Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages<12
Mai Ninh
Phượng Các
#21 Posted : Sunday, December 5, 2004 1:53:08 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ẩm ướt những cơn mưa

Mai Ninh




Vô tình tôi đi qua quán sách cũ buổi chiều hôm ấy. Sau cơn bão vừa tạt qua thành phố mấy bữa trước, trời đang lặng yên, bỗng còn nuối tiếc, đổ xuống một trận ào ào. Tốt hơn cả là chạy vào quán sách, vừa nhân thể chào cô bạn chủ quán vừa tìm một cuốn gì về đọc cuối tuần. Thời tiết xấu và sau những ngày lễ tết cuối năm, túi tiền vơi hẳn lại thêm thuế má đuổi bắt sau lưng, mọi người như sợ la cà phố quán.

Cô bạn đang lui hui xếp lại mớ sách trải đầy trên sàn gỗ, nghe tiếng tôi gọi sung sướng cười. Hoá ra nàng đang ế khách, có người nói chuyện hẳn thích đó thôi. Thường thường giờ này, đủ hạng người, già trẻ lớn bé, nhất là học trò sinh viên chen nhau trong cái phòng không được bốn chục mét vuông. Sách trên kệ, dưới sàn, trên bàn và cả những bực thang gỗ dẫn lên căn gác, nơi uống trà đọc sách của khách nhàn hạ.

Nhưng tôi nhầm, cô ta chẳng chút buồn tình, còn đang mừng có dịp xếp dọn mớ hàng hoá vô cùng bừa bộn sau những ngày tết mà thiên hạ đổ đến mua sách cũ làm quà. Trước đây, tôi không tưởng được người ta có thể gói lại trong giấy bóng một cuốn sách, nếu chẳng đến nỗi cũ mèm thì cũng cong góc hay nhạt màu bìa để đem tặng ai đó. Sau này, đôi lần phải một quyển đã tuyệt bản mới thấy thế nào là quí.

Nụ cười rạng rỡ khác hẳn ngày cô ngồi gọn lỏn trong chiếc ghế bành với hai đứa con nhỏ, đứa ôm cổ đứa kéo tay. Một mình sau đám tang người chồng, nàng loay hoay tìm cách sống. Lắc mái tóc buộc gọn sau vai :

- Tao bán nhà, lấy tiền mở tiệm sách.

Tự nhiên tôi bật cười :

- Sách gì, khoa học, văn chương ? Mày biết chi mà buôn với bán.

Cô ta ngửng lên, đôi mắt mở to thất vọng, đáp thõng :

- Sách cũ.

Tôi ngỡ ngàng nhận ra câu nói vô duyên của mình. Lâu rồi tôi nhìn cô qua hình ảnh một bà nội trợ có chồng chức phận, ở nhà nuôi con và quản lý cả trang trại lớn. Tôi quên bẵng bạn mình vốn có kiến thức trên xa mức trung bình. Lòng bỗng rộn ràng với khung cảnh một cửa hàng sách, nhất là sách cũ, với mùi giấy của thời gian không giới hạn và nét vàng khắc chạm trên bià nổi, dấu ấn một quá khứ.

Hai chúng tôi rủ nhau lên gác, tâm sự đủ chuyện. Tôi mới hay, cô bạn vừa mở thêm một phòng triển lãm tranh trên con phố gần đây. Trời dứt cơn mưa, chỉ còn vài giọt lất phất, ngoài kia gió đã ngừng. Tôi đẩy cửa ra về, cô bạn nhắn theo : - Nhớ ghé qua xem tranh, chắc chắn mày sẽ thích. Kèm theo nụ cười dụ dỗ khác thường.

Phòng tranh nằm sát con đường phố cổ chật hẹp, không được bốn thước chiều ngang. Một chiếc xe chạy qua là đủ nghẽn, cũng chẳng có vỉa hè. Những ngôi nhà hai bên trầm ngâm màu gạch cũ, không rong rêu nhưng đượm nét u hoài với các ô cửa kính cong cong và mái ngói sậm màu. Tôi đứng ngoài một ít lâu. Tật vẫn thế, thích có cái nhìn bao quát trước khi vào một phòng tranh nhỏ. Chừng hơn chục tấm xếp đặt mỹ thuật trên ba bức tường không thẳng góc. Cô bạn cho biết trước, đây là một hoạ sĩ mới trong vùng.

Người đàn ông ấy đang đứng xem tranh phiá trái, tóc dài chấm vai. Ánh lá mạ của chiếc áo pull sáng trước nền xanh mãnh liệt đan những vạch trắng và đốm nâu của bức tranh trườu tượng. Anh ta có vẻ chăm chú, lại gần rồi lùi xa. Nơi chiếc bàn góc phải, cô tiếp tân đang chúi đầu vào một cuốn truyện. Tất cả yên ắng, trầm tư. Ðã đặt tay trên nắm cửa nhưng tôi bỗng ngại ngần không dám mở ra, sợ làm rộn người khách đang xem. Buông tay quay lưng định đi, quả nắm kêu lên tiếng động nhỏ. Người đàn ông quay lại hơi nhíu mày, nhưng liền sau đó, bắt gặp sự lúng túng của tôi, anh ta mỉm cười. Thoáng đôi mắt xanh như mặt hồ thật dịu. Ðã lỡ, tôi quyết định không vào. Chút ánh sáng cuối ngày vừa biến đi trên con đường nhỏ. Trời lại sắp đổ mưa.

***

Chẳng ngờ, tôi gặp lại người đàn ông tóc dài ấy ba bốn tháng sau, nơi một quán ăn gần biển. Cũng cô bạn hàng sách bầy têu, nhân ngày sinh nhật. Chẳng hiểu tiền định thế nào, cô và tôi sinh cùng ngày và tháng. Lần này cô gọi :

- Ðừng ngồi nhà, sửa soạn theo tao đến chỗ này. Giọng cô reo lên đầy hứa hẹn điều thú vị.

Từ biển quay vào thành phố, nối tiếp làng mạc là những cánh đồng thẳng tắp. Vào mùa hạ những hoa gai dệt vải xanh lung linh, bềnh bồng lan khắp chân trời. Lúc này cuối đông đầu xuân biển thường hay động, từng bày hải âu oang oác rủ nhau vào đất liền, theo chiều gió. Xe qua vài con đường nhỏ viền hai hàng bạch dương, chúng tôi dừng trước ngõ dẫn vào một quán ăn khuất lấp sau lùm cây nguyệt quế. Vừa bước xuống xe, tôi ngạc nhiên bật cười, một tấm biển nhỏ dựng cạnh bụi cây, kẻ chữ hồng : Chiếc vali tham ăn.

Lối đi trải đầy sỏi trắng đưa đến căn nhà tường phủ sọc gỗ nâu, tiêu biểu của vùng tôi ở. Hôm ấy trời đầy mây u ám. Có ngọn gió đông bắc lùa về căm căm nhắc nhở câu ngạn ngữ kỳ lạ của xứ sở này : Vào tháng tư không được rời một sợi vải. Dù ban ngày, sau cửa kính thấp thoáng ánh đèn ấm áp. Không chờ cô bạn đang khóa xe, tôi hấp tấp đẩy cửa như bị cuốn hút bởi không khí ấm bên trong. Nhưng tôi đã khựng lại ở ngưỡng cửa một phòng ăn có những chiếc bàn phủ khăn hồng nhạt, nổi bật đĩa ăn màu rượu chát. Ánh pha lê từ các cái ly cao cổ long lanh. Cành hoa trắng trong chiếc bình thấp đặt ở mỗi bàn mang vẻ cô độc đầy thanh lịch. Trên hai bức tường đá vôi là hai bức tranh sơn dầu khổ lớn. Ngoài ra chẳng còn gì khác. Tôi chưa nói đâu về những tấm tranh này, vì điều đã khiến tôi không thể bước thêm bước nào chính là người đàn ông đứng gần nơi quầy rượu. Anh ta đó, chàng tóc dài xem tranh chiều mưa nọ.

Tiếng chân cô bạn đến đằng sau, anh chàng nở nụ cười tươi, cặp mắt rất dịu lần trước sáng hẳn lên chào cô bạn đang nghịch ngợm nghiêng đầu. Trưa ấy trong tuần, vắng khách, người bồi phụ trách hai bàn xa hơn. Chúng tôi được chính chủ quán tiếp món ăn. Cô bạn giới thiệu đây là bạn thân của người họa sĩ triển lãm hôm nọ. Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Bạn rất thân mà sao anh ta đến xem tranh với phong cách của khách thưởng lãm không quen. Kỳ lạ thật.

Chàng tóc dài hôm nay vẻ ngoài thay đổi, một bộ complet cắt khéo, trịnh trọng ông chủ nhà hàng, nhưng chẳng che đi màu tím nhạt của chiếc sơ-mi cũng nhẹ nhàng như màu áo lá mạ bữa ở phòng tranh. Anh rất hoạt bát, nói đủ thứ chuyện một cách dễ dàng. Vừa nghe tôi vừa đảo mắt nhìn quanh. Tất cả nơi đây toát ra không khí ấm cúng và lịch sự. Ðối diện lối vào có hai khung cửa mở ra khu vườn, những nhánh phong đã bắt đầu trổ lá. Cây hoa đào rủ cành, hồng thắm góc sân. Bức tường sau quầy rượu treo tấm tranh vẽ một ngôi nhà cổ cheo leo bên triền núi. Có một thứ nắng trời rực rỡ chiếu sáng các bờ đá và những cành cây mọc nghiêng trong không. Nhưng khi mắt dừng lại trên tấm tranh thứ hai thì tôi bị một luồng điện mạnh rút qua. Những mảng màu đập vào nhau, bắn ra như máu, như nước, như lửa cùng một lúc. Nó làm hồn tôi bấn loạn. Cô bạn chừng nhìn thấy, đưa mắt hỏi anh chàng tóc dài :

- Hắn đâu ?

- Dưới bếp, để gọi lên.

Vài phút sau, hắn đó. Một dáng người to cao vững vàng, chiếc áo ca-rô xanh hài hoà với màu quần xám, bên ngoài còn khoác cái tạp dề đầu bếp. Người mới đến ôm hôn cô bạn túi bụi, rồi quay lại chìa tay cho tôi, bàn tay ấm nhưng mềm mại. Bạn tôi giới thiệu :

- G., đầu bếp tham ăn, họa sĩ cuồng !

G. cười hiền lành. Tôi vẫn có tật hay nhìn người đối diện vào đôi mắt, và mắt anh ta lại thản nhiên lạ lùng

Cô bạn cùng hai người đàn ông nói chuyện vui vẻ, thân thiện quá, tôi đóng vai thính giả ngồi nghe im lặng. G. ít nói nhưng rất ý nhị. Chàng tóc dài hài hước vui tếu hơn. Có lúc anh ta đặt một tay lên đùi, tay kia choàng qua vai G. kéo lại gần. Họ nhìn nhau, ánh mắt trao đổi vuốt dài. Tôi ngẩn người trong giây phút, đến nỗi cô bạn tinh ý đá chân dưới gầm bàn, cười tủm tỉm.

Chúng tôi ngồi rất lâu sau bữa cơm. Khi bước ra khỏi chiếc vali thì trời đã tối. Một mùi hương bay lượn trong không, hình như là mùi thủy tiên dưới những gốc cây lẫn với mùi biển. Tôi kéo cao cổ áo, ngửng đầu nhìn trời. Mảnh trăng trên cao lẻ loi trong vắt. Hơi lạnh ngấm người, và chẳng hiểu vì sao, tôi bỗng ngoái nhìn. Sau cửa kính, hai người đàn ông quàng sát vai nhau vẫn đứng đấy, đưa tay vẫy chào. Màu đèn sau lưng họ vô cùng ấm áp.

***

Từ đó, tôi trở thành bạn. Cô hàng sách và hai người chủ chiếc vali tham ăn thường tụ họp gặp nhau vào những ngày nghỉ, tôi được mời cùng đến. Tôi cũng thường ghé qua quán ăn mỗi lần ra biển, có khi thêm ai đó, lúc một mình. Tôi gọi họ là tóc dài và họa sĩ. Hình như với thế giới bên ngoài G. vẫn luôn ít nói, dường như lời nói của anh đã là màu phá ra từ sơn cọ, là mùi thơm bốc trên những món ăn bày biện mỹ thuật. Còn với không gian sâu kín hơn, anh dành để nói với tóc dài bằng những cái nhìn thấm lắng. Tôi dần quen với cử chỉ thân mật đôi khi táo bạo có phần lộ liễu của họ. Trong tôi không còn hình ảnh những chàng gay mặc áo màu yểu điệu với hai bàn tay thích xoè từng ngón, vung vẩy trong mỗi bước đi.

Chàng tóc dài kể, G. sinh trưởng tại miền biển này. Ngay tuổi thiếu niên đang lớn G. sẵn đẹp mạnh mẽ rắn rỏi và tâm hồn bồng bềnh nghệ sĩ, nhưng G. hờ hững với tất cả những cô gái cố tình. Chàng bỏ nhà ra đi về thành phố lớn khi không còn chịu đựng nổi tiếng thở dài của mẹ, cặp mắt vừa dò hỏi vừa đau xót của cha. G. bắt đầu vào làm bồi bàn rồi học thêm phụ bếp cho một hiệu ăn nổi tiếng. Tự nhiên khám phá thêm năng khiếu nấu ăn đặc biệt. Riêng tóc dài là con nhà giàu, học hành rất giỏi, làm việc trong ngành ngoại giao khi vừa hai mươi sáu tuổi. Hai người họ gặp nhau ở hiệu ăn G. làm. Một người vẫn tiếp tục nấu ăn và vẽ, người kia di chuyển nơi này nơi khác. Những chuyến đi như thế của tóc dài chẳng thú vị gì, lắm lúc là một khổ hình khi bắt buộc che giấu phần đời thực. Anh kể, có lần, một nhà ngoại giao nhật bản đãi bữa tiệc có những nàng geisha chuyên nghiệp. Saké chuốc từ đầu buổi đến tàn đêm. Các cô lơi lả, ông nhật say mèm sốt ruột. Nhưng anh là khách và vẫn ngồi yên tự tại, mặc cho các nàng có ý giục giã. Nhà ngoại giao Nhật khổ sở chịu trận, cuối cùng mất kiên nhẫn đành nói thẳng :

- Nếu ông không thích các cô gái kiểu này, chúng tôi có thể mời mấy cô tân thời điệu nghệ khác.

Tôi gọi vào cho ông chọn nhé.

Tóc dài chẳng có cách nào hơn là vội vã đứng dậy chắp tay :

- Thưa ngài, xin miễn cho, chả là…hôm nay kỷ niệm đám cưới vợ chồng tôi, và…tôi rất yêu nàng.

Ông Nhật cười ha hả :

- Không ngờ, không ngờ ! tây phương các ông lại có người lịch sự với vợ đến thế ! Bái phục !

G. đã chán ngán thành phố lớn ồn ào, thèm muốn trở về với biển. Khách đến quán vali tham ăn, nếu chẳng biết gì thì vì khẩu vị các món ăn và nơi chốn thơ mộng. Còn không, họ ghé lần đầu với sự tò mò. Số còn lại trở thành khách quen cởi mở, đồng tình. Nhiều người mua tranh G. và cũng không ít các bà các cô mê mệt phong cách lịch lãm, duyên dáng trong lời ăn tiếng nói của tóc dài.

Một lần, tôi hỏi G. tại sao anh thích nấu bếp. G. trả lời : - Tôi thích mọi thứ nghệ thuật. Nấu ăn là một, có phần đặc biệt hơn, nó giúp tôi giữ được thăng bằng trong con người. Nhờ nó, tôi trấn tĩnh, kìm hãm những sôi sục đảo điên thường đẩy tôi đến bờ vực. Tâm tôi vốn chẳng mấy bình an, tranh vẽ hiếm khi thanh thản. Trước khung bố, tôi không bao giờ biết trước rồi bức tranh sẽ ra sao, vì không thể kìm giữ được trạng thái tâm hồn mình, nhiều khi tôi trút cả bức xúc, ẩn ức, giận dữ vào đó. Thứ xúc động cao điểm ấy là một trong những cá tính của bọn người như chúng tôi. Người che giấu được, người càng đậy điệm càng bùng nổ. Còn nấu ăn là một nghệ thuật có qui tắc. Người làm bếp không thể tùy tiện, dù óc sáng tạo cũng là điều vô cùng cần thiết, chẳng kém gì các ngành nghệ thuật khác. Khi nấu ăn, phải điềm tĩnh, canh chừng. Trần nhánh rau thế nào cho xanh, cho cọng nui mềm vừa phải. Quậy món sốt cần mạnh tay lúc đầu nhẹ tay phút cuối…

Tôi cũng đem thắc mắc về buổi gặp gỡ đầu tiên nơi phòng tranh hỏi tóc dài. Chàng cười bảo : - G. vẽ và tôi mê tranh, nhưng không bao giờ tôi nhìn hắn vẽ. Giản dị, chỉ vì tôi biết mình sẽ can thiệp vào việc làm của G. Tôi xem hắn như một...người vợ và có thói xấu là luôn luôn thích bảo vệ phái yếu. Tôi tỏ vẻ thông hiểu nhưng vẫn thấy có gì ngược đời. Hai người này đã chẳng bình thường, càng nghịch lý hơn khi G. vạm vỡ to con lại được che chở bởi anh chàng mảnh dẻ thư sinh mang đôi mắt dịu hồ trong suốt.

Quen họ một thời gian chẳng biết bao lâu và không có gì ngăn cản tôi yêu thích sự có mặt ấy trong cuộc sống của mình. Ðôi lần họ tổ chức họp mặt giữa những người đồng cảnh, mời tôi đến chơi. Tôi hăng hái nhận lời. Nhưng lần đầu tiên, đã ngồi trên xe, lúc mở máy tự nhiên tôi ngẫm nghĩ : - Khùng quá chăng, khi mình đàn bà lạc vào đám đàn ông đồng tình luyến ái? Aùi ngại lo âu, rồi buổi họp sẽ đi đến đâu, làm sao chuồn về nếu họ quá đà sau đó? Nhưng lỡ nhận lời. Thôi, đi. Cuối cùng, nơi nhà riêng của họ tối hôm ấy, ngoài mấy cặp bạn trai còn có một đôi bạn gái. Mọi người đón tôi tự nhiên cởi mở, tôi mỉm cười chế nhạo đầu óc tưởng tượng phong phú của mình trước khi đến đây.

Một trong hai cô gái mang tên Lise mà tôi rất thích. Dáng người cô cao và cân đối, một cô gái đẹp. Người bạn Lise mập mạp hơn, bộ ngực núng nẩy, mặt tròn nhưng nét cười thiên thần, hàm răng trắng bóng. Lise và cô bạn khi ngồi gần cầm tay, lúc ngồi xa chụm vài chiếc hôn gió. Cho mãi đến khuya, tôi đứng dậy cáo lỗi ra về thì sự cố mới xảy ra. Ðang từ biệt G. cùng tóc dài ở thềm cửa, tôi nghe hai cô gái to tiếng với nhau. Lise trách cô kia điều chi đó, rồi cô bạn ngúng ngẩy quay đi. Lise ào tới vật cô ta ngã dài - chẳng ngờ Lise mạnh đến thế - ôm chầm lấy, cào cấu dữ dội. Mặt nàng đầm đìa nước mắt. Dường như cô bạn tròn động lòng nên quàng ôm Lise, rồi họ hôn nhau mê mải. Tôi bước ra khỏi cửa. Thêm một lần, tâm hồn mất hẳn bình an.

Trên con đường đêm, ngồi trong xe qua những cánh đồng rạ tối, tôi nghĩ về tôi, về G. và chàng tóc dài, rồi về hai cô gái. Hình ảnh Lise chúi mặt vào khuôn ngực dầy của cô kia hệt như một đứa trẻ tìm vú mẹ. Nếu tôi là nhà tâm lý, sẽ kết luận ngay đấy là hậu quả của thứ tuổi thơ thiếu tình mẹ. Không thể nào che giấu, sự vuốt ve trao đổi giữa hai cô gái làm tôi vương vương khó chịu. Khác hẳn những lần tôi thản nhiên trước cử chỉ âu yếm của cặp vợ chồng chiếc vali, như thể một chuyện bình thường. Tại sao trong tôi có sự phân biệt giữa hai cặp tình nhân ấy? Vì sao tôi chấp nhận phái này mà không là phái kia? Do hai người đàn ông vốn bạn thân quen, còn hai cô ấy là người lạ mặt?

Ðường đêm hun hút, thỉnh thoảng vài con thỏ hoang băng ngang dưới đèn xe rồi biến vào bên kia bờ ruộng tối. Lúa cỏ cao rạt từng làn theo gió. Con đường này có những khúc quành khá nguy hiểm, nhưng tôi không rời được suy nghĩ miên man. Cứ mỗi lần đôi môi Lise trơn ướt, cặp mắt nàng lóng lánh nhìn cô gái nọ hiện ra là tôi rờn rợn thịt da. Cuối cùng về đến nhà, tắt máy xuống xe, tôi tự nhủ : - Chẳng có chi lạ, mình là loại đàn bà mang xúc cảm định sẵn, nên không chấp nhận hình ảnh hai cô gái kia vì ngỡ tưởng một người đàn bà khác đang làm những động tác ấy trên chính mình, nên sờ sợ, thế thôi.

***

Tôi không có dịp gặp lại Lise sau đó. Cô hàng sách ngày càng bận bịu, mở thêm gian hàng mới, giao thiệp với họa sĩ, điêu khắc đến từ các nơi. Hơn nữa có gương mặt mới xuất hiện bên đời cô, thân thiết, nên dù vẫn vào mua sách, tôi ít dịp hàn huyên tâm sự. Tôi hay ghé phòng tranh những chiều cuối tuần, một mình hay với tóc dài, trong khi G. sửa soạn các món ăn. G. vẫn vẽ, nhưng có điều gì nơi G. làm tôi lo âu. Mỗi lần xem một bức tranh vừa hoàn tất của anh ta là hồn tôi nếu không hỗn loạn thì trĩu xuống. Tranh G. càng ngày càng táo bạo. Có khi, một con đường sâu hun hút với một hình nhân trần truồng nửa chạy nửa bay, rất thơ nhưng rất lạnh. Lúc toang đổ những tảng màu như máu, không hình không thể mà thường tôi chẳng thể chịu đựng lâu hơn. Tôi sợ và nói ra điều ấy với tóc dài. Tiếng thở ngưng lại trên khuôn mặt anh đăm chiêu, đọng buồn.

Một thời gian sau, tôi nằm bệnh viện. Tóc dài vào thăm buổi chiều hôm ấy. Trời mưa. Tôi với anh ta cùng những cơn mưa ướt át như thể có duyên hội ngộ. Sau các thăm hỏi bệnh tình, anh kiếm chiếc ghế nơi góc phòng, mệt mỏi buông người. Thời gian chừng dừng lại. Cả tôi và anh cùng im lặng nhìn ra ngoài trời. Những dòng nước đan mờ không gian xám. Lúc lâu, chẳng thể đợi nữa, tôi gọi nhỏ tên anh. Tóc dài quay mặt nhìn, tôi không tả nổi màu mắt đùng đục nhờ nhờ buồn thảm. Anh thở ra :

- Có lẽ bọn này đóng cửa chiếc vali.

Chẳng chờ tôi phản ứng, anh tiếp luôn một tràng giận dữ, vỡ bờ đập nước :

- G. nó điên rồi. Không thể nào chịu nổi ! Hắn nấu nướng bậy bạ, cháy khét vô chừng, trong khi khách hàng càng lúc càng đông. Bảo kiếm đầu bếp, hắn không chịu. Tranh chiếc thì cọ quẹt tưng bừng loạn đảo, chẳng cái gì ra cái gì. Tôi sẽ điên mất.

Tóc dài ấm ức kể thêm những sự việc xảy ra trong đời sống họ sau này, những bất mãn của khách hàng, cãi cọ đạp đổ hằng ngày của G. Cơn giận làm tóc dài nhổm lên ngồi xuống, khua tay vò đầu. Tôi không còn thấy đâu hình ảnh người đàn ông lịch lãm từ tốn, bông đùa quen thuộc. Cuối cùng thấm mệt, chàng ngồi lại, hai bàn tay không ngừng vuốt mái tóc rất mềm, vàng óng ả. Lại im lặng. Rồi tôi cũng phải nói một câu gì. Chẳng đơn giản là một câu nói bởi tôi linh cảm anh ta chưa kể hết sự thực, một sự thực đã dấy lên nỗi bức xúc điên cuồng. Nhẹ nhàng tôi hỏi :

- Còn gì nữa không ?

Tóc dài lặng thinh nhưng hai vai rung nhè nhẹ. Tôi với áo khoác, bước ra khỏi giường, đến gần đặt tay lên mái tóc anh ta. Một lúc sau, anh buông thõng :

- G. nó trốn tôi, nhất định không cho tôi đụng đến người hắn nữa !

Tôi có cảm tưởng cả mớ ruột anh ta đã trút hết ra ngoài. Tấm thân người rũ rượi trên ghế kia hoàn toàn trống rỗng. Tôi im lìm nhìn những chiếc lá trĩu xuống dưới làn mưa. Chúng quằn quại hớn hở đón cơn mưa móc sau nhiều ngày hạ nắng. Tình dục trong thế giới G. và tóc dài không đơn giản là một nhu cầu thỏa mãn sinh lý, mà hơn thế, đó là phương cách biểu lộ và xác định sự hiện hữu khác người của mình với cuộc đời chung quanh. Nơi vốn xem chuyện tình yêu đồng phái là một chứng bệnh hoặc thứ gien khó chữa trị, hay một hội chứng tâm lý bất bình thường, phản xã hội. Họ phải chống đối ý tưởng bị xem là một sự vật biến thái, đưa đến thái độ công khai bộc lộ giới tính trước thế gian như thách thức.

Chẳng bao lâu sau, một ngày cuối hè, tôi đi xa về, đẩy cửa vào nhà chưa kịp đặt hành lý, chuông điện thoại reo. Cô hàng sách báo tin G. vừa mất. Hai hôm trước, sau khi đập nát một lô bát đĩa trong hiệu ăn, G. bỏ ra vườn, ngồi đấy rất lâu, rồi đứng dậy lái xe đi. Tóc dài không có đó. G. đi dọc bờ biển lên phiá bắc, vùng này có những vực sâu. Xe G. đã lao xuống một bờ cao và dốc đứng.

Tôi không còn nhớ gì, hay trí óc đã từ chối ghi nhận những điều xảy ra sau đó.

Thời gian qua đi lâu lắm, tôi không hề ra biển, mãi đến một lần có khách phương xa. Lúc quay về, chẳng đừng được nữa, tôi rẽ xe vào con đường có hai hàng bạch dương. Bụi nguyệt quế ở cổng mọc um tùm che gần lấp đường vào. Tấm bảng kẻ chữ hồng đã bong sơn nhưng vẫn còn đó. Lối sỏi mọc rêu và màu nâu của những thanh gỗ bọc tường đã bạc đi trong mưa và gió biển. Cửa đóng chối từ. Nhưng lạ lùng chưa, hạ qua lâu rồi mà còn lấm tấm vài bông hoa đào cuối góc vườn kia. Lá rụng nhiều mùa rã ra với mưa nắng, phủ dầy các lối đi. Nhớ còn người bạn ngồi đợi trong xe, đành trở ra. Nửa chừng không ngăn nổi, tôi ngoái lại. Mấy cánh cửa đang từ từ mở rộng, có ánh đèn vừa thắp lên trong ấy. Và sau ô kính, hai người đàn ông âu yếm sát bên nhau đưa tay vẫy vẫy.

Tóc dài đã bặt tin từ độ ấy. Quán ăn không bán lại cho ai, đóng cửa bỏ hoang chẳng biết đến bao giờ. Tôi sững sờ nhận ra, một quãng đời hằn dấu ấn của mình vừa chấm dứt. Sao G. bỏ thế gian này, bỏ những bức tranh vô hình vô thể toang bao nhát màu làm khủng hoảng hồn tôi. Còn tóc dài đang ở nơi đâu ? Anh ta có lượm lại được mớ ruột của mình để nhào nặn nó thành một sự sống khác hay chăng? Tại sao họ đã đến đây, đem thứ tình yêu ngoại khổ làm hỗn loạn, phá vỡ cái trật tự bình thường trong tâm hồn tôi, rồi vội vã bỏ đi.

***

....Chắc M. nghĩ tôi đã chết ở một bờ bụi nào rồi, nếu không cũng nằm trong một viện tâm thần đâu đó. Chẳng thể nào kể hết cho M. những gì tôi đã sống, đã làm trong quãng thời gian qua.

Những ngày tháng đầu, tôi tự hiểu phải rũ tất cả ra đi. Ði khắp nơi như hồi tôi ở trong ngoại giao nhưng không cùng mục đích và công việc. Tôi tìm đến nơi tụ tập của những kẻ như tôi, như G. Một xã hội nhỏ nhoi trong cái xã hội mênh mông của loài người. Vì chỉ ở nơi ấy, tôi mới tìm ra cho mình câu trả lời về những ngày tháng cuối cùng của G. Ngày nào chưa hiểu nguyên nhân nỗi đau mà trước nó tôi đã bó tay, chẳng làm được gì cho G., thì tôi không thể tiếp tục sống bình yên. Tôi nghĩ mình đã tìm ra M. ạ. Ðơn giản thôi, chỉ do một thái độ chấp nhận hay không. Tôi chấp nhận con người tôi, nên tôi yêu cuộc đời này. G. thì bị dằng co, mặc cảm. Nhất là từ ngày trở về vùng biển tuổi thơ ấy. Có lần chúng tôi đi qua ngôi nhà xưa của G. nay thuộc về chủ khác. Cha mẹ G. đã dọn về L. sau khi G. bỏ nhà đi. Tôi cao hứng nhìn vào khu vườn im vắng giữa nắng trưa, hỏi han G. đôi điều về quá khứ. Nhưng G. cáu kỉnh giục tôi lăn bánh. Tôi đã vô tâm, chẳng nhận ra kịp thời những chối từ vướng vất, dằn vặt, thêm thái độ sống bông lông đùa cợt của tôi chẳng đem lại chia sẻ nào cho G. cả.

Tôi lang thang đó đây, thay đổi cảnh, thay đổi người tình để lắng dịu những ngọn lửa bừng bừng mà tôi đã bắt buộc ủ đi từ ngày G. chẳng tha thiết gì với cuộc sống chung. Tất cả mọi điều phải có cái thời của nó, và cũng chỉ có một thời mà thôi. Muốn rút ngắn con đường cũng không được nào. Muốn đổi thay, làm một cuộc cách mạng cũng phải chờ cái thời này đi qua, thời kia mới đến.

Tấm thiệp kèm đây, M. đủ hiểu tôi đang ở xa thành phố M, nơi G. say ngủ, cả ngàn vạn dặm. Nhưng tôi đã ra khỏi buổi chiều vào bệnh viện thăm M. Chẳng phải tôi đang sung sướng, chỉ là một sự bình lặng của mặt nước hồ sau cơn giông. M. sẽ ngạc nhiên nếu biết tôi đang sống chung với Lise trong cùng một căn nhà. Trên con đường tìm kiếm, tôi đã gặp lại Lise, nàng cũng lang thang mất hướng. Cô bạn Lise đã thay người tình khác. Riêng tôi, sau những trận tình vội vã từ các hộp đêm, những buổi tiệc xô bồ, tôi bắt đầu mỏi mệt. Tôi cần một người bạn cuối ngày, một tâm hồn nhạy cảm, như Lise. Có đôi lần tôi nghĩ, chả lẽ mình chẳng thể xúc động trước một người đàn bà đẹp như Lise? Chúng tôi đã trao nhau một lần thử nghiệm. Kết quả không là thiên đường, nhưng một giao hòa yên thắm.

Lise đã trải qua một thời làm vợ bị tên chồng hành xác. Nàng đi tìm một người nữ biết dịu dàng với thể xác nàng hơn. Cùng một phái, hiểu tận tường ngõ ngách cơ thể và cách truyền giao cảm xúc, dễ cùng nhau đi đến vùng trời mà ở đấy con người không còn đau đớn nữa. Tôi và Lise cho nhau chẳng được nhiều. Mọi thứ tự nó có giới hạn. Nhưng chúng tôi nhìn nhau an tâm.. Hiện thời Lise làm việc trong một nhà giữ trẻ. Còn tôi, cả đời chưa từng mó tay vào bếp thì lúc này đang xoay nồi xoay chảo, linh tinh kiểu bánh này món thịt nọ.

M. hiểu rồi phải không. Chúng tôi sẽ về, mở lại chiếc vali. Làm sao đóng nó một đời trong ẩm ướt của những cơn mưa và hơi biển mặn. Nhất là, tôi đã đem về ấp ủ trong đó tất cả những tấm tranh mà M. vẫn bảo cuồng điên, trước lúc ra đi...

Mai Ninh
Phượng Các
#22 Posted : Sunday, December 5, 2004 2:01:19 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
ÐỌC ‘MÂY MỘT NGÀY’ của MAI NINH

Thường Quán



Ðôi khi tôi tự hỏi không biết bản thân văn chương có phải đã khởi đi tự một nỗi trống vắng thất lạc? Nỗi thất lạc của con người mang mang niềm gì một chuyến đi xa không thể quay trở lại. Viết như thế là một cố gắng triệu hồi một nơi chốn đã mất? Phải thế không? Từ Homer, từ Milton Paradise Lost, từ Lý Bạch đê đầu tư cố hương. Từ Dante - lạc vào đường tối thẳm: "Hành trình nửa chặng nhân sinh, tôi lạc bước / chính lộ không còn, tỉnh giấc, tìm thấy mình / một mình trong rừng tối thẳm" (Inferno). Những Thomas Wolfe, Ungaretti, Ekelof, Bùi Giáng, Lorca, S.Yizhar... lang bạt ruổi rong, đi với một chốn khởi đầu đăm đắm đã mất. Ðâu là chốn khởi đầu vừa cháy lên



Chốn khởi đầu, đầu tiên, đầu tiên

Chốn khởi đầu không chứng cớ

Là màu vàng cam toàn thể vàng cam

Vàng cam vàng cam rực rỡ

S. Yizhar, ‘Mikdamot’ (re-arranged by Amos Oz)1



Ðâu là thơ thiếu, nhìn từ một chặng đời một thành phố khác:



Thơ thiếu của người:

bây giờ một truyện tích cổ của những bồn phun nước

Lorca, 'Your childhood in Menton' (Poems in New York, 1929)



Ðâu là nơi người từng một lần có mặt:



" Cánh cửa ra hiên vẫn mở suốt đêm, hôm qua trời vô cùng nóng bức

và mãi về đêm, mưa xuống ".



Mây Một Ngày. Cánh cửa ra hiên tự bao giờ mà vẫn suốt đêm. Một suốt đêm rất là bất định. Hôm qua hay một ngày cũng là bất định. Cánh cửa, một len vào. Một người lọt vào bên trong. Lọt vào một khí hậu, một cảnh thổ, một không gian. Nhưng chiếc cửa mở đã rất là bất ngờ, ngoài chỗ biết, vì lúc ấy ta đang còn bị dụ hoặc trong vang âm mấy tiếng chuông mở đầu vào truyện. " Ba hồi chuông ngân dài đánh thức tôi vào năm giờ sáng. Mây vẫn ngủ say, nằm nghiêng người, đầu gối lên cánh tay tôi không biết tự lúc nào. Ðỡ nhẹ đầu Mây đặt xuống nệm, tôi tìm chiếc áo rơi trên sàn mặc vào, rồi bước khỏi giường. "



Ba hồi chuông. Năm giờ sáng. Nằm nghiêng. Gối lên cánh tay. Không biết tự lúc nào. Ðỡ nhẹ đầu Mây tôi tìm chiếc áo rơi. Những mảnh thơ rời, lạ, gối lên nhau. Câu văn trôi nổi quần quyến màu gì giữa mắt chưa hoàn toàn mở, và một giấc mộng còn đọng, chưa tan. Ta rớt ngay vào một căn phòng mở ngỏ, nhìn xuống một khuôn viên chùa, trêu nghịch, phá-hòa-điệu "chiếc ban công ngang nhiên vô lễ nhìn xuống các tượng Phật trầm tư ". Ta rơi vào cái gì đang được báo trước sắp sửa mất biến. Tiếng rao hàng, tiếng honda sắp uà tới. Màu non bộ lấp sau "thỉnh thoảng mới hé ra vài ánh sứ " đã vốn mong manh. Và trong không gian còn xanh tối ấy, nhịp thở một con người "hơi thở Mây đều đều sau tấm màn the phơ phất". Rồi ta chưa phá được vùng ánh sáng chưa thực sáng lên kia thì đã lại rơi vào hương hoa, hương thời gian, hình ảnh không biết làm nên từ ký ức hay từ một giấc mơ một không gian hôm qua



Muì hoa sứ nhè nhẹ dâng lên cùng cảm giác mệt mỏi, tôi định trở vào với Mây, bỗng cánh cửa nhỏ phía trái gần gốc cây bàng kèn kẹt. Một ni cô vắt chiếc khăn trắng trên vai, tay xách cái chậu đi đến vòi nước cạnh hòn non bộ. Tôi nhìn sững vào màu áo vải nâu nổi bật cần cổ trắng, mắt tự nhiên hoa lên, tôi ngoảnh vào phòng, hơi thở nghẹn. Mây đã nằm ngửa lại, một cánh tay thả lỏng bên thành giường, ngực nàng thênh thang tốc ra khỏi tấm ra xanh đậm. Mây, Mây ơi, ra coi cô Ba, cô Ba đã ngủ dậy đang giặt đồ trong sân. Tôi gọi Mây rối rít, hình như có tiếng xe gắn máy của người đàn ông vừa ra khỏi nhà cô Ba bằng ngõ sau, khuất hẳn tầm nhìn từ chiếc ban công nàỵ Cây gòn sừng sững trước ngõ nhà cô tới kỳ nở hoa, những đám bông trắng bay lùng bùng theo gió, lọt vào tận căn phòng tôi, bám trên bệ cửa. Nụ bông to, trắng tròn điểm hột gòn như ngực Mây với núm vú đang phơi bày bung mở. Mây không dậy ra xem, Mây ú ớ dùi mặt vào gối, tay quờ quạng tìm kiếm. Mây không ra nhìn cô Ba vò quần áo trong cái chậu nhôm đầy bọt xà phòng, mái tóc cô vừa gội ướt rượt đen nhánh. Mây vẫn thích ngó cô Ba những lúc ấy, Mây cười nháy mắt, hai lúm đồng tiền xoáy hẳn vào, vành môi trễ xuống. Sao chỉ một ngày mà cổ xài nhiều quần lót thế hở mày ? Ừ, phải trên giây phơi, tôi và Mây cùng đếm ba bốn sáu bảy chiếc quần nhỏ đủ màu ren rua đong đưa. Cô Ba dứng dậy rũ rũ mớ áo quần vừa vắt. Ni cô rửa mặt xong lê tiếng guốc, cánh cửa nhỏ lại kèn kẹt khép. Cô Ba đã vào nhà và sắp sửa trang điểm..



Một đoạn văn linh động kỳ hoặc nén đặc, đung đưa. Những tố chất đầu ngày còn rất mỏng. Sự đung đưa của chữ mang âm tiết trước khi ngữ nghĩa thực tới. Và vì ngữ nghĩa chưa chế ngự nên tất cả còn được nổi trôi, giữa sự thiêng và chất gợi tình, ngửa sấp đan bện, giao thoa. Tiếng gọi rối rít Mây, Mây ơi ( trẻ trung tình cờ vang vọng Triêu Vân Triêu Vân của Tô Ðông Pha) còn đang dụ dự ở chỗ " ngực nàng thênh thang tốc ra khỏi tấm ra xanh đậm" thì ta bị kéo tới trước một thân gòn, tới kỳ... " nụ bông to, trắng tròn điểm hột gòn như ngực ...". Cây và thân, hai ẩn dụ mềm mại mà cụ thể, cảm quan có thể bắt được ngay, rất trọn vẹn. Nhân sinh thu lại trong một ở thân người. Thiên nhiên tụ lại ở một trong cây. Cây baobab nằm giữa đất khô Phi Châu ẩn dụ nơi sinh ra con người ban đầu tối tăm nguyên sơ nguyên thủy. Cây gòn của 'Mây Một Ngày’ bung nở dựng lại cả một Sài Gòn thơ thiếu, một quê hương thiếu nữ mười bảy, của rất riêng tư mà rất rộng mở. (Ẩn dụ của thơ ca vốn thế, nó khởi đi từ một thế giới riêng, rồi được chấp nhận, bởi số đông, để không nói, vẫn là ẩn dụ mà ý nghĩa thì mấp mênh hiển lộ). Trong không gian chùng chập đầu ngày ấy những thơ mộng nháy mắt tinh nghịch theo dõi những sinh hoạt như có đó, như đã rất xưa, đã mất. Hơi thở của Mây nhân vật là hơi thở người nghe bây giờ đang níu lấy để kiếm tìm giữa những biên giới cái gì huyễn dụ giữa ẩn áo tình và tính, thiêng và dục, khép và mở. Tất cả ấy trong một sân vườn chùa, có mặt như một ẩn dụ khác về một ốc đảo xa xôi, sẽ mất, khi mai ngày trưa lên.



Tình yêu, tình yêu chuyến đi xa của một thân hưu

Qua vùng ngực trắng mênh mông không tới được

Lorca, 'Your childhood in Menton'



Lâu lâu lắm tôi mới đọc được một đoạn văn thơ mộng, lạ, hàm chứa lung linh những thế giới cảnh thổ như vậy. Lại là một mở truyện, là khâu gay go nhất trong nghệ thuật truyện ngắn. Thơ mộng vì xúc tích những biểu tượng, ẩn dụ, hình ảnh mang tính thơ ( một ni cô vắt chiếc khăn trắng trên vai gợi Xuân ý của Hàn; tấm ra xanh đậm, gợi buổi chiều mùa xuân xuất viện của Boris Pasternak). Thơ mộng trong âm thanh và hương sắc của ngôn ngữ: cứ xao động liên tục trong kiến trúc những câu văn gối lên nhau chạy đuổi, từ một căn phòng mở ra một vuông sân (một vùng không gian, những đêm thời gian), trên cao một khoảng vừa đủ để nhìn xuống. Tính thơ mộng còn tới từ những hàm ẩn của sự mất, phù du, bóng, thời gian mất bóng. Nó báo trước sự đổ vỡ.



Tiếng chuông năm giờ sáng như tiếng chuông chùa Diệu Ðế ( hay Linh Mụ nhỉ ?) một Nhã Ca đêm đợi sáng ra đi khỏi một thành phố thời những năm 60. Tiếng chuông nghe lại trong một buổi sáng Vân trở về, hậu chiến. Sự trùng hợp thôi. Nhưng Mây và những đau thương mất trí thì 'ram rám' hiện thực như đôi tay đan lát những sợi nứa của Mây mà cơn mất trí điên loạn đôi khi tràn tới cứ là như từ một Dãi Khăn Sô khi Mây vẫn còn thanh xuân đòi gọi như những ca khúc trữ tình hàng quán trong trưa nồng ngột muối nắng chiến tranh. Chiến tranh bây giờ cũng đã là xa. Nó đã thuộc vào quá khứ, thuộc vào lịch sử. Nhưng đau thương không phải chỉ trong chiến tranh. Hậu chiến mới là điểm ngậm ngùi. Của những người còn lại, sống sót. Những kẻ lang bạt ngoài quê hương hậu chiến ấy cũng là những kẻ sống sót. Từ ngậm ngùi ấy, tịch mịch đau đớn ấy, thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết. Lịch sử thực ra còn rầm rộ vận hành. Nhưng nó bên ngoài thế giới hậu chiến của Mây. Nó không còn để ý tới nàng. Lịch sử có mặt ngoài phòng tắm :



Vừa vặn vòi nước, Mây ra dấu chỉ về phía cửa xua tay, ý đuổi tôi. Mây tắm một mình được chứ ? Nàng gật gật và đẩy mạnh tôi ra. Lòng chẳng yên, tôi bật truyền hình, đã tới giờ tin tức. Bên kia thế giới của tôi đang bừng bừng sôi động, Gorbatchev tuyên bố perestroika,...



Lịch sử như thế bỏ rơi những con người thời hậu chiến của một đất nước. Bây giờ họ, những người sống sót sau chiến tranh, chỉ có những quang gánh quá khứ. Họ có những ký ức như bóng ma: một đứa con đã chết, mà vẫn hỏi: nó đã chết chưa ? sao nó không có mặt trong thành phố này ? Một người mẹ, một người đàn bà " cách đây hơn hai mươi năm điệu hạnh duyên dáng, bây giờ khuôn mặt lạc thần già nua" . Những con người trong một sân khấu rồ dại, không còn bi hùng, không cả bi thương, lạnh hơn Bretch, " Mây đi tóc dài mở tung quần áo phất phới, chân bước miệng đếm một hai ba. Hàng xóm hai bên đổ ra, mấy người đàn bà xúm lại ôm Mây, kéo áo quần cho nàng. Bọn đàn ông hai bên chõ mắt rồi nhìn nhau tủm tỉm. Lũ trẻ vỗ tay reo hò". Một cảnh tuồng phi lý trên một sân khấu cruel (nghiệt ngã), của Artaud, Craig ( chúng ta hãy để ý tới ngôn ngữ trần trụi của Mai Ninh nơi đây tương phản làm sao với đoạn khởi đầu). Người điên là một người linh hồn bị thương tích (damaged soul). Còn những người sống tỉnh táo tủm tỉm cười trước người điên là gì ? Những linh hồn đã vong thân hay chỉ là sự dửng dưng không linh hồn ? Người ta làm gì ? Như trong tranh tôn giáo... những người đàn bà mang tên Maria, Magdalina,... mặc lại áo cho Jêsu, trong khi đám binh lính đàn ông nhìn trơ vào loạn hướng.



Một nỗi xúc động dâng lên nghẹn ngực, tôi luồn những ngón tay vào mái tóc ngắn còn hơi ẩm, thơm mùi dầu tôi đã gội cho Mây. Ngày xưa Mây để tóc dài giống cô Ba, tóc một dòng chảy mượt sau lưng. Tôi hay nghịch cuốn quanh tay, búi thành lọn. Mây ghét ai sờ tóc mình nhưng với tôi Mây làm ngơ. Tôi thầm thì.Tội Mây quá Mây ơi. Nàng như nghe thấy, quay sang, hai tay choàng qua cổ tôi từ từ thả xuống rờ rẫm bờ vai rồi luồn vào sau làn áo. Mây bây giờ đẫm mùi quen thuộc, mùi của chính tôi.



Người ta tới với nhau, những con người tìm lại. Tìm lại linh hồn đã rơi mất, như một cách nói cũ mà thực ra vẫn đúng. Một trở về với-chính-tôi, hay một giao hoà với cái alter ego vốn đeo đuổi như hình với bóng. Hay chỉ thuần là một cho đi, vì thương xót. Hay đi xa hơn nữa: một phục hồi lại thế giới linh-hồn tình yêu. Ôi con người! Mi là một thân sậy biết tư duy, hay một con vật chính trị, hay một hữu thể có ý thức đạo đức, hay một sinh vật tình lụy đa mang ? Một sinh vật biết xót thương và san sẻ. Một sinh vật đôi khi biết nói: "tôi chọn tình yêu làm biển trời" ( Mai Thảo), hay " tôi là kẻ ấy quặn lên vì tình yêu / I am he that aches with amorous love" ( Walt Whitman). Tình yêu biển trời quằn quại thương cảm. Tình yêu của linh hồn trên những con lộ mở.



Con Ðường Mở. Quê hương lớn rộng của Linh Hồn là con đường mở. Không phải thiên đàng, hay thiên thai. Không ' ở trên cao '. Không cả 'bên trong'. Linh hồn thì không ' ở trên cao ' cũng chẳng ở 'bên trong'. Nó là một kẻ trẩy bộ xuôi một con đường mở.



Và linh hồn tôi đón nhận con đường mở. Linh hồn tôi gặp gỡ những linh hồn đang đi băng qua, linh hồn ấy đi cùng những linh hồn trên đường. Và cho một và cho tất cả, linh hồn ấy có thương cảm. Thương cảm của tình yêu, thương cảm của ghét bỏ, thương cảm của lân mẫn cận kề đơn sơ; tất cả những hành vi thương cảm tinh tế của linh hồn vô lượng, từ ghét bỏ xót xa nhất đến tình yêu nồng cháy nhất.



The Open Road. The great home of the Soul is the open road. Not heaven, not paradise. Not 'above’. Not even 'within'. The soul is neither 'above’ nor 'within'. It is a wayfarer down the open road.



And my soul takes the open road. She meets the souls that are passing, she goes along with the souls that are going her way. And for one and all, she has sympathy. The sympathy of love, the sympathy of hate, the sympathy of simple proximity; all the subtle sympathizings of the incalculable soul, from the bitterest hate to passionate love.



D. H. Lawrence ( 'Whitman', Studies in Classic American Literature)



Có lẽ ngoài Whitman chỉ còn Simone Weil để nói chuyện linh hồn và tình yêu con người mênh mông trời biển, tình yêu như một hiển lộ trung thực của Thương Cảm. Tôi cứ nghĩ như vậy, cho tới khi đọc Hợp Âm trong vùng sân khuất.



Ðọc và tìm ra, ở truyện đầu tiên này của cuốn sách, một biển trời khác. Một Whitmanesque love trong truyện ngắn Việt Nam.



Trong 'Mây Một Ngày’, một rơi vào cảnh thổ quê hương hậu chiến hoảng lạc sẽ dễ đưa người đọc tới một sự đồng hoá mình với người-kể, nhân vật mang tên Vân. Vân chứ không phải là Mây. Mây là phần kia, nửa kia, nửa mênh mông. Mây là nửa ta chưa nhập được vào. Dù ta có thể kêu lên rối rít " Mây Mây ơi", rồi để xót thương "Tội Mây quá Mây ơi"; hay không kêu gì hết, chỉ nghe thôi. Như nghe " từ bụng Mây một thứ mùi nồng ngái không định được, mùi cỏ, mùi xà phòng rẻ tiền, mùi mây tre hay của đất bùn nắng gió ngoại ô ". Sự đồng hoá ( vốn đã tạm thời ), sẽ dừng lại ở một thương cảm, hay không tới cả một thương cảm. Và ở cả hai dừng lại ấy, dù tôi có đã bắt được những hình ảnh tinh tế nồng thắm, đau đớn, bị khuyấy động, bị đặt vấn đề (cả là như thế) thì tôi vẫn sẽ chưa thấy được một cái gì vô cùng quan yếu, một missing the point. Tôi vẫn chưa thấy:



Mây và Vân đều dang đi trên con lộ mở, với linh hồn của họ .



Thường Quán
Melbourne

21 Nov 2000

1 Amos Oz, The Story Begins, Vintage.

Phượng Các
#23 Posted : Saturday, May 13, 2006 3:20:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ăn Quá Khứ

Mai Ninh

Con đường đến sở bỗng nhiên kẹt xe hơn buổi sáng thường lệ. Xe ngừng hẳn cạnh một gốc cây. Chán nhìn cả dòng xe trước mặt và ngược lại, mỏi mắt vì bao ánh đèn nhấp nhoá trong bóng tối rạng ngày chưa tan, tôi ngước mắt ngó theo cây, thân to vững vàng cao tắp, những cành trụi lá vươn lên, đầu ngọn lẩn vào lớp sương mùa đông đặc như mây. Chợt ngẫm nghĩ sao đường xá khúc này đã được quy hoạch nhiều lần lại còn hàng ngô đồng cỗi già đến vậy. Càng ngạc nhiên hơn, khi đã bao năm chạy tới chạy lui quãng đường nhưng chưa từng để ý đến độ lớn của cây, bởi chẳng bao giờ chú tâm nhìn ngó nó. Chạy ào đi rồi chạy vội về, tự bào chữa tại lái xe có tốc độ nên thế. Một người đi bộ hẳn là khác, đi bộ mà không để ý phong cảnh chung quanh thì làm thế nào bước nổi chặng đường dài ?

Lại bất ngờ nhớ thời áo trắng học trò trên con đường đến trường. Thỉnh thoảng dừng lại trước cổng rào một ngôi nhà có vườn riêng im ắng nắng trưa, thò tay bẻ trộm một đoá hoa trang hay cành cúc. Trang và cúc thường quá, chợ bán đầy, thế mà hoa trên cành trong vườn nhà người khác mình vẫn thấy chúng đẹp, mời gọi lung linh. Mắt trẻ thơ thích quan sát những cửa hiệu hai bên đường. Ông chủ quán cho thuê sách cũ nằm trên nền gạch hoa xỉn ố, khò khò ngáy trưa giữa la liệt mớ truyện Bà Tùng Long và các cuốn bìa in hình nữ hiệp múa kiếm phi thân mắt phượng mày ngài. Hiệu tạp hoá tiếp theo treo những bóng đèn đầy bụi lủng lẳng trên đầu người đàn bà béo phịch ngồi trước quạt máy mà vẫn không ngừng phe phẩy chiếc quạt giấy. Bên kia, tiệm bán vật dụng xây cất nhà cửa, đống tôn fibro quàng sợi xích to để tránh trộm khuân đi, đinh sắt, xi-măng xám ngoét tràn trên vỉa hè. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những cửa hàng thức ăn, quán hủ tíu đầu đường sáng sớm có chú Ba rốn hở trên quần đùi, áo thun thủng lỗ bê khay bánh bao xíu mại trắng phau mơn mởn. Tiệm thuốc bắc với những hũ keo đựng cà na, xí mụi, trần bì. Hình ảnh thời đó ở lại rõ ràng như mới thấy hôm qua, hình ảnh bây giờ vô tâm nên chúng lướt ngang mơ hồ, quên lãng.

Hôm tôi sang Cali thăm ông anh họ, nhà cửa nhộn nhịp, các con anh quây quần về đón cô, anh chị đã nhiều tuổi tự mình nấu bếp, không đi mua cơm chỉ hay cơm đặt như thói quen của đa số dân Việt nơi đây. Tôi đề nghị ra tiệm cho đỡ mất công, anh nhìn tôi ý hơi trách móc. Tôi ngẩn người một lúc khi anh hỏi, cô thích ăn gì ? Tôi biết anh muốn nói về các thứ trong gia đình thường ăn ở những năm xưa. Trong một thoáng tôi không kiếm ra được món nào, nói nhỏ :

- Lâu rồi em ăn linh tinh, các cháu xa nhà nên không nấu nướng gì, nơi em ở cũng chẳng có mấy thức ăn Á Châu.

Anh chép miệng. Thế là, suốt thời gian thăm viếng, mặc cho các cháu tôi cứ mua về những thứ bày bán đủ hương vị và mời cô đi ăn tiệm này hiệu nọ, nhưng anh chị vẫn nấu lại cho tôi nhiều món mẹ làm năm nào. Có khi mười hai giờ khuya, tôi đi chơi tụ tập bạn bè về, lúc ấy lại ngồi vào bàn với anh trước bát canh mồng tơi và đĩa cà pháo. Không biết sao, vào giờ ấy tôi vẫn còn hào hứng chén đơm chén múc với anh. Có khi chỉ tạc thù về chuyện ăn chuyện uống, quên ngủ. Có lẽ không hẳn do cơm ngon, trong lành, mà vì đấy là khoảng thời gian của kỷ niệm.

Anh là con cả của anh trai mẹ tôi, mẹ đem anh từ Bắc vào Nam nuôi ăn học từ khi tôi mới ra đời. Năm 54, mẹ giắt con về quê hương từ biệt gia đình trước lúc đất nước phân chia. Hôm quay trở vào Saigon bằng chuyến tàu há mồm cuối, mẹ gọi anh đi cùng. Anh chỉ độ hai mươi, đĩnh đạc từ chối : ‘‘Con ở lại đi theo cụ Hồ, thà ăn muối con cũng theo’’. Nhưng khoảng một năm sau, một buổi trưa có người gọi cổng, anh bước vào, không nói không rằng. Sau này mẹ bảo :

- Me đã quen với cái đi về trơn trụi của thằng T. Thời đó hỏi thì nó đáp : ‘‘Con phải tìm cách chạy vào Nam với cô khi nghe họ sắp về tố khổ bác Chánh nhà mình là địa chủ. Ai chứ bác Chánh, làm sao con tin được !’’. Hôm 2 tháng 5, 75, vợ con nó đang khóc mọng mắt khi nghe thằng chuẩn úy đi theo nó từ xưa đến giờ đã tử thương, còn thằng T. không một tin tức, thì nó lù lù dẫn xác về, quần xà lỏn chân đất, cái kính cận cũng chẳng còn, lặng thinh trong suốt mấy ngày. Rồi nó ra khai và đi học tập, rồi nó mất biệt cho đến lúc me đi Tây.

Trong bao nhiêu năm, để nói về anh, mẹ tôi bao giờ cũng tóm gọn có bấy nhiêu. Anh xưng con với mẹ ngay từ lúc nhỏ, một thằng con trai trong gia đình thiếu hụt đàn ông là điều mẹ và ngay cả các bà cô bên nội của tôi mong ước. Nhưng mẹ vốn nghiêm nghị, không chiều con lẫn cháu. Hai anh em chúng tôi, dù rất chênh lệch tuổi đã kết bè kết đảng với nhau. Tôi hỗ trợ anh rất nhiều trong dịch vụ tán gái quay quắt của anh thời trai trẻ, và tìm cách che mắt mẹ về những chuyện này. Anh và tôi hợp nhau ở chỗ thích ăn ngon, anh lấy đó làm lợi khí để dụ dỗ con bé. Thời còn học trò sinh viên ít tiền, anh mua bánh kẹo, tôi hay chê, nhưng đến khi thành thầy giáo toán lý hoá anh chở tôi đi ăn tiệm trong Chợ Lớn, bít- tết khoai tây chiên chánh hiệu, mì vịt tiềm và chim bồ câu quay Đồng Khánh....Tôi đâm trở thành một đứa nhỏ sành ăn, đến nỗi thấy mình lạc lõng giữa đám bạn học trò loi choi lẫng cẫng chỉ biết cóc ngâm, xoài giầm. Nhưng thực ra, ảnh hưởng của anh trên tôi không phải chỉ chuyện ăn uống mà còn nhiều thứ khác. Hẳn anh là người có nhiều ước mơ mà hoàn cảnh hay bản thân không cho khả năng thực hiện, nên đã đổ lên con bé em tất cả hoài vọng ấy. Còn tôi, con một, mẹ đi kinh doanh thường xa nhà, chỉ có mỗi u già quanh quẩn nên tôi đeo theo anh như một con chó nhỏ.

Anh thích âm nhạc vô cùng, học linh tinh vài nhạc cụ khác nhau, từ ghi-ta, thập lục, vĩ cầm, phong cầm, có một thứ anh rất thích nhưng đặt mấy ngón tay lên phím mà không chạy nổi một gam là dương cầm thì anh chịu, và thế là anh lôi cổ con em đến nhạc sĩ Thẩm Oánh bắt nó thụ giáo bài học dương cầm đầu tiên. Trước đấy, buổi tối anh đã đưa tôi đến lớp dậy nhạc lý bắt ngồi đợi anh ở cuối lớp với cuốn sách hình. Nhưng xem hình mãi cũng chán, vả khi nghe các anh chị lớn hát các nốt nhạc rộn ràng tôi thích quá, hát theo. Con nít không biết sợ, tôi quên bẵng thiên hạ, gào to hơn cả, con nít tai tinh nên hát đúng, nghe nốt chính tả cũng không tệ. Ông thầy và cả lớp ngoái nhìn, kêu tôi lên ngồi bàn đầu ngay. Thế là từ đó, con bé chưa biết đọc biết viết đã phải học nhạc lý với bọn anh chị lớn hơn mình bao tuổi. Nhưng anh T. không ngừng ở đó, anh ngỡ em mình thần đồng, phải cho nó vào học trường Quốc Gia Âm Nhạc dù mới lên năm lên sáu.

Sau này, tôi nghiệm thêm ra, mình đã mất đi rất nhiều hồn nhiên thơ ấu vì tham vọng của ông anh. Bởi không chỉ chuyện học đàn học nhạc, chưa qua lớp nhì tôi đã phải học tiếng Pháp, rồi một hôm ông hí hửng vác thêm về một cuốn sách dậy tiếng Anh. Mẹ tôi vô tình bắt gặp, hỏi tại sao anh bắt tôi học ? thời của mẹ văn minh thế giới là Pháp quốc. Anh phán rằng trong tương lai Anh ngữ là tiếng hoàn cầu (đấy là trước năm 60, ai ngờ anh nói vờ vịt lại đúng hệt thời buổi ngày nay). Hoá ra, chính vì anh thích nên kéo tôi theo. Anh hăm hở học, và bắt tôi cũng thế. Mỗi ngày anh giao hẹn phải đọc từng chữ, từng câu trong cuốn sách kể chuyện lũ khỉ trong rừng chuối. Tôi càng học, càng được giao bài nhiều hơn, chỉ quanh quẩn với bài dương cầm và mấy con khỉ chòng ghẹo giành giựt nhau bẻ chuối là tôi hết cả thời giờ lo chuyện nhà trường. Một hôm, bà giáo gọi lên trả bài công dân giáo dục, tôi chưa kịp học nên bị bà tức giận mắng nhiếc ngay trước mặt cả lớp. Bà giáo Tĩnh bắc kỳ di cư, khi giận tiếng rất chanh chua đay nghiến, dù bà thương học trò và dạy giỏi nhất trường tiểu học Bàn Cờ thời đó. Tôi xấu hổ vô cùng, lần đầu tiên tôi oán giận, căm tức ông anh cay đắng. Về tới nhà, tôi đem cuốn sách Monkey ra đổ nguyên lọ mực xanh lên đó, chưa đủ, tôi xé tan tành gương mặt liến láu dễ thương của mấy chú khỉ con vô tội. Chưa hả, tôi lôi cả cuốn Mauger dạy tiếng Pháp ra hành hạ. U Thơ sợ hãi, run bần bật khi nghe tiếng xe gắn máy của ông anh xịch trước cổng. Anh bước vô, nhìn thấy hiện trường mắt long sòng sọc, anh giơ bàn tay hộ pháp lên, nhưng chưa kịp giáng xuống thì đã bị u Thơ rút guốc khệnh một cái chí chết lên vai và hét ầm đuổi ra khỏi nhà. Tình nghĩa giáo khoa của hai anh em chấm dứt từ hôm ấy.

Nhưng không ngờ mấy mươi năm sau gặp lại nhau ở xứ người, chuyện gia đình chuyện ăn uống lại chen lẫn với chuyện học hành. Sáng sớm đầu tiên dậy, chị bảo anh đã đi làm từ 6g. Tôi than :

- Làm chi cực thế, anh cũng đã nhiều tuổi, cần chi tiền, ăn cũng chẳng còn được bao nhiêu, nhà cửa các cháu đã mua.

Chị chép miệng :

- Anh cô thì cô biết, gàn bát sách. Không chịu ở không, chẳng những đi làm mà còn đi học nữa.

- À, anh ấy học thêm tiếng Anh thì đúng thôi.

- Nào chỉ tiếng Anh, ổng học thêm vật lý, điện tử gì đó, đòi thi lấy bằng nữa cô à.

Anh về, tôi vừa hỏi chuyện học hành chưa ra lẽ thì anh đã hí hửng đem bày một đống sách bảo tôi ngồi xuống cắt nghĩa cho anh một số điều. Rồi dặn về Pháp nhớ gửi cho anh mấy cuốn sách Tây về toán và vật lý, hồi xưa anh học chúng, thích lắm

Tôi trợn mắt nhìn, tóc anh, chị bắt nhuộm nên không mấy bạc nhưng những nếp thời gian trên gương mặt, trong ánh mắt thì dù đời sống đầy đủ đến đâu cũng chẳng thể che giấu. Vậy mà tinh thần học hỏi vẫn tràn đầy, chẳng kém năm nào anh chở tôi đằng sau xe như chở một con chó con đi hết từ trường này sang trường khác.

- Hồi trong tù, cô biết anh mơ gì không ? anh nghĩ nếu sống sót, khi được ra anh sẽ đi học lại, học khoa học hẳn hoi như cô, không lề mề bao cái nhạc nhiếc vớ vẩn nữa.

Anh kể : Có hôm kẹt trong rừng đêm không về trại, thằng canh tù nằm quấn chăn ngon lành dưới ngáng cây nhưng hai con mắt cú vọ, thỉnh thoảng lên tiếng mắng chửi phủ đầu vô cớ, anh ngó bầu trời xanh thăm thẳm mà ước giá một tảng vân thạch từ trời cao kia rơi xuống trúng ngay tên ấy cho anh em nhờ, nhưng những vì sao hun hút lôi ý nghĩ về với thời tạo thiên, với bao hiện tượng vật lý mà anh chưa biết. Hay bên bờ thác, các ngón tay tím cứng không còn thể co lại, anh thèm được ôm một chai nước nóng đến đứt ruột, rồi may, trước thác nước vũ bão anh lại liên tưởng đến điện lực tạo ra từ sức nước. Thèm nghe tiếng vợ, ước giá có điện thoại để chỉ một tiếng a-lô thì lại thán phục người ta đã tìm ra sóng điện từ. Những miên man suy nghĩ về khoa học đã giúp anh đi qua bao giờ phút cóng queo, máu trong thân cứ chực đông đặc với cái buốt giá căm căm của núi rừng đày đoạ. Và anh khoan khoái kết luận :

- Cô thấy không... khoa học ý nghĩa cần thiết bao la là thế...anh mừng cô đã chọn nghề nghiệp ấy.

Nhưng tôi đã làm anh thất vọng. Một lần hè trở sang thăm anh, bữa cơm gia đình đầu tiên, mấy đứa cháu chìa ngay một tờ báo đi cái phỏng vấn tôi về cuốn truyện mới xuất bản. Chúng ào ào hỉ hả :

- Không có hình nhưng thấy tên thì tụi con đoán chính là cô, mà từ xưa tới giờ cả nhà đâu biết cô viết văn! Trời, ai ngờ cô nhà mình là văn sĩ thứ thiệt.

Trong khi ấy ông anh mặt lạnh như tiền, đặt bát xuống, lãng đãng ngó ra cây mơ ửng hồng trái ngoài khoanh vườn nhỏ. Đến lúc ăn xong, còn mỗi hai anh em ngồi bên ấm trà, anh thở dài như ông cụ tám mươi :

- Anh không hiểu sao cô lại bỏ chuyện khoa học ý nghĩa thế để lao vào cái nghề chẳng ra đâu vào đâu.

Tôi phản đối mình chưa bỏ khoa học và chuyện viết lách không thể bảo là vô công ngồi rồi. Lên cơn, tôi lôi ra kể hàng loạt trăm thứ võ đoán của anh hồi tôi còn bé. Cuộc tranh cãi kéo dài tới lúc tôi không chống nổi cơn buồn ngủ chụp xuống mi mắt vì trái múi giờ. Tuy thế, cũng không nặng nề hơn những lần trước, mỗi bận gặp nhau, chúng tôi từng tranh luận mãi về bao vấn đề khác của đời sống và thời cuộc, thân cộng chống cộng, Mỹ Pháp, chiến tranh hay không chiến tranh, quê hương là gì, về hay ở ...

Lại có buổi chiều, tôi ngồi xuống với anh bên giậu rau dền đỏ, lá mùng tơi và hoa mướp đong đưa. Nắng cày rõ thêm vết hằn năm tháng trên trán anh và nhoà lòng mắt tôi đã nhạt. Anh bảo chiều nay chị sẽ nấu cho cô ăn canh rau đay với cua. Tôi hỏi cua đồng, anh cười :

- Ở đây chỉ thiếu món này, nhưng cô yên tâm, chị nấu với cua biển cũng ngon. Rồi từ cua biển, anh nhắc lại ngày bị đẩy lên Hoàng Liên Sơn, đói lạnh bệnh hoạn tưởng sắp chết thì được tin em trai từ Hải Phòng lên thăm thay chị dâu quá đau yếu ở Saigòn không thể lặn lội ra Bắc, dù đây là chuyến được thăm chồng đầu tiên. Trước đó mấy tháng, tôi đã gửi quà về sẵn, em trai anh dặn mua bốt cao su cho anh lao động trên rừng, thuốc sốt rét, thức ăn. Tôi gửi trăm mớ, nhưng khi quà đến tay anh chỉ còn độc một hộp cua và phong bánh đậu. Khi em trai vừa cất bước, anh phải chia cho người gác phòng gói bánh, cũng may được giữ hộp cua. Anh tìm mảnh đá nhọn đục mở ra ngay, trời tháng đông cắt thịt, cua hộp lạnh và tanh nhưng anh ngốn ngấu. Bao ngày thèm chất đạm vô cùng cô ạ. Chuột, dế, cóc, nhái gì lúc ấy cũng không còn tài nào chộp được nữa, lại mới nghe tin thằng N. con anh Q. của chúng mình vừa chết đêm qua ở lán tù bên cạnh. Suốt mấy đêm liền sau đó anh mơ thấy u Thơ giận dỗi vì nấu cơm dọn ra mà hai anh em không ăn, lại đèo nhau đi tiệm, cái hiệu gì đường Gia Long, quẹo một quãng là ra hàng Bà Ba Bủng, cô nhớ không ?

Tôi chẳng đáp lời anh, tôi đang nghĩ thật may, ở quãng đời khốn khổ ấy anh không hành nghề khoa học mà khoa học đã vô tình cứu rỗi, đem đến cho tâm hồn anh một nơi trú ngụ an bình. Anh nói khoa học không tình cảm nên không hận thù, chỉ là sự thật, là tương lai. Chuyện tù cải tạo của anh khiến tôi không còn muốn nhớ gì, đừng kể đến món ăn. Nhưng anh lại thao thao về chuỗi ngày trong căn nhà tuổi thơ đó, mẹ tôi đã nấu gì mỗi khi bà bỏ công việc về nghỉ ngơi đôi ngày, và những bữa cỗ cúng. Tôi đã đứng lên, đến bên hàng rào dưới giàn mướp, các đoá hoa bình an ưỡn vàng trong tia nắng đang rực lên một thoáng trước khi chiều xuống. Đặt nụ hoa giữa lòng tay, tôi nói thật nhẹ, chẳng biết anh có nghe ra: ‘‘Đã biết không nên để quá khứ bao trùm và hớp lấy mình, nhưng khi ngồi với nhau thì hai anh em chúng ta lại thích ăn quá khứ’’.

Gia đình bé của tôi người nào cũng thích ăn ngon đã đành, khi nói tới nấu ăn thì càng hào hứng. Bắt đầu từ mẹ truyền xuống đến các con tôi. Cứ vào bàn là ai cũng hồ hởi phấn khởi bàn tán cách nấu món này sang món kia dù có khi mâm cơm khá là bình thường đạm bạc. Từ bé, tôi chẳng đồng ý cái câu : ‘‘Ăn để mà sống mới hay, chứ đừng sống để mỗi ngày hòng ăn’’. Tôi không cho thích ăn là hòng ăn, và cũng thấy thật đạo đức giả khi bảo rằng ăn chỉ để sống. Ngồi trước bát cơm, con bé ngẫm nghĩ và thốt ra điều ấy, mẹ chế : ‘‘Ấy, vậy mà có đứa trong nhà này khi ốm rất hòng ăn’’. Quả thế, mỗi lần đau sốt, tôi rất sợ uống thuốc, sữa nóng, ăn cháo hành. Mẹ dỗ ngon dỗ ngọt, và con bé trong cơn sốt vẫn mơ màng bắt mẹ hứa là khi hết ốm sẽ được ăn canh thịt bò hành răm, tôm sốt cà, cá song hấp, còn gạ bao giờ mẹ dậy con nấu. Nhưng cho đến ngày rời mẹ đi xa, ở tuổi thiếu nữ, tôi vẫn không biết gì hơn ngoài cắm nồi cơm điện và rim một chút thịt. Khi mẹ sang đoàn tụ, bà giương mắt nhìn tôi làm bếp, và ngay hôm ấy ngồi viết một bức thư dài cho bà bạn cố tri còn ở lại quê nhà để khoe : ‘‘con bé chạy đua xe hơi’’ bây giờ biết xào bóng, nấu canh măng ngon lắm bà ơi. Nhưng dù thế, trưa bữa đầu tiên đến đất Pháp, mẹ lôi từ túi xách ra miếng bánh mì kẹp dăm-bông gói ghém cẩn thận trong mảnh khăn giấy có in hai chữ Air France xanh ngắt da trời. Bà bảo ăn cho hết, vứt đi phải tội, bên nhà bao nhiêu người đang chết đói. Bà sống với quá khứ thiếu ăn ấy một thời gian dài. Tôi muốn hỏi ông anh, còn anh thì bao lâu, nhưng chẳng đành lòng nhắc nữa.

Tôi quay về quê hương sau hơn 16 năm không trở lại. Bà bạn ấy của mẹ, từng gia nhập Việt Minh chống Pháp với nhau thời nào, cũng là hàng xóm bao năm, giờ khọm xuống, mắt kèm nhèm nhưng trí nhớ vẫn nguyên xi. Tôi ghé thăm vội vàng quá, cứ chực đứng dậy để đi. Từ trong khuất tối của căn phòng ẩm sau giấc mưa chiều, bà trách :

- Tới giờ mà mày vẫn là con bé chạy đua sao ?

Năm tôi 6 tuổi, họ hàng di cư ngoài Bắc vào có người vẫn còn ở nhờ nhà tôi. Căn nhà đông vui, nhưng mẹ có cơ ngơi xa, bà chỉ về mỗi tuần một lần thăm con và xếp đặt công việc. Gặp bận ấy tôi sốt nặng, mẹ bế qua phòng mạch bên kia đường, bác sĩ bắt uống quinine đắng ngắt. Mẹ dỗ uống khỏi bệnh rồi cho ra nhà ngoài Cấp chơi. Nhưng khi tôi đã nuốt viên thuốc và nằm xuống nhắm mắt thì nghe bà dặn dò rồi tiếng mở cổng. Tôi choàng dậy, mẹ đã lên xe và anh tài rồ máy. Quần áo phong phanh vì đang nóng sốt, tôi chạy trên lề đường, kính xe đóng nên mẹ không nghe tôi gào. Người trong nhà và hàng xóm đuổi theo nhưng không bắt kịp những bước chân mê sảng của đứa bé. Cho tới lúc kiệt sức tôi lăn đùng xuống bờ đường, bên cạnh khu chợ nhỏ họp trưa. Tôi nổi tiếng khắp phố về biệt tài chạy đua xe hơi từ đấy. Có người còn bảo trong tương lai tôi phải dự thi điền kinh. Họ nào biết những ngày sau cuộc chạy đua, tôi từng mơ ước lớn hơn tí nữa tôi sẽ có xe hơi, sẽ tự lái lấy, tôi sẽ phóng vun vút đuổi kịp chiếc traction đen của mẹ.

Giờ phút này, ngồi trong chiếc xe ngừng hẳn bên cạnh thân cây lừng lững thì tôi đang thật sự mỏi mệt. Không còn muốn chạy với đời, chỉ muốn dừng lại mà nhìn ngắm thiên nhiên, cây cỏ. Chỉ nhìn thôi, để hoà mình vào sự sống hồn nhiên của chúng, chứ không là mơ ước được trở thành cây. Ngày ngồi trung học, đọc câu ‘‘Làm cây thông đứng giữa trời mà reo’’ thì chỉ ở cái nghĩa đen, tôi đã không đồng tình với Nguyễn Công Trứ, còn nghĩa bóng thì sao mà xa vời quá. Thời con nít đã thấy nó xa, đến chừng thành người lớn càng vời vợi thế nào. Ngó chung quanh, chẳng có được bao nhiêu cây thông thẳng tắp vươn cao như hình ảnh dựng lên trong thơ NCT để mình ngưỡng mộ.

Người Việt có khi nhịn ăn đãi khách, nhưng cũng thường bày tỏ tình thương qua cái ăn. Ngày hai con tôi còn nhỏ về thăm quê hương, chúng hay khó chịu khi đến nhà ai cũng bị bắt ăn, ngán hơn nữa là các bà các bác tới tấp gắp vào cho cháu đầy vun một bát, không còn chỗ để và, thứ này lẫn lộn thứ kia. Thế nhưng bây giờ trưởng thành và thông hiểu tập quán hơn, chúng bớt càu nhàu. Cả gia đình kéo đến thăm cậu mợ tôi, cố ý vào buổi giữa chiều để tránh chuyện ăn uống và mợ đã già khỏi lo thết đãi. Nhưng đến nơi, mợ bảo ngay : ‘‘Biết chúng mày tới, mợ dặn nấu nướng xong rồi, cơm gia đình thôi’’. Vậy là mới ăn trưa lúc một giờ, đầu năm giờ chiều lại ngồi xuống mâm cơm. Vậy mà lũ trẻ hào hứng gắp những miếng thịt luộc mỏng bóng cắt thật đều bày thật đẹp trên chiếc đĩa men, chúng chan canh cá nấu ngót ào ào xì xụp. Vừa ăn vừa khen cơm bà mợ ngon không khác gì cơm bà ngoại hồi nào, ngon hơn ở tiệm. Mợ tôi cười sung sướng, kêu chúng ăn với lòng thành. Mợ vô tình nhắc lại những ngày cuối cùng mẹ tôi thoi thóp cố kéo dài sự sống để đợi hai cháu ngoại về thăm bà lần cuối. Đã lẫn và yếu lắm rồi nhưng vẫn bắt người nhà mua sẵn măng cụt là món ‘‘chúng nó’’ thích nhất. Một rổ không đủ, bà bắt phải một bao tải. Khi ‘‘hai chúng nó’’ từ phi trường về sà xuống bên giường thì bà chỉ còn đủ sức sờ lên bàn tay và chốc chốc chỉ vào bao măng cụt ý cứ giục ăn. Các con tôi đã ăn thứ trái cây mà chúng cho là ‘‘ngon nhất thế giới’’ ấy trong nước mắt, và từ đấy chắc chúng hiểu được cách người Việt tỏ lộ tình thương. Anh T. ở Cali loay hoay nấu ăn những ngày tôi sang thăm cũng vậy, nhưng với anh và tôi những bữa cơm ngồi với nhau là trở về thời gian cũ.

Mùa Tết Mậu Thân xa tắp, một số họ hàng ở khu khói lửa chạy đến nhà tôi tị nạn. Gia đình vốn neo người nên mẹ ít dự trữ thức ăn, may nhờ vào ngày tết, nhưng sau một tuần, tất cả thịt thà, rau trái, bánh mứt bay vù với gần hai mươi miệng ăn, nhà chỉ còn có gạo và nước mắm. Mẹ sợ lạc đạn cấm ra đường chợ búa, giới nghiêm tù túng. Mẹ thương con, để dành riêng cho nó một chai maggi. Tuy vậy, chỉ sau vài bữa cơm xịt maggi ăn với lạc rang tôi ngán ngẩm. Tôi thèm cá thèm thịt thèm rau. Bữa ấy, ngoài đường không khí bớt căng thẳng, tiếng súng chỉ còn lẻ tẻ xa xa, vài người chạy xe ngang trước cửa nhà. Chiếc solex thân thương ủ rũ trong sân, đã bao ngày nó và tôi không tung tăng đường phố, đi học đi chơi. Tôi liền mở cổng, rón rén lôi xe ra ngoài trèo lên, phóng thẳng hướng Phú Nhuận, tìm đến nhà cậu mợ. Những con đường đi qua trống rỗng rợn người, tôi càng sợ nên vặn ga vù vù. Đến nơi, cậu mợ mừng ôm lấy cháu hỏi thăm tin tức, mợ vội gom hết bánh chưng, giò thủ, giò luạ, dưa hành…dồn vào mấy bị cột sau xe cho con cháu mang về. Thấy bận đi an toàn nên tôi chần chừ, còn muốn kể lể khúc nôi nỗi niềm, nhất là khoe khoang với các đứa em họ đã được thấy Việt Cộng chính cống vác súng khuân hòm có vũ khí ra sao, nhưng mợ cứ giục mau về. Đến khúc đường Công Lý, đang chạy phom phom, bỗng một xe quân cảnh đuổi theo huýt còi, tôi rụng rời ngừng lại. Mấy người lính vừa khám các túi thực phẩm vừa tra hỏi tôi đi đâu trong lúc vẫn còn lệnh giới nghiêm. Tôi ngượng ngùng trả lời : đi xin thức ăn. Một ông mắt sắc lẻm, mặt đen thui, giọng nặng chịch :

- Đã ai chết đói đâu mà đi xin ăn. Kiểu này là nằm vùng, tiếp tế cho địch.

Tái xanh mặt, tim đập thình thịch, hai lóng chân tưởng sụm ngay lúc ấy, bị đoạt thức ăn cũng đành chứ giao liên vào tù thì…Thế là những giọt lệ không đợi rươm rướm chảy ra. Run đến không nói được lời bào chữa. Vừa lúc ấy, một anh chàng đeo hai bông mai trên cầu vai từ xe jeep bước xuống. Gương mặt anh ta trăng trắng, môi miệng ngặm tăm nhưng ánh mắt dịu hơn người kia. Anh ta nhìn từ đầu tôi đến chân rồi mới hỏi mấy tuổi, học trường nào. Khi tôi đáp gọn lỏn : ‘‘Mười bảy, trường Gia Long’’ thì cái miệng ấy nhếch lên, mắt giêu giễu ngó vào những giọt nước đọng trên má tôi đang kéo vạt chùi. Rồi anh ta quay lại nói với ông mặt đen :

- Tiếp tế cho địch không ai tiếp bánh chưng, giò chả. Thôi, cho cổ đi.

và tự cúi xuống bỏ trở vào bị cho tôi những thứ vất trên lề đường. Đã lấy lại bình tĩnh, tôi không quên kiểm điểm bằng hết gia tài của mình. Lúc tôi nhặt quả dưa chuột quí giá phủi bụi cho vào túi. Anh ta nói nhỏ bên tai : ‘‘Em gái tôi cũng học Gia Long đấy’’.

Về đến nhà kể lại, bà chị họ la toáng : ‘‘Cha trung úy này quê một cục, đáng lẽ phải nói : bồ tui học GL’’, hai chị em cười hinh hích. Nhưng vừa lúc đó nhìn ra ngoài sân, trên bờ tường thấp chia nhà tôi và hàng xóm giây ti-gôn gặp mùa trổ đầy hoa, những bông nhỏ xíu hình trái tim hồng tươi xinh xắn bỗng lịm màu đi cùng với vầng mây đen dồn đến che khuất mặt trời. Tôi bỏ vội vào trong phòng, ngồi bó chân trên giường nghe nước mắt cứ dội từ phiến ngực nhức đau. Vài tiếng súng lại đoàng đoàng bên kia khu phố, căn phòng thân thuộc này như một ốc đảo nằm giữa mấy vùng lửa đạn đã phừng phừng quanh đây. Chiến tranh đã vào thành phố, tôi đã thật sự nhìn thấy ngửi thấy nó, nhưng dẫu sao tôi cũng còn sống ở đây giữa vòng tay gia đình họ hàng, nhưng còn Đ., anh đang ở đâu ? sống chết thế nào nơi rừng núi. Vậy mà tôi ham ăn, tôi quên nghĩ đến anh từng giờ như tôi đã hứa, quên cầu nguyện cho anh suốt buổi sáng hôm nay. Còn anh T. nữa, chị dâu tôi sợ hãi mong ngóng tin chồng từ đêm mùng một. Chị ngồi thu lu trong góc, đứa con thơ èo ẹo một bên. Gương mặt đẹp và mái tóc bồng bềnh xọp xuống, chị không khác cây cải xanh mẹ phơi ngoài sân nhiều buổi cho héo trước khi muối dưa ngày tết.

Mãi lúc sau, bà chị họ vào phòng kéo ra ăn uống. Lũ con nít trong nhà đang hể hả với những thứ tôi đi xin về, chúng bầu tôi là anh hùng solex. Bà chị tếu không đừng đùa nghịch, xướng lên một câu vọng cổ :

- Trời ơi, quân Việt cộng đang tiến vào thành phố, còn công nương nhà tui thì lại tiến...ơ....lùi.

Mấy đứa nhỏ nhao nháo : sao lại tiến lùi ? Chị trả lời gọn bâng : thì hồi xưa đường đường vơ-đét chạy đua xe hơi, bây giờ chỉ biết xô và lết !

Tôi định quay lại cãi là hồi đó tôi không chạy xe hơi mà bằng cặp chân, và hiện thời tôi cũng không lê không lết, chẳng chạy đua với ai, chỉ đi xin thức ăn về cho cả nhà. Nhưng nhìn thấy miếng bánh chưng dành riêng cho mình trước mặt thì tâm hồn tôi bị hút thẳng vào tuyệt tác nghệ thuật này. Tôi quên tất cả hiện trường, chú mục quan sát thật kỹ. Giữa khối đậu xanh vàng mịn, những thớ thịt hồng mềm nhú ra ngoài đọn mỡ béo núc thật trần tục, tưởng tượng nuốt vô là ngập tràn mùi vị, có cả hai hột tiêu nhấp nháy tròng mắt tròn đen bé xíu, cứ cắn vào đi là sẽ cay sẽ nồng, nực lên mũi chảy nước mắt nhưng… thơm. Khoanh nếp dẻo chung quanh chỉ gạ hai nướu răng nhỏ nước, và cuối cùng làn da bên ngoài ươm màu lá dong xanh, ngọc ngà như thân chuối bóc trần, mời gọi quyến rũ đến bấn người. Ngắm xong rồi ăn, ăn rồi lại nghĩ. Tôi đã định bụng sau này sẽ viết lại lịch sử bánh dầy bánh chưng, vì cái truyền thuyết trời-đất vuông-tròn đời xưa người ta chế đặt cho nó, để dạy con nít, không diễn tả được nghệ thuật, chẳng nói gì hết về tài nghệ tuyệt vời của người nào đó hay cả của bao nhiêu thế hệ đã biết đem tất cả sự hài hoà của khẩu vị và màu sắc vào trong chiếc bánh lạ lùng này. Nhưng đến nay tôi chưa có tài để viết, chưa biết viết thế nào. Có lẽ tôi chỉ được cái tật hay liên tưởng như ông anh họ của mình.

Giờ đây, đôi khi cận Tết, anh T. gọi sang hỏi :

- Cô đã có bánh chưng chưa ? Chị mới đi đặt mấy chiếc, nhưng cách gì cũng không ngon bằng bánh nhà mình hồi xưa.

- Sao anh không gói lấy ? Ngày trước, nếu được về phép ăn Tết anh vẫn đến phụ me gói bánh cơ mà ?

- Thôi, có ăn bao nhiêu. Vả lại ngày nào tết nhất có me, có cả gia đình mới vui. Bây giờ…

Hai chữ ‘‘bây giờ’’ của anh làm tôi mủi lòng, và chẳng thể nào không nghĩ đến mâm cỗ cúng giao thừa của mẹ. Chắn chắn giờ đây, giá có ngần ấy thứ bày sẵn cho tôi đón Tết và dù vẫn thích của ngon, tôi cũng không còn nhìn chúng với ánh mắt và cái lòng háo hức của một đứa trẻ háo ăn thật hồn nhiên, hạnh phúc.

Mai Ninh

(Tháng chạp, Ất Dậu)

Users browsing this topic
Guest
2 Pages<12
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.