con lớn vẫn tiếp tục lo cho con mọi sự, từ chuyện nhỏ như miếng ăn, quần áo đến chuyện lớn như chọn ngành nghề và chọn vợ chọn chồng cho con. Những phụ huynh này thương con nhiều nhưng thương với tình yêu ích kỷ. Thật ra họ thương chính mình hơn là thương con, họ sung sướng khi thấy con còn cần cha mẹ, tùy thuộc cha mẹ và chỉ vui khi con vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Nếu con có ý gì khác với ý của cha mẹ hay không làm đúng theo sự suy tính của cha mẹ thì cha mẹ sẽ buồn giận ngay, cho con làbất hiếu, không thương, không biết nghĩ đến công ơn cha mẹ.

Một đặc điểm khác của những cha mẹ thương con cách ích kỷ là muốn nắm quyền trên con. Họ lo lắng cho con mọi thứ vì muốn kiểmsoát đời sống con hoàn toàn. Con cái chỉ được làm điều gì cha mẹ cho phép, học ngành nào cha mẹ đồng ý và lập gia đình với người cha mẹ chọn lựa. Có người xem việc hôn nhân của con như là của chính mình, mình đồng ý thì mới được. Những phụ huynh thích cầm quyền kiểm soát con cái thường không muốn con lìa cha mẹ như Lời Chúa dạy. Họ không nói thẳng ra như thế nhưng thường viện nhiều lý do để ngăn cản. Chẳng hạn như khi con muốn đi học xa hay đi làm xa, cha mẹ sẽ bảo rằng con đi như thế lỡ đau ốm không ai lo. Nếu con muốn ra riêng thì bảo là tốn kém lắm, không sống nổi, hoặc nói rằng người chung quanh sẽ gièm pha. Có người thì dùng hoàn cảnh đơn chiếc hay tình trạng sức khoẻ yếu kém của mình để ngăn cản con bước ra tự lập. Thật ra, có những bậc cha mẹ sống trong hoàn cảnh thật đáng thương mà con cái phải biết nghĩ lại, biết hy sinh và lo cho cha mẹ trước rỗi hẵng nghĩ đến hạnh phúc của mình, Nhưng cũng có những trường hợp cha mẹ còn đầy đủ, khoẻ mạnh, nhưng muốn tất cả con trai, con gái, dâu rể đều quây quần dưới một mái nhà và cha mẹ là chủ đại gia đình. Những đại gia đình sống như thế thấy rất vui vẻ nhưng thường không tránh được nan đề giữa người này với người kia. Những đôi vợ chồng trẻ sống chung với đại gia đình được có người lo việc cơm nước hoặc chăm sóc con cái để rảnh rang đi làm, đi học, nhưng đồng thời phải chịu những gò bó và thiếu sự riêng tư cho gia đình nhỏ bé của mình. Và điều bất lợi là, những người con trai đã có vợ mà sống chung với cha mẹ sẽ không thật sự làm chủ gia đình của mình như Lời Chúa dạy; những người con gái có chồng mà mẹ vẫn lo cơm nước cho mỗi ngày sẽ không trở nên người nội trợ giỏi, không biết quán xuyến việc nhà, không biết nuôi dạy con cái. Những người con được cha mẹ bảo bọc như thế dễ có tính ỷ lại vào người khác và dù lớn tuổi vẫn chưa trưởng thành.

Thánh Kinh dạy: "Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:4). Câu này hàm ý rằng chúng ta đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của mình nhưng cũng nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của người khác. Áp dụng vào việc cho con cái tự lập, chúng ta có thể nói: cha mẹ không nên chỉ nghĩ đến nỗi cô đơn hay thẩm quyền của mình nhưng cũng hãy nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của con nữa. Là cha mẹ, chúng ta ai cũng thương con và sẵn sàng hy sinh cho con. Nhưng chúng ta cần cẩn thận, đừng thương con quá đến độ xây dựng niềm vui và hạnh phúc của mình trên đời sống con hoặc thương con cách ích kỷ, muốn con ở dưới quyền của cha mẹ và cần đến cha mẹ mãi. Nếu cha mẹ thương con như thế, con sẽ trở nên hèn yếu, không trưởng thành, không thể tự lập. Con cũng có thể bất bình, chống lại cha mẹ hoặc tránh xa cha mẹ. Khi cha mẹ ràng buộc với con quá nhiều con sẽ cảm thấy mình là đứa con bất hiếu, có lỗi với cha mẹ khi nghĩ đến chuyện ra riêng, tự lập và vì lý do đó, niềm vui và hạnh phúc của con sẽ không trọn vẹn.

Cũng có người vì hoàn cảnh, sau khi lập gia đình vẫn sống chung với cha mẹ nhưng rất là thoải mái, vì dù sống chung dưới một mái nhà, cha mẹ không xen vào đời sống con nhưng thông cảm với con và tôn trọng gia đình của con. Đây là những bậc cha mẹ thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con. Không thương con bằng tình yêu ích kỷ, không kết hợp cuộc đời mình với cuộc đời con nhưng sẵn sàng cho con lìa gia đình để tự lập, sống với gia đình mới, vui hưởng hạnh phúc Chúa ban. Những bậc phụ huynh này không đau buồn khi con từ giã gia đình nhưng trái lại, hãnh diện và sung sướng thấy mình đã đào tạo nên một người hữu ích cho Chúa và cho xã hội.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#4 Posted : Saturday, May 28, 2005 2:45:43 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Khi con đến tuổi trưởng thành
Bài số 4


Khi lập gia đình, chúng ta mong có con cái. Khi có con, chúng ta hết lòng nuôi dưỡng, dạy dỗ vàmong cho con mau lớn. Chúng ta vui mừng thấy con khôn lớn và nên người trưởng thành, nhưng khi con từ giã cha mẹ để ra đời tự lập, chúng ta thấy có một niềm đau đớn trong lòng. Dù ít, dù nhiều, chúng ta cũng cảm thấy mất mát. Đây là một tình cảm thông thường và cần được thông cảm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết vì sao cha mẹ cảm thấy đau buồn, mất mát khi con lìa gia đình để bắt đầu đời sống riêng, để có thể hiểu con, hiểu chính mình và dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này. Có người đã nói, tất cả những thay đổi trong đời sống đều để lại trong lòng ta một chút luyến tiếc, dù đó là sự thay đổi mà ta mong muốn nhất.

Sở dĩ khi con cái lìa xa gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng, có những bậc cha mẹ quá đau buồn và lắm khi giận con, muốn cầm giữ con lại là vì những lý do sau:

1. Cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con, xem cuộc đời con là tiếp nối của cuộc đời cha mẹ.

2. Hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc nên cha mẹ dồn hết tình thương cho con, khiến tình mẹ con hay tình cha con sâu đậm hơn tình vợ chồng.

3. Cha mẹ thương con với tình yêu ích kỷ và muốn tiếp tục nắm quyền trên đời sống con.

4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con như còn nhỏ và nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của cha mẹ.

5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.

Kính thưa quý vị, năm lý do chúng tôi vừa nêu không phải là những điều cha mẹ cố tình làm nhưng đó là những tâm lý phức tạp, ẩn giấu trong tình cảm của một số các bậc cha mẹ mà chính quý vị đó cũng không biết và không thấy. Không cha mẹ nào cố tình ràng buộc với con theo năm cách trên để gây khó khăn đau buồn cho con, đây là những điều chúng ta làm một cách vô tình hoặc là tự nhiên, vì chúng ta nghĩ như thế là đúng.

Trong các câu chuyện gia đình trước đây, chúng tôi đã trình bày ba lý do đầu tiên nên hôm nay xin trình bày hai lý do còn lại:

Lý do IV. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con như còn nhỏ và nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của mình.

Một số người cho rằng con cái là do cha mẹ sinh ra nên con cái không thể nào hiểu biết và khôn ngoan bằng cha mẹ được. "Trứng làm sao khôn hơn vịt" là lý luận của các bậc phụ huynh này. Nhưng chúng ta không thể quên rằng con cái của chúng ta càng khôn lớn, sự hiểu biết càng gia tăng. Con cái không có nhiều kinh nghiệm về đời sống như cha mẹ nhưng phải nhận rằng ngày nay con cái có thể có những kiến thức và hiểu biết hơn cha mẹ trong nhiều phương diện. Xã hội nào xem thường thế hệ trẻ và không chấp nhận ý kiến của người trẻ thì xã hội đó sẽ chậm tiến. Con cái chúng ta khi đã lớn, có những suy tư, ý kiến mới mà chúng ta cần lắng nghe. Đừng bao giờ xem những đứa con đã lớn là con nít không biết gì. Cha mẹ không nên xem thường hay mắng mỏ con như những đứa bé nhưng cần tôn trọng con như người lớn. Sự xem thường của cha mẹ có thể khiến con cái buồn giận, bực bội, mặc cảm, có khi chính vì thế mà con tránh, không muốn ở gần cha mẹ. Nếu chúng ta nghĩ lại tâm trạng của mình khi bằng tuổi con bây giờ, và nhớ lại những khó khăn, khổ sở mình phải chịu ngày trước vì bị người lớn xem thường, thì chúng ta sẽ thông cảm với con và dễ tôn trọng con hơn.

Chúng ta nhớ rằng tất cả những gì chúng ta có là của Chúa. Chúng ta chỉ là người quản lý. Theo nguyên tắc đó, con cái không thuộc quyền sỡ hữu của cha mẹ mà thuộc quyền sở hữu của Chúa. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc và lớn lên để cho Chúa sử dụng. Nếu nhớ rằng con cái không thuộc quyền sở hữu của cha mẹ thì khi con phải lìa xa cha mẹ để tự lập, chúng ta sẽ không nắm giữ nhưng sẵn sàng để cho con đi. Chúng ta cũng sẽ không đau buồn vì không thấy là mình đã mất con. Bất cứ điều gì Chúa ban cho, dù là tài sản vật chất hay gia đình, người thân, chúng ta cũng không nên nắm giữ quá chặt. Có như thế thì khi Chúa cất đi, chúng ta mới không khổ sở và đau đớn.



Lý do V. Trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc cha mẹ mãi mãi

Một lý do khác nữa khiến cho cha mẹ thường buồn khi con cái đi tự lập là cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều. Có người quá nghèo khổ nên khi có con trông mong con lớn lên sẽ cứu vớt gia đình, thay đổi hoàn cảnh và sẽ là lời giải đáp cho tất cả mọi nan đề của gia đình. Nhưng đến khi con lớn, không làm đúng như điều cha mẹ trông mong, mà lại còn muốn tách rời cha mẹ để gây dựng đời sống riêng, vì thế cha mẹ không vui.

Cũng có người thương con quá nhiều, hy sinh tất cả mọi sự cho con để đời sống con được đầy đủ, sung sướng, và mong rằng khi con lớn sẽ nghĩ đến công ơn của cha mẹ và sẽ lo cho cha mẹ, nhưng khi con lớn, có thể tự lập, không biết nghĩ đến cha mẹ mà muốn tách ra để lo cho mình và gia đình mình. Đây thật là điều khiến cha mẹ thất vọng và đau buồn, nhất là trong trường hợp cha hoặc mẹ đã ly dị hoặc góa bụa, con cái là niềm an ủi duy nhất, là nơi cho cha mẹ nương tựa. Trong những trường hợp này, con cái phải nghĩ đến cha mẹ, và phải cố gắng mọi cách để giúp đỡ cha mẹ.

Trong trường hợp cha mẹ còn đầy đủ, khỏe mạnh nhưng đòi hỏi con cái phải ở gần, phụng dưỡng để báo hiếu thì điều đó hơi quá đáng. Thánh Kinh dạy rằng cha mẹ lo cho con cái, thế hệ trước lo cho thế hệ sau. Sứ đồ Phao-lô viết: "Thật, chẳng phải con cái nên chứa của quý cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn" (II Cô-rinh-tô 12:14). Trong bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, câu này như sau: "Không phải con cái có bổn phận tích của cho cha mẹ, mà là cha mẹ cho con cái." Câu này cho thấy, lẽ thường tình là cha mẹ lo cho con cái, con cái lớn lên lại lo cho con của chúng và cứ như thế hết thế hệ này đến thế hệ khác. Cha mẹ cần thông cảm với con cái, đừng trông mong hoặc đòi hỏi quá nhiều nơi con.

Có đôi vợ chồng kia vừa lo cho bà mẹ vợ già yếu vừa lo cho đứa con trai bị ung thư. Suốt hai năm hai vợ chồng dành hết thì giờ chăm sóc cho con và mẹ già nhưng cuối cùng đứa con qua đời. Sau khi lo đám tang cho con, hai vợ chồng sắp xếp công việc, định đi xa vài tuần để nghỉ ngơi và để vợ chồng có thì giờ với nhau. Ngay lúc đó, bà mẹ cho biết bác sĩ bảo bà phải giải phẫu đầu gối trong vòng một tháng sắp đến. Người con gái cho mẹ biết rằng hai vợ chồng cần đi xa khoảng hai tuần rồi sẽ trở về. Bà cụ này có thể chọn một ngày trong suốt bốn tuần bác sĩ cho để đi giải phẫu và bà đã chọn đi giải phẫu hai ngày trước khi vợ chồng người con gái lên đường. Hai vợ chồng rất là áy náy, không biết tính làm sao, thay đổi chương trình đã định thì không được mà cứ đi như đã dự tính thì không dám, vì biết rằng khi về sẽ nghe mẹ phiền trách, than van rất nhiều. Bà mẹ thì một mặt bảo con cứ đi chơi đừng thay đổi chương trình, một mặt nhất quyết không dời ngày đi giải phẫu. Đây là một ví dụ điển hình về những cha mẹ trông mong nơi con những điều quá đáng và không nghĩ đến hạnh phúc của con. Bà mẹ này không cố tình làm như thế nhưng đó là cách bà thường cư xử trong những vấn đề quan hệ đến con.

Kinh Thánh dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ và phải lo cho cha mẹ, nhất là trong trường hợp cha mẹ già yếu cô đơn, nhưng cha mẹ cũng nên nghĩ đến nhu cầu hay hạnh phúc của con. Sứ đồ Phao lô viết: "Hãy kính những người đàn bà góa thật là góa. Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu thì con cháu trước phải học điều hiếu thảo với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ, vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời… Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa." (I Ti-mô-thê 5:3-4, 8). Con cái không nêních kỷ, chỉ nghĩ đến niềm vui hay hạnh phúc của riêng mình nhưng cha mẹ cũng không nên dùng sự đau ốm, cô đơn hay quyền làm cha mẹ để ràng buộc, đòi hỏi con cái. Đẹp hơn hết là cha mẹ hy sinh cho con, còn con cái không quên công ơn sinh thành của cha mẹ, nhưng nghĩ đến cha mẹ và hết lòng giúp đỡ để bày tỏ lòng hiếu kính.

Để không đau buồn, thất vọng khi con cái đến tuổi trưởng thành phải từ giã gia đình để tự lập, là cha mẹ, chúng ta cần nhớ những điều sau đây:

1. Con cái lớn lên sẽ có đời sống riêng, cha mẹ không nên trông mong con làm thành những ước mơ mà mình chưa đạt được, hoặc dựa vào đời sống con để gây dựng lại đời sống của chính mình.

2. Đừng để tình mẹ con hay tình cha con trở thành đậm đà hơn tình yêu giữa vợ và chồng.

3. Thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, đừng thương con cách ích kỷ, muốn tiếp tục cầm giữ và kiểm soát đời sống con.

4. Khi con đã lớn, đừng xem thường con nhưng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Đừng xem con là vật sỡ hữu của mình.

5. Con cái phải hiếu kính cha mẹ nhưng cha mẹ cũng đừng trông mong quá nhiều nơi con.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#5 Posted : Friday, June 3, 2005 1:11:12 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Cha và Con Gái

Trong câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trình bày tiếp đề tài: Quan hệ giữa cha và con gái. Mỗi ông cha trong gia đình là một con người đặc biệt, thành hình bởi nhiều yếu tố và nhiều ảnh hưởng khác nhau. Những ảnh hưởng đó gồm có: tính bẩm sinh, tâm tính của cha mẹ, của anh chị em trong gia đình, sự giáo dục của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống, của văn hóa trong xã hội mà các cụ được trưởng dưỡng, và tùy cách các cụ nhìn vào đời sống, nhìn vào chính mình. Tất cả những yếu tố này tạo thành người cha của chúng ta. Vì thế để thật sự biết rõ cha, chúng ta không chỉ nhìn vào việc làm, lời nói và cách cư xử của các cụ nhưng còn phải nhìn vào nhiều khía cạnh khác.

Mỗi ông cha là một nhân vật đặc biệt, không ông cha nào giống ông cha nào. Mỗi ông cha đều có ưu điểm và khuyết điểm cũng như những cá tính riêng. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến con cái và mối quan hệ giữa cha con. Khi mối quan hệ của ta với cha không tốt đẹp hoặc có những điều khiến ta buồn phiền, chúng ta thường nghĩ: phải chi bố của mình thay đổi, ước gì bố mình giống như người này người kia thì tình cha con đã tốt đẹp hơn. Thưa quý vị, không ai có thể thay đổi người khác, mà những người đã lớn tuổi lại càng khó thay đổi. Thay đổi lòng người là điều chỉ một mình Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời có thể làm được. Dù không thể thay đổi cha để mối quan hệ giữa ta với người được tốt đẹp hơn, điều chúng ta có thể làm là chấp nhận cha và tìm hiểu cha để thông cảm và thương yêu người hơn. Chúng ta có cần nhìn vào quá khứ, hoàn cảnh gia đình, vào những thiệt thòi khó khăn mà cha phải chịu trong thời thơ ấu để hiểu tại sao cha nói hay làm những điều mà ta thấy như là vô lý.
Trong quyển sách tựa đề Making Friends with Your Father, bà Kay Marshall Strom cho biết, nói về mối quan hệ với con gái, chúng ta thấy có sáu nhóm ông cha khác nhau như sau:

1. Những ông cha thương và quý con gái
Nếu gia đình có ba bốn con trai rồi mới có một đứa con gái, người con gái đó thường được cha mẹ cưng chiều, yêu thương đặc biệt. Có những ông cha đi đâu cũng dẫn con gái theo, lúc nào cũng đem hình con ra khoe với bạn bè. Vì thương và quý con, dù bận đến đâu người cha đó cũng có thì giờ cho con, tham dự những sinh hoạt của con để khích lệ và khen thưởng con. Nhờ tình thương của cha, những người con gái này lớn lên có lòng tự tin và nhìn thấy giá trị của mình nên dễ thành công ở đời. Nếu ai cũng có người cha như thế thì quá hạnh phúc, nhưng trong thực tế những ông cha gần gũi, chăm sóc con, thông cảm với con như thế rất là hiếm. Chúng ta thường có những ông cha khác như:

2. Những ông cha lúc nào cũng lo con hư hỏng

Có những ông cha lúc nào cũng sợ con gái mình hư hỏng vì thế theo dõi, kiểm soát và cấm đoán đủ mọi điều. Chẳng hạn như, thỉnh thoảng con mới xin đi chơi nhưng không cho vì không tin con. Con gái phải ăn mặc theo những kiểu áo và màu sắc cha chọn, phải trang điểm theo tiêu chuẩn của cha. Bạn bè của con ông cha cũng biết rõ hết, người nào cha nghi ngờ hay không thích thì con không được tiếp xúc nữa. Khi người con gái bắt đầu có bạn trai, những ông cha này rất lo lắng, và chỉ người con trai nào ông cho là được, theo tiêu chuẩn của ông, thì con mới được làm quen. Con cũng không được đi học xa, việc chọn ngành nghề cũng do cha quyết định. Khi không được cha tin cậy nhưng nghi ngờ và kiểm soát mọi chi tiết trong đời sống, người con gái có thể sẽ vâng lời, chấp nhận sự gò bó nhưng cũng có thể phản loạn và trở thành hư hỏng.

3. Những ông cha thiên vị

Có những ông cha thương con gái hơn con trai, thương con này nhiều hơn con khác và biểu lộ công khai sự thiên vị đó. Trong trường hợp này, người con được thiên vị sẽ sung sướng nhưng có thể bị anh chị em trong gia đình ganh ghét. Người con gái được cha thiên vị sẽ tùy thuộc nơi cha, trông mong quá nhiều nơi cha và khi lớn lên, khó tách rời cha để tự lập và nên người trưởng thành.

4. Những ông cha độc tài

Những ông cha độc tài thường xử sự như ông chủ hay ông vua trong gia đình và thường áp dụng kỷ luật cứng rắn đối với con. Người cha nói gì con cái đều phải vâng theo; các con, nhất là con gái, không bao giờ được có ý kiến. Nếu con không đồng ý hoặc thắc mắc điều gì liền bị cho là vô lễ, cứng đầu. Trong gia đình, người cha luôn luôn ra lệnh và con cái phải luôn luôn vâng lời, nếu không vâng lời sẽ bị trừng phạt. Những người cha độc tài như thế thường tạo ra hai nhóm con gái, (1) Những người con gái nhút nhát, mặc cảm, thiếu tự tin; sẵn sàng chạy theo người đàn ông nào có vẻ hiền lành hoặc nói năng ngọt ngào, tử tế. (2) Những người con gái phản loạn, luôn luôn chống lại sự độc đoán của cha, làm ngược lại những gì cha dạy bảo, có khi cố tình làm điều quấy cho cha tức giận.

5. Những ông cha nhu nhược

Có những ông cha lại quá nhu nhược, không làm chủ gia đình, không đặt tiêu chuẩn hay luật lệ rõ ràng cho con cái vâng theo. Trong những gia đình này người mẹ thường cứng rắn hơn và nắm quyền trong gia đình. Những người con gái lớn lên trong hoàn cảnh này biết rằng cha không phải là người cho mình nương tựa, cảm thấy thiếu thốn sự hướng dẫn và bảo bọc của một người cha, và có khi thấy mình có trách nhiệm phải làm một điều gì đó để giúp cha trở nên mạnh mẽ hơn.

6. Những ông cha không làm chủ chính mình

Đây là trường hợp những ông cha bị những chứng nghiện ngập hay có những thói quen xấu không bỏ được. Những ông cha này không có đời sống gương mẫu cho con noi theo, và vì không làm chủ chính mình, có khi còn trở thành bạo hành, hung dữ, đánh đập mắng mỏ con, khiến con bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần.

Ngoài sáu nhóm vừa kể còn có những ông cha không làm tròn trách nhiệm. Đây là những ông cha bỏ bê vợ con để chạy theo hạnh phúc riêng hoặc vì ham công ăn việc làm, thường vắng mặt trong gia đình. Những ông cha này không có mối quan hệ tốt đẹp với con và những người con gái trong gia đình lớn lên thường thương hại cho chính mình không nhận được tình thương của cha hoặc căm giận cha vì cha không có mặt bên cạnh khi mình cần đến.

Người con gái nào khi còn nhỏ cũng yêu thương và khâm phục cha, nhưng khi bắt đầu biết suy nghĩ nhận thức vấn đề, lòng yêu thương và khâm phục đó có thể bị giảm đi hoặc không còn nữa, vì đời sống và cách cư xử không tốt đẹp của cha. Tuy nhiên, điều chúng ta cần nhớ là ông cha nào cũng thương con. Sở dĩ lắm khi cha nói hay làm những điều khiến con không cảm nhận được tình thương là vì phái nam ít bày tỏ tình cảm. Hơn nữa, cha chúng ta dù sao cũng là những con người yếu đuối và bất toàn, không thể nào tránh được lầm lỗi. Những lầm lỗi đó một phần đến từ chính ông nhưng một phần là do ảnh hưởng của văn hóa, xã hội và của những thế hệ trước để lại.

Hiểu điều này, chúng ta sẽ không phiền trách hay buồn giận cha về những gì xảy ra trong quá khứ. Điều chúng ta có thể làm và cần làm để mối quan hệ giữa chúng ta với bậc sinh thành được tốt đẹp là chúng ta chấp nhận những bất toàn của cha và một lòng yêu thương, biết ơn cha vì công sinh thành dưỡng dục. Nếu chúng ta là những người con gái đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, chúng ta không phải sống dưới quyền của cha nữa. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, chúng ta đều biết câu đó. Người mà chúng ta phải tùng phục khi đã có gia đình riêng là chồng chứ không phải là cha. Kinh Thánh cũng dạy người đàn bà phải vâng phục chồng, vì chồng là chủ gia đình. Nếu giữa chúng ta và cha có sự thông cảm, tôn trọng, hai bên có thể tâm tình, trò chuyện như bạn của nhau, đó là điều rất quý, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dành thì giờ với cha để cha con tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp đó.

Còn nếu cha con khó xích lại gần nhau vì thiếu thông cảm và thiếu tôn trọng. Nếu cha vẫn xem con gái đã lớn như làđứa bé con bảo gì phải nghe nấy, muốn mắng mỏ thế nào cũng được hay đòi hỏi gì cũng phải chiều ý. Trong trường hợp đó chúng ta vẫn yêu thương và hiếu kính cha, nhưng cần cho cha thấy rằng chúng ta không phải là đứa bé con ngày xưa. Hơn nữa, chúng ta còn có những bổn phận và trách nhiệm khác phải chu toàn, như bổn phận với gia đình riêng, trách nhiệm trong sở làm, v.v... vì thế không thể làm tất cả những gì cha đòi hỏi. Nhưng trước khi tách ra khỏi sự ràng buộc hay kiểm soát của cha, chúng ta cần đặt những câu hỏi như: Tôi có còn tùy thuộc cha về mặt tài chánh không? Nếu còn chúng ta phải cố gắng chấm dứt điều đó. Một câu hỏi khác là: Cha có ai ở gần để trò chuyện cho khỏi cô đơn không? Nếu không, chúng ta cần tạo cơ hội để cha gặp gỡ những người bạn cùng tuổi. Nếu cha đau ốm cần chăm sóc thuốc men, miếng ăn thức uống, dĩ nhiên là chúng ta phải chăm sóc hết lòng. Điều quan trọng là chúng ta làm trọn những gì cần phải làm trong bổn phận của người con nhưng đừng để cho những buồn đau trong quá khứ cũng như những điều vô lý hay độc tài độc đoán của cha ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình hay hạnh phúc của gia đình mình. Lời Chúa dạy: "Hỡi kẻ làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm, hãy tôn kính cha mẹ hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất" (Ê-phê-sô 6:1-3).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#6 Posted : Friday, June 3, 2005 1:20:16 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Cha và Con Gái (tiếp theo)
Để tiếp nối đề tài trước đây về quan hệ giữa mẹ và con gái, hôm nay chúng tôi xin nói về quan hệ giữa cha và con gái. Tất cả phụ nữ trên đời, dù giàu hay nghèo, học thức hay không, và dù sống ở đâu, trong thời đại nào, cũng có một điểm chung, đó là có một người cha và có một mối quan hệ đặc biệt với cha của mình.

Khi nhắc đến cha, quý vị, đặc biệt là quý bà quý cô, có cảm nghĩ như thế nào? Có lẽ có người thấy ông cha là một nhân vật xa cách trong cuộc đời, mình sợ nhiều hơn là yêu thương. Có người khi nghĩ đến cha thì trong lòng có cảm xúc buồn giận, cay đắng, vì người cha đó đã gây đau khổ cho mẹ mình. Cũng có người không có một cảm nghĩ nào về cha vì người cha đó đã qua đời hay đã lìa khỏi gia đình từ lâu, giữa cha con không có một quan hệ gần gũi nào. Có người vì những kỷ niệm đau buồn trong thời thơ ấu nên khi lớn không muốn nhắc đến cha. Cũng có những người con gái nghĩ đến cha với một tình cảm tốt đẹp, tràn đầy lòng thương yêu và biết ơn. Chúng tôi không biết quý vị ở vào hoàn cảnh nào, mang tâm trạng như thế nào, nhưng ước mong những gì chúng tôi chia xẻ trong đề tài này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về người cha của mình, và nhờ đó, mối quan hệ giữa chúng ta với bậc sinh thành được tốt đẹp hơn.

Một người con gái nọ nói lên cảm nghĩ về cha như sau:

Cha tôi là người nóng tính. Mỗi lần ông nổi giận tôi sợ vô cùng, và ông nổi giận thường xuyên, vì thế lúc nào tôi cũng sợ ông. Bây giờ mỗi khi nhắc đến cha, tính giận dữ của ông là điều mà tôi và anh chị em trong gia đình ghi nhớ rõ ràng nhất. Nhưng một ngày nọ tôi rất ngạc nhiên khi xem lại những bức hình cũ của gia đình. Có một tấm hình cha tôi cõng tôi trên vai, ông cười thật tươi, tôi cũng cười, hai tay tôi nắm lấy hai cái tai của cha, không ngờ tôi dám làm như thế! Trong một bức hình khác tôi vừa sợ hãi nhìn một con chó to đứng gần, vừa níu lấy cha cầu cứu còn ông thì ôm tôi vào lòng che chở một cách thật trìu mến. Lại có một bức hình khác nữa, cha tôi tập tôi đi xe đạp, ông cúi người xuống vịn chiếc xe và chạy theo đằng sau trong khi tôi ngước mặt lên hãnh diện và sung sướng. Nhìn những bức hình này tôi bỗng thấy một hình ảnh khác của cha tôi. Đó là ông không chỉ là người cha nghiêm khắc nóng tính như tôi vẫn in trong trí nhưng cũng là một người cha vui vẻ, yêu thương, chăm lo cho tôi, đây là hình ảnh mà tôi đã quên hoặc không bao giờ nghĩ đến.

Trong quyển sách tựa đề: Making Friends With Your Father, Làm Bạn Với Cha, tác giả Kay Marshall Strom cho biết, khi nói đến ảnh hưởng của người cha trong cuộc đời con cái, người ta thấy ông cha vừa là người quan trọng nhất, vừa là người kém quan trọng nhất trong cuộc đời của con. Lý do là vì, trong vai trò đi làm nuôi sống gia đình thì người cha là quan trọng nhất, không thể thiếu được, nhưng trong vai trò yêu thương chăm sóc con cái, thì hầu hết các ông cha đứng vào hàng thứ yếu, mẹ mới là người quan trọng nhất. Hình ảnh chung mà chúng ta có về cha mẹ của mình là: cha thì nghiêm nghị, cứng rắn, xa cách; mẹ thì dễ dãi, gần gũi, yêu thương thông cảm với con. Đức Chúa Trời đã tạo nên người cha người mẹ với những đặc tính chung như thế để việc nuôi dạy con cái được quân bình, và để con cái không bị hư hỏng vì cha mẹ quá dễ dãi hay quá cứng rắn.

Dù mối quan hệ giữa người con gái với cha như thế nào, quan hệ đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính và đời sống của người con đó. Tương tự như mẹ và con, cha với con cũng sống chung với nhau một khoảng thời gian dài trong cuộc đời, vì thế hai bên có một vị trí quan trọng trong cuộc đời của nhau. Ngay cả khi một người đã chết, ảnh hưởng đó vẫn còn mạnh mẽ trên người kia. Quan hệ với cha dù tốt đẹp hay không cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của người con gái vào đời sống và cách người đó chọn người bạn đời.

Người ta nói rằng, nếu muốn hiểu một người con gái, hãy để ý mối quan hệ của người đó đối với cha. Những điều xảy ra trong gia đình, trong thời thơ ấu và trong mối quan hệ với cha là chiếc chìa khóa để ta hiểu được ưu điểm, khuyết điểm cũng như những ưu tư , lo lắng và ước mơ của người con gái. Ông cha trong gia đình là hình ảnh đầu tiên về người khác phái mà người con gái nhìn thấy. Và dù người cha có để ý hay không, cha là người dạy cho con gái cách ứng xử với người khác phái. Nếu người con gái có mối quan hệ tốt với cha sẽ nghĩ tốt về đàn ông, và muốn có một người chồng có những ưu điểm như cha. Nếu cha để lại trong con gái một hình ảnh không mấy tốt về đàn ông, người con gái đó cần cẩn thận trong mối quan hệ với người khác phái, vì có thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến hoặc có cái nhìn sai lầm về phái nam nói chung.

Mối quan hệ giữa ông cha và con gái thường thuộc vào một trong những khuôn mẫu sau:

Được cha cưng chiều

Những người là con gái một hay con gái út trong gia đình thường được cha thương yêu, chiều chuộng. Ông cha cưng con thấy con làm gì cũng tốt, cũng hay nên ít khi sửa dạy; con muốn gì cũng được, sẵn sàng làm tất cả để cho con vui. Những người con gái đó lớn lên nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, khi có gia đình thường trông mong quá nhiều nơi chồng và vì thế dễ thất vọng khi thấy chồng không chiều mình như cha ngày trước. Những người con gái được cha cưng chiều khi có gia đình cũng khó tách rời khỏi sự ràng buộc của cha, vì thế gia đình cũng dễ có nan đề.

Không được cha thương yêu và chấp nhận

Ngược lại, vì một lý do sâu xa nào đó, có những người con gái dù cố gắng bao nhiêu cũng không được cha yêu thương và chấp nhận, không bao giờ được cha khen, cho quà hay đưa đi chơi. Có một cô con gái kia cố gắng học đứng đầu lớp, về nhà hết sức vâng lời cha mẹ, giúp đỡ việc nhà nhưng không bao giờ được cha khen hay chú ý đến. Khi cô có chuyện lo buồn, cha không biết đến, khi có chuyện muốn nói cũng không dám vì cha cứ gạt đi chứ không muốn nghe. Vì những điều đó người con gái lớn lên mang nhiều mặc cảm, nghĩ mình không có giá trị gì so với những người khác trong gia đình.

Không hợp tính cha, chống nghịch với cha

Cũng có những người con gái không hợp tính với cha. Khi cha bảo điều này, khuyên điều kia thì khó chịu, muốn chống lại hay làm ngược đi. Những ý kiến của cha con gái không chấp nhận mà việc làm của con gái cha cũng không bằng lòng. Cha con luôn có những ý kiến trái ngược nhau, khi nói chuyện thường bất đồng ý kiến hơn là hiểu và thông cảm nhau. Những người con gái như thế không thích giống cha nhưng lại thường có tính giống cha mà không biết. Vì hai bên đều thấy mình đúng người kia sai nên cha con khó xích lại gần nhau để thông cảm nhau.

Lúc nào cũng muốn làm vui lòng cha

Có những gia đình con cái không được phép làm hay nói điều gì trái ý cha mẹ. Những người con gái trong gia đình này nghĩ rằng mình có bổn phận phải làm cho cha vui lòng luôn luôn, như thế mới được cha thương. Vì suy nghĩ như thế nên cha bảo gì, dù không muốn hay không đồng ý, cũng cố gắng vâng theo. Kể cả những quyết định quan trọng như chọn ngành nghề hay chọn người bạn đời cũng đều theo ý của cha. Mối quan hệ này bề ngoài trông có vẻ tốt đẹp nhưng sau này có thể để lại cay đắng trong lòng người con, vì thấy mình lúc nào cũng phải chiều ý cha chứ không được nói hay làm những gì mình mong muốn.

Sợ cha

Có những người con gái rất sợ cha, không những sợ khi còn nhỏ mà khi đã lớn, đã ra khỏi nhàvẫn còn sợ. Đây là trường hợp những người có ông cha nóng nảy hung dữ, say sưa, hay đánh đập la mắng con vô cớ, hoặc những ông cha áp dụng những kỷ luật quá nghiêm khắc, không thông cảm với những vụng về của con, thương con nhưng không biểu lộ ra nên con không cảm nhận được. Những người con gái sống trong khung cảnh này thường sợ và lánh xa cha để được an toàn, và khi lớn lên có thể có ác cảm với người khác phái.

Được cha chăm sóc, hướng dẫn trong tình thương và kỷ luật

Đây là mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa cha và con gái. Người con gái khi còn nhỏ được cha chú ý, chăm sóc dạy bảo, không chiều chuộng quá đáng cũng không độc tài độc đoán với con. Khích lệ khi con làm điều tốt, tha thứ khi con lầm lỗi và chấp nhận khuyết điểm của con, sẵn sàng xin lỗi con khi lầm lỗi. Khi con đã lớn, cư xử như người lớn, tôn trọng ý kiến và quyết định của con. Tất cả những điều đó giúp con nhìn thấy giá trị của chính mình, tự tin khi bước ra khỏi sự bảo bọc của cha mẹ.

Được cha thương nhưng mẹ ganh tị

Đây là điều ít xảy ra nhưng không phải là không có. Có những ông chồng thương con gái nhiều hơn thương vợ, khiến người vợ, tức là người mẹ trong gia đình, lo lắng và ganh với con, sợ chồng dành hết tình thương cho con và không thương mình nữa. Có những bà mẹ thấy chồng và con gái trò chuyện tâm tình với nhau nhiều hơn là với mình thì không vui và tìm cách chia rẽ tình cha con. Đây có thể một phần là do sự thiếu tế nhị của người cha trong gia đình, cũng có thể vì người mẹ không biết lắng nghe chồng, không tôn trọng chồng nên người chồng tìm sự bù đắp đó nơi con gái. Dù sao đây là một quan hệ thiếu quân bình, cần được sửa đổi (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#7 Posted : Friday, June 10, 2005 1:53:07 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 1


Hôm nay chúng tôi xin trình bày một vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm đối với hạnh phúc trong gia đình chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Không phải chỉ riêng trong văn hóa Á đông mới có vấn đề mẹ chồng nàng dâu mà hầu như văn hóa nào, dân tộc nào và trong thời buổi nào, thế hệ nào, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng là một đề tài được nói đến rất nhiều trong sách vở và là vấn đề đem lại đau khổ và nước mắt cho nhiều gia đình.

Nếu để ý, chúng ta thấy rằng trong các mối quan hệ giữa người với người, ngoại trừ quan hệ vợ chồng, quan hệ mẹ chồng với nàng dâu là điều được sách vở nói đến rất nhiều và thường được mô tả như là một quan hệ không mấy tốt đẹp, đến nỗi khi nghe đến chữ mẹ chồng nàng dâu là chúng ta có thể nghĩ ngay đến bao nhiêu nan đề chung quanh hai nhân vật đó. Vì sao vậy? Vì mẹ chồng và nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không quan hệ máu mủ, không ràng buộc bà con, nhưng hai người có một vai trò, một vị trí đặc biệt trong gia đình. Cả hai đều có mối quan hệ đậm đà mật thiết với cùng một người đàn ông: một bên là quan hệ mẹ con, một bên là quan hệ vợ chồng, và đó là lý do khiến mối quan hệ giữa hai người đàn bà đó thường dễ căng thẳng và có nhiều xung đột.

Một bà mẹ chồng kia tâm sự với bạn: "Tôi có hai cô con dâu, tôi và hai cô rất là thương yêu, gần gũi, chẳng khác gì mẹ với con gái. Tôi không hiểu tại sao người ta hay có thành kiến về quan hệ mẹ chồng nàng dâu và cứ hay viết truyện cười hay tranh hí họa chế giễu mẹ chồng với nàng dâu." Người bạn của bà mẹ này là một người chuyên về tâm lý nên nói: "Gia đình chị như thế là may mắn và đặc biệt lắm, vì thường thường rất nhiều người có nan đề với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ, nhất là nan đề giữa mẹ chồng và con dâu. Thường thường là vì các bà mẹ thấy khó chấp nhận người đàn bà mà con trai mình đã chọn làm vợ. Người nào con chọn hầu như cũng không đúng với tiêu chuẩn của bà và không xứng với con bà. Nhiều khi người con dâu đó do chính bà mẹ chọn nhưng sau một thời gian cũng có nhiều điều bà không chấp nhận."

Nếu quý vị đã có gia đình, quý vị có mối quan hệ tốt đẹp với người đàn bà đã sinh ra chồng mình hay vợ mình không? Riêng với quý bà, quý cô, quý vị có cảm thấy gần gũi thân thương với mẹ chồng, được mẹ chồng yêu thương và thông cảm hay lúc nào giữa hai người cũng có một sự căng thẳng nào đó không giải thích được? Nếu đó là thực tế quý vị đang đối diện, quý vị không phải là người duy nhất ở trong tình trạng này. Tình trạng đó xảy ra cũng không phải là lỗi của quý vị hay lỗi của người mẹ chồng nhưng nguyên do là vì có những yếu tố tâm lý phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và người con dâu. Nếu đôi bên hiểu được những tâm lý phức tạp này và thông cảm, chấp nhận nhau, quan hệ giữa hai người sẽ trở nên tốt đẹp. Nhà tâm lý học Tin Lành nổi tiếng, tiến sĩ Norman Wright có viết quyển sách tựa đề: "The Other Woman in Your Marriage," tạm dịch là "Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn." Trong quyển sách này ông trình bày những đặc điểm trong quan hệ giữa mẹ và con trai, tâm lý của các bà mẹ chồng và những điều chúng ta cần làm, để mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu được tốt đẹp.

Mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống con cái. Không chỉ những đứa bé con hay những người con gái mềm yếu mới có mối quan hệ đậm đà với mẹ nhưng những người con trai cứng rắn, những người đàn ông mạnh mẽ, đã trưởng thành, đã có gia đình, có địa vị trong xã hội, vẫn cảm thấy gần với mẹ và chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Người ta quan sát và nhận thấy rằng trong những giờ phút vui nhất, buồn nhất, sợ hãi nhất, sung sướng nhất, người mà các ông, các anh nghĩ đến trước nhất là mẹ chứ không phải là cha. Một người dù ở tuổi nào, dù xa gia đình bao lâu, sâu kín trong tâm hồn vẫn nối liền với mẹ trên một phương diện nào đó. Sở dĩ mối quan hệ mẹ con bền chặt và đậm đà như thế là vì mẹ là người đầu tiên yêu thương, vỗ về ôm ấp chúng ta khi chúng ta sinh ra đời. Mẹ cũng là người giữ vai trò chính yếu trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta. Người mẹ có ảnh hưởng lớn lao trên con cái nhưng đặc biệt là ảnh hưởng trên con trai. Ảnh hưởng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, tốt hoặc không tốt nhưng nó luôn luôn chi phối những quyết định quan trọng, những công việc đứa con làm và chi phối luôn cả mối quan hệ của con đối với người chung quanh.

Nhìn lại đời sống của chính mình và người chung quanh, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của người mẹ trên con cái, đặc biệt là đối với con trai. Một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của người mẹ trên đời sống con trai là trường hợp Thủ tướng Winston Churchill của nước Anh. Chúng ta thường nghĩ đến ông Churchill là một lãnh tụ lớn, đã làm thay đổi lịch sử thế giới nhưng ít ai biết rằng ông là người chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Khi còn nhỏ, ông Churchill là đứa bé thông minh nhưng nghịch ngợm khó thương. Ông bị cha ruồng bỏ không chấp nhận vì ông hư hỏng, khó dạy. Tuy nhiên bà mẹ của Churchill không nản lòng, bà quyết tâm hướng dẫn và thúc đẩy con. Chính bà là người hướng dẫn ông vào con đường chính trị, giới thiệu ông với các chính trị gia trong nước. Khi ông đã trở thành một nhà chính trị, bà tiếp tục gởi sách cho con đọc, bàn thảo về chính trị với con. Trong suốt bao nhiêu năm, bà mẹ của thủ tướng Churchill đã ảnh hưởng trên các quyết định quan trọng của ông và chính bà là người giúp ông viết những tài liệu mà chúng ta có ngày nay. Có thể nói, bà mẹ của ông Churchill đã làm việc bên cạnh ông trong thời gian ông bắt đầu sự nghiệp và bà đã ảnh hưởng cả cuộc đời ông. Bà không những khích lệ ông, giúp ông bền bỉ chịu đựng khó khăn nhưng cũng đã thúc đẩy ông rất nhiều. Thủ tướng Churchill biết rõ ảnh hưởng của mẹ trên sự nghiệp của ông nên có lần ông tuyên bố: "Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi, tôi mang ơn mẹ tôi về mọi điều nhưng không mang ơn cha tôi một điều nào cả!"

Bao nhiêu anh hùng, vĩ nhân khác trên thế giới đã chịu ảnh hưởng của mẹ, mang ơn mẹ hoặc là ở dưới sự kiểm soát của mẹ suốt cả cuộc đời mà chúng ta không thể kể hết được. Điều đó cho thấy sự ràng buộc chặt chẽ đậm đà giữa người mẹ và con trai. Mối quan hệ mẹ con bền chặt đó có khi đem lại những điều tốt đẹp nhưng cũng lắm khi mang lại đau đớn và bất hạnh cho đứa con và những người liên hệ.

Khuynh hướng chung của các bà mẹ là thương con trai và muốn chăm sóc con về mọi mặt, dù khi con đã trưởng thành hay đã cao tuổi. Sự chăm sóc kỹ lưỡng của người mẹ ích lợi như thế nào chúng ta không biết nhưng khuynh hướng này thấy rõ nơi hầu hết các bà mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết, người con trai học biết những cảm xúc vui buồn giận ghét từ nơi mẹ. Ngay từ nhỏ, người con trai đã cảm nhận sự khác biệt trong tình cảm giữa cha với mẹ, chẳng hạn nghĩ đến cha là nghĩ đến chuyện học hành, tiền bạc; nói đến mẹ là nói đến các món ăn, đến chuyện ăn uống; ở gần cha thì lo lắng, căng thẳng, ở bên mẹ thì được thoải mái và an toàn. Tình thương của cha thưòng là tình thương có điều kiện, tình thương của mẹ là tình thương vô điều kiện. Từ nơi mẹ, người con trai nhận được sự nuôi dưỡng, bảo bọc cho cuộc đời và đó chính là kinh nghiệm quý báu của sự chăm sóc linh hồn, vì thế người con trai ràng buộc với mẹ sâu đậm hơn là với cha. Có nhiều người đàn ông khi mất mẹ, dù đã lớn, vẫn đau buồn rất nhiều, có người buồn đến nỗi suy sụp trong công việc và tình cảm, vì sự mất mát đó quá lớn.

Là vợ, quý vị có nhìn thấy đặc điểm nào của mẹ chồng nơi người chồng của mình không? Chắc chắn là có. Chúng ta cần nhìn thấy những đặc điểm của mẹ chồng nơi chồng, không phải để phê bình hay sửa đổi, nhưng để hiểu chồng hơn và biết cách ứng xử với chồng và mẹ chồng như thế nào cho tốt đẹp. Nhìn vào ảnh hưởng của mẹ chồng nơi người chồng cũng sẽ giúp chúng ta trong tương lai, khi con trai chúng ta lập gia đình và chúng ta trở thành mẹ chồng. Hãy để ý đến những ảnh hưởng chúng ta để lại nơi con trai, ảnh hưởng tốt cũng như xấu, những hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta biết cách cư xử với con dâu và thông cảm với con dâu hơn. Người mẹ nào cũng có ảnh hưởng rất lớn trên con trai nhưng vì không được hướng dẫn trong việc nuôi dạy con để biết mình nên tạo ảnh hưởng gì trên con. Hầu hết chúng ta chỉ nuôi dạy con theo khôn ngoan và hiểu biết tự nhiên, và nghĩ những gì mình làm cho con là đúng và tốt cho con. Nhiều khi trong vai trò làm mẹ chúng ta thương con một cách ích kỷ, quá nuông chiều con hoặc quá độc đoán với con mà không biết, vì thế đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#8 Posted : Friday, June 10, 2005 1:55:51 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 2


Thanh và Nga lập gia đình đã hơn ba năm. Hai người yêu nhau và gia đình thật hạnh phúc. Tuy nhiên có một điều khiến hai vợ chồng rất buồn, đó là mẹ Thanh không chấp nhận người con dâu của mình. Dù Nga cố gắng vui vẻ, ngọt ngào với mẹ chồng, giúp bà tất cả những gì nàng có thể làm được; nhưng đối với bà, nàng chỉ là người ở ngoài gia đình bà. Một ngày nọ, nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ chồng, tất cả anh chị em đều về đông đủ, buổi họp mặt thật vui vẻ. Nhân dịp này Thanh mời một người thợ đến để chụp vài bức hình cho đại gia đình. Khi mọi người đứng vào chỗ để chụp hình, bà mẹ chồng bảo Nga bước ra, không được có mặt trong hình. Bà nói nàng không có quan hệ máu mủ, nên không phải là một phần tử trong gia đình! Nghe vậy, hai vợ chồng Thanh sững sờ, những anh chị em khác cũng bất bình nhưng vì bà có uy quyền rất lớn nên không ai dám lên tiếng bênh vực người con dâu. Một lần khác, cả gia đình đi nghe nhạc, khi ngồi vào ghế mẹ Thanh thấy mình ngồi gần con dâu, bà liền đứng lên, đổi chỗ khác và tuyên bố: "Tôi chỉ muốn ngồi gần con trai của tôi!"

Câu chuyện trên chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp những bà mẹ chồng không chấp nhận nàng dâu. Nếu quý vị có đọc những tác phẩm như Đoạn Tuyệt, Cô Giáo Minh, hoặc những tiểu thuyết gia đình khác thì cũng đã thấy nan đề này. Tại sao giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn luôn có vấn đề trong cách ứng xử với nhau? Chúng ta cần biết nguyên nhân hầu có thể bỏ đi cái điều không mấy tốt đẹp này. Dĩ nhiên là có những bà mẹ chồng rất tốt với con dâu, thương con dâu như con gái. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận rằng nan đề giữa mẹ chồng nàng dâu là một vấn đề phổ quát, phức tạp và tế nhị. Một trong những nguyên nhân khiến một số bà mẹ chồng thấy khó thương con dâu là vì các bà thương con trai một cách ích kỷ, xem con trai như là sở hữu của mình, thuộc về riêng mình. Các bà không chấp nhận sự kiện có một người đàn bà khác xen vào giữa mình với con, chiếm mất tình cảm con dành cho mình. Không những thế, những bà mẹ quá quý con trai thường thấy rằng không có người con gái nào xứng đáng với con mình. Con chọn người nào hay thương người nào các bà cũng không chấp nhận. Nhiều bà vì muốn có cháu bồng nên phải cho con trai lấy vợ nhưng vẫn không chấp nhận con dâu, không kể con dâu là một thành viên của gia đình.

Giữa mẹ và con trai lúc nào cũng có một tình cảm sâu đậm và người mẹ có một ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời người con trai. Sở dĩ tình mẹ con sâu đậm là vì khi con chào đời, mẹ là người đầu tiên chăm sóc con, ban tình thương cho con. Hơn nữa, con trai rất quan trọng đối với các bà. Khi sinh được con trai đầu lòng, người vợ thường cảm thấy thỏa nguyện và bớt lo lắng vì đã sinh được một đứa con trai để nối dõi cho chồng. Những người chỉ sinh con gái lắm khi cảm thấy như mình chưa làm trọn trách nhiệm của một người vợ. Không những thế, hầu hết các bậc cha mẹ, dù không nói ra, thường có khuynh hướng quý con trai hơn con gái. Con trai không phải phục vụ trong gia đình, không phải làm việc nhà nhiều như con gái. Về vấn đề kỷ luật, con trai không bị giới hạn, cấm đoán nhiều như con gái. Trong văn hóa Á đông, việc xem con trai trọng hơn con gái rất rõ ràng, đến nỗi có câu "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nghĩa là một đứa con trai cũng kể là có, còn mười con gái cũng kể như không. Các bà mẹ thì thường tâm niệm rằng con gái là con người ta, nuôi lớn gả lấy chồng chứ chẳng ích lợi gì, còn con trai mới là con của mình. Nhiều người nghĩ rằng đến tuổi già chỉ có thể nhờ vả, nương tựa con trai nên các bà mẹ thường dồn hết tình thương và của cải cho con trai.

Những người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa mẹ và con trai cho thấy rằng các bà mẹ thường có một mộng ước ngấm ngầm cho con trai. Mộng ước đó có thể là điều người mẹ muốn thực hiện nếu bà là con trai, hoặc đó là điều bà mong ước nơi chồng nhưng không được. Ví dụ, nếu một người mơ ước làm bác sĩ nhưng vì là con gái nên không đạt được mơ ước đó, hoặc mơ ước có chồng là bác sĩ nhưng lấy phải người chồng làm nghề khác, khi có con trai, bà mẹ đó sẽ thúc đẩy con học bác sĩ, vì đó là mơ ước của cuộc đời bà và bây giờ trở thành một mục tiêu mà bà muốn con thực hiện. Vì có những mơ ước hay mục tiêu ngấm ngầm như thế, các bà mẹ thường cố gắng uốn nắn và thúc đẩy con hướng về những mục tiêu đó từ khi con còn nhỏ. Ngoài ra, nếu một người thất vọng nơi chồng hay cha của mình, vì chồng hay cha không sống cao đẹp hoặc không mang lại niềm vui, niềm hãnh diện cho cuộc đời mình; khi có con trai, người đó sẽ đặt hết kỳ vọng nơi con, mong con sẽ là người mang lại niềm vui, hạnh phúc hay niềm hãnh diện cho mình. Khi không được chồng thương yêu hoặc bị chồng phản bội tình yêu, người mẹ cũng thường đến với con trai để tìm sự bù đắp tình thương, vì thế bà dồn hết tình thương cho con và trông mong con sẽ đáp lại tấm lòng của bà bằng cách yêu thương và trung thành với bà suốt đời. Trong trường hợp này, khi người con trai lập gia đình, bà mẹ sẽ buồn và ganh với con dâu, thương hại cho số phận của mình, do đó sẽ nhìn con dâu như là người cướp mất tình thương con trai dành cho mình và là người cướp mất niềm vui và hạnh phúc của mình.

Thường thường người đàn ông ít nói về mẹ, ít chia xẻ cảm nghĩ về người mẹ của mình, nhưng sâu kín trong lòng, cảm nghĩ về phái nữ cũng như những điều các ông trông mong nơi vợ thường phát xuất từ kinh nghiệm với mẹ trong thời thơ ấu. Một người con trai có cái nhìn như thế nào về mẹ, cái nhìn đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của người đó. Người con trai có một người mẹ như thế nào, không nhiều thì ít, ảnh hưởng của mẹ sẽ theo người đó suốt đời. Cách người mẹ ứng xử trong gia đình cũng để lại một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống và tâm tính của con cái, đặc biệt là con trai. Nếu bà mẹ sống đúng vai trò người nội trợ, quý những giá trị cao đẹp của đời sống gia đình, con trai của bà sẽ trở nên người bình thường, có cái nhìn tốt đẹp về phụ nữ nói chung. VÍ dụ, bà mẹ trong gia đình là người hiền hòa, dịu dàng, vâng phục dưới quyền chồng, yêu thương con và vui thỏa trong vai trò nội trợ. Bà quán xuyến mọi việc trong gia đình, lo bữa cơm hằng ngày, chăm sóc sức khỏe cho chồng con, ở gần bên con, hướng dẫn dạy dỗ con, hỗ trợ chồng trong mọi việc. Bà sung sướng trong vai trò làm mẹ và hãnh diện thấy mình mang lại hạnh phúc cho chồng con. Mục tiêu của cuộc đời bà là tạo mái ấm gia đình cho chồng con.

Bà mẹ này biết rõ vai trò và giá trị của mình, khi gặp chuyện không vừa ý bà tìm dịp nói cho chồng con biết. Nếu người trong gia đình bất đồng ý kiến với bà, bà vui vẻ chấp nhận. Khi gặp khó khăn, bà không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho chồng con. Nếu giữa vợ chồng có nan đề, bà không đem phân trần với con cái. Khi cần, bà sẵn sàng hy sinh niềm vui và hạnh phúc của mình nhưng không than van kể lể với chồng con, cũng không khoe về sự hy sinh của mình để chồng con phải khó chịu hay thương hại. Bà thỏa nguyện khi thấy con cái nên người và con cái cũng vui thỏa trong tình yêu của bà. Nếu người con trai có một bà mẹ như thế, người con đó sẽ thương mẹ, gần mẹ, có thể trao đổi tâm tình với mẹ, nhưng khi lập gia đình vẫn có thể tách rời khỏi mẹ một cách dễ dàng, nhẹ nhàng. Người con không bị mẹ nắm giữ, cũng không cảm thấy mình có lỗi khi phải lìa mẹ để kết hợp với vợ. Về cái nhìn đối với phụ nữ nói chung, những người con trai có bà mẹ như thế dễ có cái nhìn tốt đẹp về phái nữ, yêu thương và tin cậy phái nữ.

Ngược lại, nếu bà mẹ cũng giỏi về nội trợ, quán xuyến việc nhà, chăm lo mọi sự cho chồng con, tương tự như bà mẹ kia nhưng hay buồn bã than van, cho mình là người thiệt thòi đau khổ vì phải hy sinh để chồng con được hạnh phúc. Nếu người mẹ cứ than van kể lể để chồng con đừng quên công khó của bà nhưng luôn luôn nhớ ơn bà và thương bà. Bà khiến mọi người cảm thấy e ngại là họ đã làm cho bà phải vất vả cực nhọc và phải mang ơn bà. Bà dùng sự buồn khổ của mình để điều khiển mọi người, để mọi người phải chiều ý bà, ai làm trái ý bà là làm cho bà khổ hơn. Bà khiến chồng con có cảm tưởng là vì họ mà bà phải khổ. Một người mẹ như thế sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con trai. Người con trai sẽ có mặc cảm là mình đã làm cho mẹ phải khổ. Suốt đời các con sẽ thấy mình mắc nợ với mẹ và mang ơn mẹ quá nhiều, nhưng khổ hơn nữa là họ biết rằng họ sẽ không thể nào làm gì cho mẹ vui lòng. Những điều này sẽ ảnh hưởng trên cái nhìn của người con trai đối với phái nữ nói chung. Họ sẽ cảm thấy bực bội và ngại ngùng khi tiếp xúc với phái nữ. Chúng ta không ngạc nhiên khi những người con trai trong gia đình này không dám bước vào hôn nhân, đời sống gia đình chỉ khiến họ mang mặc cảm, và mang ơn mang nợ với người họ thương. Nếu lập gia đình, những người đàn ông này thường không hết lòng sống cho vợ con, vì họ cảm thấy trách nhiệm trong gia đình là một gánh nặng, đời sống gia đình chỉ nhắc họ nhớ lại những kinh nghiệm không vui với mẹ trong quá khứ.

Vì giới hạn thì giờ, chúng tôi xin tạm ngưng phần trình bày hôm nay về ảnh hưởng của người mẹ đối với con trai. Để kết thúc, chúng tôi xin gởi đến quý vị nguyên tắc mà Đức Chúa Trời truyền dạy để con người có một hôn nhân hạnh phúc. Nguyên tắc đó là "Bởi vậy cho nên, người nam phải lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ trình bày về ý nghĩa của nguyên tắc căn bản này.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#9 Posted : Friday, June 10, 2005 1:57:03 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 3


Hôm nay chúng tôi xin trở lại đề tài quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chúng tôi đề cập đến vấn đề này không phải để bài bác, phê phán hay lên án thế hệ nào, nhưng để chúng ta nhìn thấy những tình cảm và tâm lý phức tạp đằng sau cách mỗi người ứng xử với nhau, nhờ đó chúng ta có thể hiểu nhau, thông cảm nhau và đi đến chỗ yêu thương nhau hơn thay vì gieo buồn phiền, đau khổ cho nhau. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều gia đình, không phân biệt sắc tộc, tiếng nói. Nhiều người ước mong mối quan hệ giữa mình với mẹ chồng hoặc với con dâu được hài hòa, tốt đẹp mà không biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Để hiểu tại sao các bà mẹ thường khó chấp nhận người vợ của con mình, hoặc khó tách rời khỏi con khi con đã có gia đình riêng, chúng ta hãy nhìn vào mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ và con trai.

Có một bà mẹ kia thương con và chăm sóc cho con tất cả mọi sự, từ quần áo, thức ăn đến chuyện học hành, đi đứng, chơi đùa với bạn bè. Là mẹ thì phải lo cho con, đó là điều tự nhiên, nhưng bà mẹ này không chỉ lo mọi điều khi con còn nhỏ mà khi con đã lớn bà vẫn tiếp tục ở bên cạnh, chú ý giúp đỡ mọi việc. Khi con còn nhỏ, bà làm bài giùm con, dọn thức ăn sẵn trên bàn cho con, chọn áo quần cho con mặc. Bà sẵn sàng can thiệp, bênh vực khi con gặp khó khăn, dù khó khăn đó do chính con gây ra. Bà cố gắng thay đổi hoàn cảnh khi con có điều không vừa ý. Lúc nào bà mẹ này cũng nghĩ rằng con bà bé nhỏ, cần có bà bên cạnh săn sóc, giúp đỡ. Khi đứa con trai hai mươi tuổi, bà không dám cho đi du ngoạn hay đi trại, sợ con bị đau. Khi con tham dự các sinh hoạt dành riêng cho người trẻ bà cũng đi với con, để lỡ có chuyện gì bà có thể giúp ngay. Đến năm ba mươi tuổi, đi đâu đứa con cũng vẫn đi với mẹ, ngồi bên cạnh mẹ, có việc gì là gọi mẹ. Bà mẹ hãnh diện sung sướng vì dù con đã lớn vẫn gần bà và vẫn cần đến bà.

Thưa quý vị, đây là hình ảnh của một quan hệ không đúng giữa mẹ và con trai. Bà mẹ này đã bảo bọc con quá đáng. Bà không muốn buông sợi dây ràng buộc bà và con, để con lớn lên, tự lập. Khi người mẹ chăm sóc con quá nhiều và quá gần con như thế, là nói với con rằng, "Con ơi, đừng lớn, đừng tự lập nhưng hãy cứ ở bên mẹ, mẹ sẽ lo tất cảcho con." Dĩ nhiên là người mẹ không nói như thế bằng lời nhưng nói một cách gián tiếp, qua sự chăm sóc bảo bọc con; nhưng lời nói gián tiếp đó có ảnh hưởng rất mạnh, vì kết quả là, đứa con trai dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn cần mẹ, đi theo mẹ; không trưởng thành và không thể tự lập.

Như chúng ta đã biết, giữa mẹ và con trai có một mối quan hệ sâu đậm đặc biệt. Quan hệ này ảnh hưởng nhiều trên đời sống đứa con, đặc biệt là ảnh hưởng đến cái nhìn của con đối với phái nữ và mối quan hệ giữa bà mẹ với người con dâu, là hai người đàn bà có vị trí quan trọng trong cuộc đời người con trai. Nếu người mẹ làm trọn trách nhiệm trong gia đình, vui thỏa trong vai trò làm mẹ, làm vợ, sẽ cho con dần dần tách rời khỏi mẹ để tự lập, như lời Chúa dạy trong Sáng thế ký 2:24: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt." Ngược lại, nếu người mẹ không thỏa nguyện trong vai trò của mình nhưng hay buồn phiền, than van; người con trai có thể sẽ không dám lìa cha mẹ để tự lập, không xem đời sống gia đình là ơn phước của Chúa và sẽ ngại bước vào hôn nhân vì những ràng buộc quá chặt chẽ của mẹ. Có người cũng lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục tùy thuộc vào mẹ và sống dưới sự kiểm soát của mẹ, và chính vì thế đưa đến sự căng thẳng, đố kỵ giữa mẹ và vợ. Ngoài ra, khi người mẹ chăm sóc và gần gũi với con trai quá đáng, sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên cái nhìn của con về chính mình. Người con sẽ thiếu tự tin, nghĩ rằng mình không thể tự lo tự lập mà phải luôn luôn có mẹ ở bên cạnh giúp đỡ. Khi người mẹ mất đi, người con trai không còn chỗ nương tựa, và dù bao nhiêu tuổi tinh thần có thể bị suy sụp một cách đáng thương.

Cũng có trường hợp người con trai có cảm xúc trái ngược về mẹ, vừa thương vừa ghét. Đây là trường hợp những bà mẹ cứng rắn và khó tính. Đứa con vì cần tình thương muốn đến gần mẹ nhưng cũng sợ những lời mắng mỏ quá nặng của mẹ. Những lời chỉ trích, chê bai của mẹ khiến đứa con mất tin tưởng ở chính mình, thấy mình không có giá trị gì vì lúc nào cũng có lỗi lầm, vấp váp. Mặt khác, người con trai lại muốn cố gắng làm cho mẹ vui lòng, để được mẹ chấp nhận. Vì những mâu thuẫn này, người con có thể có cảm xúc trái ngược, lúc thì thương mẹ, muốn đến gần mẹ; nhưng có lúc cảm thấy ghét mẹ và muốn đi xa khỏi mẹ; mong ước có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ, nhưng cũng muốn làm một điều gì đó cho người đã gây đau buồn cho mình. Khi những người con trai trong hoàn cảnh này lập gia đình, người vợ thường sẽ phải chịu nhiều khó khăn, phức tạp với chồng về mặt tâm lý và tình cảm. Khi người chồng sống quá gần với mẹ hoặc thiếu tình thương của mẹ vì mẹ quá cứng rắn, người vợ cần cẩn thận để ý mới có thể hiểu chồng và đáp ứng nhu cầu cho chồng. Một người con trai quá gần với mẹ và thiếu sự hướng dẫn của cha khi lớn lên có thể sẽ không nhìn thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình. Người đó sẽ nương tựa vào vợ để tìm sự nâng đỡ và sức mạnh tinh thần để đương đầu với hoàn cảnh, và do đó đời sống gia đình sẽ không quân bình. Theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, chồng phải là chủ gia đình, hướng dẫn và bảo bọc vợ con, còn vợ vâng phục dưới sự lãnh đạo của chồng. Nếu người đàn ông vì ảnh hưởng của mẹ ngày trước, quá yếu đuối, không lãnh đạo gia đình mà lại nương tựa vào vợ, để vợ quyết định mọi việc, gia đình sẽ không tránh khỏi khó khăn vì vợ chồng không sống đúng với vai trò mà Đức Chúa Trời đã định.

Người đàn ông lớn lên trong sự bảo bọc quá đáng của mẹ thường trông mong vợ chăm sóc, bảo bọc mình như mẹ đã lo cho mình ngày trước. Có người thì trút hết cho vợ những bực bội phiền giận đối với mẹ vì thế trở thành người chồng khó tính, buộc vợ phải chiều ý mình trong mọi sự. Người vợ chỉ cần có một lời nói hay hành động giống như bà mẹ ngày trước là đủ cho chồng bực bội hay nổi giận. Có những ông chồng đối xử với vợ rất tệ như để bù lại những điều muốn làm với mẹ ngày xưa nhưng đã không dám. Họ nóng nảy hung dữ, dễ nổi giận, hay chống chế, thủ thế và độc tài với vợ con. Tất cả chỉ là kết quả của những ẩn ức bực bội khi sống dưới sự bảo bọc quá đáng của mẹ. Một trong những khó khăn mà người vợ trong trường hợp này phải chịu là sự nhu nhược, yếu đuối của chồng. Yếu đuối, nhu nhược nhưng nhiều tự ái và muốn làm chủ, điều khiển người khác. Không những thế, những người chồng này thường đòi hỏi vợ phục vụ và chiều ý mình. Muốn làm chủ, cầm quyền trong gia đình nhưng lại ủy mị, yếu đuối và muốn vợ chăm sóc cho mình như một người mẹ.

Để tránh ảnh hưởng không tốt trên con cái, đặc biệt là trên con trai, chúng ta cần nuôi dạy con như thế nào để có mối quan hệ tốt đẹp đối với con? Điều đầu tiên chúng ta cần ghi nhận là, con cái là cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho để chúng ta nuôi dạy hầu sau này mang lại ích lợi cho Chúa và người chung quanh. Dù mẹ mang nặng đẻ đau và dành nhiều năm tháng trong cuộc đời để chăm sóc nuôi dạy con, con không phải là sở hữu của người mẹ. Quan niệm cho rằng mẹ sinh ra con nên có toàn quyền trên con, muốn gì con cũng phải vâng theo, là quan niệm sai lầm, không phù hợp với Lời Chúa dạy. Con trai không phải là nối tiếp của cuộc đời cha mẹ, cũng không phải là người bù đắp những thiếu thốn về tình cảm trong đời sống mẹ. Con trai được sinh ra không phải để bảo bọc mẹ hay mang lại niềm vui cho mẹ khi mẹ không tìm được niềm vui bên chồng. Nếu như vậy, người mẹ có vai trò gì trong việc nuôi dạy con?

Trước hết, lời Chúa dạy rằng người mẹ được giao phó cho một trách nhiệm quan trọng, đó là nuôi nấng, hướng dẫn, yêu thương, chăm sóc, sửa phạt và dạy dỗ cho con nên người. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh nói rất nhiều về những điều cha mẹ cần làm trong trách nhiệm hướng dẫn con cái. Riêng trong chương 31 nói về cách bà mẹ vua Lê-mu-ên dạy con. Bà dạy con trai những điều quan trọng trong cuộc sống như: phải khôn ngoan trong mối quan hệ với người khác phái, công bình trong cách ứng xử với người chung quanh và tiết độ trong đời sống cá nhân.

Chúng tôi xin trích đọc những lời dạy đó dưới đây:

Hỡi con, ta sẽ nói gì? Hỡi con của thai ta, ta phải nói chi? Hỡi con của sự khấn nguyện ta, ta nên nói điều gì với con? Chớ phó sức lực con cho người đàn bà, đừng ở theo con đường gây cho vua chúa bị bại hoại. Hỡi Lê-mu-ên, chẳng xứng hiệp cho các vua, chẳng xứng hiệp cho các vua uống rượu hay là cho các quan trưởng nói rằng: vật uống say ở đâu? E chúng uống, quên luật pháp và làm hư sự xét đoán của người khốn khổ chăng... Hãy mở miệng mình bênh kẻ câm và duyên cớ của các người bị để bỏ. Khá mở miệng con xét đoán cách công bình và phân xử phải nghĩa cho người buồn thảm và nghèo nàn" (Châm ngôn 31:2-9).

Đây là nguyên tắc sống của người lãnh đạo một nước, nhưng cũng áp dụng cho tất cả quý ông, là người được Chúa giao cho trách nhiệm lãnh đạo gia đình. Những nguyên tắc đó gồm có: đứng đắn trong đời sống tình cảm và tình dục; công bình, công chính trong cách ứng xử với người chung quanh, quan tâm đến người nghèo khổ và tiết độ trong đời sống cá nhân.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#10 Posted : Friday, June 10, 2005 1:58:35 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 4

Có hai vợ chồng kia, sau ba năm chung sống, phải đi gặp một vị tư vấn hôn nhân vì gia đình họ có quá nhiều nan đề. Cô vợ trẻ tâm sự như sau: "Gia đình mới của chúng tôi có nhiều nan đề vì chồng tôi quá gần với mẹ anh ấy. Anh giống như một đứa bé bị cột vào áo mẹ, không sao rời ra được. Khi chúng tôi mới cưới nhau về, tôi cố gắng hết sức để làm vừa lòng mẹ chồng nhưng bà không hề có thiện cảm với tôi. Thậm chí có lần bà nói thẳng với tôi rằng tôi không xứng với con bà và sẽ chẳng bao giờ xứng đáng cả. Bà cụ chỉ có một người con trai nên bà chiều chuộng quá đáng, làm cho anh ấy trở thành nhu nhược, lười biếng. Lúc nào bà cũng chờ để hầu hạ con, làm cho con vui và thoải mái. Bà cụ là người nội trợ giỏi. Niềm vui của bà không gì khác hơn là nấu ăn cho gia đình, chăm sóc quần áo cho chồng con, giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp và cung ứng nhu cầu cho mọi người trong nhà. Trong gia đình bà là người lo liệu hết mọi việc. Trong khi đó bố chồng tôi lúc nào cũng đi vắng và hầu như chẳng biết đến chuyện gì trong nhà.

Tôi là người thuộc thế hệ mới, tôi có một ngành nghề chuyên môn và bận rộn với nhiều điều khác nên không thể quán xuyến công việc nhà như bà. Bà hay đến nhà chúng tôi dọn dẹp, sắp đặt lại tủ sách, tủ chén cho chúng tôi, nhưng bà làm một cách bực bội, hàm ý bảo là tôi không biết tổ chức việc nhà. Nhiều lần tôi nói với bà: "Thưa mẹ, con biết nhà của con không được ngăn nắp như nhà của mẹ, nhưng con bận nhiều việc, con không làm như mẹ được. Hơn nữa, đây là nhà của vợ chồng con, mẹ không phải bận tâm." Nhưng dù tôi nói gì, bà cũng làm ngơ và cứ tự động đến làm mọi việc như là nhà của bà vậy.

Tuy nhiên điều làm tôi buồn hơn cả là chồng tôi không có cùng một suy nghĩ như tôi. Anh không thấy rằng việc gia đình chúng tôi có người thứ ba chen vào là không nên, vì thế anh chẳng nói gì với bà cụ. Tôi có thể chấp nhận anh về nhà thăm mẹ một tuần năm, sáu lần nhưng không thể chấp nhận anh để mẹ làm chủ gia đình mới của chúng tôi. Anh chẳng bao giờ nói với bà một lời nào để bênh vực tôi, cũng không nói lời an ủi tôi. Bà cụ không những xen vào việc gia đình chúng tôi mà cũng nắm giữ tình cảm của chồng tôi nữa. Từ ngày bố anh mất, bà buộc anh phải chăm sóc bà nhiều hơn và phải ghé thăm bà mỗi ngày, dù bà sống với con gái chứ không phải sống một mình, và bà chỉ muốn một mình anh đến thăm mà thôi. Điều này làm tôi rất buồn vì hầu như bà không cho tôi một cơ hội nào đến gần bà, để tạo một quan hệ tốt đẹp với bà. Tôi biết mẹ chồng tôi rất cô đơn, tôi thương bà và muốn đến gần bà nhưng bà không thương tôi và không chấp nhận tôi. Chồng tôi đã tự lập, đã có gia đình riêng nhưng anh không thể nào tách rời khỏi mẹ. Chính vì thế mà vợ chồng chúng tôi gặp bao nhiêu là nan đề.

Khi người vợ dứt lời, người chồng trẻ nói: "Vợ tôi là người hay ganh tị, nhất là ganh với mẹ tôi. Cô ấy trẻ trung, khỏe mạnh, đáng lẽ cô ấy phải thương mẹ tôi hay ít ra cũng cố gắng thông cảm với bà. Mẹ tôi chỉ có bố tôi và tôi mà bây giờ bà mất cả hai. Thật ra bà còn hai người chị của tôi nhưng bà thường không kể đến. Gia đình chúng tôi sẽ không có nan đề gì nếu vợ tôi chịu khó chiều ý mẹ tôi một chút. Không những thế, vợ tôi cũng không là người nội trợ giỏi, vì vậy mẹ tôi cứ phải đến giúp việc này việc kia. Cô ấy buồn là sao tôi không nói để bà cụ đừng đến quấy rầy nữa, nhưng làm sao tôi nói được khi bà cụ có ý tốt là muốn giúp con. Tôi đâu nỡ nào làm cho mẹ tôi buồn. Còn chuyện đi thăm bà cụ, bao giờ đi tôi cũng rủ nhưng cô ấy không muốn đi, tôi không ép được nên tôi đành đi thăm một mình, thỉnh thoảng tôi dẫn con theo. Thành thật mà nói, tôi biết mẹ tôi thương tôi nhưng bà cũng gây nhiều khó khăn cho tôi, từ khi tôi còn nhỏ cho đến bây giờ. Lý do là vì tôi là con trai một. Bà chỉ có một mình tôi là con trai nên tất cả tình thương, hy vọng, ước mơ của bà đặt nơi tôi. Tôi là niềm vui và lẽ sống của cuộc đời bà. Bà trông mong nơi tôi quá nhiều và bà mong tôi đối với bà cũng như vậy. Mẹ tôi muốn tôi cũng xem bà là niềm vui và lẽ sống của tôi, nhưng đó là điều tôi không thể làm được. Tôi cảm thấy có nhiều trách nhiệm đối với mẹ vì vắng mặt tôi là bà không vui. Vợ tôi không hiểu được hoàn cảnh của tôi. Mẹ cô ấy là người có tính tự lập, không bao giờ làm phiền đến con cái, còn mẹ tôi thì khác. Tôi khổ tâm lắm mà không biết làm sao! Vợ tôi muốn chúng tôi dọn đi xa, tôi cũng nghĩ như vậy có lẽ tốt hơn cho hạnh phúc gia đình chúng tôi, nhưng dọn đi xa tôi lại phải về thăm mẹ nhiều hơn và như vậy lại phải vắng nhà thường hơn. Tôi không muốn vợ tôi buồn mà cũng không thể để mẹ tôi sống trong cô đơn vì phải xa tôi, tôi là niềm vui duy nhất của cuộc đời bà."

Thưa quý vị, nếu là người cố vấn về hôn nhân, chúng ta sẽ khuyên gì với đôi vợ chồng trẻ và giúp ý kiến thế nào để giải quyến nan đề của gia đình này? Nguyên tắc đầu tiên là chúng ta cần làm theo lời dạy của Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là mẫu mực của Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng chúng ta và đã thiết lập hôn nhân. Chỉ khi nào sống theo mẫu mực của Chúa chúng ta mới tìm được bình an và hạnh phúc cho đời sống. Theo lời Chúa dạy, chúng ta phải sống với nhau bằng tình yêu thương, chấp nhận nhau và thông cảm với nhau trong mọi hoàn cảnh. Về lòng yêu thương, Chúa dạy "Hãy yêu kẻ lân cận như mình," có nghĩa là chúng ta phải thương yêu những người gần bên chúng ta, những người thân trong gia đình như chính mình. Đừng nói hay làm điều gì khiến những người đó phải đau buồn. Chúa Giê-xu cũng dạy: "Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ" (Ma-thi-ơ 7:12). Khi thương nhau chúng ta chỉ làm điều gì mà ta biết là người ta thương cần và mong muốn. Trong trường hợp này, nếu người mẹ thật sự thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, bà sẽ chỉ làm điều gì con cần và mong muốn chứ không phải là làm điều bà muốn. Người con dâu cũng thế, nếu thương mẹ chồng và biết rằng giúp con là niềm vui của bà thì sẽ bằng lòng để bà đến giúp mình, nhưng dĩ nhiên là đến một giới hạn nào thôi.

Điều thứ hai những người trong gia đình này cần làm là chấp nhận nhau. Trước hết, người mẹ cần chấp nhận người vợ của con trai mình. Dù đó không phải là người do chính bà chọn, có thể cũng không phải là mẫu người bà thích, nhưng nếu con bà đã yêu và đã chọn, bà nên chấp nhận sự chọn lựa của con. Nếu bà thật sự thương con, thấy con được hạnh phúc là đủ cho bà thỏa nguyện và cảm tạ Chúa. Hơn nữa, bà cần nhìn thấy rằng mỗi thế hệ có một lối sống khác nhau. Việc con dâu của bà không lo việc nội trợ giống như bà chưa hẳn là sai. Người phụ nữ ngày nay không chỉ lo việc nhà nhưng còn có thể làm nhiều công việc khác ngoài xã hội. Nàng con dâu cũng cần chấp nhận bà mẹ của chồng mình. Dù bà có quan niệm sống khác, cách làm việc và cư xử không đúng như nàng suy nghĩ hay trông mong, nhưng bà là người đã sinh ra chồng mình, đã nuôi dạy chồng mình nên người, công ơn đó nàng cũng phải nghĩ đến. Về việc chấp nhận nhau, Kinh Thánh dạy: "Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Chúa Cứu Thế đã tiếp anh em để Đức Chúa Trời được vinh hiển" (Rô-ma 15:7). Chữ "tiếp" trong câu này có nghĩa là tiếp nhận, đón nhận hay chấp nhận.

Không những chấp nhận những khác biệt của nhau, hai bên còn phải thông cảm với nhau. Điều có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng giữa bà mẹ chồng và nàng dâu trong trường hợp này là hai người cần dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau để có thể hiểu nhau và từ đó thông cảm nhau hơn. Ngược lại, nếu hai người không chấp nhận nhau nhưng cứ ganh tị với nhau, cứ nghĩ rằng người kia đã cướp mất tình thương của người đàn ông quan trọng nhất trong đời mình thì hai người sẽ tiếp tục ghét nhau và gieo đau khổ cho nhau.

Về người chồng trẻ trong trường hợp này, anh có một trách nhiệm quan trọng đối với mẹ cũng như với vợ, và anh cần phân biệt hai trách nhiệm đó cách rõ ràng. Đối với mẹ anh là một người con, khi chưa đến tuổi thành nhân và còn sống trong sự bảo bọc của mẹ, anh phải vâng phục mẹ trong mọi sự. Khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, theo lời Chúa dạy, anh phải có trách nhiệm với gia đình và phải làm chủ gia đình của mình. Khi cha anh không còn, mẹ anh có thể là chủ gia đình của bà nhưng bà không phải là chủ gia đình anh. Anh có bổn phận yêu thương và chăm sóc mẹ nhưng anh không thể vì chiều ý mẹ mà không trọn trách nhiệm với vợ con. Riêng về người mẹ, dù thương con và muốn con ở bên cạnh mình mãi mãi, bà cũng cần ý thức rằng con bà đã lớn và bà phải cho con tách rời khỏi bà để xây dựng hạnh phúc riêng. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dạy rõ ràng như sau, "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Chúa biết điều khó cho cha mẹ khi đã lớn là để cho con tách rời khỏi cha mẹ để bắt đầu cuộc sống riêng, vì thế mạng lệnh quan trọng này được nhắc đi nhắc lại ba lần trong Kinh Thánh: Lần thứ nhất trong Sáng thế ký khi Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân. Lần thứ hai trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, khi Chúa Giê-xu dạy về hôn nhân và lần thứ ba khi thánh Phao-lô dạy về bổn phận vợ chồng. Khi một người lập gia đình, chúng ta nói người đó đã ra riêng, có gia đình riêng. Nói như thế là đúng, vì gia đình của đôi vợ chồng mới là một đơn vị mới, riêng biệt. Theo lời Thánh Kinh dạy, đôi vợ chồng mới vẫn là con cái trong đại gia đình, vẫn giữ mối quan hệ thân thương với cha mẹ và bà con hai bên, nhưng người chồng trẻ là chủ gia đình mới và vợ là người phụ giúp chồng để xây dựng hạnh phúc. Cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ không làm chủ gia đình của con. Khi nào người đàn ông chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp làm một với vợ và thật sự làm chủ gia đình mới của mình thì gia đình đó sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org
Tonka
#11 Posted : Friday, June 10, 2005 2:00:07 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 5


Kính thưa quý thính giả, chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đón nghe chương trình phát thanh Tin Lành hôm nay, cũng xin cảm ơn lòng yêu thương và sự đáp ứng quý vị dành cho chúng tôi. Hôm nay chúng tôi xin trình bày thêm về những tâm lý phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, với ước mong hai thế hệ này sẽ hiểu nhau, xích lại gần nhau hầu giúp cho mối quan hệ giữa đôi bên được nhẹ nhàng, tốt đẹp. Thưa quý vị, cuộc đời chúng ta tính từ ngày chào đời đến ngày từ giã cuộc đời thật chẳng được bao nhiêu năm. Rồi khi bước vào hôn nhân, khoảng thời gian vợ chồng sống bên nhau còn ngắn hơn nữa, nhưng ngắn ngủi hơn hết là những ngày chúng ta sống với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, vì khi chúng ta biết các cụ thì hầu hết các cụ đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Vì thế, là thế hệ con cháu chúng ta cần sống và cư xử thế nào để những năm tháng cuối của cuộc đời các cụ được nhẹ nhàng vui thỏa.

Trở lại với vấn đề mẹ chồng nàng dâu, một người vợ trẻ nọ tâm sự với bạn như sau: "Vợ chồng em sống với nhau đã được năm năm. Chúng em yêu nhau và rất là hạnh phúc, nhưng có một điều làm em buồn là mẹ chồng em cứ xem chồng em như đứa con nhỏ của bà ngày nào. Anh ấy năm nay ba mươi hai tuổi, tự lo tự lập đã sáu bảy năm nay, nhưng đối với mẹ, anh ấy chỉ là đứa con nít. Ngày nào bà cũng gọi điện thoại đến nhắc nhớ ăn cái này, uống cái kia để giữ gìn sức khỏe; nhớ đổ xăng trong xe, nhớ mặc áo ấm cho khỏi bị cảm, nhớ đi nha sĩ, bác sĩ, v.v... Thỉnh thoảng bà hỏi anh có cần tiền không thì bà cho, và dù anh nói là không cần, bà cũng bỏ tiền vào túi lì-xì màu đỏ, đưa cho anh giống như cho quà mấy đứa bé con. Nói tóm lại, bà cụ hầu như không muốn chấp nhận cái thực tế là con trai của bà bây giờ đã có vợ và bà không còn phải chăm sóc những chuyện nhỏ nhặt như vậy nữa.

Nếu mẹ chồng em chỉ chăm sóc chồng em như thế thì em cũng không phiền bao nhiêu, nhưng bà lại có vẻ ganh tị với em. Khi em nấu một món gì đặc biệt, bà nói, "Tôi nấu món này ngon hơn nhiều," và bà mua đồ về nấu ngay để cho thấy là bà nấu ngon hơn. Khi em mua sắm cái gì cho chồng thì bà nói: "Cô không biết ý nó đâu, tôi là mẹ nó tôi mới biết", hoặc nói: "Tôi đẻ nó ra, nuôi từ nhỏ tới giờ nên tôi biết, cô làm sao biết ý nó được!" Không những thế, bà còn nói hay làm những điều để vợ chồng em hiểu lầm nhau, gây gổ với nhau. Em muốn sống hài hòa với bà mà hình như bà không muốn. Nhưng điều làm em buồn hơn hết là chồng em không thấy những điều này là không bình thường. Anh nói mẹ anh không có làm gì quá đáng cả, chỉ vì em không thương, không hiểu bà nên khó chịu với bà thôi!"

Nghe tâm sự của cô vợ trẻ vừa rồi, có lẽ nhiều người hiểu và thông cảm ngay, vì quý vị đã từng hoặc đang ở trong hoàn cảnh tương tự như thế. Như chúng tôi chia xẻ trước đây, con cái là cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho cha mẹ nhưng con cái không thuộc quyền sở hữu của cha mẹ dù cha mẹ thương con bao nhiêu và hy sinh cho con nhiều đến chừng nào. Con cái, cũng như mọi điều chúng ta có trong đời này, là thuộc quyền sở hữu của Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý. Trách nhiệm của chúng ta là chăm sóc, gìn giữ và làm ích lợi cho Chúa. Đối với những đứa con Chúa ban, chúng ta có trách nhiệm yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ cho nên người. Khi con đã trưởng thành, chúng ta phải để con lìa khỏi cha mẹ để làm công việc Chúa giao, sống cuộc đời Chúa đã định và trở nên người hữu dụng cho Ngài.

Dù mẹ là người đầu tiên bước vào cuộc đời con, người đầu tiên có mối quan hệ mật thiết với con, bà mẹ cũng chỉ như là một thành viên trong toán chạy tiếp sức, khi đến đúng thời điểm thì phải trao cây "ba-ton" cho con để con chạy tiếp quãng đường còn lại. Gia đình là nơi duy nhất giúp cho sự chuyển tiếp này được thực hiện cách tốt đẹp. Trách nhiệm của người mẹ là chuẩn bị và giúp đỡ thế nào để những đứa con trai lớn lên sẽ hướng về cha và muốn giống cha thay vì hướng về mẹ và gắn liền với mẹ. Đây là một tiến trình mà kết quả phải là đứa con trai sẽ gần với cha hơn là gần với mẹ, giống cha thay vì giống mẹ. Các bà đừng sợ là con sẽ gần với cha và lìa xa mình. Dù thân với cha hay hợp với cha, đứa con trai không bao giờ vì cha mà cắt đứt mối quan hệ với mẹ, người cha chỉ là một yếu tố thêm vào chứ không thay thế mẹ. Tuy nhiên sẽ đến một thời điểm trong cuộc đời người con trai mà mối quan hệ với mẹ sẽ lu mờ dần, đó là lúc người con dần dần hướng tình cảm của mình về một người đàn bà khác. Người con vẫn thương mẹ nhưng mẹ không còn là người đáp ứng nhu cầu cho mình nữa. Đây là lúc người con trai có vợ và bà mẹ có con dâu, cũng là lúc đời sống dễ có nan đề vì sự níu kéo, tranh giành tình cảm giữa hai người đàn bà có chỗ đứng quan trọng trong đời sống người con trai.

Để thấy rõ ảnh hưởng của người mẹ trên con trai, mời quý vị cùng nhìn vào đời sống của một gia đình trong Kinh Thánh. Đặc điểm của gia đình này làø cha nhu nhược, mẹ nắm quyền; cha mẹ thương con không đồng đều và mẹ quá gần với con trai. Tất cả những điều đó đã đem lại chia rẽ và đau khổ cho mọi người trong gia đình. Đó là gia đình của Y-sác và Rê-bê-ca. Câu chuyện này được ghi trong sách Sáng thế ký, từ chương 25-27. Qua phần Thánh Kinh này, chúng ta biết về gia đình ông Y-sác như sau:

Đến năm sáu mươi tuổi ông Y-sác mới có con. Vợ chồng ông có hai đứa con trai sinh đôi, nhưng mỗi đứa một tính khác nhau. Ê-sau thì thích săn bắn nên hay vắng nhà, và biết nấu thịt rừng nên được cha thương, vì Y-sác thích ăn thịt rừng. Gia-cốp thì tính hiền lành, chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ nên được mẹ thương. Ông Y-sác hiền lành, nhu nhược nên bị vợ lấn lướt. Khi Y-sác đã già, mắt đã làng, bà Rê-be-ca là người quyết định tất cả mọi việc. Y-sác là con của Áp-ra-ham, người được Đức Chúa Trời chọn. Theo truyền thống trong gia đình, khi người cha sắp qua đời thì nhân danh Chúa, chúc phước cho con. Ông Y-sác muốn chúc phước cho con lớn là Ê-sau, là đứa ông thương, nhưng bà Rê-be-ca thì muốn Gia-cốp, con cưng của bà được cha chúc phước. Một hôm bà Rê-be-ca nghe chồng bảo Ê-sau vào rừng săn bắn, đem về nấu cho ông ăn rồi ông chúc phước cho. Khi Ê-sau đi rồi, bà bảo Gia-cốp bắt hai con dê làm thịt, chính bà nấu một món đặc biệt rồi bảo Gia-cốp giả làm anh, đem vào cho cha ăn để cha chúc phước. Gia-cốp nghe mưu tính của mẹ thì sợ, không dám làm theo, nhưng bà Rê-be-ca bảo con cứ vâng lời bà, và bảo đảm rằng nếu có điều gì không hay bà sẽ chịu hết. Cuối cùng, Gia-cốp đã vâng theo lời mẹ để lừa dối cha, gạt anh và cướp phước lành của anh.

Qua câu chuyện này chúng ta thấy bà mẹ của Gia-cốp là người có nhiều tham vọng lớn lao cho con trai của bà, và để đạt được những điều đó, bà đã không ngại bảo con làm điều gian dối, lừa gạt đứa con trai lớn và lừa dối người chồng mù lòa sắp chết. Lỗi lầm của bà Rê-be-ca là bà xem tình mẹ con nặng hơn tình vợ chồng. Bà điều khiển mọi người trong gia đình. Bà không còn tình thương đối với chồng, không vâng phục chồng, ép buộc con làm theo mưu tính gian dối của bà để đạt được điều bà mong ước. Bà không làm gương cho con. Kết quả là Ê-sau đau khổ vì bị em lường gạt, cướp phước lành của cha; hai anh em trở thành nghịch thù nhau. Vì sợ anh giết, Gia-cốp phải bỏ nhà đi trốn, bà Rê-be-ca còn lại, sống một mình và chết trong cô đơn. Đây là hình ảnh của người đàn bà cứng rắn, điều khiển chồng con. Những người như thế thường nắm quyền trên con, có nhiều ước vọng cho con và buộc con làm theo ý mình để đạt được những ước vọng đó, và vì thế thường tạo ra những đứa con trai yếu đuối, nhu nhược. Ngoài mẫu mực bà mẹ cứng rắn, không vâng phục chồng, những bà mẹ khác cũng có thể tạo nên những đứa con trai không trưởng thành và không quân bình trong đời sống tình cảm. Xin Chúa giúp chúng ta nhìn lại chính mình và cách chúng ta cư xử với chồng con hầu thấy khuyết điểm của mình và nhờ Chúa sửa đổi, để không vô tình để lại ảnh hưởng không tốt trên con cái, nhất là trên những đứa con trai yêu quý của chúng ta.

Những bà mẹ quá cưng con trai, lo cho con quá nhiều, quá đáng cũng tạo nên những đứa con không trưởng thành. Có những bà mẹ làm việc vất vả để có tiền sắm cho con tất cả những gì con đòi hỏi mà không dám chi dùng một đồng nào cho mình. Bất cứ điều gì con muốn là làm ngay, từ nấu ăn đến may vá, giặt giũ quần áo, kể cả những việc con có thể tự làm được. Những người chăm sóc con quá đáng như thế thường tạo ra những đứa con không có tinh thần trách nhiệm. Những đứa con trai đó lớn lên sẽ nghĩ rằng người nào thương mình thì phải phục vụ mình. Khi có vợ người đó sẽ không biết giúp vợ nhưng nghĩ rằng nếu vợ thương mình thì phải phục vụ mình như mẹ đã lo cho mình ngày trước. Những bà mẹ chăm sóc con quá đáng không cho con cơ hội học hỏi, thực tập để tự lo tự lập. Thay vì chỉ cho con cách làm một công việc gì đó, để khi không có mẹ bên cạnh con có thể làm được, những bà mẹ này thường làm hết cho con và cảm thấy sung sướng khi con cần đến mình. Kết quả là những người con trai này dù 40, 50 tuổi vẫn còn gắn liền với mẹ và cần mẹ giúp trong mọi việc. Họ trở thành những người đàn ông thiếu tự tin, không có nghị lực để đối phó với những khó khăn trong đời sống. Khi có vợ, họ thường là những người chồng khó tính, bắt nạt và ngược đãi vợ. Những bà mẹ xem con trai là niềm vui và lẽ sống của mình thường trông mong con đáp lại những gì mình đã làm cho con, vì thế khi thấy con chiều chuộng chăm sóc vợ, các bà sẽ dễ buồn giận, không chấp nhận vì cho rằng con đã phản bội mình. Trong khi đó mạng lệnh Chúa dành cho các ông chồng là: phải yêu vợ như chính thân mình, yêu vợ và hy sinh cho vợ như Chúa đã yêu và hy sinh cho hội thánh của Ngài.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta tránh lỗi lầm của những bà mẹ này và nuôi dạy, chăm sóc con cách quân bình, để không tạo nên những đứa con hèn yếu, không trưởng thành và là gánh nặng cho người khác.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#12 Posted : Friday, June 10, 2005 2:01:29 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 6


Trong câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trở lại đề tài mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Để hiểu tại sao các bà mẹ chồng thường thấy khó chấp nhận con dâu, và giữa người con dâu với mẹ chồng khó có một sự hài hòa hiệp nhất, chúng ta hãy cùng nhìn vào ảnh hưởng của người mẹ trên đời sống con trai.

Mỗi người mẹ nuôi dạy con một cách khác nhau. Cách nuôi dạy cũng như sự gần gũi của mẹ để lại một ảnh hưởng sâu đậm trên con, trong bài này chúng ta đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của mẹ đối với con trai. Là mẹ, quý vị có biết con cái nghĩ về mình như thế nào không? Nếu có con trai, quý vị có biết những đứa con trai đó nói gì về mình và mình có ảnh hưởng như thế nào trên đời sống con không? Ảnh hưởng của người mẹ trên con chúng ta không thấy rõ cho đến khi đứa con đã lớn. Lúc đó, cách con cư xử với người chung quanh và ứng xử trước những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống mới để lộ ra ảnh hưởng của cha mẹ. Trong một bài trước đây chúng tôi có nói về hai mẫu người mẹ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con trai. Trước hết là những bà mẹ cứng rắn, nắm quyền điều khiển trong gia đình. Những bà mẹ này thường tạo ra những đứa con nhu nhược, e ngại trước cuộc sống, không dám tự mình quyết định điều gì. Không trưởng thành và không có đời sống tình cảm quân bình. Thứ hai là những bà mẹ quá cưng con trai, làm hết mọi việc cho con, sẵn sàng quên mình để chiều theo đòi hỏi của con. Kết quả là những người con trai này dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn cần đến mẹ, không có tinh thần trách nhiệm, không biết phục vụ người khác, cũng không có nghị lực để đương đầu với những khó khăn trong đời sống.

Hôm nay chúng tôi sẽ nói về những mẫu người mẹ khác.

3. Những bà mẹ quá yếu đuối về mặt tinh thần và tình cảm

Có những bà mẹ không mạnh mẽ để hướng dẫn con nhưng lại tùy thuộc vào con, lúc nào cũng cần con yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Những người mẹ này không giữ đúng vai trò làm mẹ nhưng lại xử sự như là con. Mong con cái chăm sóc, quan tâm đến mình, đặc biệt là mong con trai yêu thương, lo lắng cho mình. Đây là điều thường xảy ra khi người mẹ bắt đầu bước vào tuổi về chiều và không có một hôn nhân hạnh phúc. Chẳng hạn như vì người cha trong gia đình vắng nhà quá lâu và quá thường xuyên, cũng có khi là người cha không yêu thương vợ con, bỏ bê gia đình; hoặc là người cha quá cứng rắn, hung dữ, say sưa, ngược đãi vợ con, cũng có khi là vì người cha đã chết hoặc lìa bỏ vợ con đi theo người khác. Trong những trường hợp này người mẹ thường tìm sự an ủi, vỗ về nơi con trai. Có người tìm tình thương nơi con một cách quá đáng, khiến con cảm thấy như mình là người có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu tình cảm cho mẹ.

Khi người mẹ trông mong con trai đóng vai trò của người cha, người chồng trong gia đình là trông mong quá nhiều nơi con. Cha mẹ có trách nhiệm yêu thương, nuôi nấng và bảo bọc con; còn con cái có bổn phận vâng lời cha mẹ dạy bảo, phụ giúp cha mẹ những gì mình có thể giúp được. Khi cha mẹ già yếu không thể tự lo, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên trông mong con cái bù đắp cho mình tình thương hay sự quan tâm mà mình không nhận được nơi người bạn đời. Những người con trai phải chăm sóc mẹ thế cho cha dễ thấy mình quan trọng, có uy quyền trong gia đình và dần dần có thói quen muốn cầm quyền trên những người chung quanh, như anh chị em và ngay cả người vợ của người đó nữa. Có người thì cảm thấy e ngại trong mối quan hệ với phụ nữ, vì nhớ lại gánh nặng mình phải mang để đáp ứng nhu cầu cho mẹ, do đó không dám lập gia đình. Cũng có người khi có vợ thì trông mong vợ bù đắp những gì mình đã không nhận được nơi mẹ khi còn sống trong gia đình. Tất cả những tâm lý phức tạp này đều ảnh hưởng đến hạnh phúc trong hôn nhân của người con.

4. Những người mẹ tự làm khổ mình. Những bà mẹ này sống trong gia đình như là nô lệ hay người giúp việc. Họ nghĩ rằng làm mẹ là phải hy sinh tất cả. Họ không nghĩ đến thân mình, không ăn miếng ngon, không mặc áo tốt. Khi mệt mỏi hay đau ốm cũng cố gắng làm việc, không chịu nghỉ ngơi. Họ luôn luôn hy sinh cho chồng con và hay buồn than vì nghĩ mình là người khổ nhất trên đời. Cái gì thiệt thòi nhất, khó khăn nhất thì muốn làm, làm mà phiền giận trong lòng. Con cái trong gia đình thường nghe mẹ than ngắn thở dài; nghe mẹ khóc, mẹ than: than mất ngủ, đau lưng, nhức đầu, nhức mỏi vì phải làm việc quá nhiều. Nếu chồng con bảo đừng làm nữa, bà sẽ nói, không làm thì ai làm? Và bà sẽ tiếp tục làm và tiếp tục than. Những lời than đó hàm ý rằng vì chồng, vì con, đặc biệt là vì con trai, mà bà phải khổ. Không ai trong gia đình làm gì cho bà mẹ này vui được. Con cho quà mẹ không nhận, nói rằng mẹ không cần gì cả. Rủ đi chơi mẹ không muốn đi. Lúc nào mẹ cũng trách vu vơ điều này điều kia.

Bà mẹ này thường làm cho con cái cảm thấy rằng mình sẽ có lỗi và làm cho mẹ thêm khổ nếu mình làm điều gì ngược lại với điều mẹ mong muốn. Bà mẹ thường dùng yếu tố tâm lý này để nắm quyền trên con, buộc con làm theo ý mình. Câu mà những bà mẹ này thường nói là: "Mấy con coi, mẹ làm hết cho mấy con mà mấy con đâu có biết!" "Các con chỉ nghĩ cho mình chớ đâu có nghĩ tới ai!" Hoặc nói: "Mẹ lo cho các con mà các con cảm ơn má như vậy sao?" "Mẹ muốn con được đầy đủ sung sướng chớ không thiếu thốn cực khổ như mẹ hồi nhỏ thành ra mẹ mới khổ!" "Vì thương con mà mẹ cố gắng chịu đựng ba con mấy chục năm nay, nhưng không biết là như vậy là mẹ có dại quá hay không!" "Nghe nói năm nay con không về thăm, thôi thì mẹ mong là con làm gì hay đi đâu đó cũng được vui vẻ, mẹ thì ngày nào cũng vậy thôi!" "Điện thoại hư rồi hay sao không thấy gọi về? Lúc này lo viết thơ cho ai chớ đâu có viết cho mẹ nữa!"

Những người mẹ tự làm khổ mình thường nói với con những lời khiến con cảm thấy rằng dù mình không làm điều gì lỗi, mình cũng làm cho mẹ khổ. Sự có mặt của mình trên đời là đủ làm cho mẹ khổ rồi. Mặc cảm này sẽ theo người con trai luôn cho đến khi trưởng thành, và lúc nào người con cũng cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Mẫu người mẹ này cũng hay nói với con những câu mang hai ý nghĩa. Ví dụ khi con quyết định điều gì không đúng ý bà, bà sẽ nói: "Lúc nào mẹ cũng muốn con được sung sướng mà không hiểu sao con lại quyết định như vậy!" hoặc nói: "Đó là quyết định riêng của con, mẹ mừng là con đã lớn, có thể tự quyết định cho mình, nhưng mà nếu con nghe lời mẹ thì con không làm như vậy." Một người con trai trên 50 tuổi nói như sau: Mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi mỗi tuần ba bốn lần. Bà than là tốn tiền nhiều quá, phải mà tôi ở gần thì không tốn tiền vô lý như vậy. Bà muốn mỗi lần có ngày nghỉ, tôi đem gia đình về thăm cho bà vui, bà muốn nấu những món đặc biệt cho chúng tôi. Nhưng mỗi lần về thăm như thế, tinh thần và cảm xúc của chúng tôi phải một thời gian sau mới được chữa lành. Những bà mẹ tự làm khổ mình bằng cách hy sinh cho chồng con quá đáng làm khổ chồng con rất nhiều mà không biết.

5. Những bà mẹ độc tài và hay chỉ trích con. Trái ngược với những bà mẹ tự làm khổ mình, những bà mẹ độc tài khó tính cho con cái thấy rõ tính điều khiển nắm quyền của mình. Khi có điều không vừa ý, những bà mẹ này không than khóc nhưng nổi giận và la ầm lên. Khi người mẹ dọa làm cho con đau đớn về tinh thần hay thể xác, sẽ tạo nên nỗi khiếp sợ ngấm ngầm trong con. Trong khi nhóm bà mẹ thứ tư dùng nước mắt hay tiếng khóc để điều khiển con thì mẫu người mẹ thứ năm này dùng những điều khác như: trừng mắt, nạt nộ, cười khẩy, hoặc yên lặng một cách đầy đe dọa cho con khiếp sợ. Thay vì nói: "Sao con làm cho mẹ khổ quá vậy!" Bà mẹ này nói: "Tao sẽ làm cho mày khổ!" Các bà mẹ độc tài khó tính thường nói thẳng và nói mạnh với con chứ không nói gay, nói bóng gió. Những lời nói đó có thể ám ảnh con và khiến con mang mặc cảm suốt đời. Kinh Thánh dạy: "Sống chết ở nơi quyền của lưỡi... Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống, song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần" (Châm ngôn 18:21; 15:4) Xin Chúa giúp chúng ta dùng lời nói để gây dựng lòng tự tin và sự trưởng thành nơi con cái, thay vì khiến con khiếp sợ và làm cho tâm hồn con tan nát.

Điều đáng thương là những mẫu người mẹ chúng tôi vừa nêu không biết mình là người mẹ như thế và cũng không biết mình để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con cái. Các bà chỉ sống và xử sự theo bản tính tự nhiên và không ngờ là mình làm khổ con. Sứ mạng của người mẹ không phải là nắm giữ con cho mình nhưng hướng dẫn thế nào để con dần dần tách rời khỏi mẹ để tự lập, nhất là con trai. Điều tốt nhất mà người mẹ có thể làm để khích lệ con trong tiến trình trở nên người trưởng thành, tự lập, là ý thức rằng rồi đây con cái sẽ có đời sống riêng và bằng lòng cho con dần dần tách rời cha mẹ để vui với hạnh phúc trong gia đình mới. Điều này có thể khiến chúng ta đau buồn vì cảm thấy mất mát, nhưng nếu thật sự thương con, chúng ta phải can đảm cho con lìa xa, không cản trở, không buồn than. Người con trai được mẹ khuyến khích bước vào đời sống tự lập sẽ tự tin nơi chính mình. Nếu chúng ta để con tự quyết định những vấn đề quan trọng cho cuộc đời, dù lắm khi có vẻ như nguy hiểm, nhưng con sẽ thêm kinh nghiệm, sẽ nhận diện chính mình và thấy rõ chương trình của Chúa cũng như những tài năng, ân tứ Chúa ban cho mình. Nguyên tắc muôn đời của Thánh Kinh là: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt" (Ma-thi-ơ 19:5).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#13 Posted : Friday, June 10, 2005 2:03:28 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 7


Có bao giờ quý vị đặt câu hỏi: Tại sao mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu thường căng thẳng, khó chịu chứ không nhẹ nhàng thương yêu như giữa mẹ và con gái? Đáng lẽ hai người đàn bà này, vì cùng yêu thương lo tưởng đến một người thì sẽ thân nhau, thương nhau và giúp nhau mang hạnh phúc đến cho người mình thương. Hoặc lẽ ra các bà mẹ chồng, vì đã trải qua kinh nghiệm làm dâu sẽ thông cảm với con dâu và sẽ giúp thế nào để con có một kinh nghiệm dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn. Đời sống sẽ nhẹ nhàng biết bao nếu mọi người đối xử với nhau bằng tình thương và lòng thông cảm như thế.

Sở dĩ mối quan hệ giữa bà mẹ chồng và người con dâu thường không tốt đẹp là vì có những tâm lý và yếu tố phức tạp trong đời sống của mỗi người. Nếu bà mẹ có một hôn nhân không hạnh phúc, không được chồng yêu thương, nhưng bị xem thường, hất hủi, hoặc bị chồng phụ bạc để đi theo người khác. Khi con trai có vợ và nếu con thương yêu và đối xử tốt với vợ, sẽ có hai trường hợp xảy ra: Nếu bà mẹ không thương con một cách ích kỷ, bà sẽ vui vì thấy con trai của mình không đối xử tệ bạc với vợ giống như cha. Bà cũng mừng cho con dâu vì đã lấy con trai của bà là một người tốt nên sẽ không phải khổ như bà. Trái lại, nếu bà mẹ này thương con cách ích kỷ, muốn nắm giữ con cho riêng mình hoặc có tính hay thương hại chính mình thì sẽ ganh với con dâu và không bằng lòng khi thấy con trai của bà cưng vợ, chiều vợ. Và vì không vui, bà sẽ nói hoặc làm thế nào để người con dâu không được hưởng cái hạnh phúc mà bà đã không có.

Có người vì ngày trước làm dâu quá khổ, gặp người mẹ chồng quá khó, đến khi làm mẹ chồng thì nghĩ rằng làm mẹ chồng là phải khó như thế, vì vậy họ khó với con dâu. Nhiều người khó với con dâu vì đó là cách cư xử duy nhất mà họ học biết, qua kinh nghiệm và qua người chung quanh. Nhưng cũng có những bà mẹ chồng khó với con dâu để chứng tỏ mình là người có quyền trong gia đình, hoặc để bù lại những đau khổ mình phải chịu ngày trước, hoặc là để dạy con dâu, để con dâu phải nể sợ. Cứ như thế, thế hệ đi trước tiếp tục gieo đau khổ cho thế hệ kế tiếp. Tuy ngày nay hầu hết các đôi vợ chồng trẻ đều ở riêng chứ không sống chung với cha mẹ chồng nên những thảm cảnh mẹ chồng nàng dâu không quá đáng như ngày xưa, nhưng chúng ta phải công nhận là sự căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn là một nan đề lớn trong nhiều gia đình.

Có khi bà mẹ chồng thấy khó có cảm tình với con dâu chính là vì người con trai của bà. Đây là trường hợp những người con trai được mẹ yêu thương nuôi nấng từ nhỏ đến lớn, hy sinh tất cả để con được đầy đủ sung sướng, nhưng không biểu lộ tình thương đối với mẹ, cũng không tỏ lòng biết ơn mẹ. Quá hời hợt, nhạt nhẽo trong tình cảm đối với mẹ. Không bao giờ hỏi thăm mẹ, chăm sóc mẹ hay làm một điều gì cho mẹ vui. Người con trai cư xử như là một người vụng về, khô khan, không có tình cảm hay cảm xúc gì với ai, nhưng đến khi có vợ, lại chiều chuộng chăm sóc vợ quá đáng, làm như trên đời chỉ có vợ là người đáng cho mình yêu thương chiều chuộng. Cách cư xử của người con trai sẽ khiến bà mẹ bị tổn thương nên bà cảm thấy ganh với con dâu và khó có thiện cảm với con dâu. Cũng có trường hợp bà mẹ chồng không có cảm tình với con dâu là vì lỗi của người con dâu. Đây là trường hợp những cô vợ trẻ còn non nớt, thiếu tế nhị trong cách ứng xử với người chung quanh. Các cô chỉ chú ý đến chồng, chỉ quan tâm chăm sóc chồng mà không nghĩ đến người đã sinh ra chồng mình. Có người không những không quan tâm, không yêu thương, không cố gắng để chinh phục tình cảm của mẹ chồng mà cũng không kính trọng, kể như người đó không có phần gì trong cuộc sống của gia đình mình. Đây là một thiếu sót, một lỗi lầm lớn mà các cô vợ trẻ cần chú ý để không vấp phải.

Sau đây, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị một quan hệ mẹ chồng nàng dâu thật đặc biệt như sau: Một cô con dâu nọ kể cho bạn nghe về bà mẹ chồng của cô như vầy:

Chị ơi, khi nghe nhiều người than về bà mẹ chồng của họ, em thật ngạc nhiên không hiểu được, vì Chúa ban cho em một bà mẹ chồng thật tuyệt vời. Không phải vì em khôn ngoan, tài giỏi hay biết cách cư xử mà bà thương em; cũng không phải vì em đẹp, học giỏi hay mang lại ích lợi cho gia đình bà nhưng chỉ vì bà thương em với một tình yêu bao la, nhân từ. Năm 18 tuổi, em đã bỏ dở việc học để lập gia đình với người em yêu. Chồng em lúc đó cũng chỉ mới 20. Vợ chồng em thật quá dại, học hành chưa xong, tuổi còn quá trẻ mà muốn lập gia đình với nhau, nhưng bà mẹ chồng em không bàn ra một lời nào. Bà biết chúng em yêu nhau nên bà tán thành và giúp chúng em hết lòng. Vì chưa học xong đại học, hai vợ chồng em phải làm những công việc có đồng lương thấp, đời sống chật vật, thiếu thốn, nhưng bà không hề la mắng, trách móc hay đổ lỗi cho em. Việc nhà cửa cơm nước em cũng vụng về, vừa làm vừa học hỏi qua những vấp váp sai hỏng hằng ngày, mẹ chồng em biết nhưng bà chỉ cười và chỉ dạy em cách nhẹ nhàng.

Hai năm sau, em sinh con trai đầu lòng. Dù em vụng về trong vai trò làm mẹ, không biết chăm sóc con, bà không hề chê hay nói bóng nói gió để chỉ trích em. Mỗi lần đến thăm, bà thường hỏi em cần giúp gì và bà giúp đúng điều em cần. Bà không bao giờ chê em với chồng em, không nói xấu em với người trong gia đình, cũng không than với ai là con dâu bà thế này thế kia. Nhờ bà mà người trong gia đình chồng rất thương yêu em. Mỗi lần sinh nhật của em hoặc kỷ niệm ngày cưới của hai vợ c hồng, bà gởi cho em những tấm thiệp với đầy những lời lẽ yêu thương. Bà cũng thường cầu nguyện cho vợ chồng em và khích lệ em những lúc mệt mỏi nản lòng. Chỉ tiếc là em ở gần mẹ chồng chỉ được 12 năm, sau đó vì công việc làm, vợ chồng em phải dời đi xa. Vài ba năm mới về thăm bà được một lần. Mỗi lần nghĩ đến bà em có một cảm xúc trìu mến, thương yêu thật lạ lùng. Em cảm tạ Chúa đã cho em có một bà mẹ chồng yêu thương em như con ruột. Bà thật là viên ngọc quý mà Chúa đã ban cho em để bù đắp tình mẫu tử mà em thiếu vắng từ khi còn ấu thơ. Mẹ chồng em đã dạy em rất nhiều điều quý giá. Bà không dạy bằng lời nói nhưng bằng chính đời sống và cách ứng xử cao đẹp của bà. Nhờ bà, em biết cách cư xử với người chung quanh, với người lớn tuổi và người trong gia đình chồng. Bà là tấm gương sáng cho em trong nhiều phương diện, nhưng đặc biệt là trong cách cư xử ở đời. Giá mà mọi người đều sống với nhau bằng tấm lòng quảng đại nhân từ như mẹ chồng em thì đời sống nhẹ nhàng biết bao nhiêu! Em luôn tự nhủ với mình rằng mai kia khi con trai em có vợ, em sẽ nhờ Chúa, làm một bà mẹ chồng yêu thương nhân từ, để làm gương cho con dâu và để cuộc đời này bớt đi khổ đau.


Chúng tôi tin chắc rằng chung quanh chúng ta cũng không thiếu những bà mẹ chồng nhân từ, yêu thương như trong câu chuyện chúng ta vừa nghe. Phúc Âm Lu-ca ghi lời Chúa Giê-xu dạy: "Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. Đừng đoán xét, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình. Hãy cho, người sẽ cho mình, ... vì các ngươi đong bằng đấu nào thì họ cũng sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy" (Lu-ca 6:36-38). Đây là những nguyên tắc cao đẹp chúng ta cần áp dụng trong đời sống hằng ngày. Giữa mẹ chồng và con dâu vốn không có tình yêu thương tự nhiên như giữa mẹ và con gái, vì thế nếu đôi bên muốn có tình thương cho nhau, chúng ta phải chủ tâm cố gắng gây dựng. Chúng ta cần đến với nhau bằng tình thương, nhưng con dâu thương mẹ chồng trước hay mẹ chồng phải thương con dâu trước? Chúng tôi thiển nghĩ người lớn tuổi, người có quyền và có nhiều kinh nghiệm ở đời là người cần ban tình thương trước. Tương tự như Chúa đối với chúng ta, như chồng đối với vợ, cha mẹ đối với con cái, các bà mẹ chồng nên ban tình thương cho con dâu trước. Như lời Chúa dạy, chúng ta đong cho người bằng đấu nào thì người sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu đó. Nếu chúng ta lấy tình thương, lòng nhân từ đong cho người chung quanh thì họ sẽ đong lại cho chúng ta bằng tình thương và nhân từ. Nếu mẹ chồng lấy tình thương đối xử với con dâu thì con dâu sẽ đáp lại bằng tình thương. Nếu người con dâu nhận tình thương mà không hiểu và không đáp lại bằng tình thương, là lỗi của người đó, Chúa nhìn thấy tấm lòng của chúng ta và Ngài sẽ ban phước cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta lấy quyền làm cha mẹ, quyền làm mẹ chồng, đòi hỏi tình thương của con, trông mong con quan tâm đến mình, chúng ta sẽ chỉ đẩy con cái xa chúng ta hơn. Những người khó khăn với con cái, nay chỉ trích điều này, mai chê trách điều nọ có thể khiến con nể sợ nhưng con sẽ tránh xa chứ không dám đến gần và cũng khó có một tình cảm đậm đà với cha mẹ. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống theo Lời Chúa dạy, yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#14 Posted : Friday, June 10, 2005 2:08:37 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 8


Anh Tieán naêm nay ñaõ hôn boán möôi tuoåi. Anh laäp gia ñình ñaõ laâu nhöng meï anh luùc naøo cuõng muoán caàm quyeàn treân anh. Meï anh thöông con nhöng baø raát khoù vôùi con vaø hay la maéng con. Baát cöù laøm vieäc gì vaø duø coá gaéng bao nhieâu, anh Tieán cuõng khoâng theå laøm cho meï vui loøng. Lôùn leân trong söï nghieâm khaéc cuûa meï, anh cuõng trôû thaønh khoù khaên vôùi chính mình. Baây giôø, duø laøm ñöôïc vieäc toát, hay thaønh coâng, anh cuõng khoâng baèng loøng vôùi chính mình. Rieâng ñoái vôùi meï, moãi khi baø cuï buoàn hay ñau oám, anh caûm thaáy traùch nhieäm ñoù ñeø naëng treân anh, maø baø cuï laïi hay than vôùi anh. Baø soáng vôùi hai ngöôøi con gaùi taïi moät tieåu bang khaù xa. Moãi laàn ñeán teát baø goïi ñieän thoaïi cho bieát baø seõ ñeán thaêm vaø ôû laïi aên teát vôùi gia ñình anh. Baø thöôøng choïn ngaøy roài baùo cho bieát baø seõ ñeán ngaøy naøo, luùc maáy giôø ñeå anh ra phi tröôøng ñoùn. Ñieàu ñaëc bieät laø baø thích ñeán vaøo giöõa tuaàn, trong giôø laøm vieäc, vaø duø bieát con phaûi ñi laøm, baø noùi thaúng raèng baø chæ muoán anh ñoùn chöù khoâng muoán vôï anh ñoùn baø.

Khi meï goïi baùo tin seõ ñeán chôi, neáu anh Tieán ngaïc nhieân hay traû lôøi ngaäp ngöøng, baø cuï noùi ngay: "Con khoâng muoán meï tôùi thì thoâi, naêm nay meï ôû nhaø aên teát moät mình cuõng ñöôïc." Hoaëc noùi: "Con khoâng theå boû vaøi giôø ñoàng hoà ñeå ñi ñoùn baø meï giaø beänh hoaïn cuûa con sao?" "Con caùi gì maø quyù hoùa quaù, baây giôø meï môùi bieát con coù thöông meï hay khoâng." Khi ñeán thaêm vôï choàng con, baø thöôøng daën: "Con bieát laø meï nhieàu beänh laém, nhôù nhaéc con vôï cuûa con naáu cho meï thì ñöøng coù cho muoái hay boät ngoït, meï khoâng aên ñöôïc nhöõng thöù ñoù. Tuïi bay cuõng neân taäp aên uoáng caån thaän ñi laø vöøa, caùi gì cuõng aên roài laø khoå thaân ñoù." Nghæ ñeán nhöõng lôøi treân, duø meï chöa ñeán maø anh Tieán ñaõ caûm thaáy ngao ngaùn. Anh thöông meï vaø saün saøng laøm taát caû cho meï vui, nhöng haàu nhö meï anh khoâng muoán vui. Luùc naøo baø cuõng buoàn than vaø bao giôø baø cuõng nhìn thaáy khuyeát ñieåm cuûa anh. Tieán khoâng daùm noùi hay laøm gì traùi yù meï, anh coá gaéng chieàu meï trong moïi vieäc; nhöng duø anh coá gaéng bao nhieâu, baø vaãn khoâng vui, coøn anh thì chæ thaáy naëng neà buoàn chaùn theâm.

Thöa quyù vò, ñaây laø tieâu bieåu veà maãu baø meï thöù naêm maø chuùng toâi trình baøy trong caâu chuyeän gia ñình kyø tröôùc: Maãu ngöôøi meï naøy ñoäc taøi, khoù tính, hay chæ trích con caùi vaø muoán con duø bao nhieâu tuoåi vaãn ôû döôùi quyeàn cuûa meï. Nhöõng baø meï khoù tính vaø hay chæ trích con coù moät khaû naêng ñaëc bieät trong vieäc nhìn thaáy loãi cuûa con. Baø khoâng chæ thaáy nhöõng loãi tröôùc maét maø cuõng thaáy nhöõng loãi tieàm aån maø ngöôøi khaùc khoâng thaáy, vaø moät khi nhìn thaáy khuyeát ñieåm cuûa con, baø phaûi söûa ngay, baát keå laø con ñang ôû ñaâu vaø coù ai chung quanh. Baø khoâng caàn bieát söï söûa daïy cuûa baø seõ laøm con xaáu hoå hay ñau ñôùn nhö theá naøo. Nhöõng baø meï naøy muoán cho moïi ngöôøi bieát laø duø con baø ñaõ lôùn, baø vaãn coù quyeàn treân con; duø trong thöïc teá laém khi baø khoâng coù khaû naêng hay phaåm tính cuûa moät ngöôøi laõnh ñaïo. Moät ñieåm noåi baät khaùc nôi caùc baø meï ñoäc taøi vaø hay chæ trích con laø khi con trai baét ñaàu coù baïn gaùi, duø laø ngöôøi con gaùi naøo, baø cuõng nhìn thaáy voâ soá khuyeát ñieåm nôi ngöôøi ñoù. Baø coù saün trong trí tieâu chuaån cuûa ngöôøi xöùng ñaùng vôùi con trai cuûa baø, vaø theo tieâu chuaån ñoù, coù leõ khoâng ngöôøi con gaùi naøo xöùng ñaùng laøm con daâu cuûa baø. Caùc nhaø taâm lyù hoïc cho bieát, nhöõng baø meï hay chæ trích con vaø khoù khaên vôùi con laø ngöôøi coù moät nhu caàu ñaëc bieät trong quan heä vôùi ngöôøi chung quanh. Caùc baø thöôøng sôï haõi, lo laéng, khoâng bình an vaø khoâng baèng loøng vôùi chính mình. Nhöõng baø meï naøy caàn tình thöông vaø caàn nöông töïa vaøo choàng con. Caàn nhöng laïi laøm nhö mình khoâng caàn ai caû, yeáu ñuoái nhöng laïi muoán toû ra laø mình maïnh meõ. Nhöõng baø meï naøy thöôøng hay la loái to tieáng, deã noùng giaän vaø gaây goå vôùi moïi ngöôøi. Caùch noùi naêng vaø cöû chæ cöùng raén ñoù chæ laø caùch ñeå baø che giaáu con ngöôøi thaät, baát an, ñau ñôùn; ñeå khoâng ai ñeán gaàn vaø thaáy roõ con ngöôøi yeáu ñuoái cuûa mình.

Tieán só Norman Wright, trong quyeån saùch töïa ñeà: "Ngöôøi ñaøn baø thöù hai trong hoân nhaân cuûa baïn" cho bieát, neáu moät baø meï nuoâi daïy con trai trong nhöõng ñöôøng höôùng sau ñaây, thì con trai vaø ngöôøi vôï töông lai coù theå phaûi ñoái dieän vôùi khoù khaên trong hoân nhaân vaø trong quan heä vôùi baø meï choàng.

1. Noùi cho con trai bieát, con laø nieàm vui, laø phaàn thöôûng duy nhaát cuûa meï trong taát caû nhöõng ñau khoå, khoù khaên maø meï phaûi chòu suoát caû cuoäc ñôøi.

2. Luùc naøo cuõng khen con, ca ngôïi con, cöng chieàu vaø bao phuû con trong tình thöông moät caùch quaù ñaùng, ñeán noãi khieán con thaáy ngoät ngaït.

3. Daïy con raèng khi con lôùn vaø tröôûng thaønh roài, con seõ laøm nhöõng vieäc lôùn lao ñaëc bieät cho meï ñeå ñeàn ñaùp coâng ôn cuûa meï.

4. Baûo boïc chaêm lo cho con moïi vieäc, ñeå con khoâng bao giôø phaûi thaát voïng hay buoàn phieàn.

5. Gieo trong taâm trí con tö töôûng sai laàm raèng, moïi ngöôøi phaûi cho con laøm baát cöù ñieàu gì con muoán, vì con seõ trôû thaønh moät ngöôøi ñaëc bieät, laøm nhöõng ñieàu ñaëc bieät trong ñôøi.

6. Ngaên caûn con töï quyeát ñònh cho mình nhöng muoán con hoûi yù meï vaø troâng chôø söï ñoàng yù cuûa meï trong moïi quyeát ñònh.

7. Khoâng söûa phaït roõ raøng khi con laøm loãi nhöng duøng nhöõng phöông caùch lô löûng, lôø môø ñeå ñieàu khieån con.

8. Khieán con nghó raèng vì nhöõng muïc tieâu lôùn lao trong cuoäc ñôøi, con khoâng neân ñeå yù ñeán phaùi nöõ, nghóa laø khoâng neân coù baïn gaùi.

9. Taïo trong con nieàm tin töôûng raèng meï seõ cung öùng cho con taát caû moïi ñieàu con caàn ñeå meï con mình gaén boù vôùi nhau maõi maõi.

10. Cho con caûm thaáy raèng meï coù toaøn quyeàn treân ñôøi soáng con vaø con mang ôn meï taát caû moïi söï vì meï laø ngöôøi ñaõ sinh ra con vaø cung caáp moïi nhu caàu cho con.

11. Qua lôøi noùi vaø haønh ñoäng, cho con thaáy raèng cung öùng nhöõng nhu caàu caên baûn cho con laø moät gaùnh naëng lôùn ñoái vôùi meï.

12. Baøy toû söï baát bình vaø lo laéng khi con coù veû thaân vôùi moät ngöôøi naøo.

13. Cho con thaáy raèng khoâng nhöõng trong hieän taïi nhöng caû cuoäc ñôøi con phaûi mang ôn meï maõi maõi.

Nhöõng caùch ñoái xöû vaø daïy doã con trai trong ñöôøng höôùng treân nhaèm cho con thaáy raèng con mang ôn meï taát caû moïi söï vaø con laø ngöôøi duy nhaát ñem laïi nieàm vui vaø haïnh phuùc cho meï. Ñaây laø moät gaùnh naëng quaù lôùn maø ngöôøi meï ñaët treân vai con. Nhöõng ngöôøi ñaõ tröôûng thaønh hay thaønh coâng trong ñôøi cuõng khoâng theå laøm troïn nhöõng ñieàu troâng mong naøy cuûa meï. Nhöõng baø meï daïy con theo maãu möïc treân seõ taïo ra nhöõng ñöùa con trai heøn yeáu, vöøa sôï vöøa muoán caàm quyeàn treân phaùi nöõ.

Thöù saùu: Nhöõng baø meï ñoøi hoûi söï toaøn haûo nôi con caùi

Chuùng ta ñaõ bieát veà naêm maãu ngöôøi meï ñeå laïi aûnh höôûng tieâu cöïc treân ñôøi soáng con trai. Thöù nhaát laø nhöõng baø meï cöùng raén, naém quyeàn trong gia ñình. Thöù hai laø nhöõng baø meï quaù cöng chieàu con trai. Thöù ba laø nhöõng baø meï quaù yeáu ñuoái, luùc naøo cuõng tuøy thuoäc vaøo con. Thöù tö laø nhöõng baø meï töï laøm khoå mình vaø thöù naêm laø nhöõng baø meï ñoäc taøi, khoù tính, luùc naøo cuõng chæ trích con. Maãu ngöôøi meï thöù saùu, ñeå laïi aûnh höôûng tai haïi treân ñôøi soáng con laø nhöõng ngöôøi ñoøi hoûi söï toaøn haûo nôi con, ñaëc bieät laø con trai. Caùc baø meï naøy troâng mong nôi con moät ñieàu khoâng thöïc teá, ñoù laø muoán con toaøn haûo trong moïi maët. Caùc baø raát gioûi trong vieäc tìm thaáy loãi cuûa con, haàu nhö hoï coù moät nhu caàu khoâng bao giôø thoûa maõn laø nhu caàu chæ ra khuyeát ñieåm cuûa con, vaø khi thaáy ñieàu sai soùt cuûa con, duø nhoû ñeán ñaâu, hoï cuõng phaûi chæ ra vaø söûa sai ngay. Neáu coù ai noùi sao baø khoù vôùi con caùi, baø seõ baøo chöõa: "Toâi chæ muoán giuùp ñeå mai moát noù khoûi bò nhöõng vaáp vaùp lôùn hôn, ñau ñôùn hôn." Hoaëc noùi vôùi con: "Thöông con meï môùi noùi ra nhöõng ñieàu naøy ñeå giuùp con." Nhöng söï thaät laø nhöõng toån thöông con phaûi chòu vì lôøi chæ trích cuûa meï ñem laïi nhieàu tai haïi hôn laø ích lôïi. Tröôùc nhöõng thaát baïi hay laàm lôõ cuûa con, baø meï naøy thöôøng noùi theá naøo ñeå con xaáu hoå, bò toån thöông vaø vì aùp löïc cuûa meï maø phaûi thay ñoåi. Ñieàu ñaùng thöông laø, ñöùa con trôû thaønh ngöôøi ñeå baø truùt heát nhöõng böïc doïc vaø che giaáu nhöõng baát toaøn cuûa chính baø. Nhöõng ñöùa con bò meï chæ trích vaø söûa sai thöôøng xuyeân seõ ngaïi khoâng daùm laøm gì caû. Vì bieát neáu mình laøm seõ khoâng ñuùng, khoâng toaøn haûo nhö meï mong muoán neân ngöôøi con laøm vieäc gì cuõng chaàn chöø, trì hoaõn, daàn daàn trôû thaønh ngöôøi coù tính hay chaàn chöø vaø khoâng laøm neân vieäc gì. Ngöôøi meï ñoøi hoûi söï toaøn haûo nôi con khoâng chæ duøng lôøi noùi ñeå con khieáp sôï nhöng cuõng tröøng maét, cau maøy vaø laém khi duøng söï im laëng ñaày ñe doïa ñeå con thaáy söï baát bình cuûa mình.

Ñöùc Chuùa Trôøi ban cho chuùng ta gia ñình ñeå ngöôøi trong gia ñình yeâu thöông nhau, troø chuyeän vôùi nhau, haàu hieåu nhau, thoâng caûm vaø naâng ñôõ nhau. Chuùa khoâng muoán cha meï duøng söï im laëng ñeå ñe doïa, tröøng phaït con caùi hay con caùi duøng lôøi noùi ñeå laøm toån thöông cha meï. Chuùng ta caàn noi theo nguyeân taéc soáng vaø cö xöû cao ñeïp sau ñaây cuûa Thaùnh Kinh: "Chôù coù moät lôøi döõ naøo ra töø mieäng anh em, nhöng khi ñaùng noùi, haõy noùi moät vaøi lôøi laønh giuùp ôn cho vaø coù ích lôïi cho keû nghe ñeán. Phaûi boû khoûi anh em nhöõng söï cay ñaéng, buoàn giaän, töùc mình, keâu reâu, maéng nhieác, cuøng moïi ñieàu hung aùc. Haõy ôû vôùi nhau caùch nhaân töø, ñaày daãy loøng thöông xoùt, tha thöù nhau nhö Ñöùc Chuùa Trôøi ñaõ tha thöù anh em trong Chuùa Cöùu Theá vaäy" (EÂ-pheâ-soâ 4:29 & 31-32).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#15 Posted : Friday, June 10, 2005 2:09:23 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 9


Nhöõng tuaàn qua chuùng toâi noùi veà nhöõng maãu ngöôøi meï ñeå laïi aûnh höôûng tieâu cöïc treân con trai, hoâm nay chuùng toâi xin noùi veà ñaëc ñieåm cuûa moái quan heä toát ñeïp giöõa meï vaø con trai. Theo tieán só Norman Wright, trong quyeån "Ngöôøi Ñaøn Baø Thöù Hai trong Hoân Nhaân cuûa Baïn," ngöôøi meï vaø con trai coù moät quan heä toát ñeïp khi quan heä ñoù coù söï quaân bình, töùc laø coù gaén boù yeâu thöông nhöng cuõng coù giôùi haïn roõ raøng. Gaén boù laø noùi ñeán tình thöông yeâu ñaäm ñaø raøng buoäc meï vaø con, coøn giôùi haïn laø noùi ñeán söï caùch bieät caàn thieát giöõa meï vôùi con. Moái quan heä naøo cuõng caàn coù gaén boù thöông yeâu nhöng cuõng caàn coù giôùi haïn. Con ngöôøi chuùng ta do Ñöùc Chuùa Trôøi taïo döïng laø con ngöôøi tình caûm. Ñöùc Chuùa Trôøi phaùn: "Loaøi ngöôøi ôû moät mình khoâng toát," vì chuùng ta caàn tình thöông vaø söï gaàn guõi cuûa ngöôøi chung quanh. Tuy nhieân, moãi chuùng ta cuõng laø moät caù theå rieâng bieät, caàn coù nhöõng ñieàu, nhöõng choã rieâng cho chính mình. Duø meï con hay cha con gaàn nhau vaø thöông nhau nhieàu bao nhieâu, giöõa ñoâi beân cuõng caàn coù moät khoaûng caùch. Ñaây laø khoaûng caùch caàn thieát, ñeå giuùp cho tình caûm meï con vaø cha con theâm beàn chaët.

Cha meï cuõng nhö con caùi, ai cuõng coù nhöõng ñieàu rieâng tö, rieâng bieät. Coù nhöõng vieäc cuûa meï con khoâng caàn bieát ñeán, coù nhöõng vieäc cuûa con meï cuõng khoâng caàn bieát. Töông töï nhö theá, coù nhöõng nan ñeà meï khoâng neân noùi vôùi con vaø meï cuõng phaûi chaáp nhaän caùi thöïc teá laø, coù nhöõng vaán ñeà cuûa con maø meï khoâng theå bieát, dó nhieân ñaây laø khi ñöùa con ñaõ ñeán tuoåi khoân lôùn vaø hieåu bieát. Moái quan heä giöõa meï vôùi con trai ñöôïc toát ñeïp laø khi meï con coù söï thaân thöông, gaàn guõi, coù theå chia xeû taâm tình vôùi nhau vaø thoâng caûm nhau, nhöng vaãn toân troïng nhöõng ñieàu tieâng tö cuûa moãi ngöôøi. Ñaëc bieät laø toân troïng yù kieán vaø quyeát ñònh cuûa moãi ngöôøi trong nhöõng vaán ñeà coù tính caùch caù nhaân.

Moät thanh nieân noï than vôùi vò laõnh ñaïo tinh thaàn nhö sau:

Toâi naêm nay ñaõ 27 tuoåi nhöng meï toâi khoâng cho toâi moät chuùt töï do naøo. Luùc naøo baø cuõng theo doõi ñôøi soáng toâi. Moãi laàn toâi ñi ñaâu, laøm gì, vôùi ai, baø ñeàu hoûi caën keõ. Baïn toâi ñeán nhaø noùi chuyeän gì vôùi toâi baø cuõng muoán bieát, thö töø gôûi ñeán ñeà teân toâi baø töï ñoäng môû ra ñoïc, coù khi toâi noùi ñieän thoaïi, baø nghe leùn. Laém luùc baø hoûi toâi nhöõng chuyeän quaù rieâng tö, toâi khoâng noùi thì baø giaän, baûo raèng toâi khoâng thaønh thaät vôùi baø vaø khoâng tin caäy baø. Toâi ñaõ gaàn ba möôi tuoåi maø meï toâi cöù muoán quyeát ñònh moïi vieäc cho toâi vaø muoán toâi laøm theo yù baø. Toâi thöông meï nhöng toâi cuõng caàn coù ñôøi soáng rieâng, toâi khoâng bieát phaûi laøm sao baây giôø!

Ñaây laø moät quan heä meï con thieáu quaân bình, coù gaén boù nhöng thieáu giôùi haïn. Coù nhöõng baø meï buoäc con trai phaûi choïn ngaønh hoïc, choïn baïn beø, keå caû choïn baïn gaùi, theo yù meï. Coù ngöôøi buoäc con phaûi aên uoáng, aên maëc cuõng nhö ñeå kieåu toùc theo yù meï. Coù ngöôøi quyeát ñònh con phaûi ñi loaïi xe naøo, trong phoøng treo nhöõng hình aûnh naøo. Khi con laäp gia ñình, meï cuõng quyeát ñònh con mua nhaø ôû ñaâu, trong khu vöïc naøo, luùc naøo thì phaûi coù con, v.v... Nhöõng ngöôøi con trai naøy, duø ñaõ coù theå töï laäp veà nhieàu maët, vaãn ôû döôùi quyeàn kieåm soaùt cuûa meï.

Laøm theá naøo ñeå bieát quan heä giöõa chuùng ta vôùi con caùi laø moät quan heä quaân bình, chuùng ta gaàn con nhöng cuõng ñaët giôùi haïn vaø toân troïng con? Môøi quyù vò nhìn vaøo nhöõng daáu hieäu sau ñaây thì seõ roõ. Neáu chuùng ta öùng xöû theo nhöõng ñieàu moâ taû sau ñaây laø moái quan heä giöõa chuùng ta vôùi con caùi khoâng ñöôïc quaân bình cho laém:

1. Khi con baét ñaàu coù nhöõng quyeát ñònh ñeå töï laäp nhö ñi hoïc xa, ñi laøm xa hay doïn ra rieâng, cha meï caûm thaáy nhö bò con ruoàng boû, nghó raèng con khoâng yeâu thöông vaø khoâng hieáu thaûo vôùi cha meï.

2. Cha meï lo laéng, böïc boäi khi thaáy mình khoâng coøn kieåm soaùt con ñöôïc nöõa, chaúng haïn nhö kieåm soaùt giôø giaác, baïn beø, tieàn baïc cuûa con, nhöõng nôi con ñi, nhöõng vieäc con laøm. Neáu cha meï caûm thaáy buoàn giaän khi con daàn daàn töï laäp laø moái quan heä vôùi con thieáu quaân bình.

3. Khi con baát ñoàng yù kieán vôùi cha meï, cha meï cho laø con baát hieáu, laø khoâng yeâu thöông kính neå cha meï, duø yù cuûa con laø khoân ngoan vaø hôïp lyù chöù khoâng coù gì laø sai quaáy.

4. Luùc naøo cuõng chieàu yù con, khoâng daùm noùi hay laøm gì traùi yù con vì sôï con giaän, hoaëc laø noåi giaän leân khi thaáy con giaän cha meï. Ñieàu naøy noùi leân noãi lo sôï cuûa cha meï khi khoâng kieåm soaùt ñöôïc caûm xuùc cuûa con vaø sôï con khoâng thöông mình nöõa.

5. Cha meï thöôøng khen ngôïi söï meàm moûng cuûa con caùi, nhaát laø khi con chieàu yù cha meï ñeå giöõ hoøa khí trong gia ñình, nhöng khoâng bao giôø khen hay khuyeán khích con töï quyeát ñònh, töï lo, töï laäp.

6. Cha meï ñaùnh ñaäp hay maéng chöûi con naëng lôøi khi con phaïm loãi hoaëc khoâng laøm vöøa loøng cha meï.

7. Trong gia ñình con caùi luoân caûm thaáy coù traùch nhieäm veà nieàm vui vaø haïnh phuùc cuûa cha meï vì theá phaûi luoân luoân coá gaéng laøm cho cha meï vui, neáu khoâng seõ thaáy nhö mình coù loãi vôùi cha meï.

8. Cha meï tìm caùch che chôû ñeå con khoâng laõnh chòu haäu quaû cuûa nhöõng vieäc sai quaáy cuûa mình.

9. Cha meï khoâng nhaát quaùn vaø nhaát trí khi ñaët luaät leä, giôùi haïn cho con vaâng theo.

10. Duø con ñaõ khoân lôùn vaø töï laäp, cha meï tieáp tuïc lo cho con vaø chòu traùch nhieäm veà ñôøi soáng cuûa con.

Khi cha meï khoâng ñaët giôùi haïn roõ raøng cho con caùi, seõ gaëp nhieàu nan ñeà sau naøy. Nhöõng ngöôøi con trai trong gia ñình lôùn leân coù theå laø nhöõng ngöôøi khoâng coù yù chí, ai baûo gì cuõng nghe theo; khoâng daùm laøm ngöôïc laïi yù ngöôøi khaùc, vì luùc naøo cuõng muoán laøm vöøa loøng moïi ngöôøi. Coù ngöôøi thì khoâng daùm nghó ñeán nhu caàu cuûa mình, coù maëc caûm toäi loãi khi laøm ñieàu mình caàn hay thích. Coù ngöôøi thì nhu nhöôïc, yeáu ñuoái, khoâng daùm töï quyeát ñònh ñieàu gì, nhöng ñeå ngöôøi khaùc quyeát ñònh vaø chòu traùch nhieäm veà nhöõng gì xaûy ra cho chính mình. Noùi toùm laïi, khi cha meï gaén boù, gaàn guõi vôùi con quaù ñaùng seõ taïo ra nhöõng ñöùa con khoâng tröôûng thaønh, thieáu yù chí vaø tinh thaàn traùch nhieäm.

Nhö vaäy, ñeå traùnh taïo ra nhöõng ñöùa con, ñaëc bieät laø con trai khoâng tröôûng thaønh, chuùng ta caàn laøm gì ñeå coù nhöõng giôùi haïn laønh maïnh, toát ñeïp? Sau ñaây laø nhöõng giôùi haïn chuùng ta caàn ñaët ra:

1. Cho pheùp con caùi noùi leân yù kieán vaø caûm nghó rieâng cuûa chuùng. Khuyeán khích hoaëc taïo cô hoäi ñeå con chia xeû caûm nghó, yù kieán hay quan nieäm rieâng cuûa mình.

2. Cho con thaáy raèng neáu con coù yù kieán hay suy nghó khaùc vôùi cha meï cuõng khoâng sao, seõ khoâng bò cha meï khieån traùch hay leân aùn, vì moïi ngöôøi coù theå hoïc hoûi laãn nhau khi coù caùi nhìn vaø yù kieán khaùc nhau.

3. Khuyeán khích con cuõng bieát nghó ñeán chính mình vaø quyeát ñònh cho chính mình chöù ñöøng vieäc gì cuõng phaûi nghó ñeán cha meï. Cho con thaáy raèng cha meï tin laø con ñaõ coù ñuû khaû naêng vaø khoân ngoan ñeå quyeát ñònh cho chính mình.

4. Giuùp con phaùt hieän taøi naêng vaø aân töù Chuùa ban cho, phaùt trieån nhöõng taøi naêng ñoù vaø söû duïng toái ña. Khoâng ngaên caûn con duø khi nhöõng taøi naêng con coù khoâng ñuùng vôùi ñieàu cha meï mong öôùc.

5. Cho pheùp con baøy toû caûm xuùc, duø laø nhöõng caûm xuùc tieâu cöïc nhö buoàn giaän, baát bình, thaát voïng... nhöng baøy toû caùch oân hoøa, nheï nhaøng ñeå khoâng gaây toån thöông cho ngöôøi chung quanh hay chính mình.

6. Ñaët ra nhöõng giôùi haïn, kyû luaät roõ raøng vaø hôïp lyù cho con caùi tuaân theo, nhöng khoâng duøng söï ñe doïa ñeå khieán con vì sôï haõi hay maëc caûm toäi loãi phaûi vaâng theo.

7. Cho con ñöôïc töï do quyeát ñònh vaø choïn löïa theo söï tröôûng thaønh vaø tuoåi taùc cuûa con, vôùi söï höôùng daãn cuûa cha meï, chöù khoâng quyeát ñònh giuøm cho con hay eùp buoäc con quyeát ñònh theo yù cuûa cha meï.

8. Khi con khoâng ñoàng yù hay khoâng laøm theo ñieàu cha meï mong muoán, cha meï khoâng giaän döõ nhöng saün saøng xeùt laïi vaán ñeà vaø neáu ñöôïc, toân troïng yù kieán cuûa con.

Ngöôøi tin Chuùa cö xöû, haønh ñoäng vaø quyeát ñònh moïi vieäc theo tieâu chuaån lôøi Chuùa daïy. Cuõng theá, nhöõng giôùi haïn chuùng ta ñaët ra cho con caùi vaø ngöôøi trong gia ñình cuõng nhö nhöõng ñieàu cha meï khuyeán khích hoaëc cho pheùp con caùi laøm cuõng phaûi naèm trong giôùi haïn cuûa Lôøi Chuùa daïy trong Kinh Thaùnh. Khi con ñöùng tröôùc nhöõng quyeát ñònh ñi ngöôïc vôùi lôøi Chuùa, cha meï caàn giaûi thích, höôùng daãn vaø caûnh caùo roõ raøng cho con bieát. Moät trong nhöõng nguyeân taéc soáng chuùng ta caàn ñaët cho con caùi vaø cho chính mình laø: "Chôù daäp taét Thaùnh Linh, chôù khinh deå caùc lôøi tieân tri. Haõy xem xeùt moïi vieäc, ñieàu chi laønh thì giöõ laáy, baát cöù vieäc gì töïa nhö ñieàu aùc thì phaûi traùnh ñi" (I Teâ-sa-loâ-ni-ca 5:19-22).

Khi con ñaõ khoân lôùn, cha meï caàn toân troïng con vaø cho con töï laäp. Neáu cha meï khoâng cho con töï lo, töï laäp; khoâng noùi naêng, cö xöû vôùi con nhö ngöôøi lôùn, giôùi haïn giöõa cha meï vaø con caùi ñaõ bò vi phaïm. Khi chuùng ta giöõ quaân bình trong moái quan heä cha con vaø meï con, gaén boù yeâu thöông con nhöng cuõng ñaët giôùi haïn vaø toân troïng con, con caùi lôùn leân seõ khoân ngoan, töï tin, ñaëc bieät laø nhöõng ñöùa con trai, seõ coù tinh thaàn töï troïng, töï laäp; coù tinh thaàn traùch nhieäm, khoân ngoan khi ñöùng tröôùc nhöõng quyeát ñònh quan troïng. Ngöôïc laïi, neáu con ñaõ khoân lôùn maø cha meï cöù tieáp tuïc naém giöõ, ñieàu khieån, aùp cheá, maéng nhieác naëng lôøi vaø khoâng cho con moät chuùt töï do naøo laø chuùng ta ñaõ laøm cho con buoàn giaän, nhuït chí, naûn loøng.


Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org
Tonka
#16 Posted : Friday, June 10, 2005 2:09:50 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 10
Lìa Cha Mẹ


Có một bà mẹ kia, lo chuẩn bị đám cưới cho con trai. Trước ngày cưới, gia đình đôi bên gặp nhau lần chót để bàn lại những chi tiết cho lễ cưới. Khi mọi người đang lăng xăng làm việc, mẹ chú rể gọi con ra và nói: "Con trai của mẹ, mẹ mừng là ngày nay con đã nên người. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho con và mẹ thấy sự hy sinh đó cũng thật là xứng đáng. Trước khi con vui với hạnh phúc của gia đình mới, mẹ muốn con nhớ rằng vợ của con sẽ không bao giờ có thể làm cho con tất cả những gì mà mẹ đã làm cho con. Thật ra, không một người đàn bà nào trên đời này có thể lo cho con như mẹ đã lo, vì vậy mẹ mong con sẽ không bao giờ quên mẹ, không bao giờ quên sự hy sinh của mẹ." Sau đó bà đến bên cô con dâu mới và nói: "Con này, mẹ biết con sẽ không thể nào làm trọn hết những gì chồng con trông mong nơi một người vợ. Nhưng mà con phải luôn luôn cố gắng làm cho chồng vui lòng, và bất cứ khi nào con cần mẹ giúp, cho mẹ biết, mẹ sẽ đến ngay."

Đó là câu chuyện có thật đã được Tiến sĩ Norman Wright ghi lại trong quyển Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn. Đây thật là những lời đe dọa, thách thức, nói lên tấm lòng của một bà mẹ thương con cách ích kỷ. Bà mẹ chồng này chắn chắn sẽ không vui khi thấy con trai hạnh phúc, cũng sẽ không vui nếu con dâu không cần đến sự giúp đỡ của bà. Lời nói của bà đã tạo nên sự căng thẳng giữa bà và con dâu ngay từ buổi đầu.

Thưa quý vị, là cha mẹ chúng ta thương con và muốn con được hạnh phúc, nhưng khi con đã lớn và chuẩn bị bước vào hôn nhân, cha mẹ, nhất là người mẹ, thường buồn vì cảm thấy như mình đã mất con. Đây là một tâm lý bình thường vàø cần được thông cảm. Tuy nhiên, nếu khi con đã có gia đình mà vì buồn, cha mẹ nắm giữ con lại hoặc vì sợ cha mẹ buồn mà con không dám rời cha mẹ, sẽ đưa đến nhiều điều không tốt cho hạnh phúc của gia đình mới. Đây cũng là lý do khiến bao nhiêu nan đề đã xảy ra giữa con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ, và lắm khi chính vì đó mà hôn nhân đổ vỡ.

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Mạng lệnh này được Chúa Cứu Thế Giê-xu nhắc lại khi Ngài dạy về hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-5), và sau đó, khi dạy về bổn phận vợ chồng, sứ đồ Phao-lô lại nói đến một lần nữa (Ê-phê-sô 5:31). Một mạng lệnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nói lên tầm quan trọng của nó. Theo mạng lệnh này, khi lập gia đình, người nam phải lìa cha mẹ để kết hợp với vợ, lúc đó hai vợ chồng sẽ nên một. Đây là điều kiện cơ bản để có một hôn nhân hạnh phúc. Thường thường chúng ta sống và ứng xử theo văn hóa mà mình đã hấp thụ. Tuy nhiên, văn hóa là sản phẩm của con người nên không toàn hảo. Văn hóa Đông phương cũng như Tây phương, có nhiều điều hay nhưng cũng không thiếu những điều cần được sửa đổi hay loại bỏ. Ví dụ, trong văn hóa Tây phương cá nhân được đề cao, nên con cái nói chung được cha mẹ tôn trọng, khi đến tuổi trưởng thành được tự do tách rời khỏi cha mẹ để tự lập. Nhưng nhiều khi vì quá tự lập và sống theo cá nhân chủ nghĩa, con cái hầu như chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mà không quan tâm và không hiếu thảo với cha mẹ, để cha mẹ phải sống trong cô đơn, buồn tủi.

Văn hóa Đông phương thì nhấn mạnh về đời sống đại gia đình và chữ hiếu được đề cao vì thế con cái lớn lên biết ơn cha mẹ và biết tỏ lòng hiếu kính cha mẹ. Ông bà cha mẹ thường không sợ cô đơn vì có con cháu quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, lắm khi vì chữ hiếu và tình đại gia đình được chú trọng, con cái không được phép tách rời khỏi cha mẹ để tự lập, hoặc cha mẹ không chấp nhận cho con tự lập. Có những gia đình dù con đã 40, 50 tuổi cha mẹ vẫn nắm quyền điều khiển, lúc nào và việc gì con cái cũng phải tùy thuộc cha mẹ, khiến cho đời sống con trở nên bất hạnh. Vì thế, để có đời sống quân bình và hạnh phúc, không mất tình gia đình mà cũng không ai bị gò bó, chúng ta cần sống theo nguyên tắc của Lời Chúa dạy.

Theo Lời Chúa dạy, khi một người lập gia đình có ba bước cần xảy ra, theo thứ tự như sau: Bước đầu tiên là người đó phải lìa cha mẹ để tự lập. "Lìa" cha mẹ không có nghĩa là cắt đứt tình cảm với cha mẹ hay là không yêu thương và không quan tâm đến cha mẹ nữa. "Lìa" cha mẹ chỉ có nghĩa là người con đã trưởng thành, nên cần bước ra, đứng trên chân mình, tự lo tự lập để lãnh trách nhiệm trong gia đình mới. Một khi đã tự lập, người đó mới có thể bước đến bước thứ hai là gắn bó với vợ hay với chồng và bước cuối cùng là hai vợ chồng kết hợp làm một. Nếu một người không rời cha mẹ khi lập gia đình, người đó sẽ không thể gắn bó với người phối ngẫu và do đó hai vợ chồng không thể kết hợp làm một cách trọn vẹn. Và khi hai vợ chồng không kết hợp làm một về mọi mặt, xung đột hoặc phân rẽ sẽ dễ dàng xảy ra. Chúa Giê-xu phán: "Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi, vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hợp" (Ma-thi-ơ 19:6). Khi nghe lời dạy này, chúng ta thường nghĩ, người phân rẽ vợ chồng là những người không đứng đắn chen vào cám dỗ người vợ hay người chồng phạm tội ngoại tình và vì thế phá hỏng hạnh phúc của vợ chồng. Chúng ta ít khi nào nghĩ rằng cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình cũng có thể phân rẽ vợ chồng. Thật ra, ít khi nào cha mẹ cố tình phân rẽ vợ chồng con và gây đau khổ cho con, nhưng nếu con đã có gia đình riêng mà cha mẹ không cho con tách rời hoặc tiếp tục làm chủ điều khiển gia đình con là cha mẹ đã vô tình tạo điều kiện để gia đình con bị phân rẽ.

Khi cha mẹ không chấp nhận gia đình mới của con là một đơn vị độc lập, khi cha mẹ hay anh chị em xen vào những quyết định hay công việc riêng của hai vợ chồng, hoặc cha mẹ đòi hỏi con phải dành cho mình tình thương, thì giờ, sự chăm sóc quá đáng hoặc kiểm soát tiền bạc, nhà cửa, con cái của con là cha mẹ đã tạo sự phân rẽ giữa vợ chồng con. Đức Chúa Trời ban con cái để chúng ta nuôi dạy nên người trưởng thành, hữu ích cho Chúa và người chung quanh. Chúa không ban con cái để cha mẹ nắm giữ suốt đời, con cái cũng không phải là sở hữu của cha mẹ. Khi con đã khôn lớn chúng ta phải cho con lìa cha mẹ để bắt đầu đời sống riêng, xây dựng gia đình riêng. Theo lời Kinh Thánh dạy, chỉ vợ chồng phải ràng buộc với nhau suốt đời, còn con cái không ràng buộc với cha mẹ suốt đời nhưng lớn lên sẽ có đời sống riêng. Nếu không sống theo nguyên tắc lời Chúa dạy, gia đình chúng ta sẽ không tránh khỏi những xáo trộn, khó khăn. Đây không phải là truyền thống của văn hóa nào nhưng là lời dạy của Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết lập hôn nhân.

Thường thường các bà mẹ là người gần với con nên ràng buộc nhiều với con và muốn nắm giữ con hơn người cha. Vì lý do đó người mẹ dễ đau buồn, không chấp nhận con từ giã mình để vui với hạnh phúc mới. Cũng chính vì thế giữa bà mẹ và con dâu, con rể thường có nan đề hơn là giữa các ông với con dâu hay con rể. Thường thường, cha mẹ chấp nhận sự kiện con gái phải về sống với gia đình chồng, nhưng con trai ra riêng, không sống chung với cha mẹ là điều có người ngày nay vẫn còn thấy khó chấp nhận. Nếu chúng ta thật sự thương con trai và muốn con được hạnh phúc, hãy yêu thương chấp nhận con dâu và vui vẻ cho phép vợ chồng con rời cha mẹ để xây dựng gia đình mới.

Trong một đám cưới nọ, sau buổi lễ trong nhà thờ là tiệc cưới. Khi tiệc cưới sắp tàn, cô dâu chú rể chuẩn bị từ giã mọi người. Lúc đó người ta thấy bà mẹ chú rể chạy đến trên tay cầm một tờ giấy, tay kia cầm cây viết. Bà đến bên con trai và nói: "Mẹ biết con đến giờ phải đi nhưng việc này quan trọng nên xin con nán lại vài phút. Rồi bà đưa tờ giấy cho con và nói: "Con ký vào đây, mẹ đã ký rồi." Người con trai hơi ngạc nhiên, cầm tờ giấy đọc rồi mỉm cười và ký tên vào. Bà mẹ cũng đưa một tờ giấy tương tự cho cô con dâu, rưng rưng nước mắt bà nói: "Con cũng ký vào đây, tờ này của hai đứa con, ký rồi giữ luôn. Từ trước đến nay mẹ là người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời con trai của mẹ, nhưng hôm nay với tờ giấy này, mẹ muốn hai con và mọi người biết là mẹ trao vị trí đó cho con, từ nay trở đi con là người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời của con trai mẹ. Xin Chúa ban phước cho gia đình mới của hai con." Đôi vợ chồng mới ôm bà mẹ hôn, cô con dâu khóc, con trai của bà cũng khóc, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng, thông cảm. Bà mẹ này thật là can đảm, thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, bà sẵn sàng cho con tách rời khỏi bà để xây dựng hạnh phúc riêng. Hành động đầy yêu thương và hy sinh của bà mẹ chồng này sẽ giúp bà và con dâu có mối quan hệ tốt đẹp. Vì bằng lòng để cho con lìa xa chứ không nắm giữ con, bà không mất con trai mà còn được thêm người con dâu. Lời Chúa cũng cho chúng ta nguyên tắc tương tự trong những vấn đề khác. Đó là những gì chúng ta cố gắng nắm giữ cho mình thì sẽ mất, nhưng khi chúng ta sẵn sàng ban cho và chia xẻ, chúng ta không mất nhưng được lại gấp nhiều lần hơn. Ước mong chúng ta sẽ vâng theo những nguyên tắc Chúa dạy để đời sống chúng ta và con cháu chúng ta sẽ được sống trong yên vui và hạnh phúc.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#17 Posted : Friday, June 10, 2005 2:10:23 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 11
Chuẩn Bị Cho Con Lìa Cha Mẹ


Để hiểu tại sao các bậc cha mẹ, nhất là các bà mẹ, khó chấp nhận con trai xa lìa mình để xây dựng gia đình mới, chúng ta hãy nhìn vào mối dây ràng buộc giữa mẹ và con trai. Nếu quan sát trong các gia đình, chúng ta sẽ thấy bà mẹ thường hay trò chuyện, làm việc chung với con gái và có vẻ gần với con gái hơn con trai vì mẹ con có nhiều điểm chung, có những sở thích và nhu cầu giống nhau. Tuy nhiên, nói về sự sâu đậm của tình mẫu tử thì hầu hết các bà thương con trai hơn con gái và có khuynh hướng muốn nắm giữ con trai hơn. Trước hết vì các bà nghĩ rằng con trai mới thật là con của mình, sau này khi già yếu cô đơn, mình sẽ nhờ con trai hơn là con gái. Hơn nữa, nhiều người quan niệm rằng con trai mới là người có trách nhiệm đối với cha mẹ, còn con gái phải lo cho chồng và gia đình chồng. Khi sống chung với con trai các bà cũng không ngại vì nghĩ nhà của con cũng như nhà mình. Vì những suy nghĩ đó, các bà mẹ thường khó chấp nhận con trai lìa khỏi gia đình để tự lập.

Có một bà mẹ kia, sau khi con trai cưới vợ và ra riêng, bà cứ liên lạc, thăm hỏi mỗi ngày. Một người bạn thấy vậy nói: "Con trai bà đã có vợ rồi, sao bà còn chăm sóc hoài vậy?" Bà trả lời: "Tại sao khi con tôi có vợ, tôi không được lo cho nó nữa? Là mẹ mà không lo cho con sao được! Dù bao nhiêu tuổi nó vẫn là con của tôi và dù nó có vợ, tôi vẫn là mẹ nó, không ai có thể cấm tôi chăm sóc con tôi!" Lý luận của bà mẹ này nói lên tâm trạng của rất nhiều các bà mẹ có con trai mới lập gia đình. Thường các bà không muốn con rời xa mình, nhất là nếu người mẹ không có một hôn nhân hạnh phúc, bị chồng phụ bạc hay chồng chết sớm, hoặc những bà mẹ có ít con. Đặc biệt là những bà chỉ có một đứa con trai duy nhất, khi con lớn các bà thường lo sợ ngày phải xa con, và không muốn lìa xa con.

Một người con dâu nọ than với bạn như sau: "Mẹ chồng tôi xen vào đời sống gia đình tôi nhiều quá. Lúc chúng tôi mới cưới, bà cho phép hai vợ chồng dọn ra riêng, mọi người thấy vậy bảo là tôi may mắn và khen bà là thức thời, thông cảm với thế hệ trẻ. Nhưng không ai biết là bà gọi điện thoại cho chồng tôi mỗi ngày, hỏi hôm nay đi đâu, làm gì, bữa nay vợ nấu món gì? Khi gọi đến bà chỉ muốn nói chuyện với chồng tôi mà cũng không bao giờ hỏi đến tôi. Mỗi tuần bà nấu thức ăn mang đến hai ba lần. Bà nấu những món chồng tôi thích, nói rằng bà biết anh ấy nhớ những món này vì tôi không nấu được. Mấy năm sau, vợ chồng chúng tôi mua nhà, bà đến xem xét, phê bình điều này điều nọ, không hề có một lời khen. Khoảng một tuần sau bà trở lại, mang theo khăn bàn, tranh ảnh, bình hoa, màn cửa, nói là để giúp chúng tôi trang hoàng nhà mới. Tôi rất biết ơn về lòng quan tâm của mẹ chồng đối với gia đình chúng tôi nhưng điều khó là, những gì bà chọn để trang hoàng nhà mới của chúng tôi hợp với sở thích của bà và ý bà chứ không đúng với điều tôi muốn. Bà cũng không hỏi xem tôi thích màu gì, có thích những gì bà chọn hay bà trang hoàng như thế có được không? Không, bà cụ tự ý trang hoàng sắp xếp mọi thứ, làm như bà là người chủ căn nhà. Chúng tôi có hai đứa con, bà cụ rất thương cháu và thích đến chơi với cháu, nhưng mỗi khi đến, bà chiều hai đứa bé quá đáng, những gì chúng tôi nói không được thì bà nói là được và bà hầu như dạy các cháu ngược lại những gì chúng tôi đã dạy. Tôi buồn quá mà không biết làm sao, nếu nói thì bà sẽ giận, và khi bà giận thì tôi là người khổ hơn hết.

Quý vị nghĩ gì về nan đề của gia đình này? Thật ra, chúng ta phải nhận rằng, dù bà mẹ kia thương con và có ý tốt là muốn giúp con, bà đã đi quá giới hạn của mình. Như chúng tôi chia xẻ trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, bước đầu tiên để có một hôn nhân hạnh phúc là: "Người nam phải lìa cha mẹ." Để gia đình của đôi vợ chồng mới thật sự là một đơn vị gia đình mới, người chồng mới, cũng như người vợ mới, phải độc lập đối với gia đình cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên của một vĩ nhân hay bậc thánh hiền nào nhưng là mạng lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết lập hôn nhân. Không những đôi vợ chồng mới phải lìa cha mẹ để bắt đầu đời sống riêng nhưng cha mẹ, nhất là bà mẹ cần phải vui vẻ cho phép con và khuyến khích con tách rời khỏi mình để tự lập. Đây là điều khó cho nhiều bậc cha mẹ nhưng rất cần thiết cho đôi vợ chồng mới và đúng theo mạng lệnh của Chúa. Nếu một bà mẹ, dù gần con đến đâu, nhưng khi con có vợ, bằng lòng bước lui, nhường vị trí gần gũi nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời con cho người con dâu, nếu bà mẹ làm được như thế, đó là người thật sự thương con. Tình thương thường đi kèm với hy sinh, hy sinh cho phúc lợi của người mình thương. Khi hy sinh cho con như thế, chúng ta không mất tình thương của con nhưng con sẽ biết ơn và sẽ thương cha mẹ nhiều hơn. Lời Chúa dạy rằng: "Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh," "cho thì có phúc hơn là nhận" (Công vụ 20:35). Khi chúng ta sẵn sàng hy sinh và ban cho, chúng ta sẽ được lại bội phần hơn.

Trong quyển Người Đàn Bà Thứ Hai Trong Hôn Nhân của Bạn, tiến sĩ Norman Wright cho biết, để việc con lìa cha mẹ được nhẹ nhàng, tốt đẹp, khi con đã trưởng thành, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần thay đổi theo ba nguyên tắc sau: (1) Thay đổi từ vai trò bậc thầy khuyên dạy, chỉ bảo đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con. (2) Thay đổi từ vai trò nắm quyền sang vai trò người hướng dẫn và cố vấn. (3) Thay đổi từ chỗ khuyên dạy con đến chỗ trao đổi ý kiến với con.

Nguyên tắc 1: Thay đổi từ vai trò khuyên dạy chỉ bảo đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con

Nguyên tắc đầu tiên chúng ta cần áp dụng để khi con rời gia đình, cha mẹ không quá đau buồn là, cha mẹ chuyển từ vai trò bậc thầy của con, người dạy dỗ con sang vai trò làm người sẵn sàng học hỏi nơi con. Khi con cái chúng ta khôn lớn các em thu thập nhiều điều mới lạ ở trường, trong sách vở, qua các phương tiện truyền thông, kỹ thuật hiện đại, cũng như khi giao tiếp với người chung quanh. Các em rất muốn chia xẻ những điều mới lạ đó với cha mẹ. Có những điều con thu thập chúng ta thích, có điều chúng ta sẽ không thích; có những điều con nói chúng ta chấp nhận được, có những điều chúng ta sẽ thấy khó chấp nhận. Nhưng, để có mối quan hệ tốt đẹp với những đứa con đã trưởng thành, cha mẹ cần mở rộng cái nhìn của mình về đời sống và thế giới chung quanh, sẵn sàng học hỏi nơi con những điều mới lạ. Nếu cha mẹ cứ khư khư với quan niệm "trứng không thể khôn hơn vịt", và cho rằng con cái không thể nào hiểu biết hơn cha mẹ, là chúng ta đẩy con xa cha mẹ và sẽ đau buồn khi thấy con có thể tự lo tự lập, tự quyết định, chứ không vâng theo ý của cha mẹ nữa.

Các bậc cha mẹ thường có niềm hãnh diện riêng của mình, và ít ai muốn nhận rằng ý của con hay hơn, đề nghị của con tốt hơn. Rất khó cho cha mẹ chấp nhận rằng những điều mình vẫn suy nghĩ và vẫn làm từ trước đến nay không còn đúng nữa và cần được sửa đổi. Không ai muốn người khác chỉ ra chỗ sai của mình, nhất là khi người chỉ ra là những đứa con mà chúng ta sinh ra. Tuy nhiên, khi cha mẹ bằng lòng hạ mình, học hỏi những điều hay, điều mới lạ nơi con, chứng tỏ cha mẹ là người trưởng thành, có đầu óc cầu tiến, không hẹp hòi, bảo thủ. Và đây là bước giúp cho giữa cha mẹ và những người con trưởng thành có mối quan hệ tốt đẹp. Khi cha mẹ thành thật nói với con rằng điều con nói là hay, là tốt, là điều cha mẹ chưa bao giờ biết, là chúng ta cho con thấy rằng chúng ta là người cởi mở, thức thời, sẵn sàng thay đổi khi cần thay đổi. Có thể nói, sự kiện thế hệ lớn tuổi không chấp nhận những hiểu biết và ý kiến mới lạ của thế hệ trẻ tuổi là một trong những nguyên nhân khiến đất nước chúng ta chậm tiến.

Ông Norman Wright cho biết, để khi con trai từ giã gia đình để tự lập người mẹ sẽ không quá đau buồn, người mẹ không nên có mối quan hệ quá gần với con và tùy thuộc nơi con quá nhiều về mặt tình cảm. Khi con bắt đầu là một cậu bé con, người mẹ nên trao trách nhiệm gần con và dạy con cho người cha. Đây cũng là điều sẽ có ảnh hưởng tốt cho đứa con sau này. Không những không quá gần với con trai, người mẹ cũng cần để cho con phát triển tự nhiên, theo tâm tính và khả năng Chúa ban cho, đừng ép con theo khuôn mẫu mình muốn hay trông mong con làm trọn ước mơ của mình. Nếu người mẹ ép con theo ý mình, làm trọn giấc mơ của mình, hoặc ràng buộc con quá nhiều, đứa con sẽ là trở thành nhu nhược hoặc sẽ phản loạn và tìm cách tách rời khỏi mẹ sớm. Quan hệ cha mẹ và con cái là một kinh nghiệm đặc biệt cho chúng ta học hỏi nhưng cũng là một thách thức chúng ta phải đối diện. Khi đứa con trai còn nhỏ, cha mẹ là thẩm quyền con phải vâng theo, và là người kiểm soát mọi việc cho con. Nhưng theo với thời gian và sự khôn lớn của con, cha mẹ cần giảm bớt dần thẩm quyền và sự kiểm soát của mình, mỗi khi một ít, và cuối cùng, khi con khôn lớn, chúng ta chuyển thẩm quyền cho con, để con có thể tự lo tự lập. Mục tiêu của người làm cha mẹ là hướng dẫn và nuôi dạy con thế nào để khi khôn lớn con sẽ trưởng thành, tự lập, không tùy thuộc cha mẹ nữa. Có người đã nói, nuôi con cũng giống như thả diều, khi diều cần bay cao mà chúng ta giữ lại, không nới dây cho diều bay cao, nó sẽ bứt đứt dây mà bay mất đi hoặc là rơi xuống đất một cách thảm thương.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#18 Posted : Friday, June 10, 2005 2:10:53 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 12

Chuẩn Bị Cho Con Lìa Cha Mẹ #2


Có một bà mẹ kia có đông con nhưng bà thương đứa con trai út hơn hết, vì trước khi đứa con sinh ra, chồng bà qua đời một cách đột ngột, để lại cho bà bao nhiêu thương tiếc, còn đứa con không bao giờ được biết mặt cha. Từ đó, đứa con trai út là nguồn an ủi cho bà. Không những là người bù đắp cho bà tình thương của chồng nhưng cũng là niềm hãnh diện của bà vì cậu ngoan ngoãn, học giỏi, và luôn luôn vâng lời mẹ. Bà xem con như là lẽ sống, là một phần của cuộc đời mình. Thời gian trôi qua, cậu con út khôn lớn và có người yêu, bà mẹ buồn lắm nhưng biết đây là điều phải đến, cũng là điều bà phải chấp nhận nên bà vui vẻ lo việc cưới hỏi cho con. Sau đám cưới, bà mẹ sống chung với vợ chồng con và tiếp tục chăm sóc cho con tất cả mọi sự. Dưới mắt người chung quanh, chàng thanh niên này là một người đã khôn lớn, có gia đình riêng, có nghề nghiệp tốt, và có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng đối với mẹ anh, anh vẫn chỉ là đứa con trai cưng bé bỏng cần được mẹ chăm sóc. Vợ anh không được tự do lo cho chồng nhưng phải làm theo mọi điều bà dặn bảo. Mỗi khi bà làm những điều hơi quá đáng, chẳng hạn như đoán bệnh cho anh rồi mua thuốc bắt anh uống, hoặc mua quần áo cho anh, buộc anh phải mặc, vợ anh không đồng ý, và nói: "Mẹ ơi chắc nhà con không phải bị đau như vậy đâu hoặc: nhà con không thích những quần áo đó đâu!" thì bà nói: "Tôi sinh ra con tôi, nuôi nó từ nhỏ đến lớn, tôi phải biết nó hơn cô chứ!" Mỗi khi bà nói như thế, cô con dâu không thể làm gì khác hơn là vâng theo ý bà. Không những chăm sóc cho con từng miếng ăn thức uống, cái quần cái áo, bà mẹ này cũng muốn con quyết định mọi việc theo ý bà. Mỗi khi có chuyện cần giải quyết, người con trai phải hỏi ý mẹ và làm theo ý mẹ chứ không dám bàn với vợ. Thưa quý thính giả, đây là hình ảnh tiêu biểu của một người mẹ không muốn cho con lìa khỏi mình để tự lập, và gia đình này không sớm thì muộn sẽ có nhiều nan đề.

Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi có trình bày ba nguyên tắc cha mẹ cần áp dụng trong mối quan hệ với con, để khi con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng, có thể lìa khỏi sự ràng buộc của cha mẹ một cách nhẹ nhàng. Những nguyên tắc đó là: (1) Cha mẹ thay đổi từ vai trò bậc thầy, khuyên bảo chỉ dạy con đến chỗ sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ nơi con. (2) Thay đổi từ vai trò nắm quyền trên đời sống con sang vai trò làm người hướng dẫn và cố vấn cho con. (3) Thay đổi từ chỗ khuyên dạy con đến chỗ trao đổi ý kiến với con. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi đã trình bày điểm đầu tiên là thay đổi từ vai trò bậc thầy dạy bảo con đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con nên hôm nay xin trình bày hai điểm còn lại sau đây:

Nguyên tắc 2: Thay đổi từ vai trò nắm quyền kiểm soát con sang vai trò hướng dẫn và cố vấn.

Khi con chúng ta còn nhỏ, các em cần biết rằng cha mẹ là người có thẩm quyền trong gia đình. Là con, các em có bổn phận vâng lời cha mẹ và ở dưới sự kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, khi con bắt đầu khôn lớn, khi các em bước vào tuổi mười tám, hai mươi, chúng ta cần thay đổi cách dạy, để con thấy rằng cha mẹ công nhận sự trưởng thành của con, bớt dần sự kiểm soát và nắm quyền trên con và bắt đầu cho con nhiều tự do hơn trong những quyết định riêng của con. Nếu khi con đã trên hai mươi tuổi, cha mẹ xem con là người trưởng thành, không ra lệnh, sai bảo điều này điều kia nhưng chỉ làm người cố vấn, hướng dẫn; con sẽ cảm thấy thoải mái, sẽ không ngại ở gần cha mẹ và sẵn sàng hỏi ý kiến cha mẹ trong những vấn đề quan trọng. Theo lời Kinh Thánh dạy, dù đã lớn khôn, con cái vẫn cần vâng theo sự chỉ dạy và hướng dẫn của cha mẹ. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy như sau: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con," "Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, khá chú ý vào, hầu cho biết sự thông sáng," "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu (Châm Ngôn 1:8; 4:1 & 23:22). Nếu cha mẹ tôn trọng con khi con đã khôn lớn, thông cảm và chấp nhận ý kiến của con, con cái sẽ sẵn sàng vâng theo lời hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ.

Có nhiều bậc cha mẹ dù con đã khôn lớn, có gia đình riêng, đã làm cha làm mẹ, nhưng vẫn xem con như những đứa con nít, không biết gì. Họ vẫn nắm quyền kiểm soát con và muốn con làm theo ý mình trong mọi sự. Mỗi khi con không làm đúng như điều họ trông mong, họ tức giận, la mắng nặng lời, không một chút tôn trọng con. Cách cư xử đó sẽ khiến con cái buồn giận, nản lòng, do đó sẽ tìm cách lánh xa cha mẹ và không muốn vâng lời cha mẹ. Là những bậc cha mẹ thức thời, chúng ta cần công nhận sự trưởng thành của con cái và cho con được tự do quyết định cho chính mình. Đức Chúa Trời, Người Cha thiêng liêng của chúng ta, là Đấng toàn thiện, toàn hảo, quyền năng, Chúa biết rõ tất cả mọi sự, nhưng Ngài chỉ hướng dẫn và khuyên dạy chúng ta, Chúa không bắt buộc chúng ta làm theo ý Ngài hay đi theo chương trình Ngài đã định. Nếu Đức Chúa Trời, là Đấng toàn tri toàn năng, mà còn cho chúng ta quyền tự do lựa chọn thì chúng ta, những con người bất toàn, với nhiều giới hạn trong sự hiểu biết, không nên lấy quyền làm cha mẹ buộc con cái làm theo ý mình. Sau khi chuyển từ vai trò làm chủ, kiểm soát con đến vai trò hướng dẫn con, cha mẹ sẽ bước đến vai trò kế tiếp, đó là làm người cố vấn cho con.

Người hướng dẫn là người chỉ cho người khác những điều phải làm, còn người cố vấn, cũng góp ý nhưng khác ở chỗ là người cố vấn chỉ nói lên ý kiến của mình khi người kia hỏi. Trong giai đoạn này, chúng ta để cho con tự quyết định những vấn đề riêng tư. Nếu con hỏi ý cha mẹ, cha mẹ sẽ cho con biết cha mẹ nghĩ gì, có ý kiến gì về vấn đề của con. Nhiều người sợ rằng nếu để con tự quyết định, con sẽ quyết định sai và rồi thất bại hay hỏng việc, vì thế cứ quyết định giùm con mãi. Thật ra, nếu cha mẹ cứ tiếp tục quyết định mọi việc cho con, là hàm ý không công nhận con đã khôn lớn. Hơn nữa, nếu cha mẹ không cho con tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, con sẽ không có kinh nghiệm trong đời và sẽ khó nên người trưởng thành. Vì lý do đó, nhiều khi chúng ta cần để cho con quyết định theo ý của chúng, nếu quyết định thiếu khôn ngoan, con cái sẽ học kinh nghiệm và lần sau sẽ quyết định khôn ngoan hơn. Dĩ nhiên đây là trong trường hợp những việc không nguy hiểm đến tính mạng hay nguy hại cho cả cuộc đời. Khi con đã khôn lớn, chúng ta chỉ góp ý, hướng dẫn, chứ không ra lệnh hay sai bảo, và nhất là chúng ta có thể cầu nguyện cho con, để con biết rõ ý Chúa trong những quyết định quan trọng.

Nguyên tắc 3: Thay đổi từ chỗ khuyên dạy đến chỗ trao đổi ý kiến và hỏi ý con về vấn đề của cha mẹ.

Khi con còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, cha mẹ cần chỉ dạy con từng li từng tí. Khi con bắt đầu khôn lớn, hiểu biết, có nhiều điều cha mẹ không cần khuyên bảo, vì con đã có đủ hiểu biết. Khi con cái chúng ta đã ra đời, đã thành nhân, cha mẹ nên đối xử với con theo nguyên tắc hỗ tương, nghĩa là không chỉ nói cho con biết điều con nên làm nhưng cũng hỏi ý con về những vấn đề của cha mẹ. Trong đời sống ngày nay, có những vấn đề mà nếu hỏi ý con cái, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ, rộng rãi hơn và nhờ đó sẽ có quyết định khôn ngoan hơn. Quý vị có bao giờ hỏi ý con cái về những vấn đề quan trọng không? Khi được cha mẹ tin cậy và hỏi ý kiến, con em chúng ta sẽ rất thích. Thích vì thấy cha mẹ tin cậy mình, vì mình được góp phần trong quyết định của cha mẹ và nhất là thấy cha mẹ không xem mình là trẻ con nữa. Tinh thần hỗ tương, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau sẽ giúp cũng cố mối quan hệ giữa cha mẹ với những người con đã trưởng thành. Ví dụ khi định thay đổi công việc, chỗ ở, hoặc có những tính toán quan trọng về vấn đề tiền bạc, mua bán, mà cha mẹ hỏi ý những đứa con trưởng thành, các con sẽ giúp chúng ta có thêm ý kiến, có cái nhìn đầy đủ hơn và cũng giúp con cảm thấy gần với cha mẹ hơn.

Tiến sĩ Norman Wright mô tả vai trò làm cha mẹ với hình ảnh người làm vườn. Ông nói, khi trồng một cái cây, trách nhiệm của chúng ta là chăm sóc cái cây đó bằng cách tưới nước, bón phân và rồi để cho nó tự lớn lên, tự phát triển theo điều mà Đức Chúa Trời đã định. Người làm vườn dù nhiều khôn ngoan và kinh nghiệm, không thể bắt cái cây ra hoa ra trái trong thời điểm mình muốn, cũng không thể bảo cây ổi ra trái cam hay cây mận ra trái bưởi. Cũng thế, cha mẹ tuy là người sinh ra con nhưng không thể ép buộc con cái làm theo ý mình hay trở nên người mà cha mẹ muốn. Cha mẹ cần để cho con phát triển tự nhiên theo khả năng Chúa ban và trở nên người Chúa muốn. Cha mẹ cũng không thể nắm giữ con cho mình mãi mãi. Hai nguyên tắc sau đây của Thánh Kinh là điều chúng ta cần ghi nhớ: (1) Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó" Châm Ngôn 22:6, và: (2) Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, hai người cùng nên một thịt" (Ê-phê-sô 5:31). Nói ngắn gọn, hai nguyên tắc đó là: cha mẹ cần hướng dẫn những đứa con nhỏ trong con đường mà Chúa đã định, và khi con khôn lớn, đến tuổi tự lập, chúng ta phải để cho con tách rời khỏi quyền kiểm soát của cha mẹ. Có như thế con mới trưởng thành và gia đình con mới hạnh phúc.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#19 Posted : Friday, June 10, 2005 2:11:35 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 13
Nối Liền Khoảng Cách Mẹ Chồng Nàng Dâu


Có hai ông bà cụ kia, sau gần mười năm chờ đợi đã được đoàn tụ với con tại Mỹ. Trong thời gian chuẩn bị, ông bà nôn nao, sung sướng, trông cho mau đến ngày được gặp lại đứa con trai duy nhất sau bao nhiêu năm xa cách. Nhưng khi gặp lại con và sống với vợ chồng con khoảng một tháng, ông bà cụ muốn trở về Việt Nam. Lý do là vì đứa con trai bây giờ đã có vợ và sau mười năm sống xa cha mẹ anh hầu như không còn tình thương đối với cha mẹ. Ông bà cụ ở trong nhà con mà lúc nào cũng sợ sệt, không dám làm gì cả. Bàn ghế, đồ đạc trong nhà quá sang trọng, ông bà không dám đụng đến; các máy móc thì quá to lớn và tân tiến, ông bà không dám sử dụng. Người con dâu mỗi ngày dặn ông bà cụ lấy thức ăn có sẵn trong tủ lạnh hâm lại chứ đừng nấu, sợ nấu nước mắm, hành tỏi hôi nhà. Đã vậy, mỗi tuần ông bà cụ còn phải tắm cho con chó của hai vợ chồng. Tắm rồi, phải giữ nó ngoài sân mấy tiếng đồng hồ, sợ làm ướt thảm, v.v... Ông bà cụ thương con và là người hiểu biết, sống chung với con nhưng không làm chủ gia đình con. Thấy vợ chồng con ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, ông bà sẵn sàng làm những việc vặt vãnh trong nhà để giúp con. Ông bà cụ cẩn thận để không làm phiền con, nhưng sau một thời gian, cả con dâu lẫn con trai đều có vẻ không vui về sự có mặt của ông bà. Cuối cùng, ông bà cụ đã quay trở về quê hương. Thưa quý vị, đây là điều xảy ra khi những người con có gia đình không đối xử tốt đẹp với các bậc sinh thành. Ngược lại, cũng không thiếu những trường hợp cha mẹ không ứng xử phải lẽ với những đứa con đã khôn lớn và đã có gia đình riêng, vì thế đôi bên không có mối quan hệ tốt đẹp.

Trong các Câu Chuyện Gia Đình gần đây chúng tôi có đề cập đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chúng tôi đã trình bày nguyên nhân và phân tích tâm lý từng người, hôm nay xin nêu những điều chúng ta có thể làm để có thể giảm bớt nan đề trong mối quan hệ giữa hai nhân vật đặc biệt này.

1. Độc lập với cha mẹ khi có gia đình riêng

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Theo lời dạy này, khi con có gia đình riêng, cha mẹ nên cho phép con lìa khỏi cha mẹ. "Lìa cha mẹ" chỉ có nghĩa là không tùy thuộc cha mẹ về mặt kinh tế, tình cảm và những quyết định riêng của hai vợ chồng. Tuy nhiên, con cái lúc nào cũng phải giữ lòng yêu thương, hiếu thảo đối với cha mẹ. Trong trường hợp hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, cha mẹ già yếu, hoặc gia đình quá đơn chiếc, người con đã lập gia đình có thể sống chung với cha mẹ, nhưng gia đình mới của con vẫn là một đơn vị riêng biệt. Cha mẹ không làm chủ gia đình con và vợ chồng con không ở dưới quyền của cha mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào, đôi vợ chồng trẻ cần tỏ lòng yêu thương và hiếu thảo đối với cha mẹ, đừng làm điều gì khiến cha mẹ phải buồn tủi.

2. Đôi bên tôn trọng nhau

Khi con đã có gia đình riêng, dù ở xa hay gần, ở riêng hay ở chung, cha mẹ cũng cần tôn trọng con. Chúng ta tôn trọng con vì con đã khôn lớn và trưởng thành, vì con đã làm chồng làm vợ, và là chủ gia đình riêng của con. Cha mẹ không chỉ tôn trọng gia đình con mà cũng tôn trọng ý kiến và quyết định của vợ chồng con. Ngoại trừ khi con có những quyết định sai lầm, nguy hiểm, còn thì cha mẹ không nên chen vào những quyết định hay dự tính của vợ chồng con. Nếu con hỏi ý cha mẹ, đó là điều tốt. Nếu con không hỏi, cha mẹ chỉ cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn con chứ không lấy quyền làm cha mẹ tạo áp lực hay buộc con quyết định theo ý mình. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tôn trọng sự riêng tư của gia đình con. Mỗi ngày vợ chồng con đi đâu, làm gì; tiền lương mỗi tháng bao nhiêu, chi dùng tiền bạc như thế nào, v.v... nói cho cha mẹ biết hay không là tùy ý con. Tương tự như thế, con cái cũng cần tôn trọng sự riêng tư và thoải mái của cha mẹ, đừng làm gánh nặng cho cha mẹ về mặt tài chánh hay tình cảm. Dù cha mẹ lúc nào cũng thương con và sẵn sàng hy sinh để giúp con, chúng ta không nên lợi dụng tình thương của cha mẹ, khiến cha mẹ phải tiếp tục lo lắng cho chúng ta hoặc lo cho con cái của chúng ta. Nếu cha mẹ còn khỏe và xem việc giữ cháu là niềm vui, chúng ta có thể nhờ cha mẹ giúp, nhưng cũng cần có giới hạn, vì các cụ đã vất vả cả đời, đây là lúc cần được nghỉ ngơi, đi đây đó để vui hưởng tuổi già. Dù cha mẹ sẵn sàng giúp, đừng bao giờ để cha mẹ cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp con, không giúp không được.

3. Bày tỏ tình thương yêu đối với nhau

Tục ngữ có câu "nước mắt chảy xuống," hàm ý rằng cha mẹ lúc nào cũng thương con còn tình thương con dành cho cha mẹ thường có điều kiện và giới hạn. Lý do một phần là vì đôi vợ chồng trẻ bận rộn với con cái và thường dồn hết tình thương cho con. Tuy đây là điều tự nhiên nhưng là con, chúng ta cần quan tâm, bày tỏ tình thương yêu đối với cha mẹ để cha mẹ không thấy mình bị lãng quên. Khi một người lập gia đình thường vui với hạnh phúc mới và quên, không nghĩ đến cha mẹ nữa, khiến cha mẹ lắm khi tự hỏi, không biết con có thương mình không? Cha mẹ nào cũng muốn con cái lớn lên có gia đình riêng và được hạnh phúc, nhưng những thay đổi khi con lập gia đình thường để lại nhiều lưu luyến, tiếc nhớ trong lòng cha mẹ. Vì lý do đó, đôi vợ chồng trẻ cần tế nhị, bày tỏ tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đối với cha mẹ. Nếu ở xa nhớ gọi điện thoại hỏi thăm hoặc viết thư thường xuyên. Đừng quên những ngày đặc biệt của cha mẹ như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, ngày Từ Mẫu, Phụ Thân ... và nhớ gởi quà chúc mừng. Dù bận rộn, cũng cố gắng dành thì giờ về thăm cha mẹ. Khi về thăm nhớ đem quà bánh và giúp những việc mà cha mẹ không làm được. Nếu đôi vợ chồng mới tế nhị, bày tỏ tình thương yêu với cha mẹ, cha mẹ sẽ vui và không nghĩ rằng vì con rể hay con dâu mà con đã quên mình. Khi con cái bày tỏ tình thương đối với gia đình cha mẹ hai bên, cách đồng đều và thành thật, mối quan hệ giữa hai thế hệ sẽ được tốt đẹp và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tốt trên hạnh phúc của đôi vợ chồng mới.

4. Chủ tâm tạo mối quan hệ tốt đẹp

Trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần chủ tâm xây dựng thì mới có thể tốt đẹp. Đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ, và nhất là giữa mẹ chồng và nàng dâu, vì đôi bên vốn không có tình yêu thương tự nhiên. Thánh Kinh dạy: "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Phi-líp 2:4). "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau" (Ga-la-ti 6:2). "Hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau" (Ga-la-ti 5:13). Nếu chúng ta vâng Lời Chúa dạy, sống với nhau bằng tình thương yêu, quan tâm đến phúc lợi của người khác, chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình vợ cũng như gia đình chồng. Để làm được điều này, chúng ta phải mất thì giờ và chú tâm suy nghĩ mới có thể biết nên làm gì hầu tạo sự gần gũi với gia đình đôi bên. Cha mẹ không nên đòi hỏi con cái dành thì giờ cho mình nhưng con cái thì cần tế nhị, quan tâm đến cha mẹ và dành thì giờ cho cha mẹ. Dành thì giờ thăm hỏi, trò chuyện với nhau là cách tốt nhất để tạo tình thân giữa đôi bên.

Có một bà mẹ kia, khi con trai mới cưới vợ bà cảm thấy ngăn cách với con dâu. Bà muốn gần gũi để tạo tình thân nhưng không biết làm thế nào, tình trạng này kéo dài suốt một năm. Một ngày nọ, người con dâu đến thăm bà và hỏi bà về những chuyện xưa cũ như: ngày bà còn độc thân, công việc bà làm khi còn trẻ và đời sống gia đình khi các con còn nhỏ. Bà mẹ chồng vừa kể chuyện vừa lấy hình những tấm hình cũ ra cho con dâu xem. Hai mẹ con nói chuyện suốt một buổi, cùng vui cười với nhau thật là thoải mái. Từ đó, mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp.

Nguyên tắc để nuôi dưỡng và duy trì một quan hệ tốt đẹp

Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị mười nguyên tắc sau, nhằm giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và gia đình mới của con được tốt đẹp:

1. Đừng than phiền cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Mỗi gia đình có một lối sống khác nhau. Chúng ta cần chấp nhận và thích ứng. Than phiền không giải quyết vấn đề mà chỉ khiến cho sự ngăn cách giữa đôi bên thêm rộng lớn.

2. Trong những dịp đặc biệt, nhớ mời cha mẹ hai bên tham dự. Đừng thiên vị bên nào hay gần với bên nào hơn nhưng chăm sóc, thăm viếng và giúp đỡ hai bên đồng đều.

3. Khi có con cái, nhớ tạo cơ hội cho ông bà nội, ông bà ngoại được gần cháu.

4. Khi hai bên sui gia có nan đề, hay giữa mẹ chồng con dâu, mẹ vợ con rể có vấn đề, cố gắng đứng giữa giải hòa, đừng lên án hay bênh vực bên nào.

5. Tôn trọng sự riêng tư của đôi bên. Cha mẹ không chen vào những vấn đề riêng của vợ chồng con, con cái cũng không xen vào những chuyện riêng tư của cha mẹ.

6. Khi cha mẹ đôi bên có điều gì quá đáng, nên tìm dịp nói ra, nhưng nói cách ôn hòa và lễ độ.

7. Nếu mẹ chồng nàng dâu có sở thích nào giống nhau, hãy tạo cơ hội gần gũi, làm việc chung với nhau.

8. Khi vợ chồng có nan đề, đừng đổ lỗi cho cha mẹ bên nào nhưng cố gắng tìm cách giải quyết với nhau.

9. Đừng có thành kiến với gia đình bên nào, nhưng hãy tin rằng theo thời gian và tùy cách cư xử của chính mình, mối quan hệ giữa đôi bên sẽ tăng trưởng và tốt đẹp.

10. Sống theo nguyên tắc Lời Chúa dạy: "Hết sức khiêm cung, hiền từ, nhẫn nại nhường nhịn nhau trong tình yêu thương" (Ê-phê-sô 4:2).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Tonka
#20 Posted : Friday, June 10, 2005 2:12:01 PM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Bài 14
Một Quan Hệ Mẹ Chồng Nàng Dâu Tốt Đẹp


Cảm tạ Chúa cho chúng tôi lại được đến với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của chương trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong thời gian gần đây, chúng tôi có trình bày loạt bài "Mẹ Chồng Nàng Dâu", để kết thúc đề tài này, hôm nay chúng tôi xin trình bày về một quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước, trong một sách gọi là sách Ru-tơ. Sách Ru-tơ ghi lại câu chuyện về bà Na-ô-mi và hai người con dâu.

Qua câu chuyện này chúng ta được biết, vì quê hương bị nạn đói, vợ chồng bà Na-ô-mi đến vùng Mô-áp lánh nạn. Đến đó một thời gian thì chồng bà qua đời, để lại bà và hai người con trai. Sau đó hai người con trai lấy vợ. Nhưng mười năm sau hai người con trai đó cũng chết, để lại bà Na-ô-mi và hai người con dâu, tức là trong gia đình có ba người đàn bà không chồng không con. Sau đó, bà Na-ô-mi nghe tin quê hương đã qua nạn đói nên bà định đem hai người con dâu trở về. Nhưng khi đi dọc đường, bà đổi ý và nói với hai nàng: "Mỗi con hãy trở về nhà cha mẹ mình đi, cầu xin Chúa lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người chết của chúng ta và đã đãi chính mình ta! Nguyện Chúa ban cho hai con được bình yên nơi nhà chồng mới! Rồi bà ôm hôn hai nàng, còn hai nàng khóc và nói: chúng con sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ" (Ru-tơ 1:8-10). Cuối cùng một người con dâu vâng lời, hôn từ biệt bà trở về nhà cha mẹ, còn người kia quyết tâm đi theo bà. Chi tiết này cho thấy bà Na-ô-mi và hai người con dâu có mối quan hệ thật tốt đẹp. Tuy là mẹ chồng nàng dâu nhưng giữa họ có một tình thương yêu đậm đà. Nếu phân tích câu chuyện, chúng ta thấy bà Na-ô-mi và hai người con dâu yêu thương nhau là vì những lý do sau đây:

1. Bà Na-ô-mi đối xử với con dâu bằng tình thương yêu chân thật.

Hành động và lời nói của bà Na-ô-mi cho thấy điều đó. Bà có quyền đem hai người con dâu trở về quê hương để hầu hạ chăm sóc bà trong tuổi già cô đơn, vì hai nàng thuộc quyền sở hữu của bà, bà cần hai nàng vì bà không còn ai khác. Nhưng bà quyết định cho hai nàng tự do và bảo trở về nhà cha mẹ. Không những thế, bà còn khuyến khích hai nàng lấy chồng khác và cầu xin Chúa ban phước cho hai nàng trong gia đình mới. Bà không nói cách hờn giỗi hay cay đắng nhưng thật lòng mong muốn hai cô con dâu không phải sống cảnh góa bụa cô đơn như bà. Thánh Kinh ghi lời bà nói như sau: "Hỡi hai con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thể làm chồng chúng con sao? Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi!"

2. Bà Na-ô-mi không ích kỷ, không nghĩ đến nỗi khổ của mình. Dù trong hoàn cảnh đau khổ và tuyệt vọng, bà Na-ô-mi đã không nghĩ đến nỗi khổ của mình nhưng nghĩ đến hạnh phúc của hai người con dâu. Thật ra, bà không xem hai nàng là con dâu nhưng xem như con gái. Đây là điều nổi bật trong cách cư xử của bà Na-ô-mi. Khi một người có tình thương và nghĩ đến phúc lợi của người khác, người đó sẽ nhận được tình thương của người chung quanh. Đặc biệt là trong trường hợp mẹ chồng nàng dâu. Nếu bà mẹ chồng thương con dâu và đối xử với con dâu cách độ lượng, cao đẹp, trừ những trường hợp ngoại lệ, còn thường là các bà sẽ được con dâu yêu thương lại và xem như mẹ ruột.

3. Hai nàng dâu cũng yêu thương mẹ chồng. Lý do thứ ba khiến quan hệ giữa bà Na-ô-mi và hai người con dâu được tốt đẹp là hai nàng cũng yêu thương bà. Tình yêu bao giờ cũng phải có hai chiều. Nếu chúng ta không ban cho tình yêu thì sẽ không nhận được tình yêu. Trái lại, nếu chúng ta lấy tình thương yêu đối xử với mọi người, kể cả những người khó thương, chúng ta sẽ nhận được tình thương dư dật. Chúng ta biết hai người con dâu của bà Na-ô-mi yêu thương bà vì chính bà nói lên điều đó. Khi bảo hai người trở về nhà cha mẹ, bà nói: "Cầu Chúa lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người chết của chúng ta và đã đãi chính mình ta" (Ru-tơ 1:8b). Hai nàng dâu của bà không chỉ tử tế yêu thương bà khi cả ba người đã trở thành những góa phụ cô đơn, nhưng hai nàng cũng đối xử tốt đẹp với chồng của họ tức là hai con trai của bà. Oït-ba và Ru-tơ là hai nàng dâu ngoan hiền không chỉ vì họ được mẹ chồng thương yêu nhưng cũng vì họ kính sợ Chúa, sống theo lời Chúa dạy. Hai nàng muốn giữ lòng trung thành với nhà chồng, dù chồng đã chết. Ngoài ra, có một yếu tố khác khiến ba mẹ con thông cảm với nhau và muốn sống bên nhau, đó là họ ở trong cùng một cảnh ngộ. Có lẽ sau khi chồng chết và sống với bà Na-ô-mi trong cảnh góa bụa, hai nàng đã hiểu bà, thương bà, xem bà như mẹ ruột nên bây giờ không muốn lìa xa bà.

Trong hai nàng dâu, Ru-tơ là người đặc biệt hơn, nàng thương mẹ chồng và quyết tâm theo bà cho đến cuối cùng. Khi nàng dâu lớn đã vâng lời mẹ chồng, từ giã bà trở về nhà cha mẹ, Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Nầy, chị con đã trở về quê hương và theo thần của nó, con hãy trở về theo nó đi!" Nhưng Ru-tơ thưa: "Xin chớ nài con phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu con sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con. Mẹ thác nơi nào, con muốn thác và được chôn nơi đó. Nếu có điều chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Chúa Hằng Hữu giáng họa cho con!" (1:16). Câu trả lời của Ru-tơ nói lên tình thương yêu chân thật và keo sơn của nàng đối với mẹ chồng. Có lẽ Ru-tơ đã nhìn thấy nơi bà Na-ô-mi không những là người mẹ yêu thương nhưng cũng là người bạn và là người hướng dẫn tinh thần mà nàng không thể xa lìa. Điều quý hơn nữa là Ru-tơ không chỉ nói cho mẹ chồng vui lòng nhưng nàng thật tâm muốn theo bà. Câu trả lời của Ru-tơ cho thấy rằng không một điều gì trên đời này có thể tách rời nàng với người mẹ chồng mà nàng yêu thương.

Ngày nay trong lễ cưới nhiều nơi thường cho cô dâu chú rể nhắc lại câu nói của nàng Ru-tơ để hai người nói lên lời hứa nguyện với nhau và bày tỏ lòng cam kết đối với nhau. Chẳng hạn, cô dâu nói với chú rể: "Anh đi đâu em sẽ theo đó, anh ở nơi nào em sẽ ở nơi đó. Dân tộc của anh là dân tộc của em, Đức Chúa Trời của anh cũng là Đức Chúa Trời của em. Anh chết nơi nào em muốn được chết và chôn nơi đó. Chỉ có cái chết mới chấm dứt cuộc hôn nhân của chúng ta." Và chú rể cũng hứa nguyện lời tương tự như thế với cô dâu. Một tác giả nọ đã viết: "Từ xưa đến nay không một câu chuyện tình nào có thể ví sánh với chuyện tình của nàng dâu Mô-áp với bà mẹ chồng Do Thái mà Thánh Kinh đã ghi lại. Tình yêu nàng Ru-tơ dành cho mẹ chồng tinh khiết như vàng ròng và mạnh như sự chết. Không điều gì có thể dập tắt tình yêu đó, và lời tuyên xưng tình yêu của Ru-tơ là lời tuyên xưng đẹp nhất trên đời. Nàng Ru-tơ đã nói với bà mẹ chồng lời hứa nguyện yêu thương và trung thành. Đây là lời hứa của người biết nghĩ đến người khác chứ không vì một lợi ích riêng nào cho mình.

Trong thực tế chúng ta ít thấy mối quan hệ thân thương giữa một người với gia đình nhà chồng hay gia đình vợ. Trái lại, chúng ta thường nghe hoặc thấy những chuyện đau lòng giữa người này với người kia, nhất là giữa mẹ chồng với nàng dâu. Trong nhiều gia đình, lắm khi giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái hoặc giữa anh chị em ruột thịt với nhau, mối quan hệ cũng không tốt đẹp. Bao nhiêu người sống chung dưới một mái nhà nhưng không nhìn mặt nhau, không nói chuyện với nhau. Lắm khi vì ganh tị hoặc tham lam mà người trong gia đình sẵn sàng làm hại nhau hoặc gây đau khổ cho nhau.

Có lẽ chúng ta cần nhìn lại chính mình, xem chúng ta có tâm tình yêu thương và hy sinh như bà Na-ô-mi và nàng dâu Ru-tơ không? Nếu có con cái đã lớn, đã lập gia đình, chúng ta đối xử với con dâu, con rể như thế nào, có ngọt ngào, tế nhị và thương yêu không? Nhiều người thường lấy chuyện nàng Ru-tơ để khuyên dạy con dâu phải yêu thương và trung thành với mẹ chồng mà quên rằng sở dĩ nàng Ru-tơ ngoan hiền như thế phần lớn cũng là vì nàng có một bà mẹ chồng thương yêu, tế nhị. Thật ra, nếu chúng ta sống với mọi người bằng tình yêu thương, lòng tôn kính, sẵn sàng nhường nhịn và tha thứ cho nhau, mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh sẽ tốt đẹp. Thánh Kinh dạy: "Chớ làm điều chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:3 4). Nguyện xin Chúa giúp chúng ta thực hành nguyên tắc sống cao đẹp của Kinh Thánh để mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp và đời sống chúng ta tràn ngập bình an và hạnh phúc.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành


www.tinlanh.org

Users browsing this topic
Guest (4)
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.