Đàn Ông Lý Tưởng
tiếp
Thấy tôi thích văn chương, viết lách, thường hay vu vơ hạt mưa hạt nắng nên chàng sợ tôi bị vướng vào cái nghiệp cầm bút. Chàng lo lắng vì nghĩ rằng viết văn, nhất là làm thơ đòi hỏi sự lãng mạn, mà có đôi người quá lãng mạn cái đâm ra lãng xẹt. Chàng dò xét:
- Em à, người ta bảo phụ nữ làm thơ thường lãng mạn lắm phải không?
- Phụ nữ hay đàn ông gì cũng vậy, lãng mạn là tùy bản tính chứ đâu phải tại vì họ làm thơ.
- Thế à.
- Dạ, theo em nghĩ thì những người lãng mạn chưa chắc đã biết làm thơ, cũng như những người làm thơ không nhất thiết phải lãng mạn.
- Em nói thế nghĩa là sao?
- Lúc mới tập tành làm thơ, dĩ nhiên người ta cần biết mơ mộng để thêu dệt cho vần thơ thêm phần diễm lệ. Nhưng sau khi đã quen với thế giới thơ ca, thì người thi sĩ cần có cái nhìn chính chắn và phân rõ ràng đâu là thế giới trong thơ, và đâu là thế giới thực tế ngoài đời.
- Anh không hiểu gì hết.
- Này nhé, thơ chỉ là thơ mà tác giả cố tình trau chuốt thêu dệt bằng những lẽ lời hoa mỹ, quan trọng là tạo vần vẻ nhịp nhàng. Còn nội dung đôi khi chỉ là một sự rung cảm nhất thời, chứ không phản ảnh được con người của tác giả.
- Em nói vậy có nghĩa là một người thi sĩ có thể rất chung thủy trong những vần thơ của mình, nhưng lại rất bạc bẽo ở thực tế ngoài đời?
- Có thể lắm chứ, vì theo em nghĩ thì trong thơ cái gì cũng đẹp, nhưng thực tế đâu có như vậy. Người ta có thể dệt thơ để nói lên niềm mơ ước của riêng mình, mơ ước một tình yêu hạnh phúc, một xã hội công bằng bác ái, một thế giới an bình không thù hận. Vì thế nên thơ chỉ diễn đạt được những nỗi miềm, những khao khát của tác giả, chứ không nói lên được con người và bản tính của tác giả ra sao.
- Trước đến giờ anh vẫn hay nghe người ta nói: ”người làm sao chiêm bao làm vậy”, nên anh cứ ngỡ là tác phẩm phải phản ảnh được con người của tác giả ra sao chứ.
- Chưa chắc, vì chiêm bao là mơ chứ không phải là mơ ước. Thí dụ như một người hay dệt những vần thơ hạnh phúc, chắc gì họ đã có hoặc đang sống trong hạnh phúc, mà ngược lại có lẽ cuộc đời của họ rất gian truân và lắm đoạn trường, nên họ khao khát được nâng niu trong tay một chút niềm hạnh phúc, để rồi đem những niềm ao ước đó dệt thành thơ. Nhưng cũng có những người sống trong hạnh phúc thật, và dùng thơ để chia sẻ hạnh phúc đó với mọi người. Nói tới nói lui thì em cũng chỉ muốn nói rằng: đọc thơ rồi đoán con người của tác giả thì không bao giờ chính xác.
- Rắc rối nhỉ.
- Ừa thì rắc rối chứ ai nói đơn giản bao giờ. Cũng giống như, ai cũng có thể đọc thơ, nhưng không phải ai cũng hiểu thơ.
- Sao lại đọc mà không hiểu?
- Đọc thơ thì ai biết chữ cũng đọc được, nhưng muốn hiểu thơ thì phải có hồn thơ, vì thơ là cô đọng. Thơ không diễn đạt được hết tất cả những tình tiết trong câu chuyện như văn, nên người đọc phải dùng hồn thơ để cảm nhận được cái hay và nét độc đáo của mỗi một bài thơ.
- Em càng nói càng phức tạp, nhưng nói cho cùng thì theo em làm thơ không nhất thiết phải làm người lãng mạn sao?
- Vâng, em nghĩ thế.
- Vậy là một người thi sĩ có thể đòi sống đòi chết vì tình yêu trong thơ, nhưng bên ngoài thì vẫn sống khơi khơi mặc cho thói đời gian dối.
- Thì thế, nên nếu cô nào mà làm thơ tỏ tình với anh thì anh đừng có tin nha, vì tin là chết đó, em không chôn đâu.
Chàng cười hô hố:
- Vậy là anh an tâm, không sợ em lãng mạn, đòi sống đòi chết cho tình yêu.
Tôi cười ruồi:
- Anh yên tâm. Có nhiều người cho là chết cho tình yêu là lãng mạn, nhưng em không nghĩ như vậy. Con người sinh ra có một đời để sống, vài lần để yêu, nhưng chỉ một lần để chết. Cái chết có khi nhẹ như lông hồng, có lúc nặng tợ Thái Sơn, nhưng chết vì thất tình, vì yêu mới thật sự là lảng xẹt.
Chàng đắc ý, cười to …
Và cũng đôi lần chàng tưởng mình là cái rún của vũ trụ này, nên thường hay lý sự để trốn phụ vợ việc nhà. Chàng cho đó là việc của đàn bà, những việc mà không làm phát triển một xã hội văn minh, nên chàng chúa ghét khi phụ nữ đòi quyền bình đẳng. Có lần tôi đã nói:
- Anh ơi, rửa dùm em mấy cái chén nha anh.
- Trời, chuyện nhỏ như rửa chén mà em cũng nhờ anh sao?
- Không nhờ anh rửa chén chứ nhờ anh làm gì bây giờ. Chuyện nhỏ như thế mà có bao giờ anh làm đâu.
- Ờ thì anh là đàn ông mà. Đàn ông chuyên lo việc lớn, chứ ai lại đi rửa chén bao giờ.
- Anh nói thế chứ em thấy mấy ông anh rể của em rửa chén hoài mà, có sao đâu.
- Ừ thì tại mấy bà chị của em đòi bình đẳng. Ủa, mà hôm nay em cũng đứng lên đòi quyền bình đẳng nữa hay sao vậy cà ?
- Nếu nói nhờ chồng rửa chén là đòi bình đẳng thì em không cần đòi bình đẳng gì hết, vì em nghĩ: chồng giúp vợ là chuyện bình thường chứ không phải bình đẳng. Còn nếu bảo đòi, thì em chỉ cần đòi sự công bình chứ không đòi bình đẳng.
- Em nói thế nghĩa là sao?
- Anh nghĩ xem: mỗi ngày đi làm về, em phải ghé đón con, rồi tắm rửa cho chúng, rồi cho chúng ăn sơ chút gì cho đỡ đói. Sau đó phải chạy vào bếp nấu cơm, rồi dọn dẹp… trong khi chồng chỉ ngồi đọc báo, coi ti vi hoặc internett. Thấy vợ lăng xăng đủ thứ việc mà không giúp đỡ, nhờ một tí thì lại bảo là đòi bình đẳng bình quyền.
- Ơ hay, hôm nay em lý lẽ nhỉ.
- Tại em ghét mấy ông cứ hở một tí là nói mấy bà đòi bình đẳng. Theo em thì giúp vợ rửa chén hay lau nhà là việc bình thường chứ không phải bình đẳng, không những bình thường mà còn là một nhiệm vụ cao cả đấy cơ. Anh nghĩ xem, thời xưa ông bà mình thường nói: ” đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn”. Thời nay chẳng thấy tát bể Đông bể Tây gì cả, chỉ nhờ rửa có tí chén mà cũng lần lữa, phàn nàn.
- Đúng rồi, thì tát bể Đông là chuyện lớn, còn rửa chén là chuyện nhỏ ai cũng làm được, cần gì anh phải nhúng tay.
- Thế chuyện cần anh nhúng tay là chuyện lớn gì, ông chồng nói đi, em nghe.
- Ờ thì…
Suy nghĩ một lát, chàng nói:
- Thí dụ như… sửa xe…
- Em thấy anh đâu có sửa gì đâu. Xe mà dở chứng thì anh chỉ nhìn một tí rồi đưa vào tiệm cho người ta sửa không à.
- Ờ thì…anh sơn nhà.
- Sơn nhà thì em cũng sơn cơ mà, đâu phải riêng anh.
- Thì tại em thích sơn thôi chứ anh biết đó là chuyện của anh, nên anh đâu có nhờ em.
- Em biết anh không nhờ em, nhưng khi thấy anh làm mệt thì em tình nguyện giúp một tay thôi. Ai thương chồng thì cũng đều làm như em cả, chẳng cần đắn đo chuyện bình đẳng hay bình thường.
Chàng im lặng... suy tư…
Cũng vì cái giọng điệu lý sự của chàng nên tôi hay chọc và hỏi toàn những chuyện không ra đâu vào đâu:
- Anh à, trên đời này có đàn ông lý tưởng không ?
- Dĩ nhiên là có rồi, em hỏi làm gì những câu thừa thãi ấy. Đàn ông lý tưởng đứng ngay trước mặt em nè, hổng thấy hay sao mà còn hỏi.
- Đâu, lý tưởng chỗ nào đâu, anh thí dụ coi nào.
- Cần gì thí dụ xa xôi. Đây nè, anh đang làm cho em ly bơ sữa đường nè, hổng phải anh là một người đàn ông, một người chồng lý tưởng lắm hay sao ?
Nhìn ly bơ đầy sắp tràn ra khỏi miệng ly, tôi ngạc nhiên:
- Trời đất, anh làm bơ nhiều cỡ này thì chỗ dâu mà bỏ sữa và đá vào nữa. Bình thường em chỉ làm nửa quả bơ thôi. Quả bơ to gần nửa ký, anh nhét hết vào cái ly đó làm sao còn chỗ cho những thứ khác.
- Thì tại vì em keo như kẹo kéo, nên chỉ ăn mỗi lần nửa quả, anh rộng rãi nên ăn một lần cho đáng ăn mà.
- Thôi đi ông chồng à, cái này gọi là lý sự á.
- Gì mà lý sự. Em nghĩ coi không phải sao. Nếu làm nửa quả thì còn nửa quả kia phải gói cho kỹ, cất cho cẩn thận, vì nó rất dễ bị đen. Nếu bị đen rồi thì ăn sẽ không còn ngon nữa, rồi mất công phải đem đi vứt. Vậy chi bằng mỗi lần ăn luôn cả một trái, khỏi cần nghĩ tới chuyện bảo quản làm chi cho mệt.
- Ông chồng tôi ơi, đây không những lý tưởng mà còn là lý luận nữa đấy nhé. Nghe em nói nè. Mỗi khi ăn bơ sữa thì em chỉ làm cho em một nửa quả thôi, còn một nửa kia em làm cho anh. Có nghiã là một trái chia làm đôi, không cần cất giữ hay bảo quản gì hết. Chứ còn anh làm hết một quả cho riêng mình em như thế này thì còn đâu chỗ mà bỏ sữa và đường, rồi còn đá nữa, mà phải bỏ nhiều đá vô ăn mới ngon cơ.
- Vậy thì em đổ nó ra cái tô, rồi bỏ sữa và đá vô cho rộng rãi.
- Ái cha, ông chồng tôi lại lý lắc nữa rồi. Bộ anh tính nuôi em như nuôi con heo hay sao mà cho ăn bơ sữa bằng tô.
- Thì ai bảo em không lo ăn mà cứ lo cằn nhằn cái … ly. Đáng lẽ em phải mừng và cảm thấy hạnh phúc vì em có một ông chồng rất ư quan tâm săn sóc cho em, còn ăn bằng ly hay bằng tô gì cũng đều là chuyện không đáng kể đó mà.
Ông chồng tôi thì lúc nào cũng có rất nhiều lý do mà tôi không bao giờ nói lại, nhưng cái lý do có lý nhất vẫn là: những gì anh ấy làm cho tôi đều làm vì tình thương yêu. Tôi không nói gì thêm nữa, lẳng lặng ăn hết ly bơ, không bỏ xót một tí nào, mặc dù tôi biết rằng: nhất định đêm nay mình sẽ khó ngủ.
thihạnh