Chị Ba Tê và PC, kỳ này Huệ đi New Orleans mà không đem theo máy chụp hình. Trước khi đi coi dự báo thời tiết thấy thứ hai và thứ ba nhiệt độ ở khoảng hơn 70 độ, qua thứ tư và thứ năm thì cỡ 50 độ. Huệ chỉ đem theo một cái carry-on để quần áo cho bốn ngày...nóng lạnh và một cái brief case để laptop cùng tài liệu, giấy tờ. Huệ kéo hai cái lên máy bay, không gửi hành ký, nên hạn chế nhiều thứ lắm và vì thế Huệ không đem theo máy chụp hình. Đến nơi thì đói bụng quá xá, cả nhóm rủ nhau đi ăn. Đường phố đã lên đèn, đẹp lắm. Gió đêm hiu hiu thổi nhẹ, không lạnh lắm, trời tốt, thật là một buổi tối đẹp.
Huệ tạm trú tại khách sạn Iberville Suites trên đường Iberville vì chỗ này giá phòng cho nhân viên chính phủ có gồm luôn valet parking, chứ riêng tiền đậu xe của khách sạn ở French Quarter cho khách vãng lai khác thì thường là ba bốn chục một ngày, gửi xe xong nghèo luôn. French Quảter là vậy đó, không chịu thì thôi. Đi công tác cho chính phủ thì ngoài tiền máy bay, nhân viên được trả tiền per diem là tiền chi tiêu hàng ngày, kể cả tiền khách sạn, tiền thuê xe chính phủ trả riêng, nhưng tất cả đều có giới hạn. Nếu mình xài quá mức thì cứ tự nhiên móc túi mà bù vào chỗ trống. Khách sạn này rất tốt và an ninh, vào cửa xong phải dùng thang máy lên lầu hai mới thấy được reception. Mỗi suite đều có salon, tivi và bàn giấy ở một phòng riêng, kitchenette với tủ lạnh, tủ sắt nhỏ (safe) nối vào phòng ngủ, thêm một tivi và một bàn viết nhỏ nữa. Sáng hôm qua mới bốn giờ Huệ đã phải thức dậy để làm việc, đọc và gửi email về sở, chuẩn bị cho những buổi họp ở New Orleans. Bảy giờ rưỡi thì nhóm Huệ có mặt ở một cơ sở nằm trong một trung tâm không gian. Đi làm ở bên Mỹ vào thời buổi này thích thật. Hai tuần trước khi đến, mọi người phải khai báo tên họ, mục đích chuyến đi, có đem theo laptop hay không, vân vân. Khi mình dến, họ đã có hết hồ sơ của mỗi người trong hệ thống, chỉ trình thẻ nửa phút là xong, cho vào. Phòng họp, phòng làm việc, đồ nghề, dụng cụ, vật liệu linh tinh, mọi thứ có một ban tiếp tân lo liệu chu đáo để công việc của khách đến làm việc được thuận tiện và có hiệu quả. Họ tổ chức như vầy cho mọi người đến đây, chứ không biệt đãi riêng ai và đó chính là cái đẹp mà Huệ muốn học hỏi trong việc tổ chức và quản trị. Nhưng bù lại cho những việc sắp xếp chu đáo này, ai cũng phải làm việc kín hết giờ giấc, chỉ còn đủ giờ ăn trưa và ăn tối, chớ đi chơi là không có rồi đó. Vì thế, chuyến này Huệ không có dịp ra ngồi ngóng gió ở Cafe du Monde hay bách bộ dọc bờ sông, dọc theo con đường gọi là Riverwalk. Ngồi đây mà nghĩ tới những cái bánh baignets và một tách cà phê bốc khói của Cafe du Monde thì quả là phiền thật. Mùa này khu French Quarter vẫn đẹp, ngày cũng như đêm, nhưng French Quarter vắng vẻ nhiều so với mùa hè hay dịp lễ Mardi Gras. Dấu vết của trận bão lụt Katrina không còn thấy trên những đoạn đường Huệ đi qua, nhưng khung cảnh vá víu thường lệ của vùng ngoại ô thì vẫn chưa thay đổi và vẫn không cách gì che dấu được.
Nói đến New Orleans mà không nói đến kiểu ăn uống đặc thù của miền đất lai Tây và nặng phần văn hóa ẩm thực phương nam là thiếu sót. Ẩm thực của New Orleans thế nào cũng có cay cay, béo béo, nhiều gia vị, nhiều mùi hải sản, sính đậu bắp. Những món nổi tiếng của New Orleans có crayfish, tôm cua, redfish và thịt cá sấu. Cách nấu phổ biến là nướng, hầm và bỏ lò. Nước chấm của các món hải sản thường là cocktail sauce mà bây giờ Huệ mới biết là tomato sauce (đỏ) trộn radish sauce (cay), nhiều cay, ít cay tùy khẩu vị mà gia giảm phần radish sauce. Thú thật, Huệ không chuộng ẩm thực New Orleans. Hôm nay Huệ gọi món redfish lần đầu ăn thử, chẳng thấy ngon. Chỉ vì đi chung thì ăn cùng, chứ ngồi trong những tiệm ăn đông nghịt mà mọi người trầm trồ, Huệ chỉ muốn đổi phần ăn của mình để đựoc hai miếng Popyes fried chicken thì hay hơn.
Đó là việc ẩm thực, chuyện ăn uống. Còn vui chơi thì New Orleans có hộp đêm, sòng bạc và đầu cá sấu nhỏ phơi khô, cười nhe răng nhọn chờ du khách rước về làm quà cho những vị tò mò.
Grrrrr...