Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Nghĩ Về Hai Câu Ca Dao
Trang Y Hạ (Nhớ Cha)
PHẦN MỘT:
Tôi sinh ra ở Quế Sơn, Quảng Nam. Vùng đất nầy từ mấy trăm năm về trước ông bà tổ tiên của tôi đã tới định cư và lập nghiệp cho tới tận bây chừ…! Là một người Quảng Nam tôi luôn tự hào mỗi khi đọc hai câu Ca Dao:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.
Hai câu ca dao viết theo lối “biền ngẫu” có đối ý hoàn chỉnh. Đất vùng nào ca dao vùng đó; ca dao phản ảnh trung thực về mọi khía cạnh trong cuộc sống; ca dao là văn chương truyền khẩu đậm tình quê hương dân tộc - cho dù không ghi lại ngày tháng nhưng những sự kiện một khi đã trở thành ca dao thì đó là sự thật. Không một ai có thể phủ nhận sự thật trong ca dao!
Đất Quảng Nam là vùng đất có nhiều thổ sản nổi tiếng như: Mì Quảng (có khắp nơi ở Quảng Nam), Cao Lâu ở Hội An đã có từ rất lâu đời. Ngoài ra còn có cây quế ở Quế Sơn, lụa Mã Châu ở Duy Xuyên - Điện Bàn. Về khoáng sản thì có vàng ở Bồng Miêu và còn nhiều khoáng sản khác nữa… Về lịch sử - Đất Quảng Nam là địa giới cuối cùng của nước Việt với Chiêm Thành sau khi hai châu Ô Lý thuộc về vua Việt. Đất Quảng Nam có nhiều thổ sản là vậy nhưng trong ca dao ít nhắc tới các thổ sản mà chỉ nhắc tới rượu. Quảng Nam không là mảnh đất của các “Danh Tửu” mà lại có rượu ngon với tên gọi “Hồng Đào” thì kể ra cũng thiệt là lạ...! Ở Bình Định có rượu Bàu Đá, nhưng ca dao ở Bình Định không nhắc tới mà chỉ nhắc tới các thổ sản khác, như:
Nón ngựa Gò Găng Bún Song thần An Ngãi Xoài tượng chín Hưng Long Mặc ai mơ táo ước hồng Lòng quê em giữ một lòng trước sau.
Ở Việt nam, nói tới rượu nổi tiếng lâu đời thì có bốn loại rượu ở bốn địa danh. Và, cũng có thể gọi là “Việt Nam Tứ Tửu” gồm:
-Rượu Làng Vân ở ngoài Bắc. Làng Vân thuộc xã Vân Hà, Việt Yên, tỉnh (Bắc Giang). Nguyên liệu để chưng cất rượu Làng Vân chủ yếu là khoai mì. Dù là chưng cất bằng nguyên liệu khoai mì, nhưng nhờ có loại men tốt và nguồn nước đặc biệt mà đã chưng cất ra được một loại rượu trứ danh.
-Rượu Bàu Đá là thổ sản của xứ võ Bình Định. Rượu được chưng cất từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Rượu Bàu Đá tạo ra mùi thơm và cay nồng cũng do bởi nguồn nước có vị đặc biệt tại đó.
-Rượu Gò Đen được nấu ở Gò Đen, huyện Bến Lức và Huyện cần Đước, Tỉnh Long An. Trái nhàu khô ngâm rượu Gò Đen uống rất thơm ngon và cũng rất nổi tiếng!
-Rượu Kim Long ở tại làng Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh (Quảng Trị). Từ khi nước Pháp xâm chiếm nước Nam từ năm 1858. Họ cho lập công ty rượu Fontaine tại số 94 Lò Đúc Hà Nội năm 1898. Đây là nhà máy rượu lớn nhứt trong năm nhà máy rượu ở Đông Dương. Tại làng Kim Long, họ bắt dân chưng cất rượu ở làng Kim Long chuyển hết các lò rượu vào nhà máy của họ, đồng thời họ áp đặt lệnh cấm nấu rượu trong dân. Người Việt kêu rượu do người Pháp nấu là rượu “xi-ca”. Người Pháp cấm tiệt người Việt nấu rượu. Lính Pháp đi lùng sục bắt cũng như tịch thâu rượu và đồ nấu rượu... Người Việt chỉ được uống rượu do nhà máy rượu của Pháp sản xuất. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí - quyển 8 mục (thổ sản) có nhận xét “Tửu của Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết”. Vậy là rượu mang nhãn hiễu Kim Long có thể nói là rượu nổi tiếng chẳng những trong nước mà ra cả thế giới. Bốn loại rượu nổi tiếng đó dân gian cũng không nhắc tới bằng các câu ca dao nào cả.
Cha tôi, ông sinh năm (1907) ở Quế Sơn (Quảng Nam) có kể cho tôi biết về nghề chưng cất rượu của ông rằng: Ông chưng cất rượu lậu, ở trong ruộng mía phía sau nhà. Một ngày nọ không biết ai đó đi báo cho lính Pháp biết… Vậy là Lính Pháp ùa vô bắt quả tang và tịch thâu mười hai lít rượu cùng tang vật để chưng cất rượu. Lính Pháp bắt ông cùng tang vật tống lên xe chở thẳng tới chợ Đàn… Lính Pháp đi ăn uống, bỏ cha tôi ngồi trên xe một mình. Cha tôi nghĩ - trước sau gì thì cũng bị ở tù và mất tiền chuộc... Ông đánh liều… khui hết mấy hủ rượu ra uống cho khoái cái đã, rồi tới đâu hay tới đó, khi đã uống rượu no bụng, số rượu còn lại ông đập đổ hết cho mất “tang chứng”. Lính Pháp ăn uống xong đi ra thấy cha tôi say nằm thẳng cẳng, tang chứng cũng chẳng còn nên chúng khiêng cha tôi quăng xuống bờ ruộng rồi lên xe chạy đi.
Lớn lên tôi đọc sách và biết tên rượu Hồng Đào ở Quảng Nam. Tôi có hỏi cha tôi về thứ rượu đó ngâm bằng thứ chi để có màu hồng (đỏ), thì cha tôi cho hay - Rượu chưng cất thì trở thành rượu có màu trắng, trắng hơi đục, thơm mùi men và mùi gạo hay nếp, nồng độ rượu cao có thể tới năm mươi độ… Muốn rượu có màu thì ngâm với các vị thuốc bắc, trái cây… - sau đó đem chôn dưới đất càng lâu rượu càng ngon. Cha tôi còn nói - ông có ngâm rượu bằng trái đào tiên để chữa bịnh. Trái đào tiên ngoài vỏ có màu hồng (đỏ), lấy ruột bên trong ngâm rượu - rượu cho ra màu đen. Ông nói ông còn ngâm rượu mít - tách múi mít ráo chín cây, bỏ hạt, lựa múi lớn đem phơi khô rồi sao cho vàng, ướp mật ong rừng, sau đó cho tất cả vô hủ sành khằn kín đem đi chôn…, cũng chôn càng lâu rượu càng ngon. Rượu mít cho màu hồng (đỏ) như rượu Tây. Ông còn nói - Trái dâu tằm ngâm rượu cũng cho màu hồng (đỏ) nhưng không thơm bằng múi mít. Tôi nhớ có lần cha tôi lấy rượu mít đó ra đãi ông Mục Sư người Anh, ông ta uống rồi khen ngon…! (khoảng năm 1970). Trái đào tiên có nhiều ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên… Vậy thì rượu có màu hồng đào (đỏ), có ở khắp xứ Quảng Nam, ai ai cũng biết ngâm để uống.
Sau lần bị bắt vì chưng cất rượu lậu. Cha tôi vẫn tiếp tục… chưng cất rượu, chưng cất xong là đem đi ngâm… cho có màu hồng (đỏ) rồi phân nhỏ ra từng bình sành - đem chôn giấu để bán cho người quen biết... Lỡ khi lính Pháp mà bắt được thì cũng có lý do biện bạch rằng - rượu nầy là rượu ngâm thuốc để chữa bịnh… Một khi mà rượu đã có màu… thì họ không thể phân biệt được rượu nào là rượu “xi-ca” của họ và loại rượu dân bản địa tự nấu… Vậy là họ hết lý do tịch thu rượu, chỉ tịch thu đồ chưng cất rượu hoặc đập bỏ nếu họ tìm thấy.
Để có được rượu ngon thì phải có men tốt. Người chưng cất rượu có câu nói: “Gạo là vua, men là hoàng hậu”. Muốn có men tốt thì phải dùng các vị thuốc Bắc và gạo ngon mà làm ra men rượu. Ba mươi sáu vị thuốc Bắc đơn cử như: Đại hồi. Tiểu hồi. Nhục Đậu Khấu. Nhục Quế. Cam Thảo. Bạc Hà. Uất Kim. Thảo Quả, Bạch Truật... Các vị thuốc Bắc còn lại là tùy kinh nghiệm cũng như bí quyết gia truyền của người chưng cất rượu mà gia giảm theo ý muốn - hễ cho ra rượu ngon là được. Từ đó dân gian mới có câu: “Uống rượu cũng như ăn cơm”. Câu nói rất đúng bởi có gạo ngon mới làm ra được men rượu tốt, có gạo ngon mới chưng cất ra rượu ngon. Trung bình một ký gạo chưng cất ra chưa tới một lít rượu. Rượu rất quý, rượu là chất tinh túy kết hợp giữa gạo, các vị thuốc và nguồn nước tinh khiết… Người Việt đã biết dùng rượu trong “Quan Hôn Tang Tế” từ lâu đời… Người xưa nói “Vô tửu bất thành lễ” là vậy. Đạo Công Giáo đã dùng rượu nho trong các thánh lễ trong mấy nghìn năm nay.
Một khi đã có rượu ngon, người xưa liền nghĩ ngay tới dùng rượu dẫn các chất thuốc để chữa nhiều loại bịnh cũng như dùng rượu thuốc để bồi bổ cơ thể cho thêm tráng kiện.
PHẦN HAI:
Thử nghĩ xem loại rượu “Hồng Đào” ở Quảng Nam đó, có sự liên hệ nào với “cuộc hôn nhân ngoại giao” của Huyền Trân Công Chúa và vua Chế Mân hay không? Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận được lời mời sang viếng thăm vương quốc Chiêm. Quốc Vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi rất nồng hậu Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, nên Thái Thượng Hoàng ở lại trong cung điện Chiêm Thành chín tháng. Cảm khái tấm chân tình của Vua Chiêm, Thái Thượng Hoàng có hứa gả con gái cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có Hoàng Hậu chính thất người Java. Tới năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) cho nước Việt làm của hồi môn để xin được “cưới vợ” là cô Công Chúa Huyền Trân! Vua Trần Anh Tông đồng ý gả Công chúa... Công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành, được Vua Chiêm phong làm Vương Hậu thứ hai.
Cuộc hôn nhân ngoại giao nầy có người chê, kẻ khen - như bài thơ của Hoàng Cao Khải:
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười, Vốn đà không mất lại thêm lời, Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm, Một gái Huyền Trân của mấy mươi ! Lòng đỏ khá khen lo việc nước, Môi son phải giống mãi trên đời. Châu đi rồi lại châu về đó, Ngơ ngẩn nhìn nhau mấy đứa Hời.
Hoặc trong dân gian có các câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Tiếc thay hột gạo trắng ngần, Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
Ngày “đưa dâu về nhà chồng”. Đoàn người xe ngựa cùng Công Chúa đi qua đèo Hải Vân, rồi tiến thẳng tới đường phân ranh địa lý giữa hai nước Việt và Chiêm Thành, đó là dòng sông Tranh thuộc huyện Hiệp Đức. Dòng sông Tranh chảy xuống Đại Lộc đổi tên là Vu Gia… Đoàn người đưa dâu dừng lại chờ vua Chế Mân tới đón về thánh địa Mỹ Sơn ra mắt…, rồi sau đó sẽ đưa Công Chúa về Kinh Đô Đồ Bàn làm lễ hợp cẩn - chàng rễ và cô dâu sẽ nâng chén rượu giao bôi - trong đêm tân hôn.
Đứng trước cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, sương khói phủ đầy… Người con gái sinh ra nơi hoàng cung cảm thấy vô cùng xa lạ và sợ hãi…, mà xót thương cho số phận của mình lênh đênh bèo dạt hoa trôi…! Thân gái dặm trường lại thêm nỗi nhớ nhà; nỗi lạc lõng cho thân phận mình trong những ngày tới, buồn và lẻ loi nơi đất khách...! Nàng công chúa khóc thầm... Tương truyền rằng: Chuyện thật là lạ, vì có một giọt nước mắt tròn trịa nóng hổi lăn xuống dòng sông nhưng không tan theo dòng nước chảy mà lại chìm xuống đáy... Và, cứ mỗi đêm đêm, giọt nước mắt ấy đã hóa thành hạt ngọc, nổi lên soi sáng cả một vùng sơn lâm vắng lặng sương đầy... Bến sông ở nơi nầy được người đời sau đặt cho cái tên là Bến Giằng, nhằm ghi nhớ lại sự giằng xé tâm tư - nửa như muốn ở, nửa như buộc phải ra đi của cô công chúa xinh đẹp xót xa cho cuộc "hôn nhân ngoại giao". Xót xa cho phận gái - vì nhà, vì nước mà phải ưng chịu lấy ngoại nhân làm chồng. Nàng Công Chúa nước Việt đành ngậm ngùi bước chân xuống thuyền qua bên kia bờ sông là biên giới giữa nước Chiêm và nước Việt để làm Hoàng Hậu - vĩnh viễn rời xa tổ quốc! Bữa tiễn đưa phận má hồng đi "lấy chồng" tràn đầy nước mắt. Tương truyền còn ghi lại rằng: Cây quế ở vùng núi non Quế Sơn ngày xưa chỉ có vị cay nồng chứ không tỏa ra mùi thơm… Chính mùi hương từ mái tóc dài, đen tuyền, óng ả của nàng Công Chúa tỏa khắp núi rừng rồi thấm sâu vô vỏ cây Quế... Và, từ đó cây quế tiết ra mùi hương êm dịu của quế cho tới ngày hôm nay... Người ta dùng vỏ quế để ngâm rượu chữa bịnh, và các công dụng khác, thân cây quế đẽo làm guốc cũng để chữa bịnh... Câu nói truyền tụng trong vùng Quảng Nam - "Gạo châu củi quế" đã nói lên giá trị của cây quế.
Công Chúa Huyền Trân là một vị Công Chúa nổi danh nhứt trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay. Từ đó mà trong văn thơ, ca dao, sử ký và nhiều hơn là giả sử, giai thoại đã thêu dệt về Công Chúa rất đa dạng… Ngay cuộc đời của Công Chúa cũng không rõ ràng về lai lịch như: “Công chúa không rõ tên thật, theo dã sử trong Đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở tại Huế, Công Chúa được sinh vào năm 1289, mẹ công chúa có thể là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu - trưởng nữ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, cũng có thể là con gái của Tuyên Từ Hoàng Hậu, em gái của Khâm Từ Hoàng Hậu”. Chuyện Công Chúa đưa lên giàn hỏa thiêu hay tư tình với Thương tướng Trần Khắc Chung… hoặc đi tu hay có con với vua Chế Mân… Tất cả đều là tưởng tượng và thêu dệt sau nầy mà thôi... Phải chăng Công Chúa Huyền Trân là một nàng Tiên?
PHẦN BA:
Câu ca dao thứ nhứt:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm.
(Người xứ Quảng không nói chữ đã). “…Chưa Mưa Đà Thấm”...? Chưa mưa đà thấm là thấm thứ nước chi rứa hỉ? (Câu ca dao nầy có thể được ra đời sau khi Công Chúa Huyền Trân về làm dâu xứ Chiêm Thành). Câu hỏi nầy xưa nay chẳng thấy ai đặt câu hỏi (?). Người xứ Quảng hễ đọc tới hai câu ca dao là tự hào về xứ Quảng Nam rồi! Là sướng rêm người rồi…! Chẳng cần suy nghĩ... phát xuất lúc nào cho thêm rắc rối…! Giả dụ cho rằng - đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, và có thể cho là, thấm - bởi mồ hôi, bởi nước mắt và bởi máu của người dân xứ Quảng Nam...? Nói vậy, thì đất ở mấy vùng lân cận Quảng Nam, hoặc xa hơn là cả nước Việt, bộ đất người dân ở các nơi đó không thấm - bởi mồ hôi, bởi nước mắt và bởi máu hay sao…? Qua mấy cuộc xâm lăng từ Phương bắc cho tới Phương Tây... trước kia - đôi khi các vùng đó còn thấm nhiều - mồ hôi, nước mắt và máu còn hơn xứ Quảng Nam đó chứ!... Từ bao đời nay, dải đất miền Trung nắng hạn gió lào, đồng chua nước mặn, mỗi năm lại hứng chịu nhiều cơn mưa bão từ đại dương trong đó có Quảng Nam, vậy thì cớ chi chỉ có một vùng đất Quảng Nam - chưa mưa đà thấm? Hơn nữa Quảng Nam là một vùng đất mới có được từ khi Vua Chế Mân Chiêm Thành dâng lên cho vua Trần để xin làm “sính lể” cưới Công Chúa Huyền Trân.
Giọt nước mắt của Công Chúa Huyền Trân nhỏ xuống làm ướt đất vùng Hiệp Đức (Quảng Nam) là có thật trong sách sử... Giọt nước mắt đau buồn của Công Chúa chỉ là một phần, một phần cũng là giọt nước mắt đau buồn của người dân cả nước cho nàng Công Chúa
“Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”.
Và, có thể nghĩ xa hơn nữa đó là giọt nước mắt mừng vui cho quê hương được vui hưởng những năm tháng thái bình, được mở mang bờ cõi nước Việt bởi từ hai châu Ô, châu Lý mà không xãy ra chiến tranh... Đất Quảng Nam là ranh giới cuối cùng giữa hai nước thời đó! Đó là lý do chính đáng để mà hiểu ra câu ca dao: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Nhưng đã thấm giọt nước mắt của nàng Công Chúa Huyền Trân!...
Còn câu thứ nhì:
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.
Rượu chi mà chưa nhấm đà say khướt như rứa hỉ…? Xưa nay chẳng có thứ rượu nào mà chưa nhấm đã say cả! Rượu trong ca dao có màu Hồng Đào (màu của giấy hồng (đỏ) bọc bên ngoài bình, hay màu rượu trong bình có màu hồng?). Đó chẳng qua là một thứ rượu (Tưởng Tượng) của ca dao (văn thơ); của người dân xứ Quảng thương nhớ tới nàng Công Chúa Huyền Trân, nàng đi lấy chồng vì quê hương, đất nước..., nên thứ rượu đó, nàng ..."chưa nhấm đà say...", một loại rượu "Hồng Đào" trong đêm hợp cẩn giao bôi... Công Chúa Huyền Trân say bởi sự hy sinh; say bởi sự đau khổ, say bởi nhớ thương, say bởi nuối tiếc cho phận nữ nhi...! Nếu có thứ rượu Hồng Đào thật thì cũng là do ngâm từ thuốc Bắc và các loại trái cây sau đó pha chế để cho ra màu Hồng Đào, hoặc gói bằng giấy có màu đỏ. Từ thuở xa xưa cho tới nay, trong chuyện cưới xin dù là thường dân cho tới vua quan, hễ là rượu lễ thì đều được bao bọc bằng giấy màu hồng (đỏ). Thử nêu lý do rằng - thứ rượu Hồng Đào là loại rượu chưng cất để dành riêng cho việc cưới hỏi hoặc khi giao bôi hợp cẩn, hay lễ hội - nhằm đãi đằng cho các ông vua bà chúa thượng lưu quý tộc, còn với dân dã thì uống rượu trắng, thường... Quả đúng có loại rượu dành riêng như vậy, thì người dân dã làm chi mà thấy - chứ nói chi tới chuyện - "chưa nhấm đà say". Tóm lại, rượu Hồng Đào chẳng qua là thứ - (rượu tình, rượu nghĩa), chủ đích là thương tiếc cuộc hôn nhân “chính trị” của Công Chúa Huyền Trân mà thôi.
Công Chúa Huyền Trân “đi lấy chồng”, hẳn nhiên sẽ được uống loại rượu Hồng Đào (nếu có) trong cung thất của vua Chiêm Thành trong đêm hợp cẩn... Rượu giao bôi mà chẳng có một chút tình yêu nào! Vậy, thì liệu Công Chúa có thích uống loại rượu ấy không? Hay Công Chúa chỉ nghĩ tới thôi… là, trong lòng dâng lên biết bao nỗi sợ hãi - Công Chúa chưa nhấm đà say lúy túy rồi…! Cuộc hôn nhân dị tộc bởi mưu đồ chính trị liệu có hạnh phúc chăng? Qua sự trình bày ở trong nội dung bài văn đã chứng minh rằng: Hai câu ca dao đó có thể là do tưởng tượng qua thơ văn của người Quảng Nam để "tri ân" một vùng đất - địa danh cuối cùng của đất Việt..., hoặc nhớ về cuộc “hôn nhân ngoại giao” của Công Chúa Huyền Trân nơi “biên giới” Hiệp Đức. Quảng Nam, ngày mà nàng "sang sông" về với vua Chiêm thành...! Dẫu mà bài viết phân tích chưa được lý… Vậy thì thử hỏi:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”
Hai câu ca dao đã có từ xưa và tồn tại cho tới hôm nay đã nói lên ý nghĩa chi vậy...?
Trang Y Hạ - 1/1/2020
Bài nầy tôi viết theo “quan điểm” cá nhân để tưởng nhớ cha tôi...! Và, cũng theo yêu cầu của kỹ sư Trương Quang Tân, bài văn đã đăng trong Website liên mạng toàn cầu (Saigonbao…). Vậy, quý anh chị em - đọc, cảm nhận nội dung không vừa ý, thì viết nêu ra lý do…, chuyển qua email của tôi (trangyha@gmail.com)
|