Rank: Advanced Member
Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,407 Points: 48 Location: California, Santa An a Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
|
Sau lễ tình nhân, Năm nào cũng vậy, sau ngày lễ tình nhân là sinh nhật đứa con gái đầu lòng của tôi; và năm nào cũng vậy, kể từ khi nó không còn ở trong nhà nữa; sáng sớm khi tôi còn nằm trên giường là chuông điện thọai reo, tôi biết là nó: -Happy valinetine's , Mẹ. Và năm nào tôi cũng tự nói với mình rằng, sáng mai phải gọi chúc mừng sinh nhật của nó sớm, nhưng rồi bận rộn với mọi thứ công việc, tôi lại cứ quên. Hy vọng năm nay sẻ không quên nữa vì chỉ còn mấy tháng nữa là đứa con gái thân yêu nầy của tôi sẽ đi lấy chồng! Bao nhiêu năm cứ thúc hối nó việc thành lập gia đình, nó cứ bảo rằng: -Thấy mẹ như vậy, con không muốn lấy chồng đâu. Tôi cứ phải an ủi nó: - Mỗi người có một số phận con ạ, Không phải đàn bà nào cũng gặp hoàn cảnh như mẹ đâu, và cũng có rất nhiều đàn ông tốt trên đời. Ba con cũng không phải là người xấu, nhưng 2 người không hạp nhau, khó mà sống chung với nhau được. -Nếu còn có đàn ông tốt trên đời, sao mẹ không tìm được người khác. -Mẹ già rồi, tìm làm gì nữa! vả lại mẹ còn có tụi con. -Thấy chưa, mẹ cứ thúc hối tụi con lấy vợ, lấy chồng. Rồi sau đó, mẹ sẽ chỉ còn có một mình, mẹ sẽ buồn lắm đó. Những gì tôi nói, không biết nó có hiểu hết được không, nhưng những cái lý do mà nó lần lựa nói ra không được chính đáng. Nó thương mẹ, thương các em, ngày nó lãnh cái paycheck đầu tiên, nó mua cho mẹ và các em những món quà nho nhỏ mà mọi người đều ưa thích cho dù lúc đó nó mới có 16 tuổi. Lúc nhỏ, nó là đứa con hay bị đòn vì cái tội cứng đầu và rắn mắc, nhưng từ khi ba nó không còn sống chung trong nhà nữa, nó như trưởng thành hẳn ra, lo học và lo cho gia đình, không còn đi chơi đàn đúm bạn bè như trước. Tôi còn nhớ ngày đó, khi cô em chồng đem đứa bé còn đỏ hỏn đặt vào lòng tôi trên giường bệnh viện, lòng tôi đã cảm thấy rạt rào tình thương mặt dầu những cơn đau của thể xác vẫn đến từng cơn và nỗi buồn của mất mát vẫn còn tồn tại trong tôi. Nhìn gương mặt bé bỏng của nó, tôi cố tìm những nét giống tôi hoặc chồng tôi mà tìm hòai không thấy. Tôi cứ tự hỏi, nó có thể làm con gái tôi không?Tôi có thể giữ được nó vĩnh viễn là của tôi không? Viết cho con: Rồi từ đó con cùng ba mẹ sống những ngày tháng vui vẻ trong trại Hàm Tử, khu gia binh của Phi đoàn. Nhìn con lớn dần theo năm tháng, mẹ chỉ có 1 điều hối tiếc duy nhất là không thể nuôi con bằng chính sửa của một người mẹ, nhưng bù vào đó, mẹ đã thương con bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ đối với con. Mỗi lần con ngủ, mẹ đã nắn từng ngón tay của con, mong rằng con sẽ có những ngón tay ngòi viết, cho con bú, mẹ lại nắn chân con để lớn lên con khỏi đi vòng kiền. Con lớn lên với tình thương của tất cả mọi người trong trại, và với điều bí mật mà mọi người đều hứa với mẹ là sẽ giúp mẹ dấu kín. Kế bên nhà ta là vợ chồng bác Như, với đứa con trai cũng bằng tuổi con. Với chiếc võng treo trong khoảng sân giữa hai nhà là nơi con và bé Quang cùng nằm khi mẹ và cô Phượng cùng lo buổi cơm chiều để chờ đón những ông chồng sắp về tới sau phi vụ. Những buổi chiều, mẹ lót khăn vào cái giỏ xe, bỏ con nằm trong đó, cô Phượng bồng bé Quang ngồi phía sau, vậy là chúng ta có thể đi dạo những con đường sát bờ biển Nha Trang, cùng đi chợ Đầm và ngao du khắp cùng thành phố. Lúc đó ba con và bác Như vẫn thường đùa với nhau là sau nầy hai người sẽ làm sui cho tình thân lại càng thân hơn. Rồi Phi đoàn của ba con lại đổi về Đà Nẳng, mẹ rất vui mừng vì có thể sống gần gia đình và lúc đó mẹ lại có mang em Bi; Cảm ơn con, nhờ có con mà mẹ mang em con được toàn vẹn. Gia đình mình có được một ngôi nhà khá rộng trong phi trường. Con càng lớn càng rắn mắc và phá phách nhưng cũng rất dễ thương. Những buổi chiều, nghe tiếng máy bay vần trên nhà, mẹ biết rằng ba con sắp về tới, bồng con ra trước sân, mẹ vẩy tay với ba con khi ông quần lần chót trước khi vào đáp xuống để chấm dứt chuyến bay trong ngày; từ từ con cũng biết đón ba con, mỗi lần nghe tiếng máy bay là con trong cái xe tập đi, chạy băng ra ngòai sân trước; có lúc trời mưa nước đọng cả vũng, con thích chí đứng đạp cho nước văng tung toé, và ba con mỗi khi thấy con lại càng sà xuống thấp hơn để con thấy. Thế rồi mình phải bỏ nước ra đi, để lại tất cả những gì thân thương nhất trong đời. Cha mẹ, chị em biết đến ngày nào gặp lại và cũng không biết có còn gặp lại hay không? Qua bao nhieu năm cực khổ, khi cảm thấy rằng mình đã có thể đứng vửng lên giữa xứ lạ quê người, thì bao nhiêu chuyện dồn dập khác lại xảy ra: Mẹ bị bịnh nan y và rồi ba con phải rời khỏi gia đình. Việc chia tay của ba và mẹ là cũng do các con góp ý vì các con không muốn nhìn thấy cảnh gia đình như 1 cái địa ngục, không muốn thấy cảnh chiến tranh cứ diển ra, khi nóng, khi lạnh và các con cũng muốn yên tâm học hành. Thế là ba con về VN cưới một người vợ khác, mẹ và các con nương tựa vào nhau. Mẹ cũng biết sự đổ vở của gia đình mẹ cũng có phần trách nhiệm. Lúc đó, mẹ như đắm chìm vào cái khổ đau của cơn bịnh, đối với ba con không làm tròn bổn phận, không khuyên nhủ ông ta để cho ông ta cứ tìm quên trong men rượu, và mẹ cũng đã từ chối tất cả những tình thương của bà con, bạn bè để tự mình thu hẹp lấy mình trong 1 khoảng không gian riêng của sự cô độc. Mẹ cũng quên luôn là các con cần có mẹ, khi mẹ bừng tỉnh ra thì con đã trải qua vài ba cuộc tình không đi đến đâu và con đang tiếp tục đi vào con đường phá nát cuộc đời của con. Rồi ngày đó, con tâm sự với mẹ rằng con không muốn lấy chồng, chỉ muốn xin một đứa con về nuôi. Mẹ bảo con rằng: -Không mang nặng đẻ đau thì làm sao mà thương được. Con nhìn mẹ, rồi nói qua nước mắt: -Vậy là mẹ không thương con sao? Mẹ bàng hoàng, tôi run rẩy: -Tại sao con nói vậy, hồi nào đến giờ mẹ có nói là không thương con sao? -Chính mẹ nói đó, không mang nặng đẻ đau thì không thương được; Con có phải là con ruột của mẹ đâu! Mẹ lặng người đi, cảm thấy cả người lạnh tóat: -Ai nói vơi con vậy? -Ba nói lâu rồi. Hôm đó ba say, ba và con cải lộn, ba nói rằng: Mầy không phải con tau, mầy không được lộn xộn" -Ba giận chỉ nói vậy thôi, hơi đâu mà con tin. -Ba còn nói, con là do mẹ với người đàn ông khác sanh ra. Mẹ thật bất ngờ, thì ra bao lâu nay ba con đã gieo vào lòng con gái của mẹ những ý tưởng xấu về mẹ, làm cho con tự buông thả đời mình. -Con à! nay con đã trưởng thành, ba con đã nói ra thì mẹ cũng không dấu con nữa. Con là do ba con và cô Na đem về cho mẹ khi mẹ đang nằm trong nhà thương vì hư thai. Chính cô con đã đặt con vào lòng mẹ, và từ đó đến nay, mẹ chưa bao giờ nghĩ con là con nuôi. -Vậy cha mẹ ruột của con là ai? -Mẹ cũng không biết, Cô con chỉ nói là cô ấy không có chồng mà sanh con ra, nên không muốn nuôi. Cô nghe trong nhà thương người ta nói, nên đến xin về cho mẹ. Cô còn nói là mẹ đã hư thai 2 lần, xin con nuôi để đở đầu con, những đứa sau nầy sẽ thuận tiện hơn. -Mẹ không tìm hiểu sao? -Không con ạ, Lúc đó mẹ quá vui mừng vì có được đứa con gái xinh xắn, nên cũng không muốn hỏi. Nhưng sau đó, mẹ có nghe mấy người trong Phi Đoàn của ba con nói rằng con là do ba con với người đàn bà khác sinh ra, bà ta không muốn nuôi nên đưa ba bồng về cho mẹ. Ba con mới nhờ cô Na cho mẹ không nghi ngờ. Nhưng mẹ cũng chưa hề hỏi ba con về việc nầy vì mẹ nghĩ rằng đã thương con thì dù con là con ai đi nữa, con cũng là con gái của mẹ, nếu con là con cũa ba, thì ba lại càng thương con hơn. Con muốn biết, cứ hỏi Cô Na thì biết. -Thôi không cần đâu mẹ, con chĩ có mẹ là mẹ của con thôi! Hai mẹ con mình ôm nhau khóc, vừa buồn, vừa vui vì đã thấu hiểu được nhau. Câu chuyện chấm dứt từ đó và con không nói gì thêm về việc đó nữa. Mẹ biết con có đi hỏi cô con nhưng mẹ cũng không tìm hiểu cô con trả lời vời con làm sao! Mẹ chỉ biết con vẫn lo săn sóc ba con chu đáo, lo cho mẹ và các em. Con đi làm phụ mẹ cho đến khi các em con ra trường, các em con muốn gì con cũng chìu ý, đến ngay cả mẹ cũng phải la con là chìu các em quá đáng. Con vẫn luôn luôn nhắc nhở mẹ về việc lo cho hạnh phúc của riêng mẹ, vì con cho rằng các em khi đã trưởng thành, chúng nó sẽ có cuộc sống riêng, mẹ sẽ 1 mình, cô đơn lắm. Mẹ vẫn nghĩ, mẹ có các con là mẹ vui rồi. Rồi mẹ đưa các con về thăm lại quê hương, ghé Bảo Lộc thăm bà nội và cô, các chú. Con đặt một bửa ăn, mời mọi người. Con tặng bà nội, cô, chú một món tiền hậu hỷ cho dù bao lâu nay họ không hề nghĩ đến con. Bà nội con chỉ nói một câu vô tình:" nó là con nuôi mà cũng được quá đó chứ" làm cho con im lặng trong một lát. Mẹ thúc tay bà nội con để bà đừng tiếp tục nói nữa, có thể làm cho con nhớ lại những chuyện mà con đang cồ quên đi. Bửa ăn cũng kết thúc trong không khí thân mật, nhờ có con vui vẻ, vồn vả với tất cả mọi người. Chúng ta ghé Nha Trang trên đường về quê. Con chợt hỏi mẹ: -Con sinh ra ở đây, phải không mẹ. -Phải rồi. Con có ý định tìm cha mẹ ruột của con không? -Không mẹ à. con có mẹ là được rồi. Nhưng sao bà nội lại biết chuyện đó. -Bà nội con là người trong gia đình mà. Vả lại lúc đó mẹ mới có mang có 3 tháng là hư thai, lại bồng con về từ nhà thương, người ta không biết sao được. Cho nên sau đó ba con mới đổi về DN cho càng ít người biết càng tốt, nhưng nội và ngoại thì không thể không biết được. Con im lặng, không nói gì cho đến khi về DN, bà ngọai con nhìn từng đứa sau bao nhieu năm xa cách, bà lại nói: - Mấy đứa sau nầy một mặt, chỉ có con nầy là khác thôi? Con vừa cười vừa nói: -Bà Ngọai quên con là con nuôi sao? Bà Ngọai con như sực nhớ lại, có ý hối hận vì lời nói vô tình: -Bà đâu có bao giờ ngĩ con là con nuôi, bà quên mất chuyện đó lâu rồi. -Không sao đâu bà, con là con của mẹ con. Với tánh tình cở mở, con được lòng tất cả mọi người, ai cũng khen con có tình, có ý, ai cũng khen con xinh đẹp mặn mà với nước da hơi ngâm đen. Khi đến những nơi tham quan, người ta đòi con phải mua vé VK, con ráng cải lại: -Tui là người VN mà, tui sanh ở NT! Nhưng người ta vẫn không chịu, vì giọng nói lơ lớ của con là người ta dư biết rồi. Các con thật vui thích những ngày ở quê hương, và con thường nói rằng nay con đã có thể khoe về quê hương con với bạn bè rồi. Các con thường kéo nhau đi bộ ra chợ, ăn bún bò, mỳ quảng....rồi không biết trả tiền thế nào, các con bảo người ta vào nhà, mẹ trả tiền làm cho các bà hàng cười thích thú. Các con được dịp ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, được ăn những món hải sản tươi mà các con rất thích, nhưng cuộc vui nào cũng chóng tàn, mình cũng đã đến ngày trở về nhà. Theo thời gian, các con đều trưởng thành. Việc mẹ lo lắng vẫn là việc hôn nhân của con, nhưng hình như con không được may mắn trong tinh yêu. Con đi từ thất vọng nầy đến thất vọng khác, nhưng mẹ vẫn thấy nụ cười trên môi con. Bây giờ con ở xa, con vẫn thường gọi diện thoại cho mẹ, hỏi han ân cần. Rồi cũng đến ngày con báo tin con sắp lấy chồng, mẹ như muốn khóc vì mừng. Con yêu cầu mẹ lo cho cái đám cưới của con, hãy làm những gì mẹ thích. Con không cần làm cho linh đình, chỉ muốn thân mật và ấm cúng; đó cũng là ý mẹ. Tuy em con đã có vợ, nhưng lần lo cho em con, mẹ lại không thấy nao nức như lần nầy, mẹ con ta thường điện thọai qua lại với những dự tính cho tương lai con. Tuy con cho mẹ toàn quyền quyết định, nhưng mẹ vẫn muốn hỏi ý con trước khi làm việc gì. Mẹ luôn luôn muốn cái đám cưới đứa con gái đầu lòng được hoàn hảo.
Sáng nay gọi điện thọai cho nó, chuông vừa reo là đã nghe tiếng nó: -Hi, mẹ! -Happy birthday con. Thanks, mẹ........ Câu chuyện tiếp tục cả nửa giờ đồng hồ, rồi nó lại bận rộn đi mua săm cho căn nhà hai đứa nó mới mua. Con gái của tôi đang chuẩn bị cho cái gia đình tương lai của nó. Tôi mừng cho nó!
|