Những năm trước, nghề ảnh nghệ thuật bên quê nhà cứ chĩa ống kính vào những thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang và những vùng lân cận là ăn chắc. Các cuộc triển lãm nhiếp ảnh cứ thế mà trưng ra mê man biết bao là ảnh ruộng bậc thang. Gần đây, ruộng bậc thang tạm nghỉ. Bây giờ ảnh nghệ thuật là phải có những ruộng muối trắng phau bên bờ biển xanh. Là dân nước Việt, tôi lớn lên vẫn nghĩ chỉ có biển là cho ta muối nhiều nhất. Lại thấy đồng bào miền núi quý muối, đổi gì cũng lấy muối, phải về xuôi mới mua được muối, tôi vẫn đinh ninh muối chỉ từ dưới biển dạt lên.
Bây giờ thì tôi biết muối có ở trên núi, trong hồ, có thể đóng thành tảng hay chảy thành mạch len lỏi trong lòng đất, trong những mạch nước mặn mà người ta phải bơm lên. Người ta kể được ít nhất là 101 công dụng của muối và nếu tính theo số loại hàng công nghiệp, kỹ nghệ và dược phẩm, có hơn 14 ngàn mặt hàng đã được sản xuất với sự tham gia của muối rồi. Những con số này sẽ còn tăng lên.
Hôm nay tôi mời bạn hãy cùng tôi đi thăm Biển Chết, nơi có muối từ nước tự khô và kết tinh dưới ánh mặt trời. Gọi là Biển Chết vậy chớ đó là một cái hồ rộng mênh mông, trải dài từ Bắc xuống Nam là 67 cây số, chỗ rộng nhất là 18 cây số. Hồ Biển Chết nằm giữa hai nước là Do Thái (chích xác là West Bank) và Jordan (thuộc khối Ả Rập) nên biên giới cũng chạy như ma ở giữa hồ. Cứ tưởng tượng hồ nằm giữa, bên trái là Do Thái và bên phải là Jordan, thì phía Bắc của hồ thuộc gọn về lãnh thổ của Jordan, còn xuôi xuống phía Nam của hồ thì hai nước chia đôi phần hồ này, biên giới ở ngay chính giữa, gờn gợn giữa hồ, không có cổng, không có khóa gì hết.
Biển Chết lấy nước từ nguồn chính là sông Jordan, chảy từ Bắc xuống Nam vào tới Biển Chết là bí lối. Nước sông Jordan vốn là nước ngọt, nhưng chảy chan vào Biển Chết đành phải hòa chung với muối của Biển Chết, mặn chát. Vậy hỏi tại sao nước Biển Chết lại mặn? Vì trong nước Biển Chết có những khoáng chất tự nhiên đã mặn, nước hồ (vì lọt thỏm vào đất liền của vùng sa mạc) mặn như nước biển. Nói "như" thì quả là chưa vừa. Trên trái đất có vài cái hồ nước mặn, thì hồ Biển Chết là mặn hạng nhất, mặn gấp hai lần nước hồ Salt Lake ở tiểu bang Utah và mặn gần gấp mười lần nước biển ngoài khơi. Tỷ trọng của nước Biển Chết là 1.24 (tỷ trọng của nước thường là 1). Vì ở vùng sa mạc, khí hậu khô và hiếm mưa, nước hồ bốc hơi rất nhanh, tròi ra muối là chuyện thường. Biển Chết có vị trí địa lý thấp nhất trên thế giới, chỗ sâu nhất thấp hơn mực nước biển 400 mét (nhưng nhiều chỗ lại cạn nhách, chừng 50 mét sâu mà thôi). Và vì nước mặn quá, không động vật, thực vật nào có thể sống trong môi trường này, biển gọi là Biển Chết. Mặt hồ vì nhờ không có thực vật sống sót nên có những ngày phẳng lặng và trong xanh, như một tấm gương.
Nhưng chớ thấy cái tên Biển Chết mà nghĩ là vùng đất này chắc khô cằn, chỉ có ho và gáy. Không phải vậy đâu. Biển Chết là một địa điểm du lịch nổi tiếng của thế giới. Khách du lịch đến đây (thường là về phía Jordan cho khỏi bị vạ lây với tình hình chiến tranh ngầm giữa dân Do Thái và Palestine ở West Bank) để thưởng thức vẻ đẹp của mặt hồ phẳng lặng và trong như gương trải dài. Một điều đặc biệt là ai đến đây cũng thích thú nhào xuống nước để nước nâng mình lên, có muốn chìm cũng không phải là được. Ốm mập gì ai ai cũng tự động nổi lên. Nước có nhiều khoáng sản, trong xanh nhưng nước hơi keo. Nhiều người nói họ có cảm giác rất dễ chịu, như được nước hồ xoa dịu, vỗ về mình. Jordan thường lập những cái Spa, với khách sạn du lịch, gần hồ, và hốt bạc với nghề spa. Khách đến càng ngày càng đông vì quả thật nước muối của Biển Chết chữa được nhiều thứ bệnh và có tác dụng đấm bóp. Muối của Biển Chết được đưa vào thị trường mỹ phẩm như một dược thần chữa bệnh, làm đẹp, nhất là chữa trị cho da, bán khắp thế giới. Họ cũng đến đây để được làm mặt nạ bùn, chữa da khô, da mụn, da nhăn...
Ngày xưa, Biển Chết cũng là nơi nữ hoàng Cleopatre đến vãng lai và làm chuyện dưỡng da. Nhờ vậy mà da của bà mới đẹp.