Trong nhóm đã có người mua sẵn vé đi lên tháp Eiffel vào lúc 10 giờ cho nên sáng hôm đó ai nấy cũng hối hả dậy sớm để đi cho kịp giờ. Trời âm u sụt sùi. Vì đã lỡ rồi thì phải đi chớ ai lại đi lên tháp Eiffel vào lúc mây mù muốn mưa như thế kia. Cho nên cái line không dài lắm. Người có book vé trước thì cũng đứng ở một hàng riêng, hàng ngắn hơn. Trước chúng tôi là một nhóm du khách cũng đến từ Mỹ, từ California. Họ chắc là các cặp vợ chồng rủ nhau đi chơi, tuổi sồn sồn. Trao qua đổi lại thì được biết sau ngày này họ sẽ đi lên Normandie trong khi chúng tôi sẽ đi ngược hướng với họ. Du khách từ Mỹ qua hay đi thăm Normandie, the longest day quá nổi tiếng, the D day. Đi chơi có cái thú khi gặp gỡ trao đổi với các du khách khác. Những cuộc gặp gỡ qua đường chia sẻ cho nhau vài kinh nghiệm du lịch làm tôi thấy vui vui. Tôi để ý thấy người Mỹ hình như cởi mở vui vẻ hơn các nhóm dân khác.
Đây là lần đầu tiên tôi được lên tầng cao nhất của tháp Eiffel. Nếu tới thăm Paris mà không đi lên đó thì thấy như chưa đầy đủ, chớ thật tình tôi không có cái háo hức lên cao nhìn xuống nữa. Cảm giác khi thang máy rút lên gần tới tầng chót vót làm tôi hơi rợn khi nhìn qua cửa kính. Tôi chắc có bệnh vertigo hay sao mà cứ lên cao là thấy hồi hộp.
Lên tới tầng thứ hai thì một người trong nhóm bị xây xẩm mặt mày, buồn nôn, muốn bệnh cho nên người đó tách ra và trở xuống. Đám còn lại thấy cũng mất vui, lại không kịp hẹn nhau sẽ gặp lại ở đâu sau đó. Thật là bất tiện khi không tính đến các "sự cố" như thế. Đi du lịch nhóm đông là vậy.
Từ trên cao nhìn xuống đâu có thấy gì nhiều, toàn là mây và một lát thì mưa đổ xuống, không nặng hạt nhưng cũng đủ khiến ai nấy lo chụp một mớ hình rồi đi xuống. Ở trên các tầng này thì người đông đảo quá, không hiểu vào lúc cao điểm của mùa du lịch thì nó đông như thế nào. Thú thật tôi ngại cái cảnh chen chúc nhau ở các địa điểm du lịch nổi tiếng như trường hợp này. Với những người trở lại Paris thì cách du lịch của họ chắc khác, nhưng với những người mới đi lần đầu thì phải chịu vậy thôi. Tôi sẽ không bao giờ lên tháp Eiffel nữa, nếu có đi lại Paris.
Khi trở xuống thì mọi người vào thử cái gift shop cầu may. Dùng cái lý trí bình thường để đoán mò đó mà. Một người trúng bệnh nhẹ nhẹ mà vẫn còn muốn gặp lại nhóm thì ngòai cái shop này còn có thể vào đâu? Chó ngáp phải ruồi, tính vậy mà ra vậy. Người bạn đó đang ở trong shop vừa ngắm hàng vừa chờ mọi người. Shop lại có sưởi nên ai nấy cũng thích vô đó.
Khi ra ngòai tôi chăm chú quan sát đám buôn bán bất hợp pháp. Đa số là dân có màu da đậm, tôi đoán là Phi châu (hay Thổ?). Họ cầm một xâu các đồ rẻ tiền, như vật kỷ niệm, mấy cái hình tháp Eiffel, chìa khóa, bóp đầm v..v....vừa chào mời, vừa dòm chừng cảnh sát để khi thấy cảnh sát xuất hiện là báo hiệu cho đồng bọn vừa ôm đồ chạy. Tôi nhớ London không có cái (tệ?) nạn này. Như San Francisco bị đám homeless làm cho du khách ngại ngần ghé lại downtown vậy. Chắc Mỹ với Pháp cũng nên học ở Anh cách nào mà họ giữ được phố phường khỏi bị quấy quả như thế.
Tôi đi thơ thẩn ngắm hàng cây có hoa tím được trồng rất nhiều ở quanh đây, có người Việt gọi là phượng tím. Ai đó chưa chịu cách đặt tên này vì hình hoa không giống phượng chút nào. Nhưng nhìn ở xa thì tán lá cũng có phần nào giống phượng, giống điệp. Mưa lất phất vào mặt. Lòng tôi ngổn ngang trăm mối .... Thật ra nói cho văn vẻ vậy chớ có vài mối mà thôi. Mối vui cũng có mà đan kết vào đó cũng có mối buồn. Vì đây có lẽ là lần cuối tôi lang thang ở đây. Tôi thích Âu châu tới nổi muốn định cư lại đây luôn, nhưng mà bằng cách nào bây giờ? Cho nên bâng khuâng buồn là vậy. Chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi, sến ơi là sến mà cũng đúng đó chớ.