“Bạn phải tìm thấy điều bạn yêu thích”: lời nhắn nhủ của Steve Jobs. http://news-service.stan...june15/jobs-061505.html Đây là diễn văn lễ tốt nghiệp do Steve Jobs (Tổng quản trị hãng Apple Computer và Pixar Animation Studios) đọc ngày 12 tháng 6 năm 2005 tại trường đại học Stanford, California.
Tôi rất vinh hạnh được hiện diện hôm nay cùng các bạn tại lễ tốt nghiệp của (Stanford,) một trong vài trường đại học ưu tú nhất trên thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Thực vậy, dịp này có lẽ là dịp duy nhất tới nay tôi dự phần vào lễ ra trường. Hôm nay tôi muốn thưa với bạn ba câu chuyện của đời tôi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Không có gì to tát cả, chỉ có ba câu chuyện.
Nối các chấm lại với nhau
Chuyện đầu tiên là về việc “nối các chấm lại với nhau.”
Tôi bỏ học trường Reed College [1] chỉ sau sáu tháng theo học, nhưng cũng còn ráng nán lại gần một năm rưỡi để học thêm một số lớp nữa trước khi thực sự thôi học. Có lẽ bạn sẽ hỏi vì sao tôi bỏ học?
Chuyện đó bắt nguồn ngay từ truớc khi tôi chào đời. Mẹ ruột tôi là sinh viên trẻ đang theo học để lấy bằng cao học, rủi có bầu ngoài hôn thú, và đã quyết định cho tôi làm con nuôi người khác. Bà ấy rất muốn tôi được làm con của một gia đình khoa bảng, do đó tôi đã được thỏa thuận sẽ được làm con nuôi của một cặp gia đình luật sư. Có một trục trặc là khi tôi ra đời thì cặp vợ chồng này đổi ý vì họ thực sự muốn nuôi một đứa con gái. Khi đó thì cha mẹ nuôi tương lai của tôi nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm hỏi rằng nhà thương có một đứa con trai mới sinh, và rằng cha mẹ tôi có muốn nhận nó hay không? Họ trả lời “Dĩ nhiên rồi,” vì họ cũng đang trong danh sách chờ xin con nuôi. Mẹ ruột tôi sau đó phát giác rằng mẹ nuôi tôi chưa hề tốt nghiệp đại học, còn ba tôi cũng chưa hề tốt nghiệp trung học. Bà từ chối không chịu ký giấy cho con nuôi. Vài tháng sau bà mới ưng thuận khi ba mẹ nuôi tôi hứa với bà rằng sẽ cho tôi theo học đại học.
Mười bảy năm sau quả tình là tôi được học đại học. Nhưng tôi đã quá ngây thơ khi chọn một đại học cũng tốn phí ngang như trường Stanford, thế là cả món tiền lao động lam lũ mà ba mẹ tôi dành dụm đều tiêu vào tiền học cả. Sau sáu tháng học hành, tôi chẳng thấy việc theo học này ích lợi chi cả. Tôi không có một ý tưởng sự nghiệp sau này sẽ ra sao, và chẳng biết học đại học rồi có giúp cho tôi tìm ra được câu trả lời hay không, trong khi tôi đang tiêu sạch món tiền mà ba mẹ tôi khổ nhọc dành dụm bấy lâu. Thế nên tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi sự sẽ tốt đẹp sau này. Quả là khi đó thì quyết định này liều lĩnh thật, nhưng nhìn lại thì nó là một trong những quyết định tuyệt vời nhất của tôi. Ngay sau khi quyết định thôi học, tôi bỏ hết các môn bắt buộc và bắt đầu chỉ lấy những lớp tôi cảm thấy hay ho.
Đời sinh viên khi ấy cũng chẳng thơ mộng gì cho lắm. Tôi không có phòng trọ riêng, vì thế tôi ngủ tạm sàn nhà của các bạn học, rồi tôi đi lượm những lon nước ngọt để bán lại với giá 5 xu tiền ký thác mỗi lon, rồi dùng tiền này để mua thức ăn. Tôi còn nhiều lần đi bộ 7 dặm xuyên thành phố tới đền thờ Hare Krisna mỗi chủ nhật để được ăn tối miễn phí. Tôi (chẳng nề hà chi cả mà còn) cảm thấy thích thú nữa là đằng khác. Những điều tôi chạm trán khi theo đuổi trực giác cũng như thỏa mãn trí tò mò sau này lại trở nên vô giá. Để tôi lấy một thí dụ:
Trường Reed khi ấy có mở lớp dạy viết thư pháp (calligraphy) và có ban giảng huấn vào bậc nhất trên toàn quốc. Các biểu ngữ trong khuôn viên trường cũng như các nhãn tên trên ngăn tủ đều được viết bằng tay thật đẹp. Vì tôi đã bỏ học và không còn phải học các lớp bắt buộc nữa, tôi quyết định theo học lớp thư pháp để học cách vẽ như thế. Tôi học về các kiểu chữ serif và sans serif, về sự gia giảm khoảng cách giữa các ký tự không cùng kiểu chữ, và tại sao các kiểu chữ đẹp lại đẹp toàn hảo như vậy. Tôi cảm thấy bị quyến rũ bởi các kiểu chữ tuyệt đẹp này, chúng có một bề dày lịch sử, rất nghệ thuật với một độ tinh tế mà khoa học không tài nào lột tả được.
Lúc đó tôi nghĩ những điều tôi học kể trên chẳng có một ứng dụng thực tiễn nào cho đời tôi cả. Thế nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế cái máy Macintosh thế hệ đầu tiên, những điều tôi học được lại hiện lên rõ ràng. Tôi đã đem hết những hiểu biết có được để ứng dụng vào máy Mac. Đấy là máy điện toán đầu tiên với các kiểu chữ thật đẹp. Nếu tôi không theo học lớp thư pháp, máy Mac có lẽ chẳng bao giờ có nhiều thiết kế khác nhau trong cùng một kiểu chữ (typeface) hay các kiểu chữ có khoảng cách thay đổi theo tỷ lệ(proportionally spaced fonts.) Và vì hệ điều hành Windows nhái hệt theo Mac, có lẽ sẽ chẳng có máy tính nào hiện nay sẽ có các kiểu chữ đẹp như ta đang quen dùng. Nếu tôi không bỏ học, có lẽ tôi chẳng theo học lớp thư pháp, và có lẽ sẽ chẳng có máy tính nào hiện nay sẽ có các kiểu chữ đẹp như vậy. Dĩ nhiên khi tôi còn đang đi học thì tôi chẳng tài nào nối các dữ kiện này với nhau để tiên đoán tương lai, nhưng mười năm sau nhìn lại thì mọi việc đều trở nên rõ ràng.
Tình Yêu và sự Mất mát
Chuyện thứ hai tôi sẽ kể là về tình yêu và sự mất mát.
Tôi là nguời rất may mắn – Tôi tìm thấy điều tôi muốn làm khi tôi còn rất trẻ. Woz (Steve Wozniak) và tôi sáng lập hãng Apple trong nhà xe của ba mẹ tôi khi tôi chỉ mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc cật lực, và chỉ trong 10 năm Apple đã lớn mạnh từ hai chúng tôi thành một công ty trị giá hai tỷ mỹ kim với trên 4000 nhân viên. Chúng tôi vừa cho ra lò sản phẩm tuyệt hảo nhất – máy Macintosh – chỉ một năm trước đó, và tôi thì vừa tròn 30 tuổi. Và tôi bị đuổi việc. Làm sao mà bạn lại bị đuổi việc từ chính công ty bạn sáng lập? Xin thưa rằng, khi Apple khuyếch truơng chúng tôi có mướn một người mà riêng tôi nghĩ là rất có tài để cùng chung điều khiển công ty, và quả nhiên trong năm đầu tiên thì mọi sự tiến triển tốt đẹp. Nhưng càng ngày thì tầm nhìn về tương lai giữa tôi và người ấy càng ngày càng cách biệt và rồi những bất đồng xảy ra. Hội đồng quản trị lại đứng về phe ông ta. Thế là tôi phải ra đi. Ra đi ê chề trước nhãn quan mọi người. Những gì tôi chú tâm vào làm trong cả đời đột nhiêu bị tan biến, tôi cảm thấy hoàn toàn thất bại.
Suốt mấy tháng sau đó, tôi thực sự chẳng biết phải làm gì nữa. Tôi cảm thấy là tôi đã làm thất vọng cả thế hệ doanh nhân trước thời của tôi, rằng tôi đã làm rớt ngọn đuốc Olympic khi nó được truyền cho tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce rồi tìm cách xin lỗi họ vì đã làm những sai lầm quá tệ hại. Tôi là một người nổi tiếng đã bị thất bại, và tôi cũng đã từng nghĩ đến chuyện chạy trốn khỏi thung lũng hoa vàng. Nhưng dần dà tôi nhận thức ra một điều, đó là tôi vẫn còn yêu thích những gì tôi đã làm. Những sự kiện liên tiếp xảy ra ở Apple chẳng làm thay đổi lòng đam mê của tôi chút nào. Tôi bị khước từ, nhưng tôi vẫn còn lòng say mê. Thế là tôi quyết định làm lại từ đầu.
Lúc đó tôi chẳng hề nhận thức rằng bị đuổi khỏi Apple lại chính là cái may lớn nhất trong đời. Cái sức ép ngàn cân như là một doanh nhân thành đạt trước kia nay được thế bằng cái cảm giác nhẹ tợ lông hồng của một người vừa khởi nghiệp, chẳng còn chắc mẩm về bất cứ cái chi nữa cả. Sự thanh thoát này đã giúp tôi bước vào một trong các giai đoạn sáng tạo lẫy lừng nhất trong đời tôi.
Trong năm năm sau đó, tôi sáng lập một công ty với tên gọi NeXT, rồi một công ty khác nữa có tên gọi Pixar, rồi tôi phải lòng một phụ nữ rất tuyệt vời, cô sau này cùng tôi nên duyên vợ chồng. Hãng Pixar sau đó phát triển không ngừng để sáng tạo ra phim hoạt hình vẽ bằng công nghệ điện toán đầu tiên trên thế giới với tựa đề “Chuyện của các đồ chơi” (Toy Story.) Hiện thời, Pixar là hãng làm phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Tiếp theo đó, với những bước ngoặt thật đáng kể, Apple mua lại hãng NeXT, tôi trở lại Apple, và nay thì những công nghệ chúng tôi phát minh tại NeXT đang là cốt lõi của sự phục hưng tại Apple. Thêm vào đó, tôi và Laurence đang chung xây một mái nhà tranh với hai quả tim vàng.
Tôi đoan chắc những điều vừa kể trên chẳng thể nào xảy ra được nếu như tôi chẳng bị đuổi việc. Đúng là thuốc đắng dã tật. Đôi khi đời đá ta như bị bò đá. Đừng bao giờ mất niềm tin, các bạn ạ. Tôi đoan chắc là chỉ có lòng say mê với công việc mình yêu thích mới làm tôi vực dậy nổi sau khi đã ngã sóng xoài. Bạn phải tìm ra cho bằng được bạn say mê cái gì. Điều này cũng đúng cả khi bạn yêu thích một công việc cũng như khi bạn tìm kiếm người trong mộng. Vì công việc bạn làm sẽ chiếm trọn một phần đời của bạn, cách duy nhất khiến bạn có thể thực sự toại nguyện là khi bạn làm những gì bạn cảm thấy là việc to tát như vá biển lấp trời. Cách duy nhất để có thể làm những việc đội đá vá trời như vậy là bạn phải yêu thích những gì bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm ra những việc làm thỏa mãn như vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng thỏa hiệp với sự tầm thường. Cũng hệt như tiếng gọi của con tim, bạn sẽ tự cảm nhận được một khi nào bạn tìm ra được việc làm yêu thích. Và, cũng hệt như những mối tình lớn khác, lòng đam mê với việc đã chọn sẽ chỉ tăng dần theo năm tháng. Vì thế hãy gắng tâm tìm kiếm cho tới khi tìm thấy công việc làm bạn đam mê. Đừng thỏa hiệp với chính bạn.
Lưỡi hái của Tử thần
Câu chuyện sau cùng là về sự chết.
Khi tôi mới 17 tuổi, tôi có đọc được một danh ngôn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối đời bạn, dần dà đời bạn sẽ khá hơn lên.” Câu danh ngôn này để lại một dấu ấn trong tôi, rồi suốt 33 năm qua mỗi sáng tôi đều nhìn vào gương và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cuộc đời tôi, tôi còn ham muốn làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Mỗi khi tôi trả lời “Không” liên tiếp chừng tuần lễ, tôi tự biết tôi cần phải thay đổi một cái gì đó.
Luôn tự nhủ là tôi sẽ phải chết sớm thực là một tuyệt chiêu, nó giúp tôi nhiều phen khi phải làm những quyết định quan trọng trong đời. Bởi chưng mọi thứ quanh ta – từ những trông mong ngoại cảnh vào khả năng của ta, những tự mãn cùng nỗi sợ hãi bị làm mất thể diện hay sợ thất bại – những điều như trên chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi ta chạm mặt tử thần. Lúc đó chỉ còn những gì tối hệ trọng mới đáng kể. Luôn ghi nhớ rằng tôi sắp chết là cách tốt nhất tôi dùng để tự đối phó mỗi khi tôi nghĩ tôi sắp thua một ván bài nào đó. Khi bạn bị dồn vào chân tường và bị lột trần như nhộng, còn gì mất nữa đâu và bạn an nhiên nghe theo tiếng lòng mình.
Khoảng một năm về trước, tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp quang ảnh ngay từ khoảng bẩy giờ rưỡi sáng hôm đó, kết quả cho thấy rõ ràng tôi bị bướu ở tụy tạng (pancreas.) Lúc ấy tôi cũng chả biết tụy tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi rằng loại ung thư này thuộc loại vô phương cứu chữa, và rằng tôi chỉ còn sống được cao lắm là từ ba tới sáu tháng mà thôi. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà “giải quyết chuyện gia đình cho có trước sau,” hàm ý bảo tôi về nhà chuẩn bị chết đi là vừa. Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi phải gom cho gọn lại những gì tôi sẽ dạy bảo cho lũ con tôi trong mười năm để chỉ dạy dỗ trong vòng vài ba tháng. Điều này cũng có nghĩa là tôi sẽ phải bạch hóa mọi chuyện trong nhà để người thân của tôi còn biết đường lo liệu. Điều này có nghĩa là tới giờ đi chào vĩnh biệt mọi người.
Tôi đã sống với cái chẩn đoán đó suốt ngày. Tới tối,tôi được làm một phẫu thuật nhỏ (sinh thiết,) người ta thọc một ống nội soi qua cổ họng, xuống dạ dày tới ruột, rồi cho một kim chích vào tụy tạng để lấy vài tế bào của cục bướu. Tôi được chích thuốc gây mê, nhưng vợ tôi cũng có mặt ở phòng mổ đã kể lại rằng khi các bác sĩ khám nghiệm các tế bào này qua kính hiển vi, họ đã reo lên vì cục bướu của tôi thuộc loại bướu tụy rất hiếm và có thể khỏi bịnh được sau khi đã lấy nó ra. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật để lấy ra cái bướu đó và khỏi bịnh rồi.
Có lẽ đây là lần tôi cận kề cái chết nhất trong đời, tôi mong sẽ chẳng phải trải qua một thử thách nào tương tự trong ba bốn mươi năm tới. Đã trải qua kinh nghiệm sinh tử này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đôi điều:
Chẳng ai muốn chết cả. Ngay cả những ai muốn lên Thiên Đàng cũng không muốn phải chết trước rồi mới tới nơi ấy. Tuy vậy, sự chết là điều mà ai cũng sẽ phải trải qua. Chưa ai vượt thoát khỏi sự chết. Và điều này thì cũng tự nhiên thôi, bởi chưng Sự chết là sáng chế tuyệt vời, độc nhất vô nhị của Sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi Sự Sinh Tồn. Nó dẹp bỏ đi những gì cũ kỹ để dọn chỗ cho cái mới tiếp vào. Ngày hôm nay các bạn chính là cái mới đấy, nhưng một ngày nào đó trong tương lai gần, các bạn sẽ lão hóa và sẽ bị sa thải khỏi địa cầu. Xin lỗi các bạn vì tôi có vẻ như cường điệu hóa quá đáng, nhưng đây là sự thật.
Vì sự hiện hữu của các bạn chỉ có hạn, bạn chẳng nên sống cho người khác. Đừng bị bó buộc bởi những giáo điều, vì chúng sẽ làm bạn sống với những khuôn khổ do người khác đặt ra. Đừng để những ý kiến của người khác làm nhiễu loạn cái tâm của bạn. Trên hết, hãy can đảm đi theo tiếng gọi của trực giác và khởi tự tâm mình. Những tiếng lòng này thật vi diệu vì chúng biết rõ bạn sẽ ra sao ngày sau. Mọi thứ khác trên đời chỉ còn là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, tôi thường mua một quyển sách rất đặc sắc tên là “ Thư Mục Toàn Cầu“[2], sách này là một trong những sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi. Người sáng lập thư mục sách trên là ông Steward Brand, cũng là một cư dân sống rất gần khuôn viên trường ta, ông đã cho ấn phẩm này một sức sống đặc biệt qua tài năng nghệ thuật tuyệt vời của ông. Nên nhớ là sách ra mắt vào khoảng cuối thập niên sáu mươi, trước khi máy điện toán cá nhân và nhu liệu xuất bản sách báo ra đời, nên những gì bạn xem đều được làm rất thủ công bằng máy đánh chữ, kéo, và máy chụp hình lấy liền (polaroid.) Sách có nội dung tương tự như một loại Google để tra cứu, 35 năm trước khi Google chào đời. Sách cũng rất thực tế và nội dung thì tràn đầy các “dụng cụ” hữu ích cũng như các ý tưởng cao siêu.
Steward và bộ sậu của ông xuất bản vài bộ “Thư Mục Toàn Cầu,” rồi khi ấn phẩm đã có vẻ thoái trào, họ cho in ấn bản cuối. Lúc ấy là vào khoảng giữa thập niên bảy mươi, khi tôi còn trẻ măng như các bạn bây giờ. Ở bìa sau ấn bản cuối này là một tấm hình chụp một con đường làng lúc sớm mai, cái kiểu đường làng làm bạn muốn nhảy dù đi chơi xa nếu bạn thuộc típ người mạo hiểm. Dưới hình là dòng chữ “Stay Hungry. Stay Foolish.” Đó là lời chúc giã từ của ban biên tập trước khi thôi xuất bản sách. Giữ lòng thèm khát, và một cái tâm khờ khạo. Tôi luôn tự chúc mình như vậy. Giờ đây, khi các bạn sắp tốt nghiệp để bắt đầu một đời sống mới, tôi cũng chúc bạn như vậy.
Stay Hungry. Stay Foolish.
Cám ơn các bạn rất nhiều.
(Người dịch : Hoctro của trang mạng
http://dactrung.net . Xin cảm ơn các anh chị em trong phố rùm
http://dactrung.net/phorum đã góp ý kiến cho bản dịch thêm rõ nghĩa. Tháng 4/2006. Mọi trích dịch hoặc in lại xin biên rõ xuất xứ người và nơi đăng nguyên thủy.)
Chú thích của người dịch:
[1]
http://web.reed.edu/about_reed.html [2]
http://en.wikipedia.org/wiki/Whole_Earth_Catalog . Xem thêm phần định nghĩa về khái niệm “tool” đã được “Whole Earth Catalog” nới rộng.