Theo chú thích hình trong bài viết : Cún tập chạy xe máy dưới sự giám sát của ba
Kỳ 4: Giấc mơ có thậtCún đã thoát khỏi thế giới u tối để dần trở về thiên đường tuổi thơ của mình. Tôi và chồng tôi, trước mỗi giai đoạn thay đổi tốt đẹp của Cún, đều rơm rớm nước mắt vì vui mừng cho con và cũng vì nhớ lại thời quá khứ tê dại của bé. Có một ông Bụt mang quốc tịch Mỹ đã giúp cho giấc mơ của vợ chồng tôi trở thành sự thật : BS G.Doman. Ở cơ sở trị liệu của ông, phụ huynh theo học cách trị liệu và những bệnh nhi gọi ông là ông già Noel. Khi tôi tìm đến ông, ông đã 82 tuổi, một BS hiến dâng trọn đời mình cho những chứng bệnh về não. Năm nay, G.Doman bước vào tuổi 90, hiện ông phải nằm một chỗ vì sức khỏe kém. Biết thêm chút ít về BS Doman để thấy rằng có một BS tận tâm với nghề đến như thế là điều đáng mơ uớc.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, BS Doman giải ngũ, quay lại với công việc của một bs phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não và trẻ bại não. Đây là hai đối tượng mà sau nhiều năm nghiên cứu, ông biết họ mắc cùng một bệnh: tổn thương não. Vào thời ấy, để điều trị chứng liệt và bại não hoặc do tai biến mạch máu não, BS Doman sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, làm ấm chân tay, chiếu đèn hồng ngoại, tập cơ bắp, tập khớp, nếu cơ bị co rút thì kéo cơ…(cho đến thời điểm này, năm 2007, những cách trị liệu đó vẫn còn đang áp dụng)
Tuy nhiên, ông thực sự áy náy vì tỷ lệ bệnh nhân của ông phục hồi không đáng là bao. Ông lại thấy có hiện tượng những bệnh nhi bại não của ông cứ thỉnh thoảng lại có trường hợp xin xuất viện, dù bệnh không hề thuyên giảm. Ngày càng nhiều trường hợp như vậy khiến ông rất băn khoăn: ở bệnh viện, các BS và nhân viên tận tình như thế mà còn chưa thuyên giảm; giờ chỉ ở nhà với cha mẹ, là những người không có chút chuyên môn nào về phục hồi chức năng thì sự thể sẽ ra sao?
Khó chịu khi phải đối diện với một câu hỏi hóc búa, sự thôi thúc phải tìm cho ra câu trả lời.
Ông bắt đầu bằng việc đơn giản nhất: đi khảo sát. Kết quả chuyến khảo sát làm ông sững sờ: tất cả những bé đươc về nhà đều khá hơn hẳn khi còn điều trị tử tế trong bệnh viện. Mẹ những đứa trẻ ấy hẳn phải có bí quyết gì đó mới có thể làm được điều mà một bs chuyên nghiệp như ông đã không làm được.
Lại những cuộc viếng thăm tiếp theo để “học lõm” bí quyết. Điều ông quan sát được còn gây sốc gấp bội so với lần trước: những bà mẹ đó…chẳng làm gì cả. Chẳng hề có một hoạt động trị liệu chuyên nghiệp nào. Hầu hết các gia đình ấy đều không khá giả, nên sau một thời gian trị liệu ở bệnh viện không kết quả, họ quyết định đem con về nhà. Các bà mẹ cũng không rảnh rỗi đến mức có thể ôm con suốt ngày, nên họ giải quyết bằng cách lót sàn cho êm trong phòng khách, thả con nằm sấp xuống đó cho an toàn. Mẹ chạy tíu ta tíu tít từ nơi này sang nơi khác trong nhà với hàng trăm công việc nội trợ không tên, nhưng mỗi lần đi ngang qua chỗ bé là mẹ gọi và ôm bé vào lòng một chút. Biết vậy nên mỗi lần nghe tiếng mẹ là bé cố vặn vẹo, lăn, lết…đủ kiểu để tới với mẹ được nhanh hơn.
Chỉ vậy thôi mà các bé khá hơn hẳn lúc trong viện. Yếu tố đầu tiên ông “học lóm” được từ những bà mẹ là tạo cơ hội cho bé tự vận động. Đó là yếu tố sống còn đối với trẻ bại não. Đây là lý do chính đáng đầu tiên trong nhiều lý do rất chính đáng dẫn ông đi đến kết luận: cha mẹ là giải pháp. Đem con về nhà không được điều trị nữa, thương con, họ không muốn con bị cô đơn nên đã tác động lên nó liên tục, dù mỗi lần chỉ vài phút, rồi mẹ lại phải đi làm việc khác; vài phút sau mẹ quay lại. Quy trình ấy được lặp lại, cứ thế suốt ngày.
Đến đây, ông bất ngờ phát hiện ra một bí quyết nữa của mẹ các bé: đó là thời lượng tác động ngắn nhưng duy trì với tần số cao, tức là mỗi lần tác động chỉ khoảng 5 phút là đủ, nhưng lặp lại quy trình tác động ấy vài chục lần mỗi ngày; bởi nếu thời lượng tác động dài ( hơn 5 phút /lần đã được tính là dài) thì não bé bị quá tải, nhưng nếu số lần tác động ít thì lại không đủ để lưu tín hiệu vào não. Các ông bố bà mẹ nào có kỹ thuật gì đâu, nhưng thời gian và sự kiên nhẫn dành cho con thì họ có thừa. Chỉ thế thôi mà kết quả hơn hẳn khi bé được bs tác động.
Trong số bệnh nhân của BS Doman có một người lính già, gia đình nghèo xơ xác và thất học. Người đó bị liệt và mất ngôn ngữ vì tai biến mạch máu não và phải tập vật lý trị liệu – cũng gồm những bài xoa bóp cơ và tập tay chân như thông lệ. BS Doman tả: cứ mỗi lần đến phiên người đó tập với bs thì gia đình ông ta lại đứng ngoài cửa phòng thì thầm, chỉ chỏ với vẻ thông hiểu. Có một hôm, phiên tập của người lính già vừa bắt đầu thì cô con gái ông ta khoảng 17 – 18 tuổi, mạnh dạn tiến về phía bs, chỉ vào đầu cha mình và hỏi:
- Thưa bs, bố cháu có vấn đề ở đây mà, có phải không ạ?
- Đúng, bố cháu bị máu đông gây tràn máu não.
- Vậy tại sao bs lại xoa bóp tay chân ạ?
Bao năm đã trôi qua nhưng bs Doman không thể quên được cảm giác như bị sét đánh khi nghe câu hỏi đó từ cô bé nghèo thất học, mà một bs như ông không biết phải trả lời như thế nào. Nhưng dù sao cũng phải trả lời một câu gì đó chứ. Ông bèn nói: “Tôi cũng không biết phải giải thích với cô như thế nào. Phải học rất nhiều năm để hiểu ra điều đó”. Và, dù đã nhiều năm trôi qua, mỗi lần nhớ đến câu trả lời ấy – mà khổ nỗi ông lại nhớ nó khá thường xuyên – bs Doman lại thấy xấu hổ. Cú sét đánh đó đã giúp ông vỡ lẽ ra: chính ông cũng đáng thương chẳng kém gì họ vì “sự dốt nát không chỉ là không biết gì mà còn là biết rất nhiều điều không đúng”
Rồi, nhiều năm nữa trôi qua…
“Ông ơi, con của con không sống thực vật, không liệt, nó bị tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, các bs nói thế”. Lần này, tôi – là đứa thực sự dốt nát – hồn nhiên nói với ông trong bữa cơm trưa chung ngắn ngũi 3 tuần trước Noel 1999 “ Thế tự kỷ là gì nào?” ông hỏi tôi. “ Nó ăn khó lắm, hầu như không ngủ, không tập trung chú ý, la hét, câm không nói được tiếng nào, không biết suy nghĩ, không hiểu gì nhưng nó đi tốt lắm”, tôi trả lời.
Ông nhìn tôi mĩm cười và bảo “ Con gái ơi ! con hãy dành chút thời gian đi hỏi chuyện các bà mẹ của những bé sống thực vật và con sẽ thấy họ tả về con họ cũng không khác nhưng điều con tả về con của con là mấy. Con của con may mắn là còn la hét được và đi được. Vậy ông hỏi con nhé: nói vậy thì những bé sống thực vật lại cũng mắc cả chứng tự kỷ à? Hay con của con là sống thực vật…biết đi? Đó chỉ là những cái tên mỹ miều mà người đời đặt cho các triệu chứng thôi, không phải là bệnh. Bệnh của Cún, con của con và những bé sống thực vật, tăng động, động kinh v.v… khác xuất phát từ cùng một chỗ với cùng một lý do: tổn thương não rải rác ở những vùng khác nhau dẫn đến những khiếm khuyết chức năng khác nhau”. Ở tuổi 90, ông đã biết được câu trả lời.
Rất nhiều cha mẹ trẻ bại não đã tìm đến ông từ 135 quốc gia khác nhau với cùng một mục đích: để được ông dạy cách giúp đỡ đứa con bại não, chậm phát triển của họ. Và thật may mắn, trong số đó có vợ chồng tôi. Nhờ đó, chúng tôi mới tìm lại được đứa con bị “thất lạc”