Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 140 Points: 0
|
Giọt nước trong đại dương
Gần mùa lễ Phục sinh hai con về chơi thăm nhà. Trong khi CơmÁo đi làm chưa về, mẹ con quây quần trò chuyện bên mâm cơm như ngày xưa. Tôi nhận thấy hai con mình nay đã thật sự trưởng thành qua cuộc đối thoại giữa hai chị em, chúng bàn nhiều về vụ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, về ý kiến của tổng thống Mỹ Obama và bà Thủ tướng Đức Merkel. Hai vị nguyên thủ quốc gia mà thế giới đang để ý tới, chúng thắc mắc chẳng hiểu TT Obama tuyên bố " Yes, We can " mà " can " cái gì??
Sáng nay bé K. Quyên đi phố Saarbruecken về, trên bàn cơm nó nói: - Quyên thấy Saarbruekcen lúc này nhiều ăn mày quá mẹ ơi. Ngày xưa đâu có nhiều như vậy. - Nếu Quyên thấy người ăn mày nào có con chó nằm cạnh bên biết đó là ăn mày người Đức, còn ai mà trùm khăn trên đầu, người mập mạp hay chạy theo níu áo người ta xin tiền cho được, đó chính là dân „ Du Mục „ bên Pháp qua đó, tôi nói. - " Đúng đó ", thằng Út gật đầu nói tiếp theo, " bên Pháp nhất là vùng Strasbourg, „ band ăn mày „ này có tổ chức rõ ràng, họ được xe hơi đưa tới các thành phố bên Đức như Stuttgart, Berlin hay Saarbruecken..v...v ...họ đi vòng vòng xin tiền hoặc móc túi, sau đó được xe chở đi tìm chỗ làm ăn mới ". - Ghê quá, hôm đó mẹ từ nhà băng bước ra, có một bà cứ dí theo sau lưng kéo áo mẹ khiếp quá...những cảnh này xảy ra thường bên Paris nay lây sang bên những thành phố hiền lành. Chậc...nghèo nên xã hội càng loạn... - Vì nghèo nên các thành phố hay đường xa lộ cũng dơ hơn xưa nữa đó mẹ, cô con gái nói thêm.
- Hử ? Tại sao nghèo đi lại phải „ dơ đi hơn trước „ chớ ? Bộ „ dân trí „ của họ cũng nghèo theo túi tiền sao ? Tôi thắc mắc vuốt đuôi theo.
- Có chứ mẹ, con thấy xã hội nào đông dân nghèo là tự dưng họ cũng xả rác tùm lum, họ không còn giữ thể diện, vì đẹp mặt nhà giàu chứ nhà nghèo thì đâu ai để ý tới nên họ càng xả rác bừa bãi. - Mẹ thấy hai bên xa lộ Đức ngày xưa sạch lắm, sau này mẹ khiếp quá ! Sao lại bừa như thế ! Mất nét đẹp của một Dân Tộc.
Sẵn ngồi chung bàn cơm với hai con, tôi nói: - Mẹ chờ hai đứa về, mẹ kể chuyện tình hình VN cho mấy đứa nghe.
Hai đứa gật đầu chờ đợi, tôi bắt đầu chuyện Tàu đưa hàng loạt công nhân vào nước ta, nạn thất nghiệp sẽ xảy ra và chất độc sa thải chảy theo sông sẽ mang bao nhiêu là bệnh tật cho dân mình và cũng vì những cái đập nước bên Tàu khiến giòng sông Cửu Long sẽ dần dần cạn nước, dân Miền Tây sẽ khó trồng trọt lúa gạo. Tôi nói chậm: - Hồi trước các con đi theo mẹ và các bác về Berlin biểu tình chống Tàu xăm lăng chống đảng CSVN dâng biển dâng đất cho TQ. Ngày nay dân TQ tràn lan trong nước chiếm đất và kiếm cớ ở lại luôn...Chuyện không là chuyện kể mà là chuyện có thật! - Ủa cũng giống mình dân Đức sang mua nhà bên Pháp ở vậy mẹ, thằng con trố mắt ngạc nhiên hỏi lại.
- Nhưng dân Đức như mình sang đây đóng thuế, mình phát triển kinh tế nước Pháp, trong khi Tàu sang VN là di dân và chiếm đất !
Hai đứa nhỏ yên lặng để suy ngẫm. Bé K. Quyên hỏi: " Nhưng cái khó là tại hải ngoại này mình có hai phe phải không mẹ ? "
- Đó là cái khổ ! Nào chỉ có hai phe, mà là ba bốn năm phe lận !! Họ cứ lo chống nhau và quên không chống kẻ thù chung là đảng CSVN trong nước.
- Vậy mẹ nghĩ phải làm sao bi giờ ?
- Phe nào làm được việc tốt là chống đảng CSVN là mẹ giúp phe đó. Cho dù họ là đảng viên cs cấp tiến lại càng tốt, vì còn ai mà rành nội bộ đảng ngoài các đảng viên cs VN chớ. Trong nước mẹ nghĩ có hai phe, phe theo Tàu, và phe theo Mỹ. Phe theo Mỹ chắc là „ khoái „ chơi với người Việt hải ngoại như mình hì hì...
- Ah vậy thì hay quá rồi, con gái tôi reo lên.
- Nhưng ...người Việt khắp nơi phải tổng khởi nghĩa nổi lên cơ....chứ mạnh ai nấy nghĩ nói lẻ tẻ không làm được gì hữu hiệu hết ! Tôi ngần ngại tiếp.
- Quyên nghĩ dân Việt mình khó mà chịu khuất phục. Mẹ thấy đó 1000 năm nô lệ giặc Tàu, nhưng „ Tiếng Việt Còn Là Nước Việt Còn „, mẹ thấy chưa.
- ...nhưng tại sao mình không ngăn chặn trước khi nó bắt dân Việt mình làm nô lệ lần nữa khi ấy mới vùng lên khởi nghĩa, sao không lo làm trước...
- Làm sao bây giờ ?? mẹ thấy đó nước Tây Tạng, cả thế giới biết, nhưng có ai làm được gì đâu!! Việt nam thì quá nhỏ bé.
- ...tuy nhỏ nhưng Mỹ Tàu gì cũng ham nước mình đó con..
Hai đứa con lắng nghe mẹ nói, tôi nói tiếp:
- Trên đảo HS TS của ta nghe nói có mỏ dầu. Có dầu thô thì các nhà đầu tư ham nhảy vào lắm...Tàu thì lăm le lấy VN làm quận Tam Sa...
- Ưm..ưm....nếu VN mà trở thành 1 cái quận của Tàu thì cũng tốt chứ mẹ, mẹ nghĩ xem, TQ là cường quốc nhất thế giới, VN là một quận của một cường quốc, thế vẫn hơn không ? Con gái nói cái quan niệm của mình.
- „ Trời ơi ngu ơi là ngu!!“ Tôi la lên, cái đầu tôi nhức bưng bưng nhưng vẫn cố giải thích tiếp cho con trẻ hiểu, „ Trên thế giới hiện nay dân tộc nào cũng đòi quyền tự trị cả, cho dù là nước nhỏ hay nghèo nhưng tự trị chứ không đem đất đem biển dâng cho giặc bao giờ. Khi Tàu nó chiếm được VN, dân Việt mình trở thành thiểu số bị đẩy vào vùng hoang vu làm rừng rẩy, trường học phải dạy bằng tiếng Tàu, giống y như bên Tây Tạng vậy. Học trò người Tây Tạng phải nhường ghế cho học trò TQ. Vì họ là kẻ chiến thắng có quyền lực trong tay. Hồi trước mỗi lần nghĩ tới chuyện TQ chiếm VN mẹ khóc và khổ tâm, nhưng nay sau cơn nhức đầu vì quá căng thẳng giờ mẹ sợ đau thần kinh lần nữa„.
....Hai đứa nhỏ yên lặng nhìn nhau lo ngại, chưa biết nên nói gì trong giây phút này có vẻ như ngoài khả năng của chúng nó. Tôi nói thêm:
- Tháng 10 năm 2009 mẹ và một số Hội đoàn bên Đức sẽ tổ chức một đại hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Tỵ Nạn tại Hải Ngoại. Hy vọng sẽ có nhiều người về tham dự. Tối thứ sáu có lẽ mẹ sẽ đưa ra đề tài để giới phụ huynh đóng góp ý kiến là: „ Giới trẻ Việt Nam Hải Ngoại nghĩ gì ? „. Vì thế hệ đầu tiên như ba mẹ, như các bác các cô các chú ra đi còn hiểu biết về tình hình quê hương còn theo dõi, nhưng kinh nghiệm cho thấy, các con còn đọc, còn nói còn viết được tiếng Việt là nhờ sự kiên nhẫn dạy bảo của ba mẹ hồi các con còn bé, nay thử nghĩ...những thanh thiếu niên không được cái may mắn đó, các em sẽ ra sao ? Làm sao có sự thông cảm giữa hai thế hệ, làm sao có „ Tre Già Măng Mọc „ trong tương lai bây giờ ? Đó là điều mà mẹ quan tâm nhất hiện nay. Có lẽ trong vòng 3 năm nữa mẹ sẽ đề nghị tổ chức một cuộc Đố Vui dành cho giới trẻ, những câu hỏi về Lịch sử - Địa Lý nước nhà và thi viết Văn trong vòng hai giờ đồng hồ. Em nào thắng giải nhất sẽ được thưởng 5000 Euro !
- .....?!
- " Hai đứa nghĩ xem có khả năng dự thi không, phải lo tìm tài liệu học ngay bây giờ", tôi nhìn hai con mình có ý thách thức.
Sự yên lặng của hai con tôi có vẻ như chúng đang đứng trước một bài toán thật khó tìm ra giải đáp. Chúng nó thi đại học Đức, đại học Pháp qua được các kỳ thi bằng tiếng Pháp, tiếng Tàu, tiếng Anh, Đức.... Các ngoại ngữ khó trần ai, nhưng sao câu hỏi Thi viết Văn bằng Tiếng Mẹ Đẻ, chúng thấy thật là khó. Cho nên cả hai đều yên lặng.
Tôi nói tiếp:
- Chính vì mẹ biết là rất khó khăn khi truyền tư tưởng làm người dân Việt cho các con, khi các con học xong ra trường đại học có còn chịu về quê hương phục vụ nữa không, khi bên ấy đã trở thành một quận lỵ của quân Tàu ? Ôi sao mẹ thấy cả một biển kiến thức mênh mông giữa hai thế hệ Đi Trước và Thế hệ Đi Sau tại hải ngoại, mẹ là người ít khi nào chịu bỏ cuộc, nhưng hiện nay chính mẹ cũng cảm thấy rất khó khăn !!
- Quyên thấy mấy người Quyên quen, họ bàn chuyện đi VN du lịch thăm thắng cảnh, ăn uống này kia vui vẻ, ít có ai quan tâm những chuyện giống như mẹ...
- Ừ, đâu phải ai cũng thích trong giờ rảnh rỗi để viết Văn, làm Thơ, hay làm chuyện cộng đồng. Mỗi một người có cách tiêu khiển thì giờ mà mình cho là thích thú việc mình làm. Tôi nhẫn nại giải thích.
- 8 giờ tối rồi mẹ đi ngủ đi, bác sĩ dặn mẹ như vậy mà. Thằng con nhắc nhở mẹ nó.
Leo lên giường ngủ tôi đánh một giấc dài thật ngon đến sáng, vì ít ra tôi cũng đã truyền hết những gì mình nghĩ cho hai con, mặc dù những kiến thức ấy ví như giọt nước nhỏ vào đại dương mênh mông.
Lúa 9 Mittwoch 01.04.09
|