Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<1213141516>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
ngodong
#261 Posted : Friday, October 27, 2006 12:11:41 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Nhắc đến người chết người ta hay viết năm sinh và năm tử có dấu gạch nối ở chính giữa. Với tôi năm sinh và năm tử không có gì quan trọng, cái dấu gạch nối là quan trọng. Một đời người chỉ tính đến cái dấu gạch nối ấy, tồn đọng trong cái dấu gạch nối ấy.

Khoảng tuổi mười mấy, cái chết làm tôi sợ hãi, nó ám ảnh tôi ghê lắm, thấy đám ma ngoài đường tôi khóc hết nước mắt dù chẳng quen biết người ta. Lý do là vì me tôi mất sớm. Đám ma của mẹ, tôi đã không khóc cứ ngơ ngơ vì bất ngờ quá. Rồi tôi để nỗi nhớ trong lòng biến nó thành tính ghen tuông, giữ bố tôi cho mẹ. Bố tôi còn trẻ, tôi không cho bố tôi có bạn gái, không cho bố tôi có bồ, tôi hứa sẽ ở vậy chăm sóc bố, bố không cần có vợ kế. Bố tôi bị bắt đi học tập cải tạo, ông chết trong tù, không có đám ma. Tìm ra bố chỉ còn bộ hài cốt, khúc xương cánh tay gãy. Tôi nuốt nước mắt vào trong, lau nước mắt vào tay áo, vào gối quần, khi tôi rửa cốt. Hai điều đau đớn xảy ra cho tôi khi tôi còn trẻ khoảng tuổi trăng tròn đến khoảng hai chín ba mươi.

Dấu gạch nối của mẹ tôi và bố tôi là chị em chúng tôi, là không gian gia đình hạnh phúc, mẹ tôi người đàn bà phúc hậu hiền lành, kim chỉ bếp núc không biết to tiếng với ai. Nụ cười của mẹ như nụ hoa vừa hé. Thời gian tôi mất mẹ đã dài gấp hai thời gian của tôi có mẹ. Tôi vẫn nhớ đến mẹ tôi qua hình ảnh các dì, các bác. Tình yêu dành cho mẹ tôi gởi cho tất cả những người đàn bà có dính líu liên hệ đến tôi. Tôi nhìn thấy nét đẹp chịu đựng, nụ cười hạnh phúc bình an không đòi hỏi đền đáp, ngay cả giọt nước mắt âm thầm không cho ai thấy của các bà. Trong mỗi gia đình luôn có những điều xộc xệch không giống nhau, nhưng các bà mẹ của tôi đã thu xếp vén khéo, kê đều dấu xộc xệch ấy bằng tính thương yêu chịu đựng.

Dấu gạch nối của bác tôi cũng không lành lặn đẹp đẽ, cuộc đời của bác từ lúc bước chân vào đời sống gia đình đến ngày bác ra đi không bao giờ êm ả, con sóng ngầm luôn chuyển động dưới đáy. Tôi yêu bác, tôi kính phục sự chịu đựng bền bỉ, tôi học tính an bình của bác, tính hiền dịu của bác và hơn tất cả, bác giống mẹ tôi vô cùng.

Hình ảnh bác tôi ngồi bên ngạch cửa căn nhà của bác gần Lăng Cha Cả khi tôi đến thăm bác luôn liên kết đến hình ảnh cũ khi tôi chỉ hai ba tuổi, ngồi bên mẹ, cạnh ngạch cửa trong căn nhà đầu tiên cha mẹ tôi có ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp. Nghĩ đến người đã khuất là nghĩ đến những tốt đẹp người ấy đã làm, tôi còn nghĩ xa hơn nữa là linh hồn bác đang nhìn những hình ảnh xôn xao ngày táng bác, nhiều con rối di chuyển tò mò muốn nhìn xem ngày cuối của đời bác thế nào, có tốt đẹp sang cả không? Có nhiều vòng hoa không? Nhà thờ có đông người không? Chỗ bác nằm có đẹp không? Áo quan bác mặc có đắt tiền không? Phần tôi tự đáy lòng tôi nghe bác nói : "thánh giá bác vác, Chúa đã cất đi" nụ cười của bác đã nở thật tươi hơn bao giờ hết.

Chắc chắn một điều tôi biết bác tha thứ cho tất cả mọi người thân yêu chung quanh bác, đã vô tình ngay cả cố ý làm bác buồn. Dấu gạch nối đời bác giống như biểu đồ tim mạch, khi còn thở dấu gạch nối nhấp nhô, tắt thở rồi dấu gạch nối đời bác giãn dài thanh thản.

Đêm qua tôi đã ngủ giấc tròn.
Song Anh
#262 Posted : Friday, October 27, 2006 1:23:05 AM(UTC)
Song Anh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,004
Points: 18

Nước mắt em chảy dài theo từng câu chữ của chị...rồi mĩm cười an tâm... vì đêm qua chị "đã ngủ được một giấc tròn...".
heartKisses
Liêu thái thái
#263 Posted : Friday, October 27, 2006 6:21:46 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)

đọc cái tin này đỡ buồn nè!


Tại Phía Nam Paris

CÂY NGÔ ĐỒNG Ở SỐ 93


Thân cây có đường kính hơn 3 thước được bôi mực đỏ. Cây ngô đồng này đã sống hơn 100 năm tại số 93 đại lộ Port-Royal ở phía nam Paris. Đối với tòa Đô chính như vậy có nghĩa là cây này sẽ bị triệt hạ, cũng như 1 500 cây khác cùng thời, mỗi năm, để tân trang thành phố.

Khi Delanoe làm đô trưởng đã có kế hoạch làm cho đô thành xanh tươi hơn. Đường giao thông công cộng phải được thông suốt hơn. Cây ngô đồng này, cùng 98 000 loại cây khác không còn xanh tươi, có khi bị sâu làm hại, trở ngại cho kế hoạch này sẽ phải bị đốn. Cảnh tượng của những thủ đô Bắc Âu hay ngay cả Luân đôn làm cho những viên chức trong tòa Đô chính muốn canh cải Paris.

Đường bus 91 nối Montparnasse tới Bastille là một đường bus đặc biệt. Vì đường bus này đổ xuống hai ga lớn, ba bệnh viện cũng lớn. Đa số hành khách là những người mệt nhọc, hồi hộp vì hoặc sợ trễ tàu, hoặc từ bệnh viện ra. Đường bus đi ngang vướng cây ngô đồng già hơn trăm năm nay, gốc cây lấn ra góc đường. Bus phải chạy chậm lại !

Triệt hạ cây này và xếp đặt đường đi, bus sẽ lợi được từ bảy đến tám...giây đồng hồ mỗi lần đi qua. Không nhiều, nhưng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Những người chống lại việc đốn cây không có lý lẽ nào để bào chữa. Như là một đồ cỗ, tại sao không gìn giữ ? Nói thế thôi. Trong một thông tư, sở Vệ sinh giải thích đốn cây này tiết kiệm được từ 4 đến 28 giây đồng hồ kia mà !

Yves Contassot là nghị viên Đô thành đặc trách bảo vệ môi sinh nghĩa là về phe những người muốn giữ những cây cổ thụ trên đường phố Paris. Một buổi sáng tháng tám, lúc đi ngang đây, không hiểu sao ông ta lại nhìn lên trên trời, chăm chú vào các cành cây cổ thụ này. Như là để tạm biệt ? Ủa, ông thấy trên đó, đang có một ổ chim ! Dường như ông nghe tiếng của những con cu cườm đang chíu chít. Tiếng ở trong tai ông hay tiếng từ trên vọng xuống ?

Ông biết vừa nắm trong tay một vũ khí lợi hại để bảo vệ cây ngô đồng này. Liên lạc với Sở Thực vật ông tìm ra một điều khoản trong luật năm 2005 : rằng không ai có thể chuyển dịch hay phá tổ chim đang lúc chim đang sanh nở.

Công quản chuyên chở Công cộng RATP hoạch định các đường bus không tin rằng điều khoản đó có thật. Hơn 80 000 chim bồ câu ở Paris đã bị giết mấy năm nay, nay chỉ còn mấy con mà phải chờ đợi ? Chờ cũng không sao. Rồi chim mẹ đã đưa các chim con bay đi. Không còn gì có thể chống lại quyết định triệt hạ, ngày 27.10.2006, cây bị cưa ngang thân. Trong hành lang tòa Đô chính người ta kháo nhau : tin này không nên cho báo chí biết. (Le Monde, 22.10)

Chỉ có người sắp cưa cây thắc mắc : Tại sao cưa một cây mà cũng nhiều chuyện ? Câu trả lời, lấy của triết gia Lyne Cohen Solal: Tại vì khi một bông hồng nở trong nhà tôi thì đó là một biến cố, một hành vi chính trị !

ngodong
#264 Posted : Saturday, October 28, 2006 12:33:29 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Dạ chị, cây trồng hơn trăm năm, cắt đi chỉ vài giờ.

Em đọc và thương cái cây quá, ngừoi ta tiết kiệm đuợc gần 5 phút bằng cách giết đi một công trình của thượng đế. Cũng tại cái cây khi không mọc lan ra đường lộ, không biết qui tộic ho cây hay cho ai chị nhỉ.

Song Anh có biết cái cây chị LTT nói không ?
Liêu thái thái
#265 Posted : Saturday, October 28, 2006 6:29:13 AM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)

euh...Shy sáng vội wá cóp bài wên nói xuất xứ Big Smile. Chị trích trong Chuyện nước Pháp tuần này của anh Từ Nguyên đó:

http://www.congdongnguoi...yenNuocPhapTuanNayH.htm

Phượng Các
#266 Posted : Tuesday, November 14, 2006 8:12:20 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nhìn các rừng cây quý của mình bị đốn trụi mới là càng đau lòng. Nghĩ đến một ngày kia trái đất không còn cây mà hãi quá.
ngodong
#267 Posted : Saturday, November 18, 2006 11:25:05 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Từ thuở bé tôi luôn nghĩ cây ngô đồng là cây bã đậu, vì một lần đi lang thang với bố tôi trong khuôn viên trung tâm huấn luyện quân sự Nguyễn Tri Phương-Hóc Môn-Gia Định ông nói cho tôi nghe: "lá cây ngô đồng có hình trái tim nên cây ngô đồng biết khóc" tôi ngước lên hỏi bố: " cây khóc lúc nào?" bố tôi nói: "Khi lá rụng".

Vạt nắng chiều năm ấy khi hai cha con đi lang thang trong doanh trại, luôn tồn tại trong kí ức tôi, dù bố tôi đã là cát bụi. Hình ảnh nắng nhạt trên ngọn cây luôn lay động tim tôi, cho dù nắng không còn long lanh trên chiếc lá ngô đồng xưa nữa, cho dù bây giờ đọc sách, đọc báo người ta khẳng định cây bã đậu không phải là cây ngô đồng đất bắc, không phải là cây ngô đồng trong các truyền thuyết xa xưa, sánh đôi cùng con chim phượng và cho dù nắng không còn soi dáng tôi bé bỏng đi bên cạnh bố, tôi vẫn nhớ như in vạt nắng chiều năm ấy.

Và bây giờ hai hàng cây trước nhà tôi đang khóc, những chiếc lá rụng mãi không ngưng, lá trải thảm trên cỏ, lá thay màu đỏ màu vàng, lá thành màu nâu mục, lá quấn quít chân tôi, lá âm ư rên rỉ, lá chắc buồn ghê lắm mới tàn tạ thế này.

Sau vườn tôi cây táo tầu đã trơ cành xương xẩu, cây mơ còn nước mắt vẫn khóc mỗi ngày cùng cây mận. Các cây hồng đã trổ hết xuân thì, nắng thu tàn lưu luyến trên cuống hoa đã rã, chờ tôi hóa sinh để đợi xuân về. Tôi ngắm màu lá, tôi xăm soi tìm mầm sống nhú lên từ các củ hoa huệ, củ hoa uất kim hương, hoa diên vĩ, năm nay các cô mẫu đơn không khoẻ, đám tú cầu bắt đầu rụi đi, trong sách nói hoa này nở mùa này, hoa nọ mất mùa kia. Tôi nhìn trong vườn tôi, cây cỏ chẳng theo sách vở gì hết, thích thì nở, buồn thì biến đâu mất biệt.

Mỗi khi ra vườn sau cơn mưa, mùi đất thơm kỷ niệm, tôi lại nhớ đến nửa chiếc thùng phuy bố tôi dùng bốn cây gỗ to và chắc, dài khoảng hai thuớc, khoan lỗ ngay giữa hai cây, bắt con đinh ốc thật to rồi kéo rời hai cây ra thành hình chữ X làm thành cái giá cho nửa chiếc thùng phuy nằm lên trên, sau đó ông cho đất vào, nó là nơi để ông trồng rau thơm, trồng hoa, trồng linh tinh lang tang trong đó. Căn nhà tôi ở trong doanh trại Nguyễn Tri Phương to lắm, sau nhà là hàng rào cao thật cao có hoa bìm bìm giăng kín, hoa giống như hoa rau muống, tôi gọi nó là hoa bìm bịp theo các bạn tôi thời thơ ấu. Trong sách gọi nó là hoa bìm bìm còn bìm bịp là con chim có mầu nâu. Dĩ nhiên tôi cứ gọi hoa bìm bịp để quành lại thời còn thơ ấu của tôi. Bên trong vòng rào hoa bìm bìm là hàng cây bông gòn, tôi thích nhất khi trái gòn khô, mẹ tôi hái bỏ vào bao cất để dành khi cần gối mới mẹ tách vỏ lấy bông. Mẹ cho tôi thò hai tay vào bao vải to, tách lớp bông mềm ra khỏi trái, khi làm như thế cảm giác mềm mại của bông gòn cho tôi mường tượng tôi đang nắm được mây, nếu không bị cái hạt đen giống như hạt tiêu nhắc nhở. Tôi nói cho mẹ nghe, mẹ thích lắm, sau đó mẹ hay nói: "Đi bốc mây với mẹ không nào?", khi mẹ cần bông để dồn vào gối.

Tôi thích phụ mẹ những việc như thế, các em tôi thì không làm được vì còn bé quá, mẹ sợ tụi nó bốc hạt gòn cho vào miệng. Hình ảnh hai mẹ con cùng hai cái túi vải to cỡ bao đựng tạ gạo , một đựng quả khô, một đựng bông nõn thích thích là, nhất là khi cả bốn bàn tay cùng loay hoay trong một cái túi, miệng túi không được mở rộng, sợ bông gòn bay ra ngoài, tôi nhớ có lần tôi tìm nắm tay mẹ thật chặt rồi kêu to: "Con bắt được mẹ rồi" tôi cười như nắt nẻ, mẹ cũng cười vang các em không biết gì cũng cười theo rộn rã. Tuổi thơ tôi ngủ chung với các trái gòn khô, tôi úp mặt trên gối tẩn mẩn tìm cái hạt gòn, vần cho hạt đến góc gối để vân vê.

Trên cây gòn ấy tôi còn có một cái lồng chim, bố tôi chiều con phải ra chợ Hóc Môn mua ngay chiếc lồng, sau khi tôi nhặt được một chú chim con bị rớt xuống đất. Từ đó sau khi đi học về tôi chạy ngay ra thăm chiếc lồng, rồi kể cho bố mẹ tôi nghe điều tôi thấy, tôi thấy chú chim con được bố mẹ đến mớm mồi cho dù bố tôi đã để thức ăn và nước uống trong lồng cho nó.
Đến một hôm, đi học về tôi nghe tiếng chim kêu ai oán, tôi thấy con chim bố đậu ngoài lồng, chú chim con nằm gục chết bên trong. Tôi khóc òa chạy vào nhà tìm mẹ, mẹ tôi lấy chiếc lồng xuống, vì bố tôi phải treo chiếc lồng trên cao cho cha mẹ chim dễ đến chăm sóc chim con. Nhìn kiến bâu chú chim bé bỏng tôi khóc to hơn, mẹ phải dỗ tôi bằng cách làm đám ma cho con chim xấu số. Mộ của chú chim này trong cái thùng phuy trồng cây của bố, tôi và các em mỗi ngày đều thăm mộ cùng vài cánh hoa hái được trong vườn.

Sau việc này bố tôi giảng cho tôi nghe chim phải bay lượn ngoài trời không thể sống trong lồng chật hẹp, có lẽ chú chim con chết vì buồn, tôi nhớ tôi hứa sẽ không nhốt chim vào lồng nữa. Đến bây giờ tôi vẫn còn ý nghĩ ấy.

Tôi có nhiều hình ảnh đẹp trong ký ức, tôi hạnh phúc quá phải không? Tôi viết để kể cho anh Nguyên nghe tại sao tôi lại kêu tên cây và hoa lung tung như thế, nó có trong ký ức xa thật xa của tôi, mà tôi cũng chẳng biết có nên thay đổi tên gọi nó không, như mỗi khi tôi gọi hoa ong bầu là bà tôi biết ngay tôi nói về cái hoa gì, nhưng bà tôi đã khuất có lẽ tôi phải gọi nó cho đúng tên của nó kẻo hoa giận tôi.



Phượng Các
#268 Posted : Saturday, December 9, 2006 1:40:35 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Hôm nọ có nghe gia đình nọ bị lạc trong rừng, bây giờ nguời ta tìm ra ông chồng chưa vậy chị ngodong?


James Kim đã tìm thấy xác cách chiếc xe của anh và vợ con 4 dặm - Anh đi dọc theo đường sông, nhưng.... N Đ khóc luôn dù đã đoán ra khi cảnh sát tìm ra chiếc xe và vợ con sau khi anh lìa họ 4 ngày.

Bốn ngày ngoài tuyết không có một thứ gì để che chở, chỉ ra đi tìm đường để mong mang vợ con trở ra đường chính.

Lý do đi đâu N Đ cũng muốn đi cả nhà. Không cho chồng bỏ mình dù có ngàn lý do có lý theo kiểu đàn ông nghĩ.


Vậy mà khi đọc tin cho biết gặp mẹ con thì ai cũng nghĩ là sẽ sớm tìm ra anh chồng, không ngờ mạng số anh chồng vắn vỏi quá. Có điều cái này rút ra bài học, là mình không nên tự ý rẽ vào một con đường nhỏ khi nghĩ là nó sẽ là đường tắt dẫn tới đường nào đó. Hồi đó ở Florida, có một nhóm ba người phụ nữ sau khi party tối về, lái xe đi lạng quạng sao mà lạc vào cái đầm rồi chết chìm luôn ở đó. Nhiều lần mình đi chơi cũng vậy đó, hay có óc mạo hiểm đi vào những lối không quen, nhưng giờ thấy điều đó mang lại nhiều bất ngờ.

ngodong
#269 Posted : Sunday, December 10, 2006 12:10:30 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Tin khí tượng Bão - Mưa - Gió trước hai ba ngày, để lo dọn dẹp chuẩn bị, thế mà mấy tấm tôn đóng không kỹ vẫn tạo thành tiếng động, mấy cái thùng bị gió thổi lăn kêu lưng tưng - cửa sổ rất kín, tiếng động vẫn nghe nghĩa là gió mưa to lắm.

Vài ngày trước truyền hình chiếu tin về gia đình James Kim - hai vợ chồng cùng hai cô con gái bé bỏng một lên bốn, một vừa bảy tháng tuổi bị lạc trong vùng tuyết Oregon . James chở vợ con về nhà thân quyến dự lễ Tạ Ơn . Từ San-Francisco lái xe đi Oregon là đoạn đường thật đẹp, nhưng trong mùa tuyết nếu lạc vào đường lạ thật khó để định phương hướng nhất là khi xe bị lún trong tuyết, điện thoại cầm tay không còn liên lạc được bình thường .

Ba mươi lăm tuổi quá sớm để ra đi, sự ra đi quá đau đớn cho người ở lại.
Người đàn ông không thể ngồi yên nhìn vợ con khổ sở trong chiếc xe du lịch chật hẹp, thức ăn gần hết, anh quyết định để vợ con lại trong xe, ngay nơi gặp nạn để đi tìm sự trợ giúp. Chỉ sau hai ngày anh lìa nơi gặp nạn, nhóm cấp cứu tìm ra vợ con anh Kati - Penelope và Sabine, hai ngày sau nữa trưởng toán cấp cứu bật khóc khi gặp anh cách nơi lâm nạn tám dặm đường. Người đàn ông yêu vợ con, yêu gia đình nằm xấp mặt trên tuyết lạnh, quần áo anh mặc là quần áo bình thường, đôi giày anh mang chỉ là đôi giày thể thao không phải loại giầy đặc biệt chống lạnh. Động lực nào khiến con người nhỏ nhoi yếu đuối như James chống được tuyết lạnh chống được thiên nhiên to lớn chung quanh đến tám dặm đường. Tình yêu vợ tình yêu con trong anh chắc chắn đã là ngọn lửa thật ấm bên trong lồng ngực tỏa nên sức mạnh giúp anh đi đi mãi vào cõi mù mù sương tuyết của sự chết.

Tất cả các trang truyền thông nói đến gia đình anh, viết về tin này có vẻ thừa thãi, nhưng lòng tôi đang nghĩ đến đoạn đường tám dặm, lạnh buốt từ gót chân xóc lên óc, bao tử rỗng mấy ngày, cùng lo lắng cho người mình yêu thương bảo bọc. Thế giới trong một ngày chết đói hàng ngàn người , chết lạnh hàng ngàn người, chết vì bão, chết vì núi lửa vì động đất, chết chết chết không có một thống kê cho biết rõ rệt bao nhiêu người chết thì cái chết của một người tên James nếu không có truyền thông tôi có biết mà đau lòng mà ngậm ngùi hòa cảm của gia đình của anh không?

Tôi viết những cảm nghĩ của mình về xa cách về mất mát như chính tôi trong đó, người Việt Nam luôn nhạy cảm về mất mát, ly tan, chia lìa thê thiết, những cụm từ chia ly trong lòng người Việt Nam đau đáu không nguôi, từ chia cắt sông Gianh, đến Bến Hải đến cả một đại dương chập chùng biển sóng, đến những cắt chia trong tình chồng nghĩa vợ, đoạn lìa núm ruột chính mình để mong cầu con cái có đời sống tốt hơn trong năm tháng vượt biên tìm đường sống, hay ngay cả bây giờ cha mẹ vẫn tha thiết tìm kiếm cho con những vận may những thay đổi để có các cô dâu xuất khẩu sang Đại Hàn, sang Trung Quốc, tình yêu thương chập chùng lẫn lộn không biết đâu là phải đâu là sai.

Phải mà tình yêu đừng nhiều quá để James ngồi lại trong xe cùng vợ con, đoạn kết chuyến nghỉ lễ Tạ Ơn của gia đình James Kim đã tràn đầy tiếng cười hạnh phúc, tôi không viết tiếp phải mà sông Gianh không chia, sông Bến Hải không cắt, đại dương không phân chia trong ngoài vì tôi hiểu chữ "phải mà" chỉ là giả định.

Kết lại cho cơn bão đêm qua là cả một bầu trời xám đục, đường chân trời mây dầy chưa tan, chắc chắn cơn bão vẫn đang hoành hành chưa nguôi cơn thịnh nộ.

Bạn ơi một tuổi đời khác nhau không làm cho kinh nghiệm sống khác nhau, chỉ nỗi đau đớn chịu đựng, nỗi chống chọi phong ba bão táp để tồn tại mới tạo nên sự khác biệt về cách nhìn đời sống, bạn vẫn thấy môi tôi nở nụ cười vì tôi tin sau cơn bão mặt trời sẽ rực rỡ vươn lên.

http://en.wikipedia.org/wiki/James_Kim

http://news.com.com/2009-12-6141617.html

http://www.engadget.com/...im-may-have-been-found/

ngodong
#270 Posted : Friday, December 22, 2006 11:39:46 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Luồng khí lạnh tạt ngang vùng vịnh, lạnh đủ để đông đá. Tin thời tiết khuyến cáo cư dân nhớ đem dấu cây cảnh, bọc ống dẫn nước đồng thời nhiều nhà nghỉ tạm được mở ra cho người vô gia cư vào trốn lạnh.
Mùa Đông đất trời buồn hiu hắt. Nắng ấm cũng đi ngủ để sương giá hoành hành.

Buổi sáng thức dậy hàng xe đậu hai bên đường kính xe đọng lớp tuyết dầy mái nhà cũng phủ màu trắng bạc, lái xe đi làm biết ngay xe nào được nằm trong nhà, chiếc nào phải ngủ vệ đường tội nghiệp. Trả tiền nhà cao để được sống ở tiểu bang California, để trốn cái lạnh miền Đông, trốn buổi sáng ngủ dậy phải cào tuyết lấy lối đi làm, trốn cảnh trắng xóa một mầu không thấy xe đâu sau khi đi chợ.
Chiều tối đi làm về đèn lấp lánh thật đẹp, đèn leo lên mái nhà, đèn luồn vào nhánh cây, đèn kết chùm, đèn phủ cỏ, đèn rũ giọt đủ màu. Nhà thờ công giáo, nhà thờ tin lành trang trí hang đá, ông sao, các trung tâm buôn bán tấp nập không còn chỗ đậu xe, nếu không có lễ Giáng Sinh, mùa Đông ở xứ lạnh chắc thiên hạ buồn chết đi được.
Chưa ai làm thống kê để biết trẻ con trên sáu tuổi còn tin có ông già Noel là bao nhiêu nữa không? Sững sờ khi nghe: “không có ông già Noel đâu, mẹ cho quà đó.” của cô bé tóc cắt bum-bê. Bất ngờ nghe cậu bé nói trong tiệm Fry: “ba không mua con sẽ đòi ông già Noel”. Đòi ông già Noel cho một trò chơi điện tử mới sản xuất, giá gần ba trăm đồng! Tinh thần ngày lễ Giáng Sinh là hạnh phúc trong khó nghèo, chia xẻ tình thương đến người gặp khó khăn, nay đã thành ngày lễ mang đến sự căng thẳng nhức đầu cho nhiều người.
Đời sống vật chất dư thừa có thể thay đổi con người không? Tôi vẫn cứ mang câu hỏi ấy. Bóng sáng rực rỡ,cùng những cây thông ngất ngưởng tưởng vươn lên đến trời mà hình ảnh chiếc hang đá làm bằng bao xi-măng ngày xưa ở quê nhà những buổi lễ ấm cúng trong nhà thờ xóm nghèo, trong các nhà thờ vùng quê kinh tế mới vẫn nằng nặng không nguôi. Cảm giác lạnh ban đêm se se đủ làm co người, đủ cho môi tím run run cũng không quên, ngay cả mùi đất ngai ngái, mùi nồng của đống ung lá trên đường đi lễ đêm về, bóng lùm tre bờ ruộng mờ mờ, tiếng chó sủa, tiếng người thì thào tan dần sau vài ngã rẽ, chân bước thênh thang dưới vòm trời cao thăm thẳm, không gian mênh mông, liếp nhà ẩn sau hàng giậu chùm nụm, dành dành.

Thánh lễ Giáng Sinh cuối cùng trước khi chúng tôi rời quê xưa nhà cũ trong ngôi thánh đường thật khiêm nhường gần chợ Tân Hiệp, Hóc Môn, các tà áo dài đã vắng, nhất là ở khu ngoại thành.
Xứ đạo nghèo, bình dị, một chiếc đèn ông sao, giáo dân chân thành, lời cầu xin chắc chắn khiêm cung, vị chủ chăn hiền hoà nhẫn nhục. Thánh lễ phải xin phép chính quyền, ngày giờ phải đúng trên giấy phép, thánh lễ không được kéo dài hơn mười giờ đêm. Ngôi giáo đường ấy, tôi nhớ quá, hàng rào bằng tre, thánh giá bằng gỗ, kế bên nhà thờ là tiệm sửa xe, đi một đỗi là cái chợ chồm hổm. Giáng Sinh năm ấy trời trở lạnh. Thánh lễ vỏn vẹn khoảng một trăm người, áo quần không xênh xang, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Trên đường về xóm, những hàng tre gió đưa xào xạt. Bầu trời trong tinh khiết hương đêm ngọt ngào, mùi lá mục. Sau khi đi lễ về, khơi lại đống lửa đốt lá từ chiều. Pha bình trà hoa nhài, một chiếc bánh bông lan, trang trí bằng vài loại trái cây thay cho kem bơ, chúng tôi có buổi tối giáng sinh đầy thi vị cùng vài người trong xóm. Con nít đã ngủ, tượng đất sét lũ trẻ nặn từ các ngày truớc đã khô xếp trong ổ rơm để ngay cạnh đấy. Chúng tôi ngồi với nhau, hát những bài hát Giáng Sinh. Lửa lập loè soi mặt. Khoảng vườn sáng một góc, bụi tre tàu lâu lâu chuyển mình răng rắc.

Hình ảnh lũ trẻ chụm đầu chơi đất sét nặn tượng Chúa Hài Đồng, gia đình Thánh Gia, con trừu con chiên trong tưởng tượng qua hình dáng con chó nhỏ thật đầm ấm, những chuyện người lớn kể cho con nít nghe có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn các cháu dù lũ trẻ sang Mỹ đã thành người lớn, biết con chiên con trừu không giống hình con chó nhỏ đã nặn thành tượng ngày xưa mà vẫn theo cha mẹ dự thánh lễ đêm đông, vẫn kể lại cho con nghe những chuyện xưa đã từng được nghe kể: “Ngày xưa trong thành Bê-Lem, đêm đông giá buốt, một người đàn ông dẫn một con lừa, trên lưng lừa là người phụ nữ có mang gần đến ngày sinh. Họ đi đến từng quán trọ xin được nghỉ qua đêm, không ai nhận cả, vì sợ họ không có tiền để trả. Cuối cùng họ phải trú trong hang đá của người chăn chiên. Đêm đó người phụ nữ sinh hạ em bé, các con chiên nằm chung quanh, phà hơi ấm cho em bé Giesu Hài Đồng đuợc đặt trong máng cỏ, đất trời mở hội Thiên Thần hát ca mừng đấng cứu thế - Vinh danh Chúa cả trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Người lớn sang Mỹ trên đường đi lễ về, ngừng đèn đỏ, chạy vội đèn xanh, cửa xe đóng kín, không biết ngoài trời mùi mùa Đông thế nào, hương mùa Đông ra sao, trong nhà thờ hoa trạng nguyên đỏ rực, mùi trầm tỏa ngát mà nước mắt đong đầy.

Cầu xin các cháu bé vẫn tin ông già Noel có thật, để mắt mở tròn xoe nhìn chiếc bánh ngọt trên dĩa để gần lò sưởi biến mất cùng nửa ly sữa, giọng pha lê reo vang khi mở gói quà bên trong là chiếc áo ấm mẹ đan.

Hai chậu quỳnh lá bị đông dù đã đem dấu. Hôm nay là ngày thứ hai của mùa Đông.

ngodong
#271 Posted : Saturday, February 10, 2007 11:49:47 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Vạn Thọ Ơi

Tuần này là ngày đưa ông Táo về trời. Năm nay Tết Âm Lịch đến trễ, sau lễ Tình Yêu 14 tháng hai đúng bốn ngày – ngày thứ bảy 17 tháng hai năm 2007 đến thứ hai là lễ các vị tổng thống Presidents’day, tha hồ mà chào đón Tết. Trong các cửa hàng thương mại tim đỏ treo khắp nơi, màu đỏ lẫn màu hồng chói mắt từ những tuần trước, dòng chữ I Love You mỗi góc phố đều có thể tìm được, ngay cả trên xa lộ xe cuồn cuộn, bất chợt giảm chân ga thế nào cũng đọc đuợc câu gì đó trên tường, ngay cả tấm biển giăng trên lưới sắt an toàn, đại loại như : “… will you marry me” – “I love you forever….” những dấu ba chấm dĩ nhiên là cái tên thật đẹp của phụ nữ.

Và màu đỏ trong các chợ Á Châu cùng màu vàng của mai giả, cũng rực rỡ không kém.

Quanh nhà, hậu quả cơn lạnh để lại buồn thiu, màu nâu cháy của lá, không biết cây có sống lại đuợc không. Cây cỏ cũng như con người đều sợ lạnh lùng – lạnh nhạt – lạnh căm.

Lễ tình yêu có hoa hồng, gấu bông và kẹo chocolate. Tết Âm Lịch có Lan – cúc bánh chưng mứt dừa mứt bí, cầu kỳ hơn thì mứt hạt sen mứt me mứt tắc, mứt mãng cầu, không biết mình nên đón lễ nào Tết nào, Giáng Sinh và Tết Tây vừa qua xong.

Trong lòng tôi hay nhớ này nhớ nọ, liên tưởng chuyện xưa, khi chuyện mới đang sờ sờ trước mắt. Biết người Á Đông đón Tết với hoa lan, hoa cúc vàng hoa vạn thọ, nên trong Home depot, Alberson chất đầy hoa, ngay cả trong Costco cũng vàng lườm hoa cúc. Có khác chăng là hoa vạn thọ không có hương như hoa của tôi ngày xưa. Hoa của tôi là những chậu hoa được bầy bán đầy lề đường Nguyễn Huệ, bên hông chợ Vườn Chuối, chợ Bàn Cờ, chợ Bà Chiểu – Lăng Ông Gia Định, chợ An Đông, chợ Bình Thới, chợ Soái Kình Lâm. Kỹ nghệ cây cảnh bây giờ chắc chắn khác với kỹ nghệ trồng hoa ngày xưa nên hoa bây giờ có cánh mạnh, màu đậm tươi hơn.

Tôi lại nhớ mùi hoa vạn thọ ngát thơm trong gió sớm, những ngày cận Tết ở Việt Nam. Hoa vạn thọ là loại hoa rẻ nhất, nhưng cho tôi mùi hương tuyệt vời nhất. Chỉ cần có chiếc xe ngựa thồ, chất đầy hoa đi ngang, là cả khỏang đường thơm lừng dễ chịu. Hình ảnh người thiếu phụ đội khăn bánh ếch, ngồi bán hoa vạn thọ chất đống cao trên tấm ny-lông ngay trên lề đường ngày hai mươi chín– ba mươi Tết luôn làm lòng tôi chùng xuống. Tôi thường mua hoa cúc vàng, thược dược trong giỏ tre có đất, để chưng được tới ra giêng, vài chậu quất (còn được gọi là cây hạnh), tôi có thể trồng tiếp trên sân thượng, ít khi tôi mua hoa vạn thọ vì nhà tôi theo Thiên Chúa Giáo, không có bàn thờ để cúng Ông Bà, ông Táo, Thổ Thần, mà rồi nhiều khi tôi cũng mua một ôm hoa đem về cắt lấy hoa xếp lên dĩa cho căn nhà nhỏ ủ hương.

Bạn tôi là người miền Nam, cho tôi biết muốn có hoa vạn thọ, đầu tháng mười âm lịch nhà vườn ở ngoại ô thành phố đã chuẩn bị gieo hoa vạn thọ. Hạt được lấy từ những bông có dáng và màu đẹp nhất từ năm trước, cột dây ở cuống bông, treo ngược hoa ngoài nắng ấm để hoa khô dần đi, sau đó giữ kỹ, không để hoa bị ẩm. Khi gieo hoa, rút từng “tia” hạt có phần đuôi đen lay láy, rắc đều trên nền phân rác tơi nhuyễn. Hàng ngày nhà vườn kéo nước giếng lên, dùng một loại tay cầm đan bằng nan tre, hay bình tưới có vòi sen để tưới nhẹ lên khỏang đất đã gieo hạt. Không bao lâu, một thảm cây con lá xanh non, mong manh mọc kín. Chúng như con tằm con, lớn rất nhanh. Sau đó dùng lá chuối hay lá dừa, khoanh thành những cái bầu, đường kính gần bằng cái ly uống nước, rỗng hai đầu gài lại bằng cây tăm tre. Tiếp tục cho phân rác vào, đủ chắc để khối phân không rớt ra khỏi cái bầu này, nhưng phải đủ mềm cho rễ cây bám vào, rồi dùng cây đũa, ghim một lỗ tròn ở giữa bầu để sẵn. Cuối cùng là mang cây con cho vào bầu đất.

Công việc này tỉ mỉ nhưng chắc hẳn vui, vì người ta thường làm ban đêm khí trời mát mẻ, dưới ánh đèn dầu, đèn mù u. Những cây con “đẹp” nhất, được lấy ra khỏi đất, nhúng vào thau nước sạch rửa rễ, rồi khéo léo đặt cái rễ trắng ngà ngà vào lỗ tròn đả ghim giữa cái bầu lá. Khoảng mươi ngày sau cây lớn khoẻ, rễ ra chằng chịt bên dưới cái bầu. Công việc tiếp nữa là đem chúng trồng xuống đất, hay trồng vào chậu. Lại tưới tắm, chăm sóc. Muốn cây xoè ra cho rộng, người ta cắt ngọn từng cây một, tỉa những cành dư. Khi nụ hoa xuất hiện, là dấu hiệu Tểt sắp đến rồi. Tưởng tượng vừa làm việc, vừa nói cười vọng thêm tiếng ca vọng cổ ngọt ngào, mùi đất, mùi cây - mùi Tết.

Tôi miên man từ Tết có hoa vạn thọ, mứt dừa mứt bí ngọt ngào sang lễ tình yêu với hoa hồng đỏ thẫm cùng kẹo đắng chocolate ướp đường, lễ tình yêu là thế chăng, hoa có gai, kẹo đắng có mật? Bây giờ ở quê nhà, hình như tuổi trẻ cũng biết đến lễ tình yêu Valentine, hình thiên thần Cupid tha trái tim có mũi tên xuyên ngang nhỏ máu được trang trí khắp nơi. Có lẽ tình yêu ngày càng hiếm hoi, tỉ lệ ly dị ngày càng cao mà lễ tình yêu được nhắc nhở? Hay các nhà kinh doanh muốn kiếm thêm lợi nhuận? Người ta mua hoa hồng tặng nhau, mua chocolate gởi đến nhau có khi trong lòng đã ươm mầm phụ bạc.

Tôi nhìn lễ tết dửng dưng, chỉ còn mùi hương vạn thọ thoang thoảng trong lòng.
linhvang
#272 Posted : Saturday, February 10, 2007 3:22:47 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Chị N Đ ơi,
LV lại ghét nhất hoa vạn thọ đó, dù là hồi ở VN, ba của LV hay trồng. Tongue
Phượng Các
#273 Posted : Saturday, February 10, 2007 3:25:57 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Tôi nhìn lễ tết dửng dưng

Cũng còn khá, có nhiều người nhăn mặt "lại một năm nữa rồi ư! Sao mà mau làm vậy!"



ngodong
#274 Posted : Saturday, February 10, 2007 11:50:50 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
LV có ăn hoa vạn thọ chưa?

N Đ hơi lạ há, thích nghe vọng cổ, thích hoa vạn thọ. Tết đi thăm mộ ba mẹ đi ngang vườn trồng hoa vạn thọ, những đứa bé phụ cha mẹ nhổ hoa đem bán - những hàng cau cao vươn lên trời, hình ảnh nhập nhằng đất trời, người sống kẻ chết, thân phận hòa nhau, thành ra.... hay vớ vẩn vậy đó.
linhvang
#275 Posted : Sunday, February 11, 2007 3:44:29 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
LV chưa bao giờ ăn hoa vạn thọ. Ăn được à? Ăn như thế nào?
Cũng thích nghe vọng cổ như N Đ vậy. Big Smile
Nhắc tới Tết, LV còn dửng dưng hơn cả chị nữa đó. Thấy chị còn nấu bánh chưng, giỏi quá đi, dửng dưng ở chỗ nào?
oc huong
#276 Posted : Monday, February 12, 2007 12:16:22 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Ốc Hương cũng rất thích hoa vạn thọ đó NĐ.
OH chưa ăn hoa vạn thọ nhưng hồi nhỏ, ông bà ngoại OH thường trộn lá hoa vạn thọ trong rổ rau sống để ăn với cá kho. Ba má OH cũng làm thế. Đến phiên OH cũng vậy. OH thích bứt lá vạn thọ, vò nát trong tay để ngửi. Phải là loại vạn thọ có hoa không đẹp lắm, hoa nhỏ, thưa thì lá mới có vị thanh thanh cay cay. Còn loại hoa vạn thọ bông lớn thì lá hơi hăng, không ngon lắm. Ông ngoại OH trống lọại vạn thọ xấu này để có lá làm rau sống.
OH
Phượng Các
#277 Posted : Saturday, February 17, 2007 7:27:17 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
PC người Nam nhưng không thích nghe vọng cổ, vì âm điệu buồn thảm quá! Nếu nghe để nghiên cứu về văn hóa cổ nước nhà thì sẽ nghe, nhưng còn nếu thường xuyên mỗi ngày phải nghe các bản vọng cổ, các tuồng hát bội thì một lúc sau thấy tâm tư mình sầu não gì đâu. Tại sao nhạc nước mình lại buồn quá vậy?

ngodong
#278 Posted : Sunday, February 18, 2007 11:25:57 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)


Buổi sáng chủ nhật tháng hai ngày 18 năm 2007 cuộc diễn hành mừng Xuân Đinh Hợi tại Bắc California đã được tổ chức trọng thể, mỗi năm số người đến xem mỗi tăng. Dân chúng địa phương cũng nô nức đến và rất thích thú vì so với các ngày lễ tại địa phương khác, ngày lễ Tết Việt Nam là ngày hiền dịu, đầy mầu sắc được các cháu bé yêu thích vì có các chú lân chú rồng nhất là các phong bao đỏ. Điều làm tôi thích thú là năm nay các cháu bé đã bước đi trong đoàn diễn hành, năm đầu có cuộc diễn hành mừng Xuân tại thành phố San-Jose chắc chắn các cháu chưa được sinh ra.
Người hướng dẫn chương trình là anh Nam Lộc.











Cô nghị viên thành phố San Jose rất trẻ, các bạn thấy tên của cô phải không Madison Nguyễn. Cô là người Việt Nam.
Và tổ chức ngày diễn hành Mừng Xuân cũng từ một cô gái trẻ Việt Nam.
Cô Nguyễn Hằng Linda. Bạn thấy tự hào không.



















Bảy giờ sáng tại điểm xuất phát đã nhộn nhịp, dù mười một giờ chương trình mới bắt đầu.

Bạn thấy lạ không? màu da không là ranh giới cho bộ y phục cổ truyền.



Nụ cười xuân e ấp, áo dài mặc lần đầu





Giữa lòng phố con đo dấu chân, chờ đoàn diễn hành bước sang, các cành cây còn chưa nhú lôc.


nối bước .
Phượng Các
#279 Posted : Monday, February 19, 2007 5:41:47 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thật là "ấn tượng"! Big Smile Blush
ngodong
#280 Posted : Monday, February 19, 2007 11:39:52 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Năm nay thời tiết nơi tôi ở khác năm trước, hay vì ngày Tết đến muộn mà trời lạ quá. Miền Đông nước Mỹ ngập tuyết, miền Tây nước Mỹ gió lạnh và mưa.
Vâng tôi đang ở Mỹ và đón Tết Việt-Nam. Mười lăm năm, mười lăm cái Tết, không lần nào giống lần nào, nhưng một điều tôi biết chắc trong lòng tôi, ngày Tết cổ truyền Việt Nam vẫn nguyên vẹn.
Năm nào vùng tôi ở cũng có hai hội Xuân. Có khi cùng lúc, năm nay một đã xong với mưa và mưa, được tổ chức ngày ông Táo về trời, một tổ chức sau một tuần có diễn hành mừng Xuân. Tất cả đều vào những ngày cuối tuần. Lần này cuộc diễn hành vào ngày mồng một Tết. Hy vọng sẽ không có mưa, hai năm trước năm nào diễn hành cũng bị mưa.
Tôi nhớ mãi năm đầu tiên có diễn hành mừng Xuân của cộng đồng Việt Nam sống tại vùng vịnh California là năm Kỷ Mão 1996 những ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ niềm tự hào từ cô bé hai ba tuổi đến các cụ bô lão phải dùng xe lăn đến dự. Cờ phướng ngập trời, màu sắc tưng bừng trong nắng. Năm đầu tiên ấy, tâm tư tình cảm còn đầy tràn trong lòng người thực hiện, người trong đoàn diễn hành, người đi xem trộn lẫn vào nhau rưng rưng nước mắt. Mới xẩy ra đó đã là chín năm.
Năm ấy lạnh lắm. Nhiệt độ chỉ khoảng 40 độ F, sáng có mưa. Mười một giờ bắt đầu diễn hành, nhưng các đơn vị phải có mặt tại nơi tập trung, để chuẩn bị từ 7 giờ sáng.
Đi trong đoàn diễn hành từ năm khởi đầu là các hội đoàn cựu sinh viên, cựu học sinh, cựu quân binh chủng, sinh viên, học sinh. Hội sinh viên Việt-Nam trường đại học Berkeley năm ấy được giao cho cầm lá đại kỳ Việt-Nam màu hoa mai vàng rực rỡ, cùng ba dòng máu đỏ nồng ấm tình xa xứ. Các bạn lái xe từ trường cách San-Jose bốn mươi lăm phút lái xe, chỉ nghĩ sẽ xếp hàng đi đàng sau tấm bảng có dán tên trường của mình, đơn giản như thế đó.

Mỗi năm mỗi tăng thêm những đoàn diễn hành của cộng đồng các sắc dân bạn, và nhất là những công ty cùng giới chức chính quyền của nước chủ nhà, cùng bước trên con phố chính của thành phố. Con phố chính của thành phố được dành riêng cho ngày Tết Việt Nam từ sáng sớm đến hai giờ trưa, sau đó hội Tết được kéo dài đến 10 giờ đêm trong các hí viện ngay bên cạnh đó. Tôi đi xem diễn hành mỗi năm, không kể thời tiết. Có nhiều lý do để tôi giải thích cho con tôi tại sao phải đi, dù ở nhà ấm áp, dù trên truyền hình nhiều thứ phải xem, nhất là ngày diễn hành có khi trùng vào ngày chung cuộc của mùa bóng cà na (foot ball).
Để tổ chức diễn hành, người ta đã phải lo lắng tổ chức từ tám tháng trước. Nếu so sánh với các cuộc diễn hành vĩ đại của Mỹ thì diễn hành Xuân của mình chẳng là gì cả, nhưng nhìn dưới góc cạnh tình cảm người tha hương thì nhiều lắm. Tụ họp cùng nhau nghe ngôn ngữ quen thuộc trên đất nước người ta.
Bây giờ mua vé về ăn Tết tại quê nhà đơn giản quá, nên theo thời gian sự gì cũng phai, lòng người cũng nhạt mà tôi thấy hội chợ, diễn hành vắng người tham dự chăng?
Tôi nhớ năm cô con gái út lần đầu mặc áo dài. Dáng ngượng ngùng chưa quen với hai tà áo, bước cháu đi tôi phải dìu vì hai ống quần lụa làm cháu vấp. Tôi bật cười, cháu xụ mặt.
Hình ảnh các cô thiếu nữ thanh xuân thấp thoáng trong tôi những ngày lễ Tết lăng Ông Lê Văn Duyệt, vườn chùa Vĩnh-Nghiêm, Thảo cầm Viên, chùa Xá-Lợi, người và hoa quấn quyện, hương trầm hương tóc. Nhắc kể cho con nghe, con bảo "lạnh muốn chết", lại phải giải thích, quê nhà ấm hơn.
Áo dài trên xứ Mỹ ngày càng ít quá, người đi xem diễn hành mặc quần áo giữ ấm, có người ngại tà áo vướng víu khó chịu. Hai mẹ con tôi mặc áo dài, nhưng bên trong có thêm một bộ đồ chống lạnh, lại thêm lý do để con gái ca cẩm khó chịu. Đã quen quần jean áo thun, mặc bộ áo dài chắc chắn phải thấy điều gì rất lạ, hỏi con thích không, con gật đầu. Có lẽ vì chiều mẹ thì phải.

Nhìn các cô sinh viên phong phanh áo mỏng thương quá, môi các cô thâm lạnh, vẫn phải cười thật tươi giơ tay vẫy reo to: “Chúc Mừng Năm Mới”. Bà công tố viên người ngoại quốc, mặc áo dài gấm đỏ, đội khăn vành hoàng hậu, tóc màu bạch kim, giơ tay vẫy tay bà hơi run, Happy New Year.
Ông nghị viên thành phố mang theo cậu con trai khoảng 4 tuổi, chắc chắn cậu bé không biết tại sao thay vì bộ đồ tây mọi ngày bố cậu lại mặc trang phục gì lạ thế? khăn đóng áo dài.
Những người Việt thành công trên đất Mỹ được giới thiệu trân trọng. Năm ấy có không ít người Việt Nam ra tranh cử những chức vụ trong chính quyền sở tại, ngay cả tranh cử chức vụ nghị sĩ thượng nghị sĩ.
Và cuối tuần này, ngày chủ nhật Mồng Một Tết, tôi sẽ lại mặc áo dài và đi hội Tết, bao người đã bỏ công sức để chuẩn bị cho ngày này, gặp nhau để chúc mừng năm mới, để nhớ đến một không gian đã xa, có lẽ ngay cả trên quê hương mùa Xuân cũng đã khác. Đào hoa nhiều hơn hoàng mai vàng rực, để ngậm ngùi:

Không về được - Con đường xưa –
Muà Xuân cánh mai vàng thay bướm
Đậu trên tóc nào có hay mang theo mãi về nhà.
Không về được - Đi lang thang Công lý ơi!
Vĩnh Nghiêm mờ hương khói
Mùa Xuân xưa những điều chưa nói-.
Bao năm qua còn mãi dấu trong lòng
Chưa về được - Nhà xưa ơi
Cánh cổng cũ - Tiếng bản lề nức nở
Mảng tường cũ - Mầu vôi loang lổ
Nhánh Lan xưa khô rục góc sân buồn
Chưa về được Xuân ơi lòng ngơ ngẩn
Mai chạm vai ? Không lá úa lìa cành

Bạn đã chuẩn bị đi xem diễn hành chưa? Thân mến gởi đến các bạn một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Users browsing this topic
Guest (37)
47 Pages«<1213141516>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.