Tôi nhớ lại ngày ở Việt Nam, trời lúc nào cũng sáng, mặt trời chiếu soi xuống những ngôi nhà tranh mái lá đơn sơ. Hồi còn ấu thơ tôi thường thích ngắm những con bướm vàng bay bay trong sân nhà mình, rồi trong buổi sáng đầu mùa thu ngọn gió heo may thổi lướt ngang qua mặt, tôi đã đứng thật sự đấy trong khu vườn nhà mình ngửi thấy mùi xoài chín, tôi cũng còn nhớ rất rõ mình run rẩy mỗi khi phải băng ngang cây cầu tre nhỏ xíu.
Nhớ một buổi tối nào đó trong xa xưa, mẹ tôi gọi chúng tôi vào ăn cơm tối, quần áo chúng tôi dơ bẩn vì lội ngoài ruộng rong chơi cả ngày sau giờ tan học ở trường, mẹ bảo chúng tôi phải ra bờ sông sau nhà tắm rửa cho sạch, màn đêm phủ xuống xóm làng thật nhanh và sau đó vầng trăng rằm đã treo lơ lững khuất sau nhánh lá dừa.
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi có nuôi cho mình một giấc mơ, một mai lớn lên tôi thích trở thành nhà văn và sẽ lấy bút hiệu là Trúc Giang, tên giòng sông chảy qua quê tôi ở Bến Tre, một nhánh của châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Bạn thắc mắc tại sao giòng sông đóng vai trò quan trọng trong đời tôi chứ gì ? Có phải giòng sông là nhân chứng sống còn ở lại bến cũ, chứng nhân cho tất cả mọi sự việc xảy ra trong thời gian chiến tranh khốc lửa trên quê hương tôi ? Lấy tên giòng sông để thấy tâm hồn lúc nào cũng dào dạt như một giòng sông, quê hương đã trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm rồi mà giòng sông vẫn chảy, hứng chịu, ngậm ngùi với đau thương đổi vời của dân tộc, của bom nổ đạn rơi và giòng sông vẫn tháng ngày mang phù sa đi vá lấp.
Nay lớn lên tôi có cơ hội viết văn như đã từng mơ ước, bút hiệu của tôi là tên giòng sông quê hương, mỗi khi tôi ngồi nơi bàn giấy, tôi có cảm tưởng như kỷ niệm xưa tràn về như một giòng sông và tôi bơi trong ấy mát rười rượi.
Dù cuộc sống đời thường chi phối tâm tư tôi rất nhiều, nhưng tôi nghĩ tôi phải thật cố gắng dùng thì giờ dịch những cuốn sách của mình sang Đức ngữ. Mơ ước của tôi là qua những tâm tình trang trải theo chiều dài lịch sử, hy vọng người đọc hiểu được lòng hoài hương của người xa quê như chúng tôi, nhớ về một nơi mà chúng ta đã bỏ đi và hy vọng ngày trở lại.
Chuyện đã xảy ra từ bao lâu rồi sao thấy như mới ngày hôm qua đây thôi, những kinh nghiệm sống, những lo âu, bao nhiêu khuôn mặt người đời ta đã từng đối diện, gặp gỡ, họ đã chia sẻ cùng ta trong từng đoạn đường ta đi qua ? Tất cả, tất cả đã trở thành chất liệu bị lôi kéo kiệu hồn về trong tập Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn này, những hình ảnh đó sẽ cưu mang theo suốt quảng đời còn lại của tôi, khó có thể nào quên được.
Chúng ta có thể sống được nếu không có tình yêu ? Các bạn có bao giờ nghĩ rằng đã bao nhiêu lần trong đời chúng ta đã bỏ nơi này để dọn về chỗ khác để bắt đầu lại từ đầu không ? Các bạn đã đọc quyển này, khi gấp quyển sách lại, có lẽ bạn tự hỏi mình: „ Trong đời sẽ còn bao nhiêu lần ta đến và sẽ bỏ đi nhỉ ? „
Chiến tranh Nam Bắc Việt nam chấm dứt vào ngày 30.04.1975, ba năm sau cuộc đổi đời tôi còn được nhận vào học sư phạm Mỹ Tho, rồi một ngày tôi ngỡ ngàng đứng trước một sự lựa chọn nên Đi hay Ở ! Trong đời tôi chưa từng có tư tưởng bỏ đất nước mà đi, chưa từng có tư tưởng sống một nơi không còn gần mẹ nữa. Hốt hoãng thật sự trước tình huống lựa chọn ấy, ai lo cho đời ta ngoài chính ta khi vào tuổi trưởng thành ?! Tương lai có phải do mình quyết định lấy ? Tôi nhớ mẹ nhìn tôi buồn nói khẽ „ Ở lại đi con đừng đi ! “, nhưng tiềm thức lại thôi thúc tôi: „ Con đường tốt nhất là ra đi. Đi tìm một đất nước chuộng tự do dân chủ mà sống, nơi đó ta có thể giúp gia đình thực tiễn hơn ra khỏi cảnh bần cùn hiện nay. Hãy ra đi ! “
Vì suy nghĩ thế nên tôi âm thầm cùng với những người Việt nam khác ra đi không một lời từ giã mẹ, trong khi mẹ tôi ngồi trên võng cách tôi bằng tầm tay với, tay bà phất phơ quạt muỗi cho tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy ánh mắt mẹ tôi buồn như ngày hôm ấy, tôi nghĩ mẹ đọc được tư tưởng tôi, bà sắp mất tôi thật sự.
Tôi chỉ muốn xà vào lòng mẹ mà khóc, và nói “ mẹ ơi, con yêu mẹ, con không bao giờ muốn xa mẹ „. Nhưng lý trí tôi thúc dục „ đừng khóc ! „ thế là tôi lén mẹ ôm theo vài chiếc áo ra đi, chừng như tôi trở về trường sư phạm cho mẹ khỏi nghi ngờ. Kể từ ngày đó tại cầu Cái Cối ngay thị xã Bến Tre tôi cùng với 57 người khác vượt biển khơi, đâm đầu vào cái Chết để tìm sự Sống.
Các bạn khó có thể tưởng tượng được giữa đại dương mênh mông, một chiếc thuyền gỗ nhỏ, cơn sóng to ập vào ngập nước, đàn bà sợ sệt lo âu, trẻ con loi ngoi ướt sủng kêu khóc, trong khi những người đàn ông cố gắng hết sức mình múc tát nước đổ ngược lại xuống biển, sóng lại đổ vào, họ cố chiến đấu gian khổ trước cơn nguy như thế, mọi người mệt lã đuối sức. Sóng đẩy chiếc thuyền con lên trên cao ngọn sóng, nhấn nó xuống vực sâu, chiếc ghe được đưa lên xuống như một chiếc võng đu đưa, qua lại chòng chành chóng mặt, người ta ói mửa té xỉu.
Tất cả như tối sầm lại, ngọn sóng lại ập tới, chiếc thuyền gỗ gần lật úp lại tưởng đâu sẽ chìm xuống đáy biển, trời tối sầm, quanh chỉ còn là nước biển, khi đó tôi không còn chút hy vọng nào nữa dù mong manh, nhắm mắt lại tôi khẽ nói với mẹ: “ Con vĩnh biệt mẹ cha “ . Tiếng trẻ con gào thét kêu mẹ, phụ nữ bám vào thành gỗ cố ôm con mình chặt trong tay cầu cứu, đàn ông cố chống đỡ với sức tàn còn lại của mình. Lúc này không còn gì nữa ngoài sức mạnh và niềm tin vào Thượng đế, tôi đã thực sự trải qua cảnh hãi hùng ấy cùng số phận với bao thuyền nhân khác trên đường hành trình tìm tự do vào thập niên 70.
Trên ghe tôi gồm cả thảy 57 người chen chúc nhau, đàn ông khỏe mạnh thì đi trên bong tàu, đàn bà con nít thì chui dưới gầm ghe hôi mùi dầu, thêm mùi nôn ẹo càng mắc ói thêm, nhưng trong dạ dày tôi trống rỗng không một miếng cơm đã 3 ngày qua, chúng tôi chia nhau từng ngụm nước ngọt ngào. Ba ngày đầu bị say sóng tôi chẳng biết mình đã tới đâu đi đâu đang làm gì, khi tĩnh lại thấy quanh mình mặt biển xanh rờn, xa xa chỉ là mặt biển không bờ bến, chợt biết mình đã bỏ mẹ cha ở Việt nam thực sự mà đi rất xa, tôi bắt đầu âm thầm khóc nức nở, giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má tôi lạnh ngắt vì không có lúc nào người tôi khô ráo cả, lạnh run.
Ngồi đây đôi khi nhớ lại ngày cuối cùng trước khi bước xuống ghe ra đi, đó là một buổi sáng mùa thu lành lạnh, người dân chuẩn bị nhóm họp ngoài chợ Bến Tre, mấy tàu lá dừa, lá cau múa may nhè nhẹ trong gió. Tôi nhìn xuống đất cắm cúi đi thẳng chẳng dám chào ai sợ người ta biết mình sắp vượt biên. Ngày dần sáng hơn, ngay đầu cầu Cái Cối quen thuộc ấy, kẻ thì đẩy xe, người thì gánh bưng chào hỏi xôn xao. Tôi còn nhớ rất rõ tiếng chuông nhà thờ của trường trung học công gióa Tân Dân đổ dài réo gọi, trường nằm ngay mé sông mà khi ghe chúng tôi đi ngang trường thân yêu tôi nào dám ngó lại, trong ghe khi ấy chỉ là sự hồi hộp lo âu, cầu mong mình đi thoát, mắt tôi ráo hoảnh, tôi chưa khóc.
Hiện nay khi hồi tưởng lại thời gian cũ, nằm trong ký ức của tôi chỉ còn lại những mảnh rời rạc như thế, nhiều khi muốn viết phải đi thu lượm đây một chút kia một chút.
Tôi có hai anh theo cùng trên chuyến ghe tỵ nạn đó, hai anh lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ cho em gái khi có nguy biến xảy ra. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển cả, chiến đấu với sống và chết, ghe chúng tôi may mắn tấp vào đảo dành cho Boatpeople Việt nam tại Mã Lai Á. Chúng tôi la hét mừng rỡ khi lần đầu tiên nghe lại tiếng nói của loài người: „ Chúng tôi là người của phái đoàn LHQ, xin quý vị đừng sợ hãi, xin chạy theo sau ghe chúng tôi „. Thì ra đó là ghe của ban đại diện trại tỵ nạn Pulau Tegah ra đón thuyền nhân như chúng tôi, còn lang thang ngoài biển chưa biết số phận sẽ về đâu.
Nay nhiều khi tôi nhìn lại tôi thấy chuyến đi giống như một cuộc mạo hiểm ly kỳ thích thú, mặc dù khi ấy trong lòng chúng tôi hoang mang lo sợ trước cái chết. Nơi trại tỵ nạn tôi được dịp làm quen với những thuyền nhân khác đến trại Pulau Tegah trước và sau tôi, tất cả những thuyền nhân đều có cùng một tâm trạng là: Gia đình mình sẽ bị liên lụy khi họ phát giác thân nhân đã dùng tàu đánh cá vượt biển đi ....Người nào bỏ nước ra đi là mang tội phản quốc, ôi chao ôi gia đình còn lại sẽ bị liên lụy, bị tịch thu nhà cửa đất đai ư ? còn thân phận chúng tôi ? quốc gia nào sẽ nhận những thuyền nhân chúng tôi đây ? Cuộc sống tương lai ta sẽ ra sao nhỉ ? Tôi nguyện sẽ cố gắng học thành tài cho ba mẹ tôi bằng lòng vui vẻ vì tôi, bỏ công tôi đã vượt biển ra đi như thế này. Nhiều câu hỏi hoang mang lẩn quẩn trong đầu khi đứng trước một tương lai không định trước.
Nơi đầu cầu cũng là nơi người ta đến và cũng là nơi tiễn người ta đi, thuyền nhân được nhận vào định cư tại Canada, Đan mạch, Úc, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Ý, Áo ...Nghiã là từ khi có làn sóng thuyền nhân thì trên thế giới không nơi nào mà không có bóng người Việt tỵ nạn.
Tôi và hai anh sống trên đảo tỵ nạn Mã Lai khoảng sáu tháng rồi chúng tôi được phái đoàn Danmark nhận, lý do vì chị lớn và anh rể tôi trước kia đã được tàu Đan mạch đón, nên phải đi ĐanMạch, mặc dù anh tôi rất thích sang Mỹ. Mỗi khi từ giã người mới quen ra đi ngay đầu cầu, tôi đều khóc, chia tay nghĩa là không bao giờ gặp lại.
Tôi chỉ sống mỗi ba năm tại thủ đô Copenhagen. Ba năm thật ngắn ngủi để tìm hiểu về văn hóa lịch sử của nước đó. Sau khi tốt nghiệp trường cán sự phòng thí nghiệm, lần nữa trong đời tôi phải đứng trước một câu hỏi Đi hay Ở ?! Sự chọn lựa nào tốt nhất cho đời tôi đây ? Trong thời gian này tôi làm quen được một anh sinh viên Việt nam vừa ra trường nghành điện tử tại Tây Đức, và anh lên tiếng cầu hôn tôi. Tôi có nên theo chồng về Tây Đức hay ở lại với gia đình, bạn bè tại Bắc âu và chung thủy chờ người yêu xưa gặp lại ?
Anh hồi trước sang Tây Đức du học sau cuộc đổi đời anh kẹt ở lại, sau khi tôi tốt nghiệp chúng tôi lấy nhau. Cái lấn cấn giữa Đi hay Ở, lấy chồng hay chờ người yêu cũ hiện đang định cư tại Hoa kỳ, bao câu hỏi dồn dập trong tâm tư cô gái trẻ như tôi thời ấy, cuối cùng người quyết định cho đời mình vẫn là mình ! Lần này thì không phải là chèo ghe nữa rồi, lần này tôi bước lên xe hoa và dùng xe lửa dọn nhà sang sum họp cùng chồng tại Tây đức, lần nữa tôi lại bỏ nơi này đi về một nơi khác mà làm lại từ đầu, vừa học xong Đan ngữ vội bỏ đi để học thêm thêm một ngôn ngữ mới Đức ngữ, bỏ một người yêu cũ đi lấy một người kỷ sư có công ăn việc làm vững chắc để bảo đảm tấm thân.
Không một ai ép buộc tôi giữa Ra Đi hay Ở Lại, không một người nào nhìn thấy tôi khóc, tôi vẫn thầm tự dặn mình „ Hãy can đảm lên ! „ mỗi khi rút về phòng một mình mình cô đơn xâm chiếm, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ người yêu xưa, thế là tôi ôm mặt khóc nức nở ! Mục đích ra đi là phải hướng về phía trước đừng vọng về quá khứ, đừng than van, lo học thành tài, tuy nhiên thực hành bao giờ cũng khó khăn như thế.
Tôi đã nhiều lần tự vấn mình, bao nhiêu người trong đời mình đã gặp gỡ quen biết, bao nhiêu lần dọn từ nhà này sang ngôi nhà khác, ta phải mất bao lâu để tìm ra người bạn mới có thể tin tưởng thân thiết trao đổi khi buồn ?
Các bạn có cảm thấy cô đơn như tôi không khi ta lạc lõng nơi xứ người không có ai tâm sự ?
26 năm về trước tôi đến Đức ( 1981-2007) hiện nay đang ngụ tại Neufgrange, một làng nhỏ bên Pháp sát biên giới Đức. Ông Emminghaus, chủ tịch hội Hồng Thập Tự Lebach, đã ngạc nhiên hỏi tôi:
- Vì nguyên nhân nào mà bà lại dọn nhà sang Pháp ở, cho tôi biết được không ?
Sau vài giây suy nghĩ tôi trả lời ông:
- Chính vì tôi muốn yêu thương người Đức trở lại, mà tôi phải sống xa họ !
Là một người ngoại quốc sống trên đất nước Đức, lúc nào tôi cũng có cái cảm giác là không được thừa nhận trên quê hương thứ hai mình ở, cho nên tôi dọn đi ra, mặc dù trong lòng tôi không bao giờ muốn bỏ nơi này đi rồi đến nơi khác làm lại từ đầu. Mỗi lần như thế tôi hao mòn thêm một tuổi nhớ.
Nhưng phải nói là khoảng cách đã giúp chúng tôi về gần với nhau hơn, nước Đức không còn nằm xa xôi trong lòng tôi nữa. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tin tưởng rằng, mỗi một người trong chúng ta khi vì hoàn cảnh nào đó phải xa quê hương sống nơi xứ lạ, một khi họ không tìm được bình yên cho tâm hồn họ thì họ cũng không thể nào có trái tim tình yêu dành cho đất nước họ đang sống.
Là một nhà tâm lý học lại là chủ tịch hội HTT trại tỵ nạn Lebach như ông Emminghaus, khi nghe câu trả lời của tôi ông nói:
- Ồ ! Bà có ghi câu này vào sách của bà không, phải ghi nó vào nhé !
- Tại sao ông thích tôi ghi câu này vào ?