Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tình yêu nuôi tôi lớn ( Tập Văn Thơ I của Võ thị Trúc Giang - xb 1999 )
Lúa 9
#1 Posted : Saturday, September 20, 2008 4:00:00 PM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0

Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn

Tôi được sinh trưởng tại thị xã Bến Tre. Khi tôi ra đời cha mẹ đặt cho tôi một cái tên thật là dễ thương „Tường Vi „, tên một loài hoa hồng nhỏ, mang ý nghĩa tình yêu đơn sơ trong sạch. Tôi là đứa con gái út thứ 13 trong nhà, cho nên tính của tôi từ nhỏ bị ảnh hưởng đứa út gái hay được mẹ nuông chìu.

Thời gian khi còn sống gần gũi cha mẹ tại Bến Tre là một thời gian đẹp nhất đời tôi. Kể từ khi hoa-hồng-nhỏ không còn sống gần gia đình nữa, tôi thấy thèm thuồng không khí ấy, thèm cái nắng ấp áp suốt quanh năm ngay cả suốt mùa mưa hay mùa hè nóng nực, đều làm cho tôi nhớ. Tôi thèm đứng hàng giờ ngắm đồng ruộng lúa, hay hàng dừa dài tít tận chân trời, hay nhìn mặt trời chói sáng lấp lánh xuyên ngọn cây.

Đã 10 năm nay tôi sống ở đất Pháp, trong một làng nhỏ hẻo lánh tên gọi Neufgrange. Neuf = 9, grange = vựa lúa, làng này dựa sát biên giới sang nước Đức. Từ khi tôi định cư tại Âu châu, tôi nhận thấy mỗi khi mùa đông về thì ngày cũng dài thêm lê thê, đặc biệt là khi tuyết rơi. Tuyết phủ khắp nơi tạo thành tấm thảm trắng xóa như trăm nghìn viên kim cương lấp lánh, nền đất đông lại cứng như đá. Ôi lạnh, tôi tưởng tượng nếu như mình là hoa-tường-vi đứng trơ mình dưới tuyết cùng với nhiều loài hoa khác ngoài sân, chúng tôi sẽ buồn rầu lặng lẽ nhìn theo người đi dạo ngang qua đường, họ chẳng màng gì đến chúng tôi loài hoa đang bị loài người lãng quên.

Nhưng ơ kìa, đến khi khoảng tháng giêng thì trời bắt đầu ấm áp hơn, rồi tháng hai trời sáng hơn, buổi sáng tháng hai tai tôi nghe chim muông ca hót ngoài balcon, ngày từ từ dài hơn và không còn tối thui như trước nữa, tuyết đã tan hẳn. Ồ tường-vi-tôi mừng rỡ khi mùa Xuân sắp trở lại với vũ trụ. Hoa vàng Naziessen và Osten Glocken trổ ra hoa rực rỡ khoe màu sắc tạo cho khu vườn bớt buồn tẻ và thoang thoảng mùi lá hoa mới đầu mùa. Cảnh vật khắp nơi như bừng sống dậy sau giấc ngủ mùa đông dài, cây cối trổ lá non mơn mỡn, hoa-tường-vi và những loài hoa khác lục đục thay bộ mặt mới đón mùa xuân sang. Loài người cũng vui tươi tuôn ra đường hứng giọt nắng mới, trong khi suốt mấy tháng mùa đông người ta hay nhốt mình trong nhà có lò sưởi củi ấm.

Ồ vui quá mùa Hè lại về, ngày thật sáng và mặt trời ấm áp, hoa hồng chúng tôi được người chăm sóc vườn vô phân bón, tưới nước khi chúng tôi khát, cắt tỉa cho chúng tôi đẹp. Đến tháng 6, tháng 7 những cây hồng chúng tôi khoe trổ bông hoa rực rỡ và người đời dừng chân trầm trồ khen ngợi, họ cắt thân chúng tôi, ủ dột tôi thấy đau, nhưng mặt khác hãnh diện vì họ chưng bày chúng tôi như loài hoa quý, đặt chúng tôi giữa phòng khách sang trọng. Hoa là vật cho người ta yêu thương, chìu chuộng, người ta ngắm, hái tưng tiu, nhưng đến một ngày chúng tôi gục đầu héo úa, người đời tàn nhẫn ném vứt chúng tôi đi vào đống rác sau vườn, không chút xót thương.

Ô bạn nhìn kia, trong ánh nắng mặt trời mới mọc, từ trong đống rác hôi thối ấy lại đâm chồi ra nụ hoa tươi nhỏ, hoa hồng có nụ non. Từ hoa hồng đã trở thành đống rác, từ đống rác bón phân cho nụ hồng. Có phải loài hoa chúng ta được tạo thành từ thiên nhiên vũ trụ đút kết bởi nước, bởi đất, bởi ánh sáng mặt trời và tình yêu thương mà nên không ? Có phải từ đống rác này sẽ là phân bón cho thân hồng thêm tươi đẹp không và cuối cùng hoa hồng lại trở thành phân bón nuôi hoa hồng mới không ?

Kể từ khi nhận thức được sự tuần hòan của vũ trụ như thế hoa-tường-vi tôi chợt giật mình và không còn buồn rầu nữa, tôi chợt nghĩ rằng sự ganh tỵ hơn thua nhau giữa nụ hoa này và nụ hoa khác, trong đời sống bon chen giữa Đẹp Xấu, giữa Cũ Mới, giữa Giàu Nghèo, giữa Hạnh phúc hay Bất hạnh, giữa Thương hay Ghét, Xa hay Gần, Sống hay Chết, Đi hay Ở ...Tất cả nay trở thành vô nghĩa, vì đời sống tất cả những nụ hoa như chúng ta hiện nay rồi cũng sẽ chịu chung một số phận, phút cuối của cuộc đời ta cũng chỉ là đống rác hay mộ phần nằm chờ đợi và thân xác ta trở thành tro bụi làm phân bón cho đời mai sau. Còn nghĩa lý gì nữa với khái niệm già trẻ hơn thua ganh ghét nhau bạn nhỉ ? có khác nhau ai là người trong chúng ta sẽ bỏ cõi tạm này ra đi Trước hay Sau mà thôi.


Lúa 9
#2 Posted : Sunday, September 21, 2008 2:42:19 AM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0



Tôi nhớ lại ngày ở Việt Nam, trời lúc nào cũng sáng, mặt trời chiếu soi xuống những ngôi nhà tranh mái lá đơn sơ. Hồi còn ấu thơ tôi thường thích ngắm những con bướm vàng bay bay trong sân nhà mình, rồi trong buổi sáng đầu mùa thu ngọn gió heo may thổi lướt ngang qua mặt, tôi đã đứng thật sự đấy trong khu vườn nhà mình ngửi thấy mùi xoài chín, tôi cũng còn nhớ rất rõ mình run rẩy mỗi khi phải băng ngang cây cầu tre nhỏ xíu.

Nhớ một buổi tối nào đó trong xa xưa, mẹ tôi gọi chúng tôi vào ăn cơm tối, quần áo chúng tôi dơ bẩn vì lội ngoài ruộng rong chơi cả ngày sau giờ tan học ở trường, mẹ bảo chúng tôi phải ra bờ sông sau nhà tắm rửa cho sạch, màn đêm phủ xuống xóm làng thật nhanh và sau đó vầng trăng rằm đã treo lơ lững khuất sau nhánh lá dừa.

Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi có nuôi cho mình một giấc mơ, một mai lớn lên tôi thích trở thành nhà văn và sẽ lấy bút hiệu là Trúc Giang, tên giòng sông chảy qua quê tôi ở Bến Tre, một nhánh của châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Bạn thắc mắc tại sao giòng sông đóng vai trò quan trọng trong đời tôi chứ gì ? Có phải giòng sông là nhân chứng sống còn ở lại bến cũ, chứng nhân cho tất cả mọi sự việc xảy ra trong thời gian chiến tranh khốc lửa trên quê hương tôi ? Lấy tên giòng sông để thấy tâm hồn lúc nào cũng dào dạt như một giòng sông, quê hương đã trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm rồi mà giòng sông vẫn chảy, hứng chịu, ngậm ngùi với đau thương đổi vời của dân tộc, của bom nổ đạn rơi và giòng sông vẫn tháng ngày mang phù sa đi vá lấp.

Nay lớn lên tôi có cơ hội viết văn như đã từng mơ ước, bút hiệu của tôi là tên giòng sông quê hương, mỗi khi tôi ngồi nơi bàn giấy, tôi có cảm tưởng như kỷ niệm xưa tràn về như một giòng sông và tôi bơi trong ấy mát rười rượi.

Dù cuộc sống đời thường chi phối tâm tư tôi rất nhiều, nhưng tôi nghĩ tôi phải thật cố gắng dùng thì giờ dịch những cuốn sách của mình sang Đức ngữ. Mơ ước của tôi là qua những tâm tình trang trải theo chiều dài lịch sử, hy vọng người đọc hiểu được lòng hoài hương của người xa quê như chúng tôi, nhớ về một nơi mà chúng ta đã bỏ đi và hy vọng ngày trở lại.

Chuyện đã xảy ra từ bao lâu rồi sao thấy như mới ngày hôm qua đây thôi, những kinh nghiệm sống, những lo âu, bao nhiêu khuôn mặt người đời ta đã từng đối diện, gặp gỡ, họ đã chia sẻ cùng ta trong từng đoạn đường ta đi qua ? Tất cả, tất cả đã trở thành chất liệu bị lôi kéo kiệu hồn về trong tập Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn này, những hình ảnh đó sẽ cưu mang theo suốt quảng đời còn lại của tôi, khó có thể nào quên được.

Chúng ta có thể sống được nếu không có tình yêu ? Các bạn có bao giờ nghĩ rằng đã bao nhiêu lần trong đời chúng ta đã bỏ nơi này để dọn về chỗ khác để bắt đầu lại từ đầu không ? Các bạn đã đọc quyển này, khi gấp quyển sách lại, có lẽ bạn tự hỏi mình: „ Trong đời sẽ còn bao nhiêu lần ta đến và sẽ bỏ đi nhỉ ? „

Chiến tranh Nam Bắc Việt nam chấm dứt vào ngày 30.04.1975, ba năm sau cuộc đổi đời tôi còn được nhận vào học sư phạm Mỹ Tho, rồi một ngày tôi ngỡ ngàng đứng trước một sự lựa chọn nên Đi hay Ở ! Trong đời tôi chưa từng có tư tưởng bỏ đất nước mà đi, chưa từng có tư tưởng sống một nơi không còn gần mẹ nữa. Hốt hoãng thật sự trước tình huống lựa chọn ấy, ai lo cho đời ta ngoài chính ta khi vào tuổi trưởng thành ?! Tương lai có phải do mình quyết định lấy ? Tôi nhớ mẹ nhìn tôi buồn nói khẽ „ Ở lại đi con đừng đi ! “, nhưng tiềm thức lại thôi thúc tôi: „ Con đường tốt nhất là ra đi. Đi tìm một đất nước chuộng tự do dân chủ mà sống, nơi đó ta có thể giúp gia đình thực tiễn hơn ra khỏi cảnh bần cùn hiện nay. Hãy ra đi ! “

Vì suy nghĩ thế nên tôi âm thầm cùng với những người Việt nam khác ra đi không một lời từ giã mẹ, trong khi mẹ tôi ngồi trên võng cách tôi bằng tầm tay với, tay bà phất phơ quạt muỗi cho tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy ánh mắt mẹ tôi buồn như ngày hôm ấy, tôi nghĩ mẹ đọc được tư tưởng tôi, bà sắp mất tôi thật sự.

Tôi chỉ muốn xà vào lòng mẹ mà khóc, và nói “ mẹ ơi, con yêu mẹ, con không bao giờ muốn xa mẹ „. Nhưng lý trí tôi thúc dục „ đừng khóc ! „ thế là tôi lén mẹ ôm theo vài chiếc áo ra đi, chừng như tôi trở về trường sư phạm cho mẹ khỏi nghi ngờ. Kể từ ngày đó tại cầu Cái Cối ngay thị xã Bến Tre tôi cùng với 57 người khác vượt biển khơi, đâm đầu vào cái Chết để tìm sự Sống.

Các bạn khó có thể tưởng tượng được giữa đại dương mênh mông, một chiếc thuyền gỗ nhỏ, cơn sóng to ập vào ngập nước, đàn bà sợ sệt lo âu, trẻ con loi ngoi ướt sủng kêu khóc, trong khi những người đàn ông cố gắng hết sức mình múc tát nước đổ ngược lại xuống biển, sóng lại đổ vào, họ cố chiến đấu gian khổ trước cơn nguy như thế, mọi người mệt lã đuối sức. Sóng đẩy chiếc thuyền con lên trên cao ngọn sóng, nhấn nó xuống vực sâu, chiếc ghe được đưa lên xuống như một chiếc võng đu đưa, qua lại chòng chành chóng mặt, người ta ói mửa té xỉu.

Tất cả như tối sầm lại, ngọn sóng lại ập tới, chiếc thuyền gỗ gần lật úp lại tưởng đâu sẽ chìm xuống đáy biển, trời tối sầm, quanh chỉ còn là nước biển, khi đó tôi không còn chút hy vọng nào nữa dù mong manh, nhắm mắt lại tôi khẽ nói với mẹ: “ Con vĩnh biệt mẹ cha “ . Tiếng trẻ con gào thét kêu mẹ, phụ nữ bám vào thành gỗ cố ôm con mình chặt trong tay cầu cứu, đàn ông cố chống đỡ với sức tàn còn lại của mình. Lúc này không còn gì nữa ngoài sức mạnh và niềm tin vào Thượng đế, tôi đã thực sự trải qua cảnh hãi hùng ấy cùng số phận với bao thuyền nhân khác trên đường hành trình tìm tự do vào thập niên 70.

Trên ghe tôi gồm cả thảy 57 người chen chúc nhau, đàn ông khỏe mạnh thì đi trên bong tàu, đàn bà con nít thì chui dưới gầm ghe hôi mùi dầu, thêm mùi nôn ẹo càng mắc ói thêm, nhưng trong dạ dày tôi trống rỗng không một miếng cơm đã 3 ngày qua, chúng tôi chia nhau từng ngụm nước ngọt ngào. Ba ngày đầu bị say sóng tôi chẳng biết mình đã tới đâu đi đâu đang làm gì, khi tĩnh lại thấy quanh mình mặt biển xanh rờn, xa xa chỉ là mặt biển không bờ bến, chợt biết mình đã bỏ mẹ cha ở Việt nam thực sự mà đi rất xa, tôi bắt đầu âm thầm khóc nức nở, giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má tôi lạnh ngắt vì không có lúc nào người tôi khô ráo cả, lạnh run.

Ngồi đây đôi khi nhớ lại ngày cuối cùng trước khi bước xuống ghe ra đi, đó là một buổi sáng mùa thu lành lạnh, người dân chuẩn bị nhóm họp ngoài chợ Bến Tre, mấy tàu lá dừa, lá cau múa may nhè nhẹ trong gió. Tôi nhìn xuống đất cắm cúi đi thẳng chẳng dám chào ai sợ người ta biết mình sắp vượt biên. Ngày dần sáng hơn, ngay đầu cầu Cái Cối quen thuộc ấy, kẻ thì đẩy xe, người thì gánh bưng chào hỏi xôn xao. Tôi còn nhớ rất rõ tiếng chuông nhà thờ của trường trung học công gióa Tân Dân đổ dài réo gọi, trường nằm ngay mé sông mà khi ghe chúng tôi đi ngang trường thân yêu tôi nào dám ngó lại, trong ghe khi ấy chỉ là sự hồi hộp lo âu, cầu mong mình đi thoát, mắt tôi ráo hoảnh, tôi chưa khóc.

Hiện nay khi hồi tưởng lại thời gian cũ, nằm trong ký ức của tôi chỉ còn lại những mảnh rời rạc như thế, nhiều khi muốn viết phải đi thu lượm đây một chút kia một chút.

Tôi có hai anh theo cùng trên chuyến ghe tỵ nạn đó, hai anh lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ cho em gái khi có nguy biến xảy ra. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển cả, chiến đấu với sống và chết, ghe chúng tôi may mắn tấp vào đảo dành cho Boatpeople Việt nam tại Mã Lai Á. Chúng tôi la hét mừng rỡ khi lần đầu tiên nghe lại tiếng nói của loài người: „ Chúng tôi là người của phái đoàn LHQ, xin quý vị đừng sợ hãi, xin chạy theo sau ghe chúng tôi „. Thì ra đó là ghe của ban đại diện trại tỵ nạn Pulau Tegah ra đón thuyền nhân như chúng tôi, còn lang thang ngoài biển chưa biết số phận sẽ về đâu.

Nay nhiều khi tôi nhìn lại tôi thấy chuyến đi giống như một cuộc mạo hiểm ly kỳ thích thú, mặc dù khi ấy trong lòng chúng tôi hoang mang lo sợ trước cái chết. Nơi trại tỵ nạn tôi được dịp làm quen với những thuyền nhân khác đến trại Pulau Tegah trước và sau tôi, tất cả những thuyền nhân đều có cùng một tâm trạng là: Gia đình mình sẽ bị liên lụy khi họ phát giác thân nhân đã dùng tàu đánh cá vượt biển đi ....Người nào bỏ nước ra đi là mang tội phản quốc, ôi chao ôi gia đình còn lại sẽ bị liên lụy, bị tịch thu nhà cửa đất đai ư ? còn thân phận chúng tôi ? quốc gia nào sẽ nhận những thuyền nhân chúng tôi đây ? Cuộc sống tương lai ta sẽ ra sao nhỉ ? Tôi nguyện sẽ cố gắng học thành tài cho ba mẹ tôi bằng lòng vui vẻ vì tôi, bỏ công tôi đã vượt biển ra đi như thế này. Nhiều câu hỏi hoang mang lẩn quẩn trong đầu khi đứng trước một tương lai không định trước.

Nơi đầu cầu cũng là nơi người ta đến và cũng là nơi tiễn người ta đi, thuyền nhân được nhận vào định cư tại Canada, Đan mạch, Úc, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Ý, Áo ...Nghiã là từ khi có làn sóng thuyền nhân thì trên thế giới không nơi nào mà không có bóng người Việt tỵ nạn.
Tôi và hai anh sống trên đảo tỵ nạn Mã Lai khoảng sáu tháng rồi chúng tôi được phái đoàn Danmark nhận, lý do vì chị lớn và anh rể tôi trước kia đã được tàu Đan mạch đón, nên phải đi ĐanMạch, mặc dù anh tôi rất thích sang Mỹ. Mỗi khi từ giã người mới quen ra đi ngay đầu cầu, tôi đều khóc, chia tay nghĩa là không bao giờ gặp lại.

Tôi chỉ sống mỗi ba năm tại thủ đô Copenhagen. Ba năm thật ngắn ngủi để tìm hiểu về văn hóa lịch sử của nước đó. Sau khi tốt nghiệp trường cán sự phòng thí nghiệm, lần nữa trong đời tôi phải đứng trước một câu hỏi Đi hay Ở ?! Sự chọn lựa nào tốt nhất cho đời tôi đây ? Trong thời gian này tôi làm quen được một anh sinh viên Việt nam vừa ra trường nghành điện tử tại Tây Đức, và anh lên tiếng cầu hôn tôi. Tôi có nên theo chồng về Tây Đức hay ở lại với gia đình, bạn bè tại Bắc âu và chung thủy chờ người yêu xưa gặp lại ?

Anh hồi trước sang Tây Đức du học sau cuộc đổi đời anh kẹt ở lại, sau khi tôi tốt nghiệp chúng tôi lấy nhau. Cái lấn cấn giữa Đi hay Ở, lấy chồng hay chờ người yêu cũ hiện đang định cư tại Hoa kỳ, bao câu hỏi dồn dập trong tâm tư cô gái trẻ như tôi thời ấy, cuối cùng người quyết định cho đời mình vẫn là mình ! Lần này thì không phải là chèo ghe nữa rồi, lần này tôi bước lên xe hoa và dùng xe lửa dọn nhà sang sum họp cùng chồng tại Tây đức, lần nữa tôi lại bỏ nơi này đi về một nơi khác mà làm lại từ đầu, vừa học xong Đan ngữ vội bỏ đi để học thêm thêm một ngôn ngữ mới Đức ngữ, bỏ một người yêu cũ đi lấy một người kỷ sư có công ăn việc làm vững chắc để bảo đảm tấm thân.

Không một ai ép buộc tôi giữa Ra Đi hay Ở Lại, không một người nào nhìn thấy tôi khóc, tôi vẫn thầm tự dặn mình „ Hãy can đảm lên ! „ mỗi khi rút về phòng một mình mình cô đơn xâm chiếm, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ người yêu xưa, thế là tôi ôm mặt khóc nức nở ! Mục đích ra đi là phải hướng về phía trước đừng vọng về quá khứ, đừng than van, lo học thành tài, tuy nhiên thực hành bao giờ cũng khó khăn như thế.

Tôi đã nhiều lần tự vấn mình, bao nhiêu người trong đời mình đã gặp gỡ quen biết, bao nhiêu lần dọn từ nhà này sang ngôi nhà khác, ta phải mất bao lâu để tìm ra người bạn mới có thể tin tưởng thân thiết trao đổi khi buồn ?
Các bạn có cảm thấy cô đơn như tôi không khi ta lạc lõng nơi xứ người không có ai tâm sự ?

26 năm về trước tôi đến Đức ( 1981-2007) hiện nay đang ngụ tại Neufgrange, một làng nhỏ bên Pháp sát biên giới Đức. Ông Emminghaus, chủ tịch hội Hồng Thập Tự Lebach, đã ngạc nhiên hỏi tôi:
- Vì nguyên nhân nào mà bà lại dọn nhà sang Pháp ở, cho tôi biết được không ?
Sau vài giây suy nghĩ tôi trả lời ông:
- Chính vì tôi muốn yêu thương người Đức trở lại, mà tôi phải sống xa họ !

Là một người ngoại quốc sống trên đất nước Đức, lúc nào tôi cũng có cái cảm giác là không được thừa nhận trên quê hương thứ hai mình ở, cho nên tôi dọn đi ra, mặc dù trong lòng tôi không bao giờ muốn bỏ nơi này đi rồi đến nơi khác làm lại từ đầu. Mỗi lần như thế tôi hao mòn thêm một tuổi nhớ.
Nhưng phải nói là khoảng cách đã giúp chúng tôi về gần với nhau hơn, nước Đức không còn nằm xa xôi trong lòng tôi nữa. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tin tưởng rằng, mỗi một người trong chúng ta khi vì hoàn cảnh nào đó phải xa quê hương sống nơi xứ lạ, một khi họ không tìm được bình yên cho tâm hồn họ thì họ cũng không thể nào có trái tim tình yêu dành cho đất nước họ đang sống.

Là một nhà tâm lý học lại là chủ tịch hội HTT trại tỵ nạn Lebach như ông Emminghaus, khi nghe câu trả lời của tôi ông nói:
- Ồ ! Bà có ghi câu này vào sách của bà không, phải ghi nó vào nhé !
- Tại sao ông thích tôi ghi câu này vào ?

Lúa 9
#3 Posted : Sunday, September 21, 2008 4:52:18 AM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0


- Vì tôi làm việc cho người tỵ nạn tôi hiểu tâm lý họ. Nhưng không ai nói lên như bà !

Quê hương vẫn còn trong lòng mình dù cho mình đang sống bất cứ nơi nào, bánh xe lịch sử nước Việt vẫn xoay đều, cuốn mình theo trong ấy. Trưa nay khi tôi ngồi nơi bàn viết và dịch tiếp quyển Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn sang Đức ngữ sau thời gian gián đoạn. Ngay cái bàn làm việc này tôi có thể nhìn ra sân sau bãi cỏ xanh rì tươi mát, sâu trong kia là mé rừng, cạnh sau vườn tôi có thể nghe tiếng trẻ con hàng xóm nô đùa hay chơi đá bóng với nhau. Khi tôi mở cửa ra hiên sau, tai tôi nghe tiếng chim muông gọi nhau chíu chít trên cành cây, xa xa vọng lại tiếng gà gáy ó o thanh vắng, tiếng chó sủa vang về xa xa, ngay cả tiếng suối reo róc rách từ ngoài phía sau rừng. Đứng ngay cửa sổ bếp nhà tôi có thể nhìn thẳng ra vườn trồng rau, có vài cây ăn trái như táo, anh đào và lê. Có đôi khi tôi thử nhắm mắt mình lại để tưởng tượng mình còn đang ở nhà, nhưng rồi sau khi đó mở choàng mắt ra tôi sững sờ chính mình vì mình đang ở Nhà mình cơ mà ! Tôi chợt thấy giật mình khi nhận thấy mình đang ngồi ở Nhà mình thực sự chứ không phải là trong chiêm bao, bất chợt tôi chảy nước mắt vì biết „ Quê hương là bất cứ nơi nào ta đang sống!“ Có phải chăng nỗi nhớ nhà của tôi còn hoài ray rứt khôn nguôi nên tôi cứ tìm về giấc mơ để gặp lại mình hồi đó ?

Vì sao tôi cứ tiếc nuối sống vật vờ giữa qúa khứ và tương lai, có những lúc tôi thèm quay về quê hương để chết luôn bên ấy, nhưng ...cho đến nay tôi vẫn còn ngồi tại Neufgrange!
Tư tưởng ấy đến rồi đi, rồi lặp đi lặp lại. Đôi khi tôi nghĩ ước gì ba mẹ mình còn sống, đến nhà thăm tôi. Nay tôi có tất cả thì cha mẹ không còn trên cõi đời này nữa, ngày tang cha mẹ tôi vắng mặt. Tất cả chỉ còn lại một kỷ niệm đẹp trong ký ức và khi mơ tôi mới hội ngộ lại mà thôi.
Nhiều khi bận rộn tôi nghĩ nước mắt nhớ quê hương gia đình cha mẹ đã cạn rồi, tôi đã quen thuộc hội nhập cuộc sống mới bên này. Hôm nay trong khi dịch bài này tôi nhâm nhi tách trà trong tay, cuốn Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn sang Đức ngữ cứ gặp nhiều gián đoạn mãi, bất thình lình tôi nhận thấy, làm được việc này không phải đơn giản.

Đôi khi tôi tưởng tượng người Đức có lối suy nghĩ khác hẳn người Việt, đối với họ Việt nam còn quá xa lạ, cho nên tôi cũng ngần ngại khi phải kể cho họ biết về cuộc chiến đau thương của Viêt nam mình. Ông Emminghaus, là một nhà tâm lý, chủ tịch hội HTT trại tỵ nạn đã thấu hiểu tâm lý người tỵ nạn, ông nói với tôi rằng „ Tốt hơn hết cho tôi khi tôi tập quên dần những hình ảnh buồn đó, nó vận vào đời tôi, sẽ làm tôi bớt lạc quan, mất vui„- nhưng nếu như khi tôi mất đi những hình ảnh kỷ niệm ấy trong đầu mình, mặc dù nó hay làm cho tôi nhớ và buồn.

Thật là tuyệt vời khi ta ngồi dịch lời từ ngôn ngữ này sang một thứ ngôn ngữ khác, nó mang lại cho ta một cảm giác lâng lâng, tựa như ta đang mở cửa lạc vào thế giới huyền bí nào khác, mới đầu còn xa lạ dần dần trở thành thân quen.
Các bạn có thể tưởng tượng ra tôi khi còn nhỏ xíu, trên trời thì bom nổ tôi là con bé vừa cố lánh đạn nhưng ráng nhanh chân ra bờ sông Trúc Giang múc nước về dùng.
Bạn có biết không, dưới giòng sông trôi êm đềm ngang qua thành phố ấy, mùi sình thối bốc lên và chính mắt tôi nhìn thấy từng xác chết của anh lính trẻ trôi lềnh bềnh trên sông, không biết là xác của lính bên này miền Nam vĩ tuyến hay bên kia miền Bắc vĩ tuyến.

Nhìn thấy xác chết tuy sợ sệt và buồn nôn nhưng chúng tôi vẫn phải múc nước về nấu ăn và nấu uống, vì khu chợ thành phố đã cháy rụi không còn điện nước gì. Lúc ấy tôi vừa mười một tuổi, còn trẻ nhưng cũng đủ để nhận thức cái đau khổ của cuộc chiến. Và hình ảnh đau thương đó không bao giờ rời khỏi đầu tôi nữa.
Ngày nay khôn lớn tôi biết rằng, tất cả, ngay cả ánh sáng mặt trời, giọt mưa đột ngột rơi rồi bỗng nhiên dừng hẳn lại, hay ngọn gió thổi ngang qua mái nhà hay là tiếng chim muông gọi nhau líu lo ấy...Tất cả chỉ là sự Đến và Ra Đi, được lặp đi lặp lại mãi mãi trong đời ta sống, chỉ còn dĩ vãng là tồn tại mãi trong tâm hồn chúng ta mà thôi.

Thế mà đã 29 năm trôi qua ( 1978 – 2007) tôi sống tại hải ngoại. Chuyến tàu định mệnh đã lèo lái đưa tôi trôi dạt đến Neufgrange này. Đây là mái nhà che chở tôi, nơi đây tôi đã tìm ra sự tỉnh lặng cho tâm hồn, ta đủ can đảm để ngồi ghi chép lại những sự việc gì xảy ra trong quá khứ, có lẽ viết được là hình thức giải thoát cho tâm hồn ta bớt nặng nề hơn chăng ?

Viết văn từ lâu vẫn là cái đam mê thu hút tôi, đi đâu có gì thích thú tôi lấy đại một tấm giấy nhỏ, hay tờ lịch, hay khăn giấy, miễn là tôi ghi chép cái gì đó tôi chợt đọc được trong một tờ báo hay là đang ngồi trước tivi trong phòng khách, hay lâu lâu khi đi dạo trong rừng, bỗng nhiên dừng lại ngắm một đàn kiến bò ngang thành từng hàng, rồi suy ngẫm, chúng giống như loài người chăm chỉ làm lụng cho đến hết cuộc đời.

Lúa 9
#4 Posted : Tuesday, September 23, 2008 6:04:51 AM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0


Tâm hồn ta luôn bị bao nhiêu việc khác nhau chi phối, ta mong thực hiện cái này cho xong, xong cái này rồi trong đầu ta lại dự định làm cái khác, rồi lại xong, rồi lại dự tính gì mới khác, cứ thế cho đến hết đời ta. Có phải ta luôn luôn bất an trong hiện tại mình đang sống ?

Hồi xưa tôi nhất định muốn rời bỏ quê hương ra đi, và tôi đã thực sự ra đi đến nơi này, rồi giờ ngồi đây tôi mang nỗi nhớ nhà. Đâu có phải dự định ra đi của tôi sang đây là để lập mái gia đình và ở nhà đẻ con và thu xếp việc nhà cho chồng, nếu chỉ thế ở Việt nam tôi cũng làm được tội gì phải
xuống thuyền ra khơi đối diện cái chết chứ ? Ấy thế mà từ ngày lập gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ sống trong nước Đức, vì hy sinh cho chồng cho con mà ngưỡng cửa đại học đối với tôi vẫn xa tầm với.

Đối với tôi thật quan trọng khi sau khi lập gia đình người đàn bà vẫn hãnh diện ngửa mặt lên nói rằng: „ Bàn tay tôi tự làm ra tiền, tôi không ăn bám vào người khác, dù người ấy là chồng tôi „ . Tôi thích dùng sự thông minh và hiểu biết của mình để giáo dục con cái mình, hai con tôi chúng đều được sinh ra tại Đức và lớn lên với hai nền Văn hóa Đức - Việt.

Với vai trò làm mẹ, hằng ngày tôi phải suy nghĩ „ Hôm nay nấu món gì cho con ăn sau khi chúng đi học về, đống đất khổng lồ nằm ngoài sân đợi tôi dọn dẹp, tiền nhà phải chuyển vào nhà bank kịp lúc, giấy khai thuế phải nộp đúng thời hạn…Khổ tâm nhất khi hai vợ chồng tôi cắn đắn nhau, khi còn ít tiền chúng tôi tậu một căn nhà cũ dần dần tu sửa cho mới, sự bất đồng ý kiến liên tục xảy ra khi con còn nhỏ, lo lắng tiền bạc, cố ham làm ra tiền, vì nghĩ có tiền sẽ giải quyết bao nhiêu chuyện khác…Và chúng tôi quay chính mình mòng mòng trong ấy, mà chính cái khó khăn thử thách ấy trong đời đã làm cho hạnh phúc bao gia đình đổ vỡ.

Cái thử thách khó khăn ấy, ai trong chúng ta chắc cũng đã trải qua, ta phải đối diện với chúng hằng ngày, có lần quá mệt mỏi tôi có tư tưởng sẽ xa ông chồng tôi, xa anh làm lại cuộc đời mới, tôi sẽ làm tất cả những gì tôi thích mà không một ai ngăn cản như hiện tại. Tôi vỗ ngực tự hào tôi có thể sống vững khi không có anh ! Nhưng rồi…khi công việc trôi qua, khó khăn được chúng tôi cùng nhau dần giải quyết, hai con lớn lên ngoan ngoãn trong sự „ đấu tranh tư tưởng bênh vực lý lẽ của cha hay mẹ „ . Tôi chợt thấy: „ Để làm gì những tính tóan lo âu cho công ăn việc làm tiền bạc nhà cửa vật chất, vì khi con người nhắm mắt chết đi, ta bỏ lại hết tất cả mà ra đi phải không ?“ Nghĩ đến đó tôi như chợt giật mình tỉnh thức ra khỏi giấc mơ…

Nếu chỉ ăn, ngủ và thưởng thức cà phê vào buổi sáng, cũng chưa đủ hết những dinh dưỡng nào, đã nuôi ta khôn lớn cho đến ngày hôm nay. Ngồi đây ghi lại đôi dòng hồi ký để thấy mình được sống lại những ngày qua, trong đó ta có dịp gặp lại cha mẹ, anh em gia đình thân yêu, quý thầy, cô, bạn bè cũ dưới mái trường Nguyễn Đình Chiểu – Kiến hòa, qua các bài Em Vẫn Đời Đời Tiểu Thơ, Cô Gái Việt Vùng Pfalz. Qua đó tôi có dịp hội ngộ với người tình học trò cũ, kỷ niệm nào vui khiến cho ta bùi ngùi, kỷ niệm nào buồn khiến cho ta rơi nước mắt.

Hồi ký 27 năm ( 1978-2005 ) sống lưu lạc xứ người qua các bài Gioan 23, Pulau Tengah 1978, Chuyến Xe Thời Gian. Bây giờ tôi mới nhận thấy sống ta phải tranh đấu, tranh đấu với tha nhân, với trường học, nhưng khó khăn nhất vẫn là tranh đấu với chính ta, qua các bài Rồi Tàn Như Sương Mai, Còn Thèm Chút Rong Chơi, Mùa Thu Có Tuổi.

Hình ảnh hai đứa con thơ là động lực thúc đẩy tôi viết hai bài: Xây Nhà Việt Nam và Con Xí Đẻ Con. Mong nhắn nhủ giới trẻ hải ngoại hãy hướng tâm hồn về đất nước. Thân tặng những người bạn văn nghệ mới quen bài Ghé Quán Bên Đường.

27 năm từ ngày tôi bỏ đi, quay lại đoạn đường đầy dẫy những khó khăn trong đời ta gặp phải, những nỗi lo âu, tất cả dần trở thành chất liệu Nuôi Ta Nên Ta Khôn Lớn. Chúng ta không sống nổi nếu như chúng ta không có tình yêu. Bạn đã đọc xong, khi gấp quyển sách lại, bạn có bao giờ tự hỏi: „ Trong đời sẽ còn bao nhiêu lần ta đến và ta sẽ bỏ đi ? „


Lúa 9
#5 Posted : Tuesday, September 23, 2008 6:32:19 AM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0


Đêm nay lắng nghe ngoài hiên gió rì rào thổi, hồi chuông vọng về xa xa trong cõi mù khơi. Bất giác nhìn quanh căn phòng, chỉ còn mình tôi ngồi nơi bàn viết cô đơn. Ngọn đèn chỉ soi sáng một khoảnh nhỏ, tôi chợt giật mình như vừa bước ra khỏi chiêm bao.

Rời bàn viết tôi khẽ bước vào phòng ngủ, nhà tôi đang say giấc, hơi thở anh lớn nhưng đều đặn, nghiêng người tôi ngắm mặt chồng mình kỹ hơn, hành động này ngày thường không bao giờ tôi làm. May mắn thay hạnh phúc của mình vẫn còn đây, vậy mà lắm lúc tôi tưởng nó đã bỏ tôi mà đi.

Bước sang phòng bên cạnh, hai con chim non của tôi đang say ngủ, cuộn mình trong chăn, một con gái một con trai, mỗi đứa nằm một kiểu, trông dễ yêu làm sao ! Khẽ đóng cửa phòng con lại, tôi nhắm mắt hình dung, ước gì cái hạnh phúc này sẽ mãi mãi nằm trong tầm tay mình. Tôi hít vào một hơi thật dài nhận thức niềm vui vừa tìm thấy, vậy mà lắm lúc tôi nỡ nào hoang phí, cho đó là gánh nặng ưu phiền từng cản trở bước chân tôi.

Nhận thức thấy hạnh phúc lại lo sợ nó sẽ bỏ tôi mà đi, niềm vui thì qua lúc nào cũng nhanh hơn lòng ta mong muốn.

Sáng hôm sau thức dậy bước đến cạnh cửa sổ nhìn ra vườn, mưa đêm qua còn đọng lại trên nhánh cây bên khung cửa sổ nhiều hạt sương long lanh, nhớ khi xưa còn nhỏ, mơ mộng tôi đã lặng người ngắm những hạt kim cương ấy, mong cho nắng đừng đi ngang qua để tôi còn hoài những hạt kim cương cất giữ trong túi áo. Nhưng hôm nay xuyên qua hạt sương trong vắt tôi nhìn thấy tôi rõ hơn, tôi nay già dặn. Thì ra tôi đã quên đếm ngày vui đã qua mà không hay biết, ngước mắt nhìn lên ngọn thông cao chót vót tôi thấy vài con chim đang nhắm hướng bay cho mình. Mặt trời chầm chậm nhô qua khỏi rừng thông, ánh sáng tràn về với vũ trụ, màn đêm rủ áo bỏ đi,
một ngày mới về, nắng sẽ làm tan giọt sương trên cỏ, nắng sẽ làm lòng tôi ấm áp.

Tạ ơn người. Tạ ơn đời đã ban cho tôi cảm xúc khi viết những dòng này, dù có xa nhau nơi chân trời góc bể, nhưng tâm hồn tôi không bao giờ thấy cô đơn.

Neufgrange, ngày 18.01.1999
Lúa 9
#6 Posted : Saturday, October 4, 2008 4:42:59 AM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0

Xây nhà Việt nam


Nhìn thấy Khánh-Quyên con gái đầu lòng của chúng tôi đang chơi say mê với mấy con búp bê Barbie, cô bạn gái của Quyên hôm nay cũng có mặt. Astrid hay đến chơi chung sau giờ cơm trưa. Kh. Quyên mải mê chải mái tóc vàng óng mượt của con Barbie bằng cái lượt màu tim tím bé xinh xinh, còn Astrid đang thay áo đầm cho các con Barbies khác nào đủ các loại: mũ đội đầu cùng màu áo, nào là ví xách tay, nào là dù hoa che có kết kim tuyến lấp lánh. Mấy cô Barbies này thật hạnh phúc, lúc nào cũng được bao nhiêu người tưng tiu lo lắng, nấu cơm cho ăn, thay áo, cho đi ngủ, cho nghe music, nhiều khi mấy cô búp bê này còn được cưởi một con ngựa tuyệt đẹp với bộ lông óng mượt như mái tóc của Barbie. „ Trẻ con ở ngoại quốc này thật là sung sướng !“; tự dưng tôi buộc miệng nói ra như thế, tôi không thể dấu trong lòng những gì mình nghĩ.

Thấy con mình hay có bạn gái đến chơi chung tôi cũng mừng cho nó nhưng trong lòng tôi cứ bị xung kích liên miên: thử hỏi sáng Quyên đi học ở trường, tan học về là cả ba mẹ con cùng ngồi ăn cơm trưa, CơmÁo buổi trưa không về vì sở làm khá xa nhà, thành thử ở nhà quán xuyến chăn con cái khi chúng còn nhỏ là nhiệm vụ của tôi. Thường sau cơm trưa Quyên hay ngồi vào bàn ngay làm bài tập, tôi cũng ngồi đấy theo dõi Quyên làm bài, thỉnh thoảng cô nàng „ bí „ thì tôi giúp nó tý xíu thôi chứ bài vở lớp một cũng chẳng khó khăn gì đối với đứa bé 7 tuổi như Quyên.

Kh. Quyên vừa làm bài ở trường xong thì Astrid đến nhấn chuông xin vào chơi. Astrid là bạn gái cùng lớp lại thân nhất của Quyên, lại ở gần nhà, thật khó mà lựa cớ này nọ để đuổi nó về lát nữa hãy tới, mục đích của tôi là chỉ muốn Quyên làm bài vở ở trường xong thì mẹ con sẽ bắt tay ngay vào lớp Việt ngữ, như mẹ con tôi đã từng hứa với nhau như thế. Quyên học tiếng Việt nay gần hơn nửa năm rồi, đã đánh vần được sơ sơ và quen hết các mẫu tự, nhưng từ khi vào trường Đức đến nay thì chương trình của chúng tôi bị gián đoạn luôn.

Quyên có thêm nhiều bạn bè Đức cùng lớp tiểu học, hay hẹn tới nhà nhau chơi vào buổi trưa, nay nhà đứa này mai nhà đứa khác, tôi không thể nào gò bó con mình ngồi ở bàn để „gạo„ bài mãi được. Nhưng tiếng Đức có câu: „ Entweder jetzt oder nie ! “ ( Một là bây giờ, hai là không ). Tại vì chương trình ở trường đối với con trẻ ngày càng nhiều đòi hỏi, càng lên lớp cao bài càng khó, nên tôi thiết nghĩ bắt đầu vở lòng cho các cháu từ lớp một là thời gian lý tưởng để con em mình học tiếng Việt.

Có lần Quyên đã hứa với mẹ là sẽ chăm học tiếng Việt để viết thư về Việt nam cho ông bà ngoại và các cậu dì. Nghe con trẻ thỏ thẻ ngây thơ tôi thấy cảm động làm sao ! Vì thế thấy Quyên có bạn đến nhà rủ đi chơi tôi đều nhìn nó ngầm hỏi: « Còn bài học tiếng Việt của con thì sao hở Quyên ? » và tôi nghĩ rằng Quyên cũng hiểu ý của mẹ nó.

Có phải tôi đòi hỏi quá nhiều đối với sự non nớt của các con tôi ? Có phải tôi đã đặt một hy vọng hão huyền là mai kia với kiến thức tiếng Việt đó các con tôi sẽ phục vụ được gì cho đất nước Việt nam tang tóc ? Tôi đã giao hẳn nhiệm vụ cho Quyên nếu như về sau cha mẹ bận rộn công ăn việc làm thì Quyên sẽ tiếp tục dạy dỗ em mình, đó là cậu Duy-Quang. Tôi lợi dụng thời gian quý báu đang lúc ở nhà trông con để làm nghề gieo hạt giống Việt ở đất người này.
Có lần nhận thư Việt nam, nhớ nhà nên tôi khóc, hai đứa nhỏ chạy lại ôm cổ mẹ hỏi lăng xăng:
- Mẹ ơi sao mẹ khóc vậy mẹ ?
Tôi lau nước mắt gượng cười, nói:
- Tại mẹ nhớ ông bà ngoại, nhớ Việt nam nên Mẹ khóc.

Trong thâm tâm tôi nhiều khi lóe lên một niềm hy vọng là ngày nào đó thanh bình, người người kéo nhau về quê sum vầy, trong làn sóng đó có vợ chồng chúng tôi. Không hiểu là lúc đó Khánh-Quyên và Duy-Quang sẽ được bao nhiêu tuổi ? còn ngây thơ, mười ba mười bốn hay đang tuổi trưởng thành, đang học nghề hay đang ngồi đại học…. ?? Nhiều nghi vấn cứ quay tít trong đầu tôi, tất cả chỉ lệ thuộc vào sự thay đổi nhanh hay chậm của chính quyền Việt nam hiện tại.

Chính tôi cũng không dám nghĩ tới lúc đó, vì có thể chúng tôi phải xa rời con trẻ, hy sinh để chúng ở lại ngoại quốc tiếp tục con đường sự nghiệp đang tạo dựng, còn người lớn chúng tôi xách gói lên đường về ngửi mùi đất quê hương. Con trẻ lại trở thành “ con mồ côi “ như chúng tôi bây giờ ( nói riêng ) nhưng nói chung thì cho cả triệu người có cùng hòan cảnh như chúng tôi. Vượt biển ra xứ người từ đó gia đình ly tán, con mất cha vợ mất chồng.

Ra đi là đồng nghĩa với một sự mất mát. Tôi không muốn tương lai con mình bị gãy đổ khi một hai bắt buộc chúng phải theo mình về lại Việt nam, nếu một mai đất nước thanh bình, còn nếu cha mẹ về để các con ở lại tự lập thì sao ? Lúc đó chẳng khác nào số phần người Việt cứ tiếp tục chia ly - cha mẹ xa rời con trẻ. Thật là khó nghĩ !

Các con ơi, mẹ không muốn phó hết cho số mệnh, cuộc đời mình ta phải tự tay lèo lái, các con là niềm vui duy nhất mà mẹ có. Mẹ vừa làm Mẹ vừa làm Con. Con hiếu thảo nào đành rời xa gối mẹ, nhưng trước khi ra đi mẹ đã nghĩ đến một tương lai mai hậu mà đã mang tiếng bất hiếu, mẹ sẽ giáo dục các con thế nào cho phải đạo bây giờ ?

Có lần tôi dò hỏi hai đứa nhỏ:

- Hai đứa nè, một mai nếu ba mẹ về Việt nam xây nhà ở, hai đứa có muốn theo ba mẹ hay muốn ở lại bên này ?

Tôi dừng lại nhìn vào bốn mắt to đen láy của chúng đang nhìn mẹ dò hỏi, tôi nói tiếp:

- Mẹ nói trước đất nước mình còn nghèo lắm à chứ không phải đầy đủ tiện nghi như bên này muốn gì có đó đâu nghen…

Anh út Duy-Quang lúc này mới có bốn tuổi, ngây thơ chu mỏ nói mau giọng ngọng ngịu:

- Mẹ ơi, « Duy Cang « theo mẹ chứ.

Quyên thì hiểu mẹ hơn, cô nàng im lặng giây lát rồi nói:

- Mẹ hay kể là nhà ông bà ngoại ngày xưa vui lắm, có nhiều ruộng đất, có nhiều cây ăn trái, có con sông dắt tới tận sau nhà, có nhiều thú nuôi trong sân, như vậy Quyên thích ở Việt nam hơn bên này đấy mẹ.

Tôi lại đặt câu hỏi tiếp:

- Rồi mấy đứa không nhớ Opa, Oma ( hai ông bà người Đức xem chúng tôi như con, hay an ủi và chia xẻ hòan cảnh tỵ nạn của chúng tôi nơi xứ người ), hay là những đứa bạn Đức của tụi con sao ?

Khánh-Quyên nhanh miệng nói:

- Không sao, ở đâu Quyên cũng có bạn mới được mà mẹ, đâu cần gì phải bạn Đức, mẹ đừng có lo.

Tự dưng anh Duy-Cang hốt hoảng ra mặt trố mắt hỏi:

- Ủa mẹ ơi, vậy là Duy-Cang không bao giờ gặp thằng Max nữa sao mẹ ??

Max là thằng bé tóc đỏ trong vườn trẻ chơi thân với Quang lắm. Nghe phát biểu ngây thơ của con tôi mắc cười vui vui, thấy chúng nó vô tư kể lể miệng thì hỏi mắt tròn vo nhìn tôi để cố gắng hiểu được tư tưởng của mẹ chúng.

Các con ơi ! Các con có biết là đất nước mình còn đầy dẫy những khó khăn ngay cả bây giờ và cho đến khi mọi người Việt ly hương về lại Việt Nam sum họp, cùng tạo dựng lại mái nhà đổ nát, lúc đầu sau cuộc chiến bao giờ cũng đầy khó khăn gian khổ.

Việt nam như một hố bom sâu thăm thẳm, một cái lổ hổng mà mọi người Việt Nam phải có trách nhiệm lấp đầy để xây dựng về sau những tòa cao ốc sừng sững, những nhà máy kỷ nghệ quy mô, máy dệt, máy chế tạo cao su, máy cày ruộng rẫy chạy dòn tai ngoài đồng.
Miền Nam màu mỡ đồng cỏ xanh rì nuôi bò dê lấy sữa…Nào là hãng sản xuất xe hơi, hãng chế tạo máy đuôi tôm vì đất nước mình nhiều sông rạch cần thuyền bè. Cơ sở xây cất bệnh viện, cơ sở dạy nghề chuyên môn cho kẻ sống lây lất lề đường, bệnh tật hiểm nghèo do thời cuộc đẩy đưa. Mở một hệ thống đường xá văn minh, hệ thống thoát nước tối tân thay vào một giòng sông Sài Gòn đen ngòm trông kinh tởm….

Ra xứ người để nhìn thấy cái hay của người mà thèm mà mơ ước, không biết đến bao giờ đất mẹ thương yêu của tôi sẽ ngước mắt lên nhìn đời, dang rộng vòng tay đón các con yêu nước thương nòi về cùng xây dựng tổ quốc, ngừng lại thôi không tranh cãi nhau nữa..

Tôi thiết nghĩ nếu thế hệ chúng tôi không còn kịp đóng góp gì nữa cho đất nước, cho đồng bào ruột thịt, về sau hơi tàn sức cạn, tuổi sản xuất đã qua, chi bằng ngay lúc này chúng tôi “ đầu tư “ cho tụi nhỏ một thứ tiếng mẹ đẻ, tức là Đọc và Viết được tiếng Việt để về sau chúng không có cảm giác là người ngoại quốc trên nước nhà.

Mẹ đặt hy vọng thật nhiều vào những mầm non của mẹ, những thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại. Nhìn ánh mắt ngây thơ vô tư và hai bàn tay bé nhỏ của chúng mà tôi tội nghiệp cho chúng. Tôi quàng tay ôm hai con vào lòng mắt trào lệ. Có phải chăng mơ ước xa vời của mẹ là một đòi hỏi lớn lao đối với mầm non của thế hệ mai sau ? Thanh thiếu niên Việt Nam bây giờ là tương lai huy hoàng rực rỡ cho nước Việt mai hậu.

Có phải tôi đã đặt một công tác quá nặng nề lên vai các con trẻ ? Các con các cháu có thực hiện được công tác của mẹ Việt nam giao phó hay không cũng tùy thụôc vào sự dạy dỗ của bậc làm cha mẹ.

Mặc dù nói thế chứ tôi cũng tin chắc rằng cái lo lắng đó bằng thừa, vì chuyện xây nhà Việt Nam là tiếng gọi thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt tại hải ngoại. Nó réo gọi ám ảnh con người ta trong từng giấc ngủ, từng hơi thở, ngay lúc ăn, lúc viết…

Tiếng gọi thiêng liêng đó tạo cho chúng ta một sức mạnh phi thường đạp lên mọi chông gai. Hoàn cảnh của tôi là phải thắng cái khó khăn trước mắt là truyền đạt được cho hai con mình Đọc và Viết được tiếng Việt.

Chưa chi tôi cũng thấy đó là một viên gạch nhỏ trong việc thực hiện xây nhà Việt nam mai sau vậy.


Võ thị Trúc Giang - Lúa 9
Báo Viên Giác - Đức quốc 1991
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.