Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Tại Pháp, virus kỳ thị người châu Á lây lan nhanh hơn virus corona
Thùy Dương - RFI - 07/02/2020 Từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng lên, nhiều người châu Á bất ngờ chịu thái độ kỳ thị, bị xua đuổi tại Pháp vì virus corona, không chỉ người Trung Quốc mà cả người Việt Nam, Philippines, Lào, Cam Bốt, Hàn Quốc, Nhật Bản … Truyền thông Pháp trong những ngày qua đề cập nhiều đến thái độ bài châu Á, cũng như những nỗi buồn, lo sợ và cả nỗi tức giận của các nạn nhân.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, hastag #Je ne suis pas un virus (Tôi không phải một con virus) được sử dụng rất nhiều để phản đối thái độ kỳ thị mà người châu Á phải chịu đựng do bị quy kết là làm lây lan dịch bệnh, nhất là người Hoa. Trên Facebook, ngày 25/01/2020, Hiệp hội giới trẻ Trung Quốc tại Pháp (AJCF) nhấn mạnh : « Không, người gốc Hoa không phải ai cũng mang virus corona ! Chúng tôi không phải những con virus ».
Một người Pháp gốc Hoa bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội Twitter : « Xin chào các bạn, không phải người châu Á nào cũng là người Hoa. Không phải tất cả người Hoa đều sinh ra ở Hoa lục và đã từng đến Trung Quốc. Không phải người châu Á nào ho cũng là do nhiễm virus corona. Xúc phạm một người châu Á vì virus, cũng giống như lăng mạ một người Ả Rập về các vụ khủng bố ».
Phát biểu trên đài truyền hình France 24, ông Sacha Lin-Jung, một đại diện của Hiệp hội người Hoa tại Pháp cho biết : « Chúng tôi đã nghe thấy những câu chuyện liên quan đến việc người Pháp gốc châu Á, kể cả những người không phải gốc Hoa, bị chỉ trích trong các phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi có cảm giác một chứng hoang tưởngcó thể sẽ xuất hiện ngay cả khi thái độ đó là phi lý, vô căn cứ ».
Sự tổn thương vì bị đánh đồng
Trả lời đài RFI tiếng Pháp ngày 30/01/2020, bà Mai Lam Nguyen-Conan, chuyên gia về các vấn đề liên văn hóa, giải thích cụ thể hơn :
« Nỗi sợ virus không chỉ có ở nước Pháp, mà ở châu Á người ta cũng sợ, và cả ở nhiều nước khác nữa. Hiện giờ thì tại Pháp, nỗi sợ virus corona được người ta thể hiện nhắm vào tất cả những người có nét mặt Á đông. Ở đây, trước tiên là có sự đánh đồng giữa người Hoa và người không phải là người Hoa, tất cả người châu Á đều có thể bị coi là người Trung Quốc. Họ cũng đánh đồng khách du lịch Trung Quốc với người Pháp gốc Hoa. Người ta không thấy có sự khác nhau nào cả, vì thế người châu Á và người Hoa bị coi là một, người Hoa sống tại Pháp cũng bị coi như người Trung Quốc tới từ Hoa lục. Nói tóm lại, người ta đánh đồng tất cả mọi người. Và đó chính là điều đáng sợ và đáng buồn đối với những ai phải chịu đựng thái độ kỳ thị này ».
Về việc đánh đồng người châu Á với người Hoa,trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An, Đại học Bourgogne France-Comté cho biết thêm :
« Có hai cách giải thích : Có nhiều người không cố ý gọi người châu Á là người Trung Quốc, bởi vì đúng là họ không phân biệt được người Hoa, người Việt, người Cam Bốt, Hàn Quốc hay Nhật … Thế nhưng, nhiều khi gọi một người châu Á là người Trung Quốc hay những từ khác mang tính xúc phạm nặng nề hơn lại là cách để hạ thấp người châu Á, bởi vì gọi như vậy có nghĩa là người ta không muốn quan tâm đến bản sắc, văn hóa, lịch sử và nguồn gốc của người châu Á đó, mà chỉ dựa vào vẻ bên ngoài để gọi. Điều này gây tổn thương bởi vì châu Á hiểu rằng người gọi họ như vậy không quan tâm họ là ai, họ từ đâu tới ».
Sự kỳ thị âm thầm
Nhìn lại lịch sử, thái độ kỳ thị người châu Á xuất phát từ khi nào và do những yếu tố nào? Nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An giải thích :
« Sự kỳ thị nhắm vào người châu Á tồn tại từ lâu ở Pháp, cho dù hiện nay thái độ bài châu Á đặc biệt tăng mạnh do virus corona. Nhưng nếu chúng ta nói về sự kỳ thị, cần phân biệt hai hình thức : sự kỳ thị giữa các cá nhân, tức là giữa người này với người kia, người ta gọi đó là sự kỳ thị về tinh thần. Ngoài ra, còn có sự kỳ thị lên quan tới thể chế, đó là sự kỳ thị trong các định mức, tiêu chuẩn, chẳng hạn sự kỳ thị liên quan tới việc làm, chỗ ở … Về nét đặc thù của người châu Á, người ta thường có suy nghĩ là cộng đồng người Á châu là một nhóm thiểu số kiểu mẫu, hòa nhập rất tốt, chịu khó làm lụng vất vả và rất kín đáo. Cũng giống như nạn kỳ thị các sắc tộc khác, nạn kỳ thị người châu Á gắn liền với lịch sử xâm chiếm thuộc địa. Và người châu Á được cho là hiền lành, dễ bảo hơn người da đen, người Ả Rập ».
Chính nết hiền lành, nhẫn nhịn, lối sốngkín đáo của người châu Á đã khiến họ không có những phản ứng mạnh như người gốc Phi hay Ả Rập khi bị tấn công, cướp bóc, hay phải hứng chịu những ngôn từ, câu chữ mỉa mai, chế giễu, những lời chửi bới, thóa mạ, lăng nhục trên đường phố, nơi công cộng, trên các mạng xã hội, thậm chí là ở trường học đối với các em nhỏ. Và điều này dường như đãgóp phần khiến nạn kỳ thị người châu Á tại Pháp ít được nhắc tới, ít được coi là nghiêm trọng, và thậm chí nhiều người còn tự cho quyền dùng những ngôn từ mà họ không dám sử dụng khi nói về người thuộc các chủng tộc khác, như người gốc Phi hay người Ả Rập.
Hôm Chủ Nhật 26/01, tờ báo Pháp Courrier Picard đã gây nhiều phản ứng mạnh khi chơi chữ, chạy tựa trang nhất « Virus corona Trung Quốc - Hiểm họa bất ngờ màu vàng », kèm theo bài xã luận « Một đại dịch vàng mới ? ». Ông Stéphane Nivet, tổng giám đốc Liên minh quốc tế chống kỳ thị sắc tộc và bài Do Thái (Licra) giận dữ nói với tuần báo L’Express : ''Quý vị hãy tưởng tượng nhé, nếu virus đến từ châu Phi, sẽ không có tờ báo nào dám giật tít « Mối đe dọa bất ngờ màu đen'' »
Nhà xã hội học Julien Le Hoang An giải thích thêm với RFI Việt ngữ : « Chúng ta nên hiểu rằng sự kỳ thị thể hiện qua nhiều cách và ở mọi cấp độ, giữa các cá nhân với nhau cũng như ở tầm thể chế. Tùy theo nét mặt, giấy tờ, họ tên, kể cả giới tính, trình độ học vấn … mỗi người có thể sẽ chịu những sự kỳ thị, ít nhiều nghiêm trọng tùy tình huống, hoàn cảnh. Không thể phủ nhận những lời chửi bới, xúc phạm giữa các cá nhân, nhưng còn có nạn phân biệt đối xử ảnh hưởng tới việc làm, chỗ ở, quyền hưởng các dịch vụ công như chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo...
Ở đây, sự phân biệt đối xử mà người châu Á phải chịu khác so với người gốc Phi hay người Ả Rập. Vấn đề quan trọng là nạn bài người châu Á bị biến thành vô hình, không được trông thấy rõ, khiến người ta có cảm tưởng là người Á châu không hề bị kỳ thị, hòa nhập rất tốt, không gặp vấn đề gì. Nhưng vấn đề nằm ở chính chỗ đó. Những thứ người ta chỉ nhìn thấy bên ngoài cuối cùng lại khiến họ nghĩ rằng có thể nói bất cứ điều gì họ thích bởi vì những điều họ nói không phải là sự kỳ thị ».
Mặc dù vậy, theo bà Mai Lam Nguyen-Conan, người châu Á nay đã có nhiều hành động hơn để phòng ngừa nạn kỳ thị : « Mọi người đã bắt đầu thay đổi, bởi vì giới trẻ, thế hệ trẻ đã bắt đầu phản ứng. Họ rất cảnh giác đề phòng. Mỗi hành vi mang tính kỳ thị, bất kể đó là những câu bông lơn, đùa vui của các nhân vật nổi tiếng, những chương trình dù mang tính hài hước nhiều hơn là chỉ trích … đều bị phê phán. Họ rất cảnh giác, chú ý để phản ứng nhằm cho thấy ''những điều mà quý vị coi là vẫn chấp nhận được, là bình thường thực ra là có những tác động đến mọi người, khiến người ta bị tổn thương, xấu hổ. Tất cả những điều đó là có thật, tác động đến mọi người, đến nhiều gia đình, đến những đứa trẻ. Thái độ kỳ thị mà người ta nghĩ là thường thôi, không quá nghiêm trọng, những phán xét rập khuôn, định kiến … có thể giết chết người khác'' ».
Những suy nghĩ chết người
Cách nay gần 3 năm rưỡi, vào tháng 08/2016, cái chết của một công nhân người Hoa tại Aubervilliers, ngoại ô Paris sau khi bị một nhóm thanh thiếu niên tấn công để cướp tiền, đã gây phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa nói riêng và người châu Á nói chung tại vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Một làn sóng tuần hành phản đối rộng khắp đã nổ ra, nhất là ở Paris và thành phố ngoại ô Aubervilliers.
Báo Valeurs actuelles, ngày 23/01, cho biết theo các hiệp hội bảo vệ cộng đồng Á châu, tại vùng Ile-de-France, tính trung bình, cứ hai ngày lại có ít nhất một vụ tấn công nhắm vào người châu Á, cả người Pháp gốc Á và du khách châu Á, chủ yếu để cướp tiền, vì những suy nghĩ rập khuôn kiểu người châu Á kiếm được nhiều tiền và thường mang theo tiền trong người. Số vụ tấn công trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều, vì nhiều người châu Á không muốn đi khai báo với nhà chức trách, do ngại tiếng Pháp không giỏi hoặc lo sợ bị trả thù. Một thực tế đáng lo ngại hơn là tại một số nơi, nhất là ở khu vực ngoại ô Paris, nạn tấn công người gốc Á ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Vẫn luôn âm ỉ tồn tại dưới nhiều hình thức cho dù ít được nhắc tới vì nhiều lý do, nhưng nạn dịch virus corona bùng lên cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã khiến nạn kỳ thị sắc tộc nhắm vào người châu Á còn lây lan nhanh và khiến nhiều người gốc châu Á tại Pháp bị tổn thương nhiều hơn cả nhưng vấn đề sức khỏe, y tế do virus corona gây ra. Dường như nạn dịch virus corona là cái cớ để nhiều người Pháp công khai bài xích người Á châu, nhưng ngược lại đây cũng là dịp để các nạn nhân đồng thanh nói về những gì họ phải chịu đựng nhằm có thể hạn chế những tổn thương tương tự sau này.
|