Tác giả
PC
Gởi: Fri Jun 11, 2004 6:36 pm Tiêu đề: Bệnh Alzheimer
Câu Chuyện Thầy Lang: Bệnh Alzheimer
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Hôm nay là ngày lễ ăn hỏi cuả cháu. Họ hàng, thân hữu đều có mặt đông đủ để mừng, ngoại trừ ông nội.
Ông chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Ông mặc bộ quần áo ngủ mới, tóc chải mượt, chân đi đôi dép mà bà mới mua cho. Lâu lâu, Ông ra ngó quan khách, cười rồi lại quay và phòng ngủ. Có lúc ông ra bàn thức ăn, bốc miếng chả giò bỏ vào miệng nhai thích thú. Ông cũng nhặt tờ giấy lau tay, vo tròn lại, liệng vào một người khách, rồi chạy tuột vào trong. Ông đang nghịch ngây thơ như một đứa trẻ.
Từ hơn hai năm nay, Ông thay đổi từ tính tình tới hành động. Ông không nhớ gì, biết gì, đôi khi đại tiểu tiện ra quần áo. Bà hết lòng săn sóc, chăm nom ông, từ bón ăn tới tắm rửa. Bà vui vẻ giữ trọn cái nghĩa với người bạn tào khang, đã từng một thời oanh liệt tư lệnh ba quân.
Bà Minh đưa mẹ già đi khám bác sĩ. Cụ năm nay ngoại thất tuần. Bà than với bác sĩ là ít lâu nay cụ "làm sao ấy". Cụ cứ hay nhắc đi nhắc lại việc cụ ông mất cách đây cả chục năm, kể lại những việc xẩy ra từ thuở nào, diễn tả như mới xẩy ra. Mà khi hỏi thì không biết bao giờ. Từ nhà đi bộ đến nhà thờ đọc kinh, lễ mỗi ngày, cách có hai con phố, cụ cứ lạc đường luôn, khiến con cháu phải đi kiếm. Cụ hay hỏi đi hỏi lại cùng câu hỏi. Đôi khi cụ hay gắt gỏng, la mắng mọi người. Chập tối là cụ như buồn chuyện gì, thấp thỏm ngồi không yên, đi tới đi lui trong nhà.
Quý vị lão nhân trên đây là hai trong số hơn bốn triệu người ở lục địa Mỹ Châu này bị rối loạn về tâm trí, chứng Sa-Sút-Trí-Tuệ (Dementia), một bệnh mà nhiều người khi nghĩ tới nó đều sợ hơn là sợ chết.
Nó hủy hoại đời sống người bị bệnh. Nó tạo gánh nặng cho gia đình. Nó tiêu nhiều chục tỷ mỹ kim trong ngân sách quốc gia cho chăm sóc và nghiên cứu. Nó không đơn thuần là một bệnh, mà là tập hợp của nhiều triệu chứng ảnh hưởng tới trí nhớ, đến ngôn ngữ, đến hành vi, đối xử, đến khả năng lý luận của người bệnh. Nó là sự đi xa hơn của một thoáng quên, một giây phút đãng trí ở tuổi già bình thường. Nó không phải là điên dại mà là sự mất mát của trí tuệ, đủ trầm trọng để làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người.
Nguyên nhân của sa sút trí tuệ.
Có cả trăm nguyên nhân đưa đến tình trạng không bình thường này, mà bệnh Alzheimer là thủ phạm chính.
Nó không phải là một phần của sự lão hoá nhưng nó có liên hệ tới tuổi con người: từ 1% trầm trọng ở lớp người 65 tuổi, tăng lên tới 15-25% ở lớp cao niên trên 80 tuổi. Nó là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh được đưa vào viện dưỡng lão vì rối loạn tính tình, hành vi bất thường.
Nó không những đã lấy đi tuổi thọ mà còn lấy đi sự độc lập của người bệnh. Nó không phân biệt chủng tộc, giai tầng xã hội. Một cựu nguyên thủ cường quốc số một trên thế giới đã ở trong tình trạng này và mới từ trần. Nó đưa một đạo diễn tài danh của ta vào nhà nghỉ người cao tuổi ngoài hải đảo thơ mộng.
Nguyên nhân chính cuả sa-sút trí- tuệ là bệnh Alzheimer, 68%. Rồi đến bệnh trầm cảm, hủy hoại não do nhiều tai biến não nhỏ, thiếu sinh tố B12...
Khám nghiệm não bộ thấy có nhiều thay đổi ở vùng hải mã (Hippocampus), chịu trách nhiệm về trí nhớ, học hỏi kiến thức.
Riêng với bệnh Alzheimer, những nguy cơ gây bệnh đã được xác định gồm có: thay đổi gene ở các nhiễm thể, tuổi cao, gia đình có sa sút trí tuệ, người có hội chứng chậm trí khôn (Down's Syndrome ).
Người bệnh không qua khỏi được mươi năm, vì những tiêu hao trầm trọng về trí tuệ, đưa đến sự không tự săn sóc, thân xác suy yếu, đôi khi nằm liệt giường, rồi ra đi vì nhiễm trùng nhất là sưng phổi. Hàng năm, cả trăm ngàn người bệnh Alzheimer thiệt mạng.
Dấu hiệu của sự sa sút trí tuệ.
Có tới 75% trường hợp Sa Sút Trí Tuệ diễn tiến âm thầm một thời gian khá lâu trước khi được phát giác, thường thì do thân nhân là người đầu tiên nhận ra.
Lúc đầu, người bệnh hay kiếm cách, phủ nhận, nói lảng, đôi khi bịa rất khéo để che dấu bất hạnh của mình. Thí dụ như khi hỏi họ đang coi phim gì trên truyền hình, thì họ trả lời "đang coi chương trình tôi thích nhất ", mà thực ra họ không nhớ tên của chương trình đó. Nhưng với thời gian, người bệnh không còn che đậy được nữa, và triệu chứng lần lần xuất hiện:
1- Trí nhớ gần, ngắn hạn mất đi. Ngay sau khi nghe hay đọc một tin tức, họ quên liền. Không uống thuốc mỗi buổi sáng như thường lệ. Không tắt bếp sau khi nấu cơm. Không nhớ chìa khóa nhà để ở đâu. Nhắc đi nhắc lại cùng một câu hỏi nhiều lần.
2-Thất ngữ. Không tìm được từ chính xác để gọi sự vật. Biết nó là con chó, nhưng gọi nó là con mèo vì không sao tìm được từ CHÓ trong trí óc. Đang nói chuyện, tự nhiên khựng lại, không biết mình đang nói gì. Hay nói nhịu, không chú tâm theo dõi, tham dự trong cuộc đối thoại, mạn đàm.
3-Mất khả năng thực hiện động tác thông thường- Không chải đầu, đánh răng, tắm rửa, không nhớ cách và cơm vào miệng, mặc quần áo, cài khuy cúc. Họ hành động như một đứa bé chưa bao giờ được dậy dỗ về những động tác thông thường này.
4- Mất nhận thức- Không nhớ tên và không nhận ra người quen, nơi hay lui tới, vật thường dùng; khó khăn trong việc học hỏi, thu nhập kiến thức mới. Rối loạn khả năng sắp xếp công việc và theo dõi hoàn cảnh chung quanh.
5- Mất định hướng không gian và thời gian. Lạc lối trên đường quen thuộc hàng ngày. Dáng đi thay đổi: đang đi đột nhiên đứng lại, lâu lâu cúi khom người xuống, kéo lê bước đi, hay té ngã.
6- Xao lãng vệ sinh cá nhân, quần áo xốc xếch, khuy cúc không cài, đầu tóc không chải.
Cứ mỗi buổi chiều, khi mặt trời lặn, là người bệnh cảm thấy bồn chồn, bực tức, đứng ngồi không yên, mất định hướng. Họ đi lang thang trong nhà, ngoài vườn, tự cô lập, không tham gia sinh hoạt chung. Đây có thể là do bị tưóc đoạt cảm xúc lúc đêm tối hoặc do sự thay đổi hoá chất ở não bộ sau một ngày hoạt động.
Ngoài ra, người Sa-Sút Trí-Tuệ còn có những hành vi bất thường như:
1-Hay đi lang thang, lạc đường.
Họ đi để tìm hiểu chung quanh, lục lọi đồ vật phòng này sang phòng khác, hoặc đi vì bực mình, không diễn tả truyền đạt được ý muốn. Gilleard giải thích hành vi này như tìm một cái gì để sinh hoạt, khám phá một mới lạ, muốn đi đến một nơi nào đó mà không xác định được, không nhớ biết mình sẽ đi đâu.Vì thế nên họ hay bị lạc đường, khiến gia đình, cảnh sát phải tìm kiếm như tìm trẻ lạc, đôi khi gặp tai nạn hay mất tích.
2-Hay gây gổ, dễ khích động, lo lắng.
Tâm trạng này xẩy ra khi người bệnh, vì giảm khả năng đối thoại, phản ứng trước một đau đớn cơ thể, một hoàn cảnh không quen, trước mặt người xa lạ.
Người bệnh cũng trở nên gây gổ khi được cho uống thuốc, ăn cơm hay yêu cầu đi tắm. Họ cũng hay nổi cáu, la hét mọi người.
Một chuyên gia cho là khi bị nhắc nhở làm việc gì, họ cảm thấy như cá nhân bị xúc phạm, khiêu khích, hay gợi lại quá khứ không vui. Ngược lại, có lúc bệnh nhân tỏ ra rất dễ thương, nghe lời, thân thiện, nói rất nhiều.
3- Có những hoang tưởng, ảo giác như nhận diện nhầm người nhà, bạn bè; hay nghi ngờ, tin rằng mọi người nói về mình; hay lấy trộm đồ vật tùy thân; thường nghe âm thanh và nhìn thấy sự vật không có thực. Họ ít ngủ ban đêm, vì sợ bóng tối, cảm thấy đói bụng, mót tiểu tiện, buồn rầu, hay vì ngủ ngày quá nhiều.
Điều trị và chăm sóc
Kinh nghiệm cho hay con người, khi về già, lo sợ mất khả năng trí tuệ nhiều hơn là lo sợ mất khả năng khác.
Nó tiêu hao con người từ từ. Nó độc địa hơn cái dao cầu, cái u sầu giết người cung nữ. Nó biến đổi con người từ tình trạng tự chủ, tự lập sang hoàn toàn phụ thuộc, bất lực. Nó trao gánh nặng tới cho thân nhân, lo âu trước bất hạnh mà chẳng biết làm gì để thay đổi cục diện, đem lại trí tuệ cho người bệnh.
Trong y giới, có câu nói là hãn hữu lắm, ta mới trị lành được, đôi khi ta có thể làm nhẹ bệnh, nhưng luôn luôn ta có thể làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái.
Với Sa sút Trí Tuệ, với bệnh Alzheimer cũng vậy. Hiện nay chưa có thuốc trị dứt bệnh mà chỉ trì hoãn diễn biến xấu với hy vọng mang lại một phần trí tuệ cho những trường hợp nhẹ.
Các dược phẩm sau đây đang được y giới dùng.
a-Tacrine với biệt danh là Cognex được công nhận năm 1993. Phân lượng khởi đầu là 10 mg, bốn lần một ngày. Sau đó tăng dần mỗi bốn tuần cho tới khi đạt được liều tối đa là 40 mg, ngày bốn lần. Thuốc có ảnh hưởng không tốt với gan nên cần được theo dõi kỹ. Tacrine có thể có tương tác với thuốc suyễn theophylline và thuốc bao tử cimetidine .
b- Donepezil. Năm 1996, thuốc Aricept, biệt danh của Donepezil, được dùng ở Hoa Kỳ. Theo nhiều chuyên gia, thuốc này dường như có nhiều hiệu qủa tốt hơn Tacrine mà lại ít tác dụng phụ. Bác sĩ thường bắt đầu với lượng nhỏ là 5 mg mỗi ngày. Sau bốn tuần, có thể tăng lên 10 mg/ngày. Thuốc không có tương tác với theophylline, cimetidine, digoxin nhưng có tương tác với Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin, Quinidine.
c-Rivastigmine hoặc Exelon. Thuốc được mang bán tại Mỹ từ năm 2000. Liều khởi đầu là 1.5 mg, hai lần một ngày; tăng dần mỗi hai tuần tới mức tối đa là 12 mg mỗi ngày. Thuốc không có độc tính với gan và có một số phản ứng phụ như buồn nôn, ói mửa, chóng mặt. Tác dụng với các dược phẩm khác cũng rất ít.
d-Galantamine (Reminyl) được công nhận từ năm 2001. Liều lượng khởi đầu là 4 mg, ngày hai lần; tăng dần mỗi bốn tuần cho tới liều tối đa là 12 mg, ngày hai lần. Thuốc có vài tác dụng phụ như nôn, mửa, biếnh ăn, mất cân, mệt mỏi. Thuốc cũng có ảnh hưởng tới gan nên cần được theo dõi kỹ.
e- Namenda (Nemantine) đã được dùng ở Aâu châu từ nhiều năm qua và mới được cho dùng tại Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 2003. Nhà bào chế giới thiệu thuốc này như có nhiều công hiệu hơn các thuốc đã có.
Ngoài ra cũng có nhiều nghiên cứu nói là sinh tố E, Estrogen, một vài dược thảo như Gingo cũng có công dụng phần nào.
Một hy vọng khác là việc ghép gene tế bào thần kinh. Phương pháp này hiện đang được thử nghiệm tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó thì người bệnh vẫn như chờ đợi thần dược, mà cũng như thấy ngày ra đi của mình gần đâu đây. Thân nhân chỉ biết hết sức mình chăm sóc, hỗ trợ để đáp ứng những nhu cầu, giải quyết những vấn đề của người bệnh:
1- Về ăn uống. Vì sự an toàn, tránh để bệnh nhân liên can đến việc nấu nướng. Nhắc nhở giờ ăn. Dọn từng món ăn tránh trường hợp họ ngồi bối rối trước mâm cơm không biết lựa món nào. Đôi khi bệnh nhân chỉ thích ăn một món, dễ bị thiếu dinh dưỡng, vậy nên xen kẽ món ăn khác nhau. Quên cách dùng đũa, thìa có thể thay bằng món ăn cầm tay. Cho ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày vì họ không chịu ngồi yên trong bữa ăn kéo dài.
2- Ngủ nghỉ. Để ngủ ngon giấc ban đêm, nên khuyến khích bệnh nhân tham dự nhiều sinh hoạt ban ngày, tránh uống nhiều nước buổi chiều để họ khỏi thức dậy đái đêm. Tránh cho uống nhiều thuốc ngủ, giới hạn ngủ ngày.
3- Thuốc men. Cất dược phẩm trong tủ khóa kỹ. Cần trực tiếp giúp người bệnh uống thuốc cho đúng giờ, đúng phân lượng. Với bệnh nhân không chịu uống thuốc, nên nghiền thuốc nhỏ, pha lẫn với chút thức ăn, nước trái cây. Đôi khi phải dỗ như dỗ trẻ em.
4- Quần áo. Cần quần áo rộng rãi, thoải mái khi mặc, ít cúc, móc rắc rối. Nhiều khi họ chỉ thích mặc một bộ nào đó, nên có sẵn hai bộ y hệt để thay đổi mỗi ngày. Giầy không giây cột hay có vải dính, khi họ quên cách cột giây giầy.
5- Tắm rửa. Khi tắm, họ hay nghịch rỡn như trẻ thơ, đôi khi vùng vằng không chịu tắm nên cần lựa ý, để họ tự tắm, tôn trọng sự riêng tư. Coi nước nóng lạnh vừa đủ. Dùng ghế tắm, tay vịn, thảm cao su dưới đáy bồn tắm, tránh té ngã.
6- Thay đổi tính tình- Với thời gian, bệnh nặng hơn, trí nhớ hao mòn, khả năng cá nhân giảm, niềm tự tin mất bớt, họ trở nên nghi ngờ, bẳn gắt, bướng bỉnh, khó chịu. Đây là lúc người thân vừa đau lòng, vừa khó xử. Hành động khó khăn với bệnh nhân càng làm họ bực tức, chống đối. Nên cần nhẹ nhàng thông cảm, vỗ về người bất hạnh vói lời nói ngắn, gọn, rõ ràng. Một cái vỗ vai nhẹ, một nụ cười, một ôm hôn sẽ làm họ thấy được thương yêu.
7- Để tránh đi lang thang, lạc lối: thay ổ khóa cửa mở cần chìa, gắn hệ thống báo động cửa ra vào. Cho bệnh nhân mang vòng có tên, địa chỉ. Nhờ hàng xóm để ý dùm nếu họ đi ra khỏi nhà.
Trưng bầy hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích động trí nhớ, nhất là những hình gợi lại sự kiêu hãnh của người thân. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc, để dễ đi lại, tránh té ngã. Con cháu tới thăm hỏi thường nhật, nhất là trẻ thơ vì chúng mang lợi ích cho mọi tuổi.
Kết luận
Săn sóc người bệnh Alzheimer là cả một công việc khó khăn, nặng nhọc, với nhiều kiên nhẫn, khoan dung và chiếm gần hết số 24 giờ một ngày. Trách nhiệm người săn sóc có rất nhiều căng thẳng cả về tâm thần lần lẫn thể chất.
Người chăm sóc chịu đựng nhiều hậu qủakhông tốt cho sức khỏe của mình. Họ rơi vào trầm cảm, ngủ không yên, lo ngại, mệt mỏi, đôi khi cáu kỉnh, muốn buông thả. Nhất là những lúc người thân không hợp tác, bướng bỉnh, không tán thưởng công lao khó nhọc của mình.
Họ đã được coi như nạn nhân thầm lặng của bất hạnh sa-sút trí-tuệ, của bệnh Alzheimer. Họ thường là những bà vợ tuổi đời đã cao mà vẫn chung tình, những người con giữ tròn đạo hiếu.
Xin gửi tới những người chăm sóc một bông hồng biết ơn của bất hạnh Sa- Sút Trí-Tuệ.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC.
Hoa Kỳ 11-6-2004
Nguồn: VietBao online
AnhMy Gởi: Fri Jun 11, 2004 8:15 pm
Người bệnh Alzheimer có thể sống được Hai chục năm (score) kể từ khi mới có những triệu chứng đầu tiên . Cố tổng thống Mỹ mới mất là một ví dụ . Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer vẫn chưa được hoàn toàn hiểu biết rõ . Những nguyên nhân gây bệnh Alzheimer mà người ta đã biết là: tuổi tác (trên 65, có thể từ 40), di truyền (nhiễm sắc thể 1, 14, 19 và 21), chất đạm apolipoprotein (gọi tắt là apoE), giáo dục (từ nhỏ không học giỏi ngôn ngữ), ăn uống, môi sinh, và vi trùng . Tuy người bệnh đã lộ rõ chứng bệnh, chỉ mổ óc người bệnh mới có thể quả quyết người này bị Alzheimer mà thôi.
Chỉ vài lượm lặt góp thêm cho vui zẻ .