‘Boat People’: Nước mắt và niềm kiêu hãnh
Monday, January 24, 2011
Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER - Trước khi đọc được tựa của cuốn sách, người ta đã bị ám ảnh bởi nét hãi hùng, đắm trong đôi mắt sâu hoắm của một thiếu nữ trẻ nhìn qua kẽ hở một khoang thuyền trong tấm hình bìa.
Lật một trang, một tấm hình khác cũng gây ấn tượng mãnh liệt: Trong lòng thuyền, người, và người, nằm chồng chất lên nhau không khác hình ảnh của một hộp cá. Hoàn cảnh của họ, không chỉ được đọc thấy qua ánh mắt, mà còn qua khuôn mặt thất thần; những chiếc đầu gối co quắp, dáng ngồi mệt lả.
Họ đang dựa vào nhau? Vào khoang thuyền? Hay nép vào lòng người thân mà chẳng biết? Mỗi người tự co rút lại, để đối phó với nỗi hoảng sợ tột cùng, của riêng mình, và của chung.
Tên của cuốn sách là “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” (“Thuyền Nhân: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996”).
Nhưng đây sẽ không phải là cuốn sách về thuyền nhân như bao cuốn sách về thuyền nhân khác, trước nó, và có lẽ cả sau nó nữa.
Phải có rất nhiều lý do!
Hơn 250 trang, viết bằng Anh ngữ, “Thuyền Nhân” không chỉ là một cuốn sách ghi nhận sự kiện, mà còn là một tài liệu lịch sử, ở một khía cạnh khác, lại là một tác phẩm nghệ thuật. “Thuyền Nhân” chứa đựng hơn 200 hình ảnh, đa số hình màu, chưa bao giờ được phổ biến. “Thuyền Nhân” còn là một pho tài liệu, thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 38 người trực tiếp tham dự vào cuộc di tản khổng lồ diễn ra cách đây gần 30 năm.
Như chuyện kể của ông Mai Lộc, về chuyến vượt biên của ông cách đây hơn 25 năm, lúc ông mới 16 tuổi.
“Trong 5 ngày dài, họ [cướp biển] liên tục hãm hiếp những cô gái và phụ nữ đáng thương đó. Sự việc này xảy ra ngay trước đôi mắt kinh hoàng của bé trai 5 tuổi, và người em gái 3 tuổi của cậu, bị bọn hải tặc kéo lên tàu theo mẹ.”
Hai chị gái của ông nằm trong số người bị hãm hiếp này.
Bà Carina Hoàng, người chủ biên, chịu trách nhiệm biên soạn cuốn sách, cho biết, ông Mai Lộc đã “cúi gầm mặt xuống, và khóc lên nức nở” khi kể chuyện, đến nỗi “làm ướt đẫm tấm thảm của phòng khách” nhà bà.
Hay bài viết của ông Shern Nguyễn, vượt biên cùng hai con trai, tám và mười tuổi: “Ðiều mà chúng tôi lo lắng lớn nhất đã xảy ra: Hết nước! Tôi lén để dành nước tiểu của mình vào một cái lon nhỏ, lúc hai đứa con không để ý, và bắt chúng uống cho khỏi khát. Ðứa con trai nhỏ của tôi nổi đóa lên. Tại sao ba bắt con đi lên chuyến thuyền này làm gì, sao không để con ở nhà với má? Tôi không thể trả lời. Tôi chỉ lặng lẽ nghĩ, nếu tôi không bảo vệ được con, tôi sẽ chết cùng với chúng nó.”
Và lời của bà Thu Minh Nguyễn kể lại thời điểm tiễn hai đứa con trai, tuổi quân dịch, đi vượt biên, một mình: “Tôi cho mỗi đứa con một nắm cơm nếp, và lặng lẽ từ giã chúng. Rồi chúng đi theo chân một người đàn ông lạ, còn tôi đứng đó trông theo. Nhìn chúng nhỏ bé và mong manh quá. Tôi cố gắng nghĩ là mình đã quyết định đúng, nhưng đầu gối tôi run rẩy. Tôi muốn quỵ xuống. Bụng tôi đau nhói, như có ai cầm dao đâm vào. Người bạn phải kéo tôi đi. Tối hôm đó, chúng tôi ra chợ mua hai con rùa và một chục cua. Thả rùa và cua xuống nước, nhìn chúng tung tăng bơi đi, tôi thầm cầu nguyện cho hai con tìm được tự do, như những con vật này.”
Nói về cuốn sách do mình chủ biên, bà Carina Hoàng, cũng là một thuyền nhân, vượt biên và trốn thoát khỏi Việt Nam năm 1979, lúc 16 tuổi, cho biết, bà “dự định thực hiện cuốn sách này lâu rồi,” vì một ngày nào đó, những nhân chứng sống của lịch sử, trong đó có bà, “sẽ chết đi,” và có thể những thế hệ sau “sẽ không biết, không hiểu rõ” những gì cả triệu người Việt Nam đã phải “trải qua để đến bến tự do.”
“Cuốn sách sẽ đặc biệt có giá trị với những thế hệ người Việt mai sau. Họ cần biết về lịch sự rất quan trọng này của di sản mình, và cần đánh giá cao sự hy sinh của thế hệ cha ông.” Bà Carina Hoàng nói.
Ngoài chuyện kể của chính những thuyền nhân, tác phẩm “Thuyền Nhân” còn có sự góp mặt của 10 người ngoại quốc, từng làm việc với thuyền nhân Việt Nam trong những trại tị nạn, như ông Talbot Bashall, từng làm việc 3 năm tại “Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn” tại Hồng Kông.
Trong nhật ký của mình, ông Talbot Bashall kể lại nhiều chuyện thương tâm, khủng khiếp, trong đó có câu chuyện của một cậu bé thuyền nhân 15 tuổi, ốm yếu, chỉ còn da bọc xương, bị những người đi cùng cột vào thuyền để chuẩn bị “ăn thịt.”
Hay phóng viên Norman Aisbett và nhiếp ảnh David Tanner của tờ “The West Australia,” vào năm 1982, đã lên chuyến tàu Cap Anamur của Tây Ðức, để làm phóng sự về hành trình truy tầm và cứu giúp những người tị nạn của chiếc tàu này.
Nhiếp ảnh gia David Tanner chia sẻ với Carina Hoàng, rằng trong thời gian hơn 5 tuần lễ ở trên tàu, ông “gặp gỡ hơn 600 con người hốt hoảng, tuyệt vọng và sợ hãi,” và sau chuyến đi này, với ông, trong đời “có ba dữ kiện quan trọng nhất:” Cuộc thảm sát tại World Trade Center tại New York, phi hành gia người Mỹ đặt chân lên mặt trăng vào ngày 21 tháng 7, 1969, và cuộc tị nạn trốn chạy Cộng Sản, tìm tự do của người dân Việt Nam khởi đầu từ năm 1975.
Dù “Thuyền Nhân” chỉ mới vừa được in xong, mực còn chưa ráo, dường như bà Carina Hoàng đã đạt được một trong những hoài bão của mình trong việc viết sách.
Theo lời kể của bà, một độc giả, vừa đọc xong một cuốn sách in thử, đã viết thư cho bà, tâm sự: “Ðọc xong cuốn sách, tôi mới nhận thức được là cha mẹ mình đã phải trải qua những gì, và hy sinh như thế nào để tôi có được ngày hôm nay.
Kể từ hôm nay tôi sẽ thay đổi cách cư xử với cha mẹ.”
Cũng theo lời kể của Carina, một phụ nữ ngoại quốc, dù chỉ mới đọc qua giới thiệu của cuốn sách trên website của Carina, cho biết “rất nóng lòng được đọc cuốn sách,” vì chồng bà là một thuyền nhân, nhưng anh ít kể lại quá khứ đó của mình.
Bà cho biết “chắc chắn những gì anh ấy vượt qua đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của anh, và vì anh không tâm sự, đôi khi tôi không hiểu cách suy nghĩ của chồng,” và mong đọc sách để hiểu thêm về quá khứ của chồng, một người gốc Việt.
“Thuyền Nhân” là cuốn sách cần đọc để hiểu hoàn cảnh của những người vượt biên, để khép lại quá khứ, để hãnh diện tự hào về dân tộc Việt Nam, những người đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành thành viên có ích, đóng góp lại cho xã hội đã cưu mang mình.
http://www.nguoi-viet.co...ewer.asp?a=126118&z=157
nguoiviet online