Thứ bảy, ngày 18, tháng mười một, năm 2006
Trời Seattle khô ráo, ấm áp. Đặc biệt chỉ một ngày như thế thôi, để cho nhà thơ nữ Vũ Hoài Mỹ ra mắt hai tập thơ của chị và họa sĩ Mạc Chánh Hòa triển lãm một số tranh ảnh của ông, vì radio cho biết là ngày hôm sau trời sẽ mưa. Có khoảng 200 quan khách gồm đại diện các hội đoàn, báo chí và đồng hương đến dự buổi ra mắt này trong một khung cảnh ấm cúng, thân mật, ở nhà hàng Minh lúc 11 giờ trưa, ngày hôm nay.
Số khách đến dự nhiều hơn con số dự tính của ban tổ chức và nhà hàng, bằng chứng là sau khi thấy tôi có món bún thịt tôm nướng, anh Hiến cũng muốn món đó mà cô chạy bàn bảo hết bún rồi, mới nghe tôi lại tưởng cô đùa chứ!
Chị Vũ Hoài Mỹ có nhiều tài. Thi, nhạc, họa. Hôm nay, tôi còn được nghe chị hát. Qua ba bài hát, giọng chị rất khỏe dù là chị vừa lái xe qua một đoạn đường dài từ Nam Cali lên, khi lên đây gặp thời tiết lạnh, và thức khuya không ngủ được, -như chị nói- làm giọng chị không được trong trẻo lắm. Chị ăn nói lưu loát, dạn dĩ trên sân khấu, với giọng Bắc thật ấm. Hỏi ra mới biết chị là ký giả, từng làm xướng ngôn viên cho đài TV nào đó dưới Cali mà tôi không rành. Chị là hội viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Nam California và cũng là hội viên của Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại - chị là thủ quỹ của hội này.
Phải nói rõ thêm là tại sao chị lại coi người Quảng là đồng hương của chị dù chị nói giọng Bắc. Chị sinh ra trong một gia đình Bắc họ Vũ ở Hải Hậu, Nam Định, được 9 tháng thì bố mẹ chị mang chị vào Đà Nẵng sinh sống, và chị lớn lên từ nơi đây, là học trò của Thánh Tâm, Sao Mai.
Sách vở bảo sau một người đàn ông thành công là bóng dáng của một người đàn bà. Tôi đã từng bảo sau một người đàn bà thành công (hay một nhà văn/thơ nữ nổi danh) là bóng dáng của một người đàn ông. Sau chị thi sĩ Vũ Hoài Mỹ đa tài là anh phu quân của chị, anh Trần Thế Hùng (Võ Bị khóa 24, huynh trưởng của anh Th đó nha chị Ngô Đồng!, cũng là huynh trưởng của anh đó, anh T-www.vietnamlibrary.net). Anh loay hoay chụp hình, quên cả ăn (nhưng anh bảo, mà vui). Tôi nghe nói phu quân của chị Kathy Trần cũng thế. Nơi nào có chị Kathy Trần là có ông xã của chị lăng xăng chụp hình.
Họa sĩ Mạc Chánh Hòa gốc Hội An nên ông vẽ nhiều tranh về Hội An và đã đem lên tiểu bang WA để ra mắt với đồng hương xứ Quảng. Ông vào Sài Gòn từ những năm 1958, 1959 mà giọng nói vẫn còn rặt “chính hiệu con nai vàng”. Nhiều người say mê theo dõi ông phóng bút thư họa ngay tại chỗ. Chị Phạm Đào Nguyên nhờ viết tên PĐN của chị. Chú nhà báo Phạm Kim của tờ Người Việt Tây Bắc nhờ viết chữ Củng Cố. Mới đầu chú hỏi đố tôi mà tôi không đọc ra được. Sau còn hỏi ý nghĩa. A! Thì ra củng cố niềm tin. Củng cố cộng đồng. (Tôi nghĩ thêm, hàn gắn lại những rạn nứt hiện giờ của cộng đồng Tây Bắc?)
Tôi lại được chú Phạm Kim tặng CD mới – chưa sửa, chưa phát hành! Tiếng hát Xuân Thanh, nhạc Phạm Anh Dũng. Chú bảo, chừng ra xe nghe liền đi, hay lắm, chú thích lắm, cảm động lắm, nghe muốn khóc luôn. Tôi cười bảo, người ta đang hạnh phúc mà chú bảo nghe nhạc rồi khóc đi. Chú cắt nghĩa, tuy là mình có hạnh phúc, nhưng cũng nên nghe để chia sẻ nỗi buồn của người khác. Ai cũng vậy, ở đời, có lúc cũng gặp những bất hạnh, những khúc quanh, những lúc mà có lỗ hổng tâm hồn, những gì mình mong muốn không đạt được…
Hm! Hm! Tôi lại chọc chú.
Buổi sinh hoạt văn hóa này đã được Hội Đồng Hương Quảng Nam-Đà Nẵng do ông Đinh Hùng Chấn làm hội trưởng đứng ra tổ chức, với sự bảo trợ của bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, cùng nhiều hội đoàn và hai tờ báo địa phương là tuần báo Người Việt Tây Bắc và tuần báo Phương Đông. Ngoài chú Phạm Kim của NVTB, tôi còn thấy có mặt các ông Võ Thành Đông và ký giả Nguyễn Tấn Lai của tuần báo Phương Đông. Mèn! Lâu ngày mới gặp chú Lai há!
Tôi cũng thấy có mặt ký giả Linh Vũ của tờ Calitoday. Anh đến xin Ng báo Kỷ Nguyên Mới và ngạc nhiên khi biết Ng và tôi có “liên hệ mật thiết” vì anh bảo anh thấy Ng hoài, mà “tìm hoài không ra Linh Vang mấy năm nay”. Anh bảo anh đọc văn của tôi từ sáu, bảy năm trước. Tôi hỏi đọc ở đâu? Anh hỏi lại. Nhớ tờ Văn Phong, nhớ Nguyễn Minh Nữu không? NMN là bạn của tôi, có nói Linh Vang ở vùng này,
À! Thì ra thế! Nghe anh khen văn tôi mà mũi tôi muốn thành trái cà chua! Đã đọc rất nhiều, cũng trên Vietnamdaily nữa. Anh thích cái truyện về con mèo, chị nhà văn Lê Thị Nhị cũng thích truyện này (Không Chỉ Là Con Mèo).
Anh lại nói, cũng có một cô thi sĩ còn trẻ lắm, chừng 24, 25 tên Nguyễn Phương, ở vùng này không biết là ai, làm thơ rất hay.
Một buổi họp mặt rất vui, ấm cúng, kéo khá dài, một số khách ngồi nghe nhạc-mà toàn là ca sĩ cây nhà lá vườn-cho tới 4:30 chiều.