Sung Mãn Vô-Hạn-ĐịnhHồng Khắc Kim Mai 1 - “Thật là một bức tranh tuyệt tác!”
Nghe tiếng nói, Nam giật mình quay lại. Trước mắt anh là một phụ nữ còn trẻ. Nụ cười tươi như hoa của nàng làm người họa sĩ thấy vui. Bỏ hai cây cọ vừa mới lau sạch sơn vào túi xách, Nam hoan hỉ:
“ Cám ơn bà đã khen tặng“
Người đàn bà đứng tần ngần một lúc rồi buột miệng: “Ông quả là một nghệ sĩ có tài”
Nam bỡ ngỡ chưa biết phải đáp như thế nào thì nàng lại nói tiếp, giọng say sưa:
“Cảnh vật thiên nhiên và tranh kia nào có khác gì! Ôi, đám lá trên cành với mầu sắc xanh vàng đỏ lạ lùng của tháng cuối thu, ông đã đưa tất cả vào khung vải tài tình quá đỗi. Kìa, những phiến đá lấp loáng nước như những vũng nắng mới thần sầu làm sao. Và con suối nhỏ kia đang uốn khúc trông thật sống động vô cùng ...
Nam mỉm cười ngắt lời:
“Xin cám ơn lời khen tặng của bà. Cái sống động mà bà vừa nói, có lẽ chỉ đúng một phần nào thôi. Bà hãy nhìn xem, mỗi khi có một ngọn gió thoảng qua thì lá trên cành kia xao động, còn lá trong tranh của tôi vẫn ở một vị trí không thay đổi. Như thế một bức tranh họa lại bất cứ một vật gì thật hay cảnh gì thật, dù nó có làm người xem thích thú chăng nữa, thì cũng chỉ là một-sự-ghi-lại mà thôi, và tranh trở nên giống-như-thật mà không sống-như-thật”
Người thiếu phụ chắp hai tay trước ngực, gật gù:
“Tôi cũng đồng ý với ông như vậy. Tranh giống-như-thật đòi hỏi nét vẽ phải sắc sảo tinh tế, màu sắc phải hài hòa, bố cục phải vững. Thêm vào đó, cách phối trí ánh sáng là một yếu tố tối quan trọng để làm cho bức tranh có hồn. Đạt đến như thế không phải dễ. Còn tạo nên một bức tranh sống-như-thật, thì phải làm như thế nào?... có hoang tưởng lắm không?... Làm sao mà lá trên miếng vải bố kia có thể rung rinh theo hơi gió thổi được ? Ông không đùa đấy chứ ?”
“Hahaha, hoang tưởng hay không thì còn tùy ở khả năng suy luận và cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên tôi nghĩ không có gì mà con người không làm được. Vấn đề đặt ra là làm sao để đạt mục đích? Trăm vạn nẻo đường trước mắt như đống chỉ rối, tôi loay hoay mãi chưa tìm được đầu mối cho con đường mình phải đi...”
“A! ông thật khó tính với chính mình. Ông có nhiều tham vọng quá. Tôi có cảm tưởng như ông chưa hài lòng với những tác phẩm của mình?”
Như được soi thấu điều u uẩn, Nam thở dài: ”Vâng, đúng vậy. Đã từ lâu tôi không thỏa mãn với những gì đã làm...Mỗi khi hoàn tất một họa phẩm, tôi thường bứt rứt khó chịu...”
“Tại sao vậy?”
Bỗng dưng Nam rên rỉ “Tại sao? Tại sao! Trời ơi, câu này tôi đã tự hỏi nghìn lần mà không đáp được ... “
Điểm một nụ cười, thiếu phụ nhỏ giọng: “Tôi nghĩ rằng tranh của ông sẽ được rất nhiều người mến mộ vì cách sử dụng màu sắc của ông thật khéo léo và linh động”
Nghe đến đây Nam bỗng phì cười. Anh ngỏ ý tặng người đàn bà đối diện bức tranh vừa hoàn tất.
Thiếu phụ trố mắt ngạc nhiên, và nàng kêu lên: “ Sao lại thế được? Tôi không dám nhận đâu...”
Nam ân cần: “Bà không phải là người đầu tiên tôi tặng tranh. Nếu bà thấy thích nó thì xin hãy nhận. Nó được bà trân quí, tôi rất cảm kích”.
2 - Mặt trời đã khuất bóng từ lâu nhưng Nam vẫn còn ngồi nán lại ở ghế công viên. Vào giờ này khách nhàn du chỉ còn thưa thớt vài người. Khung cảnh tĩnh mịch và gió mát lạnh làm Nam cảm thấy sảng khoái. Anh ngả người ra phía sau, mắt nhắm nghiền... Muôn sắc màu từ đâu theo nhau tới nhảy múa trong tâm trí anh, và ô kìa, giữa chúng nó hiện lên nụ cười khả ái của người đàn bà ban chiều. Những lời nói của nàng mồn một văng vẳng bên tai, và hình ảnh nàng ôm tấm tranh làm lòng Nam se lại.
Đây không phải là lần đầu tiên anh được nghe những lời khen, và cũng không phải là lầu đầu tiên anh tặng tranh cho người xa lạ vì những lời khen của họ. Nếu họ không thích hoặc nếu họ không nhận, thì chắc anh cũng sẽ vứt bỏ nó đi thôi, như anh đã từng làm nhiều lần trước, trong nhiều năm qua.
Nam thở dài. Một họa phẩm anh chưa hài lòng, anh giữ nó làm gì ?
Nam uể oải thu xếp tất cả những vật dụng vào xe và chuẩn bị ra về. Từ đàng xa, một chiếc xe hơi nhỏ chạy trờ tới. Ánh đèn pha chói sáng một góc đường làm anh nhói mắt. Xe từ từ dừng lại và khuôn mặt xinh xắn của người phụ nữ ban chiều ló ra ngoài khung cửa.
Tiếng nàng vang lên, vui nhộn: “Ồ ông họa sĩ ơi, tôi vô ý quên chưa hỏi quí danh?”
Nam lịch sự mỉm cười. Anh thò tay vào ví, rút ra một tấm danh thiếp và vui vẻ trao cho nàng. Thiếu phụ cầm lấy cái thẻ nhỏ. Nàng liếc nhìn mấy hàng chữ in trên đó, rồi nàng nói, giọng thật dịu dàng:
“Cầu mong ông mãn nguyện hơn với những sáng tác mới nhé...”
“Những sáng tác?” Nam hỏi
“Vâng, những sáng tạo sắp tới...” Nàng trả lời
Sáng tạo! Sáng tạo! Hai chữ này bỗng dưng như vang dội khắp bầu trời u tối. Nó có sức mạnh lạ lùng, cái sức mạnh sấm sét dội vào trí tưởng của Nam làm anh choáng váng. Tai Nam lùng bùng, anh thấy hoa mắt và không nói nên lời.
Thiếu phụ không nhìn được sự biến đổi đột ngột trên khuôn mặt Nam. Nàng từ giã và chiếc xe từ từ lăn bánh...
“Sáng tạo!” Kỳ diệu thay, hai chữ này rõ ràng là chiếc chìa khóa đang mở cửa tâm linh anh. Nam nghe một luồng điện nóng rần rần trong cơ thể. Cảm giác thật khó tả, vì cảm giác này anh chưa từng có. Nhưng mà anh thấy dễ chịu lắm, tuyệt vời lắm, hạnh phúc lắm... Nam đứng thẳng người, mắt nhắm nghiền. Anh chắp hai tay trước ngực một lúc rồi từ từ giang tay rộng ra như trân trọng đón ôm một vật gì, hay nói đúng hơn là đang chờ đợi một ân điển được ban cho. Luồng điện di động nhanh nhẹn từ trái sang phải, từ dưới lên trên. Và khi nó vận hành đến sống mũi thì sức nóng dịu xuống. Anh cảm nhận một tia cực sáng, chói lòa, tụ lại ngay giữa hai chân mày. Tia sáng càng lúc càng lớn dần ra. Nó như ngọn đèn pha, chiếu vô từng ngõ ngách của trí tuệ. Nó như ngọn đuốc, soi sáng tri thức. Anh bàng hoàng chìm trong cơn mê thập điện.
Sáng tạo! Vâng đúng rồi, nghệ nhân không thể nào là loài nhai lại. Nghệ nhân không làm việc tái tạo có tính cách con buôn. Sứ mệnh của nghệ nhân là sáng tạo. Là mở đường cho những chân trời mới của nghệ thuật. Là nở một cánh hoa lạ trong vườn mặc khách.
Nam khám phá ra cái hoài bão này chính là điều Nam đã thai nghén từ lâu. Niềm ao ước bồng bềnh như cái chai trôi trên mặt nước đại dương, trôi trôi mãi không bến bờ. Nhưng hôm nay thì anh đã tìm được nơi chốn đậu. Trong anh là thửa đất sắp được khai hoang. Trong anh hứa hẹn một mùa đậu mới mầu mỡ.
Anh có lạc quan quá không?
Niềm vui sướng trong Nam đi kèm với lòng âu lo. Bởi nghệ thuật rất mông lung và vô tận. Bởi cái nhìn thấy của nghệ sĩ khác xa với cái nhìn thấy của tha nhân. Bởi sự nhận định và phán đoán của loài người luôn ở trong thước tấc đo lường. Họ thường phê phán người khác theo những qui trình định sẵn. Những người đã nổi danh, hay những người có chút quyền thế trên một lãnh vực nào đó, thường tự cho mình có phép được đánh giá công việc của người khác, đôi khi rất khắt khe, đôi khi rất thiên vị... Luôn luôn những tác phẩm đầy chất sáng tạo đều bị đuổi xua, chê bai, dìm bỏ lúc ban đầu. Nhưng quá khứ đã chứng minh người nghệ sĩ luôn đi trước kẻ thường tình muôn triệu dặm trên con đường mỹ thuật, nên hành trình của hắn luôn rất cô đơn, vì tìm đâu ra những tâm hồn đồng điệu?
Nếu Nam không lạc quan tự tin, có lẽ anh sẽ mãi dậm chân một chỗ. Sẽ băn khoăn tự dày vò mỗi khi hoàn tất một họa phẩm. Sẽ là con người luôn bất mãn với chính mình.
Tại sao anh phải e sợ sự phán xét của dư luận để không dám làm những gì mình yêu thích?
Nam như một nghệ nhân ngủ quên. Bao lâu nay, anh đã vùi sâu chức năng sáng tạo của mình. Anh vừa mới thức tỉnh, vươn mình khai phóng tiềm ức.
Trong bóng tối của màn đêm nơi công viên, anh đi chân nam đá chân bắc. Anh đang say với giấc mộng vừa mới thành hình...
3 – Nam đứng rất lâu trước khung vải. Đề tài gì để vẽ đây?
Anh nhìn cảnh đứa trẻ đang đùa với vòi nước đang chảy. Đẹp quá! Nhưng anh không chép nó, không đóng nó vào khung cố định của anh đâu. Anh phó nhòm kia, với máy hình digital tối tân có thể làm việc đó trong tích tắc kia mà.
Anh gợi nhớ nụ cười của người thiếu phụ hơn ba tháng trước ở công viên. Nụ cười chi lạ lùng. Làn môi xếch. Hơi xếch một tí làm lộ cái răng khểnh thật duyên dáng. Không, không vẽ lại hình ảnh đó từ ký ức. Không ghi lại cái thơ mộng của làn tóc bay trong tia nắng chiều mà anh đã nhìn thấy. Công việc đó bây giờ đã là dĩ vãng.
Anh tưởng tượng cánh đồng xanh lơ nơi quê hương anh. Lúa non rạp mình theo cơn gió thổi, cô gái quê gánh đôi thúng ngún nguẩy trên ven đê, hay em mục đồng đang thúc trâu về nhà.
Trí tưởng của anh lại xoay qua cảnh bụi chuối vườn măng, khóm hoa lài hoa sói, dậu mồng tơi bên mái tranh nơi thôn dã.
Hay là ta vẽ cảnh chùa thâm u với ông sư già ngồi thiền tìm về nơi tịnh độ? Được lắm! Nó vừa có người, vừa có cảnh, vừa có tâm linh. Vậy thì phải cấu tạo những chi tiết trên khung như thế nào cho cân xứng hài hòa? Dùng màu sắc gì để diễn đạt nét trầm tư trông bất động mà không bất động của vị sư ? Còn nơi tịnh độ! Làn khói huyền ảo hay hào quang phát ra như thế nào để nói lên được mức độ của ngài đã đạt tới cõi ngài muốn đến???
Nhưng không thể như vậy được. Khi dùng trí tưởng tượng là ta đã vận dụng đầu não để xếp đặt mọi sự việc theo ý ta. Tranh từ đó đã nẩy sinh trong đầu, và ta đương nhiên làm chủ mọi toan tính. Đó không phải là một sáng tạo, mà là thể hiện một dự trù mỹ thuật được dàn dựng khéo léo trong óc. Họa sĩ bố trí đâu vào đó một cách hợp lý và đầy nghệ thuật những hình ảnh do hắn hư cấu, nôm na là bày đặït ra, mà có. Việc bày đặt đó được đưa vào khung vẽ, và sự hình thành dù cho có thần sầu cách mấy, vẫn quanh đi quẩn lại với những gì hắn đã biết, đã sống. Như hâm nóng một bầu rượu mới, chứ không phải đã tạo nên một hương vị hoàn toàn mới.
Sáng tác là thực thể hóa một sự việc đã có mầm mống trong tiềm thức và khai triển nó khi thuận lợi.
Sáng tạo là phát huy một điều gì, việc gì chưa ai từng làm, chưa ai từng biết, chưa ai từng thấy hay nghe qua. Chữ ai ở đây bao gồm ngay chính bản thân họa sĩ.
Nam vò đầu đấm ngực, đổ mồ hôi trán. Sáng tạo! Trời ơi, phải bắt đầu như thế nào đây để khơi nguồn?
Anh vứt cọ, bỏ đi ...
Nhiều tháng trôi qua và Nam đã sống trong băn khoăn đau khổ, vì anh lại đang lâm vào ngõ bí. Anh rất dứt khoát với quá khứ và không chịu thua với chủ ý mới. Nhưng chủ ý mới là con đường rất mịt mờ, vì khả năng khai phá trí tuệ của một con người rất hữu hạn.
Anh luôn ở trong tình trạng nhì nhằng, loay hoay cầm chìa khóa mở cánh cửa thứ hai. Tâm linh anh vẫn còn đần độn không chịu hợp tác với lòng cầu muốn.
“Đi tìm sẽ gặp. Gõ cửa, cửa sẽ mở”, ai đã nói như vậy?
Nam đã triệu lần đi tìm và gõ cửa nhưng đâu lại vào đấy. Những lời đóù chẳng thấy ứng nghiệm. Thành tâm và tin tưởng Nam đều có thừa, nhưng tất cả chỉ là con đường vòng quanh, phát xuất từ đâu thì quay về tự đó, Nam chua cay thầm nghĩ.
Có những buổi chiều Nam lái xe hằng giờ ra những vùng ngoại ô, để rồi anh ngừng lại một nơi hoang vắng nào đó. Bỏ xe, anh đi bộ hàng chục, hàng chục cây số. Đi thẳng không nhìn ngang ngửa, không suy nghĩ vướng bận một điều gì. Nam muốn xóa hết những gì trong tri thức, anh muốn óc não anh là một trang giấy trắng tinh...
4 – Nam đứng trước khung vải. Tay cầm cọ, tay cầm sơn. Những định kiến, cliché đã có trước kia đều đã được vứt bỏ hết. Đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng. Anh đã quyết định rồi. Công việc thực hiện một tác phẩm không còn là công việc của anh, mà là công việc của vị thần Sáng Tạo. Hãy để sáng tạo tự nó sáng tạo thì sáng tạo mới thăng hoa. Thân thể anh, tay anh, nào khác gì với miếng bố vải, cây cọ, giá vẽ, hũ sơn? Có khác chăng, tay anh có những giây thần kinh bén nhạy tạo nên sự di động. Tay là phương tiện, là công cụ dùng để phối hợp những chất liệu cần thiết đúng/đủ tạo nên tranh.
(Sự đúng/đủ này đương nhiên không do Nam định đoạt; nó phát xuất, thích ứng theo tùy nghi của sáng tạo). Không đề tài. Không đánh giá. Không suy luận. Thể xác Nam là hình nộm. Linh hồn Nam mới là nghệ nhân. Trong tư thế đó, Nam vung tay.
Những vệt sắc màu liên tiếp được quệt lên trên khung vải bố. Chúng quyện vào nhau, và không mang một hình thù đặc biệt nào cả. Và khi tay đã mỏi mệt thì Nam ngừng lại. Anh đứng lùi ra vài bước. Anh bật ra tiếng cười khan và lắc đầu. Đó là tranh ư? Hahaha. Nếu gọi đó là tranh thì đúng là tranh của một kẻ không biết gì về hội họa, hay là tranh của một kẻ điên! Nam chán nản quăng cọ, bỏ đi ăn trưa...
Khi Nam trở lại, anh trầm ngâm đứng lặng nhìn bức tranh dở dang ban sáng.
Trước sự ngạc nhiên của Nam, những mảng màu đã quyện vào nhau một cách lạ lùng. Chúng không tuân theo bất cứ một luật lệ nào. Chúng tự do, phóng đãng. Chúng ngang dọc, ngây ngô ... Nhưng, ô kìa, chúng thay hình đổi dạng theo từng góc độ Nam nhìn. Thiên biến vạn hóa! Càng nhìn nó Nam càng say sưa. Cái say sưa của kẻ đi từ khám phá này qua khám phá khác. Nương theo sự kỳ diệu của những gì mình đang bắt gặp, Nam cầm cọ điểm thêm vài chấm phá để hoàn tất bức tranh...
Anh đặt tên nó là “Diversities”, “muôn mặt”.
Đó là bức tranh đầu tiên Nam đã đạt được trong quá trình sáng tạo của anh.
Diversities by Hong Khac Kim Mai
24" x 36" , mixed media on canvas
Quả thật Nam không làm chủ được anh khi anh đứng trước giá vẽ. Con người nghệ nhân trong anh càng lúc càng biến chuyển không ngờ. Trong mỗi một bức tranh, Nam không chỉ dùng một phương thức nhất định... Lúc ban đầu, Nam vẽ tranh bằng cọ. Sau đó anh chuyển qua lối vẽ bằng dao. Có lúc năm đầu ngón tay của Nam đã thay dao, cọ mà trở nên những công cụ tuyệt vời. Chất liệu được dùng tới cũng vậy. Nó không nhất thiết phải là loại sơn này hay mầu phấn nọï, hoặc một hỗn hợp pha trộn nhuần nhuyễn thường tình...Sáng tạo có cái sắc màu riêng, lý lẽ riêng, nó bất chấp những nguyên tắc cố định, nó không bận tâm tới những luật lệ cứng ngắt của người đời. Sáng tạo đưa đẩy làm nẩy bật những ý tưởng mới để gây dựng tác phẩm, từ hình thức cho đến nội dung. Do đó tác phẩm vượt quá trình thai nghén, và thăng hoa trong thời kỳ quá độ.
Mỗi khi hứng khởi đến, Nam không tự kềm chế được, và anh làm việc liên miên không ngơi nghỉ. Có những ngày anh thức trắng đêm không mệt mỏi. Khi đói, Nam cầm thức ăn, vừa ăn vừa quan sát bức tranh. Qua những màu sắc kỳ ảo, đôi mắt anh bắt gặp những hình ảnh phôi thai ẩn hiện. Anh nương theo đó để tạo chúng thành những vóc dáng hiện thực. Tranh trở nên phong phú, vì tranh có đặc thù lạ lùng, có cá tính riêng biệt, có tiếng nói thầm kín, có âm nhạc ru vang. Tranh truyền cảm cho người xem những rung động để họ tìm thấy chính mình trong đó với những ao ước, hoài mong, ưu tư, kỳ vọng, v...v... Cá tính của tranh không thuần nhất vì nó uyển chuyển theo cá tính của mỗi cá nhân người đang thưởng thức tranh. Sự giao động của họ làm cho tranh sống-như-thật, tưởng như có hơi thở nhân sinh. Vóc dáng của tranh co dãn, đắp mô tùy theo sự phán đoán của người đang đứng đối diện với tranh. Tranh không chỉ là một vật trang trí để xem cho thỏa mãn nhãn quan. Nó còn ẩn những thanh âm, để người hát lên câu tình tự. Nó còn để đọc, và người vui trong mỗi khám phá. Nó còn để người nghe chính tiếng lòng mình đang nói, để người thấy khả năng vô cùng của trí tưởng.
Có thể nói, sáng tạo là một chuỗi hột liên tục của sự mới, lần tới những sự mới hơn nữa, rồi mới hơn thế nữa, mới thêm, và càng thêm mới, không bao giờ cạn nguồn...
5 – Người đàn ông vừa đẩy cửa bước vào tự giới thiệu là một thương buôn ngành mỹ nghệ ở New York đến. Người hắn cao lênh khênh, đôi mắt sâu và xanh màu lá cây, cái cằm lẹm, đôi môi mỏng dính. Hắn nói tiếng Anh ngữ hơi cứng. Hắn là người Mỹ gốc Aùi Nhĩ Lan.
Hắn đứng rất lâu trước mỗi bức tranh của Nam. Thỉnh thoảng hắn gật gù, hay lấy tay sờ cằm suy nghĩ.
Hắn nói với Nam rằng hắn được nghe một vài người bạn nói về anh với nhiều khâm phục. Hắn đến vì tò mò, nhưng hắn cũng không quên nói rằng hắn sẵn sàng mua bán với Nam. Hắn khoe với Nam một chiếc xe thùng đầy ắp những tranh sơn dầu mà hắn vừa thu mua được của những họa sĩ địa phương với một giá rẻ mạt, không quá năm trăm đô la mỗi tấm.
Nam không mấy cảm tình khi tiếp chuyện hắn. Nhưng khi biết hắn là một thương buôn sành sỏi, anh cũng tò mò muốn biết hắn nhận định về những họa phẩm của mình như thế nào.
Hắn chỉ một bức tranh mang tên “No Apples”. Tranh vẽ một thiếu nữ với gương mặt rất mơ hồ, thân thể nửa kín nửa hở. Hai cánh tay nàng mở rộng đưa lên trời cao, hai bàn tay xoèø ra dưới vòm lá xanh lơ. Trong nàng ửng lên nhựa sống. Trong nàng ửng lên sự bao dung. Trong nàng ửng lên niềm hy vọng. Trong nàng ửng lên sự khát vọng và đam mê...Hắn thắc mắc về tên bức tranh không thấy có gì liên hệ với nhân vật trong đó.
“Sao không ?” Nam trả lời.
Và anh phân giải tiếp:
“Đó là Eva. Trong tâm trí của rất nhiều người, Eva là nguồn gốc của tội lỗi. Trong tranh của tôi, nàng ở trong thời điểm chưa ăn táo. Nàng thuần khiết vô song. Nàng đại diện cho giới nữ lưu, bất hạn tuổi. Tội lỗi là hành động sai lầm của một cá nhân, tại sao lại giá họa cho tập thể? “No Apples” là một tiếng kêu phản kháng...”
Người thương buôn trợn mắt đứng sững sờ một lúc.
No Apples by Hong Khac Kim Mai
18" x 20" , mixed media on canvas
Bức tranh mà người thương buôn thích nhất mang tên “Unlimited Prosperity”, sung mãn vô-hạn-định. Hắn ngã giá đầu tiên là hai ngàn đô la. Nam lắc đầu. Hắn tăng lên vài ngàn nữa, Nam vẫn lắc đầu. Hắn tiếp tục tăng tiền dần và cuối cùng dừng lại ở con số hai chục ngàn. Nam lại lắc đầu. Hắn cáu tiết:
“Là một họa sĩ vô danh như anh, anh làm gì bán tranh được cho thiên hạ với giá đó?ù”
Hắn phân trần hắn là một người buôn bán tranh ảnh lâu đời tại Nữu Ước. Hắn quen biết lớn. Hắn có một số khách hàng giàu có. Họ quá giàu và họ hái ra tiền nhanh đến nỗi không còn thấy sự khác biệt giữa một trăm ngàn hay hai trăm ngàn đô la. Họ có thể vung tay tiêu bạc triệu nếu họ thích một món hàng nào.
Hắn thuyết phục Nam nên bán tranh chứ không nên giữ lại. Họa sĩ cũng là con người cần những vật chất. Nghệ thuật tuy cao quí nhưng nghệ thuật phải phục vụ nhân sinh. Trước hết, nghệ thuật phải nuôi sống người tạo ra nó, rồi sau đó mới tính đến chuyện phục vụ thị hiếu của quần chúng.
Hắn dỗ dành: “Anh cần phải tạo tên tuổi. Bán bức tranh này, anh sẽ vẽ tiếp bức khác, lo gì...”
Nam lắc đầu. Anh biết rất rõ rằng anh không phải là một cái máy. Mỗi tấm tranh của anh sẽ là một tấm duy nhất. Anh không có khả năng nhại lại ngay chính việc của mình làm. Tranh vô giá như con. Ai đành tâm mua bán con cái? Anh phục vụ nghệ thuật để cùng nghệ thuật thăng tiến, chứ nghệ thuật không phục vụ anh trong việc cơm áo mưu sinh.
Những cái lắc đầu lì lợm của Nam không có gì mới mẻ, xa lạ với người thương buôn. Trong thương trường hắn từng đụng độ với nhiều họa sĩ tài năng. Đa số bọn này hay cao ngạo tự cho tác phẩm của mình là tác phẩm có một không hai. Âu đó là cái bệnh chung của kẻ làm được những điều bất thường, hay, lạ vậyï.
Hắn hiểu lắm, vì vậy hắn biết hắn nên nhẫn nại. Trao cho Nam tấm danh thiếp, người thương buôn nói hắn hy vọng một ngày nào Nam sẽ đổi ý. Hắn đặt tay lên vai anh, và nói tiếp, giọng thân mật:
“Những tác phẩm của anh thật độc đáo, có chiều sâu. Tôi rất ngưỡng mộ anh ”
Trước khi khuất bóng hắn còn ngoái đầu lại:
“Họa sĩ nhớ kỹ nhé. Xin đừng bao giờ bán rẻ những tác phẩm của mình”
Và hắn đưa ngón tay trỏ lên, nhấn mạnh từng chữ :
“Anh định giá theo ý anh muốn, và thiên hạ sẽ chạy theo...”
Nam gật đầu cảm kích.
Hình như anh vừa tìm được một người bạn tri âm???
6 – The New-Face-and-Space Gallery nằm ở đường Alberta, một khu vực với nhà cửa hổ lốn không mấy đẹp vùng Bắc Nam thành phố. Dân cư ở đây đa số là người Mỹ da màu. Hơn chục năm trước, vùng này ít ai dám bén mảng vì đó là nơi tụ tập của những băng đảng khét tiếng... Gần đây, tự dưng khu phố Alberta sầm uất hẳn lên. Nhiều căn nhà rộng lớn với mái tôn cũ kỹ lỗi thời, tiền thân là những kho chứa hàng bẩn thỉu, đã được sơn phết lại. Dấu vết những tuồng chữ xanh, đỏ nguệch ngoạc viết những lời chửi thề mất dạy đều được xóa. Những lỗ thủng của hằng hà vết đạn cũng được bôi trét kỹ càng. Thay vào đó là những lớp sơn mới với mầu sắc thời đại, với những bản tên nghe rất lạ tai được dựng lên. Hàng quán, tiệm buôn nhỏ xuất hiện. Galleries, những căn phố buôn bán tranh ảnh mỹ thuật, mọc lên như nấm.
Người chủ phòng tranh The New-Face-and-Space trạc độ trên dưới bốn mươi tuổi, người da đen. Aùo quần hắn bảnh bao, tóc tai hắn thời thượng, nhưng hắn ta không che dấu được nét hốc hác vì thiếu ăn thiếu ngủ. Hắn đứng quan sát năm bức tranh mẫu Nam vừa đưa tới. Hắn xoa hai bàn tay tỏ vẻ hài lòng với kỹ thuật dựng tranh của Nam. Hắn xuýt xoa là tranh có nhiều nét lạ hắn chưa từng thấy. Hắn cho rằng những lằn sơn nổi lên như những sợi gân trong một bức tranh quá độc đáo... Rất điềm đạm, Nam ngỏ ý muốn hắn triển lãm tranh của anh ở đây trong kỳ đại hội sắp tới. Hắn cười xòa nói rất sẵn lòng.
Những cam kết và điều lệ cần có giữa người chủ phòng tranh với họa sĩ được đề cập tới như những giáo điều. Khi nói về phần hoa hồng chia chác, gương mặt hắn bốc sáng. Nhưng khi Nam đưa ra những con số về trị giá của những tranh anh muốn bán, gương mặt hắn đanh lại. Hắn giận dữ nhanh chóng:
“ Trời ơi, ông nội tưởng ông nội là ai mà đòi bán tranh bạc triệu?”
Hắn ngưng lại một lúc để thở, rồi tuôn một tràng dài: “Ông có điên chưa hử? Một họa sĩ nổi danh như Thomas Kinkade còn chưa ra giá như anh. Huống hồ gì anh chỉ là một tên họa sĩ ma cà bông, vô danh tiểu tốt?”
Nam vẫn điềm đạm: “ Đồng ý với anh tôi là một nghệ sĩ chưa ai biết đến. Nhưng tôi hiểu rằng tất cả mọi người, ai vào đời cũng phải bắt đầu bằng hai chữ “vô danh”. Tôi không thể là một ngoại lệ ... Vấn đề là những tác phẩm nghệ thuật của tôi sẽ được yêu chuộng hay không, đó là mấu chốt để đi đến sự hữu danh”õ
Louis, tên của người da đen, vò đầu: “ Thôi đi cha! Trước hết cha phải hiểu rằng tôi mở tiệm buôn để kiếm lời. Có bán được hàng của anh, thì tôi mới có ăn. Hai chữõ “triển lãm” kêu cho xôm tụ, gọi cho vui, chứ tôi điên gì bày tranh của anh khơi khơi cho thiên hạ xem? Muốn duy trì phòng tranh này, mỗi tháng tôi phải trả bao nhiêu là chi phí. . .“
Hắn lấy tay vỗ bành bạch vào cái bụng, miệng nói tiếp:
“Nói thật với anh, cái bụng này đói lắm nghe. Sống nghề bán tranh ở khu nhà lá như thế này thật vất vả. Chỉ nhờ được đôi chút khi có đại hội, còn những ngày khác tôi phải làm thằng giữ con cho thiên hạ để có miếng cơm”
Louis vừa nói vừa đưa tay chỉ ba đứa trẻ đang chạy chơi gần đó, rồi tiếp tục, giọng đã dịu lại:
“Trông cái tướng anh, tôi biết khả năng tài chánh của anh cũng không hơn gì tôi. Vậy anh nên bắt đầu bán tranh với giá hai, ba trăm một tấm, thiên hạ mới đủ sức mua. Anh từ từ tạo ra một thị trường cho món hàng của anh. Từ đó tranh anh được phổ biến rộng rãi. Khi anh có tiếng rồi, tự dưng hàng của anh sẽ có giá”
Hắn ngừng lại để nuốt nước bọt, rồi tiếp tục lên mặt dạy đời: “Anh biết không, anh phải leo lên từng nấc thang một. Trèo chậm chắc ăn, anh hiểu chưa?”
Thông cảm với Louis, Nam đề nghị xin trả tiền thuê phòng tranh trong thời gian triển lãm. Nhưng hạ thấp giá tiền bán thì Nam quyết không làm. Anh nói với Louis anh oán ghét xã hội bất công với giới nghệ sĩ. Khi họ còn sống, tác phẩm của họ bị chà đạp, bị coi rẻ rúng. Tranh của họ khi tung ra thị trường thường bị đám con buôn bắt chẹt và ăn chận. Chủ những phòng bán tranh thường làm khó dễ những họa sĩ chưa nổi danh, và hay có thái độ ban ơn trịch thượng. Đời của nghệ sĩ là những chuỗi ngày triền miên đói khổ, lây lất. Cái áo bạc màu của họ làm nhân phẩm của họ bị coi thường...
Giọng nói của Nam mỗi lúc mỗi thiết tha hơn, và anh nhắc lại trường hợp của danh họa Frida Kahlo. Trong thời sinh tiền, tác phẩm của người nữ họa sĩ này không ai thèm mua. Bà đã phải sống một đời dựa thân, núp bóng người chồng Diego Rivera. Phải đợi hơn bảy mươi năm sau thì tranh của bà mới được trọng vọng. Ngày nay, họa phẩm của Frida Kahlo trị giá năm triệu đô la, thì bà đã ra người thiên cổ. Con ma kia, giả dụ như linh hồn Frida Kahlo vẫn còn tồn tại trong một thế giới vô hình nào đó, chắc đã vất vưởng bên những tác phẩm của mình? Hồn ma nhẫn nhục chờ ngày vinh quang hôm nay? Liệu bà có hài lòng trong uất hận?
Họa sĩ là người đã sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật, nhưng ai là người hưởng lợi trên công lao, mồ hôi xương máu của họ?
Nam nghiêm sắc mặt, giọng cứng cỏi:
“Vâng, tôi là một tên họa sĩ nổi loạn. Tôi muốn phá xiềng xích thay đổi những truyền thống cũ...Tôi không chấp nhận những ai lợi dụng nghệ thuật để trục lợi. Từ trước đến nay, giới họa sĩ đã chết hay đang sống đều là nạn nhân “.
Và anh nhấn mạnh:
“Tôi muốn hái những hoa trái mà tôi đã đổ bao nhiêu công sức ra trồng...Tôi muốn nếm hương vị ngọt bùi của vinh quang khi tôi còn sống... Một mai kia tôi qua đời, các người đua nhau vinh danh tôi, nào có ích gì? ”
Louis trố mắt nhìn Nam. Gương mặt người họa sĩ nhăn nhúm đau khổ khi anh tuôn ra nỗi lòng của mình. Người da đen lại vỗ vai Nam, thân mật:
“Có nghĩa anh không cần bán những tranh này nếu không được giá ?”
“Đúng vậy”
Louis vỡ tiếng cười. Anh lớn giọng:
“Được. Anh chịu chơi như vậy, tôi khoái lắm. Thằng này thua anh sao?... Tôi sẽ để anh triển lãm kỳ này, không lấy tiền thuê”
Và hắn phân bua, như tự an ủi: “ Thực ra tôi thích tranh của anh lắm... Biết đâu!... Trên đời này đã có một thằng họa sĩ khùng là anh, lại có thêm một thằng buôn tranh khùng là tôi, thì cũng có thể sẽ có một thằng khùng khác bỏ bạc triệu ra mua tranh của một họa sĩ vô danh ...Hahaha!... Chúng ta đồng ý chia 50/50 nhé...”
7 – Thiên hạ kéo nhau đến vùng Bắc Nam thành phố đông như kiến. Từ đầu đường cho đến cuối đường Alberta có khoảng hơn 50 phòng tranh. Đủ các thể loại, đủ các màu sắc, đủ hết tên tuổi của hàng trăm nghệ sĩ địa phương. Có những bức tranh với những nét họa nhẹ nhàng thoát tục thì cũng có những bức chứa đầy những hình ảnh quái dị về thế giới vô hình. Có những bức tranh diễn đạt nội tâm qua những mầu sắc đối chọi nhau, thoạt trông rất khó chịu, nhưng chúng mang một sắc thái rất mới lạ. Có những bức họa cực kỳ tinh xảo thì cũng có những bức rất thô sơ đơn giản không ngờ. Có những tranh vẽ những con người mà tứ chi đều đảo lộn, vị trí mắt mũi miệng ở những nơi không giống con người bình thường, trông thật lạ lùng. Với sự thăng tiến của khoa học hiện đại, có những bức tranh được hình thành bằng những xảo thuật điện tử rất đẹp mắt. Quả thật con người có quá nhiều tưởng tượng và khả năng sáng tác của các nghệ sĩ thật vô cùng phong phú và đa dạng. Nếu đem chấm điểm thì khó mà đánh giá trị cao thấp của mỗi nghệ sĩ, vì ai cũng có những nét độc đáo riêng...
Tranh được trưng bày quá nhiều, và thưởng thức tranh trong một khung cảnh xô bồ náo nhiệt thì không thích hợp chút nào. Do đó người đi xem tranh như đi chợ. Họ chỉ lướt qua, với thái độ nhìn-cho-biết, hơn là để thưởng thức nghệ thuật. Rất ít phòng tranh nào bán được hàng.
Nhưng khi ai có dịp đặt chân đến phòng tranh The New-Face-And-Space, họ đều dừng lại ở đó rất lâu. Một là vì nơi đây không khí tự dưng rất nghiêm túc. Hai là vì dưới mỗi bức tranh đều ghi giá bán với một số tiền khổng lồ. Họ đứng lại ngắm nghía tranh, tò mò cố tìm hiểu tại sao tranh có thể đắt giá đến như vậy được: số ít nhất là năm trăm ngàn đô la, số cao nhất là năm triệu!
Phòng triển lãm rất rộng. Dưới những bóng đèn nhỏ, được thiết trí đúng chỗ, tranh như vươn dậy, tranh như hớn hở, tranh như đón chào. Hơn sáu mươi tác phẩm của họa sĩ Phạm Kỳ Nam tỏa ra một hơi ấm kỳ diệu làm lòng người xem nao nao.
Nghệ nhân đứng ở một góc phòng, anh yên lặng chăm chú theo dõi những người thưởng ngoạn. Có những tiếng xầm xì to nhỏ. Có những cái chỉ tay thắc mắc. Có những đôi mắt lim dim như đang đi vào mộng. Cô thiếu nữ tóc vàng lấy tay quẹt nước mắt, cô ngả đầu vào vai tình nhân. Anh chàng quàng tay qua ôm lưng bạn gái, thầm thì hỏi điều gì đã làm cho cô rơi lệ. Tay chỉ bức tranh mang tên “No Apples” treo trên vách, cô nói:
“Anh, có phải chính em trong đó không? Thật tuyệt vời quá. Em cảm thấy như đang chơi vơi bay bổng. . .”
Một người Á đông chống cằm nhìn không chớp mắt bức tranh mang tên “Hope never dies”, niềm-hy-vọng-không-bao-giờ-tắt. Trong đó, một trái cầu vàng ửng chói đang lềnh bềnh trôi trên đại dương. Sóng gió, giông tố phũ phàng bổ tấp vào nó, nhưng trái cầu vàng vẫn ung dung tự tại nhờ một cọng lông mong manh như tơ luôn nâng nó lên...
Một đôi vợ chồng, tóc hoa râm, đứng trước bức họa “Sung mãn vô-hạn-định” đã hơn mười lăm phút. Họ vẫn chưa chịu dời gót qua thưởng thức những bức tranh khác. Người đàn ông thay đổi thế đứng nhiều lần, đầu nghiêng qua ngó lại và quan sát bức tranh ở nhiều góc cạnh khác nhau. Người vợ thì có vẻ như đang bị khích động, bà hay nhón gót nói nhỏ vào tai chồng. Ông gật gù, mắt vẫn dán vào những hình ảnh đang thấy. Trông họ rất tâm đắc.
Nam bước lại, tự giới thiệu mình là tác giả của những bức họa trong phòng. Anh nhã nhặn xin vui lòng được đáp những thắc mắc của họ, nếu có. Người đàn ông đằng hắng lấy giọng, rồi thong thả nói:
“ Kết cấu của bức tranh này rất đặc biệt. Có một cái gì trong đó vô cùng lôi cuốn tôi làm tôi không muốn rời nó. Trong lòng tôi háo hức vui sướng lạ kỳ, tâm hồn tôi rộn ràng khó hiểu. Tôi thích nó quá. Có điều tôi không hiểu, tranh hay thì có hay thật, đẹp thì có đẹp thật, lạ thì có lạ thật, song giá gì mà khiếp thế? Nó có xứng đáng được bán với giá năm triệu đồng không?... Bán hết gia tài sự nghiệp tôi, e cũng chưa đủ số...”
Nam mỉm cười. Anh nói rất chậm rãi:
“Xin ông bà hãy thử tưởng tượng... Giả dụ như tôi đang đem tới trước mặt ông bà một thúng, xin nhắc lại một thúng, đầy ắp kim cương. Hạt kim cương nào trong đó cũng cân nặng hơn năm ca-ra. Ông bà sẽ có phản ứng gì trước cái gia tài khủng khiếp đó?”
Cả hai vợ chồng người xem tranh lúng túng chưa biết phải trả lời như thế nào. Nam nhìn họ một lúc. Thấy họ vẫn chưa tìm được câu trả lời, anh nói tiếp:
“Có phải phản ứng của ông bà sẽ như thế này không?”
Vừa dứt câu hỏi, Nam trợn mắt. Miệng anh há hốc. Hai bàn tay anh mở rộng đưa lên nửa vời, nhưng trông chúng cứng như bị đông đá. Người đàn bà gật đầu lia lịa:
“Vâng. Vâng. Đúng như vậy”
Tức thì Nam vừa đưa ngón tay trỏ lên, vừa vui mừng kêu:
“That’s it! ... Lúc nãy, phản ứng đầu tiên của ông bà khi nhìn thấy bức tranh hoàn toàn y hệt điệu bộ tôi vừa diển tả...Xin ông bà hãy đọc kỹ hàng chữ ghi ở phía dưới, đó là linh hồn của tranh”
Người chồng cúi xuống lẩm nhẩm từng chữ một: Sung, Mãn, Vô, Hạn, Định. Ông hỏi tại sao bức tranh lại mang cái tựa đề đó. Nam hỏi ngược:
“Ông bà có thấy hằng hà viên kim cương đang nhấp nhóa trên tranh không?”
Bà vợ nhìn những vết ấn của dao vẽ, chẳng khác gì mặt cắt của viên đá cực quí, bà thì thào: “Vâng, nhiều kim cương lắm”
“Ông bà hãy đứng nghiêng một chút thì sẽ thấy rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng ”
“Vâng, trời ơi, sao huy chương nhiều đến thế nhỉ?”
“Lùi bước xa một chút, ông bà có thấy nào núi vàng, nào hầm bạc ẩn hiện không?”
Vừa dụi mắt mình, ông chồng vừa gật gù:
“Đúng như thế. Lạ nhỉ, trước kia tôi chỉ thấy một khung vải trống với màu sắc bàng bạc. Bây giờ ông điểm chỉ ra, thì tôi mới khám phá ra cơ man trân châu và bạc vàng. Hóa ra chúng nằm ẩn trong tranh ...”
Nam khôi hài: “Ở đời, người ta thường cất giấu bảo vật ở những nơi kín đáo, đâu có ai khoe ra cho kẻ cướp biết ?!”
Anh lại nói tiếp: “Bây giờ ông bà xem thêm một chút nữa nhé. Ôâng bà có thấy một bó hoa hồng nở rộ không? Ah, la vie en rose!...Vâng, bức tranh có kim cương tượng trưng cho sự sang cả bề thế, có bạc vàng tượng trưng cho giàu có vượt bực, có huy chương tượng trưng cho danh dự cao quí, có hoa hồng luôn nở tượng trưng cho hạnh phúc vô biên... Như thế không phải sung mãn vô-hạn-định là gì? Đem về nhà một báu vật như vậy mà chỉ trả có năm triệu đô la thôi, tôi nghĩ giá đó thật quá rẻ...”
Hai người khách đứng ngớ người một lúc, rồi họ cùng nói:
“Vâng, với một tác phẩm thần kỳ như thế thì giá năm triệu không mắc. Nhưng, chúng tôi làm gì có số tiền đó để mua...”
Nam cười dễ dãi: “ Không sao. Nếu quí vị không đủ sức mua, thì tôi có thể để quí vị được sờ nó một chút. Như vậy được chứ?”
Họ xì xào: “Vâng, như vậy có gì quí bằng”
Cả hai vợ chồng...