Trời lạnh nói chuyện len (9)Người tiêu thụ rất dễ nhầm lẫn không phân biệt được len mohair và len angora, những cuộn len tròn, cuộn nhỏ hơn len cừu nhiều lắm. Dễ nhầm lẫn vì hai thứ khác nhau chút đỉnh mà tên của loài dê và loài thỏ cho hai loại len này lại giống nhau: dê angora và thỏ angora. Nhớ nghe, dê angora cho len mohair, còn thỏ angora cho len angora.
Thỏ angora phát sinh từ vùng thủ đô Ankara của nước Thổ Nhĩ Kỳ. Loài thỏ này có bộ lông dài và mượt, vuốt rất mềm tay. Cách đây nhiều thế kỷ, thỏ angora bắt đầu được du nhập sang Pháp, làm thú cưng (pet) của cung đình. Đến cuối thế kỷ 17 thì thỏ angora sinh sôi nẩy nở tràn lan khắp châu Âu. Việc phải đến đã đến, người châu Âu không thể nào làm ngơ trước mớ lông vừa mềm, vừa mịn như nhung của thỏ angora. Thế là len thỏ len lỏi bước vào thị trường. Người ta lấy lông thỏ bằng cách xén, chải, hoặc nhổ nhẹ bằng tay. Khỏi phải nói, len thỏ rất đắt tiền.
Xem hình thì biết tại sao len angora lại đắt tiền.
thỏ angora ở Anh (chắc ăn cà rốt quá nhiều nên lông có màu vàng đậm.
Ê! Cái mền len này làm sao sánh bằng cái mền len...của tui chớ!
Còn dê angora cho len mohair thì ở đâu? Thưa, dê angora ngày xưa sống ở Kashmir, vùng thung lũng giữa rặng Hy Mã Lạp Sơn và rặng Pir Panjal, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, rồi nay di qua cả Hoa Kỳ. Đây là loại thú có thể cho lông để làm len một năm hai lần, trong khi cừu, lạc đà, Llama, alcapa chỉ có thể cung cấp lông mỗi năm một lần thôi. Len làm từ lông dê angora mềm và bóng hơn tất cả các loại len khác, xoăn hơn các loại len khác, nhờ đó len mohair từ dê angora có giá trị cao, bán rất đắt, chỉ kém giá len cashmere có một chút, tới nỗi nhiều nơi còn dùng len mohair để trộn vào len cashmere để có thể bán "phá giá", lập lờ giữa len cashmere 100% và len cashmere vàng thau lẫn lộn.
dê angora vừa lấy lông xong
còn mặc áo lông thì dê bảnh bao như thế này nè.
hay ít ra thì cũng bảnh như thế này chứ.
Nhưng vậy thì len cashmere là len ở đâu ra? Cashmere là len tốt nhất à?
Đúng vậy, cashmere là len tốt nhất, làm từ lông bông (down) của loài dê Kashmir hay cashmere ở núi Hy Mã Lạp Sơn, Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Ấn Độ, Hồi, A Phú Hãn, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Anh gọi dê này là cashmere goat). Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu nuôi dê cashmere. Để lấy được đúng thứ len quý cashmere, không lẫn với lông ngoài của dê, người ta cắt bớt lớp lông ngoài rồi mới dùng lược chải, chải theo chiều dọc của lông để lược kéo phần lông bông ở trong ra (giống như phần lông bông của lông ngỗng, gần da). Luôn luôn người ta chừa một phần lông lại để dê cashmere còn chống lạnh. Coi vậy chứ phần lông bông này cũng khá dài, cỡ 20cm là thường. Lông dê cashmere rất nhẹ, rất rất nhẹ, một con dê coi lớn vậy chớ lấy lông bông xong đem cân lông thì thấy chỉ được chừng 150gr chứ không hơn. Đây là loại lông len nhỏ chiều nhất, không thấy sợi. Và cũng vì rất dễ có sự nhầm lẫn giữa len mohair và len cashmere, mỗi xứ đều có luật lệ định chuẩn riêng cho len cashmere. Thông thường. mỗi đơn vị "dầy" của len cashmere chỉ có thể có cở tối đa khoảng 15 microns đến 16.5 microns mà thôi, khi mỗi micron chỉ là 1/1000 của 1mm. Bởi vậy, những xứ tiêu thụ len cashmere như Anh, Ý, Hoa Kỳ, Nhật cũng thường hợp tác với những người chăn nuôi dê cashmere dân dã bằng cách gửi người lên núi huấn luyện cách chải để thu hoạch lông làm sao cho có lợi nhất khi tung ra thị trường, nghĩa là làm sao chải lông bông mà không kéo lẫn lông cứng lẫn vào làm mất giá len. Ai đã từng mặc áo len cashmere hẳn biết cái mỏng và nhẹ của chiếc áo, mỏng nhẹ mà vẫn ấm, ấm mà vẫn thoáng cho da dễ thở, dễ chịu, tuyệt vời!
dê cashmere ở Hy Mã Lạp Sơn đây - len trắng của dê cashmere trắng là loại len cashmere đắt tiền nhất
dê cashmere
Hình ảnh: Wikipedia và tạp chí National Geographic