Tác giả
Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:29 am Tiêu đề: Ung Thư Vú
Mun ơi à, Hồi nào rảnh rảnh khệ nệ bưng dzìa thêm về bệnh ung thư ... hắn nữa nha... Bữa trước chị đọc trên báo phụ nữ thấy khả năng phụ nữ mắc bệnh này rất cao. Không biết làm sao mà trong đầu cứ có bệnh tư tưởng sợ sợ...
Để chấm dứt tình trạnh bệnh tưởng của chị Addmore, em Mun khệ nệ bưng dzìa những thông tin cần thiết cho chị ngâm kú nì
---------------------------------------------------------------------------------------
Sau cổ tử cung, vú là cơ quan bị ung thư nhiều nhất của phụ nữ nước ta. Khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị sớm, nghĩa là khi khối bướu chỉ lớn khoảng 2 hoặc 3 cm thôi thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao.
Điều phấn khởi hơn nữa: ở một số trường hợp có khả năng điều trị bảo tồn, nghĩa là khỏi phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
Vậy điều chủ yếu nhất là phải chẩn đoán được ung thư ngay khi nó mới xuất hiện. Hàng ngàn phụ nữ có cơ may khỏi bệnh và trở về với đời sống bình thường nếu phát hiện bệnh sớm.
Ung thư vú rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng thường gặp nhất trong khoảng tuổi 40 – 60.
Nguyên nhân
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư vú, nhưng nhận thấy có một số nguy cơ sau dẫn đến ung thư ở phụ nữ là do tiền sử gia đình, những phụ nữ chưa sinh đẻ lần nào, phụ nữ uống rượu và hút thuốc lá, thường xuyên tiếp cận với thuốc trừ sâu...
Phát hiện ung thư vú bằng cách nào?
Khi thấy một trong những dấu hiệu sau bạn phải nghĩ ngay tới ung thư vú:
- Phụ nữ trên 30 tuổi có một cục cứng không đau.
- Sự thay đổi ở da vú: Vết da lõm vào, một vùng da dày lên, núm vú tụt vào, dịch chảy ra ở đầu vú. U thường không đau, cứng và chắc hơn mô tuyến vú chung quanh. Nhiều người lầm tưởng ung thư thì phải đau nhưng thực ra ở giai đoạn đầu của ung thư không đau. Nếu bị u lành thì hơi đau nhức khi gần tới kỳ kinh.
- Ở giai đoạn ung thư muộn: Vú đã teo cứng lại, da vú nhăn nheo, sần sùi, núm vú thụt vào trong, vú phình ra biến dạng, có khi da ở vú lở loét. Nếu vô tình sờ vào thấy cục tròn trong nách, có thể là hạch nách di căn của ung thư vú. Lúc này điều trị khó khăn và kém hiệu quả.
Hiện tượng không phải ung thư vú
Nang vú: Thường gặp ở phụ nữ 40-50 tuổi, lớn bằng đầu ngón tay, di động, ít đau. Các nang này thường gặp ở độ tuổi 40 trở đi và tự lặn mất sau khi mãn kinh. Khi thấy hiện tượng này, chị em cần đi khám bác sĩ.
Đau vú: Khi bạn bị đau vú, sờ nắn thấy có những vùng tuyến sữa dày lên nhưng không có cục u rõ.
Núm vú hoặc cả quầng vú bị ngứa, lở và rỉ nước: Thường do dị ứng với áo ngực, chú ý nếu chật ngực phải phải cởi bỏ và tắm rửa sạch sẽ.
Tiết dịch ở đầu núm vú: Thường do giãn ống sữa, bướu lành ống sữa, viêm ống sữa và ung thư nhỏ trong ống sữa. Nếu dịch úa ra là nước trong hay hơi đục, hoặc hơi nhờn, đôi khi có màu hồng nhạt thì không có gì lo lắng. Nếu dịch đỏ đậm như máu bạn nên đi khám bác sĩ.
Bọc sữa: Thường gặp ở bà mẹ đang cho con bú. Sờ ngực thấy có một khối tròn, mềm như trái nho hoặc lớn hơn, dùng tay bóp không thấy đau. Hết thời kỳ cho con bú, bọc sữa nhỏ lại từ từ, sau vai tháng có thể lặn mất.
Viêm vú
Điều trị ung thư vú
Kết quả điều trị ung thư vú tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn chưa di căn thì điều trị mang lại kết quả tốt. Một số phương pháp điều trị ung thư vú như phẫu thuật, xạ trị bổ sung sau mổ và nội khoa.
Làm gì để phát hiện khối u sớm?
Muốn phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ độ 4-5mm, chỉ có một cách làm tự nhiên là tự khám ngực mình hàng tháng. Nếu phụ nữ có kinh nguyệt thì khám vào ngày sạch kinh.
Phòng bệnh
Tránh chiếu tia xạ vào vú, giảm tiếp xúc với khói thuốc lá, không uống rượu, cho con bú sữa mẹ, dùng thực phẩm có acid béo omega-3 có trong cá, tránh mặc áo nịt chặt ngực thường xuyên và quá chặt. Năng tập thể dục rèn luyện thân thể.
--00--00--
Vì sao lại nghi ngờ ở tuổi trên 30?
Ung thư vú có thể gặp từ tuổi trên 20, nhưng đó là trường hợp hết sức hiếm hoi, nên một thiếu nữ dưới 25 tuổi có một khối bướu dù rất to ở vú thì hầu như là một bướu lành.
Tại sao cứng và không đau?
“Tưởng ung thư thì nó phải đau chớ”. Nhiều người lầm tưởng như thế nên nhiều khi rờ thấy một cục u ở trong bướu từ khi bằng ngón tay út để tới lớn cỡ trái quýt, vì “ Tôi đâu có biết, thấy không đau điếc gì, mà cũng ăn ngủ như thường”. Phải biết là bướu ung thư thì cứng chắc, không đau và người bệnh thường vẫn khỏe mạnh: thời kỳ ban đầu ung thư rất im lìm, rất hiểm, làm ra vẻ rất hiền.
(Nguồn:
www.ykhoa.info)
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)
Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:34 am
Còn đây là bài tổng hợp từ "Cẩm Nang An Toàn Sức Khỏe" do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành được tìm thấy ở trang nhà
www.vnexpress.net -------------------------------------------------------------------------------
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
Ung thư vú là bệnh thường xảy ra ở phụ nữ tại các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, phụ nữ bị ung thư vú chiếm tỷ lệ gần 0,17 phần ngàn. Trong đó nguyên nhân tiền sử gia đình có người "mắc bệnh" được xem là chủ yếu. Những chị em có họ hàng ruột thịt ở thế hệ 1 (mẹ, con, chị, em) với bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn.
Ở phụ nữ chưa một lần sinh nở, mà sinh nở càng nhiều thì nguy cơ càng thấp. Phụ nữ đã "bị" cắt bỏ buồng trứng, nhất là bị cắt trước tuổi 35 thì thấy nguy cơ cũng thấp hơn. Phụ nữ sống độc thân có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 2 lần so với phụ nữ có chồng, các nữ tu sĩ mắc bệnh ung thư vú có tỷ lệ khá cao, chị em đẻ mắn ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn so với chị em không "chịu" đẻ.
Ngoài ra, việc uống rượu của chị em (dĩ nhiên là ở chị em thường xuyên tiếp xúc với rượu...) cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo nguy cơ ung thư vú.
Nhìn chung, bệnh ung thư vú là loại ung thư ổ nông dễ tiếp cận chẩn đoán và nhất là chị em có thể tự khám ngực tìm những khối bất thường phát hiện sớm. Thường thì bệnh nhân tự đến cơ sở y tế xin được bác sĩ khám sau khi tự mình phát hiện khối u ở vú.
Biểu hiện lâm sàng của ung thư vú
Bệnh ung thư vú với biểu hiện là:
- Da trên u vú bị dính, núm vú tụt vào hay bị co kéo, có da đỏ, sẫm da cam, hoặc kích thước u vú, mật độ, độ di động, bị tiết dịch ở đầu vú (dịch có thể có màu trắng, đỏ hoặc vàng).
- Tại vùng nách, thường đòn cùng bên khối u có thể có hạch vùng và có khả năng lan tràn sang qua bên vú đối diện.
Chẩn đoán bệnh ung thư vú
Sau khi đã phát hiện dấu hiệu ban đầu trên lâm sàng như đã nói trên, khi đến cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu, các bác sĩ sẽ cho chụp X quang tuyến vú. Để đánh giá và tiên lượng tình trạng diễn tiến của bệnh trước khi tiến hành điều trị, nhất thiết phải thực hiện thủ thuật làm mô bệnh học (histo pathology) giúp cho việc chẩn đoán xác định và phân loại (type) mô học, chọc hút tế bào cho phép chẩn đoán chính xác ung thư đến 95%.
Phương pháp điều trị ung thư vú
Phương pháp điều trị thông thường bệnh ung thư vú hiện nay ở Việt Nam là giải phẫu, chạy tia xạ, đến khi hạch nách cùng bên đã bị xâm lấn có thể tiến hành điều trị bằng hoá chất.
Hiện nay, người ta cũng đang được áp dụng phương cách tăng cường miễn dịch hỗ trợ trong điều trị ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng như dùng tảo Spirulina, Phylamin, HTCK.
Tuy là loại ung thư có tính lan tràn toàn thân nhưng thực tế nếu phát hiện u (tumor) ở giai đoạn đầu, rồi được tiến hành chữa trị kịp thời, thì tỷ lệ sống còn sau 5 năm khá cao.
Cần phát hiện ung thư vú bằng cách tổ chức khám theo chương trình cho hàng loạt phụ nữ ở lứa tuổi có nguy cơ cao, nhất là hướng dẫn cách để chị em tự khám (self-examination) để phát hiện khối u ở vú đang còn nhỏ.
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)
Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:37 am
Tự kiểm tra để phát hiện sớm ung thư vú
Đối với phụ nữ, vú là vị trí dễ bị ung thư. Biện pháp hữu hiệu để cải thiện tỷ lệ sống sót khi bị ung thư vú là sớm phát hiện ra các khối u ở vú bằng cách tự kiểm tra.
Việc thực hiện gồm hai giai đoạn: Kiểm tra và xoa nắn.
I-Phần kiểm tra:
1. Ngồi một bên giường, không mặc áo. Thả lỏng 2 cánh tay khum vào lòng bụng và kiểm tra vú trước tấm gương lớn.
Chú ý đến những dấu hiệu bất thường sau:
- Kích thước và độ cân xứng của ngực;
- Trên làn da vú có dấu hiệu sưng phồng, nếu nhăn nhúm, những nốt tròn như đồng tiền, biến đổi về cấu tạo bên ngoài về màu da cũng như biến đổi về nốt ruồi.
- Vú bên này có thể khác một chút về kích thước và hình dáng với vú bên kia, nhưng sự khác nhau về màu sắc, nốt nhỏ trên da, lớp vảy hay vết loét cần được chú ý.
Nếu phát hiện ra các dấu hiệu khuyếch tán rộng mang gam màu xanh thì có thể nghĩ nhiều đến việc có sự tập trung máu nhiều hơn ở khu vực đó và cần đến bác sĩ chuyên khoa để theo dõi.
Hiện tượng núm vú tiết dịch ở phụ nữ chưa trưởng thành và không cho con bú là bất thường; núm vú thụt vào cũng là dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là khi hiện tượng này mới xuất hiện.
Lưu ý: Khi thấy làn da có màu vàng sậm, lỗ chân lông lớn và sưng, đó là dấu hiệu tăng trưởng của ung thư vú. Kiểm tra cơ ngực bằng cách dùng hai tay ép vào hông. Có thể kiểm tra lần nữa sự cân xứng, kích thước, đường viền ngực, những nốt tròn như lúm đồng tiền, nếp da nhăn nhúm hoặc thụt vào.
2- Trong khi ép chặt hai tay vào hông, xoay người từ bên này sang bên kia để có thể thấy được các cơ ngực.
3- Đặt hai tay cao qua đầu hay sau ót. Động tác này có thể kiểm tra được những biến đổi về cân xứng và đường viền ngoài của mỗi bên ngực.
II- Phần nắn ngực:
1- Rửa tay sạch. Xoa nắn hai bên ngực cùng một lúc. Bắt đầu định vị trí bàn tay dưới xương đòn và xoa nắn dần xuống đến núm vú. Đôi khi có thể sờ nắn được một vùng cứng và thường đó là xương sườn. Để chắc chắn, nên nắn dọc theo bờ sườn để xác định rõ. Nếu vùng cứng này không tiếp giáp với bờ sườn, nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám. Việc kiểm tra có thể thực hiện dưới vòi sen khi tắm vì da khi ướt sẽ làm tăng độ nhạy cảm của ngón tay.
2- Để đánh giá cơ và hạch bạch huyết ở vùng nách, nên thả lỏng cơ bằng cách để một cánh tay trên bụng với khủyu tay hơi cong. Bàn tay còn lại nắm lấy phần cơ gần hốc nách để xem có khối u không và xem các hạch bạch huyết có to không.
3- Với tư thế nằm, kiểm tra vùng ngực bên trái. Đặt một cái khăn hoặc một cái gối nhỏ dưới vai và lưng trái, để tay trái dưới đầu. Tư thế này giúp xác định rõ các cơ ngực. Dùng phần lòng bàn tay của 3 ngón giữa nắn ngực theo hình vòng tròn cho đến vị trí như số 12 của đồng hồ. Đối với những phụ nữ có ngực to, nên nằm nghiêng về phía trái để khám ngực phải và ngược lại. Có thể làm tăng độ nhạy của các ngón tay bằng cách thoa thêm dầu Lotion. Sau khi kiểm tra hết vòng ngoài của cơ ngực, nên kiểm tra phần cơ chung quanh núm vú và tiếp tục với cách thức trên cho đến khi toàn bộ ngực được kiểm tra.
4- Kiểm tra núm vú bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa đè núm vú, nắn các vùng nằm sâu phía dưới (thường gọi là các "giếng"). Đây là vị trí thường có khối u.
5- Bóp nhẹ núm vú để xem có dịch tiết hay không. Bất kỳ dịch tiết nào ở người phụ nữ không trong thời kỳ cho con bú đều phải chú ý, nên đến bác sĩ khám ngay.
6- Sau khi kiểm tra xong ngực trái, tiếp tục kiểm tra ngực phải.
Tuy nhiên, bạn nên yên tâm vì khoảng 8/10 khối u là lành tính. Và chỉ có bác sĩ là người đưa ra chẩn đoán và cho hướng điều trị đúng đắn nhất...
_________________
"...Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất
Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau..." - (TQ)
Half Moon Gởi: Mon Jun 28, 2004 6:46 am
Các chị em đang định cư tại Mỹ quốc sẽ tìm thấy trang nhà này có nhiều thông tin hữu ích :
Tài Liệu Hướng Dẫn Sức Khỏe Về Vú http://www.ungthu.com/vacf/cacbenhungthu/ungthuvu.asp
Addmore Gởi: Mon Jun 28, 2004 10:16 am
Hugs & Hun Mun nhiều nhiều.