Muối mỏ, muối mạch, muối tảng khai thác hoài thì có hao dần, tùy chỗ, cho tới khi cạn láng, không tự tái tạo. Muối núi hay muối đá (rock salt) ở Himalaya tới nay mòn thì có mòn, nhưng vẫn chưa khai thác hết. Muối đóng thành đá vì qua mấy trăm triệu năm muối đã bị thời gian ép lại (giống như than đá vậy đó, ở đây cũng có nhiều mỏ than đá lớn) cứng ngắc cứng ngơ, nước chỉ chảy qua được và bào mòn những mặt tiếp xúc với không khí hoặc đất cát, còn thì con người đến đục từng tảng (slab) đem đi tới đâu thì coi như bị...mẻ tới đó, chưa nhằm gì mấy. Muối ở Himalaya nổi tiếng nhờ có màu hồng (do các khoáng chất ở vùng đó) làm cho khó bị làm giả. Nhưng mỏ muối ở Himalaya mới là mỏ muối lớn thứ nhì trên thế giới thôi. Lớn nhất là mỏ muối (đá) ở bên ONtario, Canada, dài 3.2 km và rộng 2.4 km.
Có những hầm mỏ muối là những hầm mỏ dưới mặt đất, người ta khai thác cũng giống như mỏ than, tùy mỏ lớn hay nhỏ, từ từ rồi cũng hết. Vùng đất gần New York là vùng mỏ muối đó Tonka. Xưa kia, hơn trăm năm trước, họ khai thác muối ở New York, có những mỏ khai thác hết rồi thì đóng lại. Hiện nay vẫn còn những mỏ muối khác gần New York vẫn đang khai thác. Dĩ nhiên, khi muối bị đục dưới lòng đất để đem đi thì để lại những khoảng trống (chamber), nước len lách vào cuốn theo những gì mà nó rủ rê được và làm mặt đất ở trên hay gần đó dễ bị sụp lở, gây tai nạn hay...nghiêng thành đổ nước (thật đó). Những mỏ muối ở Salzburg (bên nước Áo) cũng đã được khai thác hết, sau này họ xây dựng bên dưới thành những địa điểm du lịch, có đưa du khách đến viếng thăm di tích (Mme Ngô và chị có viết chung một loạt bài về Salzburg lâu rồi).
Muối mạch là muối khai thác từ những "giếng", những "giòng" nước muối (salt brine) ở dước mặt đất không biết từ đâu cứ tuôn tuồn tuồn đến (giống như mình đào giếng thì thường có nước ngọt, múc hoài múc hoài). Ngày xưa người ta đào sâu xuống và tìm cách bơm nước muối lên rồi nấu thành muối, hay đào thành hầm mỏ gửi người xuống lấy nước muối, nấu ngay tại chỗ cho nước muối cạn, còn lại muối, rồi lại chuyên chở muối lên mặt đất. Những mạch muối này cũng vậy, tùy nơi, tùy chỗ, cũng cạn dần, chỉ nhanh hay chậm mà thôi.
Điều kiện làm việc dưới hầm mỏ nói chung đã là quá lao lực, nhưng riêng với mỏ muối thì trăm lần lao lực hơn các mỏ khác vì muối hút sức nóng, ở dưới mỏ muối là điều kiện của hỏa ngục trần gian, theo nghĩa đen. Hồi xa xưa, chỉ có tù binh, tử tù hay nô lệ mới bị đưa xuống làm lao động ở dưới các mỏ muối, chẳng khác nào để thụ án tử hình. Có những mỏ muối người ta vừa mới gửi xuống mười hai người nô lệ, vài ngày sau chết hết bảy. Họ lại đòi gửi xuống mười hai người nữa, hỏi tại sao mười hai mà không là bảy, trả lời là vì để lo trước, con số mười hai người mới này sẽ giảm xuống còn năm chẳng mấy ngày sau đâu! Tới thế kỷ 14, con người ta đã học hỏi được thêm, điều kiện làm mỏ muối cũng khá hơn chút, người lao động nghèo (gọi là người tự do, để phân biệt với tù binh, tử tù và nô lệ) muốn kiếm sống thì đi làm mỏ muối. Vậy mà khi có người chịu khó chui vào hầm mỏ để tìm hiểu thì mới biết ở dưới mỏ muối, thợ mỏ đàn ông phải tự ý cới bỏ bớt quần áo, cho khỏi nóng nực, họ chỉ cởi trần và mặc quần lót, tay cầm thuống sắt để đào mỏ, như thể đào vàng đào bạc cho chủ, mồ hôi họ lúc nào cũng đổ như tắm. Còn thợ mỏ đàn bà và trẻ em lao động, làm những việc nhẹ hay tiếp tế thức ăn cho thợ nam, thì cũng tự ý bỏ bớt quần áo, chỉ mặc tối thiểu để khỏi lõa lồ. Tình trạng này quá thảm hại, xuống quá xa nhân phẩm của con người, thành ra nhiều nước sau này cấm không cho phụ nữ và trẻ em xuống mỏ muối làm phụ nữa.
Tới thế kỷ thứ 16, mỏ muối đã có thể được đào rộng hơn, sâu hơn, người ta nghĩ ra cách dùng những cỗ xe do tám con ngựa kéo để tải muối qua lại trong hầm mỏ và lên khỏi mặt đất. Những con ngựa này chẳng có tội gì hết cũng đeo vào hàm mỗi con một án tử hình, vì ngựa đã xuống hầm mỏ chở muối rồi thì chỉ có khi nào chết mới hết làm mỏ muối mà thôi.
Làm thợ mỏ muối thì khổ cực trần ai như vậy đó, nhưng làm chủ mỏ muối và làm nghề đánh thuế muối thì khỏe lắm. Như bên Trung Hoa thời xưa, một hạt muối đi từ mỏ muối đến tay người tiêu thụ thì đã phải trả qua 42 lượt đóng thuế. Bất cứ ai dính đến đường dây buôn bán muối đều giàu (dĩ nhiên người thợ mỏ là không thuộc vào đường dây buôn bán này). Muối là chủ lực của đời sống, không phải chỉ để nêm cho thức ăn đậm đà, ngon miệng, mà chính là để đóng vai trò giữ thức ăn được lâu, nhất là cá. Ngày xưa, mỗi lần muốn mở cuộc chiến tranh là người ta phải lo chuẩn bị muối và cá muối để làm lương thực nuôi quân (La Mã, Pháp, Anh, mọi xứ - chỉ trừ Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ là trữ bánh tráng, có lẽ), các bậc vua chúa mua muối và mua cá muối ỳ ỳ. Người ta muốn chinh chiến thì phải thủ sẵn muối. Rồi lại có những phen chỉ vì muối mà người ta phải bày ra các cuộc chiến chinh. (Nhưng cũng có khi muối đem lại hòa bình như muối của Gandhi.)
(còn tiếp)