Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

26 Pages«<2021222324>»
Chuyện lạ có thật khắp nơi
viethoaiphuong
#422 Posted : Friday, February 7, 2020 8:57:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Tại Pháp, virus kỳ thị người châu Á lây lan nhanh hơn virus corona

Thùy Dương - RFI - 07/02/2020
Từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng lên, nhiều người châu Á bất ngờ chịu thái độ kỳ thị, bị xua đuổi tại Pháp vì virus corona, không chỉ người Trung Quốc mà cả người Việt Nam, Philippines, Lào, Cam Bốt, Hàn Quốc, Nhật Bản … Truyền thông Pháp trong những ngày qua đề cập nhiều đến thái độ bài châu Á, cũng như những nỗi buồn, lo sợ và cả nỗi tức giận của các nạn nhân.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, hastag #Je ne suis pas un virus (Tôi không phải một con virus) được sử dụng rất nhiều để phản đối thái độ kỳ thị mà người châu Á phải chịu đựng do bị quy kết là làm lây lan dịch bệnh, nhất là người Hoa. Trên Facebook, ngày 25/01/2020, Hiệp hội giới trẻ Trung Quốc tại Pháp (AJCF) nhấn mạnh : « Không, người gốc Hoa không phải ai cũng mang virus corona ! Chúng tôi không phải những con virus ».

Một người Pháp gốc Hoa bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội Twitter : « Xin chào các bạn, không phải người châu Á nào cũng là người Hoa. Không phải tất cả người Hoa đều sinh ra ở Hoa lục và đã từng đến Trung Quốc. Không phải người châu Á nào ho cũng là do nhiễm virus corona. Xúc phạm một người châu Á vì virus, cũng giống như lăng mạ một người Ả Rập về các vụ khủng bố ».

Phát biểu trên đài truyền hình France 24, ông Sacha Lin-Jung, một đại diện của Hiệp hội người Hoa tại Pháp cho biết : « Chúng tôi đã nghe thấy những câu chuyện liên quan đến việc người Pháp gốc châu Á, kể cả những người không phải gốc Hoa, bị chỉ trích trong các phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi có cảm giác một chứng hoang tưởngcó thể sẽ xuất hiện ngay cả khi thái độ đó là phi lý, vô căn cứ ».

Sự tổn thương vì bị đánh đồng

Trả lời đài RFI tiếng Pháp ngày 30/01/2020, bà Mai Lam Nguyen-Conan, chuyên gia về các vấn đề liên văn hóa, giải thích cụ thể hơn :

« Nỗi sợ virus không chỉ có ở nước Pháp, mà ở châu Á người ta cũng sợ, và cả ở nhiều nước khác nữa. Hiện giờ thì tại Pháp, nỗi sợ virus corona được người ta thể hiện nhắm vào tất cả những người có nét mặt Á đông. Ở đây, trước tiên là có sự đánh đồng giữa người Hoa và người không phải là người Hoa, tất cả người châu Á đều có thể bị coi là người Trung Quốc. Họ cũng đánh đồng khách du lịch Trung Quốc với người Pháp gốc Hoa. Người ta không thấy có sự khác nhau nào cả, vì thế người châu Á và người Hoa bị coi là một, người Hoa sống tại Pháp cũng bị coi như người Trung Quốc tới từ Hoa lục. Nói tóm lại, người ta đánh đồng tất cả mọi người. Và đó chính là điều đáng sợ và đáng buồn đối với những ai phải chịu đựng thái độ kỳ thị này ».

Về việc đánh đồng người châu Á với người Hoa,trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An, Đại học Bourgogne France-Comté cho biết thêm :

« Có hai cách giải thích : Có nhiều người không cố ý gọi người châu Á là người Trung Quốc, bởi vì đúng là họ không phân biệt được người Hoa, người Việt, người Cam Bốt, Hàn Quốc hay Nhật … Thế nhưng, nhiều khi gọi một người châu Á là người Trung Quốc hay những từ khác mang tính xúc phạm nặng nề hơn lại là cách để hạ thấp người châu Á, bởi vì gọi như vậy có nghĩa là người ta không muốn quan tâm đến bản sắc, văn hóa, lịch sử và nguồn gốc của người châu Á đó, mà chỉ dựa vào vẻ bên ngoài để gọi. Điều này gây tổn thương bởi vì châu Á hiểu rằng người gọi họ như vậy không quan tâm họ là ai, họ từ đâu tới ».

Sự kỳ thị âm thầm

Nhìn lại lịch sử, thái độ kỳ thị người châu Á xuất phát từ khi nào và do những yếu tố nào? Nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An giải thích :

« Sự kỳ thị nhắm vào người châu Á tồn tại từ lâu ở Pháp, cho dù hiện nay thái độ bài châu Á đặc biệt tăng mạnh do virus corona. Nhưng nếu chúng ta nói về sự kỳ thị, cần phân biệt hai hình thức : sự kỳ thị giữa các cá nhân, tức là giữa người này với người kia, người ta gọi đó là sự kỳ thị về tinh thần. Ngoài ra, còn có sự kỳ thị lên quan tới thể chế, đó là sự kỳ thị trong các định mức, tiêu chuẩn, chẳng hạn sự kỳ thị liên quan tới việc làm, chỗ ở … Về nét đặc thù của người châu Á, người ta thường có suy nghĩ là cộng đồng người Á châu là một nhóm thiểu số kiểu mẫu, hòa nhập rất tốt, chịu khó làm lụng vất vả và rất kín đáo. Cũng giống như nạn kỳ thị các sắc tộc khác, nạn kỳ thị người châu Á gắn liền với lịch sử xâm chiếm thuộc địa. Và người châu Á được cho là hiền lành, dễ bảo hơn người da đen, người Ả Rập ».

Chính nết hiền lành, nhẫn nhịn, lối sốngkín đáo của người châu Á đã khiến họ không có những phản ứng mạnh như người gốc Phi hay Ả Rập khi bị tấn công, cướp bóc, hay phải hứng chịu những ngôn từ, câu chữ mỉa mai, chế giễu, những lời chửi bới, thóa mạ, lăng nhục trên đường phố, nơi công cộng, trên các mạng xã hội, thậm chí là ở trường học đối với các em nhỏ. Và điều này dường như đãgóp phần khiến nạn kỳ thị người châu Á tại Pháp ít được nhắc tới, ít được coi là nghiêm trọng, và thậm chí nhiều người còn tự cho quyền dùng những ngôn từ mà họ không dám sử dụng khi nói về người thuộc các chủng tộc khác, như người gốc Phi hay người Ả Rập.

Hôm Chủ Nhật 26/01, tờ báo Pháp Courrier Picard đã gây nhiều phản ứng mạnh khi chơi chữ, chạy tựa trang nhất « Virus corona Trung Quốc - Hiểm họa bất ngờ màu vàng », kèm theo bài xã luận « Một đại dịch vàng mới ? ». Ông Stéphane Nivet, tổng giám đốc Liên minh quốc tế chống kỳ thị sắc tộc và bài Do Thái (Licra) giận dữ nói với tuần báo L’Express : ''Quý vị hãy tưởng tượng nhé, nếu virus đến từ châu Phi, sẽ không có tờ báo nào dám giật tít « Mối đe dọa bất ngờ màu đen'' »

Nhà xã hội học Julien Le Hoang An giải thích thêm với RFI Việt ngữ : « Chúng ta nên hiểu rằng sự kỳ thị thể hiện qua nhiều cách và ở mọi cấp độ, giữa các cá nhân với nhau cũng như ở tầm thể chế. Tùy theo nét mặt, giấy tờ, họ tên, kể cả giới tính, trình độ học vấn … mỗi người có thể sẽ chịu những sự kỳ thị, ít nhiều nghiêm trọng tùy tình huống, hoàn cảnh. Không thể phủ nhận những lời chửi bới, xúc phạm giữa các cá nhân, nhưng còn có nạn phân biệt đối xử ảnh hưởng tới việc làm, chỗ ở, quyền hưởng các dịch vụ công như chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo...

Ở đây, sự phân biệt đối xử mà người châu Á phải chịu khác so với người gốc Phi hay người Ả Rập. Vấn đề quan trọng là nạn bài người châu Á bị biến thành vô hình, không được trông thấy rõ, khiến người ta có cảm tưởng là người Á châu không hề bị kỳ thị, hòa nhập rất tốt, không gặp vấn đề gì. Nhưng vấn đề nằm ở chính chỗ đó. Những thứ người ta chỉ nhìn thấy bên ngoài cuối cùng lại khiến họ nghĩ rằng có thể nói bất cứ điều gì họ thích bởi vì những điều họ nói không phải là sự kỳ thị ».

Mặc dù vậy, theo bà Mai Lam Nguyen-Conan, người châu Á nay đã có nhiều hành động hơn để phòng ngừa nạn kỳ thị : « Mọi người đã bắt đầu thay đổi, bởi vì giới trẻ, thế hệ trẻ đã bắt đầu phản ứng. Họ rất cảnh giác đề phòng. Mỗi hành vi mang tính kỳ thị, bất kể đó là những câu bông lơn, đùa vui của các nhân vật nổi tiếng, những chương trình dù mang tính hài hước nhiều hơn là chỉ trích … đều bị phê phán. Họ rất cảnh giác, chú ý để phản ứng nhằm cho thấy ''những điều mà quý vị coi là vẫn chấp nhận được, là bình thường thực ra là có những tác động đến mọi người, khiến người ta bị tổn thương, xấu hổ. Tất cả những điều đó là có thật, tác động đến mọi người, đến nhiều gia đình, đến những đứa trẻ. Thái độ kỳ thị mà người ta nghĩ là thường thôi, không quá nghiêm trọng, những phán xét rập khuôn, định kiến … có thể giết chết người khác'' ».

Những suy nghĩ chết người

Cách nay gần 3 năm rưỡi, vào tháng 08/2016, cái chết của một công nhân người Hoa tại Aubervilliers, ngoại ô Paris sau khi bị một nhóm thanh thiếu niên tấn công để cướp tiền, đã gây phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa nói riêng và người châu Á nói chung tại vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Một làn sóng tuần hành phản đối rộng khắp đã nổ ra, nhất là ở Paris và thành phố ngoại ô Aubervilliers.

Báo Valeurs actuelles, ngày 23/01, cho biết theo các hiệp hội bảo vệ cộng đồng Á châu, tại vùng Ile-de-France, tính trung bình, cứ hai ngày lại có ít nhất một vụ tấn công nhắm vào người châu Á, cả người Pháp gốc Á và du khách châu Á, chủ yếu để cướp tiền, vì những suy nghĩ rập khuôn kiểu người châu Á kiếm được nhiều tiền và thường mang theo tiền trong người. Số vụ tấn công trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều, vì nhiều người châu Á không muốn đi khai báo với nhà chức trách, do ngại tiếng Pháp không giỏi hoặc lo sợ bị trả thù. Một thực tế đáng lo ngại hơn là tại một số nơi, nhất là ở khu vực ngoại ô Paris, nạn tấn công người gốc Á ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vẫn luôn âm ỉ tồn tại dưới nhiều hình thức cho dù ít được nhắc tới vì nhiều lý do, nhưng nạn dịch virus corona bùng lên cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã khiến nạn kỳ thị sắc tộc nhắm vào người châu Á còn lây lan nhanh và khiến nhiều người gốc châu Á tại Pháp bị tổn thương nhiều hơn cả nhưng vấn đề sức khỏe, y tế do virus corona gây ra. Dường như nạn dịch virus corona là cái cớ để nhiều người Pháp công khai bài xích người Á châu, nhưng ngược lại đây cũng là dịp để các nạn nhân đồng thanh nói về những gì họ phải chịu đựng nhằm có thể hạn chế những tổn thương tương tự sau này.
viethoaiphuong
#423 Posted : Sunday, February 9, 2020 3:06:35 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Virus corona làm Thượng Hải chìm vào hôn mê


Thụy My - RFI - 09/02/2020
Từ hơn một chục ngày qua, những người dân Thượng Hải dám thò mặt ra đường phải chứng kiến một cảnh tượng siêu thực : một thành phố lặng như tờ và vắng như hoang mạc.

Bệnh dịch virus corona chết người đã làm tê liệt một phần lớn Trung Quốc, nhưng những thay đổi chưa bao giờ ấn tượng như thế tại đô thị đông dân nhất và cũng thành phố cảng lớn nhất nước, đó là Thượng Hải (27 triệu dân).

Chấm dứt nạn kẹt xe và những vỉa hè đầy doanh nhân vội vã đến văn phòng. Các đường phố bây giờ vắng tanh, buồn thảm, cửa sắt những quán bar được kéo xuống và các tiệm buôn đóng cửa. Vài khách bộ hành hiếm hoi lướt qua như những cái bóng, giấu mặt sau chiếc khẩu trang.

Có vẻ như một quả bom hạch tâm đã rơi xuống thành phố trước đây đen kịt người, làm cho sự sống biến mất.

Đại lộ Bund (« Ngoại Than » trong tiếng Hoa) sang trọng chạy dọc theo bờ biển, hồi trước thường đặc nghẹt người thưởng lãm các công trình kiến trúc tân cổ điển kiểu châu Âu. Nay những chiếc tàu chở đầy người trên dòng sông Hoàng Phố (Huangpu) đã mất tích, các tòa nhà chọc trời sừng sững hầu như trống rỗng.

Sự im lặng đôi khi bị phá vỡ bởi tiếng chuông của chiềc đồng hồ trên đỉnh tòa nhà gần trăm tuổi cao 90 mét của hải quan cũ.

Ông Zhao Feng, khoảng bốn mươi tuổi, là một trong những người hiếm hoi đi dạo tại đây, nói với AFP : « Ai cũng biết là không nên ra đường, nhưng mọi người đều mang khẩu trang cho yên tâm ». Theo ông, thành phố « yên tĩnh vì người dân ý thức cao về phòng vệ ».

Kỳ nghỉ Tết đến thứ Hai 10/02/2020 là kết thúc, nhưng nhiều tiệm buôn và cơ quan hành chính dự kiến để nhân viên làm việc từ xa.

Khác với nhiều nơi, Thượng Hải tránh được việc bị cô lập một phần hay toàn bộ. Nhưng cư dân chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của chính quyền, được thông báo bằng tin nhắn hay qua những chiếc loa phóng thanh được lắp đặt khắp thành phố, yêu cầu không nên ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết.

Khi họ làm gan ra đường, mỗi khi thấy ai trước mặt là người đi bộ vội vàng băng sang bên kia đường. Trong hệ thống tàu điện ngầm, vốn là một trong số những métro lớn nhất thế giới, việc mang khẩu trang là bắt buộc, cũng như trong những cửa tiệm hiếm hoi còn mở cửa. Ở lối vào các công sở, người dân phải chịu kiểm tra thân nhiệt với một dụng cụ bằng nhựa được nhân viên bảo vệ chĩa một cách thô bạo vào trán.

Đối với những ai cố thủ trong nhà, chính quyền đưa ra một loạt lời khuyên như tập thể dục, và những phương cách để tránh lo âu trước viễn cảnh tử thần gọi tên vì dịch viêm phổi. Một tờ truyền đơn khuyến cáo : « Hãy giảm bớt việc đọc báo, nghe đài vốn chỉ làm người ta thêm lo sợ, bạn sẽ bớt khủng hoảng ».

Tuy vậy không ít người vẫn cảm thấy nỗi buồn chán đè nặng. Một cư dân mạng bình luận dưới một quảng cáo của chính quyền về giảm stress : « Điều duy nhất có thể nói là tôi đã quá chán phải bó gối trong nhà suốt ngày ».

Khi mặt trời vừa trở lại với thành phố đã nhiều ngày qua chìm đắm trong nỗi sợ con virus corona, một số người dân đã ra đường. Ngay lập tức chính quyền cho đăng mẩu quảng cáo mới trên các mạng xã hội : « Bạn không thể khử trùng bằng cách ra nắng ».


viethoaiphuong
#424 Posted : Tuesday, February 11, 2020 12:34:57 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm ?

Tú Anh - RFI - 08/02/202

Đất lở mà sông không bồi

Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần dưới nước biển. Qua rồi thời oanh liệt của thiên nhiên, thời « đất lở sông bồi ». Hơn một chục đập thủy điện trên thượng nguồn và nhất là hiện tượng nạo vét cát khiến các cửa biển ngày càng sâu. Le Courier International giới thiệu bài phóng sự dài của Financial Times.

Một đêm tháng 8, dân làng Bình Mỹ, một ngôi làng trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long bị một tiếng nổ lớn đánh thức. Chạy ra đường, họ thấy một đoạn xa lộ dài 30 thước trước xóm nhà lọt xuống sông. Bình Mỹ (tỉnh An Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì sao nên nỗi? Và đến khi nào toàn vựa lúa của Việt Nam chịu chung số phận?

Theo Financial Times, một trong những vùng ruộng đồng ở châu Á đang chìm dần xuống biển. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao là một trong những lý do. Nghiên cứu của Tổ chức Climate Central dự báo « một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mêkông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050 ». Trái lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, với tình hình hiện nay, mực nước chỉ dâng lên độ 3 mm mỗi năm, tức là rất chậm.

Nhưng đối với dân địa phương và chuyên gia theo sát biến đổi của dòng sông Mêkông từ ba bốn thập kỷ, thì có hai hiện tượng do con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng vựa lúa và thực phẩm của Việt Nam. Một là nạn khai thác cát vô trách nhiệm, để phục vụ nhu cầu xây dựng các tòa nhà chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng diện tích lấn biển cho Singapore. Hai là các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào trên thượng nguồn.

Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện Trung Quốc, nên bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Nước biển xâm nhập sâu vào sông ngòi làm thay đổi quân bình giữa ba loại nước mặn, lợ và ngọt; tác hại đến ngành trồng trọt, ruộng rẫy, chăn nuôi cá tôm của người dân. Nếu đồng bằng biến mất thì đến phiên người thành phố lãnh hệ quả.

Trước mắt, trong một thế giới mà số phận các vùng duyên hải ngày càng nguy ngập, những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm. Dân làng Bình Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng di tản trong trường hợp khẩn cấp.

Đến cát cũng cạn nguồn

Ý thức cần phải bảo vệ dòng trường giang huyết mạch, chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố từ chối kế hoạch đầu tư nạo vét đáy sông của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức cần phải thay đổi chính sách, phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia, tình hình đã quá trễ, trừ phi ngăn chận được 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.

Bảo vệ dòng sông bằng cách nào khi tàu khai thác cát « đông như kiến »? Người dân bắt đầu ý thức mối nguy hại này nên đôi khi phản ứng thô bạo với dân vét cát. Theo một chuyên gia Việt Nam, cát của Việt Nam chỉ còn từng ấy thôi. Khi 11 đập thủy điện Trung Quốc cùng hoạt động thì cát cũng hết. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu ý thức và thi hành một số biện pháp như xây kè bê-tông, nhưng cuối cùng phải bỏ dần vì quá tốn kém. Lệnh cấm khai thác cát, ban hành năm 2017, không hiệu quả vì thiếu quyết tâm, vì bị luồn lách.

Báo chí nhà nước cũng bắt đầu tường thuật những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo hình ảnh những con đường và nhà cửa rơi xuống sông. Chuyên gia Brian Eyler xem đây là tín hiệu tốt, bởi vì chính quyền Việt Nam bắt đầu nhìn nhận có sai lầm và tìm cách thay đổi chính sách 180°.

viethoaiphuong
#425 Posted : Thursday, February 13, 2020 2:31:00 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona : Nếu xảy ra dịch, châu Phi sẽ khó chống đỡ

Minh Anh - RFI - 13/02/2020
Từ Trung Quốc, sang Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan rồi đến cả Pháp, Anh, Đức hay Mỹ…, danh sách các nước có công dân bị nhiễm virus corona mới, giờ có tên gọi chính thức là Covid-19, mỗi ngày thêm dài. Nhưng tại châu Phi, tính đến ngày 12/02/2020, chưa có một ca nhiễm nào được phát hiện.

Trong khi đó, tại những nơi khác, nơi nào có người Trung Quốc đi qua, hay có người từ Trung Quốc về ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tại sao châu Phi cho đến giờ này vẫn tránh được dịch bệnh ? Đó là do may mắn ? Đối với ông John Nkengasong, Trung Tâm Phòng Chống Các Dịch Bệnh (CDC), không có gì là chắc chắn cả : « Có nhiều khả năng đã có một số ca tại châu Phi, nhưng vẫn chưa được phát hiện ».

Do vậy, nỗi lo lắng dịch bệnh bùng nổ tại châu Phi mỗi ngày một lớn, bởi một lẽ đơn giản, có ít nhất là 13 nước châu Phi (Nam Phi, Algéri, Angola, Côte d’Ivoire, Ethiopia, Ghana, Kenya, quần đảo Maurice, Nigeria, Ouganda, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Tanzania và Zambia) duy trì các mối liên hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc.

Cường quốc kinh tế châu Á này là đối tác thương mại hàng đầu của châu lục đen, như nhận xét tóm tắt của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc học, hiện đang giảng dậy tại trường đại học Baptist Hồng Kông, khi trao đổi qua điện thoại với ban Tiếng Việt RFI :

« Trung Quốc hiện diện đông đảo ở châu Phi, điều đó không có gì là mới cả. Sự có mặt của người Trung Quốc đã được tăng cường kể từ những năm 2000. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu tại châu Phi, cho dù Liên Hiệp Châu Âu gồm 27 nước có nhiều trao đổi thương mại hơn với châu Phi. Nhưng Trung Quốc rất tích cực trên bình diện thương mại và trong các dự án cơ sở hạ tầng mà nước này thực hiện, thông qua các khoản tín dụng do Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cung cấp.

Với tư cách là nhà đầu tư, Trung Quốc không bằng châu Âu và Mỹ, nhưng Trung Quốc rất tích cực trên bình diện chính trị và ngoại giao. Ít có quốc gia châu Phi nào phản đối Trung Quốc, nhất là tại các tổ chức quốc tế.

Ngược lại, các quốc gia châu Phi này lại là một nhóm ủng hộ viên mà Trung Quốc có thể trông cậy rất nhiều ở Liên Hiệp Quốc, và trong các tổ chức quốc tế khác. Tiến triển mới nhất gần đây chính là việc Bắc Kinh mở một căn cứ hải quân cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tại Djibouti cách nay khoảng hơn hai năm.

Điều đó chứng tỏ là Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến an ninh châu Phi. Họ muốn bảo vệ một cách tích cực các lợi ích, an ninh của mình, nghĩa là các dự án đầu tư, các doanh nghiệp của Trung Quốc và cả công dân Trung Quốc đang sinh sống tại châu Phi. »

Không hồi hương kiều dân : Vì tình bạn hay sợ Trung Quốc ?

Theo các số liệu chính thức công bố năm 2018, có khoảng 81.562 sinh viên châu Phi đang theo học tại Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc, các nước châu Phi lại có hai luồng phản ứng trái ngược: Một số tạm ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc, cấm nhập cảnh du khách Trung Quốc, và tổ chức hồi hương các kiều dân của mình. Số khác thì vẫn tiếp tục các hoạt động hàng không với Trung Quốc, không tổ chức hồi hương bất chấp nỗi lo lắng, sợ hãi của gia đình các kiều dân, thậm chí còn tỏ tình liên đới hay sự tin tưởng vào chính quyền Bắc Kinh, vào lúc ngày càng có nhiều lời chỉ trích nhắm vào giới lãnh đạo Trung Quốc trong cách xử lý khủng hoảng dịch tễ này.

Liệu có nên xem đấy như là một áp lực của Trung Quốc đối với những nước châu Phi đó ? Hay phải chăng đó là một dấu hiệu về tình hữu nghị thật sự giữa Trung Quốc với các những nước châu Phi này ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải thích :

« Tôi không nghĩ đây là vấn đề tình hữu nghị. Đây có lẽ là vấn đề khả năng chăm lo cho kiều dân của nhiều nước châu Phi hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc, nhất là khả năng cách ly, hay phát hiện loại virus viêm phổi mới mà người ta gọi là virus corona.

Vấn đề của các nước châu Phi chính là họ không đủ khả năng y tế như tại nhiều nước phát triển. Chính vì thế mà các nước châu Phi có sinh viên, kiều dân đang sinh sống ở Trung Quốc muốn những người này ở lại đó, bởi vì họ sẽ được phát hiện bệnh và đương nhiên được cách ly tốt hơn nếu để họ trở về châu Phi.

Do người dân châu Phi không có văn hóa cách ly, mà cũng không quen đeo khẩu trang một khi bị lây nhiễm, tôi nghĩ là đối với các kiều dân châu Phi, ở lại Trung Quốc an toàn hơn là trở về nước, vì như vậy có nhiều rủi ro dịch bệnh lan truyền tại những khu vực thiếu thốn hay không có các cơ sở an toàn dịch tễ. »

Trung Quốc ho, thế giới chảy nước mũi, châu Phi cũng cảm gió ?

Trong bối cảnh dịch bệnh không ngừng lan rộng, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc đều bị ngưng trệ, để dồn lực cho cuộc chiến chống virus corona. Chỉ có điều « Trung Quốc ho, cả thế giới cũng chảy nước mũi ». Giới chuyên gia lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Một viễn cảnh không mấy gì sáng sủa cho nhiều nước trên thế giới, kể cả phương Tây, đang phải đối mặt với nhiều làn sóng bất bình của người dân trong nước.

Tránh được dịch bệnh, liệu rằng châu Phi có tránh được những hậu quả kinh tế do virus corona mới để lại hay không ? Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan nhận định :

« Còn quá sớm để đưa ra nhận định. Ethiopia Airlines, hãng hàng không quan trọng nhất của châu Phi, vốn có nhiều chuyến bay đi và đến từ châu Á, vẫn duy trì các chuyến bay nối Trung Quốc và Ethiopie cho đến khi nào có thông báo mới. Rất nhiều người Trung Quốc đi châu Phi đều phải quá cảnh ở Addis-Abebas.

Thế nhưng, quyết định này của Ethiopia đã bị nhiều nước tại châu lục chỉ trích, nhất là từ Kenya, dường như đã cho tạm ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc. Tóm lại, ở châu Phi mỗi nước phản ứng theo một cách. Tôi cho rằng Ethiopia đã có những tính toán : duy trì các chuyến bay vẫn có lợi hơn, dù rằng họ không thể tiến hành kiểm tra sức khỏe, bất kể là ở Trung Quốc hay là tại nơi đến Addis.

Về hậu quả kinh tế, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Nhưng hệ quả đầu tiên chính là giá bán nguyên liệu bị sụt giảm, bất kể là dầu hỏa, đồng, hay các loại khoáng sản khác. Đây là những tác động tiêu cực cho các nước châu Phi nào có xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc ».

Vẫn theo nhà nghiên cứu Trung Quốc học, bất chấp dịch bệnh, các hoạt động trao đổi mậu dịch giữa châu Phi và Trung Quốc vẫn được tiếp tục. Trước mắt, cuộc sống thường nhật của người dân châu Phi vẫn diễn ra bình thường, không lo sợ bị khan hiếm hàng hóa.

Năng lực phòng chống của châu Phi đến đâu ?

Tuy nhiên, dịch bệnh chưa được phát hiện cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc châu lục đen này được « miễn dịch ». Ngay khi dịch virus corona được chính thức thông báo, nhiều nước châu Phi, rút kinh nghiệm từ bài học đau đớn dịch « Ebola », đã chuẩn bị những phương án phòng chống sớm. Trái với một số ý kiến lạc quan của nhiều chuyên gia, Jean-Pierre Cabestan không mấy lạc quan về khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng của châu Phi trong trường hợp dịch virus corona lan đến châu lục:

« Nước châu Phi duy nhất có thể đối phó với dịch bệnh một cách hiện đại và hiệu quả chính là Nam Phi. Những nước khác lại không được trang bị tốt. Ngoài ra, có một nước khác hiện đang huy động với sự hỗ trợ của Pháp, nhất là từ Viện Pasteur của Pháp, đó chính là Senegal. Tôi tin là quốc gia Tây Phi này đã được chuẩn bị tốt để đối phó với dịch bệnh. Dù vậy, cũng không nên trông đợi nhiều quá, tôi nghĩ là tình hình sẽ khó khăn hơn nếu dịch bệnh lan rộng ở châu Phi ».

Dịch bệnh virus corona lần này gợi nhắc lại trận dịch Ebola, bắt nguồn từ quốc gia Tây Phi Guinéa vào tháng 12/2013, rồi lan nhanh ra nhiều nước khác làm cho gần 20.000 người chết (theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới) trong tổng số 28.000 ca lây nhiễm. Thế giới cũng phải mất hơn 18 tháng để chiến đấu chống lại virus Ebola. Cuộc chiến này đã để lại một chấn thương tâm thần sâu đậm trong tâm trí người dân châu Phi.

« Phòng bệnh hơn chữa bệnh ». Trong nỗ lực đó, một mô phỏng khoa học đã được thực hiện nhằm đưa ra những dự báo về những ổ dịch mới đề phòng virus corona mới du nhập vào châu lục do những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Kết quả dự báo cho thấy Ai Cập, Algeri và Nam Phi là những nước dễ bị phơi nhiễm nhất của châu lục.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trường đại học Baptist Hồng Kông, đã tham gia vào tạp chí hôm nay.

viethoaiphuong
#426 Posted : Monday, February 17, 2020 9:34:19 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Khủng hoảng chính trị : Bỉ không có chính phủ từ gần một năm nay


Mai Vân - RFI - 17/02/2020
Dân Bỉ mới bầu lại Quốc Hội cách đây hơn 260 ngày, nhưng vương quốc này vẫn chưa thành lập được chính phủ liên minh. Tình hình càng rối ren kể từ tối thứ Sáu 14/02/2020 khi phái viên được nhà vua đề cử để thành lập chính phủ đã từ nhiệm.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Laxmi Lota, giải thích thêm:

Bộ trưởng Tư Pháp Koen Geens đã rất hy vọng thành lập được một chính phủ. Nhưng khi trở thành phái viên của Quốc Vương Bỉ, ông đã phải chịu thua, từ nhiệm sau 15 ngày làm việc.

Lý do là ông không thể đạt thỏa thuận giữa các đảng phải khác nhau về một chính phủ liên minh.

Đảng N-VA theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đảng Xã Hội đã về đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng lại không muốn cầm quyền chung với nhau. Trước tình hình bế tắc kéo dài hàng tháng trời, hai bên đã cố tiếp xúc với nhau để thảo luận nhưng không kết quả gì.

Cách đây vài ngày đảng Xã Hội đã cho rằng thương lượng với những kẻ dân túy đã trở nên một cực hình. Còn về phía đảng N-VA thì họ tố cáo thái độ áp đặt của đảng Xã Hội.

Trước viễn cảnh có chính phủ vẫn mờ ảo, nước Bỉ có thể phải chuẩn bị trở lại phòng phiếu.

Thế nhưng các đảng chính trị không mấy tán thành, ngoại trừ đảng cực hữu Vlaams Belang. Đảng này còn đưa ra kiến nghị tổ chức bầu cử trước thời hạn. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu sẽ thắng lớn ở vùng Flandres, với gần 30% ý định bầu, nếu người Bỉ phải đi bầu lại.

Nước Bỉ đã chính thức không có chính phủ từ hơn 420 ngày, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ do bất đồng về vấn đề di trú.

Và với kỷ lục 541 ngày không chính phủ trong hai năm 2010-2011, nước Bỉ quả đã nổi tiếng là một đất nước bất trị.

viethoaiphuong
#427 Posted : Tuesday, February 18, 2020 5:26:14 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona - Covid-19: WHO điều tra ở Bắc Kinh, tránh đến tâm dịch Vũ Hán

Thu Hằng - RFI - 18/02/2020
Một phái đoàn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) có mặt tại Bắc Kinh từ ngày 17/02/2020 để điều tra về dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) gây ra. Nhưng dường như các chuyên gia này chỉ "điều tra từ xa".

Thay vì đến tâm dịch Hồ Bắc, các chuyên gia của WHO chỉ làm việc với các đồng nhiệm Trung Quốc ở Bắc Kinh, và đi đến các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, gây thắc mắc về tính minh bạch của cuộc điều tra.

Theo trang Xinhuanet, ngày 17/02, phái đoàn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thăm một số trung tâm, bệnh viện tại Bắc Kinh, tiếp theo là tổ chức họp, thông qua hệ thống nghe nhìn, với giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc để thảo luận về tình hình dịch bệnh, các biện pháp kiểm soát-phòng ngừa và quá trình phát triển vắc-xin.

Ngày 18/02, phái đoàn của WHO đến hai tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên, theo phát ngôn viên Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn tìm cách trấn an thế giới khi cho rằng ngoài tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc, bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 chỉ « tác động đến một bộ phận rất nhỏ dân chúng » gây tỉ lệ tử vong chỉ khoảng 2%, tính đến hiện tại. Trước báo giới, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá « có vẻ như Covid-19 không gây chết người bằng những loại virus khác, trong đó có SARS và MERS ».

Dù du thuyền Diamond Princess trở thành ổ dịch nổi và quan ngại về một du khách người Mỹ từng đi tầu MS Westerdam được xác nhận nhiễm virus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng không cần đình chỉ toàn bộ hoạt động du lịch bằng du thuyền trên thế giới và tránh mọi biện pháp « bất tương xứng ».

AFP cho biết, trả lời báo giới ngày 17/02, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh : « Các biện pháp phải tương xứng với tình hình, phải căn cứ và những bằng chứng và yếu tố liên quan đến sức khỏe cộng đồng », song ông nhắc lại : « không tồn tại cấp độ 0 ».

Về số người chết và nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng chậm lại, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới tỏ hy vọng một cách thận trọng rằng tỉnh Hồ Bắc « đã đến đỉnh dịch », nhưng « còn quá sớm để chắc chắn về điểm này. Xu hướng này có thể bị thay đổi khi có một đợt dân cư mới bị nhiễm » Covid-19.
viethoaiphuong
#428 Posted : Thursday, February 20, 2020 5:28:58 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(AFP) - SpaceX tìm 4 hành khách. Công ty không gian Mỹ SpaceX ngày 18/02/2020 thông báo đã lập quan hệ đối tác với công ty Space Adventures, trụ sở gần Washington, để đưa đến 4 khách hàng tư nhân lên không gian từ đây đến năm 2022, trong một chuyến bay mà chi phí chưa được công bố, nhưng được thẩm định lên tới hơn 100 triệu đôla. Space Adventures đã từng làm trung gian đưa 7 du khách giàu lên Trạm không gian quốc tế ISS. Vị khách đầu tiên là Dennis Tito năm 2001, đã bỏ ra 20 triệu đôla để được ở 8 ngày trên trạm không gian ISS.

(AFP) - Cựu tổng thống Hàn Quốc bị tống giam. Ngày 19/02/2020, ông Lee Myung Bak đã bị tống giam sau khi phiên xử phúc thẩm đã tuyên án 17 năm tù giam đối với ông vì tội tham nhũng và lạm dụng công quỹ, nặng hơn mức án tù 15 năm trong phiên xử sơ thẩm. Tại Hàn Quốc, nhiều cựu tổng thống đã ngồi tù sau khi mãn nhiệm, kể cả bà Park Geun Hye, người kế nhiệm ông Lee Myung Bak.

(AFP) - Bang California sẽ xin lỗi người Nhật. Gần 80 năm sau, bang California sẽ chính thức xin lỗi về việc giam giữ hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật ở trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai. Đây là một trong những trang đen tối nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Ngày 20/02/2020, các dân biểu của bang này sẽ biểu quyết thông qua một nghị quyết chính thức xin lỗi về việc hơn 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị đưa vào các trại giam giữ, hai tháng sau vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1942.

RFI - 19/02/2020

viethoaiphuong
#429 Posted : Friday, February 21, 2020 5:34:50 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona - Covid-19: Hàng không thế giới có thể thiệt hại 30 tỉ đô la

Thụy My - RFI - 21/02/2020
Dịch bệnh do virus corona gây ra có thể làm các công ty hàng không bị thiệt hại đến 30 tỉ đô la trong năm 2020, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hôm nay 21/02/2020. Trong đó chỉ riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ bị mất đến 27,8 tỉ đô la doanh thu.

Các biện pháp cách ly, vé bị hủy hàng loạt, du lịch giảm sút tại Trung Quốc và trên thế giới…khiến năm 2020 « sẽ là một năm rất khó khăn cho các công ty hàng không ». Tổng giám đốc IATA, ông Alexandre de Juniac hôm nay cảnh báo như trên.

Hiệp hội tập hợp 290 hãng hàng không cho biết nếu cộng thêm tác động từ việc lượng khách ở phần còn lại trên thế giới bị giảm, tổng thiệt hại có thể là 29,3 tỉ đô la – một đòn nặng nề đối với vận tải hàng không vốn thường xuyên gia tăng, có doanh số 838 tỉ đô la trong năm 2019. Số lượng đặt chỗ trên toàn thế giới có thể lần đầu tiên sẽ bị sụt giảm kể từ dịch SARS năm 2003.

Ông Alexandre de Juniac nhấn mạnh, việc ngăn chận sự lan truyền của Covid-19 phải là ưu tiên hàng đầu, trong đó các chính phủ đóng một vai trò quan trọng.

IATA cho rằng khó thể dự báo được tầm cỡ tác động của nạn dịch đối với ngành hàng không trong giai đoạn hiện nay, vì chưa ai biết được diễn biến. Tuy nhiên hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn cho thế giới nếu dịch bệnh virus corona lan rộng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều hãng hàng không trong đó có Air France, British Airways, Air Canada, Lufthansa, Delta…đã ngưng các chuyến bay đến Hoa lục. OAG Aviation Worldwide cho biết các công ty hàng không Trung Quốc đã giảm 10,4 triệu chỗ đối với các chuyến bay nội địa kể từ khi nạn dịch khởi phát.

Theo Tổ chức Hàng không Quốc tế - ICAO, dịch corona chủng mới đã làm các công ty hàng không thế giới giảm từ 4 đến 5 tỉ đô la thu nhập. Và hậu quả sẽ còn nặng hơn dịch SARS, từng làm các hãng hàng không châu Á thiệt hại 6 tỉ đô la năm 2003.



Virus corona : Khó theo dõi dịch bệnh vì Trung Quốc lại đổi cách tính

Thanh Phương - RFI - 21/02/2020
Theo số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia ( bộ Y Tế ) Trung Quốc công bố hôm nay, 21/02/2020, trong 24 tiếng đồng hồ qua, tại Hoa lục đã có thêm 118 người bị chết vì virus corona mới (Covid-19), chủ yếu tại tỉnh Hồ Bắc, nâng tổng số tử vong trên toàn quốc là 2.236 người. Ngoài ra đã có thêm 889 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số ca lây nhiễm ở Hoa lục lên hơn 75.000 người.

Nhưng vấn đề là các số liệu nói trên được công bố sau khi Trung Quốc, hôm qua, vừa thông báo lại thay đổi cách tính số người bị nhiễm bệnh. Cụ thể là kể từ nay, họ chỉ thống kê những ca nào đã được xét nghiệm. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 8 này, Trung Quốc thay đổi cách tính số người bị lây nhiễm.

Cách đây 8 ngày, hôm 13/02, số ca lây nhiễm mới ở Hoa lục được công bố đã tăng vọt, tức là thêm hơn 15.000 người. Đây là mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12. Lý do của sự tăng vọt này là Trung Quốc thay đổi cách tính về số người bị lây nhiễm, cụ thể là kể cả những người có dấu hiệu sưng phổi sau khi được chụp radio cũng được đưa vào con số thống kê. Cho tới lúc đó, phải xét nghiệm acid nucléic mới có thể chẩn đoán nhiễm virus corona.

Việc số ca lây nhiễm tăng vọt ở Trung Quốc không hẳn là dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn, mà đúng hơn là nó cho thấy Bắc Kinh đã đánh giá thấp tầm mức của dịch bệnh. Nhưng giới chuyên gia quốc tế chưa hết ngỡ ngàng về cách tính mới, thì đùng một cái, Trung Quốc hôm qua lại chuyển sang thống kê theo kiểu khác !

Việc Trung Quốc thay đổi cách tính liên tục như vậy khiến cho các con số thống kê trở nên không rõ ràng, không phản ánh đúng thực thế, và như vậy khiến cho các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Không có số liệu thống kê không rõ ràng thì rất khó đánh giá mức độ lây nhiễm của Covid-19, nhất là cho tới nay các chuyên gia chưa thể xác định một cách chắc chắn thời gian ủ bệnh của virus này ( hiện được cho là từ 2 đến 12 ngày )

Ấy là chưa kể, các số liệu thống kê của Trung Quốc, dù chính xác đến đâu, chưa hẳn là một cơ sở vững chắc để dự đoán về diễn tiến của dịch Covid-19. Có thể lấy ví dụ về tỷ lệ tử vong. Về mặt lý thuyết thì tỷ lệ tử vong được tính rất đơn giản : chỉ cần chia số người chết trên tổng số người bị lây nhiễm, rồi nhân cho 100. Nếu tính như thế thì tỷ lệ tử vong của dịch Covid-19 hiện vẫn còn thấp, khoảng 2,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 10% của bệnh SARS.

Nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia, khi có dịch bệnh, bao giờ cũng có một khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân chết cho đến khi ca tử vong được thông báo, mà dịch Covid-19 hiện nay chưa lên đến đỉnh và chưa biết bao giờ mới kết thúc, cho nên rất khó tính toán tỷ lệ tử vong.

Tóm lại, virus corona mới Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn, việc Trung Quốc thay đổi liên tục cách tính số người bị lây nhiễm khiến cho việc giải mã những bí ẩn này thêm phức tạp, trong bối cảnh mà Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đang ráo riết chạy đua với thời gian để chế tạo vaccin ngừa Covid-19.

viethoaiphuong
#430 Posted : Friday, February 21, 2020 6:36:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

‘Nhờ’ dịch corona, người dân Việt Nam có tôm, cua giá rẻ?

Ngọc Lễ - VOA - 21/02/2020
Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) hoành hành ở Trung Quốc đã khiến nhiều hộ nông dân nuôi tôm hùm, cua ở Việt Nam điêu đứng vì không thể xuất khẩu được và phải nhờ đến thị trường trong nước giải cứu.

Tuy nhiên, một nông dân nuôi cua ở Cà Mau nói với VOA rằng ông không trông mong nhiều vào thị trường nội địa mà chỉ mong sao dịch bệnh ở Trung Quốc chóng qua để ông có thể xuất khẩu tiếp tục vào thị trường này.

Trong lúc này, báo chí trong nước đưa tin người tiêu dùng ở các thành phố lớn của Việt Nam đang đổ xô đến các siêu thị để mua tôm hùm với giá rẻ hơn nhiều so với ngày thường trong khi các tài khoản bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội đang rao bán tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau với giá rẻ.

Tôm hùm Khánh Hòa hay cua Cà Mau là những sản phẩm thủy hải sản nổi tiếng của Việt Nam lâu nay rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nhưng lại không được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong nước vì giá đắt đỏ.

‘Đành phải bán rẻ’

Trao đổi với VOA, ông Đỗ Hảo, một nông dân nuôi cua ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tình hình tiêu thụ cua ở địa phương ông đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Lâu nay chúng tôi chủ yếu xuất cua ra thị trường nước ngoài, nay phải bán rẻ cho thị trường nội địa,” ông than thở và cho biết lượng xuất khẩu ra nước ngoài mà chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng cua của ông.

Những khi xuất khẩu được thì giá cua nội địa ‘đu theo giá xuất khẩu’ nên có giá rất cao và nhờ đó, người nông dân mới có thu nhập cao, ông cho biết.

Theo lời ông Hảo thì một kg cua gạch xuất khẩu được thương lái thu mua với giá 500.000 đồng trong khi bán ra thị trường trong nước chỉ có giá 200.000 đồng, tức là chưa tới một nửa giá thu mua cho xuất khẩu.

“Một khi không xuất khẩu được thì chúng tôi phải bán theo giá nội địa,” ông nói và cho biết khi cua đủ lớn đến kỳ thu hoạch thì không thể tích trữ được mà phải đem ra thị trường tiêu thụ.

Ông thừa nhận rằng giá bán 200.000 đồng một kg cua gạch ở thị trường trong nước ‘không đến nỗi lỗ’ đối với người nông dân nhưng ‘mức lời rất ít’ – không đủ để trang trải cho những rủi ro trong nghề nuôi cua.

“Giá xuất qua thị trường Trung Quốc có lúc giảm, lúc tăng nhưng lúc nào cũng cao hơn giá thị trường trong nước,” ông nói và cho biết lúc cao điểm khi gần đến Tết Nguyên đán, giá cua gạch xuất sang Trung Quốc thường lên tới 650.000 đồng một kg.

Theo lời ông thì những lúc thị trường Trung Quốc bình thường, thương lái đến thu mua cua Cà Mau ‘rất đông’ và họ ‘lúc nào cũng thu mua hết của bà con nông dân’.

“Lúc không có dịch thì mỗi ngày có đến 4, 5 thương lái đến thay nhau cân cho hết cua chất cho đầy xe. Nông dân tụi tui có cuộc sống rất ổn định,” ông nói. “Nhưng chỉ 1, 2 ngày sau khi có dịch thì chỉ còn 1 thương lái xuống mua mà có mối hàng sẵn họ mới dám xuống cân cua.”

‘Quyết định đúng đắn’

Khi được hỏi tại sao không tập trung tiêu thụ thị trường trong nước vốn cũng có nhu cầu lớn đối với cua Cà Mau, ông Hảo phân trần: “Người nông dân nuôi cua làm việc rất vất vả. Họ làm ra thành phẩm nên cần có thu nhập cao. Nếu bán cho thị trường trong nước có chăng là bán giá rẻ nên người nông dân không thiết tha lắm.”

Theo lời ông Hảo thì thị trường trong nước không thể mua bằng với thị trường Trung Quốc là 500.000-600.000 đồng một kg cua, mà nếu có bán được với giá đó thì tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác trong nước cũng tăng giá lên theo, khiến cho mức sống của người dân, trong đó có nông dân nuôi cua, sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

“Chúng tôi chỉ mong sao Trung Quốc hết dịch để chúng tôi xuất khẩu được, cua có giá trở lại,” ông nói với VOA và cho biết ở địa phương ông có nông dân đã lỗ đến 100 triệu đồng vì dịch bệnh so với cùng thời điểm năm ngoái.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế giao thương với Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh, ông Hảo cho rằng đó là ‘quyết định đúng đắn’ của chính phủ Việt Nam.

“Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân. Hàng hóa không tiêu thụ được thì người nông dân khổ nhưng dù sao thì cái khổ đó vẫn có thể chịu được. Nông dân nuôi cua dù không có lời nhiều nhưng vẫn tiêu thụ được trong nước. Còn cái khổ dịch bệnh thì người dân sẽ chết,” ông giải thích và nói rằng dù bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng ông vẫn ‘cắn răng chịu đựng thiệt hại’ của việc đóng cửa khẩu với Trung Quốc.

‘Tôm hùm giá rẻ’

Trong khi đó, cũng do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, tôm hùm Khánh Hòa đang được các doanh nghiệp trong nước ‘giải cứu’ và đổ về các siêu thị ở Việt Nam với mức giá được cho là ‘rẻ khác thường’: chỉ còn 500.000 đồng một kg so với mức giá từ 1 đến 2 triệu đồng một kg thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các báo trong nước đưa tin.

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm và chuỗi siêu thị bán lẻ cũng đã kết nối với các doanh nghiệp thu mua tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để giải cứu tôm hùm – giúp người nông dân tiêu thụ được tôm hùm ở thị trường nội địa.

Mức giá rẻ bất ngờ này đã khiến sức tiêu thụ tôm hùm trong nước ‘tăng vọt’, theo tường thuật của nhiều tờ báo trong nước và nhiều siêu thị không đủ tôm hùm để bán cho người dân.

Báo mạng VnExpress cho biết tôm hùm giờ đây đã trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở các siêu thị.

Tờ báo này dẫn lời một nhân viên ở siêu thị Vinmart Thảo Điền cho biết ‘chỉ trong vòng 10 phút, siêu thị đã bán hết một tạ tôm hùm’. Một người chủ cửa hàng Đảo Hải Sản ở Saigon cũng được báo mạng này dẫn lời nói rằng doanh số tôm hùm của họ trong vòng một tuần nay đã ‘tăng hơn 10 lần so với trước đó’.
viethoaiphuong
#431 Posted : Monday, February 24, 2020 9:38:31 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(AFP) - Pháp : Mèo ra tranh cử tại địa phương ?
Một đảng ở Pháp hôm 24/02/2020 loan báo ý định cho một con mèo vào danh sách ứng cử trong cuộc bầu cử địa phương ở Rennes (miền tây nước Pháp) ngày 15 và 22/03 để nhấn mạnh đến điều kiện sống của loài vật. Danh sách « Rennes en commun » của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất muốn cho mèo Rec vào gần cuối danh sách, dưới cái tên được một người cho mượn. Đồng giám đốc chiến dịch tranh cử Félix Boullanger nói rằng việc này chỉ mang tính biểu tượng. Liên danh cam kết ủng hộ bảo vệ súc vật, tăng protein thực vật trong các căng-tin, cấm các đoàn xiếc sử dụng động vật hoang dã và chủ trương triệt sản mèo hoang.
1 user thanked viethoaiphuong for this useful post.
Tonka on 2/24/2020(UTC)
viethoaiphuong
#432 Posted : Wednesday, February 26, 2020 4:49:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc trong nạn dịch virus corona ?

Thụy My - RFI - 25/02/2020
Vì sao toàn thế giới xúc động và cảm thương cho Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, mà lại không khóc cho những người bệnh ở Vũ Hán ? - Le Monde đặt câu hỏi. Tệ hơn nữa, từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới.

Tại châu Á, người ta mỉa mai « những kẻ ăn thịt dơi nay phải trả giá ». Ở châu Âu, người ta tránh xa người Hoa trên các phương tiện vận chuyển công cộng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn tỏ ra hớn hở khi Bắc Kinh bị khốn đốn, nói rằng nạn dịch sẽ kích thích các công ty đưa sản xuất trở về Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đang thua trong cuộc chiến truyền thông

Tuy có vẻ bất công, nhưng các phản ứng này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang bị thua trong cuộc chiến truyền thông. Đúng hơn là nhiều cuộc chiến, cả với bên ngoài lẫn trong nội bộ.

Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân hào phóng nhất để giúp tái thiết vùng bị nạn. Còn năm 2020, đông đảo nhân viên y tế Hồng Kông lại đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục.

Ngay cả những nước tham gia vào « Con đường tơ lụa mới » do ông Tập Cận Bình lăng-xê năm 2013 để thiết lập một mạng lưới các Nhà nước bạn bè trên thế giới, như Kazakhstan hay Philippines, lại đóng sập cửa với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên dù lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đóng chặt biên giới.

Le Monde ghi nhận Ý, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia « Con đường tơ lụa », nay coi du khách Trung Quốc như hủi, ngay cả trước khi nạn dịch lan sang. Ý cũng là nước châu Âu đầu tiên mau mắn cho ngưng tất cả các chuyến bay đi và đến Hoa lục ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch virus corona. Nga thì cho đóng cửa biên giới, trục xuất những người nhiễm bệnh – điều mà Matxcơva đã không làm trong dịch SARS năm 2003.

Trung Quốc lên án thái độ này, nhưng liệu còn có thể làm gì hơn ? Tất cả các quốc gia trên đều chỉ lặp lại những gì mà Bắc Kinh đã áp đặt cho Hồ Bắc : cô lập những vùng đang bị con virus hoành hành. Trung Quốc đối với thế giới cũng như Hồ Bắc đối với Trung Quốc.

Làm áp lực với WHO, nhưng rốt cuộc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố

Thất bại của Bắc Kinh thấy rõ trên lãnh vực ngoại giao. Trung Quốc đã làm áp lực dữ dội lên Tổ chức Y tế Thế giới để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/1, đặt chính trị lên trên khoa học dù có những tranh cãi kịch liệt. Rốt cuộc trước sự phản đối của các nhà chuyên môn do Pháp dẫn đầu, một tuần sau đó Bắc Kinh đành phải chấp nhận xuôi tay : Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh trên toàn thế giới hôm 30/1.

Trong khi trước đó hai ngày, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích chính quyền Trung Quốc, mà ngược lại còn hoan nghênh « sự minh bạch » và « nhanh chóng » hành động của ông Tập !

« Minh bạch » ? Cũng trong cùng ngày hôm ấy, 28/1, người ta biết được rằng hôm 1/1 Bắc Kinh đã bắt tám bác sĩ ở Vũ Hán vì đã cảnh báo về nạn dịch, dám so sánh con virus mới với SARS. Trên trang change.org, kiến nghị đòi ông Tedros từ chức đến hôm nay 25/02/2020 đã thu thập được gần 400.000 chữ ký.

Và rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh đã làm mất đi ba tuần lễ quyết định trong cuộc chiến chống virus corona. Tuy có nhanh hơn so với năm 2003, khi đó Trung Quốc che giấu sự trầm trọng của dịch SARS trong suốt ba tháng trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, số người ngoại quốc đến Hoa lục đã tăng lên gấp ba lần, còn số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài cũng tăng gấp bảy lần. Thế nên tốc độ lan tràn của virus nhanh chóng hơn rất nhiều.

Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc coi trọng ngoại giao hơn vấn đề dịch tễ, là Bắc Kinh tiếp tục ngăn trở, không cho Đài Loan được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, tuy Đài Loan bị ảnh hưởng khá nặng bởi con virus, và các bác sĩ xứ Đài rất giỏi. Việc loại Đài Loan cho bằng được đã bị các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản lên án, chứng tỏ Trung Quốc luôn chủ trương dùng sức mạnh thay vì hợp tác.

Sau khi WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc liền ra thông cáo nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác. Tuy nhiên hành động đi ngược với lời nói. Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu chống phương Tây, tố cáo báo chí thế giới tự do bài Hoa quá đáng.

Giấu thông tin, đàn áp khiến bất bình lan tỏa tại Hoa lục

Sự thất bại trong việc áp đặt quan điểm của mình, và thậm chí không thể tạo ra phong trào liên đới với Trung Quốc trong nạn dịch, còn phản ánh sự bất lực của chính quyền trong việc tạo ra tình đoàn kết dân tộc xung quanh đảng Cộng Sản.

Tuy người dân Trung Quốc chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người chỉ trích thời gian vàng bị đánh mất. Mãi đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới chịu nhìn nhận rằng con virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên ngay từ hôm 25/12/2019 các bác sĩ đã nêu ra khả năng này. Và đến hôm 01/01/2020 chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, được cho là nơi xuất phát dịch bệnh, mới bị đóng cửa, nhưng với danh nghĩa là để « sửa chữa ». Trong khi vào lúc đó, rất nhiều người làm việc tại chợ này đã bị cách ly.

Thời điểm cận Tết âm lịch, cộng với các đại hội của tổ chức đảng địa phương và chuẩn bị cho cuộc họp Quốc Hội ở Bắc Kinh vào đầu tháng Ba, việc phải báo cáo những tin xấu lên trung ương là cơn ác mộng của các quan chức địa phương. Vũ Hán còn muốn gây ấn tượng với việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ trên 40.000 người tham dự hôm 19/1, nếu hủy bỏ vào phút chót coi như ký vào bản án tử.

Những điều đó nay người dân đều đã biết hết, cũng như việc Tập Cận Bình im lặng trong một thời gian dài, đẩy thủ tướng Lý Khắc Cường ra tiền tuyến. Khác với các nhà lãnh đạo thời trước như Ôn Gia Bảo, ông Tập không tìm ra từ nào để an ủi người dân trong các cuộc khủng hoảng. Trái lại, ông lại nặng tay hơn trong việc trấn áp những tiếng nói chỉ trích trên mạng. Vụ bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm sủa nạn dịch bị bắt và sau đó bị chết vì con virus corona, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy tại Hoa lục.

Cường quốc không bạn bè

Trên trường quốc tế « Chính trong những thời điểm khó khăn mà người ta biết được ai là bạn thực sự. Và Trung Quốc nhận ra rằng họ chẳng có bao nhiêu bạn bè » - Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh.

Chỉ có nhà độc tài Hun Sen đang trị vì Cam Bốt, nước chư hầu của Trung Quốc đến Bắc Kinh để bắt tay Tập chủ tịch, bày tỏ lòng trung thành. Tờ báo cũng tiết lộ ông Hun Sen còn đưa quý tử Hun Manet, tổng tư lệnh quân đội Cam Bốt trình diện « thiên triều ». Đó là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đến Trung Quốc trong thời dịch bệnh, nhưng có lẽ để cầu cạnh nhằm kéo dài triều đại.

Sao Bắc Kinh lại cô đơn đến vậy ?

Mạng xã hội từng tràn ngập nến, hoa, và những dòng chữ « Cầu nguyện cho Paris », chia sẻ những hình ảnh về công trình nổi tiếng 800 năm tuổi đang bốc cháy giữa thủ đô nước Pháp. Hay là cầu nguyện cho Amazon, cho nước Úc…trong thảm họa cháy rừng, cho những nạn nhân các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng còn Vũ Hán, với hàng loạt người bệnh ngã gục, các đại đô thị như Thượng Hải trở thành thành phố ma…sao không có phong trào liên đới nào ?

Dư luận đồng cảm với các nạn nhân của dịch bệnh tại Hoa lục, nhưng không phải với chính quyền độc đoán của họ.

Không ít người tự hỏi, phải chăng nhân nào quả nấy. Năm 2013 có đến 10.000 người Philippines thiệt mạng trong siêu bão Hải Yến (Haiyan). Một số nước hứa tặng hàng chục triệu đô la, Indonesia cũng thường bị thiên tai cũng hỗ trợ đến một triệu đô la, nhưng Bắc Kinh thông báo chỉ giúp Manila có 100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng của trận bão này như Việt Nam. Thời điểm đó, Philippines dưới sự lãnh đạo của tổng thống Benigno Aquino có thái độ kiên quyết trước việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

Về kinh tế, phải chăng qua nạn dịch này chính phủ và doanh nghiệp các nước đã nhận ra mối nguy khi lệ thuộc vào một nhà nước toàn trị thiếu minh bạch, và ngày càng muốn xa lánh.

Phải chăng việc ỷ mạnh hiếp yếu bắt nạt các nước nhỏ, dùng thủ đoạn để cạnh tranh, chèn ép về kinh tế, đánh cắp công nghệ…lâu nay đã gây nhiều bất bình, nay mới bộc lộ. Một nhà nước chạy đua lên không gian, tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu với Mỹ nhưng để dân chết như rạ vì dịch bệnh, bắt bớ các nhà báo công dân đưa tin về Vũ Hán…đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí hơn trước thế giới.





Covid-19: "Đại dịch" tin giả hoành hành trên mạng

Thanh Phương - RFI - 26/02/2020
Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus corona mới hiện đang lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội, một « đại dịch » mà các tập đoàn Internet đang cố chống đỡ, nhưng không dễ ngăn chận.

Theo lời giáo sư Carl Bergstrom, đại học Washington, một chuyên gia về tin giả trên mạng, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 26/02/2020, đa số những người phao tin giả chẳng thèm biết là người đọc có tin hay không. Họ chỉ dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để đạt được mục đích của họ, hoặc để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.

Một số người tìm cách bán hàng, chẳng hạn như bảo đảm với mọi người là cần sa có thể giúp ngừa virus dịch Covid-19. Những người khác thì cố thu hút người xem càng nhiều càng tốt để nhận tiền quảng cáo trên mạng.

Ấy là chưa kể những chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu các nền dân chủ, tạo cảm tưởng là không thể tin vào ai được. Theo giáo sư Bergstrom, đó là chiến lược tuyên truyền ồ ạt, thường được nước Nga sử dụng.

Hôm 22/02, các quan chức Hoa Kỳ cho hãng tin AFP biết là hàng ngàn tài khoản với tên giả có liên hệ với Nga trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram đang phao những tin thất thiệt có nội dung chống Mỹ về virus corona mới. Cụ thể, chiến dịch thông tin này để lan truyền các thuyết âm mưu, lúc thì cho rằng virus Covid-19 là do Mỹ tạo ra để gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, lúc thì khẳng định đây là một vũ khí sinh học do CIA chế tạo, hoặc đây là một phần trong chiến lược của phương Tây tuyên truyền chống Trung Quốc.

Matxcơva, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, đã bác bỏ những cáo buộc nói trên của Mỹ. Nhưng các cáo buộc đó không phải là không có cơ sở, vì trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cơ quan mật vụ Liên Xô đã từng nhiều lần tuyên truyền rằng bệnh SIDA chính là do các nhà khoa học Mỹ tạo ra.

Rất nhiều người tin vào những thuyết âm mưu đó, đơn giản chỉ là vì cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của dịch Covid-19, nên công chúng phải tự đi tìm hiểu, và hầu như ai cũng lên các mạng xã hội để tìm lời giải đáp.

Ngay từ đầu tháng 2, Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO đã cảnh báo về « đại dịch » tin giả này, bởi vì có quá nhiều thông tin sai lạc về dịch virus corona mới, gây thêm khó khăn cho công việc của họ và của các cơ quan y tế các nước.

Vì nghe theo các tin giả, nên người dân càng thêm hoảng loạn, và thế là mọi người đổ xô đi mua khẩu trang bảo hộ y tế, hay bị sốt một chút cũng chạy đến khoa cấp cứu của bệnh viện, vốn đã bị quá tải, hoặc ngược có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19, nhưng giấu nhẹm vì nghe đồn là những người bệnh sẽ bị thế này thế kia.

Để phối hợp chống « đại dịch » tin giả, cách đây 10 ngày, WHO đã họp với đại diện các tập đoàn công nghệ tin học (Facebook, Twitter, Google - bao gồm cả YouTube - ngay tại trụ sở của Facebook ở khu Silicon Valley.

Các tập đoàn này đã tăng cường các chính sách hiện có, tức là gỡ bỏ mọi nội dung có thể gây phương hại cho công chúng, những quảng cáo về các phương thức điều trị nguy hiểm, và thay vào đó là những thông tin đáng tin cậy, trong đó có những thông tin đến từ WHO.

Riêng Facebook còn dựa vào chương trình "Third party fact-checking", tức là nhờ một bên thứ ba thẩm tra thông tin, một chương trình được phát triển từ năm 2016.

Trong khi đó, theo đài truyền hình Mỹ CNBC, tập đoàn thương mại trực tuyến Amazon đã rút khỏi trang mạng những sản phẩm được quảng cáo là « thần dược » chống virus corona.

Nhưng đối với giáo sư Carl Bergstrom và Jevin West, hai đồng tác giả một cuốn sách về tin giả sắp được phát hành, những biện pháp nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, lý do là vì cơ cấu của các mạng xã hội vẫn tạo điều kiện dễ dàng cho sự lan truyền của những tin « giật gân » hoặc sai lạc. Các học giả khác ở Mỹ thì cho rằng những nỗ lực thẩm tra thông tin có thể chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn phản tác dụng.

Tóm lại, chưa biết thế giới có sẽ chặn đứng được dịch Covid-19 hay không, nhưng rõ ràng là không dễ gì dẹp được « đại dịch » tin giả trên mạng.

viethoaiphuong
#433 Posted : Thursday, February 27, 2020 7:21:43 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Dịch Covid-19 gây tranh luận về mô hình toàn cầu hóa

Thanh Hà - RFI - 27/02/2020
Dich virus corona mới (Covid-19) đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng của toàn cầu, gây trở ngại cho cỗ máy sản xuất của thế giới. Chứng khoán từ Âu sang Á tụt giảm, một phần lớn người lao động Trung Quốc được nghỉ phép dài hạn ngoài ý muốn. Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng dịch bệnh lần này là cơ hội để xem xét lại mô hình toàn cầu hóa.

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, dịch virus corona đang thay "thay đổi luật chơi" trên bàn cờ thương mại và kinh tế của thế giới. Thậm chí, tổng thống Mỹ Donald Trump còn hy vọng đây là thời điểm để những tập đoàn đã di dời cơ sở sản xuát ở hải ngoại trở về nguyên quán, "tái công nghiệp hóa" lại một số vùng và lãnh thổ ở Hoa Kỳ.

Thực ra, mọi việc không đơn giản. Trong một thế giới đã "toàn cầu hóa" trong gần 25 năm qua, Trung Quốc từng bước trở thành "công xưởng của thế giới". nhân công rẻ, luật lệ lao động không quá khắt khe... và dân số hơn một tỷ người của Trung Quốc là động cơ thúc giục các công ty quốc tế, bất luận lớn hay bé ồ ạt di dời cơ sở sang Trung Quốc. Làn sóng dời cơ sở sản xuất đó không dừng lại ở Trung Quốc mà đã lan sang tất cả những quốc gia đang phát triển có tiềm năng. Ngành dệt may chủ yếu hướng tới Ấn Độ, hay Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan hay Tunisia. Cũng Ấn Độ là bãi đáp lý tưởng của các công ty tin học. Một hãng sản xuất giầy nổi tiếng của Pháp cũng đã đóng cửa các nhà máy tại nguyên quán để sản xuất ở Trung Quốc với giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó, là trong thế giới mở rộng kinh tế của các nước đã đan kết chặt chẽ vào với nhau. Đến nỗi để sản xuất ra được một chiếc ô tô, tất cả các phụ tùng và trang thiết bị điện tử... được chế tạo và nhập khẩu từ 35 quốc gia khác nhau. Nhưng chỉ cần một trong số các đối tác đó gặp nạn, như lần này là trường hợp của Trung Quốc là cũng đủ để cả hệ thống sản xuất của thế giới bị "trật đường rày".

Hơn nữa, cũng chính vì yếu tộ "đan kết chặt chẽ" này mà chính quyền Trump không thể phạt Hoa Vi của Trung Quốc mà không làm tác hại đến ngay các công ty của Mỹ trong ngành điện tử và viễn thông.

Trong bối cảnh như vậy, theo nhiều nhà phân tích, dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng không thể dẫn đến việc xem xét lại mô hình "kinh tế toàn cầu hóa" và sự phân công lao động quốc tế đó. Bởi vì giới đầu tư, vì lợi nhuận, lúc nào cũng sẵn sàng đi rất xa để kiếm lời.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng giúp đưa tất cả mọi người cùng trở về với thực tế đó là chỉ số chứng khoán đã liên tục tăng mạnh từ hơn 7 năm qua để rồi mức rủi ro vỡ bong bóng được thẩm định là còn cao hơn cả so với thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2008. Vì virus chủng mới này, chỉ số tài chính của từ Milano đến Hồng Kông, Thượng Hải hay Tokyo đã liên tục mất giá. Tại Wall Street, Covid-19 chận đứng nhịp độ tăng đều đặn của chỉ số Down Jones vốn được xem là hàn thử biểu đo lường sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Một số nhà phân tích không loại trừ khả năng virus corona đang làm hạ nhiệt tình hình trên các sàn chứng khoán, ngược lại cũng có tiếng nói cho rằng, nếu kéo dài, Covid-19 có thể là mầm mống tạo nên một cơn bão tiền tệ và tài chính khác.

Trong cái rủi có cái may. Dịch bệnh làm cho sản xuất đình đốn nhưng làm rõ sự cấp thiết phải bảo vệ và cải thiện môi trường. Tại Trung Quốc đành rằng hàng chục triệu người đã cách ly từ cả hơn tháng nay, các nhà máy và công sở đã phải đóng cửa, nhờ vậy mà mức thải khí carbon tại các thành phố lớn giảm mạnh. Đường phố vắng người, vắng xe ... chất lượng không khí tại Thượng Hải, Bắc Kinh được cải thiện hơn hẳn. Với phần còn lại của thế giới cũng vậy, nhờ các hãng hàng không quốc tế ngưng hoạt động ở Hoa Lục, nhờ số du khách đến và xuất phát từ Trung Quốc giảm mạnh, lượng thải khí carbon trong ba tuần qua giảm được 10 % trên toàn thế giới. Giao thông hàng hải giảm mạnh trong ba tuần lễ đầu tháng 2 đã góp phần làm giảm hẳn ô nhiễm cho môi trường.

Một số nhà quan sát còn bi quan cho rằng một khi Covid-19 đã lùi vào quá khứ, thì mọi việc vẫn đâu hoàn đấy.
viethoaiphuong
#434 Posted : Friday, February 28, 2020 9:21:06 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Bài học virus corona : Cơ hội phi « Trung Quốc hóa » kinh tế toàn cầu ?

Tú Anh - RFI - điểm báo Pháp - 28/02/2020
Siêu vi Corona chủng mới đã lan khắp địa cầu. Thị trường tài chính hốt hoảng, nhiều lãnh vực kinh tế tê liệt vì lệ thuộc vào công xưởng Trung Quốc. Giới doanh nhân, y tế, chính trị ráo riết đối phó ra sao ? Đâu là những biện pháp cần làm ? Đâu là những ngộ nhận? Với góc nhìn kinh tế, Le Figaro xem đại họa corona là cơ hội để phương Tây « thoát Trung ».

Siêu vi Corona : Biến đại họa thành cơ hội cân bằng thương mại

Với các tựa « Kinh tế thế giới dưới cơn sốc Coronavirus », « Hàng loạt lãnh vực công nghiệp sắp bị tê liệt » « Corona lan rộng làm tăng nguy cơ khủng hoảng thế giới » « Các xí nghiệp chuẩn bị các biện pháp thích ứng với tình thế », Le Figaro phát họa một bức tranh ảm đạm với hai kết luận : Chúng ta đã lệ thuộc vào Trung Quốc đến mức báo động. Đây là cơ hội để tái cân bằng hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế.

Ngay trang nhất, xã luận « bài học con siêu vi » xác quyết : Lẽ ra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, trao đổi hàng ngày từ giải trí cho đến công nghệ, từ giao thông cho đến xây dựng, các xí nghiệp của Pháp phải được nhãn hiệu « Made in France » bảo đảm thành công.

Tuy nhiên vì trong mấy thập niên nay, Pháp đã dời sản xuất qua Trung Quốc cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy nước Pháp bị thiếu thuốc, thiếu linh kiện. Thế nhưng, không phải vì dịch Corona mà nghe theo xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trái lại, đây là cơ hội để tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của kinh tế : phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp để không lệ thuộc vào bất kỳ ai.

Bất kỳ ai mới được ? Trang ý kiến của Le Figaro trả lời : Dịch Corona là cơ hội để các quốc tây phương ý thức rõ bị lệ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Còn giới tài chính, đây có thể là cơ may để điều chỉnh tình trạng bất cân bằng trong xu hướng toàn cầu hóa.

Chuyên gia nghiên cứu tài chính vĩ mô ở Luân Đôn Nicolas Goetzmann dẫn chứng : Toàn cầu hóa thực tế là Trung Quốc hóa gần như toàn bộ kinh tế thế giới. Trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2018, Trung Quốc tăng từ 3% GDP thế giới lên 18%. Trong khi đó, không một nước nào lên tới 4%. Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 80% máy điều hòa không khí, 70% máy điện thoại, 60% giày dép tiêu thụ trên thế giới. Chiến tranh thương mại trong hai năm qua càng làm lộ rõ thế yếu của phương Tây.

Cách thức Bắc Kinh quản lý khủng hoảng corona, mà không hiểu vì sao có người khen ngợi trong khi người khác chỉ trích là giống Liên Xô giấu giếm thảm họa hạt nhân Tchernobyl, càng làm công luận thêm nghi ngờ Trung Quốc.

Thông tin về chính sách nhốt tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương , vụ khủng hoảng Hồng Kông, cáo buộc Hoa Vi làm gián điệp… đánh thức lương tâm người dân phương Tây khiến cho « giấc mơ Trung Quốc » của Tập Cận Bình đụng vào cản lực.

Theo tác giả, Châu Âu có nhiều lá chủ bài trong tay để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Châu Âu cần hàng Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng lệ thuộc nhiều hơn vào mức cầu của Châu Âu.

Châu Âu phải ra khỏi chiếc bẫy do mình tạo ra : mua hàng giá rẻ của một chế độ độc tài nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhất hành tinh, và ngày càng phô trương tham vọng bá quyền.

Thuốc giải của các nền dân chủ phương Tây là vừa giảm bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, vừa ưu tiên cho tăng trưởng trong nước tức là tài trợ tạo công ăn việc làm, sản xuất nội địa, nâng cao sức mua của người dân. Nói rõ hơn, đó là một chính sách kinh tế quân bình có sự can thiệp của nhà nước để vừa có thể phục vụ xã hội, củng cố tăng trưởng trong một nền dân chủ tự do. Chính sách đó sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa rộng mở.

Vì sao không nên cô lập nước Ý ?

Cũng cùng nhận định, Les Echos cho biết thêm các xí nghiệp ngoại quốc tại Hoa lục đang bị tác hại mạnh. Còn tại Nhật, thủ tướng Shinzo Abe ra lệnh đóng cửa tất cả trường học cho đến đầu tháng Tư.

Một câu hỏi then chốt cũng đang được đặt ra tại Châu Âu là có cần đóng cửa biên giới « cô lập » ổ dịch nước Ý hay không ? Les Echos dứt khoát trả lời không. Theo nhật báo kinh tế, mỗi lần đất nước có vấn đề nghiêm trọng thì luôn luôn có những kẻ tự cho là khôn ngoan hơn người. Trong vụ Covid-19, không thể chê trách cách quản lý của chính phủ Pháp, thận trọng không nghe theo chủ trương cách ly triệt để theo kiểu Bắc Kinh. Đúng là dân chúng lo sợ vì không ai biết nguồn cội siêu vi, giới khoa học cũng chưa có cách đối phó. Nhưng nếu cấm 3.000 ủng hộ viên đội banh Ý Turino sang đấu ở Lyon chỉ càng làm tăng thêm tâm lý sợ hãi.

Trước hết, phải thấy chính Trung Quốc đã gây ra tình trạng hỗn loạn này khi từ đầu đã chối là không có dịch, giấu không được thì huy động các biện pháp thô bạo để trấn áp một hiện tượng mà ban lãnh đạo đảng cho là đe dọa ổn định xã hội. Chính các biện pháp thô bạo của Bắc Kinh đã gây ra tâm lý sợ hãi và lan khắp địa cầu. Nói tóm lại, để đối phó hiệu quả với Covid-19 thì cần có sự hợp tác khắp thế giới, tức là giới chuyên gia phải có quyền tự do đi lại. Bảo hộ, cách ly y tế không phải là toa thuốc tốt.

Ký ninh gây tranh cãi

Thuốc trị sốt rét Chloroquine (ký ninh) được Trung Quốc loan báo là có hiệu quả để chống siêu vi Covid-19. Tin này được một chuyên gia phương Tây là giáo sư Didier Raoult đồng tình tán thưởng. Le Monde đánh dấu hỏi hoài nghi.

Nhật báo độc lập cho biết thêm là thông báo của giáo sư Didier Raoult thật ra là dựa vào « bức thư thật ngắn » của ba nhà nghiên cứu Trung Quốc gửi cho tạp chí y khoa Trung Quốc, lấy lại toàn văn của thông báo của chính phủ Trung Quốc hôm 17/02 và được Tân Hoa xã phổ biến cùng ngày, theo đó Chloroquine được sử dụng chữa trị lành cho một vài bệnh nhân. Vấn đề là số người bệnh sử dụng thuốc rất ít, báo cáo cũng không cho biết danh sách người uống thuốc khác để có thể so sánh và kết luận.

Bruno Canard, một chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu sinh hóa Aix-Marseille thận trọng : cần phải có thêm xác minh khoa học. Ngay Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng chưa liệt kê « ký ninh » vào danh sách ưu tiên dùng chữa trị siêu vi Covid-19, Le Monde nhắc khéo độc giả.

Trump, Modi, Tập Cận Bình, Putin có điểm nào giống nhau ?

Với tựa « Nhà nước pháp trị và nhóm tứ nhân bang », bài bình luận của Le Monde chỉ đích danh bốn thủ phạm chà đạp hai niềm hy vọng của nhân loại từ khi chiến tranh lạnh kết thúc : đó là một trật tự thế giới dân chủ và những chế độ biết thượng tôn pháp luật.

Để trả lời câu hỏi trên, nhà báo Alain Frachon đặt thêm nhiều câu hỏi khác : Vì sao gần một triệu thường dân Syria ở Idleb trốn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà không chạy về phía quân đội Damas và quân đội Nga ? Tại sao tại Hội Đồng Bảo An, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga bác bỏ mọi đề nghị trợ giúp nhân đạo cho người dân Syria như là muốn cho cuộc chạy loạn này diễn ra trong điều kiện càng tồi tệ càng tốt ?

Theo tác giả, thế kỷ 21 này đã bắt đầu với những đòn chí tử đánh vào ước mơ một trật tự thế giới mới. Cuộc tấn công thống trị Irak năm 2003. Tiếp theo đó là xuất hiện những sự kiện xác định xu thế chủ trương dùng sức mạnh áp đặt chuyện đã rồi : bình thường hóa chính sách xáp nhập lãnh thổ không phải của mình. Với Modi, với Putin, với Tập, sửa đổi biên giới bằng vũ lực, nguyên tắc thương mại của WTO bị Trump xem thường.

Tập và Putin được bảo đảm lãnh đạo trọn đời. Điểm khác biệt là Trump bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ, nhưng khắp thế giới, xu hướng độc đoán thắng thế, các nền dân chủ tự do bị yếu đi. Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungari có thể không gây ngạc nhiên, nhưng ở Washington, chiếc nôi của nền dân chủ thì không thể hiểu được. Đối thủ hay đồng minh của Mỹ đều bị ông Donald Trump mắng nhiếc như kẻ thù hay kẻ phản bội.

Cách nay ba năm, nhà bình luận Anh Martin Wolf đã viết về Donald Trump như sau : « Trump là hạng người mà những vị sáng lập Hiệp Chủng Quốc rất sợ. Alexander Hamilton (thế kỷ 18) cho rằng trong số những nhà lãnh đạo của chế độ Cộng hoà có công kích các quyền tự do, hầu hết là những người bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng thái độ khúm núm trước người dân. Họ khởi nghiệp bằng mị dân để cuối cùng trở thành bạo chúa ».

« Ngục Văn Tự »

Cũng trong hồ sơ nhân quyền, Le Monde giới thiệu quyển nhật ký trong tù của Hoàng Chi Phong, một trong những lãnh tụ sinh viên Hồng Kông, tham gia phong trào dân chủ từ năm 2010, lúc mới 14 tuổi, khi chính quyền Hồng Kông bắt buộc đưa vào học đường chương trình giáo dục yêu Trung Quốc.

« Ngục Văn Tự », ấn bản tiếng Pháp là « Parole enchainée » được người thanh niên này ghi lại từng ngày trong nhà tù Pik Up, năm 2017.

Trong phần giới thiệu, Le Monde lưu ý : Hoàng Chí Phong chào đời 9 tháng trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào thời điểm kinh tế Hoa lục phất phới tự hào.

Cho nên không thể nói cậu bé này ý thức thế nào là niềm hãnh diện làm thần dân của Vương quốc Anh. Cha mẹ cậu bé cũng không thuộc thành phần lo âu sợ mất tự do cho nên vẫn ở lại Hồng Kông. Chính những sự kiện xảy ra sau đó, những cảm nhận, sợ hãi mất tự do quý báu mà cậu bé học sinh này trở thành nhà tranh đấu.

Quan tâm và theo dõi rất sớm về sinh hoạt ở Viện Lập pháp nơi mà đại đa số ghế giành riêng cho các đại gia tuân phục Bắc Kinh, Hoàng Chí Phong nhanh chóng mở trang Facebook để tường trình, báo động cho bạn bè cùng tuổi và phụ huynh học sinh những điều mà cậu nhận thấy là sai trái.

Cuối cùng, thời sự điện ảnh là tiêu điểm của Libération : Lễ trao giải thưởng Cesar khai mạc vào đêm nay 28/02/2020 tại Paris trong bầu không khí căng thẳng. Với tựa « đại gia đình ly tán », nhật báo thiên tả kể ra một loạt vụ việc không thể lạc quan trong ban tổ chức : xung khắc nội bộ, thiếu bình đẳng nam nữ, cáo buộc sách nhiễu tình dục…
[
viethoaiphuong
#435 Posted : Monday, March 2, 2020 6:05:09 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona : Hơn 4000 ca nhiễm tại Hàn Quốc. Tân Thiên Địa xin lỗi

Tú Anh - Thu Hằng - RFI - 02/02/2020
Nạn nhân của siêu vi corona chủng mới mỗi ngày mỗi đông. Hàn Quốc cho biết có thêm 476 ca được ghi nhận cho đến 12 giờ đêm hôm 01/03/2020. Tổng số nạn nhân bị lây nhiễm là 4.272 người trong số này có 26 người qua đời, hơn phân nửa là ở Daegu nơi mà một giáo phái Thiên chúa giáo bị cáo buộc bất hợp tác chống dịch.

Theo Ủy Ban phòng ngừa dịch bệnh, Daegu hay Đại Khâu, vẫn là nơi có số trường hợp lây nhiễm cao nhất : 24 giờ qua có thêm 377 người dương tính với SARS- CoV-2. Đại Khâu cũng là nơi có một hội thánh của giáo phái Tân Thiên Địa, mà một số tín đồ, đi thăm Vũ Hán trở về, đã mang siêu vi lây lan cho đồng đạo từ tháng Giêng đến nay.

Khoảng 57% số người bị nhiễm là tín đồ hoặc có liên hệ với giáo phái này. Mục sư sáng lập Lee Man Hee, 88 tuổi, cùng 11 tín hữu bị toà đô chính Seoul nộp đơn kiện về tội sát nhân vì từ chối hợp tác chống dịch.

Sáng nay, trong một hành động sám hối, mục sư Lee Man Hee , quỳ gối trước một đội phóng viên, mọp đầu xin lỗi dân chúng Hàn Quốc « đã vô tình làm cho nhiều người mắc bệnh ».

Từ Seoul, anh Trần Công cho biết thêm :

« Hiện tại, giáo chủ của tổ chức Tân Thiên Địa đã tổ chức họp báo. Và đã có rất nhiều thông tin nói rằng giáo chủ Lee Man Hee có khả năng sẽ bị truy tố và đã có tới 600.000 chữ ký yêu cầu Nhà nước Hàn Quốc phải truy tố ông này và đóng cửa tất cả các nhà thờ của giáo phái.

Tuy nhiên, việc phát đi thông điệp rằng giáo chủ giáo phái sẽ có thể bị yêu cầu truy tố với tội danh « giết người và làm lây lay dịch bệnh » khiến bản thân tôi cũng thấy khá bất ngờ.

Hôm nay, sau khi có kết quả âm tính, giáo chủ giáo phái Tân Thiên Địa đã tổ chức họp báo, với nội dung là xin lỗi toàn thể người dân Hàn Quốc, thông báo sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ. Ngoài việc cung cấp thông tin các tín đồ, ông sẽ ủng hộ cả về mặt vật chất cho chính phủ, tuy nhiên vẫn không làm giảm được cơn phẫn nộ trong nhân dân.

Tôi xin nhắc lại là các tín đồ của giáo phái này được khuyến khích nói dối tất cả mọi người với mục đích là truyền đạo tới mọi người dân. Họ được điều đi vào các nhà thờ, tầu điện và quán ăn để truyền đạo. Vì vậy, đôi khi, ngay trong gia đình, cũng không biết được ai là người theo đạo, hoặc ngay trong một nhà thờ, khi nói chuyện, cũng không thể biết được một người theo Công Giáo hay theo Tân Thiên Địa. Cũng giống như Hồi Giáo cực đoan, họ hy vọng rằng sau khi truyền đạo và sẽ trở thành một trong số 144.000 vị thánh bất tử của đạo này.

Theo tôi, các nhánh Công Giáo và Tin Lành tại Hàn Quốc cũng sẽ lợi dụng cơ hội này để tiêu diệt toàn bộ mầm mống của Tân Thiên Địa, một giáo phái vốn dĩ bị coi là một dị giáo ở Hàn Quốc ».

Bình Nhưỡng tổ chức « di tản người nước ngoài » để chống dịch

Bắc Triều Tiên tiếp tục khẳng định không bị Covid-19 lan đến. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, kiểm sóat chặt chẽ các cửa khẩu và cách ly 30 ngày những người có triệu chứng đáng ngờ.

Trong một hành động mới nhất, theo đài truyền hình Trung Quốc, Bắc Triều Tiên sử dụng một chuyến bay đặc biệt vào Thứ Sáu tuần này để di tản người nước ngoài gồm nhân viên các tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn châu Âu từ Bình Nhưỡng sang thành phố Vladivostock của Nga. CNN cho biết thêm Bắc Triều Tiên có kế hoạch đưa khoảng 60 nhà ngoại giao đông nhất là Đức, Pháp,Thụy Sĩ đang bị cách ly ra khỏi lãnh thổ. Lệnh của Kim Jong Un là « đóng chặt mọi con đường xâm nhập của siêu vi corona ».
viethoaiphuong
#436 Posted : Wednesday, March 4, 2020 2:55:29 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

WHO yêu cầu mọi người chớ tích trữ khẩu trang, đồ bảo hộ

VOA - 04/03/2020
Ngày 3/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus yêu cầu mọi người trên toàn thế giới ngưng tích trữ khẩu trang và các trang bị bảo hộ khác, nói rằng những thứ này cần cho các nhân viên y tế đang chống lại virus corona.

Một ngày sau khi tuyên bố thế giới đang đối mặt với những tình huống mới và việc lây lan virus tăng mạnh tại Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản là mối đe dọa lớn nhất của thế giới, ông Tedros nói “tình trạng thiếu hụt khiến các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế ở tuyến đầu không được trang bị đầy đủ để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19.”

Ông Tedros giải thích là virus corona và bệnh cúm theo mùa bình thường đều gây ra những vấn đề về hô hấp và lây lan theo cùng một kiểu, nhưng virus corona không lây lan hiệu quả bằng virus cúm mùa thông thường.

Ông Tedros cũng nói COVID-19 gây nên những ca trầm trọng hơn là cúm và việc chế ngự virus corona có thể làm được, không như cúm mùa.

Giũa lúc virus tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, có sự lạc quan ngày càng tăng tại Trung Quốc, nơi số những ca lây nhiễm mới giảm sút ở mức thấp nhất trong vài tuần lễ và hàng ngàn bệnh nhân hồi phục bắt đầu xuất viện.

Sáng ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chánh khối 7 nước có nền kinh tế hàng đầu nói sẽ dùng chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu vì virus corona, hiện đã lây lan sang ít nhất 70 nước.

Các Bộ trưởng nói trong một tuyên bố sau khi hội thoại là họ đang “theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của virus đối với thị trường và những điều kiện kinh tế” và họ đã cam kết “sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp” để yểm trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên các Bộ trưởng không tiết lộ các biện pháp rõ rệt nào để chống virus giữa những kỳ vọng là khối này sẽ làm như vậy.



Australia có thể dùng luật bắt buộc cách ly người nghi nhiễm Covid-19

VOA - 04/03/2020
Australia đang chuẩn bị sử dụng luật an ninh sinh học nghiêm khắc để buộc những người bị nghi có virus corona phải vào bệnh viện hay bị cách ly. Những người có nhiều nguy cơ lây lan virus corona có thể bị cảnh sát cầm giữ theo luật mới dự kiến đưa ra Quốc hội tiểu bang Nam Australia ngày 3/3.

Các bệnh nhân Covid-19 có thể bị giam giữ bắt buộc tại Australia. Theo luật an ninh sinh học được thông qua vào năm 2015, nhà cầm quyền có quyền giam giữ và khử trùng những người có virus corona và không cho họ tham dự các sinh hoạt thể thao, trường học và đi vào các thương xá.

Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Christian Porter nói với Đài Phát Thanh Australia là cầm giữ những bệnh nhân là chuyện bất đắc dĩ.

Australia có hơn 30 ca được xác nhận nhiễm Covid-19, nhưng các chuyên gia tin rằng một vụ bùng phát rộng rãi vẫn còn có thể tránh được. Lần đầu tiên việc lây từ người sang người được xác nhận với hai bệnh nhân ở Sydney.

Ca tử vong đầu tiên tại Australia được ghi nhận vào cuối tuần qua. Một người đàn ông 78 tuổi chết hơn một tuần sau khi được cách ly tại bệnh viện thành phố Perth. Ông được cách ly kể từ khi được di tản từ tàu du lịch Diamond Princess neo ở cảng Yokohama của Nhật Bản. Vợ ông cũng thử nghiệm dương tính với Covid-19 và đang trong tình trạng ổn định.

Australia đã áp đặt lệnh cấm những người nước ngoài từ Iran đến vì dịch bệnh bùng phát tại nước này. Các hạn chế tương tự cũng được áp dụng đối với Hoa lục cách đây hơn một tháng.


viethoaiphuong
#437 Posted : Friday, March 6, 2020 8:22:38 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

AFP – 06/03/2020 - Mỹ : Cụ bà 100 tuổi tìm cảm giác mạnh. Thứ Ba vừa qua, cụ bà Ruth Bryant, người Mỹ mừng sinh nhật 100 tuổi trong sân nhà dưỡng lão ở hạt Persant, bang North Carolina, thì bị một xe cảnh sát hụ còi đến. Dưới ánh mắt đồng lõa của người thân, cụ bà không đứng vững, bị bắt, còng tay, đưa lên xe chở về bót với cáo buộc « phô bày thân thể ». Thực ra, đây là cách mà thân nhân của bà cụ 100 tuổi giúp cụ thỏa mãn ước vọng muốn biết thế nào là cảm giác bị câu lưu. Rất vui với bức ảnh chụp nghi can, cụ bà Ruth Bryant chỉ than phiền là ghế trên xe cảnh sát không tiện nghi. Cụ đòi « bắt hết mấy tên làm ghế dỏm ».





viethoaiphuong
#438 Posted : Saturday, March 7, 2020 7:03:37 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus Corona : Nỗi lo đại dịch bao trùm

Mai Vân - RFI - 07/03/2020
Dịch Coronavirus ngày càng lan rộng là chủ đề dĩ nhiên không thể thiếu vắng trên các tuần báo ra đầu tháng 3 năm 2020 này, được L’Express, L’Obs, Courrier International và The Economist dành cho trang bìa. Các báo nói chung đều thể hiện thái độ lo âu trước nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng lên trên thế giới. Duy nhất có tờ Le Point là làm khác, chú ý nhiều hơn đến cái nhìn từ bên ngoài về nước Pháp.

Về dịch Covid-19 đang hoành hành, L’Express trong hàng tựa trang bìa chỉ nêu ra một câu hỏi đơn giản: “Tình hình có thể đi đến đâu”, nhưng bên trong đã dành 7 trang cho hồ sơ đặc biệt để nêu lên “những kịch bản của giới khoa học: Từ ‘sự hoảng loạn trước con virus corona’ đến đại dịch”.

Ảnh trang bìa của L’Express phản ảnh đúng tâm trạng lo âu và khẩn trương hiện nay, với hình vẽ một con virus corona như đang đuổi theo một người đang chạy hụt hơi ở phía trước. Đối với những ai thường xem phim, đây chính là một bức ảnh mô phỏng một tờ affiche cho bộ phim hồi hộp kinh điển nổi tiếng của đạo diễn Alfred Hitchkock, với Cary Grant thủ vai chính. Tựa đề tiếng Anh của phim là North by Northwest (Bắc Tây Bắc) nhưng trong tiếng Pháp đã được đặt lại thành La Mort aux trousses, nghĩa là “Tử thần bám đuổi”.

L’ Express : Thách thức không nhỏ

L’Express nhìn thấy trước tiên là con virus gây ra dịch Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài, và tác hại đến đâu còn tùy thuộc vào thái độ giới lãnh đạo, và nhất là tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Tạp chí công nhận là thách thức không nhỏ.

Đối với L’Express, chắc chắn là đến một lúc nào đó nạn dịch sẽ chậm lại, và những dây chuyền truyền nhiễm sẽ được chặn lại, và hành tinh có thể thở phào. Thế nhưng trong khi chờ đợi thì thế giới đang trong tình trạng lâm chiến chống con virus của dịch Covid-19, với số tử vong đã vượt xa nạn dịch Sars trong những năm 2002-2003 (774 người chết).

Điểm khác hiện nay giữa Sars và Covid-19 là quy mô lây lan. Nếu trước đây Sars chỉ hoành hành ở một số ít quốc gia, chủ yếu ở châu Á, cũng như ở Canada và vài nước ở châu Đại Dương, thì hiện nay, với dịch Covid-19, theo bà Sylvie Briand thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới: “Không một nước nào có thể tránh khỏi”.

Tạp chí nhắc lại rằng quả thật là không có ngày nào mà không có một ca mới xuất hiện trên thế giới, và mỗi ổ dịch đều gây bất ngờ cho giới khoa học và chính trị. Thử hỏi là có điểm chung nào giữa trường hợp ở Hàn Quốc mà tình hình lây nhiễm liên quan đến một giáo phái Thiên Chúa Giáo, nơi một tín đồ đã truyền virus cho hàng trăm tín đồ khác, với tình hình Iran mà những ca tử vong bùng nổ, hay tình hình Ý, nước bị nặng nhất ở châu Âu ?

Theo L’Express, Tổ Chức Y Tế Thế Giới từng hy vọng giới hạn nạn dịch nhưng thời kỳ ngăn chặn có lẽ đã qua rồi, vì như nhân định của bác sĩ Pháp Daniel Lévy-Bruhl, chuyên gia bộ Y Tế Pháp đặc trách việc vạch ra các kịch bản diễn tiến của dịch bệnh, thì virus vừa sẽ lây lan đến nhiều nước khác, vừa tăng thêm cường độ tại những nơi đã bị nhiễm.

Và như đánh giá của chuyên gia Marc Baguelin, thuộc trường Imperial College ở Luân Đôn, “đến một lúc nào đó, sẽ có từ 1/3 đến một nửa nhân loại bị nhiễm Covid-19”.

Còn nhiều ẩn số

Câu hỏi đặt ra là tác hại thực sự của mối đe dọa mới này sẽ là như thế nào ? L’Express nhìn thấy ở giai đoạn hiện nay có rất nhiều ẩn số:

Khả năng lây nhiễm của Covid-19 rất cao, cao hơn bệnh cúm thường. Nếu không bị ngăn chặn, một người nhiểm virus corona có thể lây bệnh cho từ 2 đến 3 người khác, trong khi virus cúm chỉ lây cho 1,5 người. Và còn có những người “siêu lây nhiễm”, một hiện tượng không hề thấy với virus cúm.

Ngoài ra, còn có vấn đề những người không lộ ra triệu chứng, sức lây nhiễm của ho ra sao, hay vấn đề các ca tử vong, tỷ lệ như thế nào, tất cả những vấn đề đó vẫn đang được thảo luận sôi nổi trong giới khoa học.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới nêu lên con số 80% trường hợp nhẹ, 11% trường hợp nặng, 5% bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và từ 2% đến 5% tử vong. Học Viện Imperial College ở Luân Đôn thì nói đến tỷ lệ 1% tử vong, trong lúc chuyên san y khoa Anh Quốc New England Journal of Medicine, nêu tỷ lệ rất thấp là 0,1%.

Thế nhưng đối với L’Express, kể cả khi tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất, nếu tính trên toàn cầu thì con số người chết vẫn sẽ rất quan trọng.

Virus corona : Pháp đã sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng điều trị

Trong bầu không khi đầy lo âu như kể trên, L’Express đã làm lóe lên một tia hy vọng: Tại Pháp, các cuộc thử nghiệm lâm sàng cách chữa trị bệnh Covid-19 có thể bắt đầu nay mai, tuần này hoặc vào tuần sau.

Tờ báo trích dẫn bác sĩ Yazdan Yazdanpanah, khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Bichat, Paris, đồng thời là một chuyên gia bên cạnh Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cho biết rằng: “Thủ tục tiến hành đã xong, giờ đây chỉ chờ được phép đúng theo quy định, và công việc sẽ được xúc tiến nhanh”.

Theo tạp chí thì giới khoa học đã chuẩn bị khả năng này ngay sau khi có thông báo về dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Nhiều mạng nghiên cứu tại Pháp và châu Âu đã được huy động trong sự phối hợp với Tổ Chức Y Tế Thế Giới để tránh việc mỗi nơi làm một nẻo.

Giáo sư vi trùng học Herman Goosens tại Bỉ, điều phối viên của mạng lưới Prepare của châu Âu xác nhận: “Hàng trăm cơ sở ở châu Âu đã được kết nối, các thủ tục thu thập dữ liệu bệnh nhân và thực hiện các nghiên cứu đã được hài hòa… vấn đề còn lại chỉ là chọn thuốc”.

Tại Pháp, các bộ Y Tế và Nghiên Cứu đã tháo khoán các ngân sách cần thiết.

Tuần báo Pháp Le Point cũng chú ý đến các liệu pháp có thể chống Covid-19, trong lúc cả thế giới lao vào tìm cách chữa trị. Trong 4 trang, tạp chí trước tiên nói đến những ê-kíp đang duyệt lại kỹ càng những phân tử có sẵn với hy vọng tìm được đáp án nhanh chóng hơn là bắt đầu từ số không.

Courrier International: Đối phó ra sao với con virus corona

Tạp chí Pháp Courrier International cũng chạy một tựa trang bìa về Covid-19: “Đối phó thế nào với con coronavirus”, bên cạnh hình vẽ một người mang khẩu trang che kín đến tận trán. Tờ báo ghi nhận: “Từ Paris đến Seoul, các chính quyền đang nỗ lực tổ chức đối phó”.

Theo tờ báo, tại Pháp, tại Hàn Quốc, tại Đức, ở khắp nơi trên thế giới, các giới chức y tế đều đang ra sức tổ chức và tiến hành công cuộc phòng chống dịch Covid-19, huy động mọi loại phương tiện.

Courrier International đã liệt kê, nào là cô lập chặt chẽ các phòng cách ly trong các bệnh viện, đặt mua khẩu trang với khối lượng lớn, nào là huấn luyện nhân viên y tế về cách phát hiện triệu chứng, phát triển các loại xét nghiệm có kết quả nhanh chóng…

Thế nhưng, vấn đề là không phải nơi nào cũng có đầy đủ phương tiện, cũng phản ứng nhanh chóng như nhau, và nhất là đều quyết tâm như nhau. Hai ví dụ tiêu cực được Courrier International ghi nhận là tại Iran và tại Trung Quốc.

Tạp chí Pháp đã trích dẫn các báo và trang web Âu Á để ghi nhận những nơi làm tốt, như ở Pháp chẳng hạn. Courrier International đã trích dịch một bài phóng sự trên tờ báo Đức Die Zeit (xuất bản ở Hambourg), cho biết là phóng viên của báo này đã đến thăm bệnh viên lớn tại thành phố Nice, miền Nam nước Pháp vào cuối tháng 2, và đã không che giấu sự ngạc nhiên.

Tờ báo Đức đã khen ngợi cách chuẩn bị, cho thấy là bệnh viện Pháp đã sẵn sàng đối phó với con virus corona, và các bác sĩ biết cách trấn an các bệnh nhân đang rất lo âu.

Nhưng không phải nơi nào cũng thế. Courrier International đã trích dịch trên trang mạng IranWire ở Luân Đôn, ghi nhận lời chứng của giới y sĩ Iran chỉ trích rất nặng nề chính quyền Teheran Iran, thoạt đầu đã không chỉ làm ngơ mà còn phủ nhận sự tồn tại của dịch Covid-19, thậm chí nói dối, để dẫn đến thảm họa.

Theo lời giới y sĩ tại Iran, số liệu thống kê mà chính quyền đưa ra hoàn toàn sai sự thât, và dẫn đến việc Iran không có được kế hoạch đúng đắn để chống dịch bênh. Còn những bác sĩ nào báo động về nguy cơ thì bị đe dọa.

Họ e ngại nếu tình hình này tiếp diễn thì trong những tháng tới đây thảm họa Covid-19 ở Iran sẽ làm hàng chục ngàn người thiệt mạng chỉ riêng ở thủ đôTeheran, một điều còn nguy hại hơn là ở Trung Quốc.

The Economist: Toàn bộ chính phủ phải nổ lực, phối hợp hành động

Tuần báo Anh The Economist cũng dành trang bìa cho dịch Covid-19, để khuyến cáo các chính phủ về cách chuẩn bị đối phó với tình trạng dịch bệnh lan rộng.

Đối với The Economist, đại dịch covid-19 kéo theo nguy cơ khủng hoảng vừa y tế, vừa kinh tế, do đó cần phải chữa trị cả hai mảng này.

Theo tạp chí Anh, ở bất cứ nơi nào bị dịch bệnh hoành hành, việc ngăn chặn đà lây lan và giảm thiểu tác hại của con virus không chỉ cần đến bác sĩ và đội ngũ y tế mà còn đòi hỏi một nỗ lực của toàn bộ chính phủ, phối hợp hành động để bảo vệ người dân và các doanh nghiệp mà chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

The Economist cho rằng nếu làm được như vậy, thì nỗi lo âu và dịch bệnh tự khắc tiêu tan.

L’Obs: Nỗi hãi sợ dịch bệnh có từ ngàn xưa

L’Obs trên trang bìa nói đến “nỗi hãi sợ ghê gớm về dịch bệnh”, bên trên hình một người đàn ông mặc áo choàng đen dài và rộng, đội nón đen, nhưng đeo khẩu trang trắng, dưới bầu trời u ám và khung cảnh hoang vu.

Tạp chí dành 12 trang, trích lời một nhà sử học về các dịch bênh, nhắc lại là người ta vẫn giữ trong ký ức tập thể những đại dịch chết người, như dịch hạch thời Trung Cổ, dịch “cúm Tây Ban Nha” vào năm 1918, và gần đây hơn là cúm gia cầm Sars ở Hồng Kông, hay dịch Ebola ở Châu Phi

Đây là những nạn dịch xảy ra vào những thời điểm khác nhau nhưng mỗi khi được nhắc đến “đều làm dấy lên nỗi sợ hãi nhưng pha lẫn một sức thu hút giống như cảm nhận choáng váng của con người trước sự linh thiêng”.

Le Point: “Những người tin tưởng vào nước Pháp”

Như nói trên Le Point tuần này không dành trang bìa cho dịch Covid-19, mà chú ý đến hình ảnh nước Pháp trong mắt người nước ngoài, chạy tựa trang bìa “Những người tin tưởng vào nước Pháp” và hóm hỉnh chú thích bên cạnh (bất chấp công đoàn CGT).

Trong một hồ sơ dài 17 trang, tạp chí Pháp đã đặc biệt nêu bật đánh giá của cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder trong một bài phỏng vấn dành độc quyền cho Le Point.

Vị cựu thủ tướng Đức tỏ ý rất tin tưởng vào chính sách hiện hành tại Pháp và đã nói rất thẳng thẳn: “Tổng thống Macron, cá nhân tôi chưa bao giờ gặp riêng ông ấy, nhưng (tôi thấy) ông ấy đã dấn thân vào việc cải cách chế độ hưu bổng tại Pháp. Vào thời hiện tại thì đây là một ý rất tốt. Hơn nữa người ta đã thấy những cải cách đầu tiên của ông đã thúc đẩy trở lại tăng trưởng. Còn ở nước Đức của chúng tôi, thì ngược lại. Từ năm 2010 không có gì thay đổi thực sự.”

Đối với Le Point, nước Mỹ cũng có thái độ tin tưởng vào Pháp. Không chỉ nơi giới đầu tư mà cả nơi các nhà hảo tâm. Trả lời Le Point, bà Laurence des Cars, người đứng đầu viện bảo tàng Orsay tại Paris tiết lộ rằng cơ sở của bà sẽ nhận được 20 triệu euros từ một nhà hảo tâm Mỹ không muốn nêu tên. Bà còn cho biết là viện bảo tàng này đón 700.000 khách Mỹ đến xem mỗi năm.

L’Express: Kim Jong Un sẽ không còn được ăn Nutella?

Tạp chí L’Express dưới một tựa đề hóm hỉnh tiết lộ một thông tin ít ai chú ý liên quan đến Bắc Triều Tiên: “Phải chăng Kim Jong Un sắp không còn được ăn Nutella nữa ?”

Tạp chí Pháp ghi nhận là tại đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Berlin, có cả một đường dây cung cấp món ngon vật lạ cho tầng lớp ưu tú tại Bình Nhưỡng. Nhưng nguồn này đã bị cắt.

Phóng viên của L’Express giải thích là một nửa đại sứ quán Bắc Triều Tiên to lớn tại Berlin đã được cắt cho một chủ khách sạn Đức thuê làm một nhà trọ cho giới trẻ. Việc này bắt đầu từ năm 2007, và quán trọ thanh niên này rất được biết đến tại Berlin.

Theo thông tin của cơ quan phản gián Đức, tiền thuê mà chủ khách sạn người Đức trả là 38.000 euro mỗi tháng. Một phần số tiền này được dành cho việc mua nào là Nutella, shampoing, rượu bia… chuyển về Bình Nhưỡng. Theo báo chí Đức, điều hành đường dây mua hàng này là “Phòng 39” ở Bình Nhưỡng, một đơn vị bí mật chuyên trách mua các mặt hàng phương Tây mà các lãnh đạo Bắc Triều Tiên rất ưa chuộng.

Chính quyền Đức đã từng nhắm mắt trên hoạt động này của đại sứ quán Bắc Triều Tiên trong một thời gian dài, nhưng nghị quyết năm 2016 của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên đã buộc chính quyền Đức phải đưa ra biện pháp.

Nghị quyết 2321 của Hội Đồng Bảo An nói rõ là bất động sản của Bắc Triều Tiên chỉ được sử dụng cho hoạt động ngoại giao hay lãnh sự. Sau những vụ kiện cáo kéo dài 3 năm, người chủ khách sạn Đức đã bị buộc phải rời đại sứ quán Bắc Triều Tiên.

Phóng viên L’Express cũng giải thích rằng không riêng gì ở Berlin, mà hầu như ở mọi nơi, sứ quán Bắc Triều Tiên đều có các đường dây mua sắm như thế. Tại Bulgari hay Ba Lan, sứ quán Bắc Triều Tiên thường cho thuê chỗ dùng để tổ chức những buổi tiếp tân lớn, hay sử dụng làm hộp thư cho những công ty bình phong.


viethoaiphuong
#439 Posted : Sunday, March 8, 2020 1:28:27 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Tin tổng hợp RFI/Tiếng Việt
RFI

( AFP ) – Úc : Đánh nhau giành giấy vệ sinh. Hôm nay, 07/03/2020, tại một siêu thị ở Sydney, Úc, ba phụ nữ đã đánh nhau để giành một bao giấy vệ sinh, mặt hàng đang được săn lùng rất nhiều trong bối cảnh dịch Covid-19. Hai nhân viên của siêu thị đã phải can thiệp để chấm dứt vụ ẩu đả và cảnh sát bang New South Wales đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Đoạn video clip chiếu cảnh này đang được phổ biến rộng rãi trên mạng.

(AFP) - Virus corona : Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE thử nghiệm 100 % nhân viên làm việc từ xa. Thứ Hai 09/03/2020, khoảng 3.700 nhân viên của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu được phép làm việc tại nhà đề phòng Covid-19 lan rộng. Đây là đợt thí nghiệm đầu tiên để thẩm định hiệu quả nếu như tất cả nhân viên bị cách ly vì dịch viêm phổi chủng mới gây nên. Trong tuần định chế ngân hàng châu Âu này thông báo hạn chế tối đa các chuyến công tác ở nước ngoài đã lên kế hoạch.

(Reuters) – Virus corona làm tan vỡ Liên Minh OPEP –Nga. Kết thúc hai ngày họp tại Vienna, hôm 06/03/2020 Nga quyết liệt chống đối đề xuất của khối các nước xuất khẩu dầu hỏa giảm mức sản xuất hàng ngày nhằm đẩy giá dầu tăng lên trở lại. Tính từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 làm cỗ máy sản xuất của Trung Quốc và thế giới bị chững lại. Dầu hỏa mất giá gần 30 %. Khối OPEP chủ trương khóa bớt van dầu. Đề xuất này đã bị Matxcơva bác bỏ do xuất khẩu dầu hỏa là nguồn thu nhập quan trọng của Nga.

(AFP) – Nhà sách Hachette hủy xuất bản hồi ký của đạo diễn Woody Allen. Thông báo được đưa ra hôm 06/03/2020. Đạo diễn Mỹ Woody Allen bị cáo buộc lạm dụng tình dục với con gái nuôi là Dylan Farrow khi cô mới 7 tuổi. Vụ việc diễn ra hồi năm 1992 và tới nay ông Woody Allen vẫn coi đó là điều bịa đặt. Hachette không thông báo rõ chỉ không xuất bản sách tại Mỹ hay trên toàn thế giới.

viethoaiphuong
#440 Posted : Tuesday, March 10, 2020 3:22:46 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona: Cả nước Ý bị “cách ly”, 60 triệu dân được lệnh hạn chế đi lại

Trọng Nghĩa - RFI - 10/03/2020
Trước đà lây lan rất nhanh của dịch virus corona (Covid-19) tại Ý, thủ tướng Giuseppe Conte vào hôm qua (09/03/2020) đã ban hành một sắc lệnh hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người trên toàn quốc kể từ hôm nay 10/03 và kéo dài cho đến ngày 03/04.

Những biện pháp tương đương với chế độ “cách ly” này được áp dụng trên một số dân 60 triệu người, với hy vọng ngăn không cho dịch Covid-19 lan rộng, vốn đã làm cho 9.172 người Ý bị nhiễm bệnh, trong đó có 463 người đã thiệt mạng.

Từ Rôma, thông tín viên RFI Eric Senanque tường trình :

"Quả là một điều chưa từng thấy tại Ý khi thủ tướng Giuseppe Conte loan báo tối hôm qua quyết định cách ly toàn bộ đất nước. Rất nhiều người đã không tránh khỏi ngỡ ngàng.

Như vậy là kể từ hôm nay, “Vùng đỏ” thiết lập trước đây ở miền bắc nước Ý được mở rộng ra toàn lãnh thổ. Một cách cụ thể, tất cả người dân Ý được mời ở yên trong nhà, tránh mọi hoạt động đi lại để không lan truyền con virus, cũng như tránh các cuộc tụ họp.

Giao thông công cộng tuy nhiên vẫn được duy trì, cho dù trong những ngày qua hầu như không có khách. Các quán bar và nhà hàng trên toàn quốc đều phải đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều kể từ hôm nay.

Một biện pháp nặng ý nghĩa biểu tượng khác : Giải Vô Địch Bóng Đá Quốc Gia Calcio đã bị đình chỉ. Phải lần ngược về thời Đệ Nhị Thế Chiến mới thấy giải Calcio bị đình hoãn.

Dĩ nhiên, người dân cũng có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác nhưng một cách rất hạn chế, phải có giấy phép đặc biệt hoặc giấy chứng nhận y tế. Những ai không tuân thủ các quy tắc đi lại có thể bị phạt tù.

Trong cuộc họp báo tối qua, thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định : Không nên để phí thời gian nữa, một tuyên bố mang đậm không khí thời chiến.

Trên mạng internet, hashtag #ItaliazonaRossa tức là “Vùng đỏ của Ý” đã trở thành phổ biến nhất trong vỏn vẹn vài phút. Bán đảo Ý sáng nay đã giống như một hòn đảo bị cắt rời khỏi thế giới.



Đông Nam Á : Giải mã quy mô “khiêm tốn” của dịch Covid-19

Mai Vân - RFI - 10/03/2020
Điều được ghi nhận đầu tiên về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á, là những con số rất khiếm tốn về ca nhiễm, nhìn chung chỉ từ vài người cho đến vài chục người.

Đây quả là một điều rất khác thường đối với một vùng là láng giềng sát cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch Covid-19 vốn đã lan rộng ra toàn thế giới, với nhiều nơi có số ca nhiễm đã vượt mức 1000. Càng khác thường hơn nữa là một số nước có biên giới chung với Trung Quốc, cho đến cuối tháng Giêng, vẫn tiếp đón những chuyến bay thẳng thường nhật từ tâm dịch là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.

Giới quan sát đã bước đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những con số nhỏ bé đó để cho rằng chính quyền một số nước, vì những động cơ chính trị, đã cố tình giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình.

Theo những con số được chính thức thông báo cho đến hết ngày hôm qua, 09/03/2020, Singapore là nước Đông Nam Á ghi nhận số ca bị nhiễm virus corona cao nhất, với 150 trường hợp, theo sau là Malaysia với 99 ca, kế đến là Thái Lan với 50 ca lây nhiễm, Việt Nam 31 ca.

Và ở tận cuối bảng, người ta ghi nhận 7 trường hợp ở Philippines, 4 trường hợp ở Indonesia, 2 trường hợp ở Cam Bốt. Còn ở Lào, Miến Điện và Brunei, hoàn toàn không có một trường hợp lây nhiễm nào.

Những lời giải thích “trời ơi” từ một số nước

Theo Carole Isoux, thông tín viên đài RFI và nhật báo Libération tại Bangkok, không thiếu cách diễn giải của một số chính quyền tại chỗ về tình trạng miễn dịch, hay ít bị lây lan của nước họ.

Tiêu biểu nhất là lời giải thích của bộ trưởng Y Tế Indonesia. Nhân vật này đã không ngần ngại giải thích công khai rằng: “Chính những lời cầu nguyện đã bảo vệ chúng tôi khỏi virus”.

Còn tại Thái Lan, lời giải thích không đến nỗi siêu hình, nhưng rất vô tư: Đó là do thói quen sạch sẽ của người Thái, thường tắm nhiều lần trong ngày. Mặt khác, đó cũng là do cách chào của người Thái, chỉ chắp tay vái chứ không bắt tay, hay ôm hôn.

Tại Việt Nam, cụ thể là ở miền Nam, lập luận cho rằng con virus corona, cũng như một số virus khác, rất sợ trời nóng, vì thế đã tránh Việt Nam!

Hệ thống y tế yếu kém

Nhưng đối với giới chuyên môn, những con số lây nhiễm cực thấp tại nhiều nước phản ánh một hệ thống y tế yếu kém.

Một báo cáo gần đây của một nhóm bác sĩ và nhà toán học thuộc đại học Mỹ Harvard cho rằng căn cứ vào các dữ liệu thống kê về những dịch bệnh khác, đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Thái Lan và Cam Bốt, số các ca nhiễm Covid-19 trong thực tế không thể thấp như vậy.

Marc Lipsitch, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Động Lực Các Loại Bệnh Truyền Nhiễm, đại học Mỹ Harvard khẳng định: “Có nhiều ca nhiễm bị bỏ qua không bị phát hiện trong vùng”.

Dẫu sao thì tại các nước phát triển, các giới chức y tế đã hiểu rất rõ tình trạng đó. Mặc dù có số liệu chính thức về các ca nhiễm Covid-19 rất thấp, Thái Lan và Cam Bốt chẳng hạn, đều bị đưa vào danh sách các quốc gia nguy hiểm và những người trở về từ hai quốc gia đó đã được khuyến cáo là nên chịu một thời gian cách ly.

Tại các quốc gia mà phần đông người dân sống mấp mé ngưỡng nghèo khó, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám bệnh khi chỉ có những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ngay cả khi có đi khám, thì họ gặp phải tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, chỉ được dành cho những ca rất nặng hay những người vừa đến từ những nước có nguy cơ cao. Những người bị ho và sốt thì được cho về với thuốc kháng sinh.

Lãnh đạo y tế thành phố Phuket ở Thái Lan chẳng hạn, mới đây đã công nhận trước các phóng viên là ông không được phép cung cấp cho nhà báo thông tin về chuyển biến của dịch Covid-19!

Ngân sách y tế hạn hẹp

Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore được đánh giá cao và được giới chuyên gia khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng, các nước ASEAN còn lại chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế của mình.

Một ví dụ điển hình là Miến Điện, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, với người và hàng hóa tự do qua lại dọc theo biên giới này. Cho đến ngày 20/02 vừa qua, đất nước này không có thiết bị thử nghiệm của mình mà các mẫu xét nghiệm phải gởi sang Thái Lan phân tích. Hàng năm ngân sách Miến Điện dành cho y tế chỉ là 600 triệu euro. Để so sánh, ngân sách y tế của Pháp lên đến 20 tỷ.

Ngoài ra còn có vấn đề ưu tiên khiến cho dịch Covid-19 không được coi trọng. Theo Carole Isoux, vào lúc Đông Nam Á đang phải vật lộn với một đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực, một số nước còn phải đối phó với bệnh lao đang trỗi dậy trở lại. Vấn đề tử vong trẻ sơ sinh, nạn suy dinh dưỡng vẫn luôn là yếu tố bình thường trong cuộc sống thường ngày ở nhiều vùng. Trong tình hình đó, theo như phân tích của bác sĩ Somnak Kongchathai, ở Surat Thani, miền nam Thái Lan thì “việc hoảng hốt trước virus corona, thẳng thắn mà nói, chỉ là vấn đề của nước giàu mà thôi”.

Giấu bệnh để thu hút du khách

Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng giải thích phần nào những báo cáo về số liệu ít ỏi người nhiễm virus corona.

Ngày 02/03, bộ trưởng Y Tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã công bố trên mạng xã hội một tài liệu theo đó những người đến từ Pháp và Đức cam kết sẽ tuân thủ một thời gian tự cách ly trong phòng khách sạn của họ. Trước làn sóng phản ứng, ông đã phải lùi bước ; đất nước Thái Lan không thể làm phật lòng số ít du khách còn lại với những biện pháp cứng rắn hay số liệu quá thật.

Theo bộ trưởng Du Lịch Thái Lan, du khách Trung Quốc giảm đến 86%, ngành thua thiệt đến 7,5 tỷ euro. Ở những nơi trong vùng Đông Nam Á, các bãi biển hầu như hoang vắng, những địa điểm du lịch như đền Angkor ở Cam Bốt hay vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng trống vắng. Du khách Trung Quốc mang lại ít ra một phần tư thu nhập cho ngành du lịch trong khu vực.

Không muốn làm Trung Quốc mếch lòng

Ngoài ra, theo giới quan sát, cũng có tính toán chính trị. Nhiều nước trong vùng không muốn cho thấy là họ quá sốt sắng trong việc thông báo quá sát về số lượng người nhiễm virus để khỏi làm mếch lòng người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh mà kinh tế cả vùng đều lệ thuộc vào, nhưng lại là nơi phát tán con virus độc hại.

Một ví dụ điển hình. Ngay đầu tháng Hai, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến Trung Quốc và đã tuyên bố trong một tin nhắn Twitter rằng: “Người ta không thể bỏ bê một người bạn trong cơn khó khăn”.

viethoaiphuong
#441 Posted : Wednesday, March 11, 2020 8:57:59 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Trung Quốc đã viết lại lịch sử về con virus Vũ Hán

Thụy My - RFI - 11/03/2020
La Croix ghi nhận từ hơn một tuần qua, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc. Hai tháng sau khi dịch bệnh virus corona chủng mới khởi phát, và nay đã lan tràn đến trên 90 quốc gia trên thế giới, chính quyền Bắc Kinh muốn xóa đi ký ức tập thể về nguồn gốc của con virus Vũ Hán, ở trong nước cũng như ngoài nước.

Một chiến dịch ngoại giao và truyền thông đã được tung ra, trước hết nhằm tung hỏa mù về thời điểm khởi đầu chính xác nạn dịch. Sự che giấu này kéo dài đến gần hai tháng : ca đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 12/2019, nhưng chính quyền chỉ công khai vào ngày 20/01/2020. Nhờ đó con virus đã lan rộng trên cả nước Trung Quốc trong dịp Tết âm lịch, với số lượng người khổng lồ về quê ăn Tết, và sau đó gây tai họa cho cả thế giới.

Phi tang dấu vết chợ Vũ Hán

Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, việc bị điểm mặt chỉ tên là nguồn gốc của con virus corona chủng mới là không thể chấp nhận được. Tất cả những gì chỉ ra mối liên quan giữa Trung Quốc và con virus này cần phải được đặt dấu hỏi, và biến mất trong tất cả sách sử.

Tất cả các đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài được lệnh cho lan truyền trên Twitter (dù mạng xã hội này bị cấm tại Hoa lục) và báo chí ngoại quốc một thông điệp như sau : « Tuy con virus corona đã lan ra từ Vũ Hán, nhưng xuất xứ thực sự của nó vẫn chưa rõ. Chúng tôi đang tìm kiếm xem con virus này xuất phát từ đâu ».

Tương tự, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đến việc « chợ bán thú hoang Hoa Nam ở Vũ Hán, mà ban đầu được cho là nơi xuất phát nạn dịch, nay không còn là tâm dịch ». La Croix ghi nhận, ngôi chợ này đã được dọn dẹp toàn bộ và có thể sẽ bị phá hủy, không còn để lại một dấu vết nào.

Phao tin virus corona Vũ Hán xuất xứ từ Mỹ, Nhật

Gieo rắc nghi ngờ trong đầu mọi người là giai đoạn đầu tiên để giúp nuôi dưỡng đủ loại thuyết âm mưu đang được lan truyền hiện nay, rằng con virus Vũ Hán có nguồn gốc từ…Mỹ !

Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo tuần trước còn gởi cho tất cả các Hoa kiều tại Nhật một số chỉ thị cần áp dụng, nếu phải đối phó với « virus corona Nhật Bản ». Cứ như là con virus Vũ Hán sau khi tràn sang Nhật đã nhập quốc tịch Nhật Bản.

Về phía Tokyo không đòi hỏi phải sửa sai, nhưng cách dùng từ này rõ ràng không ổn. Trước tầm cỡ của bệnh dịch, Tokyo đã cho hoãn lại chuyến thăm chính thức Nhật Bản của ông Tập Cận Bình dự kiến vào tháng Tư, và cấm tất cả các công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Nhật, hai tháng sau khi khởi đầu khủng hoảng.

Libération cũng nhắc lại sự kiện hôm 5/3 đại sứ Trung Quốc tại Tokyo gởi thư cho các công dân về « virus Nhật », và có cùng nhận định : đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục viết lại lịch sử, tô vẽ Tập Cận Bình thành người chiến thắng trong « cuộc chiến tranh nhân dân chống virus ». Hôm 27/2, nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố « virus corona có thể không phải từ Trung Quốc ».

Trong những ngày gần đây, báo chí nhà nước ở Hoa lục đăng rất nhiều thông tin về khoảng vài chục trường hợp con virus độc hại này từ nước ngoài « nhập khẩu » vào Trung Quốc, từ Iran hay Ý, nói bóng gió rằng nay thì những người ngoại quốc đã làm lây nhiễm cho Trung Quốc, trong khi thực tế đó chính là các Hoa kiều trở về nước.

« Thế giới phải cám ơn Trung Quốc »

Cuối cùng, nhiều thông điệp chính thức kêu gọi « thế giới phải cám ơn Trung Quốc » vì đã hy sinh, chiến đấu với con virus, và nay Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nước nào cần đến. Một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Trong lúc vẫn tiếp tục công việc phòng dịch tại Hoa lục, chúng tôi sẽ cung cấp - trong phạm vi khả năng của mình - sự hỗ trợ cho các nước ».

Mục tiêu là để người ta quên đi chế độ cai trị đã làm mất ít nhất ba tuần lễ quý giá để ngăn chận dịch bệnh, qua việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình tham gia hôm 18/1 tại Vũ Hán nhằm đoạt kỷ lục thế giới, và để cho 5 triệu người Vũ Hán ra đi trong khi nạn dịch đang tiến triển nhanh.

Báo chí chính thức đăng vô số hình ảnh những bệnh nhân cám ơn các bác sĩ, nhấn mạnh rằng việc con virus corona lan tràn trên khắp hành tinh và những khó khăn mà các nước dân chủ đang gặp phải. Tuy nhiên không hề nhắc đến các hậu quả xã hội thảm thương đối với những người dân bị cách ly ở Hồ Bắc, trong đó khốn khổ nhất là những người nghèo.

The Diplomat nhắc lại một ngạn ngữ Trung Hoa « Chỉ hươu, bảo ngựa » và nhận định của một chuyên gia, cứ nhắc đi nhắc lại mãi thì rốt cuộc đa số người nghe cũng thụ động chấp nhận là đúng.

Anthon Saich, chuyên gia của trường đại học Havard ghi nhận : « Các bác sĩ được giới thiệu như những người hùng, không phải vì họ tận tụy với chức trách, có y đức, mà vì họ là đảng viên ». Theo ông, cuộc khủng hoảng đã làm lung lay lòng tin về sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng tác động của nó sẽ không kéo dài.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử

La Croix nhận xét, cũng như thường lệ, luận điệu được đưa ra là « nhờ có đảng Cộng Sản Trung Quốc » mà dịch bệnh virus corona đã được kiểm soát, còn các nước khác thì đang vất vả chống dịch. Tờ báo hung hăng nhất của đảng là Global Times tuần rồi nhấn mạnh « các nước châu Âu không thể nào áp dụng được những biện pháp triệt để như Trung Quốc », nhằm chứng tỏ rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh là ưu việt hơn các chế độ dân chủ phương Tây. Nhưng những biện pháp cô lập được Ý đưa ra đã chứng minh ngược lại.

Về từ ngữ « chiến tranh nhân dân chống virus » mà Tập Cận Bình thích dùng, The Diplomat trích lời chuyên gia David Bandurski, thuộc China Media Project, trường đại học Hồng Kông cho rằng : « Những cuộc chiến tranh tạo ra những anh hùng, và những người hùng giúp cho tuyên truyền nở rộ ». Các chiến dịch truyền thông đậm tính dân tộc chủ nghĩa đã phát huy tác dụng : làm chuyển hướng sự phẫn nộ của người dân về dịch bệnh SARS trước đây sang tranh chấp lãnh thổ với Nhật, đánh lạc hướng về phong trào biểu tình ở Hồng Kông và cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Trước các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ của Bắc Kinh, nhà Trung Quốc học Steve Tsang, giáo sư Viện Trung Quốc ở Luân Đôn giải thích : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn muốn độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử, và họ chối phăng việc che giấu nạn dịch ngay từ đầu. Các quan chức đảng luôn nghĩ rằng mình có lý, ngay cả khi họ sai rành rành. Nhưng « sự thật » theo kiểu Trung Quốc cần phải được đặt lại vấn đề ở phương Tây. Chính là chúng ta, trong thế giới dân chủ, phải vạch trần luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc ».



Mật vụ Mỹ cảnh báo lừa gạt ‘ăn theo’ virus corona

Megan Duzor / VOA - 11/03/2020
Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ cảnh báo dân Mỹ nên coi chừng những vụ lừa gạt liên hệ đến virus corona và nói rằng “bất cứ những tin tức quan trọng nào cũng có thể trở thành cơ hội cho những nhóm hay cá nhân có ý đồ xấu xa.”

Trong tuyên bố ngày 9/3, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết tội phạm đã bắt đầu tận dụng sự sợ hãi xung quanh virus corona để thủ lợi trên cảm xúc của người dân.

Cơ quan này cho hay có một trường hợp, các nạn nhân nhận được email giả dạng được gởi tới từ một tổ chức y tế chứa đựng tin quan trọng về virus. Một văn bản đính kèm, khi mở ra, buộc nạn nhân phải điền các mật mã truy cập email để rồi sau đó bị đánh cắp hay máy vi tính sẽ bị lây nhiễm phần mềm độc hại.

Cơ quan Mật vụ Mỹ nói có những vụ khác, các trang mạng xã hội được dùng để kêu gọi đóng góp vào những tài khoản từ thiện giả mạo có liên hệ đến virus bùng phát, trong khi những âm mưu khác dùng quảng cáo về nhu cầu cung cấp vật phẩm y tế để nạn nhân trả tiền cho những vật phẩm này nhưng không bao giờ được gởi đến họ.

“Lo sợ có thể khiến cho những cá nhân, bình thường cẩn thận, mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của những vụ gian lận xã hội, giả mạo để lấy tin tức của nạn nhân, giả mạo bán hàng nhưng không giao hàng, giả mạo về đấu giá,” Cơ quan Mật vụ Mỹ nói.

Cơ quan này thúc đẩy mọi người cảnh giáo cao độ và nói thêm là những vụ như vậy sẽ càng ngày càng nhiều.

Tuần trước, cảnh sát tại Anh cho hay các nạn nhân tại nước này mất hơn một triệu đô la vì những vụ giả mạo có liên hệ đến virus corona. Cảnh sát Anh cho biết nhiều người có liên hệ đến những vụ lừa gạt về khẩu trang, trong đó có một nạn nhân trả gần 20.000 đô la tiền mua khẩu trang nhưng không bao giờ nhận được.

Users browsing this topic
Guest
26 Pages«<2021222324>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.