Hermann Hesse (VietNamNet) - Hermann Hesse là một trong những nhà văn hiện đại viết tiếng Đức được đọc nhiều nhất trên thế giới. Ông được tặng giải Nobel vì những tác phẩm mang đậm truyền thống nhân đạo cổ điển, thể hiện bằng một văn phong sáng tỏ. Nhiều tác phẩm của ông được cả bạn đọc Phương Tây lẫn Phương Đông yêu thích.
Hermann Hesse (02/7/1877 - 09/8/1962)
Giải Nobel Văn học 1946
* Nhà văn, nhà thơ Đức quốc tịch Thụy Sĩ
* Nơi sinh: Calw (Đức)
* Nơi mất: Montagnola (Thụy Sĩ).
Cha Hermann Hess là mục sư - nhà truyền giáo ngươời Đức gốc Estonia, mẹ là con gái nhà truyền giáo gốc Schwaben (Thụy Sĩ); ông lớn lên ở Đông Ấn. Nền giáo dục tôn giáo và tính di truyền đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân sinh quan của nhà văn tương lai. Nhưng H. Hesse không theo nghiệp thần học, trốn khỏi chủng viện Maulbronn (1892); sau nhiều đợt khủng hoảng thần kinh lặp đi lặp lại, sau một lần toan tự tử và trải qua điều trị trong các bệnh viện, ông học nghề thợ cơ khí một thời gian ngắn, rồi buôn sách ở Kalva và Basel.
Năm 1899, H. Hesse phát hành tập thơ đầu tiên Những bài ca lãng mạn và viết nhiều bài phê bình, nhưng ít được chú ý. Tiểu thuyết tân lãng mạn giáo huấn Peter Camenzind (1904) là sự thành công mang tính nghề nghiệp đầu tiên; từ đó H. Hesse hoàn toàn cống hiến cho sự nghiệp sáng tác văn học, chủ yếu viết truyện vừa và truyện ngắn với những yếu tố mang tính tự thuật. Cũng trong năm 1904 H. Hesse kết hôn với cô Mari Bernoulli người Thụy Sĩ (có ba con trai) và chuyển đến Gaienhofen, một vùng hẻo lánh ở Bodensee.
Năm 1924, ông trở thành công dân Thụy Sĩ. Sau khi kết hôn lần thứ hai với ca sĩ Ruth Wenger người Thụy Sĩ, và sau một khóa tâm lí trị liệu, ông xuất bản tiểu thuyết Sói đồng hoang (1927), một cuốn sách thuộc hàng best-seller. Tiểu thuyết Trò chơi với chuỗi hạt cườm (xuất bản năm 1943) như một bản tổng hợp toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông và nâng lên một tầm cao chưa từng thấy vấn đề sự dung hòa đời sống tinh thần và thế tục. Trong thời kì đảng Quốc xã cầm quyền ở Đức, nhà văn sống "lưu vong" ngay trên đất nước mình. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1946.
Kể từ sau khi nhận giải ông không viết thêm được tác phẩm nào lớn, ngoài các tiểu luận, thư từ. Năm 85 tuổi ông mất khi đang ngủ vì xuất huyết não. Nhiều tác phẩm của H. Hesse đã được dịch sang tiếng Việt; có cuốn có đến hai ba bản dịch khác nhau; có cuốn được tái bản đến năm sáu lần.
* Tác phẩm:-
Peter Camenzind (1904), tiểu thuyết.
-
Dưới bánh xe lăn (Unterm Rad, 1906), tiểu thuyết.
-
Gertrud (1910), tiểu thuyết.
-
Rosshalde (1914), tiểu thuyết.
-
Knulp (1915), truyện vừa.
-
Demian (1917), tiểu thuyết.
-
Mùa hạ cuối cùng của Klingsors (Klingsors letzter Sommer, 1918), truyện vừa [Klingsor's last summer].
-
Siddhartha. Bản trường ca Ấn Độ (Siddhartha. Eine Indische Dichtung, 1920), tiểu thuyết.
- Thơ (Gedichte, 1922), tập thơ.
-
Từ Ấn Độ (Aus Indien, 1923), kí, thơ.
-
Sói đồng hoang (Der Steppenwolf, 1927), tiểu thuyết.
-
Narziss và Goldmund (Narziss und Goldmund, 1929), tiểu thuyết.
- Đêm an ủi (Trost der Nacht, 1929), thơ.
-
Hành trình về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932), tiểu thuyết [The journey to the East].
-
Trò chơi với chuỗi hạt cườm (Das Glasperlenspiel, 1943), tiểu thuyết.
-
Chiến tranh và hòa bình (Krieg und Frieden, 1946), kí [War and peace].
*
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:-
Một kiếp giang hồ, Võ Toàn dịch, tập san Văn, 1966.
-
Đôi bạn chân tình (nguyên tác: Narziss und Goldmund, tiểu thuyết), Vũ Đình Lưu dịch, NXB Ca Dao, 1967; NXB Hội Nhà văn, 2001.
-
Tuổi trẻ và cô đơn (nguyên tác: Peter Camenzind, tiểu thuyết), Vũ Đình Lưu dịch, NXB Ca Dao, 1968; 1972.
-
Sói đồng hoang (truyện vừa), Chơn Hạnh - Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Pháp Le loup des steppes, NXB Ca Dao, 1969.
-
Tuổi trẻ thần tiên (nguyên tác: Schön ist die Jugend), Bùi Quang Đông dịch, NXB Bông Hồng, 1972.
-
Tuồng ảo hóa (nguyên tác: Das Glasperlenspiel), Nguyễn Ngọc Minh dịch, NXB Nguồn Sáng, 1972.
- Nhà khổ hạnh và gã lang thang (nguyên tác: Narziss und Goldmund, tiểu thuyết), Phùng Khánh dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1994; 1998 và 2001.
-
Narcisse và Goldmuld (tiểu thuyết), Viễn Nguyên dịch, NXB Lao Động, 2001.
-
Câu chuyện của dòng sông (nguyên tác: Siddhartha, tiểu thuyết), Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch, NXB An Tiêm, 1967; NXB Lá Bối, 1965-1966; NXB Hội Nhà Văn, 1988-1996-1998-2001.
-
Huệ tím và những chuyện khác (nguyên tác: Iris und andere Märchen), Thái Kim Lan tuyển dịch, NXB Đà Nẵng, 1998.
-
Tuổi trẻ băn khoăn (nguyên tác: Demian, tiểu thuyết), Hoài Khanh dịch, NXB Ca Dao, 1968-1971-1974; NXB Hội Nhà Văn, 1998.
-
Hành trình sang Đông Phương (nguyên tác: Die Morgenlandfahrt, bút kí), Hoài Khanh dịch, NXB Ca Dao, 1967; NXB Hội Nhà Văn, 2001.
-
Mối tình của chàng nhạc sĩ (nguyên tác: Gertrud, tiểu thuyết), Vũ Đằng dịch, NXB Ca dao, 1972; NXB Hội Nhà Văn, 2001.
-
Tuổi trẻ, tuổi trẻ vàng son, Trần Phong Giao - Hoàng Ưng dịch, in trong Truyện ngắn Đức, NXB Lao Động, 2002.
-
Bài học tình yêu hay chuyện chàng Augustus, Iris - Huệ tím, Chuyện hóa thân của Bích Thảo (3 truyện cổ tích viết theo lối mới), Thái Kim Lan dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3 năm 1998.
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy ĐiểnAnders Österling, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển
Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho một nhà văn gốc Đức, người được giới phê bình ca ngợi rộng rãi và là người đã sáng tác bất chấp thị hiếu công chúng. Nhà văn Hermann Hesse 69 tuổi giờ có thể nhìn lại những thành tựu đáng kể của mình, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, một phần trong số đó đã được dịch sang tiếng Thụy Điển.
Ông thoát khỏi áp lực chính trị sớm hơn những nhà văn Đức khác, và, trong suốt Thế chiến thứ nhất, ông định cư ở Thuỵ Sĩ, nơi ông được nhập quốc tịch năm 1923. Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua một điều rằng nguồn gốc cũng như mối liên hệ cá nhân của ông đã luôn luôn là căn cứ để Hesse có thể tự coi mình là người Thuỵ Sĩ cũng như người Đức.
Thời gian ông nương náu ở một đất nước trung lập trong suốt cuộc chiến tranh đã cho phép ông tiếp tục sự nghiệp văn chương quan trọng của mình trong tĩnh lặng tương đối, và ngày nay Hesse, cùng với Mann, là đại diện sáng giá nhất của di sản văn hoá Đức trong nền văn chương đương đại.
Khác với hầu hết các nhà văn khác, đối với Hesse, ta cần phải biết xuất thân của ông để hiểu được những nhân tố khá bất ngờ hình thành nên nhân cách của ông. Ông xuất thân trong một gia đình Swabia sùng đạo. Cha của ông là nhà nghiên cứu lịch sử Thiên Chúa giáo nổi tiếng, mẹ ông là con gái một nhà truyền giáo. Bà là người gốc Pháp và từng học ở Ấn Độ. Hermann đương nhiên được coi như sẽ trở thành mục sư, và ông được gửi tới một trường dòng thuộc tu viện ở Maulbronn. Ông chạy trốn, theo học nghề sản xuất đồng hồ và sau đó làm việc trong các cửa hàng ở Tỹbingen và Basle.
Tuy nhiên, cuộc nổi loạn của tuổi trẻ chống lại di sản sùng đạo của gia đình luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong ông. Điều này đã lặp lại dưới hình thức những cuộc khủng hoảng nội tâm đau đớn, khi vào năm 1914, với tư cách người trưởng thành và một bậc thầy nổi tiếng về văn học trong khu vực, ông đã tìm ra những cách thức mới khác xa những con đường điền viên trước đó của ông. Nói ngắn gọn, có hai nhân tố đã tạo nên thay đổi sâu sắc này trong sự nghiệp văn chương của Hesse.
Nhân tố thứ nhất, tất nhiên là cuộc Thế chiến. Khi cuộc chiến bắt đầu, ông muốn nói đôi lời về hoà bình và những suy ngẫm của mình với các đồng nghiệp đang bối rối, và trong một cuốn sách mỏng, ông sử dụng đề từ của Beethoven "O Freunde, nicht diese Tune" (bạn ơi, không phải giọng này) làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Ông đã bị báo chí Đức tấn công gay gắt và rõ ràng bị sốc mạnh bởi sự kiện này. Ông coi đây là bằng chứng cho thấy toàn bộ nền văn minh châu Âu mà bấy lâu ông đặt trọn niềm tin giờ đang ốm yếu và mục ruỗng.
Sự phục hồi phải xuất phát từ bên kia những chuẩn mực được chấp nhận, có thể từ ánh sáng của phương Đông, có thể từ điều cốt lõi ẩn trong những lí thuyết vô chính phủ về việc giải quyết mối quan hệ giữa thiện và ác trong một sự thống nhất cao hơn. ốm yếu và nặng trĩu hoài nghi, ông tìm kiếm liều thuốc chữa trị trong phép phân tâm học của Freud, một học thuyết được hăng hái thuyết giáo và thực hành lúc đó, điều đã để lại dấu ấn lâu dài trong những cuốn sách ngày một táo bạo của Hesse thời kì này.
Dấu ấn những khủng hoảng cá nhân này bộc lộ hết sức tuyệt diệu trong tiểu thuyết không tưởng Der Steppenwolf (1927) (Sói đồng hoang), một miêu tả đầy cảm hứng về sự phân chia trong bản chất con người, sự căng thẳng giữa khát vọng và lí trí trong một cá nhân sống ngoài các quan điểm xã hội và đạo đức của cuộc sống hàng ngày.
Trong câu chuyện hoang đường về một người đàn ông vô gia cư và bị săn đuổi như một con sói, bị đau đớn bởi những cơn rối loạn thần kinh, Hesse tạo nên một tác phẩm không thể so sánh và đầy sức nổ, có lẽ là nguy hiểm và đáng sợ, nhưng đồng thời phóng khoáng bởi sự pha trộn giữa tính hài hước châm biếm và chất thơ trong việc xử lí chủ đề. Bất chấp những vấn đề của thời hiện đại, ngay cả ở đây, Hesse vẫn duy trì một sự nhất quán với những truyền thống Đức tốt đẹp nhất; nhà văn mà câu chuyện cực kỳ gợi mở này làm ta liên tưởng nhiều nhất chính là E.T.A. Hoffmann, bậc thầy văn chương với tác phẩm Elixiere des Teufels.
Ông ngoại của Hesse là Gundert, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ. Vì vậy, ngay thời thơ ấu, nhà văn đã bị cuốn hút bởi sự thông thái của người Ấn Độ. Khi đã trưởng thành, ông du lịch tới đất nước mà ông hằng mong mỏi, tuy trên thực tế ông đã không tìm được lời giải đáp cho những bí ẩn của đời sống. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, Phật giáo ảnh hưởng tới tư tưởng của ông, một ảnh hưởng hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Siddhartha (1922), câu chuyện đẹp đẽ về cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trên trái đất của chàng tín đồ Bà la môn trẻ tuổi.
Tác phẩm của Hesse kết hợp quá nhiều ảnh hưởng từ Phật Thích ca và thánh Francis tới Nietzsche và Dostoevsky đến nỗi người ta có thể ngờ rằng về cơ bản ông là một nhà thử nghiệm chiết trung với nhiều tư tưởng triết học khác nhau. Nhưng ý kiến này rất sai lầm. Sự chân thành và nghiêm túc là nền tảng trong công việc của ông và luôn luôn được điều phối, ngay cả khi ông xử lí những chủ đề ngông cuồng nhất.
Trong những tiểu thuyết thành công nhất, chúng ta đối mặt trực tiếp lẫn gián tiếp với nhân cách của ông. Phong cách của ông, luôn đáng ngưỡng mộ, hoàn hảo trong nổi loạn và trong ảo giác đê mê ma quái cũng như trong suy nghiệm triết học trầm tĩnh. Câu chuyện về Klein, kẻ biển thủ liều lĩnh, bỏ trốn sang Italia để tìm cơ hội cuối cùng, và sự khắc hoạ bình thản một cách tuyệt vời về người anh quá cố Hans của ông trong Gedenkblotter (1937) (Hồi ức) là những ví dụ tiêu biểu nhất về những lĩnh vực sáng tạo khác nhau của ông.
Trong tác phẩm gần đây nhất của Hesse, tiểu thuyết lớn Das Glasperlenspiel (tạm dịch: Trò chơi hạt thủy tinh, 1943) chiếm một vị trí đặc biệt. Đó là một cậu chuyện tưởng tượng về một trật tự trí tuệ huyền bí, cũng anh hùng và khổ hạnh ngang tầm các giáo sĩ Jesuit, dựa trên những bài tập suy tưởng như một loại liệu pháp tâm lí. Cuốn tiểu thuyết có một kết cấu áp đặt trong đó khái niệm về trò chơi và vai trò của nó trong nền văn minh có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với công trình nghiên cứu tài ba Homo ludens của Huizinga, một học giả Hà Lan.
Thái độ của Hesse rất khó hiểu. Trong một thời kì suy tàn, bảo vệ truyền thống văn hoá là một nhiệm vụ cao quí. Nhưng nền văn minh không thể được gìn giữ mãi mãi bằng cách biến nó thành một sự sùng bái dành cho thiểu số. Nếu có thể qui giản sự đa dạng của tri thức thành một hệ thống trừu tượng các công thức, một mặt chúng ta có bằng chứng rằng nền văn minh dựa trên một hệ thống hữu cơ, mặt khác, tri thức cao cấp này không thể được coi là bền vững. Nó cũng mỏng manh và dễ vỡ như chính những viên ngọc thủy tinh, và đứa trẻ thấy những hạt trai lấp lánh trong đống gạch đổ nát không còn biết về ý nghĩa của chúng nữa.
Một cuốn tiểu thuyết triết học thuộc dạng này rất dễ có nguy cơ bị gọi là tối nghĩa, nhưng Hesse đã bảo vệ được tác phẩm của mình bằng đôi dòng đề từ tao nhã của cuốn sách "… thế rồi, trong một số trường hợp nhất định và với những người vô trách nhiệm, có lẽ những vật không hiện hữu có thể được miêu tả một cách dễ dàng hơn và ít trách nhiệm hơn bằng ngôn từ so với những vật hiện hữu, và vì vậy điều ngược lại là đúng với những nhà sử học uyên bác và ngoan đạo; bởi không gì phá huỷ sự miêu tả cho bằng ngôn từ, thế nhưng không gì cần thiết hơn việc đặt trước mắt con người một số sự vật mà sự hiện hữu của chúng vừa không thể chứng minh vừa bất khả, nhưng chính vì lí do này, những người uyên bác và ngoan đạo, ở mức độ nào đó, lại coi như hiện hữu, để chúng có thể được dẫn đến một bước xa hơn tới chỗ tồn tại và tựu thành".
Nếu không phải ai cũng thừa nhận tiếng tăm của Hesse như một nhà văn, chưa ai từng nghi ngờ về tầm cỡ của ông với tư cách nhà thơ. Kể từ sau cái chết của Rilke và George, ông trở thành nhà thơ nổi tiếng nhất nước Đức trong thời đại chúng ta. Ông kết hợp một phong cách thuần khiết và tao nhã với sự nồng nhiệt đầy cảm xúc, và nhạc điệu trong thơ ông là điều không ai trong thời đại chúng ta có thể sánh được. Ông tiếp nối truyền thống của Goethe, Eichendorf và Murike và làm mới ma lực thơ ca của nó bằng một sắc màu đặc trưng của ông.
Tập thơ Trost der Nacht (1929) (Niềm khuây khoả trong đêm) phản ánh một cách rõ nét phi thường không chỉ kịch tính nội tâm, sức khoẻ, những giờ khắc đau yếu và sự tự vấn quyết liệt của ông, mà cả sự hiến mình của ông cho cuộc sống, niềm vui trong hội hoạ và sự tôn sùng thiên nhiên. Tập thơ sau của ông Neue Gedichte (1937) (Những bài thơ mới), tràn đầy sự minh triết của một người ở tuổi xế bóng và những kinh nghiệm u sầu, nó cho thấy cảm xúc dâng trào trong hình ảnh, thể thức và giai điệu.
Trong một bài giới thiệu tóm tắt, khó có thể đánh giá một cách công bằng những tài năng biến đổi đã khiến nhà văn này đặc biệt hấp dẫn chúng ta cũng như khiến ông thu hút được nhiều môn đệ trung thành. Ông là một nhà thơ khó hiểu và thẳng thắn với sự giàu có của một tâm hồn Nam Đức, tâm hồn mà ông thể hiện qua sự pha trộn rất riêng giữa tự do và lòng mộ đạo. Nếu bỏ qua khuynh hướng chống đối đầy nhiệt thành, ngọn lửa không bao giờ tắt biến con người mộng mơ thành chiến sĩ ngay khi những gì thiêng liêng với ông bị đe dọa, người ta có thể gọi ông là một nhà thơ lãng mạn.
Trong một đoạn văn, Hesse nói người ta không bao giờ được hài lòng với thực tại, người ta chẳng nên say đắm cũng như tôn thờ nó, bởi cái thực tại thấp kém, luôn gây thất vọng và đáng buồn này chẳng thể thay đổi trừ phi ta phủ nhận nó bằng cách chứng tỏ sức mạnh siêu việt của chúng ta.
Giải thưởng dành cho Hesse không chỉ đơn thuần là sự khẳng định danh tiếng của ông. Nó tôn vinh thành quả thơ ca của ông, thành quả thể hiện thông qua hình ảnh một con người tốt bụng trong cuộc đấu tranh của ông, đi theo tiếng gọi của mình với sự trung thành hiếm có, người trong kỉ nguyên bi thương này đã thành công trong trọng trách cầm vũ khí bảo vệ cho chủ nghĩa nhân đạo đích thực.
Thật không may, lý do sức khoẻ đã ngăn cản nhà thơ không thể tới Stockholm nhận giải. Thay vào đó, ngài Công sứ của Cộng hoà liên bang Thuỵ Sĩ sẽ thay mặt nhà thơ nhận giải.
Thưa ngài Công sứ, xin mời Ngài lên nhận từ tay Đức Vua tôn kính giải thưởng mà Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trao cho người đồng hương của Ngài, nhà thơ Hermann Hesse.
(Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính)
Diễn từ NobelHenry Vallotton, Công sứ Thuỵ Sĩ
Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì trận ốm đã giữ chân Hermann Hesse ở Thuỵ Sĩ. Nhưng, suy nghĩ của ông vẫn hướng về chúng ta, và lòng biết ơn sâu sắc của ông vẫn được thể hiện qua bức thông điệp mà ông muốn tôi gửi đến toàn thể quí vị: "Xin gửi lời chào chân thành và kính trọng đến ngày hội của quí vị. Trên tất cả, tôi muốn bày tỏ sự nuối tiếc đã không thể trở thành khách của quí vị, để chào hỏi và cảm ơn quí vị.
Sức khoẻ của tôi luôn rất kém; tôi đã trở thành người tàn phế suốt đời sau những tai ương của năm 1933, chúng đã huỷ hoại sự nghiệp của tôi và luôn luôn đè lên đôi vai tôi những bổn phận nặng nề. Nhưng tâm trí tôi không suy sụp, và tôi cảm thấy gần gụi với quí vị cũng như với ý tưởng đã truyền cảm hứng cho Quĩ Nobel, ý tưởng rằng tinh thần có tính quốc tế và siêu quốc gia, nó cần phải phụng sự hoà bình và hoà giải, chứ không phải chiến tranh và huỷ diệt.
Tuy nhiên, lí tưởng của tôi không nhằm làm lu mờ bản sắc dân tộc, điều đó sẽ dẫn đến một loài người đồng dạng về trí tuệ. Ngược lại, mong sao sự đa dạng dưới mọi hình dáng và màu sắc sẽ tồn tại mãi mãi trên trái đất thân yêu của chúng ta. Tuyệt diệu làm sao khi cùng một lúc tồn tại biết bao chủng tộc, biết bao dân tộc, biết bao ngôn ngữ, và biết bao quan điểm cũng như cách nhìn nhận khác nhau! Nếu tôi căm thù và không thể nhân nhượng với chiến tranh, sự xâm chiếm và thôn tính, đó là bởi nhiều lí do, nhưng còn bởi lẽ đã có quá nhiều những thành tựu xuất sắc, mang tính cá nhân cao độ và rất đỗi khác biệt từng phát triển một cách hữu cơ của nền văn minh nhân loại trở thành nạn nhân của những lực lượng đen tối này. Tôi căm thù sự đơn giản hoá vĩ đại (grands simplificateurs); tôi yêu cảm giác về phẩm chất, về sự khéo léo và độc đáo.
Là một người khách và đồng nghiệp của quí vị, tôi muốn gửi lời chào trân trọng tới Thụy Điển, quê hương của quí vị, tới ngôn ngữ và nền văn minh, lịch sử lâu đời và đầy tự hào của đất nước này, cũng như sự kiên gan bền bỉ của đất nước này trong việc duy trì và hình thành bản sắc độc đáo của mình. Tôi chưa một lần tới Thụy Điển, nhưng hàng bao thập kỉ nay tôi đã đón nhận vô vàn điều tốt đẹp từ đất nước quí vị kể từ món quà đầu tiên cách đây bốn mươi năm, đó là một cuốn sách của Thuỵ Điển, một bản của ấn phẩm lần thứ nhất Christ Legends (Huyền thoại về chúa Giê-su) do nhà văn Selma Lagerlof đề tặng, và suốt những năm qua còn nhiều mối giao lưu quí báu khác giữa hai quốc gia để rồi cuối cùng quí vị làm tôi phải sững sốt trước món quà cuối cùng lớn lao này. Hãy cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn từ sâu thẳm trái tim mình."
(Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính )