Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Việt Dương Nhân
NgocDung
#1 Posted : Sunday, January 2, 2005 4:00:00 PM(UTC)
NgocDung

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 232
Points: 0

Việt Dương Nhân

Tên thật Nguyễn Thị Bảy
Sanh 11 tháng 8 năm 1946
Tại Bình Chánh - Gia Định (Việt Nam)
Làm thơ, viết văn có những bút hiệu như : Việt Quốc Hùng, Quốc Hương, Thanh Thiên Tâm, Nguyễn Chánh Nhựt, Song Bình, Hỏa Phong Địa Thủy, T.C.H. Từ năm 1977 đến nay (2004) thơ-văn đăng nhiều báo Hải Ngoại : Tiếng Gọi Phục Quốc, Việt Nam Từ Do Hải Ngoại, Tiếng Dân, Nhân Bản, Y-Giới-Việt-Nam-Tự-Do, Ép Phê, Thông Luận, Á Châu, Đất Nước, Chống Cộng, Luân Lưu, Liên Lục Địa, Ngày Mới (Paris), Bản Tin Quân Nhân... (France), Văn Tiến (Belgique), Nguyệt San Nghệ Thuật, Nguyệt San Việt Nam... (Canada), Trắng Đen, Cỏ Thơm, Sóng Thần, Thế Kỷ 21, Thi Văn, Hồn Quê, Chí Linh, Đại Chúng, Con Ong Việt, Giao Mùa, Về Nguồn, Cánh Én, Thời Báo, Tự Do Dân Bản, Văn Hữu, Thời Luận, Đặc San Biển Đông, Trống Đồng, (U.S.A.). Diễn Đàn Việt Nam - VN-Forum (Đức)... , Hương Xa (Na-Uy)... Góp mặt cùng với 27 nhà thơ Hải Ngoại trong ‘’Tuyển Tập Thơ Mùa Tình Yêu Xuân 2000’’ Cỏ Thơm xuất bản, do Lưu Nguyễn Đạt và Nguyễn Thị-Ngọc-Dung chủ trương tại Virginia - U.S.A. Có thơ trong quyển ‘’Esquisses de l’Âme’’ La Bibliothèque Internationale De Poésie 1999.
Và rất say mê đóng kịch, hát cải lương tại Pháp. Lấy nghệ danh Quốc Hương. Đã xuất bản và trình làng thi tập ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ tại PARIS 1998. Tập truyện ‘’Gió Xoay Chiều’’ Xuất bản Nguyện Việt 2001, ‘’ Đàn Chim Việt’’ Xb Nguyên Việt Paris 2004 .
Sắp ấn bản thi tập II ''Cát Bụi'' thi tập III ''Thoáng Qua'', truyện dài ‘’Mai Ly’’, tập truyện III ‘’Bến Xưa’’.
Tâm niệm : Mong muốn tất cả nhân loại đều yêu thuơng nhau. Lòng luôn luôn cầu nguyện cho một nền Hòa-Bình Thế-Giới.
Việt Dương Nhân - Nguyễn Thị Bảy
6, Rue Pierre Brossolette
94200 IVRY-sur-Seine (France)
Tél : 01.46.71.94.81 (Paris)
Vietduongnhan2@yahoo.fr


NgocDung
#2 Posted : Sunday, January 2, 2005 10:20:59 PM(UTC)
NgocDung

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 232
Points: 0

VIỆT DƯƠNG NHÂN VÀ CÁT BỤI

Nguyễn Hữu Nhật

Sau tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi, Việt Dương Nhân trong những nhà thơ ở Paris, với sức sáng tác sung mãn, lại gửi đến quý bạn thơ thi phẩm, Cát Bụi, đã nói lên được nhân sinh quan của Việt Dương Nhân về thân phận con người trong cuộc đời tạm bợ nầy, Cát Bụi gửi đến lời chúc tốt:

Mong cầu đây đó vui cười.

Đừng cho Cát Bụi... ngậm ngùi ngày mai
.

Việt Dương Nhân coi thơ như vầng trăng, như ánh mặt trời và thơ còn là chiếc thuyền đưa những tâm hồn đau khổ, từ bờ bên nầy, sang qua bờ bên kia hạnh phúc. Thơ đã giải thoát cho chính tác giả khỏi những băn khoăn, phiền muộn một đời ray rức:

Không thắc mắc, không bồi hồi gì nữa.

Mà thấy nhẹ nhàng thanh thản... thôi.


Trong nỗi vui mừng tìm ra ý nghĩa tốt lành của đời sống riêng mình, Việt Dương Nhân hân hoan chia xẻ cùng mọi người:

Xin tặng cho đời... một vườn bông

Xin tặng cho đời... những nụ hồng

Xin tặng cho đời... hương thơm ngát

Xin tặng đời... lời hát êm trong...


Vườn hoa, nụ hồng, hương thơm và tiếng hát là những gì tượng trưng cho hạnh phúc con người mà Việt Dương Nhân, qua tập thơ Cát Bụi, muốn gửi tặng cho đời. Còn chính tác giả:

Cố quên bao chuyện âu sâu

Thả hồn theo gió hòa vào hư không.

Nổi âu sầu không chỉ một đời riêng tác giả mà nó giàn rộng ra, cùng khắp quê hương, nơi mà Việt Dương Nhân vẫn gắn bó:

Ai về quê Mẹ xin cho gởi,

Một khối tình thương rải khắp nơi
.

Khát vọng thanh bình cho một quê hương từng binh lửa lâu dài, nồi da sáo thịt, củi đậu lại nấu đậu chỉ vì thứ học thuyết mang từ bên ngoài vào mà anh em trong nhà tương tàn. Tựa hồ như đồng ruộng quê nhà chỉ hợp với tiếng hò, lời ca vọng cổ, tâm hồn nông dân đất Việt chưa thấm được cái cuồng động của nhạc Rock Tây phương, Tâm hồn Việt Nam là "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn". Thứ học thuyết, giai cấp đấu tranh, gây oán chuốc thù chỉ càng làm cho đất nước suy yếu. Việt Dương Nhân lo lắng:

Một đời tâm trí chẳng an,

Khối sầu mãi đọng ngập tràn trong tim
.

Nhà thơ sinh ra từ những mùa hoa đậu bắp ở Bình Chánh, Gia Định, những ngõ tre mát rượi ngày hè, những đêm trăng sáng ngó các ngọn dừa như đuôi chim công xòe ra trên nền trời đất bạc.

Việt Dương Nhân ra đời sớm, thân lập thân, sức mạnh duy nhất nơi tuổi thơ là tình cảm của một con người không chịu sống lệ thuộc vào người khác, Ba mất sớm. Mẹ có một đời cũng không vui. Người chị dâu khe khắt. Với một tuổi thơ không có tuổi thơ, Việt Dương Nhân rời nhà, xa ruộng đồng và lên tỉnh, Bây giờ nhớ lại lòng còn buồn bã:

Tay nâng ly rượu, rượu cũng hững hờ!

Hớp vô một ngụm, cay bờ môi thâm...


Sài Gòn, trong thơ Việt Dương Nhân, như lãng quên, như nhung nhớ, vì " Sài Gòn là nơi chôn nhao, cắt rún". Còn Paris, "còn Paris, con khôn lớn trên đời”. Gia Định, Sài Gòn và Paris, ba địa danh lớn lao trong đời nhà thơ. Từ một em bé gái mười hai tuổi rời nhà cho tới nay một thiếu phụ trên năm mươi vẫn xa nhà. Nhưng nhờ thấm thấu tinh thần nhà Phật, Việt Dương Nhân hiểu rằng "trong ba ngàn thế giới lớn, nơi đâu chẳng là nhà", nhưng ngôi nhà thời thơ ấu và tình thương Mẹ vẫn thường dậy lên trong lòng tác giả bao mối cảm hoài:

Dĩ vãng buồn!

Gởi lại đất Sài Gòn!

Dĩ vãng sầu!

Cất dấu ở Paris!

Một đời hai dĩ vãng,

Sẽ chôn nơi chốn nào?


Rún phải cắt, nhao có thể chôn, nhưng dĩ vãng dù buồn hay vui, người ta khó có thể chôn được nó, bởi vì nó là một phần của đời sống, hay chính nó kết lại thành đời sống. Việt Dương Nhân từng chôn chặt dĩ vãng ở trong lòng. Nó bật dậy, sống lại mạnh mẽ trong thơ, không ai chôn được dĩ vãng. Người ta biến nó thành một sức mạnh tâm hồn, đẹp như tình mẫu tử:

Căn phòng xưa cũ vẫn còn

Con về cho mẹ đở mòn xác tâm
.

Người chối từ dĩ vãng cũng như một dân tộc chối từ lịch sử của mình? Việt Dương Nhân đi nhiều nơi trên thế giới và dù muốn hay không, tác giả của tập thơ Cát Bụi cũng là dân sống ở Paris lâu năm, những xa hoa cũng từng trải, nhà thơ vẫn tâm sự chân tình về một dĩ vãng nhiều thua thiệt, đau buồn của mình. Không một lời trách cứ. Bởi Việt Dương Nhân coi mỗi đời người như một cánh lá. Từ khi xuân xanh tới lúc thu vàng:

Nhìn qua song cửa buổi chiều nay

Thấy bao chiếc lá hững hờ bay

Trên cành rơi xuống, dường kinh hãi

Như sợ chân người dẫm nát... thay!


Khoảnh khắc thấy được cái ngắn ngủi của đời sống, nhà thơ hiểu ra lẽ đạo, mọi vui buồn trong đời không lớn lao như người ta tưởng, và dù cho có lớn lao đến đâu, những vui buồn ấy cũng nằm trong cái mỏng manh, qua đi rất nhanh:

Nhìn bầu trời xanh xanh.

Tiếng chim hót trên cành.

Mùa xuân đi qua nhanh.

Kiếp người sao mỏng manh!


Chỉ có thơ, thơ chôn đi được nỗi buồn và làm sống lại niềm vui, ngay trong lúc sáng tác, Việt Dương Nhân trở thành một người cầm bút không phải vì muốn đua chen chữ nghĩa với đời, mà vì chính trong lòng có bao nhiêu điều nếu không viết ra thì khổ lắm. Trước hết là nuối tiếc một thời đã qua:

Đêm khuya im vắng buồn tanh,

Mượn cây bút nhỏ dệt thành bài thơ.

Thẩn thờ hồn mộng, tâm mơ,

Phải chi trở lại tuổi thơ thuở nào..
.

Một tuổi thơ không quần áo đẹp, không đồ chơi, không đủ ăn và hơn thế nữa, không được vỗ về, an ủi. Tự kiếm sống bằng hai bàn tay trắng. Nụ hoa vươn lên. Rồi nở. Nở không vì mình mong muốn. Mối tình đầu đời lỡ dở với dư vị đắng cay:

Tội thân hoa

Không dám nói một lời

Phải chấp nhận

Vì đời cần sự sống
.

Ước mơ của người con gái, thuở Việt Dương Nhân mái tóc chớm xanh, trong thanh bạch không mong giàu có, trong thất thế không trông địa vị, chỉ một lòng thao thức được trở thành:

Chẳng phải, vì một chút lợi danh.

Nó mơ, từ độ tóc còn xanh.

Mơ thành thi sĩ, hay văn sĩ,

Mà sự học hành, quá mỏng manh!


Bỏ học, đi làm, rồi vừa đi làm vừa đi học, trong hoàn cảnh nào cũng khó khăn. Cái khó khăn trước hết của một người có nhan sắc bị lưới đời vây bủa, cùng với trách nhiệm tự ràng buộc gánh vác, chia xẻ cùng những người thân yêu cơ cực, tất cả như một hàng rào ngáng đường tiến thân cho một thiếu nữ con nhà nghèo. Chúng ta trân trọng một tấm lòng thành thật:

Đời Kiều không nghĩa lý gì!

Còn em biết gọi là chi giữa đời?

Kiều, mười lăm năm chơi vơi.

Em, bốn mươi sáu năm đời khá lâu.


Người nào không yêu quý mẹ mình thật là một bất hạnh lớn lao. Do tình cảnh ngoài ý muốn, những năm nhà thơ bé bỏng, bà mẹ không được ở gần để che chở, chăm sóc khiến nhà thơ phải sống nay đây, mai đó vất vả vô cùng. Vậy mà Việt Dương Nhân vẫn một lòng yêu quý mẹ, biết ơn sinh thành của mẹ. Năm tháng làm mòn mỏi thể xác nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn phơi phới, nồng ấm tình người muôn thuở:

Thân con như đã rã rời,

Mà lòng vẫn giữa như thời xuân xanh.


Thời của xuân xanh, thời của tình yêu mới lớn, thời của giọt sương cũng ra châu ngọc, thời của cánh cò trắng vút bay trên hàng dừa nước, những cánh đồng lúa vàng Bình Chánh từ ngã ba Phước Cơ về Hưng Long, những địa danh nổi tiếng thời chiến như Bà tà, Tân Nhựt, tân Kiên... Nơi mà:

Bao nhiêu chất chứa tình thương,

Thương về quê Mẹ vấn vương vạn sầu
...

Phần đông người ta muốn thời gian đi chậm, đồng nghĩ với sự kéo dài đời sống, tại sao Việt Dương Nhân lại mong ước:

Ta muốn gào lên cho vỡ đất trời

Cho tan nát hết cõi đời nầy đây

Thời gian hỡi! sao cứ hững hờ bay

Hãy nhanh đi chớ, cho đời qua mau
.

Câu trả lời thật giản dị, thời gian không phải là "đơn vị sống" ở kiếp nầy, bởi tình yêu theo Việt Dương Nhân, không tính bằng năm, bằng tháng, mà được tính bằng những kiếp người:

Xin hẹn kiếp sau ta sẽ nói,

Kiếp nầy đành gói trọn riêng thôi...
!

Mười năm nhớ lại một người, của mùa thu cũ, nỗi nhớ khôn nguôi. Không nói ra được thì phải viết. Tình yêu là mâu thuẫn? Ngày mong qua mau. Nhưng đêm thì muốn chậm lại:

Đêm nay nhớ lại một người,

Của mùa thu cũ hơn mười năm qua
.

Bởi vì đêm có những giấc mộng, trong giấc mộng người thường gặp người, khi mộng tàn canh, người tỉnh dậy cô đơn:

Chợt tỉnh rồi, ôm thương nhớ bơ vơ

Lòng nuối tiếc, muốn đêm dài muôn thuở
!

Thơ Việt Dương Nhân, có nhiều chỗ như văn nói mộc mạc, thiếu chải chuốt, nhưng cũng nhờ thế mà tiếng lòng của nhà thơ có được ngôn ngữ riêng biệt, không bị ảnh hưởng tiếng nói của bất kỳ nhà thơ nào. Nó là tiếng kêu tụ nơi tâm hồn tác giả:

Nhờ gió làm ơn gặp một người

Nói rằng: ta đợi mỏi mòn hơi

Hãy về cho kịp, không ta chết

Xin giúp dùm ta nhé gió ơi!


Tình yêu, trong đời một người đàn bà, dù thuở xuân hay buổi tàn thu, bao giờ cũng là một ám ảnh khôn nguôi, người đàn bà có thể chịu sống thiếu thốn mọi thứ, chỉ trừ tình cảm:

Hồn ta như đã lâng lâng

Bỏ chăn gối lạnh một lần nữa đây!


Nhưng một người đàn bà biết suy nghĩ, như Việt Dương Nhân, hai lần khổ hơn so với những phụ nữ khác không bận lòng vì tình yêu quê hương. Quê hương làm động tâm nhà thơ không chỉ hình ảnh bà mẹ già ở quê nhà chờ mong con cháu về xum họp. Quê hương không chỉ là những trẻ thơ tan tác trong chiến tranh và trôi dạt thời hậu chiến. Nó còn là tiếng ca ai oán của làn hơi "vọng cổ hoài lang" của ông sáu Lầu. Nhớ chồng khi nghe tiếng trống. Tiếng trống đêm thời Pháp thuộc đưa những người yêu nước đi đày. Nhà thơ cho biết ông nội của mình là "thực dân" và người cha lại đi “kháng chiến” chống Pháp. Nghịch cảnh gia đình đó không làm giảm lòng gắn bó của Việt Dương Nhân với quê mẹ Việt Nam. Nhà thơ cảm ơn Paris, đất dung thân, nhưng biết ơn Sài Gòn và tạ ơn quê nhà Gia Định. Nhớ mãi từ bát canh chua cá Ngác, tới miếng dừa nước trong veo. Mùi rơm rạ sau mùa gặt. Đặc biệt là vọng cổ, một loại hình nghệ thuật dân gian, giọng sầu thảm, nhưng hơn bất kỳ thứ dân ca nào trên thế giới, bởi sau khi cất lên được tiếng than người ta thấy nhẹ lòng. Vọng cổ, bản chất là thơ, có thể dựng thành ca kịch với nhiều thể điệu khác nhau. Nhị hồ, tức đàn cò, một thứ vĩ cầm Đông phương dìu dặt. Phải là người miền Nam mới thấm thấu được cái hay của vọng cổ. Nó đặc biệt như cây đàn guitar phím trũng, chứa đầy những thanh âm:

Trưởng huynh ơi! Đời em là một cánh chim đơn, với cuộc sống thăng trầm gặp bao cơn giông tố, giờ đây em xin bỏ đời cát bụi, cặm cuội ngồi nhà mà cầu nguyện thế gian, và cầu cho Quốc Thái Dân An, mong đất Mẹ Việt Nam có một vầng trăng sáng, rồi đây với những tháng ngày Nắng-Mới, đàn chim Việt sẽ vỗ cánh bay về.

Vọng cổ, dưới ngòi bút Việt Dương Nhân, không hề ai oán. Thú vị vô cùng khi chúng ta hình dung, trên bờ sông Seine có một người phụ nữ phương Đông bề ngoài Tây hóa, mà trong lòng lại rất Việt Nam, vẫn âm thầm soạn các bài vọng cổ:

Lấy lửa công minh mà đốt quyền độc trị, cho nước Việt mình có Dân chủ Tự do, và nhà nhà được cơm no áo ấm, hưởng mọi quyền người như tất cả nhân sinh, hơn hai mươi ba năm chiến chinh đà nguội lạnh, mà sao còn nghi ngút lửa thù căm...

Việt Dương Nhân với tư cách nhà thơ hay soạn giả các bài ca vọng cổ, trước sau vẫn chỉ là người đa cảm, biết thương yêu và chia xẻ cùng thân thích, bạn bè, thương nhớ quê nhà và lòng cháy bỏng một niềm mơ ước chung cho cả dân tộc mình.

Hãy làm sao cho sáng ngời nước Việt, cho dân tộc mình một cuộc sống bình yên.

Nhưng ở đây, trong bài viết nhỏ nhoi nầy, tôi chỉ muốn nói tới một Việt Dương Nhân nhà thơ. Nhà thơ của Sài Gòn ba trăm tuổi 1668-1998, nơi mà nước mắt và tiếng cười của nhà thơ từng đổ ra, bật lên với bao kỷ niệm:

Yêu em từ thuở vào đời,

Khi cành hoa búp lả lơi gió chiều.

Áo dài tha thướt dập dìu,

Màu hoa cà tím mỹ miều nhởn nhơ
.

Em là Gài Gòn, em là kỷ niệm, em là ngày sáng nắng bừng lên ở phía chân trời quê mẹ. Còn ta, Việt Dương Nhân, thường đêm thao thức nơi quê người, ngồi viết một mình, một bóng:

Ta còn ngồi viết mấy dòng,

Cho vơi đi bới nỗi lòng nầy đây!


Bạn đọc yêu thơ Việt Dương Nhân, qua Bốn Phương Chìm Nổi, còn tìm gặp được một tâm hồn sau bao đau thương vẫn:

Bây giờ còn mộng với mơ,

Dệt lên được mấy vầng thơ cuối đời
.

Nhưng tới Cát Bụi, chúng ta chỉ thấy một Việt Dương Nhân thanh thản, không buồn vui, không mơ mộng, thoát ra khỏi được ảo ảnh “chấp ngãõ, vươn tới một không gian rộng lớn:

Cố gắng vượt qua lượn sóng đời,

Vượt luôn giông bão giữa trùng khơi

Thân còn hiện hữu trong trời đất,

Bốn bể lanh quanh thế mà thôi... !


Nếu không tự giải thoát được, theo Việt Dương Nhân, ngôi nhà cũng như cuộc đời, khi cuộc vui tàn, tiếng đàn, giọng hát lắng ngưng, những người khách xa dần rồi khuất hẳn, chỉ còn trơ lại chủ nhà với nỗi buồn nhiều hơn trước khi có cuộc vui:

Đêm nay nhà thật là vui,

Đàn ca ngân hát, ôi thôi tưng bừng.

Cuộc vui nào, khỏi tàn ngưng?

Mình ta còn lại, bỗng dưng thấy buồn
.

Không chỉ cuộc tình, mà toàn bộ cuộc sống, tự thân nó đã là Cát Bụi. Anh và em, ở đây, như bản thể và tha nhân, mình và người, giữa nhà thơ và sự mơ mộng chỉ còn lại sự nhớ thương:

Tỉnh rồi, anh biến đi dâu?

Để em ở lại ôm sầu nhớ thương.


Nguyễn Hữu Nhật



Nguồn : Đại Chúng

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Việt Dương Nhân
#3 Posted : Monday, January 3, 2005 12:48:59 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Ngọc Dung hay quá, chị định khiêng mấy bài này qua PNV - ai dè ND đưa lên giới thiệu ''sầuriêng'' rồi. Báo Đại Chúng đăng sạch hết tất cả thơ - văn của chị - Sóng Thần của anh Phạm Bá Vinh cũng vậy - Cỏ Thơm nữa - ôi, nhiều thiệt nhiều tiểu bang bên Mỹ đăng bài của chị. Cuối đời chị, ông Trời ban thưởng niềm vui là văn - thơ đó ND à !
Hôm nay Paris có nắng vàng, mà chị cứ ôm ''NET'' trả lời tùm lùm đây. Thui, ''sầuriêng'' đi chợ chút - hẹn ''măng cục'' tối nha !KissesRose
NgocDung
#4 Posted : Monday, January 3, 2005 8:47:43 PM(UTC)
NgocDung

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 232
Points: 0

Nhân dịp ''Lễ Tình Yêu'' sắp đến (14-02-2005)

VDN chân thành mến chúc tất cả Người Người

đều hưởng một tình yêu lâu bền_nhẹ êm


(La Nuit Saint-Valentin)



Đêm Lễ Tình Yêu phủ tuyết sương

Quân Tử lang thang giữa đêm trường

Bỗng dưng dừng bước nhìn hoa dại

Tim lòng vương vấn chuyện yêu đương.

Với tay nhặt lấy cành hoa ấy

Ấp ủ tình nồng tỏa ngát hương

Bao năm bôi xóa đời gió bụi

Tan biến đoạn trường, dứt đau thương.


(1 chuyện tình 22 năm vào ngày 14-02-2005)

Việt Dương Nhân

NgocDung
#5 Posted : Monday, January 3, 2005 8:55:46 PM(UTC)
NgocDung

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 232
Points: 0

Thi Truyện ''đời Mai''

Việt Dương Nhân




Bên song ngắm cảnh trời mây

Nhìn bao lá rụng lòng cay đắng lòng.

Thương Mai số kiếp long đong

Vì sao dẳm mãi gai chông đoạn trường.



Một đời trải lắm gió sương

Lênh đênh bốn biển, mười phương nổi chìm

Lạc loài như một cánh chim,

Bay trong đêm vắng, lặng im giữa trời.



Nhớ về một thuở xa xôi

Chăn êm, nệm ấm tuyệt vời như mơ.

Vừa lên sáu tuổi, bơ vơ

Mất cha, xa mẹ tuổi thơ đâu còn.



Đói cơm, áo rách, thân mòn

Khác chi những đứa trẻ con ăn mày

Tủi thân, buồn khổ đêm ngày

Khóc trong thầm lặng, buồn ngoài sân khuya.



Cao xanh tạo cảnh xa lìa

Mẹ đi bước nữa, ai chia cắt lòng

Thân Mai đày đọa chất chồng

Nương nhờ cô, chú chẳng lòng xót thương



Trôi đến dì, cậu tha phương

Lời cay, tiếng đắng, sớm sương, nắng chiều

Bé thơ làm việc quá nhiều

Gánh gồng nặng nhọc, trăm đìều xót xa



Roi đòn, ngắt nhéo chẳng tha

Mắng nhiếc, đánh đập, rầy la tối ngày

Ngàn lời nặng nhẹ đắng cay

Nửa đêm ly thoát, vọng hoài quới nhân.



Tuổi thơ nào biết đo phân

Màn trời, chiếu đất, tựa thân Miểu, Đinh.

Tâm hồn đau khổ vạn nghìn

Cầu mong gặp được người hiền nhờ nương



Vì đâu lắm cảnh tang thương

Xác gầy, thân ốm gió sương dập nhồi

Trên cao vẫn có ông trời

Gởi người nhân đức, đổi đời bé Mai



Vừa qua giáp tuổi mười hai

Đời Mai được đổi, được thay tình người

Từ đó, Mai có nụ cười

Sống trong êm ấm tình người vị tha



Thương yêu dạy dỗ đậm đà

Tình như biển rộng bao la ngút ngàn

Tủi buồn sầu khổ dần tan

Hết rồi đoản khúc bạc phần bé Mai



Thời gian trôi chảy như bay

Bao năm cuộc sống nhiều may, ít buồn

Nước trong suối chảy từ nguồn

Tròn trăng tuổi mộng, má hồng mắt xanh



Tâm hồn như thể yến-oanh

Xuân đào hé nụ đầy cành xinh xinh

Bỗng đâu gặp cảnh trái tình

Anh nuôi say đắm, ngắm nhìn em nuôi.



Thôi rồi trời sụp tối thui

Yến-oanh im lặng, ngậm ngùi thở than !

Đời Mai định số sẵn dành

Lạc loài bạc mệnh như cành hoa khô



Tâm hồn khờ dại ngây ngô

Về đâu rừng thẳm bơ vơ một mình ?

Mẹ ơi ! Mẹ hỡi ! Thâm tình !

Xa mười năm lẻ ; tử, sinh thế nào ?



Gặp mẹ cùng sống chung nhau

Bán buôn tần tảo đổi trao qua ngày

Bao nhiêu vốn liếng không xài

Gom góp tặng mẹ, mua chòi mái tranh



Che mưa núp nắng qua canh

Ra tay giúp mẹ đời thanh đạm rồi

Tưởng đâu êm ả một đời

Mẹ, con không hạp, nhiều lời chẳng hay !



Biết bao là sự đắng cay

Đi trong đêm vắng, ai hay cho nào !

*

Thời gian trôi chảy khá lâu

Nghe tin mẹ bệnh lo âu trở về.

Cảnh nghèo khổ, Mai không hề

Về chăm sóc mẹ, trọn bề thảo con.

*

Tuổi vừa mười sáu trăng tròn

Tình yêu đã thắm dấu son hẹn thề

Thuở xưa chung xóm cận kề

Sách đèn chung học, chẳng hề ngại nghi.



Nay thấy Mai nghèo khinh khi,

Anh đi mất dạng, chẳng chi một lời

Bây giờ Mai mới thấy đời

Giấc mơ anh mộng lấy người giàu sang.



Ngờ đâu Mai sống lang bang

Mái tranh vách lá, cửa ngang chẳng gài

Thẩn thờ nhớ lại lời ai

Hôm nào người đã xin nài tình Mai.



Giờ đây cuộc sống đổi thay

Tình yêu bị phụ bởi Mai nghèo nàn

Một bài học, quá phũ phàng

Tim tan, óc nát, trăm ngàn nghĩ suy



Tín qua, tín lại, tín đi :

Làm sao có bạc, người khi không còn

Hận tình vì bởi không tiền

Chát chua đau khổ triền miên đeo hoài



Mắt nhìn ; sau, trước, trong, ngoài,

Lủ ong, đàn bướm là loài mê hoa

Soi gương ngắm bóng cười xà :

Sắc này đâu kém những hoa trong vườn.



Nghĩ mình như đóa hoa rừng

Hương thơm chỉ có chút chừng mà thôi

Biển đời gió cuốn hoa trôi,

Nhặt lên buôn bán nấng nuôi thân gầy !



Trải qua bao tháng năm dài

Muốn yên mà chẳng được ngày nào đâu

Thân bọt bèo, lắm bể dâu

Bước đi tìm việc, từ lâu mong cầu



Ở đợ, làm mướn mặc dầu !

Bởi thân dốt nát, con hầu cũng xong

Ngày qua ngày, Mai đợi mong

Một hôm gõ cửa, nhà trong còn đèn



Gặp ngay một mụ ỏn èn

Nhận Mai làm việc, Mai bèn sợ lo :

‘’Việc này trời đã trao cho

Như được may mắn, lắng lo làm gì



Đói nghèo mặt nám môi chì

Bây giờ có việc làm gì phải lo

Phó giao định mệnh đặt cho,

Nếu không, sẽ đói nằm co ngoài đường’’.



Rủi, may ai biết đâu lường ?

Cuối đầu nhận việc, lảnh lương qua ngày

Rừng đời biết phải nhờ ai ?

Chỉ mong được ở nơi này bình yên.

*

Một chiều, Mai nghe tiếng chuông

Bèn ra mở cửa gặp khuôn mặt mừng :

‘’Chào cô ! Cô đẹp quá chừng !

Tôi nghe bà chủ vẫn từng khen cô



Cô tên Mai, phải không cô ?’’

Rằng :‘’dạ, xin mời ông vô trong nhà’’

‘’Cô Mai đây, mới thiệt là...

Rằng :‘’Dạ, tôi giúp việc nhà này đây



Xin ông vô, không bà rầy

Vì tôi, ở trong nhà này bấy lâu’’

‘’Cô đừng sợ, không sao đâu

Tên cô tôi đã nghe lâu lắm rồi’’



‘’Dạ, dạ xin mời ông ngồi

Bà chủ sẽ xuống tiếp lời cùng ông

Đừng để bà chủ đợi trông

Nếu không tôi khó tránh vòng rầy la’’.



''Có phải đúng cô thật là...

Cháu yêu bà chủ, đóa hoa nuột nà’’

Mai tự hỏi :‘’Sao vậy cà ?

Chắc là họa sắp xẩy ra nữa rồi !’’



Lòng Mai lo lắng bồi hồi

Bão giông sao mãi phủ đời của Mai

‘’Vái trời đừng có đổi thay

Họa đến, thì chẳng còn ai giúp mình !’’



*



Thương thay hoa dại cấm bình !

Nụ xuân vừa hé mặc tình bướm ong

Đêm ngày tủi hổ chất chồng

Làm sao thoát khỏi cái vòng đắng cay?



Nghĩ về mẹ, thật thương thay !

Cảnh nghèo, tình phụ, tim xoay nát lòng

Hiếu, tình đôi nẻo tương song,

Mai không lo sợ phập phồng nữa đâu.



Mặc cho dời đổi bể dâu

Trên bờ vực thẳm cạn sâu ai ngờ

Đêm đêm son phấn đợi chờ

Bướm lơi, ong lã lững lờ vờn hoa.



Tuổi xuân hương sắc đậm đà,

Đổi đời, còn biết đâu là thấp cao

Bây giờ phải liệu làm sao :

Tiền rừng, bạc biển, bướm trao, ong chuyền.



Mai giờ nghĩ đến trước tiên :

Ngọc ngà, châu báu ? Có tiền mới yên.

Mai làm ong ngả, bướm nghiêng,

Tròn chữ hiếu, trả thù riêng mới vừa.



Mặc cho lá cợt, gió đùa,

Thân tằm còn tiếc chi mùa ươm tơ.

Bướm già, bướm trẻ ước mơ,

Tiền trao, bạc tặng, tình thơ xin cầm !



Canh khuya suy nghĩ, nhủ thầm :

Phải chăng Mai đã bước lầm lối đi ?

Tự an ủi :‘’Khóc làm chi !

Còn hơn nghèo đói, người khi giữa đời.’’



Mai nào nhan sắc tuyệt vời,

Hoa vườn, hoa dại, cũng thời ấy thôi

Sẽ cùng héo úa tàn trôi,

Hoa nào vĩnh cữu xinh tươi suốt đời !



Nhiều kẻ vênh mặt chê cười :

‘’Nghề này mà lại đem lời nhủ khuyên

Dẫu Thúy Kiều, hay Đạm Tiên,

Gót son cũng lắm truân chuyên lỡ làng’’.



Biết bao nhiêu cảnh phũ phàng

Đau lòng trong cảnh cửa hàng bán hoa.

Đời còn lắm kẻ thiết tha...

Bao người muốn đón về nhà, cưới xin.



Dùng của cải, để mua tình,

Tình đâu mà bán ? Lấy tiền ra mua !

Thói đời lắm chát, nhiều chua

So đo tài sắc, Mai thua Thúy Kiều.



Nhưng đời Mai khổ hơn nhiều,

Trăm lần bạc mệnh, ngàn điều khổ đau.

Lạc loài thân phận lao đao,

Đêm đen chẳng ánh trăng sao soi đường.



Đời hoa nhạt sắc, tàn hương,

Trăng soi nước đục, ánh thường Pha-lê.

Lòng riêng, riêng những chán chê,

Đường ong, nẻo bướm, lối về hoa rơi.



*



Bao năm thay đổi cuộc đời,

Xiêm-y lộng lẫy, miệng cười, lệ rưng.

Tâm hồn Mai lại bâng khuâng,

Lỡ leo lưng cọp, muốn ngưng được nào !



Xem như Mai đã phóng lau,

Phải theo chớ biết làm sao bây giờ !

Biết đâu, đời sẽ tình cờ !

Gặp người duyên nợ, Mai chờ dịp may.



Lòng mừng, tín chuyện hay hay,

Vào đêm trăng tõ gặp ngay một chàng.

Tuổi tác ngang ngang với nàng,

Tình trao hương lửa, đá vàng khó phai.



Thương thay số phận đời Mai !

Có duyên, chẳng nợ, chia tay, rã rời.

Bạc tiền đang lúc gặp thời,

Bạc tình tới độ... cuộc đời còn chi ?



Chửa hoang nhiều tiếng thị phi,

Độc dược hủy mạng, ra đi cho rồi.

Nhưng số phải sống trả đời,

Có người cứu kịp, ngỏ lời yêu thương.



Đón về bằng cả tình thương,

Keo sơn duyên kết, lửa hương thắm nồng.

Còn trời đất, còn bão giông

Lìa quê, cất bước theo chồng hồi hương.



Quê người xứ lạ Tây phương,

Paris, mùa lạnh, tuyết sương phủ mờ

Dầu thân lưu lạc bơ vơ,

Tình người sưởi ấm, tình thơ lâu dài



Thương dân mình, chịu đắng cay

Tim đau, ruột thắt, ra tay giúp Người

Làm sao an phận vui cười !

Nỡ nào nhắm mắt sống đời bình yên !



Bung gia phụ giúp Nhân Thuyền

Tự nguyện hành khất, xin tiền đó đây

Lòng Mai vơi nỗi lưu đày

Bạn bè lớp lớp đêm ngày vào ra.



Tánh Mai ngay thẳng thật thà

Đâu ngờ chước quỉ, mưu ma rập rình

Manh tâm phá nát gia đình

Cha con, chồng vợ, lênh đênh đôi bờ.



Mai đành thua một ván cờ

Tan nhà, nát cửa, mắt mờ, miệng câm.

Gởi lòng vào Phật Quán Âm,

Lăm răm Lục Tự, thăng trầm như như...



(5 năm sau)



Mai vừa trang điểm dung nhan

Soi gương ngắm lại lòng than với lòng!

Sắc hương như cánh hoa đồng

Nắng mưa bão táp chất chồng gió sương.



Thân bèo trôi dạt mười phương

Cuộc đời chìm nổi vấn vương khổ sầu.

Bừng lên kỷ niệm trong đầu

Nhớ về một thuở ở lầu cao sang.



Một lần chìm dấu đò ngang,

Đắm thuyền lúc sóng biển đang bão bùng.

Trí tâm lo lắng khôn cùng.

Người đời lại ngỡ Mai khùng, Mai điên.



Bơ vơ phận gái thuyền quyên,

Xuống lên là chuyện truân chuyên má hường.

Thế gian vui, khổ bất thường,

Chân Mai đã dẫm lắm đường khổ vui.



Có khi gặp cảnh tối thui,

Có lần sáng chói gượng vui bùi ngùi.

Mai như trái đã chính muồi

Rụng rơi xuống đất, cố trồi mầm xanh.



*



Một đêm qua rừng vắng tanh

Có người để ý, quẩn quanh ngắm nhìn.

Quen lâu nhờ đặt niềm tin

Bao nhiêu hy vọng giữ gìn bấy nhiêu.



Tưởng đâu thật dạ tin yêu

Ngờ đâu ý ác, tâm điêu ai ngờ

Bỏ Mai ngày đợi đêm chờ

Tình yêu phai lạt hững hờ ái ân.



Tâm Mai luôn mãi phân vân,

Vì lòng nghĩa cả, tình thân vẫn còn.

Thôi rồi đờn đứt dây đờn,

Nhạc không trổi nhạc tủi hờn xót xa.



Thương hai con dại vắng cha.

Vì ai nông nỗi gây ra cảnh này ?

Đêm đêm thức trắng canh dài

Nhìn hai đứa trẻ hằng ngày đợi cha.



Thương con tự ái bỏ qua

Cúi đầu năn nỉ xin tha lỗi lầm.

Nửa khuya Mai khóc âm thầm

Lệ rơi tuôn chảy như dòng suối con.



Bấy giờ sóng lớn thuyền con

Giữa dòng biển rộng nước non ngàn trùng.

Lại thêm một trận bão bùng

Làm Mai thơ thẩn như khùng như điên.



Tâm phàm bừng dậy thù riêng

Muốn giết kẻ phản cho yên lòng phàm.

Nếu tay Mai đã nhúng chàm

Uổng công mình vẫn luôn làm nghĩa nhân.



Trong lòng bấn loạn, phân vân

May nhờ những tấm lòng nhân giúp vào

Khuyên Mai đừng nghĩ tầm phào :

Thà ''đời mưa gió'' thế nào, vẫn hơn.



Trên còn Mẹ, dưới hai con.

Một vai nặng gánh nước non, biển trời.

Lòng Mai muốn thoát cảnh đời.

Thương con còn dại, Mẹ thời cô đơn.



Trở về rừng cũ còn hơn,

Biết đâu lạc khách, bon chân bước vào ?

Huyết hồng ngược chảy miệng trào.

Thương con, thương Mẹ nát nhầu ruột gan.



*



Một chàng Quân tử lang thang

Vào rừng dạo mát cho an nỗi lòng.

Thấy Mai đau khổ chất chồng

Đôi bên tâm sự bưỡi bồng đổi trao.



Lòng Mai cảm thấy nao nao :

Có thê chờ đợi, cớ sao chàng buồn ?

Xin ai hãy tỏ ngọn nguồn.

Rằng : ‘’Tuy có vợ, nhưng thường cô đơn!



Vợ nhà tình nghĩa keo sơn.

Nhưng nàng lớn tuổi có cơn điên cuồng.

Bao năm vắng lạnh trống buồng.

Tim này khô héo tìm nguồn ủi an’’.



Đời Mai đang vỡ nát tan,

Cảnh chàng những thở với than cùng trời.

Tiền tài chẳng kém chi người

Nhà cao, cửa rộng, sao đời kém vui ?



Tài danh, thân lại thủi thui.

Mai bèn an ủi trao vui cùng chàng.

Xem như hoa bướm giữa đàng,

Người ca hát, kẻ đệm đàn có sao !



Qua tuần trăng, chàng ước ao :

Trái tim dào dạt muốn trao tặng nàng.

Tình yêu, bạc vạn, vàng ngàn,

Muốn Mai làm vợ, chia tan cảnh nhà.



Vốn ghét cái kẻ thứ ba,

Phá tình chồng vợ, chia xa chắng màng.

Mai cho bài học phũ phàng,

Khỏi đau lòng vợ anh chàng mộng mơ.



(ba tháng sau)



Cạnh ven rừng vắng hôm xưa.

Chàng ngồi ủ rũ nước mưa đẫm đầy.

Mắt buồn thân xác hao gầy.

Hỏi Mai: ‘’Em động lòng này không em’’?



Giựt mình bước lại gần xem !

Thấy người tiều tụy hom hem nét buồn.

Mai rằng :‘’Đừng đợi mỏi mòn,

Vợ nhà con dại anh tròn phận chưa ?’’



Người phụ bạc, Mai không ưa :

Đắm say hoa lạ, gạt lừa vợ con.

Mai từng gặp cảnh héo hon,

Chồng rẫy vợ, cha bỏ con, não lòng...



Cổ kim quen thói đàn ông

Năm thê bảy thiếp, vào tròng khó ra.

Xót xa thân phận quần thoa

Lòng Mai thương hết loài hoa trên đời.



Hoa vườn, hoa dại đọa đày !

Má hồng phận bạc, vướng hoài khổ đau.

Bướm ong ham muốn đổi trao,

Ngắm hoa vườn lạ tranh nhau giựt dành.



Mai là hoa dại rừng xanh

Có chi để dạ thâu canh buồn đời.

Trải qua mưa gió, rã rời,

Cành tan tác lá, hoa rơi rụng mùa ?’’



Nghe lòng những chát, cùng chua !

Một đời hoa, chịu thiệt thua lắm lần :

‘’Người đừng dành chỗ bất nhân.

Cho Mai thay thế mất phần người kia !



Hoa tàn, dầm dãi nắng mưa,

Bận lòng chi để đón, đưa mỗi ngày.

Hãy về vun xới vườn cây,

Hết tình ? Còn nghĩa ! Chốn này hiểm nguy.



Chớ làm một kẻ tình si.

Cho Mai mỗi bước chân đi nhẹ nhàng.’’

Mắt người rơi lệ đôi hàng,

Nấc lên những tiếng thở than não nùng.



Làm Mai đầu óc lung tung,

Nàng đang suy nghĩ phải dùng lời chi ?

Lệ người ướm đọng bờ mi,

Mai bảo :‘’Thôi hãy về đi ! Chúc người...’’



Mai đem hơn, thiệt ngỏ lời :

‘’Tiếc chi một cánh hoa thời... tã tơi’’

Người reo : ‘’Quý quá Mai ơi !

Giúp anh bài học, sáng khơi tâm bừng.



Giờ đây anh thấy vui mừng,

Giữa đời có cánh Mai rừng ngát thơm.

Bóng hình em, anh ấp ôm

In vào lòng dạ, sớm hôm sẽ thường....



Ngày nay anh đã trót vương,

Nguyện thề không phụ thương luôn vợ nhà.

Em, người tình nhỏ mặn mà,

Nhắc anh bổn phận tề gia từ rày...’’



Mai nhìn cánh lá bay bay,

Tâm tư suy tính ra ngay vài điều.

Thưa rằng: ‘’Hoa đã về chiều,

Xin nghe em nói những điều em mong :



Bằng lòng cam phận đợi trông,

Làm người tình nhỏ lòng không ghen người’’.

Mặt chàng tươi tắn miệng cười,

Thề yêu trọn kiếp, hai người đều nhau.



Mai cười : ‘’ Anh ráng làm sao,

Thuốc thang cho ‘’chị’’ cơn đau mất dần.

Điên cuồng cũng bởi tâm thần,

Muốn yên : anh nhớ ở gần hỏi han...



Dần dần lòng chị hết than :

‘’Nhà tôi chăm sóc, tôi an tâm rồi !’’

Mai tự hỏi, lòng bồi hồi,

Nghĩ:‘’Mình có giựt chồng người hay không?’’



Lòng Mai thật sự ước mong :

Sao cho hạnh phúc thong dong phần người.

Ngày qua tháng lại năm trôi,

Bốn mùa thu, bốn phương trời gió bay.



Lyon, đêm tuyết phủ đầy

Chàng đùa, hay thật bảo Mai tìm chồng.

Mai nghe tim nhói trong lòng :

‘’Yên tâm em sẽ lấy chồng ngày mai



Chồng em chưa biết là ai ?

Thời gian tới, cũng chẳng dài lắm đâu !’’

Óc tim lộn xộn xí ngầu,

Nghi người đổi dạ thay màu tin yêu.



Bao năm nồng ấm đã nhiều,

Tình phai, lạnh ánh nắng chiều hoàng hôn.

Đời Mai luôn gặp tủi hờn,

Bướm ong chỉ đến cợt vờn mà thôi.



Đã qua mấy bận khổ rồi,

Chất chồng giông gió dập nhồi đớn đau.

Trời ơi ! Xin hỏi trời cao !

Muốn yên vui sống mà bao phen sầu !



Nghĩ hoài nát óc, nhức đầu.

Bị chạm tự ái : đêm rầu, ngày than.

Dẫu lời buông nhẹ tiếng vang,

Cũng làm rạn vỡ chén vàng yêu thương.



Lòng Mai, có ý xem thường :

‘’Lại lời tráo trở những phường bướm ong ?’’

Vẫn niềm hy vọng trong lòng :

‘’Dù giữa sa mạc sao không có vàng ?’’



Mò kim đáy biển đâu màn,

Một người tử tế, đổi ngàn bất nhân ?

Lòng người, ai biết đo phân ?

Lời ngon, tiếng ngọt : ái ân khi còn.



Mai buồn tâm xác hao mòn,

Bóng hình người cũ tuy còn đâu đây.

Hỏi ai chung thủy đời nay ?

Giữa rừng Mai gặp được ngay ông già !



Tuổi bảy mươi, tình đậm đà,

Ngở là tìm được ngọc ngà quý thay.

Mai nào biết, Mai nào hay !

Ngờ đâu ổ rắn ở ngay trong nhà.



Con ông, chống đối, nói là :

‘’Cô Mai, chẳng yêu cha già mình đâu’’

Lời Phật dạy đã từ lâu :

Trả vay, vay trả nát nhầu trần ai !



Người xưa chưa phụ tình Mai,

Mà Mai tự ái chuốc cay vào mình.

Tim rỉ máu, vì thất tình !

Mai đau đớn...nỗi thân hình tã tơi.



Tim tan nát, đời chơi vơi.

Gặp lại ‘’người cũ’’ :‘’Anh ơi ! Em buồn!’’

‘’Buồn chi hãy tỏ ngọn nguồn ?’’

Mắt Mai nhòa lệ, sầu tuôn đôi dòng.



Rằng: ‘’Anh bảo em tìm chồng,

Chồng đâu không thấy mà lòng nát tan’’.

Mai nào dám trách dám than,

Bởi vì tự ái dọc ngang thuở nào.



Tim đau nhói, hận muốn trào,

Tưởng rằng mình gặp anh hào thế gian :

‘’Xin mau tính toán, liệu toan,

Cho thân em được bình an đời này !



Ngày nay tình lỡ đã phai,

Xin ai hãy gác ngoài tai mọi lời.

Nhà êm, cửa ấm tuyệt vời,

Thương chi hoa úa giữa trời rừng khuya.



Sự việc phũ phàng rồi kia,

Quay lưng vĩnh viễn xa lìa là xong’’ !

Rằng: ‘’Mai ơi ! Anh ước mong :

Cầu em tìm được tấm chồng hơn anh’’.



‘’Chồng em không phải là anh,

Người như cánh bướm bay nhanh qua đường.

Hãy về vun xới hoa vườn,

Khổ đau đối với em thường mà thôi’’.



Ngỏ lời :’’Xưa chỉ đùa chơi,

Không ngờ em giận để rơi lệ sầu’’.

Rằng : ‘’Em suy nghĩ nát đầu,

Đùa chi mà để cho nhau hiểu lầm !









Cảm thương đành khóc âm thầm,

Vì em đã lắm lỗi lầm với ai !

Xin đừng thương xót chi Mai,

Rừng xưa, thân xác đợi ngày vùi nông !’’



Dịu dàng :’’Anh sẽ bằng lòng,

Khi em kiếm được tấm chồng hơn anh !’’

Mai cười : ‘’Đừng ỷ có danh,

Ông trời ở tận mây xanh xa vời’’.



Nhưng làm sao biết được đời !

Lòng người chỉ có ông trời biết thôi !

Ruột gan Mai rối tơi bời,

Tiếc mình chẳng phải là người hoa khôi!



Sắc hương chỉ có một thời,

Tóc chen sợi bạc, sương phơi đỉnh đầu.

Mai như hoa đã nát nhầu,

Nhụy tàn, phấn nhạt, sắc màu, phai hương.



Muốn mượn kinh kệ mõ chuông,

Bỏ đời mưa nắng, gió sương giữa rừng.

Nhưng đâu phải chuyện dễ ngừng,

Mẹ già, con dại lưng chừng đói no !



Đớn đau thân xác ốm o !

Trăm ngàn nỗi khổ, sầu lo một mình.

Tình yêu thì chẳng ra tình,

Thân Mai như cánh lục bình trôi sông.

*

Một chiều hè, ánh nắng trong,

Gió mưa lại nổi trong lòng của Mai.

Tìm trong ly rượu vơi, đầy,

Cố quên những chuyện đắng cay riêng mình.



Trời im, đất cũng lặng thinh,

Có ai cản được tánh tình ai đâu ?

Bạn bè nhìn thấy lắc đầu,

Mai làm như thể không hầu biết hay.



Đầu hôm ly cạn, chén đầy,

Nửa khuya canh bạc, sòng bài mua vui.

Mai biết sợ, bạn chê cười,

Giấu quanh, giấu quẩn, chối lời cho qua.



Đam mê đến đỗi quá đà,

Nợ nần chồng chất thật là xấu hư.

Nào ai hiểu nổi Mai ư ?

Buồn, chôn thật chặt tâm tư, đáy lòng !



Đời Mai lắm đục, ít trong,

Mây đen rợp bóng, mây hồng sắc thưa.

Nhìn đời bằng kiếp sống thừa,

Mặc tình giông bão gió mưa tới gần.



Con, một đứa bệnh tâm thần,

Một đứa thì ngủ, chẳng cần việc chi.

Mai sinh ra chứng ù lì,

Rượu chè, cờ bạc lo gì ngày mai.



Sau cơn mê, lệ vắn dài,

Dập đầu quì lạy trước đài Quán Âm.

Vái van cầu nguyện âm thầm :

‘’Cho con dứt được mê lầm này đây !’’



Trong giấc mộng, Phật cho hay :

‘’Rượu chè, cờ bạc bỏ ngay tức thời !

Bấy lâu ta thử lòng người,

Vô minh, tánh mãi suốt đời ngu ngơ !’’



Tỉnh ra, sợ nỗi vật vờ

Sống như cái xác lững lờ trần gian.

Gặp lại ‘’người-cũ’’ Mai than :

‘’Anh ơi ! Đời phủ em màn mây đen !



Nhìn Mai, đằm thắm hỏi han:

‘’Vì sao hãy nói rõ ràng đi em ?‘’

Môi cay, lưỡi đắng, thốt lên :

‘’Vì Mai để lửa hờn ghen đốt lòng.



Cộng thêm buồn khổ chất chồng,

Gió-đời-tám-ngọn quật trong tâm này !’’

Mở lòng Quân-Tử ra tay,

Giúp trang trải nợ, hết ngay, nhẹ nhàng.



Xuân về ánh nắng chói chang,

Đuổi xua những áng mây ngàn phủ che.

Trời thử thách, hay khắt khe ?

Chàng lâm trọng bệnh, Mai nghe nát lòng.



Phật đài tay chấp, tâm mong,

Gối quì, đầu dập, lòng trong, ý thành.

Xin cho người-ấy mau lành,

Hoặc thay đổi xác, đừng hành đớn đau.



Trời thương con người thanh cao,

Đang từ bệnh nặng,... hồi nào giảm suy.

Đội ơn Phật tổ Từ bi,

Mai liền xả bỏ sân si bụi hồng.



Xuống tóc, tịnh tọa, mỏi mong,

Nguyện cầu dương thế thoát vòng khổ đau.

Gặp Mai ‘’người cũ’’ lệ trào :

‘’Em ơi ! Nỡ bỏ anh sao cho đành ?’’



Mắt Mai dòng lệ dầm chan,

Bấy giờ tiến thoái lưỡng nan lưng chừng.

Bút đề thơ dệt tán dâng :

‘’Nhờ ơn Trời Phật nên mừng đi anh’’.



Đời Mai, mệnh số sẵn dành,

Cuối đời lo việc tu hành mà thôi.

Bút đề thơ dệt gởi đời,

Khổ vui đều nhận tuyệt vời trần gian.



(3 năm sau)



Tưởng Mai, chuông-mõ bình-an,

Nào ngờ phóng bút vào làng Văn-Thơ

Thật là một chuyện bất ngờ

Làm cho bè bạn ngẩn ngơ giựt mình !



Ban đầu vui vẻ hoan nghinh

Vỗ tay khen ngợi, đầy tình mến thương

Giờ đây xa cách bốn phương

Không còn lui tới, chẳng vương chút tình.



Cuối đời Mai chỉ một mình

Nương nhờ bút mực, trải tình dưới trăng

Làm thơ-văn, gởi thế gian

Tình thương duy nhứt rải ban muôn người.



Ở đời ‘’luôn hãy mỉm cười’’

Người chửi không giận. Đánh thời thứ tha

Thân còn trong cõi Ta-Bà

Thì còn tâm cảm : xót xa hồng trần.



Kiên trì nắm giữ ‘’Gươm Tâm’’

Phòng khi gặp cảnh u-âm đến gần

Chặn bầy lục-tặc tam-bành

Đuổi xua phiền-não, nhặt cành Liễu-dương



Hướng về Cực-Lạc Tây-phương

Cầu xin Cam-Lộ tưới vườn Vô-Ưu

Bắt chước Từ-phụ Thích-Ca :

Hèn sang không bận, ngọc ngà chẳng ham.



Lợi-quyền, danh-vọng chán nhàm

Vinh-hoa, phú-quí chỉ làm khổ thân

Nhất lòng học hỏi Thánh-nhân

Từ-Bi-Hỉ-Xả, vững TÂM tu-hành.



‘’Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài !



Lời quê chấp nhặt dong dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh’’

(‘’Kim-Vân-Kiều’’ Nguyễn Du)



(Chân thành cảm ơn Người và tạ ơn Đời.

Khởi viết Ivry-sur-Seine, đêm 16-08-1990.

Viết xong và nhuận sắc tại Bạch-Am, 16 giờ 30, chiều thu 12-10-2004)

Việt Dương Nhân
Việt Dương Nhân
#6 Posted : Monday, January 17, 2005 2:49:50 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0


Việt Dương Nhân
#7 Posted : Monday, January 17, 2005 4:37:09 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Thi tập
''TÂM''
Việt Dương Nhân
(Diệu Thi)

"Tâm Thức"

"Vạn vật trần gian chỉ Vô-Thường
Sang hèn, vinh nhục tợ như sương
Thênh thang một cõi không biên-xứ
Tâm trí đâu còn cảnh vấn vương

Vũ trụ bao la trước gió chiều
Đưa về tâm-thức buổi cô liu
Vô-biên tâm-thức không bờ bến
Lẳng lặng trời xanh một cánh diều

Bóng sắc hợp tan con bèo nổi
Cái thân tứ đại có còn chi
Nhứt tâm nhập định vô sở hữu
Chẳng có của ta một thứ gì.

Ráng chiều lấp lánh sắc y-vàng
Nước biếc theo dòng bọt võ tan
Chân bước vân-du trời chạng vạng
Mắt nhìn phong cảnh lối mênh mang.

Tham mê năm quẩn thời sanh tử
Chẳng nhiễm sáu căn tức Niết-Bàn
Giáo hóa tùy duyên nào chướng ngại
Niềm vui tự tại giữa trần gian...’’.

(Trích ‘’Đạo Vàng Muôn Thuở - Đức Phật Thích Ca Đắc Đạo’’)

"TU LÀ GÌ ?’’

‘’Tu, nghĩa là sửa mình. Tu là giữ gìn thân khẩu ý được thanh tịnh, để nhằm loại bỏ tam độc tham-sân-si, và những tánh hư nghiệp xấu mà từ vô thủy kiếp đến nay mình đã mắc phải. Tu là để tâm bình thường thoải mái, để hơi thở nhẹ nhàng luôn giữ chánh niệm không để chút lãng xao, cũng là để cho không ô nhiểm chút bụi trần nào...
Vui trong tham dục vui rồi khổ,
Khổ để tu hành, khổ quá vui,
Nếu biết có vui là có khổ,
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui,
Mong sao giữ tâm không vui khổ
Mới thoát ra ngoài lối khổ vui.
(... ...)
Ở đời sống đạo hãy tùy duyên
Tâm trí an vui chẳng lụy phiền
Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc,
Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên
Niệm tưởng khởi lên liền buông xả,
Chân tâm vắng lặng thấy bình yên,
Ấy là chân thật cho cuộc sống
Không bị lụy phiền cảnh đảo điên...’’.
(Trích ‘’Bước Chân Xuất Thế’’)

---*---

" Tâm Xả "

‘’Qua sông đã tới được bờ
Bờ bên kia đó bây giờ là đây
Ngoảnh nhìn chốn cũ ô hay
Đâu là bờ ở bên này bên kia !’’
(Thơ Nguyễn Thị Vinh)

Ngồi ngẩn ngơ đưa mắt nhìn ánh nắng đầu xuân qua song cửa, mà lòng buồn hiu hắt. Rồi đứng dậy nhìn lên bàn thờ Phật :

‘’Rũ sạch mùi trần cơn gió thoảng,
Trắng phau lòng đạo lúc trăng lên’’

Lảm nhảm mấy câu thơ Thiền của Dương Bá Trạc, lòng tự nhủ : ‘’Mùi trần nặng quá, gió nào đủ mạnh để đưa qua sông nổi đây ? Còn ‘lòng đạo’ thì bị Vô-minh che khuất, bụi đời bám chặt... Biết bao giờ lau chùi cho ‘trắng phau’ ? Đôi khi chùi rửa sạch được vài ba phân, tưởng là giỏi lắm ! Rồi ỷ y, lơ đểnh bị nó đóng bám trở lại dầy năm, bảy tấc...’’.

Lòng mình vẫn thường cảnh giác, cố gắng ngăn chận là đừng để ‘’tám-ngọn-gió-đời-làm-chao-động-ngọn-đèn-tâm’’. Bởi khi nghe những lời khen, chê, chỉ trích, tân bốc... Bỗng sực nhớ đến bài thơ ‘’Gươm Tâm’’:

‘’Bấy lâu nắm lưỡi Gươm-Tâm
Chặt Anh tham dục, chặt Em tham tiền
Chặt bao tình ái cuồng điên
Chặt luôn những sợi ưu phiền đứt tan...’’

Vậy mà đôi khi, chính tai nghe, hoặc ai nói lại những chuyện buồn-vui, làm tâm hồn cũng bị chao đảo đôi chút. Nhưng rồi kịp chụp nắm bắt ‘’cái tâm’’ lại. Bằng cách nghe ‘’Bát Nhã Tâm Kinh’’ và thụ trì quyển Kinh ‘’Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật’’. Thường nghiền ngẩm quyển ‘’Tứ Vô Lượng Tâm’’; Từ, Bi, Hỷ có phần dễ thực hành hơn Xả. Sau đây, kính xin mạng phép chép lại gởi đến quý vị đoạn đầu và bài ‘’Tâm Xả’’ :

‘’Sanh trong cảnh người thật hy hữu. Đời sống của chúng sanh quả là khốn khổ. Chớ để lỡ mất cơ hội này’’.
(Kinh Pháp Cú)

‘’Con người là một chúng sanh huyền-bí có nhiều tiềm-năng phi-thường.
Có hai năng lực trái ngược luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm trong mỗi người : một, hướng về cao thượng trong sạch, đặc tánh của các thánh nhân. Và một hướng về những điều tội lỗi, nhơ bẩn của kẻ sát nhân tàn bạo. Cả hai tiềm lực này đều có thể phát sanh bất ngờ với một sức mạnh vô cùng hùng hậu. Xuất xứ từ đâu ? Chúng ta không đặng rõ. Ta chỉ biết rằng nó luôn luôn nằm trong ta, nhiều hay ít, mạnh hay yếu, tùy trường hợp.
Trong guồng máy phức tạp của con người, có cái tâm vô cùng dũng mãnh. Tâm chứa đựng một kho tàng đức hạnh và một hầm tật xấu. Người biết vun bồi đức hạnh là một phước lành cho nhân loại. Kẻ bị tật xấu chi phối là một đại họa.
Những ai có chí hướng trở thành bậc vĩ nhân, cao thượng, và hữu ích, nhữnh ai muốn vượt lên đám đông quần chúng để phục vụ nhân loại bằng cách nêu gương lành trong sáng và ban bố những lời dạy hữu ích, những ai muốn tận dụng cơ hội quí báu được sanh làm người, đều hết sức gia công gội rửa những tật xấu còn lại và phát triển những đức hạnh đang ngủ ngầm trong tâm.
Khai thác hầm mỏ là một điều khó. Để tìm mỏ kim cương, mỏ dầu hay một nhiên liệu quí báu khác, con người phải tốn hao biết bao tiền của và công lao, phải trải qua biết bao hiểm nguy gian khổ, có khi phải nguy hiểm tánh mạng, để đào sâu vào lòng đất. Nhưng, để khai thác kho tàng vô giá đang ngủ ngầm bên trong con người, ta chỉ cần kiên trì cố gắng và nhẫn nại gia công. Mỗi người, dầu trai, dầu gái, sang hay hèn, đều có thể cố gắng và nhẫn nại để thâu thập sự nghiệp quí báu kia, vì đó không phải là một di sản do ông cha truyền lại.
Thế thường ta coi tật xấu của con người là thiên tánh ngẫu nhiên bộc phát. Âu cũng là một điều lạ !
Cũng lạ thay, tuy rằng đối chiếu với tật xấu có một đức tánh xác thực mà mỗi người đều có thể thọ hưởng, ta lại không coi đức tánh ấy là thông thường, phải có.
Sân hận (dosa) là một tật xấu có sức tàn phá vô cùng khốc liệt. Đối diện với lòng sân, tâm ‘’Từ’’ (mettã) là một đức độ nhẹ nhàng êm dịu làm cho con người trở nên cao-thượng, tuyệt luân.
Hung bạo (himsã), một tật xấu khác đã gây biết bao tội ác và những điều tàn bạo trên thế gian. Tâm ‘’Bi’’ (karunã) là vị thuốc có thể tiêu trừ bịnh hung bạo.
Ganh tỵ (issã) là chất độc cho cơ thể vừa là động lực thúc đẩy con người vào những sự nhơ bẩn và những tranh chấp hiểm nguy. Phương thuốc nhiệm mầu và công hiệu nhất để trị bịnh ganh tỵ là tâm ‘’Hỷ’’ (muditã).
Bám víu vào những gì ưa thích và bất toại nguyện với những điều không vừa lòng làm cho tâm mất bình thản. Do sự phát triển tâm ‘’Xả’’ (upekkhã) hai tệ đoan trên sẽ bị tiêu diệt dần dần.
(... ... ...)

''Tâm Xả''

Xả (Upekkhã) là đức tánh thứ tư trong Tứ-Vô-Lượng-Tâm, khó thực hành nhất mà cũng cần thiết nhất trong bốn đức tánh cao-thượng.
Phạn ngữ Upekkhã do hai căn nguyên ‘’upa’’ và ‘’ikkha’’. Upa là đúng đắn, chân chánh, vô tư. Ikkha là trông thấy, nhận định, suy luận. Vậy Upekkhã là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, hoặc suy luận vô tư, tức là không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn.
Xả (Upekkhã) ở đây không có nghĩa lạnh lùng lãnh đạm, không màng đến thế-sự cũng không phải cảm giác vô ký, không vui thích không phiền não.
Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa là thường tình. Hạng người trong sạch đạo đức thường bị chỉ trích và khiển trách. Giữa cơn giông tố của trường đời, người cao thượng luôn luôn giữ tâm bình thản.
Được, thua, thành, bại, ca tụng, khiển trách, hạnh phúc và phiền não là những việc thường xẩy ra trong đời làm xúc động con người. Được ca tụng thì vui thích, bị khiển trách thì buồn rầu là lẽ thường. Nhưng, giữa cuộc thăng trầm của thế sự, Đức Phật dạy ta, luôn luôn thản nhiên, hành tâm Xả, vững chắc như tảng đá to sừng sựng giữa trời.
Túc Sanh Truyện (Jãtaka) chép rằng :
‘’Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất.
Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương’’.
Đời sống của Đức Phật là một gương sáng về tâm Xả cho những ai còn luân chuyển trong vòng tam-giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới).
Chưa từng có vị giáo-chủ hoặc một nhân vật nào bị chỉ nghiêm-khắc, bị đả kích, sỉ-nhục hoặc bị lăng mạ nhiều như Đức Phật. Đức Phật lại cũng là người được tán dương, sùng bái và tôn kính nhất.
Ngày kia, trong khi Đức Phật đi trì-bình khất thực, có một đạo sĩ bà-la-môn ngạo-mạn kêu Ngài là người cùng đinh và đối xử với Ngài hết sức vô lễ, Ngài thản nhiên chịu đựng và ôn-hòa giải-thích cho đạo-sĩ thế nào là cùng đinh và vì sao chẳng nên khinh rẻ hạng người này. Vị đạo-sĩ lấy làm khâm phục.
Một lần khác có người thỉnh Đức Phật đến nhà trai tăng. Khi Đức Phật đến, chủ nhà lại dùng lời vô lễ, đối xử với Ngài một cách thậm tệ. Nhưng Đức Phật không tức giận, ôn-hòa hỏi chủ nhà :
- Nếu ông biết có khách đến nhà viếng ông, ông làm sao ?
- Tôi sẽ sửa soạn một bữa cơm để đãi khách.
- Tốt lắm,Đức Phật nói, nhưng nếu khách không đến thì sao ?
- Tôi sẽ cùng vợ con chia nhau bữa cơm.
- Tốt lắm, này bạn, hôm nay bạn mời Như-Lai đến nhà để đãi ăn. Bạn đã dọn lên cho Như-Lai những lời thô lỗ cộc cằn. Như-Lai không nhận. Vậy xin bạn hãy giữ lấy.
Lời nói này đã làm thay đổi hẳn thái độ của chủ nhà.
‘’Không nên trả thù. Khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết làm câm như cái mõ bễ. Được như vậy tức là đã đắc đạo quả Niết-Bàn, mặc dù trong thực tế chưa đắc’’.
Đó là những lời vàng ngọc mà Đức Phật khuyên ta nên ghi nhớ hằng ngày trong kiếp vô-thường biến đổi này.
Trong xứ nọ, có lần một mạng phụ phu-nhơn xúi giục một người say rượu đến nhục mạ Đức Phật thậm tệ đến đỗi Đại Đức Ananda không thể chịu được, yêu cầu Đức Phật sang qua xứ khác. Nhưng Đức Phật không đổi chỗ và cũng không hề xúc động.
Một người đàn bà khác giả có mang để vu oan Đức Phật giữa công chúng. Một phụ nữ khác nữa bị giết để vu cáo Đức Phật phạm tội sát nhân. Một người bà con và đệ tử của Đức Phật cũng manh tâm lăn đá từ trên đồi cao, quyết giết Ngài. Chí đến trong hàng đệ tử của Ngày cũng có người cho rằng Ngày thiên-vị, bất công. Một đàng khác bao nhiêu người đã tán dương công-đức và ca tụng Đức Phật. Bao nhiêu vua chúa đã khấu đầu lễ bái dưới chân Ngài.
Như đất, Đức Phật nhận tất cả với tâm Xả hoàn toàn.
Vững như voi, mạnh như hổ, ta không nên run sợ trước tiếng động. Miệng lằn lưỡi mối không làm cho ta xúc động. Như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vướng trong lưới, tuy sống giữa chợ người, ta không nên luyến ái những lạc thú huyền ảo và vô thường của kiếp nhơn sinh. Như hoa sen, từ bùn dơ nước đục vượt lên trên bao nhiêu quyến rũ của thế gian, ta phải sống trong sạch, luôn luôn tinh khiết, yên tĩnh và an vui.
Người thù trực tiếp của Tâm Xả luyến ái (rãga) và kẻ thù gián tiếp của tâm Xả là sự lãnh đạm, thái độ lạnh lùng, xây lưng với thế sự.
Upekkhã lánh xa lòng tham ái và trạng thái bất mãn. Thái độ vô tư, thản nhiên, an tịnh là đặc tánh quan trọng của Tâm Xả. Người có Tâm Xả không thích thú trong vui sướng cũng không bực tức trong phiền não.
Người có Tâm Xả đối xử đồng đều, không thấy sự khác biệt giữa người tội lỗi và bậc thánh nhân.
Tâm Từ bao trùm mọi chúng sanh; tâm Bi, những chúng sanh đau khổ; tâm Hỷ, những chúng sanh hạnh phúc; Tâm Xả bao trùm việc tốt và xấu, những điều khả-ái và những điều khả-ố, thích thú và nghịch lòng.
*
Những ai chú nguyện trở thành thánh nhân trong chính kiếp này, có thể hằng ngày phát triển và trau dồi bốn đức tánh cao thượng trên, luôn luôn tiềm tàng bên trong mọi người.
Đức Phật kêu gọi :
Này chư Tỳ-Khưu, thí dụ như toàn thể vùng đất mênh mông này trở thành nước, và người kia bỏ xuống nước một cái ách, trên ách có một lỗ. Rồi có một cơn gió thổi, đẩy trôi cái ách từ Đông sang Tây, một ngọn gió nữa đẩy cái ách từ Bắc xuống Nam, và một ngọn khác nữa từ Nam lên Bắc. Và cứ như thế, cái ách triền miên trôi dạt trên mặt nước. Trong khi ấy có một con rùa mù, mỗi năm trồi lên mặt nước một lần. Như vậy, có thể nào con rùa mù, sau một lần trong năm, trồi lên mặt nước và thọc đầu ngay cái lỗ duy nhứt của ách không ?
Bạch hóa Đức Thế-Tôn, quả thật con rùa mù khó làm như vậy.
Này chư Tỳ-Khưu, cùng thế ấy, sanh vào cảnh người cũng khó như vậy. Cùng thế ấy, Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) mà một đấng Như-Lai tuyên bố khó có thể truyền bá trong thế gian.
Nhưng nay, này chu Tỳ-Khưu, quả thật vậy, trạng thái làm người đã đạt thành đạt, một đấng Như-Lai đã phát hiện trên thế gian. Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Như-Lai tuyên bố đã được truyền bá trong thế gian.
Vậy này, chư Tỳ-Khưu, các con phải kiên trì tinh tấn để chứng ngộ : Đây là đau khổ, đây là nguyên nhân của đau khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ’’.
(Trích chương 42 quyển ‘’Đức Phật và Phật Pháp’’)
Mùa Phật Đản 2547 và Vu Lan Báo Hiếu (2003)

---*---

TÂM

Tâm bất dục, Tâm tươi, Tâm sáng,
Tâm dục tình như áng mây đen,
Tha Tâm ngăn chận đảo điên,
Bình Tâm thanh thản, an nhiên giữa đời.
(Ivry sur Seine, 1993)

Chổi Tâm

Chổi tâm quét dọn bao lần
Gió-đời-tám-ngọn sao còn đâu đây ?
Mắt nhìn tan hợp áng mây
Vô-thường, huyển hóa đêm ngày trôi qua

Có gì để dạ xót xa
Cho lòng giao động, lệ sa mi huyền
Bao năm học Đạo, Phật truyền
Thấm nhuần Bát-Nhã, đưa thuyền qua sông.
(Bạch-am, chiều đông 09-02-2003)

Mài Tâm

Thắm thoát trôi. Trôi mấy mươi năm.
Vẫn tay cầm bút viết âm thầm.
Văn chương chữ nghĩa không thông suốt.
Vậy mà mãi moi óc mài tâm ! ! !
(Chuyến đi thăm Trí Tâm - Los-Angeles, hotel Sofitel, chiều 20-09-1996)

Bình Tâm
Kính dâng Thầy Thích Minh T.

Bạch thầy, con tỉnh mộng rồi
Mới hay là gió giữa đời bay nhanh
Cố quên những chuyện quẩn quanh
Giữ tâm Bình-Lặng cầu lành nơi-nơi.

Xả Tâm

Hạ bút...
Xả-tâm, con viết gởi Thầy,
Thân con Tứ-Đại dạn dày gió sương.
Thăng-trầm xuôi ngược mười phương,
Ngày nay xin gởi khói hương nương nhờ.

Nhứt tâm, con nguyện tôn thờ,
Như-Lai Tam-Bảo đợi chờ mãn viên.
Khổ đau, tai nạn triền miên,
Đó là con bước vào miền nước TU...
(Tư gia T. Ng. - Germany, Hamburg S.M., hè 15-08-1995)

Rửa Tâm

Nhứt nhứt, như như chùi rửa tâm,
Hằng ngày niệm niệm Quán-Thế-Âm.
Cho lòng không nổi cơn sóng gió,
Thân xác được êm lúc ‘’nghỉ nằm... !’’.
(Ivrys/Seine, mùa Vu-Lan 16-8-2000)

Hoa Tâm

Sáng nay bỗng thấy một cành Hoa
Từ xa ẩn hiện bay là đà
Cánh hoa màu trắng trong tinh khiết
Tạm gọi : ‘’Hoa Tâm’’ cõi Ta-bà...

Gươm Tâm

Bao lần nắm lưỡi Gươm Tâm
Chặt Anh tham dục, chặt Em tham tiền
Chặt bao tình ái cuồng điên
Chặt luôn những sợi ưu phiền đứt tan.
(Bạch-Am, 11 giờ 55 sáng 18-2-2000)

Tâm Nguyện

Nhục-vinh lên xuống bao lần
Áo thô, áo gấm cõi trần đã qua
Ngày nay ta hỏi cùng ta
Làm sao ở lại thiết tha với đời ?

Mong tất-cả cõi đời êm đẹp
Dẹp tình riêng, lòng tặng người-người
Có bao nhiêu tỷ trên đời
Bấy nhiêu Tâm-Nguyện cầu người bình-an...
(France, Ivry s/Seine, đêm 22-08-1990)

Bồ Đề Tâm

Tiếng chuông mõ vang vang đây đó
Hòa nắng vàng cây cỏ mừng vui
Xuân sang hoa lá xinh tươi
Hồn thi sĩ, khởi khơi Tâm Bồ Đề.

Hạ bút đề năm ba câu kệ
Mộng hồng trần nhân thế dứt mê
Cùng chia vui khổ vạn bề
Cuối đường chung cuộc cận kề Tòa Sen.

Giữa cảnh đời bao phen lận đận
Tìm nẻo tu tránh lẫn mây mù
Vầng Dương tan biến si, ngu
Tham-Sân... ấy, là ngục tù nhốt tâm.

(France, Villemomble, tư gia Hồng-Lộc, xuân 14-05-1999)
Việt Dương Nhân
#8 Posted : Sunday, January 30, 2005 7:07:14 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Vườn Tĩnh Lặng
Kính dâng mùa Phật Đản 2548 và Vu Lan Báo Hiếu 2004

''... Tâm có khả năng ‘’thụ’’ tối ưu, khi giống như một tấm gương được lau sạch bóng, do đó phản ảnh được toàn bộ hiện thực chung quanh một cách tối đa, khi tâm trống rỗng, tịch lặng tối đa thì nó sẽ trở thành Đại Viên Cảnh Trí, tấm gương siêu khổng lồ ôm trọn cả vũ trụ trong lòng nó...''
(‘’Tâm Linh’’ Tinh Tiến - TSVTVN tr. 164)

Vườn tĩnh lặng dịu êm trăng sáng
Cõi tâm trong hiện áng mây xanh
Tay liền phóng bút bay nhanh
Nhặt lời, kết chữ thả quanh địa cầu.

Vườn tĩnh lặng đêm thâu thanh vắng
Chẳng buồn vui, hồn lắng, tâm yên
Sóng đời xô dạt triền miên
Vững tâm lèo lái, đưa thuyền sang sông.

Vườn tĩnh lặng sáng trong ánh Nguyệt
Soi cảnh đời mặt thật nổi lên
Nhặt thâu tất cả làm nền
Cất xây đền Phật, ngồi bên Liên-Đài.

Vườn tĩnh lặng đêm ngày trống rỗng
Như gương trong, không bóng, chẳng hình
‘’Sắc-không, không-sắc’’ tự mình
Tùy duyên hóa-giảng, tử-sinh lẽ thường.

Nếu đã bước vào vườn tĩnh lặng!
Bận lòng chi đêm vắn, ngày dài
Tâm cầu nhân thế thẳng ngay
Sợ ai, ai sợ ? Hòa-hài dưới trên.

Vườn tĩnh lặng mông mênh tinh khiết
Ngưới với Người phải biết nhún nhường
Ác-lành đều rải tình thương
Dìu nhau chung bước về phương Phật-Đà.
Việt Dương Nhân
#9 Posted : Sunday, January 30, 2005 7:11:48 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Chia Buồn Với Con
Tặng đứa con gái thương yêu


Nuốt lệ lặng im chia cùng con,
Nỗi buồn ly biệt vợ chồng son.
Tiếng nấc thương tâm từ lòng mẹ,
Xót dùm thân trẻ, quả phụ non.

Chồng con đã ra người thiên cổ,
Chở nặng khối sầu, bởi vì đâu?!
Thôi thì : âu cũng là mệnh số.
Mẹ chia với con bớt khổ sầu!!!.


(Gia-Tự Diệu-Thi, khuya 22-01-1999)

Je voudrais partager ta peine


Ravalant mes larmes, je partage ta peine,
Cruelle séparation de deux jeunes époux,
Le sanglot de mon coeur de mère pleure
Si jeune et déjà veuve... !

Ton époux est désormais parti vers d’ autres cieux
Pourquoi cette peine si lourde d’où vient-telle
Sort et destinée sont écrits dans les étoiles...

Je voudrais partager ta peine si lourde
Et si cruelle pour tes jeunes épaules !


(Traduit par Marie-Colombe Bạch Thị-Ngọc-Sương)
Nguyệt
#10 Posted : Wednesday, March 16, 2005 8:52:27 PM(UTC)
Nguyệt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 123
Points: 0

RoseRoseRoseRoseRoseRoseRoseRoseRose
Nguyệt
#11 Posted : Thursday, March 17, 2005 6:02:59 AM(UTC)
Nguyệt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 123
Points: 0

floatingfloatingfloatingfloatingfloating
Việt Dương Nhân
#12 Posted : Friday, June 24, 2005 10:18:13 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0



Ảnh 6/2005
Việt Dương Nhân
#13 Posted : Sunday, September 11, 2005 11:36:37 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Kính mời Quí Độc Giả & Thi Hữu mở những file này "nhàn lãm"
Tứ Linh Thi
Quê Hương - Thân Phận - Tình Yêu - Đạo Lý


"Quê Hương"
http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=165663
"Thân Phận"
http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=148411
"Tình Yêu"
http://dactrung.net/phor...6843&mpage=1&key=#166843
"Đạo Lý"
http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=148997



bienchet
#14 Posted : Tuesday, May 30, 2006 11:24:30 AM(UTC)
bienchet

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,452
Points: 0

Việt Dương Nhân
#15 Posted : Monday, January 22, 2007 10:59:22 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

quote:
Gởi bởi bienchet




Mèn, BCh lộng vào khuôn bài thơ "Mẹ Việt Nam" đã gần năm nay mà 7 nào hay biết. Xin lỗi BCh 7 trả lời trễ nha ! Vì từ lâu không ghé "nhà" này !
Chân thành cảm ơn BCh. thật nhiều. Và, mến chúc BCh & BBNB thật nhiều sức khỏe & thân tâm an lạc.
Thân
7_vdn
trungbaos
#16 Posted : Monday, February 5, 2007 3:48:36 PM(UTC)
trungbaos

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1
Points: 0

Big Smileđọc bài của chị việt dương nhân ,xin có vài dòng góp ý :
- trong nền văn học việt nam hiện đại ,có nhiều nhà văn nổi tiếng như ,nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm ( những cánh đồng bất tận ) từng gây tranh cải ,vì có người nhận tác quyền về tác phẩm này ,nhưng cuối cùng thì chị cũng thắng ,nhà văn việt nam ngày nay còn nhiều khổ lắm ,việt dương nhân , tuy tác phẩm chị có hay ,nhưng ít người trong nước biết ,nên thiết nghĩ chị nên cố gắng thêm
Việt Dương Nhân
#17 Posted : Friday, February 16, 2007 9:20:42 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

quote:
Gởi bởi trungbaos

Big Smileđọc bài của chị việt dương nhân ,xin có vài dòng góp ý :
- trong nền văn học việt nam hiện đại ,có nhiều nhà văn nổi tiếng như ,nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm ( những cánh đồng bất tận ) từng gây tranh cải ,vì có người nhận tác quyền về tác phẩm này ,nhưng cuối cùng thì chị cũng thắng ,nhà văn việt nam ngày nay còn nhiều khổ lắm ,việt dương nhân , tuy tác phẩm chị có hay ,nhưng ít người trong nước biết ,nên thiết nghĩ chị nên cố gắng thêm


Chào TrungBaos!
Rất vui TB ghé đây chia sẻ và có những lời khuyến khích.
Năm mới Đinh Hợi - vdn mên chúc TB & gia đình được AN KHANG HẠNH PHÚC.
thân
VDN
Việt Dương Nhân
#18 Posted : Saturday, February 17, 2007 7:54:26 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Yêu Thơ

Yêu thơ tôi tập làm thơ
Mặc dầu chữ nghĩa vu vơ mịt mù
Nhưng tôi mãi ráng cần cù
Viết bôi, bôi viết lòng u-uẩn buồn.

Hồn thơ đầy ngập trong nguồn
Nhưng lòng chất phác khó buông ra lời
Thơ tôi buồn lắm người ơi !
Đọc lên mắt ướm lệ rơi đôi hàng

Đời tôi lắm bận bẽ bàng
Tâm tư khắc khoải vương mang khổ sầu
Nỗi buồn biết gởi về đâu ?
Thôi đành cất tận lòng sâu thẳm nầy

Yêu thơ tôi mộng tôi mơ
Mơ thành thi sĩ làm thơ tặng người
Hồn thơ héo úa rã rời
Nghe như nghèn nghẹn cuộc đời đắng cay!!

TT "BPCN"
(Ivry s/Seine, chiều thu 26-11-1997)
Nguyệt
#19 Posted : Thursday, September 20, 2007 2:22:02 AM(UTC)
Nguyệt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 123
Points: 0


Hàn Lâm - Hương Giang - Thái Văn Kiểm
Vài nhận xét và cảm nghĩ
Bốn Phương Chìm Nổi và Cát Bụi
Của thi sĩ Việt Dương Nhân

Cuối năm ngoái -1998- , tình cờ chúng tôi gặp nhà thơ Phụng-Hoàng Việt Dương Nhân tại nhà hàng Au Vieux Sài Gòn đại lộ Ivry, Paris XIII và trong dịp này, Phụng-Hoàng đã có mỹ ý trao tặng chúng tôi Thi-phẩm "BỐN PHƯƠNG CHÌM NỔI" trong đó có in nhiều bài thơ Việt xen với nhiều bài thơ Pháp.
Đầu năm nay, nhà thơ Phụng-Hoàng đã có tấm lòng tìm đến tận nhà, ở Cư xá Thánh Đa (Cité Jeanne d’Arc) quận XIII, trong mùa hoa nở tưng bừng, rạng rỡ với ánh sáng ban mai, đệm thêm tiếng hót của cặp chim Khách thi nhau báo hiệu.
Nghe tiếng chuông reo, chúng tôi đoán biết sẽ có khách tài hoa từ phương xa lại : quả thật là nhà thơ Phụng-Hoàng, với dáng điệu nữ-tu-sĩ đã xuống tóc, quấn khăn đà, từ từ tiến vào tệ xá, tạm gọi là (Chiêu Anh Các) để tỏ niềm thương nhớ một Di-tích lịch sử Văn học miền Nam của Tiên-sinh ĐÔNG-HỒ Lâm Tấn Phác và Nữ-sĩ THÁI Mộng-Tuyết, Thất Tiểu Muội, nay còn hương khói nơi Lâm-Đường là Thị-Xã Hà-Tiên, lừng danh từ năm 1714 khắp vùng Đông Nam Á.
Đây là vùng Mang-Khảm đã được khai phá từ cuối thế kỷ 17 bởi Tổng-Binh Mạc Cửu, Đô-Đốc Mạc Thiên Tứ, Tổng Trấn Nguyễn Cư Trinh, tất cả đều văn võ kiêm toàn, xông pha oanh liệt để hình thành một xứ mới gọi là Cảng Khẩu Quốc.
Còn phía trên là Đồng-Nai, Gia-Định, Cù-Lao-Phố được Chúa Nguyễn giao cho Chưởng-Binh Lễ-Thành-Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) toàn quyền điều binh cai trị và mở mang bờ cõi. Uy danh của Ngài còn được lưu lại khắp miền Nam trong dân ca :

Bao phen quạ nói với diều :
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Lần này nhà thơ Việt Dương Nhân đã có nhã ý trao tặng hai Bác (vì lâu nay quen gọi là bác Thái) một Thi-tập mới, chưa ấn hành, nhan đề là ‘’Cát Bụi’’.
Chúng tôi đã hoan hỉ tiếp nhận thêm một Thi-tập nữa, vị chi hai, với những lời cảm ơn nồng nhiệt của chúng tôi. Phụng-Hoàng ngỏ ý nhờ tôi dịch cái đầu-đề Thi-tập I là ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ ra Pháp ngữ. Chúng tôi suy nghĩ giây lát, rồi đề nghị như sau : Aux Quatre Points Cardinaux : Immergence et Emergence. Còn quyển ‘’Cát Bụi’’ thì chúng tôi tạm dịch : Sable et Poussière, hoặc là Néant et Vicissitudes. Còn ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ cũng có thể tạm dịch là : Au Gré des Tourbillons. Lẽ tất nhiên là còn tùy nơi nhà thơ lựa chọn...
Sau đó, chúng tôi bàn qua về thời sự và thế sự liên hệ hiện tại và tương lai của Cộng-Đồng Việt-Nam Hải-Ngoại và Quê-Hương Xứ-Sở , quả thật là ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ nói sao cho xiết.
Tôi suy nghĩ về thi-hiệu Việt-Dương-Nhân mà đoán rằng : Phụng-Hoàng còn nặng nợ, nặng tình với Quê Mẹ là Việt-Nam ngàn đời yêu dấu, sâu đậm trong tâm trí và in đậm nét đan thanh trên khắp các nẻo đường Hải-ngoại. Vì vậy mà để chữ VIệT lên đầu. Rồi mới đến chữ Dương là Dương Gian, Đến chữ Nhân là bao gồm loài người và tình thương đồng bào ruột thịt. Nếu ghép chữ Nhân...với chữ Nhị, theo triết lý của Thầy Tăng Sâm, cao-đệ của Khổng Tử :

Dĩ Văn Hội Hữu - Dĩ Hữu Phò Nhân
Tạm dịch Pháp ngữ :
La Culture au service de l’Amitié
L’Amitié au service de l’Humanité.
Đọc kỹ hai Thi-phẩm ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ và ‘’Cát Bụi’’, thu góp hơn hai trăm bài thơ của nhà thơ Việt Dương Nhân, chúng tôi ghi nhận tấm lòng chân thật nồng nàn, hăng say, cao hứng, để sáng tác Thi-ca trong mọi trường hợp và hoàn cảnh của cuộc đời, xuyên qua ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’.
Tài hoa của Việt Dương Nhân được trang trải, phơi bày với chân tâm và thành ý qua bốn (4) đề tài chính yếu là :

Quê Hương - Thân Phận - Tình Yêu - Đạo Lý
Hết thảy đều được phân tách rõ ràng và phê bình chính xác và tốt đẹp bởi các Văn-hữu và Thi-nhân: Hồ Trường An, Nguyễn Hữu Nhật, Lê Anh Tuấn, Tô Vũ, Hàn-Lâm Lê Mộng Nguyên, Nguyễn Xuân Túy và người em Hoàng Minh thương mến.
Tất cả những đoạn thơ hay đều được các bạn thưởng lãm và nêu lên minh bạch, với nhiều lời khen ngợi đúng mức, với nhiều dẫn chứng thích hợp và công bình, qua nhãn quan của mỗi nhà phê bình Văn-học.
Riêng phần chúng tôi, tuy chưa bao giờ dám xưng mình là thi-sĩ cả - và trước sau gì cũng chỉ là một nhà yêu thích Văn Thơ và Nghệ Thuật - cũng xin đáp lại tấm thịnh tình đặc biệt của Việt Dương Nhân, mà trình bày đôi lời nhận xét về nhà thơ và Thi-nghiệp như sau :
1-)Từ thuở bé đơn côi, mất cha xa mẹ, Phụng Hoàng phải tìm sống với đấu tranh không ngừng (struggle for life), lao động vất vả, vừa đi làm vừa học hỏi, rồi lập gia đình đàng hoàng, rồi di tản sang Pháp, rồi tan nát gia đình khi vừa ba mươi ba (33) tuổi, rồi tiếp tục đi làm. Nhưng cũng may, sau đó được vào làm một hãng (Horticolor) chuyên môn chụp và in hình toàn là cây kiểng, rau trái và hoa thơm cỏ lạ cho những nhà bán hoa (Pépiniériste) danh tiếng toàn nước Pháp, Âu Châu và Montréal-Québec (Canada): Vilmorin, Truffaut, Delbard, Clause, Centre Jardin v.v... Trung ương hãng tại thị trấn Lyon (xưa kia mang tên LUGDUNUM vào thời La-Mã Đế quốc). VDN tìm cảm hứng mà sáng tạo thơ văn, để quên những nỗi nhọc nhằn lúc xa quê ngái kiểng. Qua biết bao chặng đường chông gai với thế nước bồng bềnh, hưng phế, VDN đã chứng tỏ một nghị lực phi thường để vượt lên những chướng ngại vật, nhằm tự tạo cho mình một thế đứng trong làng văn thơ đa phương, đa dạng của thời đại. Điều ấy thật đáng làm cho giới nam nhi khâm phục !
2-) Phần lớn Dân ca và những Điệp khúc Vọng Cổ, phát xuất từ bài ‘’Dạ Cổ Hoài Lang’’ của cậu Sáu Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), từ năm 1923 nơi Lục Tỉnh Nam Việt, qua rạp hát của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, cho tới ngày nay, vẫn còn vang lên trong các rạp, cũng như các bến đò sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ, Dương Đông, Đồng Nai, Bến Nghé... Và nhà thơ Caroline Phụng Hoàng đã trở thành ca-sĩ hồi nào không biết, với điệp khúc Vọng Cổ sau đây :
‘’Hỡi cánh bướm năm xưa sao còn trở lại đây làm chi nữa, nghe ai nói tiếng yêu đương mà lòng ta như vướng sợi tơ...tình ! Chuyện ngày qua đà rã bóng tan...hình. Trăng bạc đã xa rồi mái trời hôm ấy, còn lại bây giờ là tiếng kệ kinh. Ngọn lửa ái tình nay đà nguội lạnh, hiu quạnh quen rồi những ngày thanh vắng, xin người hãy quên đi lời ước hẹn. Thương tiếc làm gì thêm trái ngang đau khổ’’ ? !
Dù than van như thế, nhà thơ vẫn còn vương vấn với ái tình và đau khổ, vốn là nguồn mỹ cảm của con người, và đặc biệt là của thi-nhân và nghệ-sĩ. Nếu phải ngụp lặn chăng nữa thì đó chỉ là cái nợ đời đương nhiên phải gánh chịu và trả trao. Và nỗi khổ đau càng đắng cay, chua chát bao nhiêu, thi ca càng diệu vợi bấy nhiêu, đúng như lời nhận xét của nhà thơ Pháp Alfred de Musset trong thời Lãng Mạn :

''Les plus désespérés sont les chants les plus beaux,
Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots'' !
La nuit de Mai
"L’homme est un apprenti, la douleur est son Maître, et nul ne se connaît tant qu’une n’a pas souffert"
La nuit d’Octobre
(Alfred De Musset 1810-1857)

3-) Rồi một đêm hè rạng sáng năm xưa, nhà thơ thao thức và bồi hồi Ngưu Đẩu trăng sao, nhà thơ cảm hứng và bùi ngùi, thiết tha :

Dẫm Lên Vết Cũ

Dẫm lên vết cũ nữa rồi!
Đêm nay lòng thấy bồi hồi nhớ ai!
Mong rằng hạnh phúc ngày mai,
Đừng mang ngang trái, đắng cay khổ sầu.

Tình này rồi sẽ về đâu?
Những lời trăng gió như câu thệ nguyền.
Khi yêu là một ''cơn điên''.
Sao tim cứ mãi triền miên yêu người!

Mộng mơ trong cõi tuyệt vời,
Mơ trăng mười sáu, mơ trời không mây.
Mơ hoa trái nở đầy cây,
Mơ mùa xuân thắm chẳng ngày úa phai...!
Bài thơ trên kia phảng phất hương vị của bài thơ ‘’Les Feuilles mortes’’ của Jacques Prevert mà chúng ta hãy ôn lại để thưởng lãm phần nào sự gặp gỡ mầu nhiệm giữa Đông và Tây :

Les Feuilles Mortes
Jacques Prevert

Oh ! je voudrais tant que tu te souviennes
des jours heureux òu nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brủlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle...
Tu vois je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les emporte
dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois je n’ai pas oublié
la chanson que tu me chantais.

C’est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m’aimais
et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m’aimais
et que j’aimais
Mai la vie sépare ceux qui s’aiment
tout doucement
sans faire de bruit
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis
Và đây là bải dịch thơ rất tài tình của thi-sĩ Văn Bá, tức là Bác-sĩ Nguyễn Văn Bá ở Paris-Montreuil, đã có nhã ý thoát dịch và tặng chúng tôi, nay tôi xin tặng lại nhà thơ Việt Dương Nhân và quí vị độc giả :

Lá Rụng
Văn Bá dịch thoát
Thân tặng HG Thái Văn Kiểm

Hồi tưởng lại ngày vui thuở trước
Đôi chúng ta hạnh phước bên nhau
Mùa vàng thưở ấy xinh như mộng
Nắng sớm lên mau sưởi ấm lòng.
Lá vàng anh nhớ rụng đầy sân
Ta quét ta gom biết mấy lần
Kỷ niệm hận tình, âu cũng thế
Đêm đông gió bấc cuốn xa dần.

Làm sao quên được giọng em ca
Khi trầm khi bổng lúc ngân nga
Em đem tâm sự vào câu hát
Em hát tình tan mắt lệ nhòa.
Đôi lứa uyên ương
Tình sâu nghĩa nặng
Con tạo trớ trêu
Chia rẽ đôi đường
Không kèn không trống
Không một tiếng vang
Rồi hải triều lên
Xóa mờ vết chân
Của cặp tình nhân
Lứa duyên lỡ làng.
4-) Đa số thơ của Việt Dương Nhân đượm mùi Thiền, vì VDN là một Phật Tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý Nhà Phật xuyên qua : Tam-Bảo (Phật-Pháp-Tăng), Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn, Lục Căn (AYATANA) và Sắc Sắc Không Không... Chúng tôi xin trích dẫn hai bài tiêu biểu, một bài nhan đề ‘’Cảm Thơ Nguyễn Thị Vinh’’, vốn trong Tự Lực Văn Đoàn thời Tiền Chiến, và bài ‘’Tán Dương Bát Nhã Tâm Kinh’’, để chúng ta cùng thưởng lãm :

Cảm Thơ Nguyễn Thị Vinh
"Nhìn kẻ ác chịu tội
Sao tôi cũng thấy thương’"

Em đọc thơ của chị
Thoang thoảng tỏa mùi hương
Lấn áp hết sân si
Quên năm tháng ''đoạn trường''

(Gia tự Diệu Thi, nửa đêm 26-02-1999)

Bát Nhã Tâm Kinh

''Tâm Kinh Bát Nhã'' nghe nhẹ người
Thoảng hương huyền diệu tỏa khắp nơi
Đã trong bể khổ từ bao kiếp,
Bỗng trở thành vui với cuộc đời.
(Gia tự Diệu Thi, 3 tháng 3 năm 1999
đêm trăng tròn 16 tháng giêng năm Kỷ Mão)

Giáo lý nhà Phật, xét qua những điểm chính đã nêu trên, thường xuyên dạy chúng ta rằng cuộc đời ngụp lặn với Tham Sân Si, rốt cuộc rồi trở về với ‘''Cát Bụi'', là tên của Thi-tập mà chúng ta đang có trong tay và để xem kỹ.
Quan niệm trở về với Tro bùn và Cát Bụi cũng tương tợ với Triết lý Tây Phương qua câu ngạn ngữ La-Tinh :

"Memento ; homo, quia, pulvis es et in pulverem reverteris"
Dịch ra Pháp ngữ là :

''Souviens-toi, homme, que tu es poussière et que tu retourneras en poussière''.
5-) Cái điểm chót mà chúng tôi muốn nêu ra đây, lúc bàn luận về Thi-ca của Caroline Việt Dương Nhân là : Tuy nhà thơ bị chịu đựng nhiều nỗi khổ đau, suốt nhiều quảng đường dài, từ Quốc nội ra tới Hải ngoại, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của Giáo lý Diệt Dục và Sắc Sắc Không Không, Việt Dương Nhân ngày nay đã xuống tóc để tẩy rửa bớt đi phần nào của cuộc đời trầm luân khổ ải, vì còn nặng nợ với gia đình và xã-hội, với đất nước Việt Nam. Và VDN có thêm một tấm lòng biết ơn Dân tộc Pháp, đã niềm nở mở rộng đôi cánh tay nhân hậu mà đón tiếp đa số Cộng-Đồng Việt-Nam Hải-Ngoại. Quên sao được ? Do đó mới có bài thơ nhan đề : ‘’Tạ Ơn Người’’, để dâng lên Tổng Thống Jacques CHIRAC với chí thành thông Thánh và tâm thành thông Thiên :

Tạ Ơn Người

Dệt mấy vần thơ tạ ơn Người
Dân Việt của tôi khổ nhiều rồi
Lòng này ghi mãi ơn Dân Pháp
Sống được Tự Do thật tuyệt vời.
Giờ đây, đã đến lúc ngưng bút, đúng giờ Ngọ ngày 16 tháng 8 năm 1999 (Kỷ Mão), để chuẩn bị đi công tác các Thị Xã Cahors, Gourdon, và Brive-La-Gaillarde, vùng Lot et Dordogne, nhằm mục đích tham dự Đại Hội Pháp Thoại Quốc Tế, kỳ IX, vào hạ tuần tháng này (IXèmes Rencontres Internationales Francophones) được đặt dưới quyền chủ tọa danh dự đích thực của Quận Vương Đan Mạch Henri De MONPEZAT và sự bảo trợ danh dự của Chủ Tịch Quốc Tế Pháp Thoại Boutros BOUTROS GHALI, nguyên Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc.

Nhằm đánh dấu những cuộc mạn đàm Văn thơ và Nghệ Thuật với nhà thơ Việt Dương Nhân, chúng tôi hoan hỉ gởi tặng các bạn yêu thơ một bài mang tên ‘’La Barque de ma vie’’ (Con Thuyền Bát Nhã đời ta ) của Thi-Bá Rabindranath TAGORE của Ấn Độ và Nhân Loại, đã được dịch ra thơ Việt, để quí Vị nhàn lãm :

La Barque de ma vie
Rabindranath Tagore
(Prix Nobel 1913)

Le nuage m’a *** : je m’évanouis
Et la nuit plonge dans l’aurore ardente.
La douleur m’a *** : je demeure
Et le silence est profond comme
l’empreinte de ses pas.

Je meurs dans la plénitude,
A répondu ma vie.
La terre m’a *** : mes lumières
baisent tes pensées à ton heure.
Les jours passent, m’a *** l’Amour,
Mais je t’attends
Et la Mort je conduis la barque
De ta vie à travers la mer.
(Gitajali : Offrande Lyrique et Corbeille de Fruits)

Thuyền Đời Ta
(La Barque de ma vie)
Tiến sĩ Thái Văn Kiểm dịch

Mây than thở: Ta ngất ngây đêm tối,
Ta chìm vào rực rỡ ánh chiêu dương.
Niềm đau thương thỏ thẻ : ta còn đây,
Thầm lặng sâu như dấu chân thục nữ.
Và triền miên cuộc sống cứ vang lên:
Ta ngất lịm trong tràn đầy thỏa mãn.
Địa cầu reo: vạn thuở vẫn huy hoàng,
Bao tư tưởng hào quang đều vương vấn:
Thần Yêu Đương lại cùng ta tâm sự:
Ngày trôi qua nhưng ta vẫn đợi chờ.
Rồi Tử Thần đến, thiết tha nhắn nhủ:
Thuyền đời ta sẽ vượt sóng đại dương.

Hàn Lâm - Hương Giang - Thái Văn Kiểm
(Paris, ngày 16 tháng 8 năm 1999 ‘’giờ Ngọ Kỷ Mão’’
Nguyệt
#20 Posted : Thursday, September 20, 2007 3:18:14 AM(UTC)
Nguyệt

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 123
Points: 0



Trang nhà >> http://www.vothutinh.net/
Giáo Sư Võ Thu Tịnh
Cảm nghĩ về tác phẩm
''Bốn Phương Chìm Nổi''
của Việt Dương Nhân

Chưa lúc nào phụ nữ chúng ta làm thơ nhiều bằng thời điểm nầy. Âu đó cũng là một hiện tượng văn hóa xã hội không khó hiểu cho lắm. Đà xuất phát ra hiện tượng nầy bắt nguồn từ những bà mẹ, bà chị ngàn năm xưa đã từng ứng tác bao nhiêu câu hò tiếng hát để đưa dìu ru trẻ em vào những giấc mộng ngây thơ. Từ những cô gái nông thôn, không biết đọc biết viết, cũng không hề học qua niêm luật bằng trắc thi ca nào, mà đã ứng tác ra bao nhiêu câu thơ trữ tình bất hủ để trao đổi những mối ‘tình trong giây phút mà thành thiên thu’ !
Nhưng cái men khuấy động của thời điểm hiện nay là những biến động lịch sử của nước nhà : Chiến tranh huynh đệ tương tàn, vợ chồng sinh ly tử biệt, gia đình kẻ mất người còn, tù ngục đọa đày thảm sát...Mà phụ nữ là nạn nhân chính, lại vừa có tâm hồn nhạy cảm hơn cả, cho nên từ ngàn xưa các bà, các cô đã từng than lên :

Chim xanh ăn trái xoài xanh,
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da.
Cực tấm lòng em phải nói ra,
Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn.
Phụ nữ ta đã đua nhau ''nói ra những nỗi cực lòng'' của dân tộc Việt Nam hiện nay : Từ thất vọng nầy đến thất vọng khác ! Những kẻ mà dân gian đã tin cậy, mong chờ nhất, rốt cuộc cũng chỉ là ‘đồ tàn, xế’, như trăng trái tiết, như hoa cuối mùa mà thôi ! ‘Cực lòng nên phải nói ra’ vốn là nguồn gốc thi ca. Nhưng căn bản phải là lòng thành khẩn thiết tha. Chúng ta đã chán ngán với bao tuồng ''thương vay khóc mướn...''
Cảm nghĩ của tôi khi đọc xong tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi là tác giả tỏ ra chân thật, khắng khít với ‘nỗi cực lòng’ của dân tộc, của nhân sinh, của chính bản thân đang là nạn nhân của định mệnh. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho ta lưu ý đến. Còn hơn bao thái độ thờ ơ với vận mệnh đất nước, lãnh đạm với những nỗi cơ hàn khốn khổ của đồng bào ! Nói gì đến những tay bồi bút, dùng văn thơ để bán rẻ đất nước giống nòi.
Tác phẩm của Việt Dương Nhân có diển đạt được tình ý bằng ngôn ngữ theo chức năng thẩm mỹ thi ca không ?
Nhưng riêng tôi vẫn thấy thích những câu :

Nếu... gió thổi không mây, sao biết gió ?
Nếu... là mây không gió, mây nào bay ?
Nếu... cạn tình, sao tim còn rung động ?
Nếu... không hình, ai in bóng bên song ?
(Nếu...)

Bây giờ còn mộng với mơ,
Dệt lên được mấy vần thơ cuối đời... !
(Hoa trong cát bụi)

Võ Thu Tịnh
Paris, Tết Mậu Dần 1998
Users browsing this topic
Guest
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.