Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Dạo này đi đâu cũng gặp đường sá đang được sửa chữa! Đồng nghiệp của tôi ở thư viện, Irene than phiền là từ nhà đến thư viện, bà gặp tới chín cái construction sites! Kẹt xe, chờ chực, sợ vào sở trễ, người bồn chồn, thấp thỏm, mệt quá. Tìm đường khác đi thì lại cũng thế! Tránh đường này thì gặp đường khác. Tôi đoán bỗng chốc mà thành phố nào cũng sửa đường ào ạt chắc là tiểu bang nhận được tiền Obama gửi về - bởi cái Recovery Act chi đó, tạo công ăn việc làm cho một số người, để kích động kinh tế. Không phải là mình không muốn có đường tốt đẹp để đi, còn mong họ sửa nữa đó chứ, nhưng mà sửa nhiều nơi cùng một lúc lại gây phiền phức. Tôi lại ngại đi trên những con đường lạ - dù rằng cũng chẳng lạ cho lắm, chỉ là không phải lộ trình quen thuộc của mình thôi. Đi đường nào quen rồi, tôi có cảm tưởng là cùng giờ ấy phút ấy mỗi ngày, mình đã chia sẻ con đường cùng với một số người quen thuộc, chỉ là mình không biết họ là ai thôi. Cảm tưởng là đã quen luồng xe cộ ấy, độ lưu thông nhịp nhàng ấy, quen thói quen của những người lái xe giờ ấy, ngay cả những người cỡi xe đạp lạng quạng trước đầu xe mình, đôi khi cũng làm mình bực mình lắm. Nhủ thầm. Share a road. Ừ, thì mình cũng nên nhường đường cho đám đã chọn phương tiện di chuyển này, giúp giảm ô nhiễm không khí mà. Đường ai nấy đi. Sẽ không có chuyện bất ngờ xảy ra! Tôi có lẩn thẩn hay không khi nghĩ như vậy. Trong sách vở, người ta khuyên nên thay đổi lộ trình, để nhìn cảnh vật khác nhau cho khỏi chán. Riêng tôi, tôi cứ bám chặt lấy những gì đã quen thuộc. Cứ đi một con đường –trừ phi con đường đó bị chặn, bị cấm. Đi làm, tôi làm một chỗ từ lúc bắt đầu cho tới lúc…chắc là chừng về hưu luôn! Ai đến, ai đi. Sếp này đến, sếp nọ đi. Hôm nọ, Wendy với Monette hỏi tôi có muốn đổi chỗ ngồi không – tôi còn không muốn!
Ngay cả những người đã từng ủng hộ thống đốc Mark Sanford của tiểu bang South Carolina cũng muốn biết là khi nào ông sẽ từ chức. Tháng sáu rồi, ông thống đốc thuộc đảng Cộng hòa này, một vợ với bốn con trai, đã thú nhận là ông đang dang díu với một phụ nữ Á Căn Đình, người mà ông cho là rất tâm đầu ý hiệp (soul mate). Ông đã bí mật bay tới Á Căn Đình để gặp người yêu nhưng lại nói với nhân viên của ông là ông đi chơi núi ở Appalachian Trail (coi như cả tuần ông lén đi chơi, dân South Carolina không có thống đốc). Bà vợ cũng sửng sốt khi nghe điều đó vì chính bà đã không cho ông đi. Bà đã cho báo chí biết như vậy. Nhiều lần ông đã xin phép vợ để được đi thăm người yêu! Nên nhớ là ông chồng xin phép vợ để đi thăm người yêu. Buồn cười không? Ông kêu đây là tình yêu đích thực! Ông cũng muốn giữ cái gia đình của ông, không muốn đánh mất. Tháng bảy cả gia đình ông đi nghỉ mát hai tuần ở Âu Châu hầu mong hàn gắn lại vết thương gia đình. Nhưng có lẽ không được vì khi họ về nhà thì bà vợ đưa bốn con dọn ngay ra khỏi tòa nhà thống đốc. Để chờ xem! Trước đây không lâu ông thống đốc của tiểu bang New York, đảng Dân Chủ, cũng mất giốp vì gái! Lần đó khi ông này xin lỗi trước công chúng, bà vợ của ông đã phải đau khổ đứng cạnh ông để ủng hộ tinh thần ông, thấy mặt bà buồn so, tội nghiệp (cũng là gốc luật sư, chứ đâu phải tầm thường, bà chọn ở nhà là lo cho con cái, để chồng rảnh mà theo đuổi đường công danh sự nghiệp của ông). Làm bậy lại còn bắt vợ phải gánh theo! Bà vợ của thống đốc Mark Sanford thì chọn cách lánh mặt, để mặc ông chồng đối đầu với vấn đề của ông. Tôi nghĩ mà “thương” ông – ông không thể cãi lại con tim của ông mà!
Ở vùng Tây Bắc, tôi chợt nhớ ra là ba mươi mấy năm nay tôi không có nghe tiếng ve kêu. Nghe dế gáy thì có. Nghe tiếng kêu của ếch nhái, ễnh ương chi đó nữa, thì cũng có, ở một hồ nước trong xóm, mà mỗi lần nghe tiếng mình đi gần thì cả “ban hòa tấu “ im bặt, như là có một nhạc trưởng ra lệnh vậy; mình đi xa xa một chút thì chúng bắt đầu “hòa tấu” lại. Tuyệt nhiên không nghe tiếng ve ca hát gì cả. Hình dạng con ve, có lẽ tôi còn không nhớ! Chỉ nhớ đọc ở đâu đó có nói là trông con ve nhỏ bé vậy mà chúng có một đời sống dài lắm, 17 năm ở dưới đất, khi chúng ca hát cho mình nghe là chúng đang ở thời kỳ sắp chết, ca xong thì chết. Ở xứ người, có những ngày mùa hè nóng nực, bỗng dưng mà tôi ước ao được nhìn lại những cây phượng với bông hoa đỏ rực cả vòm trời và nghe tiếng ve kêu râm ran trên những cây me tây cao ngất. Ve thì không thấy, phượng thì chỉ còn thấy hình trên Internet. Những cây phượng của tôi ngày thơ dại giờ còn hay đã bị đốn đi, hay đang khẳng khiu thân cành, chỉ còn chờ chết? Phượng nở vào đầu hè, phượng trồng nhiều ở trường học nên phượng gần gũi với học trò. Phượng nở, hè về. Phượng nở, mùa thi. Nhiều khi nhìn đám trẻ Việt sinh đẻ và lớn lên ở đây, tôi hay thắc mắc, chúng có biết cây phượng hay hoa phượng như thế nào không? Có biết cô chú, anh chị của thế hệ trước mình đã chơi trò đá bằng tim phượng không? Xứ nghèo, không có nhiều đồ chơi đẹp đẽ, hấp dẫn, đắt tiền, nên phải bày ra chơi những trò không tốn kém (nghĩ cũng ngộ, có lần tôi nói chuyện với một chị đồng nghiệp, lớn lên ở một vùng khác, mà chị cũng chơi những trò chơi giống như tôi đã chơi, cò cò, u mọi, nhảy dây). Thân phượng to lớn, xù xì, xù xì với bao vết khắc. Trái tim, tên người yêu. Hai tên lồng với nhau. Đôi khi một mũi tên xuyên qua trái tim (chắc là tim phải rướm máu rồi). Không biết về một giống hoa thì cuộc sống có thiếu sót chi không? Chẳng hạn nếu không biết phở, bún bò, bánh bèo, bánh bột lọc, gỏi cuốn, chả giò là gì thì có bị “thiệt thòi” hay không? Chắc là không! Có một điều tôi biết rõ là hồi nhỏ mình được cho ăn món gì thì lớn lên mình cứ mê cái món đó cho dù vẫn biết là nó chẳng bổ ích gì. Những món này thường rất đơn giản, không cầu kỳ. Như người Bình Định tôi có món bánh tráng trơn nhúng nước, dòn, không dai, chấm nước mắm sống, có trái ớt xanh bẻ đôi bỏ vào chén nước mắm đó, ăn cay hít hà. Ăn hai ba cái, thế cơm. Tôi có ông chồng người Quảng, mà mỗi khi nhìn thấy tôi ăn bánh tráng, chàng chỉ cười lắc đầu, không hiểu sao tôi lại mê như vậy. (Thì người Quảng của chàng cũng có những món ăn…lạ đời đó chứ.) Còn kỳ cục hơn nữa là bột báng khuấy lên, chấm với nước mắm ớt. Ng cứ cười nói. Hừm! Chỉ là cục bột, ăn nhiều chỉ tổ đầy bụng, chứ bổ ích chỗ nào. Mỗi lần qua nhà ba má, cứ thấy những món này trên bàn là tôi tự động ngồi xuống ăn. Chồng không mê bánh tráng (dù là món mì Quảng của dân Quảng cũng bẻ bánh tráng nướng bỏ trên tô mì), vậy thì mình tha hồ thầu, không sợ ai ăn hết phần, hihi. Chợ quán Tây Bắc không có bán loại bánh tráng đặc biệt này. Chắc phải là người BĐ mới biết nó. Phải tìm mua ở Cali. Xách tay mang về. Quý lắm đó. Mách miệng nhau, chỉ chỗ họ tráng bánh tráng ở nhà. Nghe nói cái cô tráng bánh là người Bắc, làm dâu vào nhà BĐ! Tráng bánh tráng bán mà ở cái nhà thật bự, thật đẹp. À, chị Nguyên bạn tôi biết tráng bánh tráng, mà không tráng được bánh dòn như lọai này. Mỗi lần tôi lên nhà chị chơi, ra về thường được chị cho một ràng bánh tráng mang về. Dạo này chị tráng rất khéo, như dân chuyên nghiệp, bánh bằng phẳng, không cong queo như dạo trước. Phải khen chị để được chị tặng bánh đều đều chứ. Bánh tráng của chị thì dùng để cuốn, tôi thích cuốn, cuốn đủ thứ, với thịt luộc, với tôm, với trứng luộc, trứng tráng, kèm rau, rau của vườn nhà. Cũng nướng ăn không như vậy. Ai đi về VN qua lại Mỹ làm quà cho mình chục cái bánh tráng BĐ là mừng quá xá.
Tháng chín, học trò trở lại trường. Tháng chín, Annie Lê. Tin TV, tin radio, tin Internet. Người Mỹ gốc Việt. Một cô sinh viên hậu đại học, bé nhỏ, 24 tuổi, của trường đại học Yale danh tiếng, chuẩn bị làm tiến sĩ dược, sửa sọan lên xe hoa về nhà chồng trong vài ngày nữa, thì bị giết, mà kẻ tình nghi lại là anh chàng kỹ thuật viên phòng lab làm chung một chỗ với cô. Tiếc quá! Một cô bé tài hoa như thế mà lại bị chết oan uổng quá (cô được cho học bổng tổng cộng tới 160 ngàn). Cái chết cũng quá thương tâm. Cha mẹ cô hẳn là đau lòng nát ruột khi nhìn cuộc đời của con mình đột ngột bị cắt ngắn như thế. Ở sở, tôi với Joann cùng theo dõi vụ án mạng này, trao đổi cho nhau nghe những tin tức vừa biết được qua TV, internet. Ở trước sở, ở cầu thang, ở bàn làm việc (nơi này gần như chúng tôi thì thầm vì sợ người khác nghe – người khác ở đây là những đồng nghiệp da trắng, không cùng màu da với mình. Joann là người Mỹ gốc Đài Loan, cô vẫn tin là không có sự bình đẳng giữa người Mỹ và người Á Châu. You biết không? Dù gì mình cũng là dân thiểu số!). Ở phòng ăn, trong những ngày đó, tôi không nghe ai bàn tán chuyện này. Không biết thái độ của họ như thế nào? Bây giờ đi đứng những chỗ vắng người, tôi tự nhiên biết nhìn trước nhìn sau cẩn thận. Buổi tối ở thư viện ra xe, tôi chờ có người đi cùng.
Cuối cùng thì cũng có được một căn Nhà Việt Nam khang trang. Mừng! Từ nay sẽ là chỗ để người Việt mình ở vùng Hoa Thịnh Đốn sinh hoạt với nhau. Cứ tưởng tượng ra các cụ già lấy xe buýt đến đó ngồi đánh cờ tướng với nhau là thấy đủ vui. Đám trẻ tới học nhạc, học nấu nướng, vui chơi với nhau, v.v. Nghĩ xa hơn: kết bạn nên duyên. Tôi cũng nghĩ ngay, cũng là chỗ để ra mắt sách (tôi phải in sách ngay mới được, rồi các anh chị KNM sẽ giúp tôi RMS ở Nhà VN), để trưng bày hội họa, nhiếp ảnh, làm nơi cho hội hè sinh hoạt. Các bác và các anh chị đã bao năm khổ công vào việc lập Nhà Việt Nam này, nay có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi. Mong là giới trẻ sẽ dấn thân, sẽ giúp một tay để duy trì căn nhà này. Mong lắm thay!
Tháng mười. Mùa thu đã về. Nắng mong manh. Lá phong bắt đầu chớm vàng, thật đẹp. Nhà văn Ái Khanh mất được một năm rồi– thời gian qua mau. Nhớ bữa đó, tôi còn nhớ rõ là tối ngày 15 tháng mười, tôi đang làm ở thư viện, mở hộp thư, thấy nhà văn Phạm Đào Nguyên gửi e-mail cho biết, Ái Khanh vừa mới mất, LV biết chưa? Tôi thật sửng sốt khi biết tin đó, chị còn trẻ quá và tôi đâu có nghe chị đau ốm gì. Tuy chị viết thường xuyên cho Kỷ Nguyên Mới và tôi cũng đóng trụ với báo này từ những số đầu, nhưng tôi lại chưa có dịp quen chị, nói chuyện với chị qua phôn hay gửi e-mail. Tôi biết chị qua những truyện chị viết, và qua các chị KNM, thường hay nhắc tới chị -có lần chị đã tổ chức buổi RMS cho bác Hà Bỉnh Trung, các chị Lê Thị Ý, Lê Thị Nhị, Quỳnh Anh. Anh Phạm văn Tuấn cũng có đi dự và anh kể với tôi là vui lắm. Một lần chị Nhị và tôi đề cập tới một truyện ngắn của chị Ái Khanh vừa đăng trong KNM và cùng cười với nhau là chỉ có Ái Khanh mới cho cái đọan kết như thế. Người chồng đã bỏ bê vợ (già), chạy theo người khác trẻ đẹp hơn (thì bao giờ chả thế, thuận lý quá mà), (chắc chỉ có độc nhất vô nhị một thái tử Charles, bỏ bê cô vợ không những trẻ mà còn xinh đẹp Diana, để chạy theo một mụ Camilla già hơn và xấu hoắc), rồi khi bị bồ bỏ, xác xơ, nghèo đói…Bà vợ thương tình, mở rộng vòng tay đón chồng trở lại, còn khóc và nói rằng đây là giọt nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc ở chỗ nào chứ! Ông vui chơi chán chê, chừng già, bệnh tật, hết tiền thì bị cô nhân tình chê, rồi lại về cho vợ già hầu hay vợ già lại rước về hầu, những ngày tháng cuối đời! (mấy ông khôn quá trời!) LTN với LV mà viết truyện về một ông chồng như vậy thì sẽ cho ông chồng đi luôn! Bởi vì Ái Khanh nhân hậu quá mà, đúng là một phụ nữ VN hiền thục. Một thân một mình chị đã mang hai con thơ dại tìm đường vượt biên qua Mỹ đoàn tụ với chồng. Tôi thật phục chị bởi vì tôi chưa bao giờ phải trải qua những ngày gian truân như chị. Rồi chị viết văn, làm báo, tất bật cho chữ nghĩa tiếng Việt. Chị coi ngó rất nhiều tờ báo. Tôi rất quý những ai còn tha thiết với tiếng Việt. Cũng như tôi, tôi viết văn bằng tiếng Việt giữa những đồng nghiệp, bạn bè Mỹ. Tôi cứ ngỡ trước sau rồi trên con đường viết lách rộng thênh thang, thế nào mình với chị Ái Khanh cũng sẽ có dịp quen nhau, nên tôi cứ tà tà, chưa vội làm quen với chị, dù rằng cũng có nhiều cơ hội. Ai dè! Chị đã ra đi mất rồi! Tôi nghe kể lại là vào tháng sáu chị vừa được bác sĩ cho biết bệnh tình, thì giữa tháng mười chị đã đi. Cho nên một bài học tôi cần phải nhớ là muốn làm gì thì làm ngay bây giờ, đừng trì hoãn đến ngày sau. Chị ra đi nhưng cũng đã để lại nhiều tác phẩm, từ nay mỗi khi nhớ đến chị là tôi có thể đọc lại những truyện ngắn của chị. Tôi sẽ ghi điều nên nhớ này vào cuốn sổ tay. Tháng mười là tháng Ái Khanh, mình sẽ nhớ đọc ít nhất là một truyện của chị. Như tôi vẫn có thói quen đọc lại truyện của Khái Hưng vào những ngày cuối năm – để nhớ ngày giỗ của ông.
Tháng mười, trời mùa thu, bắt đầu lành lạnh, lò sưởi trong nhà đã chạy. Tháng mười, sinh nhật Kỷ Nguyên Mới. Tròn chín tuổi, bước qua năm thứ mười. Thời gian qua mau! Tôi mong nó sẽ lớn mạnh, sống khỏe, để còn ăn sinh nhật thứ 15, 20… Mong vậy thì tham lam quá! Như cô bé bán sữa trong truyện cổ tích. Nhưng mình có quyền mong mà. Mong lớn rồi được tới đâu thì hay tới đó.
|