quote:
Gởi bởi PC
Bi quan là cái nhìn buồn thảm. Nhận thấy sự vật vô thường và bấp bênh không hề là cái nhìn bi quan. Chỉ khi nào nhìn thấy nó như vậy mà đâm ra buồn chán, buông xuôi, không phấn đấu gì hết thì mới là bi quan. Đức Phật đưa ra cái quan điểm vô thường, bấp bênh của vạn pháp, và sau đó Ngài mới đưa ra phương cách để thóat ra khỏi chuyện vô thường này. Cái nhìn của Phật vượt ra ngòai cái kiếp sống này. "Còn nước còn tát" theo quan điểm của chị LV chỉ mới giải quyết cho kiếp sống này mà thôi (và luôn luôn là ta thua vì chúng ta chỉ đẩy lùi thời gian chết chớ không giải quyết được việc sinh tử). Dĩ nhiên là chị LV chỉ kể cái mạng của cá nhân mà thôi. Chị chắc không tin ở cái mạng nào khác, coi như chết là hết nên mới cho cái nhìn của Phật là bi quan. Tuy nhiên PC đem chuyện Phật ra nói với chị là vì chị có kể là trước kia chị có chép kinh Phật. Đó cũng là cái duyên cho câu trả lời này chớ thật tình không dám bàn chuyện đạo với người không cùng quan tâm tới đạo.
Đang nói chuyện đậu bắp đậu rồng, thấy cái post này lại muốn... đía vài câu. Chị PC thấy lộn chỗ thì "bưng" nó qua topic khác giùm em nha.
Em không theo đạo Phật, không đọc kinh Phật, không đi lễ chùa, nên đem đạo Phật trong sách ra mà nói thì em không có biết. Tuy nhiên theo cái cách em nhìn thì cái lẽ vô thường trong đạo Phật và cả trong đạo Thiên Chúa Giáo, nó nằm ở một cõi hơi xa xôi, Niết Bàn chẳng hạn (hay Thiên Đường của Thiên Chúa Giáo), người ta biết rằng đến đó là hết khổ, dứt được mọi muộn phiền, hệ lụy của cuộc sống này và bước sang một "sự sống" khác vô thường. Nhưng biết là biết, ngộ thì ngộ, ngộ chưa chắc đã muốn, ít ra là chưa muốn trong lúc này.
Cả hai đạo Phật và Chúa đều không cho rằng chết là hết, nên theo lẽ cái chết không phải là điều đáng sợ, đáng bi quan. Cho dù mình đã "ngộ" được cái lẽ vô thường của cuộc sống và hiểu rằng sự chết là điều không tránh khỏi, trước sau gì thì con người cũng chết, nhưng nếu đứng trước sự chọn lựa giữa sống và chết mà mình cứ "bình chân như vại", thì hóa ra mình là một người vô cảm, vậy thì có ích gì?
Quan niệm "còn nước còn tát" đúng chỉ là cách giải quyết của kiếp sống này, chỉ đẩy lùi được thời gian chứ không thoát được sự an bài của số phận. Nói theo người hiểu đạo thì cách này chẳng khác nào mình tự che mắt mình, tự lừa dối mình. Tuy nhiên, cái quan niệm sống của mình và cách hành xử của mình trong cuộc sống không nhất thiết phải đồng nhất. Nói cách khác, mặc dù hiểu rằng sống chết là lẽ vô thường, nhưng em vẫn chọn giải pháp "còn nước còn tát" là vì em vẫn đang sống trong "cõi tạm", em quý trọng sự sống của cõi tạm của mình cũng như của người khác.
Lấy ví dụ, một người mắc phải bệnh nan y, ngộ được sự tạm bợ của đời sống này nên quyết định không tiếp tục chữa trị và bình thản đón nhận cái chết dần dần đến. Người này tuy bình thản, nhưng không thể truyền cái bình thảm của mình cho những người thân xung quanh. Những người xung quanh thấy người thân của mình dần dần ra đi mà không làm được gì, chắc chắn phải đau lòng. Cái bình thản của người bị bệnh vô tình lại tạo ra nỗi đau cho người khác, như vậy có phải là người này đã tạo nghiệp rồi không?
Một ví dụ khác, một người làm chồng, làm cha ra chiến trận, vì cũng ngộ được lẽ vô thường của cuộc sống nên xông pha khắp nơi, coi cái chết chẳng ra gì. Người này nếu chết trận, có thể sẽ rất bình thản vì cho rằng sự chết là điều sớm muộn. Nhưng nếu người này không nghĩ đến người vợ đau khổ ở nhà, những đứa con sẽ mất cha bơ vơ, thì người này cũng đã vì cái "ngộ" của mình mà vô tình tạo đau khổ cho người khác rồi.
Cho nên em thấy, chú tâm tu tập để giải thoát chính mình là điều dễ, nhưng giải thoát mình mà không tạo thêm đau khổ cho người khác (theo cách nhìn của em chính là tạo nghiệp), mới chính là điều khó. Khi còn vướng nợ trần, mình nỡ lòng dứt bỏ hay sao? Có vẻ ích kỷ quá chăng? Bây giờ nếu em dứt bỏ mọi thứ đi tu, tâm an, trí tịnh, thân nhàn, sướng nhất rồi còn gì! Nhưng chỉ sướng cái thân em thôi, còn con của em ai lo? Bỏ cho người khác lo, vừa khổ cho nó, vừa khổ cho người lo cho nó. Nhiều khi mình biết là biết vậy, ngộ là ngộ đó, nhưng chưa đến thời điểm thì vẫn chưa theo đuổi cái lẽ sống riêng của mình đuợc. Nói chung, em thấy tu cho mình thì dễ, sống cho người khác mới là khó.
Lạc đề quá xa rồi...