Như tôi ngày đó, đã bước chân ra khỏi cái văn phòng mà nhiều người đã bảo là một chỗ dừng chân lý tưởng. Tôi đã dấn thân trên đường thiên lý. Hôm đi phỏng vấn, tôi chỉ đi, về có một lần, tôi không có dịp để thử đi lại con đường đó lần thứ hai trước khi tôi nhận lời thuyên chuyển. Nhận lời về văn phòng mới rồi, mỗi ngày tôi phải đi về một đọan đường dài đúng sáu mươi dặm, hai tiếng đồng hồ trên xa lộ, xe cộ dập dìu làm tôi chóang váng.
Ngày tôi nhận việc mới, trời mưa tầm tã. Cơn bão El Nino tưởng đã qua mà vẫn kéo dài không dứt. Đêm chúa nhật trước ngày đầu tiên đi làm ở sở mới, nghe xướng ngôn viên đài truyền hình tường trình bản báo cáo tiên đóan thời tiết của tuần lễ sắp tới với ảnh hưởng của cơn bão còn sót lại mà tôi ngán ngẫm.
Cùng ngày tôi đi làm chỗ mới, Thảo phải đưa Gà Tồ vào nhà thương mổ khẩn cấp vì cái móng chân ngón cái mọc ngược giữa đường làm độc. Gà Tồ đau ngón chân cái cả hai tuần lễ mà cũng không hở môi than van. Thằng con trai lớn của tôi nghĩ là mình lớn rồi, có thể lo liệu lấy nên lúc nào đau, nó chỉ lấy Neosporin bôi vào cho đỡ đau rồi bình thản đi học. Cho đến khi ngón chân sưng tấy lên đến cái độ không xỏ chân vào giầy được thì nó mới xít xoa - dẫn con đi bác sĩ. - Đi làm về nhìn thấy con đi cà nhắc với cái ngón chân vừa mổ tôi xót xa. Đã vậy, Gà Tồ phải đi bộ về nhà sau khi tan học mới là khổ, phải chi như những lúc trước, Thảo còn làm ở gần nhà thì Thảo đã có thể “dù” về để đón con rồi.
Hồi mới dọn về đây hai đứa con tôi còn nhỏ, nên việc đưa đón vào nhà trẻ cũng dễ dàng, vì cái vườn trẻ nằm cùng đường chúng tôi đi làm. Nhưng khi hai đứa con tôi đến tuổi đi học thì tôi và Thảo phải thay ca làm khác giờ nhau để có thể đưa đón con về mà không cần phải đưa con đi gửi. Thảo đi làm từ sáu giờ sáng, đến hai giờ rưỡi ra làm đón con là chạy thẳng về nhà. Còn tôi đi làm trễ, sau tám giờ, thả xong con xuống trường mới đi vào sở. Đến khi Thảo mất việc kỹ sư, đổi sang việc mới thì Thảo phải đi tận xuống Orange County làm. Thảo đi làm trễ, thường thì gần mười giờ mới ra khỏi nhà, vì công việc mới của Thảo đòi hỏi chàng phải ở lại đến bẩy, tám giờ tối, thế là tôi lại phải thay ca làm từ năm giờ rưỡi sáng để về sớm đón con.
Sau khi nhận việc đi làm ở Pasadena, tôi đã phải tìm người để đón Chuột Nhắt về vì tôi không thể đón con như trước nữa. Cũng may là Lily, mẹ của một đứa bạn trong lớp Chuột Nhắt, có một dịch vụ đưa đón, giữ trẻ trong vùng, đồng ý “nhét” thêm Chuột Nhắt vào cái xe van thương vụ của bà đã chật cứng với bảy đứa trẻ, cũng chỉ vì Chuột Nhắt nhỏ con, và là đứa trẻ đầu tiên bà có thể thả về nhà. Còn Gà Tồ, năm nay đã học lớp tám, nên nó bảo để nó đi bộ về với mấy đứa bạn cùng xóm.
Ngồi nhìn con chườm nước đá cái chân đau, tôi bảo:
- Gà Tồ nghỉ ở nhà nhé, qua mấy ngày mưa rồi hẵng đi học.
Gà Tồ lắc đầu:
- Math Club cần con vì con là một trong những main persons mà. Tụi con phải ráo riết tập cho hết những bài tóan khó bởi vì tháng sau tụi con phải qua Riverside County compete với những trường trung học ở mấy cái county khác rồi.
Tôi vớt vát:
- Hay là để mẹ nhờ Grace chở con về nhá? Hay là nhờ Lily sau khi đón Chuột về rồi đón luôn con? Con chỉ chịu khó ngồi ở trường chờ Lily chừng 10, 15 phút thôi.
Gà Tồ cương quyết từ chối:
- Con đi bộ được mà, mẹ đừng lo. Con chỉ cần lấy cái bao plastic bọc ngòai chiếc giầy cho khỏi ướt chân là được rồi. Cái xe của Lily đã chật cứng, đâu còn chỗ nào nữa cho con. Mà ngồi chờ Lily thêm mười lăm phút thì con đã đi về gần tới nhà. Con về một mình ok, mẹ đừng có phiền Grace làm gì.
Nói thì tôi nói vậy thôi, chứ tôi biết cũng không hy vọng gì để nhờ Grace đón con, mặc dù trước ngày tôi nhận việc mới, tôi đã hỏi Grace, người bạn đồng nghiệp tôi đã gặp và kết thân từ ngày tôi đổi về văn phòng này:
- Ly đi xa, mà Thảo lại làm không gần nhà, có chuyện gì cần nhờ Grace được không?
Người bạn Philipine dễ thương này đã mau mắn gật đầu:
- Được, Ly cứ yên tâm.
Nhưng Grace cũng có hai đứa con trạc tuổi Gà Tồ và Chuột Nhắt, trời mưa giông thế này, chạy hai trường đón hai đứa con cũng đã hết giờ, làm sao Grace còn thì giờ để đón con giùm tôi được!
Ngày thứ hai ở chức vụ mới, tôi ngồi đứng không yên. Ở trong phòng làm việc, nhìn ra ngòai trời mưa tầm tã, nghĩ đến con phải lội mưa về tôi muốn khóc. Tôi tự trách mình sao ham danh vọng để con phải chịu dãi dầu. Nếu giờ này tôi vẫn còn ở chỗ cũ thì tôi chỉ cần lấy vài chục phút nghỉ giải lao để chạy ào về đón con, thì Gà Tồ của tôi đâu phải lướt thướt dưới mưa!
Rồi còn cái vụ động đất nữa. Mấy hôm nay đài phát thanh, truyền hình cứ ra rả nói đến cái chuyện động đất “overdue” ở California. Họ bảo từ mấy chục năm nay rồi California chưa có xảy ra cái trận động đất nào to lớn hết, mà cứ theo tình hình diễn biến ở trên cái đường nứt San Andreas, thì sẽ có một cơn địa chấn có cường độ dữ dội tợn, lên đến hơn bảy, tám chấm Richter scale. Có nghĩa là họ đang chờ đợi trái đất rung chuyển mạnh, cưa cái tiểu bang California này tách ra làm đôi, đưa cả thành phố Los Angeles này ra giữa biển…Chao ôi, cứ nghĩ đến cái lúc quả đất lay động, các con tôi loay hoay ở một chỗ cách xa tôi những một tiếng đồng hồ là trái tim tôi như thắt lại.
Không dưng, tôi sợ cái tiếng reo ghê rợn của cái đồng hồ báo thức. Mở mắt ra nhìn thấy năm giờ sáng là tôi lại giựt mình. Nghĩ đến đọan đường dài ba mươi dặm là tôi lo lắng.
Tôi nằm mơ, tôi thấy một mình tôi mò mẫm trên đọan đường dài mưa tuôn tầm tã. Mưa xối xả đổ trắng nhạt nhòa khung kính xe, làm mờ mịt cả con lộ dài hun hút. Đèn pha chớp lòa giục giã phía sau xe tôi, những tiếng còi thúc inh ỏi hai bên tai tôi. Tôi cuống cuồng bẻ tay lái sang lane nhường lối, chiếc xe của tôi quá đà trượt quay lộn mấy vòng, rồi rơi tõm vào khõang đất trũng của khúc nối hai cái xa lộ. Tôi giật mình tỉnh giấc. Trời vẫn còn tối, tôi nhìn lên cái đồng hồ báo thức ở trên đầu tủ áo, kim đồng hồ chỉ đúng một giờ rưỡi sáng.
Tôi kéo chăn trùm lên đầu nhắm mắt lại. Tôi lại nằm mơ. Lần này tôi thấy mình đang đứng trên lầu ba của cái sở mới nơi tôi đang làm việc. Bỗng nhiên trái đất rung chuyển mạnh, tòa nhà đổ nghiêng, sụp xuống, đè những chiếc xe đang đậu trong sân bẹp dúm. Rồi tôi thấy tôi lóp ngóp chui ra từ tòa nhà đổ nát đó, lang thang, thất thểu giữa đường, lớn tiếng gọi con.
Cơn địa chấn nhỏ nhoi đánh thức tôi giậy giữa lúc tôi còn bàng hòang trong cơn mộng dữ. Tôi chòang dậy, chạy sang phòng con, yên tâm nhìn hai đứa con đang nằm ôm chăn say sưa ngủ.
Tôi bước nhẹ xuống nhà, bấm nút TV xem tin tức. Mới ba giờ sáng. Đài truyền hình đã nhanh chóng tường thuật về tình hình của cơn địa chấn nhẹ khỏang ba chấm rưỡi ở Riverside, một thành phố nhỏ cách nơi tôi ở khỏang ba mươi cây số. Cái rung chuyển nhẹ nhàng này không gây thiệt hại lớn nhỏ gì đến cái thành phố nó đã lay động vậy mà nó có một mãnh lực làm rung chuyển được tôi.
Tôi dội mưa đi làm đúng một tuần. Một tuần lễ trời sầu, đất thảm. Mưa suốt đêm, mưa kéo dài đến ban ngày. Mưa từ lúc tôi bước chân đi, mưa đến tận khi tôi bước chân về. Tôi trở về nhà, dật dờ như một cái thây ma. Một tuần lễ tôi sụt luôn năm kí, hậu quả của những ngày đi làm lo lắng, những buổi trưa ngồi nhìn mưa qua cửa kính, rầu rĩ không ăn uống được gì cả. Thảo nhìn tôi ái ngại:
- Em có nghĩ là em muốn tiếp tục công việc làm này không? Hay là về lại chỗ cũ đi.
Chưa lúc nào tôi thấy chồng tôi có một cái ý kiến hay hơn lúc này. Ngày hôm sau tôi xin về sớm một giờ, chạy thẳng đến văn phòng cũ tìm bà phó giám đốc, năn nỉ bà tìm cách giúp tôi trở về. Tôi không làm xếp nữa cũng không sao, tôi cũng không cần văn phòng nhân viên trả cho tôi cái số tiền lương sai biệt của những ngày tôi làm xếp. Tôi chỉ cần trở về lại chỗ làm cũ, thật nhanh chóng. Bà phó giám đốc cứ căn vặn tôi, hỏi tới hỏi lui tại sao bao nhiêu người muốn lên chức không được còn tôi thì lại muốn xuống chức. Tôi nói cho bà nghe những nỗi lo lắng trong long, nỗi sợ hãi con đường thiên lý. Bà nói:
- Tôi biết cái nỗi lòng này của mọi người khi phải đối diện với đổi thay. Ly cô đơn đấy thôi, bạn bè ở hết nơi này, một mình Ly ở một nơi chốn xa lạ. Rồi một thời gian sau Ly cũng sẽ quen đi. Rồi Ly sẽ có những người bạn mới. Cũng như tôi ngày xưa, khi thuyên chuyển từ đây lên Glendale, ra đi không hẳn là tự nguyện, cùng một chức vụ, mà tệ hại hơn là phải đi xa nhà gần một tiếng đồng hồ lái xe. Biết đường xa mà tôi vẫn nhận lời đi, bởi tôi muốn tìm cho mình một chân trời mới. Ở mãi một nơi sẽ không đi đến đâu. Thọat đầu thì tôi cũng buồn bã, lo âu vì đơn độc. Rổi tôi cũng vượt qua, và tôi đã trở về lại nơi này với một chức vụ cao hơn. Chịu khó một chút đi Ly, Ly sẽ không thấy phí công…mài sắt.
Nhưng mặc cho bà phó giám đốc muốn nói gì thì nói, tôi vẫn cương quyết lắc đầu, và nước mắt tôi bắt đầu rơi. Không đành nhìn bộ mặt thiểu não của tôi, bà chạy vào phòng ông giám đốc. Một lúc sau bà trở ra bảo với tôi:
- Tôi đã nói với ông giám đốc rồi, và ông đã bằng lòng cho Ly trở lại. Ngày mai ông sẽ gọi sang cho bà giám đốc bên Pasadena để xin thuyên chuyển Ly về. Hai người đã từng quen biết nhau thân thiết nên chắc sự hóan chuyển cũng chẳng khó khăn. Chỉ có một điều là hồ sơ cá nhân của Ly đã được gởi về văn phòng nhân viên để điều chỉnh giấy tờ cho chức vụ mới từ mấy tuần trước, bây giờ phải gọi lên trung ương để xin lại. Khi nào hồ sơ của Ly về đến đây rồi thì bên Pasadena mới có quyền bãi chức của Ly. Chịu khó làm việc đàng hòang cho đến khi thủ tục hóan chuyển nhân viên xong xuôi.
Một tuần sau đó tôi trở về nhiệm sở cũ. Tôi rũ áo từ quan để trở về với cái chức vụ cán sự xã hội tầm thường của mười mấy năm nay.
Ngày ký giấy trả tôi về với nhiệm sở cũ, bà phó giám đốc văn phòng Pasadena, xếp mới của tôi, đã nhìn tôi buồn rầu:
- Ly nhất định trở về thật sao, Ly có cần suy nghĩ lại không? Tài năng của Ly mà ngừng lại ở chức worker thôi thì uổng phí lắm. Ly có nghĩ là trong tương lai Ly có thể lên ngang hàng với chức vị của tôi không? Đâu có mấy người Việt Nam lên được đến chức vị này. Tôi thấy Ly có khả năng lắm đó. Ly ở lại đi, tôi sẽ hỗ trợ cho Ly để bà giám đốc đề nghị tên Ly vào cái danh sách deputy (phó giám đốc) đó. Ly sợ đường xa hả, tôi có thể giúp Ly tìm người đi carpool cho có bạn để Ly khỏi phải lái xe mỗi ngày. Khi Ly có việc khẩn cấp mà không có xe về thì chính tôi hoặc bà Joanne bên hành chánh sẽ đưa Ly về tận nhà. Hay là tôi cho Ly làm “flex time” nghe, Ly không lo phải đến sở đúng giờ, Ly không sợ vật lộn với giòng xe cộ đông đảo. Ly muốn đến giờ nào thì đến, miễn là đừng vào sau chín giờ sáng, miễn sao mỗi ngày Ly làm đủ tám tiếng đồng hồ là được rồi.
Tôi cúi xuống vân vê xấp giấy tờ trong tay. Làm sao giải thích với bà đây chứ? Hôm nào hăng hái nhận lời đi cũng là tôi, mà bây giờ hối hả xin về cũng là tôi. Tôi biết là bà đã dành cho tôi thật nhiều cảm tình nồng hậu dù chỉ gặp tôi mỗi có một lần hôm phỏng vấn. Tôi có nghe mấy người xếp cùng làm chung phòng với tôi nói lại, bà là người đã tranh đấu với bà giám đốc để dành chức vụ này cho tôi, khi bà giám đốc đòi xóa tên tôi và một ngừơi nữa ra khỏi cái danh sách những người được bà xếp tôi tuyển vào cái chức vụ “supervisor” ở văn phòng này chỉ vì chúng tôi ở xa quá. Tôi ở Chino Hills, còn người đó ở tận Gardena. Tôi còn được biết bà giám đốc đã bảo với bà xếp mới của tôi là không nên mướn những người ở xa văn phòng quá, bởi vì họ sẽ không ở lại với văn phòng lâu. Qua probation rồi, có cơ hội thì mấy người này cũng sẽ xin thuyên chuyển. Rồi văn phòng sẽ mất công tìm người khác để thay thế. Nhưng bà xếp mới của tôi đã năn nỉ bà giám đốc để xin giữ lại chỉ một cái tên tôi. Bà trấn an bà giám đốc là tôi sẽ không đến nỗi bỏ đi sớm như bà giám đốc đã lo ngại. Vậy mà bây giờ chưa bắt đầu vào việc mà tôi đã nhất quyết bỏ ngang rồi, thì chắc bà sẽ bị bà giám đốc khiển trách nặng nề ghê lắm. Thật tình thì một nửa tôi muốn đi, nhưng một nửa tôi cũng muốn ở lại. Tôi cũng ham danh vọng lắm chứ. Làm xếp mà, ngồi kiểm sóat thiên hạ làm việc cũng thấy oai ghê. Nhưng khi nghĩ đến con đường thiên lý tôi lại sờn lòng, thôi thì tôi đành phụ lòng ưu ái của bà.
Việc tôi trở về nhiệm sở cũ đã là một đề tài cho đám nhân viên cùng sở đàm tiếu. Họ thêu dệt đủ điều đủ chuyện về tôi. Có kẻ còn cho là tôi không được bình thường. Người bảo tôi thấy hồ sơ nhiều làm không xuể, thêm nhân viên dưới quyền lõi đời, cứng đầu, trị không được nên hỏang sợ. Người bảo tôi nhắm chắc không qua nổi probation nên dùng kế chạy trước cho chắc ăn, không thôi lại vừa mất chức mà còn phải làm việc xa nhà…Tôi cứ phe lờ bỏ hết những lời phê phán ngòai tai, với tôi, ngày hai buổi đi về với 15 phút lái xe một lần là cũng đủ… lãng quên đời.
Thỉnh thỏang đi ngang qua bàn tôi, bắt gặp tôi đang chống cằm lặng im nhìn ra ngòai khung cửa sổ, mắt đắm chìm vào một cõi xa xăm, Mai đã dậm chân, bứt tóc:
- Trời đất ơi, không ai như chị, đi làm xếp thì không chịu, cứ ngồi mãi một chỗ này ngắm nắng, nhìn mưa, thì làm sao mà lên được cái chức phó giám đốc, giám đốc đây!?
Còn bà Bảo thì gật gù:
- Thôi thế cô trở về cũng phải, chứ ai lại làm xếp mà cả ngày hồn cứ ở mãi trên mây.
Tôi có phải là người ở trên mây không tôi cũng không biết nữa, có một điều là tôi muốn có một cuộc sống thật bình thường. Tôi cũng đã có những ngày rất bon chen của mười hai năm về trước khi một thời kỳ tôi phải làm đến hai, ba công việc. Này nhé, ban ngày tôi đi làm công chức, đếm hồ sơ cho đến năm giờ chiều. Buổi tối, về lo cơm nước cho con xong rồi thì tôi lại đi chào hàng mỹ phẩm, tìm thêm người làm chung với tôi cho cái lọai bán hàng lối kim tự tháp, mong một ngày đẹp trời mình có thật nhiều người ở dưới tay mình thì mình khỏi phải làm cực khổ nữa, cứ ngồi chia lợi tức của người khác cũng có tiền. Mỗi năm, cứ từ tháng một đến tháng tư mùa khai thuế lợi tức cá nhân là tôi lại đi làm thêm hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Hết mùa thuế rồi thì tôi lại đi chào hàng mỹ phẩm cuối tuần. Thảo cũng bận túi bụi vì mấy năm nay sở Thảo trúng thầu liên miên, việc làm hòai không hết. Thảo phải tranh thủ đi làm cuối tuần để kịp hòan tất mấy cái project cho đúng ngày giờ nên Thảo cũng không ở nhà coi con được. Chỉ tội cho mấy đứa con tôi, một tuần bị đem đi baby sitter đúng bẩy ngày nên cũng mỏi mệt. Một buổi sáng chủ nhật, vừa sọan sách vở vào backpack để đem đến nhà người giữ trẻ ngồi học, mấy đứa con tôi vừa hỏi:
- Mình có thể nghỉ một ngày không mẹ?
Nhưng tôi đã tàn nhẫn quá, tôi chỉ nhìn con lắc đầu bảo đợi đến mùa hè. Làm sao tôi có thể giải thích cho con hiểu là tôi đang cần tiền, thật nhiều tiền. Tôi phải có nhiều tiền để nhanh chóng trả hai phần hụi chết và món tiền tôi đã mượn bố để down mua nhà. Và tôi cũng cần tiền để thỏa mãn cái tham vọng làm chủ điền, chủ địa, giàu có như anh chị Thảo, để không còn thua chị, kém anh…
Nhưng từ sau cái chết của bố, tôi chợt nghiệm ra lý lẽ của đời sống. Bon chen cho lắm thì cũng là con số không lúc nhắm mắt xuôi tay. Quần là, áo lụa cho lắm thì khi ra đi cũng chỉ có ba bộ quần áo, một bộ mặc trên người, hai bộ nhét dưới chân. Làm cho nhiều tiền lắm bạc, ăn uống thoả thuê như bố thì lúc đi cũng chỉ một tay cầm một túi gạo sống, một tay cầm một túi tiền cắc độ mười đồng. Nệm ấm, chăn êm cho lắm thì cuối cùng cũng chỉ được nằm trên một tấm khăn thêu hoa sen, được đắp một mảnh chăn nhiễu mỏng Đà La Ni.
Tôi đã dừng lại. Sau cái ngày trả xong phần hụi cuối cùng tôi đã không còn đi bán thêm hàng mỹ phẩm nữa. Tôi cũng bỏ luôn cái việc làm khai thuế bốn tháng mỗi đầu năm. Tôi chỉ còn độc nhất cái việc làm chính ở sở xã hội của tôi. Thì giờ còn lại tôi bắc ghế bố ra vườn nằm đọc sách, làm thơ gởi đăng báo. Cái giấc mơ trở thành triệu phú của tôi tan tành theo những làn khói hương ẻo lả bay lên không trung trong ngày đưa bố lên Đồi Hồng. Tôi quên mất cái ý tưởng làm chủ điền, chủ địa, “phục thù” cho những ngày cam khổ xa xưa. Tôi chỉ ước mơ một cuộc sống bình thường có vợ, có chồng, năm ngày trong tuần lễ đi làm, cuối tuần có thì giờ đưa con cái đi chơi, đi chùa.
Nhưng cuộc sống của tôi đã có vẻ bất bình thường từ một ngày tháng hai sau Tết, khi Thảo đưa cho tôi xem tờ giấy màu hồng của sở đã phát cho anh. Tôi không hiểu người ta đã có ý niệm gì khi chọn màu hồng, cái màu biểu tượng của tươi vui, hạnh phúc, để làm màu giấy báo tin cho một sự xáo trộn, một viễn ảnh tương lai u tối. Thảo có sáu mươi ngày, sáu mươi ngày ngắn ngủi, liệu Thảo có đủ thời giờ để tìm được một việc làm khác hay không?
Cuộc sống của tôi đã thêm mất bình thường khi Thảo được anh chàng cho xem cái điện tín vừa nhận: - Mẹ và các em sẽ đến phi trường Los Angeles ngày 1 tháng 5 -
Tôi thấy sự lo âu trên đôi mắt chồng tôi, mặc dù Thảo đã chối bay biến là chàng không lo lắng. Tôi cũng thấy Thảo trằn trọc như những đêm dài của mười hai năm về trước, khi một điện tín từ miền quê nhà chàng đã được gởi sang: - Ba bệnh nặng, gần gấp mười hộp thuốc. -
Tôi hiểu điều mà Thảo đang nghĩ đến…