CHUYỆN NẮNG MƯA
Mây Lành
Thời tiết Canada năm nay thật lạ. Mùa Đông rất lạnh và kéo dài lê thê. Những ngày bão tuyết, đất trời ảm đạm, đường phố ,nhà nhà ngập đầy tuyết trắng . Thế rồi , chợt nắng , chợt mưa. Chiều nay, cơn mưa rả rich, khiến Thùy Vi cứ ngỡ mùa hè đang đến . Nàng nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, những năm tháng gia đình nàng còn ở quê nhà Bỗng, tiếng con trai út của nàng từ trên lầu vọng xuống:
"Mẹ ơi! Ngoài trời đang mưa đó mẹ !." Sáng nay, trời nắng tốt, vậy mà chiều nay đã chuyển mưa rồi. Ông trời lúc nắng , lúc mưa, thất thường quá há mẹ ?
Thuỳ Vi im lặng, nghe tiếng chân con đi xuống cầu thang và đến gần mình. Thùy Vi nhìn con. Con nàng ngừng nói, khuôn mặt đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. Mưa rơi khá nặng hạt , cảnh vật nhạt nhòa một màu trắng xóa. Thùy Vi chờ đợi câu nói tiếp của con . Câu nói này thật quen thuộc với nàng ,vì mỗi lần nhìn mưa rơi , cả hai con trai của nàng vẫn thường nói cho nàng nghe . Đúng như điều nàng nghĩ , con trai út nàng tiếp lời :
"Cứ mỗi lần thấy mưa sao con nhớ Việt Nam mình quá ! Nhớ nhất là căn nhà lá của mình. Hễ mưa to là con với anh Thuần lại được mẹ cho tắm mưa. Nước mưa mát lạnh tụi con thích lắm mẹ à."
Thùy Vi nhìn con cười. Đã hơn mười mấy năm trời sống nơi xứ người , con nàng vẫn còn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm nơi quê nhà . Đây là điều đáng quý. Riêng Thùy Vi , làm sao nàng quên được những hình ảnh vui buồn ngày xưa ấy . Thùy Vi sinh ra và lớn lên tại thi. xã Phan Thiết, một thành phố hiền hòa , đậm đà mùi biển mặn. Kỷ niệm tuổi thơ của nàng cũng đầy màu sắc tươi vui , nhưng có một điều nàng thiếu , đó là cùng các bạn tắm mưa . Mỗi lần như thế, Thùy Vi thường ngồi trên hiên nhà , nhìn các bạn cùng trang lứa vui đùa ngòai mưa mà lòng thật thèm thuồng . Thuỳ Vi thường năn nỉ ba nàng, nhưng ba nàng không bao giờ đồng ý :
"Con là con gái , ra tắm mưa ngoài trời như vậy không tốt. Vả lại con còn nhỏ, ra ngoài mưa mê giỡn với các bạn rồi bị bịnh bây giờ."
Thế là , Thùy Vi ngồi nhìn các bạn tắm mưa mà ấm ức trong lòng. Thuỳ Vi còn nhỏ xíu, vậy mà ba nàng nói gì cứ bảo nàng là con gái. Con gái tại sao lại phải thua thiệt hơn con trai kia chứ. Tại ba nàng khó tính quá , chứ chị Mai, chị Lập trong xóm cũng tắm mưa thì sao?
Thời gian dần trôi, năm Thùy Vi thi Tú Tài 1, lên nhà Nga , người bạn thân của nàng ôn thi. Hôm ấy, trời mưa to, Thùy Vi rủ Nga đi lội mưa . Chao ơi! Thùy Vi thích lắm.. Nàng xách dép, đi chân không, đầu trần , nàng hất chiếc nón áo mưa ra phía sau, . Thuỳ Vi ngước mặt đón lấy những giọt mưa mát lạnh. Nàng thấy lòng mình thật vui . Tối ấy, nàng thức thật khuya để viết một đoạn văn ngắn KỶ NIỆM CHIỀU MƯA tặng Nga . Không hiểu đến bây giờ Nga còn giữ bài văn ấy không?
Đất nước qua bao biến chuyển thăng trầm, đầu năm 1979, Thuỳ Vi lập gia đình. Hai năm sau, nàng từ giả cha me , anh em bạn bè, cùng bao nhiêu kỷ niệm đáng yêu của nàng để cùng chồng về Bạc Liêu sinh sống. Nơi đây những ngày mưa gió, Thuỳ Vi thật sự nhớ nhà , nhớ những người thân, bạn bè , nhớ cả Château D’eau in bóng bên dòng sông Cà Ty êm ả , nhớ xóm Cồn Chà vào những ngày mưa nắng, nhớ ngôi trường Nữ tiểu học đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ , nhớ con đường Nguyễn Hoàng quen thuộc đưa nàng đến ngôi trường Trung Học Phan Bội Châu yêu dấu.. Ôi ! biết bao là nhớ….
Lâu dần ,Thùy Vi tập làm quen với đời sống mới, với những người dân chơn chất , mộc mạc của xứ sở ruộng đồng bát ngát , tôm cá đầy ghe này. Hai con trai nàng đã lớn lên nơi đây. Gia đình nàng đã có biết bao kỷ niệm vui buồn gần mười năm trời trong căn nhà lá Đó là căn nhà lợp lá , nhưng vách ván, thềm nhà thì được nâng cao và tráng xi măng thật sạch sẽ , thoáng mát. Xung quanh gồm hai mươi ba cây dừa. Phía trươc nhà ,bên phải là cây ổi sẻ , trái nhỏ nhưng ruột đỏ, ăn vào vừa giòn vừa ngọt, bên trái là những cây chuối xiêm, khi cây đơm quả, quầy chuối nặng trĩu, những trái chuối no tròn vàng ươm., trông thật ngon lành . Phía sau nhà là hai cây sê- ri tươi mát , trái ra quanh năm , hai con trai của nàng ngày nào cũng trèo lên hái ăn . Kế đó là mảnh đất nhỏ, nàng trồng khoai môn thỉnh thoảng nàng mang vào nấu canh hoặc luộc chín cho cả nhà cùng ăn với đường cát. Tiếp theo là hai cây mãng cầu tây, buổi sáng sau mỗi cơn mưa Thùy Vi thường nghe tiếng chim hót ríu rít . Theo kinh nghiệm, nàng biết ngay là có trái chín, nàng vội vàng ra hái mang vào, nếu không , trái chín sẽ rớt “bịch’ xuống đất. Nàng đã nghe một lần và đã tiếc hùi hụi khi nhìn thấy quả mãng cầu , ruột trắng, chín thơm phức nằm bẹp dưới đất.
Cuối vườn là một đià cá . Chồng nàng nuôi cá phi ,cá trê, mùa mưa nước từ các ruộng khác tràn vào. Đến mùa nắng , khi tát đìa , cá trê, cá phi thì ít cá lốc thế mà lại có nhiều nhất. Món cá lốc nướng trui trong rơm, ăn với bánh tráng cuốn rau sống, dưa leo , chấm nước mắm tỏi pha với một ít me chín thì ngon tuyệt. Thời ấy , cả hai vợ chồng nàng đều là giáo viên, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn mà có được một căn nhà như thế thật là diễm phúc lắm rồi.
Mùa mưa đến, những cơn mưa rất lớn, dai dẳng cả ngày. Nàng thường cho hai con trai ra tắm mưa. Hai cậu bé vui đùa thỏa thích, reo hò ầm ỉ nhưng không quên nhiệm vụ phụ mẹ sang nước ra các lu vào những ngày bố vắng nhà. Những ngày mưa lớn như vậy mà phải đến trường thì thật là khổ. Cả thầy lẫn trò đều xăn quần, lội nước bì bõm . Hệ thống mương cống ở đây không được thông thương vì vậy nước ứ đọng rất ư dơ bẩn.. Đêm về tiếng côn trùng, ếch nhái kêu inh ỏi, nằm nghe mà lòng buồn não nuột.
Mùa nắng thì thật là dễ chịu. Mọi vật đều sáng sủa , sạch sẽ . Cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần nhộn nhịp. Những đêm trăng sáng , vợ chồng nàng thường trãi ghế bố, nằm ngắm trăng. Hai con nàng , sau khi học bài xong cũng ra góp phần trò chuyện cùng bố mẹ. Mảnh trăng tròn sáng trên cao, gieo rắc ánh vàng dìu dịu xuống ngàn cây ngọn cỏ. Gió khe khẽ thì thầm cùng ngàn lá, thoang thoảng hương thơm nhè nhẹ của hoa lài trước bàn thờ thiên, Thuỳ Vi thấy lòng nhẹ nhỏm và quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Thật ra , mùa nắng cũng có điều nhọc nhằn, nước dùng, chồng nàng phải đi lấy từ nhà Phụ huynh Học Sinh , cách nhà nàng bốn căn. Kỷ niệm đậm đà buồn cười nhất mà mỗi lần nhắc lại, cả vợ chồng và hai con của nàng đều cười vang.
Năm ấy, Thuần con trai lớn của nàng chín tuổi, Thục thì thua anh năm tuổi. Trong thời gian Thùy Vi nấu bữa cơm trưa, hai con trai nàng thường tắm rửa sạch sẽ trước khi dùng cơm. Việc này nàng đã dạy các con tự làm Trưa hôm ấy , nàng lúc thúc nấu ăn , hai con nàng vừa tắm , vừa reo vui thích thú nơi sân nhà sau. Thùy Vi cầm xoong ra lấy nước để nấu nồi canh, nàng sững sờ nhìn hai con và thảng thốt kêu to:
"Chao ơi ! Sao hôm nay hai con lại nhảy vào lu nước mà tắm. Bố về sẽ đánh đòn các con đó , mẹ không can được đâu. "
Hai cậu bé mở to mắt nhìn mẹ . Mỗi cậu đứng trong một lu nước . Thuần đứng trong lu lớn , Thục thì đứng trong lu nhỏ hơn . Mặt nước đến ngang ngực nhưng đã bị bợn nhơ, vẩn đục bởi xà bông mà hai cậu bé dùng để chà mình. Nghe mẹ nhắc đến Bố , Thuần giật mình, nhanh nhẹn nhảy ra khỏi lu nưóc . Còn Thục thì loay hoay và mếu máo :
-Mẹ ơi! . Mẹ ẳm con ra đi mẹ. Bố có đánh tụi con , mẹ xin tội cho tụi con nghe mẹ !
Thuỳ Vi thấy con tội nghiệp. Nàng vội để cái xoong xuống thềm , hai tay nàng xốc nhẹ Thục ra. . Nàng dùng nước của lu khác để tắm lại cho hai con. Nàng hiểu trò chơi này là do Thuần bày đầu . Thuần tính nghịch phá và thông minh hơn em , luôn bày đủ trò rắn mắc khiến nàng rất vất vả với Thụần . Tuy bực mình nhưng nàng hiểu tuổi thơ là thế, nàng vừa tắm cho con , nàng vừa hỏi:
- Mùa nắng , bố xách nước cực khổ lắm, con có biết không Thuần ?
- Dạ ! Con biết. Nhưng lúc rủ em Thục nhảy vô lu tắm con quên mất..
Thuần trả lời mẹ với vẻ mặt lo âu , sợ hải. Thuần hỏi mẹ:
-Mẹ ơi ! Chắc chắn bố sẽ bắt hai anh em con nằm xuống để đánh đòn , phải không mẹ?
Thuỳ Vi nhìn con: - Lúc nghịch phá sao con chẳng chịu nhớ, bây giờ lại lo.
Thùy Vi lấy quần áo cho hai con thay, và bắt hai con ngồi trên đi-văn chờ bố đi dạy về mà xin lỗi.
Thùy Vi đứng ngoài sau bếp , nhưng nàng nghe tiếng chân của Thành bước lên thềm. Vừa vào nhà , nhìn khuôn mặt ủ rủ và đầy lo sợ của hai con. Chàng thật ngạc nhiên,vội hỏi:
- Có chuyện gì vậy ? Chắc hai con quậy phá gì để mẹ la phải không?
Cả hai cậu bé đều im lặng nhìn Bố. Thành đến gần con, chàng nhìn Thuần:
- Chắc con xử đầu hai anh em phá gì phải không? . Nói thật bố nghe đi.
Thuần ngập ngừng , hai tay nắm vào nhau, mắt lấm lét nhìn Bố:
-Con lỡ xúi em Thục nhảy vào lu nước tắm
Vừa nghe con trả lời , Thanh sững sờ la to: - Con nói gi` ?Môĩ đứa đứng tắm trong một lu nước hả?
Nhìn thấy con gật đầu, chàng thở dài : - Thiệt tình, Bố cũng chiụ thua con luôn, nghịch gì quá mức vậy..
Thế là Thành đi thẳng ra nhà sau. Nhìn Thuỳ Vi , Thành hỏi ngay:
- Lúc đó Vi ở đâu mà để hai con nghịch vậy?
Thuỳ Vi trả lời:
- Vi đang nấu ăn, mọi khi hai đứa cũng tự tắm , bỗng dưng hôm nay lại nghĩ ra trò chơi này.
Nhìn hai lu nước , Thành bực bôị, gọi to: - Thuần , Thục hai đứa ra đây Bố bảo.
Hai câụ bé vội vàng chạy ra, nét mặt đầy lo lắng . Thùy Vi cũng lo không kém gì con . Nàng không hiểu Thành sẽ xử phạt con bằng cách nào. Thành bảo hai con đến gần lu nước, chàng hỏi:
-Nước bây giờ dơ như vầy, liệu có xài được nữa không ? Thuần làm anh, vậy trả lời cho bố nghe coi.
- Dạ không .
- Bố sẽ đổ nước này đi. Hai con phải tự xách nước đổ đầy lại hai lu cho bố. Thục làm em, anh xúi bậy mà nghe lời, bố bắt con qua bơm nước . Còn Thuần thì xách nước từ nhà chú Phúc về đây, tự đổ vào lu. Xách không nổi nguyên thùng thì xách nửa thùng hoặc một phần ba thùng cũng được.
Thuỳ Vi vừa nấu ăn nhưng vẫn để ý , lắng nghe.. Nàng muốn cười khi nghe Thành nói nhưng không dám. Nàng liếc mắt nhìn hai cẩu bé. Thục mới bốn tuổi, ốm, nhỏ con làm sao nhấc nổi cần nước. Thuần tuy cao to rắn chắc hơn em nhưng làm sao nổi chuyện này . Thùy Vi không vội lên tiếng xin cho con . Nàng muốn các con phải nhớ kỷ lần này để không bao giờ tái phạm nữa. Nàng nghe tiếng Thuần nói với cha:
Bố ơi! Con xin lỗi bố, lần sau con không dám nữa. Thôi thì bố đánh con đi, chớ xách nước con xách không nổi , bố à !.
- Nhảy vào lu nước tắm được là con phải xách nước được. Không được cũng phải được.
Nghe bố gằn giọng, vẻ mặt rất kiên quyết, Thuần sợ quá khóc òa. Thục cũng mếu máo khóc theo anh:
- Bố ơi! Con cũng không bơm nước nổi đâu ,cái cần nước nặng lắm
- Thành quát to : Chưa làm mà đã biết nặng. Hai con phải đi xách nước về đây rồi tự đổ nước vào lu để biết cái cực khổ của Bố
- Thục khóc to , cậu bé nhìn vào bếp kiếm mẹ :- Mẹ ơi ! Xin Bố cho tụi con đi mẹ!
Nhìn hai con nước mắt chan hòa , Thùy Vi thấy thương . Nàng đến gần , nhỏ nhẹ nói với Thành: -Thôi ! Lần đầu Bố tha cho hai con đi ! Lần sau, nếu tái phạm chắc chắn sẽ bị phạt như vậy. Hai con hãy xin lỗi bố , hứa chắc là sẽ không làm như vậy nữa.
Thuần , Thục nghe lời mẹ, vội vàng xin lỗi bố. Thành nghiêm nghị nói với hai con:
-Nếu lần sau mà hai con còn tái phạm, chẳng những Bố phạt hai con mà còn đánh đòn mẹ của các con nữa. Về tội, ở nhà mà chẳng trông chừng các con cho đàng hoàng.
Thục vội giẫy nẫy:- Không được. Bố không được đánh mẹ
Thuần kề tai nói nhỏ với em : Bố biết hai anh em mình thương mẹ. Bố nói vậy đó, chứ Bố không đánh Mẹ đâu.
Bé Thục quay qua ngây thơ hỏi anh : Có thiệt vậy không , anh Thuần ?
Thuỳ Vi mỉm cười nhìn hai con: Cố gắng, đừng phạm lỗi nữa , không thì Bố đánh cả mẹ luôn. Thôi , hai con ra rửa tay rồi vào ăn cơm
Câu chuyện buồn cười này cứ mãi gợi nhớ trong Thùy Vi mỗi khi cơn mưa đầu mùa chợt đến . Nàng nhớ lại từng chặng đường đã qua đi trong cuộc đời của nàng. Những kỷ niệm buồn vui là những vết son tô điểm cho cuộc sống thêm màu sắc, là sơị giây thân ái thắt chặt tình cảm giữa người với người. Nhưng đôi khi, kỷ niệm đau buồn sẽ là những vết thương rỉ máu, là những nổi sầu khó vơi, là từng giọt đắng len lỏi vào trái tim ta . Dòng sông cứ mãi trôi ra biển cả. Thuyền đời thì mãi lênh đênh trên sóng nước cuộc sống , lúc êm ả, lúc gập ghềnh , bão táp phong ba. Những ai đã vững tay lèo lái để đi đến bến bờ hạnh phúc ? Và những ai đã mệt mỏi buông lơi tay lái , phó mặc cho số mệnh? Riêng mình thì sao ? Thuỳ Vi thầm hỏi chính mình. Hơi ấm từ vòng tay của Thành choàng qua vai nàng. Chàng thì thầm hỏi nhỏ :
- Vi đang suy tư điều gì vậy ?
Vi mỉm cười nhìn qua khung cửa sổ, , ngoài trời mưa vẫn còn dai dẳng. Nàng nói thật khẽ :
- Vi đang nghĩ đến CHUYỆN NẮNG MƯA của trời đất.
Mây Lành ( 25/03/08 )