Từ ''Bốn Phương Chìm NổI'' đến ''Cát Bụi'' Của Việt Dương Nhân
Hay là nỗi đoạn trường của một nhà thơ biểu hiệu tình yêu
Lê Mộng Nguyên Tôi biết Việt Dương Nhân qua bài ''Khuyên Em'' (Cát bụi. tr. 81) do Trang Thanh Trúc phổ nhạc (và Bảo Trâm. Bá Lộc hát trong CD ‘’Hẹn Anh 15 Năm). Nghệ Thuật số 64. Th. 7.1999). Qua lời ca, tôi thông cảm ngay với nỗi buồn sâu đậm của người thiếu phụ phải một lần nữa mắc bệnh tình yêu (với bốn câu thơ tuyệt diệu) :
Bốn giờ khuya mà em chưa đi ngủ.
Dưới đèn mờ ngồi ủ rũ chờ ai ?
Mà mắt em đôi dòng lệ chảy dài
Phải chăng vết thương đau vừa trở lại ?
Cái tình tuyệt vọng ở đây đã được nhà thơ diễn tả một cách thần diệu qua hình ảnh một người em gái (nhưng chính là để nói đến thân mình) trong một đêm trắng (đồng hồ vừa chỉ đúng 02 giờ 05 ngày 04 tháng 6-199. Làm thơ suốt canh chầy không biết VDN có hàn gắn được ít nhiều cho những vết thương lòng.
Xin cảm tạ... đất vườn thơ ơi !
Hình như ta giải thoát được rồi.
Không thắc mắc, không bồi gì nữa
Mà thấy nhẹ nhàng thanh thản...thôi.
(CB : Giải Thoát...Nơi Đất Vườn Thơ)
Trong ‘’Bốn Phương Chìm Nổi) (thi tập thứ nhứt của Việt Dương Nhân, ra mắt tại Paris, chiều chúa nhật 25/10/1999, do tác giả xuất bản, với trình bày : Nguyễn Huê Hùng, Tựa : Võ Thu Tịnh, Bạt : Bích Xuân và Nguyễn Tuấn Anh) :’’...tác giả vấn vương đâu đó một sự buồn bã khó tả nỗi. Không phải một cơn buồn mà nó là một man mác buồn. Kế đó là tình yêu : Yêu Mẹ, yêu quê hương yêu gia đình, yêu người yêu và yêu cả người không yêu’’ (Nguyễn Tuấn Anh, Bạt BPCN. Tr.139) Quả thật, người nữ sĩ ưu ái này là (Một Tâm Hồn Yêu Say Thơ và Rượu’’ (như nàng đã thố lộ tâm tình với độc giả, trang bìa cuối) :
Gió buồn ngơ ngẩn bồi hồi
Ở đây thơ rượu đấp ngày mai
Chiều nay rượu uống chưa say
Mà hồn lộng gió, ngất ngây giữa đời
(BPCN : Gợi Nàng Thơ, tr. 15)
Để quên "Sầu Vong Quốc" (BPCN : tr. 69) trong thời gian đằng đẳng ở quê người :
Xuân-Hạ-Thu-Đông mấy lượt rồi ?
Sao còn như kẻ sầu vong quốc.
Lây lất quê người kiếp nổi trôi.
Nhưng quên sao được ngày quốc hận, 30 tháng tư năm 1975 ? :
Ta khóc thật nhiều, mắt ta trong thấy
Uất hận này khuấy nát trái tim ta
Làm sao có thể quên ngày hôm ấy
Máu lệ thù còn động đáy lòng ta.
(BPCN : Dựng Cờ Quốc Gia tr. 7
Lòng yêu nước không giới hạn của Việt Dương Nhân ai cũng đoán biết qua nhiều bút hiệu đầy ý nghĩa mà nàng đã thường dùng như : Thanh Thiên Tâm, Việt Quốc Hùng, Nguyễn Chánh Nhựt, Quốc Hương, T.C.H., Song Bình, Hỏa Phong Địa Thủy... : "Ngày hôm nay tôi vẫn sẵn sàng bằng lòng nhận lãnh 72 triệu viên đạn để đánh đổi cho dân tộc Việt Nam được sống thật sự Tự Do Dân Chủ và đầu đủ quyền làm người, thân này tôi nào đâu sá chi..." (Lời Ngỏ của tác giả). "Yêu Say Thơ và Rượu" để quên số phận long đong và bèo bọt của mình ở xứ người ? :
Đây ! Xứ người đang mùa sương tuyết phủ
Lòng con buồn ủ rũ dưới trời Tây
Mắt lệ đầy tuôn chảy giữa chiều nay
Ai đã gây cảnh chia ly thảm khóc.
(BPCN : Về Đất Mẹ. Tr. 79)
Và quyết tâm rứt bỏ mối duyên xưa ?
Than ôi :
Nhớ ai sao cứ nhớ hoài
Hình xưa bóng cũ miệt mài đã xa
Tình đà tan mộng tàn hoa
Mà sao vẫn thấy xót xa trong lòng !
(BPCN : Hình Bóng Cũ tr. 34)
Thành thử, tình Đạo cuối cùng là cái phao cứu vớt tâm thần của nhà thơ :
Bao đêm khấn nguyện Di Đà
Giúp gươm trí tuệ đánh tà đuổi ma
Tà ma nay đã lìa xa
Thân tâm bình lặng lòng ta nhẹ nhàng.
(BPCN : Khấn Nguyện tr. 107)
Sau ngày ra mắt CD Bảo Trâm - Trang Thanh Trúc tại Paris (16/05/1999), Việt Dương Nhân trao tận tay cho tôi thi tập ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ và bản thảo ‘’Cát Bụi’’ (Thi tập II) với một câu chú thích : ‘’Nếu không gì trắc trở sẽ ra mắt vào mùa thu 2000. Đầu thế kỷ 21), trong đó gồm cả thi tập III ‘’Trở Về’’, cùng một tác giả. Qua lời Bạt của Hồ Trường An trong ‘’Cát Bụi’’ và bài giới thiệu ‘’Thân thế tác giả và tác phẩm’’ của Lê Anh Tuấn hôm ra mắt BPCN (25/10/199 tại Asia Palace (Quận 13), tên thật của VDN là Nguyễn Thị Bảy (vì nàng là người con thứ bảy của gia đình), sinh năm 1946 tại Bình Chánh (Gia Định Việt Nam). Kết duyên với một người đàn ông Pháp tên là Jacques HIVER năm 1967 tại Sài Gòn và hạ sinh được hai con tên là : Trí-Tâm-Philippe và Thiên-Kim-Agnès. Bảy tháng sau khi đô thành thất thủ (ngày 30/04/1975), tất cả gia đình được trở về Pháp (vào khoảng tháng 11-1975).
Nàng làm thơ rất phong phú từ năm 1977 và đã đăng nhiều trên các báo Việt Nam hải ngoại. Nguồn cảm hứng của Việt Dương Nhân thật lai láng, có lẽ vì đời nàng so sánh (một ít nhiều) với số phận nàng Kiều. ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ (như Lê Anh Tuấn đã viết) :’’có tất cả : nước mất, nhà tan, lưu đày, thân phận,
tình yêu, mơ mộng, khổ đau, ngang trái, Mẹ, con, ân tình, bạc tình...’’ :
"Đau đớn thay phận đàn bà !
Lời rằng bạc mệnh, cũng là lời chung"
(Nguyễn Du)
Cũng vì thế mà :
Thơ tôi buồn lắm người ơi!
Đọc lên mắt ướm lệ rơi đôi hàng
(BPCN : Yêu Thơ tr.1)
Nhưng tác giả không bao giờ muốn trách oán ai :
Bốn Phương Chìm Nổi con nào dám,
Trách Trời hay tạo hóa bất công
Đời con như thuyền trong cơn sóng
Vùi dập tơi bời giữa biển Đông.
(BPCN ốn Phương Chìm Nổi, tặng Thầy Thích Minh T., tr. 2)
Nhà thơ đau khổ của chúng ta muốn tìm giải thoát cuộc thế thăng trầm này bằng cách xua đuổi một tình duyên mới (như đã nhắc nhở trên) :
Xin đừng lưu luyến anh ơi !
Làm tim em nát mắt rơi lệ hồng
Đời em mưa nắng chất chồng
Đâu còn xứng đáng đợi mong làm gì !
Tôi không muốn phân tích dài dòng tác phẩm BPCN (để được nói nhiều về ‘’Cát Bụi’’ vì dù muốn dù không, tập thơ đầu tay của VDN là một thành công đẹp đẽ : Qua nhiều thể (lục bát, thất ngôn hay tự do), bài nào cũng hay, bài nào cũng vần điệu đáp đúng với tâm hồn, ngay những câu không vần chút nào (chắc tác giả tự ý muốn thế) cũng hay vì thật là phản ảnh tình yêu, làm người đọc xúc cảm như chung sống với số phận khổ đau của tác giả. Tương tự như thơ của Nguyễn Du : ‘’bài nào cũng ngụ cái ý buồn rầu, thật là : Rằng hay thì thực là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào !’’ (Trần Kim Trọng), nỗi chua xót của Việt Dương Nhân trước cảnh mất nước, nhà tan, tình duyên vỡ lở, bằng hữu ly tán, đã được diễn tả qua những vần thơ đau. ‘’Cát Bụi’’ (Bạt : ‘’Việt Dương Nhân, một hồn thơ nở hoa trên cát bụi’’ của Hồ Trường An. ‘’Thay lời tựa’’ cùng ‘’Việt Dương Nhân và Cát Bụi’’Âm Bản của Nguyễn Hữu Nhật, sẽ được xuất bản năm 2000, gồm có trên 100 bài thơ, một Nguồn thơ lục bát ’’Đời Mai’’ khởi viết ngày 16/08/1990., xong ngày 04/03/1999, dài tớI 22 trang (108-129), 3 bài Vọng Cổ dài tất cả 6 trang (130-135), và một Cổ Nhạc Kịch Ngắn, dài 5 trang (136-140) cũng như ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’, tiếp tục đượm màu quê hương, nói đến thân phận nhà thơ ở đất khách (nỗi buồn viễn xứ), và lẽ dĩ nhiên là đi sâu hơn nữa vào tình yêu, tình đời :
Xin tặng cho đời...một vườn bông,
Xin tặng cho đời...những nụ hồng,
Xin tặng cho đời...hương thơm ngát,
Xin tặng đời...lời hát êm trong...
(Xin Tặng Đời tr.3)
Và Đạo :
Cố quên những chuyện phũ phàng,
Tình thương duy nhứt dẹp tan muộn phiền,
Vững lòng yên lặng tọa Thiền,
Thân tâm...lành...lạc Phật, Tiên hộ trì.
(Xin Thưa...tr.57)
Để cụ thể hóa nỗi trung thành với nước Việt xa xôi
(Mang Hồn Nam Tử, tr.69-70), nàng tự đáy lòng :
Xin thề với Mẹ, Mẹ ơi !
Việt Nam Mẫu Quốc, con đời nào quên
Lòng con vẫn quyết vững bền
Đấu tranh Phục quốc xây nền Tự do.
Và mường tượng (lấy gương Hai Bà Trưng) :
Con như nữ tướng chiến trường
Một thân, một ngựa, kiên cường sắc son
Dù cho trèo núi, leo non
Thanh gươm nắm chặt, không lòn cúi ai.
Vì :
Giặc còn trên dãy giang san,
Hẹn ngày trở lại dẹp tan bạo quyền.
Thật đáng phục ! Trong làng thơ nữ và ngay cả nam ở hải ngoại, có ai được dũng cảm trước chế độ áp bức con người bằng VDN ? Tuy phận đàn bà, nàng :
Muốn làm một "Đấng Hùng Anh"
Kiếm cung văn võ đoạt thành mộng mơ
Dẹp ngay một lũ ngu ngơ,
Đang làm già trẻ bé thơ ưu phiền.
Và lẽ dĩ nhiên, nàng viết tặng hương hồn Anh Hùng Trần Văn Bá,
"Người Chiến Sĩ Vang Danh" (tr. 73-74)
Anh đi trong cõi xa xăm
Nhưng hồn anh mãi hờn căm kẻ thù
Tên anh ghi mãi ngàn thu
Danh Trần Văn Bá, giặc thù hãi kinh.
Và để tặng Mẹ Việt Nam và từ Mẫu, trong lúc chờ đợi ngày tổ quốc được giải phóng và xây dựng nền tảng dân chủ tự do :
Nhớ Mẹ mắt tươm lệ đầy
Thương đời của Mẹ tháng ngày lẻ loi
Đôi vầng Nhật Nguyệt sẽ soi
Chúng con kề Mẹ nhìn coi lúa vàng
Gởi về thăm Mẹ mấy hàng
Những lời yêu kính với ngàn tình thương
Trời Âu lắm tuyết nhiều sương
Mùa thu cánh lá còn nương quê người.
(Cánh Lá Mùa Thu, tr. 99)
Theo VDN, thủ đô của Việt Nam bao giờ cũng vẫn là Sài Gòn. Sài Gòn ơi, ta không mất người và người đã không mất tên (trái lại với bài ca vĩnh biệt hồi ấy) vì trong :
Tim ta em chẳng lu mờ
Sài Gòn thương nhớ muôn đời mãi yêu.
Vì miền Nam thân ái là nơi, ‘’chôn nhau cắt rốn’’ của nhà thơ :
Yêu em từ thuở vào đời
Khi cành hoa búp lả lơi gió chiều,
Áo dài tha thướt dặt dìu,
Màu hoa cà tím mỹ miều nhở nhơ.
(Yêu mãi sài Gòn tr.29-30)
Về mặt ‘’thời gia qua’’, giữa hai đất nước sinh thành và tạm cư, tác giả : ’’Cát Bụi’’ tự hỏi, phân vân :
Dĩ vãng buồn !
Gởi lại đất Sài Gòn !
Dĩ vãng sầu
Cất dấu ở Paris !
Một đời hai dĩ vãng,
Sẽ chôn nơi chốn nào ?
(Dĩ Vãng Sài Gòn và Paris tr. 4)
Câu trả lời, ta tìm thấy trong ‘’Nỗi Sầu Chung’’ (tr.71) lúc nàng :
Ngoảnh về dĩ vãng nát nhầu
Niềm đau hiện tại, ngồi rầu đất Âu.
Và cứ chiều chiều (Thương Về Quê Mẹ, tr. 72) ’’ra đứng cửa sau’’, nhìn về hướng Nam :
Đi đâu ? Đi đến nơi nào ?
Miệng cười tươi thắm mắt trào lệ tuôn
...............................................
Quê hương xa tít dặm đoài
Ngàn trùng cách biệt vọng hoài cố hương
Bao nhiêu chất chứa tình thương
Trông về quê Mẹ vấn vương nặng sầu...
Cái buồn rầu, cái buồn bã, cái buồn đau lặng lẽ này là đề tài cho thơ T.T.KH. (‘’Hai Sắc Hoa Ty-Gôn’’) : ‘’Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết, Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa...Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, Trời ơi ! Người ấy có buồn không ?’’, đó là mẫu số chung trong thi phẩm Việt Dương Nhân :
Khuya nay lòng ta buồn, thật là buồn !
Nghe chuyện đời mắt lệ chảy trào tuôn !
Tim ruột đau, như dao cắt từng đoạn
Làm hồn ta loạng choạng quay cuồng
(Đã Lỡ Rồi tr.55)
Cái buồn da diết, cái buồn thê thảm, cái buồn ảm đạm, cái buồn âm thầm này, nhà thơ muốn chôn cất trong máu tim :
Mẹ tưởng riêng Mẹ nỗi sầu.
Giữa đời chẳng có ai hơn đâu.
Vậy mà cũng lắm người chung cuộc,
Gói trọn niềm đau chôn kính sâu... ![/center
(Che Dấu Niềm Đau, riêng tặng thứ nữ Thiên-Kim-Agnès Hiver, tr. 50)
Hoặc trong : ‘’Cơn Buồn Chiều Nay’’, cái buồn vô duyên cớ, cái buồn man mác :
Xa xa vọng lại cung đàn,
Bi ai thảm đạm, mắt chan lệ sầu,
Chiều nay chẳng biết về đâu ?
Lòng ta như đám mây nâu phủ trùm.
Hay là rất ai oán sau đây là ‘’Nỗi Buồn Vắng Anh’’ (tr. 84) :
[cente]Em khổ lắm, anh nào hay biết !
Tình của em tự giết đời mình,
Lệ từng đợt, ướm ươm đôi mắt rũ.
Làn thu buồn như sương đọng lung linh.
Trong ‘’Buồn Tàn Thu’’, nhạc sĩ Văn Cao nhắc nhở, với những lời ca êm dịu : ‘’...Còn nhớ năm xưa, kề má say sưa, nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần...’’, nhà thơ của chúng ta cũng than thở, cũng luyến lưu tình cũ khi thấy ‘’Bóng Thu’’ về :
Bây giờ hồn thấy thiết tha
Tình xưa gợi lại ai mà hiểu đây ?!
Thu về xác lá rụng đầy,
Bao nhiêu lá rụng, như xây lầu tình...
Và khi tuyết bắt đầu rơi trên miền Âu giá lạnh, nàng chạnh lòng nhung nhớ :
Chiều Đông đó...ta vẫn còn nhớ mãi
Nên lệ sầu nhiễu chảy dưới đèn đêm
Nỗi nhớ thương nghiến mềm trái tim dại
Biết đến ngày nào tình mới dịu êm ?!
Từ một ‘’Dĩ vãng Đời Mưa Gió’’ :
Hỏi ai dám nhặt ‘’Đời Mưa Gió’’?
Của cánh hoa xưa, bướm ong thừa...!
Đến sự so sánh thân phận tác giả ‘’Cát Bụi’’ với nhân vật chính của Nguyễn Du :
Đời Kiều không nghĩa lý gì !
Còn em biết gọi là chi giữa đời ?
Kiều, mười lăm năm chơi vơi.
Em, bốn mươi sáu năm đời khá lâu
(Trả Lời Với Anh)
Thật hơi quá đáng. Nhưng nếu ta đọc rõ bài thi truyện ‘’Đời Mai’’, ta sẽ nhận thấy cuộc đời Mai - nói một cách tổng quát - tương tự như thân phận Thúy Kiều :
Bơ vơ phận gái thuyền quyên
Xuống lên là chuyện truân chuyên má hường
Thế gian vui khổ bất thường
Chân mai đã dẵm lắm đường khổ vui.
Hoặc :
Cổ kim quen thói đàn ông
Năm thê bảy thiếp khổ lòng đời hoa
Xót xa thân phận quần thoa.
Lòng Mai thương hết loài hoa trên đời...
Để kết thúc một cuộc đời đau khổ gian truân, Việt Dương Nhân cho chúng ta biết (và nàng muốn nhắm người trong truyện) chỉ có một nương tựa cho an lạc tâm thần (dưới bóng Từ Bi) :
Đời Mai mệnh số sẵn dành
Cuối cùng là việc tu hành mà thôi
Bút đề thơ dệt gởi đời
Khổ vui đều nhận tuyệt vời trần gian.
(Hàn-Lâm Lê Mộng Nguyên (Paris) Tác giả ''Trăng Mở Bên Suối")
(Bài đăng "Nguyệt San Nghệ Thuật" số 65 tháng 8-1999)