Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<2021222324>
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#421 Posted : Tuesday, October 8, 2019 12:41:56 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Paris : Nhà hát Châtelet mở cửa trở lại

Tuấn Thảo - RFI - ngày 07-10-2019


Nhà hát Châtelet (Théâtre du Châtelet) được xây cất vào năm 1862
Tuấn Thảo / RFI

Sau hơn hai năm đóng cửa trùng tu, nhà hát Châtelet vừa được khai trương trở lại, tiếp đón khán giả vào đầu mùa thu năm 2019. Chi phí công trình sửa chữa lên tới hơn 30 triệu euro, phần lớn do Tòa đô chính Paris đảm nhận, phần còn lại nhờ vào sự tài trợ của tập đoàn khách sạn Accor.

Trong giai đoạn cuối cùng của quá trình trùng tu, toàn bộ hệ thống điện cũng như các kỹ thuật sân khấu mới đã được lắp đặt lại. Sân khấu chính, phòng diễn tập hay trong hậu trường, các hệ thống chữa cháy, lò sưởi hay thông gió đã được làm lại đúng theo tiêu chuẩn an toàn thời nay. Nhà hát Châtelet được tân trang bên trong cũng như bên ngoài.

Các bức tượng thiên thần bằng đồng được dựng lại ở trên nóc nhà hát. Còn 4 bức tượng bằng đá trắng nguyên là 4 môn nghệ thuật được nhân cách hoá, đã từng biến mất vào đầu thế kỷ 20, cũng được khôi phục. Dựa vào những bức ảnh chụp lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp, các nhà điêu khác đã tạc lại 4 bức tượng y hệt như thời nhà hát vừa được xây cất. Bốn pho tượng này là hiện thân của Nghệ thuật Múa, Âm Nhạc, Chính Kịch và Hài Kịch được dựng ngay ở mặt tiền nhà hát.


Pho tượng thiên thần được dựng trên nóc nhà hát. Còn mặt tiền có 4 tượng đá tượng trưng cho nghệ thuật Múa, Âm Nhạc, Chính Kịch và Hài Kịch
Tuấn Thảo / RFI

Trong hội trường với 2.000 chỗ ngồi và sân khấu lớn, trần nhà bằng kính chiếu sáng từ bên trong cũng như các chùm đèn thủy tinh, tất cả đã được tân trang, theo đúng phong cách thời Đệ Nhị Đế chế (Second Empire) dưới triều đại Napoléon Đệ Tam. Theo trưởng ban đặc trách công trình trùng tru, các kiến trúc sư đã muốn khôi phục lại phong cách tân cổ điển thế kỷ 19, khá đơn giản khi thoạt nhìn từ phía ngoài, nhưng nhiều chi tiết tỉ mỉ hoành tráng ở bên trong. Tóm lại, công trình sửa chữa đã khôi phục lại nét lộng lẫy rực rỡ của nhà hát Châtelet, rất gần với những gì họ đã thấy qua các tài liệu lưu trữ có từ thời nhà hát này mở cửa vào giữa thế kỷ 19.


Được hoàn tất vào năm 1862, Nhà hát Châtelet (Théâtre du Châtelet) đã ra đời cùng lúc với Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville). Hoàng đế Napoleon Đệ Tam đã quyết định xây dựng hai nhà hát này để làm giảm nỗi bất bình của người dân Paris thời bấy giờ. Trong quá trình quy hoạch đô thị nhằm hiện đại hóa ‘‘Kinh đô Ánh sáng’’, nam tước Haussmann đã cho san bằng bảy nhà hát nhỏ nằm dọc đường Boulevard du Temple. Vào mùa xuân năm 1862, Théâtre du Châtelet đã được khánh thành với sự hiện diện của Hoàng hậu Eugénie, vợ của hoàng đế Napoléon III. Thuộc quyền sở hữu của Thành phố Paris, nhà hát Châtelet sau đó đã được đưa vào danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1991.

Nhà hát Châtelet được xây cất cùng lúc với Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville), thời hoàng đế Napoleon Đệ Tam

Trái với các sân khấu khác ở thủ đô Paris, nhà hát Châtelet được điều khiển bởi một êkíp chứ không phải là một giám đốc duy nhất. Hai đồng giám đốc Ruth Mackenzie (người Anh) từng điều khiển liên hoan Holland Festival và Thomas Lauriot dit Prevost (người gốc Bỉ) từng là giám đốc Théâtre de la Monnaie ở Bruxelles, cùng đặt mục tiêu mở rộng các bộ môn nghệ thuật hầu phổ biến rộng rãi hơn đối với những thành phần (nhất là giới trẻ) vẫn còn xem kịch opéra hay múa ballet là những hình thức nghệ thuật nặng tính ‘‘hàn lâm’’.

Kể từ ngày được khai trương vào mùa thu 2019 cho tới mùa hè năm 2020, ban giám đốc bán 10.000 vé với giá 10€ cho giới trẻ dưới 25 tuổi. Bên cạnh đó, có 1.000 vé miễn phí sẽ đưựoc tặng cho các hiệp hội hay trường học có nhu cầu nhưng không có đủ phương tiện tài chính. Sáng kiến này do hiệp hội Robins des Bois đề xướng, chủ yếu để thu hút thêm giới trẻ, ngoài việc đi xem biểu diễn, họ còn được khuyến khích gia nhập các xưởng sáng tác nghệ thuật, phát huy năng khiếu qua việc tham gia vào quá trình sáng tạo.


Nhà hát Châtelet là nơi trao César, giải thưởng điện ảnh hàng năm của Pháp
REUTERS/Charles Platiau

Mục tiêu của ban giám đốc là tìm thế cân bằng trong việc giới thiệu các tài năng Pháp cũng như đến từ nước ngoài. Trong thời gian đầu, nhà hát chủ yếu chọn những tác phẩm đã từng thành công trên sân khấu này như vở múa đương đại của William Forsythe “A Quiet Evening of Dance” từng được giới phê bình tán thưởng tại Liên hoan Nghệ thuật múa Montpellier, nghệ sĩ Abd el Malik giới thiệu vở kịch “Les Justes” của văn hào Albert Camus, hay là vở nhạc kịch lừng danh Broadway “An American in Paris” (Một người Mỹ ở Paris) từng được biểu diễn tại Châtelet, nay chuẩn bị trở lại trên cùng một sân khấu ……

Trong cách dựng chương trình biểu diễn cho mùa 2019-2020, ban giám đốc thời nay đã muốn cho thấy họ vẫn trung thành với tính cách đa nghệ thuật của nhà hát Châtelet. Kể từ khi được xây dựng, Châtelet đã không bị ‘‘đóng khung’’ trong một hình thức biểu diễn. Nhiều vở kịch của các tác giả nổi tiếng như La Reine Margot của Alexandre Dumas, Germinal của Émile Zola hay Le Bossu của Paul Féval đã được dựng trên sân khấu nhà hát.

Chi phí công trình sửa chữa nhà hát Châtelet lên tới 30 triệu euro

Đầu thế kỷ 20, nhà hát Châtelet đã giới thiệu với công chúng Pháp các tác phẩm của những nhạc sĩ đương thời như Georges Bizet, Camille Saint-Saëns, Jules Massenet, Maurice Ravel …. cũng như những nhà soạn nhạc cổ điển thời trước như Mendelssohn, Wagner, Liszt, Schumann, Brahms .... Ngoài là sân khấu yêu chuộng nhất của các đoàn múa ballet Nga, nhà hát này cũng đã từng gây scandal qua các tác phẩm táo bạo như “Le Martyre de Saint-Sébastien” của Gabriele D'Annunzio và Claude Debussy, hay là “Parade” của Jean Cocteau và Erik Satie. Cũng chính với một phiên bản mới của tác phẩm này, nhà hát Châtelet đã được khai trương trở lại.

Về phía ca nhạc, nhà hát Châltelet từng tiếp đón nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như diva quá cố người Mỹ Jessye Norman, đã nhiều lần dưng chân tại Paris trong các vòng lưu diễn châu Âu của bà. Ngoài ra còn có hai đợt biểu diễn để đời của Barbara vào năm 1987 và 1993. Hình ảnh của phu nhân tóc huyền ngồi đàn trên sân khấu Châtelet từ đó đi vào lòng người mến mộ.
viethoaiphuong
#422 Posted : Sunday, October 13, 2019 12:54:45 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2019

Vĩnh biệt ‘‘Hoàng tử nhạc tình’’ José José


José José có tên trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 2004 Lucy Nicholson / Reuters

Được mệnh danh là Vị hoàng tử của dòng nhạc trữ tình, nam ca sĩ người Mêhicô José José là một trong những giọng ca lẫy lừng nhất châu Mỹ La Tinh. Theo nguồn tin từ phía gia đình, ông qua đời hôm 29/09/2019 vì bệnh ung thư, hưởng thọ 71 tuổi tại một bệnh viện bang Florida, Hoa Kỳ.

Lúc ông còn sống, giới hâm mộ từng xây dựng một tượng đài ở công viên Claveria, nơi ông từng sinh ra, để vinh danh nam ca sĩ. Điều đó đủ cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như vị trí của José José trong làng nhạc La Tinh. Khi biết tin ông vừa qua đời, hàng trăm người dân thủ đô Mexico đã tụ tập về đây để cầu nguyện và đốt nến tưởng niệm.

Sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ, José José (1948-2019) từ nhỏ đã thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của song thân. Bố ông (José Sosa Esquivel) là một giọng ca tenor nổi tiếng làng kịch opéra, còn mẹ ông (Margarita Ortiz) là nghệ sĩ dương cầm cổ điển. Từ nhỏ ông học hát và học đàn ghi ta. Cùng với hai người bạn (Paco Ortiz, Alfredo Benítez), ông thành lập ban nhạc trẻ đầu tiên năm ông 15 tuổi (1963). Điều mà gia đình ông không hề tán đồng, do ở nhà bố mẹ ông chỉ nghe dòng nhạc hàn lâm, các nghệ sĩ cổ điển.

José José chính thức vào nghề ca sĩ năm 17 tuổi, qua việc ghi âm đĩa đơn đầu tay (năm 1965) với hãng đĩa Orfeón. Tuy ghi âm lại các bài phóng tác của nhạc phẩm Il Mondo (Thế giới) của Jimmy Fontana và Ma Vie (Đời tôi) của Alain Barrière, nhưng ông lại gặp thất bại... Dù vậy, José José vẫn không thất vọng nản chí và ông phát hành album đầu tiên vào năm 1969, với những bản bolero và những tình khúc lãng mạn hòa quyện với một chút ảnh hưởng của nhạc jazz và bossa nova.

Ngay từ album đầu tay, ông đã lấy nghệ danh José José, chữ José đầu tiên là tên thật của ông và chữ José thứ nhì, là để tưởng niệm thân phụ của ông đã qua đời một năm trước đó (vào năm 1968) vì chứng nghiện rượu. Album này đánh dấu thành công bước đầu trong sự nghiệp ca hát của ông. Bản nhạc La Nave del Olvido (Con thuyền quên lãng) của Dino Ramos, tác giả người Argentina giúp cho ông thành danh trong làng nhạc Mêhicô.

Thành danh nhờ Liên hoan Ca khúc La Tinh

Đúng một năm sau, vào mùa xuân năm 1970, ông đại diện cho Mêhicô tại Liên hoan Ca khúc La Tinh (Festival de la Canción Latina) với tình khúc El Triste do nhạc sĩ Roberto Cantoral sáng tác. Cho dù ông chỉ đứng hạng ba sau các thí sinh đại diện cho Brazil và Venezuela, nhưng giới phê bình cũng như công chúng đều tán thưởng lối diễn đạt xuất thần của ông.

Do liên hoan này được phát sóng qua truyền hình vệ tinh, nhạc phẩm El Triste là ca khúc đầu tiên của José José thành công trên thị trường quốc tế, điều đó mở đường cho ông lưu diễn Nam Mỹ. Còn bài hát El triste được xuất bản tại Châu Âu, Brazil, Israel và Nhật Bản.

Kể từ đầu những năm 1970 trở đi và trong hơn hai thập niên liền, José José trở thành một trong những ca sĩ chuyên hát tình ca nổi tiếng nhất ở châu Mỹ Latinh, không ngại sự cạnh tranh với các ca sĩ hàng đầu khác chuyên hát tiếng Tây Ban Nha như Julio Iglesias, Nino Bravo, Danny Rivera hay là Camilo Sesto. Trong giai đoạn thành công rực rỡ nhất, José José đã biểu diễn trên những sân khấu có nhiều uy tín như Madison Square Garden, Radio City Music Hall hay là nhà hát lớn tại sòng bạc The Dunes ở Las Vegas.

Hầu như năm nào ông cũng đều có ghi âm những bài hát lập kỷ lục số bán, trong số này có những bài như Del Altar A La Tumba, De Pueblo ở Pueblo, Cuando Tu Me quieras, Dejame Conocerte (phiên bản tiếng Tây Ban Nha của Paul Anka), El Amar y El Querer, Gavilán o Paloma, El Amor Acaba, No Me Platiques Mas, Piel De Azucar và nhất là nhạc phẩm El Principe, bởi vì từ bài hát này mà ông được giới hâm mộ đặt cho biệt danh "El Príncipe de La Canción" (Hoàng tử Ca Nhạc).

José José hát nhạc tình như một người viết nhật ký hay tự truyện. Tiêu biểu nhất là những bài như El Triste hay là Mi Vida (của tác giả Rafael Pérez Botija, nhà soạn nhạc này đã tặng cho ông rất nhiều bài hát ăn khách). Nhân vật trong ca khúc thường hay khóc thương cho số phận của chính mình, ông mượn giai điệu để kể lể bao tâm tư nỗi niềm, những uẩn khúc làm con tim ray rứt nỉ non, cho tâm hồn chút than vãn ai oán. Có lẽ cũng vì thế những bài hát của ông lại trở nên gần gũi, thậm chí là một niềm an ủi đối với những kẻ tuyệt vọng, thất tình.

Những khúc nhạc tình cực kỳ lãng mạn, ca từ trau chuốt nhờ những tác giả hàng đầu, những yếu tố ấy hòa quyện với chất giọng mượt trầm giúp cho José José trở thành vị tinh tú sáng chói nhất trên một vòm trời đầy sao. Trong nửa thế kỷ sự nghiệp, José José đã bán được hơn 120 triệu đĩa hát, đoạt hai giải Grammy La Tinh cùng với nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác.

Trong giai đoạn huy hoàng nhất từ thập niên 1970 đến 1990, ông đã liên tục phát hành những bài hát ăn khách với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sự thành công vượt bực nhanh chóng, các đợt biểu diễn liên tục theo hợp đồng, cái vòng lẩn quẩn của tiền tài danh vọng, tất cả những áp lực đó đã khiến cho José José lâm vào chứng nghiện rượu giống như thân phụ của ông. Với sự giúp đỡ của gia đình, ông đã nhiều lần cai nghiện, sau một thời gian tưởng chừng phục hồi, nhưng cuối cùng vẫn bị vấp ngã trở lại.

Mis Duetos tuyển tập các bài bolero xuất sắc

Do chứng nghiện rượu, sức khỏe của José José bắt đầu suy yếu từ đầu những năm 1990. Ông bắt đầu bớt lưu diễn vì không còn đủ phong độ để hát như trước đây. Điều này ảnh hưởng tới nguồn thu nhập tài chính và cũng từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề trong gia đình. José José có nhắc đến điều này khi đóng vai chính trong bộ phim Perdoname Todo (Hãy tha thứ tất cả cho anh), nói về một người đàn ông đánh mất tất cả, tán gia bại sản cũng vì chứng nghiện rượu.

Vào năm 2001, ông ghi âm album studio cuối cùng của mình, tập nhạc Tenampa gặp thất bại do không được giới phê bình lẫn công chúng hưởng ứng. Giọng hát của José José càng lúc càng trầm nhưng không còn được mượt mà như trước. Đĩa hát cuối cùng của ông là tuyển tập Mis Duetos tập hợp nhiều bản song ca trong đời với những nghệ sĩ trẻ ăn khách nhất làng nhạc, từ những năm 1990 cho đến hiện thời.

Trái với những giọng ca ‘‘Latin Lover’’ cùng thời, thường hát đi hát lại những bản tình ca quen thuộc, José José đã xây dựng hẳn một bộ vựng tập gồm toàn là những ca khúc mới và nay đã trở thành những giai điệu quen thuộc, để đời. Ông đã giúp cách tân dòng nhạc bolero qua việc phối hợp thêm với nhạc jazz và bossa nova, đồng thời cách ngắt câu vuốt chữ của ông cũng ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ sau này. Ngày giọng ca Hoàng tử vĩnh biệt cõi tình cũng là lúc ông đi vào huyền thoại của dòng nhạc La Tinh.


viethoaiphuong
#423 Posted : Tuesday, October 15, 2019 12:47:53 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuyên truyền ‘‘đường lưỡi bò’’: Phim Mỹ - Trung liên doanh bị cấm tại Việt Nam


Trọng Thành - RFI - ngày 14-10-2019

Một bộ phim hoạt hình bị cấm tại Việt Nam, do quảng bá cho ‘‘đường 9 đoạn’’ (thường gọi là ‘‘đường lưỡi bò’’), đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Phim do một công ty Mỹ và một công ty Trung Quốc phối hợp sản xuất.

Theo AFP, phim "Abominable" (tựa Việt là "Everest: Người Tuyết bé nhỏ’’) đã bị cơ quan văn hóa Việt Nam ra lệnh đình chỉ phát hành hôm qua, 13/10. Bộ phim được công chiếu từ ngày 4/10/2019.

Thoạt nhìn, đây là một bộ phim đầy vẻ lãng mạn : Phim kể về hành trình của cô bé tên Yi cứu người tuyết, đưa trở về quê hương trên đỉnh Everest, Hy Mã Lạp Sơn. Tuy nhiên, trước khi phim bị cấm, trên mạng xã hội lan truyền các hình ảnh về sự hiện diện của ‘‘đường lưỡi bò’’, bị dân mạng cực lực lên án.

Trả lời báo chí trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Hà - quyền cục trưởng cục Điện Ảnh - cho biết đã tiếp nhận thông tin này và thông báo sẽ kiểm tra lại quy trình phê duyệt phim.

"Everest: Người Tuyết bé nhỏ’’ do xưởng phim Mỹ DreamWorks và xưởng phim Trung Quốc Pearl Studio, có trụ sở tại Thượng Hải, phối hợp sản xuất.

Bộ phim vừa bị phát hiện có ‘‘đường lưỡi bò’’ nói trên ra mắt trong bối cảnh Trung Quốc liên tục đưa tàu hoạt động khảo sát tại nhiều nơi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, viện lý do đây là các khu vực nằm trong vùng Trung Quốc có chủ quyền.

Tháng 6/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh phản đối phán quyết và thường xuyên có các biện pháp, đặc biệt về mặt văn hóa, nhằm tuyên truyền cho yêu sách bị bác bỏ này. Bộ phim "Everest: Người Tuyết bé nhỏ’’ là trường hợp bị phát hiện mới nhất.

viethoaiphuong
#424 Posted : Saturday, October 19, 2019 1:00:24 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2019

Bộ toàn tập Sacha Distel được tái bản


Sacha Distel xuất hiện lần cuối trong vở nhạc kịch Chicago, 09/2000(c) Reuters / Thomson

Mùa hè năm 2019 đánh dấu ngày tái bản bộ toàn tập của Sacha Distel, bao gồm hơn 100 ca khúc ghi âm trên 4 cuộn CD. Bộ đĩa này bổ sung cho tuyển tập đàn ghi ta (chủ yếu là nhạc hoà tấu không lời). Điều đó cho thấy trước khi trở thành một giọng ca crooner ăn khách, Sacha Distel từng nổi tiếng là một tay đàn nhạc jazz.

Bộ toàn tập Sacha Distel (1957-2003) được phát hành nhân 15 năm ngày giỗ của nam danh ca người Pháp. Vào mùa hè năm 2004, ông đã qua đời vì bệnh ung thư (71 tuổi), để lại một di sản âm nhạc khá đồ sộ, với hơn 100 album đủ loại và hàng ngàn giờ thu hình do sinh thời ông cũng nổi tiếng nhờ cái tài giới thiệu và dẫn chương trình ca nhạc. Chỉ riêng trong thể loại nhạc jazz, ông đã ghi âm hơn 30 tập nhạc với khá nhiều tên tuổi lớn như Lionel Hampton (Crazy Rhythm 1955), Bobby Jaspar (Modern Jazz Quartet at the Saint Germain’s club 1956), John Lewis (Bags' Groove 1957), ông cũng từng biểu diễn với Stan Getz, Lester Young, tác giả ruột của Billie Holiday .....

Trong vòng 6 năm liền, từ năm 1956 đến 1962, tạp chí chuyên ngành “Jazz Hot” đã bình chọn Sacha Distel làm nghệ sĩ nhạc jazz cừ khôi nhất nước Pháp. Năm 1961, ông sáng tác khúc nhạc nền cho bộ phim của Roger Vadim. Giai điệu này sau đó trở thành một trong những bản nhạc jazz kinh điển The Good Life (La Belle Vie) qua các giọng ca của Tony Bennett hay Dionne Warwick.

Sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ, mẹ của ông là nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, còn cậu ruột là nhạc trưởng Ray Ventura, chuyên điều khiển dàn nhạc nổi tiếng cùng tên. Thời niên thiếu, Sacha Distel học đàn ghi ta với nghệ sĩ Henri Salvador. Hai thầy trò giống nhau ở một điểm : họ có thể đánh đàn nghiêm túc, chơi những bản nhạc jazz khó nhất, nhưng khi hát họ lại chọn những giai điệu cực kỳ dễ nhớ, với phong cách hài hước, thích pha trò dí dõm vui nhộn. Trong quyển hồi ký phát hành vài năm trước ngày ông mất, Sacha Distel cho biết ông đã chọn hẳn nghề ca hát sau khi được nghe các bản ghi âm của Frank Sinatra tại nhà của Henri Salvador. Sacha Distel bắt đầu đi hát và ghi âm nhạc nhẹ từ năm 1957 cho tới album cuối cùng phát hành vào năm 2003.

Thành danh tại Pháp từ cuối những năm 1950, Sacha Distel có hẳn một chương trình ca nhạc mang tên ông (Sacha Show) trong gần một thập niên từ năm 1962 đến cuối năm 1971 (đồng sản xuất với hai vợ chồng Maritie và Gilbert Carpentier). Ngoài việc dẫn chương trình, Sacha Distel còn thường song ca những bài hát quen thuộc với các vị khách mời cũng là những nghệ sĩ tên tuổi. Vào thời bấy giờ, ít có nghệ sĩ Pháp nào đa tài như Sacha Distel. Ngoại trừ lãnh vực điện ảnh (có thử sức nhưng không thành công) ông hầu như chinh phục được hết làng giải trí, từ phòng thu thanh cho đến sân khấu nhà hát, cũng như trên màn ảnh truyền hình.

Tương tự như trường hợp của Frank Sinatra, một thần tượng mà ông hằng ngưỡng mộ, Sacha Distel trở thành một nghệ sĩ đa năng, theo kiểu Anh Mỹ (entertainer) nhờ có nhiều sở trường biểu diễn trên sân khấu. Người Pháp chủ yếu biết đến Sacha Distel qua các bài ca vui nhộn, còn người Anh thì khám phá giọng hát này như một french crooner, chuyên hát nhạc trữ tình.

Từ đầu những năm 1970, nước Anh đã mở rộng vòng tay tiếp đón nam danh ca người Pháp. Nhờ nói thạo tiếng Anh, ông thường được mời biểu diễn trong các show truyền hình tại Anh quốc. Ông đặc biệt thành công với phiên bản ‘‘Raindrops keep fallin' on my Head’’ của tác giả Burt Bacharach (tựa tiếng Pháp là ‘‘Toute la pluie tombe sur moi’’ 1970). Hai người quen thân với nhau từ khi tác giả Burt Bacharach mới vào nghề và là nhạc sĩ piano chuyên đệm đàn cho ngôi sao màn bạc Marlene Dietrich.

Nổi tiếng là một giọng ca đào hoa, xuất hiện bên cạnh những người đàn bà đẹp nhất thế giới, Sacha Distel từng là tình nhân của thần tượng điện ảnh Brigitte Bardot, họ cùng ghi âm vào năm 1973 nhạc phẩm ‘‘Le Soleil de Ma vie’’ (The Sunshine of my Life, nguyên tác của Stevie Wonder), Sacha Distel từ giữa những năm 1970 trở đi chủ yếu hát nhạc nhẹ tiếng Pháp, cũng như phóng tác các bản tình ca ăn khách của Anh Mỹ, trong đó có các nhạc phẩm của The Carpenters, Dean Martin, Frank Sinatra hay Nat King Cole ….. Vầng hào quang của ông lu mờ từ cuối những năm 1980 trở đi. Sacha Distel ít còn xuất hiện ở Pháp, ông chủ yếu đi biểu diễn ở nước ngoài đặc biệt là Anh, Đức hay Argentina.

Sự nghiệp của Sacha Distel giống như một trò chơi ghép hình với rất nhiều mảnh rời rạc, không đồng đều. Bộ toàn tập (1957-2003) nhân 15 năm ngày giỗ của Sacha Distel, tập hợp về cùng một chỗ các bài hát ghi âm trong nhiều giai đoạn khác nhau. Điều đó giúp cho người nghe khám phá giọng ca này dưới nhiều góc độ mới. Ngoài danh hiệu crooner Pháp, ông còn đã góp phần phổ biến dòng nhạc bossa nova của Brazil qua các bản chuyển ngữ phóng tác.

Thành công trong làng nhạc nhẹ khiến cho tài năng sáng tác cũng như chơi nhạc jazz của Sacha Distel ít còn được công chúng quan tâm tới, trong khi ông lại là tác giả của một trong những bản nhạc jazz nổi tiếng nhất thế giới (La Belle Vie / The Good Life). Một giai điệu xinh tươi cho đời thêm tuyệt vời.
viethoaiphuong
#425 Posted : Wednesday, October 23, 2019 12:21:26 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thu Hằng - RFI - Thứ Sáu, ngày 01 tháng 7 năm 2016

70 ngày cuối đời của Van Gogh ở Auvers-sur-Oise, Pháp


"Phố ở Auvers-sur-Oise", một tác phẩm của Van Gogh.Wikipedia

Quãng đời 37 năm ngắn ngủi của Vincent Willem Van Gogh (1853-1890) có thể được miêu tả trong ba từ : nghèo khó, thất bại và tuyệt vọng. Khi còn sống, họa sĩ tài hoa không bán được một bức tranh nào. Chỉ vài ngày sau khi tác phẩm đầu tiên có người mua, Vincent Van Gogh qua đời.

Ngay từ nhỏ, Vincent là một đứa trẻ thất thường, có khiếu ngoại ngữ (nói được ba thứ tiếng Hà Lan, Anh, Pháp) và vô cùng mê hội họa. Đây là cách duy nhất giúp họa sĩ kìm hãm những xáo động trong lòng. Xuất thân trong một gia đình mục sư, Vincent Van Gogh ra đời cùng ngày và mang cùng tên người anh trai chết yểu ngay khi trào đời một năm trước.

Năm 16 tuổi, Vincent Van Gogh học nghề bán tranh cho chi nhánh Galerie nghệ thuật Goupil tại La Haye nhờ giới thiệu của một người chú, đồng thời là nhà đồng sáng lập chi nhánh của Galerie này tại Paris. Năm 1873, ông được cử sang làm việc tại Luân Đôn. Tại đây, chàng thanh niên thương thầm nhớ trộm cô con gái bà chủ nhà trọ, Ursula Loyer, song không được đáp lại.

Thất tình, Vincent chìm trong u uất, tỏ ra bí ẩn và chỉ thổ lộ trong những bức thư gửi về cho người em trai kém họa sĩ bốn tuổi, Theodorus (1857-1891). Théo, tên gọi thân mật của Theodorus, còn là người bạn tâm giao, người thường xuyên hỗ trợ họa sĩ cả về tinh thần lẫn vật chất trong suốt quãng đời ngắn ngủi.

Van Gogh chạy trốn thực tế phũ phàng trong một thời gian ngắn tại Paris trước khi quay lại Luân Đôn và dạy học ở khu phố lao động Isleworth. Thất bại đầu tiên đã khiến Van Gogh không còn tập trung vào công việc và ngày càng đi theo đức tin. Bị các ông chủ khiển trách, Vincent xin nghỉ việc vào tháng 04/1876 sau 7 năm làm nghề bán tranh. Van Gogh truyền đạo cho những người thợ mỏ ở Borinage (Bỉ). Thế nhưng, mong muốn này của Van Gogh lại bị giáo hội phản đối nên buộc phải ngừng việc truyền đạo chỉ một năm sau (1879).

Thêm một thất bại, Van Gogh lang thang cô độc, mất phương hướng cho đến khi hội họa thôi thúc nghệ sĩ từ bỏ việc truyền đức tin. Từ tháng 11/1879 đến tháng 02/1886 là quãng thời gian để Vincent Van Gogh tập trung vào con đường nghệ thuật mà nghệ sĩ đam mê từ nhỏ, từ tự học đến học chung với những người bạn họa sĩ hay học chính quy tại Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Hoàng Gia ở Anvers. Cũng vì tính cách đặc biệt, Van Gogh bỏ Viện Hàn Lâm sau hai tháng theo học vì chương trình quá gò bó với ông.

Phiêu lưu trong nắng vàng miền nam nước Pháp

Sau khi cha mất, tháng 02/1886, Vincent quyết định rời Bỉ đến Paris nơi người em trai Théo sinh sống. Tại đây, họa sĩ Hà Lan thường xuyên liên lạc với các họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp (Camille Pissaro, Paul Gauguin, Paul Signac). Ngoài ra, Emile Bernard và Henri de Toulouse-Lautrec cũng là những họa sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm của Van Gogh. Cả ba cùng tổ chức một triển lãm chung vào năm 1887, nhưng không ai bán được bức tranh nào. Họ hiểu rằng cơ hội chưa mỉm cười với họ.


Năm 1888, Vincent Van Gogh chuyển xuống thành phố Arles để vẽ những cánh đồng bát ngát chìm trong nắng vàng rực rỡ, đặc trưng của miền nam nước Pháp : Cây cầu Langlois, các bức họa Hoa hướng dương (Tournesols) và Le Jardin du Poète, khu vườn trên quảng trường Lamartine. Sống một mình trong cộng đồng người dân Arles luôn nghi ngờ người đàn ông ngoại quốc kỳ cục này, Van Gogh dần trở nên trầm cảm. Họa sĩ người Hà Lan quyết định mời Gauguin xuống Arles chơi và cùng làm việc. Gauguin đến ngày 23/10/1888. Nhưng chỉ hai tháng sau, tối ngày 23/12, giữa hai người xảy ra một cuộc tranh cãi căng thẳng do bất đồng về tính cách và cách nhìn nhận về nghệ thuật. Giận giữ và bột phát, Van Gogh tự tay cắt tai phải của mình. Hai bức tự họa là bằng chứng cho hành động này.

Được đưa vào bệnh viện, bác sĩ điều trị Félix Rey chuẩn đoán Vincent làm việc quá sức và bị động kinh. Cú sốc, hay lại thêm một thất bại, đã khiến Van Gogh rơi vào tình trạng ảo tưởng. Ông được điều trị nội trú tại Saint-Rémy-de-Provence nhưng vẫn được phép đi vẽ vào ban ngày. Thế nhưng, trước sức ép của người dân địa phương, Vincent bị chuyển sang nhà thương tư nhân Saint-Paul-de-Mausole và bị “giam lỏng” cùng với những bệnh nhân tâm thần thật. Ông hiểu rằng mình sẽ phát điên thật sự nếu còn ở lại miền nam nước Pháp.

Auvers-sur-Oise, nơi chấm dứt chuỗi đau khổ

Ngày 20/05/1890, Van Gogh chuyển đến đến ngôi làng Auvers-sur-Oise ở ngoại ô Paris và được bác sĩ Paul-Ferdinant Gachet chăm sóc, theo lời khuyên của họa sĩ Pissarro với người em trai Théo. Nhà trọ Auberge Ravoux, với giá thuê bèo bọt 3 franc 50 mỗi ngày, là nơi ở cuối cùng của họa sĩ.

Chị Marion André, hướng dẫn viên tại di tích Auberge Ravoux, kể lại những ngày cuối đời của Van Gogh :

« Van Gogh trọ ở phòng trọ số 5, dưới mái nhà của Nhà trọ Ravoux. Vì mê tín nên căn phòng trở thành « phòng của người tự tử » và chưa bao giờ được cho thuê lại. Trong căn phòng chưa đầy 7 m2, không còn gì để xem nhưng mọi người đều có thể cảm nhận được.

Tổng cộng thời gian Van Gogh lưu lại Auvers là 70 ngày. Họa sĩ chọn quán trọ Auvers vì có hàng cà phê nổi tiếng với giá bình dân và hơn nữa, ông chỉ cần một phòng để ngủ qua đêm. Chính vì vậy, căn phòng 7 m2 là đủ cho cách sống của Van Gogh. Vì ông là một người thích làm việc, rất chăm chỉ và vẽ ngoài trời từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Chính vì vậy, họa sĩ người Hà Lan ở rất ít trong căn phòng nhỏ này.

Căn phòng trọ này là nơi ở thứ 38 của họa sĩ trong vòng 37 năm. Van Gogh đi hết từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, từ nước này sang nước khác. Ông nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì vậy, các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Bỉ, Van Gogh đều đã đi qua và chưa một nước nào Van Gogh dừng chân lâu cả ».


Thực ra, nhà trọ Ravoux ở Auvers-sur-Oise cũng chỉ là một trạm dừng chân tạm thời để chữa bệnh. Nhưng trong suốt thế kỷ thứ XIX, Auvers-sur-Oise đã nổi tiếng trong giới họa sĩ là một vùng nông thôn đẹp như tranh, thơ mộng, êm đềm và chỉ cách Paris hơn 1 giờ đi xe lửa. Đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng sống tại đây như Daubigny cùng với bạn bè như Corot, Daumier. Sau đó là Cézanne, Pissaro là những họa sĩ theo trường phái trừu tượng.

« Đúng là chỉ sống tại Auvers-sur-Oise có 70 ngày, nhưng Van Gogh đã vẽ 80 bức tranh và khoảng 100 bức vẽ. Đây là một khối lượng tác phẩm rất quan trọng và đáng nể phục trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Cứ đến ngày chủ nhật, Van Gogh tới nhà bác sĩ Gachet ăn cơm. Họa sĩ vẽ khu vườn nhà bác sĩ, vẽ chân dung Maguerite, con gái của bác sĩ. Gia đình chủ nhà trọ Ravoux trở thành những người bạn thân thiết của họa sĩ và ông vẽ hai bức tranh cô con gái chủ nhà trọ.

Van Gogh qua đời trong căn phòng của mình lúc 1 giờ 30 ngày 29/07/1890 khi mới 37 tuổi. Cho đến giờ, người ta vẫn không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết là Van Gogh về nhà với một vết thương do đạn bắn trúng ngày 27/07. Họa sĩ trình báo với cảnh sát là ông vô tình bắn vào mình. Cuối cùng, ông đã không qua khỏi. Đám tang không được tổ chức theo nghi lễ tôn giáo. Chỉ có lễ truy điệu được tiến hành ngay tại nhà trọ sau đó linh cữu được quàn tại nghĩa trang địa phương ».

Théo để lại cho gia đình Ravoux các bức tranh của Van Gogh vẽ trong thời gian trọ ở đây, trong đó có hai bức chân dung cô con gái, và một số khác cho bác sĩ Gachet, để cảm ơn họ. Vài năm sau, gia đình Ravoux bán lại một số bức tranh của Van Gogh trong « Ngày dọn kho » (vide-grenier) chỉ với giá vài xu cho các họa sĩ Mỹ.

Trước khi rời miền nam Pháp, Van Gogh cũng tặng tranh chân dung vị bác sĩ đã điều trị ông. Sau này, người ta tìm thấy một bức tranh được dùng để bịt chuồng gà nhà bác sĩ, trong tình trạng gần như bị hỏng hoàn toàn, nhưng may mắn là đã được khôi phục. Trong suốt 37 năm, Van Gogh gần như là một họa sĩ vô danh, từng kí tên trên hơn 800 tác phẩm nhưng chỉ bán được một bức tranh duy nhất, “Vườn nho đỏ” (La Vigne Rouge), tại Bruxelles vào năm 1890.

Sáu tháng sau ngày Vincent mất, người em trai Théo, vì bị tổn thương và bệnh nặng, cũng qua đời tại Hà Lan. Năm 1914, Johanna, vợ của Théo, đã mang hài cốt của chồng đến an táng bên cạnh mộ Vincent ở Auvers-sur-Oise.


Mộ của Vincent Van Gogh và em trai Théo tại Auvers-sur-Oise.
RFI / Tiếng Việt

viethoaiphuong
#426 Posted : Thursday, October 24, 2019 12:08:55 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Triển lãm "Đức Phật, huyền thoại vàng son" ở Paris

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Tư, ngày 23 tháng 10 năm 2019


Triển lãm "Bouddha, la légende dorée" nhân 130 năm ngày thành lập Bảo tàng Guimet
159 tác phẩm đủ loại đề cao các giai đoạn hưng thịnh, rực rỡ nhất lịch sử Phật giáo
Tuấn Thảo / RFI

Cách đây đúng 130 năm, Viện bảo tàng Guimet đã được khánh thành tại Paris (năm 1889), theo nguyện vọng của ông Émile Guimet. Sau chuyến Đông du gần hai năm trời tại Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, nhà triệu phú người Pháp đã dành cho Phật giáo một vị trí quan trọng trong viện bảo tàng do chính ông thành lập.

Hơn một thế kỷ sau, Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet đã muốn đề cao tầm nhìn xa của nhà sáng lập Émile Guimet qua việc tổ chức từ đây cho tới đầu tháng 11 năm 2019 một cuộc triển lãm lớn về hành trình của Đức Phật nói riêng và sự lan tỏa của đạo Phật trên toàn châu Á nói chung. Cũng cần biết rằng, viện bảo tàng đầu tiên mang tên ông Guimet đã được thành lập nhiều năm trước đó tại thành phố Lyon, lúc bấy giờ là một viện bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Chỉ sau khi thực hiện chuyến Đông du (năm 1876), ông Guimet mới ý thức được tầm quan trọng hàng đầu của các nền văn minh cổ đại châu Á và nghệ thuật tôn giáo Đông phương, nhất là đạo Phật. Các nỗ lực tìm tòi nghiên cứu của ông vì thế cũng tập trung nhiều hơn vào châu Á, để rồi cho ra đời một trong những bộ sưu tập quý giá nhất trên thế giới


Từ bộ sưu tập phong phú với hơn 52.000 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, ban điều hành bảo tàng Guimet đã chọn lựa để trưng bày khoảng 160 tác phẩm đủ loại đến từ nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Hy Mã Lạp Sơn, Trung Á và khu vực Đông Nam Á ….. Cuộc triển lãm mang tựa đề ‘‘Bouddha, la légende dorée’’ (Đức Phật, huyền thoại vàng son), qua các tác phẩm nghệ thuật phản ánh phát triển của đạo Phật, với nhiều trường phái có truyền thống khác nhau chẳng hạn như Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim Cương thừa. Cuộc triển lãm qua hàng tựa cũng đề cao các giai đoạn hưng thịnh, rực rỡ nhất lịch sử tại các quốc gia từng gắn liền với Phật giáo. Về điểm này, ông Thierry Zéphir, trưởng ban tổ chức triển lãm tại bảo tàng Guimet cho biết thêm chi tiết :

Chúng tôi giới thiệu qua cuộc triển lãm này khoảng 2.000 năm nghệ thuật Phật giáo. Các tác phẩm xưa nhất trong đó có một bức phù điêu có từ thế kỷ thứ nhất và một bức tượng Phật có từ thế kỷ thứ hai, còn tác phẩm gần đây nhất là một bức tượng nghệ thuật đương đại được sáng tác vào năm 2016. Trong quá trình tổ chức cuộc triển lãm, chúng tôi đã cố tình chọn lựa các tác phẩm đến từ mọi quốc gia châu Á, để cho công chúng thấy rõ sự phong phú đa dạng của các hình thức nghệ thuật và đồng thời những điểm chung trong cách thể hiện hình tượng của Đức Phật xuyên qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong cuộc triển lãm, có rất nhiều bức tượng Phật tiêu biểu cho nhiều giai đoạn lịch sử cũng như các phong trào nghệ thuật khác nhau. Theo ông Thierry Zéphir, tuy Phật giáo đã có từ thứ kỷ 6 trước công nguyên, nhưng việc miêu tả và thể hiện Đức Phật qua hình thức vẽ tranh, chạm trỗ hay tạc tượng chỉ bắt đầu khoảng 600 năm sau, tức là từ thế kỷ thứ nhất trở đi. Giai đoạn này còn được gọi là ‘‘thời kỳ thánh tượng’’ :

Qua cách thể hiện hình tượng, các nghệ nhân đã muốn miêu tả nhân dạng của Đức Phật, tuy có hình người (thế nhân), nhưng vẫn có những nét ưu việt, vượt trội so với người trần. Xu hướng này lại càng rõ nét trong nghệ thuật Phật giáo Đại thừa. Cơ thể của Đức Phật thanh nhã và cân xứng, vầng trán rộng, sống mũi thon, mắt đang khép lại hay chỉ hé mở, đôi môi thường mỉm nụ cười. Có thể nói là hình tượng của Đức Phật trong tư thế ngồi thiền đã trở thành một biểu tượng rất quen thuộc, xuyên khắp châu Á, lưu truyền trong bao thế kỷ qua. Khác hay chăng là trong tư thế (đứng, ngồi, nằm) hay là các hình thức thủ ấn (mudra), mỗi động tác hay cử chỉ của bàn tay đều có ý nghĩa riêng (thiền định, thuyết pháp, khai sáng, giác ngộ …..). Nhưng hầu hết đều có một điểm chung, khuôn mặt từ bi bác ái, rạng ngời tỉnh thức của Đức Phật còn được các Phật tử gọi là Đấng Thế Tôn.

Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet thật ra không phải dành riêng cho giới chuyên môn, mà lại nhắm vào đại đa số người xem. Cho dù không hề hiểu biết một chút gì về Phật giáo, người xem vẫn cảm nhận được ngay sự thanh thoát nhẹ nhàng khi nhìn thấy Đức Phật khép mắt, nội tâm hướng thiền định, trên môi nhẹ nở nụ cười bình an.

Ngoài việc trưng bày các báu vật cổ xưa, cuộc triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật gần đây, tiêu biểu nhất là bức tượng Phật ngồi thiền bằng gốm của nghệ sĩ đương đại Nhật Bản Takahiro Kondo (2016), cũng như các tấm ảnh chụp các bức bức phù điêu dưới ánh trăng rằm của quần thể đền đài Borodubur (nằm trên đảo Java) của hai nhiếp ảnh gia Caroline và Hughes Dubois, trưởng ban tổ chức triển lãm muốn cho thấy tư tưởng Phật giáo tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẻ đến xã hội thời nay.

Đạo Phật là một tôn giáo đề cao tư tưởng khoan dung, đề cao tinh thần bác ái, vì thế rất nhiều người tìm thấy trong đạo Phật một thông điệp tích cực lạc quan. Theo cảm nhận của rất nhiều người, đặc biệt là người Âu Mỹ, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo với những điều ràng buộc hay áp đặt, mà lại dạy cho chúng ta nhiều điều triết lý có thể áp dụng được ngay trong cuộc sống thường ngày. Điều đó có thể giải thích vì sao Phật giáo đã được nhiều người trong xã hội thời nay hưởng ứng, cho dù họ không nghĩ là họ theo đạo Phật, hay tự xưng mình là ‘‘Phật tử’’. Nhiều người tìm thấy trong triết lý Phật giáo điều giúp cho họ tìm lại sự thanh thản bình tâm và như vậy họ có thể đối đầu với nhịp sống hối hả thời công nghệ ‘‘hiện đại’’.

Bước vào không gian triển lãm, khách tham quan cảm nhận được ngay không khí thanh tịnh khác thường. Lối dàn dựng rất tỉ mỉ công phu, trong cách dùng ánh sáng không trực tiếp, cõ lẽ cũng vì để bảo tồn các cổ vật ‘‘mỏng manh’’ dễ bị hư hại, nhất là các tác phẩm nghệ thuật hàng trăm năm tuổi vẽ trên giấy, thêu trên lụa. Cách dùng ánh sáng ấy cũng tạo ra một khung cảnh huyền ảo lạ kỳ, giữa những mảng chập chùng tối sáng. Các gian triển lãm được sắp đặt theo chủ đề và được minh họa bằng những gam màu khác nhau.

Chẳng hạn như những tượng Phật bằng đồng (đền Angkor hay là đền Ayuthaya) nổi bật trên màu tím, các tượng vàng hay bằng đất nung nâu vàng lại càng lộng lẫy trên phông màu xám tro, nhưng khi có ánh sáng rọi vào lại lấp lánh màu xám ngọc trai. Các bức phù điêu, tượng gốm hay tranh vẽ được dựng xen kẽ trên những phông màu đất nâu hay xanh lục.

Khách tham quan có lẽ thường được nhìn thấy tượng Phật bằng đồng bằng đá, gỗ quý hay ngọc thạch, nhưng bộ sưu tập của Viện bảo tàng Guimet trưng bày những cổ vật quý hiếm hơn thế nữa. Các tác phẩm được vẽ trên lụa, khắc trên thanh tre, các nét chạm trỗ khéo léo trên bức tranh cuốn làm bằng những mãnh ngà voi ghép lại …..

Thông qua các tấm bản đồ, cuộc triển lãm tóm tắt sự lan rộng của các nhánh khác nhau trong Phật giáo, từ Afghanistan đến Nhật Bản, từ Trung Quốc đến Indonesia. Bước qua các gian triển lãm, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng hình tượng của Đức Phật thiêng liêng được thăng hoa qua mọi hình thức nghệ thuật : những tác phẩm điêu khắc được tìm thấy trong một ngôi đền ở miền nam Ấn Độ, một bức phù điêu làm bằng sa thạch đỏ cũng như những tác phẩm nghệ thuật Gandhara có từ của thế kỷ thứ nhất, thời đế chế kouchan (nay là Pakistan), các pho tượng đá Indonesia thế kỷ 12, rồi gốm sứ của Trung Quốc hay của Nhật Bản thế kỷ 18.

Nghệ thuật vương quốc Khmer đến từ quần thể đền Bayon đem lại những nét đơn giản mà tinh tế. Về phía Hàn Quốc, những bức tượng của các vị bồ tát linh thiêng hay các bậc cao tăng được chạm khắc trên đá, có từ thời Choson (thế kỷ 15). Những cuộn chân kinh chép tay, hay khắc trên gỗ trầm hương, của Miến Điện có từ thế kỷ 17. Guimet cũng là nơi lưu trữ Bàn tay Phật bằng đất nung với những vết mạ vàng. Đó là bàn tay của một pho tượng Phật Bâmiyân, từng bị Taliban phá hủy vào năm 2001.

Đây là một trong những di tích hiếm hoi còn giữ lại sau đợt khai quật của các nhà khảo cổ Pháp thực hiện vào những năm 1930. Đối với giới chuyên gia, mỗi thời kỳ có thể là một đề tài nghiên cứu nhiều năm, những đối với ban tổ chức, nghệ thuật Phật giáo đã được đây lên một bậc cao, đường nét thẩm mỹ tinh tế đến nổi các cổ vật ở đây được nâng lên hàng nghệ thuật và đơn thuần được thưởng thức như một tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi.

Khách xem triển lãm không thể nào bỏ qua gian phòng cuối cùng với thánh tích mạ vàng, một chiếc stupa có từ thế kỷ 18 được khảm với nhiều viên đá quý thạch lam(stupa là "tháp bà" hay "phù đồ", nơi cất giữ một phần xá lợi hay di thể của Đức Phật). Đây là một bảo vật thuộc bộ sưu tập của nữ hoàng Eugénie, từng được trưng bày tại lâu đài Fontainebleau. Cũng như tấm tranh cuộn thangka (đến từ Cam Bốt) minh họa 9 tiền kiếp của Đức Phật, một tuyệt tác mà Guimet đã vay mượn từ Viện bảo tàng Nghệ thuật Nguyên thủy Quai Branly được cho.

Thời xưa, đây là báu vật được trưng bày tại cung điện Versailles, từng được dùng vào thời vua Louis XVI để giảng dạy các hoàng thân về triết học cũng như tôn giáo phương Đông. Chiếc tháp bà (stupa) bằng vàng khảm đá qúy được lồng kính, đặt ở bên cạnh một bức tượng Thái Lan trong tư thế ngồi thiền, ở trên đầu của Đức Phật, sáng tỏa năm chiếc vương miện, lung linh huyền diệu ánh vàng son.
viethoaiphuong
#427 Posted : Saturday, October 26, 2019 8:08:50 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Dalida, giai thoại tình khúc "Chết trên sân khấu"

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2019


Hình bìa đĩa nhạc nhân cuộc triển lãm về Dalida năm 2007 tại ParisAFP/OLIVIER LABAN MATTEI

‘‘Mourir sur scène’’ (Chết trên sân khấu) là một trong những bài hát tiêu biểu nhất của Dalida, được phát hành lần đầu tiên vào năm 1983. Với thời gian, bản nhạc này đã trở nên kinh điển, gắn liền với tên tuổi của Dalida nói riêng, tiêu biểu cho những nghệ sĩ nào đã dành trọn cuộc đời cho sân khấu nói chung.

Tuy nhiên, bài hát ‘‘Mourir sur scène’’ (Chết trên sân khấu) ban đầu được sáng tác cho người khác chứ không phải cho danh ca người Pháp gốc Ai Cập. Theo lời kể của nhà soạn nhạc Jeff Barnel, khi sáng tác bài này với Michel Jouveaux, cả hai tác giả nghĩ tới hai giọng ca ăn khách nhất thời bấy giờ. Đầu tiên hết là Johnny Hallyday, kế theo sau là Michel Sardou. Bản nhạc được viết như một tiết mục ‘‘nhạc kịch’’, đặc biệt có ý nghĩa đối với những nghệ sĩ nào thật sự có tâm huyết với sân khấu : sàn diễn đối với họ không chỉ đơn thuần là nghề, ca hát thật sự là một cái nghiệp.

Bản nhạc này tình cờ lọt vào tai của nhà sản xuất Orlando, em trai của Dalida. Bằng mọi cách ông muốn thuyết phục hai tác giả Jeff Barnel và Michel Jouveaux dành cho Dalida độc quyền ghi âm. Nhóm sáng tác vì thế buộc phải chỉnh sửa ca từ sao cho hợp với giọng ca và nhất là hợp với hoàn cảnh của Dalida. Chỉ có điều là khi được nghe thử qua vài lần, Dalida tuyệt đối không hề thích bản nhạc này, một bài hát mà theo cô quá đỗi bi quan, sầu thảm.

Bản nhạc này nằm trong dự án ghi âm tập nhạc mang tựa đề ‘‘Les P’tits Mots’’. Trong cùng một thời điểm, Dalida ghi âm nhiều ca khúc (trong đó có bài ‘‘Bravo’’ và ‘‘Téléphonez-moi’’) đề cập tới cùng một chủ đề ‘‘đời nghệ sĩ cô đơn’’. Một khi màn nhung buông xuống, ánh đèn sân khấu chợt tắt, người nghệ sĩ thường cảm thấy tâm hồn bị trống trải, họ phải đối mặt trực diện với nỗi cô độc của chính bản thân. Đôi khi, họ không nhận ra mình, cho dù có bắt gặp ánh mắt thân quen trong những lúc trang điểm soi gương.

Bản nhạc này đủ nói lên thân phận của giới nghệ sĩ cũng như những gì công chúng không thể thấy đằng sau vầng hào quang danh vọng. Tác giả Michel Berger gợi hứng từ cùng một chủ đề sáng tác cho Johnny Hallyday bài ‘‘Chanteur abandonné’’ nói lên cái cảm giác người nghệ sĩ bị bỏ rơi, còn cặp bài trùng Alain Chamfort & Jacques Duval lại mô tả cái cảnh vào vai một nhân vật khác, tự nhìn mình mà lại thấy một ‘‘Kẻ thù ở trong gương’’ (L’ennemi dans la glace).

Tuy không thích bản nhạc, nhưng rốt cuộc Dalida vẫn ghi âm bài hát ‘‘Mourir sur scène’’ (Chết trên sân khấu). Điều đáng gây ngạc nhiên là bài này lại ít được giới truyền thông hưởng ứng vào lúc được xuất bản. "Chết trên sân khấu" cũng không được chọn làm ca khúc chủ đạo và chỉ được khai thác như mặt B, khi đĩa đơn cùng tên (Les P’tits Mots) được phát hành trên thị trường Pháp. Dalida thật sự khám phá tiềm năng của bản nhạc này khi cô đi biểu diễn ở nước ngoài để quảng bá cho album mới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ hay tại vùng Québec (Canada), Dalida thường thu hình cho nhiều tiết mục biểu diễn và mỗi lần nhạc phẩm ‘‘Chết trên sân khấu’’ đều được công chúng hưởng ứng nhiệt tình, hơn hẳn các bài hát khác.

Đến khi trở về Pháp để thực hiện một chương trình đặc biệt (của Maritie và Gilbert Carpentier), trong số bảy bài hát trích từ album mới được thu hình biểu diễn, bài ‘‘Chết trên sân khấu’’ vẫn là màn trình diễn gây nhiều ấn tượng nhất. Trước sự hưởng ứng này, bài hát được tái bản và lần này, Dalida sẽ ghi âm thêm nhiều phiên bản trong các thứ tiếng khác, kể cả tiếng Anh (Born to Sing) do tác giả Norman Newell phóng tác), tiếng Ý (Quando nasce un nuovo amore en italien) của tác giả par Dossena, hay tiếng Tây Ban Nha Morir cantando en (của tác giả Toro). Phiên bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ "Bir gece sahnede" là của Ajda Pekkan.

Các nghệ sĩ nổi tiếng như Shirley Bassey, Amel Bent hay Julien Doré đều đã từng ghi âm ca khúc này. Còn trong tiếng Việt, bài ‘‘Mourir sur scène’’ (Chết trên sân khấu) có tới hai lời khác nhau. Thứ nhất là nhạc phẩm "Hư Ảo" qua cách đặt lời của tác giả Khúc Lan, nổi tiếng với phần trình bày của cố ca sĩ Ngọc Lan. Phiên bản tiếng Việt thứ nhì mang tựa đề "Lời em trăn trối" là của tác giả Lê Toàn qua phần thể hiện của Thiên Kim.

Trong tiếng Pháp, bản nhạc ‘‘Chết trên sân khấu’’ trở nên kinh điển vì cả hai tác giả Jeff Barnel & Michel Jouveaux đã khéo léo cài đặt nhiều chi tiết có thật trong cuộc đời của Dalida vào trong ca khúc. Đặc biệt là lần tự tử hụt của thần tượng ca nhạc Dalida vào năm 1967 vì quá đỗi tuyệt vọng, sau khi cô phát hiện tình nhân của cô (nam ca sĩ Luigi Tenco) đã tự bắn một phát súng vào đầu.

Thành ra, nhân vật trong bài hát mở cuộc đối thoại với tử thần, trong đoạn thứ nhì mới có câu : "Người và ta đã có dịp gặp nhau một lần, làm sao quên được khi đã thấy nhau thật gần". Trong nhiều cuộc phỏng vấn Dalida thường nói là điều quan trọng nhất trong đời là "Sống theo ý mình" (À ma manière), hàm ý mọi chuyện đều do Dalida tự quyết định.

Khi hay tin Dalida vĩnh viễn ra đi vào năm 1987, tự kết liễu cuộc đời ở tuổi 54, công chúng không khỏi bàng hoàng, đối với họ nhiều tựa đề ca khúc trong đoạn cuối cuộc đời của Dalida chẳng khác gì những bản di chúc : Để không sống cô đơn (Pour ne pas vivre seul), Cũng chừng đó thôi (Pour en arriver là) hay là Chết trên sân khấu (Mourir sur scène). Bản nhạc này có những đoạn mà khi nghe qua, ta không khỏi rùng mình :

Người muốn vĩnh biệt đêm mưa. Kẻ muốn chết trong chiều nắng. Ai mà không thích nhẹ nhàng. Ra đi trong giấc muộn màng.

Đời người sinh ly tử biệt. Đừng bắt ta khổ trọn kiếp. Xin đời đến khi phải hết. Trong vầng hào quang được chết.



viethoaiphuong
#428 Posted : Wednesday, October 30, 2019 7:02:05 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Khi bảo tàng có quá đông du khách tham quan

Trong lĩnh vực văn hóa, báo Le Monde quan tâm đến « các bảo tàng trước thách thức có quá đông du khách ». Khách phải đặt vé trước trên internet, chọn vé theo giờ, bị giới hạn khoảng thời gian đứng trước một kiệt tác, bảo tàng mở thêm lối vào, lắp đặt băng chuyền trước các tác phẩm để du khách không thể đứng tại chỗ quá lâu, mời khách chụp ảnh selfie trước tranh chép để giảm lượng khách muốn tận mắt ngắm bức tranh thật … là những biện pháp mới của nhiều bảo tàng. Thậm chí, có bảo tàng đã phải mời các chuyên gia ở sân bay, nhà ga đến tư vấn cho ban quản lý về cách phân luồng khách.

Thu hút được đông du khách tới thăm bảo tàng là một thành công của ban quản lý. Tuy nhiên, khi có quá đông du khách thì các bảo tàng đang phải « vắt óc » nghĩ ra cách để bảo đảm khách không phải chờ quá lâu khi mua vé, khách không đến quá đông vào cùng một thời điểm, không phải đợi chờ quá lâu để đến lượt chiêm ngưỡng một kiệt tác, nhất là trong bối cảnh du lịch đang trở thành một hiện tượng xã hội của thế kỷ XXI, khi mà chưa đi thăm bảo tàng, chưa chụp ảnh selfie trước kiệt tác được trưng bày trong bảo tàng đó thì chưa được coi là đi du lịch.

Tại Pháp, kỷ lục về số lượt khách thuộc về bảo tàng Louvre : 10,2 triệu khách trong năm 2018, tăng 25% so với năm 2017. Tính trung bình, mỗi ngày có 30.000 du khách đến chiêm ngưỡng dung nhan nàng Mona Lisa.

RFI - 30/10/2019

viethoaiphuong
#429 Posted : Friday, November 1, 2019 1:19:20 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Âm nhạc đánh sập Bức Tường Berlin ?

Thanh Hà - RFI - ngày 31-10-2019


Bức Tường Berlin, nhìn từ Đông Đức trước ngày sụp đổ.
Jean-Claude Mouton

Vào lúc nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, nhiều nơi trên thế giới, thanh thiếu niên nắm lấy vận mệnh tương lai, RFI nhìn lại vai trò của giới trẻ tại Đông Berlin 30 năm trước đã góp phần dẫn tới sự tan rã của khối Xã Hội Chủ Nghĩa : Âm nhạc là nhát búa đầu tiên đánh sập Bức Tường Berlin.

Ngày 09/11/1989 bức tường chia cách thành phố Berlin trong suốt 28 năm sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Trên thực tế bức tường tưởng chừng là kiên cố này đã rạn nứt từ lâu. Tháng Giêng 1989 chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức Erich Honecker tuyên bố bức tường Berlin còn đứng vững mãi cả « trăm năm nữa ». Chỉ mười tháng sau, người dân Berlin với búa rìu đã đập tan nát biểu tượng của sự chia cắt và qua đó khép lại hơn 40 năm chiến tranh lạnh, khối Xã Hội Chủ nghĩa tan rã, Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản cáo chung.

Âm nhạc vũ khí lợi hại của phương Tây

Những nhát búa đầu tiên giáng xuống bức tường thực ra đã được khởi động từ trước năm 1989. Mọi việc khởi đầu với buổi trình diễn của nam danh ca người Mỹ, Bruce Springsteen ngày 19/07/1988. Anh là nghệ sĩ Tây phương nổi tiếng đầu tiên đến Đông Berlin trình diễn. Trong vỏn vẹn bốn giờ đồng hồ, hơn 300.000 thanh niên Đông Đức khao khát tự do bị ca khúc Chimes of Freedom, nhạc và lời của Bob Dylan làm mê hoặc. Cho dù trước đó, Bruce tuyên bố với khán giả rằng anh đến diễn trên sân khấu Đông Berlin không để ủng hộ một chính quyền của « phe này hay phe khác mà chỉ để đưa dòng nhạc rock’n roll đến với khán giả Đông Berlin ». Dù vậy, Spingsteen không quên nói lên nguyện vọng tự đáy lòng : Anh « hy vọng một ngày nào đó những rào cản sẽ được dỡ bỏ ».

Vài tháng trước đó, tiếng hát của hai nhạc sĩ lớn của thế giới tự do là David Bowie và Michael Jackson từ phía bên kia bức tường vọng sang đã chinh phục con tim của giới trẻ đông Đức. Cũng chính vì tránh để cho giới trẻ cứ « dán mãi tai vào bức tường » nghe lóm những buổi trình diễn ở phía Tây Berlin, mà chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Đức dưới thời đại của Honecker đã mời một vài nghệ sĩ ngoài khối xã hội chủ nghĩa đến biểu diễn.

Một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc từng đánh giá đêm biểu diễn tại Đông Berlin của Bruce Springsteen là sự kiện âm nhạc « quan trọng nhất trong thế kỷ 20 ». Trong đêm diễn ấy, nam danh ca người Mỹ đã gieo vào 300.000 trái tim tiếng chuông tự do. Khán giả của anh đêm đó nhận thấy một làn gió thay đổi đang thổi tới Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

Tiếng đàn Violoncelle của nhạc sĩ người Nga

Hơn một năm sau, tháng 11 năm 1989, hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kéo đàn violoncelle dưới chân bức tường ngay tại trạm kiểm soát Checkpoint Charlie đi vòng quanh thế giới. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Berlin đang hồi sinh.

Là một nhạc sĩ đàn violoncelle/cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch 30 năm trước đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris. Qua đài phát thanh ông hay tin bức màn sắt đang bị khai tử và thế là ông lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân, Rostropovitch với cây đàn đáp xuống sân bay Berlin. Ra khỏi phi trường, họ biết đi đâu ? Không ngần ngại, ông lấy tắc xi đến thẳng trạm kiểm soát Checkpoint Charlie, biểu tượng giữa hai thế giới Đông và Tây.

Những nốt nhạc đầu tiên từ bản Suites của Johann Sebastian Bach được cất lên, tiếng búa rùi nện vào bức tường im bặt. Chính nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kể lại trong, buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989, hai ngày sau làn sóng người Đông Berlin đầu tiên chính thức qua hàng rào biên giới dưới sự kiểm soát của lính biên phòng đôi bên, nhạc sĩ Rostropovitch đã tuyên bố đấy là « một ngày hạnh phúc », bởi ông biết rằng kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi này.

Ở vào những năm 1950 Rostropovitch là một trong những tinh hoa của Liên bang Xô Viết. Ông là một nghệ sĩ tài hoa được đào tạo trong học viện âm nhạc quốc gia, là học viên hiếm hoi mới 23 tuổi đời đã đoạt giải thưởng mang tên Stalin. Nhưng bước vào đầu thập niên 1970 ông phạm phải hai điều cấm kỵ : một là tiếp xúc với nhà văn Soljennitsine, tác giả của Quần Đảo ngục Tù và hai là đứng về phía nhà bác học, nhà đấu tranh cho nhân quyền Sakharov. Gia đình Rostropovitch bị chính quyền Brejenev đưa vào danh sách đen.

Năm 1974 nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch rời Liên Xô sanh định cư hẳn tại Mỹ, rồi Pháp. Ông là nghệ sĩ bốn bể là nhà với những vòng lưu diễn bất tận. Đã nhiều lần đi vòng quanh trái đất, nhưng theo lời con gái người nhạc sĩ nổi tiếng này, dù bị Liên Bang Xô Viết tước quyền công dân năm 1978, ông luôn thầm mơ có được ngày trở về.

Làn gió cách mạng tại Đông Âu

Dù vậy tất cả các nhà sử học đều đồng ý trên một điểm đó sự sụp đổ của Bức Tường Berlin chỉ là hồi kết từ những vết nứt chính trị trước đó trong khối cộng sản. Ngay tại Liên Xô, lần đầu tiên thành trì của chế độ Cộng Sản này tổ chức bầu cử tự do vào tháng 3/1989. Hungrary tháng 2/1989 không còn là một quốc gia độc đảng. Lại cũng Hungary ngày 10/09/1989 mở cửa biên giới với Áo. Đây là cửa ngõ đầu tiên giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Tháng 6 cùng năm, tại Vacxava, công đoàn Solidarnosc của Lech Valesa đắc cử trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ kể từ sau Thế Chiến.

Một lần nữa Hungary lại tiên phong, tuyên bố thoát khỏi vòng kềm tỏa của Matxcơva. Chỉ một tuần sau ngày Bức Tượng Berlin bị phá vỡ, đến lượt Tiệp Khắc tuyên bố độc lập. Tại Bulgari để tồn tại, đảng Cộng Sản phải chấp nhận mở cửa. Riêng tại Bucarest nhà độc tài Roumani Nicolae Ceausescu không cầm cự được thêm bao lâu trước khi nhận lấy cái chết khốc thảm đúng ngày lễ Giáng Sinh.

Một cách ôn hòa hơn, ba quốc gia ven biển Baltic trong vòng từ tháng 3 đến tháng 5/1990 tuyên bố độc lập. Tại Nam Tư chế độ của Slobodan Milosevic bị chống đối. Tiếp theo đó là một cuộc xung đột kéo dài cho đến tận năm 1999.

Nước Đức thống nhất và sự hình thành của Liên Hiệp Châu Âu

Về phần hai miền nước Đức là Cộng Hòa Liên Bang Đức thuộc khối tư bản và Cộng Hòa Dân Chủ Đức cùng bị Bức Tường Berlin dồn vào chân tường. Đông Đức kiệt quệ về kinh tế và không còn có thể trông chờ vào Liên Xô. Tây Đức cũng lúng túng không kém vì phải cưu mang người anh em bên sườn đông. Bonn cầu viện các đối tác Tây Âu và hướng về giải pháp thống nhất đất nước.

Hai đối tác lớn của Bonn là Anh và Pháp. Tại Luân Đôn, nữ thủ tướng Thatcher thận trọng. Tại Paris, François Mitterrand đồng tình với điều kiện, Bonn và Paris nhanh chóng đẩy mạnh khối châu Âu, hình thành một Liên Hiệp có tiếng nói quan trọng về chính trị.

Từ « Thị trường chung » phát triển thành « Cộng đồng kinh tế châu Âu », rồi « Cộng đồng châu Âu », dự án xây dựng « Liên Hiệp Châu Âu » được hình thành vào tháng 04/1990, tức là chưa đầy một năm sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ.

Tháng 2/1992, hiệp ước Maastricht chính thức được ký kết, khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu.

viethoaiphuong
#430 Posted : Saturday, November 2, 2019 12:39:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thu Hằng - RFI - Thứ Sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2019

Leonardo da Vinci : Thiên tài hòa giải Pháp-Ý


Chân dung Léonardo de Vinci do Lattanzio Querena (1768-1853) phác họa.Getty Images/DeAgostini

Với những kiệt tác La Joconde (1503-1506), Bữa ăn cuối cùng (1495-1498) hay Đức mẹ trong hang đá (1483-1486)… và đã tròn 500 năm ngày ông ra đi, nhưng Leonardo da Vinci vẫn không ngừng thu hút sự hiếu kỳ của cả thế giới. Lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng, gần như toàn bộ tác phẩm của danh họa Ý được tập trung trưng bày tại bảo tàng Louvre (Paris) trong vòng 5 tháng (24/10/2019 đến 24/02/2020).

Bảo tàng Louvre là cơ quan duy nhất có thể tổ chức được một triển lãm quy mô lớn như vậy về danh họa Ý, qua đời ở Pháp (15/04/1452 - 02/05/1519) vì riêng Louvre đã có 5 bức tranh, chiếm khoảng 1/3 đến 1/4 kho tranh của Leonardo da Vinci, và 22 bản phác thảo. Sau 10 năm chuẩn bị, khoảng 160 tác phẩm hội họa, điêu khắc, bản thảo, đồ vật nghệ thuật… đã được nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, kể cả Hoàng gia Anh, cho mượn để trưng bày nhân sự kiện lịch sử này.

Hội họa, kỹ thuật cao cấp của tất cả các ngành khoa học

Trong suốt sự nghiệp, danh họa Ý để lại từ 14-19 bức tranh, tất cả đều là những kiệt tác. Một số người cho rằng Leonardo da Vinci không thực sự quan tâm đến hội họa vì ông vẽ rất ít. Nhưng ông Vincent Delieuvin, trưởng giám tuyển Di sản, bảo tàng Louvre, không đồng tình với ý kiến này khi trả lời nhà báo Lunsmann Carmen của RFI :

“Leonardo da Vinci là người có nhiều yêu cầu cao. Ông vẽ ít nhưng hoàn hảo. Leonardo da Vinci cần thời gian nghiên cứu khoa học, hoàn thiện kỹ thuật vẽ tranh trước khi cầm cọ vẽ. Ông vẽ ít không đồng nghĩa với việc ông không quan tâm đến hội họa, mà đó là dấu hiệu cho thấy đòi hỏi cao của ông. May mắn là Leonardo da Vinci vẽ ít, nhờ vậy, danh họa có những tác phẩm vô cùng tuyệt vời.

Khi nhìn những tác phẩm như La Joconde hay Sainte Anne, hiệu ứng chuyển tiếp khi tiếp xúc với ánh sáng tạo cảm giác viền của tác phẩm hơi rung rung. Khi mà chưa có kỹ thuật nhiếp ảnh, video, thì với nhiều người, đây là điều kì diệu, thậm chí “khiếp sợ”. Chính điều kì diệu của Leonardo da Vinci đã giúp tái hiện lại được sự chuyển động của cuộc sống trong tranh của ông”.

Leonardo da Vinci chưa bao giờquan tâm đến việc trở thành họa sĩ thực thụ hoặc vẽ những bức tranh tường dài vài mét. Nhưng đối với Leonardo da Vinci, hội họa là một ngành khoa học cao hơn tất cả những ngành khoa học khác, hội họa phải tái hiện được kiến thức về thế giới, sự thật về con người, cơ thể con người. Chính vì thế, danh họa Ý nghiên cứu khoa học để đạt đến sự hoàn thiện về kỹ thuật vẽ, như giải thích của ông Vincent Delieuvin, bảo tàng Louvre :

“Leonardo da Vinci là người đa tài, ông vừa là họa sĩ, kiêm kiến trúc sư, nhà khoa học, nghiên cứu thực vật, nhà sáng chế máy móc… Nhưng hội họa luôn là trọng tâm trong cuộc đời, trong các công trình nghiên cứu của ông. Và triển lãm này nhằm mục đích chứng minh điều đó, chứng minh rằng Leonardo da Vinci chưa bao giờ quên hội họa. Ngược lại, trong mọi chủ đề mà ông quan tâm suốt đời, chưa bao giờ danh họa bỏ sót hội họa. Ví dụ trong các công trình nghiên cứu khoa học của Leonardo da Vinci, có rất nhiều bức tranh đẹp về sự phát triển của cây cối. Ông quan sát quy luật tự nhiên, sự tăng trưởng hàng năm của thực vật…”

Sinh ở Vinci, gần Florence, tên nguyên quán được đặt cho danh họa Ý vì Leonardo là “con rơi” của một chưởng khế quyền quý với một cô thôn nữ. Cha mẹ lập gia đình riêng, Leonardo được ông nội mang về nuôi nấng. Không được đào tạo chính quy, Leonardo mày mò tự học và muốn tìm hiểu tất cả, từ lịch sử hình thành Trái đất đến ánh xạ Mặt trời, từ sự chuyển động của nước đến quá trình tiến hóa của các loài động-thực vật và đặc biệt là cơ thể con người.

Chính những kiến thức khoa học, kết hợp với tự do trong cách vẽ, đã đưa Leonardo da Vinci đến độ chín muồi trong nửa sau thập niên 1490 với tác phẩm Bữa ăn tối cuối cùng (L’Ultima Cena/La Cène), được coi là sự hoàn thiện giữa nghiên cứu khoa học và nghệ thuật. Ông Vincent Delieuvin cho biết :

“Leonardo da Vinci trở nên nổi tiếng, có thể nói là từ bức họa Đức Mẹ trong hang đá(Vergine della rocce/ La Vierge aux Rochers). Đó là bức tranh đầu tiên được các xưởng sao chép lại. Nhưng tác phẩm thực sự biến Leonardo da Vinci thành người hoàn thiện quá trình nghiên cứu Phục hưng, đó là tác phẩm Bữa ăn cuối cùng vẽ trong nhà ăn tu viện Sainta Maria della Grazie ở Milano. Với tác phẩm Bữa ăn cuối cùng, Leonardo da Vinci xuất hiện như bậc thầy hội họa thời Phục Hưng và là họa sĩ hoạt động chính ở Ý.

Sau đó, tất cả những tác phẩm khác khẳng định vị trí của danh họa, như bức La Joconde, Thánh Anna (Sant’Anna/Sainte Anne), Trận đánh Anghiari (Battaglia di Anghiari/ La Bataille d’Anghiari), Salvator Mundi… tất cả đều khiến người đương thời kinh ngạc và biến ông thành bậc thầy thời kỳ Phục Hưng”.

Đưa công nghệ để khám phá tác phẩm của Leonardo

Ngoài triển lãm theo cách truyền thống, bảo tàng Louvre còn đưa công nghệ vào triển lãm về Leonardo da Vinci. Lần đầu tiên, khách tham quan có thể “Một mình ngắm La Joconde” (En tête-à-tête avec La Joconde) trong vòng 7 phút nhờ công nghệ thực tế ảo. Mọi bí mật về kỹ thuật sfumato được Leonardo sử dụng, đời tư của nàng Monna Lisa… được giải thích, trừ nụ cười bí hiểm của nàng.

Ngoài ra, kỹ thuật quang phổ hồng ngoại (infrared reflectography) còn giúp khách tham quan xem được những nét vẽ đầu tiên của Leonardo da Vinci, tiếp theo là những bước sửa đổi, cũng như kỹ thuật vẽ ngày càng điêu luyện của danh họa. Ông Vincent Delieuvin nhận xét Leonardo da Vinci ngày càng sử dụng ít chất liệu, nhưng tinh tế hơn, và vận dụng điêu luyện kỹ thuật sfumato : nhờ một lớp dầu mỏng (glacis), ít sắc tố, tráng trên bề mặt tranh, hình nét trong tranh như hiện lên qua một lớp voan mỏng, khó nhận ra, và tạo rung động cho tác phẩm.

Khác với những triển lãm hoặc sách tiểu sử về Leonardo da Vinci thường được trình bày theo niên đại, bảo tàng Louvre lập một lộ trình tham quan theo bốn chủ đề chính tương ứng với bốn giai đoạn trong sự nghiệp của thiên tài người Ý. Ông Vincent Delieuvin giải thích :

“Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Leonardo da Vinci quan tâm đến hình dạng, được gọi là “Sáng-Tối-Hình nổi”, một Leonardo da Vinci tìm cách vẽ những tác phẩm hoàn hảo. Sau đó, vào cuối năm 1470, họa sĩ nhận ra rằng hình dạng đã chết, phải tạo sự chuyển động cho những bức tranh và tác phẩm của mình. Và ông bắt đầu vẽ theo cách hoàn toàn khác, với một năng lượng mới và cố tình không hoàn thiện tác phẩm.

Vào cuối năm 1480, ông tiếp tục chinh phục sự chuyển động, nhưng đồng thời muốn hiểu thêm về cách hoạt động của thế giới, bên trong mọi vật. Hình dạng không còn giúp danh họa hiểu được lý do của chuyển động. Và vì thế ông bắt tay chinh phục khoa học thế giới, chinh phục cái vô tận. Danh họa quan tâm đến mọi hình thức thiên nhiên và gọi đó là khoa học của hội họa. Hội họa được dựa trên khoa học. Ông bắt đầu phân tích cơ thể, nghiên cứu thực vật, đam mê hình học và toán học. Không có gì thoát khỏi đam mê của ông về thế giới và thiên nhiên”.

Leonardo da Vinci : Hòa giải Pháp-Ý

Bức vẽ nổi tiếng Người Vitruvius (Uomo vitruvianon/Homme de Vitruve) nghiên cứu về tỷ lệ lý tưởng của cơ thể người được Leonardo da Vinci vẽ vào khoảng năm 1490, cuối cùng cũng được triển lãm tại Louvre, nhưng với thời hạn hai tháng và với điều kiện đèn chiếu không được quá 25 lux.

Để tác phẩm Người Vitruvius đến được bảo tàng Louvre là cả một quá trình và từng xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị nhỏ giữa Ý và Pháp. Ngày 16/10/2019, Tòa án Hành chính Venice cuối cùng đã bác đơn của hội bảo vệ di sản Italia Nostra phản đối đưa tác phẩm ra nước ngoài vì theo Luật Tài sản Văn hóa của Ý, “mọi tài sản tạo thành fond chính và là bản sắc của một bảo tàng hoặc phòng trưng bày thì không được đưa ra khỏi Ý”.

Lý do, theo thông tín viên RFI Anne Le Nir tại Roma, “Người Vitruvius được một nhà sưu tầm Milano nhượng lại năm 1822. Và vì chưa bao giờ được trưng bày liên tục, nên “bức vẽ không phải là một tác phẩm đại diện cho bản sắc của Venice”. Các thẩm phán đã bác đơn kiện của hội Italia Nostra, với lý do “không đủ chứng cứ”. Tòa cũng công nhận rằng lựa chọn của chính phủ Ý cho mượn các tác phẩm của Leonardo da Vinci liên quan trực tiếp đến “tầm quan trọng đặc biệt của cuộc triển lãm và mong muốn của Ý phát triển tiềm năng di sản quốc gia”.

Triển lãm Leonardo da Vinci cũng khép lại một vài căng thẳng ngoại giao giữa Ý và Pháp khi chính phủ cũ, gồm liên minh giữa đảng cực hữu Liên đoàn và Phong trào Năm sao, không hài lòng về việc cho bảo tàng Louvre mượn tác phẩm vì “Leonardo là người Ý, ông chỉ qua đời ở Pháp”, theo một phát biểu của thứ trưởng Văn Hóa Ý Lucia Borgonzoni với tờ Corriere della Sera ngày 18/11/2018.

Trước đó, theo một thỏa thuận ký năm 2017 với Ý (bộ trưởng Văn Hóa thời đó là Dario Franceschini), bảo tàng Louvre được mượn toàn bộ tác phẩm của Leonardo da Vinci thuộc sở hữu của Nhà nước Ý. Đổi lại, Louvre cho mượn toàn bộ tác phẩm của Raphaël để chuẩn bị cho triển lãm về danh họa người Ý vào năm 2020 tại bảo tàng Scuderie del Quirinale ở Roma. Trở lại làm bộ trưởng Văn Hóa Ý trong chính phủ Conte 2, ông Dario Franceschini đã ký với đồng nhiệm Pháp hôm 25/09/2019 một thỏa thuận mới, theo đó hai bên sẽ cho nhau mượn 7 tác phẩm, lần lượt của Leonardo da Vinci và Raphaël.

Dù đã qua đời 500 năm, Leonardo da Vinci vẫn giúp hai nước “thể hiện rõ tình hữu nghị vì sự hợp tác văn hóa”, theo phát biểu của bộ trưởng Văn Hóa Pháp.

viethoaiphuong
#431 Posted : Sunday, November 3, 2019 12:23:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 02 tháng 11 năm 2019

Giới nghệ sĩ Pháp vinh danh Jacques Brel


Tháng 10 năm 2018 kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của Jacques BrelRFI

Cách đây hơn 40 năm, Jacques Brel vĩnh biệt cuộc đời dù chưa ngoài 50 tuổi. Tháng 10 năm 2018 vừa qua là dịp tưởng nhớ nam danh ca người Bỉ. Tuy là ngày giỗ năm chẳn, nhưng sự kiện này lại ít được giới truyền thông Pháp chú ý. Thà trễ còn hơn không, sau album của Maurane, một tuyển tập khác vinh danh Jacques Brel vừa được phát hành vào tháng Tư 2019.

Mang tựa đề "Ces gens-là" (Những người như thế), album này được trình làng hồi trung tuần tháng Tư, tập hợp 13 bài hát nổi tiếng của Brel qua phần trình bày của các giọng ca quen thuộc trong làng nhạc Pháp. Ngoại trừ các ca sĩ Bernard Lavilliers, Michel Jonasz và Marianne Faithfull, thành danh từ đầu thập niên 1970, hầu hết các giọng ca còn lại đều thuộc thế hệ sau này, chưa ra đời vào lúc Jacques Brel đạt đến tột đỉnh sự nghiệp trong giai đoạn những năm 1965-1966.

Những bài hát bất hủ như Amsterdam, La chanson des vieux amants, Quand on a que l’amour, Ne me quitte pas (If you go away) do đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phiên bản trong rất nhiều thứ tiếng (trường hợp của If you go away), cho nên giai điệu tưởng chừng là dễ hát nhưng thật ra không dễ một chút nào. Làm sao tìm được một lối trình bày mới hay ít ra diễn đạt một cách khác, khi biết bao nghệ sĩ đi trước đã từng làm.

Về điểm này, có thể xem như là đã thành công phần trình bày của các nghệ sĩ xuất thân hay gợi hứng từ dòng nhạc jazz. Ca sĩ Zaz có sở trường hát nhanh, cô thổi sức sống vào tiết mục biểu diễn của mình (bài Bruxelles) khi chọn lối hoà âm theo điệu nhạc jazz skiffle (một thể loại có từ những năm 1950, phối hợp nhạc jazz với nhạc folk) với đặc điểm luôn sử dụng các vật dụng đời thường để biến thành những ‘‘nhạc cụ’’ tùy hứng, tạo ra những âm thanh khác biệt với nhạc khí truyền thống. Còn Thomas Dutronc con trai của Françoise Hardy & Jacques Dutronc trung thành với dòng nhạc du mục đã cố tình làm cho nhịp điệu bài hát (Vesoul) chậm lại để đan xen vào đó rất nhiều nốt nhạc phá cách. Phiên bản của anh coi vậy có phần xuất sắc hơn cả bài hát của Maurane.

Hoà âm cũng như lối diễn đạt lại càng tinh tế hơn trong các phiên bản của hai nghệ sĩ nổi tiếng của làng nhạc jazz quốc tế. Trên album này, Melody Gardot ghi âm lại Bài ca của đôi tình nhân già (La chanson des vieux amants) còn Madeleine Peyroux thì diễn đạt rất trội nhạc phẩm ‘‘Voir un ami pleurer’’ (Nhìn bạn tôi khóc). Mỗi người một vẻ, nhưng cả hai ca sĩ người Mỹ trong lối phát âm khác lạ, đem lại tất cả những nét uyển chuyển mềm mại, khác hẳn với bản nguyên tác, mãnh liệt gai góc.

Tuy được xuất bản trễ hơn nhiều so với dự kiến, tháng Tư năm 2019 thay vì tháng 10 năm 2018, nhưng tuyển tập"Ces gens-là" (Những người như thế) lại rơi đúng vào thời điểm phát hiện một số ca khúc ít được phổ biến của Jacques Brel. Tính tổng cộng là 4 bài hát trong đó có "Amsterdam" và ‘‘Le Plat Pays’’ được ghi âm vào năm 1965, nhưng chưa từng được công bố.

Trong giới yêu nhạc Pháp, hầu như ai cũng đều biết đến "Amsterdam", bản nhạc nổi tiếng của Brel, với giai điệu gợi hứng từ "Greensleeves", bài dân ca truyền thống của người Anh nổi tiếng từ năm 1580 và thịnh hành trong nhiều thế kỷ. Với sự hợp tác của công ty Diggers Factory với Cơ quan lưu trữ tài liệu Âm thanh và Hình ảnh INA của Pháp.Một phiên bản chưa từng được phổ biến này được phát hành trên đĩa nhựa Maxi 45 vòng vào ngày 13 tháng Tư vừa qua, còn được gọi là Record Store Day trong tiếng Pháp gọi là Disquaire Day, chủ yếu dành cho giới sưu tầm đĩa nhựa.

Phiên bản nổi tiếng nhất của bài "Amsterdam" từng được Jacques Brel biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 10 năm 1964 tại nhà hát Olympia. Buổi trình diễn hôm ấy được ghi âm để phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh Europe 1, đây là bản ghi âm được phát sóng thường xuyên nhất, và được xem như là phiên bản "chính thống" duy nhất của nhạc phẩm Amsterdam, nam danh ca người Bỉ không bao giờ ghi âm bài này trong phòng thu.

Chưa đầy một năm sau, vào mùa hè năm 1965, Jacques Brel đang ở trên đỉnh cao vinh quang, đã tham gia chương trình biểu diễn trực tiếp tại Đài Phát thanh Quốc gia Maison de la Radio. Trong buổi trình diễn ấy, Brel đã hát bốn ca khúc : "Le Plat Pays", "Ne me quitte pas", "Au Suivant" và "Amsterdam" với phần nhạc đệm khác hẳn, không dùng đàn phong cầm (accordion), mà chỉ có piano (Gérard Jouannest) và contrebasse (Pierre Sim). Phần ghi âm này sau đó do không được phát hành trên băng đĩa, đã dần dần bị chìm vào quên lãng.

Gần đây, cơ quan INA theo yêu cầu của công ty Diggers Factory, đã cho xuất bản các tài liệu quý hiếm được cất giữ trong kho lưu trữ của mình. Các đĩa nhựa ở đây được phát hành giới hạn (700 bản) và được đánh số hẳn hoi, điều này ít có giá trị về mặt lịch sử, nhưng lại quan trọng đối với giới sưu tầm. Đĩa nhựa này của Jacques Brel bổ sung cho bộ sưu tập gồm các bài hát ít được phổ biến của Dalida, Barbara và Léo Ferré. Nghe lại những ca khúc bất hủ của Jacques Brel, ta sẽ nhận thấy ngay là bốn thập niên sau ngày ông mất, có rất nhiều nghệ sĩ chịu nhiều ảnh hưởng của ông, nhưng vẫn chưa có một tài năng nào có thể soán ngôi của Brel, ông hoàng dòng nhạc hiện thực.

Các ca sĩ trẻ thời nay tham gia vào album tưởng niệm Jacques Brel như Slimane (Ne me quitte pas) hay Claudio Capéo (Ces gens-là) cho dù có cố gắng cách mấy, thế nhưng ngạc nhiên thay, họ vẫn không thoát khỏi chiếc bóng quá lớn của bậc thầy. Lúc sinh tiền, Jacques Brel nổi tiếng là người thổi ma lực vào giai điệu, lối kể chuyện của ông sống động và cuồng nhiệt trên sân khấu, khán giả như thể bị hớp hồn, “mất vía” từ lúc nào không hay.

viethoaiphuong
#432 Posted : Tuesday, November 5, 2019 12:25:25 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Pháp : Nhà văn Jean-Paul Dubois được giải Goncourt 2019

Thụy My - RFI - ngày 04-11-2019


Nhà văn Pháp Jean-Paul Dubois và tác phẩm đoạt giải Goncourt 2019.
© Alain Jocard / AFP

Goncourt, giải thưởng văn chương danh giá nhất trong thế giới Pháp ngữ hôm nay 04/11/2019 đã được trao cho nhà văn Jean-Paul Dubois với tác phẩm « Tất cả những con người không sống cùng một cách trên thế giới » (Tous les hommes n’habitent pas le monde de la même façon).

Cuốn tiểu thuyết do nhà xuất bản L’Olivier ấn hành được coi là một tác phẩm xúc động nói về hạnh phúc đã đánh mất. Người kể chuyện, Paul Hansen, cùng ở chung xà-lim với một tù nhân tên Hells Angel. Nhân vật Paul không hề hối hận vì những gì đã làm để phải vào tù, nhưng «Tous les hommes n’habitent pas le monde de la même façon » là một cuốn tiểu thuyết của tiếc nuối và thất bại. Đó là câu chuyện về một thế giới đang dần biến mất, được thay thế bằng một thế giới khác, trong đó bất công và hoài nghi thống trị.

Nhà văn Jean-Paul Dubois, 69 tuổi, sống tại Toulouse, từng được giải Femina năm 2004 với tác phẩm « Một cuộc đời Pháp » (Une vie française). Tác giả khiêm tốn nói rằng mình được giải nhờ « may mắn ».

Trước đó khuôn mặt nhiều hy vọng đoạt giải Goncourt nhất là nhà văn nữ người Bỉ Amélie Nothomb, 53 tuổi, được ví von là « trận bão Amélie » (cơn bão hôm nay vẫn đang hoành hành tại nước Pháp). Tiểu thuyết « Cơn khát » (Soif) của bà là best-seller với 150.000 ấn bản đã bán hết.

Giải Renaudot 2019 cũng công bố hôm nay, dành cho nhà văn Sylvain Tesson với cuốn « Con báo tuyết » (La Panthère des neiges, Gallimard xuất bản).

Giải thưởng Goncourt được trao với một tấm ngân phiếu…10 euro tượng trưng, nhưng các tác phẩm đoạt giải luôn đứng đầu về số bán. Theo nghiên cứu của Viện GfK cho tạp chí Livres Hebdo, trong khoảng 2014-2018, một tiểu thuyết đoạt Goncourt bán được trung bình 367.000 bản, còn Renaudot 219.800 bản.

viethoaiphuong
#433 Posted : Sunday, November 10, 2019 12:39:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2019

Vĩnh biệt tiếng hát Marie Laforêt


Marie Laforêt trong đợt biểu diễn cuối cùng tháng 9/2005 tại ParisJOEL ROBINE / AFP

Nổi tiếng vào đầu những năm 1960, Marie Laforêt là một trong những nghệ sĩ Pháp hiếm hoi thành công trong cả hai lãnh vực đóng phim và ca hát. Bà vừa qua đời vì bệnh ung thư vào hôm 02/11/2019 ở ngôi làng Génolier, bang Vaud, miền tây nam Thụy Sĩ, hưởng thọ 80 tuổi.

Theo nguồn tin từ phía gia đình, trong những năm tháng cuối đời, Marie Laforêt chủ yếu sinh sống tại Tây Ban Nha, tuy nhiên căn bệnh ung thư hiểm nghèo buộc nghệ sĩ này phải nhiều lần trở về Thụy Sĩ để điều trị. Sự nghiệp của Marie Laforêt trải dài trên gần nửa thế kỷ từ năm 1959 đến năm 2008, cho dù trong những thập niên về sau, bà đã cố tình đoạn tuyệt với làng giải trí (showbiz). Tại Thụy Sĩ, công chúng ít biết rằng Marie Laforêt từng là diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng ở Pháp, ít nhất là trong hai thập niên liền, từ đầu những năm 1960 cho tới cuối những năm 1970.

Sinh tại vùng Gironde, miền nam nước Pháp, Marie Laforêt (tên thật là Maïtena Douménach) xuất thân từ một gia đình nghèo. Năm 14 tuổi, cô bé theo gia đình dọn nhà về thủ đô, sau khi ông bố làm việc trong ngành đường sắt, được chuyển tới Paris. Năm 16 tuổi, Marie Laforêt ghi tên theo học các lớp diễn xuất vì ngay từ khi còn nhỏ, cô đã đam mê ngành kịch nghệ, một cách như cô nói để chữa cái ‘‘bệnh nhút nhát’’.

Tuy nhiên, cơ duyên nào khiến cho một thiếu nữ còn rất non tay nghề lại có cơ hội đóng phim với thần tượng điện ảnh Alain Delon. Năm 1959, cô lúc đó vừa tròn 20 tuổi tham gia một cuộc thi tuyển lựa các tài năng mới do đài phát thanh Europe 1 tổ chức. Marie Laforêt về đầu trên số hơn 3.000 thí sinh. Nhờ một gương mặt hết sức ăn ảnh, Marie Laforêt được chọn để đóng vai nữ chính trong bộ phim ‘‘Plein Soleil’’ (tựa tiếng Anh là Blazing Sun) của đạo diễn René Clément, phóng tác từ quyển tiểu thuyết trinh thám ăn khách ‘‘The Talented Mr. Ripley’’ của nhà văn Patricia Highsmith.

Lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh lớn, cô đóng phim với hai gương mặt nổi tiếng là Alain Delon và Maurice Ronet. Thành công của bộ phim này giúp cho Marie Laforêt tham gia vào những bộ phim quan trọng nhất thời bấy giờ, bên cạnh các diễn viên ‘‘đình đám’’ chẳng hạn như tác phẩm ‘‘La Fille aux yeux d’or’’ (Cô gái với cặp mắt vàng) của đạo diễn Jean-Gabriel Albicocco hay là ‘‘Flic ou Voyou’’, đóng với ngôi sao màn bạc Jean-Paul Belmondo.

Đang trên đà thành công với nghề đóng phim, Marie Laforêt được mời ghi âm những ca khúc đầu tiên. Vào đầu năm 1963, cô trình làng đĩa hát ‘‘Les Vendanges de l’Amour’’ (tạm dịch là Gặt hái Yêu thương) do ca sĩ kiêm tác giả Danyel Gérard sáng tác. Bài hát này lập kỷ lục số bán, nhờ vào thành công ấy Marie Laforêt tiếp tục ghi âm nhiều ca khúc ăn khách khác như Viens sur la Montagne, Mon amour Mon ami, Que calor la Vida …..

Marie Laforêt xen kẻ những bài hát nguyên tác cũng như các bản nhạc phóng tác, chuyển thể từ các ca khúc Anh Mỹ thịnh hành như ‘‘Paint it black’’ của nhóm the Rolling Stones, ‘‘The Sound of Silence’’ của Simon & Garfunkel, ‘‘Summer Wine’’ của Lee Hazlewood hay là ca khúc chủ đề bộ phim Bố Già (The Godfather) của tác giả Nino Rota.

Marie Laforêt thành công chủ yếu nhờ hát nhạc nhẹ, ngược lại những bài hát pop rock do cô ghi âm vào thời phong trào nhạc trẻ những năm 1960 của Pháp đang trỗi dậy, lại không ăn khách. Có lẽ cũng vì thế mà tuy nổi danh hầu như cùng lúc với Sylvie Vartan và Françoise Hardy, nhưng Marie Laforêt không được xem như là một trong những thần tượng nhạc trẻ. Đa số các bài hát của cô cũng không nhắm vào lứa tuổi thiếu niên, và ngay từ đầu những năm 1970, cô chuyển hẳn sang dòng nhạc dân ca, các khúc nhạc dân gian đến từ châu Âu, Nam Mỹ hay Hoa Kỳ.

Có thể nói đây là thời kỳ quan trọng nhất trong sự nghiệp của Marie Laforêt, cô bắt đầu sáng tác một số bài hát của mình với một bút hiệu khác (Françoise They), cô hợp tác với nhiều nghệ sĩ đến từ Brazil (Egberto Gismonti) hay đến từ Argentina (Jorge Milchberg). Qua việc phối hợp dân ca với nhiều dòng nhạc khác, Marie Laforêt trở thành một trong những nhân vật tiên phong ở Pháp thử nghiệm dòng nhạc ‘‘world music’’ trước khi khái niệm "âm nhạc thế giới" chính thức ra đời.

Đó là lý do khiến cho hợp đồng ghi âm của cô không được triển hạn. Khi chuyển từ công ty CBS sang một hãng đĩa khác là Polydor (vào năm 1972), Marie Laforêt buộc phải ghi âm những bài hát thương mại hơn, dễ ăn khách trên thi trường. Nhạc phẩm Il a neigé sur Yesterday là một ca khúc dễ nghe, khai thác âm điệu cũng như các tựa ca khúc của nhóm Tứ Quái The Beatles. Bài hát này lập kỷ lục số bán vào năm 1977. Nhưng cũng từ đó, Marie Laforêt giải nghệ ca hát vì theo cô, cho dù có ăn khách nhưng cô không hề được quyền chọn lựa, mọi thứ đều do các nhà sản xuất quyết định.

Kể từ cuối những năm 1970, Marie Laforêt sang Thụy Sĩ định cư. Cô lập gia đình, nhập tịch Thụy Sĩ và qua các lớp đào tạo để trở thành một chuyên viên bán đấu giá. Cô mở một phòng tranh và khám phá thế giới của các nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Theo lời đạo diễn Lisa Azuelos (tác giả bộ phim tiểu sử về Dalida,) và cũng là con gái ruột của Marie Laforêt, bà đã cố tình chọn một cuộc sống ‘‘an phận’’ ở Thụy Sĩ, nơi mà ít ai để ý tới cái quá khứ showbiz của bà. Mãi tới giữa những năm 2000, Marie Laforêt mới trở lại trên sàn diễn. Lần cuối xuất hiện trên sân khấu là vào năm 2008, bà rốt cuộc đã thực hiện được giấc mơ đầu đời : vào vai thần tượng Maria Callas trong một vở kịch kể lại cuộc đời và sự nghiệp của một trong những huyền thoại sáng chói nhất làng kịch opéra.

Từ bài hát ăn khách đầu tiên (1963), cho đến tuyển tập CD cuối cùng thực hiện vào năm 1993 với những sáng tác của chính mình, sự nghiệp của Marie Laforêt trải dài trên 3 thập niên. Cô đã đóng khoảng 40 bộ phim và phát hành 14 album, tính tổng cộng bán được hơn 25 triệu bản. Cô gái với cặp mắt vàng vĩnh viễn ra đi, để lại hình ảnh của một nghệ sĩ không vì tiền tài mà hy sinh hạnh phúc gia đình, không vì danh vọng mà lại quên sống theo ý mình.


‘‘La Fille aux yeux d’or’’ (Cô gái với cặp mắt vàng)

viethoaiphuong
#434 Posted : Monday, November 18, 2019 3:02:32 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2019

Tập nhạc thứ nhì sau ngày Johnny Hallyday qua đời


Lễ tưởng niệm Johnny Hallyday tại nhà thờ Madeleine hôm 15/06/2019Philippe LOPEZ/AFP

Hai năm sau ngày vĩnh viễn ra đi, Johnny Hallyday vẫn là vô địch chuyên lập kỷ lục số bán trên thị trường Pháp. Cuối năm 2018, tập nhạc "Mon pays c'est l'Amour" gồm những bản nguyên tác đã bán được gần 2 triệu bản. Còn tập nhạc ‘‘di cảo’’ thứ nhì phát hành cuối tháng 10 năm 2019, đứng đầu Top Ten trong nhiều tuần liên tục.

Theo lời ông Olivier Nusse, giám đốc hãng đĩa Universal Music France, album thứ nhì phát hành sau ngày Johnny qua đời sẽ là một trong những tập nhạc ăn khách nhất vào mùa Noel năm nay, hãng đĩa này đã lên kế hoạch tái bản, sau đợt đầu với hơn 300.000 đĩa hát được bày bán (chưa kể đến chuyện nghe và tải nhạc trực tuyến qua streaming).

Mang tựa đề ngắn gọn là ‘‘Johnny’’, album này gồm 12 ca khúc nổi tiếng của thần tượng quá cố được phối lại với một dàn nhạc giao hưởng. Ông Yvan Cassar, giám đốc nghệ thuật từng làm việc với những nghệ sĩ tên tuổi như Mylène Farmer, Jean-Jacques Goldman, Céline Dion, Patricia Kaas, Michel Sardou hay Florent Pagny… đã triệu mời 70 nhạc sĩ và ban đồng ca của dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn (London Symphony Orchestra) để thực hiện những bản hòa âm phối khí khác hẳn với các bản nhạc nguyên tác.

Ca khúc trích đoạn đầu tiên từ album này là nhạc phẩm ''Diego, tư tưởng vẫn tự do'' (Diego, libre dans sa tête), một sáng tác do Michel Berger ban đầu viết cho France Gall (1981), Michel Berger cũng có ghi âm một phiên bản cho riêng mình vào năm 1983. Sau đó, mãi đến năm 1990, bài hát này mới được Johnny ghi âm lại thành một niệm khúc cuối, đậm đặc chất rock, bất khuất hùng hồn.

Những bản phối tinh tế, đầy ngẫu hứng ấn tượng

Theo lời kể của Yvan Cassar, lúc còn sống Johnny đã từng nói rằng trong số các dự án ghi âm trong tương lai, anh rất mong có cơ hội thực hiện một album rock giao hưởng. Trong nhiều lần hợp tác với Johnny qua các đợt biểu diễn trên sân vận động (Stade de France và Parc des Princes), Yvan Cassar đã từng thực hiện một số bản phối dùng làm khúc nhạc dạo đầu hay trong phần chuyển tiếp các màn biểu diễn của Johnny.

Lần này, ông đã ‘‘chắt lọc’’ lại giọng ca của Johnny trong các màn biểu diễn live trên sân khấu, hay là các bản thu thanh trong phòng ghi âm nhưng vì lý do nào đó đã không được giữ lại. Xung quanh tiếng hát của Johnny, ông đã đan thêu với bộ đàn dây những bản phối tinh tế, đầy ngẫu hứng ấn tượng.

Trên album với lối hoà âm giao hưởng, các bài hát có lối dạo nhạc mở đầu giống như nhạc phim hồi hộp trinh thám để rồi chuyển sang những làn sóng dồn dập dạt dào (như trong bài ‘‘Que je t'aime’’) hay đạt những đoạn phối cao trào, biến trầm uất dồn nén thành những tiếng gào than dũng mãnh như các nhạc phẩm ‘‘Diego’’ hay là ‘‘L'Envie’’.

Khi giọng hát của Johnny được phụ họa với một dàn hợp xướng gồm 30 ca sĩ, các bản phối trở nên hoành tráng như các đoạn opéra của Wagner (như trong các bản ‘‘Requiem pour un fou’’ hay là ‘‘Vivre pour le meilleur’’), tiếng hát của Johnny chuyên hát với giọng ngực phát huy toàn bộ nội lực của mình, như trong bài ''Pardonne-moi'' được Johnny ghi âm trên album trước.

Trong cách phối khí của Yvan Cassar, bộ đàn dây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, bộ gõ hầu như không hiện diện, khi xuất hiện thì lại là những điểm nhấn tinh tế, đối trọng với tiếng vĩ cầm réo rắc để nói lên tất cả niềm đam mê lãng mạn nhưng không kém phần thổn thức ray rức trong tâm trạng, như trong nhạc phẩm ‘‘Quelque chose de Tennessee’’.

Bên cạnh các bản nhạc đậm chất giao hưởng, còn có những bản phối rất mộc, khi giọng ca của Johnny chỉ được đệm với tiếng đàn ghi ta và đôi khi với vài nốt cello (trung hồ cầm). Nhạc phẩm ‘‘Sang pour Sang’’ mà David Hallyday đã từng sáng tác cho bố, như dòng máu chảy về tim giúp cho cơ thể tìm lại một hơi thở mới. ‘‘M'arrêter là’’ hiểu theo nghĩa ‘‘Dừng lại ở đây’’ lại giống hệt như một bản di chúc.

Tìm lại giọng ca crooner của Johnny thời trước

Các tác phẩm nổi trội khác như ‘‘Oh Marie’’ làm cho ta liên tưởng đến nhạc phẩm kinh điển ‘‘Hurt’’ của nhóm de Nine Inch Nails từng được Johnny Cash ghi âm lại vào năm 2002. Có thể nói là dựa vào giọng ca của Johnny, Yvan Cassar đã thực hiện những bản phối ‘‘đo ni đóng giầy’’ và qua đó cũng làm sống lại cách hát mơn trớn thì thầm của Johnny của những thời trước (rất crooner chứ không phải lúc nào cũng là rocker).

Việc phối lại các bài hát của Johnny theo lối giao hưởng là một dự án ghi âm hoàn chỉnh, tuy nhiên cũng đã vướng phải nhiều lời chỉ trích từ phía gia đình (David Hallyday), bạn thân (Jacques Dutronc & Eddy Mitchell) hay của các thành viên trong cộng đồng fan, cho rằng sau thành công rực rỡ của album di cảo đầu tiên, các nhà sản xuất khai thác tối đa bộ vựng tập của Johnny qua việc lên kế hoạch phát hành nhiều album chỉ trong một thời gian ngắn, sau ngày thần tượng nhạc rock Pháp qua đời.
viethoaiphuong
#435 Posted : Saturday, November 23, 2019 3:37:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tuyển tập 55 khúc nhạc tình của Marc Lavoine

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2019


Tuyển tập 55 khúc nhạc tình sau 35 năm sự nghiệp của Marc LavoineTuấn Thảo / RFI

Những khúc nhạc tình "Morceaux d'amour" là tựa đề tuyển tập vừa được phát hành đầu tháng 11/2019 của Marc Lavoine. Bộ đĩa CD này bao gồm tổng cộng 55 ca khúc và được xuất bản vào lúc nam danh ca vừa được mời làm giám khảo của cuộc thi hát truyền hình The Voice, phiên bản tiếng Pháp.

‘‘Những khúc nhạc tình’’ được trình làng hơn một năm sau ngày ra mắt album phòng thu gồm các bản nguyên tác (Je reviens à toi / Về với em). Chữ ‘‘toi’’ hiểu theo nghĩa bóng cũng có thể là giới hâm mộ do mối tình lớn nhất trong đời của một nghệ sĩ vẫn là công chúng. Album này đã đạt tới mức đĩa vàng trên thị trường Pháp. Tuy nhiên, Marc Lavoine không có đủ thời gian để soạn một album mới hay lên đường lưu diễn vì điều đó đòi hỏi khá nhiều công sức. Anh chủ yếu tập trung vào công việc làm giám khảo, tham gia các dự án thu thanh tập thể và chuẩn bị ghi âm lại một số bài hát cho tuyển tập ‘‘Những khúc nhạc tình’’, trong đó có 6 ca khúc chưa từng được phổ biến.

Bên cạnh các bản nhạc quen thuộc với công chúng như Paris, Même Si, Chère Amie, Le Parking des Anges, Elle a les yeux revolver, Marc Lavoine còn chọn khá nhiều bản song ca với các giọng ca nữ. Ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ qua việc hợp tác với các nam ca sĩ là Calogero hay Gaëtan Roussel, các bản song ca ‘‘nam-nữ’’ có thể được xem là sở trường của Marc Lavoine, giọng ca trầm khàn của anh lại càng nổi bật khi được đan xen hòa quyện với những giọng ca nữ đáng chú ý nhất hiện thời.

Sau khi ghi âm chung với Phạm Quỳnh Anh (J’espère), Cristina Marocco (J'ai tout oublié), Claire Keim (Je ne veux qu'elle) ….. Marc Lavoine lần này đã hát chung với thần tượng Juliette Gréco cũng như với tài năng mới Clara Luciani (một trong những giọng ca nữ đã đoạt nhiều giải thưởng nhất trong năm 2019). Cùng nhau, hai nghệ sĩ này đã ghi âm lại nhạc phẩm ‘‘Toi mon amour’’ (Người, tình yêu của ta).

Yêu đời trong cuộc sống với người yêu mới

Khi bắt đầu nghe lại các ca khúc trải dài trong 35 năm qua để đưa vào tuyển tập chọn lọc, Marc Lavoine mới chợt nhận ra rằng dù có ghi âm bằng thể loại gì đi chăng nữa (pop, rock, jazz, acoustic ….) trước sau gì Marc Lavoine vẫn hát nhạc tình trong hơn ba thập niên liền. Bản thân anh (57 tuổi) cũng đang ở trong giai đoạn lạc quan yêu đời, do nam danh ca có người yêu mới (cô Line Papin 23 tuổi). Nhà văn trẻ này, sinh ở Hà Nội và cô có hai dòng máu bố người Pháp, mẹ người Việt.

Chênh lệch tuổi tác hẳn chắc không phải là một vấn đề mà lại là nguồn cảm hứng phong phú dạt dào cho tác giả Marc Lavoine chấp bút viết thêm bài "Morceaux d'amour" (Những khúc nhạc tình), ca khúc chủ đề của tuyển tập mới được phát hành cũng có nội dung nói về niềm tin vào ngày mai, vào những dự án tương lai.

Giai đoạn yêu đời cũng đã mở ra cho Marc Lavoine nhiều quan hệ hợp tác mới, sau khi tìm lại tác giả ruột của anh là Fabrice Aboulker cho tập nhạc (Je reviens à toi / Về với em), lần này Marc Lavoine làm việc chung với nhóm hoà âm của nghệ sĩ nhạc rap Eddy de Pretto, nhà sản xuất của Damso và Clara Luciani, Calogero. Cùng nhau, họ đi tìm một lối phối khí khác, trẻ trung, tươi mát và bớt trầm mặc hơn so với album trước.

Chương trình The Voice và vở nhạc kịch "Les Souliers Rouges"

Riêng về các dự án khác, sau ba lần từ chối cuối cùng Marc Lavoine đã đồng ý ngồi vào ghế giám khảo của cuộc thi hát truyền hình The Voice mùa thứ 9, thay thế nam danh ca Julien Clerc. Theo anh, đây là một vai trò hoàn toàn mới, rất khác với những gì anh hay quen làm. Xuất hiện bên cạnh các đồng nghiệp như Lara Fabian, Amel Bent và Pascal Obispo, Marc Lavoine cho biết đây thật sự là lần đầu tiên anh tham gia một chương trình truyền hình ‘‘dài hơi’’ đến như vậy. Cũng như người lần đầu tiên dẫm chân lên vùng đất phủ đầy tuyết trắng, nam danh ca thú thật anh có tâm trạng nửa bỡ ngỡ, nửa thích thú khi lần đầu tiên khám phá một vai trò mới mẻ khác lạ.

Bên cạnh đó, Marc Lavoine còn phải chuẩn bị cho dự án nhạc kịch "Les Souliers Rouges" (Những chiếc hài đỏ), sau khi ghi âm các bài hát chính với hai nghệ sĩ nổi tiếng là Coeur de Pirate và Arthur H. Marc Lavoine còn đã tham gia vào việc tuyển lựa các diễn viên cho tác phẩm này. Vở nhạc kịch "Les souliers rouges"sẽ được biểu diễn lần đầu tiên vào cuối tháng Giêng 2020 tại nhà hát Folies Bergères. Có thể nói là trong tương lai Marc Lavoine sẽ khá bận rộn trong nhiều tháng trời, hy vọng là album mới sẽ được chuẩn bị kịp thời từ đây đến cuối năm tới.
viethoaiphuong
#436 Posted : Thursday, November 28, 2019 5:51:01 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Trọng Thành - RFI - Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2019

Việt Nam: Âm nhạc ''thức tỉnh'' của Phó An My có gây lo sợ ?


Nghệ sĩ dương cầm Phó An My.ảnh chụp màn hình: Anninhthudo

Nghệ sĩ Phó An My, nổi tiếng với biệt danh ''tiếng dương cầm bão tố'', một lần nữa gây chấn động. Lần này có lẽ ít do buổi độc tấu piano của bà tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đêm 24/11/2019, mà nhiều hơn là do can thiệp thô bạo của an ninh (1). Nhiều người cho rằng đêm nhạc mang tên gọi ''Tỉnh'' khiến chính quyền lo sợ. Tuy nhiên, câu chuyện có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

Một nhà bình luận âm nhạc Việt Nam ghi nhận, ''trước “Bóng,” “Lửa,” “Gió”… khán giả rất khó hình dung sự đồng điệu của cây đàn piano với các làn điệu chèo, tuồng, hát văn… trong cùng một tiết mục trên sân khấu. Thế nhưng, Phó An My đã dẫn dắt công chúng từ những nghi ngại ban đầu đến trạng thái bất ngờ, thậm chí là cảm giác “sửng sốt’’''.

Lần này Phó An My cùng ê kíp, nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên và đạo diễn Đặng Xuân Trường, đã chọn một con đường khác. Độc hành với cây đàn piano, Phó An My chuyển đến công chúng cảm xúc choáng ngợp của bà trước Thiên nhiên vĩ đại, qua hơi thở của ca trù, thứ âm nhạc bác học tinh túy của Việt Nam.

Vài tuần trước cuộc biểu diễn, người nghệ sĩ dương cầm này đã phải đối mặt với các áp lực chưa từng có trong đời, từ phía an ninh, cũng như trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đêm diễn 24/11 rốt cuộc đã diễn ra.

***

Trước hết, mời quý vị nghe nhận xét của họa sĩ Lê Quảng Hà về đêm diễn ''Tỉnh'' :

''Có thể nhận xét là chưa một lần nào tôi xem một buổi biểu diễn hoàn thiện từ góc độ ánh sáng, cho đến sân khấu mang tính nghệ thuật đến thế. Tôi chẳng hiểu tại sao một buổi biểu diễn như thế mà công an lại phải làm phiền như thế. Tôi nghĩ có lẽ chỉ có mỗi chữ Tỉnh là họ sợ. Họ sợ Dân tỉnh. Nhưng mà câu chuyện giải quyết xong, việc này cũng khá êm đẹp rồi''.

Hạnh phúc trong đau đớn

Nghệ sĩ Phó An My chắc chắn đã hạnh phúc, bởi giấc mơ 15 năm về trước của bà đã thành hiện thực. Cuộc trình diễn đã hoàn tất, tuy nhiên, trong tâm hồn của người nghệ sĩ, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau, niềm thất vọng mênh mang. Sau đây là một tâm sự của bà Phó An My với RFI Tiếng Việt, hôm sau đêm diễn :

''Có một khoảng khắc không bao giờ tôi quên, khi có một người tặng hoa tôi. Tôi vẫn ôm bó hoa đó kịp thời, trong lúc an ninh cản trở việc ấy. Tôi không hiểu tại sao ? Và người tặng hoa tôi cũng không hiểu tại sao lại thế ? Không thể đối xử với nhau như thế này ! Đông an ninh như một sự kiện gì đấy phản quốc ! Tại sao ? Tại sao chúng ta đối xử với nhau như thế này ? Cũng có một người nhiếp ảnh hôm nay, tôi phải gọi điện (xin lỗi), người ấy tưởng tôi bầy trò ra để an ninh đến và không cho ông ấy chụp ảnh. Ông ấy dỗi, ông ấy bỏ về… Tôi không biết tôi còn phải xin lỗi bao nhiêu người nữa ! ''.

Đồng hành của Green Trees

Một trong các lý do khiến buổi biểu diễn của Phó An My bị chính quyền chú ý là do mối quan hệ giữa nghệ sĩ với những thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Green Trees, đặc biệt với ông Đặng Vũ Lượng, nhạc sĩ và cũng là người bạn đồng hành của bà.

''Họ lo ngại là Green Trees sẽ có thể làm một điều gì đấy, họ phải ngăn chặn từ trước. Trước đó, họ đã luôn luôn cảnh báo ê kíp của đêm diễn rằng sẽ bị theo dõi an ninh chặt chẽ, bởi vì sẽ có các thế lực phản động đứng đằng sau. Chuyện này thì rất đáng ngạc nhiên, vì Greeen Trees từ trước cũng chỉ hoạt động về môi trường, chưa làm điều gì sai trái với pháp luật của Việt Nam'' (2).

Nhà hoạt động xã hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, rất quan tâm đến buổi diễn, cho dù ông không tham dự. Theo ông, chính quyền có lý do để lo ngại đêm diễn ''Tỉnh'', không chỉ vì tổ chức môi trường Green Trees.

''Họ sợ ! Mà họ sợ là đúng thôi. Bởi vì nghệ thuật, nhạc, phim ảnh. Những cái ấy nó thấm vào những cảm xúc rất là sâu thẳm của con người. Và họ chỉ muốn tất cả mọi người đều nghe bài hát Đêm nay có Bác Hồ gì đó, hay về Đảng ta vinh quang gì đó. Một chế độ mà quen tẩy não con người rồi thì nó dị ứng với những tác phẩm có tính mới lạ, và có thể gây tác động sâu đậm đến suy tư của con người''.

Khao khát nghệ thuật đỉnh cao

Trên thực tế, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước buổi diễn, báo chính thức tại Việt Nam đã đăng tải hàng loạt bài viết ca ngợi ''Tỉnh'' - như một cơ hội đánh thức ý thức môi trường trong xã hội Việt Nam. Nghệ thuật làm thức tỉnh lòng người trong lĩnh vực môi trường dường như không còn là điều cấm kỵ. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng khao khát những tác phẩm âm nhạc vượt khỏi những lối mòn. Sau đây là nhận định của nhà văn Đặng Thân.

''Tôi thực sự cảm động khi xem câu chuyện được dẫn dắt qua tiếng đàn rất là kinh điển như thế này ! Tôi chỉ có một mong muốn là những cái sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao này cần được đến với công chúng nhiều hơn. Bởi vì, cho đến giờ phút này, chúng ta thấy ở môi trường như ở Việt Nam, thì nghệ thuật rất nghèo nàn và luẩn quẩn. Tôi thấy là công chúng đến với đêm nhạc rất đông, không còn một chỗ trống. Có nghĩa là sự khao khát được thưởng thức những chương trình như thế này của người dân, đặc biệt như ở vùng Hà Nội đây là có, chỉ có điều là nguồn cung cực kỳ yếu và thiếu ! ''.

''Tôi đánh thức chính mình''

Tại sao Phó An My lại chọn ''Tỉnh'' làm tiêu đề cho tác phẩm ? Sau đây là chia sẻ của nghệ sĩ :

''Cái câu chuyện môi trường cả thế giới phải quan tâm đến. Khi môi trường nó xấu đi, thì người giầu, người nghèo cũng như nhau. Chúng ta hưởng một không khí như nhau. Nhưng đó chỉ là một góc ! Cái góc (riêng) của tôi là gì ? Thiên nhiên là thứ tuyệt vời nhất của cuộc đời này. Chúng ta làm gì ? Chúng ta chỉ là những con người nhỏ nhoi, chúng ta đang nỗ lực để mô tả lại thiên nhiên. Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất ! Trong một khoảnh khắc tôi chọn tên là ''TỈNH''. Tỉnh có gì là khốc liệt đâu ?!

Tỉnh là gì ? Một ngày đẹp giời tôi tỉnh dậy, tôi cần phải tỉnh dậy ! Tôi phải đánh thức chính tôi, để tôi không ngủ quên, quên là hàng ngày tôi đang làm gì ! Tôi chỉ là một hạt cát của vũ trụ này. Tôi chỉ nghĩ là, một ngày đẹp trời, giống như Vivandi, làm ''Bốn Mùa''… Tôi là người Việt Nam, tôi tự hào về những câu chuyện của ông bà tôi để lại, tôi muốn đưa được ngôn ngữ dân gian của Việt Nam đưa ra với thế giới. Để khi họ nghe thấy một giai điệu đấy, họ bảo là : À đây là Việt Nam ! Đây là đất nước tôi !''.

Cái đẹp… Thiên nhiên… sự lương thiện…

Nghệ sĩ Phó An My tâm sự thêm về những gửi gắm của bà qua tác phẩm :

''Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất rồi ! Màu sắc thiên nhiên, khoảnh khắc thiên nhiên, âm thanh của thiên nhiên ! Âm thanh là gì ? Có thể là, mình nghe thấy tiếng chim hót, mình rất là rung động, mình nghe thấy tiếng xào xạc của lá, mình nghe thấy tiếng gió, mình nghe thấy tất cả mọi thứ…. Mình mường tượng ra, mình tạo ra một thứ âm thanh truyền tải cho con người. Đó là giai điệu của âm nhạc ! Để nó (Thiên nhiên) đến gần với con người. Cái đêm diễn này tôi hướng đến một sự đẹp đẽ. Khi tôi đưa ra một thông điệp đẹp đẽ, tự nhiên con người sẽ lương thiện hơn. Chỉ có sự lương thiện mới thay đổi được cuộc đời này. Cái đẹp của Thiên nhiên, cái đẹp của mọi thứ đã cho mình, của vũ trụ để cho mình. Hãy tôn trọng nó ! ''.

Tác phẩm ''Tỉnh'' không dính dáng đến bất cứ tuyên truyền chính trị nào là điều mà nghệ sĩ dương cầm Phó An My nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của bà với RFI. Với nhà văn Đặng Thân, thì giá trị của tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này ''lớn hơn nhiều'' so với các tuyên truyền về ý nghĩa với môi trường trong tác phẩm Phó An My, thường được báo chí, truyền thông tại Việt Nam ca ngợi. Không chỉ là môi trường, theo nhà văn Đặng Thân, điều mà ông cảm nhận qua tác phẩm này là chính "đời sống của con người đang thực sự bị đe dọa".

Thức tỉnh: chuyện muôn thuở, mà cấp thiết

Những tác phẩm cách tân, sâu sắc và tinh tế bao giờ cũng để lại những cảm nhận đa chiều. Sau đây là một chia sẻ khác của tiến sĩ Nguyễn Quang A về đêm diễn Tỉnh.

''Nhạc của Phó An My có một cái nét rất là riêng của Phó An My. Tôi không nghĩ là nó chỉ gắn với môi trường đâu. Cái Tỉnh ở đây rộng lắm. Không chỉ có ý nghĩa về việc môi trường bị hủy hoại. Tỉnh ở đây nó sâu lắm ! Và người ta sợ ở cái sâu ấy ! Thực sự là cái chuyện thức tỉnh là chuyện muôn thuở. Và buổi buổi diễn nó khơi gợi lại, nó đòi hỏi người Việt Nam phải tỉnh. Thì cái thức tỉnh ấy rất nhiều ý nghĩa. Rất nhiều vấn đề khác của xã hội, mà chúng ta phải tỉnh ra ! ''.

Đêm độc tấu dương cầm ''Tỉnh'' của nghệ sĩ Phó An My, ngày 24/11/2019, để lại nhiều dấu hỏi về thái độ hành xử của chính quyền Việt Nam. Bên cạnh việc an ninh ngăn chặn những thành viên của tổ chức dân sự Green Trees tham dự đêm diễn, nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc các nhân viên công lực cản trở công chúng tiếp xúc với các nghệ sĩ ngay tại một trung tâm văn hóa lớn của thủ đô Hà Nội, một hành vi bị lên án là ''vô văn hóa'', thậm chí phạm pháp.

Trong chính quyền, nhiều người cũng trên đường tỉnh thức

Phản ứng thô bạo và quá khích của phía các nhân viên công lực vượt quá xa khỏi những gì cần thiết để bảo vệ an ninh xã hội, gây bất bình. Ngay giới các blogger - thường được gọi là ''các dư luận viên'', có quan điểm bài xích những người hoạt động dân sự độc lập - cũng phân hóa. Bên cạnh, những người dùng những lời lẽ tồi tệ để miệt thị nghệ sĩ Phó An My, cũng có người cho rằng không có lý do gì để hủy đêm nhạc Tỉnh.

Một bộ phận chính quyền Việt Nam dường như cũng đang thức tỉnh. Mâu thuẫn chủ đạo trong xã hội Việt Nam giờ đây không hẳn chỉ là giữa chính quyền độc tài, toàn trị với những người khát khao tìm lối thoát cho xã hội Việt Nam, mà là mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ chính quyền, giữa một bên là thế lực ưa dùng bạo lực để duy trì nỗi sợ hãi, sự phục tùng, mù quáng trong dân chúng, với những người đang trên con đường tỉnh thức.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhạc sĩ Phó An My, họa sĩ Lê Quảng Hà, nhà văn Đặng Thân, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhạc sĩ Đặng Vũ Lượng đã dành thời gian cho chương trình.

Ghi chú

1 - Theo thông tin của nhóm Green Trees, ngoài việc các thành viên của nhóm bị ngăn chặn đến dự biểu diễn, trong đêm nhạc Tỉnh tại Nhà Hát Lớn, các bức tranh nghệ thuật về thiên nhiên bị cấm trưng bày, an ninh không cho phép khán giả chụp ảnh, live stream, không một đài truyền hình nào được phép vào quay đêm diễn, không khán giả nào được phép tặng hoa…. Sau buổi diễn gần như không có bất kỳ tin bài nào giới thiệu về đêm nhạc Tỉnh, ngoài bài ''Phó An My: Bán cá lãi hơn, nhưng tôi vẫn thuộc về âm nhạc'', đăng tải ngày 25/11/2019 trên trang Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đây là cuộc phỏng vấn nghệ sĩ dương cầm trước thềm cuộc trình diễn.

2. Nhóm Green Trees ra đời từ phong trào chống chặt hơn 6.000 cây cổ thụ ở Hà Nội, gần đây khiến công luận chú ý với bộ phim ''Đừng sợ'' về Thảm họa biển Formosa, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006. Một số thành viên của Green Trees bị nhân viên công an gây khó khăn do bộ phim này (RFI 28/03/2019). Theo ông Đặng Vũ Lượng, từ một năm trở lại đây, nhiều thành viên không còn ở nơi cư trú thường lệ, "để tránh sự quấy rối từ phía an ninh".




viethoaiphuong
#437 Posted : Monday, December 2, 2019 2:05:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2019

Tập nhạc song ca đầu tiên của Julien Clerc


Sau 50 năm sự nghiệp, lần đầu tiên Julien Clerc phát hành tuyển tập song ca.Tuấn Thảo / RFI

Trong vòng nửa thế kỷ sự nghiệp, Julien Clerc đã tặng cho làng nhạc Pháp khá nhiều bài hát vượt thời gian. Người nghệ sĩ nay đã có nhiều nếp nhăn trên trán, nhưng các tình khúc do anh viết vẫn chưa già theo năm tháng. Thay vì tái bản ca khúc nhân dịp lễ cuối năm, Julien Clerc đã mời giới bạn hữu ghi âm lại với mình những bài hát nổi tiếng nhất dưới dạng song ca.

Nối bước các đồng nghiệp như Véronique Sanson (Duos Volatils), Marc Lavoine (Les Duos de Marc), Yves Duteil (Entre Elles et Moi) hay sắp tới đây là nhóm nhạc rock Tryo (nhân 25 năm ngày ban nhạc được thành lập), Julien Clerc đến phiên mình cũng trình làng tập nhạc song ca (Duos) ghi âm lại các ca khúc quen thuộc nhất của anh với 12 nghệ sĩ trứ danh hiện thời. Tuy nhiên, trái với các đồng nghiệp, Julien Clerc ít khi nào hát chung với các nghệ sĩ khác, ngoại trừ một vài trường hợp riêng biệt như vài bản song ca (nhạc phẩm Seras-tu là) ghi âm với Françoise Hardy ghi âm để gây quỹ từ thiện.

Trên album song ca đầu tiên, Julien Clerc đã tập hợp một dàn nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có khá nhiều người bạn đã từng hợp tác với anh trước đây. Đó là trường hợp của Maxime Le Forestier, Carla Bruni hay Vianney đều từng sáng tác cho Julien Clerc nhiều ca khúc. Về phần mình, Calogero đã thực hiện phần hòa âm cho toàn bộ album trước của Julien (À nos amours) phát hành vào năm 2017. Florent Pagny và Soprano là những đồng nghiệp anh quen biết gần đây, trong thời gian Julien Clerc làm giám khảo cuộc thi hát truyền hình The Voice, phiên bản tiếng Pháp. Soprano đã cùng với Julien Clerc ghi âm lại một bản phối mới đầy ấn tượng cho ca khúc "Let the Sunshine in" (Laissons entrer le Soleil), ca khúc chủ đề của vở nhạc kịch ‘‘Hair’’ phát hành vào năm 1969 và đã làm nên tên tuổi của Julien Clerc cách đây vừa đúng 50 năm.

Thế nhưng, gương mặt thu hút nhiều nhất sự quan tâm của công chúng không phải là sự tham gia của con gái ruột của Julien (tên là Vanille) mà chính là sự góp mặt của Francis Cabrel. Nam danh ca Francis Cabrel đã vắng bóng trong một thời gian dài, xuất hiện trở lại vào năm 2016 với tập nhạc "In Extremis", và nghe đâu anh đang chuẩn bị một album gồm toàn là các sáng tác mới. Rất ít khi nào Francis Cabrel xuất hiện trước công chúng mà cũng không tham gia vào các chương trình ca nhạc theo chuyên đề, thế nhưng lần này Francis Cabrel đã tranh thủ thời gian có mặt tại Paris để vào phòng thu ghi âm với Julien Clerc nhạc phẩm "Souffrir par toi n'est pas souffrir".

Bản song ca của Julien Clerc với Francis Cabrel có lối hòa âm mộc hơn nhiều so với bản gốc, bài này đã từng được tác giả Étienne Roda-Gil viết vào năm 1975 để nói về mối tình tan vỡ giữa Julien Clerc với France Gall, cả hai đã sống chung với nhau từ năm 1970 đến 1974. Qua bài hát này, Julien Clerc không che giấu niềm đam mê cũng như nỗi khổ đau của anh với mối tình đầu đời, thời hai người còn rất trẻ. Julien Clerc từng hy vọng đôi tình nhân sau cơn sóng gió sẽ lại hòa thuận với nhau và anh cho biết (theo cuốn tiểu sử phát hành năm ngoái) là vào thời đó anh đã làm thử mọi cách để thuyết phục người yêu quay trở lại. Dựa vào câu chuyện tình của Julien Clerc với France Gall, tác giả Étienne Roda-Gil đã chấp bút viết thành những lời rất đẹp : Khổ vì em chưa phải là khổ, nói cách khác ‘‘anh vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được khổ vì em’’.

Có lẽ cũng vì đây là lần đầu tiên, Julien Clerc ghi âm lại các ca khúc của mình dưới dạng song ca, nhiều bản nhạc của anh đều được viết cho một giọng nam cao, cho nên cấu trúc và giọng nhạc trong một số bài cần được chỉnh sửa lại sao cho hợp với các vị ‘‘khách mời’’. Để thực hiện điều này, Julien Clerc làm việc tại phòng thu Guillaume Tell ở Suresnes với nhóm nghệ sĩ có nhiều năm tay nghề như Cyrille Nobillet và tay đàn ghi ta Jan Phạm Hữu Trí, lối hòa âm tân kỳ, hiện đại hơn nhưng vẫn trung thành với các phiên bản gốc. Lối hòa âm phối khí dùng nhiều bộ đàn dây, mang lại một âm thanh thính phòng cho một số bài hát (chẳng hạn như bài Ma Préférence), khác với những phiên bản ghi âm vào những năm 1970.

Sau khi ngồi vào ghế giám khảo The Voice chỉ trong một mùa và giờ đây anh đã nhường chỗ lại cho Marc Lavoine, Julien Clerc nay tập trung vào việc sáng tác các ca khúc mới. Nam danh ca cho biết là anh rất may mắn có nhiều bài hát để đời, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ khán thính giả như thể họ nghe hoài mà vẫn không chán, bản thân anh cũng không hề cảm thấy mệt mỏi khi hát đi hát lại những bản tình ca, mà nay đã thuộc vào di sản của làng nhạc Pháp.

Tuy nhiên, điều anh quan tâm là tiếp tục sáng tác và viết ca khúc mới và dù có bận rộn cách mấy, anh vẫn dành thời gian để ngồi vào đàn piano, mò mẫmnhững giai điệu hay, tìm tòi những ý tưởng mới. Công chúng vẫn luôn thích nghe anh hát lại những bản nhạc kinh điển như "Ma préférence", "Femmes, Je vous aime" hay là "Fais-moi une place". Có lẽ cũng vì vậy mà Julien Clerc không loại trừ khả năng phát hành thêm một tập nhạc song ca thứ nhì, bên cạnh việc chuẩn bị ghi âm một album mới, sớm lắm là vào cuối năm tới.
viethoaiphuong
#438 Posted : Monday, December 9, 2019 10:01:16 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2019

Đoàn nghệ sĩ ‘‘Quán ăn Tình thương’’ tròn 30 tuổi


Véronique Colucci (vợ của Coluche) điều hành Les Restos du Coeur tới năm 2017.BERTRAND GUAY / AFP

Tại Pháp, hiệp hội Les Restos du Cœur (Các Quán ăn Tình thương) chuyên phát thức ăn cho người nghèo, đã ra đời vào năm 1985. Chính cũng nhằm mục đích gây quỹ tài trợ hiệp hội này mà đoàn nghệ sĩ ‘‘Les Enfoirés’’ đã được thành lập vào tháng 11 năm 1989, tức cách đây vừa đúng 30 năm.

Ngược dòng thời gian lùi về năm 1985, thời tiết khắc nghiệt của mùa đông năm ấy đã khiến cho nam diễn viên Coluche ngỏ lời kêu gọi trên đài phát thanh (Europe 1) tất cả những ai có hảo tâm, đóng góp vào việc thành lập một căng tin bình dân, một kiểu quán ăn xã hội, để phân phát hai bữa ăn cho người nghèo trong mùa đông. Từ đó, Quán ăn Tình thương đầu tiên ra đời. Tuy nhiên, trước đó đã có lời kêu gọi của Abbé Pierre vào năm 1954 và tu sĩ công giáo này đã sáng lập tổ chức từ thiện Emmaüs, nhằm giúp đỡ người nghèo, dân tị nạn hay những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội …

Hoàn cảnh ra đời của đoàn nghệ sĩ từ thiện

Các Quán ăn Tình thương chủ yếu tập trung vào việc phân phát các bữa ăn. Ca sĩ kiêm tác giả Jean-Jacques Goldman từng triệu mời giới nghệ sĩ Pháp ghi âm một đĩa hát để gây quỹ từ thiện. Ca khúc này sau đó trở thành nhạc hiệu của các buổi trình diễn. Dù rất ăn khách, nhưng bài hát này vẫn không đủ để tài trợ cho kế hoạch phát triển các ‘‘Quán ăn Tình thương’’ thành một mạng lưới. Chính cũng vì thế vào tháng 11 năm 1989, đoàn nghệ sĩ từ thiện ‘‘Les Enfoirés’’ (theo cách gọi thân mật của vua hề Coluche) đã ra đời.

Thành phần ban đầu gồm 7 thành viên nòng cốt (Jean-Jacques Goldman, Véronique Sanson, Michel Sardou, Johnny Hallyday, Eddy Mitchell và Michael Jones). Nhóm nghệ sĩ này lên đường lưu diễn khắp nước Pháp. Họ không lấy thù lao và quyên tặng toàn bộ doanh thu của đợt biểu diễn cho hiệp hội Les Restos du Coeur. 30 năm sau, đợt biểu diễn này đã trở thành một truyền thống. Trong ba thập niên qua, đã có khoảng 250 nghệ sĩ đủ mọi thế hệ tham gia vào đoàn biểu diễn Les Enfoirés.

Chương trình sinh hoạt mừng sinh nhật thứ 30

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đoàn nghệ sĩ của các Quán ăn Tình thương, một chương trình sinh hoạt khá dày đặc lần lượt được tổ chức từ đây cho tới cuối tháng 12. Đầu tiên hết là một chương trình truyền hình ‘‘30 năm Les Enfoirés’’ theo dạng đố vui để học giữa hai nhóm nghệ sĩ thâm niên (Jenifer, Amel Bent, Patrick Bruel, Mimie Mathy, Pierre Palmade …) và các nghệ sĩ mới (Philippe Lacheau, Slimane, Claudio Capéo, Malik Bentalha ...)

Bên cạnh đó, một cuộc triển lãm lớn được tổ chức tại trung tâm Pavillon Villette ở Paris quận 19, theo đề xuất của chủ tịch hội hiện nay là cô Sophie Bazou. Cô từng làm việc bên cạnh hai vợ chồng Coluche và Véronique Colucci trong nhiều năm trời, để rồi giờ đây tiếp tục điều hành một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất ở Pháp, sau khi bà Véronique Colucci qua đời hồi tháng 4 năm 2018.

Theo cô Sophie Bazou, cuộc triển lãm không những giới thiệu với công chúng những thành quả đạt được mà còn là lời cảm ơn qua các tài liệu phim ảnh thực hiện ở hậu trường đối với tất cả những tính nguyện viên cũng như những người hâm mộ đã ủng hộ nhiệt tình Các Quán ăn Tình thương trong suốt thời gian qua. Song song với triển lãm, trang web chính thức của "Les Restos du Coeur" cũng tổ chức bán đấu giá trực tuyến các trang phục sân khấu, các vật dụng trang trí hay là hình ảnh quảng cáo lấy từ các chương trình biểu diễn của đoàn nghệ sĩ.

Cũng nhân sinh nhật năm chẵn, một bộ đĩa CD được bày bán như một món quà cuối năm với tựa đề "30 năm biểu diễn cho Quán ăn Tình thương" 1989-2019. Được phát hành vào đầu tháng 12, bộ đĩa này gồm 30 ca khúc chọn lọc từ các buổi hòa nhạc trên sân khấu, các chương trình truyền hình live. 30 ca khúc này từng được công chúng bình chọn trên trang web như là những bài hát yêu thích nhất. Ngoài ra, bộ đĩa còn bao gồm 9 bài hát từng được khai thác qua đĩa đơn và các ca khúc biểu tượng này được phát hành cùng với một phiên bản karaoke.

Bộ đĩa chọn lọc và đợt biểu diễn gây quỹ mới

Quan trọng hơn nữa là đợt biểu diễn tại Paris (sân khấu AccorHotels Arena) từ ngày 15/01 đến ngày 20/01 năm 2020, mở đầu cho một vòng lưu diễn sau đó trên toàn nước Pháp. Đợt biểu diễn (khai mạc mùa quyên góp) mang tựa đề "2020, le Pari(s) des Enfoirés" thường được xem là rất quan trọng, do thu về hàng năm từ 8 đến 12% doanh thu của Les Restos du Cœur. Riêng trong năm 2018, đợt biểu diễn đã mang về 18 triệu euro.

Trung thành với lời kêu gọi của Coluche, các nghệ sĩ luôn dành thời gian, tham gia biểu diễn cũng như thu hình và ghi âm hầu quyên góp càng nhiều càng tốt cho Les Restos du Cœur. Trong năm đầu tiên, mức quyên góp đã giúp cho các Quán ăn Tình thương phân phát 8 triệu bữa ăn tại 200 thành phố trên nước Pháp. Hiện nay, 73.000 tình nguyện viên của hiệp hội làm việc tại hơn 2.000 trung tâm để phân phát 133 triệu bữa ăn cho 900.000 người nghèo.

Đối với nhiều người, những thành quả đạt được nhờ nỗ lực của giới tình nguyện viên là điều đáng khen ngợi. Nhưng đồng thời đó cũng là một điều đáng buồn. Số lượng các bữa ăn phân phát gia tăng cũng là dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều người nghèo (nhất là giới trẻ mới vào đời) cần được giúp đỡ.
viethoaiphuong
#439 Posted : Friday, December 13, 2019 7:59:42 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(AFP) – Đức kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhạc sĩ Beethoven.
Kể từ ngày 13/12/2019 và cho đến 17/12/2020 tại Đức sẽ có hơn 700 sinh hoạt văn hóa, từ các buổi hòa nhạc đến nghệ thuật sân khấu, opéra, triển lãm… vinh danh Beethoven. Riêng thủ đô Berlin, trong hai ngày 25 và 26/04/2020 dàn nhạc Philharmonie của thành phố sẽ chơi nhạc Beethoven trong suối 24 giờ đồng hồ. Beethoven là niềm tự hào của dân tộc Đức. Ngay chế độ cộng sản của Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũng xưng tụng ông như một nhà cách mạng với bản Symphonie số 9 khi Beethoven ngợi ca "thế giới đại đồng", nhân loại là anh em.


(AFP) – Xếp hàng trước một tuần lễ cho Chiến tranh các vì sao.
Một tuần lễ trước ngày bộ phim mới Star Wars ra mắt công chúng, khoảng 20 người hâm mộ đã chầu chực từ một tuần nay trước rạp hát Chinese Theatre tại Hollywood. Từ hôm 12/12/2019 mọi người đợi mua vé vào cửa. Nhà sản xuất dự báo giới hâm mộ sẽ đông đảo đến xếp hàng trong những ngày tới khi lực lượng các "fan" của Chiến Tranh các vì sao từ Anh và Nhật Bản đổ bộ Hollywood.






viethoaiphuong
#440 Posted : Sunday, December 15, 2019 3:02:32 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tình khúc France Gall và thế hệ trẻ

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2019


Nhiều album của France Gall được tái bản, trong đó có tuyển tập ăn khách năm 2004Tuấn Thảo /RFI RFI

Kể từ mùa thu năm 2019, một loạt tập nhạc của France Gall đã lần lượt được tái bản (bằng CD và đĩa nhựa). Tính tổng cộng, 4 album sẽ được phát hành trở lại, trong đó quan trọng nhất vẫn là tuyển tập xuất bản vào năm 2004. Trong khi đó, thế hệ ca sĩ trẻ thời nay gần đây đã ghi âm lại nhiều tình khúc của nữ danh ca quá cố (qua đời hồi tháng Giêng năm 2018).

Tuyển tập bao gồm các ca khúc chọn lọc của France Gall từng lập kỷ lục số bán vào năm 2004. Cho dù chưa đến ngày giỗ của cô, nhưng tuyển tập này vẫn được tái bản vào mùa thu năm 2019, và lần này bộ CD bao gồm thêm nhiều ca khúc do France Gall ghi âm nhưng chưa từng được phổ biến qua băng đĩa. Những bài hát có thể được xem là ‘‘quý hiếm’’ do chỉ được thu hình để quảng bá cho các dự án ghi âm hay là để giới thiệu với công chúng Pháp qua các chương trình ca nhạc có chuyên đề.

Đó là trường hợp của các bài hát như "À qui donner ce que j'ai" hay là "Au revoir Angélina", từng được Michel Berger, chồng của France Gall viết cho một vở nhạc kịch vào năm 1974 mang tựa đề là ‘‘Angélina Dumas’’. Tuy nhiên, dự án này đã không hoàn thành và mãi đến năm 1979 nhờ vào sự hợp tác giữa Michel Berger với tác giả người Canada Luc Plamondon, dự án này mới được hoàn chỉnh để rồi trở thành vở nhạc kịch cực kỳ ăn khách Starmania. Tác phẩm này năm nay ăn mừng 40 năm ngày khai sinh, với một đợt biểu diễn mới. Cũng trên tuyển tập được tái bản năm 2019, một số ca khúc của France Gall đã được hòa âm lại.

Tinh khúc France Gall được khoác áo mới

Song song với việc tái bản các tập nhạc của France Gall, gần đây các nhóm nhạc trẻ như Kids United, Les Petites Canailles, các ca sĩ mới xuất hiện như Léa Deleau hay là Adia Victoria đều có ghi âm lại các ca khúc ăn khách của France Gall, vào thời cô từng là một trong những thần tượng nhạc trẻ của Pháp những năm 1960, và sau đó nữa kể từ đầu thập niên 1980 trở đi, cô trở thành một danh ca hàng đầu của Pháp nhờ trình bày các ca khúc kinh điển, với lời lẽ chín chắn nghiêm túc của chồng là tác giả Michel Berger.

Trong số những ca khúc làm nên tên tuổi của France Gall những năm 1960, dĩ nhiên ngoài nhạc phẩm ‘‘Poupée de Cire, Poupée de Son’’ (Búp bê không tình yêu, lời Việt của tác giả Vũ Xuân Hùng) từng đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision năm 1965, còn có bài ‘‘Ne sois pas si bête’’ mà tác giả Nguyễn Duy Biên từng chuyển sang lời Việt thành ‘‘Đừng khờ quá thế’’ qua giọng ca của cô ca sĩ Bích Trâm trước năm 1975. Trong nguyên tác, bài hát này là một ca khúc tiếng Anh mang tựa đề ‘‘Stand a little closer’’ của hai tác giả Bugs Bower và Jack Wolf (sau đó được Pierre Delanoe phóng tác sang tiếng Pháp). Nhóm đầu tiên trình bày ca khúc này là ban tam ca nữ người Mỹ Laurie Sisters.

Tập nhạc cover của Jenifer bị chỉ trích

Lúc sinh tiền, France Gall nổi tiếng là một nghệ sĩ cầu toàn, nếu không nói là khó tính. Cô hoàn toàn phản đối dự án (cover) ghi âm lại các bài hát của cô và của chồng là tác giả Michel Berger. Bằng chứng là vào năm 2013, cô ca sĩ Jenifer (từng đoạt giải quán quân cuộc thi hát truyền hình Star Academy và hiện là một trong những giám khảo của chương trình The Voice, phiên bản tiếng Pháp) đã phát hành nguyên một album với toàn là các ca khúc của cặp vợ chồng nghệ sĩ France Gall - Michel Berger. Kết quả là Jenifer đã bị chỉ trích dữ dội và France Gall đã khiển trách Jenifer đã không nói trước một lời với cô, người đang nắm giữ tác quyền các bài hát.

Sự đối đầu va chạm ấy đã khiến cho vấn đề ghi âm lại các bài hát của France Gall - Michel Berger càng trở nên nhạy cảm, vào lúc mà hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng đều được vinh danh hay tưởng niệm qua nhiều tập nhạc (hommage /tribute) khác nhau, hiện vẫn chưa có một dự án ghi âm tập thể xứng đáng với tầm cỡ của cặp vợ chồng nghệ sĩ quá cố. Sau khi France Gall qua đời (hồi tháng Giêng năm 2018) việc xin phép gia đình cô để khai thác các ca khúc có vẻ đã trở nên dễ dàng hơn và điều đó giải thích vì sao nhiều ca khúc của France Gall bắt đầu được ghi âm lại.

Di sản của chồng, tác giả Michel Berger

Cuối năm 2015, tức là hai năm trước khi vĩnh viễn ra đi, France Gall đã thực hiện được ước mơ mà cô đã ấp ủ từ nhiều năm qua, đó là dựng nguyên một vở nhạc kịch với toàn là các ca khúc của tác giả Michel Berger. Tuy vở nhạc kịch này đã thành công và thu hút đông đảo khán giả trong hơn một năm biểu diễn trên sân khấu, nhưng hầu hết các ca khúc đều ý như cũ, giữ nguyên bản phối chính gốc có từ những năm 1980.

France Gall trong vai trò của người nắm giữ tác quyền đã tìm đủ mọi cách để bảo vệ di sản của chồng cô là Michel Berger, với tham vọng nâng tầm vóc của tác giả này lên ngang hàng với bậc đàn anh là Serge Gainsbourg. Sinh thời, France Gall đã hát nhạc của cả hai tác giả, và trái tim của cô đã dứt khoát chọn lựa con đường vì từ năm 1976 trở đi, cô không hề hát lại những ca khúc những năm 1960 từng đưa tên tuổi của cô lên hàng thần tượng nhạc trẻ.


Users browsing this topic
Guest (479)
24 Pages«<2021222324>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.