Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Rồi mấy ngày Tết cũng trôi qua. Hội chợ Tết ở Mỹ, có nơi thành công, có nơi thất bại. Thành công vì kinh tế khó khăn, người ta chỉ còn có một hội chợ nên bà con dồn về một nơi vui chơi. Thất bại vì gặp thời tiết khắc nghiệt, mưa rơi tuyết đổ, công sở còn phải đóng, ai còn dám đi đâu, nên hội chợ cũng phải dẹp thôi. Ở thời đại a còng này tôi ngồi nhà mà cũng được xem hình ảnh hội chợ ở nhiều nơi - cây kiểng, bông hoa, xe hoa, người người nhộn nhịp - cả bên VN và mấy thành phố lớn ở hải ngoại.
Nghe nói chợ hoa Nguyễn Huệ ở quê nhà năm nay không thành công. Trong những loại hoa, tôi ghét nhất là vạn thọ. Đây là loại hoa bình dân, dễ trồng, lâu tàn nên hoa tượng trưng cho sự lâu dài, sống lâu, thường cứ Tết nhất là nhiều người muốn rinh một cặp chậu về chưng trước nhà. Tôi lại thấy nó…vô duyên, gặp phân bón thì cao lớn, bông to. Tôi thích hoa hồng, hoa lan, nhưng Tết nhất thì chưng đào, mai, thủy tiên, chứ ai chưng hồng, chưng lan.
Nói chuyện…”vô duyên” làm tôi nhớ tới bánh trái nhà quê, lại nhớ tới ngoại tôi, ngày Tết hay dịp giỗ quải, bà hay làm bánh, lai rai làm cả nửa tháng trước đó. Bánh in, bánh đậu xanh, bánh men, thạch, bánh khoai (khoai được xắt dài, mỏng, ngào với đường), và có một loại bánh tôi nhớ ngày đó còn bé, tôi ghét nhất là bánh tai yến (?, chà, lâu quá rồi, tôi không chắc nhớ đúng cái tên của nó), bánh làm bằng bột, pha màu xanh đỏ, đem hấp nở lớn, phồng ra nhiều cánh như những cái tai. Tôi không biết bây giờ nếu có dịp được ăn lại nó, tôi có còn ghét như thế không. Nhắc tới bánh trái ở quê tôi, làm tôi nhớ ra đã lâu lắm tôi không về quê, không biết có còn nhớ đường mà về, ít nhất là xa đã 40 năm, mọi vật đổi thay. Quê ngoại họ Trần ở bên này quốc lộ 19, quê nội họ Bùi ở bên kia quốc lộ 19. Có lần đọc bài viết nhà thơ Quan Dương kể là hồi anh đi lính ở quê tôi (và cưới vợ là đồng hương của tôi), thường đi ăn giỗ ở nhà ai, tả đường làng quanh co đi làm sao. Tôi nhận ra là anh đã đi ăn giỗ ở nhà của mấy ông, mấy bác, họ Bùi nhà tôi. Không phải nhà nào cũng vừa nhà ngói vừa có cây mít, nhưng tôi nhớ chắc chắn là nhà nào cũng có ngõ cao. Hồi còn bé, thích nhất là được về quê chơi và gặp dịp ăn giỗ - thích là vì mình có phải làm gì đâu, được anh chị họ dẫn ra ruộng mò cua, bắt ốc, lên rẫy nhổ mì, nhổ đậu phọng. Qua đường mương sợ đỉa bám thì được cõng. Được ăn những trái mãng cầu, trái xòai dú chín trong lu gạo, với lá thầu đâu. Leo lên cây ổi, cây khế. Các em tôi không ngờ là thuở bé tôi cũng dạn dĩ, chứ có đâu nhát như bây giờ, làm gì cũng nhát! Ai mà biết tôi con cháu (đời thứ mười) của nữ tướng Bùi thị Xuân thì chắc là cười tôi mất thôi!
Người ta bảo khi mình hay nhớ chuyện xưa tức là mình có triệu chứng già đấy! (Tóc đã bạc rồi mà!) Mỹ chỉ nghỉ một ngày đầu năm, còn VN mình thì ăn Tết tới ba ngày. Xứ nghèo mà ăn Tết lớn! Nhưng Tết mà không có tiền, phải mượn tiền mua sắm hay đau khổ nhất là phải khất nợ cuối năm, hay phải trốn chủ nợ thì thật là đau khổ, chứ ham ăn Tết làm gì. Con nít nghèo thấy con nít hàng xóm có áo mới mà buồn. Con nít Việt ở Mỹ chắc chắn là không phân bì, đau khổ vào những ngày Tết, vì có ai se sua đâu mà phân bì, mà tủi thân. Ở Mỹ thì Giáng Sinh mới quan trọng, con nít Mỹ từ gia đình nghèo thường ước ao có đồ chơi. Vào những dịp này thì các đài radio thường kêu gọi mạnh thường quân bảo trợ các em. Công sở, hãng xưởng cũng thường bày ra nhiều mục để gây quỹ Adopt-A-Family. Chẳng hạn làm bánh cookies, bánh pies, đấu giá quà tặng. Mua bong bóng 1 đồng một chiếc để tặng sếp, tặng đồng nghiệp. Hay mua hoa, thường là hoa cẩm chướng cho dễ “lời”. Mua hoa tặng nhau. Chưng hoa nơi làm việc. Tôi thích hoa hơn là bong bóng. Nhận chừng 20 chiếc từ đồng nghiệp trong nhóm. Khi bong bóng tàn, dọn dẹp thì phiền phức hơn là chưng hoa. Tôi thích tham gia màn đấu giá, có năm được một tấm chăn bông mà đồng nghiệp của mình cùng nhau góp công, của để may nó. Đấu giá vui lắm. Vừa vui vừa làm được việc nghĩa. Giữa tháng hai Tây Bắc đã có nhiều ngày nắng ấm, khoảng 50 – 55 độ F. Cặp vịt (quen thuộc?) đã trở về bơi lội thong thả trong ao. Phải chờ một thời gian nữa mới mong thấy những con vịt con với bộ lông tơ vàng mướt mượt óng ả. Mấy cây đào đã lu lú những nụ hoa. (Thường thì lúc này đào ở Cali đã nở bung rồi. Mà nghe nói năm nay trời lạnh nên Tết cũng chưa thấy đào nở.) Chưa thấy forsythia nở vàng. Hoa này nhìn xa cũng tạo được cảnh Tết vì nó trông giống hoa mai, có người gọi mai Mỹ, có người như anh Phan Anh Dũng lại gọi mai dại. Anh còn nhớ Tết năm ngoái tôi than không biết làm sao cho forsythia nở đúng vào dịp Tết, thì năm nay anh bày “Cậu em rể tôi khám phá là dùng kỹ thuât nhỏ nhưng hiệu quả cao từ việc "thúc" hoa thủy tiên cho nở đúng Giao Thừa (dùng đèn chiếu vào hoa). Cậu em đem cành hoa mai vàng dại vào nhà khoảng 1 tuần trước, để cạnh cửa sổ và một ngày thay nước ấm 2 lần, chỉ có vậy thôi mà hoa sẽ ra đấy!” Anh cũng kèm hình cho tôi coi.Cảm ơn anh. Năm tới LV sẽ “bắt” Ng làm thử. Nếu thành công thì sẽ cho anh biết là thầy giỏi nha. Nắng lên, làm mình thấy vui. Gặp nhau ai cũng cười vui nói, xuân đến rồi, xuân đến rồi.
Lại nghĩ tới miền Đông, sau một tuần tuyết rơi dày phá kỷ lục (dùng tới đơn vị foot để nói, chứ không còn inch!), giờ phải cào tuyết dọn dẹp, rồi lo tuyết tan, nước sẽ chảy làm sao mà không tạo ra lụt lội. Thì lại thấy Tây Bắc mình năm nay may mắn quá. Tự nhủ, thôi, đừng chê là xứ mưa nhiều nữa nhé! Dạo này, trời sáng sủa, tầm nhìn được xa, đi đường, mình thấy họ, họ thấy mình, lái xe đi làm cũng thấy thoải mái, an tâm. Tôi vốn không thích lái xe, thế nên những ngày mưa gió thì tôi khốn đốn, không vui. Hồi còn trẻ, lái xe đi làm xa không là vấn đề, mưa gió, bão tuyết gì cũng lặn lội đi. Bây giờ thì ngán, tại tuổi cũng …lớn rồi mà. Tôi chỉ thích để Ng lái, còn tôi phè phè nhắm mắt lim dim nghe nhạc, nghe đọc truyện. Vậy mà hôm nọ ở tiệm ăn Old Country Buffet bước ra, thấy một cặp già người Mỹ, có lẽ khoảng 80 tuổi, bà vợ lái cho ông chồng, Ng lại nói, chừng già em cũng như bà cụ đó, em lái, chứ mắt mũi của anh chưa gì đã kém rồi. Tôi giãy nẩy, vậy mà trông chờ anh lái chớ.
Nhắc đến tuyết, dân vùng Seattle của tôi uống nước là từ tuyết trên núi tan thành nước theo suối chảy xuống. Sau khi được khử lọc xong thì cho luân lưu khắp vùng qua hệ thống ống nước, mình cứ việc vặn vòi nước mà uống. Có lẽ vì do uống quen hay sao mà tôi thích nước từ vòi nước hơn là nước lọc đóng trong chai bán ở chợ. Thấy nó “ngon ngọt” hơn! Nhiều khi siêng thì nấu sôi, còn lười thì uống thẳng từ vòi nước. Có sao đâu! Nhớ hồi xưa về quê đi tới nhà ai, khát nước, thì cũng bắt chước bà con mình lại lấy gáo dừa múc nước uống từ cái lu để trước nhà, sau hè, trong đó có vài con lăng quăng bơi lội thoải mái mà, hay nhìn kỹ hơn thì cũng có vài con ốc sên bám bên trong vành lu. Cũng tỉnh bơ uống thôi!
Nghĩa là tôi sẽ không bị ảnh hưởng về tài chánh khi nước trong chai bị đóng thuế theo đề nghị của thống đốc tiểu bang. Theo tôi, chừng nào mà thực phẩm không bị đánh thuế nữa thì nước uống cũng không nên đánh thuế vì nước uống cũng là thực phẩm, là nhu yếu phẩm, có khác gì gạo, muối đâu. (Tiểu bang này có sale tax cho những thứ không phải thực phẩm. Hàng xóm Oregon, ở phía nam, thì không sale taxes, vì thế dân Washington thường lái xe qua Oregon mua đồ không thuế cho rẻ) Mấy anh chị hút thuốc lá thì kỳ này chắc là hầu bao sẽ lủng thêm vì thuốc lá cũng sẽ bị đánh thuế theo cái đề nghị đó. (Thành phố Seattle lại vừa cấm không cho hút thuốc cả trong công viên!) Chẳng nhớ trong cái đề nghị đó của bà thống đốc thì tiền thuế sẽ thu thêm được bao nhiêu. Chứ con số thâm thủng cho tài khóa này đã lên 2.8 tỉ rồi! Và tôi cũng không hiểu tại sao mấy ông dân biểu không chọn giải pháp cho nhân viên tiểu bang nghỉ mỗi tháng một ngày không ăn lương để tiết kiệm tiền? Cali đã phải 3 ngày rồi. Và Malia cũng cho biết là tiểu bang nhà của cô là Hawaii cũng dùng biện pháp đó. Đâu phải Washington là tiểu bang duy nhất bị thâm thủng. Ai sao mình vậy mà. Còn hơn là sa thải người.
Kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều thì thư viện bận rộn nhiều vì có nhiều người vào. Nhiều người cắt cable ở nhà rồi vào thư viện mượn phim ảnh, đĩa nhạc mang về. Nhiều người dùng internet miễn phí để dạo, để xin giốp. Có người mang laptop, đậu xe trước thư viện để vào nét. Bây giờ thư viện như là một cái “phòng khách” công cộng. Đám trẻ cũng tụ tập bạn bè sau giờ học, tránh không khí ngột ngạt ở nhà khi có cha hay mẹ thất nghiệp, cha mẹ dễ gây gổ với nhau. Thư viện lại là nơi an toàn nhất. Tuy vậy, thư viện thì cũng đâu tránh được chuyện ngân sách tiền nong thiếu hụt, cũng thảy cũng cắt người. Vừa rồi ở hệ thống thư viện tôi làm (có 17 chi nhánh) cũng thiếu một triệu và cũng phải thảy chừng 30 nhân viên, sau khi đưa đề nghị về hưu sớm được thưởng mà ít người chịu nhận, bà con cũng la ơi ới vì thấy cảnh bất công, là mấy con cá lớn không bị thảy hay bị cắt lương mà chính chúng lại có quyền sinh sát - giết mấy con cá nhỏ! Sau đó, tình hình yên ổn lại thì bày ra màn Staff Day, tất cả nghỉ một ngày làm việc để…vui chơi – mà thông báo thư viện đóng cửa lại bảo là Staff Learning Day, xài tiền bậy quá chừng. Dù đã bị bà con than phiền, báo chí chỉ trích là mấy năm trước xài tiền vào những dự án xa vời tốn kém quá. Chẳng hạn mướn một hãng cố vấn tìm hiểu xem 30 năm nữa thì thư viện sẽ như thế nào, dân chúng cần gì. Giờ vẫn chưa tởn. Thiệt tình!
Cuối cùng thì đào cánh đơn đã nở, nở trong mưa xuân lất phất, thật đẹp. Mai dại cũng nở cùng lúc. Cuối tháng hai, tuy không có gì là chắc chắn lắm, nhưng tôi vẫn có quyền hy vọng mùa xuân tới rồi, sẽ không có những ngày mưa rơi tuyết đổ, đường sá đóng băng nguy hiểm nữa đâu. Lòng tôi thật nhẹ nhõm, bình an. Tôi sẽ tà tà viết văn, làm báo. À, cũng cảm ơn bịch cam thảo chị Lê Mộng Hòang gửi cho với lời dặn dễ thương, cảm động…để LV ngậm vào buổi tối mà thức khuya viết lách.
Hôm nay, tôi đã lo xong bài vở cho Kỷ Nguyên Mới số Tháng Ba 2010. Nhẹ nhõm! Nhìn lại, thoáng đó mà đã một năm tôi lãnh vai trò chủ bút cho tờ báo này. Tôi cắt xén giờ ăn, giờ giải lao, giờ ngủ để chăm sóc “đứa bé” mười tuổi này. Sở dĩ nói phải cắt xén là vì tôi còn gồng hai cái giốp tổng cộng 63 tiếng một tuần, chứ đâu phải ở không mà làm báo thôi đâu. Tôi cũng biết mình ôm đồm nhiều thứ quá – nhưng vui. Nhờ Trời cho sức khỏe và lòng đam mê thì làm gì cũng được. Ở nhà, tôi cũng có đặt một bàn viết, dành một phòng cho viết lách, nhưng mấy khi mà tôi ngồi vào bàn (đàng hoàng). Với cái laptop kê trên người, tôi ngồi viết chỗ nào cũng được. Ở nhà thì bên cạnh outlet sưởi phà ra ấm áp, đi làm thì khi ngồi trên xe buýt, giờ giải lao 15 phút thì nơi bực cầu thang ở chỗ làm,...Vài chục chữ nơi này, vài chục chữ nơi kia (tôi thích đếm chữ), kiến tha lâu đầy tổ. Vui thôi mà! Linh Vang
|