Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Ngày thứ ba
Sáng dậy sớm, bước ra thấy trời quang đãng, hứa hẹn một ngày nắng tốt. Con chó cái nghe tiếng động đã chạy lên mừng. Nó muốn đuợc vào trong nhà nhưng bị cấm cửa. Một lát thì nó đi xuống, và hai con mèo lò dò lên. Hai con mèo cũng muốn vào nhà nhưng cũng không đuợc phép. Một con rất khôn, biết cách dùng mõm đẩy cửa lưới để lách vào trong. Mèo lạ mà sao dạn quá trời. Nhưng nghĩ cũng tội nghiệp, chúng cũng thích chơi với người, những người chúng biết là an toàn để quanh quẩn. Chiều qua chúng tôi có ghé vào tiệm thực phẩm mua cereal, sữa nên sáng nay bữa điểm tâm khỏi phải vào tiệm.
Sáng nay chúng tôi định chuơng trình là đi thăm thành phố Rapid City. Rapid City đuợc mệnh danh là Thành phố của Các Tổng thống (The City of Presidents). Lấy cảm hứng từ Mt Rushmore mà ai đó nghĩ ra kế hoạch này cũng có lý quá! Các góc đường trong khu trung tâm có dựng tuợng đồng các ông tổng thống Mỹ, mỗi ông đứng một góc. Mỗi tuợng đều có bảng tên ghi năm sanh và mất, đời tổng thống thứ mấy, làm tổng thống những năm nào. Và tên của người hay cơ sở nào hiến tặng. Có vẻ như góc đường Main và Đường số Sáu là trung tâm. Nơi đây có một công viên đang bổ sung vài công trình.
Downtown có một nhà lớn tên là Prairie Edge, đây là một tiệm lớn chưng và bán các hàng mỹ nghệ liên quan tới nguời da đỏ với phẩm chất thuợng hạng: mền, quilt, áo quần, nữ trang đá quý, thú nhồi bông, sừng trâu, nhạc v..v..Truớc tiệm có tuợng hai phụ nữ da đỏ, một già một trẻ. Bên kia đường cũng có tượng một người đàn ông da đỏ. Từ nay tôi sẽ cố gắng thay thế danh từ “da đỏ” bằng “bản xứ Mỹ” theo quan điểm mới nhằm thể hiện sự tôn trọng nhóm dân này. Mọi người vào xem hàng trong tiệm, tôi chỉ dạo một vòng rồi ra ngoài đi lăng quăng ngắm các ông tổng thống. Các tượng như làm theo đúng kích thước của các ông, nên có vị tổng thống như James Madison chỉ cao 5’ 4”. Đi ngang một tiệm thấy bên ngoài đề là Museum of the American Bison mà xui xẻo là hôm nay lại trúng ngày nghỉ của Nhà Bảo Tàng. Chỉ mới thăm được có vài ông tổng thống thì nhận được điện thoại giựt ngược cho biết nhóm sẽ tới dùng bữa tại một tiệm ăn gần đó. Tiệm có tên là Firehouse Brewing Co., một cơ sở chữa lửa cũ. Chợt hoài niệm món ăn Việt. Ở các nơi xa xôi này, tiệm Tàu còn không có, mong gì có tới một tiệm ăn Việt.
tượng tổng thống Jefferson, tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ
Ăn xong, lại đi rảo vài phố. Bèn nhìn thấy có phòng thông tin về các ông tổng thống (The Presidents’ Information Center). Bước vào trong thấy có chưng đủ các tượng tổng thống được thu nhỏ lại. Trên một bàn có hình của các ông với các bà vợ của họ. Đó là bộ hình được bán. Với sự phổ thông của interet tôi nghĩ nhiều ngành kinh doanh phải chết hay sống ngoắc ngoải, như việc bán các loại hình ảnh này. Bà nhân viên có khuôn mặt khó đăm đăm rặn không ra nổi một nụ cười (khuôn mặt mà nếu đi làm cho tư nhân với nghề giao tiếp khách hàng thì bị sa thải rồi), cho biết có cái tour đi bộ về các dật sử của các ông tổng thống (What the History Book Forgot to Mention Walking Tour of The President Statues). Thôi, không đi đâu.
Nơi kế tiếp tới xem là Museum of Geology. Chúng tôi lại đi tìm Phòng Thông Tin để biết chính xác địa chỉ nhưng hỏi mấy người mà cũng trật vuột không ra. Tới chừng tìm ra thì hóa ra Phòng Thông Tin này nằm kế bên khu parking mà khi đậu xe chúng tôi không để ý tới. Thậm chí trên đường có bảng chỉ dẫn hẳn hoi mà cũng không nhìn thấy. Tôi phải ghi lại các chuyện tìm kiếm làm mất thì giờ vì một ngày du lịch của chúng ta phải trả giá bằng …. tiền, nếu tỉnh táo, và quán triệt thì ta sẽ tận dụng hết công năng của các ngày giờ tốn kém ấy. Nhưng nếu có nguời đi du lịch chỉ là một cơ hội để thư thả tinh thần chớ không phải để làm cho xong cái list các nơi cần viếng thì trong nhóm sẽ có … mâu thuẫn ngay.
Hóa ra bảo tàng Địa chất thuộc khuôn viên của một trường đại học trong thành phố, South Dakota of Mines and Technology. Đậu xe đại vào một nơi dành cho xe có thẻ với hy vọng là không gặp rắc rối gì, chúng tôi đi bộ lại bảo tàng địa chất. Bảo tàng này chủ yếu chưng bày các di chỉ thời tiền sử ở vùng Badlands, một vùng địa chất đặc biệt khác cũng đuợc biến thành National Park của South Dakota. Tôi biết thêm một điều mới là các viên đá gọi là gastrolith, tạm gọi nôm na là “đá bao tử”, được tìm thấy trong bao tử của con plesiosaur, một con bò sát thời tiền sử ở vùng Badlands. Chuyên gia còn kỹ lưỡng đếm coi có bao nhiêu viên đá, loại đá gì. Ngoài ra còn có một ngăn chứa một loại đá gọi là Sand-Calcite Crystals (tinh thể cát-đá vôi?) . Loại này rất hiếm gặp, trên thế giới chỉ có ở South Dakota và Pháp, nên địa điểm này nằm ở thị trấn Rattlesnake Butte, Jackson County được bảo tồn, không ai được nhặt đem đi. Thấy trên tường có treo một bức hình của ông Darwin, được bán với giá 7 đô la một tấm. Ông được ngưỡng mộ vì Thuyết Tiến Hoá của ông được xem là một cuộc cách mạng vĩ đại trong ngành sinh vật học.
Chúng tôi lên xe trở lại chỗ ngụ. Quá sớm để về nhà. Nguời lái xe đột ngột ngừng lại một địa điểm trên đường về, Vườn Bò Sát (Reptile Gardens). Nhìn mặt đường ướt mem, biết ngay là nơi đây vừa có mưa. Trời cũng còn u ám lắm. Chúng tôi vào cổng thì đã 3 giờ hơn. Nhân viên cho biết là cái show rắn cuối cùng là lúc 4 giờ, tuy nhiên khi biết chúng tôi là du khách từ xa tới thì bà cho biết là cứ vào đi, lần sau trở lại không tính tiền, nhưng chỉ trong thời hạn của chuyến đi này mà thôi. Giá vé vào cửa là 11 đô la mỗi người. Tôi miễn cưỡng vào vì tôi sợ ngó rắn rít, cá sấu thì ở Việt Nam thiếu gì. Có lẽ để xoa dịu những con mắt thích nhìn cái đẹp nên vào cổng là một khoảnh vườn đầy cỏ hoa với muôn hồng nghìn tía. Bộ sưu tập bò sát nằm trong một nhà lớn hai tầng, giữa là nhà kiếng để các loài quen sống trong khu nhiệt đới có thể ở được. Các khu nhốt các con vật được ghi chú kỹ lưỡng nhăm mục đích giáo dục (trẻ con thích được xem loài vật, ở đâu cũng vậy). Tầng dưới là cá sấu, tầng trên là rắn. Trẻ con học hỏi được nhiều, ngay cả người lớn. Thí dụ có bảng giúp ta phân biệt được sự khác nhau giữa crocodile và alligator. Tiếng Việt ta gọi hai loài này một danh từ là “cá sấu”. Sở dĩ vậy là vì alligator chỉ có ở Nam Hoa Kỳ và vài nơi ở Trung Hoa. Việt Nam không có nên chúng chưa có tên Việt, hay dùng ké với loài crocodile vậy! Có ai nhìn thấy sự lấn cấn trong cái tên chăng, chúng đâu có cùng họ hàng gì với cá đâu mà bị gọi là cá sấu. Có lẽ vì vậy mà dần dà sau này thấy chữ “cá” bị bỏ đi, chỉ còn là con “sấu” mà thôi.
Đặc biệt có một con được cho là có mặt trong phim Live and Let Die do Roger Moore đóng vai James Bond. Người chủ mấy con sấu này đã xin được đóng vai stunt bước trên lưng sấu thật của anh ta chớ không dùng sấu giả. Nhưng anh ta bị rớt xuống nước và bị sấu táp. Ra khỏi bệnh viện, anh lại làm lần hai, lại bị táp nhưng cũng đủ cho một đoạn dùng trong phim. Người đàn ông gan góc này sau đó bị chết vì cọp xé xác. Ngoài ra còn có bảng ghi giới thiệu con sấu Úc có tên là Maniac lời của tài tử Nicolas Cage khi tới đây đóng phim National Treasure: Book of Secrets; ca ngợi con sấu này “most magnificent” mà ông được thấy. Tôi nghĩ là cái Chuồng này cũng khoái dựa hơi tài tử nổi tiếng, chớ Nicolas Cage là tài tử chiếu bóng chớ có phải là một nhà sấu học hay khảo cứu lừng lẫy như Steve Irwin đâu mà khoe lên.
Trong nhà kiếng có một số cây cỏ nhiệt đới làm môi trường sống cho các loài cắc ké, kỳ nhông. Có vài loại chim nhiệt đới sặc sỡ màu sắc.
Ra ngoài thì tới giờ xem màn trình diễn với rắn (Snake Show), kế đó là Crocodile Show, ngoài ra còn có chuồng rùa khủng, chuồng chó đồng (prairie dog). Show Rắn bắt đầu đúng giờ, ngồi coi một lát thấy không hấp dẫn, nói toạc móng heo ra là thấy ớn quá, tôi bèn ra ngoài coi rùa. Vừa đúng lúc là nhân viên đang lùa rùa vào chuồng có mái che để đóng cửa. Bảng ghi du khách được phép vào sân để chơi, để gãi cổ (scratch them on their necks), để chụp hình nhưng không được phép cho ăn, đánh, đá hay trèo lên thân thể mấy con rùa này. Con nhỏ thì còn bồng ẳm, chớ con lớn quá thì hai anh nhân viên chỉ còn cách đi theo sau lùa chúng vào chuồng.
Sau đó tôi tạt vào chuồng coi chó đồng nội (prairie dogs), rồi lững thững đi lục lạo khắp nơi trong Gardens vì không chắc là nhóm sẽ trở lại vào một ngày nào khác. Thấy có một khu gọi là Tortuga Falls, trong có các thác nước giả. Ở đây tôi nhìn thấy vòng rào của Gardens giáp với vùng hoang dã bên ngoài. Đất đai ở tiểu bang còn mênh mông. Một tiểu bang rộng trên 77 ngàn dặm vuông mà dân số chỉ có trên 8 trăm ngàn dân thì ta phải biết! Trong khi California 163,696 dặm vuông với gần 38 triệu nguời! Vào trong Tortuga Falls thấy có cầu giả kiểu Tàu, có tượng hình người cổ của Tàu, có tượng Quan Âm đặt ở gần dưới bóng cây gần hồ nước. Người Tây phương coi các tượng Phật như vật trang trí ngoài vườn. Họ bày bán chung các tượng này với vật dụng làm vườn như ta thường thấy ở Home Depot, các tiệm cây cỏ.
Snake Show cũng kết thúc, cũng anh quản trò đó đi vào khu sấu lộ thiên để làm nốt show cuối cùng là Crocodile Show. Mấy chục con sấu nằm bò lểnh nghểnh. Anh thành thạo chỉ huy chúng. Khi anh ngồi lên mình một con sấu lớn, anh nắm họng nó. Có lúc thấy nó có vẻ ngoan cố không nghe theo, anh dùng gậy chọt nó. Mắc cười nhất là tất cả các con khác đều hướng mắt về đồng bọn đang bị đè đầu cỡi cổ. Một con lừng khừng bò tới có vẻ như muốn làm cách mạng chống lại! Tôi khá lo ngại vì nếu chỉ cần một con nổi dóa táp anh thôi là có thể cả bọn nhào tới xơi tái anh liền. Các show sấu ở đây khác với show ở Thái Lan là không có màn đút đầu vô miệng sấu, và cũng không quất chúng mạnh bạo như ở Thái – có lẽ vì sự tôn trọng thú vật đã thành truyền thống ở các nước văn minh chăng. Những người văn minh không tham gia các trò hành hạ thú vật và thật là thú vị là điều này lại phù hợp với giáo lý của đạo Phật. Nếu chúng ta hồ hởi, phấn khởi, hoan hô các hành động hành hạ súc sinh thì vô tình ta tạo nên một cái nghiệp cho chính mình. Bởi vậy thấy ai bắt được cá to cá lớn, đừng có dại dột mà khen họ nhé! Các trò lột da cọp làm thảm, chặt sừng huơu nai treo trên tường nhà để phô trương thành tích săn bắn của mình, nay không còn được trầm trồ khen ngợi như trước đây, nếu không nói là còn bị chửi tắt bếp! Sau đó thì anh quản trò đem một thùng thức ăn ra thảy cho chúng, trước khi kết thúc show bằng cách bưng một con sấu nhỏ ra cho khán giả được sờ vào cho biết da chúng ra sao. Sau đó chúng tôi trở lại lên tầng hai của chuồng để xem cho hết. Ở đây là các chuồng rắn. Bộ sưu tập rắn cũng khá lớn. Nếu là ở Việt Nam tôi sẽ dán bài thơ của Lê Quý Đôn, bài thơ có mỗi câu một loài rắn
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà Rắn đầu biếng học ắt không tha Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ Nay thét mai gầm rát cổ cha Ráo mép chỉ quen lời lếu láo Lằn lưng cam chịu vệt năm ba Từ nay trâu lỗ xin siêng học Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Để kết thúc tôi xin hài vào đây hai bảng ghi chú lý thú về một nét sinh hoạt của Gardens. Bảng ghi số lượng con vật được dùng để nuôi các loài thú trong Gardens có chú thích là không có con nào còn sống khi cho vào miệng bọn thú này. Tất cả đều được mua khi đã chết hay đông lạnh. Như vậy có sự nhân đạo là không có con nào bị giết cho con khác được sống.
|