Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Ăn Quá Khứ
Mai Ninh
Con đường đến sở bỗng nhiên kẹt xe hơn buổi sáng thường lệ. Xe ngừng hẳn cạnh một gốc cây. Chán nhìn cả dòng xe trước mặt và ngược lại, mỏi mắt vì bao ánh đèn nhấp nhoá trong bóng tối rạng ngày chưa tan, tôi ngước mắt ngó theo cây, thân to vững vàng cao tắp, những cành trụi lá vươn lên, đầu ngọn lẩn vào lớp sương mùa đông đặc như mây. Chợt ngẫm nghĩ sao đường xá khúc này đã được quy hoạch nhiều lần lại còn hàng ngô đồng cỗi già đến vậy. Càng ngạc nhiên hơn, khi đã bao năm chạy tới chạy lui quãng đường nhưng chưa từng để ý đến độ lớn của cây, bởi chẳng bao giờ chú tâm nhìn ngó nó. Chạy ào đi rồi chạy vội về, tự bào chữa tại lái xe có tốc độ nên thế. Một người đi bộ hẳn là khác, đi bộ mà không để ý phong cảnh chung quanh thì làm thế nào bước nổi chặng đường dài ?
Lại bất ngờ nhớ thời áo trắng học trò trên con đường đến trường. Thỉnh thoảng dừng lại trước cổng rào một ngôi nhà có vườn riêng im ắng nắng trưa, thò tay bẻ trộm một đoá hoa trang hay cành cúc. Trang và cúc thường quá, chợ bán đầy, thế mà hoa trên cành trong vườn nhà người khác mình vẫn thấy chúng đẹp, mời gọi lung linh. Mắt trẻ thơ thích quan sát những cửa hiệu hai bên đường. Ông chủ quán cho thuê sách cũ nằm trên nền gạch hoa xỉn ố, khò khò ngáy trưa giữa la liệt mớ truyện Bà Tùng Long và các cuốn bìa in hình nữ hiệp múa kiếm phi thân mắt phượng mày ngài. Hiệu tạp hoá tiếp theo treo những bóng đèn đầy bụi lủng lẳng trên đầu người đàn bà béo phịch ngồi trước quạt máy mà vẫn không ngừng phe phẩy chiếc quạt giấy. Bên kia, tiệm bán vật dụng xây cất nhà cửa, đống tôn fibro quàng sợi xích to để tránh trộm khuân đi, đinh sắt, xi-măng xám ngoét tràn trên vỉa hè. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những cửa hàng thức ăn, quán hủ tíu đầu đường sáng sớm có chú Ba rốn hở trên quần đùi, áo thun thủng lỗ bê khay bánh bao xíu mại trắng phau mơn mởn. Tiệm thuốc bắc với những hũ keo đựng cà na, xí mụi, trần bì. Hình ảnh thời đó ở lại rõ ràng như mới thấy hôm qua, hình ảnh bây giờ vô tâm nên chúng lướt ngang mơ hồ, quên lãng.
Hôm tôi sang Cali thăm ông anh họ, nhà cửa nhộn nhịp, các con anh quây quần về đón cô, anh chị đã nhiều tuổi tự mình nấu bếp, không đi mua cơm chỉ hay cơm đặt như thói quen của đa số dân Việt nơi đây. Tôi đề nghị ra tiệm cho đỡ mất công, anh nhìn tôi ý hơi trách móc. Tôi ngẩn người một lúc khi anh hỏi, cô thích ăn gì ? Tôi biết anh muốn nói về các thứ trong gia đình thường ăn ở những năm xưa. Trong một thoáng tôi không kiếm ra được món nào, nói nhỏ :
- Lâu rồi em ăn linh tinh, các cháu xa nhà nên không nấu nướng gì, nơi em ở cũng chẳng có mấy thức ăn Á Châu.
Anh chép miệng. Thế là, suốt thời gian thăm viếng, mặc cho các cháu tôi cứ mua về những thứ bày bán đủ hương vị và mời cô đi ăn tiệm này hiệu nọ, nhưng anh chị vẫn nấu lại cho tôi nhiều món mẹ làm năm nào. Có khi mười hai giờ khuya, tôi đi chơi tụ tập bạn bè về, lúc ấy lại ngồi vào bàn với anh trước bát canh mồng tơi và đĩa cà pháo. Không biết sao, vào giờ ấy tôi vẫn còn hào hứng chén đơm chén múc với anh. Có khi chỉ tạc thù về chuyện ăn chuyện uống, quên ngủ. Có lẽ không hẳn do cơm ngon, trong lành, mà vì đấy là khoảng thời gian của kỷ niệm.
Anh là con cả của anh trai mẹ tôi, mẹ đem anh từ Bắc vào Nam nuôi ăn học từ khi tôi mới ra đời. Năm 54, mẹ giắt con về quê hương từ biệt gia đình trước lúc đất nước phân chia. Hôm quay trở vào Saigon bằng chuyến tàu há mồm cuối, mẹ gọi anh đi cùng. Anh chỉ độ hai mươi, đĩnh đạc từ chối : ‘‘Con ở lại đi theo cụ Hồ, thà ăn muối con cũng theo’’. Nhưng khoảng một năm sau, một buổi trưa có người gọi cổng, anh bước vào, không nói không rằng. Sau này mẹ bảo :
- Me đã quen với cái đi về trơn trụi của thằng T. Thời đó hỏi thì nó đáp : ‘‘Con phải tìm cách chạy vào Nam với cô khi nghe họ sắp về tố khổ bác Chánh nhà mình là địa chủ. Ai chứ bác Chánh, làm sao con tin được !’’. Hôm 2 tháng 5, 75, vợ con nó đang khóc mọng mắt khi nghe thằng chuẩn úy đi theo nó từ xưa đến giờ đã tử thương, còn thằng T. không một tin tức, thì nó lù lù dẫn xác về, quần xà lỏn chân đất, cái kính cận cũng chẳng còn, lặng thinh trong suốt mấy ngày. Rồi nó ra khai và đi học tập, rồi nó mất biệt cho đến lúc me đi Tây.
Trong bao nhiêu năm, để nói về anh, mẹ tôi bao giờ cũng tóm gọn có bấy nhiêu. Anh xưng con với mẹ ngay từ lúc nhỏ, một thằng con trai trong gia đình thiếu hụt đàn ông là điều mẹ và ngay cả các bà cô bên nội của tôi mong ước. Nhưng mẹ vốn nghiêm nghị, không chiều con lẫn cháu. Hai anh em chúng tôi, dù rất chênh lệch tuổi đã kết bè kết đảng với nhau. Tôi hỗ trợ anh rất nhiều trong dịch vụ tán gái quay quắt của anh thời trai trẻ, và tìm cách che mắt mẹ về những chuyện này. Anh và tôi hợp nhau ở chỗ thích ăn ngon, anh lấy đó làm lợi khí để dụ dỗ con bé. Thời còn học trò sinh viên ít tiền, anh mua bánh kẹo, tôi hay chê, nhưng đến khi thành thầy giáo toán lý hoá anh chở tôi đi ăn tiệm trong Chợ Lớn, bít- tết khoai tây chiên chánh hiệu, mì vịt tiềm và chim bồ câu quay Đồng Khánh....Tôi đâm trở thành một đứa nhỏ sành ăn, đến nỗi thấy mình lạc lõng giữa đám bạn học trò loi choi lẫng cẫng chỉ biết cóc ngâm, xoài giầm. Nhưng thực ra, ảnh hưởng của anh trên tôi không phải chỉ chuyện ăn uống mà còn nhiều thứ khác. Hẳn anh là người có nhiều ước mơ mà hoàn cảnh hay bản thân không cho khả năng thực hiện, nên đã đổ lên con bé em tất cả hoài vọng ấy. Còn tôi, con một, mẹ đi kinh doanh thường xa nhà, chỉ có mỗi u già quanh quẩn nên tôi đeo theo anh như một con chó nhỏ.
Anh thích âm nhạc vô cùng, học linh tinh vài nhạc cụ khác nhau, từ ghi-ta, thập lục, vĩ cầm, phong cầm, có một thứ anh rất thích nhưng đặt mấy ngón tay lên phím mà không chạy nổi một gam là dương cầm thì anh chịu, và thế là anh lôi cổ con em đến nhạc sĩ Thẩm Oánh bắt nó thụ giáo bài học dương cầm đầu tiên. Trước đấy, buổi tối anh đã đưa tôi đến lớp dậy nhạc lý bắt ngồi đợi anh ở cuối lớp với cuốn sách hình. Nhưng xem hình mãi cũng chán, vả khi nghe các anh chị lớn hát các nốt nhạc rộn ràng tôi thích quá, hát theo. Con nít không biết sợ, tôi quên bẵng thiên hạ, gào to hơn cả, con nít tai tinh nên hát đúng, nghe nốt chính tả cũng không tệ. Ông thầy và cả lớp ngoái nhìn, kêu tôi lên ngồi bàn đầu ngay. Thế là từ đó, con bé chưa biết đọc biết viết đã phải học nhạc lý với bọn anh chị lớn hơn mình bao tuổi. Nhưng anh T. không ngừng ở đó, anh ngỡ em mình thần đồng, phải cho nó vào học trường Quốc Gia Âm Nhạc dù mới lên năm lên sáu.
Sau này, tôi nghiệm thêm ra, mình đã mất đi rất nhiều hồn nhiên thơ ấu vì tham vọng của ông anh. Bởi không chỉ chuyện học đàn học nhạc, chưa qua lớp nhì tôi đã phải học tiếng Pháp, rồi một hôm ông hí hửng vác thêm về một cuốn sách dậy tiếng Anh. Mẹ tôi vô tình bắt gặp, hỏi tại sao anh bắt tôi học ? thời của mẹ văn minh thế giới là Pháp quốc. Anh phán rằng trong tương lai Anh ngữ là tiếng hoàn cầu (đấy là trước năm 60, ai ngờ anh nói vờ vịt lại đúng hệt thời buổi ngày nay). Hoá ra, chính vì anh thích nên kéo tôi theo. Anh hăm hở học, và bắt tôi cũng thế. Mỗi ngày anh giao hẹn phải đọc từng chữ, từng câu trong cuốn sách kể chuyện lũ khỉ trong rừng chuối. Tôi càng học, càng được giao bài nhiều hơn, chỉ quanh quẩn với bài dương cầm và mấy con khỉ chòng ghẹo giành giựt nhau bẻ chuối là tôi hết cả thời giờ lo chuyện nhà trường. Một hôm, bà giáo gọi lên trả bài công dân giáo dục, tôi chưa kịp học nên bị bà tức giận mắng nhiếc ngay trước mặt cả lớp. Bà giáo Tĩnh bắc kỳ di cư, khi giận tiếng rất chanh chua đay nghiến, dù bà thương học trò và dạy giỏi nhất trường tiểu học Bàn Cờ thời đó. Tôi xấu hổ vô cùng, lần đầu tiên tôi oán giận, căm tức ông anh cay đắng. Về tới nhà, tôi đem cuốn sách Monkey ra đổ nguyên lọ mực xanh lên đó, chưa đủ, tôi xé tan tành gương mặt liến láu dễ thương của mấy chú khỉ con vô tội. Chưa hả, tôi lôi cả cuốn Mauger dạy tiếng Pháp ra hành hạ. U Thơ sợ hãi, run bần bật khi nghe tiếng xe gắn máy của ông anh xịch trước cổng. Anh bước vô, nhìn thấy hiện trường mắt long sòng sọc, anh giơ bàn tay hộ pháp lên, nhưng chưa kịp giáng xuống thì đã bị u Thơ rút guốc khệnh một cái chí chết lên vai và hét ầm đuổi ra khỏi nhà. Tình nghĩa giáo khoa của hai anh em chấm dứt từ hôm ấy.
Nhưng không ngờ mấy mươi năm sau gặp lại nhau ở xứ người, chuyện gia đình chuyện ăn uống lại chen lẫn với chuyện học hành. Sáng sớm đầu tiên dậy, chị bảo anh đã đi làm từ 6g. Tôi than :
- Làm chi cực thế, anh cũng đã nhiều tuổi, cần chi tiền, ăn cũng chẳng còn được bao nhiêu, nhà cửa các cháu đã mua.
Chị chép miệng :
- Anh cô thì cô biết, gàn bát sách. Không chịu ở không, chẳng những đi làm mà còn đi học nữa.
- À, anh ấy học thêm tiếng Anh thì đúng thôi.
- Nào chỉ tiếng Anh, ổng học thêm vật lý, điện tử gì đó, đòi thi lấy bằng nữa cô à.
Anh về, tôi vừa hỏi chuyện học hành chưa ra lẽ thì anh đã hí hửng đem bày một đống sách bảo tôi ngồi xuống cắt nghĩa cho anh một số điều. Rồi dặn về Pháp nhớ gửi cho anh mấy cuốn sách Tây về toán và vật lý, hồi xưa anh học chúng, thích lắm
Tôi trợn mắt nhìn, tóc anh, chị bắt nhuộm nên không mấy bạc nhưng những nếp thời gian trên gương mặt, trong ánh mắt thì dù đời sống đầy đủ đến đâu cũng chẳng thể che giấu. Vậy mà tinh thần học hỏi vẫn tràn đầy, chẳng kém năm nào anh chở tôi đằng sau xe như chở một con chó con đi hết từ trường này sang trường khác.
- Hồi trong tù, cô biết anh mơ gì không ? anh nghĩ nếu sống sót, khi được ra anh sẽ đi học lại, học khoa học hẳn hoi như cô, không lề mề bao cái nhạc nhiếc vớ vẩn nữa.
Anh kể : Có hôm kẹt trong rừng đêm không về trại, thằng canh tù nằm quấn chăn ngon lành dưới ngáng cây nhưng hai con mắt cú vọ, thỉnh thoảng lên tiếng mắng chửi phủ đầu vô cớ, anh ngó bầu trời xanh thăm thẳm mà ước giá một tảng vân thạch từ trời cao kia rơi xuống trúng ngay tên ấy cho anh em nhờ, nhưng những vì sao hun hút lôi ý nghĩ về với thời tạo thiên, với bao hiện tượng vật lý mà anh chưa biết. Hay bên bờ thác, các ngón tay tím cứng không còn thể co lại, anh thèm được ôm một chai nước nóng đến đứt ruột, rồi may, trước thác nước vũ bão anh lại liên tưởng đến điện lực tạo ra từ sức nước. Thèm nghe tiếng vợ, ước giá có điện thoại để chỉ một tiếng a-lô thì lại thán phục người ta đã tìm ra sóng điện từ. Những miên man suy nghĩ về khoa học đã giúp anh đi qua bao giờ phút cóng queo, máu trong thân cứ chực đông đặc với cái buốt giá căm căm của núi rừng đày đoạ. Và anh khoan khoái kết luận :
- Cô thấy không... khoa học ý nghĩa cần thiết bao la là thế...anh mừng cô đã chọn nghề nghiệp ấy.
Nhưng tôi đã làm anh thất vọng. Một lần hè trở sang thăm anh, bữa cơm gia đình đầu tiên, mấy đứa cháu chìa ngay một tờ báo đi cái phỏng vấn tôi về cuốn truyện mới xuất bản. Chúng ào ào hỉ hả :
- Không có hình nhưng thấy tên thì tụi con đoán chính là cô, mà từ xưa tới giờ cả nhà đâu biết cô viết văn! Trời, ai ngờ cô nhà mình là văn sĩ thứ thiệt.
Trong khi ấy ông anh mặt lạnh như tiền, đặt bát xuống, lãng đãng ngó ra cây mơ ửng hồng trái ngoài khoanh vườn nhỏ. Đến lúc ăn xong, còn mỗi hai anh em ngồi bên ấm trà, anh thở dài như ông cụ tám mươi :
- Anh không hiểu sao cô lại bỏ chuyện khoa học ý nghĩa thế để lao vào cái nghề chẳng ra đâu vào đâu.
Tôi phản đối mình chưa bỏ khoa học và chuyện viết lách không thể bảo là vô công ngồi rồi. Lên cơn, tôi lôi ra kể hàng loạt trăm thứ võ đoán của anh hồi tôi còn bé. Cuộc tranh cãi kéo dài tới lúc tôi không chống nổi cơn buồn ngủ chụp xuống mi mắt vì trái múi giờ. Tuy thế, cũng không nặng nề hơn những lần trước, mỗi bận gặp nhau, chúng tôi từng tranh luận mãi về bao vấn đề khác của đời sống và thời cuộc, thân cộng chống cộng, Mỹ Pháp, chiến tranh hay không chiến tranh, quê hương là gì, về hay ở ...
Lại có buổi chiều, tôi ngồi xuống với anh bên giậu rau dền đỏ, lá mùng tơi và hoa mướp đong đưa. Nắng cày rõ thêm vết hằn năm tháng trên trán anh và nhoà lòng mắt tôi đã nhạt. Anh bảo chiều nay chị sẽ nấu cho cô ăn canh rau đay với cua. Tôi hỏi cua đồng, anh cười :
- Ở đây chỉ thiếu món này, nhưng cô yên tâm, chị nấu với cua biển cũng ngon. Rồi từ cua biển, anh nhắc lại ngày bị đẩy lên Hoàng Liên Sơn, đói lạnh bệnh hoạn tưởng sắp chết thì được tin em trai từ Hải Phòng lên thăm thay chị dâu quá đau yếu ở Saigòn không thể lặn lội ra Bắc, dù đây là chuyến được thăm chồng đầu tiên. Trước đó mấy tháng, tôi đã gửi quà về sẵn, em trai anh dặn mua bốt cao su cho anh lao động trên rừng, thuốc sốt rét, thức ăn. Tôi gửi trăm mớ, nhưng khi quà đến tay anh chỉ còn độc một hộp cua và phong bánh đậu. Khi em trai vừa cất bước, anh phải chia cho người gác phòng gói bánh, cũng may được giữ hộp cua. Anh tìm mảnh đá nhọn đục mở ra ngay, trời tháng đông cắt thịt, cua hộp lạnh và tanh nhưng anh ngốn ngấu. Bao ngày thèm chất đạm vô cùng cô ạ. Chuột, dế, cóc, nhái gì lúc ấy cũng không còn tài nào chộp được nữa, lại mới nghe tin thằng N. con anh Q. của chúng mình vừa chết đêm qua ở lán tù bên cạnh. Suốt mấy đêm liền sau đó anh mơ thấy u Thơ giận dỗi vì nấu cơm dọn ra mà hai anh em không ăn, lại đèo nhau đi tiệm, cái hiệu gì đường Gia Long, quẹo một quãng là ra hàng Bà Ba Bủng, cô nhớ không ?
Tôi chẳng đáp lời anh, tôi đang nghĩ thật may, ở quãng đời khốn khổ ấy anh không hành nghề khoa học mà khoa học đã vô tình cứu rỗi, đem đến cho tâm hồn anh một nơi trú ngụ an bình. Anh nói khoa học không tình cảm nên không hận thù, chỉ là sự thật, là tương lai. Chuyện tù cải tạo của anh khiến tôi không còn muốn nhớ gì, đừng kể đến món ăn. Nhưng anh lại thao thao về chuỗi ngày trong căn nhà tuổi thơ đó, mẹ tôi đã nấu gì mỗi khi bà bỏ công việc về nghỉ ngơi đôi ngày, và những bữa cỗ cúng. Tôi đã đứng lên, đến bên hàng rào dưới giàn mướp, các đoá hoa bình an ưỡn vàng trong tia nắng đang rực lên một thoáng trước khi chiều xuống. Đặt nụ hoa giữa lòng tay, tôi nói thật nhẹ, chẳng biết anh có nghe ra: ‘‘Đã biết không nên để quá khứ bao trùm và hớp lấy mình, nhưng khi ngồi với nhau thì hai anh em chúng ta lại thích ăn quá khứ’’.
Gia đình bé của tôi người nào cũng thích ăn ngon đã đành, khi nói tới nấu ăn thì càng hào hứng. Bắt đầu từ mẹ truyền xuống đến các con tôi. Cứ vào bàn là ai cũng hồ hởi phấn khởi bàn tán cách nấu món này sang món kia dù có khi mâm cơm khá là bình thường đạm bạc. Từ bé, tôi chẳng đồng ý cái câu : ‘‘Ăn để mà sống mới hay, chứ đừng sống để mỗi ngày hòng ăn’’. Tôi không cho thích ăn là hòng ăn, và cũng thấy thật đạo đức giả khi bảo rằng ăn chỉ để sống. Ngồi trước bát cơm, con bé ngẫm nghĩ và thốt ra điều ấy, mẹ chế : ‘‘Ấy, vậy mà có đứa trong nhà này khi ốm rất hòng ăn’’. Quả thế, mỗi lần đau sốt, tôi rất sợ uống thuốc, sữa nóng, ăn cháo hành. Mẹ dỗ ngon dỗ ngọt, và con bé trong cơn sốt vẫn mơ màng bắt mẹ hứa là khi hết ốm sẽ được ăn canh thịt bò hành răm, tôm sốt cà, cá song hấp, còn gạ bao giờ mẹ dậy con nấu. Nhưng cho đến ngày rời mẹ đi xa, ở tuổi thiếu nữ, tôi vẫn không biết gì hơn ngoài cắm nồi cơm điện và rim một chút thịt. Khi mẹ sang đoàn tụ, bà giương mắt nhìn tôi làm bếp, và ngay hôm ấy ngồi viết một bức thư dài cho bà bạn cố tri còn ở lại quê nhà để khoe : ‘‘con bé chạy đua xe hơi’’ bây giờ biết xào bóng, nấu canh măng ngon lắm bà ơi. Nhưng dù thế, trưa bữa đầu tiên đến đất Pháp, mẹ lôi từ túi xách ra miếng bánh mì kẹp dăm-bông gói ghém cẩn thận trong mảnh khăn giấy có in hai chữ Air France xanh ngắt da trời. Bà bảo ăn cho hết, vứt đi phải tội, bên nhà bao nhiêu người đang chết đói. Bà sống với quá khứ thiếu ăn ấy một thời gian dài. Tôi muốn hỏi ông anh, còn anh thì bao lâu, nhưng chẳng đành lòng nhắc nữa.
Tôi quay về quê hương sau hơn 16 năm không trở lại. Bà bạn ấy của mẹ, từng gia nhập Việt Minh chống Pháp với nhau thời nào, cũng là hàng xóm bao năm, giờ khọm xuống, mắt kèm nhèm nhưng trí nhớ vẫn nguyên xi. Tôi ghé thăm vội vàng quá, cứ chực đứng dậy để đi. Từ trong khuất tối của căn phòng ẩm sau giấc mưa chiều, bà trách :
- Tới giờ mà mày vẫn là con bé chạy đua sao ?
Năm tôi 6 tuổi, họ hàng di cư ngoài Bắc vào có người vẫn còn ở nhờ nhà tôi. Căn nhà đông vui, nhưng mẹ có cơ ngơi xa, bà chỉ về mỗi tuần một lần thăm con và xếp đặt công việc. Gặp bận ấy tôi sốt nặng, mẹ bế qua phòng mạch bên kia đường, bác sĩ bắt uống quinine đắng ngắt. Mẹ dỗ uống khỏi bệnh rồi cho ra nhà ngoài Cấp chơi. Nhưng khi tôi đã nuốt viên thuốc và nằm xuống nhắm mắt thì nghe bà dặn dò rồi tiếng mở cổng. Tôi choàng dậy, mẹ đã lên xe và anh tài rồ máy. Quần áo phong phanh vì đang nóng sốt, tôi chạy trên lề đường, kính xe đóng nên mẹ không nghe tôi gào. Người trong nhà và hàng xóm đuổi theo nhưng không bắt kịp những bước chân mê sảng của đứa bé. Cho tới lúc kiệt sức tôi lăn đùng xuống bờ đường, bên cạnh khu chợ nhỏ họp trưa. Tôi nổi tiếng khắp phố về biệt tài chạy đua xe hơi từ đấy. Có người còn bảo trong tương lai tôi phải dự thi điền kinh. Họ nào biết những ngày sau cuộc chạy đua, tôi từng mơ ước lớn hơn tí nữa tôi sẽ có xe hơi, sẽ tự lái lấy, tôi sẽ phóng vun vút đuổi kịp chiếc traction đen của mẹ.
Giờ phút này, ngồi trong chiếc xe ngừng hẳn bên cạnh thân cây lừng lững thì tôi đang thật sự mỏi mệt. Không còn muốn chạy với đời, chỉ muốn dừng lại mà nhìn ngắm thiên nhiên, cây cỏ. Chỉ nhìn thôi, để hoà mình vào sự sống hồn nhiên của chúng, chứ không là mơ ước được trở thành cây. Ngày ngồi trung học, đọc câu ‘‘Làm cây thông đứng giữa trời mà reo’’ thì chỉ ở cái nghĩa đen, tôi đã không đồng tình với Nguyễn Công Trứ, còn nghĩa bóng thì sao mà xa vời quá. Thời con nít đã thấy nó xa, đến chừng thành người lớn càng vời vợi thế nào. Ngó chung quanh, chẳng có được bao nhiêu cây thông thẳng tắp vươn cao như hình ảnh dựng lên trong thơ NCT để mình ngưỡng mộ.
Người Việt có khi nhịn ăn đãi khách, nhưng cũng thường bày tỏ tình thương qua cái ăn. Ngày hai con tôi còn nhỏ về thăm quê hương, chúng hay khó chịu khi đến nhà ai cũng bị bắt ăn, ngán hơn nữa là các bà các bác tới tấp gắp vào cho cháu đầy vun một bát, không còn chỗ để và, thứ này lẫn lộn thứ kia. Thế nhưng bây giờ trưởng thành và thông hiểu tập quán hơn, chúng bớt càu nhàu. Cả gia đình kéo đến thăm cậu mợ tôi, cố ý vào buổi giữa chiều để tránh chuyện ăn uống và mợ đã già khỏi lo thết đãi. Nhưng đến nơi, mợ bảo ngay : ‘‘Biết chúng mày tới, mợ dặn nấu nướng xong rồi, cơm gia đình thôi’’. Vậy là mới ăn trưa lúc một giờ, đầu năm giờ chiều lại ngồi xuống mâm cơm. Vậy mà lũ trẻ hào hứng gắp những miếng thịt luộc mỏng bóng cắt thật đều bày thật đẹp trên chiếc đĩa men, chúng chan canh cá nấu ngót ào ào xì xụp. Vừa ăn vừa khen cơm bà mợ ngon không khác gì cơm bà ngoại hồi nào, ngon hơn ở tiệm. Mợ tôi cười sung sướng, kêu chúng ăn với lòng thành. Mợ vô tình nhắc lại những ngày cuối cùng mẹ tôi thoi thóp cố kéo dài sự sống để đợi hai cháu ngoại về thăm bà lần cuối. Đã lẫn và yếu lắm rồi nhưng vẫn bắt người nhà mua sẵn măng cụt là món ‘‘chúng nó’’ thích nhất. Một rổ không đủ, bà bắt phải một bao tải. Khi ‘‘hai chúng nó’’ từ phi trường về sà xuống bên giường thì bà chỉ còn đủ sức sờ lên bàn tay và chốc chốc chỉ vào bao măng cụt ý cứ giục ăn. Các con tôi đã ăn thứ trái cây mà chúng cho là ‘‘ngon nhất thế giới’’ ấy trong nước mắt, và từ đấy chắc chúng hiểu được cách người Việt tỏ lộ tình thương. Anh T. ở Cali loay hoay nấu ăn những ngày tôi sang thăm cũng vậy, nhưng với anh và tôi những bữa cơm ngồi với nhau là trở về thời gian cũ.
Mùa Tết Mậu Thân xa tắp, một số họ hàng ở khu khói lửa chạy đến nhà tôi tị nạn. Gia đình vốn neo người nên mẹ ít dự trữ thức ăn, may nhờ vào ngày tết, nhưng sau một tuần, tất cả thịt thà, rau trái, bánh mứt bay vù với gần hai mươi miệng ăn, nhà chỉ còn có gạo và nước mắm. Mẹ sợ lạc đạn cấm ra đường chợ búa, giới nghiêm tù túng. Mẹ thương con, để dành riêng cho nó một chai maggi. Tuy vậy, chỉ sau vài bữa cơm xịt maggi ăn với lạc rang tôi ngán ngẩm. Tôi thèm cá thèm thịt thèm rau. Bữa ấy, ngoài đường không khí bớt căng thẳng, tiếng súng chỉ còn lẻ tẻ xa xa, vài người chạy xe ngang trước cửa nhà. Chiếc solex thân thương ủ rũ trong sân, đã bao ngày nó và tôi không tung tăng đường phố, đi học đi chơi. Tôi liền mở cổng, rón rén lôi xe ra ngoài trèo lên, phóng thẳng hướng Phú Nhuận, tìm đến nhà cậu mợ. Những con đường đi qua trống rỗng rợn người, tôi càng sợ nên vặn ga vù vù. Đến nơi, cậu mợ mừng ôm lấy cháu hỏi thăm tin tức, mợ vội gom hết bánh chưng, giò thủ, giò luạ, dưa hành…dồn vào mấy bị cột sau xe cho con cháu mang về. Thấy bận đi an toàn nên tôi chần chừ, còn muốn kể lể khúc nôi nỗi niềm, nhất là khoe khoang với các đứa em họ đã được thấy Việt Cộng chính cống vác súng khuân hòm có vũ khí ra sao, nhưng mợ cứ giục mau về. Đến khúc đường Công Lý, đang chạy phom phom, bỗng một xe quân cảnh đuổi theo huýt còi, tôi rụng rời ngừng lại. Mấy người lính vừa khám các túi thực phẩm vừa tra hỏi tôi đi đâu trong lúc vẫn còn lệnh giới nghiêm. Tôi ngượng ngùng trả lời : đi xin thức ăn. Một ông mắt sắc lẻm, mặt đen thui, giọng nặng chịch :
- Đã ai chết đói đâu mà đi xin ăn. Kiểu này là nằm vùng, tiếp tế cho địch.
Tái xanh mặt, tim đập thình thịch, hai lóng chân tưởng sụm ngay lúc ấy, bị đoạt thức ăn cũng đành chứ giao liên vào tù thì…Thế là những giọt lệ không đợi rươm rướm chảy ra. Run đến không nói được lời bào chữa. Vừa lúc ấy, một anh chàng đeo hai bông mai trên cầu vai từ xe jeep bước xuống. Gương mặt anh ta trăng trắng, môi miệng ngặm tăm nhưng ánh mắt dịu hơn người kia. Anh ta nhìn từ đầu tôi đến chân rồi mới hỏi mấy tuổi, học trường nào. Khi tôi đáp gọn lỏn : ‘‘Mười bảy, trường Gia Long’’ thì cái miệng ấy nhếch lên, mắt giêu giễu ngó vào những giọt nước đọng trên má tôi đang kéo vạt chùi. Rồi anh ta quay lại nói với ông mặt đen :
- Tiếp tế cho địch không ai tiếp bánh chưng, giò chả. Thôi, cho cổ đi.
và tự cúi xuống bỏ trở vào bị cho tôi những thứ vất trên lề đường. Đã lấy lại bình tĩnh, tôi không quên kiểm điểm bằng hết gia tài của mình. Lúc tôi nhặt quả dưa chuột quí giá phủi bụi cho vào túi. Anh ta nói nhỏ bên tai : ‘‘Em gái tôi cũng học Gia Long đấy’’.
Về đến nhà kể lại, bà chị họ la toáng : ‘‘Cha trung úy này quê một cục, đáng lẽ phải nói : bồ tui học GL’’, hai chị em cười hinh hích. Nhưng vừa lúc đó nhìn ra ngoài sân, trên bờ tường thấp chia nhà tôi và hàng xóm giây ti-gôn gặp mùa trổ đầy hoa, những bông nhỏ xíu hình trái tim hồng tươi xinh xắn bỗng lịm màu đi cùng với vầng mây đen dồn đến che khuất mặt trời. Tôi bỏ vội vào trong phòng, ngồi bó chân trên giường nghe nước mắt cứ dội từ phiến ngực nhức đau. Vài tiếng súng lại đoàng đoàng bên kia khu phố, căn phòng thân thuộc này như một ốc đảo nằm giữa mấy vùng lửa đạn đã phừng phừng quanh đây. Chiến tranh đã vào thành phố, tôi đã thật sự nhìn thấy ngửi thấy nó, nhưng dẫu sao tôi cũng còn sống ở đây giữa vòng tay gia đình họ hàng, nhưng còn Đ., anh đang ở đâu ? sống chết thế nào nơi rừng núi. Vậy mà tôi ham ăn, tôi quên nghĩ đến anh từng giờ như tôi đã hứa, quên cầu nguyện cho anh suốt buổi sáng hôm nay. Còn anh T. nữa, chị dâu tôi sợ hãi mong ngóng tin chồng từ đêm mùng một. Chị ngồi thu lu trong góc, đứa con thơ èo ẹo một bên. Gương mặt đẹp và mái tóc bồng bềnh xọp xuống, chị không khác cây cải xanh mẹ phơi ngoài sân nhiều buổi cho héo trước khi muối dưa ngày tết.
Mãi lúc sau, bà chị họ vào phòng kéo ra ăn uống. Lũ con nít trong nhà đang hể hả với những thứ tôi đi xin về, chúng bầu tôi là anh hùng solex. Bà chị tếu không đừng đùa nghịch, xướng lên một câu vọng cổ :
- Trời ơi, quân Việt cộng đang tiến vào thành phố, còn công nương nhà tui thì lại tiến...ơ....lùi.
Mấy đứa nhỏ nhao nháo : sao lại tiến lùi ? Chị trả lời gọn bâng : thì hồi xưa đường đường vơ-đét chạy đua xe hơi, bây giờ chỉ biết xô và lết !
Tôi định quay lại cãi là hồi đó tôi không chạy xe hơi mà bằng cặp chân, và hiện thời tôi cũng không lê không lết, chẳng chạy đua với ai, chỉ đi xin thức ăn về cho cả nhà. Nhưng nhìn thấy miếng bánh chưng dành riêng cho mình trước mặt thì tâm hồn tôi bị hút thẳng vào tuyệt tác nghệ thuật này. Tôi quên tất cả hiện trường, chú mục quan sát thật kỹ. Giữa khối đậu xanh vàng mịn, những thớ thịt hồng mềm nhú ra ngoài đọn mỡ béo núc thật trần tục, tưởng tượng nuốt vô là ngập tràn mùi vị, có cả hai hột tiêu nhấp nháy tròng mắt tròn đen bé xíu, cứ cắn vào đi là sẽ cay sẽ nồng, nực lên mũi chảy nước mắt nhưng… thơm. Khoanh nếp dẻo chung quanh chỉ gạ hai nướu răng nhỏ nước, và cuối cùng làn da bên ngoài ươm màu lá dong xanh, ngọc ngà như thân chuối bóc trần, mời gọi quyến rũ đến bấn người. Ngắm xong rồi ăn, ăn rồi lại nghĩ. Tôi đã định bụng sau này sẽ viết lại lịch sử bánh dầy bánh chưng, vì cái truyền thuyết trời-đất vuông-tròn đời xưa người ta chế đặt cho nó, để dạy con nít, không diễn tả được nghệ thuật, chẳng nói gì hết về tài nghệ tuyệt vời của người nào đó hay cả của bao nhiêu thế hệ đã biết đem tất cả sự hài hoà của khẩu vị và màu sắc vào trong chiếc bánh lạ lùng này. Nhưng đến nay tôi chưa có tài để viết, chưa biết viết thế nào. Có lẽ tôi chỉ được cái tật hay liên tưởng như ông anh họ của mình.
Giờ đây, đôi khi cận Tết, anh T. gọi sang hỏi :
- Cô đã có bánh chưng chưa ? Chị mới đi đặt mấy chiếc, nhưng cách gì cũng không ngon bằng bánh nhà mình hồi xưa.
- Sao anh không gói lấy ? Ngày trước, nếu được về phép ăn Tết anh vẫn đến phụ me gói bánh cơ mà ?
- Thôi, có ăn bao nhiêu. Vả lại ngày nào tết nhất có me, có cả gia đình mới vui. Bây giờ…
Hai chữ ‘‘bây giờ’’ của anh làm tôi mủi lòng, và chẳng thể nào không nghĩ đến mâm cỗ cúng giao thừa của mẹ. Chắn chắn giờ đây, giá có ngần ấy thứ bày sẵn cho tôi đón Tết và dù vẫn thích của ngon, tôi cũng không còn nhìn chúng với ánh mắt và cái lòng háo hức của một đứa trẻ háo ăn thật hồn nhiên, hạnh phúc.
Mai Ninh
(Tháng chạp, Ất Dậu)
|