Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Hỏa hoạn : Nhà Thờ Đức Bà Paris về cơ bản vẫn đứng vững
Ảnh chụp bên trong Nhà Thờ Đức Bà Paris, ngày 16/04/2019 AFP
Trọng Thành - RFI - ngày 17-04-2019. Vụ hỏa hoạn tối ngày thứ Hai, 15/04/2019, gây thiệt hại nặng nề, nhưng về cơ bản kiến trúc Nhà Thờ Đức Bà vẫn đứng vững. Đó là nhận định chung của nhiều giới chức Pháp, trong đó có quốc vụ khanh bộ Nội Vụ Laurent Nuñez, có mặt tại hiện trường hôm qua, 16/04.
Thiệt hại lớn nhất là tháp mũi tên, cao 93 mét, được coi là một biểu tượng của Nhà Thờ Đức Bà Paris bị cháy rụi. Tháp mũi tên nói trên là kết quả của đợt trùng tu năm 1859-1860, do kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc chủ trì. Ngọn tháp nguyên thủy được xây dựng vào năm 1250 thực ra đã bị dỡ bỏ hồi cuối thế kỷ XVIII.
Toàn bộ phần khung mái sau bằng gỗ, dài hơn 110 mét, rộng 13 mét, cao 10 mét, cũng bị thiêu hủy. Đây là một công trình kiến trúc của thế kỷ XIII, với một số yếu tố kiến trúc từ thế kỷ VIII. Theo người phát ngôn lực lượng Cứu Hỏa Paris, thì một phần mái vòm nhà thờ cũng bị sụp. Tuy nhiên, toàn bộ vòm mái về nguyên tắc vẫn đứng vững, theo bộ trưởng Văn Hóa Franck Riester.
Cây đàn orgue nhỏ nằm ngay dưới tháp mũi tên bị tổn hại nặng nề do lửa, nhưng cây đàn orgue lớn được chế tạo vào thế kỷ XV, với 5 bàn phím và 8.000 ống đồng, thì gần như an toàn, cho dù ít nhiều bị gạch đá đổ nát và nước cứu hỏa gây tổn hại nhẹ.
Cùng với hai tháp chuông được bảo tồn gần như nguyên vẹn, là bốn quả chuông đồng của Nhà Thờ Đức Bà, trong đó có quả chuông nổi tiếng 13 tấn. Thánh tích con gà trống trên đỉnh tháp nhọn, tưởng bị thiêu cháy, rốt cục đã được tìm thấy hôm qua trong đống đổ nát. Theo một nguồn tin từ bộ Văn Hóa, di vật này hoàn toàn có thể phục chế được.
12 tượng thánh tông đồ và bốn bức tượng của các nhà truyền giáo bằng chì trên tháp nhọn cũng an toàn, do trước đó ít ngày, đã được di chuyển đi nơi khác để chuẩn bị tu bổ. Thánh tích được coi là quý báu nhất đối với các tín đồ Công Giáo, là vòng mũ gai tương truyền là mang trên đầu Chúa Giê Su lúc bị đóng đinh trên thập giá, cũng còn nguyên vẹn.
Nhiều báu vật khác, trong đó có toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ trong « kho báu » của Nhà Thờ Đức Bà, trong đó có bức tranh tuyệt tác Visitation, thế kỷ XVIII, của Jean Jouvenet (1716), còn nguyên vẹn. Cũng như toàn bộ ba ô kính hoa hồng, đường kính 13 mét, được chế tạo từ thế kỷ XIII.
Nhà thờ Đức Bà Paris, chụp từ trên không = drone, thứ Ba 16/4/2019 (sau trận hoả hoạn kinh hoàng chiều tối 15/4/2019)
bên trong nhà thờ, nơi bàn thờ làm lễ cầu nguyện, giờ chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn ! nhưng cây Thánh Giá gắn trên tường còn nguyên si ! và nhất là : trong đống tro tàn này, người ta tìm thấy 'con gà trống' bằng đồng xanh nhạt gắn trên chóp ngọn tháp (cao 93 mét bị cháy và đổ) cũng còn nguyên vẹn, chứ không bị nghĩ là "tượng đồng" cũng đã bị chảy tan vì lửa đốt hơn 3 giờ đồng hồ liền !
buồn và đau quá ! cứ đau thốc từ trong người đau ra, đau nhừ và sâu thẳm ! tuy nhiên khác nỗi Đau khi nhớ mẹ of Nó = Đau Tim và nỗi Đau khi nghĩ về phận MẸ VN = Đau trong tâm khảm, hồn linh! nguyên ngày hôm qua Nó không xem tin tức, mà bỏ đi làm vườn treo mini... mãi tối trễ mới xem tivi ! người Pháp họ rất đoàn kết khi có sự đau thương của dân tộc họ, mọi xung khắc chính trị tạm dẹp ... và chỉ mới 1 ngày hôm qua đã quyên góp được 700 triệu E cho xây dựng lại Notre Dame Paris ( tiền ước tính xây lại là 850 triệu E) TT Pháp hứa sẽ hoàn tất nhà thờ này trong 5 năm ( dịp Olympic 2024 tại Paris ) => thôi thì cũng dịu bớt buồn-đau !!
Notre Dame Paris không chỉ là của người Pháp mà là của tất cả mọi người trên thế giới, thế nên sự tiếc nuối cũng được chia sẻ khi than thở với nhau. Cầu mong sẽ sớm thấy lại tháp chuông uy nghi bí ẩn ngày xưa, nơi có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp tuổi trẻ
rất Lạ là hôm qua trong đống tro tàn họ tìm thấy con gà trống = đồng xanh nhạt gắn trên chóp ngọn tháp cao 93 mét bị cháy rụi và sập ! tưởng là bị chảy tan rồi chứ, cháy khiếp vậy cả hơn 3h đồng hồ !!
Cái hình đại diện của P làm kiểu này rất đẹp. Cờ nước Pháp hỉ?
dạ, màu quốc kỳ Pháp đấy : bleu-blanc-rouge = xanh-trắng-đỏ ! hồi Paris bị khủng bố tàn bạo nhất, 13/11/2015, ai cũng lấy biểu tượng cho quốc tang = màu cờ Pháp !
Kho báu kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris
Thu Hằng - RFI - Thứ Tư, ngày 17 tháng 4 năm 2019 Nghiêng mình thả một đồng tiền xu vào "Cột mốc số Không" trên quảng trường Nhà thờ Đức Bà, một nữ du khách người Tây Ban Nha nhắm mắt, hai bàn tay chắp trước ngực, ngước về phía mặt tiền nhà thờ nhẹ nhàng cầu nguyện.
Thiếu nữ này chỉ là một trong khoảng 14 triệu du khách hàng năm tới thăm quan Nhà thờ Đức Bà Paris. Theo số liệu thống kê chính xác của Phòng Du lịch Paris, có tới 14.300.000 du khách tới công trình nổi tiếng này vào năm 2014, nhờ miễn phí vé vào cửa, nên nhà thờ Đức Bà đứng đầu danh sách 61 công trình văn hóa được thăm quan nhiều nhất tại thủ đô.
Nằm trên đảo Cité, giữa lòng trung tâm lịch sử của Paris, du khách có thể khám phá Kho báu của nhà thờ Đức Bà và có chiêm ngưỡng toàn cảnh Paris từ hai ngọn tháp. Vào mùa hè hàng năm, tổ chức Cộng đồng tiếp đón tại các Khu vực nghệ thuật (gọi tắt là CASA), được Cha Alain Ponsar thành lập từ năm 1967, luôn tổ chức nhiều chương trình giới thiệu miễn phí bằng nhiều thứ tiếng để giúp du khách nước ngoài khám phá một số bí ẩn của Nhà thờ.
Mùa hè năm nay, Thanh Thảo, một tình nguyện viên của CASA, giúp du khách và sinh viên Việt Nam, thậm chí là người Việt đang sinh sống tại Paris, có cơ hội khám phá một lần nữa vẻ đẹp và sự huyền bí của nhà thờ Đức Bà.
Gần 200 năm xây dựng nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà được xây dựng vào thế kỷ XII, vào thời hoàng kim của Thiên Chúa giáo. Paris lúc đó đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Người dân Paris cần một thánh đường tương xứng với tầm quan trọng của thành phố. Năm 1163, viên đá đầu tiên của nhà thờ Đức Bà được đặt xuống. Cung Thánh được quay về hướng Đông, nơi mặt trời mọc, và cũng là biểu tượng của sự phục sinh của Chúa. Mặt tiền được hoàn thành vào năm 1351. Cổng chính giữa của mặt tiền, gọi là cổng Phán xét cuối cùng, được xây quay về phía Tây, nơi mặt trời lặn và cũng là tượng trưng cho tận thế và cái chết.
Trên mặt tiền có ba cổng, lần lượt từ trái qua phải là có cổng Đức Mẹ Đồng Trinh (le Portail de la Vierge), cổng Phán xét Cuối cùng (le Portail du Jugement dernier) và cổng Thánh Anna (le Portail Sainte-Anne). Nếu như cổng Thánh Anna nói về cuộc sống của Đức mẹ Maria và Chúa Giê-su ra đời, thì cổng Đức Mẹ Đồng Trinh nói về cái chết của Đức Mẹ Maria và giây phút bà lên ngôi Nữ hoàng của Bầu trời. Ở trên cổng Đức Mẹ Đồng Trinh, chúng ta có thể nhìn thấy một bức điều khắc nói về sự tích Adam và Eva, nhắc với con chiên về tội lỗi của tổ tiên loài người. Cái giá phải trả cho tội lỗi của loài người là lao động.
Thời Trung cổ, hoạt động chủ yếu của người dân là nông nghiệp. Vậy nên, chúng ta có thể chiêm ngưỡng trên hai góc cổng các hoạt động nông nghiệp tương ứng với 12 tháng trong năm. Ở bên trái của cổng, chúng ta có thể thấy tượng của Thánh Denis đang cầm đầu của mình trong tay. Ông là người đã mang đạo Ki tô giáo từ Jerusalem về Paris năm 250. Và với hành động này, ông đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Ông bị chém đầu trên đỉnh Montmartre. Người ta kể lại rằng, sau khi bị tử hình, Thánh Denis đã cúi xuống và bưng đầu của mình lên. Ông mang đầu của mình đi khoảng 7-8 km lên phía Bắc của Paris trước khi ngã xuống. Và nơi ông ngã xuống, trở thành địa điểm xây dựng Nhà thờ Saint-Denis ngày nay.
Ở giữa là cổng Phán xét Cuối cùng, nói về số phận của con người sau cái chết. Sau khi chết đi, con người sẽ sống lại và Chúa Giê-su sẽ phán xét xem con người có thể lên thiên đường hay xuống địa ngục. Ở giữa mái vòm trên bức điêu khắc giữa cổng, chúng ta có thể nhận thấy một bên là thiên thần còn bên kia là quỷ ác. Và nếu con người yêu chúa, thì sẽ được lên thiên đường cùng với thiên thần. Trong khi đó, nếu không tin vào Thiên chúa, con người sẽ phải xuống địa ngục.
Ba cửa sổ hình hoa hồng : ba kho báu của nhà thờ
Bây giờ, khi mở cánh cổng ra, chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự rộng lớn của nhà thờ Đức Bà. Ngước lên trần nhà, chúng ta có thể nhìn thấy những mái vòm cao 33 mét, được xây theo kiến trúc Gothic và hai bên nhà thờ Đức Bà có rất nhiều cửa sổ, giúp cho ánh sáng tự nhiên bên ngoài xuyên vào bên trong để chiếu sáng cả tòa nhà.
Kiến trúc Gothic có những vòm cửa nhọn rất đặc trưng, giúp cho trọng lượng của đá được dẫn đều vào trụ thay vì tường. Nhờ đó, vai trò của tường giảm đi, nên người ta có thể phá tường và thay vào đó là các cửa sổ kính màu. Khi tiến đến cánh ngang của nhà thờ, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được ba cửa sổ hình hoa hồng, cũng là ba kho báu của nhà thờ Đức Bà, được lắp đặt vào thời kỳ Trung cổ.
Nhìn vào bông hồng phía Bắc, ở trung tâm là hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng và xung quanh là các nhà tiên tri và các vua của Cựu Ước. Những nhân vật này có mặt trên những cánh hoa ở xung quanh tâm của hoa hồng, ánh nhìn của họ hướng về Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Bởi vì sự giáng trần của Chúa là điều họ đã tiên đoán và trông đợi bấy lâu nay.
Sau Cựu Ước là Tân Ước, đối diện với bông hồng phía Bắc là bông hồng phía Nam. Trên bông hồng phía Nam, chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giê-su ở tâm và xung quanh là 12 thánh tông đồ cùng với các vị Thánh. Dĩ nhiên, tất cả những nhân vật này đều thuộc Tân Ước. Con số 12 được lặp đi lặp lại trong các vòng cánh hoa. Vì sao ? Bởi vì con số 12 tượng trưng cho 12 thánh tông đồ, tượng trưng cho 12 dân tộc Israel. 12 cũng là "3 nhân 4" : "3" như Cha, Con và các vị thánh thần ; "4" là bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, là bốn người phát ngôn, bốn cạnh của một hình vuông và hình vuông là tượng trưng cho Trái đất.
Bông hồng phía Tây, đối diện với bàn thờ, bị đàn orgue che khuất một phần. Bông hồng này nói về chủ đề lao động, bởi vì lao động vừa là sự nguyền rủa của Thiên Chúa, vừa là nhiệm vụ của loài người. Vì vậy, trên bông hồng này, chúng ta có thể thấy 12 cung hoàng đạo tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cũng như những hoạt động tương ứng với mỗi tháng trong năm.
Bây giờ, khi hướng ánh nhìn về phía giàn thờ, chúng ta có thể quan sát thấy hai mảnh còn sót lại của một bức tường từ thời Trung cổ bao quanh giàn thờ. Những bức tường này có vai trò bảo vệ cho các Cha khỏi cái lạnh, cũng như âm thanh từ các con chiên ở trên hành lang. Và khi xây bức tường này, các Cha cũng mong muốn rằng đây là nơi giảng kinh thánh. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn thấy trên bức tường những bức điêu khắc phác lại những sự kiện chính trong kinh thánh. Phải hình dung ra rằng, ngày trước, các con chiên và các Cha bị ngăn cách bởi một bức tường chắn. Sau quyết định của Concile de Trente (Hội đồng Ba mươi) vào thế kỷ XV, người ta đã phá bỏ phần bức tường ngăn cách giữa giàn thờ và khán đài, bởi vì bức tường này ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các Cha và con chiên.
Nhìn vào những bức điêu khắc này, chúng ta có cảm giác chúng được làm bằng gỗ, nhưng thực ra đây là những bức điêu khắc bằng đá. Chúng còn tồn tại được đến ngày nay là vì, vào thế kỷ XVIII, do kiến trúc Gothic bị coi là lỗi thời, nên người ta đã trát đất để che phủ những bức tượng này. Cho tới thế kỷ XIX, kiến trúc sư Viollet-le-Duc, người phụ trách quá trình trùng tu nhà thờ Đức Bà, đã phát hiện ra những bức tranh tường này và nhờ đó, ông đã cứu sống và tu sửa lại để chúng có thể tồn tại được tới ngày nay.
Đi bộ ra phía sau giàn thờ, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được vòng nguyệt quế của Chúa Giê-su ở trong một hộp bằng kính màu đỏ. Vòng nguyệt quế là vương miện mà quân lính đã đặt lên đầu ngài trước khi bị đưa lên cây thánh giá. Bởi vì, như chúng ta đã biết, Chúa Giê-su là vua của người Do thái. Và đặt vòng nguyệt quế lên đầu chúa Giê-su là biểu hiện của sự khinh bỉ.
Vòng nguyệt quế của Chúa Giê-su bắt đầu được các con chiên đến viếng thăm từ thế kỷ thứ IV tại Jerusalem. Sau này, giữa thế kỷ thứ VII và thế kỷ thứ X, vòng nguyệt quế được chuyển từ Jerusalem tới Constantinople (Istanbul ngày nay). Sau đó, vòng nguyệt quế lại rơi vào tay các Hoàng đế Byzantine. Những vị vua này gặp khó khăn về tiền bạc, nên họ đã bán vòng nguyệt quế cho một nhà buôn ở Venice (Ý). Vào thế kỷ XIV, vua Louis IX đã mua lại vòng nguyệt quế từ tay nhà buôn trên, với giá 135.000 franc. Vua Louis IX đã mang vòng nguyệt quế về Pháp và xây dựng nhà thờ Sainte-Chapelle để bảo vệ vòng nguyệt quế, cùng với một số linh vật khác của Chúa Giê-su. Vòng nguyệt quế được bảo quản ở Sainte-Chapelle cho đến cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789.
Vào năm này, vua Louis XVI đã chuyển vòng nguyệt quế từ Sainte-Chapelle lên nhà thờ Saint-Denis ở phía Bắc Paris, sau đó lại chuyển về Thư viện Quốc gia Pháp. Năm 1801, Napoléon I ký kết hiệp ước giữa Nhà nước và Giáo hội. Hòa bình trở lại, Napoléon I trao trả vòng nguyệt quế cho nhà thờ Đức Bà và nhà thờ bảo vệ vòng nguyệt quế của Chúa Giê-su từ năm 1801 cho tới nay. Mỗi thứ Sáu đầu tháng, các con chiên từ khắp nơi về nhà thờ Đức Bà để viếng vòng nguyệt quế của Chúa Giê-su cùng với một cây đinh và một mảnh của cây thánh giá thật.
(Tạp chí phát lần đầu ngày 23/10/2015)
|