Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ung Thư Vú
kimnga
#1 Posted : Monday, November 8, 2004 4:00:00 PM(UTC)
kimnga

Rank: Newbie

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 79
Points: 0

Tác giả
Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:29 am Tiêu đề: Ung Thư Vú

Mun ơi à, Hồi nào rảnh rảnh khệ nệ bưng dzìa thêm về bệnh ung thư ... hắn nữa nha... Bữa trước chị đọc trên báo phụ nữ thấy khả năng phụ nữ mắc bệnh này rất cao. Không biết làm sao mà trong đầu cứ có bệnh tư tưởng sợ sợ...


Để chấm dứt tình trạnh bệnh tưởng của chị Addmore, em Mun khệ nệ bưng dzìa những thông tin cần thiết cho chị ngâm kú nì

---------------------------------------------------------------------------------------


Sau cổ tử cung, vú là cơ quan bị ung thư nhiều nhất của phụ nữ nước ta. Khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị sớm, nghĩa là khi khối bướu chỉ lớn khoảng 2 hoặc 3 cm thôi thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao.

Điều phấn khởi hơn nữa: ở một số trường hợp có khả năng điều trị bảo tồn, nghĩa là khỏi phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.

Vậy điều chủ yếu nhất là phải chẩn đoán được ung thư ngay khi nó mới xuất hiện. Hàng ngàn phụ nữ có cơ may khỏi bệnh và trở về với đời sống bình thường nếu phát hiện bệnh sớm.

Ung thư vú rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng thường gặp nhất trong khoảng tuổi 40 – 60.


Nguyên nhân

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư vú, nhưng nhận thấy có một số nguy cơ sau dẫn đến ung thư ở phụ nữ là do tiền sử gia đình, những phụ nữ chưa sinh đẻ lần nào, phụ nữ uống rượu và hút thuốc lá, thường xuyên tiếp cận với thuốc trừ sâu...

Phát hiện ung thư vú bằng cách nào?

Khi thấy một trong những dấu hiệu sau bạn phải nghĩ ngay tới ung thư vú:

- Phụ nữ trên 30 tuổi có một cục cứng không đau.

- Sự thay đổi ở da vú: Vết da lõm vào, một vùng da dày lên, núm vú tụt vào, dịch chảy ra ở đầu vú. U thường không đau, cứng và chắc hơn mô tuyến vú chung quanh. Nhiều người lầm tưởng ung thư thì phải đau nhưng thực ra ở giai đoạn đầu của ung thư không đau. Nếu bị u lành thì hơi đau nhức khi gần tới kỳ kinh.

- Ở giai đoạn ung thư muộn: Vú đã teo cứng lại, da vú nhăn nheo, sần sùi, núm vú thụt vào trong, vú phình ra biến dạng, có khi da ở vú lở loét. Nếu vô tình sờ vào thấy cục tròn trong nách, có thể là hạch nách di căn của ung thư vú. Lúc này điều trị khó khăn và kém hiệu quả.

Hiện tượng không phải ung thư vú

Nang vú: Thường gặp ở phụ nữ 40-50 tuổi, lớn bằng đầu ngón tay, di động, ít đau. Các nang này thường gặp ở độ tuổi 40 trở đi và tự lặn mất sau khi mãn kinh. Khi thấy hiện tượng này, chị em cần đi khám bác sĩ.

Đau vú: Khi bạn bị đau vú, sờ nắn thấy có những vùng tuyến sữa dày lên nhưng không có cục u rõ.

Núm vú hoặc cả quầng vú bị ngứa, lở và rỉ nước: Thường do dị ứng với áo ngực, chú ý nếu chật ngực phải phải cởi bỏ và tắm rửa sạch sẽ.

Tiết dịch ở đầu núm vú: Thường do giãn ống sữa, bướu lành ống sữa, viêm ống sữa và ung thư nhỏ trong ống sữa. Nếu dịch úa ra là nước trong hay hơi đục, hoặc hơi nhờn, đôi khi có màu hồng nhạt thì không có gì lo lắng. Nếu dịch đỏ đậm như máu bạn nên đi khám bác sĩ.

Bọc sữa: Thường gặp ở bà mẹ đang cho con bú. Sờ ngực thấy có một khối tròn, mềm như trái nho hoặc lớn hơn, dùng tay bóp không thấy đau. Hết thời kỳ cho con bú, bọc sữa nhỏ lại từ từ, sau vai tháng có thể lặn mất.

Viêm vú

Điều trị ung thư vú

Kết quả điều trị ung thư vú tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn chưa di căn thì điều trị mang lại kết quả tốt. Một số phương pháp điều trị ung thư vú như phẫu thuật, xạ trị bổ sung sau mổ và nội khoa.

Làm gì để phát hiện khối u sớm?

Muốn phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ độ 4-5mm, chỉ có một cách làm tự nhiên là tự khám ngực mình hàng tháng. Nếu phụ nữ có kinh nguyệt thì khám vào ngày sạch kinh.

Phòng bệnh

Tránh chiếu tia xạ vào vú, giảm tiếp xúc với khói thuốc lá, không uống rượu, cho con bú sữa mẹ, dùng thực phẩm có acid béo omega-3 có trong cá, tránh mặc áo nịt chặt ngực thường xuyên và quá chặt. Năng tập thể dục rèn luyện thân thể.

--00--00--



Vì sao lại nghi ngờ ở tuổi trên 30?

Ung thư vú có thể gặp từ tuổi trên 20, nhưng đó là trường hợp hết sức hiếm hoi, nên một thiếu nữ dưới 25 tuổi có một khối bướu dù rất to ở vú thì hầu như là một bướu lành.

Tại sao cứng và không đau?

“Tưởng ung thư thì nó phải đau chớ”. Nhiều người lầm tưởng như thế nên nhiều khi rờ thấy một cục u ở trong bướu từ khi bằng ngón tay út để tới lớn cỡ trái quýt, vì “ Tôi đâu có biết, thấy không đau điếc gì, mà cũng ăn ngủ như thường”. Phải biết là bướu ung thư thì cứng chắc, không đau và người bệnh thường vẫn khỏe mạnh: thời kỳ ban đầu ung thư rất im lìm, rất hiểm, làm ra vẻ rất hiền.



(Nguồn: www.ykhoa.info)
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)


Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:34 am

Còn đây là bài tổng hợp từ "Cẩm Nang An Toàn Sức Khỏe" do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành được tìm thấy ở trang nhà www.vnexpress.net

-------------------------------------------------------------------------------

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Ung thư vú là bệnh thường xảy ra ở phụ nữ tại các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, phụ nữ bị ung thư vú chiếm tỷ lệ gần 0,17 phần ngàn. Trong đó nguyên nhân tiền sử gia đình có người "mắc bệnh" được xem là chủ yếu. Những chị em có họ hàng ruột thịt ở thế hệ 1 (mẹ, con, chị, em) với bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn.

Ở phụ nữ chưa một lần sinh nở, mà sinh nở càng nhiều thì nguy cơ càng thấp. Phụ nữ đã "bị" cắt bỏ buồng trứng, nhất là bị cắt trước tuổi 35 thì thấy nguy cơ cũng thấp hơn. Phụ nữ sống độc thân có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 2 lần so với phụ nữ có chồng, các nữ tu sĩ mắc bệnh ung thư vú có tỷ lệ khá cao, chị em đẻ mắn ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn so với chị em không "chịu" đẻ.

Ngoài ra, việc uống rượu của chị em (dĩ nhiên là ở chị em thường xuyên tiếp xúc với rượu...) cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo nguy cơ ung thư vú.

Nhìn chung, bệnh ung thư vú là loại ung thư ổ nông dễ tiếp cận chẩn đoán và nhất là chị em có thể tự khám ngực tìm những khối bất thường phát hiện sớm. Thường thì bệnh nhân tự đến cơ sở y tế xin được bác sĩ khám sau khi tự mình phát hiện khối u ở vú.

Biểu hiện lâm sàng của ung thư vú

Bệnh ung thư vú với biểu hiện là:

- Da trên u vú bị dính, núm vú tụt vào hay bị co kéo, có da đỏ, sẫm da cam, hoặc kích thước u vú, mật độ, độ di động, bị tiết dịch ở đầu vú (dịch có thể có màu trắng, đỏ hoặc vàng).

- Tại vùng nách, thường đòn cùng bên khối u có thể có hạch vùng và có khả năng lan tràn sang qua bên vú đối diện.

Chẩn đoán bệnh ung thư vú

Sau khi đã phát hiện dấu hiệu ban đầu trên lâm sàng như đã nói trên, khi đến cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu, các bác sĩ sẽ cho chụp X quang tuyến vú. Để đánh giá và tiên lượng tình trạng diễn tiến của bệnh trước khi tiến hành điều trị, nhất thiết phải thực hiện thủ thuật làm mô bệnh học (histo pathology) giúp cho việc chẩn đoán xác định và phân loại (type) mô học, chọc hút tế bào cho phép chẩn đoán chính xác ung thư đến 95%.

Phương pháp điều trị ung thư vú

Phương pháp điều trị thông thường bệnh ung thư vú hiện nay ở Việt Nam là giải phẫu, chạy tia xạ, đến khi hạch nách cùng bên đã bị xâm lấn có thể tiến hành điều trị bằng hoá chất.

Hiện nay, người ta cũng đang được áp dụng phương cách tăng cường miễn dịch hỗ trợ trong điều trị ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng như dùng tảo Spirulina, Phylamin, HTCK.

Tuy là loại ung thư có tính lan tràn toàn thân nhưng thực tế nếu phát hiện u (tumor) ở giai đoạn đầu, rồi được tiến hành chữa trị kịp thời, thì tỷ lệ sống còn sau 5 năm khá cao.

Cần phát hiện ung thư vú bằng cách tổ chức khám theo chương trình cho hàng loạt phụ nữ ở lứa tuổi có nguy cơ cao, nhất là hướng dẫn cách để chị em tự khám (self-examination) để phát hiện khối u ở vú đang còn nhỏ.
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)

Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:37 am

Tự kiểm tra để phát hiện sớm ung thư vú

Đối với phụ nữ, vú là vị trí dễ bị ung thư. Biện pháp hữu hiệu để cải thiện tỷ lệ sống sót khi bị ung thư vú là sớm phát hiện ra các khối u ở vú bằng cách tự kiểm tra.

Việc thực hiện gồm hai giai đoạn: Kiểm tra và xoa nắn.

I-Phần kiểm tra:

1. Ngồi một bên giường, không mặc áo. Thả lỏng 2 cánh tay khum vào lòng bụng và kiểm tra vú trước tấm gương lớn.

Chú ý đến những dấu hiệu bất thường sau:

- Kích thước và độ cân xứng của ngực;

- Trên làn da vú có dấu hiệu sưng phồng, nếu nhăn nhúm, những nốt tròn như đồng tiền, biến đổi về cấu tạo bên ngoài về màu da cũng như biến đổi về nốt ruồi.

- Vú bên này có thể khác một chút về kích thước và hình dáng với vú bên kia, nhưng sự khác nhau về màu sắc, nốt nhỏ trên da, lớp vảy hay vết loét cần được chú ý.

Nếu phát hiện ra các dấu hiệu khuyếch tán rộng mang gam màu xanh thì có thể nghĩ nhiều đến việc có sự tập trung máu nhiều hơn ở khu vực đó và cần đến bác sĩ chuyên khoa để theo dõi.

Hiện tượng núm vú tiết dịch ở phụ nữ chưa trưởng thành và không cho con bú là bất thường; núm vú thụt vào cũng là dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là khi hiện tượng này mới xuất hiện.

Lưu ý: Khi thấy làn da có màu vàng sậm, lỗ chân lông lớn và sưng, đó là dấu hiệu tăng trưởng của ung thư vú. Kiểm tra cơ ngực bằng cách dùng hai tay ép vào hông. Có thể kiểm tra lần nữa sự cân xứng, kích thước, đường viền ngực, những nốt tròn như lúm đồng tiền, nếp da nhăn nhúm hoặc thụt vào.

2- Trong khi ép chặt hai tay vào hông, xoay người từ bên này sang bên kia để có thể thấy được các cơ ngực.

3- Đặt hai tay cao qua đầu hay sau ót. Động tác này có thể kiểm tra được những biến đổi về cân xứng và đường viền ngoài của mỗi bên ngực.

II- Phần nắn ngực:

1- Rửa tay sạch. Xoa nắn hai bên ngực cùng một lúc. Bắt đầu định vị trí bàn tay dưới xương đòn và xoa nắn dần xuống đến núm vú. Đôi khi có thể sờ nắn được một vùng cứng và thường đó là xương sườn. Để chắc chắn, nên nắn dọc theo bờ sườn để xác định rõ. Nếu vùng cứng này không tiếp giáp với bờ sườn, nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám. Việc kiểm tra có thể thực hiện dưới vòi sen khi tắm vì da khi ướt sẽ làm tăng độ nhạy cảm của ngón tay.

2- Để đánh giá cơ và hạch bạch huyết ở vùng nách, nên thả lỏng cơ bằng cách để một cánh tay trên bụng với khủyu tay hơi cong. Bàn tay còn lại nắm lấy phần cơ gần hốc nách để xem có khối u không và xem các hạch bạch huyết có to không.

3- Với tư thế nằm, kiểm tra vùng ngực bên trái. Đặt một cái khăn hoặc một cái gối nhỏ dưới vai và lưng trái, để tay trái dưới đầu. Tư thế này giúp xác định rõ các cơ ngực. Dùng phần lòng bàn tay của 3 ngón giữa nắn ngực theo hình vòng tròn cho đến vị trí như số 12 của đồng hồ. Đối với những phụ nữ có ngực to, nên nằm nghiêng về phía trái để khám ngực phải và ngược lại. Có thể làm tăng độ nhạy của các ngón tay bằng cách thoa thêm dầu Lotion. Sau khi kiểm tra hết vòng ngoài của cơ ngực, nên kiểm tra phần cơ chung quanh núm vú và tiếp tục với cách thức trên cho đến khi toàn bộ ngực được kiểm tra.

4- Kiểm tra núm vú bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa đè núm vú, nắn các vùng nằm sâu phía dưới (thường gọi là các "giếng"). Đây là vị trí thường có khối u.

5- Bóp nhẹ núm vú để xem có dịch tiết hay không. Bất kỳ dịch tiết nào ở người phụ nữ không trong thời kỳ cho con bú đều phải chú ý, nên đến bác sĩ khám ngay.

6- Sau khi kiểm tra xong ngực trái, tiếp tục kiểm tra ngực phải.

Tuy nhiên, bạn nên yên tâm vì khoảng 8/10 khối u là lành tính. Và chỉ có bác sĩ là người đưa ra chẩn đoán và cho hướng điều trị đúng đắn nhất...
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)

Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:46 am

Các chị em đang định cư tại Mỹ quốc sẽ tìm thấy trang nhà này có nhiều thông tin hữu ích :

Tài Liệu Hướng Dẫn Sức Khỏe Về Vú http://www.ungthu.com/vacf/cacbenhungthu/ungthuvu.asp

Addmore Gởi: Mon Jun 28, 2004 10:16 am

Hugs & Hun Mun nhiều nhiều.
Vũ Thị Thiên Thư
#2 Posted : Friday, May 6, 2005 1:13:30 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Ung Thư Vú: Vấn Đề Mọi Phụ Nữ Việt Cần Chú Trọng
Trần Huy Leonard & Lê Huy Rick

"...Đối với phụ nữ gốc Việt, ung thư vú xẩy ra nhiều nhất..."
Khi nói đến ung thư vú, nhiều người trong cộng đồng người Việt chúng ta vẫn cho rằng đó là vấn đề y tế của người Mỹ da Trắng. Nhiều người khác cho rằng ung thư vú chỉ là sự dọa nạt của các bác sĩ nhằm kiếm thêm bệnh nhân. Một số khác nghĩ rằng "đụng dao đụng kéo" mới gây ra ung thư; nếu mình không "đụng" đến thì ung thư không xẩy ra. Khoa học và các cuộc nghiên cứu đã chứng minh những điều trên là không đúng sự thật.
Theo Bộ Y Tế California (California Department of Health Services), riêng cho phụ nữ gốc Việt, trong các bệnh ung thư, ung thư vú là bệnh thường có nhất. Cũng theo Bộ Y Tế California, thống kê từ năm 1995- 1999 cho thấy ung thư vú xẩy ra nhiều hơn tất cả các loại ung thư khác trong hầu hết mọi sắc dân.
Trong buổi họp toàn quốc lần thứ 5 của tổ chức AANCART (Asian American Network for Cancer Awareness Research and Training), tạm dịch là Hiệp Hội Á Mỹ về việc Nghiên-Cứu, Huấn Luyện để nâng cao Nhận Thức về Ung Thư) vào năm 2004, các khoa học gia đã cảnh báo cho biết ung thư là nguyên nhân đứng đầu gây tử vong cho người Mỹ gốc Á châu.
Tuy có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư vú như ăn uống nhiều chất béo, thiếu hoạt động, môi sinh, hoặc di truyền, v.v... nhưng cho đến nay ung thư vú vẫn chưa thể phòng ngừa được. Tuy nhiên gày nay người ta đã có những phương cách mới truy tầm bệnh khi nó mới chớm và như vậy cơ hội chữa lành rất cao. Đa số các chuyên gia y tế cho rằng nếu phát hiện sớm, khả năng chữa lành bệnh ung thư vú có thể trên 90%. Điều này khác với nhiều loại bệnh ung thư khác, như ung thư máu hay ung thư phổi, vì người ta vẫn chưa tìm ra phương cách truy tầm để khám phá ra bệnh sớm khi bệnh tương đối dễ chữa trị.
Cách chữa trị ung thư vú cũng có những tiến triển rất xa trong thập niên vừa qua. Ngày nay những phụ nữ phát hiện sớm bệnh ung thư vú thường không phải lo sợ vú của mình sẽ bị cắt bỏ như trước đây. Nếu phát hiện bệnh sớm, hiện nay đã có những phương pháp giải phẫu để bảo tồn vú của bệnh nhân mà vẫn hiệu nghiệm trong việc điều trị ung thư.
Hội Ung Thư Việt Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức y tế khác tại Hoa Kỳ, kể cả Hội Ung Thư Hoa Kỳ và Viện Ung Thư Quốc Gia, kêu gọi mọi phụ nữ tuổi 40 trở lên nên làm những việc cần thiết để truy tìm ung thư vú.
· Tự khám vú mỗi tháng một lần (bắt đầu từ 20 tuổi)
· Khám vú do chuyên viên y tế (bác sĩ, y tá)
· Chụp quang tuyến vú (mammogram) mỗi năm một lần.
Những phụ nữ có nguy cơ bị ung thư vú cao (trong gia đình có người bị ung thư, từng bị ung thư, có kinh trước tuổi 12, tắt kinh sau tuổi 55, v.v.) nên thảo luận với bác sĩ của mình về việc truy tầm ung thư vú sớm hơn hoặc thường xuyên hơn.
Hội Ung Thư Việt Mỹ hiện nay có hợp tác với một vài các trung tâm y tế trong cộng đồng để giúp phụ nữ gốc Việt truy tầm ung thư vú và ung thư cổ tử cung miễn phí cho những ai hội đủ điều kiện. Quý vị có thể liên lạc với Hội 714-751-5805 để biết thêm chi tiết.
Ngoài ra Hội Ung Thư Việt Mỹ sẽ tổ chức buổi thuyết trình về Ung Thư Vú để trình bày các cách truy tầm mới nhất, và giải đáp thắc mắc về bệnh ung thư vú vào lúc 1 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2005, tại phòng họp Báo Người Việt, số 14771 Moran St., thành phố Westminster. Quý bà tham dự buổi thuyết trình này sẽ được tặng hoa và có cơ hội trúng thưởng. Vì chỗ có giới hạn, xin ghi danh ngay qua số 714-751-2938.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng xin liên lạc
Hội Ung Thư Việt-Mỹ - VACF: 11770 Warner Ave., Suite 113, Fountain Valley, CA 92708
Điện thoại: (714) 751- 5805
Website: www.UngThu.org

Nguồn Viet Bao Online
Vi_Hoang
#3 Posted : Friday, May 13, 2005 5:29:51 PM(UTC)
Vi_Hoang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,407
Points: 48
Woman
Location: California, Santa An a

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Theo yêu cầu của các chị, VH xin dán bài thuốc nầy vào đây.


Phượng Các
#4 Posted : Tuesday, January 10, 2006 10:04:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cảm nghĩ của một người con gái Việt có mẹ bị ung thư vú

Thursday, December 29, 2005


Ngọc Yến (Phỏng theo bài viết của Denise Nguyen (NguoiViet2)


Là một phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ rằng căn bệnh này sẽ không bao giờ xảy ra trong gia đình tôi. Cho đến khi việc này trở thành hiện thực.

Chúng tôi đã nhận được kết quả các cuộc thử nghiệm trước ngày Lễ Tạ Ơn năm 2001. Trái tim tôi đã ngừng đập và tan nát ra từng mảnh.

Mẹ tôi đã bị ung thư vú.

Tôi đã từng biết về bệnh ung thư vú, về việc làm mammograms hằng năm và tự khám ngực. Tôi cũng từng thấy một số người, ngày càng tăng thêm, đi khắp nơi với những dải ruy-băng màu hồng ghim trên ngực áo. Tuy nhiên, vào tháng Chín, trong khi đang xem số tháng Mười của tạp chí Self, tôi đã đọc lướt qua những trang dành cho “Tháng Nhận Thức về Ung Thư Vú” khi liếc sơ qua hàng tựa, và các khuôn mặt của những người Caucase còn sống sót sau khi bị ung thư vú. Tôi đã bỏ nhiều thời giờ để đọc bài “Tone up for Good” hơn là bài “This Year's Biggest Breakthoughs,” trong sổ tay hướng dẫn về ung thư của tập sách này.

Tôi tuyệt đối tin rằng chúng tôi sẽ không mắc phải căn bệnh quái ác trên, và ung thư vú thực sự sẽ không là một căn bệnh mà các phụ nữ Á Châu phải lo ngại.

Nhưng bây giờ mẹ tôi, một phụ nữ Việt Nam, mà trong gia đình không hề có ai từng bị ung thư vú, đã mắc phải bệnh này. Tôi không thể tin được điều đó. Tôi không muốn tin điều đó. Và tôi cảm thấy sợ hãi.

Ðêm ấy, cha tôi và tôi vào internet để cố học biết thêm về căn bệnh này.

Tôi tự hỏi: Mẹ tôi nên theo cách điều trị nào? Người có phải mổ không? Người có nên uống Tamoxifen không?

Còn về xạ trị hoặc hóa học trị liệu thì sao? Sẽ có những phản ứng phụ nào?

Có gì thay đổi trong thực đơn hằng ngày của mẹ tôi, và mẹ tôi nên theo lối sống nào? Mẹ tôi có cơ hội được sống sót không? Và còn có thể sống được bao nhiêu năm nữa?

Ngày kế đó, ngồi tại bàn ăn trong một buổi ăn tối diễn ra trong không khí buồn rầu, có thịt gà tây, với cả đại gia đình, chúng tôi vẫn nói lên những lời tạ ơn. Vì mẹ tôi rất sốt sắng trong việc làm mammogram mỗi năm, nên bác sĩ đã khám phá ra bệnh ung thư ở vào giai đoạn đầu, một điểm hóa vôi nhỏ đã được xác định vị trí, và không lan rộng đến các hạch bạch huyết hoặc những cơ quan nội tạng. Và chúng tôi có gia đình và bạn bè đã đề nghị giúp đỡ, thăm viếng, nấu ăn, và đi cùng mẹ tôi trong những lúc chữa trị.

Vào cái ngày định mệnh đó, tôi tự hỏi chúng tôi sẽ phải đối phó thế nào. Nhưng chúng tôi đã đối phó bằng cách cầu nguyện liên tục, và với sự hỗ trợ của những người thân.

Giờ đây, bốn năm đã trôi qua từ khi được biết bà bị bệnh. Và hôm nay, tôi lấy làm sung sướng mà nói rằng mẹ tôi, một phụ nữ luôn luôn can đảm, là một người sống sót vượt thắng được bệnh ung thư vú.

Tuy nhiên, ung thư vẫn là một bộ phận bất biến của gia đình chúng tôi, khi tự nó đã đi vào trong thói quen hằng ngày của đời sống chúng tôi.

Vì ung thư nên mẹ tôi đã pha chế thức uống mỗi buổi sáng bằng nước trái cây và rau cải, để giữ cho hệ thống miễn nhiễm được khỏe mạnh. Cũng vì bệnh ung thư của mẹ mà cha tôi, theo truyền thống là một người chồng kín đáo không có thói quen bày tỏ tình cảm, đã làm mẹ tôi ngạc nhiên khi hát bài “Tu es Ma Vie” hoặc “You are My Live,” ở trước mặt hơn 100 người bạn thân nhất của chúng tôi.

Và vì bệnh ung thư mà mẹ tôi, mặc dù là một người kín khép kín, đã cho phép tôi được viết về căn bệnh này, với hy vọng sẽ tăng thêm kiến thức trong cộng đồng Việt Nam.

Theo Tổ chức Susan G. Komen Breast Cancer Foundation, khi các phụ nữ Á Châu di cư sang Hoa Kỳ, thì nguy cơ bị ung thư vú tăng lên gấp sáu lần. Những phụ nữ này sống ở Hoa Kỳ chưa đến một thập niên lại có nguy cơ bị ung thư vú 80 phần trăm cao hơn các di dân mới đến.

Trong khi việc liên kết bệnh ung thư vú với thực đơn hằng ngày vẫn còn gây nhiều tranh cãi, một vài bằng chứng cho thấy thực đơn của Tây phương có nhiều mỡ và ít chất sơ hơn là một yếu tố dẫn việc số phụ nữ Á Châu bị ung thư vú ngang bằng với phụ nữ Mỹ, sau khi đến Hoa Kỳ.

Ðối với những người sinh ra ở đây, nguy cơ bị bệnh cũng giống như các phụ nữ Caucase.

Trong vòng hai năm vừa qua, chỉ có 48.5 phần trăm các phụ nữ Á Châu và Thái Bình Dương, 50 tuổi và lớn hơn ở Hoa Kỳ, có làm mammogram hoặc khám vú lâm sàng - một tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các nhóm chủng tộc hoặc sắc dân.

Chúng ta, những phụ nữ Việt Nam, không được miễn nhiễm với căn bệnh này, là nguyên nhân chính gây ra những cái chết vì ung thư trong số các phụ nữ từ 40 đến 59 tuổi.

Tôi đã nghĩ rằng phụ nữ Á Châu không phải quan tâm về bệnh ung thư vú, cho đến khi nó xâm nhập vào gia đình tôi. Nhưng thật ra chúng ta phải quan tâm. Chúng ta cần phải luôn am hiểu về căn bệnh này. Chúng ta cần phải ủng hộ các cuộc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Và chúng ta phải luôn phổ biến tin tức. Chúng ta có thể giảm bớt các yếu tố gây nguy cơ bị ung thư. Chúng ta có thể cố gắng phát hiện sớm, và kiểm tra bằng cách thử nghiệm thường xuyên. Chúng ta có thể sống sót qua bệnh ung thư vú.

Và mẹ tôi chính là một chứng nhân sống. (NY)

http://www.nguoi-viet.co...mviewer.asp?a=37754&z=56
Vi_Hoang
#5 Posted : Tuesday, January 10, 2006 2:48:52 PM(UTC)
Vi_Hoang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,407
Points: 48
Woman
Location: California, Santa An a

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Đọc những tài liệu trên đây, và cũng theo lời yêu cầu của một số ACE trong PNV. VH xin viết lên kinh nghiệm bản thân của mình về căn bịnh "ung thư Vú"

Khi tôi tự phát giác ra một khối u trong ngực mình, tôi không nghĩ là mình bị chứng bịnh nầy, vì bao nhiêu năm qua, những gì minh nghe thấy và học hỏi được thì căn bịnh nầy không thể nào có thể xuất hiện trên cơ thể của tôi. Với số tuổi dưới 40, tôi là một người mẹ tin tưởng rằng cho con mình bú sửa mẹ sẽ làm cho mẹ con gần gủi nhau hơn; tôi không hút thuốc, không uống rượu...nghĩa là những gì mà người ta cho rằng khó có thể đưa đến nguy cơ bị bịnh ung thư vú; vậy mà tôi lại mắc phải chứng bịnh đó. Trong lịch sữ của gia đình tôi chưa hề có ai bị phải bất cứ chừng bịnh ung thư nào, vậy mà tôi là người bắt đầu.
Như vậy có phải là đau khổ cho tôi không!
Vừa nghĩ đến mình đã bị một bản án tử hình mà mình không biết mình đã làm ra tội gì, vừa nghĩ rằng vì mình mà sau nầy trong gia đình, chị em, con , cháu sẽ phải tiếp tục cái bản án tru di nầy làm cho tôi càng đau đớn thêm. Tôi nghĩ mình không còn có cơ hội nào nữa sau cuộc giải phẩu, bác sĩ cho biết là ung thư của tôi đã qua giai đoạn 2, khối u lấy ra đã bằng đầu ngón tay cái. Ngay cả bác sĩ cũng không cho tôi một lời an ủi nào, để cổ vỏ tinh thần cho tôi; Tôi thấy như mọi việc đều hoàn toàn sụp đổ trước mắt, nhưng vì các con, tôi phải cố gắng được chừng nào hay chừng đó.
Rồi tôi cũng phải theo lời bác sĩ trị liệu, hết hóa trị đến xạ trị, rồi trở lại hóa trị; con người tôi như hao mòn dần với những liều thuốc đi vào cơ thể, cũng như tóc tôi rơi rớt trên gối mỗi buổi sáng hay đóng thành từng về trên chiếc lược mỗi lần tôi chải đầu cho đến khi không còn tóc để mà chải nữa.....tôi phải mang đầu tóc giả để các con khỏi phải khóc khi nhìn cái đầu không còn tóc của tôi!
Vừa hết giai đoạn hóa trị lần thứ hai thì bác sĩ báo cho tôi biết là căn bịnh tôi đã di căn qua hạch ở nách, vậy là phải trải qua thêm một lần giải phẩi nữa......rồi thêm 2 lần nữa!
Tôi không còn sức để che dấu cái đau khổ của tôi nữa, tôi hết hy vọng rồi!
Gia đình tôi tan vỡ.......Tôi phải ráng sống những ngày còn lại để lo cho các con!
Trong thời gian nầy tôi luôn luôn thấy ác mộng, mà đêm nào cũng là một giấc mộng như nhau:
Tôi thấy cái chết của tôi , người ta bỏ tôi vào quan tài, các con khóc lóc chung quanh rồi nắm hòp được đóng lại, chung quanh tôi chỉ còn một màu đen thăm thẳm....tôi giật mình hét lên, đứa con gái lớn nằm kế bên phải đánh thức tôi dậy để kéo tôi trở lại với cuộc sống không biết còn được bao lâu! Có lẽ tại tôi nghĩ nhiều đến cái chết cho nên mới nhập tâm mà thấy những ác mộng như vậy, nhưng tôi làm sao khác hơn được đây!!!
Tôi cũng biết chết là hết, là không còn lo âu, phiền muộn gì cả, nhưng điều lo lắng của tôi là các con của tôi còn nhỏ quá, ai sẽ là người thay tôi dìu dắt tụi nó trong tương lai. Tôi cũng sợ rằng sau khi tôi chết đi, các con tôi sẽ không còn nhớ đến người mẹ nầy nữa, nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu tụi nó quên được tôi mau chóng thì cũng tốt, tụi nó sẽ không buồn lâu. Mâu thuẩn!!!!
Sau cuộc giãi phẩu lần thứ 4, ba tôi gọi tôi về VN để trị theo thuốc vườn mà ông đọc được trong báo, đó là uống nước nấu bằng lá đu đủ.
Nhờ đó mà tôi vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Tôi tin như vậy tuy là có vẻ khó tin thật. Nhưng dù sao, còn nước thì còn tát.

linhvang
#6 Posted : Tuesday, January 10, 2006 3:07:25 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Bây giờ hằng năm chị vẫn đi check up chứ hả?
Users browsing this topic
Guest (7)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.